talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 18.03.2007


Nguyễn ViệnTrước ngày Chúa lại đến


Nguyen Vien
Nguyễn Viện

talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu một trong những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Viện, người từ lâu đã đưa văn chương đi vào những kẽ hở và xộc xệch của lịch sử, sử dụng chính những điều phi lý của ngôn từ và tưởng tượng để đưa ra một hình dung về sự phi lý của tồn tại đặt trong một lịch sử như thể bị đặt nằm ngang trên một mặt phẳng đã đánh mất tính đồng nhất của mình.

Cao Việt Dũng

 

Nguyễn Viện

Trước ngày Chúa lại đến


I II III

Ngày 30.4.1975. Chế độ Sài Gòn đổ sụp, Đại chạy ra bến Bạch Đằng, tất cả tàu hải quân đã nhổ neo. Một người nào đó nói xuống Rạch Giá, Phú Quốc chắc còn kịp. Người ta vội vã tìm đường ra các cửa biển. Đại đeo một chiếc xe đò ra Vũng Tàu. Sau ba đêm canh me, Đại đã lên được một chiếc tàu đánh cá ra khơi.

Đứng ở sân chùa Ấn Quang, Lý Công Uẩn hỏi thượng tọa Thích Trí Sáng: Tại sao ngày nào cũng có hàng ngàn người bỏ chạy?

Thượng tọa Thích Trí Sáng nói: Vì rồng đã chết rồi.

Lý Công Uẩn lại hỏi: Kể cả ta nữa ư?

Vâng, thưa hoàng thượng.

Hai năm sau, Đại liên lạc được với gia đình, nói: Cố gắng đi được thì đi. Lúc ấy, người cha đã nằm trong trại cải tạo, Lan Thanh lại lấy một đại úy Việt cộng. Nhưng dẫu sao, quà từ Mỹ của Đại cũng đã đến đúng lúc trong nhà không còn gì để bán.

Năm 1954. Hơn mười ngàn bộ đội chết ở Điện Biên Phủ. Hơn mười bảy ngàn lính Pháp chết và bị bắt làm tù binh. Ngày ấy, Lý Công Uẩn làm dân công khiêng đạn. Các cố vấn Tàu nói: Chiến thuật biển người, từ lớp này đến lớp khác lao vào chỗ chết, là một cảnh tượng ngoạn mục nhất của chiến tranh. Bọn hậu thế không tin thì cứ xem phim Trương Nghệ Mưu khắc biết.

Hằng nói, nước Tàu nó thừa người, thí bao nhiêu chẳng được.

Ngày 30.4.1975. Lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh qua sóng phát thanh như lưỡi dao cắt đứt sợi dây thừng treo cổ. Ông dân biểu chồng Mì bảo: Có lẽ chúng ta phải xuống đường đón quân giải phóng.

Mỗi người cầm một lá cờ, họ hòa vào dòng người nô nức của ngày hòa bình đầu tiên, nhưng tâm trạng bất an. Số phận của họ không thuộc về họ. Chỉ đến khi thoát khỏi bị bắt vào tù, họ mới cảm thấy được rũ bỏ với quá khứ. Đấy là cái may của ông dân biểu khi cán bộ hoạt động nội thành để tên ông trong danh sách khoảng hai mươi ngụy quân, ngụy quyền được miễn phải tập trung cải tạo, vì được coi là yêu nước.

Năm 1968. Chưa bao giờ có nhiều xác chết đến vậy. Xác người chật các ngõ hẻm và la liệt trên các cánh đồng. Lý Công Uẩn được phân công nhặt xác bộ đội trên tất cả các mặt trận, từ Bình Trị Thiên tới đồng bằng sông Cửu Long. Xác thường dân thì để cho thân nhân tự lo. Bọn lính ngụy thì mặc cho quỉ tha ma bắt. Không có xác con thú nào chết hôi thối bằng con người, Lý Công Uẩn lấy bông gòn bịt hai lỗ mũi, miệng nối với bình rượu đế, ngày nào Uẩn cũng đi từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lặn.

Hằng hỏi: Hôm nay Uẩn vẫn còn đi nhặt xác bộ đội chết phải không? Ừ, nhưng Uẩn không phải bịt mũi và uống rượu đế nữa, vì xác người đã tan thành đất. Vả lại, mũi của Uẩn cũng tịt rồi.

Tháng 3.1975. Dân Kontum bỏ chạy. Dân Pleiku bỏ chạy. Dân Phú Bổn bỏ chạy. Dân Huế bỏ chạy. Dân Đà Nẵng bỏ chạy. Dân Quảng Ngãi bỏ chạy.

Anh có bỏ chạy không? Hằng hỏi. Không, anh đã ở lại.

Lý Công Uẩn vào điện Thái Hòa và ngồi lên ngai vàng, nhìn suốt mọi thời đại: Các khanh hãy bình thân.

Trần Quốc Tuấn tâu: Giải phóng miền Nam xong, hoàng thượng nên miễn thuế cho trăm họ ba năm để hồi sức dân.

Lê Lợi bảo: Trường kỳ kháng chiến hai cuộc liền, tuy thắng lợi nhưng tổn hại nguyên khí, nên cho lính cả hai bên giải ngũ về quê làm ruộng lập kế tự lực, thế nào chúng ta cũng phải đánh nhau với Tàu lần nữa.

Nguyễn Huệ nói: Sau khi tôi chết, Nguyễn Ánh còn đào mồ bốc mả lên trả thù một cách kinh tởm, để cho lịch sử không tái diễn với hàng triệu người thì theo tôi nên đốt sạch lý lịch toàn dân để tháo giải oán cừu.

Trần Nhân Tôn thêm vào: Quang Trung nói phải. Chính tôi đã ra chiếu chỉ xóa bỏ hẳn quá khứ với tất cả những kẻ lầm lạc cầm kiếm theo giặc Nguyên, còn những người có công lớn như Trần Hưng Đạo thì cho về hưởng nhàn ở Vạn Kiếp, Trần Quang Khải cũng không giao trọng trách nữa. Bản thân tôi, rũ hoàng bào đi tu. Chính vì thế mà tránh được nạn kiêu binh, hòa hợp được dân tộc.

Nguyễn Trãi tâu: Lính Nam hay lính Bắc khi cầm súng đều nghĩ mình hy sinh vì đất nước. Xin hoàng thượng lấy đức khoan dung và chính trực cho làm hai tượng đài trên hai sông Gianh và Bến Hải ghi công tất cả những người đã chết với dòng chữ: “Chúng ta chỉ có một tổ quốc”.

Trần Thủ Độ lên tiếng: Các ông đều là những người mơ hồ. Không biết phân biệt địch ta thì không thể giữ được cơ nghiệp.

Nghe Trần Thủ Độ nói xong, Lý Công Uẩn không kịp tuyên bố bãi triều đã bước xuống đất, tiếp tục đi nhặt xác người.

Ngày 20.7.1954 tại Thụy Sĩ. Xung quanh cái bàn vuông, mỗi cạnh có một người ngồi gồm Đức Khổng Phu Tử, đồng chí Staline, tướng De Gaulle và người cho bánh. De Gaulle khai mạc hội nghị bằng một tuyên bố rút lui khỏi Đông Dương: Nhiệm vụ khai hóa của chúng tôi đã hoàn tất. Tương lai nền văn minh nhân loại thuộc về quí vị.

Người cho bánh rút súng đặt trên bàn theo cái cách mà tổ tiên họ vẫn hành xử, nói:
Năm 1945, chúng ta đã phân chia thế giới theo lẽ công bằng của những người chiến thắng, nhưng ngài Staline và ngài Khổng đã có những tham vọng vượt quá giới hạn cho phép. Chúng tôi đã nhẫn nhịn ở Triều Tiên. Chúng tôi không muốn tiếp tục nhẫn nhịn ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn còn nhiều bom nguyên tử.

Staline quơ cây sắt ra trước mặt, lạnh lùng cắt lời: Xin đừng quên là người của chúng tôi đang làm chủ Việt Nam. Cây gậy sắt này có thể đập nát cả phần thế giới còn lại.

Đức Khổng Tử lên tiếng: Chúng ta nên thực tế và giữ hòa khí với nhau.

Người cho bánh nói: OK. Phía Bắc sông Gianh hai vị chia nhau.

Mặt Staline nở ra, ông ta cười cười: Không nên khơi lại vết thương lòng của dân tộc họ. Vả lại, chúng ta cũng cần có dấu ấn riêng của cuộc dâu bể này. Theo tôi, chia đôi Hương Giang thơ mộng thì đề huề cho cả hai bờ thương nhớ.

Người cho bánh nổi cáu: Ông đừng ấm ớ văn nghệ văn gừng với tôi.

Trong khi đồng chí Staline đắc chí cười hô hố thì Đức Khổng Tử điềm đạm góp ý: Trung dung là cái đạo của người quân tử. Chúng ta nên chia nhau ở phần giữa sông Bến Hải.

Họ nhất trí. Đại diện Liên Hiệp Quốc được mời vào khui sâm banh.

Bố tôi kể ngày ấy làm lính của Đức Cha Lê Hữu Từ một tháng chỉ có mấy ký gạo và một bịch muối. Dù vậy, chú tôi đang đi lính cho Tây cũng bỏ về theo đoàn quân của Đức Cha bởi chiếc roi sắt của Chúa đã giáng xuống thế gian.

Trên bãi đất hoang gần biển, đoàn quân vào Nam sau hiệp định chia cắt đất nước vừa xuống tàu hạ trại. Họ dựng lều cho một cuộc trú đóng tạm. Hầu hết vốn là nông dân và họ cầm súng để vinh danh Thượng đế. Trước bữa cơm chiều của ngày ly biệt, đấng cứu thế đã cầm bánh chia mọi người và nói “Này là mình ta, các con hãy cầm lấy mà ăn”. Họ hát vang cả một góc trời để cảm tạ sự sống. Lúc ấy họ đã nhìn thấy biển trên đầu. Những con sóng tạt ngang bầu trời mang theo mọi loại sinh vật được Thượng đế tuyển chọn. Ông Ngô Đình Diệm cho người đến đón đoàn quân và trao tặng thực phẩm dán dấu hiệu bắt tay nhau của viện trợ Mỹ. Đức Cha nhận quà nhưng không vui. Ngài biết ngày của ngài sắp hết. Kẻ cho bánh đã đến và đàn chiên của ngài sẽ rời bỏ ngài. Cánh đồng cỏ của Thượng đế có gai và cũng đến lúc chính ngài sẽ phải nằm xuống trên những cây gai sắc. Kẻ đi tìm vinh quang trần thế không thể tìm thấy sự êm dịu trên trời. Dưới ánh sáng nhá nhem, đàn chiên của ngài, những chiến sĩ tự vệ đang ngửa mặt lên cùng với Thượng đế. Bản thánh ca của họ làm cho biển lặng sóng và mở ra một lối đi giữa hai bờ nước. Nhưng không một ai trong số họ đủ lòng tin bước xuống.

Năm mươi năm sau một thằng cao bồi Mỹ nói trong phim găng tơ rằng, nếu bạn đến một thế giới khác thì cũng không có gì thay đổi. Và hắn bóp cò.

Bố tôi bây giờ đã tám mươi tuổi. Suốt ngày ông nằm một mình. Ăn một mình. Nhưng ngủ với tất cả giấc mơ của nhân loại. Kẻ cho bánh vẫn ngự trên đầu chúng ta và phân phát lòng tin vào miếng ăn. Các chiến hữu Ba Cụt, Năm Lửa hay Trịnh Minh Thế tất nhiên cũng phải ăn mới sống. Đức Cha nói với đàn chiên của mình: Các con hãy cảm tạ Chúa vì sự sống mà ngài ban cho và bổn phận của chúng ta là gìn giữ sự sống ấy để vinh danh ngài. Đàn chiên hỏi: Thưa Đức Cha, gìn giữ bằng cách nào? Đức Cha bảo hãy đi tìm kẻ cho bánh mà hỏi. Bố tôi chẳng bao giờ kể lại như vậy thì tất nhiên điều ấy chỉ có thể do đám hậu thế như tôi phịa ra. Nhưng tôi tin rằng Đức Cha đã nói với ông Ngô Đình Diệm khi giao đàn chiên của ngài cho ông ta, thế này: Ông là người giữ kho, chia bánh là việc của ông, nhưng tôi hỏi thật ông với vài ổ bánh và mấy con cá, liệu ông có thể cho năm ngàn người no đủ không? Ông Ngô Đình Diệm nói: Thưa Đức Cha, con tin vào quyền năng của Chúa và sự lựa chọn của ngài. Đức Cha bảo: Nếu ông tin thì ông cứ làm. Rồi ngài từ bỏ mọi quyền bính và ẩn mình vào trong bóng tối của thời thế. Bố tôi và các chú của tôi vẫn được nhận bánh và họ đổ máu xuống cánh đồng cỏ nuôi tôi.

Thằng cao bồi Mỹ bảo nếu bạn không bước đến một thế giới khác thì sẽ không có gì thay đổi. Hắn lại bóp cò.

Âm vọng lời cầu kinh của đoàn quân tự vệ năm xưa vẫn vang trên bầu trời, nhưng ý định của Chúa thì không một ai thấu hiểu. Cây roi sắt của Chúa đã quất vào lưng chúng tôi. Chúng tôi rời bỏ căn nhà của ngài. Căn nhà ấy biến thành nhà kho của hợp tác xã. Ngọn roi đầu tiên lột hết áo quần của chúng tôi. Đấng cứu thế phán: Từ nguyên thủy các ngươi đã là bầy đàn, giờ ta đến để nối kết các ngươi trở lại trong bầy đàn. Dưới sự chăn dắt của ta, các ngươi được bình đẳng trong sự sống cũng như sự chết, nhưng kẻ nào trong các ngươi khôn ngoan hơn đồng loại kẻ đó phải bị đấu tố bởi sự đố kỵ và thù oán. Bố tôi bảo cần phải trốn khỏi cái lũy tre của các đấng tổ phụ Đinh, Lê, Lý, Trần… Giữa lúc ấy, kẻ cho bánh đến và nói: Bên ngoài lũy tre còn có bức tường sắt, không ai có thể đến với tự do mà không phải đổ máu. Nhưng máu của các ngươi là máu của chim, loại máu ấy không đổi được tự do nếu các ngươi không biết bò sát xuống mặt đất và chui qua háng của các vị thần. Bố tôi bảo chúng tôi chỉ có một thượng đế và ngài sẽ dẫn đường cho chúng tôi. Kẻ cho bánh độ lượng nói: Này, ta hỏi thật, các ngươi sống bằng bánh hay bằng lời? Chúng tôi nhao lên trả lời thay cho bố: Bằng bánh.

Đồng chí Staline cầm cây can bằng ngà voi gõ vào vòng xích chiếc xe tăng nói: Bọn duy tâm chỉ được cái hoa hòe hoa sói. Lịch sử sẽ chứng minh, khi ngồi trên xe tăng, con người là thần thánh.

Tôi thích ăn bánh hơn ngồi trên xe tăng, nhưng người cho bánh đã bỏ đi. Bố tôi bảo đói cho sạch rách cho thơm. Tôi nói: Đức Khổng Tử đã bị đồng chí Mao Trạch Đông treo cổ rồi. Bọn người nửa điên nửa dại vì trót đọc sách thánh hiền cũng đã bị đưa đi lao động cải tạo. Bụng đói thì đầu gối phải bò, các đấng tổ phụ cũng đã nói như vậy. Bố tôi dọa: Đứa nào bò tao đánh cho gãy cẳng.

Chúng tôi nhìn thấy bụi bốc lên từ phía Đông. Đám bụi mỗi lúc một lớn dần và di chuyển về phía chúng tôi. Nhìn qua hướng Tây, chúng tôi cũng nhìn thấy một đám bụi tương tự. Bố tôi bảo đấy là huyễn tượng của thế giới, chúng mày đừng nhìn kẻo mù mắt. Nhưng chúng tôi đã nhìn thấy từng đoàn người đủ mọi sắc tộc, màu da đang bò lết trên mặt đất. Sự cọ xát của da thịt với đất tạo nên những âm thanh ầm ì như tiếng sấm và bụi che phủ khuôn mặt họ. Tôi nhắm mắt lại khi họ bò sát tới chỗ chúng tôi. Ép chúng tôi vào giữa. Tôi nghe thấy tiếng rú của những linh hồn thanh bạch. Mở mắt ra, tôi chỉ thấy bụi và bóng những con người đang bò xuyên qua nhau.

Trên đỉnh đồi mà người La Mã đã đóng đinh bọn trộm cướp và các đấng tiên tri, đồng chí Staline cầm cây can vung lên trời nói: Tao sẽ giải phóng nhân loại khỏi bọn trộm cướp và bọn nói phét, thiết lập một trời mới đất mới trong ba ngày. Một nửa thế giới đã nghe thấy tuyên ngôn ấy và họ đi theo người.

Bố tôi bảo: Ta không muốn giao các con cho ông ta. Tôi nói: Các anh con đã đi rồi. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc. Các anh tôi sẽ không bao giờ quay lại cho đến khi bố tôi chết.

Ông Ngô Đình Diệm bảo con người là một nhân vị. Cần phải tôn xưng con người giữa ma quỉ và thần thánh. Nhưng giữa thần thánh và ma quỉ không có chỗ cho con người, bố tôi bảo hãy tự tìm đường mà đi. Sau đó bố tôi tịnh khẩu. Khi người Mỹ trầm lặng đến Sài Gòn đã tìm gặp bố tôi hỏi làm thế nào có thể bẻ được chiếc roi sắt mà không phải dùng sức. Bố tôi không nói gì chỉ cầm viên đá ném xuống nước. Báo chí nước Mỹ bình luận cuộc chiến ở phương Đông không thể có người chiến thắng cuối cùng. Ông Ngô Đình Diệm cũng đến hỏi bố tôi làm thế nào để không cho quân Mỹ vào Việt Nam. Bố tôi không nói gì chỉ dùng cây đóm hút thuốc lào vẽ lên trời chữ “Thiên cơ”.

Ngày ấy, chim tôi bắt đầu mọc lông. Tôi nhìn thế giới qua nhân dáng và số phận của đàn bà. Ông Trần Thủ Độ cưỡng bức vua Lý Huệ Tông phải thắt cổ tự tận và bắt bà hoàng hậu vốn là chị mình về làm vợ. Tôi nhìn thấy gái cũng chỉ muốn hiếp. Ông Trần Thủ Độ bảo: Hiếp được đàn bà đấy là đại nhân. Tôi hỏi: Còn đàn bà bị hiếp là gì? Đấy là dâm tính hiển lộ. Thuận Thiên công chúa, vợ của Trần Liễu, có thai ba tháng bị đại nhân bắt gán cho Trần Thái Tông mà không tuẫn tiết làm một mệnh phụ tiết hạnh khả phong triều nghi chính trực phải chăng cũng là dâm tính đăng đàn? Đại nhân bảo: Đấy là chính sự thượng thừa của đàn bà, không phải của mỗ.

Ông Ngô Đình Diệm cho người đi tìm những người anh tôi để thương nghị, nhưng các anh tôi đã ngồi trên xe tăng của đồng chí Staline. Thế giới được nhìn qua ống ngắm của nòng súng. Trần Thủ Độ lại bảo: Lịch sử chỉ là cơ may với vận rủi. Ông Hồ Quí Ly vuốt râu cười. Tôi được khai hóa bởi một con đĩ. Ông Trần Thủ Độ bảo cơ nghiệp nhà Trần được và mất cũng chỉ là việc của các công cụ sinh tồn.

Bố tôi bị u xơ tuyến tiền liệt phải cắt bỏ hai tinh hoàn. Các anh tôi nhắn tin về bảo phải làm tang lễ cho cái chết của linh vật. Tôi đóng hộp hai tinh hoàn của bố gửi cho các anh tôi theo đường bưu điện qua Paris. Ủy ban giám sát đình chiến của Liên Hiệp Quốc đòi kiểm tra nhưng ông Ngô Đình Diệm đã lên tiếng phản đối vì cho đó chuyện nội bộ của người Việt. Tuy nhiên, cái hộp của quí ấy cuối cùng đã bị CIA đánh tráo bằng hai tinh hoàn của một người khác. Cho đến nay tôi cũng thật sự không biết hai tinh hoàn của bố tôi nằm ở đâu.

Thằng cao bồi Mỹ bảo gìn giữ bản sắc dân tộc là một kiểu phòng thủ của kẻ yếu. Và hắn lên ngựa.

Người dạy dỗ tôi nên người là một thiếu phụ có hai con, chồng chết trong chiến tranh. Đạn của Nga hay của Mỹ cũng đều là đạn và có công dụng như nhau. Người đàn ông ấy chết lần thứ nhất vì đạn, chết lần thứ hai vì bọn đào mồ bán đất. Người đàn bà mang tôi về làm công cụ chính chuyên cho tiền đồ của hậu thế trong vai một gia sư. Tôi được trả công bằng tiền bằng tình và cả sự khát khao lãng mạn. Bà Hồ Xuân Hương bảo: Mày cơm no bò cưỡi là phúc ấm của bà đấy. Tôi nói: Thì bà cũng có hẩm hiu đâu.

Khi trong nhà ngoài ngõ đều có tiếng súng thì thế hệ hậu duệ của những người đi lính đánh thuê cho Tây dành phần lên tiếng phản đối chiến tranh cho triết lý của Krishnamurti và những người khác. Họ suy tôn một nhà tiên tri lên làm minh chủ. Người Mỹ vỗ tay. Vấn đề của tôi không phải là người Mỹ muốn gì mà giời ạ, cô em của minh chủ mới là giấc mộng của tôi. Tôi nói với minh chủ rằng: Một nội các chuyển tiếp sẽ được thành lập và bố tôi đã dàn xếp để minh chủ nắm chức quốc vụ khanh phụ trách văn hóa, phần tôi sẽ là phó thủ tướng. Ngày huy hoàng tráng lệ ấy, tôi muốn có cô em minh chủ đứng bên cạnh với tư cách là một phu nhân. Thế là chỉ trong ba ngày tôi đã cắt tiết cô ta ngay trong nhà minh chủ. Trần Thủ Độ bình việc này như sau: ú ớ u ơ ù ờ ú ớ. Tôi nói với người đàn bà nuôi tôi rằng: Dâm tính thì bất khả tư nghị. Nhưng người đàn bà bảo: Nó là chuyện bình thường.

Giấc mộng không như tôi tưởng. Cô gái có máu điên. Khóc cười ngằn ngặt. Cao cả và hèn hạ. Cô ta bảo: Hãy nuôi em bằng sự cuồng bạo của anh. Ôi, nào có phải thế, tôi con rồng cháu tiên bốn ngàn năm văn hiến ứng xử nho nhã và làm tình thơ mộng. Cô gái nói: Tất cả các tổ phụ đều có tốc độ đêm bảy ngày ba, vào ra không kể. Theo lý thuyết của Darwin thì cái ấy càng ngày phải càng kỳ vĩ, vì thế anh phải phục vụ em với tinh thần thi đua quyết thắng.

Tôi không cần biết truyền thống hay hiện đại, bỏ của chạy lấy người. Nhưng cô gái nói: Em quen hơi anh rồi. Anh không thể chạy thoát khỏi em đâu. Bà Hồ Xuân Hương thở dài. Thời đại không còn liêm sỉ. Ông Ngô Đình Diệm bị thuộc hạ giết trong xe tăng. Bố tôi chôn ông trong nghĩa trang giữa thành phố. Chúa Giêsu bảo muốn nhìn thấy mặt Thượng đế thì lòng phải trong sáng. Krishnamurti cũng bảo phải giải trừ kiến thức. Nhưng các anh tôi bảo muốn tiến thân thì phải học thuộc lòng Lê Nin toàn tập. Cô gái đứng chặn cửa: Anh không làm cho em sướng thì không được về.

Danh sách chính phủ chuyển tiếp được người cho bánh duyệt không có anh của cô gái. Tất nhiên cũng không có tôi. Gia đình cô gái cấm cửa không cho tôi đến nhà. Cô gái bỏ nhà tìm tôi. Tôi bỏ nhà tìm sự yên ổn. Cuộc rượt đuổi ấy biến cô ta thành một họa sĩ trong hành trình của không và sắc. Hoang tưởng và nhạt nhòa. Tôi nhìn thấy tôi trong các họa phẩm của cô ta. Sự điêu đứng của ý thức trong những khuôn mặt người méo mó. Nó tra tấn người xem ở cảm trạng của kẻ bị dồn vào chân tường. Vì thế mỗi một bức tranh của cô ấy là một bố cáo thất tung về tình yêu.

Tôi thay đổi hình dạng.

Nhà cảm xạ học ngồi trước tấm bản đồ. Ông ta đưa quả lắc vào vị trí ngang vĩ tuyến 17. Quả lắc quay vòng rất mạnh. Ông ta cố kìm nén hơi thở rồi ghìm quả lắc lại. Thiên đỉnh của ông ta mở ra. Trên con đường ngang của vĩ tuyến 17 là sông Bến Hải, đoàn người từ hai miền Nam Bắc đang tiến dần về phía con sông. Tôi nhìn thấy nhiều người từ những thế kỷ trước, cả đàn ông, đàn bà, trẻ con và các cụ già. Tất cả họ đều mang theo khí giới. Bố tôi bảo đừng nhìn kẻo điên loạn. Nhưng tôi đã nhìn thấy trong số họ bên này là các chú và các em họ của tôi, bên kia là các anh ruột tôi. Đôi mắt họ tóe lửa. Và khi họ đứng trước mặt nhau, họng súng bốc khói. Nhà cảm xạ học bảo xương cốt không phân biệt được chính tà.

Các anh tôi hỏi: Tại sao người ta lại bỏ chạy khi các anh đến? Tôi nói: Vì trên tay các anh cầm chiếc roi sắt.

Tất cả những kẻ phục vụ cho chế độ cũ đều phải học tập cải tạo, bất kể nghề ngỗng gì. Họ buộc phải nhận tội trước người chiến thắng. Và không một ai trong số họ không nhận tội. Ngày ấy, tôi là một người phu quét đường. Tôi đã nhận tội thế này: “Tôi có tội với nhân dân vì ngày nào tôi cũng quét đường sạch sẽ, vệ sinh để cho bọn ngụy khỏe khoắn chống phá cách mạng”. Nguyễn Huệ bảo: Con người lăng nhục lẫn nhau vì sự khốn cùng của tâm thức.

Tôi bước ra khỏi từ đường. Chiếc xe lửa chạy đường Bắc Nam rầm rập đi qua. Ở một đường ngang trên địa phận tỉnh Quảng Trị, xe lửa đã đâm vào chiếc ôtô chở các thương binh đi thăm lại chiến trường cũ. Mười bốn người chết tại chỗ. Chiếc ôtô bị dập đầu. Khi tôi đến nơi thì không còn một vết tích nào. Chiếc xe lửa vẫn chạy.

Các xác chết bảo: Đừng quật mồ chúng tôi.

Trong một thời gian rất lâu, tôi không biết mình đi đâu. Bố tôi bảo hãy khép con mắt lại. Nhưng cô gái bảo hãy mở con ngươi ra mà đón nhận. Trước mặt tôi, cô gái đứng chắn trên bệ cửa, giạng chân, dang tay thành hình chữ X. Anh không thể đi đâu mà không bước qua xác em.

Khi ấy, nhà tiên tri đứng trên chiếc bục tròn giữa ngã tư của người cảnh sát hướng dẫn giao thông, to tiếng nói:

Các ngươi đừng bận tâm về việc phải đi bên trái hay bên phải, bởi vì trái hay phải không thuộc về các ngươi. Các ngươi cứ đi như các ngươi muốn, bởi vì sự muốn của các ngươi là sự muốn của người làm ra luật lệ. Các ngươi đừng sợ mắc nghẽn giữa đường, bởi đường đi ở trong lòng các ngươi.

Các anh tôi bảo thế giới toàn những thằng điên, cần phải cho chúng đi lao động cải tạo.

Đêm 24.12.1980. Trong lán trại bằng lá giữa rừng, có một tiếng nói nhỏ: Chúa đã đến. Hơn một trăm người đang nằm thao thức đều ngồi bật dậy. Họ tiếp tục thầm thì: Chúa đã đến. Và rồi từng ngọn nến được thắp lên trên đầu giường họ. Ánh sáng giống như đêm phục sinh soi sáng thế gian. Những khuôn mặt người hiện ra, râu tóc bù xù và quần áo rách rưới. Họ khổ hạnh và tăm tối. Có tiếng người làm dấu thánh giá. Tất cả những người khác làm theo. Xin Chúa đến giải thoát chúng con khỏi sự dữ và mang bình an của người cho chúng con. Trong giây lát sự im lặng trở nên trầm trọng như thể Chúa đã thật sự đến và vỗ về họ. Rồi tất cả những ngọn nến đều tắt phụt như chưa hề có một thứ ánh sáng nào đã được thắp lên trên thế gian.

Chúa nhận lời cầu xin của họ.

Người cho bánh hứa mang họ đi khỏi sự lầm than và âu lo khi họ rời trại cải tạo.

Nhà tiên tri bảo: Các ngươi sẽ phải trốn chạy đồng loại và nguyền rủa lẫn nhau vì chân tay các ngươi đã mọc móng vuốt và máu các ngươi đã tràn đầy sự dữ.

Các anh tôi bảo chỉ có một nhà tiên tri cho thế giới này là Marx. Hãy san bằng mọi sự và làm nên một thế giới khác.

Ngày ấy, bọn địa chủ, bọn trung nông, bọn làm ăn buôn bán có tiền đều bị đập mặt xuống đất và đuổi ra khỏi nhà. Chỉ tiêu thành phần ác ôn được phân bổ về cho từng địa phương. Nơi nào không đủ thì cứ đôn lên cho đủ. Vượt chỉ tiêu có thưởng. Tấn tuồng nhân sinh ai oán mà hoành tráng. Tổ cha nhà chúng mày. Ông cố ông kỵ nhà mày. Ngày xưa bà rửa đít cho cả nhà chúng mày. Bây giờ thì cả nhà chúng mày cúi xuống ăn cứt bà. Cứt bà là tinh hoa chắt lọc của tổ tiên nhà chúng mày đấy. Người đàn bà mồm loa mép giải dí đầu ông lão xuống bãi phân dưới đất, đôi mắt đẫm lệ.

Tôi hỏi các anh: Tại sao người đàn bà được tổ chức cho đi đấu tố lại khóc, đấy không phải là vinh quang của giai cấp sao?

Các anh tôi bảo: Mày không hiểu lịch sử là gì. Cần phải biết ăn ớt và uống rượu mới làm chính trị được em ạ.

Chén đắng mà con người dành cho nhau khó uống hơn của Chúa. Tôi không biết ăn ớt cũng không biết uống rượu. Sầu thiên cổ đổ vào đáy vực đàn bà. Nhưng tổ mẫu Thị Màu bảo gian dâm cũng có chín mười đường gian dâm. Staline chết thì mặc mẹ nó, chúng mày khóc lóc như ông tổ nhà chúng mày thì bà tổ nhà chúng mày đây ai khóc? Tôi vội thưa: Có con. Mày là thằng nào? Con là con hoang của bà đây. Lại đây bà xem mặt nào. Tôi bước tới gần, trong lòng khao khát được ôm chầm lấy bà. Thị Màu bảo: Mặt mày giống Thị Kính chứ đâu giống tao. Tôi thưa: Bên ngoài con giống Thị Kính nhưng bên trong con giống bà. Thị Màu hỏi: Thế bây giờ mày làm gì? Dạ, con quét lá đa. Thị Màu cười sằng sặc: Mày quét lá đa thì đích thị là con Thị Kính chứ không phải con tao.

Nền văn chương ẩm ướt tạo ra nấm. Các anh tôi bảo đó là nấm độc. Các ông Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến... không trồng nấm độc nhưng cũng phải bỏ trốn. Chỉ còn Thị Màu ở lại, bà nói: Tao mới chính là tâm linh dân tộc.

Khi ấy nhà tiên tri đã vào tù, ngài rao giảng: Các ngươi có than khóc thì hãy than khóc cho con cháu các ngươi vì con cháu các ngươi đã chết trước khi chúng được sinh ra.

Người cai ngục nghe thấy thế thì kinh hãi bởi ông ta đã lấy ba bốn người đàn bà mà không một ai đẻ cho ông ta đứa con nào. Bọn quan quyền sai đem nhà tiên tri đến dinh thự của họ. Họ hỏi: Tại sao con cháu chúng tôi lại tật nguyền? Nhà tiên tri đáp: Các ngươi chỉ nhìn thấy tai ương mà không thấy ánh sáng soi rọi trên bầu trời. Hãy nhìn vào trong mắt con cái các ngươi, các ngươi sẽ thấy sự công bằng của đấng sáng tạo.

Bọn quan quyền sai đem trả nhà tiên tri về nhà tù. Họ nói: Chúng tôi không chịu trách nhiệm về cái chết của người này.

Người cai ngục treo cổ không một lời tuyệt mệnh. Các quan hỏi nhau: Tại sao không phải là nhà tiên tri mà lại là người của chúng ta phải chết? Trong song sắt, nhà tiên tri ngửa mặt lên trời cầu nguyện. Thượng đế sẽ đến trong ánh sáng chói lọi. Kẻ mù sẽ được nhìn thấy và người sáng mắt sẽ đui mù. Người sẽ làm cho sự tàn rữa được hồi sinh và sự phù ảo trở nên vĩnh cửu.

Tôi vẫn nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ cạo đầu làm một hành giả. H bảo: Anh cạo đầu trông không đẹp trai bằng để tóc dài, nhưng em thích kẹp cái đầu chôm chôm của anh giữa hai đùi. Tôi bảo tôi đi tu rồi. H nói: Tình tu mới lãng mạn mà tu tình thì đáo bỉ ngạn niết bàn phật tính.

Nhà tiên tri bảo: Trước khi ngày ấy đến, con người sẽ hủy diệt nhau và thế giới đổ vỡ. Người sống sót không phải đã lên tàu của ông Nôe mà nhờ biết im lặng. Người ấy sẽ bắt đầu một ngông cuồng khác cho đến khi Chúa lại đến để kết thúc mọi sự.

Tôi hỏi: Chúa có khóc không?

Lúc nào Chúa cũng khóc.

Tạo vật do Chúa dựng nên còn khóc nhiều hơn Chúa.

Bởi vì chúng không nhận biết Chúa.

Sao Chúa không mang con người về?

Con đường phải đi không khác được.

Chén đắng của Chúa đấy ư?

Các anh tôi nói: Mày lầm bầm cái gì vậy? Triết học chỉ là thứ ngớ ngẩn của con người. Khi máu đã đổ thì tốt nhất là đọc kinh cầu hồn.

Cô gái đẩy tôi vào bờ tường: Hãy nói yêu em đi. Nói đi. Nói đi. Tôi há mồm bảo: Anh sắp chết. Cô gái nói: Hãy yêu em đi rồi chết. Hai tay tôi buông xuôi. Cô gái hét lên: Anh không được chết. Nhưng hai chân tôi đã khuỵu xuống. Cô gái quào vào mặt tôi: Hãy mở mắt ra.

Tôi nghĩ tôi chưa bao giờ nhắm mắt. Thế giới được tạo dựng để nhìn ngắm và hưởng thụ nhưng ngay cả sự hưởng thụ, con người cũng ép buộc nhau. Tôi đến và tôi đi trên con đường thép gai hoen gỉ có những bộ xương người co quắp. Ở đấy cỏ mọc lên nhưng không che giấu được sự hoang tàn của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tôi nhìn ngắm tấm ảnh. Ông Ngô Đình Diệm mặc áo dài khăn đóng đứng dưới chân cụ Ngô Đình Khả, bên phải ông Diệm là Đức Cha Ngô Đình Thục, bên trái là ông Ngô Đình Nhu, kế tiếp là ông Ngô Đình Khôi, rồi ông Ngô Đình Luyện, cuối cùng là ông Ngô Đình Cẩn. Cụ Khả nói: Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm được và rồi chúng ta chết. Lịch sử là sự dối trá vĩ đại nhất được viết bởi máu của những con người nhỏ mọn. Nói xong cụ Khả quay lưng lại và bước lui vào trong. Những người con của cụ cũng quay lưng lại, nhưng câu chuyện của họ vẫn tiếp tục.

Ông Diệm buồn rầu nói: Chúng ta đã không được chết như chúng ta muốn.

Giọng ông Khôi trầm trầm: Và máu của chúng ta sẽ còn chảy mãi...

Ông Cẩn than thở: Em không nhắm mắt được.

Đức cha Thục: Ở Phi châu xa xôi, đôi khi ta vẫn tự hỏi đâu là ý Chúa, khi số phận giáng lên gia đình chúng ta những cái chết khốc liệt. Những cái chết tức tưởi ấy minh giải điều gì?

Ông Luyện: Chúng ta đã chết như hàng triệu người Việt Nam khác đã chết trong sự nhầm lẫn ấy. Và không phải chỉ có máu của chúng ta mà máu của tất cả những người khác cũng không bao giờ khô được.

Ông Nhu không nói gì. Tôi nhìn thấy những sợi tóc sau gáy của ông dựng lên. Ở trên góc cao của bức hình, những người phu đào huyệt đang quăng đất lên và có rất đông người xếp hàng chờ bước xuống. Họ ăn mặc chỉnh tề và nghiêm trang như các vị thánh.

Đồng chí Mao Trạch Đông phát không cho mỗi anh trí thức một giải lụa, anh nào không thích màu mè thì cho một bát thuốc độc. Nhưng không anh nào dám tự xử. Tôi nghĩ đi chơi đĩ thì anh nào cũng thế. Đồng chí Mao Trạch Đông đã xiết dây thòng lọng quanh cổ họ và dắt xuống ruộng bắt cày thay trâu. Tôi lại nghĩ và được miếng cơm vào mồm thì ai cũng phải nhục.

Tôi thấy ông Nhu đứng lên đi về phía những người đang xếp hàng chờ bước xuống mộ. Ông xem mặt từng người. Vẫn im lặng. Chỉ có một người ông không quen. Hai người nhìn nhau cố nhớ một điều gì đó, nhưng rồi họ quay đi. Tôi biết người lạ mặt đó. Nhà tiên tri nói: Khi thằn lằn biến thành khủng long, trời khô hạn nắng nóng, rừng bốc cháy và không một hang hốc nào có thể trú ẩn, con người sẽ phải rời bỏ đất đai và than khóc trên biển cạn.

Kẻ biến hình bảo: Ta là đấng sáng tạo vĩ đại nhất của mọi thời đại. Hãy hoan hô ta trên mọi nẻo đường trốn chạy của các ngươi. Bởi sự trốn chạy chính là khởi nguồn cho mọi hy vọng và sáng tạo. Trong lòng bàn tay ta trái tim con người run rẩy và chân ta nhuốm máu dơ bẩn của những con vật hiến tế.

Ông Nhu quay lại hỏi nhà chính khách trẻ:

Anh có tin việc anh làm không?

Thay đổi bao giờ cũng là điều tốt.

Anh có biết kẻ biến hình không?

Đấy là đấng sáng tạo.

Anh tin người ấy?

Không. Tôi chỉ tin việc tôi làm.

Thực sự nó là gì?

Xóa bỏ quá khứ.

Tôi bỏ tấm ảnh vào trong ngăn kéo. Tiếng ông Diệm vọng ra: Xin Chúa tha thứ cho kẻ không biết việc họ làm.

Tôi không muốn nghe nữa. Tôi cần xả xui. Em bán trinh được ba cây vàng cũng bõ đời con gái. Đừng làm em nhột. Thế giới đã thay đổi. Kẻ biến hình bóp vú cô gái quê và bảo: Vấn đề không phải là vú to hay vú nhỏ, cái chủ yếu là có vú hay không. Vâng, tôi nói, có vú là có sữa, chúng ta sẽ không phải chết khát. Nhà chính khách trẻ bảo không cần phải cải tạo tư tưởng, quyền lực cách mạng đủ để áp đặt mọi cảm giác. Khi giơ tay đầu hàng, nước trong quần tôi chảy xuống, nước mắt tôi cũng chảy xuống. Cuộc chiến tranh kết thúc đã lâu nhưng những người lính vẫn cầm súng. Tôi vẫn giơ tay đầu hàng, trong tư thế ấy tôi ngửa mặt bú sữa từ một bầu vú không phải mẹ mình.

Ngày 13.10. 1977. Hôm nay Đức Mẹ sẽ hiện ra cùng với con cái của người. Từ chín giờ sáng nhà thờ Fatima đã đông nghẹt. Người ta đến từ khắp nơi. Uống nước phép và để cho cơn khát nhân đức được thánh hóa. Con muốn sống không phải như một niềm hy vọng được cứu rỗi mà chính sự cứu rỗi. Con không chỉ muốn lau nước mắt kẻ khác mà chính con là nước mắt. Sông Sài Gòn đầy những bè lục bình trôi. Màu hoa tím nhạt của nó mờ ảo. Tiếng cầu kinh trong nhà thờ rợn lên như sóng. Hãy cho chúng con một dấu hiệu về sự hiện hữu của Người. Tiếng cầu kinh mỗi lúc một lớn và khẩn thiết. Hãy gìn giữ chúng con trong thành trì của Chúa. Trời nóng hừng hực. Xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Mặt trời chói lòa. Nước Nga sẽ trở lại. Tin mừng và hy vọng của Người thiêu đốt chúng con.

Có rất nhiều người bảo họ đã nhìn thấy Đức Mẹ trong chiếc áo của ánh sáng. Có người bảo họ nhìn thấy bánh thánh đỏ máu.

Ngày hôm sau cha sở nhà thờ Fatima bị bắt. Phép lạ của Chúa vẫn xảy ra ở những nơi mà con người cần.

Tháng 3.1975. Ông dân biểu chồng Mì hỏi thượng tọa Thích Trí Sáng:.

Thầy ủng hộ chúng tôi để lật đổ chính quyền Thiệu chứ?

Hãy về nói với chủ của anh rằng, quyền lực phải được kiểm soát kẻo nó là tai họa.

Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ quyền lực.

Anh có quyền đến đâu để chia?

Chúng tôi cướp nó trên tay người khác.

Khi tôi chưa cho phép thì điều ấy không xảy ra được đâu.

Xin thầy chỉ dạy.

Khi lịch sử chọn, anh chấp nhận chứ?

Tôi yêu nước.

Anh không cần bày tỏ điều ấy. Tôi không muốn anh chiến đấu, mà tôi muốn anh đầu hàng. Anh làm được không?

Thưa thầy, nếu điều ấy có thể làm chấm dứt cuộc chiến.

Đồng chí Mao Trạch Đông bảo: Tao muốn chúng mày phải đánh nhau tiếp. Thế giới cần phải đại loạn. Đứa nào thiếu đạn cứ đến gặp tao. Đồng chí Pôn Pốt nói giết người bằng cán cuốc có nhiều ấn tượng thị giác hơn bằng súng. Nền văn minh cán cuốc được xuất khẩu từ Trung Quốc sang Kampuchia. Chủ nghĩa thi đua lên cao trào. Đếm sọ tính bậc lương. Thủ tướng Trần Văn Hương thưa bẩm: Chúng em chống cự với quân Minh mười năm oải lắm rồi.

Đồng chí Mao Trạch Đông gầm gừ trong mồm: Chúng mày không muốn đánh nữa thì tao đánh cho chúng mày một bài học.

Năm 1979. Việt Nam có một cuộc chiến tranh mới. Ngắn ngủi nhưng sinh động. Cú mìn cóc nhảy lên nửa thước chém đứt đôi chân đi đứng của người anh em làm công nương Diana thương cảm. Nhưng công nương đáng yêu nhất trần đời tử nạn quá sớm. Thế giới chưa gỡ hết mìn. Họa sĩ Thành Chương bảo không cần đụng vào tớ cũng biết quả nào nổ quả nào tịt. Ừ khôn chết dại chết biết thì sống. Tình hữu nghị anh em của thế giới đại đồng môi hở răng lạnh. Chúng mày chê súng đạn thì tao viện trợ cho cuốc xẻng. Tiện nghi kiểu Trung Quốc đấy. Giết người và đào mả lấp mộ đều tốt.

Nhà chính khách trẻ bảo tuẫn tiết như tướng Nguyễn Khoa Nam thì không nổi tiếng thơm bằng đầu hàng. Ông bác tôi trong trại cải tạo nói với những người bạn tù: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần phải giữ lấy tư cách và khí tiết. Làm chính trị thì chỉ có vấn đề thắng thua chứ không có chuyện đúng sai. Cho nên đứa nào nhận tội và không thắt cravate khi gặp ban quản giáo thì chỉ đáng vất vào sọt rác.

Tôi ở trong thùng rác chui ra nói: Bác ơi cháu là dân ngu cu đen thì thế nào ạ? Thì ở đâu cứ ở đấy là lẽ khôn ngoan của người đời. Đứa nào muốn đổi đời thì đừng hèn. Bác lạc hậu rồi. Nhạc Bất Quần đứng trên đỉnh vũ lâm Trung Hoa nói: Ai trong số các bạn không ăn gian thì cứ xuống núi về quê chăn vịt. Quần hùng chĩa kiếm lên trời hô vang: Chúng tôi theo gương minh chủ. Các nhà phê bình văn học đồng thanh nói truyện của Kim Dung vẫn còn tính thời sự. Thị Màu bảo họ vẫn nói thế từ khi bà vén váy tìm chồng.

Ngày 21.4.1975. Các phóng viên của AFP, UPI, BBC, Reuters chầu chực trong quán bar. Anh bạn Custer ba ngày nay không đi đánh billard. Mọi người uống rượu giết thì giờ. Cô Silver của BBC sốt ruột không biết làm gì bèn lột quần lót ra nhìn: Em đã cởi quần rồi, tới đi Custer.

Cuối cùng thì Custer cũng tới, hắn bô bô cái mồm: Anh ngửi thấy mùi quần của em từ Dinh Độc Lập.

Mọi người hỏi: Anh ở trong đó ra à?

OK.

Có gì mới không?

Các bạn nên chuẩn bị chuồn là vừa. Ông Thiệu đã sẵn sàng chuyển giao quyền hành.

Hắn chỉ nói có thế rồi đến uống rượu tán tỉnh Silver. Một tuần vài lần, Custer đi đánh billard. Tất cả các phóng viên nước ngoài đều bám vào hắn. Những câu chuyện tầm phào vô tội vạ của hắn làm đảo lộn thế giới.

Ê Custer, hẹn nhau ở Trung Đông chứ?

Hỏi Chúa.

Khi quá buồn thì con làm gì? Kẻ biến hình hỏi tôi. Tôi nói: Chửi một ai đó. Chửi sau lưng hay trước mặt? Dạ, chửi sau lưng. Sao không dám chửi trước mặt? Vì đó không phải là cách của tổ tiên dạy bảo. Thế con đã từng chửi ai? Dạ, con không dám nói. Con chửi thế nào? Địt mẹ mày, sao không hiện nguyên hình. Chửi xong có hết buồn không? Dạ, buồn hơn. Rồi con làm gì? Con hoan hô. Hoan hô ai? Người con ghét. Hoan hô trước mặt hay sau lưng? Dạ, trước mặt. Vì sao? Lúc ấy nó mới hiện nguyên hình.

Custer hỏi Silver:

Em về Mỹ với anh?

Không, em ở lại để nhìn sự đổ vỡ.

Ngày 16.3.2004. Mỹ Loan tông cửa vào phòng giữa lúc Khánh My và Hồng Phượng đang mút những ngón chân của Đại Quang. Hai cô đồng thanh quát: Sao không gõ cửa?

Lịch sự làm quái gì. Cho tao vui với. Tao cần tiền.

Hồng Phượng hỏi Đại Quang: Cho nó ngồi luôn không anh?

Càng đông càng vui.

Đại Quang vén váy Mỹ Loan, hỏi: Thơm hay thối?

Thơm.

Năm 1972. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, mỗi điểm 10 là một dũng sĩ diệt Mỹ-Ngụy, điểm 10 môn toán giá trị bằng xác một Mỹ, điểm 10 môn thủ công bằng xác một Ngụy. Máu giặc chảy thành sông và xương giặc chất thành núi trong sổ học bạ của nhà văn Phạm Thị Hoài.

Hằng nói, em đã đọc bà Hoài viết điều ấy trên talawas. Văn Cao cũng hát: Đường vinh quang xây xác quân thù. Tính căm thù trở thành đạo đức cách mạng. Chúng ta đã sống và chết trên xác người.

Năm 1972. Ở Sài Gòn người ta bảo ba thằng Việt cộng đu một cành đu đủ không gãy.

Em cảm thấy mình già đi. Những cái vớ vẩn làm em mệt mỏi. Em muốn nằm xuống, chìm rất sâu vào giấc ngủ. Nhưng Quân đến rủ đi uống cà phê. Em nói em chỉ muốn tan ra thôi. Quân bảo muốn tan ra thì uống rượu. Em nói em thích uống rượu với nhân vật Lý Công Uẩn của anh. Quân hỏi Lý Công Uẩn là ai? Em nói Lý Công Uẩn là nhân vật đi nhặt xác người. Sao giống như đi nhặt lá bàng của Nhất Linh vậy? Quân hỏi. Em cười, thì cũng đại khái vậy. Một cái lá với một xác người thì có gì khác nhau đâu, phải không. Bao giờ về Việt Nam, chắc em phải mời Lý Công Uẩn của anh lên đê Yên Phụ nhậu thịt cầy. Nói chuyện thế sự với Lý Công Uẩn chắc vui.

Ngày 28.3.1975. Ba triệu người tán loạn trong tầm đạn pháo ở Đà Nẵng và các vùng phụ cận. Họ tìm cách vào các sân bay hoặc chạy ra bờ biển. Và họ chết trên đường băng. Chết trên cánh máy bay. Chết bên mạn tàu. Chết dưới biển. Họ đạp lên nhau mà chết. Họ làm mồi cho súng đạn mà chết. Họ chết vì tuyệt vọng và đói khát. Họ chết vì hy vọng viển vông.

Năm 1976. Những ngôi sao chứng kiến cảnh tượng này: Có tiếng đập cửa dồn dập lẫn với nhiều tiếng người hò hét. Mở cửa. Mở cửa ra mau. Cánh cửa vừa hé thì bị đẩy tung ra. Người ta ập vào giữ chặt tay cha em. Rồi bắt tất cả mọi người ra khỏi nhà ngay lập tức, chỉ được mang theo quần áo. Mẹ em, chị em sợ hãi khóc. Cả nhà bị tống lên một chiếc xe tải. Người ta đem gia đình em tới một nơi gọi là khu kinh tế mới, chỉ có cỏ tranh mọc ngút ngàn. Sau đó người ta đã đào hết nhà em lên xem có giấu vàng bạc không.

Năm 1978. Em được sinh ra trên hải phận quốc tế. Em không có tổ quốc. Quân nói.

Năm 1967. Lý Công Uẩn đang chữa bệnh ở Trung Quốc được mời về để bàn việc quân cơ. Khi chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, người lái máy bay phát hiện tín hiệu đường băng không đúng, vội hỏi: Bây giờ làm sao?

Uẩn bình tĩnh nói: Hãy hỏi lại mặt đất.

Tín hiệu vẫn không thay đổi.

Đồng chí nhìn kỹ lại đi.

Đường băng này quá quen thuộc với tôi.

Thế thì hãy đáp xuống theo thói quen.

Ở dưới đất, ban lễ tang đã được thành lập, những bài điếu văn đã được viết xong. Nhưng máy bay xuống an toàn.

Các quan chức đón người nói: Chúc mừng đồng chí bình an.

Lý Công Uẩn cười nhạt: Tôi còn phải sống để nhặt xác các đồng chí.

Năm 1968. Lý Công Uẩn giơ tay phát biểu ý kiến tại tổng hành dinh chiến dịch Mậu Thân: Tôi không đồng ý. Nhưng bộ đội vẫn tổng tiến công vào các thành phố miền Nam. Không nơi nào nhân dân nổi dậy. Không ít trong số họ đã trở thành những kẻ phản bội. Cũng không ít hơn trong số họ đã phải chết vì không tìm thấy đường rút lui. Những chiếc máy bay bà già phát loa phóng thanh kêu gọi Việt cộng hồi chánh. Trong khi những chiếc C47 khạc đại liên nghe man rợ như tiếng bò rống trước khi chết. Lý Công Uẩn nhìn hỏa châu sáng suốt đêm trên bầu trời, lòng tan nát. Nhân dân tránh bom đạn dồn từ chỗ này đến chỗ kia. Nhưng ở Huế không có chỗ cho họ trốn tránh. Bãi Dâu đầy xác người vô tội. Họ được phán xử bởi lòng căm thù.

Năm 1972. Nhân dân lại phải bỏ cửa nhà chạy trốn binh đao. Chúa phán: Con chồn có hang, con cáo có ổ, nhưng con người sẽ phải sợ hãi vì không nơi nương tựa. Đạn pháo nổ trên đầu họ. Mìn nổ dưới chân họ. Xe tăng phục kích họ.

Năm 1975. Nhân dân bỏ cả đất để chạy. Xác họ lênh đênh làm thối nước biển. Từ ngày ấy Lý Công Uẩn dở điên dở dại, khi thì ngẩng đầu cười, khi cúi mặt khóc nấc. Hai tay Uẩn lúc nào cũng đưa ra phía trước lẩm bẩm phân bua: Tôi vô tội.

Trần Nhân Tôn bảo: Ông về Yên Tử với tôi để giải trừ nghiệp chướng.

Nhưng Uẩn đáp: Còn một xác người lưu lạc thì tôi chưa về được.

Ngày 16.3.2004. Lan Thanh đập cửa phòng Đại Quang đang uống bia với các em.

Nứng lồn thì vào.

Lan Thanh bước vào. Ba cô gái sợ hãi vội quơ quần áo che người.

Chúng em xin lỗi. Chúng em không biết.

Lan Thanh không đếm xỉa gì tới chúng, chỉ nói với Đại Quang: Tao mở quán để cho thằng khác hủ hóa sa đọa chứ không phải mày.

Nói xong bà đi ra.

Cô gái phọt ra từ miệng tôi sau cái hắt xì. Lý lịch tự khai của nàng thế này: Em biết chữ nhưng chữ không biết em, vì thế em có thể hát karaoke với anh mà không sợ chữ ngộ. Tôi bảo tôi cũng sợ chữ lắm, nhưng thích em nên tôi hát bằng tay. Và bàn tay tôi đã được mách bảo: Nàng là con gái của người tình cũ của tôi. Năm 1979, mẹ nàng vượt biên để nàng lại cho bà nội nuôi. Khi tôi gặp mẹ nàng, nàng mới biết bò. Tôi còn nhớ bức thư người đàn bà viết cho tôi từ một bệnh viện ở Indonesia, “em bị hiếp hai mươi mốt lần trên vịnh Thái Lan”. Người đàn bà ấy không bao giờ trở lại. Người con gái nhất định không đi, dù được mẹ bảo lãnh. Vậy thì chúng ta hãy hát lên. Tôi ôm cô gái. Chúng ta không thừa nước mắt để khóc quá khứ.

Tôi bảo em giống như thiên thần. Nàng bảo bà nội em giàu lắm, nhưng em vẫn thích đi làm. Tại sao không làm nghề khác? Nàng bảo cho em hút thuốc. Ngọn khói bay lờ lững. Em thích, nàng nói, tại sao không hôn em? Tôi lắc đầu: Anh rất muốn. Thì làm đi. Tôi lại lắc đầu. Cứ nghĩ là mẹ em cũng được. Không phải thế.

Năm 1979. Mọi người đều phải ăn bo bo, nhưng chúng tôi thì không. Thậm chí nếu muốn, chúng tôi còn có thể ăn bơ Mỹ. Nàng kiếm được tiền dễ dàng như có một kho báu ở giữa sự nghèo đói. Đó là cái khe hở dành cho những kẻ có quyền lực. Buổi trưa, tôi về nhà nàng ăn. Ăn xong, làm tình rồi đi làm tiếp. Buổi tối, tôi ngủ lại và làm những việc của đêm tối. Đôi khi kiệt sức, tôi phải trốn khỏi đêm tối. Buổi sáng, tôi đến cơ quan dạo một vòng trình diễn cho các sếp thấy cái bộ mặt rửng mỡ của mình rồi chuồn về nhà nàng ngủ bù. Tôi cũng không quên rờ má các em đồng nghiệp trẻ và tặng phần tiêu chuẩn bao cao su cho các bạn trai.

Ngày 16.3.2004. Thôi uống đi. Tôi cầm ly bia đưa cho cô gái. Cưa đôi nhé, cô gái nói. OK. Đừng nói chuyện mẹ em. Nhất trí. Cô gái lại đốt thuốc. Tôi hỏi: Em chơi ma túy? Chút đỉnh.

Năm 1979. Nàng đã bước xuống từ trên mái nhà. Và đạp trên đầu tôi, nói: Anh phải chiều em cho đến lúc em đi khỏi anh. Từ dưới nhìn lên, tôi thấy nàng tràn ngập ánh sáng. Làn da mỏng hồng lên như màu mận, hai đùi tròn và mịn. Hai tay tôi vuốt ve cổ chân nàng. Bàn chân nàng di chuyển trên người tôi.

Ngày 16.3.2004. Em có biết cái phần sa đọa nhất của con người không? Biết, cái lỗ mồm. Thế thì uống hoan hô cái lỗ mồm.

Năm 1979. Nàng bắt tôi há mồm ra rồi lùa tất cả nàng vào đó, bắt đầu từ cái lưỡi mang theo những ngôn từ của con cá mắc cạn. Cho đến khi ngón chân út của nàng chỉ còn một đụn xương nhỏ, tôi bảo con người ta no bụng đói con mắt. Thế là nàng lại xòe ra như một con công. Diêm dúa và hân hoan. Nàng múa bằng hai mông.

Ngày 16.3.2004. Em có biết cái phần trinh bạch nhất của con người không? Biết, cái lỗ rốn. Thế thì uống phân ưu cái lỗ rốn.

Năm 1979. Kẹp hai tay vào trong đùi, nàng nằm co rút như con cuốn chiếu, chịu đựng cơn động cỡn bất chợt. Tôi bảo tôi không thể vào vai người khác. Nàng không bao giờ nhắc đến người đàn ông là bố đứa bé.

Ngày 16.3.2004. Em hơi mệt, cô gái nói, hôm nay em ngồi bàn ba lần, bị một lần có ông không biết uống, em phải gánh. Khách thích gọi em, phải không? Tại em biết chiều. Em cần tiền để hút? Cô gái gật đầu. Sao anh đi một mình? Tại vì anh đi không để vui.

Năm 1979. Mỗi lần đạt tới cảm giác sướng nhất, bao giờ nàng cũng đẩy tôi ra. Run rẩy một mình. Tận hưởng và hối lỗi. Xa cách và khó hiểu. Nàng ích kỷ vùi đầu vào đống gối và đôi khi nàng khóc.

Ngày 16.3.2004. Không để vui thì để làm gì? Chỉ để thấy con người đơn độc. Anh nói năng kỳ quá hà. Hà quá kỳ năng nói? Em muốn đi toa-lét. Anh muốn đi theo em. Thôi, anh ngồi đó đi, chờ em.

Năm 1979. Nàng bảo, em mơ thấy toàn nước. Nước tràn qua em, tràn vào em, rồi cuối cùng em tan thành nước. Thế rồi em thấy em bay lên. Chúa bảo: Xuống. Em biến thành cơn mưa. Nước mưa chui vào ống cống. Trong ống cống, em nhìn thấy tất cả mọi người quen biết. Không hiểu sao một cảm giác kinh hoàng tối tăm bỗng phủ ụp xuống, em mù mắt.

Ngày 16.3.2004. Doãi người trên ghế, tôi thực sự cảm thấy thèm một điếu thuốc. Thèm một an nghỉ. Sự trống trải giống như một cánh buồm rũ, tôi há mồm ngáp. Một đàn ruồi bay ra. Tiếng vỗ cánh của chúng có mùi tanh và mùi tanh có âm thanh của hai mép cửa mình xao động. Cô gái quay trở lại, miệng cười tươi tỉnh. Níu tay cô gái đứng dậy, đi vào toa-lét, tôi không thể không nhìn vào bàn cầu, chỗ cô gái vừa tụt quần ngồi xuống. Tôi đái chồng lên lớp nước vàng ong của bia của mọi nỗi niềm vớ vẩn. Tôi cũng đái lên người cô gái. Đái vào cơn co giật chuyển mình của thế giới. Đái vào nỗi trầm thống mơ hồ dưới lớp da trơn. Đái vào mọi ám thị. Đái vào sự khổ dâm của chín phần mười nhân loại dúm dó.

Năm 1976. Tất cả chuông nhà thờ, nhà chùa đều rền rĩ vang lên giờ báo tử. Chúa sẽ ra tay uy quyền cho người giàu có trở về tay không và đưa người hèn mọn lên. Nhưng trước khi Chúa kịp ra tay, nàng đã giúp gia đình chồng tẩu tán toàn bộ tài sản đến những người họ hàng nghèo khó. Ban cải tạo công thương nghiệp cho cậy tủ, đào bới nền nhà và moi móc tất cả mọi ngõ ngách nhà chồng nàng chỉ để thấy một nỗi ai oán. Toàn bộ hàng hóa gửi gắm họ hàng sau đợt cải tạo ấy không ai trả lại. Họ bảo nếu họ không lấy thì nhà nước cũng lấy mất. Cuộc cách mạng vô sản thiếu phần chuyên chính này được nàng hoàn chỉnh đoạn kết. Đến từng nhà mà trước đây gia đình đã nhờ cất giấu tài sản, nàng điều đình: Các bác đều biết đấy là mồ hôi nước mắt của gia đình tôi. Để đền ơn các bác đã tiếp tay cho tư sản mại bản thoát khỏi sự trừng phạt của nhân dân (tội này cũng dễ bị bắt đi cải tạo lắm), tôi đề nghị các bác cho mua lại với giá vốn. nếu bác nào không đồng ý, tôi nhờ công an giải quyết giùm. Sòng phẳng kiểu giang hồ, nàng thu hồi được toàn bộ số hàng hóa đã gửi và bán đi với số lời gấp hai mươi lần. Sự biết ơn của gia đình chồng đã cho phép nàng tự do đi lại với tôi, đồng thời tìm kiếm mọi cơ hội để nàng vượt biên cho khuất mắt.

Ngày 16.3.2004. Cô gái nằm nhắm mắt. Tôi hỏi: Em say à? Không. Nàng ngồi dậy. Nào uống tiếp. Em cần phải uống cho lũ chúng nó làm giàu. Anh có giàu không? Anh bo em bao nhiêu? Muốn gì em cũng chiều.

Năm 1979. Nàng nói: Em muốn đi xem phim. Chúng tôi vào REX B. Phim Ba Lan. Gái Đông Âu đẹp hơn Tây Âu. Tôi luồn tay vào trong áo nàng, mân mê bầu vú. Nàng bảo âu yếm nhau nơi công cộng cũng thú vị. Tôi nói: Suốt thời đi học, anh vẫn ao ước được dẫn gái vào rạp bóp vú.

Ngày 16.3.2004. Má mì gõ cửa bước vào. Cô gái rót bia. Mời anh, má mì cầm ly, chào mừng Trung Quốc đưa người vào vũ trụ. Chúc mừng em hết kinh. Tin thời sự cuối ngày cho biết ông Arafat đau bụng. Hàng ngàn người biểu tình chống chuyến thăm Philippines của tổng thống Mỹ. Tôi xoa mông má mì, nhớ mùi da nồng của người đàn bà hơn hai mươi năm trước.

Năm 1980. Chiều mai em xuống Vũng Tàu, nàng nói. Anh đưa em đi. Thôi, coi chừng đi tù oan. Nàng kể: Người ta dẫn em đến một căn nhà trong xóm. Ở đó, đã có bốn năm người cùng chờ vượt biên như em. Đến chập tối thì căn nhà đông nghẹt. Con đường đi ra chỗ tàu phải qua một cánh đồng. Bất ngờ một ngọn đèn pha từ trong xóm quét trên bờ ruộng. Người dẫn đường hô nằm xuống. Ngọn đèn quét đi quét lại một lúc lâu rồi tắt hẳn. Khi em đứng dậy thì không còn ai. Em lủi thủi lần mò quay lại trong xóm. Không dám gõ cửa nhà ai. Em ngủ ngồi suốt đêm ngoài sân nhà người ta chờ sáng đón xe về lại Sài Gòn. Gần mười lần như thế, chưa bao giờ nhìn thấy tàu bè. Một lần khác, cũng ở Vũng Tàu, khi mọi người đang tụ tập trong nhà chuẩn bị xuống bến thì du kích xuất hiện ngay cửa. Họ hô đứng im. Một người nào đó đã nhảy ra ôm anh du kích. Tiếng đạn nổ, mọi người bỏ chạy. Đêm đó, em ngâm nước dưới ruộng tới khi chuông nhà thờ đổ lễ sáng. Còn có một lần ngay tại con kinh bên quận tám. Gã chủ đò bảo em ẩn vào trong cái lu đựng nước ngọt. Cảm thấy điều ấyï ngu xuẩn, em không vào, nhất định ngồi ngoài. Khi chiếc ghe tách bến, không biết vì lý do gì, nó lật nghiêng. Tất cả những người chui vào trong lu đều chết. Tôi hỏi: Em vẫn chưa sợ à? Nàng bảo có nhiều điều còn đáng sợ hơn cả cái chết.

Ngày 16.3.2004. Má mì nói: Em mời anh một món nhé. Tôi vẫn xoa mông má mì. Thực đơn của ngày là một cơn mưa. Cô gái bên tay trái nép sát vào tôi. Chàng thanh niên chạy bàn gõ cửa thò đầu vào nói: Liên có điện thoại. Cô gái xin lỗi đứng dậy. Tôi nói với má mì: Cứ để nó chạy sô.

Năm 1980. Anh tìm mua giùm em khẩu M 79 được không? Em sử dụng à? Không, chủ tàu. Chủ tàu thì để nó lo. Em muốn có một khẩu Colt 45 hoặc K 54. Anh nghĩ nó chỉ rắc rối và nguy hiểm hơn. Em không muốn bọn cướp biển sờ vào em.

Ngày 16.3.2004. Tôi chui vào một phòng ngủ có rất nhiều chữ viết trên đầu giường và những hình vẽ bộ phận sinh dục. Cô gái nói: Anh có thể viết hoặc vẽ bất cứ cái gì cũng được. Mỗi người ngủ với em đều làm thế à? Dạ. Nàng đưa cho tôi cây bút. Tôi viết: Khoan cắt bêtông, phone 08.8888888.

Bốn mươi phần trăm người dân không được dùng nước sạch. Ba phần tư nhân loại sống dưới mức nghèo khổ. Đồng chí Elsin hỏi ý kiến Mỹ trước khi bắn vào tòa nhà quốc hội Liên bang Xô viết. Gấu bị săn bắt bất hợp pháp. Triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh làm nhiều con phố ngập lụt. Cơn bão mặt trời làm thông tin nghẽn mạch. Cô gái bảo em sẽ lấy chồng. Tú bà đốt phong long trước cửa. Cuốn tiểu thuyết bị tịch thu. Cô gái viết tôi đứng giạng chân dưới gốc cây xù xì để cho gã trai đâm vào đáy tử cung nước bắn ra tung tóe ướt cả đùi mở mắt nhìn khuôn mặt con đực rồi tôi lạnh lùng thả váy xuống. Cơn cớ chịu chơi cuối mùa hiu quạnh, tôi hỏi chơi tiếp nhé? Cô gái nói anh đọc văn chương thế à? Không đọc thế thì đọc thế lào? Triết lý cũng là để hành động. Văn chương cũng là để đồng hành. Bọn ấm ớ bảo văn chương là cuộc chơi. Thế thì chúng mày có dám chơi tới bến không? Tôi hỏi cô gái trời sáng chưa? Cứ ngủ thì trời sẽ không bao giờ sáng, cô gái nói. Vậy thì ngủ. Hãy trùm cho anh cái chăn. Thế giới trong chăn con sâu ủ dột, con cua lột vỏ.

Em đã đi rồi ư? Nếu như anh mua cho em khẩu súng thì em có bị hiếp không? Trên thuyền, bọn đàn ông run bần bật, nàng kể trong thư cho tôi, bọn cướp biển run một chi giữa, còn bọn đồng hội đồng thuyền thì cả tứ chi đều run. Đã có lúc em ưỡn người lên cho tất cả đàn ông được thấy. Có thể là em đã hạ nhục mọi người khi mọi người để em bị hạ nhục. Cũng có thể là em đã hạ nhục chính em.

Tồn tại là cứu cánh cho cái gì? Con sâu vẫn ủ dột, nàng bảo, anh là đồ vất đi. Tưởng là đồi trụy, hóa ra phản động. Nàng cười nắc nẻ với ý nghĩ của mình và đắp thêm cho tôi một cái chăn nữa. Như thế là tôi đã nằm trong mộ huyệt, trước khi có thể tự quyết định về sự tồn tại của mình. Ba mươi năm trước, tôi đã khổ sở vì ông Heidegger hiện tồn tính thể, bây giờ lại vẫn ông Heidegger tính thể hiện tồn. Tôi vất quyển sách vào sọt rác, úp mặt vào cô gái. Cô gái hỏi thế này là triết học hay phi triết học? Tôi bảo bất khả luận. Anh buồn cười thật, nàng vò đầu tôi. Tôi cảm thấy mình vô nghĩa và muốn chui vào nàng. Những lúc như thế này, nàng nói, em mới thật là em. Có thật sự một niềm an ủi không, tôi không biết, nhưng nó đã là một hành động, ít ra khải thị tôi về tông truyền án lệ. Bọn cưỡng dâm tập thể bảo, trên ngọn cờ đầu độc quyền đổi mới văn chương không có chỗ cho chúng mày. Đừng tưởng bở. Thưa các bác, nhà em không dám giành chỗ của các bác, nhà em vẫn đang trùm chăn để khóc thương cho Argentina – Madonna buồn nôn trên sự trinh tiết của Á Căn Đình phiên âm Hán tự.

Tôi trốn chạy khỏi cô gái. Trốn chạy trú xứ.

Người đàn bà năm xưa viết: Có thể anh ngạc nhiên khi nhận được thư em. Có thể anh nghĩ rằng em đã quên mọi sự. Thật ra, em chẳng thể quên điều gì, cũng như đã chẳng thể quên anh. Cuộc sống giống như một bản án mà kẻ tuyên án không ai khác hơn là chính ta. Những trải nghiệm thật sự không mang đến một điều gì khác ngoài sự hồi cố. Mọi việc chúng ta đã làm, mọi khoảnh khắc chúng ta đã sống đều quí giá. Em có một đứa con như anh đã biết, lúc nó bé tí, cũng như lúc nó là một cô gái. Em cũng biết anh đã từng ngủ với nó. Và em tin rằng anh yêu quí nó. Hiện bây giờ nó đang ở trong trại cai nghiện. Nó cần anh. Em biết chắc thế. Anh hãy đến với nó, như một người cha, và quan trọng hơn, như một người tình. Anh và nó là phần em lưu lạc. Em không thể làm gì tốt hơn được cho anh và cho nó, bởi em là người đã chết. Em đùm bọc anh và con trong linh hồn em.

Năm 1969. Lý Công Uẩn bị đem ra phê bình.

Đồng chí là con của giai cấp quan lại phong kiến thì không xứng đáng đứng trong hàng ngũ vô sản.

Đồng chí là sản phẩm của thứ đạo đức lạc hậu.

Đồng chí không có quyết tâm làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Năm 2002. Lý Công Uẩn nằm hấp hối. Ông Putin của nước Nga sang thăm. Tả hữu đặt vào tay Uẩn cuốn “Lê Nin toàn tập”. Ông Putin buồn buồn nói: Ở nước tôi, không ai đọc sách này nữa. Nói xong Putin vuốt mắt Uẩn.

Nhưng Uẩn bật dậy, la toáng lên: Tao không chết. Tao không chết. Tao không chết.

Bà Năm Hồng ở Tây Ninh nói vọng vào: Còn nhiều xác người lắm.

Tôi đã đến nhà bà Năm Hồng nhìn thấy những chiếc bao nhỏ đựng cốt người được đặt trên những cái giá gác qua vách chờ thân nhân đến nhận. Từ khi cuộc chiến tranh chấm dứt, bà lang thang trên các chiến trường tìm lại xác đồng đội. Bà làm không vì ai, cũng không để được điều gì. Những bao cốt không có người nhận, bà gửi về nghĩa trang liệt sĩ huyện.

Năm 1010. Thầy địa lý Tàu nhìn cái hồ tròn xanh long lanh như một con mắt, ông nhận ra ngay đây là chỗ hùng khí rồng phát lộ. Ông thuê người chở đất đổ xuống giữa hồ thành hình giống như cái mu rùa để làm mù mắt rồng. Sau này người Việt xây trên miếng đất nổi giữa hồ một cái tháp để thờ rùa mà không biết ác tâm của ông thầy địa lý. Cái tháp giống như cán gươm mà lưỡi vô hình của nó đã đâm ngập vào mắt rồng.

Tháp bút “Tả thiên thanh” của ông Nguyễn Văn Siêu dựng bên hồ vừa nhỏ vừa ngắn không đủ sức để giải bùa ếm của người Tàu.

Sinh thời, bố tôi bị tâm thần phân liệt. Lúc nào ông cũng cảm thấy như có người đang âm mưu hãm hại mình. Khi lên cơn, ông ra đường quơ tay chỉ nhà hàng xóm, sừng sộ: Tao đây, có giỏi thì cứ bắt tao đi. Muốn giết thì giết tao đi. Tao đéo sợ thằng nào. Tuy chửi thế, nhưng tôi biết, đấy là lúc sự sợ hãi đã lên đến tột đỉnh. Ông không còn kiểm soát được mình. Ông chửi và đập tay vào nhau cho đến khi miệng ứa máu và hai bàn tay rộp lên mới qua cơn. Tháng Tư vào mùa lễ Phục sinh, khí hậu nóng nực nhất trong năm, bố tôi thường hay lên cơn. Tôi không biết phải làm gì, cũng không cảm thấy buồn tủi hay oán trách. Tôi chỉ nghĩ, nếu con người không được sinh ra thì tốt hơn.

© 2007 talawas


I II III

Nguyễn Viện sinh năm 1949 tại Hải Dương. Hiện sống và viết tại Sài Gòn.

Tác phẩm Đã xuất bản: Trinh nữ (tập truyện ngắn). NXB Ðồng Nai 1995; Bố mẹ và con và... (tạp văn). NXB Trẻ 1997; Hạt cát mang bóng đêm (tiểu thuyết). NXB Trẻ 1998; Rồng và rắn (bốn tiểu thuyết). Tổ hợp xuất bản Miền Ðông Hoa Kỳ 2002; Thời của những tiên tri giả (tiểu thuyết). NXB Công an Nhân dân 2003. (Sách bị thu hồi sau 2 tuần phát hành); Chữ dưới chân tường (tập truyện). NXB Văn Mới, Hoa Kỳ 2004. 26 lần tờ bờ lờ (tiểu thuyết). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008; Cơn bấn loạn bằng phẳng (tiểu thuyết). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008; Em có gì bí mật, hãy mail cho anh (tiểu thuyết mở). Cửa xuất bản, Việt Nam 2008.

Chưa xuất bản: Dọc đường muộn (những truyện ngắn viết trước 1999); Lao về phía bão 32 nhịp (thơ, 2001); Mật ngôn viết trên da người (thơ, 2002, đã công bố trên tienve.org); Đi tới cuối đường, rồi... (truyện vừa, 2007); Kịch và một số truyện ngắn khác.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài