talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 13.04.2008


Arthur KoestlerVòng tròn ma thuật


Arthur Koestler
Arthur Koestler (1905-1983)

Sonnenfinsternis (Nhật thực) là tên bản gốc tiếng Đức tác phẩm quan trọng nhất của Arthur Koestler. Với việc xuất bản Nhật thực trong bản dịch tiếng Anh Darkness at Noon, tác giả đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ nghĩa cộng sản. Bản dịch tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini năm 1946 với 400.000 bản gây tiếng vang lớn và khiến Đảng Cộng sản Pháp phải ra những biện pháp đối phó. Từ đó đến nay, Nhật thực trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới thế kỉ 20, thường được nhắc chung với Trại súc vật1984 của George Orwell. Tại miền Nam trước 1975, Nhật thực được Nhà xuất bản Đen Trắng xuất bản năm 1973 với nhan đề Tội công thành, qua bản dịch từ tiếng Pháp của Quốc Ấn [0] . Tại miền Bắc trước 1975 và tại Việt Nam từ 1975 đến nay, tác phẩm này chưa bao giờ được ra mắt độc giả trong bản tiếng Việt.

Giới thiệu Nhật thực qua bản dịch từ tiếng Anh của dịch giả Phạm Minh Ngọc với nhan đề Vòng tròn ma thuật kì này, chúng tôi mong muốn gửi đến độc giả Việt Nam hi vọng về một tương lai trong đó chúng ta vĩnh viễn không bao giờ phải trải qua những kinh nghiệm như được miêu tả trong tác phẩm cay đắng này nữa. talawas chủ nhật

 

Arthur Koestler

Vòng tròn ma thuật

Phạm Minh Ngọc dịch


Đợt thẩm vấn thứ nhất (1-9) Đợt thẩm vấn thứ nhất (10-14) Đợt thẩm vấn thứ hai Đợt thẩm vấn thứ ba Vĩ thanh Thay lời bạt

 

Đợt thẩm vấn thứ hai

Khi sự tồn tại của nhà thờ bị đe doạ thì nó sẽ từ bỏ đức hạnh. Lấy thống nhất làm mục đích, nó sử dụng mọi phương tiện, kể cả những thủ đoạn xảo quyệt, dối trá, phản bội, đàn áp và giết chóc. Tất cả đều vì lợi ích của cộng đồng, cá nhân phải hi sinh cho lợi ích của cộng đồng.

Dietrich von Nieheim, Giám mục vùng Verden (De schismate libri III, năm 1411)

1.

Trích từ nhật ký của Rubashov. Ngày thứ năm kể từ khi bị bắt.

“… Ngay trước giờ phán xử cuối cùng, chân lý tối thượng luôn bị coi là một điều lầm lẫn. Kẻ được coi là đúng ở phút cuối thì trước đó lại bị coi là sai và có hại.

Nhưng ai là người đúng? Chỉ sau này mới biết. Còn hiện nay hắn phải hành động dựa trên niềm tin của chính mình và bán linh hồn cho quỉ sứ với vọng sẽ được lịch sử tha thứ.

Người ta nói rằng Ông hoàng là cuốn sách gối đầu giường của Anh Cả. Ông ta làm thế là đúng: Chưa có cuốn sách nào viết về đạo đức chính trị hay hơn cuốn sách này. Chúng ta là những người đầu tiên đã thay đạo đức quân tử của nền tự do thế kỷ XIX bằng đạo đức cách mạng của thế kỷ XX. Dĩ nhiên là chúng ta đúng: làm cách mạng mà còn bám vào luật lệ thì thua là cái chắc. Trong những giai đoạn yên ắng thì có thể hành động một cách tương đối trung thực, còn tại những bước ngoặt của lịch sử thì chỉ có thể sử dụng một nguyên tắc duy nhất, có từ xa xưa, đấy là: mục đích biện minh cho phương tiện. Chúng ta đã sử dụng thuyết của Machiavelli, các chế độ độc tài phản cách mạng khác chỉ bắt chước mà thôi. Chúng ta là những người theo Machiavelli vì cuộc đấu tranh cho sự công bằng trên toàn thế giới, đấy chính là sự vĩ đại của chúng ta; còn bọn chúng thì lại vì quyền lợi quốc gia ích kỷ của chúng và đấy chính là sự lạc hậu của chúng. Đấy chính là lý do vì sao lịch sử sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ lên án chúng….

Nhưng hôm nay chúng ta phải dựa vào niềm tin để suy nghĩ và hành động. Vì chúng ta đã vất bỏ tất cả các qui uớc và nguyên tắc của luật chơi nên chúng ta buộc phải tuân theo qui tắc xuất phát từ lý trí. Chúng ta buộc phải tìm cho ra hậu quả chung cuộc của từng ý tưởng của chúng ta và hành động cho phù hợp. Chúng ta đang lái một con tầu không có gia trọng vì vậy mỗi một khúc quanh đều là vấn đề sinh tử.

Mới đây ông B., một nhà nông học hàng đầu cùng với ba mươi cộng sự đã bị bắn chỉ vì cho rằng phân đạm thì tốt hơn phân ka li trong khi Anh Cả ủng hộ ý kiến ngược lại, vì vậy B. và các cộng sự bị thanh trừng như những phần tử phá hoại. Trong một nền nông nghiệp đã được quốc hữu hoá vấn đề sử dụng phân đạm hay phân ka li có vai trò đặc biệt quan trọng: nó có thể đóng vai quyết định trong cuộc chiến tranh tương lai. Nếu Anh Cả đúng thì lịch sử sẽ tha thứ cho Anh và việc giết hại ba mươi mốt người kia chỉ là chuyện vặt. Nhưng nếu Anh sai….

Vấn đề chỉ là về mặt khách quan thì ai đúng. Những người tuân theo luật chơi cũ lại có suy nghĩ khác: liệu B. có thực sự tin như thế khi ông ta đề nghị sử dụng phân đạm hay không? Nếu ông ta không tin thì, theo họ, ông ta đáng bị bắn ngay cả nếu sau này chứng minh được rằng phân đạm tốt hơn. Nhưng nếu ông ta hoàn toàn tin tưởng như thế thì ông ta phải được tha và được phép tiếp tục cổ động cho việc sử dụng phân đạm dù đất nước có vì thế mà bị tan hoang thì cũng phải chịu….

Dĩ nhiên như thế là nhảm nhí. Đối với chúng ta thì niềm tin của một cá nhân chẳng có ý nghĩa gì. Người sai sẽ phải trả giá còn người đúng thì được tha thứ. Đấy là qui luật của niềm tin mang tính lịch sử và đấy cũng là qui luật của chúng ta.

Lịch sử dạy ta rằng dối trá nhiều khi lại có ích đối với nó hơn là sự thật, vì con người là một thực thể yếu đuối và cần phải được đưa qua sa mạc suốt bốn mươi năm trước mỗi bước phát triển của nó [1] . Nó phải được dẫn dụ qua sa mạc bằng cả roi vọt lẫn những lời hứa hẹn, bằng những cả doạ dẫm và an ủi mù mờ để nó không dừng lại quá sớm và tiếp tục thờ phụng con bê vàng.

Chúng ta đã nghiên cứu lịch sử kỹ lưỡng hơn tất cả kẻ thù của chúng ta. Chúng ta kiên định hơn chúng. Chúng ta biết rằng đức hạnh chẳng có giá trị gì đối với lịch sử, còn tội ác thì không bao giờ bị trừng phạt, nhưng bất kỳ sai lầm nào cũng để lại hậu quả và sẽ báo thù đến tận đời thứ bảy. Vì vậy chúng ta tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn sai lầm và tiêu diệt mầm mống của nó ngay từ trong trứng nước. Chưa bao giờ một nhóm ít người như thế lại nắm được quyền lực to lớn đến như thế đối với tương lai của nhân loại. Mỗi một tư tưởng sai lầm mà chúng ta theo sẽ biến thành tội ác chống lại các thế hệ tương lai. Vì vậy chúng ta phải trừng phạt các tư tưởng sai lầm như trừng phạt tội ác: giết. Chúng ta bị coi là những kẻ điên rồ bởi vì chúng ta luôn suy nghĩ thấu đáo kết quả chung cuộc của từng ý tưởng và hành động phù hợp với kết luận đó. Chúng ta bị đem ra so sánh với toà án pháp đình vì, giống như họ, chúng ta luôn cảm thấy gánh nặng trách nhiệm cứu rỗi thế giới này. Giống như các quan toà của toà án giáo hội, chúng ta triệt hạ không chỉ mầm mống cái ác trong việc làm mà còn triệt hạ cả mầm mống cái ác trong ý nghĩ nữa. Chúng ta không chấp nhận bất kỳ lĩnh vực riêng tư nào, kể cả những suy tư còn trong hộp sọ. Chúng ta buộc phải đưa tất cả mọi việc đến kết quả cuối cùng. Đầu óc của chúng ta căng thẳng đến nỗi bất kì một sự va chạm nào cũng có thể gây ra đoản mạch chết người. Đấy là lý do vì sao chúng ta phải giết lẫn nhau.

Tôi là một người trong số họ. Tôi đã suy nghĩ và hành động theo đúng qui luật, tôi đã giết những người mà tôi yêu quí và đã trao quyền lực cho những kẻ mà tôi không ưa. Lịch sử đã giao cho tôi nhiệm vụ như thế, tôi đã đánh mất niềm tin mà lịch sử đã giao cho tôi, nếu đúng thì tôi chẳng việc gì phải ân hận, còn nếu sai thì tôi sẽ phải trả giá.

Nhưng làm sao hiện tại có thể biết cái gì sẽ được coi là đúng trong tương lai? Chúng ta đang làm công việc của các nhà tiên tri nhưng lại không được trời ban cho những tài năng thiên phú của họ. Chúng ta đã dùng tư duy thay thế cho trí tưởng tượng, nhưng mặc dù có chung một điểm xuất phát, chúng ta lại đi đến những kết luận khác nhau. Chứng minh của người này phủ nhận chứng minh của người kia, và cuối cùng chúng ta buộc phải trở lại với niềm tin, một niềm tin không cần chứng minh sự đúng đắn của chính mình. Đấy là thời điểm quyết định. Chúng ta đã vất hết gia trọng đi rồi, chỉ còn lại một cái neo duy nhất, đấy là niềm tin vào chính mình. Hình học là biểu hiện rõ nhất của lý trí, nhưng các tiên đề của Euclid thì phải chấp nhận mà không thể chứng minh. Nghi ngờ nó thì toàn bộ lâu đài hình học sẽ sụp đổ.

Anh Cả có một niềm tin vững chắc, cuồng nhiệt và không gì có thể lay chuyển được. Anh có một cái mỏ neo vững chắc hơn tất cả những người khác. Cái của tôi đã bị mòn vẹt rồi….

Sự thật là: Tôi đã không còn tin vào sự đúng đắn của mình nữa. Tôi thua là vì như thế.


2.

Một ngày sau cuộc hỏi cung Rubashov lần thứ nhất, điều tra viên Ivanov cùng với người đồng nghiệp là Gletkin ngồi lại trong căng tin sau bữa ăn trưa. Ivanov cảm thấy rất mệt, anh đặt cái chân giả lên chiếc ghế bên cạnh và cởi cúc áo cổ ra. Anh rót vào ly mỗi người một ít rượu rẻ tiền vừa mua trong căng tin vừa yên lặng ngắm nhìn Gletkin – hắn ngồi ngay ngắn trên ghế, quần áo là thẳng nếp, bao súng lục vẫn đeo bên hông mặc dù cũng mệt không khác gì Rubashov. Gletkin dốc cạn ly, vết sẹo to tướng trên cái đầu cạo trọc hơi ửng lên. Phòng ăn vắng ngắt, phía xa chỉ có ba sĩ quan nữa, hai người đang chơi cờ còn người thứ ba thì đứng xem.

“Rubashov sao rồi?” Gletkin hỏi.

“Chưa có tiến triển gì,” Ivanov đáp. “Nhưng anh ta vẫn suy luận một cách rất lô gích. Như vậy thì trước sau gì anh ta cũng sẽ đầu .”

“Tôi không tin,” Gletkin nói.

“Nhất định,” Ivanov nói. “Khi anh ta suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện thì anh ta sẽ đầu hàng. Điều quan trọng bây giờ là để cho anh ta yên và đừng đụng đến anh ta. Tôi đã bảo mang đến cho anh ta giấy, bút và thuốc lá; những thứ này có ích cho quá trình tư duy lắm đấy.”

“Tôi cho làm thế là sai,” Gletkin bảo.

“Anh không ưa anh ta,” Ivanov nói. “Mấy hôm trước anh ta đã làm anh bực mình chứ gì?”

Gletkin nhớ lại cảnh Rubashov ngồi trên giường và xỏ đôi tất rách, đi giày.

“Vấn đề không phải như thế,” hắn nói. “Cá nhân anh ta không phải là vấn đề. Tôi nghĩ biện pháp anh đang áp dụng là sai. Sẽ chẳng có tác dụng gì đâu.”

“Rubashov sẽ không đầu hàng vì sợ đâu, chỉ lý lẽ mới có thể đánh gục được anh ta mà thôi,” Ivanov đáp. “Biện pháp cứng rắn sẽ chẳng có ích gì. Anh ta thuộc loại người càng bị áp lực thì lại càng ngoan cố hơn.”

“Đấy chỉ chuyện nói cho vui thôi,” Gletkin đáp. “Nói rằng có người có thể chịu bất kỳ sự đầy đoạ nào là không đúng. Tôi chưa gặp người nào như thế cả. Kinh nghiệm cho thấy rằng khả năng kháng cự của hệ thần kinh là có giới hạn, đấy là qui luật tự nhiên.”

“Tốt nhất là đừng có bị rơi vào tay anh,” Ivanov nói, miệng nở một nụ cười gượng gạo. “Nhưng chính cuộc sống của anh đã bác bỏ lý thuyết ấy rồi còn gì,” vừa nói Ivanov vừa liếc nhìn cái sẹo to tướng trên đầu Gletkin.

Câu chuyện cái sẹo của Gletkin thì nhiều người biết. Chuyện đó xảy ra trong thời kỳ Nội chiến. Gletkin bị quân địch bắt được, chúng gắn một ngọn nến đang cháy lên cái đầu cạo trọc của hắn để buộc hắn phải khai. Mấy giờ sau đồng đội của hắn chiếm được khu vực đó, lúc đó hắn đã bất tỉnh rồi. Ngọn nến đã đã cháy hết, nhưng Gletkin không khai nửa lời.

Gletkin bình thản ngước nhìn Ivanov.

“Đấy cũng chỉ là nói thế thôi,” hắn bảo. “Tôi không khai vì đã bị ngất. Nếu tôi còn tỉnh thêm một vài phút nữa thì nhất định tôi đã khai rồi. Vấn đề là thể chất con người nó như thế.”

Gletkin chậm rãi uống cạn ly rượu và nói thêm: “Khi tỉnh lại tôi tin rằng mình đã khai hết. Nhưng hai chiến sĩ cùng được giải cứu với tôi lại nói là không. Thế là tôi được gắn huân chương. Tất cả chỉ là ở thể chất của con người, mọi thứ khác chỉ là những chuyện thêu dệt thêm mà thôi.”

Ivanov nâng ly lên. Anh đã uống quá nhiều rồi.

“Anh đã phát minh ra cái lý thuyết thể chất này từ bao giờ vậy? Nói cho ngay, những năm đầu có được áp dụng các biện pháp cứng rắn đâu. Thời đó chúng ta còn ảo tưởng lắm. Bỏ các biện pháp trừng phạt, trại cải tạo thì có vườn hoa. Thật là cực kỳ nhảm nhí.”

“Tôi không tin,” Gletkin nói. “Anh là một người ích kỷ. Một trăm năm nữa mọi chuyện sẽ diễn ra đúng như thế. Nhưng trước hết phải tiêu diệt kẻ thù đã. Càng nhanh càng tốt. Ảo tưởng là khi nghĩ rằng thời đó đã đến rồi. Thời gian đầu, khi mới được điều về đây tôi cũng có ảo tưởng như thế. Tất cả chúng ta, thực ra là toàn bộ bộ máy đều đã nghĩ như thế. Chúng ta muốn khắp nơi đều có đầy hoa lá ngay lập tức. Thế là sai. Sau một trăm năm nữa chúng ta mới có thể dùng lý lẽ để cảm hoá được những kẻ vi phạm pháp luật. Còn hiện nay chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp tra tấn, phải đè bẹp kẻ thù cả về tinh thần lẫn thể xác, nếu cần.”

“Liệu hắn có say không?” Ivanov tự hỏi. Nhưng vẻ mặt bình tĩnh và đôi mắt không biểu hiện một chút tình cảm nào của hắn chứng tỏ rằng hắn chưa say. Ivanov mỉm cười và lơ đãng hỏi:

“Nói tóm lại, tôi là người ích kỷ còn anh là nhà luân lý học, đúng không?”

Gletkin không trả lời. Hắn ngồi thẳng người trên ghế, quân phục là cứng, dây thắt lưng to bản có khẩu súng lục lủng lẳng sực mùi da mới thuộc.

“Mấy năm trước,” Gletkin nói, sau một hồi im lặng, “một tay nông dân được đưa đến chỗ tôi để thẩm vấn. Chuyện đó xảy ra ở dưới tỉnh, khi chúng ta vẫn còn tin vào lý thuyết vườn hoa, như anh nói cơ. Tất cả các cuộc hỏi cung đều diễn ra trong tinh thần hữu hảo. Tay nông dân này đã đem chôn giấu tất cả thóc lúa hắn vừa thua hoạch được, đấy là giai đoạn đầu của quá trình hợp tác hoá. Tôi làm theo đúng hướng dẫn. Tôi giảng giải cho anh ta rằng chúng ta cần lương thực để nuôi dân thành thị đang ngày càng gia tăng và để xuất khẩu, để xây dựng nền công nghiệp và đề nghị anh ta chỉ chỗ giấu thóc. Khi mới bước vào thì cổ anh ta rụt lại vì tin là sẽ bị đánh. Tôi biết rõ loại người như thế, bản thân tôi cũng xuất thân từ nông dân mà. Thấy tôi không những không nện cho anh ta một trận mà lại nói chuyện một cách thân mật và gọi anh ta là “công dân” thì anh ta lập tức cho rằng tôi bị loạn thần kinh. Tôi đọc được điều đó trong mắt anh ta. Tôi nói chuyện với anh ta khoảng nửa tiếng đồng hồ. Còn anh ta thì nín thinh, thỉnh thoảng lại đưa ngón tay lên ngoáy mũi hay ngoáy tai. Tôi tiếp tục giảng giải mặc dù nhận ra rằng anh ta coi đây là chuyện đùa, không thèm nghe nữa. Lý luận không thể lọt được vào tai những người như anh ta. Hàng thế kỷ giam hãm trong chế độ gia trưởng đã làm cho họ điếc đặc hết rồi. Tôi tuân theo đúng hướng dẫn, lúc đó tôi không thể nào nghĩ rằng còn có những biện pháp khác…. Lúc đó tôi phải xử lý từ hai mươi đến ba mươi trường hợp mỗi ngày. Các đồng chí khác cũng thế. Cách mạng đang lâm nguy vì những thằng nông dân như thế. Công nhân không có gì ăn; cả tỉnh, cả huyện tan hoang vì nạn đói; không vay được tiền để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, kẻ thù thì sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Hơn hai triệu đồng tiền vàng bị giấu ở các xó xỉnh khác nhau, một nửa số lương thực vừa thu hoạch cũng bị họ đem chôn xuống đất. Trong khi chúng ta gọi họ là các công dân thì họ lại coi chúng ta là những anh hề. Lần hỏi cung thứ ba diễn ra vào lúc hai giờ sáng, trước đây mỗi ngày tôi thường làm việc mười tám tiếng đồng liền. Anh ta bị gọi dậy, vẫn còn ngái ngủ, thế là khai hết. Từ đó trở đi tôi chỉ hỏi cung vào ban đêm. Có một con mụ còn phải đứng trước cửa phòng tôi suốt đêm nữa cơ. Khi được đưa vào thì chân mụ đã không đứng vững nữa, mệt quá, mới hỏi được nửa chừng thì mụ đã lăn ra ngủ. Tôi gọi dậy, mụ ta tiếp tục nói mà không biết mình nói gì nữa. Tôi lại gọi dậy, lần này mụ ta thú nhận tất, thậm chí còn ký biên bản mà không thèm đọc nữa cơ. Chồng của mụ ta giấu hai khẩu súng trường trong đống rơm, lại còn xúi giục nông dân trong làng đốt hết thóc đi vì hắn ta mơ thấy một tên phản chúa. Người phụ nữ này phải đứng suốt đêm ngoài hành lang là do sự cẩu thả của tay trợ lý của tôi, nhưng từ đó trở đi tôi bảo anh ta cứ làm như thế; những thằng ngoan cố còn bị đứng một chỗ bốn mươi tám tiếng đồng hồ liền cơ. Sau đó thì chúng không còn giả câm giả điếc được nữa….”

Hai người chơi cờ ở góc đằng kia xếp lại quân và bắt đầu một ván mới. Người thứ ba đã bỏ ra ngoài. Ivanov chăm chú quan sát Gletkin. Giọng hắn vẫn điềm đạm và vô hồn như mọi khi.

“Các đồng chí khác cũng trải qua những giai đoạn như thế. Đấy là cách duy nhất. Vẫn tuân thủ chỉ dẫn, không có phạm nhân nào bị đánh đập cả. Nhưng đôi khi, có thể nói một cách vô tình, họ được chứng kiến cảnh tử hình những tù nhân khác. Tác động phải nói là cả về thể xác lẫn tinh thần. Một thí dụ khác: để giữ vệ sinh tù nhân phải thường xuyên đi tắm. Mùa đông, hệ thống đun và đường ống nước nóng không phải lúc nào cũng hoạt động tốt, vì lý do kỹ thuật, dĩ nhiên, nhưng lúc nào bị hết nước nóng và hết trong bao lâu thì chỉ người lính áp giải mới biết mà thôi. Mùa hè thì ngược lại, đôi khi hệ thống nước nóng lại làm việc tốt quá, tất cả cũng vẫn phụ thuộc vào người lính áp giải. Đấy đều là các đảng viên lâu năm, không cần phải hướng dẫn quá cụ thể, họ hiểu ra ngay vấn đề….”

“Dĩ nhiên là không cần,” Ivanov nói.

“Anh hỏi tôi lý thuyết thể chất được hình thành như thế nào và tôi đã giải đáp,” Gletkin nói. “Mọi hành động của chúng ta đều xuất phát từ sự cần thiết, làm khác đi, như anh, là ích kỷ. Muộn rồi, tôi phải đi đây.”

Ivanov dốc cạn ly và đặt cái chân giả lên mặt ghế, bệnh thấp khớp lại tiếp tục hành hạ anh. Anh cảm thấy bực mình vì đã trót khơi mào câu chuyện vừa rồi.

Gletkin trả tiền. Khi cô nhân viên căng tin đi khỏi, Gletkin hỏi:

“Sẽ làm thế nào với tay Rubashov đây?”

“Tôi đã nói rồi,” Ivanov đáp. “Hãy để cho anh ta yên.”

Gletkin đứng lên. Tiếng ủng kêu lạo xạo. Anh ta đứng bên cạnh cái ghế mà Ivanov đang gác chân lên.

“Tôi công nhận là anh ta có nhiều cống hiến,” Gletkin nói. “Nhưng hiện nay anh ta đã trở thành nhân vật phá hoại, y hệt mấy tay nông dân kia, nhưng nguy hiểm hơn.”

Ivanov ngẩng lên và nhìn vào đôi mắt vô cảm của Gletkin.

“Tôi đã cho anh ta suy nghĩ hai tuần,” Ivanov nói. “Trong thời gian đó xin đừng động tới anh ta.”

Ivanov nói như ra lệnh. Gletkin là cấp dưới của anh. Gletkin giơ tay lên chào và bước ra khỏi căng tin, đôi ủng mới bóng loáng phát ra những tiếng cót két sau mỗi bước chân.

Ivanov vẫn ngồi. Anh uống thêm ly nữa rồi châm một điếu thuốc. Một lúc sau anh mới đứng dậy và đi cà nhắc đến chỗ hai sĩ quan đang chơi cờ.


3.

Ngay sau buổi thẩm vấn đầu tiên cuộc sống của Rubashov đã được cải thiện một cách rõ rệt. Sáng hôm sau người giám thị già đã mang đến giấy, bút, một bánh xà phòng và cái khăn mặt. Ông ta cũng đưa cho anh tem phiếu của nhà tù, tương đương với số tiền họ thu khi bị bắt và nói rằng từ nay anh có thể đặt mua thuốc lá và thức ăn thêm ở căng tin trại giam.

Rubashov đặt mua thuốc lá và một ít thức ăn. Người giám thị, vẫn ít nói và nhăn nhó như cũ, đã nhanh chóng mang lại những thứ anh dặn. Rubashov đã định cho gọi một viên bác sĩ từ bên ngoài vào, nhưng đúng lúc đó thì lại quên. Cái răng sâu không còn đau nữa, sau khi rửa mặt và ăn sáng anh thấy người dễ chịu hơn.

Tuyết trên sân đã được dọn hết, tù nhân đi thành từng nhóm. Mấy ngày trước không thấy chuyện đó, có lẽ là do tuyết phủ dày quá, chỉ có Môi Thỏ và bạn của anh ta là ngày nào cũng đi khoảng mười phút, chắc là theo đơn của bác sĩ. Lần nào cũng vậy, trước khi đi vào hoặc đi ra, bao giờ Môi Thỏ cũng ngẩng lên nhìn vào cửa sổ buồng Rubashov.

Nếu không viết hoặc không đi bách bộ trong phòng thì thế nào Rubashov cũng đứng úp trán vào sát kính cửa sổ để quan sát những người tù đi dạo dưới sân. Nhóm thường gồm mười hai người, từng đôi đi cách nhau đúng mười bước. Ở giữa sân có bốn lính canh, họ có trách nhiệm theo dõi để tù nhân không nói chuyện với nhau. Các cuộc đi dạo như thế kéo dài đúng hai mươi phút. Sau đó tù nhân được đưa vào nhà theo cửa bên phải, trong khi một nhóm khác được dẫn ra theo cửa bên trái.

Mấy ngày đầu Rubashov có ý tìm người quen trong số các tù nhân đi dạo ngoài sân, nhưng không trông thấy người nào. Thế càng tốt, lúc đó anh muốn tránh tất cả những thứ có thể làm anh sao nhãng nhiệm vụ đang làm. Nhiệm vụ của anh lúc này là suy nghĩ cho thật thấu đáo để tìm ra kết luận, để liên kết quá khứ với tương lai, để thấy thái độ của mình đối với người sống và người chết. Ivanov cho anh thời hạn là hai tuần, còn mười ngày nữa mới hết.

Chỉ có viết ra thì ý nghĩ mới được mạch lạc, nhưng viết lại làm anh mệt mỏi đến nỗi anh chỉ có thể ngồi mỗi ngày từ một đến hai tiếng là cùng. Lúc không viết thì anh đi bách bộ và để mặc cho đầu óc muốn nghĩ gì thì nghĩ.

Rubashov luôn luôn tin rằng anh hiểu rõ được con người mình. Không bám vào những thành kiến cố hữu về đạo đức, cũng không có bất kì ảo tưởng nào về hiện tượng gọi là “con người cá nhân”, anh thừa nhận mà không cần bất cứ chứng cứ nào rằng cá nhân mang trong lòng nó những xung năng mà nói chung người đời không muốn công nhận. Bây giờ, khi gục đầu vào cửa sổ hay khi bất thình lình dừng lại trên viên gạch lát nền màu đen anh bỗng phát hiện ra nhiều điều thú vị. Hoá ra những cuộc nói chuyện được gọi một cách sai lầm là độc thoại lại chính là những cuộc đối thoại đặc biệt, trong đó một bên lắng nghe, còn bên kia, trái với tất cả các nguyên tắc ngữ pháp, lại gọi phía bên kia là tôi chứ không phải anh để chiếm đoạt lòng tin và tìm hiểu những dự định của nó, còn bên nghe thì cứ giữ yên lặng, thậm chí không thèm quan sát và không chịu định vị trong không gian và thời gian. Nhưng bây giờ Rubashov lại thấy rằng cái bên vẫn luôn giữ yên lặng đôi khi cũng lên tiếng dù không có lý do chính đáng nào, anh lắng nghe cái giọng là lạ đó và chợt nhận ra rằng môi mình đang mấp máy. Dần dần Rubashov nhận ra rằng đấy không phải là chuyện lạ, đấy chỉ là một tính cách cụ thể, xác định được trong con người cá nhân, cái tính cách bấy lâu vẫn giữ yên lặng nay mới bắt đầu lên tiếng mà thôi.

Phát hiện này làm Rubashov phải suy nghĩ nhiều hơn là những đề nghị của Ivanov. Anh cho rằng vấn đề đã được giải quyết, anh sẽ không chấp nhận ý kiến của Ivanov và sẽ ra khỏi cuộc chơi, nghĩa là anh sẽ chẳng còn được sống thêm bao lâu nữa, mọi ý nghĩ của anh đều dựa trên cái nền tảng ấy.

Anh không quan tâm đến chuyện ám sát Anh Cả, anh chỉ quan tâm đến cá nhân Ivanov mà thôi. Anh ta nói rất đúng rằng họ hoàn toàn có thể thế chỗ cho nhau. Về mặt tinh thần, anh và Ivanov có thể được coi là hai anh em sinh đôi, tuy không cùng một mẹ, nhưng họ cùng được nuôi dưỡng bằng một niềm tin, môi trường khắc nghiệt của Đảng đã rèn dũa và đào luyện nên tính cách của hai người trong những năm có ý nghĩa quyết định nhất. Họ có chung những tiêu chuẩn về đạo đức, có chung các quan điểm về triết học, thậm chí suy nghĩ cũng giống nhau. Ivanov đã nói rất đúng: hai người có thể thế chỗ cho nhau và anh cũng sẽ sử dụng những lý lẽ mà Ivanov đã dùng khi thuyết phục anh. Luật chơi đã được qui định như thế. Khác nhau chỉ là tiểu tiết.

Thói quen đặt mình vào vị trí của người phản biện cứ bám chặt lấy đầu óc Rubashov, anh thấy mình đang ngồi vào chỗ của Ivanov và nhìn mình, trong vai một tội đồ, bằng đôi mắt của Ivanov như anh đã từng nhìn Richard và Levy Còi vậy. Anh nhìn thấy một Rubashov đã bị cách chức, chỉ còn là cái bóng của người đồng đội cũ và anh bỗng hiểu được thái độ vừa dịu dàng vừa coi thường của Ivanov đối với anh. Trong khi nói chuyện anh thường tự hỏi là Ivanov chân thành hay dối trá, liệu anh ta có gài bẫy hay quả thật anh ta muốn chỉ cho anh một con đường thoát. Bây giờ, khi đặt mình vào vị trí của Ivanov thì anh nhận ra rằng thái độ của Ivanov đối với anh cũng chính là thái độ của anh đối với Richard và Levy Còi mà thôi.

Luồng tư tưởng của Rubashov cũng diễn ra dưới dạng độc thoại quen thuộc, một phía vẫn hoàn toàn câm lặng. Mặc dù tất cả các cuộc độc thoại luôn luôn là để nói với nó, nhưng nó lại không bao giờ lên tiếng, nó chỉ tồn tại trong khái niệm ngữ pháp trừu tượng gọi là “đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít mà thôi”. Cả những câu hỏi trực tiếp lẫn những suy tư trừu tượng đều không thể đánh thức được nó, nhưng nhiều khi nó lại lên tiếng mà chẳng thấy có lý do cụ thể nào và thường đi kèm với một cú nhức răng muốn chảy nước mắt. Có vẻ như nó quan tâm đến những lĩnh vực chẳng có liên quan gì với nhau như hai bàn tay khum lại của bức tranh Pietà, những con mèo của Levy Còi, nhạc điệu của bài hát với điệp khúc “Phá sạch tan tành” hay một câu nói của Arlova từng làm anh thích thú. Cách thể hiện của nó cũng kì quặc: thí dụ như buộc phải lau kính vào ống tay áo hay bắt phải chạm tay vào cái khoảng tường sáng mờ trong phòng Ivanov hay mấp máy môi và nói những câu vô nghĩa như “Ta sẽ phải trả giá” hay mụ đi trong những giấc mơ về quá khứ.

Rubashov cố gắng suy nghĩ thật kỹ về cái tôi mới được phát hiện này trong khi đi bách bộ trong buồng giam, nhưng theo truyền thống của Đảng là không được nói tới con người cá nhân cho nên anh đặt tên cho nó là Người Đối Thoại Không Lời. Rubashov tin rằng mình chẳng sống được bao lâu nữa nên cần phải giải quyết cho xong vấn đề này, cần phải “suy nghĩ để tìm cho ra kết luận hữu lý”. Nhưng Người Đối Thoại Không Lời có vẻ như lại bắt đầu ở chỗ không thể “suy nghĩ để tìm cho ra kết luận hữu lý”. Đấy chính là bản chất của nó, nó là bất khả tư nghị và thường tấn công người ta một cách bất ngờ, thí dụ như những cơn đau răng hay những giấc mơ giữa ban ngày. Rubashov đã trải qua ngày lao tù thứ bảy, tức là ngày thứ ba kể từ buổi lấy cung đầu tiên như thế đấy; những giấc mơ giữa ban ngày đã đưa anh trở về thời quá khứ, nói chính xác là đã nhắc anh nhớ lại quan hệ với cô gái đã bị tử hình tên là Arlova.

Người ta không thể nói được một cách chính xác mình đã ngủ gục khi nào, Rubashov cũng vậy, dù đã quyết tâm, anh cũng không thể nói mình đã lạc vào giấc mơ giữa ban ngày từ lúc nào. Buổi sáng ngày thứ bảy anh bắt đầu ghi chép, sau đó đứng lên cho khỏi tê chân và chỉ đến khi nghe thấy tiếng chìa khoá quay trong ổ anh mới nhận ra rằng lúc đó đã là giữa trưa, nghĩa là anh đã đi đi lại lại suốt bốn tiếng đồng hồ liền. Cái chăn tù đang quấn trên vai, thế có nghĩa là trước đây mấy tiếng anh đã bị run vì rét và bị đau răng nữa. Anh lơ đãng ăn hết bát thức ăn mấy người lính vừa đưa tới và tiếp tục đi ra đi vào như cũ. Người giám thị làm nhiệm vụ theo dõi anh qua lỗ nhòm thấy chốc chốc anh lại run lên, vai so lại, còn môi thì mấp máy không ngừng.

Rubashov lại như được hít thở cái không khí của Phòng Đại diện Bộ Thương mại ngày xưa với mùi da thịt quen thuộc của Arlova, một người cao to, nhưng cân đối và có phần chậm chạp; anh như lại nhìn thấy cái cổ đang cúi xuống bên cuốn tập mỗi khi anh đọc cho cô ghi tốc ký và đôi mắt to đang nhìn theo khi anh đi đi lại lại trong phòng để tìm ý tứ cho đoạn tiếp theo. Cô cũng mặc những cái áo blu trắng có thêu những bông hoa nhỏ trên cái cổ áo dựng đứng giống như các chị em của Rubashov thường mặc ở nhà và cũng đeo những đôi hoa tai rẻ tiền như các chị em của anh ở trong nước, anh để ý thấy mỗi lần cô cúi xuống thì bao giờ hoa tai cũng lủng lẳng ngay sát hai bên má cô. Quan sát những động tác có phần chậm chạp và thụ động của cô, người ta dễ có cảm giác rằng cô được sinh ta để làm thư ký vậy; hơn nữa, còn có tác dụng an thần mỗi khi Rubashov bị căng thẳng vì phải làm việc quá sức. Anh được cử đứng đầu Phòng Đại diện Bộ Thương mại ở B. ngay sau cái chết của Levy Còi và lập tức vùi đầu vào công việc; anh cũng thầm cam ơn Ban Chấp hành Trung ương vì đã được thuyên chuyển sang một công việc hành chính như thế. Đây có thể coi là trường hợp ngoại lệ vì các cán bộ cao cấp của Quốc tế ít khi được chuyển sang công tác đối ngoại. Có lẽ Anh Cả đã có những dự định đặc biệt đối với Rubashov vì thường thì cán bộ hai cơ quan này không bao giờ được gặp nhau, thậm chí họ còn thực hiện những chính sách không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau nữa kia. Dĩ nhiên những người xung quanh Anh Cả đã điều phối chính sách của hai cơ quan này: chính sách là do sách lược trong giai đoạn đó quyết định và tất cả cũng chỉ để giải quyết những vấn đề chiến lược mà chỉ cấp trên mới hiểu được mà thôi.

Phải một thời gian sau Rubashov mới quen với địa vị mới, thời gian đầu anh cảm thấy tức cười vì từ nay anh đã có hộ chiếu thật, mang tên thật, được tham gia vào những buổi tiếp tân; thấy cảnh sát bồng súng đứng chào và nhất định bao giờ cũng có những người ăn vận khiêm nhường, đội mũ đen đi bên cạnh để bảo vệ anh.

Thời gian đầu không khí trong Phòng Đại diện, Phòng này nằm ngay cạnh Công sứ quán, làm anh hơi lúng túng. Anh hiểu rằng trong thế giới tư bản này người ta phải tỏ ra sang trọng và đóng đúng vai trò của mình, nhưng trên thực tế thì người ta lại vào vai đạt quá đến nỗi chẳng thể phân biệt được đấy là chơi hay là thật nữa. Khi viên Bí thư thứ nhất của Toà Công sứ, người trước Cách mạng từng làm nhiệm vụ kiếm tiền cho Đảng, nhắc nhở Rubashov về việc cần phải thay đổi trang phục và cách sống với thái độ chẳng thể gọi là mang tình đồng chí thì anh cảm thấy như bị xúc phạm và bất mãn.

Rubashov có mười hai nhân viên với chức danh và nhiệm vũ rõ ràng: Phó ban thứ nhất và thứ hai, một kế toán trưởng và trợ lý, các thư ký và trợ lý của thư ký. Rubashov nhận thấy rằng tất cả các nhân viên dưới quyền đều coi anh vừa là anh hùng vừa là một kẻ đầu trộm đuôi cướp. Họ vừa kính trọng vừa có thái độ khoan dung thái quá với mọi hành động của anh. Mỗi khi viên Bí thư Công sứ trình bày một vấn đề gì thì bao giờ anh ta cũng cố gắng nói thật đơn giản, y như người ta nói với bọn vô học hay trẻ con vậy. Chỉ có Arlova, thư ký riêng của anh là không có thái độ như thế mà thôi, anh chỉ không hiểu một chuyện, đấy là tại sao cô lại đi đôi giày cao gót, da thuộc đàng hoàng, nhưng vẫn mặc những bộ áo váy cực kỳ đơn giản như thế.

Phải gần một tháng sau anh mới nói chuyện với cô. Hôm ấy, đã mệt vì đọc và đi đi lại lại, anh bỗng nhận ra sự lặng lẽ trong phòng.

“Đồng chí Arlova, sao chẳng bao giờ nghe thấy đồng chí nói gì cả?” anh vừa hỏi vừa ngồi lên chiếc ghế cạnh bàn viết.

“Nếu đồng chí muốn,” cô đáp một cách chậm rãi, gần như ngái ngủ, “bao giờ tôi cũng có thể nhắc lại được từ cuối cùng trong mỗi đoạn văn của đồng chí.”

Ngày nào cô cũng ngồi trước bàn làm việc của anh, áo blu thêu, đôi vú nở tì lên cuốn vở, đầu hơi cúi và đôi hoa tai teo tòng teng ngay hai bên má. Chỉ có đôi giày da cao gót là có vẻ hơi bất thường, nhưng cô không bao giờ bắt chéo chân như đa số phụ nữ mà anh từng gặp. Vì anh thường đi đi lại lại trong khi đọc cho cô ghi nên anh hay nhìn thấy cô từ đằng sau hay hai bên sườn nên hình ảnh còn đọng lại nhiều nhất trong tâm trí anh chính là cái cổ cong của cô. Gáy cô không có nhiều lông tơ nhưng cũng không được cạo nhẵn, da trắng và căng.

Khi còn trẻ Rubashov không quan tâm nhiều đến phụ nữ vì phần lớn những người anh tiếp xúc đều là đồng chí và cái gọi là quan hệ tình cảm chỉ xuất hiện sau những cuộc thảo luận kéo dài đến tận quá nửa đêm, ai cũng vội vàng chạy ngay ra tầu điện thì mới lên kịp chuyến cuối cùng.

Đã hai tuần trôi qua kể từ cái lần bắt chuyện không thành công ấy. Thời gian đầu Arlova luôn luôn nhắc lại từ cuối cùng của đoạn văn mà Rubashov vừa đọc cho chép; sau này, có thể đã thấy chán, cô không nhắc lại nữa và những lúc anh tạm nghỉ thì căn phòng lại trở nên yên tĩnh như cũ, chỉ còn mùi nước hoa phảng phất. Một buổi chiều, Rubashov bỗng đứng lại ngay đằng sau Arlova rồi khẽ đặt cả hai tay lên vai cô, anh hỏi cô có đồng ý đi ăn tối cùng với anh không. Cô không quay lại, cũng không né tránh mà chỉ khẽ gật đầu. Rubashov không thích tán tỉnh, nhưng đêm đó đã không kìm được, vừa mỉm cười anh vừa bảo:

“Hồi nãy anh tưởng em sẽ chép luôn câu ấy cơ đấy.”

Đôi bầu vú to và săn của cô dường như rất ăn nhập với bóng tối căn phòng, có cảm giác lúc nào cô cũng hiện diện ở đây vậy. Chỉ có đôi bông tai đã nằm yên trên gối mà thôi. Ánh mắt cô vẫn không thay đổi khi cô nói một câu mà anh sẽ nhớ suốt đời như anh từng ghi nhớ đôi bàn tay đang chìa ra trong bức tranh Pietà và mùi rong biển chết trên cái hải cảng ngày nào:

“Anh muốn làm gì em cũng được.”

“Tại sao?” Rubashov hỏi, anh thấy hơi ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt nữa.

Cô không trả lời. Có lẽ cô đã ngủ. Khi ngủ, hơi thở cô cũng nhẹ y như lúc thức. Rubashov chưa bao giờ nghe thấy cô thở. Anh cũng chưa bao giờ nhìn thấy cô nhắm mắt. Nét mặt cô có vẻ hơi lạ, xinh hơn. Nhưng lạ hơn cả là bóng đen trong hai nách cô và cái cằm gục xuống sát ngực, trông cô giống như một người đàn bà đã chết. Nhưng cái mùi nước hoa nhẹ nhàng thì lại rất quen thuộc, quen thuộc ngay cả khi cô đã ngủ.

Ngày hôm sau và những ngày sau nữa, cô vẫn mặc chiếc áo blu trắng ấy và cũng vẫn ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn viết; đêm sau và những đêm sau nữa hình bóng bộ ngực cô lại thấp thoáng sau cái ri đô phòng ngủ của anh. Thân hình to lớn và điềm đạm của cô gắn bó với anh suốt ngày đêm. Chỉ có thái độ của cô đối với công việc thì vẫn như xưa, giọng nói và ánh mắt cũng không có gì thay đổi, chẳng kèm theo hi vọng hay ảo tưởng nào. Đôi khi, mệt mỏi vì đi lại, Rubashov thường dừng lại ngay sau lưng cô rồi đặt hai bàn tay lên vai cô mà không nói gì, cô cũng không nhúc nhích; sau khi tìm được đúng ý cần thiết anh lại tiếp tục đi quanh phòng và đọc cho cô chép.

Đôi khi anh cũng có những lời nhận xét cay độc về chính những điều đang đọc cho cô chép, khi đó cô ngồi yên và đợi, tay vẫn cầm bút, nhưng cô không bao giờ cười nên Rubashov cũng chẳng hiểu cô nghĩ gì về những nhận xét của anh. Chỉ có một lần, đấy là sau khi nghe anh kể một câu chuyện khôi hài nguy hiểm về thói quen của Anh Cả, cô đã bất ngờ từ tốn nhận xét: “Anh chớ nên nói những chuyện như thế trước mặt người khác, anh phải thận trọng hơn nữa mới được”. Nhưng sau đó, trước mặt cô thỉnh thoảng anh vẫn xả những nỗi bực tức bằng những lời cay độc, đặc biệt là khi đọc những chỉ thị của cấp trên đưa xuống.

Phiên toà Đại hình thứ hai chống lại phe đối lập đang được chuẩn bị. Không khí trong Công sứ quán đặc biệt căng thẳng. Những bức chân dung treo trên tường đột nhiên biến mất, dù trước đó chẳng mấy người để ý đến chúng, nhưng bây giờ, những khoảng sáng mờ hình chữ nhật trên tường lúc nào cũng như chọc thẳng vào mắt. Các nhân viên chỉ còn nói mỗi chuyện công việc với giọng điệu thận trọng và lịch sự hơn trước rất nhiều. Khi ngồi quanh bàn ăn trong căng tin, nghĩa là lúc buộc phải trao đổi thì bao giờ họ cũng dùng những từ ngữ như trên báo Đảng, những câu nói mà trong môi trường thân mật như thế nghe vừa lố bịch vừa nặng nề, cứ như thể sau khi nhờ nhau đưa cho lọ muối hay lọ tiêu là họ lại động viên nhau bằng những khẩu hiệu của Đại hội Đảng vừa rồi vậy. Cũng thường xảy ra sự kiện là một người nào đó sợ người ta hiểu nhầm ý mình vội kêu những người khác làm chứng: “Tôi không nói thế” hay “Ý tôi thế này cơ”. Chuyện này làm Rubashov vừa ngạc nhiên vừa có cảm giác như đang được xem một vở múa rối, mỗi người đều được điều khiển từ xa và đều phải nhập đúng vai của mình. Chỉ có một mình Arlova, vẫn yên lặng và bình thản như cũ, là không thay đổi mà thôi.

Không chỉ những bức chân dung trên tường bị gỡ mà những cuốn sách trong thư viện cũng biến mất dần. Sách vở được mang đi một cách kín đáo, thường là một ngày sau khi có chỉ thị từ bên trên. Rubashov cũng chế giễu chuyện này trong khi đọc cho Arlova chép, nhưng vẫn như mọi khi, cô không có phản ứng gì. Phần lớn các tác phẩm viết về ngoại thương và tài chính đã bị lấy đi, tác giả của chúng, ông Dân uỷ Tài chính vừa bị bắt, các báo cáo tại các kì Đại hội Đảng về vấn đề này cũng bị thu hồi. Hầu hết các cuốn sách viết về lịch sử cách mạng, về luật học và triết học của những tác giả từng tham gia phong trào cách mạng, các tài liệu về cơ cấu của quân đội nhân dân, các nghiên cứu về công đoàn và quyền đình công trong nhà nước Cộng hoà nhân dân, gần như tất cả các công trình nghiên cứu về cơ cấu chính trị của nhà nước đã biến mất; ngay bộ Bách khoa toàn thư do Viện Hàn lâm Khoa học xuất bản cũng bị thu hồi, người ta hứa sẽ hiệu đính bộ sách này trong một thời gian ngắn.

Những cuốn sách mới đã được gửi tới, các tác phẩm kinh điển về khoa học xã hội được in kèm rất nhiều ghi chú và bình luận, thay chỗ cho những cuốn lịch sử bị lấy đi đã có những cuốn lịch sử mới, những cuốn hồi ký của các nhà cách mạng quá cố bị lấy đi thì lại có những cuốn mới thay thế, cũng là hồi ký, cũng là những nhà cách mạng đã chết từ lâu. Rubashov nói đùa với Arlova rằng chỉ còn việc in lại các số báo cũ nữa là xong.

Cách đây mấy tuần lại có chỉ thị “từ trên” đưa xuống nói rằng phải cử ra một thủ thư, người này phải chịu trách nhiệm chính trị về nội dung các tài liệu trong thư viện của Công sứ quán. Arlova được bổ nhiệm vào chức vụ này. Nghe thấy thế Rubashov lẩm bẩm: “Trò trẻ con” và coi đấy là trò nhảm nhí cho đến khi tại cuộc họp chi bộ hàng tuần ở Công sứ có mấy người đứng lên phê phán Arlova một cách cực kì gay gắt. Ba bốn người, trong đó có Bí thư thứ nhất Công sứ khẳng định rằng trong thư viện không có một số bài diễn văn quan trọng của Anh Cả nhưng lại có rất nhiều sách của phe đối lập, rằng tác phẩm của những tên phản bội, những tên gián điệp ăn lương của nước ngoài cho đến tận thời gian gần đây vẫn nắm đầy trên giá sách, chẳng khác gì một sự khiêu khích cố ý. Các diễn giả đều nói ngắn gọn và mạch lạc, ngôn từ được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, chẳng khác gì một vở kịch. Tất cả các diễn giả đầu kết luận rằng hiện nay nhiệm vụ chính của Đảng là phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phải tố cáo mọi hành động lạm dụng, ai không thực hiện các nhiệm vụ này là đồng loã với bọn phá hoại. Khi được gọi lên phát biểu, Arlova đã nói với một giọng điềm tĩnh vốn có rằng cô không có ý định xấu, rằng cô luôn tuân thủ các chỉ thị của cấp trên, nhưng khác với mọi khi, đây là lần đầu tiên trước mặt những người khác, vừa nói cô vừa nhìn chằm chằm vào mặt Rubashov. Hội nghị đã ra nghị quyết trong đó có câu: “Nghiêm khắc nhắc nhở đồng chí Arlova.”

Rubashov đã nắm vững các nguyên tắc mới trong sinh hoạt Đảng, nhưng lần này cũng cảm thấy khó chịu. Anh ngờ rằng Arlova đang gặp nguy hiểm nhưng không thể giúp được gì vì đây là mối đe doạ ẩn danh, không thể biết nó xuất phát từ đâu.

Không khí trong Công sứ quán càng ngày càng căng thẳng hơn. Rubashov không còn đưa ra những lời bình luận trong khi đọc nữa và điều đó làm cho anh cảm thấy như là người có tội. Bề ngoài thì quan hệ giữa anh với Arlova vẫn không có gì thay đổi, nhưng cảm giác tội lỗi vì không còn hứng thú nói những câu khôi hài đã ngăn cản, không cho anh đứng lại đằng sau lưng ghế của cô và đặt hai bàn tay lên vai cô nữa. Một tuần sau thì Arlova không đến phòng anh vào buổi tối nữa, mấy đêm sau cũng vậy. Phải ba ngày sau Rubashov mới dám hỏi lý do. Cô nói rằng bị đau đầu, Rubashov không nói gì thêm. Từ đấy cô không bao giờ đến nữa, trừ một lần duy nhất.

Chuyện đó xảy ra ba tuần sau cuộc họp chi bộ, nghĩa là hai tuần sau khi cô không còn đến phòng anh vào buổi tối nữa. Thái độ của cô vẫn bình thường, nhưng suốt đêm đó Rubashov cứ có cảm giác rằng cô đang chờ anh nói một lời quyết định. Song anh chỉ nói rằng anh vui vì cô đã tới và anh cảm thấy rất mệt; anh đã nói rất đúng. Ban đêm, mấy lần thức giấc anh đều thấy cô nằm im nhưng chưa ngủ, mắt nhìn chằm chằm vào bóng đêm. Anh cảm thấy vô cùng đau khổ vì có lỗi với cô, cái răng sâu đúng lúc đó lại lên cơn đau. Đấy là buổi tối cuối cùng cô đến với anh.

Sáng hôm sau, khi Arlova chưa tới, bằng giọng tin cậy và với những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận ông Bí thư thứ nhất đã thông báo cho Rubashov biết rằng anh trai và chị dâu của Arlova đã bị bắt trước đó một tuần. Chị dâu của Arlova là người ngoại quốc, cả hai người bị kết tội có liên hệ với tổ quốc của cô ta nhằm giúp đỡ phe đối lập.

Mấy phút sau Arlova mới tới. Cũng như mọi khi, cô lại ngồi bên cạnh cái bàn viết, đầu hơi cúi về phía trước. Rubashov đi đi lại lại ngay sau lưng cô, anh nhìn thấy cái gáy cong cong với làn da căng mịn, rất ít lông tơ của cô. Anh cứ nhìn như thế mãi và cảm giác khó chịu ngày một tăng dần, tăng dần cho đến khi anh cảm thấy buồn nôn. Ở Bên Nớ tội nhân thường bị bắn vào gáy, cái ý nghĩ ấy cứ bám mãi vào đầu óc anh suốt ngày hôm đó.

Tại cuộc họp chi bộ sau đó, theo đề nghị của đồng chí Bí thư thứ nhất Công sứ quán, Arlova bị cách chức thủ thư vì không đáp ứng các tiêu chuẩn về chính trị. Không có thảo luận cũng không ai có ý kiến gì khác. Rubashov vì đau răng nên đã xin phép vắng mặt. Mấy ngày sau thì Arlova và một nhân viên nữa bị gọi về nước. Tên tuổi của họ không còn được ai nhắc đến nữa. Mấy tháng sau thì chính Rubashov cũng bị triệu hồi, nhưng cái mùi nước hoa dìu dịu từ thân hình to lớn, chậm chạp của cô đã bám vào bức tường căn phòng anh và lúc nào anh cũng có cảm tưởng như còn phảng phất đâu đây.


4.

VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN

Kể từ ngày thứ mười trở đi sáng nào người tù ở buồng giam 406 cũng gõ câu đó, và bao giờ cũng gõ sai từ VÙNG thành VÙN. Rubashov đã thử bắt chuyện với anh ta, nhưng người bạn tù không trả lời, mà nếu có trả lời thì bao giờ cũng chỉ là một loạt chữ cái rời rạc và kết thúc bằng câu:

VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN

Người bạn tù mới được đưa tới vào đêm hôm trước. Rubashov thức giấc nhưng chỉ nghe thấy tiếng bước chân và tiếng khoá cửa. Sáng hôm sau, ngay sau khi thức giấc là người tù buồng 406 đã gõ: VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN. Anh ta gõ nhanh và thành thạo, kỹ thuật phải nói là tuyệt vời cho nên có thể nói rằng lỗi phát âm câu này cũng như những câu vô nghĩa khác là khiếm khuyết về mặt trí năng chứ không phải do nhớ sai bảng chữ cái. Chắc anh ta bị loạn thần kinh.

Sau bữa ăn sáng thì bao giờ anh chàng ở buồng 402 cũng muốn nói chuyện. Giữa Rubashov và người tù ở buồng 402 đã có một mối quan hệ thân tình. Có thể anh chàng sĩ quan đeo kính một tròng và để râu này luôn cảm thấy cô đơn nên chỉ cần Rubashov trao đổi vài câu là anh ta đã cảm ơn rối rít rồi. Một ngày anh ta phải xin nói chuyện đến năm sáu lần:

NÓI CHUYỆN NHÁ…

Rubashov không thích nói chuyện, vả lại anh cũng chẳng biết nói gì. 402 thường kể những chuyện tiếu lâm tục tĩu vẫn lưu hành trong bọn sĩ quan. Hết chuyện là căn phòng lại trở về tình trạng yên ắng nặng nề như cũ. Đôi khi Rubashov mường tượng ra cảnh anh bạn tù kể xong câu chuyện và đứng đợi, nhưng không có những trận cười mà trước mặt anh ta chỉ là một bức tường màu trắng lặng câm. Đôi khi vừa thương vừa muốn tỏ ra lịch sự, Rubashov gõ thật to: HA… HA! để thay cho tiếng cười. Anh chàng kia tỏ ra rất khoái chí và lập tức đấm đá vào tường: HA – HA! HA – HA!, với những khoảng lặng nhất định để xem Rubashov có hưởng ứng hay không. Nếu Rubashov không đáp thì thế nào anh ta cũng trách: ANH KHÔNG CƯỜI… Còn nếu Rubashov đáp lại bằng một hai từ HA-HA! thì nhất định sau đó một lúc 402 sẽ nhắc lại:

ÔI! BUỒN CƯỜI QUÁ ĐI MẤT.

Đôi khi anh ta cũng chửi bới Rubashov. Đấy là những lần Rubashov không chịu bắt chuyện, anh ta thường gõ cả một bài hát thời nội chiến với những lời chửi bới thô tục nhằm vào các chiến sĩ quân đội nhân dân. Cũng có khi Rubashov đang đi bách bộ hoặc đang chìm trong những giấc mơ giữa ban ngày hay đang mải suy nghĩ một vấn đề gì đó thì chợt nghe thấy anh ta gõ bài quốc ca cũ.

Nhưng 402 cũng là người rất có ích. Anh ta đã ngồi tù được hơn hai năm, nắm được nội qui và liên lạc với nhiều tù nhân khác, có vẻ như anh ta biết tất cả mọi chuyện trong nhà tù này.

Buổi sáng, sau khi có người chuyển đến buồng 406, Rubashov đã hỏi xem anh ta có biết người tù mới không thì được trả lời:

RIP VAN WINKLE

Anh ta thích nói ỡm ờ như thế để cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Câu đó làm Rubashov nhớ lại chuyện một người đàn ông ngủ liền hai mươi lăm năm và khi tỉnh dậy thì thấy thế giới đã hoàn toàn thay đổi.

ANH TA BỊ MẤT TRÍ À? Rubashov hỏi.

Cảm thấy hài lòng vì câu nói ỡm ờ của mình, 402 bắt đầu kể cho anh nghe về người tù mới. Hoá ra người tù buồng 406 vốn là một giáo viên xã hội học ở một nước Đông Nam Âu. Cũng như phần lớn các nước châu Âu, tại đây phong trào cách mạng đã bùng nổ ngay sau khi Chiến tranh Thế giới vừa kết thúc và 406 đã tham gia tích cực vào phong trào cách mạng tại quê hương mình. Công xã được thành lập và tồn tại trong vài tuần lễ rồi bị dìm trong biển máu. Các nhà lãnh đạo cách mạng chỉ là dân nghiệp dư nhưng bị kết án như những kẻ làm loạn chuyên nghiệp, 406 với hàm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc dân bị kết án tử hình với hình thức treo cổ. Anh ta phải đóng vai tử tù suốt một năm liền, sau đó bản án được hạ xuống thành tù chung thân. Anh đã ngồi tù hai mươi năm rồi.

Anh bị biệt giam gần suốt hai mươi năm, không có liên hệ gì với thế giới bên ngoài, sách báo dĩ nhiên là cũng không. Thế giới cũng đã quên anh; hệ thống toà án của nước này vẫn còn cổ hủ lắm. Một tháng trước đây anh được ân xá và thế là chàng Rip Van Winkle hiện đại, sau hai mươi năm sống trong tối tăm và cách li với thế giới, lại được tự do thở hít khí trời như bao người khác.

Anh lên chuyến tầu đầu tiên trong ngày hôm đó để đi đến đất nước mà ngày xưa anh từng ao ước. Hai tuần sau anh bị bắt. Có thể hai mươi năm biệt giam đã biến anh thành một kẻ lắm lời. Có thể anh đã kể cho những người xung quanh rằng khi ở trong phòng biệt giam anh đã ngày đêm tưởng tượng cuộc sống ở “Bên Nớ” sẽ phải như thế nào. Có thể anh đã hỏi địa chỉ của những đồng chí cũ, những người mà anh cho là anh hùng của Cách mạng, mà không biết rằng đấy chỉ là những kẻ phản bội hay những tên gián điệp. Có thể anh đã đặt vòng hoa trước một ngôi mộ không thích hợp mà cũng có thể anh đã muốn gọi điện cho đồng chí Rubashov nổi danh một thời nhưng nay đã là bạn tù với anh.

Bây giờ thì anh không thể nói: hai mươi năm nằm mơ trong ngục tù và hai tuần hiện thực giữa ánh ngày, cái nào tốt hơn. Có thể Rip Van Winkle đã bị mất trí từ đó…

Thường thì sau 402, bao giờ Rip Van Winkle cũng lại gõ tiếp điệp khúc: VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN khoảng năm sáu lần liền. Sau đó mới yên lặng hẳn.

Rubashov nằm trên giường, mắt nhắm nghiền. Người Đối Thoại Không Lời trong anh như bừng tỉnh, hắn không nói thành lời, nhưng anh hiểu:

“Anh phải trả giá cả chuyện này nữa, anh phải chịu trách nhiệm vì anh đã hành động đúng vào lúc anh ta đang mơ màng.”

Ngày hôm đó Ruabshov được đưa đi cắt tóc.

Lần này chỉ có một người lính hộ tống mà thôi: người giám thị già ì ạch đi phía trước rồi đến Rubashov, cuối cùng là người lính áp giải. Họ đi qua trước cửa phòng 406 nhưng không nhìn thấy bảng tên gắn trên cánh cửa ra vào. Trong phòng cắt tóc chỉ còn một anh thợ, cũng là tù nhân, người kia không biết đã đi đâu từ trước. Rõ ràng là người ta cố tình không để cho Rubashov gặp gỡ nhiều người.

Anh ngồi vào chiếc ghế bành. Phòng tương đối sạch, có cả gương nữa. Anh tháo kính và liếc nhìn vào gương, không có gì thay đổi, ngoại trừ bộ râu quai nón rậm rạm phủ kín hai bên má.

Anh thợ cắt tóc làm nhanh và rất cẩn thận. Cánh cửa phòng vẫn để ngỏ, người giám thị già đã bỏ đi, chỉ còn anh lính gác đứng tựa vào khung cửa, mắt anh ta dõi theo từng đường kéo, còn người thợ suốt buổi không nói một lời nào. Đám bọt xà phòng trên má làm Rubashov cảm thấy phấn chấn, anh chợt nhớ lại rằng trong cuộc đời thường nhật có rất nhiều niềm vui nho nhỏ như thế. Anh rất muốn bắt chuyện với người thợ cắt tóc, nhưng anh biết rằng người ta không cho, anh cũng không muốn làm phiền người thợ cắt tóc, nhất là anh đã có cảm tình ngay khi nhìn thấy khuôn mặt cởi mở của anh ta. Cứ nhìn hình thức bên ngoài thì không ai bảo anh ta là thợ cắt tóc, phải là thợ cơ khí hay thợ rèn thì mới đúng. Vừa bắt đầu cạo anh ta vừa hỏi: “Có rát không... ?” và nói thêm, rất khẽ: “Công dân Rubashov.”

Đấy là câu đầu tiên Rubashov nghe được từ khi bước vào phòng và mặc dù người thợ cắt tóc tỏ ra hoàn toàn dửng dưng, anh vẫn nhận thấy có nhiều ẩn ý ở đằng câu nói có vẻ như vô tình ấy. Căn phòng đã yên ắng trở lại như cũ, người lính gác đứng ngoài cửa bật diêm châm thuốc hút, anh thợ cắt tóc và cạo râu cho Rubashov bằng những động tác nhanh chóng và dứt khoát. Ánh mắt hai người bỗng gặp nhau trong một tích tắc và đúng lúc đó người thợ đưa hai ngón tay luồn vào dưới cổ áo của Rubashov; khi anh ta rút tay ra thì cũng là lúc Rubashov cảm thấy có một cái gì giống như mảnh giấy nhỏ cọ vào gáy. Mấy phút sau thì cắt xong và Rubashv được đưa trở lại buồng giam. Anh ngồi lên giường và cẩn thận nhìn vào lỗ nhòm xem có bị theo dõi không rồi mới lấy mẩu giấy ra đọc. Trên mảnh giấy chỉ vẻn vẹn có năm chữ, được viết một cách vội vã:

“Ngậm miệng mà chết đi.”

Rubashov vất mẩu giấy vào cái thùng gỗ và bắt đầu suy nghĩ mung lung. Đây là thông điệp đầu tiên được đưa tới từ bên ngoài. Khi ngồi trong nhà tù của các quốc gia thù nghịch anh thường nhận được những lời kêu gọi kiểu như hãy mạnh mẽ tố cáo hoặc hãy ném vào mặt các quan toà những lời kết án. Lịch sử đã bao giờ phải chứng kiến cảnh những người cách mạng phải ngậm miệng chưa? Hay đây là một bước ngoặt của lịch sử, đây là lúc người cách mạng chỉ phải làm có một việc, chỉ có một quyền duy nhất: ngậm miệng mà chết đi?

Luồng suy nghĩ của Rubashov bị cắt ngang vì 402 đã bắt đầu gõ vào tường ngay khi thấy anh được đưa trở về. Anh ta sốt ruột vì muốn biết Rubashov vừa được đưa đi đâu.

CẮT TÓC, Rubashov giải thích.

TÔI TƯỞNG XONG RỒI CƠ, 402 gõ một cách vội vã.

SAU ANH, Rubashov trả lời.

Cũng như mọi khi, 402 tỏ ra là người biết nói chuyện.

HA-HA!, anh ta reo lên. ANH LÀ NGƯỜI DŨNG CẢM ĐẤY.

Thật kỳ lạ là lời động viên cổ điển này lại làm Rubashov hài lòng. Anh cảm thấy ghen với anh chàng 402, anh ta thuộc về giai tầng có những tiêu chí rõ ràng về danh dự, về cách hành xử cả lúc sống lẫn lúc chết. Có cái để mà dựa vào. Anh và các chiến hữu của mình thì không được như thế, anh không có một tập hợp các tiêu chuẩn như thế, tất cả hành động đều chỉ dựa vào lý trí của chính mình.

Phải tự nghĩ lấy cả việc mình nên chết ra sao. Người quân tử sẽ làm như thế nào: Chết trong yên lặng hay chấp nhận bị hạ nhục giữa thanh thiên bạch nhật để tiếp tục theo đuổi mục đích của mình? Anh đã đưa Arlova vào chỗ chết vì nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ có ích cho Cách mạng hơn. Các bạn anh cũng nói như thế: Bảo toàn tính mạng của mình cho Cách mạng quan trọng hơn là tuân theo những qui định của đạo đức tư sản lỗi thời. Nhiệm vụ duy nhất của những người đảm nhận vai trò cải biến lịch sử là luôn luôn sẵn sàng, không còn nhiệm vụ nào vinh quang hơn thế. “Anh muốn làm gì với em cũng được”, Arlova đã nói như thế và anh đã làm đúng như thế. Tại sao anh lại phải thận trọng hơn với mình? “Số phận của loài người sẽ được quyết định trong mười năm tới”, Ivanov đã nói như thế. Anh có quyền nhân danh những điều như lòng tự hào, sự yên bình và vinh quang mà trốn tránh được hay không? Vả lại, nếu Anh Cả có lý thì sao? Còn nếu quả thật tương lai hạnh phúc của nhân loại đang được xây dựng ở đây, xây dựng trong máu, nước mắt, bùn nhơ và lừa dối này thì sao? Có phải lịch sử là một cỗ máy vô tình và bất nhân, luôn luôn sử dụng nước mắt, bùn nhơ và dối trá để xây nền móng tương lai hay không?

Ngậm miệng mà chết đi - tàn tạ trong bóng tối, nói thì bao giờ cũng dễ….

Rubashov đột ngột đứng lại trên hàng gạch đen thứ ba, tính từ cửa sổ; anh vừa thấy mình nhắc đi nhắc lại mấy từ “ngậm miệng mà chết đi”, nhắc đi nhắc lại bằng giọng khôi hài, chế giễu như thể muốn nhấn mạnh tính cách vô lý của nó vậy.

Bây giờ thì anh hiểu rằng quyết định bác bỏ đề nghị của Ivanov chưa phải là quyết định tối hậu như lúc đầu anh nghĩ. Anh bỗng tự hỏi không biết đã bao giờ anh thực sự có ý định bác bỏ đề nghị đó và rút lui mà không nói một lời nào hay chưa.


5.

Cuộc sống của Rubashov tiếp tục được cải thiện. Buổi sáng ngày thứ mười một anh được đưa ra sân đi dạo.

Người giám thị già cùng với người lính từng dẫn anh đi cắt tóc đến ngay sau bữa sáng. Người giám thị chính thức thông báo rằng từ nay trở đi mỗi ngày anh được đi dạo hai mươi phút trong sân trại giam. Rubashov được đưa vào nhóm thứ nhất, tức là nhóm được đi dạo ngay sau bữa sáng. Sau đó viên giám thị đọc một loạt nội qui: cấm nói chuyện với người bên cạnh hay với bất kì tù nhân nào khác, cấm trao đổi bằng cách ra hiệu hoặc trao đổi thông tin bằng bất cứ cách nào khác, cấm đi ra ngoài hàng; mọi vi phạm đều bị trừng phạt bằng cách tước quyền đi dạo, vi phạm nghiêm trọng có thể bị biệt giam trong phòng tối đến bốn tuần. Sau đó Rubashov được đưa ra ngoài hành lang. Đi được vài bước thì người giám thị dừng lại để mở cửa buồng 406.

Rubashov, lúc đó đang đứng cách cửa buồng giam mấy bước, nhìn thấy hai chân Rip Van Winkle trên cái giường sắt trong buồng giam. Anh ta đi ủng đen, có cúc và mặc một cái quần kẻ ca rô, phía dưới đã sờn nhưng vẫn còn bóng như vừa là xong. Người giám thị lại đọc nội qui; hai chân người tù từ từ đặt xuống đất và một người đàn ông già nua, nhỏ thó xuất hiện trong khung cửa, mắt chớp chớp liên tục vì bị chói. Râu ria bạch phếch đã lâu không cạo, bên trong áo com lê còn có một chiếc gi lê màu đen nữa. Anh ta đứng thêm vài giây trong khung cửa, tò mò nhìn Rubashov và khẽ gật đầu cúi chào rồi cả bốn người tiếp tục bước. Rubashov vẫn nghĩ rằng anh ta là người thần kinh, nhưng hoá ra không phải như thế. Mặc dù đôi lông mày cứ co giật suốt, có thể là do bị giam trong phòng tối nhiều năm, nhưng Rip Van Winkle lại có đôi mắt sáng và thân thiện ngây thơ như trẻ con. Anh ta bước những bước ngắn nhưng dứt khoát, thỉnh thoảng lại đưa mắt liếc nhìn Rubashov. Khi đi xuống thang gác, anh ta bị trượt chân, nếu không được người lính đỡ thì đã bị ngã rồi. Rip Van Winkle lẩm bẩm cái gì đó, vì ở xa Rubashov không nghe rõ, nhưng chắc chắn là mấy lời cám ơn vì thấy anh lính gác mỉm cười ngượng ngịu. Chẳng bao lâu sau họ đã ra đến ngoài sân, những người tù khác đã đứng thành hàng đôi. Từ giữa sân, nơi những người lính đang đứng, vang lên hai tiếng huýt gió ngắn, tù nhân bắt đầu cất bước.

Da trời màu xanh nhạt, không một gơn mây, tiếng tuyết lạnh vỡ lạo xạo dưới chân. Rubashov quên không mang theo chăn, chẳng mấy chốc anh đã run lên cầm cập. Rip Van Winkle choàng lên người một cái chăn cũ mà người giám thị đã đưa cho anh lúc họ bước ra sân. Anh ta vẫn yên lặng bước những bước ngắn nhưng dứt khoát bên cạnh Rubashov, thỉnh thoảng lại ngước nhìn bầu trời xanh nhạt ở trên đầu, cái chăn xám phủ trùm đến tận đầu gối, trông anh ta giống như một cái chuông. Rubashov nhìn vào cửa sổ buồng mình, nó cũng bẩn và tối như tất cả các cửa sổ khác, chẳng nhìn thấy gì bên trong. Cửa sổ buồng 402 cũng thế, chỉ có một khoảng hình vuông đen ngòm với mấy thanh sắt ngang dọc mà thôi. 402 không được đi dạo, không được đưa đi cắt tóc, cũng không được đưa đi gặp điều tra viên, Rubashov chưa bao giờ nghe thấy anh ta đi ra ngoài.

Tù nhân bước đi một cách chậm chạp, yên lặng xung quanh sân. Môi Rip Van Winkle cứ mấp máy suốt, đầu tiên Rubashov không hiểu ông ta nói gì, nhưng sau đó thì anh nhận ra rằng đấy là nhạc điệu bài “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”. Không, Rip Van Winkle không phải là người thần kinh, nhưng chắc chắn bảy ngàn ngày đêm trong ngục tối đã biến ông thành một người hơi kì quặc. Rubashov đưa mắt ngắm nhìn người bạn đồng hành và cố gắng hình dung trong đầu hoàn cảnh của một người bị cách ly với thế giới suốt hai mươi năm ròng. Hai mươi năm trước ô tô còn là của hiếm, radio thì chưa có, các nhà chính trị hiện nay lúc đó còn là những kẻ vô danh tiểu tốt cả. Hai mươi năm trước không ai có thể tiên đoán được những phong trào quần chúng mới, những thắng lợi long trời lở đất, những con đường quanh co, những giai đoạn thăng trầm mà nhà nước Cách mạng phải trải qua; lúc đó tất cả mọi người đều tin rằng cánh cổng của Thiên Đường trên trái đất đã rộng mở và loài người đang đứng trước ngưỡng cửa của nó….

Rubashov nhận ra rằng dù có nhiều kinh nghiệm trong việc “suy xét bằng quan điểm của người khác” đến đâu anh cũng không thể nào hiểu được tình cảm của Rip Van Winkle. Không cần vận dụng nhiều trí lực anh cũng có thể hiểu được Ivanov hay Anh Cả, thậm chí ngay anh chàng sĩ quan đeo kính một tròng ở buồng bên cạnh, nhưng Rip Van Winkle thì anh chịu thua. Rubashov liếc nhìn người bạn đồng hành đúng lúc ông ta quay đầu lại, hai tay ông ta giữ chặt cái chăn quàng xung quanh vai, bước từng bước ngắn, mồm vẫn lẩm bẩm điệu nhạc “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”.

Khi được dẫn trở về đến cửa buồng giam, lão giã quay lại và gật đầu chào Rubashov. Một sự thay đổi chợt loé lên trong ánh mắt người tù già: hoảng hốt và tuyệt vọng, Rubashov nghĩ rằng ông ta sẽ hét lên, nhưng người giám ngục đã đóng sập ngay cửa buồng 406 lại rồi. Sau khi vào buồng Rubashov vội vàng gõ vào tường, nhưng Rip Van Winkle không gõ, thậm chí không trả lời.

Trong khi đó 402, anh ta đã nhìn quan cửa sổ và thấy Rubashov đi dạo, lại rất muốn biết cảnh đi dạo, càng cụ thể càng tốt. Rubashov phải kể cho anh ta nghe, nào là không khí ra làm sao, có lạnh lắm không, gặp những ai ngoài hành lang, có nói được với Rip Van Winkle câu nào không. Anh kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi, so với 402, người không bao giờ được đi ra ngoài thì anh dù sao cũng là người may mắn; anh thấy thương 402 và cảm thấy như mình là người có lỗi vậy.

Ngày hôm sau và hôm sau nữa Rubashov đều được dẫn đi dạo ngay sau bữa ăn sáng. Rip Van Winkle đi cùng với anh trong cả ba ngày liên tiếp. Họ đi sát bên nhau, chăn quấn quanh vai, không ai nói một lời nào; Rubashov mải suy nghĩ, thỉnh thoảng mới ngước mắt nhìn những bạn tù hay các ô cửa sổ nhà tù; còn người tù già, râu ria tua tủa với nụ cười ngây thơ, thì vẫn thì thầm hát mãi bài ca muôn thuở.

Đến tận ngày thứ ba họ vẫn không nói với nhau một câu nào, mặc dù Rubashov nhận thấy rằng bảo vệ gần như không quan tâm đến việc tuân thủ nội qui và các cặp khác vẫn nói chuyện gần như không ngớt miệng, họ nói mà mắt vẫn nhìn về phía trước, môi chỉ khẽ mấp máy, đấy có thể coi là kỹ thuật trao đổi trong tù mà Rubashov đã quen.

Lần thứ ba Rubashov có mang theo một cuốn vở và cái bút chì, cuốn vở thò cả ra ngoài túi áo bên trái. Sau khoảng mươi phút thì người tù già nhìn thấy cuốn vở, mắt ông ta sáng lên. Ông ta liếc nhìn mấy người lính đứng giữa sân, họ đang mải nói chuyện và có vẻ như cũng chẳng để ý gì đến đám tù nhân, và rút ngay bút giấy khỏi túi Rubashov rồi lập tức lấy cái chăn trùm lên để viết gì đó. Một lúc sau thì thấy ông ta xé tờ giấy, gập lại và đưa cho Rubashov còn bút và vở thì vẫn giữ lại để viết tiếp. Sau khi chắc chắn là bảo vệ không chú ý, Rubashov mới giở tờ giấy ra. Không một chữ nào, chỉ có một tấm bản đồ được vẽ khá chính xác. Có đủ các thành phố chính, núi và sông, và ngọn cờ với biểu tượng của Cách mạng tung bay.

Khi họ đi được nửa vòng thì người tù già lại ấn một tờ giấy nữa vào tay Rubashov. Vẫn là tấm bản đồ ấy, tấm bản đồ của Đất nước Cách mạng. 406 nhìn Rubashov, miệng mỉm cười có ý chờ đợi. Cảm thấy lúng túng, Rubashov bảo rằng vẽ rất khéo. Người tù già vừa nháy mắt vừa nói:

“Nhắm mắt tôi cũng vẽ được.”

Rubashov im lặng gật đầu.

“Anh không tin,” người tù già vừa nói vừa khẽ mỉm cười, “nhưng tôi đã luyện tập trong suốt hai mươi năm đấy.”

Sau khi liếc nhìn mấy người lính gác, 406 nhắm mắt lại và chân tiếp tục bước còn tay thì vẽ trên một tờ giấy mới bên trong tấm chăn khoác quanh người như một cái chuông. Ông ta đi, mắt nhắm nghiền, cằm hơi vểnh lên như một người mù thực sự. Rubashov lo lắng nhìn mấy người lính, chỉ sợ người bạn tù sẽ vấp hoặc ngã ra ngoài hàng. Nhưng chỉ đi được nửa vòng ông ta đã vẽ xong, đường nét không được rõ bằng hai cái trước nhưng độ chính xác thì không khác gì, chỉ có biểu tượng trên lá cờ là to quá khổ mà thôi.

“Anh thấy chưa?”, 406 thì thầm, miệng cười thật tươi. Rubashov gật đầu. Người tù già bỗng trở nên buồn hẳn, ông ta sợ. Hôm qua, lúc bị đưa vào buồng giam Rubashov đã nhận thấy như thế.

“Làm thế nào được,” người tù già thì thào. “Tôi đi nhầm tầu.”

“Ý ông là sao,” Rubashov hỏi.

“Tôi lên nhầm tầu ngay hôm ra tù. Họ nghĩ rằng tôi không nhận ra. Đừng nói với ai là tôi biết đấy nhé,” ông ta vừa thì thầm vừa đưa mắt về phía mấy người lính gác.

Rubashov gật đầu. Tiếng còi báo hiệu hết giờ vang lên ngay sau đó.

Trong khi bước qua cổng chính để vào nhà, người tù già bỗng hỏi một cách chân thành:

“Anh cũng lên nhầm tầu phải không?”

Rubashov gật đầu.

“Đừng đánh mất niềm tin. Nhất định chúng ta sẽ đi đến đó,” Rip Van Winkle vừa nói vừa chỉ tay vào tấm bản đồ cuộn tròn trong lòng bàn tay Rubashov.

Rồi ông ta nhét cuốn vở và cây bút chì vào túi Rubashov. Vừa bước lên bậc tam cấp ông ta đã lại thì thầm giai điệu của bài hát quen thuộc rồi.


6.

Chỉ còn một đêm nữa là thời hạn hai tuần do Ivanov đưa ra sẽ kết thúc, khi ăn tối Rubashov bỗng cảm thấy bồn chồn. Anh cũng không biết tại làm sao, thức ăn vẫn như cũ, phát cũng đúng giờ, thế mà anh vẫn thấy căng thẳng làm sao ấy. Có thể là một người tạp vụ đã nhìn anh lâu hơn mọi khi, mà cũng có thể là giọng nói của người giám thị già trầm hơn mọi hôm cũng nên. Rubashov không biết tại sao, nhưng anh không thể nào ghi chép được, anh cảm thấy căng thẳng, y như người bị bệnh tê thấp trước cơn dông vậy.

Sau giờ đi ngủ anh vẫn còn ghé mắt vào lỗ nhòm để nhìn ra hành lang; điện yếu, ánh sáng vàng vọt, nhợt nhạt, có cảm giác như ở đây chưa bao giờ lại vắng lặng và lạnh lùng đến thế. Rubashov hết nằm xuống rồi lại ngồi lên, cố ép mình viết thêm vài dòng, vừa tắt điếu thuốc này lại đốt thêm ngay điếu khác. Rồi anh đến bên cửa sổ để nhìn ra sân: bắt đầu ấm lên, tuyết xốp và hơi xỉn, trời đầy mây, người lính gác đeo súng vẫn đang đi tuần như mọi khi. Rồi anh lại ghé mắt vào lỗ nhòm để quan sát hành lang: im lặng, không một bóng người, ánh điện vàng vọt.

Tuy đã muộn và trái với thói quen không nói chuyện ban đêm, hôm nay anh lại muốn rủ 402 tâm sự.

NGỦ CHƯA? anh bắt đầu gõ.

402 không trả lời ngay. “Ngủ rồi,” Rubashov buồn bã tự nhủ. Nhưng sau đó có tiếng gõ đáp lại, nhỏ và chậm hơn mọi khi.

CHƯA. ANH THẤY GÌ KHÔNG?

THẤY GÌ LÀ SAO? Rubashov hỏi. Anh bỗng thấy khó thở, lúc đó anh nằm trên giường và gõ bằng gờ cái kính cận.

402 lưỡng lự giây lát. Sau đó anh gõ rất khẽ, như thể nói thầm vậy.

ANH NÊN NGỦ ĐI THÌ TỐT HƠN…

Rubashov cảm thấy ngượng vì phải nghe 402 nói với giọng an ủi như thế. Anh nằm ngửa ra và chăm chú nhìn cái kính. Sự yên lặng nặng nề đến nỗi nghe như có những tiếng ù ù sôi réo trong màng nhĩ. Tiếng gõ đột ngột vang lên:

VUI QUÁ, ANH THẤY NGAY MÀ.

THẤY CÁI GÌ? Rubashov lại hỏi và vội vàng ngồi dậy.

Có vẻ như 402 còn đang nghĩ. Sau vài phút lưỡng lự, anh ta đáp:

ĐÊM NAY SẼ QUYẾT PHÁI ĐỐI LẬP…

Rubashov đã hiểu. Anh ngồi dựa lưng vào tường, có ý chờ đợi. Nhưng 402 không nói gì thêm. Một lúc sau Rubashov mới gõ:

TỬ HÌNH À?

ĐÚNG, 402 đáp một cách ngắn gọn.

LÀM SAO ANH BIẾT, Rubashov hỏi.

MÔI THỎ NÓI.

BAO GIỜ?

KHÔNG BIẾT, và sau một lúc im lặng, 402 gõ tiếp: SẮP RỒI.

AI, BIẾT KHÔNG? Rubashov lại hỏi

KHÔNG, 402 trả lời và sau một lúc lại gõ thêm: LỆCH LẠC VỀ CHÍNH TRỊ, NHƯ ANH.

Rubashov lại nằm xuống giường. Một lúc sau anh mới đeo kính lên, anh cứ nằm yên như thế, một tay đặt dưới gáy. Xung quanh lặng ngắt như tờ.

Anh chưa chứng kiến vụ hành quyết nào, ngoại trừ vụ hành quyết súyt diễn ra với chính mình, nhưng đầy là từ thời Nội chiến cơ. Anh cũng không thể tưởng tượng thời bình, khi mọi thứ đều theo kế hoạch, thì chuyện đó sẽ diễn ra như thế nào. Anh đã loáng thoáng nghe nói rằng việc hành quyết thường được tiến hành vào ban đêm, dưới tầng hầm, tội nhân bị bắn vào gáy, nhưng cụ thể thế nào thì không biết. Đối với Đảng, chết không phải là điều kỳ diệu, không có gì thơ mộng trong đó cả. Nó là một nhân tố quan trọng đã được bàn đến trong lĩnh vực lý luận và hoàn toàn mang tính chất trừu tượng. Từ “chết” cũng ít khi được nói tới, từ “hành quyết” cũng vậy, trong Đảng hay sử dụng thuật ngữ “loại bỏ”. Khái niệm này chỉ gợi cho người ta một ý nghĩ cụ thể, duy nhất: chấm dứt các hoạt động chính trị. Chết chỉ là khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, không đáng được quan tâm.

Rubashov nhìm chằm chằm vào bóng đêm. Vụ hành quyết đã xong chưa? Hay các tội nhân vẫn còn sống? Anh tháo giầy và cởi tất ra, hai bàn chân trần thò ra khỏi chăn hiện lên mờ mờ ngay phía cuối giường. Xung quanh tuyệt đối yên lặng, yên lặng một cách bất bình thường. Không có nghĩa là không có một tiếng động nào mà là nó đã nuốt hết và bóp nghẹt mọi tiếng động. Yên lặng phập phồng như tiếng trống ngũ liên. Rubashov nhìn hai bàn chân trần và khẽ cử động mấy ngón chân. Thật kỳ lạ và khó tin, cứ như thể hai bàn chân cũng có cuộc sống riêng vậy. Hơn lúc nào hết, bây giờ anh mới thật sự chú ý đến thân thể mình, anh cảm thấy rõ cái chăn ấm đang cọ vào ống chân cũng như sức nặng đang đè lên cái cánh tay đặt làm gối. Việc loại bỏ được tiến hành ở đâu? Anh có cảm giác là ở bên dưới, dưới chân cái cầu thang gần buồng cắt tóc. Phảng phất đâu đây mùi da thuộc từ cái thắt lưng và tiếng sột soạt của bộ quân phục của Gletkin. Hắn ta sẽ nói gì với các nạn nhân? “Xin mời quay mặt vào tường?” Có từ “xin mời” không? Hay hắn ta sẽ nói: “Đừng sợ. Không kịp đau đâu….” Cũng có thể hắn sẽ bắn mà không báo trước gì hết, bắn từ phía sau, khi đang đi, nhưng nhất định nạn nhân sẽ thường xuyên ngoái đầu lại chứ? Hay hắn sẽ làm như ông bác sĩ chữa răng, tức là giấu khẩu súng lục trong ống tay áo? Có người làm chứng không? Nạn nhân sẽ ngã về đằng trước hay về đằng sau? Nạn nhân có kêu không? Có thể phải bắn đến phát thứ hai không?

Rubashov châm thuốc hút và đưa mắt nhìn hai bàn chân. Xung quanh im lặng đến nỗi có thể nghe thấy cả tiếng giấy quấn thuốc lá cháy. Anh hít một hơi thật sâu rồi vứt điếu thuốc đi. Nhảm nhí, anh tự nhủ. Thực ra, không bao giờ anh tin vào khía cạnh kỹ thuật của việc “loại bỏ”. Chết là một khái niệm trừu tượng, nhất là cái chết của chính mình. Có thể, ở dưới kia mọi sự đã kết thúc rồi, quá khứ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Trời tối đen như mực, xung quanh không một tiếng động, 402 cũng không gõ.

Anh chỉ mong có một người nào đó thét lên để phá vỡ cái sự im lặng nặng nề bất thường này. Anh khịt mũi và chợt nhận thấy mùi nước hoa của Arlova. Ngay cả thuốc lá cũng có mùi đặc trưng vì cô thường để hộp đựng thuốc lá bằng da trong cái túi đựng nước hoa và son môi cho nên thuốc cũng có mùi nước hoa…. Im ắng quá, chỉ mỗi lần trở mình mới nghe thấy tiếng cót két.

Rubashov đã định đứng dậy để châm một điếu thuốc nữa thì nghe có tiếng gõ vào tường.

HỌ ĐẾN ĐẤY, tiếng gõ bảo anh như thế.

Rubashov dỏng tai lên nghe ngóng. Nhưng chỉ có tiếng mạch máu gõ nhịp trên thái dương mà thôi. Anh ngồi thu mình chờ đợi. Còn yên ắng hơn nữa. Anh bỏ kính ra và bắt đầu gõ:

CHẲNG THẤY GÌ CẢ.

Một lúc sau vẫn không thấy 402 trả lời. Rồi đột nhiên anh ta gõ, to và rõ ràng từng tiếng một:

SỐ 380. TRUYỀN TIẾP ĐI.

Rubashov ngồi phịch xuống giường. Tin tức đã được những người bạn tù của 380 truyền qua mười một buồng giam. Những người tù từ buồng 380 đến buồng 402 đã truyền tin tức cho nhau, qua màn đêm và sự im lặng. Bất lực, bị giam trong bốn bức tường, họ chỉ có thể bày tỏ tình đoàn kết bằng cách đó. Rubashov nhảy khỏi giường và cứ đi chân trần như thế sang phía bức tường đối diện. Anh đứng cạnh cái thùng gỗ và vội vã báo tin cho 406:

CHÚ Ý. 308 SẼ BỊ BẮN. TRUYỀN TIẾP ĐI.

Anh lại dỏng tai lên nghe. Thối quá, mùi bốc lên từ cái thùng gỗ lập tức đánh bật mùi nước hoa của Arlova. Không thấy 406 trả lời. Rubashov vội vàng nhảy lên giường. Lần này anh gập mấy ngón tay lại để gõ chứ không dùng gọng kính nữa.

380 TÊN LÀ GÌ?

Không có tiếng đáp. Rubashov cho rằng, giống như anh, 402 cũng đang chạy qua chạy lại như con thoi giữa hai bức tường trong buồng giam. Chắc chắn là trong mười một buồng giam kia những người tù chân trần cũng đang chạy qua chạy lại. Đấy, 402 đã quay lại rồi, anh ta thông báo:

CHÚNG ĐANG ĐỌC BẢN ÁN. TRUYỀN TIẾP ĐI.

Rubashov nhắc lại câu hỏi:

TÊN LÀ GÌ?

Nhưng 402 vẫn không trả lời, có lẽ anh ta đã chạy sang bên kia rồi. Rubashov nghĩ rằng truyền tin cho Rip Van Winkle là việc vô bổ nhưng anh vẫn chuyển sang đứng cạnh cái thùng gỗ và gõ, trách nhiệm giữ cho bản tin không bị ngắt quãng đã buộc anh phải làm như thế. Mùi xú uế làm anh suýt bị nôn. Rồi anh nhảy lên giường và đợi. Bên ngoài vẫn yên ắng như cũ. 402 lại gõ:

ANH TA KÊU CỨU.

ANH TA KÊU CỨU, Rubashov báo tin cho 406. Anh lại dỏng tai lên nghe ngóng. Không thấy gì. Rubashov sợ rằng nhất định anh sẽ bị nôn nếu còn phải đứng cạnh cái thùng gỗ một lần nữa.

CHÚNG LÔI ĐI. ANH TA VỪA KÊU GÀO VỪA GIẪY. TRUYỀN TIẾP ĐI, 402 thông báo.

TÊN LÀ GÌ? Rubashov vội vàng gõ, trước cả khi 402 kết thúc. Lần này thì có câu trả lời:

BOGROV. ĐỐI LẬP. TRUYỀN TIẾP ĐI.

Hai chân Rubashov như trùng hẳn xuống. Anh dựa vào tường và thông báo cho 406:

MICHAEL BOGROV, CỰU LÍNH THUỶ CHIẾN HẠM POTEMKIN, CHỈ HUY HẠM ĐỘI BIỂN ĐÔNG, HUÂN CHƯƠNG CÁCH MẠNG HẠNG NHẤT, BỊ ĐƯA ĐI HÀNH QUYẾT.

Rubashov nôn ngay vào cái thùng gỗ. Anh đứng thẳng người lên và lấy tay lau trán và kết thúc đoạn thông báo bằng câu:

TRUYỀN TIẾP ĐI.

Đã lâu không gặp Bogrov, nhưng về đại thể thì Rubashov còn nhớ, đấy là một người cực kỳ cao to, hơi thô, tay dài gần đến gối, khuôn mặt rộng, lấm chấm tàn nhang, mũi hơi xếch. Họ cùng bị đi đày sau cuộc cách mạng năm 1905; Rubashov dạy anh ta đọc, viết và những vấn đề cơ bản nhất về lịch sử và cách mạng; từ đó trở đi dù ở đâu thì năm nào Rubashov vũng nhận được hai lá thư của của Bogrov, mà bao giờ cũng kết thúc bằng câu: “Người đồng chí mãi mãi chân thành, Bogrov”.

ĐANG ĐẾN ĐẤY, 402 gõ vội vàng và to đến nỗi Rubashov, lúc đó đang đứng gục đầu vào tường ngay bên cạnh cái thùng gỗ, tức là ở phía bên kia buồng giam, cũng nghe thấy.

ĐỨNG VÀO CẠNH LỖ NHÒM. ĐÁ VÀO CỬA, TRUYỀN TIẾP ĐI.

Rubashov đứng như trời trồng. Anh thông báo cho 406:

ĐỨNG VÀO CẠNH LỖ NHÒM. ĐÁ VÀO CỬA, TRUYỀN TIẾP ĐI.

Anh lần ra phía cửa và lại dỏng tai lên nghe ngóng. Ngoài hành lang vẫn vắng ngắt như tờ.

Vừa lúc đó lại thấy 402 thông báo:

BẮT ĐẦU.

Một loạt tiếng động bùng bùng, ùng ục, như tiếng trống bị nén lại, truyền khắp hành lang bên ngoài. Đấy không phải là những tiếng gõ hay tiếng đập rời rạc: những người tù từ buồng 380 đến buồng 402 đứng sau cánh cửa như những người lính trong đội vệ binh danh dự đang tạo ra một chuỗi âm thanh giống như tiếng trống trận vừa trang trọng vừa như bị tắc nghẹn được gió đưa từ xa lại. Rubashov ghé sát mắt vào lỗ nhòm và lấy cả hai tay đập vào cái cánh cửa sắt nặng nề của buồng giam. Anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy buồng 406 và những buồng tiếp theo cũng có tiếng đập, chắc là Rip Van Winkle đã hiểu và cũng bắt đầu đấm vào cánh cửa. Rồi anh nghe thấy tiếng mở và đóng cửa, chắc chắn là ở phía bên trái, nhưng anh không thể nhìn thấy cụ thể là buồng nào. Âm thanh ở phía bên trái có vẻ to hơn trước, Rubashov cho rằng người ta vừa mở cửa ngăn khu biệt giam với các khu khác. Lại nghe thấy tiếng đóng cửa sắt, rồi tiếng chân bước và tiếng loạt xoạt như người ta đang kéo vật gì đó trên nền gạch. Tiếng đập cửa ở phía bên trái càng dồn dập, tuôn trào không ngớt, như những đợt sóng, ngày càng mạnh hơn. Khoảng cách từ buồng 401 đến buồng 407 vẫn không có gì, Rubashov không nhìn được xa hơn. Tiếng bước chân và tiếng loạt xoạt càng rõ hơn, bây giờ anh còn nghe thấy cả tiếng rên rỉ và tiếng khóc thút thít như của trẻ con nữa. Chân bước càng nhanh hơn, tiếng đập cửa phía bên trái nhỏ dần, trong khi phía bên phải lại to lên.

Rubashov liên tục đập hai tay vào cánh cửa. Không còn cảm giác không gian và thời gian, chỉ còn nghe thấy tiếng ầm ầm như tiếng rú của rừng xanh hay như những con khỉ đột bị nhốt thỉnh thoảng lại đưa tay đấm vào ngực rồi đấm vào cũi sắt. Anh dán mắt vào lỗ nhòm, vẫn chỉ thấy ánh đèn vàng nhợt nhạt; không có gì ngoài mấy cái cánh cửa sắt từ buồng 401 đến 407; nhưng tiếng đập, tiếng loạt xoạt, tiếng thút thít cũng ngày một to lên. Bất thình lình có ba bóng người hiện lên ngay trong tầm nhìn của Rubashov. Anh ngừng tay và căng mắt ra nhìn. Chỉ vài giây sau họ đã đi khuất hẳn.

Nhưng cảnh tượng anh vừa nhìn thấy thì không thể nào quên được. Đấy là hai người mặc quân phục, cao to, bước đi vội vã, ở giữa là một người bị xốc nách kéo đi theo. Người bị xốc nách trông cứng đơ như một hình nhân, mặt úp xuống dưới, bụng làm thành một hình vòng cung, hai chân duỗi thẳng, mũi giầy miết xuống nền gạch tạo ra những tiếng lạo xạo có thể nghe thấy từ khá xa. Mấy lọn tóc màu xám, ướt đẫm mồ hôi buông phất phơ hai bên má, miệng mở rộng, dãi sều ra bám ướt hai bên cằm. Khi họ đã đi khuất, tiếng rên rỉ, thút thít cứ nhỏ dần rồi trở thành như một tiếng vọng từ xa với ba nguyên âm “u – a - o”. Nhưng trước khi họ bước qua chỗ rẽ gần buồng cắt tóc thì Bogrov bỗng thét thật to hai lần, lần này Rubashov nghe thấy trọn vẹn, rõ ràng cả một từ: Ru-ba-shov.

Tất cả lại chìm vào yên lặng. Đèn vẫn sáng như cũ, hành lang vẫn vắng như cũ. Chỉ có nghe thấy tiếng 406 gõ:

VÙN LÊN, HỠI CÁC NÔ LỆ Ở THẾ GIAN.

Rubashov đã nằm ở trên giường lúc nào không hay. Trong tai vẫn còn nghe thấy tiếng ù ù như trống trận, xung quanh đã hoàn toàn yên lặng. 402 chắc đã ngủ. Bogrov chắc đã chết rồi.

“Rubashov, Rubashov…” Hai tiếng kêu cuối cùng của Bogrov như vẫn còn vẳng vẳng bên tai. Hình ảnh thì không được rõ ràng như thế. Thật khó tưởng tượng cái hình nhân với khuôn mặt ướt đẫm mồ hội, đôi chân cứng đờ, kéo lê trên nền gạch lại có thể là Bogrov. Chỉ lúc này anh mới nhớ ra lá tóc Bogrov đã bạc. Chúng đã làm gì với Bogrov? Chúng đã làm gì với người lính thuỷ kiên cường này để đến nỗi anh ta phải khóc thút thít như một đứa trẻ như thế? Arlova có khóc thút thít như thế khi bị kéo đi hay không?

Rubashov vùng dậy và gục đầu vào bức tường ngăn với buồng 402. Anh sợ sẽ lại bị nôn. Anh chưa bao giờ tưởng tượng cảnh hành hình Arlova cụ thể đến thế. Đối với anh, chết luôn luôn là một khái niệm trừu tượng, mặc dù mỗi lần nghĩ đến nó anh đều có cảm giác bất an song chưa bao giờ anh nghi ngờ vào tính hữu lý của mình. Nhưng lúc này, cùng với cơn buồn nôn dâng lên trong cổ và những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh chợt cảm thấy rằng đấy là cách nghĩ điên rồ. Tiếng thút thít của Bogrov đã làm lệch cán cân. Cho đến hôm nay Arlova chỉ là một nhân tố, một nhân tố rất nhỏ, để giải phương trình thì phải bỏ qua. Không còn phương trình nữa. Hình ảnh Arlova kéo lê hai bàn chân đi giầy cao gót dọc theo hành lang đã phá vỡ sự cân bằng toán học. Cái tác nhân vô nghĩa bỗng trở nên quan trọng, tuyệt đối quan trọng; tiếng thút thít và tiếng kêu xé lòng của Bogrov lúc gọi tên anh, tiếng của hàng chục bàn tay đập vào cánh cửa còn vang bên tai đã nhấn chìm giọng nói của lý trí, như sóng biển nhấn chìm tiếng kêu cứu của một kẻ chết trôi.

Kiệt sức, Rubashov cứ ngồi thế mà thiếp đi, đầu dựa vào tường, kính vẫn còn lủng lẳng trước đôi mắt đã nhắm nghiền.


7.

Rubashov ú ớ nói mơ, đấy là giấc mơ về vụ bắt giữ thứ nhất, bàn tay bỏ thõng ra ngoài giường đang cố tìm cái ống tay áo, anh chờ đợi một cú đấm vào mang tai nhưng không thấy.

Anh tỉnh giấc vì đèn trong buồng bỗng bật sáng. Có một người đứng sát ngay bên cạnh giường và đang chăm chú ngắm nhìn. Rubashov mới thiếp đi được chừng mười lăm phút, nhưng sau những giấc mơ như thế bao giờ cũng phải một lúc anh mới định thần được. Mắt nheo lại vì chói, còn đầu óc thì duyệt lại các phương án quen thuộc. Anh đang bị giam, nhưng không phải tại một đất nước thù nghịch, nghĩa là vụ bắt giữ chỉ là một giấc mơ. Nghĩa là anh tự do, nhưng bên trên giường của anh không có hình Anh Cả, còn cạnh bức tường bên kia lại có một cái thùng gỗ. Ivanov lại đứng bên cạnh và đang phà khói thuốc lá vào mặt anh. Đấy cũng là mơ sao? Không. Ivanov là thật, cái thùng gỗ cũng là thật. Anh đang ở giữa quê hương, nhưng quê hương đã trở thành thù nghịch, còn Ivanov, người bạn cũ của anh, giờ cũng đã trở thành thù nghịch và tiếng khóc thút thít của Arlova cũng không phải là mơ. Nhưng không, đấy không phải là Arlova, đấy là Bogrov, người đồng chí trung thành của anh, dù bị kéo đi như một hình nhân còn réo gọi tên anh, đấy không phải là mơ. Còn Arlova từng nói: “Anh muốn làm gì em cũng được….”

“Anh ốm à?” Ivanov hỏi.

Rubashov nheo mắt, chói quá.

“Đưa hộ tôi cái áo.”

Ivanov yên lặng quan sát. Má bên trái của Rubashov bị sưng.

“Anh có muốn uống một ly rượu không?” Ivanov hỏi.

Không chờ Rubashov trả lời, anh ta đến bên lỗ nhòm và nói gì đó với người bên ngoài. Rubashov nheo mắt nhìn theo. Anh còn chưa tỉnh ngủ hẳn. Anh đã thức, nhưng vẫn chưa định thần được.

“Anh cũng bị bắt rồi à?” Rubashov hỏi.

“Không,” Ivanov khẽ đáp. “Tôi đến thăm anh. Tôi nghĩ anh bị sốt.”

“Cho tôi xin một điếu thuốc,” Rubashov nói. Anh hút một hơi thật dài, đầu óc đã bắt đầu tỉnh táo trở lại. Anh nằm ngửa ra rồi vừa hút thuốc vừa nhìn lên trần nhà. Cửa buồng mở, một người giám thị đi vào, tay mang theo chai rượu và một cái cốc. Không, đây không phải là lão già mọi khi, tay này còn trẻ, mặc quân phục, gọng kính sáng loáng. Anh ta chào Ivanov rồi mới đưa rượu, cốc và đi ra, không quên đóng cửa. Nghe rõ tiếng bước chân anh ta xa dần ngoài hành lang.

Ivanov ngồi ghé lên giường và rót rượu ra cốc. “Uống đi,” anh ta bảo. Rubashov dốc cạn ly. Đầu óc sáng láng hẳn: vụ đi tù lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, Arlova, Bogrov, Ivanov, tất cả đã về đúng vị trí, cả về thời gian lẫn không gian.

“Anh có bị đau chỗ nào không?” Ivanov hỏi.

“Không,” Rubashov đáp. Anh chỉ không hiểu là Ivanov đến đây để làm gì.

“Má anh sưng to lắm. Có thể là anh bị sốt.”

Rubashov đứng lên và nhìn vào lỗ nhòm, hành lang vắng ngắt; rồi anh tiếp tục đi đi lại lại vài vòng cho đến khi định thần hẳn. Anh dừng lại ngay trước mặt Ivanov, lúc đó vẫn ngồi ở đầu giường và kiên nhẫn thả những vòng khói trắng.

“Cậu muốn gì?” Rubashov hỏi.

“Tôi muốn thảo luận với anh,” Ivanov bảo. “Nằm xuống đi, rồi làm thêm vài ly nữa.”

Rubashov nheo mắt, nhìn Ivanov đầy vẻ giễu cợt.

“Này, trước đây tôi vẫn cho rằng cậu là người tốt,” Rubashov nói. “Nhưng bây giờ tôi thấy cậu cũng là thằng chẳng ra gì. Bước ngay.”

Ivanov vẫn ngồi yên như cũ.

“Tại sao anh lại nói như thế?” anh ta bảo.

Rubashov tựa lưng vào tường ngăn với buồng 406 và nhìn xuống Ivanov, còn anh ta thì vẫn bình thản nhả khói như cũ.

“Thứ nhất,” Rubashov nói. “Anh biết tôi thân với Bogrov. Vì vậy mà anh đã cho lôi Bogrov hay cái xác không hồn của cậu ấy qua cửa buồng tôi như một lời cảnh cáo. Các anh lại còn bí mật thông báo trước vụ hành quyết để các tù nhân khác truyền đạt lại cho tôi, chuyện xảy ra đúng như thế. Người đạo diễn còn làm một việc tuyệt vời hơn, đấy là báo cho Bogrov biết rằng Rubashov cũng bị nhốt ở đây ngay trước khi lôi anh ta ra khỏi hành lang, để hi vọng cậu ta sẽ nói ra một điều gì đó; chuyện cũng đã xảy ra đúng như vậy. Tất cả là nhằm để gây áp lực cho tôi. Đúng trong những giờ phút đen tối như thế thì đồng chí Ivanov cắp chai rượu xuất hiện. Tiếp theo sẽ là một cuộc hoà giải cực kỳ cảm động, hai người sẽ ôm chầm lấy nhau, sẽ ôn lại những kỷ niệm thời chiến tranh và rồi tôi sẽ ký biên bản thú nhận. Rồi khi tội nhân ngủ thiếp đi thì đồng chí Ivanov, với lời tụ thú trong túi áo sẽ nhón gót đi ra khỏi phòng và sẽ được thăng quan tiến chức trong một ngày không xa…. Đủ rồi, xin mời đi ra.”

Ivanov vẫn ngồi bất động. Anh ta nhả khói và mỉm cười, khoe ra cả mấy chiếc răng vàng lấp lánh.

“Chả lẽ anh lại nghĩ rằng tôi là kẻ ngốc nghếch như thế hay sao?” Ivanov hỏi. “Hay nói đúng hơn, chả lẽ anh cho rằng tôi là người không có hiểu biết gì về tâm lý học hay sao?”

“Tôi đã ngấy đến tận cổ trò của các anh rồi,” vừa nói Rubashov vừa nhún vai. “Tôi không thể tống khứ anh ra khỏi phòng. Nếu còn chút lịch sự thì xin hãy để tôi yên. Tôi chán ngấy tất cả các anh rồi.”

Ivanov nhặt cái cốc lên rồi đổ đầy rượu và nốc cạn.

“Tôi đề nghị thế này,” anh ta nói. “Cho tôi nói năm phút, anh không được ngắt lời. Anh chú ý nghe thật kỹ những điều tôi sẽ nói sau đây. Nếu sau đó anh vẫn muốn tôi đi ra thì tôi sẽ đi ngay lập tức.”

“Thôi được, tôi xin nghe,” Rubashov nói. Anh đứng tựa lưng vào bức tường trước mặt Ivanov và cố ý làm ra vẻ như đang xem đồng hồ.

“Thứ nhất, Bogrov đã bị bắn, xin anh chớ có nghi ngờ hay ảo tưởng gì về chuyện ấy nữa. Thứ hai, anh ta đã bị tù mấy tháng và những ngày gần đây thì bị tra tấn liên tục. Nếu anh khai chuyện này trước toà hay nói cho các tù nhân khác biết thì tôi cũng coi như xong đấy. Lý do của việc xử lý như thế ta sẽ nói sau. Thứ ba, việc anh ta bị dẫn ngang qua đây cũng như việc cho anh ta biết anh cũng bị giam ở đây là hoàn toàn có chủ ý. Thứ tư, cái mà anh cho là những trò bẩn thỉu thì không phải tôi làm mà là Gletkin, anh ta làm việc đó một cách bí mật, trái với hướng dẫn của tôi.”

Ivanov ngừng lời. Rubashov vẫn đứng dựa vào tường và không nói gì.

“Tôi không bao giờ mắc sai lầm như vậy,” Ivanov tiếp tục. “Không phải vì tôi tôn trọng tình cảm của anh mà vì tôi có chiến thuật khác, tôi hiểu tâm lý của anh. Gần đây anh có xu hướng nghĩ về lương tâm con người và những kiểu tình cảm đại loại như thế. Ngoài ra, câu chuyện Arlova vẫn còn nguyên đấy. Cho nên cách đối xử với Bogrov chỉ làm cho anh căng thẳng thêm và thúc đẩy anh suy nghĩ thêm về khía cạnh đạo đức, chỉ có thằng Gletkin mù tịt về tâm lý mới làm như thế mà thôi. Chục hôm nay ngày nào thằng ấy cũng lải nhải với tôi về “biện pháp cứng rắn” đối với anh đấy. Thứ nhất là vì hắn đã bực vì anh giơ ngay trước mũi hắn mấy cái tất rách, thứ hai là trước đây hắn thường chỉ tiếp xúc với nông dân thôi…. Hi vọng chuyện Bogrov như vậy là đã rõ. Còn chai rượu, tôi bảo mang tới vì thấy anh chưa thật hoàn hồn đấy thôi. Tôi đâu có muốn anh uống say. Người say dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc tâm lý, tôi đâu muốn làm chuyện đó với anh. Càng bị sốc thì anh lại càng chú tâm vào chuyện đức hạnh. Trong khi đó tôi lại muốn anh tỉnh táo. Tôi muốn anh suy nghĩ một cách thật bình tĩnh hoàn cảnh của mình. Sau khi suy nghĩ kỹ như thế, tôi tin rằng anh sẽ đầu hàng….”

Rubashov khẽ nhún vai. Anh chưa kịp lên tiếng thì Ivanov đã nói thêm:

“Anh khẳng định rằng sẽ không đầu hàng. Nhưng xin hỏi: Nếu anh tin rằng đấy là việc làm đúng và cần thiết thì anh có đầu hàng không?”

Rubashov không trả lời ngay. Anh có cảm tưởng rằng cuộc nói chuyện đang rẽ sang hướng mà anh không nên theo. Năm phút đã trôi qua mà Ivanov vẫn chưa bị đuổi ra. Chỉ điều đó thôi cũng chứng tỏ anh đã phản bội Bogrov, phản bội Arlova, phản bội Richard và Levy Còi rồi.

“Đi ra đi,” anh bảo với Ivanov. “Không có tác dụng gì đâu.” Lúc đó anh mới nhận ra là mình đã đi đi lại lại trong phòng, ngay trước mặt Ivanov, được một lúc rồi.

Ivanov vẫn ngồi trên giường.

“Bằng vào giọng nói của anh,” Ivanov bảo, “tôi thấy rằng anh đã công nhận là tôi không có liên quan gì đến vụ Bogrov hết. Thế thì tại sao anh lại cứ muốn đuổi tôi? Tại sao anh lại không trả lời câu hỏi của tôi...?” Anh ta khẽ nhoài người về đằng trước và nhìn vào mặt Rubashov một cách giễu cợt. Sau đó anh ta nói một cách chậm rãi, cố ý nhấn mạnh từng từ một: “Vì anh sợ tôi. Vì cách nghĩ và cách tranh luận của tôi cũng là cách nghĩ, cách nói của anh, anh biết rõ như thế mà. Đến một lúc nào đó nhất định anh sẽ kêu to lên rằng: “Hỡi quỉ Satan, hãy lui ra đằng sau ta!”

Rubashov không đáp. Anh tiếp tục đi lại ngay trước mặt Ivanov. Anh cảm thấy bất lực, không thể tìm được lý lẽ để tranh cãi với Ivanov. Cái mà Ivanov gọi là “khía cạnh đạo đức” thì không thể trình bày được bằng các công thức luận lý, nó là địa hạt của Người Đối Thoại Không Lời. Nhưng đồng thời về mặt lý trí thì anh lại đồng tình với Ivanov. Đáng lẽ ra anh không nên tham gia những cuộc thảo luận như thế này.

“Hỡi quỉ Satan, hãy lui ra đằng sau ta!” Ivanov nhắc lại và rót thêm cho mình một ly rượu nữa. “Ngày xưa người ta bị mê hoặc vì có thân. Ngày nay thì vì có tâm. Các giá trị đã thay đổi. Nếu tôi mà viết được một vở kịch trong đó Thiên Chúa và Ác Quỉ tranh cãi với nhau về tâm hồn của Thánh Rubashov thì tốt quá. Sau một cuộc đời tội lỗi, anh ta quay sang với Thiên Chúa, với Thiên Đường hai mang là chủ nghĩa tự do tư sản và bánh mì cho Quân đội Giải phóng. Còn Quỉ sứ là một kẻ gầy gò, sống cuộc đời khổ hạnh, thực dụng. Hắn đọc Machiavelli, Hegel và Marx; lạnh lùng và tàn nhẫn. Số phận buộc hắn phải làm những điều mà hắn ghê tởm: giết người để vĩnh viễn loại trừ sự sát sinh, sử dụng vũ lực để loại bỏ vũ lực, reo rắc khổ đau nhân danh hạnh phúc của toàn thể loài người, hứng chịu lòng căm thù nhân danh tình yêu thương nhân loại. Hỡi quỉ Satan, hãy lui ra đằng sau ta! Rubashov muốn thành một thánh tử đạo. Báo chí tự do đã từng nguyền rủa anh ta khi sống, lại vội vàng phong thánh cho anh ta sau khi chết. Anh ta đã tìm ra lương tâm, cái lương tâm nguy hại cho người cách mạng chẳng khác gì chủ nghĩa nhân đạo và Thiên Đường hai mang. Lương lâm xơi tái lý trí chẳng khác gì bệnh ung thư ăn thịt cơ thể. Quỉ sứ đã bị đánh gục, nhưng chớ nghĩ rằng trong cơn điên nó chỉ nghiến răng và phun lửa mà thôi. Nó là một kẻ gầy gò và khổ hạnh, nó nhún vai vì đã trông thấy nhiều kẻ đào ngũ, che giấu sự yếu đuối của mình bằng chủ nghĩa nhân đạo và lương tâm…”

Ivanov ngừng lời và lại rót thêm một ly nữa. Trong khi đó Rubashov vẫn đi đi lại lại ngay sát cửa sổ. Một lúc sau anh mới hỏi:

“Vì sao các anh lại giết Bogrov?”

“Vì sao à? Vì vấn đề tầu ngầm,” Ivanov nói. “Trọng tải của tầu là vấn đề cũ, chắc anh cũng biết. Bogrov cho rằng chúng ta phải đóng những chiếc tầu lớn và có tầm hoạt động xa. Đảng lại nghiêng về phương án tàu nhỏ, tầm hoạt động ngắn. Số tiền đóng một tầu lớn có thể đóng được ba tầu nhỏ. Về mặt kỹ thuật thì lý lẽ của hai bên cũng kẻ tám lạng người nửa cân. Các chuyên gia đưa ra đủ thứ sơ đồ và công thức để ủng hộ và phản bác, nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ khác. Tầu ngầm lớn là chính sách xâm lược, là xuất khẩu cách mạng. Còn tầu nhỏ là bảo vệ bờ biển, là tự vệ và trì hoãn cách mạng thế giới thêm một thời gian nữa. Anh Cả và Đảng ủng hộ quan điểm sau…. Bogrov có nhiều đệ tử trong lực lượng Hải quân và tướng lĩnh. Gạt Bogrov ra chưa đủ, phải hạ bệ anh ta mới được. Phiên xử công khai sẽ cho nhân dân thấy rằng kẻ ủng hộ tầu trọng tải lớn là một tên phá hoại và phản bội. Chúng tôi đã buộc một số kỹ sư đồng ý khai trước toà những điều chúng tôi cho là cần thiết. Nhưng Bogrov không chịu hợp tác. Ngay đến những ngày cuối cùng anh ta vẫn khăng khăng là phải đóng tầu lớn và tiến hành Cách mạng Thế giới. Anh ta đã lạc hậu đến hai mươi năm. Anh ta không thể hiểu rằng thời gian đang chống lại chúng ta, rằng châu Âu đang trải qua giai đoạn thoái trào, rằng phải đợi một làn sóng cách mạng mới. Không còn cách nào khác, đành phải loại bỏ anh ta bằng con đường hành chính. Ở địa vị của chúng tôi thì anh cũng phải làm như thế, đúng không?”

Rubashov không đáp. Anh dừng lại và đứng tựa lưng vào bức tường ngăn với buồng 406, ngay bên cạnh cái thùng gỗ. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Anh tháo kính ra, đôi mắt cận thị thâm quầng chăm chú nhìn vào sát mặt Ivanov.

“Anh không nghe thấy tiếng khóc lóc, rên rỉ của Bogrov, đúng không?”

Ivanov lấy điếu thuốc lá hút dở để mồi một điếu mới, chính anh ta cũng không thể chịu được mùi hôi thối nữa.

“Không,” Ivanov nói. “Không nghe thấy. Nhưng tôi đã nghe, đã thấy những chuyện tương tự rồi. Thì đã sao?”

Rubashov vẫn đứng im. Anh không thể giải thích được. Tiếng nức nở và tiếng trống ngũ liên bị nén lại như vẫn bập bùng bên tai. Không thể diễn tả thành lời. Cũng như không thể diễn tả thành lời đường cong, hơi ấm của bộ ngực Arlova. Lời nói chẳng có ích gì. “Ngậm miệng mà chết đi”, người thợ cắt tóc đã đưa cho anh mảnh giấy viết một câu như thế.

“Thì đã sao?” Ivanov nhắc lại. Anh ta duỗi thẳng chân và đợi. Không thấy Rubashov trả lời, anh ta tiếp tục:

“Nếu tôi có một chút xíu lòng thương hại đối với anh,” Ivanov nói, “thì tôi đã để anh yên rồi. Nhưng may là tôi không có. Tôi uống, đôi khi, như anh biết đấy, tôi còn hút nữa, nhưng lòng thương hại thì tôi cố gắng tránh. Chỉ cần một chút xíu cái đó thôi là đi đứt liền. Lương tâm dằn vặt, than thân trách phận là căn bệnh của dân tộc này. Biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ vĩ đại của chúng ta đã bị cái độc dược này huỷ hoại. Cho đến tuổi bốn mươi, năm mươi, họ đều là những nhà cách mạng, thế rồi đùng một cái, mắc phải cái bả thương hại và thế giới lập tức coi họ là những ông thánh sống. Anh cũng bị mắc căn bệnh như thế, nhưng lại nghĩ rằng mình là người đầu tiên, trước nay chưa từng có….” Ivanov nói khá to và phun ra cả một đám khói thuốc lá. “Hãy thận trọng với những cơn say như thế. Rượu có thể làm người ta say. Đáng tiếc là rất ít người, đặc biệt là ít đàn ông biết được rằng sự nhún nhường hay đau khổ cũng có thể làm người ta say, chẳng khác gì say rượu, giá cũng rẻ thôi.Tỉnh lại sau cú gây mê và nhận thấy là một bên chân của mình đã bị cắt tới đầu gối, tôi đã phát cuồng lên vì đau khổ. Anh có nhớ đã nói với tôi những gì không?” Ivanov rót thêm một ly nữa và nốc cạn.

“Quan điểm của tôi là,” anh ta tiếp tục, “không thể coi thế giới như một loại nhà chứa của đủ thứ tình cảm uỷ mị được. Đấy là điều răn thứ nhất của chúng ta. Những khái niệm như từ bi, lương tâm, phẫn nộ, tuyệt vọng, sám hối, chuộc tội đối với chúng ta đều là những món hàng xa xỉ phẩm cả. Ngồi yên một chỗ mà suy tư rồi đưa gáy cho thằng Gletkin gí súng lục vào là đơn giản hơn cả. Đối với những người như chúng ta thì từ bỏ bạo lực, sám hối cho lòng thanh thản là hấp lực to lớn nhất. Các nhà cách mạng vĩ đại nhất, từ Spartacus cho tới Danton và Dostoievsky, đều bị cái món này nó lôi kéo và trở thành những kẻ phản bội lý tưởng của mình. Hấp lực của Chúa bao giờ cũng mạnh mẽ hơn hấp lực của Quỉ. Khi thế giới còn đầy hỗn loạn như hiện nay thì Chúa phải được coi là chủ nghĩa vô chính phủ và bất kì sự thoả hiệp nào với lương tâm đều phải coi là phản bội sự nghiệp chung. Khi cái lương tâm gàn dở lên tiếng thì hãy bịt tai lại….”

Ivanov đưa tay ra đằng sau với chai rượu và rót một ly nữa. Khi thấy chai rượu chỉ còn một nửa, Rubashov tự nhủ: “Mày cũng muốn quên đời đi đấy chứ”.

“Những tên tội phạm vĩ đại nhất trong lịch sử,” Ivanov tiếp tục, “không phải là Nero hay Fouché mà là Gandhi và Tolstoy. Tiếng nói của lương tâm Gandhi cản trở cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ còn mạnh hơn cả vũ khí của quân Anh. Tự bán mình lấy ba mươi đồng bạc là một thương vụ đáng giá, nhưng để cho lương tâm dẫn dắt là phản bội cả loài người. Lịch sử vốn bất nhân, lịch sử làm gì có tâm. Muốn làm lịch sử thì không thể nào giữ được đạo lý. Anh cũng như tôi, chúng ta biết quá rõ rồi còn gì. Anh biết rõ luật chơi như thế mà hôm nay lại còn nói đến chuyện khóc lóc của Bogrov….”

Ivanov dốc cạn ly và nói thêm:

“Hay là lương tâm anh bị cắn rứt vì cô Arlova?”

Rubashov biết tửu lượng của Ivanov: chưa thấy anh ta say bao giờ, rượu chỉ có thể làm anh ta có vẻ hùng hồn hơn mà thôi. “Mày còn cần rượu hơn cả tao,” Rubashov tự nhủ. Anh ngồi lên một chiếc ghế nhỏ ngay trước mặt Ivanov. Không có gì mới, suốt đời anh đã từng bảo vệ quan điểm như thế, với những lời lẽ như thế hoặc gần như thế. Nhưng trước đây tiếng nói của lương tâm mà Ivanov mạt sát chỉ là một khái niệm trừu tượng, còn nay anh đã nhận thức được rằng Người Đối Thoại Không Lời chính là một phần của cơ thể mình. Nhưng liệu những dằn vặt không thực tế như thế của lương tâm có thể chấp nhận được hay không? Có cần chiến đấu chống lại “độc dược bí mật” khi chính mình cũng đã bị ngộ độc? Năm ngoái, khi đưa Arlova đến chỗ chết anh không thể tưởng tượng được cảnh hành quyết sẽ diễn ra cụ thể như thế nào. Liệu anh có làm khác đi sau khi đã nắm được một vài khía cạnh hay không? Liệu việc hi sinh Richard, Arlova hay Levy Còi là đúng hay sai? Việc Richard nói lắp, hay bộ ngực của Arlova cũng như tiếng kêu khóc của Bogrov thì có liên quan gì đến việc đúng hay sai của những biện pháp đã được tiến hành?

Rubashov lại bắt đầu đi bách bộ trong phòng. Anh bỗng nhận ra rằng tất cả những trải nghiệm từ ngày vào tù mới chỉ là những bước đầu tiên; rằng anh đã hoàn toàn bế tắc, đã đứng trước ngưỡng cửa cái mà Ivanov gọi là “nhà chứa siêu hình”, anh hiểu rằng phải suy nghĩ lại từ đầu. Vấn đề là còn bao nhiêu thời gian? Anh giằng lấy cái cốc từ tay Ivanov và uống sạch. Ivanov trố mắt ra nhìn.

“Thế là tốt,” Ivanov nói. “Độc thoại dưới dạng đối thoại thường là rất hữu ích. Hi vọng rằng tôi đã vào vai kẻ quyến rũ khá đạt. Đáng tiếc là phía kia lại không chịu lên tiếng. Nhưng không để cho người ta lôi kéo mình vào một cuộc tranh luận chính là thủ thuật của hắn ta. Hắn luôn luôn tấn công đúng vào lúc bất ngờ nhất, đúng lúc con mồi có một mình và rất thích hành hạ khi nạn nhân ngủ. Các biện pháp của nhà đạo đức học vĩ đại này luôn luôn hiệu quả và rất vô luân….”

Nhưng Rubashov đã không còn chú ý nghe nữa. Vừa đi anh vừa nghĩ liệu hôm nay, nếu Arlova còn sống thì anh có đưa cô vào chỗ chết nữa hay không. Có cảm tưởng rằng trả lời được câu hỏi này thì anh cũng sẽ tìm được câu trả lời cho tất cả các vấn đề khác…. Anh dừng lại ngay trước mặt Ivanov và cất tiếng hỏi:

“Anh có nhớ nhân vật Raskolnikov không?”

Ivanov mỉm cười giễu cợt:

“Tôi biết thế nào rồi anh cũng đi đến đây mà. Tội ác và trừng phạt.... Anh đã trở thành lẩm cẩm hay định cưa sừng làm nghé thế?”

“Từ từ. Từ từ,” Rubashov vừa nói vừa hấp tấp bước. “Tất cả chỉ là những câu chuyện suông, nhưng tôi có cảm giác chúng ta đã tiến gần đến bản chất vấn đề rồi. Theo tôi nhớ thì vấn đề là cậu sinh viên Raskolnikov có quyền giết mụ già ấy không? Anh ta còn trẻ lại có tài, đầy sinh lực; còn mụ ta là một người vô tích sự. Nhưng phương trình này không thể giải được. Thứ nhất, hoàn cảnh đã buộc Raskolnikov phải giết một người nữa, đây có thể nói là hậu quả không thể thấy trước và phi lô gich của một hành động tưởng như đơn giản và rất hợp lô gích. Thứ hai, bài toán không thể giải được ngay từ đầu vì sau khi hạ sát, Raskolnikov đã nhận ra rằng nếu lấy con người làm đơn vị tính toán thì hai cộng hai không phải là bốn….”

“Vì vậy,” Ivanov nói, “cuốn sách này phải đốt cho bằng hết. Anh hãy nghĩ xem, nếu chúng ta chấp nhận cái triết lý nhân đạo vớ vẩn này, nếu chúng ta buộc phải coi mỗi cá nhân đều là bất khả xâm phạm, nếu chúng ta không được xử lý theo các nguyên tắc số học thì sự thể sẽ như thế nào? Sự thể sẽ là người chỉ huy trung đoàn sẽ không thể hi sinh tiểu đội tiền trạm cho toàn bộ đơn vị rút lui. Chúng ta sẽ không thể hi sinh mấy anh ngu đần như Bogrov chẳng hạn, và như thế là các thành phố ven biển của chúng ta có thể bị phá tan trong vòng một hai năm nữa…”

Rubashov lắc đầu:

“Các thí dụ anh đưa ra đều liên quan đến chiến tranh, nghĩa là những tình huống bất thường cả.”

“Từ ngày phát minh ra máy hơi nước,” Ivanov đáp, “toàn thế giới đã rơi vào tình trạng bất bình thường; cách mạng và chiến tranh là những thí dụ nhãn tiền của tình trạng này. Nhân vật Raskolnikov của anh là một thằng ngu và một kẻ phạm tội không phải vì hắn đã giết con mụ già ấy mà vì hắn đã làm như thế vì mục đích cá nhân, ích kỷ của mình. Qui luật “Mục đích biện minh cho phương tiện” đã và vẫn là qui luật duy nhất đúng của đạo đức chính trị; tất cả những chuyện khác chỉ là những điều nói suông, vô ích mà thôi…. Nếu giả sử Raskolnikov thịt con mụ già ấy để gây quĩ ủng hộ các cuộc đình công hay ủng hộ báo chí bí mật, theo lệnh của Đảng, thì lại là vấn đề khác, bài toán sẽ giải được và cuốn tiểu thuyết sẽ không được viết ra nữa, mà đối với nhân loại thì đấy là một may mắn lớn.”

Rubashov không đáp. Anh tiếp tục suy nghĩ xem hôm nay, sau những trải nghiệm vừa qua, anh có thể đưa Arlova vào chỗ chết nữa hay không. Anh không trả lời được. Về mặt lý luận thì tất cả những điều Ivanov nói đều đúng, Người Đối Thoại Không Lời vẫn chưa lên tiếng, nhưng chính hắn đã ngăn chặn, không cho anh tìm ra câu trả lời dứt khoát. Ngay cả chuyện này, tức là Người Đối Thoại Không không bao giờ tham gia tranh luận mà chỉ tấn công vào đúng lúc người ta bất lực nhất, cũng đúng nốt….

“Tôi không thích sự lẫn lộn khái niệm,” Ivanov tiếp tục. “Chỉ có hai quan niệm về đạo đức mà thôi, hai quan niệm này hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo đức Công giáo và nhân bản coi mỗi một con người cá nhân là một thực thể thiêng liêng và khẳng định rằng mạng người là quí giá, không thể dùng cộng trừ nhân chia để tính toán. Đạo đức cách mạng lại xuất phát từ nguyên tắc căn bản là quyền lợi của tập thể, mục đích của xã hội biện minh cho mọi phương tiện, nó không chỉ cho phép mà còn đòi hỏi từng cá nhân phục tùng tập thể và hi sinh cho tập thể, nghĩa là có thể trở thành vật hi sinh hay vật thí nghiệm, nếu cần. Đức hạnh Công giáo cấm chỉ đưa người lên bàn mổ mà không có thuốc gây mê, đạo đức cách mạng không những cho phép mà còn thường xuyên áp dụng nữa. Những người không tưởng và những nhà chính trị nghiệp dư vẫn thường tìm cách dung hoà hai quan điểm này, nhưng trên thực tế thì chúng không thể dung hoà được. Bất cứ nhà cầm quyền nào, ngay từ những ngày đầu tiên, cũng phải lựa chọn và bao giờ cũng chọn phương án sau. Từ ngày Công giáo trở thành quốc đạo, anh có thể tìm ra một nhà nước nào thực sự tuân theo đạo đức Công giáo không? Không có nước nào như thế cả. Trong trường hợp cần thiết, mà nhà cầm quyền luôn tìm được những trường hợp cần thiết như thế, nhà cầm quyền sẽ tuyên bố “tình trạng khẩn trương” và cho áp dụng những biện pháp đặc biệt. Từ khi ra đời, các dân tộc và các giai cấp đã phải đề phòng lẫn nhau và đấy là lý do làm cho người ta buộc phải để dành lòng nhân ái cho những thế hệ sau….”

Rubashov nhìn qua cửa sổ. Một lớp băng mỏng gồ ghề màu vàng nhạt phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Người lính gác, súng khoác vai, vẫn đi đi lại lại dọc bức tường bao quanh nhà giam. Trời không trăng, nhưng quang đãng. Dải Ngân hà hiện lên mờ mờ bên trên hàng rào vọng gác.

Rubashov nhún vai.

“Cứ cho là,” anh nói, “chủ nghĩa nhân đạo và chính trị, nhân quyền và sự tiến bộ là những khái niệm không thể dung hoà. Cứ cho là Gandhi là tai họa của Ấn Độ và cứ cho là trung thực trong việc lựa chọn phương tiện sẽ làm cho chính trị trở thành bất lực. Tôi đồng ý với anh như thế. Nhưng hãy xem đạo đức cách mạng đã đưa chúng ta tới đâu….”

“Được,” Ivanov đáp. “Tới đâu?”

Rubashov lấy kính lau vào ống tay áo và nheo đôi mắt cận thị nhìn Ivanov.

“Vào vũng bùn,” Rubashov nói. “Chúng ta đã dìm đất nước xuống vũng bùn đầy máu và nước mắt.”

“Có thể là như thế,” Ivanov nở nụ cười rạng rỡ. “Xin anh hãy nhớ lại Gracchus [2] , Saint-Just và Công xã Paris. Cách mạng, cho đến nay, đều do những nhà đạo đức học nghiệp dư tiến hành. Chính niềm tin và tính chất nghiệp dư đã đưa họ lên đoạn đầu đài. Chúng ta là những người đầu tiên tiến hành công việc một cách nhất quán….”

“Đúng,” Rubashov ngắt lời. “Nhất quán đến mức nhân danh việc chia đất đai một cách công bằng chúng ta đã cố tình để cho khoảng năm triệu nông dân chết đói trong một năm. Nhất quán đến mức nhân danh việc giải phóng người lao động khỏi ách bóc lột tư bản chúng ta đã đưa mười triệu người lên vùng Cực Bắc và Viễn Đông lao động khổ sai trong những điều kiện không khác gì nô lệ thời cổ đại. Nhất quán đến mức để giải quyết các khác biệt về quan điểm, dù đấy là về tầu ngầm hay phân bón, thậm chí đường lối của Đảng ở Đông Dương, chúng ta chỉ có một biện pháp, đấy là án tử hình. Các kỹ sư của chúng ta biết rõ rằng sai sót trong tính toán có thể đưa họ vào nhà đá hoặc lên đoạn đầu đài, còn các cán bộ cấp trên thì sẵn sàng đưa cấp dưới vào chỗ chết vì họ biết rằng bất kỳ sai sót nào cũng có thể dẫn họ vào tử lộ; các nhà thơ thì giải quyết vấn đề phương pháp sáng tác bằng cách báo cáo với cảnh sát mật vì bên thua bao giờ cũng bị tuyên bố là phản cách mạng, là kẻ thù của nhân dân. Trong khi hành động một cách nhất quán vì các thế hệ tương lai, chúng ta đã buộc thế hệ hiện nay chịu đựng những thiếu thốn khủng khiếp đến nỗi tuổi thọ đã giảm đến một phần tư. Để bảo vệ đất nước, chúng ta buộc phải đưa ra những biện pháp đặc biệt và áp dụng luật pháp trong thời kì quá độ mà tất cả các điều khoản đều trái ngược với mục đích ban đầu của Cách mạng. Mức sống của dân chúng hiện nay thấp hơn thời kì trước Cách mạng, điều kiện lao động thì nặng nề hơn, kỷ luật lao động thì chẳng khác gì thời nô lệ, định mức lao động còn cao hơn cả các nước thuộc địa, trẻ con mười hai tuổi đã có thể bị kết án tử hình, luật hôn nhân còn khắt khe hơn cả nước Anh, các lãnh tụ thì được sùng bái chẳng khác gì các nước độc tài phản động. Báo chí và trường học của chúng ta suốt ngày cổ võ cho chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa giáo điều và chính sách ngu dân. Chính phủ có quyền lực vô giới hạn, một quyền lực chưa từng có trong lịch sử. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội bị bãi bỏ hoàn toàn, chẳng cần biết đến Tuyên ngôn Nhân quyền là gì. Chúng ta đã xây dựng được một bộ máy cảnh sát hùng mạnh với những biện pháp tra tấn hoàn thiện nhất, mạng lưới chỉ điểm đã thấm vào mọi ngóc ngách của xã hội. Chúng ta đang lùa đám đông quần chúng đang rên xiết vào tương lai hạnh phúc mà ngoài chúng ta ra thì chẳng ai biết đấy là cái gì. Thế hệ hiện nay đã kiệt sức, năng lượng của họ đã bị phung phí hết trong thời kì Cách mạng rồi, thế hệ hiện nay đã bị mất hết máu, chẳng còn gì ngoài tiếng rên la, ú ớ, chẳng là gì ngoài những xác thịt tế thần…. Đấy chính là hậu quả của tính nhất quán của chúng ta. Anh gọi đấy là đạo đức cách mạng. Tôi có cảm tưởng như là những cuộc thí nghiệm này đã lột da các nạn nhân rồi để mặc họ đứng trơ khấc ra như thế….”

“Ừ, thế thì đã sao?” Ivanov vui vẻ nói. “Chả lẽ anh không thấy đấy là điều tuyệt vời ư? Đã bao giờ có những sự kiện tuyệt vời như vậy chưa? Chúng ta đang lột bộ da cũ của nhân loại để khoác cho nó bộ da mới. Đấy không phải là việc của những kẻ yếu bóng vía, nhưng đấy là một việc làm đầy hứng khởi. Anh đã biến anh thành một cô gái lỡ thì từ khi nào thế?”

Rubashov định nói: “Từ khi nghe thấy Bogrov gọi tên tôi”, nhưng anh nghĩ rằng đấy là một câu trả lời vô nghĩa. Cho nên anh đáp:

“Xin tiếp tục với ẩn dụ đó: tôi đã nhìn thấy cái thế hệ bị chúng ta lột da, nhưng không biết sẽ lấy da mới ở đâu. Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng có thể tiến hành thí nghiệm với lịch sử loài người y như làm thí nghiệm vật lý vậy. Nhưng sự khác nhau là nhà vật lý có thể lặp lại thí nghiệm hàng ngàn lần, còn lịch sử thì chỉ có một lần mà thôi. Có thể đưa Danton và Saint-Just lên đoạn đầu đài một lần mà thôi, không có lần thứ hai nào nữa. Nếu sau này mới biết rằng tầu ngầm lớn là đúng thì ta cũng đâu có làm cho Bogrov sống lại được?”

“Thế thì đã sao?’ Ivanov hỏi. “Chả lẽ chúng ta lại bó tay chỉ vì không thể nào biết trước được kết quả hay sao? Hoá ra mọi hành động đều là xấu à? Chúng ta đem sinh mệnh của mình ra bảo đảm, không ai có quyền đòi hỏi hơn. Kẻ thù của chúng ta không được như thế đâu. Bất kỳ một viên tướng hết hơi nào đó cũng có thể tiến hành thí nghiệm với hàng ngàn sinh mạng, nếu thất bại thì hắn cũng chỉ bị cho về vườn là cùng. Bọn phản cách mạng chẳng bao giờ bị lương tâm giày vò. Sulla [3] , Galliffet [4] hay Koltschak [5] chẳng bao giờ đọc Raskolnikov đâu. Chỉ trong hàng ngũ cách mạng mới có những con gà như anh mà thôi. Kẻ thù của chúng ta sống đơn giản hơn nhiều….”

Ivanov nhìn đồng hồ. Đêm gần qua, cửa sổ buồng giam trở nên một màu xám đục, tờ báo nhét vào chỗ kính vỡ bị gió kéo tuột ra, bay phất phơ. Phía bên kia, người lính gác vẫn đi đi lại lại, một trăm bước sang trái rồi lại một trăm bước sang phải.

“Một người có quá trình phấn đấu như anh,” Ivanov tiếp tục, “mà lại đột ngột phản đối cuộc thí nghiệm này thì đúng là ngây thơ. Năm nào chả có hàng triệu người chết một cách vô ích vì dịch bệnh và đủ thứ tai hoạ tự nhiên khác. Chúng ta không có quyền hi sinh mấy trăm ngàn người cho cái thí nghiệm vĩ đại nhất trong lịch sử này hay sao? Đấy là chưa nói tới số người bị chết vì đói, vì bệnh lao phổi trong các mỏ than và mỏ thuỷ ngân, trong các đồn điền trồng lúa và trồng bông đấy. Chẳng ai thèm để ý đến những người như thế, chẳng ai thèm hỏi vì sao họ chết, nhưng nếu chúng ta bắn chừng vài trăm người rõ ràng là có hại thì các nhà theo trường phái nhân đạo chủ nghĩa lập tức gào lên đến sùi bọt mép ra. Đúng là chúng ta đã loại bỏ và để cho một số nông dân chuyên ăn bám chết đói. Đây là một cuộc phẫu thuật nhất định phải làm, nhưng trước cách mạng năm hạn hán nào chả có bao nhiêu người chết, mà chết một cách vô ích và vô nghĩa nữa chứ. Số người chết vì nạn lụt ở sông Hoàng Hà bên Trung Quốc cũng phải cả mấy trăm ngàn người một năm. Thiên nhiên sẵn sàng đưa nhân loại vào những thí nghiệm vô nghĩa như thế thì tại sao chúng ta lại không có quyền làm thí nghiệm với chính mình?”

Ivanov ngừng lại, nhưng Rubashov vẫn không trả lời.

“Anh đã đọc cuốn sách nào của Hội Bảo vệ Động vật chưa?” Ivanov hỏi. “Thật là choáng váng và đứng tim khi đọc đến đoạn một con chó hoang bị cắt gan mà vẫn vừa rên rỉ vừa liếm tay kẻ đang hành hạ nó. Tôi thấy kinh tởm và buồn nôn, chẳng khác gì anh đêm qua! Nếu những người này mà có quyền hành thì chẳng bao giờ có thể chế tạo được thuốc chủng ngừa bệnh tả, bệnh thương hàn hay bệnh bạch hầu....”

Ivanov rót nốt rượu vào cốc và uống cạn. Sau đó anh ta đi đến bên cửa sổ.

“Sáng rồi,” Ivanov nói. “Đừng ngang bướng như thế, Rubashov ạ. Những điều tôi nói đều là kiến thức sơ đẳng, anh đã biết và tôi cũng biết. Tinh thần anh có bị căng thẳng, nhưng chuyện đó qua rồi.” Anh ta đứng sát vào Rubashov, tay choàng qua vai, giọng thật nhẹ:

“Thôi, bây giờ đi ngủ đi, anh bạn vàng của tôi. Thời gian đã hết, phải chế ra cho được lời tuyên bố của anh. Đừng có nhún vai như thế, tôi biết là anh đã gần như bị thuyết phục rồi. Anh sẽ ký, đúng không? Nếu anh từ chối thì đấy sẽ là sự hèn nhát. Mà hèn nhát thì sẽ đưa người ta đến những khổ ải không thể nào lường trước được.”

Trời đã rạng sáng, người lính gác vừa quay sang bên phải để vòng trở lại. Bên trên tháp canh bầu trời hiện lên một màu xám nhạt, phía đông có những đám mây màu hồng. Một lúc sau Rubashov mới nói:

“Để tôi suy nghĩ thêm.”

Sau khi Ivanov đi ra và cánh cửa đã đóng lại thì anh hiểu rằng mình đã sắp bị khuất phục. Anh nằm vật ra giường, mệt mỏi nhưng đầu óc lại rất thanh thản. Đầu óc đúng là trống rỗng, như bị vắt kiệt hết sức lực, nhưng đồng thời lại nhẹ nhàng, thanh thoát. Trong tâm trí, tiếng kêu thống thiết của Bogrov đã không còn vang lên một cách gay gắt như trước nữa. Trung thành với người sống chứ không phải với người chết, ai có thể coi đấy là phản bội?

Trong khi Rubashov bình lặng ngủ, răng không đau và không hề mộng mị, thì Ivanov ghé vào phòng làm việc của Gletkin. Gletkin vẫn mặc đầy đủ lệ bộ, trước mặt là một chồng hồ sơ. Đã mấy năm nay, tuần nào anh ta cũng làm việc ba bốn đêm liền. Thấy Ivanov vào Gletkin vội vàng đứng lên chào theo đúng quân lệnh và đợi chỉ thị.

“Cứ ngồi, cứ ngồi,” Ivanov nói. “Hôm nay anh ta sẽ ký. Nhưng tôi đã mất bao nhiêu công sức mới sửa chữa được sai lầm của cậu đấy.”

Gletkin vẫn đứng nghiêm, không nói nói một câu nào. Ivanov chợt nhớ đến vụ lên lớp Gletkin trước khi tới buồng Rubashov, anh cũng biết rằng Gletkin không thể tha thứ chuyện đó một cách dễ dàng như thế. Ivanov vừa nhún vai vừa hít một hơi thật dài rồi phả khói vào mặt Gletkin.

“Đừng giả bộ nữa,” Ivanov lại nói. “Tất cả các vị đều bị tình cảm riêng tư chi phối. Nếu ở vị trí của hắn thì cậu còn ngoan cố bằng mấy ấy chứ.”

“Hắn không có nghị lực bằng tôi,” Gletkin đáp.

“Ngu thì có,” Ivanov đáp. “Chỉ cần như thế là cậu đã đáng bắn trước hắn rồi.”

Ivanov mở cửa và bước nhanh ra ngoài.

Gletkin ngồi xuống. Hắn không tin là Ivanov đã thành công, nhưng đồng thời lại thấy sợ. Câu cuối cùng nghe như một lời đe doạ, mà Ivanov là người nguy hiểm, chẳng bao giờ biết hắn nói thật hay nói đùa. Có thể chính hắn cũng không biết khi nào mình nói thật, khi nào nói đùa nữa, bọn trí thức vô liêm sỉ đều như thế cả….
Gletkin nhún vai, xốc lại dây thắt lưng và áo sơ mi cho chính tề rồi tiếp tục đọc, chúi mũi xuống chồng tài liệu.


Đợt thẩm vấn thứ nhất (1-9) Đợt thẩm vấn thứ nhất (10-14) Đợt thẩm vấn thứ hai Đợt thẩm vấn thứ ba Vĩ thanh Thay lời bạt

[0]Tủ sách talawas, chuyên đề “Sách xuất bản tại miền Nam trước 1975” sẽ đăng lại bản dịch này trong thời gian tới.
[1]Đây là nói sự tích Moses dẫn dân Do Thái đi suốt bốn mươi năm qua sa mạc để đến củng đất mà Chúa Trời hứa cho họ.
[2]Hai anh em nhà Gracchus, Tiberius Gracchus (162-133 trước C.N.) và Caius Gracchus (153-121 trước C. N.)
[3]Sulla (138-78 trước C. N.)
[4]Gaston Alexandre de Galliffet (1830 – 1903)
[5]Koltschak (1873-1920) tướng Bạch vệ

Tác giả Arthur Koestler sinh ngày 05.9.1905 tại Budapest, mất ngày 3.3.1983 tại London, là nhà văn Áo gốc Hung, viết chủ yếu bằng tiếng Đức và tiếng Anh, có một số tác phẩm viết bằng tiếng Pháp và tiếng Hung.

Dịch giả Phạm Minh Ngọc sống tại Việt Nam, đã công bố hàng chục tác phẩm dịch quan trọng từ tiếng Nga và tiếng Anh trên talawas:

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài