talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 28.01.2007
Vũ Phương NghiChuyện lan man đầu thế kỷ

Phần I Phần II

Vu Phuong Nhi
Vũ Phương Nghi

Vũ Phương Nghi thuộc loại nhà văn bước vào văn đàn một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Chỉ với tiểu thuyết đầu tay, Chuyện lan man đầu thế kỷ, một giọng văn mới và riêng đã được ấn định, một tác giả mới đã tìm được chỗ cho mình. talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu tác phẩm của nhà văn có vị trí khá đặc biệt trong thế hệ nhà văn mới của Việt Nam.

talawas chủ nhật

Vũ Phương Nghi

Chuyện lan man đầu thế kỷ

(Tiểu thuyết)



Lời mở đầu

Nếu có ai đó cho rằng thế giới được số hóa và đem chuyển tải trong các đường dây internet là một thế giới ảo thì đó là sai lầm nghiêm trọng.

Phần II

Mùa đông

Lời cảnh báo cho phần hai Chương 1: Hủ nữ đi làm người bình thường dễ lắm?! Chương 2: Mong mỏi được trở về quê hương Chương 3: Những chuyện không thể hiểu Chương 4: Cuộc sống vẫn vậy Chương 5: Để mọi người đều biết mà đề phòng Chương 6: Thời thế tạo anh hùng Chương 7: Đâu là đáy của xã hội Chương 8: Công cốc Chương kết

 



Chương 4

Cuộc sống vẫn vậy

Thứ Bảy, đã một tuần trôi qua kể từ ngày liên lạc được với người nhà chị Diêu, một tuần phát sinh đủ thứ chuyện kỳ quái, thể loại chuyện vừa kích thích thói hiếu kỳ, vừa làm người ta mệt mỏi chán ngán, ví như chuyện chị Diêu gần như ngày nào cũng đến, lặp đi lặp lại các điệp khúc của chị, chúng tôi còn phát hiện thêm rằng cái kiểu nói lặp đi lặp lại không suy nghĩ đó của chị dường như là do di truyền, bởi người nhà chị hay nói cụ thể là anh trai chị cũng có lối nói đúng như thế.

“Em này, làm thế nào cho Diêu về được nhà bây giờ nhỉ?”

“Em này, em hỏi hộ xem có cách nào cho Diêu về nhà nhé.”

“Em này, cố gắng để Diêu về ăn Tết với cả nhà Tết này được không?”

“Em này, liệu người ta có để cho Diêu về không?”

Ai xem cũng sẽ bảo những câu nói trên là rất bình thường thôi mà, có gì đâu mà phàn nàn?! Thế nhưng nếu tôi nói rõ hơn là anh ta thường trực lặp đi lặp lại như thế trong tình huống tôi đã mất cả tuần ngày nào cũng nói với anh ta rằng tôi đã hỏi được lãnh sự quán ở Nam Ninh, họ bảo chị Diêu đến đó giải quyết, tôi đã giải thích cặn kẽ với chị Diêu, cũng giải thích cặn kẽ với anh qua điện thoại, chị Diêu lúc nào đến lãnh sự quán đó là ở chị, không phải ở tôi nữa rồi, cũng như người nhà chị lúc nào đến gặp nhà chức trách ở Việt Nam hay là sang tận đây đón chị về đấy là ở người nhà chị, không phải là ở tôi nữa rồi, tôi và Doanh cũng như cả đám sinh viên ở đây chỉ là những người đang đi học, ngoài việc nhấn nút điện thoại liên lạc với nhà anh và lãnh sự quán để hỏi cho ra mấy thông tin đó thì chúng tôi chẳng làm được gì khác cả. Và sau khi tôi đã trình bày tất cả những điều đó xong, điệp khúc “Làm thế nào mà Diêu về được?” vẫn lặp đi lặp lại như thể tôi chưa từng nói gì hết với anh ta, có cảm giác cái con người đang đối thoại với mình qua điện thoại này hoàn toàn không để vào đầu những trình bày của tôi vậy. Doanh đã hết kiên nhẫn từ lâu mà tôi cũng thế, mỗi lần nói chuyện đều phải cố kìm mình để không hét lên rằng “Em gái anh bị bán, đang ở đây không nhà, không thân phận, mù chữ, chẳng hiểu gì cả và chỉ biết cười như dở hơi hoặc khóc tỉ tê, cần về gấp Việt Nam bắt đầu lại cuộc sống, làm ơn đừng làm như chị ấy đang đi chơi còn anh đang gọi chị ấy về nhà chơi cho vui được không?! Người ta nói làm ơn dùng cái đầu nghe!”, nhưng tất nhiên là chúng tôi đều không nói thế và mỗi lần đặt ống nghe xuống đều ân hận vì đã không nói thẳng ra như vậy.

Anh công an “Tinh-yeu-o-noi-dau” thì vẫn bị nhà chị Diêu hỏi đến đều bất kể việc anh chỉ là người mới vào ngành, chỉ biết có việc tra tìm địa chỉ số điện thoại nhà dân chứ không lo được gì về vấn đề đưa đón người từ Trung Quốc về, anh đã giới thiệu người nhà chị Diêu đến tìm bộ phận khác lo được việc của họ, vậy mà anh vẫn không được yên thân, anh trai chị Diêu vẫn đều đều hỏi anh ta “Làm thế nào cho Diêu về nhà được?”, khi chat với anh tôi có cảm giác chính anh cũng đã bắt đầu học được cách dùng điệp khúc bằng cách nhắc đi nhắc lại “Cả nhà đấy hâm!”

“Anh thấy người nhà con bé này có vẻ cũng chán nó lắm rồi thì phải.” Có một hôm, anh ngán ngẩm nói thế, tôi và Doanh cũng đã có cảm giác đó, trong hình dung của chúng tôi từ trước khi quen chị Diêu về những người bị bán và người nhà của họ đều giống hệt như trên báo vẫn hay đưa tin, ví như cô O mồng Một bị bán sang Trung Quốc, cả bố cả mẹ cả anh chị em nhà cô ngay lập tức mồng Hai có mặt trên máy bay (nếu họ đủ tiền mua vé máy bay), hoặc tàu hỏa (nếu họ đủ tiền mua vé tàu hỏa) hoặc đi vay mượn giật gấu vá vai, bán cả gia sản (nếu họ vốn không có tiền) để sang Bắc Kinh, đập rầm rầm cửa đồn công an và đại sứ quán ở đó, để chỉ trong mấy ngày sau tìm bằng được cô O, đưa về nhà bất kể có sứt mẻ đến đâu chăng nữa, đó, chúng tôi vẫn hình dung tình hình phải là như thế. Còn với hai tay đã bán con gái mình mà mình lại biết đích xác chúng là ai, ở đâu, nếu phụ huynh mà là bố mẹ tôi thì tốt nhất là công an Việt Nam nên có đủ bằng chứng để bắt giữ chúng giam vào tù ngay, như thế mới đảm bảo được an toàn cho chúng. Như thế mới là bình thường, không như cái gia đình chị Diêu này.

Chỉ có một lần chúng tôi có cảm giác mới khi chị Diêu vạch áo để cho chúng tôi xem một vết sẹo to tướng ở ngay ngực, chị bảo là chị tự lấy dao cào ra đấy, thực ra chỉ bị thương phần da, trông sẹo to thế thôi, lúc đó quá đau khổ, chị tự hành xác để thấy dễ chịu hơn, chúng tôi nhìn vết sẹo đều thấy ghê cả người.

“Em không thể hiểu nổi nữa, rốt cuộc thì có thật là chị ấy đã từng bị bán không?” Cái ngày thứ Bảy này tôi cảm thấy không thể cứ tiếp tục ngồi nhà chờ chị Diêu đến hay anh trai chị Diêu gọi điện để nghe những điệp khúc bất tận mệt mỏi của họ được nữa, tôi đến tìm nói chuyện với anh, lúc này chúng tôi đang ngồi trong nhà ăn tập thể của trường, giờ ăn trưa, xung quanh rất ồn ào đầy người là người nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi nói chuyện, nói chuyện gì cũng được vì mọi người xung quanh không ai hiểu chúng tôi nói gì hết.

“Ừ, kỳ quái thật.” Anh vừa chăm chú nghe tôi kể, vừa gật đầu đồng tình liên tục.

“Anh thấy chuyện này thế nào?” Tôi hỏi.

“Anh biết gì mà thấy, anh còn chẳng quen cái cô Diêu ấy bằng em?”

“Anh cứ thử nói xem nào? Em thấy nếu bảo là chị ấy bị lừa đem bán thật thì lối phản ứng của nhà chị ấy là quá vô lý, nhưng nếu bảo là chị ấy bịa ra chuyện bị bán thì… em thấy không đúng, thực ra chỉ là cảm giác của em thôi, nhưng mà em không thấy chị ấy có lý do gì để bịa ra chuyện bị bán với bọn em cả, với lại chị ấy từ lúc quen bọn em đến giờ là gần một tháng rồi, có hay nói lung tung thế nào thì vẫn cứ có vẻ vô hại.”

Mấy ngày nay những vấn đề này chỉ có thể chia sẻ với Doanh hay với anh chàng “Tinh-yeu-o-noi-dau”, mà họ thì chỉ có thể dùng từ “Dở hơi” hay là “Hâm” để nhận xét là cùng chứ chẳng nói gì hơn được, tôi biết là anh không thế, vì thế mới muốn hỏi anh chuyện này.

“Để anh nghĩ thử xem nhé, có thể là thế này.” Anh ra chiều nghĩ ngợi, bắt đầu chậm rãi nói, tôi lắng nghe “Rất có thể là cô ấy không bịa ra chuyện bị bán, cô ấy bị bán thật, đúng là bị hai người đồng hương đó bán nữa, mà có thể một trong hai người đó đúng là người yêu của cô ta, em bảo em thấy tất cả những chuyện đó đều có vẻ là thật cả phải không? Như vậy rất có thể là có thật cả”.

Tôi gật đầu, im lặng không ngắt lời anh.

“Thế nhưng cô ấy nói thật với em lại không nói ra toàn bộ sự thật, cô ấy có thể vô tình mà cũng có thể cố ý giấu bớt một số chi tiết, ví dụ hồi hai người kia rủ cô ấy đi sang Trung Quốc, cô ấy bảo lúc đó cô ấy đang buồn bực vì bố có vợ bé, bố mẹ lục đục phải không? Vì thế cho nên khi hai người đến rủ đi chơi cô ấy theo ngay?”

Tôi gật đầu, tiếp tục im lặng.

“Rất có thể cái từ “chơi” mà cô ấy nói ở đây có nghĩa là “đi sang Trung Quốc, làm việc ở đó, nếu thấy tốt thì sống ở đó luôn, không cần về nhà nữa”.”

Có lẽ lúc này hai mắt tôi mở rất to, anh vẫn tiếp tục nói theo suy đoán của mình.

“Đúng ra là chín năm trước có một con bé con mười lăm tuổi, nó chán bố mẹ, chán nhà, chán học (mà cũng có thể nó đã không đi học từ lâu rồi), chán cuộc sống ở quê nó, kiếm được một thằng con trai cùng quê yêu, rồi một dịp thằng con trai đó với anh trai mới bảo nó là “sang Trung Quốc với bọn anh đi làm thử xem sao”, thế là con bé đi theo ngay, đến nơi, hai thằng con trai (mà cũng có thể chỉ có thằng anh là chủ mưu, thằng em bị cuốn theo luôn) mới bán con bé đi, nhưng con bé vẫn chẳng biết gì cả, bọn buôn người bảo nó ở Nam Ninh làm việc, có thể thời gian đầu nó cũng được giao cho làm việc tử tế bình thường thật mà cũng có thể không, nhưng đúng là thời gian đầu sau khi bị bán con bé không biết là nó đã bị bán, nó thậm chí còn hài lòng với “cuộc sống mới, công việc mới”, nó còn gửi được cả thư về nhà. Thử hình dung xem trong thư nó viết cái gì? Hẳn đó không phải là một bức thư kêu cứu, nó kể nó ở Nam Ninh có việc làm tốt, kiếm được tiền đủ sống, cứ ví dụ thế, như vậy là người nhà nhận được thư nó liền chẳng lo lắng gì về con bé bỏ nhà đi, không tính chuyện tìm nó về, thậm chí chẳng tìm đến hai thằng con trai đã đưa nó đi để hỏi một câu cho ra nhẽ, mà lại vui vẻ tổ chức đám cưới ở nhà rồi còn vui vẻ gửi ảnh cưới cho con bé ở Nam Ninh, có thể còn rất yên tâm là con bé mười lăm tuổi đã tự nuôi được thân, sống tốt ở Trung Quốc, họ cũng không cần lo cho nó nữa, việc báo công an tự khắc cũng không được họ nghĩ đến vì có ai bị bán đâu, báo làm gì. Ít lâu sau, bọn buôn người mới lộ rõ nguyên hình, con bé bắt đầu bị hành hạ, thế là nó trốn khỏi chỗ ở Nam Ninh, đến lúc đấy nó mới biết nó bị bán, cũng đến lúc ấy mới biết là nó khổ rồi, nhưng không tiền, không người quen biết, không ai giúp, không giấy tờ, và cái chính là nó là một con bé thất học mới có mười lăm tuổi không biết và không hiểu gì cả, nó lang thang và mất liên lạc với gia đình từ đó, lưu lạc từ Nam Ninh đến Thượng Hải, cứ như thế trong chín năm, chịu khổ, tự hành xác, có con, quên tiếng Việt, quên cả tên bố mẹ, trong khi đó thì ở nhà nó mọi người vẫn yên trí là nó không hề bị ai bán cả, nó tự nguyện bỏ sang Trung Quốc và sống ở đó rất tốt, họ không lo gì nữa. Bây giờ con bé đó gặp được mấy đồng hương Việt Nam liền kể lại rằng nó đã bị bán, đúng là nó nói thật hết thật, chỉ có điều nó không nói hết ngọn ngành sự thật, có thể chẳng phải là muốn giấu mà chẳng qua là có mấy chi tiết nó cũng đã quên mất hoặc đến giờ vẫn chưa hiểu ra mà chú ý đến chúng thôi. Người nhà đến giờ mới biết chuyện con bé bị bán, nhưng đã chín năm qua rồi, giờ họ không còn thấy đó là nghiêm trọng nữa, họ chỉ bảo nó về nhà như bảo nó về chơi cho đúng lệ vậy thôi. Đó, anh chỉ có thể đoán đại để tình hình là như thế thôi.”

Tôi ngẩn ra một lúc, cố gắng tiêu hóa cái bài giảng vừa rồi của anh về chị Diêu rồi hỏi bằng giọng lơ mơ:

“Có thể là như thế được à?”

“Anh đoán mò vậy thôi.” Anh nói.

“Nhưng mà… vô lý!” Tôi kêu lên “Lúc đó chị ấy mới mười lăm tuổi, còn là đứa trẻ con, có là tự nguyện bỏ nhà đi đi chăng nữa thì bố mẹ đến lúc biết chị ấy ở đâu cũng phải nhất quyết đến bắt về chứ?! Với lại đến lúc mất liên lạc họ cũng không tìm cách tra cho ra nhẽ à? Ít ra thì vẫn có hai thằng con trai đã đưa chị ấy đi để hỏi, có cả cái địa chỉ để gửi thư ở Nam Ninh nữa, ít ra họ cũng phải làm gì đấy để nối lại liên lạc chứ?! Anh biết không? Nhà chị ấy thậm chí cho đến giờ vẫn không có khái niệm gì về những việc tương tự thế này, không biết mà cũng chẳng hiểu gì hết. Phải hỏi ai, hỏi thế nào đều không biết, không biết cả trưởng công an của huyện họ ở nữa, em phải thông qua anh công an ở Hà Nội để tìm ra số điện thoại của cái ông trưởng công an đó cho nhà họ đấy, em còn được biết là cái ông trưởng công an đó làm từ hồi chị Diêu bị bán, nhà chị Diêu nghe đến ông này như người hoàn toàn lạ hoắc, như vậy rất có thể là cái nhà đó trong chín năm qua cho đến tận bây giờ chưa hề làm bất kỳ một động tác nào chứng tỏ là có để ý tìm con gái cả.”

“Đúng thế.” Anh lại gật đầu.

“Nếu là bố mẹ em thì hẳn là chỉ trong một ngày thế nào cũng tìm cách nói chuyện trực tiếp được với cả tổng chỉ huy của Interpol toàn thế giới để tìm ra em cho bằng được (bất kể là ông này nói tiếng nước nào).” Tôi nói.

Đến đây thì anh thở dài nhìn tôi:

“Bố mẹ cô ấy mà giống bố mẹ em thì tình hình đã chả thế này. Với bố mẹ em con gái mười lăm tuổi đúng là đứa trẻ con thật, còn đi học, đọc truyện xem phim suốt ngày, còn bị bắt nạt ở trường chả hết (nghe đến đây, tôi cau mày, đỏ mặt tía tai), bỏ nhà đi thì bố mẹ phải túm cổ lôi về thôi. Nhưng với bố mẹ cái cô Diêu này thì con gái mười lăm tuổi là con gái lớn rồi, không lo ở nhà băm bèo cho lợn hay ra ruộng cấy lúa mà cứ chạy theo con trai đi tận đẩu tận đâu, thế thì cứ để nó đi luôn cho xong, rồi thì nó cũng tự sống được, đến Nam Ninh thế nào rồi cũng tự tìm được một anh chồng có thể là người Trung Quốc mà cũng có thể là người Việt Nam nhưng biết buôn bán khá khẩm, họ để kệ nó ở đấy, hết trách nhiệm.”

Tôi câm tịt, đâm thấy các suy đoán của anh có lý cả, ít ra cũng là cách giải thích hợp lý nhất hiện giờ rồi.

“Như thế là bỏ một đứa con sao? Cả đời không gặp lại nữa họ cũng không lo tìm?” Tôi nghe thấy giọng nói của mình lơ mơ vang lên.

“Có thể sau này họ sẽ tìm, mà cũng có thể không.” Anh nói vậy, rồi cúi mặt nhìn khay cơm gần như còn nguyên do mải nói chuyện suốt chưa ăn, anh nói thêm “Thực ra thì anh cũng chưa sống ở nông thôn bao giờ, nhiều việc anh không hiểu.”

Chúng tôi nhìn nhau, im lặng, trong một chốc tôi phải công nhận rằng mình là thứ “tiểu thư thành thị” ngớ ngẩn, chẳng hiểu gì sự đời, đột nhiên nhìn thấy rõ là chị Diêu giống một con bò đi lạc hơn là giống một con người bị bán, từ ngay chính con người chị lẫn cách xử sự của gia đình chị đều nói lên như thế. Ngay cả cái cách xử sự của ông Q ở lãnh sự quán Nam Ninh, cái câu “Chín năm rồi còn về làm gì?” ấy, dù ông Q chẳng nắm được gì cụ thể về tình hình chị Diêu thì cái câu hỏi đấy của ông ta, đem đặt trong tình cảnh đúng như cách suy đoán của anh vừa rồi, lại trở nên ăn khớp một cách kỳ lạ, đều là cách người ta nói về một con bò đi lạc.

“Dầu sao thì mới mười lăm tuổi đúng là một đứa trẻ thật mà, nào đã biết gì đâu.” Tôi cũng học theo anh cúi đầu nhìn khay cơm, nói lầm bầm như thế.

Tối hôm đó anh H chị J đến, lại tiếp tục bàn chuyện chị Diêu với Doanh.

“Con bé đấy có muốn về nữa không?” Chị J hỏi.

“Vẫn muốn về, nhưng mà vớ vẩn lắm, em cũng chẳng biết nữa.”

“Nó phải về chứ, ở đây như thế thế nào được.” Anh H bảo.

“Nói cũng khó, về bây giờ thì làm gì? Em nghĩ tốt nhất là cứ về làm chứng minh thư, làm hộ chiếu đã rồi lại quay lại đây.” Doanh nói.

“Làm sao mà quay lại được, không có lý do gì ai cho nó quay lại.” Anh H nói.

“Nhưng đúng là về bây giờ thì khó ghê, nó như thế rồi làm sao lấy chồng được nữa chứ.” Chị J thở dài trầm ngâm.

“Đúng là chắc lại phải bỏ quê đi xa mới lấy chồng được.” Doanh cũng trầm ngâm theo.

Mấy câu nói của họ làm tôi cùng lúc nhớ lại câu “con gái học xong không lấy chồng thì còn biết làm gì nữa” của Hạ và câu “còn về làm gì nữa?” của ông Q, nghe thật chẳng dễ chịu gì. Mấy vị này đã vạch ra hai vấn đề nhức nhối nhất mà chị Diêu sẽ đối mặt khi về Việt Nam, đó là “làm gì?” và “ai lấy?”, và vấn đề sau xem ra lại còn nghiêm trọng hơn vấn đề trước nhiều.

Chủ nhật, trước Noel hai ngày, năm giờ rưỡi sáng dậy, ném vào cho con chuột đực (giờ chỉ còn mình nó) đồ ăn đủ ăn trong một ngày, sáu giờ tôi đã có mặt trên chuyến xe buýt đầu tiên ra khu trung tâm thành phố, trời vẫn còn nhá nhem, nằm ở vĩ tuyến cao hơn Việt Nam, mùa đông ở đây đêm dài hơn ở Việt Nam và đến hè ngày cũng dài hơn. Trong điện thoại đã có số của Tiểu Muội, tôi lên đường đi tham gia cuộc offline gặp mặt đầu tiên sau ba năm quen biết trên internet.

Ngồi bốn mươi lăm phút xe buýt, mười lăm phút tàu điện ngầm, rồi lại gần một tiếng xe khách nữa, tôi mới đến núi Xá, một ngọn núi ở ngoại ô Thượng Hải được dùng làm khu vui chơi, từ chỗ tôi đến đó đúng là vạch đôi thành phố ra mà đi thẳng từ đầu đến cuối. Sáng sớm rét như cắt, tôi mặc cái áo bông dày, bên trong còn một lô áo len nặng trịch cả người, thế nhưng tinh thần thì phấn chấn, mười đứa con gái, tất cả đều mặc quần bò và đi giày thể thao, phần đông đều là dân Thượng Hải, có nhà ở đây, chỉ có tôi vốn không phải là người Trung Quốc và một cô bé từ Sơn Đông đến. Giữa mùa đông giá rét đi dã ngoại, mấy người bảo vệ và lao công khu vui chơi núi Xá tròn mắt nhìn lũ con gái, cũng chẳng thành vấn đề, biết e dè dị nghị thì từ đầu đã chẳng làm hủ nữ nổi.

Tất cả đều là lần đầu tiên gặp mặt, trước đó chẳng ai biết mặt ai, thế mà ngay lập tức nói chuyện cười nổ đĩa như ngô rang, lần đầu tiên offline, tôi cũng bị sức mạnh thân tình của các mối quen biết trên mạng làm cho ngạc nhiên. Tiểu Muội xinh xắn, da trắng như trứng gà bóc, mắt một mí, có bộ mặt điển hình của người Trung Quốc, ăn nói rất dịu dàng và luôn tươi cười.

Khu vui chơi có một lô những trò chơi từ khá phức tạp như mê cung cho đến đơn giản như… bập bênh và cầu trượt, tất cả đều được đám con gái tham gia nhiệt tình, chẳng ai để ý đến việc tôi là người nước ngoài cho lắm, cùng lắm thì có người cười mà bảo rằng “sức quyến rũ của Aslan và Yzak là không biên giới”, đương nhiên rồi vì tác giả của họ còn ở tận Nhật Bản cơ mà. Thanh niên lên mạng nhiều đầu óc cũng được quốc tế hóa đi nhiều, ngay trên diễn đàn của chúng tôi cũng có không ít lần gặp những người chỉ nói tiếng Anh, còn trong số người viết tiếng Trung còn lại thì cũng khó mà biết được có phải là người Trung Quốc hay không, thế giới trên internet vốn không chia biên giới, thế giới của hủ nữ càng vô cùng vô tận, ai cũng quen như thế.

Đến buổi trưa, trời như cũng muốn góp vui với chúng tôi cho nắng ấm lên được một chút, mấy tấm nylon được trải ra trên nền cỏ mùa đông úa vàng, được cái khu núi này toàn rừng trúc, ngay lúc này vẫn xanh um, khung cảnh khá nên thơ, mọi người mang bữa trưa tự túc, một lô chai nước màu mè khá vui mắt được bày ra, trong đó có những chai nước ngọt có ga, nước ngọt không có ga và cả nước vừa không ngọt vừa không có ga tức là nước khoáng. Một cô bạn vốn nổi danh với cái ID “Nhất Nhất” và dòng chữ vừa dùng làm ký tên vừa có ý giới thiệu về mình như sau: “Biến thái đến mức coi mọi người trên thế giới đều biến thái, có mình là không”, “Nhất Nhất” mang theo món mì ống nguội để trong balô đủ cho tất cả mọi người ăn, thế là ai cũng xếp suất ăn tự chuẩn bị lại để ăn mì ống. Ngồi trên nylon ăn trưa còn bày ra đủ thứ trò chơi, tất cả đều có liên quan đến Aslan và Yzak, từ trò chơi cho đến trò chuyện, không có việc làm, không có lương bổng, không có học hành, không có yêu đương hay lấy chồng, chỉ có truyện tranh, phim hoạt hình Nhật, fanfic nếu có mở rộng phạm vi ra hơn thì cũng chỉ đến… những bộ phim hoạt hình khác mà thôi.

Tôi vừa nhai mì ống vừa nói và nghe chuyện hoạt hình, vừa cười thầm trong bụng nghĩ không biết ngày trước các vị tiền bối để cho chúng tôi cái danh xưng “hủ bại” mà được tận mắt chứng kiến một cuộc sinh hoạt tập thể của cái đám bị coi là tận cùng của sự hủ bại của thanh niên (có thể coi là tận cùng được rồi vì các nhóm đối tượng hút ma túy, bụi đời, sống thác loạn,… đều không bị đặt hẳn tên gắn với chữ “hủ bại” như hủ nữ), mà cái cuộc sinh hoạt ấy lại bao gồm công viên ban ngày, giữa thanh thiên bạch nhật, trời sáng bảnh mắt (lại còn phải chọn ngày Chủ nhật để không ai phải nghỉ làm hay nghỉ học nữa chứ), mê cung bằng gỗ, bập bênh cầu trượt, nước ngọt nước khoáng, mì ống và truyện tranh thì các vị sẽ có cảm tưởng thế nào nhỉ?! Tôi nói với cả đám như thế, ai cũng thở cái xoạch rồi bảo, nghĩ đến chuyện đó làm gì, mình là hủ nữ mình cần biết ai!

Đi chơi về tôi tràn ngập một cảm giác là: mình thật là hạnh phúc so với mọi người, ai trông cũng có vẻ nhiều vấn đề hơn tôi, mà thực tế đúng là thế thật, chị Diêu và anh trai chị vẫn thế không thay đổi, Doanh thì vẫn có thói nhìn một số thứ lại nghĩ ngay được đến một số chuyện, anh “Tinh-yeu-o-noi-dau” vẫn ngày ngày thở ngắn than dài.

Mười ngày trước khi tôi chính thức nghỉ đông và mười một ngày trước khi tôi lên đường về nước ăn Tết với gia đình, vì Doanh định không về nhà Tết này, tôi cũng đâm phân vân mãi không quyết định có nên về hay ở lại Thượng Hải một Tết với nó, thưởng thức lấy một lần cảnh Tết xa gia đình xem sao. Đến hôm anh đến tìm tôi, lưng đeo balô, tay kéo vali, đưa tôi một chùm có hai cái chìa khóa bảo đây là chìa khóa nhà và chìa khóa phòng anh, chùm dự bị đấy, tôi ở lại thì cầm hộ, đề phòng khi quay lại anh làm mất còn có cái thay, còn nếu mấy ngày nữa tôi lại quyết định về thì đưa chìa khóa cho Doanh giữ hộ cũng được, tôi ngạc nhiên:

“Anh về bây giờ à?”

“Ừ, vé mua rồi, hai tiếng nữa tàu chạy.” Anh nói rất thong thả.

“Sao gấp thế, em còn không biết trước?”

“Bố mẹ gọi anh về gấp.”

“Nhà anh có việc gì à?”

“Có cô con gái của bạn bố anh từ trong Nam ra chơi vài ngày.” Anh nói.

Tôi lại thực hiện im lặng chờ nghe lời nói tiếp theo.

“Bố mẹ muốn anh gặp cô ấy.” Anh giảng giải “Bố mẹ anh muốn anh năm tới học xong thì lấy vợ thôi, học xong, rồi con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, cuộc sống vẫn vậy mà.” Tôi nghe giọng nói của anh lúc này, cảm nhận thấy rõ nỗi buồn.

“Như thế…” Tôi định nói rồi lại im bặt, tôi muốn hỏi như thế có ổn không? Anh có lấy vợ nổi không? Nhưng rồi lại vừa không dám hỏi vừa không nỡ hỏi, chỉ còn cách ngậm mồm.

“Anh đi nhé, ở lại vui vẻ, mấy hôm nữa có đi về thì đi đường cẩn thận đấy.” Anh nhẹ nhàng nói.

“Em biết rồi.” Tôi cũng chỉ nói được có thế, định hỏi Trúc Tử thấy thế nào nhưng rồi cũng lại thôi, biết rằng mình tốt nhất là không nhắc đến cậu ta lúc này. Trong đầu xuất hiện ý nghĩ nếu mà anh cần lấy một đứa con gái thì đó là mình có nên không, sau đó ngay lập tức gạt bỏ ý nghĩ đó, mơ ước và hy vọng ngày trước của tôi về anh đã vĩnh viễn trôi qua rồi. Tôi thương anh mà lại chẳng giúp được gì, vì thế tôi chỉ có thể im lặng.

Nguồn: Chuyện lan man đầu thế kỷ, tiểu thuyết của Vũ Phương Nghi, Nhà sách Kiến Thức và NXB Lao Động, 2006. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả.

Vũ Phương Nghi (1983), hiện du học ngành mỹ thuật ở Thượng Hải, Trung Quốc.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài