talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 15:
Giấc mơ của Nikanor Ivanovich



Có thể đoán ra một cách dễ dàng rằng người đàn ông với bộ mặt đỏ lựng vừa mới được đưa đến bệnh viện ở phòng 119 chính là Nikanor Ivanovich Bosoi.

Nhưng ông ta không đến thẳng chỗ giáo sư St'ravinski ngay, mà trước đó còn ở một nơi khác đã.

Cái “nơi khác” đó hầu như không được giữ lại gì trong tâm trí của Nikanor Ivanovich. Ông ta chỉ nhớ mỗi bộ bàn viết, chiếc tủ và chiếc ghế đi văng.

Ở đó Nikanor Ivanovich, mắt như mờ đi vì máu bốc lên đầu và vì tâm thần kích động, được mấy người nào đó hỏi chuyện, nhưng câu chuyện có một vẻ kỳ quặc rối rắm thế nào ấy, hoặc nói đúng hơn, hoàn toàn không thành chuyện.

Câu đầu tiên mà người ta hỏi Nikanor Ivanovich là:

„Anh là Nikanor Ivanovich Bosoi, chủ tịch Hội đồng nhà cửa ngôi nhà số 302-bis ở phố Sadovaia phải không?»

Nghe xong câu hỏi đó, Nikanor Ivanovich ném ra một tràng cười dữ dội, và trả lời chính xác từng lời như sau:

„Tôi là Nikanor, tất nhiên, tôi là Nikanor! Nhưng, quỷ tha ma bắt tôi đi, chủ tịch chủ tiếc gì tôi!»

„Nghĩa là sao?„ mấy người kia nheo nheo mắt lại hỏi Nikanor Ivanovich.

„Thế đấy“, ông ta đáp, «nếu như tôi là chủ tịch thì tôi cần phải xác định được ngay lập tức rằng hắn là quỷ sứ! Không phải quỷ sứ thì là cái gì? Kính vỡ một mắt... áo quần tơi tả... Làm sao hắn ta có thể là phiên dịch cho người nước ngoài được cơ chứ!»

„Anh nói về ai thế? „người ta hỏi Nikanor Ivanovich.

„Koroviev!„ Nikanor Ivanovich hét to. „Hắn đang ở căn hộ số năm mươi chỗ chúng tôi! Các anh viết đi: Koroviev. Cần phải bắt giữ hắn ta ngay! Các anh ghi vào: cầu thang số sáu, hắn đang ở đó.”

„Anh lấy ngoại tệ ở đâu ra?„ người ta thân mật hỏi Nikanor Ivanovich.

„Ðức Chúa nhân từ, đức Chúa toàn năng sẽ thấy hết“, Nikanor Ivanovich nói, “mà con đường của tôi thì trước sau rồi cũng tới đó. Tôi chưa bao giờ được cầm vào tay và cũng không hề biết ngoại tệ là cái gì hết! Ðức Chúa Trời trừng phạt tôi vì tội lỗi của tôi đấy!„ Nikanor lvanovich xúc động nói, tay hết đóng lại mở cúc chiếc áo sơmi, chốc chốc lại làm dấu thánh. „Tôi quả có nhận! Có nhận, nhưng là nhận tiền Xô Viết của chúng ta. Tôi đôi lúc cũng có nhận tiền, không dám giấu! Mà tay thư ký Prolejnev của chúng tôi cũng hay hớm lắm, khỏi phải nói! Nói thẳng ra là trong ban quản lý nhà cửa toàn một lũ ăn cắp! Nhưng ngoại tệ thì tôi không nhận!”

Ðáp lại lời yêu cầu đừng làm bộ ngớ ngẩn, mà hãy kể lại bằng cách nào những đồng đô la lại nằm được trong ống thông gió, Nikanor Ivanovich quỳ xuống sàn, lắc lư người, há miệng ra dường như muốn gặm những thanh gỗ lát sàn nhà.

„Các anh có muốn tôi ăn đất mà thề rằng tôi không nhận không?„ Nikanor Ivanovich gào lên. „Còn Koroviev đúng là quỷ sứ!”

Bất kỳ sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn, và sau bàn mọi người đã cao giọng nhắc Nikanor Ivanovich rằng ông ta đã đến lúc phải ăn nói cho ra ngôn ngữ của con người.

Vừa lúc đó căn phòng có chiếc đi văng bỗng ngập đầy tiếng thét man dại của Nikanor Ivanovich, ông ta đang quỳ chợt nhảy vọt dậy:

„Hắn kia! Ðằng sau cái tủ ấy! Hắn đang cười nhạo đấy! Và cặp kính của hắn. Giữ hắn lại! Vẩy nước tẩy căn phòng đi!”

Mặt tái nhợt cắt không còn giọt máu, Nikanor Ivanovich vừa run rẩy làm dấu thánh giá trong không khí, vừa chạy bổ ra cửa rồi lại chạy vào, miệng ê a một bài kinh cầu nguyện nào đó, và cuối cùng thì nói lảm nhảm hoàn toàn.

Lúc bấy giờ mọi người thấy rõ ràng rằng không thể nào nói chuyện được với Nikanor Ivanovich nữa. Ông ta được đưa vào một căn phòng riêng, ở đó Nikanor Ivanovich dịu đi ít nhiều, chỉ lẩm bẩm cầu nguyện và thỉnh thoảng lại nấc lên.

Tất nhiên, lập tức có một phái đoàn được cử đến căn hộ số năm mươi phố Sadovaia, nhưng tại đó không tìm thấy Koroviev, và cũng không một ai ở trong ngôi nhà đó thấy hoặc nghe về một Koroviev nào cả. Căn hộ của Berlioz quá cố và giám đốc Likhodeev - lúc đó đang ở Ialta - hoàn toàn không có người, trên các cánh cửa tủ trong phòng làm việc những tấm dấu xi niêm phong không bị ai động đến vẫn nằm nguyên hiền lành. Phái đoàn liền rời khỏi Sadovaia, đi theo cùng với họ là thư ký Hội đồng nhà cửa Prolejnev, vẻ mặt ngơ ngác và ủ rũ.

Ðến chiều, Nikanor Ivanovich được đưa tới bệnh viện của St'ravinski. Ở đó, chủ tịch Hội đồng nhà cửa tỏ ra phá phách đến nỗi phải tiêm cho ông ta một mũi theo chỉ định của St'ravinski, và mãi sau một giờ đêm Nikanor Ivanovich mới thiếp đi trong phòng số 119, thỉnh thoảng lại phát ra những tiếng gầm gừ đau khổ nặng nề.

Nhưng giấc ngủ của Nikanor Ivanovich mỗi lúc một trở nên nhẹ nhàng hơn. Ông ta thôi vật vã, kêu rên, thở sâu và đều dần, và người ta để Nikanor Ivanovich nằm lại một mình.

Và đêm hôm đó Nikanor Ivanovich lạc vào một giấc mơ, mà cơ sở của nó, hoàn toàn không nghi ngờ gì, là những ấn tượng ông ta phải trải qua trong ngày. Nó bắt đầu từ cảnh Nikanor Ivanovich thấy mình được những người nào đó với những ống kèn vàng trong tay rất long trọng dẫn đến một cánh cổng sơn đồ sộ. Cạnh cánh cổng này, những người cùng đi dường như tấu một khúc nhạc mừng chào Nikanor Ivanovich, rồi tiếp đó một giọng trầm âm vang từ trên trời vui vẻ vọng xuống:

„Xin hân hạnh đón chào đồng chí Nikanor Ivanovich! Ðồng chí nộp ngoại tệ đi!”

Vô cùng kinh ngạc, Nikanor Ivanovich ngước mắt nhìn lên và thấy ngay trên đầu mình một chiếc loa phóng thanh đen ngòm.

Rồi không hiểu sao Nikanor Ivanovich thấy mình đang ở trong nhà hát, nơi có những chùm đèn bằng pha lê rực rỡ treo dưới mái vòm mạ vàng, còn trên các bức tường là những hộp đèn ốp. Tất cả hệt như trong một rạp hát tuy không lớn lắm, nhưng rất sang trọng. Sân khấu được che bằng một tấm màn nhung, trên nền đỏ thẫm của tấm màn, như những ngôi sao, in hình những đồng mười rúp vàng phóng to. Có cả buồng nhắc vở, thậm chí có cả khán giả nữa.

Một điều làm cho Nikanor Ivanovich ngạc nhiên, là toàn bộ đám khán giả này đều thuộc một giới đàn ông, và không hiểu sao tất cả đều có râu. Thêm vào đó cũng không kém phần lạ lùng, là trong phòng xem không có ghế, toàn bộ số khán giả này đều ngồi trên mặt sàn trơn bóng được lau rất kỹ.

Cảm thấy bối rối trong một đám đông mới lạ, Nikanor Ivanovich ngập ngừng một lát rồi cũng bắt chước mọi người ngồi xuống, chân xếp bằng trên mặt sàn gỗ, giữa một tay hộ pháp tóc hung râu rậm và một người đàn ông khác da tái nhợt tóc râu che kín mặt. Không ai trong đám khán giả ngồi trên sàn chú ý tới người mới xuất hiện.

Vừa lúc đó vang lên một tiếng chuông nghe rất êm tai, đèn trong phòng mờ tắt dần, tấm màn che từ từ chạy sang hai bên, để hiện ra khoảng sân khấu được chiếu sáng với một chiếc ghế bành, một chiếc bàn, trên bàn đặt một quả chuông vàng nhỏ, và phía sau sân khấu là bức phông hậu bằng nhung đen dầy.

Từ phía sau bức phông hậu bước ra một nghệ sĩ trẻ, mặc áo smoking, mặt cạo kỹ lưỡng, tóc chải ngôi, nét mặt rất dễ chịu. Khán giả trong phòng sôi nổi hẳn lên, tất cả quay mặt về phía sân khấu. Người nghệ sĩ trẻ bước đến mép ngoài sân khấu, xoa xoa hai bàn tay vào nhau.

„Các anh vẫn ngồi đấy à?„ anh ta hỏi bằng giọng baritôn mềm mại và mỉm cười với đám khán giả ngồi dưới phòng.

„Vẫn ngồi, vẫn ngồi đây“, những giọng tênô và giọng trầm từ dưới phòng đáp lại lời anh ta.

„Hừm...„ nghệ sĩ trầm ngâm nói, “mà tôi không hiểu làm sao các anh không chán nhỉ? Tất cả đều là người, bây giờ người ta đi lại ngoài phố, thưởng thức nắng ấm mùa xuân, còn các anh cứ lăn lóc ở đây trong gian phòng nóng nực? Chẳng lẽ chương trình biểu diễn lại thú vị đến thế ư? Nhưng thực ra, mỗi người một ý thích“, nghệ sĩ kết thúc, một cách triết lý.

Rồi anh ta thay đổi âm lượng giọng nói và ngữ điệu lanh lảnh tuyên bố một cách vui vẻ:

„Tiết mục tiếp theo trong chương trình của chúng ta: Nikanor Ivanovich Bosoi, chủ tịch Hội đồng nhà cửa và chủ nhiệm nhà ăn theo chế độ kiêng khem. Xin mời Nikanor Ivanovich!”

Ðáp lại lời nghệ sĩ là một tràng vỗ tay sôi nổi. Nikanor Ivanovich ngơ ngác trố mắt nhìn quanh, còn người nghệ sĩ giới thiệu chương trình, lấy tay che ánh sáng của dãy đèn trước sân khấu hắt lên, đưa mắt tìm Nikanor Ivanovich trong đám người ngồi trên sàn, dùng một ngón tay dịu dàng vẫy gọi ông ta lên sân khấu. Và Nikanor Ivanovich, không nhớ bằng cách nào, đã thấy mình ở trên sân khấu.

Từ phía dưới và phía trước mặt, những luồng ánh sáng màu chiếu thẳng vào mắt Nikanor Ivanovich, làm cho cả gian phòng với đám khán giả chìm vào bóng tối.

„Nikanor Ivanovich, xin anh làm gương cho chúng tôi“, nhà nghệ sĩ trẻ thân mật nói, “và nộp ngoại tệ!”

Tất cả lặng đi. Nikanor Ivanovich cố trấn tĩnh, cất tiếng:

„Tôi xin thề có Chúa, là...”

Nhưng ông ta chưa kịp nói hết câu thì cả gian phòng đã nổi lên những tiếng la ó phẫn nộ. Nikanor Ivanovich bối rối, đứng lặng.

„Trong chừng mực tôi hiểu được“, người điều khiển chương trình nói, “thì anh muốn thề rằng anh không có ngoại tệ phải không? „và anh ta nhìn Nikanor Ivanovich với vẻ thông cảm.

„Quả đúng thế, không có“, Nikanor Ivanovich đáp.

„Thế đấy“, nghệ sĩ nói tiếp, “xin anh bỏ quá cho sự thiếu tế nhị: nếu thế thì từ đâu ra bốn trăm đô la tìm thấy trong phòng vệ sinh của căn hộ mà những người chủ nhà duy nhất là anh và phu nhân?”

„Của phù thủy đấy mà“, một người nào đó ngồi trong gian phòng tối nói vọng lên với vẻ giễu cợt lộ rõ.

„Ðúng thế, của phù thủy đấy ạ“, Nikanor Ivanovich đáp, không hẳn hướng về nghệ sĩ, cũng không hẳn hướng về những người dưới phòng tối, và giải thích thêm: „Một con quỷ, cái tay phiên dịch mặc áo kẻ ô bỏ vào đấy.”

Gian phòng lại la ó phẫn nộ. Khi im ắng trở lại, nghệ sĩ điều khiển chương trình nói:

„Tôi lại phải nghe những câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine [1] như thế đấy! Bỏ vào nhà người khác bốn trăm đôla! Tất cả các anh ở đây đều là những người đầu cơ ngoại tệ. Tôi xin hỏi các anh với tư cách là các chuyên gia: việc đó là có thể có được không?”

„Chúng tôi không đầu cơ ngoại tệ“, trong nhà hát vang lên đây đó một vài giọng nói phật lòng, “nhưng điều đó là không thể có được.”

„Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này“, nghệ sĩ quả quyết nói, “và tôi xin hỏi: người ta có thể bỏ vào nhà người khác cái gì?”

„Con hoang!„ một người nào đó ở dưới phòng hét lên.

„Tuyệt đối đúng“, người điều khiển chương trình khẳng định, “một đứa con hoang, một bức thư nặc danh, truyền đơn, tạc đạn, và còn vô khối thứ khác, nhưng sẽ không có ai đem bốn trăm đôla đi bỏ vào nhà người khác hết, bởi vì trong tự nhiên không hề tồn tại một kẻ ngu ngốc như vậy.„ Rồi quay về phía Nikanor Ivanovich, nhà nghệ sĩ nói thêm vẻ trách móc, buồn rầu: „Anh làm tôi thất vọng đấy, Nikanor Ivanovich ạ! Thế mà tôi đã trông chờ ở anh. Vậy là tiết mục của chúng ta không thành!”

Trong phòng vang lên những tiếng huýt gió nhằm vào Nikanor Ivanovich.

„Hắn ta đầu cơ ngoại tệ!„ nhiều người gào lên. „Vì những kẻ như hắn mà chúng ta phải chịu oan đây.”

„Ðừng chửi anh ta nữa“, người điều khiển chương trình nhẹ nhàng nói, “anh ta sẽ hối hận.” Quay về phía Nikanor Ivanovich cặp mắt xanh biếc đầy nước mắt, anh ta tiếp: „Thôi nào, Nikanor Ivanovich, anh về chỗ đi!”

Sau đó, nhà nghệ sĩ rung chuông và tuyên bố lớn rằng:

„Nghỉ giải lao, lũ mạt kiếp ạ!”

Ngơ ngác, sững sờ, bất ngờ trở thành người tham gia trong một chương trình biểu diễn nào đó, Nikanor Ivanovich lại quay về chỗ cũ của mình trên sàn nhà. Ðến đây ông ta mơ thấy gian phòng như chìm lấp trong một bóng tối dầy đặc và trên các bức tường nhảy nhót hiện ra những hàng chữ đỏ rực: “Hãy nộp hết ngoại tệ!” Rồi tấm màn lại được kéo mở ra, và người điều khiển chương trình tuyên bố:

„Xin mời Sergei Gherardovich Duntril lên sân khấu.”

Duntril là một người đàn ông chừng năm chục tuổi, dáng điệu phong nhã, nhưng phờ phạc.

„Anh Sergei Gherardovich“, người giới thiệu chương trình nói với ông ta, “đã hơn tháng rưỡi nay anh ngồi ở đây, cứ khăng khăng không chịu nộp số ngoại tệ anh còn giữ lại. Trong lúc đất nước đang cần ngoại tệ, còn anh thì chẳng có thể làm gì được với nó cả, mà anh vẫn cứ ngang bướng. Anh là một con người trí thức, anh hiểu rất rõ điều đó, thế nhưng anh vẫn không muốn đáp ứng những đòi hỏi của tôi.”

„Thật tiếc là tôi không thể làm gì được, vì tôi không còn ngoại tệ nữa“, Duntril thản nhiên đáp.

„Thế kim cương cũng không còn nữa à?„ nghệ sĩ hỏi.

„Kim cương cũng không.”

Nghệ sĩ nghiêng đầu ra dáng suy nghĩ, rồi vỗ mạnh hai tay vào nhau. Từ sau sân khấu bước ra một người đàn bà ăn vận theo thời trang, nghĩa là mặc áo măng tô không cổ và đội chiếc mũ bé tí tẹo. Người đàn bà có vẻ lo lắng, còn Duntril nhìn bà ta, nét mặt vẫn không thay đổi.

„Bà đây là ai?„ người điều khiển chương trình hỏi Duntril.

„Ðây là vợ tôi“, Duntril đàng hoàng đáp và nhìn chiếc cổ dài ngoẵng của người đàn bà với vẻ ít nhiều khó chịu.

„Chúng tôi phiền chị“, người điều khiển chương trình nói với bà ta, một việc như sau. Chúng tôi muốn hỏi chị: chồng chị có còn giữ ngoại tệ không?”

„Anh ấy lần đó đã nộp hết rồi“, bà vợ Duntril bối rối đáp.

„Vậy là“, nghệ sĩ nói, “thôi được, nếu như thế thì ta cứ cho là như thế đi. Nếu như đã nộp hết, thì chúng ta phải ngay lập tức chia tay với Sergei Gherardovich thôi, biết làm sao được! Nếu anh muốn, Sergei Gherardovich ạ, anh có thể rời nhà hát“, và nghệ sĩ làm một cử chỉ rất trang trọng.

Duntril bình tĩnh và đàng hoàng quay lưng, bước về phía hậu trường.

„Xin nán thêm một phút nữa!„ người giới thiệu chương trình chợt dừng ông ta lại. „Xin phép trước lúc chia tay được trình diễn hầu anh một tiết mục nhỏ nữa trong chương trình của chúng tôi“, và anh ta lại vỗ mạnh hai tay vào nhau.

Tấm màn hậu màu đen ở phía sau chạy tách ra hai bên, và một người đàn bà trẻ xinh đẹp bận trang phục vũ hội bước ra sân khấu, tay bưng chiếc khay nhỏ bằng vàng mạ đựng một gói giấy dầy thắt dải nơ hoa và một chuỗi kim cương phát ra những tia lửa đỏ, xanh, vàng óng ánh.

Duntril lùi lại một bước, mặt ông ta như phủ lớp sơn xanh nhợt. Cả phòng im lặng như tờ.

„Mười tám ngàn đô la và chuỗi kim cương bốn mươi ngàn rúp vàng“, nghệ sĩ cao giọng tuyên bố, „Sergei Gherardovich cất giữ ở thành phố Kharkov tại ngôi nhà của cô nhân tình Ida Gherkulanovna Vors, người mà chúng ta đang được may mắn trông thấy trước mặt mình và đã làm ơn giúp đỡ chúng tôi trong việc phát hiện ra cái kho báu quý vô giá nhưng lại là vô dụng trong tay tư nhân này. Chị Ida Gherkulanovna, rất cám ơn chị.“

Người đẹp mỉm cười để lộ hàm răng trắng bóng, và cặp lông mi dài của chị ta run run.

„Còn dưới cái vỏ bọc đầy cao đạo của anh“, nghệ sĩ hướng sang Duntril, „lại ẩn kín một con nhện tham lam, một kẻ dối trá và lừa lọc ăn bám. Anh đã hành hạ tất cả mọi người suốt tháng rưỡi nay bằng sự bướng bỉnh của mình. Bây giờ thì anh về nhà đi, và cứ để cho cái địa ngục mà bà vợ của anh sẽ tạo ra trừng phạt anh.“

Duntril lảo đảo như sắp ngã, nhưng những cánh tay trắc ẩn của ai đó đã đỡ lấy ông ta. Rồi tấm màn buông xuống, che khuất tất cả trên sân khấu.

Những tràng vỗ tay điên cuồng rung chuyển gian phòng đến mức Nikanor Ivanovich có cảm tưởng như những ngọn lửa trong các chùm đèn treo trên trần cũng nhảy nhót theo. Và khi tấm màn đen ở trước sân khấu được nâng lên cao, trên sân khấu không còn ai ngoài nhà nghệ sĩ đứng một mình đơn độc. Anh ta cắt ngang đợt sóng vỗ tay mới, cúi người chào và nói:

„Qua vai của gã Duntril vừa rồi chúng ta đã thấy trong chương trình của chúng ta một con lừa điển hình. Bởi vì hôm qua tôi đã có dịp nói với các anh rằng cất giấu ngoại tệ là một việc làm vô nghĩa. Tôi cam đoan với các anh rằng không một ai có thể sử dụng được nó trong bất kỳ trường hợp nào. Cứ lấy tay Duntril này làm thí dụ. Anh ta có lương cao, sống không thiếu thứ gì. Anh ta có căn hộ tuyệt vời, một vợ và một nhân tình xinh đẹp. Nhưng không, thay vào chỗ nộp hết ngoại tệ và đá quý để sống thanh thản và yên lành, không phải lo điều gì khó chịu, thì cái tay ngu ngốc tham lam này lại muốn để cho bị vạch mặt ra trước tất cả mọi người, thêm vào đó hứng chịu một vụ bê bối gia đình khủng khiếp. Vậy là, ai sẽ nộp nữa? Có ai tình nguyện không? Nếu thế thì tiết mục tiếp theo của chương trình chúng ta - nghệ sĩ Kurolesov Sava Potapovich, một diễn viên kịch tài năng nổi tiếng, được chúng tôi mời đến đây trình diễn một số trích đoạn trong vở diễn “Hiệp sĩ keo kiệt” của nhà thơ Puskin.”

Kurolesov xuất hiện ngay trên sâu khấu. Ðó là một người đàn ông cao to, đẫy đà, râu cạo nhẵn, mặc áo đuôi tôm, thắt cà vạt.

Không một lời mào đầu, anh ta lấy ngay vẻ mặt ảm đạm, nhíu hai hàng lông mày và nói bằng một giọng không phải của mình, mắt liếc nhìn quả chuông vàng:

„Như một tay ăn chơi trẻ tuổi hẹn hò với một nàng mất nết hư thân... [2]

Và Kurolesov bắt đầu kể về mình nhiều chuyện xấu xa. Nikanor Ivanovich nghe Kurolesov thú nhận rằng có một người đàn bà góa bất hạnh nào đó quỳ gối than khóc dưới mưa trước mặt anh ta, nhưng chị ta không thể làm rung động được trái tim chai lì của nhà nghệ sĩ. Cho đến trước giấc mơ này, Nikanor Ivanovich hoàn toàn không biết một tác phẩm nào của nhà thơ Puskin, nhưng lại biết bản thân nhà thơ rất rõ và ngày nào cũng mấy lần nhắc đi nhắc lại những câu đại loại như: “Thế tiền nhà, Puskin sẽ trả cho à?” hay “Ðèn ở ngoài cầu thang, Puskin đã lắp vào cho đấy chắc?”, “Hay là Puskin sẽ mua dầu cho anh?”

Còn bây giờ, khi đã làm quen với một trong những tác phẩm của Puskin, Nikanor Ivanovich chợt cảm thấy buồn, hình dung ra trong đầu mình người đàn bà góa với những đứa con côi cút quỳ gối dưới trời mưa, và bất giác ông ta nghĩ thầm: “Mà cái tay Kurolesov này cũng quá tệ thật”.

Còn người diễn viên kịch, mỗi lúc một thêm cao giọng, tiếp tục ăn năn, và cuối cùng làm cho Nikanor Ivanovich rối trí thật sự vì anh ta bỗng nhiên bắt đầu trò chuyện với một người nào đó không có mặt trên sân khấu và lại tự trả lời mình thay cho cái người vắng mặt nọ, thêm vào đó còn tự gọi mình khi thì “đức ông”, khi thì “quý ngài”, khi thì “bố”, khi thì “con”, khi gọi “ông”, khi gọi “mày”.

Nikanor Ivanovich chỉ hiểu mỗi một điều, là nhà nghệ sĩ đã chết một cái chết bất đắc kỳ tử, sau khi hét lên: “Chìa khóa, chìa khóa của ta đâu!” - và ngã gục xuống sàn, vừa thở hổn hển vừa thận trọng cởi cà vạt ra.

Chết xong, Kurolesov đứng dậy, phủi bụi trên bộ quần áo đuôi tôm, mỉm một nụ cười giả tạo, cúi chào khán giả rồi rời sân khấu trong tiếng vỗ tay lẻ tẻ. Còn người điều khiển chương trình bước ra nói những lời như sau:

„Chúng ta vừa được nghe kịch “Hiệp sĩ keo kiệt” qua diễn xuất tuyệt vời của Sava Potapovich. Tay hiệp sĩ này hy vọng là những nàng tiên tinh nhanh sẽ chạy đổ xô đến với hắn ta và sẽ còn xảy ra nhiều điều khoái lạc khác tương tự. Nhưng, các anh thấy đấy, không hề xảy ra một cái gì như vậy cả, không có một nàng tiên nào đến với hắn, các nữ thần không ngó ngàng gì đến hắn, và hắn không xây được bất kỳ cung điện, lâu đài nào, mà ngược lại, đời hắn kết thúc rất hèn mạt, chết vì bị vỡ tim trên chiếc hòm đựng ngoại tệ và đá quý của mình. Tôi báo trước, với các anh rồi cũng sẽ xảy ra một cái gì đó tương tự, nếu như không tồi hơn, một khi các anh không chịu nộp hết ngoại tệ!”

Không biết do thi ca của Puskin hay những câu văn xuôi của người điều khiển chương trình đã gây một ấn tượng mạnh, chỉ biết rằng từ dưới phòng xem bất ngờ vang lên một giọng nói rụt rè:

„Tôi xin nộp ngoại tệ.”

„Xin mời lên sâu khấu!„ người điều khiển chương trình nhìn xuống phòng xem, nhã nhặn cất tiếng mời.

Và trên sân khấu xuất hiện một gã đàn ông tóc bạch kim, vóc người thấp bé, xét qua bộ mặt có thể đoán là đã gần ba tuần nay chưa cạo râu.

„Xin lỗi, họ tên của anh là gì ạ?„ người điều khiển chương trình hỏi.

„Kanavkin Nikolai“, gã đàn ông ngượng nghịu đáp.

„Ồ rất hân hạnh, thưa công dân Kanavkin! Vậy là?...”

„Tôi xin nộp“, Kanavkin nói khẽ.

„Bao nhiêu?

„Một nghìn đô la và hai mươi đồng mười rúp vàng.”

„Tốt lắm! Ðó là tất cả số anh có?”

Người điều khiển chương trình nhìn thẳng vào mắt Kanavkin, và Nikanor Ivanovich có cảm tưởng như đôi mắt của anh ta phát ra những tia sáng như những tia rơnghen cắm xuyên qua người Kanavkin.

Trong phòng mọi người như ngừng thở.

„Tôi tin!„ cuối cùng nhà nghệ sĩ tắt ánh mắt của mình và kêu lên: „tôi tin! Ðôi mắt này không nói dối. Ðã bao lần tôi nói với các anh rằng, cái sai lầm chính của các anh là ở chỗ các anh không đánh giá đúng ý nghĩa của cặp mắt con người. Các anh nên hiểu rằng cái lưỡi có thể giấu giếm sự thật, còn cặp mắt thì không bao giờ! Người ta hỏi anh một câu bất ngờ nào đó, anh thậm chí không giật mình, trong một giây anh tự chủ được và biết rằng cần phải nói gì để che giấu sự thật; và anh nói một cách khá thuyết phục, không một thớ gân nào trên mặt anh thay đổi, nhưng than ôi, cái sự thật đã bị câu hỏi kia đánh động từ đáy sâu tâm hồn của anh trong một thoáng nổi lên lộ ra trong đôi mắt anh, và thế là hết! Người ta sẽ nhận thấy nó, cái sự thật ấy và anh lộ tẩy!”

Sau khi nói một cách sôi nổi bài diễn giảng hùng hồn đó, nhà nghệ sĩ dịu dàng hỏi Kanavkin:

„Anh giấu ở đâu?”

„Ở chỗ bà cô của tôi trên phố Pretristenka...”

„A! Ðó là... hượm đã... đó là bà Klavdia Ilinichna Porokhovnicova phải không?”

„Vâng!”

„Ô, đúng, đúng, đúng, đúng! Có phải là ngôi biệt thự nhỏ? Ðối diện còn một khu vườn nhỏ phải không? Ồ, tôi biết, tôi biết! Thế anh nhét vào đâu ở đấy?”

„Dưới hầm, trong hộp bíchcốt “Einem”...

Nhà nghệ sĩ vung hai tay kinh ngạc.

„Các anh đã thấy chưa?„ anh ta đau khổ thốt lên. „Ở đó thì chúng bị ẩm, mục nát mất! Chẳng lẽ lại giao ngoại tệ cho những người như vậy được sao? Hả? Thật đúng là trẻ con.”

Bản thân Kanavkin cũng hiểu là mình đã làm điều dại dột và đáng phải chịu phạt. Ông ta ủ rũ cúi thấp mái đầu bù xù của mình xuống.

„Tiền bạc phải được bảo quản ở ngân hàng nhà nước“, nhà nghệ sĩ tiếp tục nói, “ở trong các gian phòng khô ráo đặc biệt và được bảo vệ cẩn mật, chứ không thể để dưới hầm nhà bà cô được, nơi chúng có thể bị, nói thí dụ, lũ chuột gặm hỏng! Ðúng là xấu hổ quá, anh Kanavkin! Mà anh là người lớn đấy!”

Kanavkin không biết trốn mặt đi đâu, mấy ngón tay dứt dứt vạt áo vét của mình.

„Thôi được“, nhà nghệ sĩ dịu giọng xuống, “ai nhắc lại lỗi lầm cũ... - và anh ta bỗng bất ngờ hỏi thêm: „Mà nhân thể, để khỏi phí công mở máy... bà cô của anh cũng có chứ? Hả?”

Kanavkin hoàn toàn không chờ đợi sự việc lại xoay chuyển như vậy, giật mình. Cả nhà hát lại im lặng.

„Ê, Kanavkin“, người điều khiển chương trình nói vừa dịu dàng, vừa trách móc, “thế mà tôi còn đi khen anh ta! Hóa ra anh ta lại còn định giấu giếm nữa! Vô ích, Kanavkin ạ! Tôi vừa nói xong về đôi mắt đấy thôi. Mà rõ ràng là bà cô của anh có... Nào, sao anh cứ hành hạ chúng tôi vô ích thế?”

„Có!„ Kanavkin hét lên vẻ hùng hổ.

„Tốt lắm!„ người điều khiển chương trình kêu lên.

„Tốt lắm! Cả phòng gào lên dữ dội.”

Khi trong phòng đã dịu đi, người điều khiển chương trình chúc mừng Kanavkin, bắt tay ông ta, đề nghị cho xe chở về nhà trong thành phố, ra lệnh cho một người nào đó ở phía sau hậu trường đến đón bà cô cũng trên chiếc xe đó và mời bà ta tới tham gia chương trình ở nhà hát nữ.

„À, tôi còn muốn hỏi, bà cô có nói là bà ta giấu tiền của mình ở đâu không?„ người điều khiển chương trình hỏi và lịch sự đưa mời Kanavkin điếu thuốc và que diêm đã bật sẵn. Ông ta vừa châm lửa vừa nhăn mặt cười khẩy vẻ buồn bã.

„Tôi tin, tôi tin“, nghệ sĩ thở dài, đáp, “cái mụ già keo bẩn này không bao giờ hé điều đó ra cả với quỷ sứ chứ đừng nói gì cháu họ. Nhưng thôi được, chúng ta sẽ thử khơi dậy trong lòng bà ta những tình cảm của con người. Cũng có thể chưa phải tất cả các sợi dây đàn đều đã mục nát hết trong cái tâm hồn đầu cơ buôn lậu này. Kanavkin, chúc anh vạn sự tốt lành!”

Anh chàng Kanavkin đi khỏi. Nhà nghệ sĩ lại hỏi còn có ai tự nguyện nộp ngoại tệ nữa không, nhưng đáp lại chỉ nhận được sự im lặng của gian phòng.

„Hừ, quả là những kẻ kỳ quặc“, nghệ sĩ nhún vai nói, và tấm màn hạ xuống che khuất anh ta.

Những ngọn đèn phụt tắt, bóng tối bao phủ gian phòng một lúc, và nghe vẳng lại từ xa một giọng têno giận dữ:

“Ở nơi đó có những núi vàng, và tất cả chúng thuộc về ta!”

Rồi từ đâu đó hai lần nghe vẳng lại tiếng vỗ tay.

„Ở nhà hát nữ có một chị chàng nào đó đang nộp“, người đàn ông rậm râu tóc hung ngồi bên cạnh Nikanor Ivanovich bất ngờ thốt lên rồi thở dài, nói tiếp: „Ôi, giá như tôi không mắc những con ngỗng! Số là, anh bạn ạ, tôi có những con ngỗng chọi ở Lianodovo. Tôi sợ không có tôi chúng chết mất. Giống chim này ngờ nghệch lắm, cần phải có người chăm sóc... Ôi, giá như không vướng những con ngỗng này! Puskin thì chẳng làm tôi ngạc nhiên được đâu“, và ông ta lại thở dài.

Vừa lúc đó gian phòng lại được chiếu sáng rực rỡ, Nikanor Ivanovich lại mơ thấy từ tất cả các cửa chạy vào là những người đầu bếp tay cầm muỗng lớn, đầu đội mũ vải trắng. Họ mang vào phòng một thùng súp và một khay bánh mì đen cắt thành lát. Người xem sôi nổi hẳn lên. Những người đầu bếp vui vẻ đi lại giữa đám người mê nhà hát, múc súp vào những chiếc bát lớn và phân phát bánh mì.

„Ăn đi, các bạn“, những người đầu bếp hò hét, “và nộp hết ngoại tệ đi! Các anh ngồi phí công ở đây làm gì? Báu gì húp cái của nợ này, về nhà mà ăn uống cho đàng hoàng có phải tốt hơn không?”

„Mà bố già này ngồi ở đây làm gì?„ một người đầu bếp to béo với chiếc cổ đỏ lựng hỏi và chìa cho Nikanor Ivanovich bát nước lỏng, trong đó trôi nổi cô đơn một mẩu lá cải bắp.

„Không có! Không có! Tôi không có!„ Nikanor Ivanovich hét lên bằng một giọng khiếp đảm, “anh hiểu không, không có!”

„Không có?„ người đầu bếp gầm lên bằng giọng trầm dữ dội. „Không có?„ ông ta hỏi bằng giọng phụ nữ dịu dàng. „Không có, không có.„ Ông ta lẩm bẩm vỗ về và biến thành bà y sĩ Praskovia Phedorovna.

Bà nhẹ nhàng lay vai Nikanor Ivanovich đang rên rỉ trong giấc mơ. Và lúc đó tất cả những người đầu bếp cùng nhà hát với tấm màn đen tan biến.

Qua những giọt nước mắt, Nikanor Ivanovich nhìn thấy căn phòng của mình ở nhà thương và hai người mặc áo choàng trắng, nhưng họ không phải là những đầu bếp suồng sã cứ xoắn xuýt lấy người khác với những lời khuyên bảo của mình, mà là viên bác sĩ và bà y sĩ Praskovia Phedorovna tay cầm không phải chiếc bát đựng thức ăn mà là chiếc đĩa nhỏ phủ tấm gạc trắng với bộ đồ tiêm nằm trên.

„Nhưng mà tại sao lại thế“, Nikanor Ivanovich cay đắng nói trong khi viên bác sĩ tiêm cho ông ta, “tôi không có, không có nữa! Cứ để Puskin nộp ngoại tệ cho họ! Tôi không có!”

„Không có, không có“, bà Praskovia Phedorovna nhân từ âu yếm vỗ về, “không có thì thôi chứ có làm sao.”

Tiêm xong, Nikanor Ivanovich cảm thấy nhẹ nhõm, và ông ta thiếp đi không còn gặp chiêm bao mộng mị gì nữa.

Nhưng nhờ những tiếng thét của ông ta mà nỗi lo lắng đã được truyền sang phòng 120, nơi người bệnh tỉnh dậy đi sục tìm chiếc đầu của mình, và sang phòng 118, nơi chàng Nghệ Nhân vô danh chợt cảm thấy lòng xao xuyến bất yên, hai tay vặn vào nhau trong cơn buồn bã nhìn lên mặt trăng và nhớ lại cái đêm mùa thu cay đắng, đêm cuối cùng của cuộc đời mình, nhớ lại dải sáng dài dưới khe cửa trong căn hộ ở tầng hầm và mái tóc sổ tung bay.

Từ phòng 118, nỗi lo lắng theo ban công bay sang với Ivan Bezdomnưi, làm anh tỉnh dậy và òa lên khóc.

Nhưng bác sĩ đã nhanh chóng trấn an tất cả những người đau buồn, lo lắng, và họ lại chìm sâu vào quên lãng. Người thiếp đi sau cùng là Ivan, khi trên sông bình minh đã bắt đầu ửng đỏ. Sau khi thuốc ngấm khắp cơ thể Ivan, sự bình tâm đã đến với anh, như ngọn sóng dâng lên bao phủ. Thân thể anh trở nên nhẹ bỗng, và đầu óc anh được một ngọn gió ấm mơ màng thổi vào. Anh thiếp đi, và cái cuối cùng anh nghe thấy trước lúc chìm vào giấc ngủ, là tiếng líu lo chào đón bình minh của đàn chim ở bên cánh rừng. Nhưng một chốc sau chúng cũng dần im tiếng, và anh mơ thấy mặt trời đã bắt đầu hạ thấp xuống trên ngọn Núi Trọc, và ngọn đồi này đã bị vây bọc bởi hai lớp quân lính.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]La Fontaine (1621-1695): nhà văn viết truyện ngụ ngôn Pháp.
[2]Lời trong vở nhạc kịch Con đầm pích của Traikovski, soạn theo tác phẩm cùng tên của A. Puskin.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài