talawas chủ nhật

 


Văn xuôi :: 26.02.2006
Nguyễn Danh BằngCuộc vượt thoát qua hành lang hẹp
Nguyen Danh Bang
Nhà văn Nguyễn Danh Bằng

"Tôi viết văn với một xác tín là ghi lại những suy nghĩ với môi trường. Trong truyện ngắn của tôi, không có gì là quan trọng cả."

(Nguyễn Danh Bằng trả lời phỏng vấn Văn Bảy)

"Tôi viết không phải để tuyên xưng một chân lý nào, tôi đạp đổ các chân lý cực đoan. Tôi viết dựa trên những tiêu chuẩn trong vị thế đặc biệt của riêng tôi, cảm nhận thế giới ngoài kia, nhưng không cầu toàn, riêng lẻ, nhưng tự do... và cá biệt."

(Nguyễn Danh Bằng trả lời phỏng vấn Trần Tiễn Cao Đăng)

Nguyễn Danh Bằng

Cuộc vượt thoát qua hành lang hẹp

 

Lần ấy khi đã mỏi mệt lắm thì người ta lại dẫn tôi lên một chiếc cầu thang lớn. Những thanh chống ngoằn nghệu lêu nghêu trơ ra phần gỗ mộc, thỉnh thoảng được rọi sáng bằng ánh nắng lọt thủng từ đâu đó. Trong khi người thân vẫn bàn tán, thu dọn, tôi lại rùng mình vì cảm giác cô đơn. Rồi họ lần lượt biến đi thản nhiên như đã được sắp xếp, như thể tôi đã bị bỏ quên.

Cấu trúc ngôi nhà thật kỳ quặc. Dãy hành lang hun hút khúc khuỷu, lên lên xuống xuống. Chiếc cầu thang dẫn lên những tầng trên, ngóc ngách vào nhiều căn phòng bỏ trống. Có căn rộng và dẹt. Có căn mặt sàn chỉ đúng một thước vuông, cao nghệu, khi bước vào trong ấy có cảm giác vọt lên cao. Tôi cứ băn khoăn, ngày trước ai đã ngụ trong những căn phòng này, và vì sao nó đã bị rời bỏ từ lâu. Đồ đạc vẫn còn nguyên. Đến cả nhiều cái mùng vẫn giăng lên trong ấy chưa được tháo xuống. Có căn rõ vẻ mục nát ọp ẹp. Chúng hiện ra lắm lúc bất ngờ chỉ ngay sau khúc quanh của dẫy hành lang tưởng như đã cụt. Sục đầu vào từng phòng không hiểu sao cùng một lúc tôi cảm thấy vừa thú vị vừa buồn rầu.

Rồi tôi chọn cho mình căn phòng có nước sơn màu đỏ thẫm, nếu nhìn thật kỹ trên vách đã có nhiều vết rạn. Trần thấp vạt nghiêng về phía cuối phòng. Tôi biết đây đã là phần đỉnh của ngôi nhà. Bàn ghế trong căn phòng bằng gỗ chạm trổ, bọc vải sa tanh. Trên tường treo bức tranh đồng quê, người ta đang đánh cỗ xe bò lớn kéo rơm về nhà, một cái lều tranh đang tất bật nấu nướng, gà qué lợn bò, bên bờ lạch vài người đàn ông đang vác cần câu về nhà. Khung tranh thếp vàng nay đã ngả màu, ánh lên không đều. Thoạt đầu tôi thậm chí đã bật cười vì vẻ màu mè chút đỉnh của căn phòng, nhưng cùng lúc cũng cảm thấy vui vui. Tôi có cảm giác tự lừa gạt mình với tí xíu ảo tưởng, tóm được mình, tự xử sự như một gã ngu nhất hạng lọt tròng, nhưng vẫn hí hửng. Quả thật đấy là căn phòng đáng kể nhất trong các căn phòng!

Tất cả bụi bặm. Bụi khủng khiếp! Tôi phải lau chùi mỗi ngày. Dù vậy cái nhìn tinh tươm cũng chỉ được vài tiếng, cuối ngày mọi thứ trong phòng lại phủ một lớp bụi mờ nhàn nhạt. Đêm đêm tôi nghe tiếng gỗ khô nứt, tiếng vôi vụn tróc ra.

Dọn vào một thời gian tôi đánh bạn với một cô gái tính tình hồn nhiên vui vẻ. Cô đến từ vùng nước ngập. Cô hay kể về những mùa nước nổi, người ta chèo thuyền từ nhà này đến nhà kia như thể thăm viếng nhau từ những hòn đảo cách biệt! Và những rừng tràm rậm rịt mà người ta có thể rời thuyền và đi lại trên các tàn cây thoải mái như thể trên đất bằng. Cô bảo chẳng có gì ổn định khi mùa nước nổi, người ta bỏ đi, dẫn theo những đàn gia súc. Cả rừng tràm với đàn chim cò nhốn nháo cũng trôi nổi vô định trong con nước dữ.

Ngoài ra cả hai còn chơi với một gã lờ khờ thích trò đu trèo. Gã đã từng được huấn luyện ở một đoàn xiếc nhưng bị bỏ rơi sau vài lần kỉ luật. Bây giờ chẳng biết làm gì, gã trút tất cả đam mê ấy vào việc leo trèo vắt vẻo trên các đà cột mỗi đêm. Trong bóng tối gã thành thạo tung mình như con dơi bị mắc kẹt trong căn nhà kho. Những lúc huyên thuyên quá trớn gã hay thề thốt nói có thấy một người nào đấy lén nuôi con ngựa trong căn phòng nào đấy. Điều lạ là con ngựa tuyền màu đỏ! Mỗi lần gã nói đến con ngựa, cô gái lại xì một tiếng dài.

Cả ba hay ngồi bên thành tay vịn, xếp và phóng những chiếc máy bay giấy nhỏ xíu, cười ré lên mỗi khi chúng không bay được, rơi cắm đầu xuống những tầng dưới. Hoặc cãi vã với những chuyện không đâu.

Thời gian yên bình cũng không được lâu, hình như chẳng bao giờ yên bình cả! Luôn có những âm mưu lén lút… Người ta hay dừng lại ở hành lang nhìn trước nhìn sau rồi thầm thì nói nhỏ. Đấy là những người bình thường. Còn có một vài người khác, kín đáo hơn, vội vàng hơn, họ đi như những cái bóng nguy hiểm khổng lồ, lấp loáng trên nền, mà chẳng ai có thể nhìn rõ hoặc chộp bắt. Nghe nói họ là những người lận súng, nên trông thật đáng sợ! Một thời gian dài chẳng thấy những người ấy đâu, rồi gần đây họ xuất hiện thường xuyên.

Ban đêm có nhiều tiếng di chuyển khẽ khàng, thoạt đầu chỉ mơ hồ. Mơ hồ đến nỗi tôi chỉ có thể nghĩ đó là những ấn tượng rơi rớt lại từ những giấc mơ muộn. Nhưng tiếng di chuyển ngày càng rõ ràng hơn. Hình như có nhiều người rầm rì thúc giục nhau, lôi kéo một vật thể khổng lồ, nhưng rất khẽ. Có khi tôi ngồi dậy áp tai qua cánh cửa, nghe rõ ràng tiếng sờ soạng từ bên ngoài. Nhưng ngay lúc ấy tất cả cùng im bặt lắng nghe nhau, chỉ có thể đoán được đang có những hơi thở nén lại hết cỡ, rồi rút dần, xa dần về phía cuối hành lang, nơi bị bỏ xó mặc cho bọn chim câu hoành hành.

Những đêm tiếp theo quả thật thê thảm. Những kẻ lận súng bắt đầu lùng sục, họ bất ngờ phá tung cửa và hành sự dã man. Người chết bị lôi bỏ giữa sảnh với mảnh giấy kể tội bằng nét chữ cẩu thả đầy lỗi chính tả nhét vào miệng. Người ta bước qua xác chết câm nín giả tảng bình thường như thể những xác chết ấy vô hình. Nhưng đêm đêm từng tiếng nấc không kìm giữ được thỉnh thoảng lại vỡ ra trong sự im lặng vô vọng nghe đau khổ nhưng khô gọn.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc biến động cô gái đột nhiên biến mất. Chẳng ai biết cô đã đi đâu, điều gì đã xảy ra. Tôi thích tưởng tượng cô đang trốn trong một ngách tủ, nơi có rất nhiều bánh kẹo. Cô đang ăn ngỏn ngẻn, thích thú với ý nghĩ rằng không ai biết điều đấy. Cô liếm những ngón tay đầy đường…

Phải ở trong phòng mãi cũng đâm buồn. Sau một đêm thật yên tĩnh, đến độ có thể tin rằng chưa từng có những bạo động, buổi sáng hôm sau tôi mở cửa đi ra. Bạn tôi, gã đu trèo, đã ngồi sẵn trên tay vịn hành lang thản nhiên như không. Có lẽ còn sớm lắm, chung quanh vắng lặng. Tôi chực mở miệng chào, gã ra dấu im lặng. Gã đu trèo nhìn tôi vẫn như vẻ nghĩ ngợi quan sát. Gã vẫn thường nghĩ tôi là người thụ động, gã không thích những người chỉ thích ngồi một mình trong bóng tối. Gã thích đi trên các cây đà dài, và có lẽ hiển nhiên như xưa nay, mọi người sẽ luôn để yên cho gã làm thứ trò vô tích sự.

Sau điếu thuốc mào đầu, gã bắt đầu nhảy phóc lên chiếc đà dài, rồi tung mình điệu nghệ trên các thanh ngang, không một tiếng động. Tay gã chạm vào phần gỗ cứng nghe như tiếng cao su mềm.

Đúng lúc ấy lại có tiếng rượt đuổi ở tầng dưới. Đáng ra chẳng ai biết đấy vào đâu, nhưng cái bóng loang loáng trong ánh sáng rạng rỡ đầu ngày đã tố cáo sự hiện diện chính gã. Người ta ngừng rượt đuổi và bàn tán. Tiếng họ sầm sì từ dưới sâu vọng lên. Dưới ấy tối quá gã chẳng thấy gì. Cứ như thể có một thứ địa ngục khó hiểu tối tăm! Tiếng người ta quát lên:

“Bước xuống đi.”

Gã không chịu được sự thô tục. Gã hỏi vọng xuống:

“Ai đấy?” Rồi gã thản nhiên tiếp tục chơi trò thăng bằng.

“Bước ngay xuống.” Tiếng từ dưới sâu vẫn vọng lên, nhưng lần này giọng hơi khác.

“Nhưng ai đấy? Cứ bước ra xem nào.” Gã vẫn hỏi vặn.

Im lặng một hồi lâu. Gã vẫn tiếp tục đi, hai tay giang ra tóm lấy khoảng gì ấy không rõ ở hai bên. Chỉ có thể tập trung được về phía trước mặt nơi gã sẽ đi tới và nghỉ ở khoảng ráp nối, nơi có những chạc ngang. Một con chim câu bất thần bay ra đập cánh hoảng loạn. Ở dưới kia nhiều tiếng cáu bẳn lại vọng lên.

“Đ.M. thằng này chắc chết quá!”

“Mày làm tao bất ổn quá.”

“Bước ngay xuống.”

Một tiếng súng nổ đánh đoàng. Lần này không chỉ một, cả đám chim câu bay loạn xạ. Gã chẳng cần đập cánh, gã rơi ra, rơi qua những cây đà thẳng xuyên về phía trước. Gã chỉ có thể kịp nhận thấy sau cùng hết là sự nhẹ nhàng, tan loãng từ từ, không mất hẳn, vừa nhanh chóng vừa chậm rãi.

Tôi đứng đấy, ngay bên phần khuất của chấn song, mục kích tất cả. Sau những đêm kinh hoàng, những điều vừa xảy ra không làm tôi dao động. Tôi chỉ thấy gã bạn vẫn không ngừng rơi, cái cảm giác thắt ruột vì thế trở nên liên tục.

Khi tình hình ổn định trở lại với sự làm chủ hoàn toàn của những người lận súng, họ bắt đầu chuyển đi rất nhiều người. Thoạt đầu là những người biết chữ, nhiều người trong số họ được áp tải bí mật. Rồi sau đó là cả những người yếu đuối sợ hãi vội tin vào những vùng đất hứa hẹn màu mỡ xa xôi, tất cả được đưa lên những chiếc xe tải lớn có thành gỗ chăng kín cờ và biểu ngữ. Họ dắt díu nhau, xách theo của cải ít ỏi trong những bịch gói bao bì lớn nhỏ. Trong tiếng reo hò cổ động ầm ĩ, họ cười méo xệch. Người ta khóc vội vàng. Nhưng tất cả những cảnh tượng ấy được tiếp tục ghi nhận như những chiến thắng không ngừng.

Nhiều căn phòng bị bỏ hoang, cỏ mọc cả trên nền xi măng nứt nẻ. Lương thực trở nên thiếu thốn trầm trọng. Người ta rào chắn lấn cả ra hành lang tranh thủ nuôi gà qué, thậm chí cả heo. Ở ngay bên những cái cửa sổ bé tí, chuối được tranh thủ trồng, trổ ra um tùm. Bọn trẻ con suốt ngày chạy đùa ầm ĩ trong mùi xú uế.

Một ngày kia cô gái lại trở về vẫn với vẻ hồn nhiên xưa kia. Chỉ có lối ăn mặc là khác đi. Cô thắt tóc thành hai bím ngắn để vắt lên trước ngực trên chiếc áo đen sợi vải thô, trông vừa ngây thơ vừa tức cười. Miệng cô lúc nào cũng hát vang những bài ca mới, lạc quan. Mỗi bận cô gái sang thăm, cô hay mang cho tôi những thỏi đường nâu gói trong giấy báo. Chúng tôi uống trà và nói đủ thứ chuyện. Nhưng cả hai chẳng bao giờ nhắc đến gã bạn thích làm trò thăng bằng năm xưa. Một lần tôi hỏi:

“Em đã từng đi đến những nơi đâu?”

Cô chỉ cười. Cô nói đã có lần cô có dịp ghé qua quê cũ của cha tôi. Ở đấy có một cái chùa cổ. Vùng này cách biệt nên vẫn còn vẻ quê mùa. Nhiều người đàn ông vẫn nhuộm răng đen. Tôi lại hỏi:

“Em nói cho anh nghe đi, em đã từng làm gì?”

Rồi cô lại kể chuyện lan man qua những cánh rừng sác, lá khô dầy đến độ người ta có thể vô ý giẫm lên những con trăn khổng lồ bên dưới mà không hề biết. Mùa khô trong những khu rừng này thật chết người, không một giọt nước, nắng đổ lửa. Tôi vẫn hỏi:

“Có ai là nạn nhân của em không?”

Cô im bặt. Rồi cả hai lại nhìn ra phía cửa sổ nơi có những ngọn gió giận dữ quăng quật.

Tôi bất thần đứng dậy bước lại, tóm lấy bím tóc của cô ghì xuống đất. Những lằn gân xanh bên thái dương căng phồng. Sau cùng thì nó cũng chỉ là một hộp sọ với những mớ lùng nhùng. Tôi rút súng nhét vào cái miệng cô đang há hốc, nã đạn. Máu cô chảy ra từ phía bên kia của cái đầu loang ra thành vũng. Mắt cô mở lớn khi chân và tay vẫn co giật từng chập…

Thật ra thì tôi đã không làm thế, tôi làm gì có súng, vẫn ngồi im nhìn cô và tiếp tục hỏi những câu bâng quơ.

“Bây giờ ở sân chùa ấy, còn lại bao cây thông?”

“Độ gần chục cây thôi.”

“Sao thế nhỉ?”

“Chẳng sao cả, trâu bò giẫm chết.”

“Thế làm sao ngày xưa thông lại sống?”

“Ngày xưa làng có lệ và sư thầy chăm nom”

“À.”

“Người ta vẫn lên chùa nhặt lá thông về tết chổi. Nhưng ít dần.”

“À!”

Trong đầu tôi vẫn tiếp tục diễn ra những cảnh bạo loạn. Tôi thấy mình dẫn đầu một nhóm người di chuyển thật nhanh qua từng dẫy hành lang ngôi chung cư. Tôi vẩy súng bắn chết những kẻ đang lẩn chạy. Thân thể chúng đổ sập ngay trên lối đi, vắt vẻo nơi cầu thang…

Khi cô gái ra về, tôi lần đầu cảm thấy khó chịu khi phải ngồi một mình trong phòng trống. Thường khi như thế tôi thấy sự yên tịnh, sự dừng lại. Một cái gì đó cực đại trong suốt. Những đồ vật ít ỏi nhưng cụ thể, rõ ràng đang phô bày bản chất vô cơ và vô tâm của đời sống. Nhưng bây giờ thì tôi không cảm thấy thế. Tôi bước ra quan sát những căn hộ cũ đang được sửa lại, coi cảnh người lớn phân phát mấy viên kẹo cho bọn trẻ con, cảnh mọi người quát nạt nhau khi đang cùng ăn uống…

Tôi tìm đến căn phòng cũ của gã bạn năm nào. Căn phòng khóa trái, bên trong trống không. Cái tivi cũ rào rạo những âm thanh hỗn tạp, hình ảnh mất sóng lấm chấm tỉ tỉ hạt va đập, thoáng nhận ra như có hình người ta, hình xe cộ, và những gì gì nữa không rõ.
Tôi bước xuống từng tầng, chẳng ai buồn để ý. Bọn trẻ con chạy đùa ầm ĩ trên các hành lang. Người lớn cãi vã, xào nấu. Họ hắt nước ra ngoài, cả ngôi nhà ướt sũng, chảy rỉ rả khắp nơi. Cánh cổng lâu nay đóng kín, nay mở ngỏ, tay nắm gẫy đâu mất. Vừa bước qua khỏi cánh cổng tôi bắt đầu chạy thục mạng về phía trước. Trời quang! Mùi muối mằn mặn loảng thoảng.

© 2006 talawas

Nguyễn Danh Bằng sinh năm 1967 tại Gia Định, Sài Gòn. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật 1991. Sang Mỹ 1992. Tốt nghiệp cử nhân ngành Computer & Video Imaging 1999 tại Cogswell Polytechnical Art School. Hiện làm web designer tại San Francisco.

Tác phẩm Tập truyện ngắn Phòng lạ, Nxb Đà Nẵng, 2005.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài