talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 31.12.2006


Tô HoàiBa người khác


To Hoai
Tô Hoài
(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Mười bốn năm sau khi hoàn thành bản thảo, tác phẩm Ba người khác của nhà văn lão thành Tô Hoài nay đã chính thức ra mắt bạn đọc và đang được dư luận đặc biệt chú ý. Trong những ngày qua, chúng tôi đã có dịp đăng một số bài viết về tác phẩm này. Được sự cho phép của tác giả, talawas chủ nhật kì này hân hạnh giới thiệu toàn văn Ba người khác đến bạn đọc.


talawas chủ nhật

 

Tô Hoài

Ba người khác


I II III IV V

Ở xóm Am, xóm Chuôm và cả làng ấy đến bây giờ còn kể một câu chuyện ly kỳ.

Năm ấy, có một đợt tuyển bộ đội. Hai anh em Vó và Cò, con bác trưởng thôn Diệc đều tòng quân. Bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Mỹ đương giai đoạn khẩn trương, tuổi trẻ cả nước ra mặt trận. Đôi khi, có thư chuyển tay về nhà, có lần có người qua lại, do vậy ở nhà cũng biết tin tức.

Cò thì vào bộ đội vận tải. Vó thành chiến sĩ đặc công. Ở làng bàn tán thấy bảo Vó là đặc công nước, không phải đặc công bộ. Có lẽ thật như thế, bỗng nhiên một lần kia Vó được về làng. Cả làng xúm lại hỏi: "Thế thì Vó bơi từ trong mặt trận ra à?" Rồi đâu đâu cũng đồn chiến sĩ đặc công Vó đã bơi từ mặt trận ra. Thật ra thì chiến sĩ đặc công Vó có công tác đi với đoàn ra miền Bắc. Bây giờ tên Vó là chiến sĩ Quyết Thắng.

Rồi chiến sĩ Vó lại đi ngay.

Thế mà cái tin đội trưởng Cự vào mặt trận phía Nam rồi ra hàng địch, nghe đài Sài Gòn nói, nhiều người cũng biết. Cự chẳng dây mơ rễ má, chẳng họ hàng bàng sang với nhà ai, nhưng bởi Cự đã về làng làm những chuyện động trời, cho nên người ta nhớ, nhớ cái hồi làng nước áo xám. Đòn đau nhớ lâu...

Mọi người còn biết rõ hơn nữa, không biết là thêu dệt hay tường tận. Chuyện cứ hệt như tận mắt trông thấy. Chuyện là bên ta đã hạ quyết tâm tiêu diệt bằng được thằng phản bội ấy. Cả một trung đội sẽ tấn công, nhưng đặc biệt phải bắt sống hay là giết nó tại trận. Nhiều người giơ tay xin nhận lệnh, rồi chỉ có chiến sĩ đặc công Vó được vinh dự. Quyết Thắng nói: "Tôi biết mặt thằng Cự, nó đã ở nhà tôi mà".

Một trận đánh chớp nhoáng đột nhập vào cơ quan chiêu hồi của nguỵ ở giữa Sài Gòn. Chiến sĩ Vó đã rút dao chém đứt cổ Huỳnh Cự trong đám quân tháo chạy.

Câu chuyện kỳ lạ cứ được các xóm kể lại mãi, không biết thực hư thế nào.

1992


I II III IV V


Nguồn: Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại Nghĩa Đô, Từ Liêm, Hà Nội. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam 1957, hiện sống tại Hà Nội. 1945 - 1958 làm phóng viên rồi Chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc. 1957 - 1958 Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. 1958 - 1980 Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. 1986 - 1996 Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Hiện sống tại Hà Nội. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (đợt 1, 1996).

Tác phẩm Gần 200 tác phẩm, nổi bật là Dế mèn phiêu lưu ký (truyện dài, 1942); Quê người (tiểu thuyết, 1943); Truyện Tây Bắc (tiểu thuyết, 1954, Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956); Miền Tây (tiểu thuyết, 1960, Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1970); Tự truyện (hồi ký, 1965); Quê nhà (tiểu thuyết, 1970, Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970); Cát bụi chân ai (hồi ký, 1992); Chiều chiều (hồi ký, 1997)...

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài