talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 11.03.2007

Đỗ Hoàng DiệuRắn và tôi



Do Hoang Dieu
Đỗ Hoàng Diệu (2007)

Với tập truyện ngắn đầu tay Bóng đè (2005), Đỗ Hoàng Diệu lập tức trở thành một trong vài nhà văn được chú ý và bàn luận sôi nổi nhất trong hai năm qua, không chỉ trong văn giới mà cả trong độc giả đông đảo. talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu chương đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết Rắn và tôi mà Đỗ Hoàng Diệu sắp cho ra mắt độc giả. talawas chủ nhật

 

Đỗ Hoàng Diệu

Rắn và tôi

(trích tiểu thuyết)

 

Chương I
Áp thấp nhiệt đới

1.

Tôi từng bị bỏng nhiều lần. Bỏng nước sôi, bỏng bàn là, bỏng ống bô xe máy. Mỗi lần đau một kiểu nhưng đều điếng người. Mỗi lần bỏng là mỗi lần tôi tự chửi mình đoảng. Tôi không nghĩ mình lại là một cô gái đoảng. Chưa từng ai nói tôi là một cô gái đoảng.

Lúc này, tôi đang bị bỏng. Cả thân thể tôi là một khối nham thạch oặn èo. Màn đêm đồng lặng cùng yên ắng làm nổi lên sức nóng trên da tôi. Trí óc tôi như cái đuôi con thạch sùng vừa bị đứt rơi xuống lò than. Đêm là đêm của trống rỗng. Tôi chẳng biết mình đang ở tầng thứ mấy trong vũ trụ. Dường như là tầng hư vô. Chỉ có những linh hồn nhìn được thân thể tôi đang phát sáng. Nhưng đêm nay, linh hồn đã rủ nhau đi dự lễ hội. Lễ hội Ngày Trăng Khuyết.

Trăng như đôi sừng bò mộng húc phăng không khí
Và mắc vào vầng mây thù oán triệu triệu năm
Chúa trời muốn giải thoát đôi sừng đẹp để bò mộng lao về rừng
Nhưng quỷ sa tăng rắc đêm tối bủa vây trần thế
Đôi sừng bò mộng hiến tế những âm mưu
Con người ca ngợi

Lễ hội trăng khuyết cầu ngày trăng già. Tôi quẫy đạp trong vòng tròn bóng tối sơ khai mà sự vô hình vẽ nên. Tôi muốn thoát khỏi cơn mê. Tôi muốn về lại ngôi chùa đã từng cứu sống mình cách đây mười năm. Tôi muốn thiền. Để quên, để nhớ. Cuộc sống thoắt vui và cuộc sống thoắt buồn.

Đêm rải từng mảnh đen xuống chân giường tôi nằm chịu bỏng. Bóng tối trở nên có mùi bò sát. Không khí nhầy nhầy. Một vài tia sáng loé lên đâu đó trong khu vườn tịch lặng mang dáng hình hoa sen. Không có hoa sen trong khu vườn mang dáng hình hoa sen. Nhưng tôi nhìn thấy hoa sen trong mình. Tôi như một khối nham thạch bị nhốt. Tôi cố len mắt khỏi khuôn mặt của chính mình để nhìn. Bóng tối đan dày. Giữa bóng tối, hiện ra từ bóng tối, những mái tóc đen dày xoã dài trên cụm thân thể đang uốn éo. Thân thể ba cô gái đang thì thanh xuân, non, tươi, căng, cứng. Thoắt chốc biến thành ba con rắn trơn nhầy từ từ vươn dài, phủ kín, chèn lấp tôi. Muôn vàn sợi tóc dài của họ là muôn ngàn con rắn nhỏ tung rối trên bụng tôi, trên đùi tôi. Tôi biết họ. Tôi kêu tiếng kêu loàn trăn chúa bị kẹt trong hang giương đôi mắt nhỏ nhìn người tình cầm rìu đợi bên ngoài.

“Lăng, Quy, Phượng, ma quỷ nào đã ám vào các cô? Sao các cô lại là rắn? Sao các cô làm hại tôi? Tôi đang cố gắng giúp các cô.”

Làn da rắn trơn trúa xiết mạnh hơn. Vết xiết mềm mại nhưng căng đau dữ dội hơn dây thép gai. Muôn vàn sợi tóc mọc dài hơn trong khoảnh khắc. Thân thể nham thạch của tôi tăng nhiệt độ luyện chín thép. Một lọn tóc vươn lên cọ vào trán tôi. Dùng sức của loài báo, tôi nâng lọn tóc ra khỏi khuôn mặt mình. Đôi mắt màu nâu xám của Quy trong phút chốc giao ánh mắt tôi, biến thành mắt rắn. Câm lặng, thách thức. Mình tôi bắt đầu rạn. Da tôi mỏng hơn giấy dó. Tôi lắng nghe tiếng da mình rạn trong vòng quấn của ba cô gái. Đó là âm thanh trăng lên, âm thanh ngày trăng khuyết vươn mình đầy đặn. Âm thanh khi Chúa bước đến bên tôi ngày tôi đau khổ tìm đến nhà thờ trong một đêm lạnh giá. Đó là tiếng bước chân nhẹ, nhẫn và sáng của Phật vào ngày Rằm. Tôi uốn cánh tay khỏi những sợi thừng rắn.

“Tôi là luật sư của các cô, tôi đang giúp các cô, các cô đừng làm hại tôi. Hãy nghĩ đến lễ hội trăng khuyết, lễ hội cầu ngày trăng già.”

Tôi nói mà không nghĩ, nói mà không hiểu mình nói gì, Lễ hội trăng khuyết cầu ngày trăng già. Như một bùa phép. Các sợi thừng rắn hoá thành những thanh sắt nung đỏ rơi khỏi mình tôi. Khi rời khỏi tấm thân mình trắm, chúng biến vào bóng tối không tiếng động. Tôi oặn người. Một mùi ẩm mốc, khô nháp dâng tràn không gian. Mùi của những hang rắn tối tăm, nơi loài bò sát đang trằm da chờ lột xác. Mùi ngập không khí. Mà tôi không thấy rắn.

Sáng hôm sau, hình ảnh ba người đàn bà quấn vào nhau như một búi rắn chằng người chỉ còn là ác mộng. Ảo ảnh. Nhưng mùi ẩm mốc, khô khắm của chiếc hang rắn khổng lồ thì vương khắp ngôi nhà, vuơng khắp ngôi nhà cổ mang dáng hình hoa sen, vương mãi đến những ngày sau, vương đến tận cuối cùng tôi.


2.

Buổi sáng, chiếc giường rộng ẩm ướt mồ hôi. Làn da vốn đã căng mịn của tôi giờ láng bóng như chiếc bánh giò. Tôi mỉm cười nghĩ đến công dụng của hộp kem dưỡng thể mà giáo sư mới tặng. Olay chính gốc sản xuất tại Mỹ, không phải hàng Thái Lan vẫn bán nhặng Việt Nam. Tôi chẳng còn nhớ đến những búi rắn chằng xiết mình đêm qua, chẳng còn nhớ tiếng da mình đã rạn. Những âm thanh ấy linh hồn đã cất giữ. Những linh hồn đi dự lễ hội trăng khuyết đã về. Chúng ẩn trong khu vườn mang dáng hình hoa sen. Thứ hoa tôi tôn thờ.

Ngôi nhà cổ xưa, tịch mịch lấp trong vùng ngoại thành thanh vắng trông như một am thờ. Ngôi nhà biệt lập với những dãy nhà bê tông cao tầng choáng lộn nơi đặt văn phòng luật sư tôi làm việc. Hiếm khi tôi đưa ai về nhà. Nhiều người tò mò. Tôi cười, không giải thích về lai lịch ngôi nhà, về những điều liên quan. Ngay cả bố mẹ tôi cũng không thể biết rõ nguyên nhân cô con gái cưng bỏ phố xá sầm uất về ẩn trong ngôi nhà cổ. Họ cũng không biết ai đã tặng ngôi nhà ấy cho tôi. Họ chỉ biết tôi quý ngôi nhà hơn tất cả mọi thứ tôi có. Có lẽ hơn cả mạng sống của chính mình. Nếu ai đó hỏi tôi về người tặng tôi ngôi nhà cổ, sẽ nhận được nụ cười bí ẩn và câu trả lời còn bí ẩn hơn: “Người ấy ngụ trong mơ”.

Sương mù giăng loang mảnh vườn. Tôi làm vài động tác thể dục trên mảnh sân gạch. Như một chú mèo. Uể oải, không hứng thú như thường lệ. Anh trai tôi có câu nói thường trực nổi tiếng mỗi khi gặp: dạo này cô béo hơn thường. Chẳng hiểu cái thường mà anh tôi nói là thường nào. Chỉ khổ, sáng nào tôi cũng hì hục để “thường” theo ý anh. Nhưng chưa bao giờ anh tôi nói tôi “thường”. Cơ thể tôi như bị cắt lìa thành từng mảnh. Bất giác, tôi nhớ những búi rắn đêm qua. Tôi đưa tay rờ làn da bụng. Hình như có vết rạn. Tôi nhìn xung quanh muốn cầu cứu. Và cái đầu tiên tôi nhìn thấy là vỏ của một con rắn vừa lột. Quấn quanh bụi hoa cúc. Nó hiện ra rõ ràng khi lớp sương mù dần dần tan loãng. Như một miếng vải dệt bằng gai. Như một nhân chứng cho mờ ám đêm tối vừa qua. Tôi mang cảm giác ngượng ngập. Không hiểu vì sao. Giống một người bị bắt gặp đang thủ dâm. Tôi mơ, tôi không thủ dâm. Mà cho dù thủ dâm cũng chẳng có gì là xấu. Mẹ dạy như vậy. Cô giáo tôi không dạy, các nhà đạo đức không dạy tôi như vây. Nhưng mẹ đã dạy tôi. Đối với tôi, mẹ xứng đáng đoạt giải Nobel, nếu người ta trao giải Nobel tâm lý. Tôi vốn không ưa giao du bạn bè nhiều, mà hình như cũng không có khả năng giao du. Vì thế, tôi không biết những phụ nữ khác thấy kinh lần đầu thế nào. Mà cho đến lúc này, trừ mẹ, cũng chẳng ai biết lần đầu tôi thấy kinh buồn cười ra sao. Mẹ thỉnh thoảng vẫn nhắc lại mỗi khi chỉ có mình tôi. Hóm hỉnh, bà viết thành truyện và đặt tên “Bữa tiệc của kiến”. Đã có lần tôi mơ mẹ đang kể câu chuyện ấy cho một lũ kiến khi chúng vội vàng chạy nạn trong một buổi chiều giông. Giọng mẹ trong và nhẹ như những sợi mây. Lũ kiến bị bùa mê, ngủ, quên cả mưa.

“Đó là một buổi trưa ngột ngạt. Làng ngoại thành như lò nung gạch. Làng ta quá xa để lên núi tìm bóng râm, quá xa để xuống biển tìm mát lành. Ta nghĩ làng này là nơi mẹ Âu Cơ đã đẻ và ấp trứng. Để sau đó năm mươi xuống biển và năm mươi lên rừng. Không còn ai ở lại. Thành ra hoang phế. Sau này, 100 người con của mẹ Âu Cơ đã ái ân với nhau, sinh sôi nảy nở và lưu lạc đến mảnh đất bằng phẳng xinh đẹp dựng nhà dựng cửa mà không biết đấy chính là nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mà 100 người con của mẹ Âu Cơ có rốn không? Có nhau không? Ta nghĩ là không. Vì họ được sinh ra từ trứng. Ta không nói suy nghĩ này với con gái yêu của ta. Nhưng ta biết nó sẽ hiểu. Vì nó là đứa con gái thông minh nhất mà ta từng thấy. Không phải con hát mẹ khen hay. Quả thực, ta chưa từng gặp ai thông minh như nó.

Con gái yêu của ta vẫn thường ngồi đọc sách trên cây nhãn trong khuôn vườn nhà thờ. Làng ta có một nhà thờ to. To hơn tất cả các ngôi nhà trong làng. Và khuôn viên nhà thờ là khu đất sạch và đẹp nhất. Có những cây cổ thụ không biết đã bao nhiêu năm. Lũ trẻ vẫn thường thòm thèm mỗi khi đến mùa nhãn hay xoài khi ngang qua khu vườn. Chúng thèm nhưng sợ. Có lẽ chúng sợ Chúa, chúng sợ những hồi chuông ngân dài mỗi tối. Đối với chúng, người Công giáo là một loại người khác. Con gái yêu không phải người Công giáo, nó không biết lễ rửa tội, không biết cầu kinh, nhưng nó tôn sùng nhà thờ và Chúa. Như một lẽ tự nhiên, nó thích đến nhà thờ. Và nhà thờ cũng thích nó đến. Không ai khó chịu khi nó tự nhiên ra vào nhà thờ. Không ai sợ nó hái trộm hoa quả. Ông trùm xứ đạo rất thích nó. Con chiên rất thích nó. Có lẽ bởi khuôn mặt nó giống thiên thần. Cũng có lẽ nó luôn nhìn nhà thờ, linh mục và người theo đạo bằng đôi mắt to tròn chứa chan tình cảm. Đôi mắt ta biết sẽ mang bất hạnh đến cho cuộc đời nó. Nó quá đa cảm. Nó dịu dàng như sợi mây trắng trong ngày nắng lành, nó mạnh mẽ như giông tháng bảy như sấm tháng năm. Mỗi khi đôi mắt nó ngước nhìn ta, cuộc sống chỉ còn duy nhất nó hiện diện. Làm sao nhà thờ không yêu quý nó, làm sao Chúa không cho phép nó đến thăm khu vườn thiêng của nhà thờ bất cứ khi nào nó muốn? Dù nó chẳng biết đọc kinh và cũng chẳng biết làm dấu thánh giá trước bữa cơm. Nhưng nó biết hát thánh ca. Ca đoàn của nhà thờ mơ ước có nó. Giọng nó cao và trong, gió thường ghen tỵ khi nó cất lời. Ta đã sinh nó trong một ngày lạnh giá ngay trên bậc thềm cửa. Nó quá nôn nóng. Cuộc sống trần thế làm nó háo hức. Lớn lên, nó yêu quý bậc thềm nơi đã chào đời hơn mọi nơi chốn. Nó vẽ một vòng tròn vô hình xung quanh căn nhà hộ sinh tưởng tượng và nó cấm mọi người trong nhà bước vào bên trong vòng tròn. Lâu riết, thành quen, ngôi nhà của gia đình ta có một nơi linh thiêng ngự trị. Nó gọi là vòng tròn phù thuỷ. Những khi giận dỗi, nó ngồi ép sát trong vòng tròn thút thít. Những khi có chuyện buồn, nó khoanh gối một mình giữa vòng tròn với đôi mắt nhắm nghiền. Ta nghĩ nó thiền. Dù ta biết nó chẳng hiểu thế nào là thiền. Buổi trưa giông hôm đó, nó chạy quấn hai chân vào nhau đến vòng tròn. Mặt nó tái xanh và gót chân vấy đỏ. Ta hoảng hồn. Nó coi như không có chuyện gì xảy ra, ngồi lầm bầm hát trong vòng tròn bắt đầu lấm tấm. Cảm giác nó đang cầu nguyện. Nó cầu nguyện Chúa hay thánh thần, chỉ có đấng toàn năng trên cao thấu rõ. Ta bắt đầu thấy kiến bò ra từ vòng tròn, và nhiều kiến khác đang bò tới vòng tròn. Con nào con nấy háo hức. Ta nâng nó dậy khỏi dáng ngồi bí ẩn. Cả một cái mông nó đỏ lòm máu và kiến. Trong phút chốc, ta hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ta bỗng cười, cười điên dại như ma làm. Nó cũng cười, tiếng cười pha lê vỡ. Bầy kiến hoảng sợ dạt ra khỏi vòng tròn, khỏi đôi gót chân vấy đỏ của nó. Nó đã là thiếu nữ. Mười một tuổi, nó trở thành thiếu nữ. Bữa tiệc của bầy kiến đã biến nó thành thiếu nữ trên cây nhãn trong khuôn viên nhà thờ. Trên tay nó là tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner. Nó đọc một quyển sách của người lớn, nó đọc một quyển sách mà sau khi đã đọc đến lần thứ năm, khi ta đã ngoài bốn mươi, ta mới biết nó hay thế nào. Bản giao hưởng kỳ dị của Faulkner vào buổi trưa hè nóng ngột tấu lên trong khuôn viên nhà thờ đã biến nó thành thiếu nữ. Nó đã thấy kinh. Từ bây giờ, nó có thể có thai bất cứ khi nào. Khi nó khám phá đàn ông. Ta khóc. Vì ta vui và ta buồn. Thiên thần của ta đã lớn. Nhưng lớn quá nhanh. Vượt ngoài quy luật. Ta lo sợ.”

Câu chuyện của mẹ chưa dừng lại. Nó dài như một dòng sông. Dòng sông chảy bốn mùa. Nó êm đềm những ngày tôi bên mẹ và hung dữ những ngày tôi cách xa. Đã lâu lắm, tôi chưa về vòng tròn phù thuỷ, không ngồi khóc hay cười trong khu phép thuật của mình. Nhưng tôi linh cảm tôi sắp phải trở về. Vì giấc mơ đêm qua, vì mùi rắn trong vườn sáng nay. Vì trái tim tôi bắt đầu cảm thấy dòng máu đen. Vì lễ hội trăng khuyết sắp tàn.


Dắt chếc xe máy màu đen khỏi cổng, tôi thoáng thấy một bóng rắn băng ngang khu vườn. Có thể chỉ là ảo giác. Ảo giác đã trườn vào tâm cảm. Tôi đưa tay cài khuy áo trên cùng chiếc sơ mi màu đen. Tôi chưa bao giờ làm thế. Sẽ khó thở. Giáo sư hay trêu tôi vì điều này. Bạn bè hay trêu tôi vì điều này. Họ bảo tôi cố tình khêu gợi. Họ không biết cảm giác của một người bị thắt cổ. Họ không biết cảm giác một người được tự do mà phải chọn cho thòng lọng vào mình. Nói chung, trong mắt nhiều người, tôi không bình thường. Tôi khác người. Tôi đặc biệt. Có rất nhiều người yêu mến tôi. Và cũng nhiều người sợ. Đôi khi, họ ngờ vực, họ không hiểu tôi là kiểu người gì. Tất nhiên, họ có lý. Bời vì chính tôi đôi khi cũng chẳng hiểu mình là ai. Mới hôm qua, cô sinh viên có khuôn mặt hình ô van đã làm tôi bối rối khi chiếu thẳng cặp mắt không màu sắc vào tôi. Cặp mắt cất tiếng cùng lời nói: “Chị là ai?”. Mất gần một phút, tôi không thể trả lời câu hỏi của cô, vì tôi không biết mình là ai, và vì đôi mắt không màu sắc lần đầu tôi nhìn thấy chứa đựng cả một biển thống khổ không cùng.


3.

Suốt quãng đường dài vào Thanh Xuân, tôi nghĩ về đôi mắt không màu sắc của Quy. Đường phố đông người mà như không một bóng người. Tôi đang không trên đường, tôi đang tồn tại trong đôi mắt không sắc màu của cô sinh viên khoa tâm lý. Đôi mắt ấy cho tôi biết nhiều suy nghĩ, nhiều câu chuyện dù nó không sắc màu. Đôi mắt ấy nuốt tôi vào trong. Làm tôi thấy màu sắc tận cùng.

Người phụ nữ đến gặp tôi hôm qua tự xưng là luật sư. Anh trai tôi đã thuê cô ấy. Cô ấy không bình thường. Hay tại tôi không bình thường nên nhìn ai cũng thấy không bình thường? Tôi không muốn gặp bất kỳ ai lúc này. Đúng hơn, tôi không có định nghĩa về loài người trong thời gian này. Tất cả mùi vị, màu sắc, âm thanh đều không còn tồn tại với tôi. Thực tế tôi vẫn nghe, tôi vẫn ngửi, và chúng vẫn ngang nhiên hiện diện. Nhưng chúng không lọt được vào tôi. Chúng chìm nghỉm trong hố sâu đen ngòm mà số phận đã đào lên. Chúng lặn mất tăm trong vùng khuất lấp không thể xới đào của một kiếp người. Mọi người ngạc nhiên khi tôi hay nói từ kiếp người. Tôi chỉ mới mười tám tuổi, và tôi đang là sinh viên năm thứ hai. Tôi vẫn sống, chưa có một kiếp người nào trọn vẹn cho tôi. Dù có một kiếp người cho tất cả. Có thể tôi khác thường. Vì tôi không khóc khi chào đời. Vì tôi không có bố. Vì tôi là một đứa trẻ ít nói. Tôi hiếm khi đối thoại, thế giới chỉ là độc thoại. Tôi sống trong độc thoại, và luôn tưởng tượng mọi người xung quanh đang độc thoại gian dối. Cũng nhiều khi tôi độc thoại gian dối với chính mình, tôi nói dối chính tôi. Tệ nhất là trái tim tôi đã nói dối trái tim tôi.

Cô luật sư có đôi mắt bò cái ấy hiểu gì về hố thẳm và kiếp người. Hiểu gì về trái tim nói dối trái tim. Chiếc quần bò Levis và chiếc áo thun D&G làm sao chứa được tâm hồn thấu hiểu. Cái cách cô ta vuốt tóc cũng vậy. Người cô ta thơm như một quả táo tây. Nhưng tôi muốn nôn. Tôi không thích mùi thơm của bọn nhà giàu. Cái lông mi cong và dài của cô ta cũng thấy ớn. Nó đẹp không cần thiết. Đôi mắt bò cái không âm thanh. Làm sao nghe trái tim nói dối trái tim?

“Chào em, như đã hẹn, hôm nay chị đến thăm em và muốn em kể cho chị nghe một số sự việc. Em đồng ý chứ?”

Giọng nói của cô ta màu nâu sòng. Thứ màu làm tâm hồn người ta thối.

“Anh trai tôi đã trả bao nhiêu tiền cho chị để chị làm việc này? Tôi không cần luật sư. Tôi cần bóng tối. Chị biết bóng tối ở đâu không? Chị muốn tôi kể chuyện về bóng tối không?”

Đúng là cô sinh viên này đã bị sốc quá nặng. Nếu tôi là người thân của em, tôi phải đưa em đi bác sĩ thay vì bỏ ra một nắm tiền thuê luật sư.

“Chị có thể chỉ bóng tối cho em, vì chị đã từng ở đấy. Chị biết nó cư trú ở đâu, cái vùng tàn đôc ấy. Và chị không muốn em đi vào, Quy ạ. Và chị không mong một ai khác đi vào vùng tàn độc ấy. Chị không nói em còn quá trẻ, nói như thế là không tôn trọng em. Chị biết có những kiếp người đặc biệt. Em sống một năm có thể bằng người khác sống một đời. Em có khả năng tìm ra bóng tối của mình, bóng tối của ngưòi và em có nhu cấu chìm đắm vào đấy trong lúc đớn đau. Nhưng em không biết, chính vào giờ phút này, em đang ở trong vùng bóng tối. Chị đứng đây và nhìn xuyên qua vùng bóng tối của em, chị thấy nó chưa hoàn toàn khuất lấp.”

“Nếu chị có thể nhìn thấu vùng bóng tối, chị kể cho tôi nghe có những gì trong ấy, chị luật sư.”

Chắc chắn cô ta đang vận dụng thứ triết học rẻ tiền để đánh đòn tâm lý. Đồ rằng cô ta không hiểu bóng tối là gì, nói chi đến chuyện nhìn thấu bên trong. Đòn tâm lý này quá yếu. Cô ta nên đọc mấy cuốn sách về Đức Quốc xã trong thế chiến thứ hai, may chăng học được đôi điều về cái gọi là thuyết phục. Mà bên trong quần bò Levis và áo thun D&G, có những bộ phận nào. Ngờ rằng tất cả đang ung thư. Đồ Brand name làm vùng da cô ta ung thư và di căn toàn bộ thân thể. Mớ lý thuyết đạo đức giả ba xu cũng đang ung nhọt cả xã hội này. Càng làm cô ta chết sớm. Nếu cô ta miêu tả được vùng bóng tối, cô ta có thể nghe những gì cô ta muốn biết về vụ hiếp dâm.

“Vùng bóng tối của em không gì khác hơn là cốt lõi nỗi buồn. Những nỗi buồn em không biết trút vào đâu, em tìm một chỗ trong tâm hồn vốn nhạy cảm của mình và trút vào đấy. Người khô khan không có vùng bóng tối. Nhưng có một điều, em không biết vùng bóng tối cư trú ở đâu, không địa chỉ, không điện thoại, không email. Đơn giản bởi vì em không muốn liên lạc, không muốn gặp lại những bất hạnh em đã trải qua. Vùng bóng tối giống một ngân hàng ma, bất cứ khi nào em cần gửi, nó sẽ hiện hình, và khi em muốn rút, em chẳng biết tìm nó nơi nao. Càng ngày nó càng chồng chất theo cuộc sống hỗn loạn của xã hội và độ nhạy cảm trong em. Đến một lúc, nó ung nhọt. Trí óc em nặn hết mủ vàng. Nhưng nó không nặn được cái lõi của ung nhọt. Nó vẫn hiên ngang tồn tại. Và chất chồng thêm theo ngày tháng. Vùng bóng tối, nó có chiều sâu không đáy, giống như chiều sâu trong nỗi buồn. Những người sung sướng, họ luôn sung sướng bề mặt. Hạnh phúc giống như những lớp sóng trên đại dương. Nhưng nỗi buồn có chiều sâu, khi em đau khổ, u buồn, nó như những vực xoáy của Thái Bình Dương. Em sẽ nghĩ vực xoáy thì cũng có điểm dừng, đấy là lòng đại dương. Nhưng em biết bên dưới lớp cát lòng đại dương sẽ là gì? Em có nhìn thấy sóng thần từ đâu ra không? Nó thực sự không đáy giống như vùng bóng tối. Niềm vui có thể đồng nhất với ánh sáng. Và bóng tối phần nào chính là nỗi buồn. Ánh sáng đến rồi đi, bóng tối thì vĩnh cửu. Bóng tối chẳng có gì xấu. Em đang buồn, em đang tổn thương, em nghĩ bất hạnh xảy đến với em và em muốn thoát khỏi nó. Em chưa biết cách. Nhưng nỗi buồn không có gì xấu. Đó là một cực của cuộc sống con người mà thôi. Nỗi buồn là một cực và niềm vui là một cực. Em muốn đi vào vùng bóng tối bây giờ, chính là em sẽ trốn chạy niềm vui mà cuộc sống có thể mang đến cho em ngày mai. Dù rằng, bây giờ, theo đúng nghĩa, em đang ở trong vùng bóng tối.”

Không thể tưởng tượng mình vừa nói nhưng điều này với Quy, cô sinh viên tội nghiệp đang khép mình trong u buồn vì bất hạnh. Mình nói nhưng mình không nghe mình nói. Âm thanh của lời tuôn vào không cùng, hay tuôn vào vùng bóng tối của chính mình. Hình như khuôn mặt Quy đang dần ửng đỏ tựa quả bồ quân.

“Chị giống một nhà truyền giáo, nhưng là nhà truyền giáo tồi. Có điều chị đã thắng. Bởi vì tôi đã vừa rút được bất hạnh ra khỏi ngân hàng bóng tối. Và bây giờ, chị luật sư, chị bắt đầu làm luật sư nhé.”

Dường như Quy vừa có một nụ cười. Một nụ cười khi người kiêu ngạo bị đánh gục bởi lỹ lẽ. Nó khinh bạc nhưng không thẳng thắn, không phát ra âm thanh. Tôi cảm thấy hơi lao đao, cảm giác lao đao của một người say nắng. Những khi bất lực trước một điều mình không thể hiểu nổi, tôi mang cảm giác này. Tôi không thể hiểu thấu Quy. Dù rằng, tôi vẫn tự hào về khả năng linh cảm, nhìn nhận con người của mình ngay lần gặp đầu tiên. Và có một người rất giỏi tướng số đã nói tôi sẽ chết sớm vì điều này. Thế nhưng tôi chưa hiểu Quy dù đây là lần gặp thứ hai. Cô sinh viên có đôi mắt không sắc màu đang dẫn tôi vào vùng bóng tối khác thường. Không phải thân chủ bình thường. Không phải một ông tham nhũng, không phải một bà buôn hương. Không là một cô bị lừa đảo, không là một anh bị tống tiền. Thế giới của Quy lạnh, sâu. Cảm giác có rắn độc. Và tôi cũng cảm giác có thuốc giải trong đó, chỉ là Quy đã cố tình để chúng cách xa nhau.

Quy ngồi bất động. Tóc em mỏng, mượt, êm. Khuôn mặt em lạnh, đôi mắt em không màu. Sắc khí của em chắc đã bị cưỡng bức cho vào vùng bóng tối. Em ngồi đó, em nói, em kể. Và tôi vui mừng khôn tả. Vì tôi đã nghe trong giọng nói của em, có màu, có mùi, có vị.


*

Em không có bố. Em là một đứa trẻ không cha. Người ta hay nói những đứa con hoang thường thông minh. Nhưng em là đứa trẻ không có bố, chẳng phải con hoang. Mẹ chưa bao giờ nói tại sao mẹ có thai và sinh ra em. Hồi nhỏ, em nghĩ mình là tiên được đầu thai làm người, nên không cần phải có bố. Lớn lên, em biết đấy là câu chuyện cổ tích. Nhưng em bướng bỉnh. Em có khả năng tưởng tượng và tin đấy là sự thực. Em chưa một lần hỏi mẹ về bố, và mẹ cũng không. Cho đến ngày mẹ chết. Ghi trong giấy khai sinh và ghi trong trời đất, em là con của Thượng đế. Ai mà chẳng là con Thượng đế. Em ít nói. Em không thèm nói. Em không có bạn bè. Em đã không người thân, em còn không bạn bè. Em cô độc. Dù rằng em chung giường với mẹ và chồng của mẹ cho đến khi em 11 tuổi, cái ngày em có kinh. Khi em biết nói, biết cảm nhận, em thấy một người đàn ông trong nhà. Người ấy là chồng mẹ. Mà không phải cha em. Em gọi người ấy là chú, không phải dượng. Và em gọi thế đến khi mẹ em chết, đến tận bây giờ. Dù em ngủ chung giường với họ cho đến ngày em thấy kinh.

Mẹ bảo không muốn em ngủ một mình. Mẹ sợ. Em không hiểu mẹ sợ gì. Mẹ ôm em trong vòng tay mỗi khi đêm xuống. Trong tim mẹ, em biết có một người đàn bà đang khóc. Nhưng em không bao giờ hỏi mẹ vì sao. Em là một đứa bé khó chịu. Em không có bạn, mẹ cũng không là bạn của em dù đêm nào em cũng ngủ trong tay bà. Mà không, có lúc bà đã không ôm em. Bà đã ôm người đàn ông là chồng mình.

Em tự nhiên bị hẫng giống như trong trạng thái động đất. Em biết động đất vì cách đó vài ngày, em vừa bị hất tung ra khỏi giường khi thành phố chao đảo bởi trận dư chấn. Em đưa tay tìm mẹ. Em bỗng cần vòng tay mà bao nhiêu đêm ôm em, em không xao xuyến. Em muốn mẹ ôm chặt em, vuốt tóc em, giữ linh hồn em lại trong trái tim có một người đàn bà đang thổn thức. Nhưng em không có mẹ. Em giật mình tìm kiếm.

Căn phòng trong đêm có ánh sáng phát ra từ bóng tối. Chị sẽ cho rằng em dùng từ sai, nhưng chị không biết bóng tối cũng phát ra ánh sáng. Khác chăng là ánh sáng của lân tinh, của những linh hồn. Em đã khám phá thứ ánh sáng ấy lần đầu tiên khi em tròn năm tuổi. Khi em bị ngộ độc thức ăn và thần chết đã đến gặp em. Đó là một người đàn ông có đôi mắt màu tím, trang phục tím, cái lưỡi màu tím. Tất cả màu tím hắt ra thứ ánh sáng mộng mị lần đầu tiên em biết. Thứ ánh sáng của đêm. Lần ấy, thần chết không đưa được em đi, ánh sáng của đêm không làm em sợ. Thậm chí em thú vị. Vì mình đã phát hiện ra ánh sáng của bóng tối, ánh sáng của đêm. Vì em đã biết thần chết mặc áo quần màu gì. Đêm nay, em tìm kiếm mẹ trong căn phòng có ánh sáng của đêm. Rồi em cũng nhìn thấy bà. Bà nằm như một con rắn bị dần xương, bẹp dí trong tay chồng. Bà trần truồng, chồng bà trần truồng. Ánh sáng của bóng tối cho em thấy họ dịch chuyển, dịch chuyển giống một trò chơi. Đôi mông người chồng lên xuống, lên xuống như con chó cún vẫy đuôi mừng rỡ. Rồi em cũng nhận biết, không phải động đất xảy ra, mà chính họ đang làm cho chiếc giường bị động đất. Họ đang tạo nên cơn dư chấn khác thường. Dây thần kinh của em căng lên, máu em chảy như đua xe trong cơ thể. Em tức giận cao độ. Vòng tay tối nào cũng ôm em khi em lên giường đang ôm một người khác. Ôm chặt hơn ôm em. Mẹ đã lừa dối em. Bà chỉ ôm em giả vờ. Khi em ngủ, khi bóng đêm ngự trị, khi thần chết mặc trang phục màu tím rình rập bên ngoài, bà đã bỏ vòng tay khỏi người em để ôm người khác. Bà để mặc người đàn ông màu tím thò tay bắt em. Trong một nỗ lực cuối cùng của ý thức, em mụ đi trong bầu trời màu tím của riêng mình. Và đêm hôm sau, em bắt đầu ngủ một mình. Mẹ van xin nhưng em từ chối. Em không bao giờ quay lại chiếc giường đã động đất ấy nữa. Và đúng một tuần sau, em thấy kinh. Đỏ lòm. Dính nhớp.

Một tháng sau, mẹ mua một chiếc giường mới đặt trong căn phòng bỏ ngỏ xưa nay. Mẹ cũng rời khỏi chiếc giường có động đất.

Chị sẽ thắc mắc tại sao em không hỏi mẹ về cha mình, về những bí ẩn trong căn nhà có ánh sáng của bóng đêm. Chị sẽ không tin là em lại chưa bao giờ tò mò. Nhưng đó là vùng bóng tối của em, chính là chất bổ nuôi sống ung ngòi trong vùng bóng tối đặc quánh.

Quy bất chợ vươn vai. Giọng em không còn mùi vị, không còn màu sắc. Giống như một con tắc kè đổi hướng. Tôi chợt nhận thấy bóng một người đàn ông màu tím bơi trong con ngươi của mắt mình.


4.

Buổi tối, khi ngoại ô bắt đầu lên đèn, tôi đang thay bình hoa sen đã rụng cánh bằng một khóm hoa cúc vàng và nghĩ đến Quy, nghĩ đến người đàn ông màu tím đã bơi trong mắt mình trưa nay thì chuông điện thoại reo vang.

“Chị Phi phải không? Lâu có tin của chị thế? Khi nào thì toà sẽ xử con rắn độc ấy? Nó sẽ bị tử hình hay chung thân? Chị phải làm sao nhanh lên chứ. Tôi rất muốn bằm chết nó, muốn băm viên, muốn lột da nghiền nát cho chó ăn. Nghe lời chị, tôi để luật pháp xử. Nhưng chị làm cách nào để con rắn ấy bị thiêu nhanh lên. Tiền chị đã cầm rồi, câu chuyện chị cũng đã rõ, chứng cứ rành rành, sao chị làm lâu thế?”

Tôi suýt rơi bông hoa vàng rượm trên tay. Người đàn bà nói không một giây ngừng nghỉ. Tôi liên tưởng sang một khúc cải lương. Nhân vật sắp chết, máu phun phì phì vẫn ca liên tù tì một hơi mấy phút không thở. Thường khi xem những cảnh ấy, dù đau thương đến mấy, tôi vẫn ôm bụng cười nghiêng ngả. Mẹ thì nước mắt ngắn nước mắt dài kêu tôi là cái máy, không trái tim. Nhưng mẹ chỉ mắng yêu vậy. Con gái mẹ, mẹ thừa biết trái tim nó được làm bằng xúc cảm. Giọng người đàn bà lại lanh lảnh cất lên. Tôi không nghĩ cô ấy đang là bệnh nhân.

“Sao không trả lời tôi, có phải chị luật sư đang cầm máy không?”

“Ồ, xin lỗi chị Lan Lăng, tôi mải nghĩ quá. Chị cứ yên tâm điều trị đi.Tôi đang xúc tiến công việc. Phải theo đúng trình tự mà pháp luật đặt ra chị Lăng à.”

“Việt Nam làm gì có luật. Luật rừng, luật tiền thì có. Tôi đã bảo chị hôm nọ. Chị cứ làm đi, lo hết bao nhiêu tiền tôi cũng chịu. Tôi muốn con rắn độc ấy bị băm viên, chị hiểu chứ?”

“Chị hãy bình tĩnh. Tôi sẽ cố gắng hết mức. Nhưng xin chị đừng nghĩ tiền có thể làm được tất cả. Và cũng xin chị đừng nói Việt Nam không có luật. Chị là người học hành đàng hoàng, chị hiểu điều ấy. Luật vẫn có, nhưng chỉ là chúng ta không làm theo luật mà thôi.”

“Chị nói kháy tôi đấy à? Chị là luật sư hay công tố viên thế? Đến bây giờ chị vẫn nghĩ là tôi phạm tội à? Hình như tôi thuê nhầm luật sư rồi. Ai chẳng biết cái định nghĩa về luật sư Việt Nam mà chị còn phải đạo đức giả. Chị nhớ không hay để tôi phải đọc lại. Luật sư là người nhận phong bì của thân chủ, rút một nửa cho vào túi mình, cầm nửa còn lại đi cửa sau vào nhà thẩm phán. Chị không cứ thế mà làm, lại ngồi đấy khuyên giảng đạo đức với tôi.”

Giọng người đàn bà có tiếng kim loại loảng xoảng. Thực tình, tôi không muốn ăn món kim loại cho một buổi tối trong veo sao và trăng. Tôi không muốn kim loại kêu trong giấc ngủ của mình. Tôi xin lỗi người đàn bà, hứa sẽ gọi lại cho cô vào ngày mai rồi không cần biết phản ứng người đối thoại, tôi nhẹ nhàng cúp máy. Thật không may, người đàn bà đã nghễu ngện luồn vào trong giấc mơ tôi. Mà không phải mơ, luồn vào ý thức, luồn vào vùng suy tưởng một đêm trăng tròn. Chưa đến lễ hội trăng khuyết cầu ngày trăng già.


*

Lan Lăng là người đàn bà đẹp. Với một cái tên lạ. Lại trí thức. Bấy nhiêu bề ngoài có thể đảm bảo cho một cuộc sống an nhàn nơi đô thành. Nhưng bây giờ, Lăng chỉ còn là một người tàn phế với khuôn mặt biến dạng vì bị tạt a xít. Duy chỉ giọng nói vẫn của một người khoẻ mạnh, thậm chí quá khoẻ mạnh. Sỡ dĩ tôi biết Lăng đã từng đẹp vì trước đó có lần gặp tình cờ tại nhà giáo sư. Tôi đưa Lăng danh thiếp vì phép lịch sự. Và bây giờ, tôi bảo vệ quyền lợi cho cô.

Lăng nói với tôi cô không sai lầm, chỉ vì số kiếp không ra gì nên bị rắn độc làm hại. Người đàn bà ấy, cô gọi là rắn độc. Nhưng khi gặp và trò chuyện, tôi có cảm giác bà ta là rắn nước. Chỉ là trong phút mất tự chủ đã vay mượn một ít nọc độc của hổ mang bành. Có thể tôi hơi chủ quan. Khuôn mặt và cánh tay, vùng ngực Lăng đã biến dạng một cách ghê gớm. Bất cứ ai nhìn vào cũng muốn xử lăng trì người đã gây nên thảm hoạ. Năm tháng điều trị, thân thể Lăng vẫn chỉ tựa một miếng da rắn lột. Tôi không dám nhìn thẳng vào Lăng. Vả lại, tôi cũng không có cơ hội nhìn, vì bao nhiêu ý chí, tôi dành nghe Lăng nói. Giọng nói kim loại. Lần thứ hai gặp mặt, không còn lạ lẫm, tôi hỏi Lăng câu hỏi riêng tư:

“Đàn ông, nhất là mấy người giám đốc thường mê các cô gái có giọng nói nhỏ nhẹ êm ru. Chị có biết điều đó không?” 

“Chị ơi, truớc khi bị rắn phun nọc độc, tôi không nói thế này. Giọng tôi trong như pha lê, chị không nhớ à? Lần tôi đã gặp chị ở nhà giáo sư. Mà chị có mối quan hệ thế nào với ông đầu bạc ấy?”

Lăng không thoả mãn với cái cười mỉm thay câu trả lời của tôi. Cô tăng thêm nhiệt độ trong lò nung kim loại.

“Ông ấy giết nhiều phụ nữ lắm rồi đấy, chị không biết à? Mà ông ta rất bí ẩn, chị không dính dáng gì tình ái với ông ta đấy chứ?”

Tôi ngạc nhiên vì khả năng của Lăng. Một người đang chịu những đau đớn khủng khiếp về thể xác và tinh thần vẫn tò mò chuyện riêng người khác. Mà tôi cũng không chắc Lăng có đau đớn về tinh thần thực sự hay không. Hay trong đầu Lăng lúc này chỉ khát cháy mơ ước trả thù, mơ ước rắn độc bị băm viên cho vào chảo rán?

Rắn độc cắn Lăng có khuôn mặt phúc hậu, béo đẫy. Kiểu phụ nữ thừa vật chất, vô lo, phồn thực. Nếu gặp trong một hoàn cảnh khác, không phải trại giam, tôi khẳng định luôn chị là người tốt. Mà ngay cả trong trại giam, tôi vẫn nghĩ chị là phụ nữ tốt. Luật pháp là để trừng trị và răn đe. Nhưng đôi khi luật pháp cũng chỉ là công cụ trả thù. Nạn nhân đã dùng luật pháp làm công cụ trả thù. Luật pháp không cần biết đến vùng bóng tối của con người, không cần biết cái gọi là cảm giác trong bóng tối, ánh sáng của bóng đêm. Con người dùng luật pháp để thanh toán nhau trong xã hội hiện đại. Thời nguyên thuỷ, con người cũng đã dùng sức mạnh để thanh toán nhau. Sức mạnh chính là luật pháp.

Sau khi tiếp xúc với rắn độc, nhìn khuôn mặt phúc hậu ngân ngấn nước, tôi bỗng nghĩ những điều ngớ ngẩn trên, những điều tôi không được học trong trường. Và bỗng dưng, tôi muốn khuôn mặt ấy tự do, tôi không muốn chị ta bị trừng trị. Tôi đã quên mình là luật sư cho người dùng luật pháp để trả thù. Trả thù? Khuôn mặt phúc hậu cũng nói mình tạt a xít là để trả thù, trừng trị. Lăng cũng muốn trả thù. Luật pháp muốn trừng trị. Con người trả thù, trừng trị lẫn nhau. Chỉ vùng bóng tối mới biết ai xấu tốt thật lòng.

Cô đã có chồng chưa cô luật sư? Cô đã sinh con chưa cô luật sư? Cô đã ngủ chung với một người đàn ông 25 năm chưa cô luật sư? Cô đã chia chung tất cả, ngay cả tiếng rắm với ngừời đàn ông nào ngần ấy thời gian chưa cô luật sư? Cô cảm giác thế nào khi có một con rết bò tới lúc chúng tôi đang ngồi ăn cơm? Hoảng hốt, sợ sệt, chạy. Trật tự đảo lộn. Và oái ăm hơn, con rết ấy đã cắn chết người đàn ông thân yêu nhất của tôi. Cô nghĩ con rết ấy có đáng bị tôi giết không, có đáng bị tôi tẩm xăng và đốt để trừ hậu hoạ không? Lời người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu bám riết giấc ngủ tôi. Bất lực, tôi không thể trả lời bà. Tôi không thể dùng lời lẽ khuyên giảng đạo đức rằng phải biết kiềm chế giải quyết mọi việc, rằng bà đã huỷ hoại một con người bằng hành động dã man. Vì tôi thừa biết, người đàn bà đã làm theo lý lẽ của mình. Và lý lẽ ấy rất đúng, với hoàn cảnh của bà. Chỉ có bà mới có khả năng giết chết con rết để tất cả quay về trật tự ban đầu. Trật tự của bà, người vợ phúc hậu. Không dám chắc đó là trật tự Việt Nam.


*

Trước khi lên giường, tôi cẩn thận xem xét khoá cổng. Người giúp việc ra về lúc 9 giờ tối, luôn có thói quen quên khoá cổng. Có những ngày tôi về muộn, khoảng 11 giờ, cổng thông thống như đang đón tiếp khách cho một đại tiệc. Gió ngoại thành tràn ngập khu vườn. Lẫn trong cây là những bí mật. Tôi vốn tò mò. Mỗi ngày, trong mờ nhạt ánh đèn được giăng ngoài sân, tôi nghĩ về một loại cây và khám phá những bí mật của nó. Tôi mơ những câu chuyện sống động. Thậm chí, tôi tưởng tượng nó làm tình thế nào. Cây làm tình, ra hoa và đậu quả. Tôi chắc chắn chúng đã làm tình, thật đẹp. Không phải quá trình thụ phấn đơn thuần. Nhiều lần, tôi nhìn thấy chúng dịch chuyển, chúng đi trong khu vườn. Và sáng mai, khi bình minh, rõ ràng chúng không còn nguyên vị trí cũ. Bà giúp việc tưởng tôi bị ma ám, cười nắc nẻ khi tôi kể. Trí thức nhà các cô thật lắm chuyện! Bao giờ bà cũng buông một câu như vậy rồi quày quả đi tưới cây. Câu chuyện về bà giống như một cuốn tiểu thuyết, và không phải ngẫu nhiên, bà giúp việc cho tôi. Đó là một phần bí mật cuộc đời tôi mà gia đình không hay biết. Tôi có nhiều bí mật. Có lẽ vì tôi cô độc.

Giấc ngủ đến từ từ trong những trang sách của Faulkner. Tôi đọc Âm thanh và cuồng nộ lần thứ tư. Cuốn sách khó đọc kinh khủng. Bạn tôi nói tôi khùng mới đọc được hai lần cuốn sách ấy, sao dám đọc đến lần thứ tư. Người tặng tôi cuốn sách nói anh đã ngốn nó trên một chuyến bay dài đến Mỹ vì không ngủ được, nếu bình thường anh chẳng thể đọc hết. Vả lại, bản dịch của Phan Đan hay hơn bản dịch lần trước tôi đã đọc. Tôi thích nhân vật người điên trong tác phẩm. Tôi muốn khám phá thế giới của người điên. Faulkner đã làm tôi thấu hiểu. Để rồi, tôi không biết thế giới thật ở đâu, ai điên, ai không điên? Mò mẫm trong bao la tăm tối của những lời văn phức tạp, tôi chợt gặp ông.

Vẫn đôi mắt cười có đuôi, ông hiện ra bằng dáng hình chậm rãi, khoan thai. Điệu bộ của người có uy quyền, biết kẻ khác đang chờ mình, phải chờ mình. Dáng hình ấy làm tôi không phân biệt được tôi mơ hay sự thật đang diễn ra trong đời sống. Mà trong mơ có thực, trong thực có mơ, thế giới loài người suy cho cùng, giống giấc mơ khổng lồ. Một ngày nào đó, con người bừng tỉnh, đi ra khỏi giấc mơ. Ngày đó sẽ là ngày tận thế, sẽ là cơn đại hồng thuỷ. Đại hồng thuỷ trong chính tâm hồn mỗi con người bùng lên, dễ dàng nhấn chìm hành trình vũ trụ.

Là buổi trưa gắt nắng khi tôi ngồi chờ ông. Ông bước tới với đuôi mắt cười quyến rũ. Mẹ nói đàn ông cười mắt có đuôi không tin được con ơi, không gian phu thì cũng năm thê bảy thiếp, không đa thê thì cũng cưỡng dâm con gái nhiều lần. Tôi giả vờ lườm mẹ. Vậy tất cả đàn ông có tuổi đều sẽ cưỡng dâm gái nhà lành ư? Vì mắt họ đầy nếp nhăn! Mẹ lườm lại tôi thật. Con nghĩ mẹ tin là con không hiểu ý nghĩa câu nói à, con không tin rồi có ngày… thì đừng về khóc với mẹ. Đúng, dù bất hạnh đến mấy, tôi cũng không chạy về úp mặt vào lòng mẹ. Tôi khác người. Tôi bướng bỉnh. Tôi muốn giành hết nỗi đau vào mình. Chính tôi, không ai khác, phải đào lên hố sâu cất giữ những đau thương và sức mạnh của mình. Rồi tự tranh đấu, tự cân bằng. Và khi tìm thấy chính mình, tôi mới về ngả đầu lên vai mẹ cười vui. Thiên hạ bảo tôi cứng rắn, họ không biết đó mới chính là biểu hiện của sự yếu đuối và cô đơn tận cùng.

“Em chờ tôi lâu chưa, cô bé?”

Âm thanh màu xanh nhưng tôi nghe loảng xoảng tiếng hung khí. Khốn thay, tôi mê giọng nói ấy. Ông cầm bàn tay tôi như cầm một miếng nước. Nhẹ nhàng, mơn trớn, khéo léo. Sợ tan vỡ. Khốn thay, tôi mê sự lèo luột ấy. Ông bận bộ vest nhẹ trắng ngà, chắc ông mua ở hiệu Khai Silk. Nó trưởng giả, khoe mẽ. Khốn thay, tôi mê cái hợm đời này của ông. Người Việt Nam, nhìn ông, không nghĩ ông là một giáo sư danh tiếng. Họ đã quen với những thân hình còm nhom suy dinh dưỡng do ăn nhiều sắn gạc nai cùng đôi mắt cận đít chai. Nhưng ông có thân hình chắc lẳn của một vận động viên và đôi mắt tinh anh của loài cáo. Khốn thay, tôi mê sự trái ngược ấy. Dù biết, hố thẳm trong tôi đang mở toang chờ đợi mầm phôi bất hạnh mới.

Ông đi mà như trườn đến bên tôi. Bước chân nhẹ, bàn tay nhẹ, đuôi mắt nhẹ. Song, tôi biết, toan tính của ông nặng bằng cả dãy Trường Sơn. Dù thế, tôi cũng không thể nào cưỡng lại ham muốn đè bẹp cả dãy Trường Sơn. Tôi muốn leo tới đỉnh sung sướng. Tôi có gan làm việc ấy. Cho dù bất hạnh sẽ đến. Tôi chắc chắn điều đó như chắc chắn rằng tấm thân tôi đang khát háo được ông đụng chạm. Khát háo như lần đầu tiên tôi chết chìm trong đuôi mắt cười đầy nếp nhăn của ông một chiều nắng lụi. Ông toả ra sức mạnh khó gọi tên. Không phải sự quyến rũ thông thường dù ông tự nhiên trong từng lời. Có điều mờ ám, dù không thể chỉ ra căn nguyên nghi ngờ. Giống một người bị thôi miên trong hỗn độn, ngủ mê mệt dù trí não biết có kẻ đang rình kết liễu đời mình. Nếu là mẹ, mẹ sẽ nói: tâm hồn mỗi người là một phù thuỷ!

“Em đã căng chưa?”

Không phải câu hỏi. Nó giống lời mời mọc. Vẫn là kiểu thường thấy ở ông. Kiêu hãnh, khệnh khạng. Kiểu của người hiểu rõ sức mạnh bản thân mình. Ông biết tôi sẽ căng khi nhìn thấy ông. Đón đợi. Và ông chờ đến giờ phút đỉnh điểm, thời khắc tập trung cao độ nhạy cảm thân thể, giờ phút mà chỉ cần một tích tắc kế tiếp, tấm thân tôi sẽ bung vỡ. Ông sẽ nhẹ nhàng chiếm lĩnh, dịu dàng thao túng, dịu dàng đe doạ bằng tất cả sức mạnh bạo cuồng và tính toán hiểm thâm. Liên tục, thành một điệp khúc, làm nhạc cho bộ phim ân ái, miệng ông rắn chắc khi môi ông mềm:

“Em đã vỡ chưa? Em đã vỡ chưa? Em đã vỡ chưa???????”

Chỉ một giây nữa, tôi sẽ vỡ. Trăng sẽ già mà tôi không cần cầu nguyện. Lễ hội trăng khuyết tận tuyệt. Hoang mang thế giới. Hôn mê nước, leo lẻo thuyền chèo. Nhưng thân thể ông đột nhiên chuyển mầu. Cũng nhanh như cảm xúc, máu trong tôi trở về da thịt. Trở về trong một nỗi im lặng mênh mang. Thân thể mênh mang, cảm xúc mênh mang, tất cả mênh mang. Đôi mắt tôi trở về trên khuôn mặt. Đã đủ để tôi nhìn ông thật sự mà không phải u mê. Và tôi ngạc nhiên khi nhận ra phục trang khác lạ nơi ông. Chiếc quần ống túm thùng thình, trên đầu đội khăn trắng, ông chẳng khác người Khơ-me là bao. Người Chế. Tôi bỗng sợ. Một nỗi sợ thẳm sâu từ bên trong. Không phải sợ ông, không phải sợ ma quỷ. Mà tôi sợ quá khứ. Quá khứ có thể quay về bất cứ khi nào nó muốn, con người chẳng thể nào chống cự. Và trong một cõi u mê, một dân tộc luôn sống trong vùng ánh sáng giả tạo để che đậy bóng tối truyền kiếp, khi quá khứ thật sự hiện hình cũng là khi giông tố. Giật trong mỗi con người, giật ngoài biển đông, giật lụn dãy Trường Sơn. Khi đó, mỗi con người tôi gặp sẽ chứa trong mình một cơn đại hồng thuỷ, và tất cả trở về hư không.

Đêm đi tựa một con rắn lười ngắm trăng. Giấc mơ tôi cũng lười như đôi mắt người hấp hối.

Nguồn: Rắn và tôi, tiểu thuyết của Đỗ Hoàng Diệu, sắp xuất bản. Trích đoạn đăng trước trên talawas chủ nhật với sự đồng ý của tác giả.


Đỗ Hoàng Diệu sinh năm 1976 tại Thanh Hoá. Học và làm tư vấn luật tại Hà Nội

Tác phẩm Bóng đè, tập truyện ngắn, nhà xuất bản Đà Nẵng 2005

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài