talawas chủ nhật

 


Văn xuôi :: 12.11.2006
Đinh LinhĐèo đeo biên giới
Dinh Linh
Đinh Linh

Sau “Hậu Việt ngữ” và “Loay hoay giữa sa mạc”, trong kì này chúng tôi xin giới thiệu tiếp bài kí mới của cùng tác giả, với tất cả những đặc trưng không thể trộn lẫn của giọng văn Đinh Linh.
talawas chủ nhật


Đinh Linh

Đèo đeo biên giới

 

Cuối tháng 10, 2006, tôi được mời đến San Diego để đọc thơ tại 2 trường đại học. Từ Marfa, Texas, nơi tôi tạm trú, đến San Diego là 1.700 km. Thay vì lên máy bay, tôi quyết định ngồi xe đò. Tại Mỹ, chỉ những ai mạt rệp, ở lậu hay bị tước bằng lái xe mới chịu bơ phờ, khổ thân trên xe đò. Đi máy bay hay xe lửa phải trình căn cước, đèo xe đò thì miễn. Tại vùng Tây Nam nước Mỹ, hơn ½ khách xe đò là Mễ. Thỉnh thoảng bạn cũng bắt gặp vài đứa mới lớn, 15, 16 tuổi, đủ trưởng thành để thèm đi lang thang một mình, nhưng chưa đủ tuổi để lấy bằng lái xe. Nói chung, người Mỹ chỉ chịu bay bổng khi đi xa. Có người ngồi xe lửa, nhưng hệ thống xe lửa tại Mỹ không bằng một góc những nước Âu châu. Nhiều thành phố và tỉnh lẻ không được phục vụ hay không có những chuyến thường xuyên. Phong cảnh Tây Nam nước Mỹ phần lớn là sa mạc, nhiều nơi rất ngoạn mục. Mang máng con thằn lằn, tôi phải lết sát đất để nhìn kỹ thế gian. Như kẻ dâm tà, tôi khoái quan sát phẩm chất con người từ dưới lên trên. Y hệt loài khỉ, tôi có nhu cầu trà trộn, tán dóc, ngửi mồ hôi nách của đồng loại. Tôi cũng muốn tạt qua Tucson, trên đường, để đọc thơ tại một thành phố nữa.

Trước khi lên xe đò, tôi phải lái xe 3 tiếng để đến El Paso, vì tại đó mới có trạm rước khách. El Paso chỉ cách Juarez, một thành phố Mễ, một con sông. Để được vù qua Juarez vài đợt, tôi thuê phòng tại một khách sạn hạng bét, không có cầu tiêu riêng, hôi mùi thuốc lá, với một cái mền thủng lỗ cháy thuốc lá. Xây năm 1930, khách sạn Gardner cổ và cũ nhất El Paso. Nó khá nổi tiếng vì John Dillinger, một tên cướp nhà băng, giết người khét tiếng, đã ngủ tại đó năm 1933, trước khi bị bắt tại Tucson. Chỉ một đêm, nằm giường cứng, giường đinh, chiếu hay thảm tôi cũng chịu. Cuối chuyến, tôi sẽ thuê khách sạn sang hơn. Đi một mình, cái máu man rợ, bần cùng của tôi hiện lên nguyên vẹn. Hồi độc thân, tôi thuê phòng trọ không có máy sưởi. Mùa đông, tuyết rơi, tôi lạnh cóng. Xỉn, có lần tôi ngủ ngon, co quắp ngoài trời sau bụi cây. Tỉnh dậy lúc còn tối, tôi lảo đảo về nhà và bị một thằng cầm búa, chặn cướp. Trong túi chỉ còn vài đồng, tôi chẳng tiếc của, chỉ ngại u đầu. Võ judo học hồi nào, lúc đó chẳng thuộc một đòn. Khều khều cổ chân, nó gõ thẳng tay thì bỏ mẹ. Lấy vợ, tôi phải tiến bộ, lịch sự hơn khi đi du lịch với bà xã, tuy vợ tôi cũng khá chịu chơi, khá bụi.

Đến El Paso, tôi liền mò đến văn phòng của nhà thơ/nhà xuất bản của Cinco Puntos Press, Bobby Byrd. Tuy không quen, tụi tôi đã được giới thiệu qua email. Trạc 60, hắn rất vui tính. Thấy tôi bước vào, Byrd liền toe toét, “Mày Đinh Linh?” Byrd đã ở El Paso 30 năm. Như tôi, hắn rất khoái cái không khí tạp nhạp, lâng lâng, căng thẳng tại biên giới. Sau khi ăn trưa tại một quán Mễ, Byrd dẫn tôi đến đại lộ chính của El Paso, nơi mà người Mễ từ Juarez tràn qua mỗi ngày để sắm hàng Mỹ, phần lớn là quần áo. Nói là thời trang Mỹ chứ thật sự mấy cái áo phông, quần bò, váy và giày dép mà họ mua chỉ có Mễ mặc. Người Mễ thích những màu rực rỡ, lóng lánh. Họ sến không thua người Việt, chỉ kém dân Tàu. Phần lớn những hàng “Mỹ” tại đây cũng được sản xuất bên Tàu. Chỉ những ai thường trú, có nhà hay con cái đi học tại Juarez mới được chính phủ Mỹ cấp thẻ đến El Paso để mua sắm. Dĩ nhiên, nhiều người đi chợ rồi… đi luôn. Chồng đi trước, vợ ở lại lo cho con, chẳng hạn. Trên đại lộ này, tiếng Tây Ban Nha là chính, là ngôn ngữ trên mấy trăm các bảng hiệu. Những chủ tiệm Tàu và Đại Hàn, lác đác vài mống, cũng phải biết qua loa tiếng Tây Ban Nha, Hola! Muchas gracias, đếm từ 1 đến ít nhất 100. Byrd nói, “Tao ở đây 30 năm, nhưng mỗi lần đến con đường này, tao vẫn thấy vui.”

Subcomandante Marcos trên cầu biên giới giữa Juarez và El Paso tháng 11.2006

Tác giả nổi tiếng nhất của Cinco Puntos Press là Subcomandante Marcos [Phó chỉ huy Marcos] của Ejército Zapatista de Liberación Nacional [Quân đội Giải phóng Quốc gia Zapatista]. Phong trào EZLN tranh đấu, giành quyền lợi cho dân Maya tại tiểu bang Chiapas, một vùng nghèo nhất Mexico. Họ đang kiểm soát 32 làng tại vùng này. Khẩu hiệu của EZLN là “Para todos todo, nada para nosotros,” “Tất cả cho mọi người, không gì cho chúng tôi.” Cờ thì nền đen, sao đỏ. Tuy không phải người Maya, Subcomandante Marcos đã trở thành phát ngôn viên cho EZLN. Hắn thường lái xe gắn máy đen, luôn bịt mặt bằng khăn đen, chỉ lòi hai con mắt. Subcomandante Marcos nói về chính phủ Mexico:

Guồng máy chính phủ tham nhũng, liên lụy với bọn buôn ma túy, họ luôn luôn lừa đảo, nói dối, và đã mất hết chính nghĩa đối với dân tộc Mexico.

Trong một lá thư gửi mặt trận phân lập Basque, hắn viết về những phong trào cách mạng khác:

Tao ỉa lên tất cả những nhóm tiền vệ cách mạng trên thế gian.

Comandante Marcos đã viết 21 quyển sách, một số là những tập ngụ ngôn, với một giọng văn sắc bén, có duyên, thường xuyên hài hước:

Marcos là pê đê tại San Francisco, da đen tại Nam Phi, Á châu tại Âu châu, Xì tại San Ysidro, vô chính phủ tại Tây Ban Nha, Pa-le-xtin tại Do Thái, người bản xứ trên những con đường San Cristobal […]

Hắn tả vùng Chiapas:

Trên những dãy núi tại Chiapas, cái chết là một phần của đời sống hằng ngày. Nó bình thường như mưa hay nắng. Con người tại đây chung sống với cái chết, cái chết của chính họ, nhất là của những đứa bé. Ngược đời thay, cái chết đang lột cái áo choàng thảm thương của nó […]

Nhiếp ảnh gia Julián Cardona

Đi bộ sang Juarez, không cần giấy tờ, chỉ phải đóng 35 xu Mỹ. Trên cầu, Bobby Byrd gặp một người quen. Đi ngược chiều với chúng tôi, hắn đang ngồi trên xe hơi, chờ phiên đến trạm kiểm soát Mỹ. Hoá ra đó là nhiếp ảnh gia Julián Cardona. Trước khi đến El Paso, tôi đã biết sơ sơ về hắn. Juarez là một thành phố đầy tội phạm, buôn ma túy, giết người, bóc lột nhân công. Làm cho tờ báo Diaro de Juarez, Cardona đã can đảm chụp mấy ngàn tấm hình, vạch mặt những bất công tại nơi này. Trong 11 năm qua, khoảng 400 phụ nữ tại Juarez bị giết chết, phần lớn sau khi bị hiếp dâm, tra tấn, xác của họ dục tại sa mạc. Chính phủ chỉ điều tra qua loa, rồi bắt bừa, vu khống vài người, trong khi các án mạng vẫn đều đặn xảy ra. Cả mấy trăm thanh niên cũng đã bị giết chết trong thời gian này, phần lớn vì dính dáng với những băng đảng ma túy, nhưng không ai có thể giải thích tại sao quá nhiều phụ nữ lại bị giết mỗi năm? Nhiều người nghi thủ phạm chính là một nhóm trong chính quyền. Vì vậy, họ mới không chịu điều tra cho tới nơi, tới chốn, mà còn trấn áp những ai cả gan làm lớn nỗi phẫn nộ này. Samira Izaguirre, một phóng viên radio, phải rời Juarez sau khi bị đe dọa liên miên. Mario César Escobedo Anaya, luật sư cho một người bị vu khống, còn bị cảnh sát thủ tiêu. Chính vì vậy mà việc làm của Julián Cardona không phải là chuyện đùa. Ở một nơi vô luật lệ như Juarez, một “tai nạn” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đi với tôi đã hơn 2 tiếng, Bobby Byrd phải về nhà giữ cháu ngoại. Tôi tà tà vào trung tâm Juarez. Với hơn 1 triệu dân, thành phố này lớn thứ tư ở Mexico. Nhiều màu sắc, nó cũng xô bồ như Sài Gòn, cũng có cò đứng trước cửa tiệm, lải nhải, nài nỉ du khách, tuy Juarez không dơ bằng một góc nước Việt Nam, và chỉ có vài ăn mày. Ngoài đường, tôi chỉ thấy xe bốn bánh, thỉnh thoảng xe đạp, chứ không thấy xe gắn máy. Juarez có nhiều quán rượu, vũ trường phục vụ du khách Mỹ, với những tên như Hollywood, Hawaiian, California, Friends, Tsunami, Dia y Noche [Ngày và Đêm], El Charro [Khứa chăn bò], Rancho Grande [Nông trại lớn], La Finca [Biệt thự nhà quê]… Có bar nhảy cởi truồng, có nhiều động đĩ. Có một lần Bobby Byrd qua Juarez với con trai 19 tuổi. Đi ngoài đường, một thằng đầu gấu chào con hắn bằng tên, “Hi, Johnny!” “Quái,” Byrd bảo tôi, “nếu dân địa phương quen thằng Johnny đến thế, chắc là nó đã đến Juarez nhiều đêm để quậy!” Ở El Paso, nếu cần giải quyết nỗi ấm ức còn trinh vào tuổi mới lớn, chỉ cần bước qua cầu thì được trổ mã ngay!

Một quảng trường tại Juarez

Ngay trung tâm Juarez là một quảng trường, tấp nập từ 8 giờ sáng đến khuya, nơi dân có thể ngồi hứng gió, nhìn nhau, tán dóc. Tại quảng trường có hai nhà thờ. Cái nhỏ và đẹp hơn là Mission de Guadalupe, xây năm 1662. Tường nhà thờ này dày cả thước, được xây bằng adobe, một loại gạch bằng đất sét, cát, rơm và phân bò, phơi nắng, không nung. Phân bò trừ sâu; không có, tường dễ rữa. Vào trong, ấn tượng mạnh nhất là trần nhà, được ráp với những thân cây đồ sộ, khắc rất công phu, sơn đen, cực kỳ đẹp. Ở bàn thờ chính là Đức Mẹ. Cây thánh giá với Chúa Giê-su phải nhích qua một bên. Truyền thống thờ Mẫu vẫn tồn tại tại Mexico. Nhà thờ Mễ thường có tượng Đức Mẹ bên ngoài, như tượng Phật Bà Quan Âm trước những chùa Việt Nam. Nhìn kỹ trần nhà, cửa, bục giảng kinh tại Mission de Guadalupe, bạn còn có thể thấy những con rắn được tạc vào gỗ. Xưa, người Mễ thờ rắn như ta thờ rồng. Rắn với rồng là một. Học giả Huỳnh Sanh Thông, người có công dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh, đã viết nhiều về hiện tượng thờ rắn của nhân loại. Năm 1999, ông tự xuất bản một quyển rất thú vị, ly kỳ, tuy chẳng ma nào thèm đọc, The Golden Serpent: How Humans Learned to Speak and Invent Culture (Con rắn vàng: Con người học nói và phát minh ra văn hoá như thế nào)

Ngồi nghỉ một lát, tôi để ý hai linh mục đang cho dân xưng tội. Trong nhà thờ, chỉ có tôi là ngoại quốc. Thôi, tôi nghĩ, nhiều tội quá, tràn lan, phong phú, kể cả những tội chưa được đặt tên, đến nỗi những nhà bác học dòm dưới kính hiển vi cũng phải bó tay, để bữa nào rảnh 2, 3 tuần, vài tháng thì hãy xưng. Mỗi ngày xưng cho đến khàn cổ, rát họng, rồi uống thuốc ngủ, để khỏi phạm tội trong ý thức, bao giờ thức dậy thì xưng tiếp. Cứ vậy, cứ vậy, cho đến khi lải nhải, kể hết từng giây phút trong cuộc đời. Tỉa từng ý nghĩ, ta sẽ thấy bộ óc không thể nhúc nhích một xentimet mà không phạm tội, ít nhất là tội dối trá, tự lừa đảo. Đi ra, tôi phát hiện cửa nhà thờ đã được gài chốt. Tôi loay hoay nửa phút mới mở được. Hoá ra linh mục phải gài cửa trước khi cho giáo dân xưng tội. Nếu không, trong một thành phố tràn ngập tội lỗi, chúng cứ tấp nập đi vào cả ngày, xưng cho bao giờ mới sạch tội? “Thưa cha, tháng vừa rồi con lỡ giết 5, 6 người, cả đực lẫn cái. Đêm hôm qua con lại chơi đĩ, một em nhà quê từ miền nam, rất dễ thương. Cha muốn làm quen, con sẵn sàng chỉ chỗ, khỏi cần bo. Con lại hút khoảng nửa kí xì ke, chửi thề. Sáng nay con quên đọc kinh…”

Bình rượu thời Chu

Lang thang, dáo dác, tôi thấy một biểu ngữ quảng cáo triển lãm tại một viện bảo tàng địa phương, “Los tesoros artísticos de la China Antigua,” “Những báu vật nghệ thuật của Trung Hoa cổ đại”. Trên biểu ngữ có hình chụp hai bình rượu bằng đồng từ thời Chu (1122-156 TCN). Thế giới hoà nhập, trao đổi văn hoá, nhưng tại Việt Nam, không bao giờ bạn có thể thấy một cuộc triển lãm như vầy. Những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc của Âu châu, Mỹ châu, tranh Degas, van Gogh, Picasso, de Kooning, Guston, tượng Giacometti, thì dĩ nhiên ta không bao giờ được thấy tận mắt rồi, nhưng ngay cả những tác phẩm từ những nước láng giềng, Tàu, Thái Lan, Indonesia, ta cũng chẳng được thưởng thức. Nếu có cơ hội, chưa chắc ta đã thèm đếm xỉa. Nói chi xa vời, một tập truyện của một nhà văn xuất sắc như Trần Vũ, một quyển chính luận tha thiết, có giá trị như Tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng, ta cũng không mua được tại Việt Nam. Cái hay, cái đẹp của người Việt ta còn chê hay cấm đoán, huống chi những món cao siêu của ngoại quốc? Ngược lại, những thứ vô bổ, nhố nhăng nhất của ngoại bang thì, Hello, xì thẩu, cho em một tí! Họ uống rượu, ta sắm chai. Quần áo cũ của thiên hạ, ta nghèo, phải mua về, mặc đỡ cho tạm hợp thời trang, nhưng tại sao những tư tuởng, chủ nghĩa lỗi thời, phá sản của kẻ lạ, nay đã xoá tại gốc, ta vẫn khăng khăng phất cờ, tuyên bố? Thật sự thì Việt Nam chẳng phải một nước cộng sản, mà đã hoàn về phong kiến, trộn lề lối băng đảng kiểu mafia.

Ngày hôm sau, trước bình minh, tôi lại tạt qua Juarez. Đến nơi lạ, tôi khoái thức dậy thật sớm, để đi bộ quanh thành phố còn ngáp ngủ. Vắng người và xe cộ, nó thật trơ trụi, trần truồng, chỉ nguyên vẹn hình thù chưa được trang điểm nhem nhuốc. Sau vài màn cửa, nhạc radio. Đi ngang một ô cửa tan hoang, tôi thấy vài em ngồi trên xa-lông trong bóng tối. Chưa đến 7 giờ, vài tiệm ăn đã mở cửa. Tại quảng trường, vài anh quét rác. Tôi đi ngang một tiệm ăn Tàu, comida china, thấy cả trăm khách Mễ đang uống café, ăn bánh ngọt. Người Tàu di cư qua Mexico từ cuối thế kỷ 19. Một số ở lại, đa số tìm cách luồn qua Mỹ. Người Tàu đi đâu cũng cần cù, buôn bán khá thành công, lại khác chủng tộc, tập quán, nên bị một số dân địa phương ghen tị, thù ghét. Năm 1911, 4.000 người Mễ nổi loạn tại Torreón, giết khoảng 300 người Tàu. Ở Mỹ cũng có vài vụ tương đương. Đấy là cái thuế máu mà những cộng đồng di cư vẫn thỉnh thoảng phải trả. Trước 1975, Chợ Lớn là khu phố sầm uất, thịnh vượng nhất Sài Gòn. Bây giờ, muốn ăn một dĩa cơm chiên Dương Châu ra hồn, chắc bạn phải mua vé máy bay, đi Mexico.

Rời El Paso/Juarez, tôi lên xe đò đi Tucson, Arizona. Trong văn chương Việt Nam, chỉ có một tác phẩm tả cảnh đi xe đò tại Mỹ, “Xe Bus 1992” của Phan Nhiên Hạo. Hạo đi chéo nước Mỹ 3.507 km, quả là một cuộc hành trình maratông! Xưa tôi có quen một thằng, tạm gọi là bạn, cũng hay đi chéo nước Mỹ bằng xe đò, mỗi chuyến mất 3 ngày. Sinh tại Đức, hắn sang Mỹ ở lậu. Tên cúng kraut là Siegfried, hắn đổi thành Tumi khi nhập đạo Hồi. Đạo tại tâm, Hồi giáo cỡ nào tôi chẳng rõ, chỉ thấy hắn uống bia, ăn thịt heo thoải mái. Miễn nhà cửa, Tumi ngủ ngoài bãi biển tại Santa Barbara, California, mỗi ngày ăn một bữa bao bụng, để dành tiền uống bia, nhấm nháp whiskey, và chỉ lết thân đi sơn nhà khi sạch túi. Chán California, thỉnh thoảng hắn mò về Philadelphia, nơi hắn từng sống. Điện thoại lại reo, tôi nhấc máy, nghe, “Tumi đây, mày cho tao ở chỗ mày 2 ngày được không?” Hai ngày biến thành 5, biến thành một tuần. Trước khi rời, Tumi luôn sinh sự với tôi, nhưng lần sau, tôi lại cho hắn vào nhà. Philadelphia không có bãi biển để ngủ bụi. Nằm đại sau bụi cây, nếu không chết cóng thì cũng sẽ bị một thằng cầm búa phang vào đầu!

Đến Tucson tôi sẽ gặp nhà thơ/nhà xuất bản của Chax Press, Charles Alexander. Chax Press in quyển American Tatts của tôi. Lần đầu tôi gặp Alexander là năm 2001. Hôm đó, giới thi ca Philadelphia tổ chức một buổi đọc thơ/liên hoan cho Gil Ott, lúc đó đã bệnh rất nặng, chỉ còn sống hơn 2 năm nữa. Gil Ott lại là người in sách đầu tiên cho tôi, Drunkard Boxing, một tập thơ dẹp lép. Sau buổi đọc thơ, anh em rủ nhau đến nhà Eli Goldblatt để tán dóc, nhấm nháp. Có mặt tại đó, Ron Silliman, nhà thơ và có lẽ là nhà phê bình có thớ nhất trong thi ca Mỹ đương đại, mách với Alexander, “Mày nên in một quyển sách cho Đinh Linh”. Sau 2001, tôi chỉ gặp Charles Alexander thêm một lần, khi tụi tôi được mời đến Naropa University tại Boulder, Colorado để dạy học vào mùa hè năm 2005. Naropa là một đại học có một không hai trên thế gian. Thành lập năm 1974 bởi một nhà sư Tây Tạng, Chögyam Trungpa, Naropa vừa dạy về triết Phật, vừa hướng dẫn sinh viên làm thơ, viết văn. Khoá đầu tiên của Naropa đã có Allen Ginsberg, Anne Waldman, John Cage và Diane di Prima giảng dạy. Cả trăm nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ tiền phong, ưu tú nhất nước Mỹ cũng đã đến đây dạy học, tuy lương trả rất bèo! Carolee Shneemann, William S. Burroughs và Robert Duncan còn không chê, chẳng lẽ ta khước từ?

Trong những mối quan hệ, giao thiệp, tôi quí tình bạn văn chương nhất. Trừ một vài kẻ bệnh hoạn, tâm thần, trừ bọn 2, 3 mặt trơ trơ, không biết ngượng, trừ bọn quân truồng, phần lớn những người đã đến với nhau qua văn chương đều biết chơi đẹp. Mối quan hệ anh em ruột thịt chỉ là một tình cờ, tao với mày cùng xuất thân từ cái hẻm đó, nhưng tình bạn văn chương là một niềm tương hợp tự nguyện giữa hai tâm hồn và trí óc, còn gì đẹp hơn ngoài tình cảm vợ chồng, nếu thuận hoà? Một ngoại lệ rất chướng là đa số những nhà văn chính thống của Việt Nam. Xuất ngoại, họ đều được cộng đồng Việt Kiều tiếp đãi rất ân cần, trân trọng, nhưng khi về nước, họ giả vờ như đã không gặp hay quen ai. Vì lý do chính trị hay cá nhân nhỏ mọn, họ còn phủ nhận tất cả nền văn chương hải ngoại. Ở bất cứ xã hội, bất cứ thời nào, những người nịnh hót chính quyền không thể là nhà văn. Nhà văn phải biết và dám nhìn, dám nói những điều mà người thường khó có thể thấy hay nói nổi, nhưng tại Việt Nam, những nhà văn chính thống còn ngô nghê, khập khễnh với sự thật hơn những kẻ mù chữ hay con nít. Mục tiêu chính của nhà văn là săn đuổi sự thật, một thử thách cực kỳ phức tạp, gay go, khiến cả vạn người có thiện chí nhưng kém khả năng cũng phải đầu hàng, chịu thua, nhưng cái đích duy nhất của những nhà văn chính thống Việt Nam là khéo léo tránh né sự thật. Dễ giật mình, họ kiêng cữ mọi đề tài hơn một thằng mọi dị đoan nhất. Họ đã thuộc lòng từ lâu những từ nào tiện dùng, từ nào phải xoá, từ điển của họ hâng hẩng như băng vệ sinh có cánh, hiệu Trúc Bạch, hàng quốc nội, chất lượng cao, bán có 200.000 đồng một thùng to tổ chảng tại chợ Bến Thành. Những kẻ ngoan ngoãn lừa đảo chính mình không thể là nhà văn. Nhà văn phải là đồng minh, mắt miệng của kẻ yếu, thất thế, chứ tại sao lại bám cẳng, bợ đít bọn đàn áp, tham nhũng, dối trá? Như Comandante Marcos, nhà văn phải là pê đê tại San Francisco, Palestine tại Do Thái, Do Thái tại Đức Quốc xã. Ngượng tâng bốc chính quyền hay lãnh tụ, “Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”, cái mốt đó nay đã quá xưa, quá hài hước, một số nhà văn chính thống Việt Nam tập trung vào những đề tài nhẹ nhàng, màu tím, học trò, thỉnh thoảng pha tí sếch để chứng minh họ cởi mở. Một số khác thì vẽ vời cảnh ma quỉ mập mờ, dân gian, huyền bí, mang máng siêu thực, trong khi ma thiệt đang đứng sừng sững trước mặt, họ làm bộ không thấy.

Xe đò hãng Greyhound rời El Paso trễ ½ tiếng. Chạy 587 km, đáng lẽ chỉ mất 5 tiếng 40 phút, lại bị kẹt xe vì sửa đường, nên mất thêm ½ tiếng nữa. Không điện thoại di động, tôi không thể gọi Charles Alexander để báo rằng sẽ trễ, nhưng hắn vẫn tại trạm khi tôi đến Tucson. Đọc thơ, có lúc tôi được trả $500, lúc $1.000, nhưng nhiều khi tôi chỉ được $100 hay tôi chịu đọc chùa. Nói chung, nếu không lỗ tiền xe cộ thì tôi chịu đọc chùa. Tại Tucson, Alexander đã thuê cho tôi một đêm khách sạn, và đã dàn xếp cho tôi được trả tượng trưng $75. Phòng hotel tử tế, rộng rãi, còn có phòng ăn riêng, với bếp và nồi niêu, xoong chảo, nhưng tôi chỉ cần một mặt giường bằng phẳng, không trũng hay hôi, để lăn ngủ. “Chủ hotel thích làm thơ”, Alexander bảo tôi, “nên bớt tiền cho những nhà thơ”. Sao cũng được, vì đây là đề nghị của tôi, vì tôi muốn có dịp giới thiệu thơ mình với độc giả tại Tucson, một thành phố tôi chưa từng viếng thăm. Chỗ đọc thơ là một phòng triển lãm tranh, có khoảng 45 ghế, hôm đó đông nghẹt. Vợ của Alexander, Cynthia, bảo tôi, “Nhiều người tại Tucson rất hăm hở khi nghe mày sẽ đến đây đọc thơ”. Tôi đã đọc thơ cho gần 200 người, nhưng vài lần tôi vẫn phải trình diễn tuy chỉ có 5, 6 khán giả.

Năm 1983, hồi mới 19 tuổi, tôi hay mò đến quán rượu Bacchanal tại Philadelphia để đọc thơ. Tại Mỹ, phải 21 tuổi mới có quyền uống bia, nhưng tôi nghiêm mặt, không cạo râu dế, vào đại. Mỗi thứ hai đều có buổi đọc thơ. Sau hai nhà thơ chính, ai muốn đọc gì thì đọc. Phần này được gọi là “open reading”. Lúc đầu tôi chỉ có 3, 4 bài, nên đọc không cần giấy, nhắm tít mắt lại như lên đồng, tay vẫn thủ chai Rolling Rock. Được khán giả vỗ tay, khen vài câu, tôi tự tin hơn về khả năng của mình. Như Gertrude Stein nhận xét, “Cái điều nghệ sĩ cần nhất là lời khen”. Lên tinh thần, tôi viết được nhiều bài hơn, tuy, sau này, xét lại, tôi dục tất cả những bài thơ này vào sọt rác, không phải vì hàng non, nhiều món phải non mới ngon, nhưng vì kịch tích quá nóng hổi, thống thiết, quan trọng hoá bản thân. Tuổi trẻ dễ phấn khởi. Lúc đó, tất cả kinh nghiệm của tôi đều mới mẻ, lý thú đến điên người, uống bia, ói mửa, ăn ô-liu, mút hột le, cái gì cũng hay ho, đặc biệt. Sau vài tháng, họ tổ chức cho tôi đọc thơ với Etheridge Knight (1931-1991). Trong những người lảng vảng quán Bacchanal, hắn nổi tiếng nhất, và vẫn có tên tuổi trong thi ca Mỹ. Vài phút trước khi trình làng, Knight thấy tôi đang nốc bia tại bar. Hắn sát lại, hỏi, “Mày sửa soạn chưa?”

“Rồi.”

“Mày có phải là nhà thơ không?”

Tôi bực bội nhìn Knight, “Tao đọc với mày mà không phải là nhà thơ?”

“Trả lời tao. Mày có phải là nhà thơ?”

“Dĩ nhiên tao là nhà thơ!”

“Ừ, vậy thì tao với mày vô phòng đọc nhé!”

Etheridge Knight vừa ngông nghênh vừa khiêm nhường. Cái trục nối hai cực này là máu hài hước sâu sắc, cười từ đáy bụng. Hắn bị bắt đi lính, nghiện mooc-phin sau khi bị thương, cầm súng cướp của, rồi phải tự học trong khám để trở thành nhà thơ, tuy hoàn toàn ngoài lề cho đến ngày cuối. Hắn lầm lì, cứng rắn, nhưng rất dễ mủi lòng, biết thông cảm với tất cả mọi người. Tuy thành công trong lãnh vực thi ca, hắn đã nếm mùi thất bại, thậm chí tuyệt vọng, rất nhiều lần, và thừa biết đó là vận số chung của nhân loại. Có lẽ tôi đã nhiễm vài bài học từ Etheridge Knight. Trước khi hắn chết tại Indiana, tôi có gọi điện thoại, chào hắn lần cuối, buồn không thể tả. Như hầu hết mọi người, tôi xuất thân từ một gia đình rất e thẹn trước chữ nghĩa, cứ thấy sách vở thì phải chớp mắt, che mặt, đeo vội kiếng râm. Trọng tiền, họ có nhiều thành kiến, hoàn toàn dị ứng với văn hoá. Nếu không có những người như Etheridge Knight khuyến khích lúc còn hoang mang, bấp bênh, tôi đã phí cả cuộc đời, hủy hoại tâm hồn. Nhà thơ Tom Devaney đã viết, “Không, Đinh Linh không phải là họ hàng của Max Jacob, người mà anh ta gọi là Jack Cobb. Họ quen nhau từ hồi còn ở Philadelphia, cùng với chú ruột của Đinh Linh là Etheridge Knight.”

Sau buổi đọc thơ tại Tucson, vài người mua sách, đưa cho tôi ký, nói chuyện vài câu, rồi khoảng 10 mống rủ nhau đi ăn uống. Phần lớn là những giáo sư, sinh viên tại trường đại học địa phương. Ở Mỹ, nhiều nhà thơ xuất sắc nhất phải dạy học tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, nhất là khi còn trẻ. Giáo chức tại những trường đại học nổi tiếng, tại những thành phố lớn, đều bị mấy thế hệ trước hốt hết rồi. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để lang thang. Tucson khá xinh, lịch sự nhưng hơi tiêu điều, như nhiều nơi tại Mỹ, vì hầu hết phải lệ thuộc vào xe cộ, hiếm ai đi bộ, tụ tập ngoài phố trừ ngay trung tâm vào giờ ăn trưa. Chuyến xe đò đáng lẽ phải rời lúc 8:40, nhưng lần này trễ hơn 2 tiếng. Charles Alexander kiên nhẫn ngồi tại trạm, uống café, trò chuyện với tôi rất lâu, nhưng cuối cùng cũng phải về trước. Hệ thống Greyhound ngày càng tệ. Từ Tucson đi San Ysidro, 1.152 km, tôi phải đổi xe 2 lần, chuyến nào cũng trễ. Từ Phoenix đến Los Angeles, tôi ngồi băng cuối, với một gã trạc 33, một cô khoảng 24. Trước tôi, một bà mẹ rất trẻ ngồi cạnh một em bé chưa đầy 1 tuổi. Nguyên chuyến giăng giẳng, nó không khóc một tiếng. Tôi nhớ đến Nguyễn Thị Ấm, hồi xửa hồi xưa bán xôi tại góc đường Điện Biên Phủ, Tống Duy Tân, Hà Nội, sau này viết được đúng một truyện cực kỳ hay, “Giấc ngủ nơi trần thế,” rồi biến đi đâu tôi không rõ. Bà Ấm kể về hiện tượng thuê con nít để dễ xin ăn. Để em bé khỏi khóc, mụ ăn mày bắt nó uống thuốc ngủ Seduxen. Quá độ, em chết, lên thiên đàng, kể là dưới trần gian, cuộc đời chỉ là một giấc ngủ. Bảo đảm cái con ranh trước mặt cũng là một dạng ăn mày, thuê con, để từ từ giết! Nếu sẵn búa, tôi đã gõ lên đầu nó một phát thật mạnh, để cứu đứa trẻ thơ, vô tội, quá tội nghiệp. Đến Los Angeles gần nửa khuya, tôi vào trạm, thấy khoảng 500 hành khách, đa số Mễ. Bơ phờ, tôi đứng xếp hàng, chờ chuyến đi San Ysidro, một thị trấn nhỏ cách Tijuana, Mexico, một cái cầu.

San Ysidro lên báo năm 1984 khi James Oliver Huberty, 41 tuổi, vào một tiệm ăn nhanh bình dân, McDonald’s, với một cây tiểu liên Uzi và 2 khẩu súng khác, để bắn 21 người chết, 19 người bị thương. 77 phút sau khi nổ súng, khi đã phun 257 viên, Huberty mới bị một xạ thủ cảnh sát giết. Vừa quét vừa tỉa, Huberty vừa khoe là đã tàn sát cả mấy ngàn người tại Việt Nam, tuy sự thật thì hắn chưa từng vào lính để phục vụ tự do, tư bản và dầu hỏa. Trong 21 nạn nhân chết, 20 là Mễ, kể cả nhiều con nít, trẻ nhất là 8 tháng. Huberty da trắng. Rời nhà, hắn bảo vợ, “Tao đi săn người”. Hồi còn trẻ, Huberty tập sự trong một phòng lễ tang, sau này thành thợ hàn và nhân viên an ninh, nên quen cầm súng, tuy ở Mỹ, rất nhiều người thoải mái với súng ống. Mỗi năm, hơn 8.000 người Mỹ bị giết bởi súng. Theo tỉ lệ, nước Mỹ đứng hạng thứ 8 trên thế giới, chỉ thua Nam Phi, Columbia, Thái Lan, Zimbabwe, Mexico, Belarus và Costa Rica. Sau vụ Ysidro, vợ của Huberty kiện McDonald’s và một công ty đã mướn chồng mụ làm thợ hàn, đòi bồi thường 7.880.000 USD. Mụ bảo là bột ngọt trong thức ăn McDonald’s, và chất chì và catmi trong việc làm thợ hàn đã khiến chồng mụ điên. Tòa không đồng ý. Một ngày trước khi lên cơn, Huberty có điện thoại đến một phòng khám bệnh tâm thần, để lại lời nhắn trong máy ghi âm, nhưng vì lời lẽ không cấp bách lắm, cô thư ký chưa kịp hồi âm.

Ngủ khách sạn tại San Ysidro, sáng hôm sau tôi mò qua Tijuana, dân số 1.500.000. Thành phố này sống nhờ du khách và những xưởng Mỹ, tuy một số đã đóng cửa, dọn qua Tàu để mướn nhân công còn rẻ hơn. Trung tâm Tijuana khá Mỹ hóa, rất lố bịch, nhan nhản cò. Tưởng tôi Nhật, một tên cúi thật thấp, xổ, “Konnichiwa!” Thấy tôi không phản ứng, hắn cúi sơ sơ, “Ní hảo”. Khác những tỉnh khác tại Mexico, nhà thờ chính tại Tijuana không có quảng trường, nên tôi không có chỗ để yên thân, dòm thiên hạ qua lại. Tôi leo đại lên một xe buýt để thoát khỏi trung tâm. Đi một vòng, lâu cách mấy, trước sau nó cũng phải trở về chỗ cũ. Trên xe buýt có một anh hát rong, khều đàn, nghe cũng vui vui. Hát đúng 2 bài corrido, hắn quyên tiền, rồi biến mất, làm tôi cũng cụt hứng. Mới lên, tôi cứ tưởng sẽ có kẻ hát cho mình hoài hoài, fast forward, rewind, như một máy CD!

Buổi trưa tôi đã hẹn gặp David Ungerleider, phó viện trưởng của một trường đại học tại Tijuana, Universidad Iberoamericana, và cũng là một thầy tu Dòng Tên. Tuy đã được giới thiệu qua email, tôi rất ngại gặp những vị tu hành, vì sợ âm dương sẽ đối chọi, choé lửa, phỏng cả hai bên, phí tiền lột da, giải phẫu, nhưng Ungerleider rất vui vẻ, chịu chơi. Sinh tại Mỹ, hắn đã cống hiến cả cuộc đời vào việc từ thiện, hoạt động tại Philadelphia, Puerto Rico, Cuba và khắp Mexico. Tại Philadelphia, hắn giúp những kẻ nghiện ma túy, rồi dựng một trung tâm giải trí, cố vấn người nghèo về những vấn đề xã hội. Tại Tijuana, hắn thiết lập một trường trung học, một trường đại học và một thư viện miễn phí tại một xóm nghèo nhất. Ungerleider cũng rất trí thức, với một bằng đại học về triết học và một bằng về nhân học. Trước khi lái xe, hướng dẫn tôi một vòng quanh Tijuana, hắn chở tôi về nhà dòng tại một xóm rất xinh, Playas, mời tôi ăn bữa trưa. Tôi ngồi tại bàn tròn với 4 thầy tu, điềm đạm ăn cơm, nhỏ nhẹ đàm thoại như một kẻ không quá nhơ nhuốc. Nếu ai lỡ mở cửa bước vào, có lẽ họ cũng tưởng tôi là một thầy tu.

Bức tường giữa San Diego và Tijuana

Biết tôi tò mò về những vấn đề biên giới, Ungerleider chở tôi đến xem bức tường giữa San Diego và Tijuana. Dài 26 km, bức tường này có chỗ 2 lớp, chỗ 3 lớp. Hết đất, tường chạy luôn xuống biển. Bốn chiếc trực thăng Mỹ lơ lửng trên trời 24/7 để rình bắt những kẻ qua lậu, nhưng mỗi ngày, cả trăm người vẫn vượt biên thành công. Ngồi trên xe, tôi thấy nhiều đàn ông, thanh niên lảng vảng gần bức tường, chờ đêm xuống để trèo hay phá tường, rồi luồn qua. Họ hy vọng sẽ gặp cò đang chờ họ bên kia, hay tự vào phố nếu sành đường, nhảy lên xe đò Greyhound. Nhiều người mặc quần áo đen, bịt mặt kiểu ninja hay Comandante Marcos, cho khó bị phát giác. Rất nhiều cảnh sát biên giới Mỹ là gốc Mễ, vì họ sẵn thông thạo tiếng Tây Ban Nha và lề lối người Mễ. Qua Mỹ hai đời, họ được trả lương để rình bắt đồng hương. Trong số vượt biên, một số không phải là người Mễ mà Guatemala, Honduras, El Salvador. Nằm trong vùng kiểm soát của nước Mỹ hơn 100 năm nay, họ đều phải sống dưới những chính phủ độc tài, tham nhũng, đàn em trung thành, thiếu nợ nước Mỹ đời đời. Tại một khúc ngắn, tường chỉ là hàng rào dây thép. Đứng bên Mễ, tôi thò một ngón tay về Mỹ. “Tao đang ở bên Mỹ,” tôi bảo Ungerleider.

“Ừ, thì một ngón tay mày đang ở Mỹ.”

Cuối tuần, một số người Mễ về thăm thân nhân kiểu này. Họ đứng bên này, vợ con hay tình nhân đứng bên kia. Chu mỏ qua kẽm, họ còn có thể hôn nhau.

© 2006 talawas

Đinh Linh sinh 1963 tại Sài Gòn. Qua Mỹ 1975. Có lúc sống ở Ý và Anh. Theo tự bạch của Đinh Linh, cách đây vài năm, anh đi sơn nhà, rửa cầu tiêu để kiếm ăn, nhưng hiện nay chỉ phải dạy sinh viên Mỹ làm thơ, làm văn tại các trường đại học như Bard College (New York), Fairleigh Dickinson (New Jersey) và Naropa (Colorado). Anh đã được mời đọc thơ ở khắp nước Mỹ và tại London, Cambridge và Berlin. Đinh Linh hiện sống với vợ, Diễm Hằng, tại Philadelphia.

Tác phẩm: Viết bằng tiếng Anh, Đinh Linh là tác giả của hai tập truyện ngắn: Fake House (2000) và Blood and Soap (2004) và ba tập thơ: All Around What Empties Out (2003), American Tatts (2005) và Borderless Bodies (2006). Anh cũng là chủ biên các tuyển tập: Night, Again: Contemporary Fiction from Vietnam (1996) và Three Vietnamese Poets (2001). Anh là dịch giả của tập Night, Fish and Charlie Parker (2006), thơ Phan Nhiên Hạo. Anh cũng đã dịch nhiều nhà thơ, nhà văn Việt sang tiếng Anh, và nhiều nhà thơ thế giới sang tiếng Việt.

Những sáng tác của Đinh Linh đã được tuyển vào Best American Poetry 2000, Best American Poetry 2004, Great American Prose Poems from Poe to the Present, và nhiều tập khác. Blood and Soap được báo Village Voice (New York) chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2004 và đã được dịch sang tiếng Ý, xuất bản dưới tựa đề Elvis Phong è Morto (2006).

Những tác phẩm và bài viết tiếng Việt của Đinh Linh được đăng trên các trang Tiền Vệ, talawas, Tạp chí Thơ, Văn Học, Văn, Gió Văn, Hợp Lưu, và Da Màu.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài