talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Chương 30:
Ðã đến lúc! Ðã đến lúc!



«Anh biết không, - Margarita nói, - đêm qua đúng vào lúc anh ngủ thiếp đi, em đọc đến đoạn nói về bóng tối từ Ðịa Trung Hải kéo đến... và về những pho tượng thần, ôi, những pho tượng thần bằng vàng. Không hiểu sao chúng luôn luôn không để cho em yên. Em nghĩ có lẽ bây giờ trời cũng sắp có cơn mưa. Anh có cảm thấy trời đang mát dần không?»
Câu chuyện này giữa hai người diễn ra khi mặt trời sắp lặn, đúng vào lúc Levi Matvei đến gặp Voland ở trên sân thượng. Cánh cửa sổ của tầng nhà hầm để mở, và nếu như có ai ghé nhìn vào đó, chắc phải ngạc nhiên trước những người nói chuyện trông thật lạ lùng. Trên tấm thân trần của Margarita chỉ khoác hờ một chiếc áo choàng đen, còn Nghệ Nhân vẫn mặc bộ đồ bệnh viện của mình. Sở dĩ như vậy là do Margarita tuyệt đối không có gì để mặc, tất cả đồ đạc của nàng đều để cả ở nhà mình, và dù cho ngôi biệt thự đó ở rất gần nàng, vẫn không thể nào bàn đến chuyện đi đến đó để lấy đồ đạc. Còn đối với Nghệ Nhân, tất cả áo quần của anh vẫn nằm nguyên trong tủ, dường như anh chưa hề đi đâu cả, nhưng chẳng qua là anh không muốn mặc vào mà vẫn tiếp tục nói với Margarita cái ý nghĩ rằng ngay bây giờ sẽ bắt đầu một điều hoàn toàn nhảm nhí. Tuy nhiên, anh đã cạo râu lần đầu tiên kể từ cái đêm mùa thu nọ (ở trong bệnh viện, người ta dùng tông đơ để cắt râu cho anh).

Căn phòng cũng có một vẻ rất lạ lùng, và thật khó có thể hiểu được một cái gì đó trong sự hỗn loạn nơi đây. Những tập bản thảo nằm trên thảm, bản thảo nằm cả trên đi văng. Một cuốn sách nào đó nằm cuộn tròn trên ghế bành. Còn bữa trưa được bày sẵn trên mặt bàn tròn, giữa các món ăn là mấy chai rượu. Những đồ ăn thức uống này từ đâu ra, cả Margarita lẫn Nghệ Nhân đều không biết. Khi tỉnh dậy, họ đã thấy tất cả những thứ đó trên bàn.

Sau một giấc ngủ dài cho đến tận chiều ngày thứ bảy, cả Nghệ Nhân lẫn người tình của mình đều cảm thấy đã hoàn toàn lại sức, chỉ có một điều nhắc họ nhớ lại những chuyện xảy ra ngày hôm trước: ở cả hai người, thái dương bên trái còn ít nhiều nhức âm ỉ. Về mặt tâm lý, ở cả hai người đều có những thay đổi rất lớn, điều mà bất kỳ người nào cũng dễ dàng khẳng định nếu như có thể nghe trộm được câu chuyện diễn ra trong căn hộ, dưới tầng hầm.

Nhưng tuyệt nhiên không có ai để mà nghe trộm cả. Cái mảng sân này có một điểm hay là luôn luôn vắng vẻ. Những cây liễu trắng và lipa trở nên xanh tươi thêm phía ngoài cửa sổ càng tỏa mùi hương đậm nồng hơn, và ngọn gió nhẹ mới nổi lên mang nó lọt vào tầng nhà hầm.

«Hừ, quỷ quái thật! - Nghệ Nhân bỗng bất ngờ thốt lên. - Không thể nào tưởng tượng nổi, - anh dập tắt điếu thuốc trong chiếc gạt tàn và đưa hai tay lên ôm đầu, - không, em hãy nói xem, em là người thông minh và không bị điên. Em có tin chắc là hôm qua chúng ta đã ở chỗ chúa quỷ Satan không?»

«Hoàn toàn tin chắc», - Margarita đáp.

«Tất nhiên, tất nhiên, - Nghệ Nhân mỉa mai nói. - Bây giờ thì rõ ràng là có hai người điên chứ không phải một. Cả vợ lẫn chồng. - Anh giơ hai tay lên trời, hét to: - Không, điều đó có ma quỷ mới biết là cái gì! Ma quỷ, ma quỷ, ma quỷ!»

Thay lời đáp, Margarita buông người xuống đi văng, phá lên cười khanh khách, hai chân trần vung vẩy, rồi nàng hét:

«Ôi, em không thể! Ôi, em không thể! Anh thử tự ngắm xem mình giống ai?»

Cười chán, trong khi Nghệ Nhân ngượng nghịu kéo lại chiếc quần lót bệnh viện của mình,
Margarita trở nên nghiêm trang.

«Vừa rồi, anh vô tình đã nói đúng một sự thật, - nàng cất tiếng, - chỉ có quỷ mới biết đấy là cái gì, và anh hãy tin em, là quỷ sẽ thu xếp tất cả! - Cặp mắt nàng bỗng cháy rực lên, nàng đứng bật dậy, nhảy tròn tại chỗ và hét: - Em rất mừng, em rất mừng, em rất mừng là đã thông đồng với quỷ! Ô, ma quỷ, ô, quỷ sứ! Anh yêu của em, anh sẽ phải sống với phù thuỷ.» - Nói xong, nàng chạy đến bên Nghệ Nhân, vòng tay ôm lấy cổ anh và bắt đầu hôn lên môi, lên mũi, lên má anh. Một cơn bão lốc của mái tóc đen không chải xoáy cuộn trên người Nghệ Nhân, đôi má và trán anh cháy bỏng lên dưới những chiếc hôn nồng.

«Còn em quả là trở nên giống phù thủy.»

«Em không phủ nhận, - Margarita đáp, - em là phù thủy và em rất hài lòng với điều đó.»

«Thôi được, - Nghệ Nhân nói, - phù thủy thì phù thủy. Rất tốt đẹp và rất tuyệt trần! Như vậy nghĩa là người ta đã bắt cóc anh ra khỏi nhà thương! Cũng rất tốt đẹp! Ðã trả anh về đây, ta cứ cho là cả điều đó nữa... Thậm chí còn cho rằng người ta sẽ không đi lùng chúng ta, nhưng vì tất cả những gì thiêng liêng, em hãy nói cho anh biết: chúng ta sẽ sống như thế nào và sống bằng gì đây? Nói điều này là anh lo cho em, em hãy tin anh.»

Ðúng lúc ấy, phía ngoài cửa sổ hiện ra đôi giày mũi tù và phần dưới của chiếc quần kẻ sọc. Rồi chiếc quần dài đó gấp khúc lại ở chỗ đầu gối, một chiếc mông nặng trịch của ai đó che khuất ánh sáng ban ngày.

«Aloyzi có nhà không?» - một giọng nói ở đâu đó phía trên chiếc quần dài cất lên ngoài cửa sổ.

«Ðấy, đã bắt đầu rồi!» - Nghệ Nhân nói.

«Aloyzi à? - Margarita bước đến bên cửa sổ hỏi. - Aloyzi bị bắt hôm qua rồi. Mà ai hỏi đấy? Họ tên của anh là gì?»

Ngay tức khắc, chiếc mông và đôi đầu gối vụt biến mất. Nghe có tiếng cổng vườn đóng sập, rồi sau đó tất cả trở lại bình thường. Margarita buông người xuống đi văng và lăn ra cười đến chảy cả nước mắt. Nhưng khi đã thôi cười, nét mặt nàng bỗng thay đổi hẳn, nàng cất tiếng nói rất nghiêm trang, vừa nói vừa bò xuống khỏi đi văng, bò đến bên chân Nghệ Nhân, nhìn vào mắt anh, hai tay vuốt ve tóc anh.

«Anh đã phải chịu bao nhiêu, bao nhiêu là đau khổ, anh tội nghiệp của em! Về điều đó, chỉ có một mình em biết được. Xem kìa, trên đầu anh, tóc đã có những sợi bạc, và một nếp nhăn vĩnh viễn nơi khóe môi anh. Anh duy nhất của em, anh thân yêu của em, anh đừng nghĩ ngợi về điều gì hết. Anh đã phải suy nghĩ nhiều rồi, còn bây giờ em sẽ nghĩ thay anh! Và em bảo đảm với anh, em đoán chắc với anh, là tất cả sẽ tốt đẹp, huy hoàng.»

«Anh không sợ một cái gì hết, Margo ạ, - Nghệ Nhân bất ngờ đáp và ngẩng mái đầu lên; Margarita chợt thấy anh lại như trước kia, khi anh viết về điều anh chưa bao giờ trông thấy, nhưng có lẽ là anh biết rõ. - Anh không sợ, vì anh đã trải qua tất cả. Người ta đã dọa anh quá nhiều và sẽ không có gì còn làm anh sợ nữa. Nhưng anh thương em, Margo ạ, đấy mới là điều căn bản, chính vì thế mà anh mới nhắc đi nhắc lại một điều. Em phá hỏng cuộc đời mình với một người bệnh tật, nghèo khổ để làm gì? Em hãy tỉnh lại đi! Em hãy quay lại nhà mình! Anh thương em, nên anh mới nói với em như vậy.»

«Ôi, anh, anh, - Margarita lắc mái đầu rối, thì thầm. - Ôi, anh là người bất hạnh thiếu lòng tin. Vì anh, em đã phải suốt đêm qua khỏa thân run rẩy, em đã đánh mất bản tính của mình và thay bằng một bản tính mới, đã mấy tháng nay em ngồi trong phòng con tối tăm và chỉ nghĩ về một điều - về cơn giông trên thành Iersalaim, em đã khóc hết cả nước mắt, còn bây giờ, khi hạnh phúc đã đến thì anh lại đuổi em đi! Thôi được, em sẽ đi, em sẽ đi, nhưng anh hãy biết rằng, anh là một con người tàn nhẫn! Họ đã làm cho tâm hồn anh trở nên trống rỗng!»

Một sự dịu dàng cay đắng trào lên trong tim Nghệ Nhân, anh gục đầu vào mái tóc Margarita và khóc. Nàng cũng vừa khóc vừa thì thầm, những ngón tay của nàng run rẩy bên thái dương anh.

«Vâng, những sợi tóc bạc, những sợi tóc bạc... trước mắt em, đầu anh dần dần điểm tuyết, ôi mái đầu đã phải chịu nhiều đau khổ của em. Và xem kìa, đôi mắt của anh! Trong đó là cả một sa mạc... Còn đôi vai, đôi vai trĩu nặng... Người ta đã tàn hại anh, biến anh thành tàn tật», - những lời của Margarita trở nên rời rạc, người nàng run lên nghẹn ngào.

Ðến đây, Nghệ Nhân lau khô nước mắt, đỡ Margarita dậy, rồi tự mình cũng đứng lên và nói:
«Thôi đủ rồi! Em đã làm cho anh phải xấu hổ. Anh sẽ không bao giờ tỏ ra hèn nhát và sẽ không nói đến chuyện này nữa, em hãy bình tâm. Anh biết rằng cả hai chúng mình đều là nạn nhân của một căn bệnh tinh thần mà có thể là do anh truyền lây sang cho em... Thôi đành vậy, chúng ta sẽ cùng nhau chịu đựng nó.»

Margarita kề sát cặp môi mình vào tai Nghệ Nhân và thì thầm:

«Em thề bằng cuộc đời của anh, em thề bằng người con trai của nhà chiêm tinh học mà anh đã đoán ra, là tất cả sẽ trở nên tốt đẹp.»

«Thôi được rồi, được rồi, - Nghệ Nhân cười đáp, rồi nói thêm: - Tất nhiên, một khi con người đã bị tước đoạt hết tất cả, như anh và em giờ đây, thì họ sẽ tìm sự giải cứu ở sức mạnh của thế giới bên kia! Thôi thì anh cũng đồng ý kiếm tìm ở đó.»

«Thế đấy, thế đấy, bây giờ anh lại như trước kia, anh lại cười. - Margarita nói. - Thôi, mặc kệ anh với những lời thông thái của anh. Thế giới bên kia với không thế giới bên kia - tất cả những cái đó thì có gì khác nhau? Em đói bụng lắm rồi.»

Và nàng kéo tay Nghệ Nhân đến bên bàn.

«Anh không dám tin chắc là những thức ăn này không độn thổ mất hay bay biến ra ngoài cửa sổ, - anh nói, trong lòng đã cảm thấy hoàn toàn thanh thản.»

«Không bay mất đâu!»

Vừa đúng lúc đó một giọng mũi vang lên ngoài cửa sổ:

“Chúc các người bình an!”

Nghệ Nhân rùng mình; còn Margarita, vốn đã quen với những chuyện dị thường, kêu lên:

“A, đây là Azazello! Ôi thật là tuyệt, thật là thú vị! - và nàng nói thầm với Nghệ Nhân: - Anh thấy chưa, họ không bỏ mặc chúng ta”, - rồi chạy bổ ra mở cửa.

“Ít ra em cũng khép áo lại”, - Nghệ Nhân hét với theo.

“Em nhổ toẹt vào điều đó”, - Margarita đáp lại từ ngoài hành lang.

Và đây, Azazello đã bước vào phòng, cúi mình chào Nghệ Nhân, con mắt sáng lóe lên nhìn anh, còn Margarita thì reo to:

“Ôi, tôi mừng lắm! Tôi chưa bao giờ mừng đến thế trong đời! Nhưng xin anh thứ lỗi là tôi khỏa thân, Azazello nhé!”

Azazello nói rằng nàng hãy bình tâm, cam đoan rằng anh ta đã trông thấy không chỉ phụ nữ khỏa thân, mà thậm chí còn trông thấy cả những người đàn bà bị lột hết da, rồi vui vẻ ngồi xuống cạnh bàn ăn sau khi đã cẩn thận đặt vào góc nhà cạnh lò sưởi một gói gì đó bọc vải gấm.

Margarita rót cô nhắc cho Azazello, anh ta sẵn lòng uống cạn. Nghệ Nhân, không rời mắt khỏi anh ta, chốc chốc lại kín đáo khẽ véo bàn tay trái của mình. Nhưng những cái véo đó không giúp được gì. Azazello vẫn không tan biến vào không khí, và thật ra mà nói điều này cũng chẳng cần thiết tí nào.

Không có gì đáng sợ trong cái con người tóc hung thấp lùn này, họa chăng là một con mắt bị vảy mại, nhưng điều đó vẫn thường gặp cả ở những kẻ không hề có một tí ma quái phép thuật nào; họa chăng là y phục có vẻ lạ lùng - không hẳn áo choàng thường, không hẳn áo thụng nhà tu, - nhưng nếu nghĩ cho cùng, thì đó cũng là chuyện thường gặp. Anh ta uống cô nhắc cũng khéo léo, hệt như tất cả những người lương thiện khác, từng ly đầy không cần thức nhắm. Chính những ly cô nhắc đó làm cho đầu Nghệ Nhân ù lên, và anh nghĩ:

“Không, Margarita nói đúng! Tất nhiên, người ngồi trước mặt ta là sứ giả của chúa quỷ. Bởi vì chính ta chưa lâu la gì, mới đêm hôm kia, đã chứng minh với Ivan rằng người mà anh ta gặp trong công viên Hồ Pat'riarsi chính là Satan, thế thì tại sao bây giờ ta lại sợ cái ý nghĩ đó và bắt đầu huyên thuyên về những nhà thôi miên và những ảo ảnh nào đó? Thôi miên với thôi miếc gì ở đây!”

Anh bắt đầu nhìn kỹ Azazello và thấy rằng trong mắt của anh ta có một cái gì đó không tự nhiên, một ý nghĩ nào đó mà anh ta chưa đến lúc nói ra. “Anh ta đến đây không chỉ để thăm, mà còn được giao một việc gì đó phải làm!”, - Nghệ Nhân nghĩ thầm.

Tài quan sát đã không đánh lừa anh.

Sau khi uống cạn ly cô nhắc thứ ba - rượu không gây một tác động nào đối với Azazello. - người đến thăm mới nói vào việc:

“Quỷ tha ma bắt tôi đi: tầng nhà hầm này cũng ấm cúng đấy chứ! Chỉ có điều, trong đầu tôi chợt nảy sinh ra một câu hỏi: các người sẽ làm cái gì ở trong căn hầm này?”

“Thì tôi cũng vừa nói như vậy mà”, - Nghệ Nhân cười đáp.

“Azazelio, sao anh lại làm tôi lo lắng thế? - Margarita hỏi. - Sẽ có một cách nào đấy!”

“Ðâu có, đâu có! - Azazello kêu lên. - Tôi đâu nghĩ đến chuyện làm chị lo lắng. Chính tôi cũng nói rằng sẽ có một cách nào đấy. Ấy, suýt nữa thì quên, messir gửi lời hỏi thăm anh chị, và dặn nói với anh chị rằng ngài muốn mời anh chị làm một cuộc du ngoạn nhỏ, tất nhiên là nếu như anh chị đồng ý. Vậy thì ý kiến của anh chị thế nào?”

Margarita khẽ đá vào chân Nghệ Nhân ở dưới bàn.

“Rất sẵn lòng.” - Nghệ Nhân đáp, vẫn không rời ánh mắt dò hỏi khỏi mặt Azazello, còn anh ta hỏi tiếp:

“Chúng tôi hy vọng rằng cả chị Margarita Nikolaevna cũng sẽ không từ chối chứ?”

“Tôi thì chắc là không từ chối rồi”, - Margarita nói, và chân nàng lại giẫm lên chân Nghệ Nhân.

“Thật là tuyệt vời! - Azazello reo lên. - Ðây chính là điều tôi thích! Một - hai và xong ngay! Chứ không như cái lần nọ ở vườn Aleksandrovski!”

“Ôi, đừng nhắc lại nữa, Azazello. Lần đó tôi hãy còn dại dột lắm. Mà thực ta cũng không thể chê trách tôi một cách quá nghiêm khắc được - bởi vì đâu phải ngày nào cũng có thể gặp được quỷ?”

“Còn phải nói, - Azazello đồng tình, - nếu như ngày nào cũng gặp thì thật quá thú vị!”

“Chính tôi cũng rất thích sự nhanh chóng, - Margarita sôi nổi nói, - sự nhanh chóng và trần trụi. Như phát súng maude - pằng! Ôi, anh ấy bắn mới cừ chứ, - Margarita quay sang phía Nghệ Nhân, thốt lên: - Con bảy pích giấu dưới gối, trúng bất cứ điểm nào...” - Margarita bắt đầu say khiến cho cặp mắt nàng sáng rực lên.

“Mà tôi lại quên, - Azazello vỗ bàn tay vào trán mình, kêu lên, - mệt đến mụ cả đầu mất rồi. Messir có gửi quà cho anh đấy, - câu này Azazello nói với Nghệ Nhân, - một chai rượu vang. Xin lưu ý rằng đây chính là rượu vang mà quan tổng trấn xứ Giudea đã từng uống. Nhãn hiệu “Phalerno” [1] .

Hoàn toàn dễ hiểu là một vật quý hiếm như vậy khiến cả Margarita lẫn Nghệ Nhân đều rất chú ý. Azazello rút từ trong bọc vải gấm đen ra một chiếc bình đã bị mốc meo hoàn toàn. Mọi người thay nhau ngửi, rồi rót rượu ra cốc, đưa lên mắt soi nhìn trước làn ánh sáng ban ngày đang tắt dần trước cơn giông ngoài cửa sổ; họ thấy rằng qua làn rượu tất cả như mang một màu máu người.

“Chúc sức khỏe ngài Voland!” - Margarita nâng cốc của mình lên, nói to.

Cả ba người nâng cốc lên môi và uống mỗi người một ngụm lớn. Ngay lập tức, ánh sáng trước cơn giông bắt đầu tắt lịm trong đôi mắt của Nghệ Nhân, hơi thở nghẹn tắc, và anh cảm thấy mình sắp chết. Anh còn thấy Margarita mặt tái nhợt, yếu ớt vươn tay về phía anh, gục đầu xuống bàn rồi ngã trượt xuống sàn nhà.

“Quân bỏ thuốc độc”, - Nghệ Nhân còn kịp hét lên. Anh định túm lấy con dao trên bàn để đâm vào người Azazello nhưng bàn tay anh bất lực tuột khỏi mặt bàn, tất cả mọi vật xung quanh Nghệ Nhân trong căn nhà hầm nhuốm sang màu đen, rồi sau đó biến mất hoàn toàn. Anh ngã ngửa ra, và trong khi ngã, thái dương va vào góc bàn làm rách một miếng da.

Khi những người bị đầu độc đã nằm im, Azazello bắt đầu hành động. Việc đầu tiên là anh ta nhảy vọt qua cửa sổ, chỉ một nháy mắt sau đã có mặt trong ngôi biệt thự nơi Margarita Nikolaevna sống trước đó. Là người luôn luôn chính xác và cẩn thận, Azazello muốn kiểm tra xem tất cả có được thực hiện đúng như cần thiết không. Và mọi việc đều tuyệt đối ổn thỏa. Azazello trông thấy một người đàn bà rầu rĩ đợi chồng về từ trong buồng ngủ của mình bước ra bỗng biến sắc mặt, hai tay đưa lên ôm lấy tim và hét lên tuyệt vọng:

“Natasa! Có ai đó... giúp tôi với!” - và chị ta ngã xuống trong phòng khách, chưa đi đến phòng làm việc của chồng.

“Tất cả đều ổn”, - Azazello nói. Một khoảnh khắc sau, anh ta đã ở bên cạnh cặp tình nhân bị sát hại. Margarita nằm úp mặt xuống tấm thảm trên sàn nhà. Bằng cánh tay rắn như thép, Azazello lật ngửa người nàng ra như lật một con búp bê, hướng mặt Margarita lại phía mình, và nhìn kỹ. Trước mắt anh ta, gương mặt của người đàn bà bị ngấm thuốc độc dần dần biến đổi. Thậm chí cả trong ánh hoàng hôn trước cơn giông cũng thấy rõ những đường nét dữ tợn, man dại và vẻ lé mắt tạm thời của phù thủy đã biến mất. Gương mặt nàng tươi sáng dần lên, và cuối cùng trở nên dịu dàng, khóe môi chuyển từ nét hung bạo sang vẻ thùy mị, đau khổ. Liền đó, Azazello mở hé cặp môi trắng bệch của Margarita và rót vào miệng nàng mấy giọt của chính thứ rượu mà anh ta vừa dùng để đầu độc hai người. Margarita hít vào một hơi, rồi bắt đầu tự mình ngồi dậy không cần Azazello giúp đỡ và hỏi một cách yếu ớt:

“Sao lại thế? Azazello, sao lại thế? Anh đã làm gì với tôi thế này?”

Trông thấy Nghệ Nhân nằm bất động bên bàn, nàng rùng mình, thì thào:

“Thật không ngờ... quân giết người!”

“Ồ không đâu, không phải đâu, - Azazello đáp, - bây giờ anh ấy sẽ tỉnh dậy. Ôi, sao chị lại nóng nảy như thế?”

Margarita tin anh ta ngay lập tức, bởi vì giọng nói của gã quỷ tóc hung thật có sức thuyết phục. Margarita nhảy bật dậy, khỏe mạnh và sảng khoái, giúp Azazello cho Nghệ Nhân uống rượu vang. Sau khi đã mở được mắt ra, anh nhìn cau có và lặp lại lời nói cuối cùng của mình với vẻ căm thù:

“Quân bỏ thuốc độc...”

“Ôi! Sự nhục mạ là phần thưởng thường xuyên cho một việc làm tốt, - Azazello đáp. - Chẳng lẽ anh mù sao? Hãy tỉnh lại, nhanh lên!”

Nghệ Nhân đứng dậy, nhìn quanh bằng ánh mắt tươi tắn, linh hoạt, rồi hỏi:

“Sự mới lạ này có nghĩa là thế nào?”

“Nó có nghĩa là, - Azazello đáp, - các người đã đến lúc phải đi rồi. Cơn giông đã bắt đầu, các người có nghe thấy không? Trời đang tối dần. Những con ngựa đang bới đất làm khu vườn nhỏ rung động. Hãy vĩnh biệt căn nhà hầm này, hãy vĩnh biệt, nhanh lên.”

“A, tôi hiểu rồi, - Nghệ Nhân đáp và nhìn quanh. - Anh đã giết chết chúng tôi, chúng tôi bây giờ là những người đã chết. Ôi, điều đó thật thông minh! Ðiều đó thật đúng lúc! Bây giờ tôi đã hiểu ra tất cả.”

“Ôi, xin anh thứ lỗi. - Azazello đáp. - Chẳng lẽ đây là tôi đang nghe anh nói sao? Người bạn tình của anh gọi anh là Nghệ Nhân cơ đấy, anh đang suy nghĩ thì làm sao anh lại có thể là người đã chết được cơ chứ [2] ? Chẳng lẽ để coi mình là người sống, lại nhất thiết phải ngồi trong căn nhà hầm mặc áo quần bệnh viện ư? Ðiều đó là thật khôi hài!”

“Tôi đã hiểu tất cả những gì anh nói, - Nghệ Nhân hét lên, - không cần phải nói tiếp nữa! Anh nghìn lần đúng.”

“Voland vĩ đại, - Margarita cũng họa theo anh, - Voland vĩ đại! Ðiều ông ta nghĩ ra còn hay hơn em nhiều. Nhưng còn cuốn tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết, - nàng nói với Nghệ Nhân, - dù có hay đến đâu đi nữa, anh hãy mang cuốn tiểu thuyết theo.”

“Không cần, - Nghệ Nhân đáp, - anh đã nhớ đến thuộc lòng.”

“Anh sẽ không quên... sẽ không quên một chữ nào chứ?” - Margarita hỏi, và nàng nép sát mình vào người yêu, lau sạch vết máu trên thái dương của anh.

“Em đừng lo! Bây giờ anh sẽ không bao giờ quên gì nữa hết!” - Nghệ Nhân đáp.

“Nếu thế thì - lửa! - Azazello thét lớn. - Ôi ngọn lửa mà từ đó bắt đầu tất cả, và cũng bằng ngọn lửa này, chúng ta kết thúc tất cả.”

“Lửa!” - Margarita hét lên khủng khiếp. Cánh cửa sổ của căn nhà hầm đóng sập lại, ngọn gió xô tấm màn che giạt sang bên. Một tiếng sấm ngắn vang lên vui vẻ trên bầu trời. Azazello thò bàn tay với những móng dài vào lò sưởi, rút ra một thanh củi bốc khói và đốt tấm vải trải trên mặt bàn. Rồi anh ta châm lửa vào đống báo cũ nằm trên đi văng, tiếp theo đó là tập bản thảo và tấm màn che cửa sổ. Nghệ Nhân, đã cảm thấy ngây ngất bởi chuyến bay sắp tới, rút một cuốn sách nào đó từ trên giá, ném xuống bàn, xé những trang giấy quăng vào giữa tấm khăn đang cháy rừng rực, và cuốn sách bùng lên một ngọn lửa vui vẻ.

“Hãy cháy đi, cháy đi, hỡi cuộc đời cũ!”

“Hãy cháy đi, hỡi những khổ đau!” - Margarita hét to.

Trong căn phòng đã bốc lên hừng hực những cột lửa đỏ chói; và cùng với khói, ba người chạy qua cửa, leo theo những bậc thang bằng đá lên mảnh sân nhỏ. Cái đầu tiên họ trông thấy là bà nấu bếp của chủ nhà đang ngồi trên mặt đất, cạnh bà ta là một đống khoai tây và mấy cây hành củ đổ vương vãi. Có thể hiểu được tâm trạng của bà nấu bếp: cạnh ngôi nhà kho, ba con ngựa đen đang thở phì phò và dùng vó bới tung lên từng cột đất. Margarita là người đầu tiên nhảy lên lưng ngựa, tiếp đó đến Azazello, và Nghệ Nhân sau cùng. Người đàn bà nấu bếp khẽ rú lên, định giơ tay làm dấu thánh, nhưng từ trên yên ngựa, Azazello đã quát to dữ tợn:

“Ta cắt tay!” - Anh ta huýt gió, và ba con ngựa, đè gẫy những cành lipa, phi bổng lên và xuyên thẳng vào đám mây đen bay thấp trên trời. Ngay lúc đó, một cuộn khói đen phun ra từ khung cửa sổ của tầng nhà hầm. Từ mặt đất vẳng lên tiếng kêu thảm hại, yếu ớt của bà nấu bếp:

“Cháy!...”

Ba con ngựa đã bay trên những mái nhà của Moskva.

“Tôi muốn chào vĩnh biệt thành phố”, - Nghệ Nhân hét to với Azazello bay phía trước. Tiếng sấm nuốt mất phần cuối của câu nói. Azazello gật đầu và thả ngựa phi nước đại. Một đám mây đen bay vùn vụt ngược lại phía họ, nhưng trời vẫn chưa đổ mưa.

Họ bay dọc theo một đại lộ, trông thấy những hình người chạy tán loạn tránh những giọt mưa đầu tiên. Họ bay trên một đám khói - đó là tất cả những gì còn sót lại của ngôi nhà Griboedov. Họ bay qua thành phố giờ đã chìm vào bóng tối. Phía trên họ, những ánh chớp lóe lên sáng lòa. Rồi màu xanh cây cối bắt đầu thay thế cho các mái nhà ở phía dưới. Ðến lúc đó, cơn mưa mới ập tới và biến ba người cưỡi ngựa bay thành ba bong bóng lớn trong biển nước.

Margarita đã quen với cảm giác khi bay, còn Nghệ Nhân thì chưa, và anh ngạc nhiên trước việc mình nhanh chóng tới đích, đến chỗ ở của người anh muốn chào vĩnh biệt, vì ngoài người ấy ra anh chẳng còn có ai để chia tay nữa. Anh tìm ra ngay qua màn mưa ngôi nhà bệnh viện của giáo sư St'ravinski, con sông cùng khu rừng thông ở bên kia bờ sông mà vào những ngày ở đây anh đã nghiên cứu rất kỹ. Họ hạ xuống một bãi trống trong khu rừng, cách bệnh viện không xa.

“Tôi sẽ đợi ở đây, - Azazello đưa tay lên làm tấm chắn, hét to; người anh ta khi thì hiện lên trong ánh chớp, khi thì lại chìm lấp sau làn mưa xám. - Hãy vào chia tay đi, nhưng nhanh lên.”

Margarita và Nghệ Nhân nhảy xuống yên và bay qua khu vườn bệnh viện, từ xa trông họ chỉ thấp thoáng như những chiếc bóng bằng nước. Thêm một thoáng sau, Nghệ Nhân đã đưa bàn tay quen thuộc mở tấm lưới dẫn ra ban công của phòng số 117, Margarita đi theo sau anh. Họ bước vào gặp Ivan, - vô hình, không ai nhận thấy, trong tiếng gầm rú của cơn giông. Nghệ Nhân dừng lại cạnh giường.

Ivan nằm bất động, cũng như vào cái lần đầu tiên anh nằm quan sát cơn giông trong ngôi nhà mà anh được nghỉ. Nhưng bây giờ anh không khóc như lần đó nữa. Khi đã nhìn kỹ vào cái bóng đen từ ban công bước vào phòng anh, Ivan nhỏm dậy, chìa hai tay ra và vui mừng nói:

“A, anh đấy à! Tôi cứ đợi anh, đợi anh suốt. Anh đây rồi, người láng giềng của tôi.”

Nghe xong, Nghệ Nhân đáp:

“Tôi đây! Nhưng thật đáng tiếc, tôi từ giờ không thể là láng giềng của anh được nữa. Tôi sắp bay đi vĩnh viễn và đến đây là để chia tay với anh.”

“Tôi đã biết điều đó, tôi đã đoán ra, - Ivan khẽ đáp và hỏi tiếp: - Anh đã gặp ông ta rồi phải không?”

“Vâng, - Nghệ Nhân đáp, - tôi đến để chia tay với anh, vì anh là người duy nhất mà tôi trò chuyện trong những ngày cuối cùng ở đây.”

Mặt Ivan tươi lên, anh nói:

“Anh đã ghé đến đây, như vậy là rất tốt. Còn tôi sẽ giữ lời hứa của mình, tôi sẽ không làm thơ nữa. Bây giờ tôi quan tâm đến cái khác, - Ivan mỉm cười và nhìn đi đâu đó ngang qua người Nghệ Nhân bằng ánh mắt mất trí, - tôi muốn cái khác. Trong khi tôi nằm ở đây, anh biết không, tôi đã hiểu ra rất nhiều điều.”

Nghệ Nhân xúc động trước những lời đó, anh ngồi xuống mép giường của Ivan và lên tiếng:

“Như vậy là rất tốt, rất tốt. Anh sẽ viết tiếp về ông ta!”

Cặp mắt của Ivan vụt sáng lên.

“Chẳng lẽ anh sẽ không viết nữa sao? - nhưng liền đó, anh cúi xuống và trầm ngâm nói tiếp:
- À vâng... tại sao tôi lại hỏi như vậy nhỉ”, - Ivan ngó xuống sàn, rồi nhìn lên, vẻ hoảng hốt.

“Vâng, - Nghệ Nhân nói, và Ivan cảm thấy giọng của anh khô khan và xa lạ. - Tôi sẽ không viết về ông ta nữa. Tôi sẽ làm việc khác.”

Một tiếng huýt gió từ xa cắt ngang tiếng ầm ĩ của cơn giông.

“Anh có nghe thấy gì không?” - Nghệ Nhân hỏi.

“Cơn giông đang gầm rít...”
“Không phải, đấy là người ta gọi tôi đấy, tôi phải đi rồi”, - Nghệ Nhân giải thích và rời giường Ivan đứng dậy.

“Gượm đã. Tôi xin hỏi thêm một lời nữa, - Ivan nói. - Anh đã tìm thấy nàng rồi chứ? Nàng có còn chung thủy với anh không?”

“Nàng đây”, - Nghệ Nhân đáp và chỉ tay vào tường. Bóng Margarita đen thẫm tách khỏi bức tường trắng bước đến bên cạnh. Nàng nhìn chàng thanh niên nằm trên giường và trong đôi mắt nàng lộ vẻ thương cảm.

“Ôi, tội nghiệp, tội nghiệp”, - Margarita khẽ thì thầm và cúi xuống bên giường.

“Ôi, đẹp quá, - Ivan thốt lên không có vẻ ghen tỵ nhưng với một nỗi buồn và ít nhiều âu yếm, cảm kích. - Thế đấy, mọi chuyện của anh đều tốt đẹp. Còn tôi thì lại không được như vậy, - nói đến đây Ivan nghĩ ngợi một lát, rồi thêm: - Mà biết đâu, cũng có thể là sẽ được như vậy...”

“Sẽ như vậy, sẽ được như vậy, - Margarita thì thầm và cúi xuống sát người Ivan. - Bây giờ tôi sẽ hôn anh vào trán, và tất cả sẽ được như mong muốn... điều này thì anh hãy tin tôi, tôi đã được thấy tất cả, tôi biết hết.”

Chàng thanh niên nằm trên giường giơ hai tay lên ôm lấy cổ Margarita, và nàng hôn anh.

“Vĩnh biệt nhé, học trò của ta”, - Nghệ Nhân nói rất khẽ rồi tan vào không khí. Anh đã biến mất, và cùng với anh, Margarita cũng mất dạng. Tấm lưới ban công đóng lại.

Ivan bỗng cảm thấy hoảng sợ. Anh ngồi dậy trên giường, lo lắng nhìn quanh, thậm chí rên lên và cất tiếng nói chuyện với chính mình, rồi anh rời giường đứng dậy. Cơn giông mỗi lúc một gầm rít dữ dội hơn và hình như làm tâm hồn anh trở nên bất an. Thêm một điều làm Ivan bồn chồn, là bằng đôi tai đã quen với sự im lặng thường xuyên, anh chợt nghe những bước đi vội vã, những giọng nói nén lại ở bên ngoài cánh cửa. Anh nóng nảy và run rẩy cất tiếng gọi:

“Chị Praskovia Phedorovna!”

Praskovia Phedorovna bước vào phòng, lo lắng nhìn xung quanh Ivan với vẻ dò hỏi.

“Cái gì? Có chuyện gì thế? - người đàn bà hỏi. - Cơn giông làm anh cảm thấy khó chịu à? Nhưng không sao, không sao... Ngay bây giờ chúng tôi sẽ giúp anh. Tôi sẽ gọi bác sĩ ngay bây giờ.”

“Không cần, chị Praskovia Phedorovna, không cần gọi bác sĩ đâu, - Ivan nói, không nhìn Praskovia Phedorovna, mà nhìn lên bức tường vẻ bồn chồn. - Với tôi, không có gì đặc biệt cả đâu. Bây giờ tôi đã tỉnh táo rồi, chị đừng lo. Tốt nhất là chị cho tôi biết, - Ivan nói một cách thân mật, - có chuyện gì vừa xảy ra ở phòng một trăm mười tám bên cạnh thế?”

“Phòng một trăm mười tám? - Praskovia Phedorovna hỏi lại, mắt nhìn quanh. - ở đó chẳng có gì xảy ra cả.” - Nhưng giọng của Praskovia Phedorovna không thành thật, Ivan nhận thấy ngay điều đó và nói:

“Ê, chị Praskovia Phedorovna! Chị là một người trung thực đến thế kia mà... Chị nghĩ là tôi sẽ làm ầm lên sao? Không đâu, chị Praskovia Phedorovna ạ, sẽ không như vậy đâu. Tôi có thể cảm thấy qua tường kia mà.”

“Người ở phòng bên cạnh vừa qua đời”, - không cưỡng lại được sự chân thật và lòng tốt của mình, Praskovia Phedorovna nói và hốt hoảng nhìn Ivan chợt sáng bừng lên trong một tia chớp. Nhưng không có chuyện gì ghê gớm xảy ra với Ivan cả. Anh chỉ giơ cao ngón tay một cách đầy ngụ ý, và nói:

“Tôi đã biết như vậy mà! Tôi xin đoan chắc với chị là bây giờ ở trong thành phố còn thêm một người nữa vừa qua đời. Thậm chí tôi còn biết người ấy là ai nữa, - nói đến đây Ivan mỉm cười bí ẩn, - đó là một người đàn bà.”

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Thực ra ở đoạn trên nói Pilat dùng rượu vang đỏ xecuba, chắc ở đây Bulgacov chưa kịp chữa lại chi tiết này cho khớp.
[2]Người đã chết: lấy ý câu nói nổi tiếng “tôi suy nghĩ có nghĩa là tôi tồn tại” của nhà triết học Pháp Dekart (1596-1650).

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài