talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 5:
Chuyện xảy ra ở Griboedov



Ngôi nhà hai tầng cổ kính màu kem sữa đứng trên đại lộ vòng cung có hàng cây ở giữa, nằm sâu trong một khu vườn đã tàn lụi được ngăn cách với vỉa hè của đại lộ bằng một hàng rào gang khía rãnh. Trước nhà là khoảng sân nhỏ rải nhựa, về mùa đông trong sân nổi lên một đống tuyết lớn với cây xẻng cắm trên, còn mùa hè nó biến thành một chi nhánh tuyệt vời của khách sạn ngoài trời dưới mái che bằng vải bạt.

Ngôi nhà này được gọi là “Nhà Griboedov” do chỗ dường như trước đây nó thuộc về một bà dì của nhà văn Aleksandr Sergheevich Griboedov. Nhưng có đúng thật như vậy không - chúng ta không biết chính xác. Thậm chí có người còn nhớ rằng Griboedov không hề có bà dì chủ nhà nào cả... Nhưng ngôi nhà vẫn có tên như vậy. Hơn thế nữa, một tay khoác lác của Moskva còn kể rằng, trong gian phòng cột tròn ở tầng hai, nhà văn danh tiếng đã đọc những trích đoạn của hài kịch “Ðau khổ vì trí tuệ” cho bà dì kia nghe trong lúc bà ta nằm dài trên ghế sôpha. Mà thật ra, hỏi ma nào biết được, có thể ông đã đọc thật, điều đó không có gì quan trọng cả.

Cái quan trọng là ngôi nhà này hiện nay thuộc về MASSOLIT, cái tổ chức do ông Mikhail Aleksandrovich Berlioz bất hạnh đứng đầu cho đến khi ông xuất hiện ở công viên Hồ Pat’riarsi.

Theo sáng kiến của các thành viên MASSOLIT, không ai gọi ngôi nhà này là “Nhà Griboedov” nữa, mà tất cả đều gọi một cách đơn giản “Griboedov”. “Chiều qua tớ loanh quanh ở Griboedov suốt hai tiếng đồng hồ”. “Kết quả thế nào?” “Nài được đi nghỉ Ialta một tháng”. “Khá lắm!” Hoặc là: “Ðến gặp Berlioz đi, hôm nay ông ta tiếp khách ở Griboedov từ bốn đến năm giờ chiều”... vân vân và vân vân.

Toàn bộ MASSOLIT được bố trí ở Griboedov một cách lý tưởng đến nỗi không thể nào nghĩ là có thể tiện lợi và ấm cúng hơn. Bất kỳ người nào vào Griboedov trước hết muốn hay không muốn đều được làm quen với những thông báo của các hội thể thao và những bức ảnh tập thể cũng như cá nhân của các hội viên MASSOLIT treo dọc hai bên tường cầu thang dẫn lên tầng hai.

Trên cánh cửa của phòng đầu tiên ở tầng trên này treo một tấm biển lớn “Tiểu ban nhà nghỉ - câu cá”, và ngay bên cạnh là hình một con cá chép mắc câu đang vật vã.

Trên cánh cửa phòng số hai là dòng chữ không thật dễ hiểu lắm: “Vé nghỉ sáng tác một ngày. Hỏi M.V. Podloznaia”.

Cánh cửa tiếp theo mang một dòng chữ rất ngắn nhưng đã hoàn toàn khó hiểu: “Perelưghino”. Từ đó người khách tình cờ đến Griboedov sẽ lóa mắt trước vô số những biển đề sặc sỡ trên các cánh cửa gỗ dẻ của bà dì: “Ðăng ký xin giấy. Gặp Poklevkina”, “Thủ quỹ”, “Thanh toán cá nhân cho tác giả các vở ca kịch ngắn”...

Sau khi cắt ngang dãy người xếp hàng dài vô tận bắt đầu từ phòng thường trực ở phía dưới, ta có thể trông thấy biển đề trên cánh cửa “Vấn đề nhà ở”, nơi người ra vào không ngớt.

Phía bên kia “Vấn đề nhà ở” là một tấm biểu ngữ sặc sỡ vẽ mỏm đá lớn, trên mỏm đá, một kỵ sĩ mặc áo choàng phớt với súng trường khoác sau vai đang phi ngựa; phía dưới là những cây cọ và ban công; trên ban công một người trẻ tuổi tóc rối bù đang nhìn đâu đó lên cao bằng cặp mắt rất xanh, tay cầm chiếc bút máy. Biển đề: “Nghỉ sáng tác dài hạn từ hai tuần (truyện ngắn) đến một năm (tiểu thuyết, truyện dài nhiều tập). Ialta, Suúc-Su, Borovoie, Sikhitgiri, Makhindgiauri, Leningrad (Cung điện Mùa Ðông)”. Ở cánh cửa này người cũng xếp hàng nhưng không đến nỗi dài lắm, chừng trăm rưởi người.

Tiếp đó, nằm dọc theo những chỗ vòng khúc, lên xuống của ngôi nhà Griboedov là “Ban chấp hành MASSOLIT”, “Quầy thủ quỹ số 2, 3, 4, 5”, “Ban biên tập”, “Chủ tịch MASSOLIT”, “Phòng chơi bi-a”, một loạt các phòng ban phụ khác, và cuối cùng đến gian phòng cột tròn, nơi trước kia có một bà dì nằm thưởng thức bản hài kịch của một người cháu thiên tài.

Bất kỳ người khách nào (tất nhiên nếu anh ta không phải là kẻ quá đần độn) sẽ lập tức luận ra rằng những con người may mắn được là hội viên của MASSOLIT sống sung sướng đến mức nào, và một nỗi ghen ăn ghét ở đen tối bắt đầu hành hạ anh ta. Và không chậm trễ, anh ta liền ném lên trời những lời trách móc cay đắng là sao trời không ban tặng cho anh ta lúc sinh ra là một tài năng văn học - mà thiếu cái đó, lẽ hiển nhiên, thì đừng hòng mơ ước có được tấm thẻ hội viên MASSOLIT, tấm thẻ màu nâu sẫm thoang thoảng mùi da quý với một đường viền mạ vàng rộng, tấm thẻ khắp Moskva ai cũng biết.

Người nào có thể nói được gì để bào chữa cho lòng ghen tị đó? Nó là thứ tình cảm thuộc phạm trù hèn kém, nhưng dù sao cũng phải thông cảm với tình cảnh của người khách. Bởi vì những gì anh ta thấy trên tầng hai chưa phải là tất cả và còn lâu mới là tất cả. Toàn bộ tầng dưới của ngôi nhà bà dì là tiệm ăn - một tiệm ăn phải nói hết ý! Cũng là công bằng khi nó được coi là tiệm ăn tốt nhất ở đất Moskva này. Và điều đó không chỉ vì nó được đặt trong hai gian phòng lớn với trần cuốn vòm vẽ những con ngựa màu tím, bờm Asiri [1] ; không chỉ vì trên mỗi chiếc bàn ăn đều có gắn đèn, trải khăn; không chỉ vì không phải bất kỳ người nào muốn cũng đều vào được đây; mà còn vì chất lượng đồ ăn thức uống ở Griboedov này hơn hẳn bất kỳ một tiệm ăn nào khác của Moskva, và chúng được bán ra với một giá phải nói là hết sức phải chăng.

Và vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên trong câu chuyện sau đây mà tác giả của những dòng văn trung thực bậc nhất này một lần nghe được cạnh hàng rào gang của Griboedov:

„Hôm nay anh ăn tối ở đâu, Amvrosi?»

„Sao lại hỏi ngớ ngẩn thế, tất nhiên là ở đây rồi, Phoka yêu quý ạ! Artribald Artribaldovich hôm nay mách thầm với tớ là sẽ có cá vược đặt sẵn a naturen [2] . Một món tuyệt vời!»

„Anh biết cách sống lắm, Amvrosi ạ!„ người gầy guộc, tàn tạ, với vết loét trên cổ, tên là Phoka, thở dài nói với nhà thơ có vóc dáng khổng lồ, môi mọng, tóc vàng óng, má hồng hào tên là Amvrosi.

„Tớ không biết cách biết kiếc đặc biệt gì cả đâu“, Amvrosi bác lại, «mà chỉ có một ý bình thường là được sống cho ra con người. Cậu muốn nói là cá vược thì ở tiệm ăn “Kolize” cũng có chứ gì? Nhưng ở “Kolize” một suất cá vược giá mười ba rúp mười lăm kôpếch, còn ở chỗ chúng tớ chỉ năm rúp năm mươi! Ngoài ra, ở “Kolize” cá vược phải giữ đến ngày thứ ba, và, ngoài ra nữa, cậu còn không được bảo đảm là sẽ không phải nhận một chùm nho do một thằng thanh niên nào đó từ ngõ Nhà Hát xông ra ném vào mặt. Không, tớ dứt khoát loại trừ “Kolize“, tay sành ăn Amvrosi oang oang khắp cả dãy phố. „Ðừng có thuyết phục tớ, Phoka!»

„Tôi có thuyết phục anh đâu, Amvrosi ạ“, Phoka rầu rĩ nói. „Ăn ở nhà cũng được.»

„Ôi, xin kiếu!„ Amvrosi lại sang sảng. „Tớ đã hình dung ra cảnh vợ cậu đang cố xử lý món cá vược đặt sẵn a naturen trong chảo ở khu bếp tập thể của căn hộ! Hi-hi-hi!... Ôrơvoa [3] , Phoka!„ và, vừa nghêu ngao hát, Amvrosi vừa bước đến hàng hiên dưới tán dù che.

Ê-hê-hê... Ðúng, quả vậy, quả như vậy thật! Những cư dân Moskva cố cựu còn nhớ nhà Griboedov lừng danh! Cá vược rán đặt sẵn là cái gì! Rẻ lắm, Amvrosi yêu quý ạ! Còn cá tầm, cá tầm trong những chiếc xoong trắng bạc, từng miếng cá tầm sắp giữa những khúc thân tôm và trứng cá tươi? Còn trứng gà nướng với nấm mũ nghiền nhừ đựng trong cốc? Còn philê thịt sáo hầm, anh có thích không? Với nấm củ? Chim cun cút theo kiểu Giener? Mười rúp rưỡi! Lại còn nhạc jaz, lại còn phục vụ nhã nhặn! Còn vào tháng Bảy, khi cả gia đình đã đi đến nhà nghỉ, riêng anh bị những công việc văn chương không thể trì hoãn giữ lại Moskva, ngoài hàng hiên, dưới bóng những chùm nho quấn quýt, trong vệt nắng vàng chóe trên chiếc khăn trải bàn sạch tinh là đĩa xúp prentanhiơ [4] ? Amvrosi, anh còn nhớ không? Nhưng cần gì lại nói thế nhỉ? Qua cặp môi của anh, tôi thấy là anh còn nhớ. Những món cá hồi trắng, cá vược của anh là cái gì!... Rồi còn đủ loại chim dẽ, gà gô theo mùa, cun cút, dẽ giun? Rồi nước khoáng narzan buốt lạnh cổ?! Nhưng thôi, đủ rồi, đừng lạc đề nữa, hỡi bạn đọc! Xin mời theo tôi!...

Vào hồi mười giờ rưỡi tối sau khi Berlioz tử nạn ở công viên Pat'riarsi, trên tầng hai của nhà Griboedov chỉ có một căn phòng bật đèn sáng, ở đó mười hai nhà văn đã tụ tập lại để dự cuộc họp và mệt mỏi ngồi chờ Mikhail Aleksandrovich Berlioz.

Những con người ngồi trên ghế, trên bàn và thậm chí cả trên hai bệ cửa sổ trong phòng Ban chấp hành MASSOLIT, đang khổ sở vì nóng bức. Không một tia gió tươi mát nào lọt vào các ô cửa sổ để mở toang. Thành phố Moskva đang trả lại số hơi nóng đã tích tụ được sau một ngày trong các lớp nhựa đường, và rõ ràng là đêm đến cũng không mang lại sự dễ chịu hơn chút nào cho mọi người. Từ dưới tầng ngầm của ngôi nhà bà dì, nơi đặt bếp tiệm ăn, bốc lên mùi hành tỏi, và tất cả đều cảm thấy khát, tất cả đều cáu kỉnh và bực bội.

Nhà viết văn xuôi Beskudnikov - một người trầm lặng, ăn mặc lịch sự, với cặp mắt đồng thời vừa chăm chú nhưng lại vừa khó nắm bắt được - rút đồng hồ từ trong túi ra. Kim nhích dần đến con số mười một. Beskudnikov gõ gõ ngón tay lên mặt đồng hồ, giơ ra cho nhà thơ Dvubratski ngồi bên cạnh trên mặt bàn và vì không có việc gì làm đang vung vẩy đôi chân đi giày màu vàng đế cao su.

„Thế đấy“, Dvubratski lẩm bẩm.

„Chắc anh chàng mắc lại ở Kliazma rồi“, vang lên giọng trầm của Nastasia Lukinisna Nevremenova, nàng con gái mồ côi của một lái buôn Moskva giờ trở thành nhà văn chuyên viết những truyện ngắn về đề tài chiến đấu trên biển với bút danh “George Hoa Tiêu”.

„Xin lỗi!„ Dagrivov, tác giả của những vở ca kịch ngắn, mạnh dạn lên tiếng. „Riêng tôi thì tôi cũng vui lòng được ngồi uống chén trà ngoài ban công hơn là phải chịu luộc chín ở đây. Hình như cuộc họp ấn định vào mười giờ thì phải?”

„Mà bây giờ ở Kliazma thật là khoái“, George Hoa Tiêu cố ý chọc mọi người có mặt ở đây, vì biết rằng khu nhà nghỉ mát Perelưghino của Hội ở Kliazma là niềm ao ước chung của tất cả. „Bây giờ có lẽ họa mi đang hót. Tôi bao giờ cũng làm việc có hiệu quả hơn khi ở ngoại ô, đặc biệt là vào mùa xuân.”

„Ðã ba năm nay, tôi đóng tiền để bà xã đau bệnh bazdo [5] được gửi đến thiên đường đó, mà chẳng hiểu sao không thấy tăm hơi gì cả“, nhà viết truyện ngắn Ieronim Poprikhin cay đắng và độc địa nói.

„Ðiều đó còn tùy ai gặp may“, nhà phê bình Ababkov ngồi trên bệ cửa sổ gầm gào.

Trong cặp mắt nhỏ tí của George Hoa Tiêu cháy lấp lánh niềm vui, và nữ văn sĩ nói bằng giọng contranto thật dịu dàng:

„Ðừng thế, các đồng chí, không nên ganh tị. Tất cả chỉ có hai mươi hai nhà nghỉ, hiện đang xây dựng thêm bảy nhà nữa, thế mà chúng ta ở MASSOLIT phải đến ba nghìn người!”

„Ba nghìn một trăm mười một người“, một ai đó từ trong góc phòng chêm vào.

„Ðấy, thấy chưa“, George Hoa Tiêu tiếp tục“, làm sao bây giờ? Lẽ đương nhiên được nhận nhà nghỉ phải là những người tài năng nhất trong số chúng ta...”

„Những ông tướng!„ nhà biên kịch Glukharev xông thẳng vào cuộc tranh biện.

Beskudnikov, giả vờ ngáp dài, bước ra khỏi phòng.

„Một người chiếm những năm buồng ở Perelưghino“, Glukharev ném theo lưng anh ta.

„Lavrovich một mình sáu buồng!„ Deniskin nói rõ to, “và phòng ăn ghép bằng ván sồi!”

„Ê, bây giờ cái chính không phải là chuyện đó“, Ababkov gầm gào“, cái chính là đã mười một giờ rưỡi rồi.”

Tiếng ồn ào nổi lên, bắt đầu một cái gì đó như sự nổi loạn. Mọi người gọi điện về cái xóm Perelưghino đáng ghét nọ, nhưng không gọi được nhà nghỉ cần tìm, mà lại gặp phải nhà Lavrovich, được biết rằng Lavrovich đang ngồi ở ngoài sông, và vì vậy tất cả tỏ vẻ hoàn toàn thất vọng. Gọi hú họa đến ủy ban văn học, theo số máy phụ 930, nhưng tất nhiên là chẳng tìm thấy ai ở đó cả.

„Ðáng lẽ ông ta phải gọi điện đến chứ!” Deniskin, Glukharev và Kvant lớn tiếng hét.

Ôi, họ la hét chỉ phí công vô ích: Mikhail Aleksandrovich không thể nào gọi điện đi đâu được nữa rồi. Ở xa, rất xa nhà Griboedov, trong một gian phòng lớn được chiếu sáng bằng những ngọn điện hàng nghìn nến, nằm trên ba chiếc bàn kẽm là cái mà vừa mới đây còn là Mikhail Aleksandrovich.

Trên chiếc bàn thứ nhất, ta thấy tấm thân trần máu đã khô đông lại với một tay bị gãy và lồng ngực dập nát; trên mặt bàn thứ hai là chiếc đầu không còn răng cửa với đôi mắt mờ đục mở to giờ không còn sợ làn ánh sáng hết sức gay gắt nữa; và trên chiếc bàn thứ ba là một đống giẻ rách nát.

Ðứng cạnh thi thể mất đầu là: giáo sư pháp y, chuyên gia giải phẫu bệnh và phẫu thuật viên của ông, các đại diện của cơ quan thẩm cứu và nhà văn Gieldưbin, phó chủ tịch thứ nhất của Mikhail Aleksandrovich Berlioz ở MASSOLIT, được gọi đến đây bằng điện thoại, bỏ bà vợ đang đau ốm ở lại nhà.

Một chiếc xe đến đón Gieldưbin, và việc đầu tiên là chở ông cùng với dự thẩm viên (lúc đó đã gần nửa đêm) đến căn nhà của người quá cố, niêm phong toàn bộ giấy tờ của Mikhail Aleksandrovich lại, rồi sau đó mới đến nhà xác.

Và bây giờ những người đứng cạnh thi hài kẻ quá cố đang thảo luận nên làm thế nào tốt hơn: khâu gắn chiếc đầu bị cắt rời ra vào cổ hay cứ đặt thi hài như thế vào hội trường nhà Griboedov, chỉ đem một chiếc khăn đen lớn phủ mặt tử thi kín đến tận cằm?

Vâng, Mikhail Aleksandrovich không thể gọi điện đi đâu được nữa, và những Deniskin, Glukharev cùng Kvant với Beskudnikov cáu kỉnh kêu la là chỉ phí công vô ích. Ðúng nửa đêm cả mười hai văn sĩ rời tầng hai đi xuống tiệm ăn [6] . Và ở đây họ lại một lần nữa thầm nguyền rủa Mikhail Aleksandrovich: tất cả các bàn ngoài hiên, hiển nhiên, đã không còn chỗ trống, và họ buộc phải ngồi lại ăn tối trong các gian phòng dù đẹp đẽ nhưng rất nóng bức này.

Và vào đúng nửa đêm, trong gian phòng thứ nhất trong số những gian phòng đó có một cái gì đó đổ ầm ầm, rơi loảng xoảng, rung tới tấp, nhảy tâng tâng. Và liền ngay đó một giọng nam lanh lảnh hét lên trong điệu nhạc: “Alliluia!!” [7] Ðó là dàn nhạc jaz lừng danh của nhà Griboedov bắt đầu lên tiếng. Những khuôn mặt đẫm mồ hôi rạng rỡ hẳn lên, những con ngựa vẽ trên trần nhà dường như sống dậy, các ngọn đèn dường như sáng thêm, và bỗng nhiên, như hóa điên, cả hai gian phòng đều bắt đầu nhảy, rồi tiếp theo đó là cả hàng hiên phía ngoài cũng nhảy.

Glukharev nhảy với nữ thi sĩ Tamara Bán Nguyệt, Kvant cũng nhảy, nhà viết tiểu thuyết Giukopov nhảy với một nữ diễn viên điện ảnh nào đó mặc áo màu vàng. Dragunski, Trerdactri nhảy, Deniskin nhỏ con nhảy với George Hoa Tiêu đồ sộ, người đẹp nữ kiến trúc sư Semeikina Gall nhảy trong vòng tay siết chặt của một người lạ mặt nào đó mặc quần dài trắng bằng vải gai. Nhảy: cả chủ nhà lẫn khách mời, cả dân Moskva và nhà văn Iogann từ Kronstad đến, cả một anh chàng Vitia Kuptic nào đó từ Rostov tới, có lẽ là đạo diễn, với đám nấm hắc lào hồng hồng trên khắp một bên má; nhảy: cả những đại diện tinh hoa nhất của tiểu ban thơ ca thuộc MASSOLIT, tức là Pavianov, Bogokhulski, Sladki, Spitrkin và Adelphina Buzdiac, cả những thanh niên không rõ nghề nghiệp đầu húi bốc, vai áo độn bông, cả một người nào đó rất đứng tuổi với bộ râu lẫn một cánh hành xanh, cùng nhảy với ông ta là một cô gái quá thời trong chiếc áo màu da cam nhàu nát đang mòn mỏi bởi chứng thiếu máu.

Ðầm đìa mồ hôi, các nhân viên phục vụ đi lại với những vại bia cũng đổ mồ hôi đầm đìa giơ cao trên đầu, chốc chốc lại kêu lên khàn khàn và cáu kỉnh: “Xin lỗi, thưa ông, xin lỗi!” ở một nơi nào đó vang vang những khẩu lệnh được hô vào loa: “Một suất Karski! Hai ly Duprovca! Ðĩa lòng thêm!!” Cái giọng nam lanh lảnh bây giờ không còn hát nữa, mà rít lên: “Alliluia!” Tiếng nhạc jaz nhiều khi bị át đi bởi tiếng loảng xoảng của đống bát đĩa mà những người rửa bát thả trượt theo băng truyền dốc xuống bếp. Tóm lại, đúng là địa ngục.

Và vào nửa đêm xuất hiện một bóng ma trong địa ngục. Một người đàn ông đẹp dáng, mắt đen, với bộ râu nhọn mặc áo đuôi tôm bước ra hàng hiên và đưa ánh mắt đầy quyền uy nhìn khắp vương quốc của mình. Những kẻ ưa thần bí nói rằng, đã có thời người đàn ông đẹp đẽ này không vận áo đuôi tôm, mà nịt ngang người một chiếc thắt lưng da rộng bản, từ đó thòi ra những báng súng lục, còn mái tóc đen nhánh được vấn trong một tấm lụa điều, và chiếc chiến thuyền giương lá cờ đen ngòm với hình đầu lâu dưới quyền chỉ huy của ông ta đã từng rong ruổi trên mặt biển Karaibe.

Nhưng không, không! Những kẻ ưa thần bí chuyên đi bịp người đã nói không đúng sự thật, trên thế giới này không hề có biển Karaibe nào cả, và những tên cướp biển liều lĩnh không rong ruổi trên đó, không có những cỗ thuyền chiến ba buồm đuổi theo chúng, và trên mặt nước không vật vờ làn khói súng đại bác. Không có gì cả, và chưa bao giờ có gì cả! Mà chỉ có một gốc lipa già cỗi, chỉ có dãy hàng rào bằng gang và phía ngoài là đại lộ... Và tảng nước đá đang tan dần trong bình nước, nhìn rõ ở phía sau chiếc bàn bên cạnh cặp mắt bò đực của ai đó ngầu máu, và cảm thấy thật kinh hoàng, thật khủng khiếp... ôi, hỡi các vị thần linh, các vị thần linh của tôi, thuốc độc đâu, hãy cho tôi thuốc độc!...

Và bất thần sau chiếc bàn vang lên một từ: “Berlioz!” Tiếng nhạc jaz chững lại rời rạc rồi lặng ngắt, dường như bị ai đó lấy nắm tay đánh vụn, cắt ngang. “Cái gì, cái gì, cái gì, cái gì?!!!” „“Berlioz!!!” Rồi mọi người nhảy vụt dậy, rồi khắp nơi nổi lên tiếng la hét...

Vâng, đúng thế, nỗi đau khổ như một cơn sóng chợt dâng trào khi nghe cái tin khủng khiếp về Mikhail Aleksandrovich. Một người nào đó xăng xái hét lên là cần phải lập tức, ngay tại đây, không ai rời chỗ, thảo ra một bức điện tập thể và gửi nó đi không chậm trễ.

Nhưng bức điện nào, chúng tôi xin hỏi, và gửi đi đâu? Và gửi nó để làm gì? Mà quả thực, gửi đi đâu? Và dù là bức điện nào đi nữa, thì nó cũng cần gì cho cái con người với chiếc gáy dập nát đang bị bóp chặt trong đôi tay cao su của phẫu thuật viên giải phẫu bệnh lý, còn cổ thì bị những mũi kim cong của giáo sư chọc nát? Ông đã chết, và ông không cần bất cứ một bức điện nào. Tất cả đã kết thúc, chúng ta sẽ không bày thêm việc cho ngành bưu điện nữa.

Vâng, ông đã chết rồi... Nhưng chúng ta thì hẵng còn đang sống!

Vâng, đau khổ như con sóng dâng tràn, giữ ở trạng thái cao trào một lúc, rồi bắt đầu rút xuống, một vài ai đó đã quay trở về bàn, và „lúc đầu còn kín đáo, sau đó công khai không giấu giếm“, tiếp tục uống rượu và nhắm thức ăn. Chẳng lẽ lại bỏ phí món thịt gà rán dơ volai? Chúng ta có thể giúp được gì Mikhail Aleksandrovich? Bằng cách nhịn đói ư? Chúng ta là những người còn sống cơ mà!

Tất nhiên, người ta đã khóa nắp đàn pianô lại, ban nhạc giải tán ra về, một vài nhà báo đi đến tòa soạn của mình để viết điếu tang. Nghe nói Gieldưbin từ nhà xác đã đến đây, đang ngồi ở phòng làm việc của người quá cố, và lập tức có tin loan ra là ông ta sẽ thay thế Berlioz. Gieldưbin gọi cả mười hai ủy viên ban chấp hành từ tiệm ăn lên gặp mình, và trong cuộc họp được triệu tập cấp tốc ngay tại căn phòng làm việc của Berlioz, mọi người bắt đầu thảo luận một số vấn đề về việc sắp đặt lại gian phòng cột tròn của nhà Griboedov, việc chuyển thi hài người quá cố từ nhà xác về đây, việc tổ chức lễ viếng và những việc khác có liên quan đến sự kiện đau buồn này.

Còn tiệm ăn thì đã trở lại sống cái cuộc sống bình thường của mình, và có lẽ sẽ cứ tiếp tục sống như vậy cho tới khi đóng cửa, tức là đến bốn giờ sáng, nếu như không xảy ra một việc, lần này thì hoàn toàn đặc biệt và làm cho toàn bộ khách ở đây kinh ngạc hơn nhiều so với tin về cái chết của Berlioz...

Những người đầu tiên gây ra xôn xao lo lắng là cánh xà ích túc trực ở cổng nhà Griboedov. Một người trong bọn họ bỗng nhổm người trên ghế xe ngựa, hét toáng lên:

„Chu cha! Trông kìa!»

Tiếp liền đó, không hiểu từ đâu ra, cạnh hàng rào bằng gang một đốm lửa nhỏ vụt lóe lên và tiến dần lại phía hiên nhà. Những người ngồi sau bàn theo nhau nhổm dậy nhìn, và họ thấy rằng đi về phía tiệm ăn cùng với đốm lửa nhỏ kia là một bóng ma nhờ nhờ trắng. Khi nó tiến đến tận dàn cây leo, tất cả mọi người đã như hóa đá sau bàn với những miếng cá tầm xóc trên dĩa cầm trong tay, mắt trố ra nhìn kinh ngạc. Người gác cửa, đúng lúc đó vừa từ phía sau cánh cửa phòng gửi áo ngoài của tiệm ăn bước ra sân để hút thuốc, vội giẫm tắt điếu thuốc và tiến lại phía bóng ma với mục đích rõ ràng là chặn ngang đường vào tiệm ăn, nhưng không hiểu sao cuối cùng ông ta đã không làm việc đó mà dừng lại, trên môi nở một nụ cười ngớ ngẩn.

Và bóng ma, đi qua dàn cây leo, bước lên hiên, không bị ai ngăn trở. Ðến lúc này mọi người mới nhận thấy rằng đó hoàn toàn không phải là bóng ma nào cả, mà đích thị nhà thơ nổi tiếng nhất Ivan Nikolaievich Bezdomnưi.

Nhà thơ đi chân đất, mặc chiếc áo khoác bạc trắng rách bươm, trên ngực áo găm lủng lẳng bằng kim băng bức ảnh in hình một vị thánh nào đó không ai biết đã mờ nét, và nửa dưới người là chiếc quần lót dài kẻ sọc cũng màu trắng. Trong tay Ivan Nikolaievich cầm một ngọn nến thường dùng trong các buổi lễ cưới đã thắp lên. Trên má phải của anh có một vết xước còn mới. Thật khó có thể đo được chiều sâu của sự im lặng bao trùm trên hàng hiên tiệm ăn. Nghe rõ cả tiếng bia chảy xuống sàn từ chiếc cốc vại cầm nghiêng trong tay một người phục vụ nào đó.

Nhà thơ giơ ngọn nến lên quá đầu, nói to:

„Chào các bạn!„ nói rồi anh cúi nhìn xuống bên dưới chiếc bàn gần nhất và buồn bã thốt lên: „Không, hắn không có ở đây.»

Trong phòng vang lên hai giọng nói, giọng thứ nhất rất trầm, buông ra một cách tàn nhẫn:

„Rõ rồi, cơn sốt trắng [8]

Còn giọng thứ hai, của phụ nữ, hoảng hốt:

„Làm sao công an lại để cho anh ta đi ngoài phố trong bộ dạng như thế này nhỉ?»

Ivan Nikolaievich nghe thấy câu nói đó và đáp:

„Họ đã hai lần muốn giữ tôi lại ở ngõ Skatertnưi và ở đây, trên phố Bronnaia, nhưng tôi nhảy qua hàng rào, và các vị thấy đấy, bị rách một bên má!„ Ivan Nikolaievich bất thần giơ cao ngọn nến và hét to: „Hỡi các văn hữu! (Giọng khàn khàn của anh đanh lại và trở nên nóng nảy). Tất cả hãy nghe tôi! Hắn đã xuất hiện! Hãy lập tức tìm bắt lấy hắn, nếu không hắn sẽ gây ra những tai họa không lường nổi!»

„Cái gì? Cái gì? Anh ấy nói cái gì? Ai đã xuất hiện?„ từ bốn phía mọi người nhốn nháo hỏi.

„Tên chuyên gia!„ Ivan đáp, «và tên chuyên gia đó vừa giết chết Mikhail Berlioz ở Hồ Pat'riarsi.»

Mọi người từ gian nhà trong chen nhau đổ ra hàng hiên, xung quanh ngọn nến của Ivan hình thành một đám đông quây tròn.

„Xin lỗi, xin lỗi, anh hãy nói cho rõ hơn“, Ivan Nikolaievich nghe vang lên bên tai một giọng nói khe khẽ và lịch thiệp, «anh nói cho rõ, ai giết? Ai giết?»

„Một tên chuyên gia người nước ngoài, một giáo sư gián điệp!„ Ivan nhìn quanh, đáp.

„Nhưng họ tên hắn ta là gì?„ giọng khe khẽ lại hỏi.

„Họ tên ấy à?!„ Ivan Nikolaievich buồn rầu thốt lên, “giá như tôi biết được họ tên của hắn! Tôi chưa kịp nhìn rõ họ tên hắn trên tấm danh thiếp... Chỉ nhớ chữ cái đầu tiên là “Vê”, họ hắn bắt đầu bằng chữ “Vê”! Họ nào bắt đầu bằng chữ “Vê” nhỉ?„ Ivan đưa bàn tay lên ôm trán và tự hỏi mình, rồi anh bỗng lẩm nhẩm: „Vê, vê, vê! Va... Vô... Vasner à? Vagner à? Vainer? Vegner? Vinter?„ tóc trên đầu Ivan như dựng ngược lên vì căng thẳng.

„Vulph phải không?„ giọng của một phụ nữ nào đó kêu lên não nùng.

Ivan nổi cáu:

„Ðồ ngu!„ anh hét to, đưa mắt tìm người vừa nói. „Vulph thì có liên quan gì ở đây? Vulph không có lỗi gì hết! Vô, vô... Không! Tôi không nhớ được! Này các bạn, chúng ta phải làm như sau: hãy gọi điện ngay bây giờ cho công an, để họ phái năm người đi mô tô mang súng máy lùng bắt tay giáo sư. Mà đừng quên nói rằng cùng với hắn ta còn có thêm hai đứa nữa: một tên người dài ngoẵng, quần áo kẻ ô... một mắt kính bị vỡ... và một con mèo đen, béo hú. Còn tôi bây giờ phải lục tìm khắp nhà Griboedov đã. Tôi cảm thấy là hắn đang ở đây!»

Ivan Nikolaievich lo lắng xô giạt mọi người vây quanh ra, tay huơ huơ ngọn nến làm dầu nến chảy ra rơi cả lên người, rồi anh bắt đầu ngó xuống phía dưới các bàn ăn. Bỗng có ai đó gọi lớn: “Mời bác sĩ đến!” - và một khuôn mặt béo tốt, dịu dàng, cạo nhẵn nhụi, đeo kính gọng sừng, xuất hiện trước mặt nhà thơ.

„Ðồng chí Bezdomnưi“, khuôn mặt đó nói bằng một giọng như đọc diễn văn, «đồng chí hãy bình tĩnh lại đi! Ðồng chí đang quá xúc động bởi cái chết của con người được tất cả chúng ta yêu quý là Mikhail Aleksandrovich... Không, phải gọi thân mật hơn là Misa Berlioz [9] . Chúng tôi hiểu rất rõ điều đó. Ðồng chí cần phải được nghỉ ngơi. Bây giờ các bạn sẽ đưa đồng chí vào giường, và đồng chí sẽ ngủ một lát...»

„A, mày“, Ivan nhe răng, cắt ngang lời, «mày có hiểu là cần phải bắt ngay thằng giáo sư kia không? Thế mà mày lại chõ miệng vào nói những lời nhảm nhí! Ðồ ngu.»

„Ðồng chí Bezdomnưi, tôi xin lỗi“, khuôn mặt nọ đỏ tía lên, đáp, rồi vừa bước lùi ra sau vừa hối hận là đã giây vào sự việc này.

„Ai thì cho xin chứ mày thì không xin xỏ gì hết“, Ivan Nikolaievich nói với giọng căm ghét. Các cơ mặt anh co giật làm khuôn mặt trở nên méo mó; anh nhanh như nhớp chuyển ngọn nến từ tay phải sang tay trái rồi dang rộng cánh tay giáng một cái tát vào ngay mang tai của khuôn mặt vừa lộ vẻ thông cảm nọ.

Ðến lúc này mọi người mới nghĩ ra là phải giữ tay Ivan lại - và họ đã làm đúng như thế. Ngọn nến bị tắt ngấm, chiếc kính văng ra khỏi mặt rơi xuống sàn lập tức bị giẫm nát. Ivan hét lên một tiếng dữ dội đến mức người đi ngoài đường cũng nghe thấy, và bắt đầu tự vệ. Vang lên tiếng bát đĩa rơi từ trên bàn xuống, tiếng phụ nữ kêu la.

Trong lúc ngoài hàng hiên những người phục vụ dùng khăn trói Ivan lại, trong phòng gửi áo ngoài đã diễn ra câu chuyện sau đây giữa tên thuyền trưởng cướp biển và người gác cửa:

„Ông có thấy là anh ta chỉ mặc quần lót không?„ tên cướp biển lạnh lùng hỏi.

„Nhưng mà, thưa ông Artribald Artribaldovich“, người gác cửa sợ sệt đáp, «làm sao tôi có thể không cho ông ấy vào được, ông ấy là hội viên MASSOLIT cơ mà?»

„Ông có thấy là anh ta chỉ mặc quần lót không? » tên cướp biển nhắc lại câu hỏi.

„Thưa ông Artribald Artribaldovich, xin ông thể tất cho“, người gác cửa đỏ tía mặt nói“, tôi có thể làm gì được ạ? Tự tôi cũng hiểu rằng ngoài hiên đang có các bà, các cô ngồi...»

„Ở đây chẳng liên quan gì đến các bà, các cô cả. Các bà, các cô thì thế nào cũng xong“, tên cướp biển đáp, mắt nhìn như thiêu rụi người gác cửa, «còn với công an thì không xong được! Người mặc quần lót chỉ có thể đi ngoài phố Moskva trong một trường hợp là bị công an giải đi, và cũng chỉ đến có một nơi duy nhất là đồn công an! Còn ông, làm gác cửa thì phải biết là khi trông thấy một người như vậy phải lập tức huýt còi, không được chậm giây nào. Ông nghe thấy chưa?»

Người gác cổng đờ đẫn nghe ngoài hiên có tiếng la hét nhộn nhạo, tiếng bát đĩa rơi và tiếng phụ nữ kêu.

„Biết làm gì với ông bây giờ?„ tên hải tặc hỏi.

Da trên mặt người gác cửa đổi sang màu của người sốt phát ban, còn mắt thì như bị chết cứng đờ đẫn. Ông cảm thấy như mái tóc đen, bây giờ được chải rẽ ngôi, lại bọc trong lớp lụa đỏ rực như lửa. áo đuôi tôm và áo sơmi trong ngực biến mất, và từ sau thắt lưng da hiện ra chuôi một khẩu súng ngắn. Người gác cửa hình dung ra cảnh mình bị treo cổ trên trục ngang của cột buồm mũi thuyền. Tự mắt mình ông nhìn thấy chiếc lưỡi thè lè ra của chính mình và mái đầu không còn sinh khí gục thõng xuống một bên vai, thậm chí ông còn nghe cả tiếng nước vỗ dưới mạn thuyền. Ðầu gối của người gác cửa đã khuỵu xuống. Nhưng vừa lúc đó, tên cướp biển đem lòng thương hại ông và tắt đi ánh nhìn sắc nhọn của mình.

„Coi chừng đấy, Nikolai! Ðây là lần cuối cùng. Chúng tôi không cần những người gác cửa vô tích sự như vậy trong tiệm ăn đâu. Ông hãy đến nhà thờ xin làm gác cổng thì hơn.„ Nói xong, tay thuyền trưởng hạ lệnh ngắn gọn, rõ ràng, chính xác: „Gọi Pantelei ở quầy căng tin lên đây. Mời công an đến. Lập biên bản, chuẩn bị xe. Ðưa đến bệnh viện tâm thần.„ Rồi thêm: „Huýt còi lên!»

Mười lăm phút sau, đám thính giả vô cùng kinh ngạc không chỉ ở tại tiệm ăn, mà cả ở ngoài đại lộ lẫn trong các cửa sổ của những ngôi nhà vây quanh khu vườn của tiệm ăn, đều thấy từ trong cổng nhà Griboedov năm người - Pantelei, người gác cửa, một công an, một nhân viên phục vụ tiệm ăn và nhà thơ Riukhin [10] - khiêng ra một người trẻ tuổi quấn trong những chiếc khăn trông hệt như một con búp bê; anh ta, nước mắt chảy ròng ròng, vừa cố tìm cách nhổ nước bọt trúng vào mặt Riukhin, vừa thổn thức gào lên:

„Ðồ đểu! Ðồ đểu này!»

Tài xế chiếc xe tải quay máy với vẻ mặt dữ tợn. Bên cạnh, một tay xà ích thúc ngựa, quất sợi dây cương màu tím nhạt lên thân con vật, hét:

„Hỏa tốc đây! Chở người đến bệnh viện tâm thần đây!»

Xung quanh, đám đông ồn ào bàn tán về sự kiện chưa từng thấy này; tóm lại, một cảnh om sòm, xấu xa, tởm lợm, hấp dẫn, hèn hạ, nó chỉ kết thúc khi chiếc xe tải đã chở nhà thơ Ivan Nikolaievich bất hạnh cùng Riukhin, Pantelei và người công an rời cổng nhà Griboedov đi khuất.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]... bờm Asiri: tức là bờm dày, dài, loăn xoăn.
[2]Thứ thiệt, nguyên chất (tiếng Pháp phiên âm trong nguyên bản).
[3]Tạm biệt (tiếng Pháp trong nguyên bản).
[4]Tức là xúp mùa xuân. Tên các món ăn thường rất khó tìm ra gốc, người dịch chỉ chuyển nghĩa tương đối.
[5]Bệnh bazdo: rối loạn tuyến giáp trạng.
[6]Ở đây có sự liên tưởng: Giesu cũng có mười hai tông đồ chờ trong buổi tối gặp mặt cuối cùng trước khi tử nạn.
[7]“Alliluia”: một điệu fost'rot đang là mốt trong thời đó của nhạc sĩ Mỹ Jumans. Lưu ý sự liên tưởng giữa bữa ăn tối ở nhà Griboedov và vũ hội của chúa quỷ Voland: cả hai đều bắt đầu lúc nửa đêm bằng tiếng nhạc Alliluia, tên cướp biển hệt như Voland, v.v... Bản thân từ Alliluia có nghĩa là “Hãy ngợi ca Chúa”, từ này thường được hô to khi bắt đầu các bản thánh ca.
[8]Chỉ chứng suy nhược tâm thần do nghiện rượu.
[9]Người Nga chính thức gọi nhau đầy đủ họ, phụ danh và tên, còn thân mật gọi nhau bằng tên rút gọn (Mikhail = Misa).
[10]Riukhin: các nhà nghiên cứu chỉ ra sự liên tưởng giữa Riukhin với nhà thơ V. Maiakovski. Quan hệ giữa Bulgakov và Maiakovski thực ra rất phức tạp, vừa kính trọng tài vừa khó chấp nhận nhau. Trong vở kịch Con rận, Maiakovski có đưa tên Bulgakov vào “Từ điển những từ đã chết” (tức là những hiện tượng sẽ lỗi thời đối với tương lai). Maiakovski còn có bài “Thơ kỷ niệm” nói chuyện với Puskin về sự bất tử (xem thêm đoạn sau ở trang 464).

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài