talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần II

Mùa đông

Lời cảnh báo cho phần hai Chương 1: Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?! Chương 2: Mong mỏi được trở về quê hương Chương 3: Những chuyện không thể hiểu Chương 4: Cuộc sống vẫn vậy Chương 5: Để mọi người đều biết mà đề phòng Chương 6: Thời thế tạo anh hùng Chương 7: Đâu là đáy của xã hội Chương 8: Công cốc Chương kết

 



Chương 3

Những chuyện không thể hiểu

Ở chương trước tôi đã nói là tôi và Doanh đều không thể làm một việc vừa thất đức vừa bất nhã là dùng những lối từ duy lô gic thực tế để đánh bay đi niềm vui sum họp của gia đình người khác, thế nhưng mà cũng chỉ được một hôm thôi. Giờ đây vốn khôn khéo như Doanh còn hết kiên nhẫn rồi, sau khi gọi điện vào máy di động của anh trai chị Diêu, để cho chị Diêu ôm ống nghe khóc một chặp, chỉ khóc chứ không nói được gì vì chị nói không ra tiếng Việt, đến phiên Doanh dùng ngôn ngữ miệng nói chuyện với anh chị Diêu, tôi nghe giọng nói của nó chuyển biến qua nhiều cấp độ từ rất thấp rất ngọt ngào cho đến rất cao rất chua.

“Dạ, dạ, vâng, vâng, bọn em quen chị ấy, dạ, dạ, cũng mới quen thôi ạ.” Giọng nói nhẹ nhàng lịch sự.

“Dạ! Chị ấy làm bưng bê ở quán ăn, bọn em là sinh viên ạ.” Giọng nó đã có âm như khi gằn giọng.

“Dạ! Bọn em sẽ để ý giúp chị ấy ạ.” Câu này được nói ra một cách sốt ruột thấy rõ.

“Dạ! Làm sao để chị ấy về được thì bọn em cũng chưa biết ạ!” Lần này thì nó cao giọng thật rồi.

“Anh ở nhà cứ đi hỏi đi ạ! Đến công an hỏi ấy ạ! Bọn em không biết!” Tôi chưa bao giờ thấy “chuyên gia ngoại giao” Doanh có vẻ khó chịu khi nói chuyện như thế này, đặc biệt là lại với người lạ.

Sau cùng nó nói “Chào anh!” đúng là một âm thanh mạnh và lạnh lùng rồi đặt mạnh cái ống nghe xuống, phát ra một tiếng “cộp” đầy tâm trạng, nhìn tôi, nói bằng tiếng Việt:

“Có dở hơi không? Cứ nằng nặc đi hỏi mình chị ấy làm thế nào về được, bảo mình đi hỏi hộ, trong khi đang ở Việt Nam, muốn hỏi thì đến công an mà hỏi chứ sao! Nói thế mà vẫn còn nghĩ chúng mình cũng là mấy đứa con gái bị bán đi lê la hàng quán cùng chị ấy cơ đấy, thế thì còn hỏi mình làm gì?!” Nó tức tối tuôn ra một tràng tiếng Việt, rồi thấy chị Diêu đang ngơ ngác nhìn, nó nói bằng tiếng Trung, giọng vẫn còn cáu kỉnh nhưng có bớt hỏa so với vừa rồi:

“Nhà chị chưa hề báo công an hồi chị bị bán?!” Nó nói không ra câu hỏi mà cũng không ra câu kể.

“Ừ.” Chị Diêu thản nhiên.

“Chị cũng biết thế à?”

“Là tôi bảo họ đừng báo công an.”

Lại cái kiểu ăn nói làm người ta muốn chết đứng được, có nói bao nhiêu lần như thế chúng tôi cũng chẳng có cách gì quen nổi.

“Hồi ở Nam Ninh, tôi gửi thư bảo bố mẹ đừng báo công an vội, trong hai người bán tôi một người là người yêu tôi hồi đấy, tôi muốn cứ để thế để đến lúc tôi về được tự tôi hỏi anh ta sao lại bán tôi.” Chị Diêu kể hồn nhiên như thể đang kể một chuyện hoàn toàn chí lý.

“Thế mà bố mẹ chị nghe à?!” Lần này thì đến lượt tôi chứ không phải Doanh nữa muốn hét lên.

“Tôi bảo họ không báo công an.”

“Không báo là không báo thế nào?! Đây là buôn bán trẻ vị thành niên cơ mà?!” Vốn không hy vọng chị Diêu hiểu được cái cụm từ “trẻ vị thành niên” có ý nghĩa gì ở đây nhưng tôi vẫn nói, chẳng còn kịp tính cách nói cho chị hiểu nữa rồi.

“Tôi bảo họ không báo công an.” Chị Diêu lặp lại và chúng tôi hiểu ra đã đến phần “điệp khúc” nhắc đi nhắc lại, không thể hỏi gì hơn nữa rồi.

Doanh thở dài, bỏ cuộc đấu họng với chị Diêu, quay ra nói với tôi bằng tiếng Việt, bây giờ nó đã bình tĩnh ít nhiều:

“Chẳng hiểu ra làm sao nữa, cái ông anh chị Diêu thản nhiên nói thế này: “Hai thằng bán nó về sau vẫn ở làng, chưa đi đâu cả, thằng anh bây giờ vẫn ở nhà, thằng em chết rồi.” Anh ta còn nói cả cụ thể tên hai thằng bán người ấy ra nữa, Cầm thấy thế nào?! Ly kỳ hấp dẫn không?!” Doanh mỉa mai nói.

Tôi ngẩn ra, trợn mắt nhìn nó.

“Như thế là thế nào? Không ai bị bắt? Không ai phải vào tù?” Tôi lắp bắp.

“Ai mà biết thế là thế nào nữa?! Không khéo thực ra cũng không có ai bị bán cũng nên!” Doanh thở dài “Giờ thử tìm người hỏi xem để chị Diêu về thì làm thế nào, việc này đến phiên Cầm lo.” Nó ra giọng phân công, tôi gật đầu, vẫn chưa hết shock vì thông tin vừa rồi của Doanh, đầu óc rối tung, cảm thấy từ lúc quen chị Diêu, cơ hội được làm người bình thường của mình nhiều lên bao nhiêu, shock lớn shock bé không ngừng kéo đến.

Thật ra hỏi cách để chị Diêu về được nhà đơn giản và nhanh hơn tìm nhà chị nhiều, tôi chỉ cần vài phút nhấn điện thoại gọi anh, kể lể việc chị Diêu, rồi hỏi:

“Em phải hỏi ở đâu bây giờ?”

“Em ghi cái số điện thoại này vào nhé:…” Anh đọc một số điện thoại lạ hoắc và một cái tên lạ hoắc của ông Nguyễn Văn S nào đó, tôi lấy giấy bút ghi lại ngay.

“Đây là số điện thoại của ông đại sứ ở Bắc Kinh, hồi trước Kim cho anh cái số này đó, việc này thế nào cũng do họ lo thôi, em gọi xem.”

Tôi gọi điện cho ông Nguyễn Văn S, tiếng chuông reo một hồi, hai hồi, ba hồi, bốn hồi,… tôi kiên trì đợi đến hồi chuông thứ sáu thì đặt ống nghe xuống với hy vọng rằng một lát nữa gọi lại sẽ có người trả lời, chị Diêu ngồi im ở một góc, giương mắt nhìn tôi dò hỏi.

“Có lẽ hiện giờ không có người, tẹo nữa gọi lại vậy.” Tôi giải thích đơn giản.

“Cô bảo người ta có cho tôi về không?”

“Thế nào chả phải cho chị về, đó là việc của họ.” Tôi khẳng định.

“Nếu họ không cho tôi về thì sao? Tôi sợ.”

“Chị ra chơi với mọi người đi.”

Trong mấy ngày quen với chị Diêu và cách nói chuyện của chị, tôi biết là mình hoàn toàn bất lực trong việc giải thích cho chị hiểu tại sao đại sứ quán lại phải cho chị về nước, trong khi đó điệp khúc “Tôi sợ” lại bắt đầu muốn vang lên rồi, tôi kiên quyết ngăn chặn bằng cách chỉ ra phòng ngoài, nơi Doanh cùng mấy anh chị nghiên cứu sinh và sinh viên mới đang ngồi uống chè ăn bánh quy, chẳng phải tôi không muốn thông cảm với chị Diêu, có điều thói quen ngày ngày tìm cảm giác mới lạ trong ngôn ngữ mà internet từ lâu rèn giũa cho tôi không cho phép đôi tai của tôi chịu đựng quá nhiều những tiếng “tôi sợ” mà bản thân mình lại không có cách gì giải quyết như thế này, với lại nhìn chị Diêu ngồi bó gối trên nền thảm xốp ở một góc như thế, tôi cũng cho rằng thay vì cứ ngồi mà lặp đi lặp lại các điệp khúc không suy nghĩ như thế thì ra phòng ngoài nói chuyện với mọi người còn tốt hơn với chính chị.

Đó là buổi sáng sau ngày xác định được thân phận của chị Diêu một ngày và trước buổi picnic của hủ nữ một tuần. Một ngày đặc biệt, phải nói thêm là tôi cảm thấy gần đây mật độ các ngày đặc biệt ngày càng nhiều, hôm nay ngoài chị Diêu ra nhà tôi còn có thêm mấy vị khách, có ba anh chị nghiên cứu sinh và hai sinh viên mới, tất cả đều mới đến trường này trong một tháng nay và đều nói chưa sõi tiếng Trung lắm.

Chị Diêu từ chối ra nói chuyện với mọi người, cứ nhất định ngồi im ở chỗ cũ, nhả khói thuốc lá, tôi cũng chịu thua, để chị ở trong phòng với khói thuốc của chị đi ra ngoài để chào hỏi mọi người. Vì từ lúc họ đến tôi còn đang bận gọi điện thoại, thế nên khi tôi ra một anh trông có vẻ nhiều tuổi nhất giới thiệu mọi người với tôi:

“Anh tên là H, đây là chị I, đây là chị J, đây là…”

“Em tên là Cầm.” Tôi cũng vội vàng đáp lại, ngán ngẩm khi thấy cái bệnh luôn mở mồm sau người khác của mình vẫn không có cách gì thay đổi.

“Gọi điện thoại thế nào?” Doanh hỏi.

“Chẳng có ai nghe cả, chốc nữa gọi lại.” Tôi trả lời.

“Khổ thân con bé.” Anh H nhìn chị Diêu ngồi bó gối ở phòng trong ái ngại (Từ lúc còn ở trong phòng tôi đã nghe Doanh kể vanh vách “tiểu sử” chị Diêu cho các vị khách rồi).

“Ghê quá, từ trước chị mới chỉ thấy người bị bán trên báo, bây giờ mới thấy người thật lần đầu tiên.” Chị J chau mày thở dài.

“Trông nó ngồi đến tội.” Chị I nói, giọng rất thương tâm.

“Lại ngồi nhà người ta hút thuốc rồi, chẳng biết ý gì cả, mà hay nói linh tinh lắm các anh chị ạ, hôm nay nói thế này mai lại thế khác.” Doanh nói, không có vẻ là khó chịu mà chỉ ra đang kể lể bình thường.

“Thì em bảo, nó bị bán từ hồi mười lăm tuổi thế có được dạy bảo gì đâu.” Giọng chị I càng ngày càng thương cảm, tôi cũng đâm mủi lòng lây, hối hận vì ban nãy đã tỏ ra lạnh lùng với tiếng “tôi sợ” của chị Diêu, thế là tôi ăn một cái bích quy rồi lại đứng dậy quay vào phòng trong ngồi với chị Diêu, cứ ngồi vậy không nói gì, kiên nhẫn chịu đựng khói thuốc lá vẫn không ngừng phun ra, cố gắng chờ đến đúng nửa tiếng sau khi tôi gọi cú điện thoại đầu tiên đến đại sứ quán để gọi lại lần nữa.

Nửa tiếng đồng hồ chậm chạp trôi qua, đúng lúc tôi vươn tay toan nhấc máy gọi tiếp thì chuông điện thoại đã kêu trước, tôi nhấc máy, nghe thấy giọng nói quen thuộc của anh:

“Hôm nay không gọi được đâu, đại sứ quán Chủ nhật nghỉ làm.”

“Nghỉ làm cũng không có nhân viên trực hay sao?” Tôi ngạc nhiên.

“Không có.”

“Anh cũng gọi đến đấy à?”

“Ừ, việc quan trọng thế, anh sợ em không biết cách trình bày khó hỏi nên anh gọi luôn.”

“Em mà không biết trình bày?!” Tôi đâm tự ái, tôi đúng là người chậm chạp trong ăn nói nhưng thực ra chỉ là vấn đề tốc độ trong giao tiếp thôi, chứ còn kể chuyện hay thậm chí cần trần thuật ra cả một trường thiên tiểu thuyết thì đấy là chuyên môn của hủ nữ rồi, nếu không thì đã chẳng sinh tồn nổi trên bất cứ một diễn đàn đan mỹ nào trên mạng, lấy đâu ra thứ hủ nữ không biết trình bày?!

“Không phải là nói khả năng ngôn ngữ của em, mà là cái tính khí của em ấy, gọi đến đó sợ khó nói chuyện.”

“Tính em làm sao nào?” Tôi sẵng giọng.

Từ trong ống nghe truyền đến tai tôi chỉ là tiếng anh cười, tôi biết mình lại hớ, hơi bực mình.

“Không có gì đâu, đừng để ý, nghe này, anh gọi đến đại sứ quán không có ai nghe, thế là anh gọi cho cậu N (cậu trưởng đoàn sinh viên Việt Nam ở Thượng Hải), cậu ấy bảo là cuối tuần đại sứ quán nghỉ, chờ đến thứ Hai gọi lại thôi, còn cho anh thêm hai số điện thoại nữa, một số của ông M ở lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Châu, một số của ông Q ở lãnh sự quán ở Nam Ninh, có lẽ em cũng cần cả đấy, ghi vào nhé:…” Tôi lại cầm giấy bút ghi lại hai số điện thoại anh đọc.

“Riêng ông Q ở Nam Ninh có cả số di động đây, em cũng ghi này:…” Tôi tiếp tục ghi số di động của ông Q.

“Tại sao toàn ở những chỗ xa thế nhỉ?” Tôi thở dài.

“Biết làm thế nào được, Thượng Hải không có lãnh sự quán nước mình.” Anh nói.

Sau anh cúp máy, tôi quyết định không chờ đến thứ Hai mới tiếp tục gọi điện thoại mà gọi ngay vào số di động của ông Q ở lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, lần này thì được trả lời ngay, giọng ông Q rất khó đoán tuổi, không còn trẻ nữa nhưng cũng không già lắm, tôi đoán có thể từ ba mươi đến hơn bốn mươi tuổi, vì thế cứ cẩn thận xưng “cháu” khi nói, tôi giới thiệu mình đang ở Thượng Hải và vắn tắt kể tình hình chị Diêu, cảm thấy anh đúng là lo vớ vẩn vì tôi tự thấy mình trình bày rất khá, nhưng chưa kịp phấn khởi vì khả năng trình bày tự chấm điểm của mình, tôi đã ngớ người vì ông Q sau khi nghe tôi kể lể xong, buông ra câu đầu tiên về vấn đề này lại là:

“Ở đấy đã chín năm rồi còn về làm gì?!”

Tôi lại lâm vào tình trạng mất khả năng ngôn ngữ như khi tiếp chuyện chị Diêu, tại sao ngay cái câu đầu tiên lại có nội dung như thế?!

“Chị ấy muốn về ạ.” Tôi nghe thấy giọng mình vang lên, vẫn còn ý thức là mình đang nói chuyện qua điện thoại chứ không phải trực tiếp, không thể để họng cứng lâu quá năm giây được “Với lại chị ấy ở Trung Quốc không có hộ chiếu hay chứng minh…” Tôi còn chưa kịp nói tiếp thì bị ngắt lời.

“Bảo cô ấy đến đây.” Ông Q nói.

“Tức là đến lãnh sự quán chỗ chú ấy ạ?”

“Ừ, bảo cô ấy đến đây, chúng tôi sẽ xem xét. À, ở chỗ đấy, chỗ đấy là Thượng Hải hả?” Ông Q hỏi lại.

“Vâng ạ.” Tôi trả lời, nhớ rằng mình đã nói địa điểm của mình và chị Diêu ngay câu đầu tiên.

“Ở Thượng Hải cô ấy làm việc gì rồi?” Ông Q lại hỏi.

“Chị ấy làm bưng bê ở quán ăn thôi ạ.”

“Được rồi, bảo cô ấy đến đây, chúng tôi sẽ xem xét, cũng phải mất vài ngày đấy, cô ấy có nghỉ làm mà đến chờ được không?”

“Liệu mất bao nhiêu thời gian ạ?” Tôi hỏi, bụng nghĩ thầm đâu phải nói chuyện đi chơi đâu mà còn quan tâm đến nghỉ làm được hay không?! Bắt đầu hoài nghi về độ tuổi và trình độ của người đối thoại.

“Chưa biết được, xem tình hình đã.” Ông Q nói rồi cúp máy.

Sau cuộc điện thoại với ông Q, tôi cố hết sức giảng giải cho chị Diêu rằng chị phải đến đại sứ quán hay lãnh sự quán nào đó, ở đó có những người sẽ thu xếp cho chị về, và tôi thấy lãnh sự quán ở Nam Ninh là tiện nhất vì địa điểm gần Việt Nam nhất.

“Họ có cho tôi về không?”

“Thế nào họ cũng cho chị về thôi, mất ít thời gian.”

“Nếu họ không cho tôi về thì sao? Tôi sợ.”

Chẳng còn tâm trạng đâu đi nghe và thông cảm cho cái điệp khúc của chị Diêu nữa, tôi còn đang bận tự tư duy cái câu phủ đầu “Ở đấy chín năm rồi còn về làm gì?” của ông Q và thái độ quan tâm đến việc “phải nghỉ làm” của chị Diêu, cố gắng kiềm chế để mình không bị shock tiếp. Tôi nhớ là tôi chỉ nói rất vắn tắt cũng giống như bản thông báo đăng trên mạng vậy thôi, không hề nói với ông Q là bố mẹ chị Diêu thậm chí hồi chị ở Nam Ninh còn liên lạc được qua thư, cũng chẳng hề nói chuyện một kẻ bán chị vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật cho đến khi chết vì một lý do nào đó còn kẻ kia thì vẫn sống ung dung ngay gần nhà bố mẹ chị Diêu cho đến giờ, tôi chỉ nói rằng ở đây có một cô gái bị bán sang từ chín năm trước và giờ muốn về nhà, thế thì tại sao ông ta lại hỏi “về làm gì nữa?”?!

Tôi nhìn chị Diêu lại nhớ ra một việc, hỏi chị:

“Chị bảo trong hai người bán chị có một người là người yêu lúc đó?”

“Ừ, tôi vẫn muốn gặp lại hỏi xem tại sao lúc đó lại bán tôi, làm tôi khổ thế.”

“Tên hắn là gì?”

“Tên là Úy.” Lần này thì chị Diêu không bập bẹ khi nói cái tên này.

“Này, Doanh.” Tôi lớn tiếng gọi ra phòng ngoài bằng tiếng Việt “Cái tay chết rồi ấy tên là gì?”

“Úy.” Doanh cũng lớn tiếng trả lời.

“Thế thì em nói với chị nhé.” Tôi hạ giọng, cố gắng dùng thứ tiếng Trung thật dịu dàng nói với chị Diêu “Anh trai chị vừa bảo Úy chết rồi.”

Chị Diêu giương mắt nhìn tôi mấy giây, rồi ngơ ngác hỏi:

“Thật à?”

Tôi gật đầu.

“Sao mà chết?”

“Em không biết, anh ấy chỉ nói là chết rồi thôi.” Tôi nói.

Chị Diêu càng co mình lại, trông chị lúc này thật bé nhỏ, khuôn mặt chẳng biểu hiện mấy cảm xúc ngoài sự ngơ ngẩn vốn có.

“Tôi vẫn muốn hỏi anh ta sao lại bán tôi.” Chị lặp lại câu nói.

“Chị không hỏi được nữa rồi.” Tôi nói.

“Sao lại chết nhỉ?” Chị lầm bầm, chỉ có vẻ thắc mắc chứ chẳng thương tiếc gì, rồi nói tiếp “Thực ra tôi vẫn không biết thật sự anh ta có bán tôi hay không, hôm ấy tôi nhận lời đi chơi với Úy, với cả anh trai anh ấy, trên đường đi Úy có bảo tôi là anh trai anh ấy mà gọi đi thì đừng đi theo, thế nhưng tôi vẫn đi theo, rồi tôi bị bán.”

“Có thể Úy không định bán chị.” Tôi nói, ra giọng an ủi, cái đống shock lớn shock bé lùng nhùng trong đầu tạm tan biến trong phút chốc để tạm đồng cảm với chị.

“Có thể thế, có thể anh ta có biết anh trai anh ta định bán tôi mới bảo tôi thế, tôi vẫn muốn hỏi anh ta cho rõ.” Chị Diêu vẫn kể đều đều, có vẻ thất vọng nhưng khá điềm tĩnh.

Tôi thật chẳng còn biết đằng nào mà lần nữa, mới hồi nãy chị và gia đình chị đã làm cho tôi phải nghi hoặc việc chị bị bán có nhiều khả năng là một câu chuyện bịa, đến giờ nghe chuyện này, trông bộ dạng này, lại làm cho tôi thấy quá khó để không tin chị, nếu là bịa thì bịa cả chuyện người yêu có thể hay không có thể bán làm gì cơ chứ? Mà thực ra bịa ra với chúng tôi làm gì? Tôi nghĩ đi nghĩ lại đều không thấy có lý do gì để không bịa ra chuyện bị bán thì chúng tôi sẽ không đối xử tốt với chị cả.

Đầu rối như tơ vò, tôi nhìn chị Diêu ra về, rồi quay sang nói chuyện với mấy anh chị nghiên cứu sinh và sinh viên mới kia, rất phấn chấn khoe phát hiện mới của tôi hôm nay, đó là: ở đại sứ quán và các lãnh sự quán Việt Nam trên toàn Trung Quốc, cuối tuần là kỳ nghỉ và không có người trực điện thoại, ai nghe tin này cũng lấy làm lạ lắm, công nhận đúng là phát hiện mới.

Tối đó, Doanh bận, nó có hẹn đi chơi với mấy đứa con trai, liên hoan dịp gì đó riêng của bọn con trai thì phải, có lẽ là tụ tập đánh bài thôi, tôi ở nhà một mình, chat với anh công an trẻ “Tinh-yeu-o-noi-dau” để hỏi thêm về tình hình nhà chị Diêu.

Anh công an bức xúc ghê gớm, ấm ức kể cho tôi nghe, anh mất công nhờ đồng nghiệp ở Thái Bình tìm ra nhà chị Diêu, liên lạc với người nhà, cho số điện thoại và địa chỉ e-mail của chúng tôi, cả số điện thoại của anh, kết quả là hôm trước cho số hôm sau ông anh trai chị Diêu chạy đến Hà Nội tìm anh, vừa gặp đã hỏi làm thế nào cho chị Diêu về bây giờ? Anh nói anh cũng không biết, anh không lo việc này, anh chỉ tình cờ thấy người báo lên mạng nên giúp liên lạc thế thôi, bảo họ đến hỏi bộ phận lo được, họ vẫn cứ bám lấy hỏi anh, nói như quát, cứ như là mắng anh ấy, thế là anh cũng nổi cáu lên, mắng trả, sau rồi họ cũng có xin lỗi. Tôi xem mà thấy cám cảnh cho anh công an nhiều quá, tôi vốn như tất cả mọi công dân, mọi thành phần dân sự của Việt Nam khác thường có ấn tượng về công an lọt thỏm trong hai chữ “hách dịch”, nhưng sáng nay tận mắt chứng kiến “chuyên viên ngoại giao Doanh” cũng chịu không thấu mà phát hỏa khi nói qua điện thoại với anh trai chị Diêu, tôi cũng không cho việc anh công an này mà có nổi cáu lên với người nhà chị Diêu có phần nào là lỗi của anh nữa.

Anh công an bảo “chẳng phải vì giúp bọn em anh đã chẳng dài hơi với họ, cái nhà ấy hâm!”, tôi cười bảo thế thì bọn em cám ơn anh, đúng là trong việc này thực ra chủ lực là anh ta thật, là anh ta trả lời thông báo của Doanh, là anh ta tìm thấy nhà chị Diêu, là anh ta thiết lập nên liên lạc, đúng là một con người đáng yêu, đây là lần đầu tiên tôi thấy có cảm tình với người mang dạng nickname “sến” và toàn chất yêu đương như anh công an “Tinh-yeu-o-noi-dau” này. Tôi cứ để cho anh ta xả hết bức xúc với người nhà chị Diêu, đến khi anh ta hỏi kỳ nghỉ Tết tôi có về không thì tôi chỉ cười mà trả lời rằng về hay ở tôi còn chưa biết.

Nhà chị Diêu ở Thượng Hải nằm trong một khu đúng nghĩa là khu ổ chuột, một con phố ở ngoại ô với đường nửa rải nhựa nửa vẫn còn là đất lầy lên, đó là một căn nhà chỉ có một tầng, rất nhỏ, có hai phòng, phòng ngoài được trang bị trông ra là một hiệu cắt tóc nhỏ, có mấy tấm gương khá to có nhiều vết mốc xấu xí, hai cái ghế tựa bọc da đúng loại để khách cắt tóc ngồi nhưng trông cũng rất cũ rất xấu, mặt da đã có nhiều mảng bong tróc, một chiếc ghế dài để khách nằm gội đầu cũng cũ như thế. Phòng bên trong là phòng ngủ, chúng tôi không vào, chỉ nhìn loáng thoáng từ bên ngoài nhưng cũng chắc chắn được là nó chẳng lớn hơn cái nhà tắm ở căn hộ thuê của chúng tôi là bao.

Lần này đến nhà chị Diêu, chúng tôi có ba người đi cùng nhau, Hạ, Doanh và tôi, lúc chị Diêu đến rủ Doanh và tôi đến nhà chị chơi thì Hạ vô tình có mặt, nó đến mượn Doanh một quyển sách (họ học cùng khoa ở trường), kết quả là ngẫu nhiên gặp chị Diêu, tính hiếu kỳ ngẫu nhiên trỗi dậy, Hạ đi cùng chúng tôi luôn.

Dung Dung nở nụ cười tươi như hoa đón chúng tôi từ cửa, đôi má bầu bĩnh đỏ hồng vì hơi lạnh, bộ dạng đặc trưng nhất cho trẻ con Trung Quốc. Doanh thở dài nói chị về Việt Nam con bé làm thế nào đây, thực ra thì hỏi thế thôi, hẳn nó cũng đã biết thừa câu trả lời, chị Diêu phải để con bé lại Trung Quốc là chắc chắn rồi, chị Diêu cũng nói thế.

“Chồng tôi nuôi nó.” Chị bảo.

Tôi toan hỏi “Chồng chị vẫn chưa đi à?” nhưng lại thấy anh “chồng” cao lớn có vết chân chim ở đuôi mắt từ bên ngoài đi vào chào lại thôi, thấy không cần hỏi nữa.

Hạ ướm lời hỏi chị Diêu “vợ chồng” chị lấy nhau có đăng ký kết hôn không, chị Diêu nghe chẳng hiểu Hạ hỏi cái gì, tôi đồ là chị không biết “đăng ký kết hôn” trong tiếng Trung là gì nữa nên nghe không hiểu, tất nhiên là từ này trong tiếng Việt thì đến giờ chị cũng chẳng biết nữa rồi, Doanh bảo dở hơi, chị ở đây đến cả thân phận hợp pháp còn không có, không chứng minh nhân dân, không hộ chiếu, đăng ký kết hôn thế nào?! Họ tất nhiên là vợ chồng hờ thôi. Hạ lại hỏi thế Dung Dung ra đời có giấy khai sinh không? Doanh lại bao dở hơi, có làm sao được?! Chị Diêu nghe vẫn không hiểu gì, tôi thử tìm cách giảng giải:

“Thế này nhé, khi một đứa trẻ ra đời, cần một tờ giấy…” tôi vừa nói vừa dùng tay kéo xấp giấy gì đó trên bàn mô phỏng giấy khai sinh “giấy ghi tên bố mẹ, tên đứa trẻ, ngày sinh,…”

Sau một hồi dùng cả tay để giải thích, chị Diêu vẫn vừa cười cười vừa lắc đầu tỏ ý không hiểu tôi đang mô tả cái gì, tôi lấy cả giấy bút viết ra mấy chữ tiếng Trung, chị Diêu cười lắc đầu:

“Tôi không biết chữ Hán.”

Tôi lại ngớ người, Doanh nhìn tôi rồi bật cười, Hạ cũng ngớ ra một tẹo rồi cười theo, lần đầu tiên cô sinh viên nghiêm khắc Hạ và cô nàng “điêu”, “giả tạo” Doanh (người này vốn thường trực là đối tượng nói xấu của người kia) có đồng quan điểm với nhau, đó là: Nguyễn Kỳ Cầm thật biết diễn hài.

Một người đàn bà trung niên to béo mặc áo khoác đỏ chót trông rất là… Trung Quốc đứng ngoài cửa vẫy tay gọi chị Diêu, chị đi ra một lát, lúc đó thấy một cô gái còn khá trẻ từ phòng trong đi ra, mặc quần bò áo khoác chỉnh tề nhưng mặt trông rõ là vẫn còn ngái ngủ, bây giờ mới là ban ngày, trời sáng bảnh mắt, Doanh thì thào “Chắc là cave đây!”, Hạ gật gù theo. Tôi lại được chứng kiến lần thứ hai Doanh và Hạ đồng quan điểm, có điều lần này còn khó chịu hơn lần trước (dù lần trước họ cười tôi), không phải là nhìn cô gái ấy, tôi không thể có được cái ý nghĩ “Chắc là…” đấy, thế nhưng đấy thường không phải là ý nghĩ đầu tiên, cũng không phải là ý nghĩ duy nhất, thứ ý nghĩ đấy nếu không bị họ nói ra trước làm ảnh hưởng đến thì rất có thể đến cả tuần sau, khi vì một lý do nào đó mà nhớ lại ngày hôm nay, mới có thể ngẫu nhiên xuất hiện trong đầu tôi, hoặc cũng có thể sẽ chẳng bao giờ xuất hiện cả. Tôi thấy kỳ quái, cứ cho là lần này họ đúng rồi đi chăng nữa nhưng sao mà có những người luôn luôn cứ nhìn thấy một số thứ là nghĩ ngay đến một số chuyện như thế chứ? Ý tôi là: thật sự chẳng cao nhã chút nào, cứ như là có quá thừa mứa những thứ dung tục luôn có sẵn trong đầu óc họ chỉ chực chờ cơ hội là bật ra được ngay.

Nhớ ra là vẫn được biết nghề nghiệp của chị Diêu là “bưng bê ở quán ăn”, tôi hỏi chị:

“Hiệu cắt tóc ở đây ai làm thế.”

“Tôi làm đấy.” Chị ngượng nghịu trả lời.

“Thế chị còn làm ở quán nữa?”

“Tôi nói dối đấy, nói là làm cắt tóc gội đầu thì nghe không được hay.” Chị Diêu giải thích.

Chúng tôi im lặng, Doanh và Hạ nhìn nhau đầy ẩn ý, tôi càng khó chịu hơn nhưng cũng hiểu là trong tình huống này thì phản ứng của họ mới là hợp lý.

“Đừng nói với người nhà tôi là tôi làm cắt tóc nhé.” Chị Diêu nói, chúng tôi đều bảo “Được.”

Bà trung niên áo đỏ có vào bế Dung Dung một lát, nói chuyện với chúng tôi, bảo chị Diêu số khổ, khó lắm mới gặp được đồng bào, mong chúng tôi giúp chị ấy về được nhà. Bà là hàng xóm, thỉnh thoảng vẫn trông Dung Dung, lại bảo con gái thì chị Diêu nhất định phải để lại đây thôi, nuôi một đứa trẻ con nhiều vấn đề lắm, chị lại đi về chẳng có vốn liếng gì thì nuôi con thế nào được.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài