Nhà văn Nguyễn Viện tại Sài Gòn, 2005 Ảnh: Cổ Ngư |
… Chưa bao giờ nhà văn Việt Nam có những điều kiện thuận lợi như hiện nay để có những tác phẩm lớn. Bối cảnh xã hội phong phú bày cỗ sẵn cho những ai biết đón nhận, dĩ nhiên với điều kiện tiên quyết là anh không hèn. Với tôi, tôi cảm nhận một cách chân thành rằng mình đang đứng đúng “điểm rơi” của lịch sử. Bởi thế tôi đã viết miệt mài mê mải, viết tưởng như không bao giờ hết, viết ngấu nghiến, viết như sợ không còn cơ hội nào khác...
… Tôi cũng không chắc thi ca có phải là chất kết dính trong văn của tôi không. Nhưng tôi có thể nói, chất kết dính mà tôi nhìn thấy trong lúc viết là cái tương ngộ ngay trong bản thân chữ nghĩa. Tôi viết không cần chuyển mạch bằng một câu văn hay một liên từ. Tôi nhìn thấy trong chữ này có chữ kia. Chữ nghĩa ẩn nấp trong nhau và tôi bắt nó lộ diện theo một liên tưởng thông suốt và bất chợt, tạo nên cái đa tầng của chữ nghĩa…
(Nguyễn Viện trả lời phỏng vấn của Pierre Bùi)
Nguyễn Viện
ÐI.COM
Phần 2
Muội thường ít khi mặc áo lót vì Muội có một bộ ngực đẹp. Muội nói em thích tai nạn. Nhưng đã không có một gã đàn ông nào hiếp Muội. Cuộc đời Muội như một dòng nước, nó chảy tới những chỗ trũng. Muội muốn làm ngược lại. Em đã nhìn thấy một đứa vừa uống em xong thì lăn đùng ra bất tỉnh. Em cũng muốn được bất tỉnh, nhưng em tỉnh táo quá, em như con quạ rỉa những xác chết.
Tôi nhắn tin lại cho N: “Cứ làm những gì em thích”.
Như thế là điên. N đã uống gần hết một chai Bacardi. Em không thể hứng tình được. Nhưng dẫu sao em cũng phải vất nốt cái quần lót cho một ai đó.
Ở Vĩnh Châu, ngày hôm nay có một cô gái đi lấy chồng. Chồng cô không phải Tiều hay Miên. Người đàn ông ấy nói: “Tôi cũng là dân Sài Gòn. Trước đây tôi ở quận 3.“ Bây giờ hắn có vài vuông tôm, mỗi năm kiếm tiền tỉ. Cô dâu đeo vàng sái cổ. Cũng ngày hôm nay, Muội đá đít thằng nhóc bảo mày không biết đụ thì kiếm mấy con đĩ nó dạy cho, đừng làm thơ làm thẩn. Muội dùng than vẽ trên mặt đường những cái mồm vỡ. Nguyên nhân không được lý giải. Muội bảo ai thích thì cứ vẽ thêm. Có một người làm thơ khác vẽ những cái lông chim cắm vào cái mồm vỡ. Hắn tuyên bố rằng thơ là một tình trạng bệnh lý và người làm thơ là những kẻ bệnh hoạn. Muội nói chỉ vẽ thôi thì chưa đủ, cần phải biết xoá cái mình vẽ. Và Muội đã ngồi xuống đái vào những cái mồm vỡ mình đã vẽ.
Tôi thích vuốt những sợi lông măng trên cánh tay Muội. Muội bảo em muốn làm cho N vui. Ba chúng tôi đi uống rượu. N nói em thèm ăn trứng gà. Nhưng toàn bộ gà đã bị giết vì cúm. Tiếng cục tác chỉ còn trong ký ức. Tôi vẽ con gà trên bàn bằng ngón tay chấm nước. Muội nói em thích những thứ nghệ thuật phù du. Nó như một cuộc làm tình ngắn ngủi nhưng đầy cảm xúc. N đổ rượu vào lòng bàn tay rồi xoa lên mặt Muội, nói: “Trong uống ngoài thoa, mình muốn thấy Muội lên cơn”. Muội bảo chẳng cần phải cơn cớ. Muội ôm hôn N, rồi hôn tôi.
Tôi gọi những ngày như thế là ngày Muội.
Muội bảo em không thể chịu đựng nổi cái niềm tin của người ta vào thế giới này. Năm 2019, Muội đã cắt gân máu tự tử. Máu của Muội có mùi rượu và không đông. Năm 2023, tôi gặp một người y như Muội. Cô ấy cũng vẽ và viết. Cô ấy nói tôi không thích cách người ta tin vào ÐI.COM. Nhưng đột ngột cô ấy qua đời, tôi không biết cái chết của cô ấy có phải do ÐI.COM trừng phạt hay không. N nói em có cảm giác ÐI.COM đang trương nở và vì thế nó ép các cảnh giới khác co lại. Cả không khí cũng bị dồn ép trở nên khó thở. Những người đứng dưới lá cờ đen hô hoán phải giết người này người nọ. Và họ kéo nhau đi tìm kẻ đáng phải chết như thể đó là người gây ra tình trạng khó thở của họ. Bao giờ người ta cũng tìm thấy xác nạn nhân trong tư thế nằm sấp và không có bất cứ một dấu tích nào chứng tỏ có sự mưu sát. Các nhà chức trách cho rằng nạn nhân sợ hãi mà chết, nhưng các xét nghiệm pháp y đều phủ nhận điều đó. N nói em nghĩ rằng họ đã chết trong sự thống hối. Tôi hỏi tại sao lại phải thống hối khi họ không hề là tác nhân gây ra sự khó chịu cho người khác. N bảo đấy chính là cách hành xử của ÐI.COM.
Năm 2006, Muội nói em muốn có con với anh, đừng sợ em ràng buộc. Tôi bảo tôi không ngại ràng buộc nhưng tôi sợ có con. Tôi đã nhận thấy những dấu hiệu can thiệp của ÐI.COM vào đời sống mình và tôi không muốn ÐI.COM có thể làm điều gì đó với bất cứ một sinh linh nào khởi phát từ tôi. Tuy thế, tôi cũng đã làm tình với Muội và tôi cảm thấy khác thường. Tôi thật sự không biết Muội như thế nào. Trước khi Muội chết vào năm 2015, nàng đã đưa tôi đến xưởng làm việc của nàng. Ðó là một kho chứa đầy những máy móc cũ. Muội bảo thật ra em không muốn tạo dựng nên sự sống, mà em chỉ muốn chứng kiến sự sống. Bây giờ đang là năm 2005, tôi tin rằng Muội thật sự yêu tôi. Và tôi biết rằng không phải tôi muốn viết gì thì viết, muốn dựng nên các nhân vật như thế nào cũng được. Muội là cuộc đời tôi sẽ là. Bởi thế Muội không là nhân vật tôi hư cấu. Trong kho chứa máy móc cũ năm 2015, Muội đã cho tôi xem những tác phẩm của nàng. Tôi nhìn thấy tôi trong đó. Dị dạng và mơ mộng. Muội bảo anh chỉ đáng là thế. Anh là một loại phế liệu, nhưng em muốn phục hồi anh bằng cách anh phải vất đi tất cả những gì đã viết. Rồi nàng lột quần áo tôi, nhìn ngắm. Tôi hỏi đùa: “Anh có phải là người em chờ đợi không?”. Muội không nói gì. Ðêm hôm ấy Muội tự sát. Cuộc đời tôi bị gián đoạn. Khoảng trống Muội để lại tôi vẽ vào đó những vệt màu u ám, phân cách tôi thành một tôi khác.
Tôi không thấy vẽ là một động thái có thể hoá giải được những ức chế từ cái chết của Muội để lại, tôi cũng không tin mình có thể sáng tạo được điều gì, nhưng tôi vẫn vẽ như thể tôi sống tiếp những ngày Muội. Và tôi với Muội vẫn ngày ngày lang thang các quán cà phê, nhìn ngó chung quanh. Tôi cảm thấy cuộc sống chậm lại. Bản thân tôi cũng chậm lại. Áp huyết tụt và đầu óc tôi tù mù choáng váng. Tôi không tập trung được nữa. Ðã có một cái gì đấy xâm lấn vào trong đầu, tôi không muốn nghĩ ÐI.COM đã chi phối tôi, làm cho tôi ù ù cạc cạc. Quả thật, tôi thấy mình suy sụp. Nhưng một mặt khác, sự sống chậm lại làm cho tôi bình tĩnh, thanh thản hơn. Tôi không còn cảm thấy phải ganh đua về bất cứ điều gì. Ðâu là chất lượng cuộc sống thật, tôi không biết. Nhưng tôi thấy rõ tôi hơn, trong từng hơi thở, từng bước đi chếnh choáng. Tôi thấy tôi mong manh. Tôi thấy tôi gần gũi với cái chết và có thể chết bất cứ lúc nào. Không sợ hãi, nhưng tôi cũng không muốn sống như đang chờ đợi cái chết.
Tình trạng sức khoẻ của tôi chỉ thật sự được cải thiện sau năm 2016 khi tôi không nghĩ đến ÐI.COM nữa và cũng không nhớ Muội nữa. Có một người đàn bà mang theo ánh sáng đức tin của Phật pháp bước vào đời tôi. Tôi thích gọi Diệu An là Phật mẫu, nhưng Phật mẫu Diệu An bảo em chỉ là cái bóng của anh. Tuy nhiên, tôi lại thấy cái bóng ấy trùm phủ lên tôi, cho tôi một cảm giác an bình, mặc dù Diệu An có một xuất xứ bí ẩn, tôi không thể hiểu. Ðôi khi tôi cũng hỏi nàng: “Tại sao em đến với anh?“ Không bao giờ Diệu An trả lời. Có một điều gì đấy sâu xa thuộc về sự bất khả của nhận thức, tôi cảm thấy mình được phù trì, dẫn dắt đến sự đơn giản.
Trong lúc ấy ở vùng Bảy Núi xảy ra hiện tượng đá chạy. Không ai nhìn thấy đá di chuyển, nhưng sau mỗi ngày, các tảng đá lớn thay đổi vị trí như những quân cờ. Người đàn ông trước kia từng xuất hiện trong vườn tượng dưới chân núi Sam biểu diễn âm thanh và hình thể trở lại. Dường như ông ta đã mù, nhưng không phải vì thế mà không thấy đường, ông ta ngồi thiền bên cạnh các bức tượng, mông cách mặt đất ba tấc. Hàng vạn người tò mò đến chiêm ngưỡng ông và tôn vinh ông là Phật sống. Ông nói Phật sống không phải là Phật. Không một ai giác ngộ điều ông ta nói, họ tiếp tục kéo đến thắp nhang xung quanh chỗ ông ngồi. Sau bốn mươi chín ngày, ông biến mất. Chỗ ông ngồi để lại một vết lõm. Người ta tiếp tục thắp nhang xung quanh chỗ lõm màu nhiệm ấy.
Tôi bị thúc đẩy bởi một tình bạn với Tiến, vì thế tôi cũng đã đến vườn tượng, nhưng không kịp gặp người đàn ông ấy. Vẫn là Phượng vỗ vai tôi từ phía sau: “Anh cũng là người hiếu kỳ sao?”. Tôi bảo không, tôi cảm thấy có một tiếng gọi. Hỏi thăm Phượng bây giờ sống thế nào? Phượng bảo em khám phá ra rằng em chỉ là một thứ tín đồ. Và không bao giờ bước qua khỏi được giới hạn ấy.
Diệu An trách tôi đi Châu Ðốc mà không cho An biết. Tôi nói có những nơi, những điều, những việc có thể dành cho người này mà không dành cho người khác. An bảo tôi không nên phân biệt như thế. Biết làm sao được, Châu Ðốc với tôi là Tiến và Phượng.
Năm 2020, tôi đã về ở nhà Phượng cả tháng, khi ấy mẹ Phượng đã mất. Phượng đón tôi như người thân duy nhất. Dù thế nào tôi cũng không thể là người thay thế Tiến. Phượng đã xuống núi và sống cuộc sống của một người đàn bà bình thường với một bè cá trong căn nhà cũ của mẹ. Phượng nói có lúc em tưởng có thể rũ bỏ tất cả để sống như mình muốn, nhưng rồi em đã quay về. Em nhận ra rằng em vẫn còn một số cái để gìn giữ.
Năm 2005, trong mùa lũ. Nước ngập lối vào nhà Phượng. Tôi và Tiến chỉ nhìn thấy thấp thoáng một mái tôn trắng loá giữa những lùm cây màu xanh. Năm 2020, cũng mùa lũ, nhưng con đường đã được tôn cao, căn nhà cũng đã được xây lại, không còn cái mái tôn trắng loá. Nhưng Phượng bảo công việc của một nông dân như em thì chẳng có gì thay đổi. Lúc rảnh vẫn mắc võng nằm nghe cải lương. Tôi hỏi còn việc tu hành của em ra sao? Phượng bảo gọi là tu cũng được, không tu cũng được. Không phải em muốn nói Phật tại tâm. Tôi hiểu điều ấy. Và tôi thấy thương cảm. “Không kể giai đoạn em sống với thằng bồ đầu tiên như em đã kể cho các anh nghe, hơn mười năm lăn lóc, em vẫn còn trinh đó.“ Tôi sững sờ. Tại sao Phượng lại nói với tôi điều ấy?
Hàng ngày tôi ngâm mình dưới sông. Tôi cảm thấy vui khi nghĩ rằng thằng nhỏ của tôi cũng bơi lội tung tăng cùng đàn cá nhỏ. Phượng cũng tắm sông. Mọi thứ được rửa ráy dưới sông. Ở nhà Phượng, ngoài tôi còn có một con chó. Con chó không phải để giữ nhà vì gặp ai nó cũng vẫy đuôi mừng và lân la liếm láp. Con chó rất sạch. Phượng yêu chó. Ngoài những con cá dưới sông, trong đìa, có lẽ con chó là vật cưng nhất của Phượng. Tôi thường thấy Phượng ôm con chó và vuốt ve nó. Tôi chẳng có lý do gì để ghen với nó, nhưng đôi khi nó lại tỏ ra ghen với tôi. Ðã từng hơn một lần con chó đòi nhảy xổ vào tôi khi tôi cạo gió cho Phượng. Tôi nghĩ, trong ngôi nhà không có đàn ông, không có đàn bà, trẻ con nào khác mà thiếu con chó thì Phượng buồn lắm.
Một hôm Phượng nói với tôi: “Anh có thể ở lại bao lâu cũng được”. Tôi cảm thấy ngay rằng mình phải đi, trước khi quá muộn. Tôi nói: “Anh không thể ở đâu quá lâu.“
N xuống đón tôi. Chúng tôi đi qua Sóc Trăng chơi. N muốn làm một phim về sự hợp chủng ở đây. Tôi nhớ có lần Tiến nói: “Ở chỗ nào người Hoa chọn làm đất sống, thì đó là nơi tốt nhất về mặt địa lý kinh tế.“ Phần tôi, tôi chỉ thắc mắc tại sao đàn ông Tàu lại thích lấy vợ Miên hơn con gái Việt? Có thể tôi đã chỉ nhìn thấy sự lai giống giữa Tàu và Miên rõ ràng hơn Tàu và Việt. Bản thân các cô gái Miên cũng dễ tìm chồng đức hạnh. Hàng ngày các sư trẻ đi khất thực, cứ chọn một sư mình thích cúng dường bồ tát, chờ ba năm sư hoàn thành nghĩa vụ tu hành hoàn tục, đón sư ở cổng chùa. Thế là xong. N bảo anh bá láp quá. Tôi cười, anh nói có gì không nghiêm chỉnh đâu? Chi tiết này em cho vào phim hơi bị đắt.
Chùa Mã Tộc nằm lẫn trong tiếng dơi chi chít. N ngồi dưới bậc thềm bên cạnh tấm bia khắc tên người đã cúng dường sửa chữa cái bậc thềm ấy với địa chỉ tận nước Mỹ. Cái cổ kính thuần nhất nguyên thuỷ gần năm trăm năm được trùng tu bằng cách vá víu cái hiện đại thô lậu của những kẻ mua ơn phước. Tôi cảm thấy một điều kỳ lạ là trước những công trình nghệ thuật đáng kính trọng thì những người kế thừa để gìn giữ bao giờ cũng là những kẻ ngu dốt và phá hoại. N bảo anh đừng quan tâm đến chuyện ấy, hãy nghe tiếng dơi gọi nhau. Chúng vẫn gọi nhau từ năm trăm năm trước và chúng sẽ tiếp tục gọi nhau hàng ngàn năm nữa nếu những ngọn cây cao tít kia không bị đốn. Nhưng có một chuyện buồn, vào một ngày mùa đông lạnh bất thường, con dơi chúa có sải cánh hơn hai thước đã rơi thẳng xuống đất và không bao giờ bay lên được nữa. Các vị sư trong chùa Mã Tộc đã chôn cất nó tử tế và làm cho nó một lễ cầu siêu. Trong ba ngày, ngôi chùa không có một âm thanh nào, kể cả tiếng chó, gà, ngoại trừ tiếng cầu kinh trầm buồn của các vị sư. Ðến ngày thứ tư, người ta nghe thấy có một cơn gió lớn quét ngang, bỗng nhiên hàng ngàn con dơi đang treo trên ngọn cây đồng loạt biến mất. Liền sau đó ngôi chùa cũng đổ sụp. Sự việc xảy ra bốn năm sau ngày chúng tôi thăm chùa. Không có một vị sư nào chết trong tai hoạ này, ngôi chùa được xây dựng lại, to hơn. Tuy nhiên, từ đó không ai gọi chùa Mã Tộc là chùa Dơi nữa.
Vào ngày bi thảm ấy, tại chân núi Cấm, ông Ðạo Tiếng xuất hiện. Ông ta nói: “Một thời đại mới đã bắt đầu. Thày của ta đã được giải thoát khỏi thời gian và ngài sẽ đến giữa chúng ta trong một hình dạng mới, bất khả ngộ, bất khả tri nhưng sẽ chi phối toàn bộ thế gian”.
Không ai quan tâm đến ông ta, bởi vì số người có vấn đề về tâm thần vẫn không ngừng tăng lên.
Trong chùa Mã Tộc năm 2020, N đã đứng lên khỏi bậc thềm và nàng đi theo những cô gái Miên ra phía sau nhà hội trường. N nhìn thấy mấy chuồng nuôi chim bồ câu. Các nhà sư ăn chay và tất nhiên không sát sinh, vậy thì nuôi chim bồ câu để làm gì trong chùa? N tự hỏi. Có một nhà sư đã nhìn thấy N thắc mắc, ông ta đến bên cạnh N: “Bà muốn biết tại sao nhà chùa nuôi chim?”.
“Vâng”.
“Nó là của một sư trong chùa.“
“Chắc hẳn thế”. N cười.
“Chúng tôi không nuôi chim để phóng sinh. Lại càng không phải để ăn thịt. Mà chỉ để đưa thư thôi.“
“Tôi không tin là chim đưa thư thì nhanh chóng và đáng tin cậy hơn internet”.
“Bà nói đúng. Nhưng vị sư ấy vẫn muốn đưa thư bằng chim”.
“Một thú chơi à?“
“Không. Chúng tôi không chơi hay một cái gì đó tương tự”.
“À, tôi hiểu rồi. Làm gián điệp chứ gì.“
“Bà ác khẩu đó. Nhà chùa không có gì phải giấu. Những lá thư của nhà sư ấy được gởi đến núi Cấm, trên ngọn một cây bồ đề. Bà có thể đến đó đọc.“
“Thật sao?”
“Bà biết là chúng tôi phải giải trừ khẩu nghiệp”.
N nói với tôi: “Chúng ta phải đến đó”.
Tôi nghĩ muốn tìm một cây bồ đề thì cách dễ nhất là vào một ngôi chùa. Ở núi Cấm, chùa lớn nhỏ nào cũng có cây bồ đề. Tôi hỏi một vị sư: “Cây bồ đề nhận thư của chim bồ câu ở đâu?.“ Vị sư ấy hỏi lại tôi: “Theo anh, cây bồ đề nào biết nhận thư?”. Tôi nói: “Cây bồ đề nào nhận thư cũng được”. Vị sư ấy nói tiếp: “Vậy thì anh đi tìm làm gì?”. N nói: “Chúng tôi muốn đọc thư của một vị sư nuôi chim bồ câu.“ Nhà sư có đôi mắt tinh nghịch cười bảo: “Tại sao bà không nghĩ người ta nuôi chim bồ câu để thịt?“
Tôi chợt nhận ra, chúng tôi đã tò mò ngu ngốc.
Trên đường về, ghé thăm Phượng và kể cho Phượng nghe câu chuyện về nhà sư nuôi chim bồ câu đưa thư, rằng chúng tôi đã đi tìm cây bồ đề nhận thư như thế nào trên núi Cấm. Phượng bảo không phải ai cũng có thể tìm thấy cây bồ đề ấy. Tôi hỏi: “Em đã tìm thấy nó?”
“Dạ. Và vì thế em đã quay về nhà”.
“Em đã đọc được điều gì trên những lá thư ấy?”
“Cũng không có chi lạ. Chỉ là mấy câu chú trong kinh Phật.“
Tôi đưa N ra bến phà Thị Ðam. Chiếc phà từ hơn một trăm năm trước vẫn nổ ròn rã khuấy động bầu trời và nó còn làm đục nước sông Năng Gù thêm hai mươi năm nữa trước khi người ta xây một cây cầu bắc vào thánh địa Hoà Hảo. Trên phà, N bỗng nôn oẹ giống như người ốm nghén. Về tới nhà, N vẫn tiếp tục nôn oẹ. Tôi hỏi: “Không lẽ em có thai?”. N nói: “Em cũng không biết nữa, nhưng chắc chắn không phải là cảm mạo phong hàn.“ Tôi đưa N đi thử thai. Bác sĩ bảo không có gì. Nhưng sau đó bụng N vẫn to dần lên. N đi siêu âm, chụp X quang, trong bụng N vẫn chỉ là một khoảng trống. Các bác sĩ võ đoán N bị trướng bụng. Mọi thứ thuốc thang chẳng tích sự gì. Chín tháng mười ngày sau ngày N và tôi đến chùa Mã Tộc, thêm ba ngày nữa trên núi Cấm, cộng hai ngày ở nhà Phượng trong thánh địa Hoà Hảo, tổng cộng chín tháng mười lăm ngày, cửa mình N xì ra một tiếng lớn giống như đánh rắm, không mùi. Cái bụng trướng từ từ xẹp xuống.
Khi ấy, dưới chân núi Cấm, người đàn ông chuyên tung tin đồn nhảm theo cách nói của một vài tờ báo lại xuất hiện. Ông ta tuyên bố: “Ðấng hộ pháp của Thày ta đã đến trong hình dạng một cơn bão để dọn đường”. Ông ta lải nhải một câu duy nhất đó suốt ba ngày liền.
Bắt đầu có những đứa trẻ mất tích không dấu vết. Các cơ quan điều tra bó tay. Dân chúng tìm cách giải thích sự việc theo cách của họ. Có người cho rằng bọn trẻ bị bắt đi do một tổ chức bí mật muốn đào tạo một thế hệ vệ binh mới. Có người lại nói bọn trẻ bị ăn thịt bởi một người vô hình. Dù bất cứ vì lý do gì thì người ta cũng không để trẻ con ra đường một mình. Tuy nhiên, cứ khoảng một tuần lại có một đứa trẻ biến mất. Ðặc biệt chỉ xảy ra với trẻ con da vàng và chuyện đó diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Nỗi sợ hãi làm nhiều phụ nữ không dám đẻ.
Chỉ có N mới để ý đến chi tiết trước khi một đứa trẻ mất tích bao giờ cũng có một cơn lốc lớn. Và cơn lốc làm N cảm thấy dễ chịu trong lòng.
Chỉ trong ít năm, số trẻ con bị mất đi một cách đáng kể. Tôi không hiểu vì sao lại có một bộ phận trong dân chúng vui mừng vì điều ấy. Họ nói con người đang được thanh lọc và bọn da vàng tất nhiên đáng được thanh lọc hơn tất cả.
Nhưng chính khi được thanh lọc, bọn da vàng trở nên mạnh mẽ khác thường. Một loạt các nhà văn, nhà triết học Trung Quốc làm khuynh đảo thế giới. Những lối sống mới thực dụng hơn Khổng Tử, khinh khoái hơn Trang Tử và bạo liệt hơn Tần Thuỷ Hoàng đan xen vào nhau, đẩy con người vào những thái cực bất tương dung. Món thịt người được chính thức cho phép kinh doanh tại đất nước rộng lớn này, khi dân số Trung Quốc đứng ở ngưỡng mười tỉ.Và hơn lúc nào hết, nghệ thuật ẩm thực phương Ðông được đẩy lên tới tột đỉnh sự cầu kỳ. Thịt con gái trinh dưới mười tám năm tuổi là món thượng hảo hạng và được đánh giá là có khả năng làm giảm sự lão hoá, bồi bổ nguyên khí.
Vào lúc ấy biên giới các nước châu Á đã được mở cửa tự do thông thương. Nhờ điều này mà đất Trung Quốc bớt chật chội, người Trung Quốc hiếu hỉ hơn. Khái niệm da vàng trở nên đồng nghĩa với người Trung Quốc và nó được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Các nền văn hoá như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam... tiếp tục là bản sao của Trung Quốc như nó đã là như thế từ hàng ngàn năm trước. Triết học Phật giáo của Ấn Ðộ chỉ còn là thứ giải stress của người da trắng.
Có một nhà thơ là cháu đích tôn của một đạo diễn thời chiến tranh 1954 – 1975 vốn thường cắt tai kẻ thù ngâm rượu uống mà tôi biết như chính lời ông ta kể, đã mời tôi một chầu thịt người tại Nam Ninh khi tôi có dịp đến đó. Hắn ta nói: “Chưa ăn thịt người thì không thể làm cách mạng được.“ Tôi bảo: “Tôi không có ý định làm cách mạng.“ Hắn lại nói: “Chưa xem giết người thì không thể thành nhà văn được. Ông có muốn xem không? Tôi dẫn đi”. Tôi không nghĩ đó là một tiền đề đúng, nhưng quả thật, tôi cũng muốn nhìn thấy cái cách người ta mua bán thịt người và giết mổ, xào nấu nó. Nhưng tôi không phải là người can đảm. Tôi nghe kể những gia đình nghèo thường chọn giải pháp bán đi một người để cứu nhiều người. Cũng có khi nguồn thịt người được cung cấp từ các bệnh viện sau khi các bác sĩ đã lấy đi những bộ phận cần thiết.
Mùa đông năm 2050, bên hàng rào quán ăn trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội, nhìn ra đường tôi thấy hàng trăm người mặc đồ đen chạy rầm rập qua. Chúng đến trước một cao ốc văn phòng có nhiều công ty nước ngoài thuê, giương ngọn cờ tang tóc lên, gào rú. Ở một khoảng cách khá xa, tôi vẫn nghe thấy tiếng họ lẫn lộn như tiếng mèo gào, tiếng chó tru, tiếng vượn hú, tiếng cọp gầm, có cả giọng trầm buồn của những con trâu. Kính cửa các văn phòng bung ra, rồi những cái đầu người cũng thò ra. Họ lần lượt nhảy xuống đất, chết. Không hiểu điều gì đã xảy ra trong lòng họ.
Bỗng nhiên tôi nhận ra ở bàn bên cạnh cũng có bốn người mặc đồ đen. Tất cả họ đều có đôi mắt dài dại. Họ đang uống rượu mật người. Dường như họ biết tôi quan tâm đến họ. Một người cầm chai rượu có màu nâu hồng sang bàn tôi, anh ta nói: “Mời anh một cốc. Uống một cốc thành trượng phu. Uống hai cốc thành anh hùng...”. “Còn uống cả chai thì sao?”, tôi hỏi. Hắn cười khà khà: “Uống cả chai thì tự trả tiền”. Tôi không cần trượng phu với anh hùng, cho nên không cần uống rượu. Tôi bảo cho tôi yên. Ngay lúc ấy, Diệu An bước vào. Từ tâm của nàng toả ra. Và tôi đã tránh được sự phiền hà nguy hiểm. Chúng tôi rời khỏi quán.
Tôi ủ mình trong hơi ấm của tách trà. Diệu An bảo “ngồi sát vào với em.“ Tôi thích cặp vú An nhỏ và thanh thoát. Hai núm vú trong veo. Chúng tôi nhìn mưa. Diệu An nói điều cốt yếu nhất đối với anh bây giờ là buông bỏ tất cả. Chỉ có như vậy anh mới tìm được sự bình an và thoát khỏi các tai hoạ.
Tôi hiểu ý An là đừng có đa mang nữa. Thật ra, tôi đã nắm giữ được gì? Cả N và Diệu An và Muội và những buổi chiều trống không vẫn là ngoài tôi. Trong tôi chỉ có mỗi con chim ngọ nguậy không phân biệt địch ta, mơ hồ. Diệu An nói tại sao anh cứ phải qui chiếu mọi sự vào cái ngọ nguậy mơ hồ trong hố thẳm? Tôi cười bảo vì mọi cái khác đều đáng chán. Như Muội cũng từng nói với tôi “hãy làm cái gì với em cho vui.“ Cái đáng chán sâu thẳm và ẩm ướt thiên thu. Cái ngôn ngữ bao cao su xa lìa nhân thế. Rồi Muội quăng bỏ giá vẽ. Rồi Muội ra đường nhặt nhạnh phế liệu. Một thế giới khác từ đáy vực sống lại chỉ để cho một nhận thức phù du. Rồi Muội chết. Những sợi lông măng trên cánh tay Muội về đâu?
Diệu An nói anh hỏng rồi. Em bảo anh buông bỏ thì anh lại nhớ lung tung.
Thật ra, điều tôi cần là buông bỏ chính tôi. Nhưng ÐI.COM chưa tới. Tôi vẫn ngồi với N trong quán cà phê xoay nhìn ra các cửa hàng bán dưỡng khí và cây si chằng chịt rễ, năm 2055. Một khớp cổ tay của N bị sưng. Ðến một tuổi nào đó, cơ thể sinh chứng, bắt đầu cho sự tàn tạ. Những nốt ruồi và thịt thừa đã mọc lan quanh cổ N tràn xuống vai. Cái cổ ngày xưa ngon như một cây giò lụa. Thẳng và đầy. Diệu An năm 2016 là một phụ nữ chín ứa. An dạy Toán ở đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nhưng An lại thích triết lý nhà Phật và những thứ bị coi là của nhà Phật. An khát sống một tình yêu lãng mạn, nhưng An chỉ đi được một nửa mùa cổ điển. Một nửa mùa còn lại An hồi hướng chân như.
Tiến nói khi chưa thọc sâu vào một phụ nữ bằng cái dương vật cứng và nóng hổi thì không thể nói đã biết cô ta như thế nào.
Những ngày cuối đông 2010, kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, tôi cũng đã ở Hà Nội với Muội. Ðối với tôi, Hà Nội một ngàn năm hay Hà Nội một năm cũng như nhau. Tôi có mặt ở Hà Nội chỉ vì Muội. Muội nói “hãy đi với em.“ Cuộc triển lãm của Muội gây một ấn tượng khác thường về sự tái sinh của những hồn ma lạc loài. Nhưng điều thật sự quan trọng của một ngàn năm Thăng Long là tôi đã đâm vào lồn Muội. Hết linh hồn và thân xác tôi. Con rồng bay lên. Tôi bay lên. Muội bay lên. Muội bảo việc em có con hay không không còn quan trọng nữa. Suốt những ngày còn lại ở Hà Nội mưa. Tôi và Muội nhìn mưa trên hồ Gươm. Những con rùa rét cóng thụt đầu vào trong mu.
Diệu An bảo để em cầu siêu cho những linh hồn đã chết.
Diệu An độ lượng lâm râm mấy câu thần chú. Tôi nghĩ Diệu An chỉ đùa cho vui, nhưng Diệu An bảo em là sự bằng an của anh. Những con rùa trong hồ Gươm đã thò đầu ra ngó trời. Tôi nói: “Ðôi khi anh cảm thấy mình lơ ngơ”. Diệu An dí ngón tay vào trán tôi: “Ông là thứ ăn thịt người”.
Ðón giao thừa 2050, tôi và Tiến đi Campuchia. Ðường phố Phnom Penh đầy mùi long não. Ở một ngã tư, trong lúc chờ sang đường, bất chợt tôi thấy hàng ngàn người cầm cờ đen từ xa chạy tới. Không biết chuyện gì, bất giác tôi lùi lại đứng sát vào một cửa tiệm. Ðám đông vừa chạy vừa gầm gừ. Tôi thấy những người bên đường vội nằm úp mặt xuống đất. Sau đó tôi mới biết, nếu ai lỡ nhìn thấy ngọn cờ đen ấy mà nội lực yếu sẽ bị nó cuốn đi.
Tôi nói với Diệu An “anh chỉ ăn thịt người như em thôi.“
Muội bảo đừng làm em đau, nhưng tôi đã nhai ngấu nghiến Muội. Ðã liếm láp Muội cho đến khi lưỡi khô rộp. Một ngàn năm Thăng Long, đụ một ngàn cái vào trời xanh. Cả tôi và Muội đều rã rời.
Áp thấp nhiệt đới làm Sài Gòn cũng mưa. Cuối năm 2005, tôi và Muội nhìn mưa xuyên qua quảng trường Công xã Paris. Tượng Ðức Mẹ vẫn khóc. Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh đăng bài đánh những nhà văn cấp tiến. Nhưng người bán báo chỉ rao “các cầu thủ bán độ đã bị khởi tố và bắt giam”. Nhà văn cấp tiến hay cấp lùi không làm chết con ruồi nào. Nhưng một cầu thủ thì có thể làm cho hàng triệu người khóc. Tôi rủ rê Muội vào khách sạn.
Diệu An lại bảo em phải giải nghiệp cho anh.
Tôi bước vào thì tương lai với một quá khứ được rửa sạch. N vẫn ngồi cạnh tôi. Nàng đã thay đổi nhiều sau lần đi tìm những lá thư của con chim bồ câu. Ảo ảnh và thực tại đồng nhất. Nàng không bận tâm về những người đàn bà khác đã đến với tôi. Dường như nàng hiểu được rằng chỉ có một người đàn bà duy nhất là nàng hiện hữu trong tôi.
N nói “ÐI.COM” là cảnh giới của những phản ứng xâu chuỗi, nó kết nối các tâm cảm dị biệt vào một trường và tạo nên sự bùng phát vô thức tập thể theo cấp độ luỹ tiến hệ số cá nhân được kết nối. Tôi bảo cho dù “ÐI.COM” là gì hay không là gì thì cũng không bao lâu nữa sẽ đến lượt anh bị xô đẩy vào cái đám đông mù quáng kia. N nói nếu điều ấy xảy ra, anh hãy cố tâm niệm rằng đây chỉ là ảo ảnh cho đến lúc anh thoát ra được khỏi nó. Tôi bảo thật kinh khủng nếu lại có những người chết. Giữa lúc ấy, tôi nghe thấy tiếng ầm ào từ xa. Trước khi tôi nhận biết tiếng ầm ào ấy đang hướng về phía mình, người tôi nổi gai lạnh. Tôi nói với N: “Nó đang tới.“ Tiếng bước chân rầm rập, tiếng gầm rú ma quái càng lúc càng gần. Tôi cố điều hoà hơi thở và nhắm mắt lại.
Diệu An đã chết sau một cơn đột quị vì quá sức trong việc truyền nội lực để cứu chồng nàng. Ánh sáng trong đời tôi tắt. Trong lúc ấy thì N có vẻ như càng ngày càng trở nên điềm tĩnh hơn. Thấu hiểu hơn. Cô gái giống Muội từ tính cách đến nghề nghiệp lăn xả vào tôi như một con thiêu thân. Có vẻ như nàng muốn thực hiện nốt những điều mà Muội chưa làm xong với tôi và với chính nàng. Bởi thế sự quyết liệt của nàng đôi khi làm tôi sợ. Tôi thích gọi nàng là Muội Muội, nàng không phản đối điều ấy dù biết trước đấy tôi có quen Muội. Muội Muội nói có thể em đã rất giống Muội nhưng vấn đề là em hành động và sáng tạo chứ không phải Muội. Cũng như Muội, Muội Muội không vẽ trên giá vẽ mà vẽ vào không gian ba chiều bằng ánh sáng. Những buổi trưng bày trình diễn của Muội Muội thì cả người hiểu và không hiểu, thích và không thích cũng phải ngước nhìn. Tác phẩm của Muội Muội phủ lấp bầu trời và mang lại một hiệu ứng toàn diện trên thị giác và nhận thức thực tại. Con người bị dồn đẩy vào khe hẹp giữa hai thế giới ảo và thật.
Những cuộc làm tình với Muội Muội bao la và đầy kịch tính. Muội Muội bảo yêu đương là một hành động sáng tạo và bởi thế không thể lập lại. Ðẩy cảm xúc đến tận cùng. Tê dại hệ thần kinh. Vừa súc vật vừa thần thánh.
Ít nhất mỗi năm Muội Muội bỏ ra ba tháng để lên rừng sống. Muội Muội bảo đấy là cách em phục hồi năng lượng. Chưa bao giờ Muội Muội cho tôi đi theo. Nhưng tôi biết Muội Muội có những quan tâm về dân tộc học. Có lần Muội Muội nói với tôi: “Em muốn biết tận cùng niềm tin của con người là gì, cũng như cái ký ức đầu tiên của con người về sự sống là gì”. Có thể đấy cũng là lý do dẫn đến cái chết của Muội Muội.
Muội Muội có rất nhiều vòng đeo tay và dây đeo cổ đẹp. Tôi thích cái vòng bằng hổ phách to kềnh trên cổ tay trắng trẻo của Muội Muội. Tôi tin rằng cái vòng ấy ít nhiều tác động đến tâm lý và sức khoẻ của Muội Muội. Có một sự kiêu hãnh lạ kỳ khi Muội Muội đeo nó trên tay. Truyền thuyết rằng, cái vòng ấy vốn của một tộc trưởng mạnh mẽ nhất Trường Sơn. Ông ta săn voi tài giỏi cũng như làm thuốc. Khi đeo cái vòng hổ phách vào cổ, không một con voi hay phụ nữ nào thoát khỏi tay ông, kể cả khi ông đã tám mươi tuổi. Những đứa trẻ được sinh ra từ ông thì nhiều như muông thú trong rừng. Nhưng khi ông chết, chiếc vòng đã được chôn theo ông bởi các bà mẹ không muốn con trai của họ hoang đàng như bố.
Tình trạng thoái hoá giới tính càng lúc càng phổ biến, nhưng không được xem là quan trọng. Các hành giả lang thang ngoài đường phố nôn nóng chờ ÐI.COM tới, trong khi những con đực ẩn mình trong hang. Muội Muội bảo em cần phải tận hưởng những người đàn ông cuối cùng. Chiếc vòng hổ phách ẩn chứa những linh hồn mê muội đã rực sáng lên khi tinh dịch đàn ông đổ vào Muội Muội. Và nàng nói: “Anh hãy tỉnh thức.“
N cũng bảo anh hãy mở mắt ra đi và nhìn thẳng vào ÐI.COM.
Một nỗi buồn bất chợt xâm chiếm lòng tôi. Những gã đàn ông còn lại đang trở nên hung tợn và kêu rống như súc vật bị chọc tiết. Tôi sẽ đi vào đám đông và cũng hò hét điên cuồng không biết để làm gì. Tôi sẽ như con chó sủa bóng ma. Và tỉnh dậy trong hố thẳm.
Năm 2027 tôi bất tỉnh giữa đường. Không thấy linh hồn tôi đâu.
N ôm tôi. Tôi cảm thấy mình là quá khứ. Thừa ra. Ðám đông nổi lửa đốt nhà. Dân chúng hoảng loạn túa ra ngoài đường. Nhà thờ, nhà chùa bị đập phá và các tu sĩ bị ném vào lửa.
Càng lúc càng có nhiều kẻ thích ăn thịt người vì họ tin rằng thịt đồng loại là bổ nhất. Triết lý về sự tương thích được phổ cập đến độ những kẻ có tư tưởng khác phải tự sát. Muội Muội đã không chịu nổi cái nhịp điệu thở ra hít vào của cuộc sống và nàng tự xô lệch mình về một thái cực sau cùng là cái chết. Nàng nói phải sống như con bọ ngựa và chết như con thiêu thân. Nhưng N chỉ coi Muội Muội là một con đĩ. N không bao giờ hiểu được tâm hồn minh bạch của Muội Muội. Có lần Muội Muội kể với tôi: “Em đã gặp một gã đàn ông thuần chất. Vô học và bản năng. Nhưng em khám phá ra rằng, cái mùi hôi nồng nặc trên da nó, cái sức mạnh hùng hổ của nó là khởi thuỷ của hạnh phúc con người. Tinh tuyền và sâu thẳm.“ Tôi không có gì phải ghen tị với một con thú rừng, nhưng tôi cũng nói với Muội Muội, cuộc sống không phải chỉ là cảm giác. Muội Muội bảo thật ra em chỉ đi tìm những cái con người đã đánh mất. Em vẫn quí trọng anh, nhưng anh cũng chỉ là khoảnh khắc, em yêu những khoảnh khắc, mà cuộc đời không phải chỉ có một khoảnh khắc. Những khoảnh khắc làm nên cuộc sống. Và em sống như em là. Thế thôi.
Năm 2030, sự tương thích và đơn giản trở thành một lối sống thời thượng. Nó mang lại bình an cho con người, nhưng các thày bói bảo đấy là thời kỳ suy thoái cả về mặt tâm linh lẫn kinh tế, bởi thế nó tiềm tàng một nguy cơ bùng phát sự bất hạnh. Hai phần ba đàn ông cạo trọc vì thích được phụ nữ ngồi lên đầu. Sự đơn giản trở thành tinh tế đối với người này nhưng lại thô thiển với người khác. Tương tự như vậy, sự tương thích ở người này là hoà hợp, hoà bình nhưng ở người khác lại là a dua, a tòng, amen.
Diệu An ngày ngày lên chùa tụng kinh, niệm thần chú cầu an cho tôi.
Tôi không phải là nhà khí tượng học, nhưng chữ “mưa” cứ nhấp nhổm đòi nhảy ra khỏi đầu tôi, ít nhất cả bốn ngày nay. Vì thế tôi phải cho nó xuất hiện như tôi dự báo thời tiết vào năm 2035, các trận mưa sẽ kéo dài liên tiếp trong nhiều tháng và nó làm lụt lội quả đất như hồng thuỷ. Các ngọn núi bị sạt lở và thú vật không còn chỗ nương thân. Quốc lộ 1A từ Hà Nội vào Sài Gòn bị nghẽn nhiều chỗ vì đất đá trên núi đổ xuống. Các chuyến bay cũng bị hoãn vì mây mù. Khi ấy, N đang ở Hà Nội. N nói qua điện thoại: “Không dưng em cảm thấy có một khoảng cách giữa anh và em như thể con đường bị gián đoạn giao thông”. N rủ Diệu An đi ăn. N uống rượu, Diệu An uống trà. N nói: “Tôi muốn đập phá một cái gì đó. Mưa làm tôi nghẹt thở”.
Mùa mưa năm 2055, những người mặc đồng phục đen bất kể trời giông bão, họ vẫn ra đường và giương các biểu ngữ: “NGÀI là đấng toàn năng”, “Sẵn sàng chết vì NGÀI”, “Hãy dọn đường cho NGÀI”... Và họ hò hét để bức tử những kẻ khinh thường NGÀI.
Diệu An kể: “Ngày xưa khi tôi mới mười bảy tuổi, tôi đã bỏ nhà đi chỉ vì không chịu nổi cách hành xử của cha mẹ mình. Từ trên núi xuống, tôi lang thang vào thành phố. Trong một quán cà phê, tôi đã gặp một người đàn ông lớn hơn tôi nhiều lần và tôi nghĩ rằng tôi có thể trông cậy vào ông. Tôi gần như chủ động làm quen với ông ta. Hỏi han tôi ân cần, ông nắm bàn tay tôi. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé và cần được che chở. Tôi không biết ngày mai sẽ sống bằng cách nào. Ông ta bảo cứ hỏi thử bất kỳ một hàng quán nào đó. Trước khi chia tay, ông cho tôi một ít tiền và tỏ ra muốn hôn tôi. Tôi do dự. Tôi không nghĩ ngày mai tôi sẽ phải bán mình, nhưng tôi cũng sẵn sàng cho đi thân xác tôi. Tôi không cảm thấy đó là điều quan trọng. Nhưng tôi buồn. Ông ta cũng nấn ná chờ đợi một hành động của tôi. Tôi nửa muốn bước theo ông ta, nửa muốn ngồi lại. Tôi không biết phải bắt đầu thế nào. Cuối cùng thì tôi cũng lên tiếng xin số điện thoại của ông. Một tháng sau, tôi gọi cho ông khi không còn một xu trong túi. Ông tới chỗ hẹn và cho tôi đi ăn, sau đó đưa tôi về nhà. Tôi làm những công việc lặt vặt như một con ở để được ăn ngày ba bữa cơm. Một hôm ông bảo lên giường nằm với ông. Tôi vâng lời. Ông cho tôi đi học lại và tiếp tục hầu hạ ông cho đến khi ông qua đời. Tôi đã tưởng làm một cuộc đập phá, nhưng rốt cuộc tôi lại giấu tôi vào tiếng mõ, tiếng kinh ê a với thời gian”.
N nói tôi đã leo ngược lên núi và không tìm thấy ÐI.COM. Tôi cũng chỉ nhìn thấy tôi lãng nhách giữa rừng cây. Tôi là một con thú lìa bỏ bầy đàn nhưng sợ hãi cô đơn. Muội bảo người ta chỉ vớ vẩn. Tôi ỉa vào ÐI.COM và những thứ tương tự. Tôi tự quyết định tôi và không tin vào sự vĩnh cửu.
Nhưng Muội yêu N vì N là đàn bà khác Muội. Muội cũng yêu tôi vì tôi là đàn ông giống Muội.
Muội ở giữa N và tôi như một ngọn lửa. Chúng tôi không làm tình chung, nhưng vẫn để cho Muội xem tôi và N yêu nhau. Vì Muội thích thế. Vì N không đồng tính, nhưng thương Muội và chiều Muội. Phần tôi, tôi vẫn thấy Muội là một phụ nữ quyến rũ. Cả trong tính cách và tình yêu. Nhưng Muội chỉ hứng tình sau khi xem tôi và N yêu nhau.
Muội có còn yêu một phụ nữ nào khác, tôi không biết. Dù tôi thấy nàng có nhiều bạn gái. Nàng cũng luôn tỏ ra bình thản như thể không có nhu cầu tình dục khi đàn ông tán tỉnh nàng. Tuy thế, tôi đặc biệt ghét thằng cha hoạ sĩ là thày của Muội. Hắn thô lỗ chen vào mối quan hệ của chúng tôi như một nhà đạo đức và một tên vô lại. Hắn nói không thể có sự tương thích khi người ta không giải cấu hàng dọc các định kiến mỹ học và hàng ngang các định chế luân lý. Cứ y như là con ruồi không thể bay nếu nó không đập cánh. Muội chỉ cười khẩy, thày có giải cấu được vợ thày không?
Năm 2015, chữ “sợ” rạn vỡ trong nỗi ám ảnh tôi. Tôi hình dung nó như một quả cầu và lăn dưới chân tôi. Tôi sẽ phải đạp vào nó và có thể vấp ngã. Tôi không biết tôi sẽ như thế nào khi không còn nó. Muội càng lúc càng u uất. Ðôi khi, tôi thấy mắt Muội long sòng sọc. Tôi nghĩ có thể một lúc nào đó Muội sẽ giết tôi hoặc N như một giải pháp sau cùng để phá huỷ và hoàn tất cuộc sống nàng. Ngày Muội đưa tôi đến xưởng vẽ, những con chim bị cắt cánh trong tác phẩm của nàng bằng kéo dường như vẫn hót trên những sợi kẽm gai. Chúng há mỏ và tôi thấy sự tàn ác tuyệt vọng của tiếng kêu trong lòng Muội. Muội hỏi: “Anh có hiểu được những gì đang xảy ra với em không?“ Tôi nói: “Anh nghĩ rằng anh hiểu”. “Anh có sẵn lòng để em giết anh không?”, Muội hỏi tiếp. Tôi buồn bã nói: “Nếu điều ấy làm cho em được giải thoát”. Muội cầm chiếc kéo lớn, loại cắt sắt đến sát bên và đưa thẳng mũi kéo vào bụng tôi. “Vì em yêu anh, anh biết không?”. Tôi gật đầu. Và nghĩ: “Ðây là ÐI.COM.“ Ðầu mũi kéo làm tôi đau, nhưng tôi cố gắng bình thản. Muội bảo: “Em không đùa đâu”. Tôi hỏi Muội: “Em cũng chết theo anh chứ?”. “Không, em sống với N”. Tôi lùi ra. Muội không dí theo. Một kịch bản dở, tôi nghĩ. Tôi ngồi xuống ghế. Muội cũng ngồi xuống một chiếc ghế khác và khóc.
Năm 2055, sự hoảng loạn lan tràn khắp nơi. Nó không chừa một ai, kể cả những kẻ trực tiếp tạo ra hoảng loạn. Nó tồi tệ hơn cái chết. Vì nó không chấm dứt sau cái chết. Các tổ chức nghiên cứu về tâm linh và các hiện tượng bí ẩn bị khủng bố trước tiên. Họ không bị đánh bom hay đập đầu tự sát vì những tiếng hò hét man rợ, nhưng họ phát điên và trở thành dở người cho đến lúc chết.
Chuyện kể của kẻ được gọi: “Một buổi tối như thường lệ, tôi ngồi nhậu với bạn bè. Uống chưa nhiều, tôi không nghĩ mình đã say, nhưng trong đầu tôi giống như có một bóng tối che phủ, tôi mụ người dần đi, trong lúc bụng sôi lên nôn nóng một khát vọng mơ hồ. Bần thần người, tôi buộc phải đứng dậy. Nghe như từ lòng đất có tiếng réo gọi tên tôi. Rồi những âm thanh khác cũng lớn lên từ từ như thể đã âm ỉ trong tôi từ muôn kiếp. Ðến khi tôi cảm thấy mình hoà nhập vào khối âm thanh hỗn độn của đám đông thì tôi không biết gì nữa. Ngày hôm sau người mệt bã, tôi thoát ra khỏi đám đông và hoàn toàn không biết mình đã làm gì. Ðầu óc trống rỗng”.
Những người da trắng thường bị vỡ sọ chết sau khi nghe những tiếng hò hét của đám đông dưới ngọn cờ đen.
Chữ nghĩa ngày càng trở nên dày đặc và tán loạn. Tôi chạy trốn các từ bằng cách đi ra biển ngay từ ngày đầu năm 2006. Bãi Thuỳ Dương vắng hoe. Tôi nôn oẹ chữ xuống cát và nằm sấp trên mặt nước. Sóng trào qua đầu. Ðứa bé gái hỏi tôi: “Ông có sang bờ bên kia không?“ Tôi nói có. Nó leo lên lưng tôi ngồi như thể tôi là thuyền. “Chạy đi ông.“ Tôi hú còi rồi nổ máy bùm bùm. Ừ, cứ thử đến bờ bên kia xem sao. Nhưng đi mãi không tới, đứa bé giục: “Chạy đi ông.“ Tôi nói sắp tới rồi. Sóng vẫn đánh vào mặt tôi từng đợt, thuyền tôi quay ngang không trôi. Ðứa bé nói: “Tàu mắc cạn rồi.“ Rồi nó rời khỏi lưng tôi, ngồi xuống bên cạnh: “Ðể cháu chôn ông nhé”. Tôi bảo ừ. Nó lấy cát đắp lên người tôi, nhưng cát bị sóng làm trôi đi. “Ðể cháu mát sa cho ông vậy”. Tôi cảm thấy lạ vì chữ “mát sa” của đứa bé bốn tuổi. Nó chà cát trên lưng tôi. Chữ “mát sa” làm lưng tôi trầy. Sóng xô dạt tôi ra xa bỏ lại đứa bé trên bờ. Trong một lúc tôi cảm thấy thân thể khoẻ mạnh và sạch sau khi đái trong quần. Ở biển ba ngày, tôi trở lại thành phố nuốt chữ.
Ðã đến lúc tôi nghĩ phải đưa các nhân vật đến cao trào, nhưng N đi Thái Lan chưa về. Muội đi Hà Nội vì thèm lạnh.
Huyết áp tụt làm tôi lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ. Chữ lởn vởn, tôi vạ vật ăn không được.
Mân mê con dao N tặng, tôi nhớ lời N bảo khi cần thì hãy làm như người Nhật. Tôi không hiểu bằng cách nào, sau đó con dao lại ở trong xưởng vẽ của Muội và nó trở thành sát thủ.
Tôi chợt nhận ra cả N, Muội và tôi đều muốn sống một mình. Chúng tôi như ba mũi tên bắn về ba phía khác nhau. Lần đi chơi đầu tiên với Muội, nàng bảo em không thể là bồ anh được, khi tôi muốn làm tình với nàng. Chúng tôi cần tự do. Nhưng ý thức về tự do không phải lúc nào cũng rõ ràng và quyết liệt. Ðôi khi nó trở nên không cần thiết và phá vỡ sự cân bằng mù quáng của cảm tính.
Có một người nào đó nhắn tin cho tôi: “Anh đến với em một chút đi. Em để dành cho anh đó”. Tôi hỏi lại: “Em là ai?“. “Cứ làm như em hướng dẫn, anh sẽ nhận ra em. Ðến khách sạn MM, vào phòng 204”.
Tôi không hiểu điều gì đã khiến tôi đến khách sạn MM và gõ cửa phòng 204. Tôi muốn chơi đĩ? Hay muốn tìm một cảm xúc bất ngờ từ một người thân quen cũ? Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều bài báo cảnh giác cho những trường hợp tương tự. Có thể tôi sẽ bị trấn lột bởi tính hám gái. Cửa phòng 204 bật mở. Một phụ nữ không còn trẻ, ăn mặc nghiêm trang đứng đắn và lịch sự. Mặc nhiên quen biết tôi, chị reo lên: “Anh.“ Tôi nhận ngay ra Diệu An, mặc dù tôi chưa bao giờ nghe tiếng An. Trước đó, chúng tôi chỉ liên lạc qua email. Tôi quàng tay ôm An. Nàng cũng ôm tôi. Chúng tôi hôn nhau và làm tình ngay không nói gì cho đến khi tôi xuất tinh. An không biểu lộ thất vọng dù tôi đã ra quá sớm. Dẫu sao sự bất ngờ cũng đã làm cho cảm xúc trở nên thật nồng nàn. Nhưng điều An nói làm tôi bối rối: “Em đã nhắn tin cho anh theo cách của một cô gái gọi. Và em muốn anh là kẻ đi chơi đĩ. Ðiều ấy làm em cảm thấy dễ chịu. Nói đúng hơn, nó làm em thích”.
Suốt những ngày An vào Sài Gòn, tôi ở luôn trong khách sạn với nàng.
N gọi về từ Thái Lan cho tôi: “Hãy nhớ luôn luôn mang theo con dao bên mình”. Tôi nghĩ tự xử hay để đâm người khác thì không nhất thiết phải dùng dao. Tuy thế, tôi vẫn bỏ con dao trong túi xách. Sau này có lẽ tôi đã bỏ quên trong xưởng vẽ của Muội. Không có bất cứ lời trăn trối hay dấu hiệu nào trước đó về cái chết của Muội. Cảnh sát tìm thấy con dao của tôi vấy máu.
Email của Muội viết từ Hà Nội cuối mùa đông năm 2005: “Em đã nằm ngủ nướng đến gần trưa trong khách sạn. Bây giờ thì em viết cho anh đây. Tối qua, và tất cả những ngày qua, em rong chơi và uống suốt. Mạnh đã liên hệ được với Viện Goethe dành cho em một cuộc triển lãm sắp đặt, cũng như sẽ sẵn sàng in sách cho em. Dường như đàn ông các anh ai cũng muốn được trả công bằng thân xác phụ nữ. Không đến nỗi sỗ sàng, Mạnh chờ em tự nguyện. Thật khôi hài. Tuy nhiên, cũng phải công bằng mà nói anh ta rất đáng được thưởng”.
Tôi cầm con dao dọc tờ báo.
Chưa gặp Mạnh bao giờ, nhưng tôi nghe nói Mạnh có thể làm bất cứ điều gì hắn muốn. Ðiều tôi biết chắc chắn nhất là hắn có thể điều phối được dư luận. Và việc ấy rất nhiều khi lại mâu thuẫn với quyền lợi của hắn. Bởi thế, người ta nghĩ hắn là công cụ của một thế lực nào đó, không hẳn thuộc về chính quyền, nhằm áp đặt xã hội vào một hình thái định trước. Càng ngày càng có nhiều những nhân vật như Mạnh. Họ được đúc khuôn và mang tính ưu tiên như thể đất nước này là của riêng họ.
Tôi cảm thấy khó chịu khi mường tượng cảnh Muội đi chơi với Mạnh. Tất cả những email sau của Muội tôi đều delete không đọc. Khi về lại Sài Gòn, Muội không cho tôi biết và gần như xa lánh tôi. Tôi cho rằng chuyện đó cũng tất yếu. Cho đến khi triển lãm của Muội được chính thức công bố bằng các giấy mời, Muội mới đến tìm tôi và bảo: “Anh cần phải biết em đã làm gì và sẽ làm gì.“ Tôi đi Hà Nội với Muội. Cuộc triển lãm được Mạnh làm PR khá tốt. Nhưng chỉ ngay sau ngày khai mạc, cuộc triển lãm đã bị bộ ngoại giao Việt Nam đề nghị với sứ quán Ðức yêu cầu đóng cửa với lý do không phù hợp với thuần phong mỹ tục bản địa. Thật ra triển lãm sắp đặt của Muội mang một ý nghĩa khác. Cuộc vây hãm của ý thức điên rồ trước bản năng thuần thành của con người. Chính Mạnh cũng bất ngờ về Muội. Nàng đã khôn ngoan để sự việc đã rồi khiến Mạnh trở tay không kịp.
Tôi và Muội đáp xe lửa lên Lao Cai nằm vùi vào cái mốc thếch của cơn lạc hậu bạc nhược trong máu. Ở đó, chiếc laptop ọp ẹp không chịu đựng nổi những ý nghĩ virus. Muội vẽ bằng lưỡi. Tôi viết bằng răng. Chữ biến thành tranh. Tranh biến thành chữ.
Năm 2049, tình trạng nhiễm sóng của cơ thể con người đã trở nên trầm trọng. Nó làm cho hệ ý thức trở nên nhoè nhoẹt. Trên những khoảng chồng lấn của các nếp gấp tư duy bị ÐI.COM xâm nhập, ý thức không thể phát hiện, ở đó ÐI.COM phát ra mệnh lệnh và tạo ra tính tương thích mặc định. Con người hành động theo ÐI.COM mà không hề biết. Người ta không nhớ những gì mình đã làm, bởi các dữ liệu hành động đã bị ÐI.COM xoá bỏ. Nó để lại một khoảng trống ký ức nôn nao vừa buồn bã vừa thèm khát hành động tiếp tục.
Con của Diệu An vào chùa làm ni cô. Nó bảo cuộc sống là oan trái. Nó không biết nó thuộc về ai. Tôi cũng không biết nó thuộc về ai giữa tôi, Diệu An và người nó gọi là bố. Thỉnh thoảng nó vẫn đến thăm tôi, dù rằng nó bảo không thích có một người bố hay một người tình giống như tôi. Tôi đùa bảo nó nhưng nếu con có một đứa con giống như bác thì con sẽ vui. Nó nói đẻ ra một đứa con là tạo ra một nghiệp lớn cũng ngang bằng như một hành động sát sinh. Ni cô Diệu Hoà có khuôn mặt như một “vầng trăng sương”. Tôi không quen tả cụ thể chi tiết một nhân vật, nhưng khuôn mặt của Diệu Hoà giống như một nỗi ám ảnh vẫn làm tôi tự hỏi: “Cái vẻ đẹp bên trong của con người thật sự là gì?”, khi sự trong sáng bị phủ mờ bởi những trải nghiệm buồn. Tôi cảm thấy ở Diệu Hoà một nỗi bất trắc thường trực. Nó làm tôi xao xuyến và mơ hồ sợ hãi. Trước khi Diệu Hoà vào chùa, mỗi năm tôi gặp cô bé ba bốn lần. Sau khi Diệu Hoà vào chùa cũng ba bốn lần tôi gặp mỗi năm. Mỗi lần gặp Diệu Hoà là mỗi lần tôi cảm thấy mình phải sống khác. Thánh thiện hơn. Nó trở thành một nỗi khắc khoải kéo dài trong nhiều năm. Tôi có phải là người có lỗi trong sự có mặt của Diệu Hoà trên cõi đời này? Chắc chắn không. Tôi không cảm thấy Diệu Hoà là của tôi hay từ tôi, nhưng tôi cảm thấy cô bé ấy vì tôi. Dĩ nhiên tôi biết Diệu An trước khi biết Diệu Hoà và sự liên kết cả ba chúng tôi với nhau không mang tính chất gia đình, mặc dù khi Diệu Hoà còn bé, tôi vẫn bồng bế cô ấy. Ðiều tôi cảm thấy rõ nhất, Diệu Hoà là một Diệu An hoàn chỉnh hơn được mang đến với tôi bởi một ý muốn bí ẩn. Nhưng cả tôi và Diệu Hoà đều cố gắng chống lại điều đó, không phải vì ý thức đạo đức, mà không muốn làm hỏng cái đẹp đẽ và lớn lao trong một mối quan hệ tưởng như bình thường. Trước mặt Diệu Hoà, chân tâm tôi được soi sáng và tôi cảm thấy có một niềm hạnh phúc bên ngoài cuộc sống này. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận biết được có một khoảng tối sâu kín trong lòng Diệu Hoà, nó mang mầm mống của sự huỷ diệt. Vào năm hai mươi ba tuổi, Diệu Hoà phóng mình xuống giếng sâu trong chùa, xoá bỏ hẳn dấu vết của khoảng tối mờ mịt ấy trong lòng. Không ai hiểu được cái chết của Diệu Hoà. Cũng không ai hiểu được tại sao Diệu An ngồi gõ mõ suốt ngày đêm. Tiếng mõ siêu độ thời gian, nhưng không siêu độ con người.
Chiều cuối năm 2005, tôi ngồi với N trong công viên Văn Thánh. Chẳng mấy khi trời Sài Gòn lại đẹp thế. Nắng nhẹ và gió mang hơi nước từ lòng hồ mát rượi. N nói cần phải cho nhân vật N của anh bạo liệt hơn. Em muốn có những biến cố làm thay đổi số phận con người.
Tôi bảo tất cả những nhân vật khác đều sẽ chết cùng với sự khốc liệt trong số phận của họ. Riêng N, anh muốn cô ấy là một người thấu hiểu và cùng anh đi hết đoạn đường còn lại của cuộc đời anh.
N nói anh chưa bao giờ hỏi em nghĩ gì, cũng như chưa bao giờ anh hỏi em sống thế nào. Ðã có những người đàn ông tán tỉnh em và họ mặc nhiên như em thuộc về họ. Họ thích nói mà không cần biết cái lố bịch của sự phô trương. Em không định nói anh cũng như họ, nhưng thật sự thì anh cũng đâu biết em như thế nào.
Tôi bảo: Quả thật, anh không biết gì về em ngoài một em trước mặt anh. Và anh không muốn biết gì hơn thế. Anh không muốn phải nghĩ ngợi khi đang có một người đàn ông khác sở hữu em.
Không ai có thể sở hữu em, ngoài em. Và anh đã không hỏi em về điều đó. Anh không hỏi chính em.
Chưa bao giờ tôi lại có một cảm giác đơn độc đến thế. Tất cả mọi phụ nữ thân yêu của tôi đã ở ngoài tôi. Tôi nói với N: Có thể anh đã sai lầm khi không quan tâm đến bối cảnh xuất hiện của nhân vật. Nhưng đừng hiểu là anh vô tâm. Anh chỉ muốn sống với nhân vật của mình không định kiến với quá khứ, chấp nhận một nguyên trạng như nó là thế và tạo ra tương lai.
N bảo ngày mai em về quê. Anh ấy cùng đi với em. Em cũng muốn xác định lại mối quan hệ nửa vời này. Ðể yêu anh, em cần phải huỷ hôn ước với anh ấy. Em không muốn sống như một kẻ phản bội.
Chia tay buổi chiều ấy, chúng tôi không hôn nhau. Nhưng tôi biết không bao giờ tôi mất N. Những gì tôi biết được về người đàn ông là chồng chưa cưới của N vỏn vẹn thế này: “Ðồng hương Phú Yên. Mẹ em bảo đấy là con của một người mà xưa kia mẹ em đã yêu. Nhưng người đàn ông ấy đi tập kết, bỏ lại tình yêu của mình cho năm tháng phai nhạt. Ông ta lấy một bà vợ miền Bắc. Hai mươi năm sau ngày hoà bình lập lại, ông ta và mẹ tình cờ gặp lại nhau. Ông ta có một người con trai từng học ở Nga. Mẹ có một cô con gái. Ông ta đề nghị mẹ làm thông gia để gìn giữ một chút tình xưa. Mẹ bảo tuỳ bọn trẻ. Anh ấy đến gặp em. Em thấy cũng được nên đồng ý hứa hôn. Một vụ qui hoạch treo làm màu sắc cho thời gian trống trải.“ Có một lần tôi gọi điện thoại cho N, anh ta bốc máy nói cộc lốc: “Ðừng lộn xộn”, rồi cúp. Dường như anh ta biết tôi đang chen vào cuộc sống của họ.
Tôi ra Nha Trang nằm để thấy gần N hơn.
Từ sáng đến chiều tôi đi dọc bờ biển từ Chụt tới Bãi Tiên. Tết. Người vắng. Biển hoang vu sóng. Tôi vạ vật buổi trưa trong quán, buổi chiều trong gió, buổi tối trong củi lửa của Sailing Club. Tôi muốn nhảy với một ai đó quanh đống lửa, nhưng cả đến bọn Tây cũng không hào hứng. Những ý nghĩ trong đầu tôi cà giựt cà tưng. Tôi cảm thấy cần phải xông thẳng ra Tuy Hoà giành lại N. Nhưng một cơn buồn ngủ lạ lùng trì kéo tôi lười biếng trên ghế. Một ai đó đang gõ nhịp trên mặt bàn. Tôi chìm dần xuống u tối. Không còn ngọn lửa. Không còn tiếng sóng. Không còn nhạc. Bỗng dưng tôi cảm thấy như có ai đó cầm tay tôi kéo đứng lên. Tôi mở mắt. N đang đứng trước mặt tôi. Tôi nhớ đến câu nói của mẹ tôi khi tôi bệnh: “Mẹ không để mất con.“ Dường như tôi bật khóc.
Bố tôi bảo mày là thằng ở dưới lỗ chui lên. Quả thật thú vị, nếu như tôi có thể chui ra từ một cái lỗ nào đó được chọn lựa và tự do. Tôi vẫn có cảm giác mình không nguồn cội, không dòng giống, không quê hương. Ở dưới chân núi Sam năm 2020, người đàn ông mà tôi vẫn nghĩ là Tiến nhập thân dùng ngón tay viết trên đá câu chân ngôn này: “Phật không phải là người Népal hay Ấn Ðộ, Giêsu Christ không phải là người Do Thái hay Palestine, Ta không phải là người Việt hay Trung Quốc, Ta chỉ là một con chó gặm miếng xương Người quẳng xuống và xưng tụng dòng dõi của loài khuyển trung thành.“ Gần như ngay tức khắc, dòng chữ ấy đã bị các lực lượng an ninh, dân phòng xúm vào đục bỏ. Ông Ðạo Tiếng bị tống vào nhà thương điên.
Diệu Hoà ở trong chùa tụng kinh vô sở trú. Tâm hồn nàng ngổn ngang giữa cõi Phật và phi Phật.
Tết năm 2006 ở Sailing Club Nha Trang, tối hôm N bất ngờ xuất hiện, tôi đã đưa nàng về khách sạn ngủ chung. Mặc dù thế, cả tôi và N đều sống trong một cảm giác không thuộc về nhau, không thuộc về bất cứ điều gì. Trong lúc đó tôi cũng nhận được tin nhắn của Muội: “Em biến mất.“ Hơn ba mươi năm sau, cả Diệu An và Diệu Hoà cùng gõ mõ cầu siêu cho những nỗi niềm bí mật. Mắc cạn giữa những người đàn bà, tôi như con cá nằm trong lưới. Năm mười sáu tuổi, khi gặp tôi ở Huế, Diệu Hoà bảo: “Bác dụ dỗ cháu đi.“ Tôi nói dụ dỗ gái vị thành niên đi tù chung thân đấy. Hoà nghiêm trang triết lý một câu rất sến: “Tình yêu không phải đã vốn là một nhà tù sao?“. Tôi cười “vì thế bác đâu muốn ở tù”. Hoà hạ một nhát chém ngang cổ tôi: “Nếu bác không chịu đi tù thì cháu đi tu.“
Nhịp đời đi là những tiếng mõ xa vắng. Tù hay tu cũng là vô sở trú, năm mười sáu tuổi Hoà chưa biết điều ấy. Trong tháp bà Ponagar ở Nha Trang, tôi đã nhìn thấy một cô gái thành kính lấy tay chà lên đầu Linga rồi xoa lên hai má mình. Lời cầu nguyện của cô sâu thẳm đến nỗi tôi nghĩ không thể bỏ qua một giây phút nào có thể mà không để cho con cu cực lạc. Nhưng tôi vẫn dừng ngay trước cửa tâm hồn Hoà, bởi vì tôi biết, tôi chỉ có thể là người phá huỷ. Dù thế, tôi vẫn không thoát khỏi cái định mệnh phá huỷ. Năm mười tám tuổi, Hoà cởi áo cho tôi xem hai bầu vú rực rỡ. Khi ấy Muội đã chết. Muội Muội cũng đã chết. Cả N và Diệu An cùng đã tắt kinh. Tôi cúi lạy cuộc đời ban tặng, lòng hân hoan khôn tả nhưng vẫn phải nhắm mắt khước từ. Tôi nói: “Cháu đẹp lắm. Bác không thể làm hư hỏng đời cháu...”. Hoà bảo: “Hư hỏng càng đẹp. Cháu thích loạn luân.“ Ðiều gì ngăn cản tôi yêu Hoà? Tôi hèn hay tôi sợ, tôi cũng không biết nữa. Ðó là một cái đẹp nguy hiểm và không giới hạn, tôi bỏ chạy và trốn trách nhiệm về thứ tình yêu cuồng dại ấy. Sau khi Hoà đi tu, tôi luôn bứt rứt không biết mình xử sự như thế có đúng không. Và khi Hoà chết, tôi biết chắc chắn rằng mình đã sai lầm.
© 2006 talawas
Nguyễn Viện sinh năm 1949 tại Hải Dương. Hiện sống và viết tại Sài Gòn.
Tác phẩm Đã xuất bản: Trinh nữ (tập truyện ngắn). NXB Ðồng Nai 1995; Bố mẹ và con và... (tạp văn). NXB Trẻ 1997; Hạt cát mang bóng đêm (tiểu thuyết). NXB Trẻ 1998; Rồng và rắn (bốn tiểu thuyết). Tổ hợp xuất bản Miền Ðông Hoa Kỳ 2002; Thời của những tiên tri giả (tiểu thuyết). NXB Công an Nhân dân 2003. (Sách bị thu hồi sau 2 tuần phát hành); Chữ dưới chân tường (tập truyện). NXB Văn Mới, Hoa Kỳ 2004. 26 lần tờ bờ lờ (tiểu thuyết). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008; Cơn bấn loạn bằng phẳng (tiểu thuyết). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008; Em có gì bí mật, hãy mail cho anh (tiểu thuyết mở). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008.
Chưa xuất bản: Dọc đường muộn (những truyện ngắn viết trước 1999); Lao về phía bão 32 nhịp (thơ, 2001); Mật ngôn viết trên da người (thơ, 2002, đã công bố trên tienve.org); Đi tới cuối đường, rồi... (truyện vừa, 2007); Kịch và một số truyện ngắn khác.