talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 01.07.2007


Võ Văn TrựcCọng rêu dưới đáy ao


Trong hai năm, Võ Văn Trực, vốn được biết đến như một nhà thơ, liên tiếp ra hai cuốn tiểu thuyết tạo ra những xôn xao lớn trong giới văn chương Việt Nam. Sau Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao mà chúng tôi giới thiệu kỳ này tiếp tục “được” hưởng một số phận về xuất bản đầy cam go ngay từ khi mới xuất hiện: bị chính NXB quyết định thu hồi sau khi phát hành được gần 1 tháng.
talawas chủ nhật

 

Võ Văn Trực

Cọng rêu dưới đáy ao


I II III

X. Bị khai trừ Đảng

Bỗng nhiên một chuyện buồn xảy ra. Anh Hiền ăn nằm với cô gái trong làng có chửa. Cha tôi buồn lắm, mẹ tôi buồn lắm, cả nhà tôi buồn rũ rượi. Chị cả lấy chồng ở làng bên nghe tin cũng chạy về ngồi tựa cột nhà ôm mặt khóc, anh em họ hàng buồn bực trách móc anh đã bôi xấu lên gia phong của chi họ này - một chi họ có cụ Vũ Quang Cư cùng dự kỳ thi với cụ Phan Bội Châu năm Giáp Thìn. Cụ Phan Bội Châu đậu giải nguyên, cụ Võ Quang Cư được xếp thứ tư.

Người buồn phiền nhất là chị Hiền. Hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc gia đình chưa được bao lâu thì đã gặp điều bất hạnh này. Chị thui thủi một mình không muốn gặp ai, ra đồng tát nước trồng khoai chị tránh mặt bà con. Tối về cơm nước xong, cho lợn ăn, chị ngồi xo ro trong bếp khóc thút thít, cả đêm chị ngồi đến gần sáng rồi nằm ngủ ngay trên ổ rạ góc bếp. Chị không hề hé miệng nói nặng với anh một câu nào, và suốt thời gian dài chị im lặng nín nhịn nuốt nước mắt vào lòng.

Trong gia đình, gia tộc thì buồn thảm như vậy. Ngoài xã hội không khí căng thẳng, từ đầu làng đến cuối xóm người ta bàn tán đồn kháo và một đôi người nói những lời mỉa mai độc ác: “ông Hiền cưỡi ngựa chán bây giờ cưỡi người”, “ông Hiền phi ngựa giỏi mà phi người cũng giỏi”.

Chi bộ họp liên miên suốt mấy đêm để kiểm điểm anh. Một số Đảng viên phê phán và quy kết anh một cách nặng nề: nào là mất phẩm chất quân nhân, nào là làm hại đến uy tín của Đảng, nào là tự đánh mất lập trường giai cấp vô sản để choàng lên giai cấp tư sản… Đảng uỷ họp quyết định khai trừ anh ra khỏi Đảng, suốt thời gian ấy trong tất cả các cuộc họp anh không hề nói một câu nào, có người xỉ vả anh như tát nước vào mặt anh vẫn ngồi im. Anh im lặng nhận kỷ luật, không hề tỏ thái độ phản ứng.

Trong hàng ngũ huyện uỷ và Đảng uỷ có người lâu nay xem anh như cái gai mà chưa nhổ bật ra được thì đây là một dịp may hiếm có để nhổ cái gai “bướng bỉnh” và “coi thường cấp trên”, “để xem lão Hiền này lắm lý lẽ kiện cáo ra sao”. Có đồng chí nghĩ vậy và chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó với việc anh Hiền kiện, nhưng rồi chờ mãi chẳng thấy anh Hiền kiện cáo gì cả. “Ông Hiền đi kháng chiến chín năm làm hết cấp chỉ huy này đến cấp chỉ huy khác, giải ngũ về làng xem như đổ nước xuống sông. Đổ nươc rồi còn một chút cặn là Đảng viên, bây giờ ông cũng dốc ngược bình đổ nốt.” Đi họp chi bộ, họp xóm họp làng, làm đồng, người ta đều bàn tán về anh như một đề tài thời sự nóng hổi.

Con đường tham gia công tác xã hội của anh xuống từng nấc thang: sĩ quan quân đội, cải cách ruộng đất, cán bộ thông tin xóm, Đảng viên trơn… và cuối cùng là phó thường dân! Anh vẫn lao động bình thường. Cày bừa, gặt hái làm vườn, tu sửa cửa nhà, nhưng anh ít nói hơn trước. Chỉ khi nào có khách khứa vào chơi anh mới nói dăm ba câu. Nếu có hai người khách nói chuyện với nhau thì anh không nói gì cả.

Về kỷ luật Đảng thì anh là người đầu tiên bị kỷ luật nặng nhất cho nên anh trở thành mục tiêu của mọi lời đàm tiếu. Anh cũng cảm thấy mình bị cô lập với án kỷ luật này. Nhưng rồi, bốn án kỷ luật tương tự khác xảy ra: ông Hoe Tại và o cu Tính và ả Định đều bị khai trừ Đảng.

O cu Tính sinh được một đứa con thì chồng chết. Lúc đó o mới hai mươi tuổi. O cắn răng ở vậy nuôi con, biết phận mình là người đàn bà goá chồng, o không hề sàm sỡ với người đàn ông nào. Nếu có anh chàng nào tỏ ý lả lơi chòng ghẹo o im lặng lảng tránh. Mấy bà hàng xóm kể lắm chuyện đáng khâm phục và đáng thương về o. Có đêm cơn thèm khát nhục dục bốc lên rừng rực o đổ thóc xay đến bã mồ hôi rồi nằm vật ra, nhưng làm gì có thóc để đêm nào cũng đổ ra xay, o bèn nghĩ ra một việc gì đó cho cơ thể bã bời. Có đêm o gánh đá từ ngoài cổng vào vườn, rồi lại gánh từ vườn ra cổng… cứ gánh ra gánh vào hàng chục lần cho đến lúc cơ bắp mệt nhoài. Có đêm o lội xuống ao để vớt bèo và ngâm mình trong nước hàng tiếng đồng hồ… Một hôm o làm cỏ khoai ở ngoài cánh đồng cống, vắng người, ông hàng chài dưới bến sông Bùng bước lên lân la gợi tình rồi ôm chặt lấy mông o, cái cu của ông cứng như cái chày nóng hổi áp sát vào mông. O bỏ chạy thục mạng như bị ma đuổi vậy mà cái buổi chiều lạnh lẽo ấy o nhờ ông Hoe Tại láng giềng sang bắt con lợn xổng chuồng mà sinh ra chuyện rầy rà. Ông Hoe Tại đang làm vườn thì nghe o gọi: “Nhờ ông sang bắt con lợn xổng cho tôi! Vốn liếng cả nhà chỉ có con lợn mà để xổng mất thì tôi trắng tay”. Ông Hoe Tại chạy sang đứng giữa sân không thấy người, không thấy lợn. Nghe tiếng o từ trong nhà vọng ra “lợn nó chạy vào đây rồi”, ông liền chạy vào thì ôi cha cha, o cu Tính đã nằm ngửa trên giường tuốt váy lên phơi “đồ lề” ra giữa thanh thiên bạch nhật! O là người lao động khoẻ mạnh, da đen. Sự kìm nén nhục dục của o đã quá mức, không tài nào chịu được nữa đành liều! Cau phơi tái, gái đoạn sung. Đối với o, thời gian đoạn sung đã gấp hai lần. Lửa tình rừng rực, o kéo ông Hoe Tại nằm xuống cái giường ọp ẹp… Mấy tháng sau o buộc chặt khăn thắt lưng. Nhưng cái khăn lưng càng ngày càng phải nới lỏng nút… Và chi bộ họp, o cu Tính và ông Hoe Tại nhận án kỷ luật bị khai trừ vĩnh viễn.

Ả Định mới hai mươi hai tuổi đã có ba đứa con, nhưng trông còn son lắm. Da trắng, má lúc nào cũng ửng hồng, ngực phây phây như cái thúng. Anh mất, ả nghĩ mình là người của Đoàn thể nên rất giữ gìn. Hơn nữa, gia đình ả có công với cách mạng từ lâu. Bác Hoe Chu, bố chồng, tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ năm 1927. Chồng của ả vào Đảng từ khi còn bóng tối. Về làm dâu, ả được bố chồng và chồng giác ngộ, cũng trở thành đảng viên… Không may giữa đường đứt gánh tương tư. Giữ nếp nhà, ả mặc áo sổ gấu, đội nón không vành. Nhưng sức lực càng ngày càng căng ra, ả xả hơi vào những trò đùa nghịch ngợm tục tĩu khiến các cô gái thẹn đỏ mặt. Dân làng đang đắp bờ đào ao, ả lấy đất bùn đắp hình cái âm hộ, nhổ nước trầu vào, rồi ả vắt đất thành hình cái dương vật thọc lên thọc xuống. Ả vừa cầm nắm đất làm động tác giao hợp vừa cười ngả ngớn, rồi ôm ông này ông kia. Những người lớn tuổi cười vỡ bụng, còn bọn con gái thì bỏ chạy… Tuy thế, ả vẫn tránh tất cả các trường hợp đàn ông cợt nhả khi gặp riêng trên đường làng… Rồi đến một hôm, trong cuộc họp, anh Cu Kình liếc mắt nhìn ả, ả quay mặt đi. Cứ quay mặt mãi cũng không tránh được cái vòng vây tình ái của anh Cu Kình. Đôi má của ả càng ngày càng đỏ au như con gái dậy thì khiến anh mê như điếu đổ. Anh đón gặp ả trên đường làng, gặp ngoài đồng, gặp ban ngày, gặp ban đêm. Rồi hai người hò hẹn nhau. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Và ả có thai sau bảy năm giữ gìn.

Đảng uỷ triệu tập ả lên trụ sở. Dẫu đã biết sự việc xảy ra như thế nào, đồng chí bí thư vẫn cật vấn cặn kẽ:

“Đồng chí quan hệ bất chính với ai?”

“Với anh Cu Kình”.

“Tại sao đồng chí là đảng viên mà cũng quan hệ bất chính?”

“Vì tôi… tôi… Anh Cu Kình tìm mọi cách gặp tôi…”

“Đồng chí nói như thế là chưa thành khẩn. Anh Cu Kình tìm mọi cách gặp, đồng chí không cho gặp thì thôi. Khi gặp như thế, đồng chí có nhớ cha chồng là người của Đảng, chồng cũng là người của Đảng?”

“Có nhớ…”

“Có nhớ sao đồng chí lại làm chuyện tình ái bất chính?”

“....”

“Đồng chí quan hệ bất chính với anh Cu Kình trong trường hợp nào?”

“Lúc nửa đêm, anh Cu Kình vào nhà tôi”.

“Thế các con của đồng chí không biết à?”

“Ba cháu đã ngủ say…”

“Ngủ say thì cái giường cọt kẹt, chẳng lẽ các cháu lại không biết…”

“Nằm dưới đất…”

Đồng chí bí thư hỏi chi li quá làm cho ả nhớ lại cái đêm ân ái hôm ấy. Sau khi anh Cu Kình nằm úp sấp lên bụng, ả chắt lưỡi, rồi đành liều đem cái “phẩm chất đảng viên ấy” đổi lấy cái phút khoái cảm nhục dục mà ả kìm nén suốt bảy năm trời… Ả chớp mắt, hơi nghiêng người, vòm ngực khẽ rung rinh. Đồng chí bí thư nuốt nước bọt, hai chân duỗi ra cho thoải mái bỗng chân phải bắt chéo lên đùi chân trái và hai cái đùi kẹp chặt vào nhau.

Khi nêu vấn đề khai trừ ả Định, có người gợi ý “chiếu cố quá trình tham gia cách mạng của gia đình”. Nhưng đồng chí bí thư diễn giải một cách kiên quyết: “Tội quan hệ tình ái bất chính là tội rất nặng. Hơn lúc nào hết, trong hoàn cảnh hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, Đảng ta phải thật trong sạch. Đảng viên đi trước làng nước theo sau. Đảng viên chửa hoang để quần chúng theo sau chửa hoang cả lũ à… Người nào còn bao che cho cái tội quan hệ tình ái bất chính của anh Cu Kình và đồng chí Định tức là a dua theo cái xấu…”

*

Tâm trạng của những người đàn bà goá ấy không khổ vì bị khai trừ Đảng mà cảm thấy vô cùng xấu hổ vì thái độ khinh ghét của dân làng.

Càng ngày họ càng có nhiều “bạn đồng minh”. Cả một lớp đảng viên đầy nhiệt huyết trong kháng chiến chống Pháp dần dần vắng mặt trong các cuộc họp chi bộ. Họ chờ đợi những điều lạc quan mà chủ tịch huyện và bí thư đảng uỷ nói đã từ lâu mà chẳng thấy đến. Đời sống khốn khó cứ kéo dài triền miên năm này qua năm khác. Làng Hậu Luật là một làng có phong trào cách mạng từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí hội, rồi khởi nghĩa tháng Tám cũng đựơc bác Chắt Kế tổ chức từ làng này đi cắm cờ sang khắp các làng nam Diễn Châu. Thế mà đến giờ vẫn đói. Chi bộ Đảng họp liên miên mà chẳng thấy lo thêm được chút nào.

Một số cặp vợ chồng, vợ là đảng viên, chồng phấn đấu mãi vẫn không được kết nạp chỉ vì cái tội “bướng bỉnh”. Đến nay, mỗi lần chi bộ họp thì bà vợ “xin cáo vì đang chạy gạo cho con”.

Vợ chồng bác Hoe, chồng là cán bộ xã chạy long tong suốt ngày suốt đêm. Ngày nào không phải họp hành gì thì vác cày ra đồng, chiều về lại sấp ngửa chạy công tác này công tác nọ. Bác say mê lo việc xã một cách chân thành, thường về nhà ăn cơm tối lúc mọi người đã đi ngủ. Bác gái bực mình, càu nhàu. Một hôm, như thường lệ, bác Hoe bước vào nhà rồi xuống bếp tự lấy bát đũa xới cơm ăn; nhưng khi mở vung ra thì chẳng thấy hột cơm nào mà thấy toàn giấy vụn. Bác ngạc nhiên, soi đèn. Hoá ra bác gái đã xé nát tất cả bằng khen giấy khen cho vào nồi! Bác đành thở dài, nuốt giận, xoa xoa hai bàn chân, lên giường nằm chèo khoeo… Lăn lóc việc làng việc xã đến vậy, thế mà bác Hoe cũng ngán ngẩm cái cảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, rút lui mọi chức vụ.

Chú Duận là em một gia đình cố nông. Cha chú tên là Cu Lùng. Hồi trước cách mạng, có nói một câu gì đó chạm đến cụ Hàn, bị lý trưởng nọc cổ giữa sân đình đánh chảy máu. Sau khi cướp chính quyền, chú thuộc diện bồi dưỡng cấp tốc để vào Đảng. Vợ chú cũng là đảng viên, con nhà cố nông. Cả làng nhìn vợ chồng chú với con mắt kính trọng: “Chẳng ai đựơc sung sướng như chú, vợ chồng đều là người của Đảng”. Năm năm sau, mười năm sau, mười lăm năm sau, vợ chú vẫn theo dấu chân của bà cụ lên Phủ Quỳ kiếm sống và tự rời hàng ngũ đảng lúc nào chẳng ai biết .Chú Duận đi bộ đội chống Pháp, rồi làm cán bộ trong Vinh. Lúc về hưu không chịu lấy giấy chuyển sinh hoạt về địa phương.

Người ta sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ lợi ích của đảng khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng người ta không thể kéo lê thê việc hy sinh nguồn lợi cá nhân trong suốt những năm tháng Tổ quốc hoà bình. Điều lý giải thật là đơn giản. Thế mà mấy lần họp Đảng uỷ, họp chi bộ, đồng chí bí thư cứ phát ra những câu kết luận nặng nề: “ý chí phấn đấu của nhiều đảng viên đã giảm sút một cách nghiêm trọng. Lý tưởng Đảng đã bắt đầu mờ nhạt trong một số đồng chí”.

*

Từ khi anh Hiền ra khỏi tổ thông tin và bị khai trừ Đảng, bà con làng xóm đến chơi nhiều hơn. Hình như họ cảm thấy mủi lòng thương hại. Lúc anh Hiền đi vắng, họ pha trà uống và bàn tán với nhau:

“Chú Hiền mà không giải ngũ thì bây giờ làm cấp chỉ huy to”.

“Có khi được phong tướng rồi”.

“Tướng thì chưa biết, chứ đại tá là cái chắc”.

“Giả dụ chú cứ ra khỏi quân đội, đi học đại học nông nghiệp thì bây giờ đã làm kỹ sư, oách ra phết”.

Bá đến chơi nhiều nhất. Thường sau bữa cơm tối, Bá rủ vài đứa bạn đến ngồi tán chuyện gẫu cho tới tận khuya. Khi có dăm ba người nói chuyện với nhau thì anh Hiền ngồi im, chỉ đệm vào đôi câu cần thiết. Nghe người khác trò chuyện anh cũng cảm thấy khuây khoả. Anh có thể ngồi nghe như vậy đến vài ba tiếng đồng hồ.

Có mấy lần Bá nhờ anh viết khẩu hiệu. Nhưng anh từ chối: “Nhỡ may đứa nào nghịch ngợm sửa chữ nghèo nàn thành ngoèn nàn thì họ lại truy tôi”. Bá thật thà nói lại: “Không, tôi nhờ chú viết câu khác, không viết câu “Cương quyết tấn công vào nghèo nàn lạc hậu”. Thấy Bá hồn nhiên quá, anh mỉm cười: “Cái đứa đã nghịch thì câu khác nó cũng chữa được. Với lại, dạo này câu khẩu hiệu nào mà chẳng có chữ “tấn công vào nghèo nàn lạc hậu”. Nào là kẻ thù số một của chúng ta bây giờ là nghèo nàn lạc hậu. Nào là đảng viên đi trước làng nước theo sau, thanh niên dẫn đầu, cán bộ gương mẫu, tiến quân tiêu diệt tận gốc nghèo nàn lạc hậu…” Bá cũng cười theo: “Chú nói có lý. Lúc nào cũng ra rả nói chống nghèo nàn lạc hậu mà gạo không đủ ăn…”


XI. Mở lớp dạy học

Đang kỳ nghỉ hè, mấy đứa trẻ thường sang chơi xem anh Hiền trồng cây, tô sửa hòn non bộ và xem anh vẽ tranh. Dạo này anh có thêm một thú vui là vẽ những bức tranh về cảnh làng xóm. Nội dung tranh do anh nhớ lại những cảnh sầm uất đã bị chính bàn tay anh cùng bạn bè thanh niên tàn phá ngay sau ngày cướp chính quyền: cây đa xóm Bấc toả tán xanh um tùm lên mấy sào đất, cây đa xóm Trung có tuổi thọ năm trăm năm bủa rễ phụ chằng chịt trên một gò đất cao, đền thờ Bạch Y thần ẩn dưới gốc cây muỗm vươn ngọn lên trời xanh, nhà Thánh của Hội Tư văn với pho tượng Khổng Tử uy nghi trong hương khói… Anh vừa vẽ vừa giảng giải cho bọn trẻ biết lai lịch của từng cây cổ thụ, từng ngôi đền ngôi miếu. Thỉnh thoảng vui miệng anh lại nói một câu tiếng Pháp. Chúng nó đua nhau hỏi: “Bác Hiền vừa nói gì mà nghe hay thế?” Anh giảng cho các cháu nghe. Chúng lại bắt anh nói câu khác…

Từ một sự tình cờ như thế,anh nẩy ra ý định mở lớp học ngay tai nhà mình.Học trò là lũ trẻ lên chín lên mười. Đang kỳ nghỉ hè thì dạy mỗi ngày vài tiếng vào buổi sáng. Khi vào niên học thì chuyển giờ dạy vào ban chiều sau lúc trống trường tan học.

Trước đây trong làng đã có những lớp học chữ Nho do các thầy đồ dạy. Thầy Cu Xí dạy rất nghiêm khắc, lúc nào cũng cầm roi mây trong tay, hễ đứa nào nghịch thầy bắt nằm xuống đất, quất cho mấy roi. Thầy Tú Ba có phong thái rất nho nhã, không bao giờ thầy to tiếng quát mắng, học trò ngồi im phăng phắc. Ngay bên cạnh nhà tôi, bác Bộ Nga cũng thường xuyên mở lớp, ngoài giờ học lũ học trò đùa nghịch làm cả xóm vui lây… Anh Hiền muốn làm một “thầy đồ tân thơì”: cái nghề này thanh bạch nhất, dạy chữ và dạy đạo nghĩa cho trẻ em, chẳng phải mệt óc đua chen với ai.

Anh chí thú chuẩn bị chu đáo cho việc mở lớp. Đem bộ phản anh thường nằm hàng ngày kê thành hai dãy bàn. Anh tìm gỗ và tự tay đóng hai cái ghế dài. Bàn ghế xếp ngay ngắn. Phía trước có tấm bảng đen và viết nắn nót một câu “Tiên học lễ hậu học văn”. Hộp phấn để dưới chân bảng. Trên bàn thầy giáo có một lọ mực tím và một lọ mực đỏ… Sắp đặt xong xuôi, anh đứng ngắm nghía, rồi chỉnh đốn lại: xích cái bảng sang bên phải một chút, kéo hai tấm phản xa nhau để đứa ngồi sau không cốp-pi đựơc bài của đứa ngồi trước. Anh còn tưởng tượng vẽ hình ông Khổng Tử treo trên câu “Tiên học lễ hậu học văn”. Trên ảnh Khổng Tử, anh treo ảnh Bác Hồ.

Một số gia đình biết anh mở lớp dạy học, hào hứng mua sắm bút vở cho con. “Bác Hiền trước kia có một chút Tây học, lại có một ít Nho học do thầy Bộ Nga truyền thụ, am hiểu cả quốc ngữ, con theo bác học hành là phải”, các bậc cha mẹ bảo với con như vậy.

Ngày khai giảng có bốn đứa đến lớp. Dần dần số lưọng học sinh tăng lên năm rồi lên sáu. Các môn học gồm có: toán, văn, tiếng Pháp. Giữa hai tiết học có giờ ra chơi. Đang chơi anh nói “ăng-tờ-rê” là học trò chạy vào bàn ngồi. Anh dùng thước gõ ba tiếng trên bàn, học trò ngồi nghiêm chỉnh để nghe thầy giảng bài. Chúng thú vị nhất là giờ học tiếng Pháp. Tiếng Pháp nghe nó là lạ ngồ ngộ, biết ti toe dăm ba tiếng có thể ra đường trêu chọc nhau thậm trí nói tục bằng tiếng Pháp mà không ai biết. Đang giờ học toán hoặc học văn, học trò nói thầy dạy tiếng Pháp, thầy giáo nghiêm khắc: “Không đựơc! Giờ nào môn ấy!”

Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, ở trường Nguyễn Xuân Ôn và các trường tư thục, các thầy có dạy tiếng Pháp. Sau đó vài năm, chỉ thị của cấp trên ban xuống: cấm dạy tiếng Pháp trong các trường quốc lập và tư thục. Thế là bẵng đi hằng chục năm, môn Pháp văn bị loại bỏ ra khỏi chương trình phổ thông. Các thầy giáo theo Tây học ngày trước cũng không nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp như ngày trước nữa… Cho đến lúc đó, tại trường học chính quy vẫn chưa dạy lại môn Pháp văn. Thế mà anh Hiền lại dạy cho mấy đứa nhỏ trong cái xóm hẻo lánh này học tiếng Pháp. Nghe lạ tai, bà con láng giềng lúc rỗi rãi thường đứng ngoài sân nghe thầy Hiền và lũ nhóc xì xồ tiếng Tàu tiếng Tây…

*

Lớp học đang đi vào nề nếp, hơn một tháng sau, bác Nong đến chơi, ngập ngừng mãi bác mới nói thật với anh Hiền:

“Cháu Tường nó học với chú thích lắm. Tối nào nó cũng chăm chú làm bài, hết toán lại văn, hết văn lại tiếng Pháp… Giá cháu nó học với chú lâu dài thì nó chóng giỏi. Nhưng chú thông cảm cho, nhà tôi nghèo quá không có gạo để theo…”

“Không! Tôi đã nói chuyện các cháu nộp gạo nộp tiền gì đâu. Mà tôi cũng không có ý định bắt các cháu nộp. Hay là cháu nói dối cha mẹ để lấy tiền mua quà”.

“Cháu nó không nói dối. Tôi biết chú thương các cháu mà mở lớp học, chứ chú cũng không đòi hỏi gì tiền gạo cho thầy. Nhưng về phía cha mẹ thì cũng phải nghĩ đến thầy chứ, chẳng lẽ công thầy dạy giỗ mà không có lễ cho thầy, tôi không nỡ”.

“Bác đừng lo! Cứ cho cháu sang đây học cho vui. Bác đừng nghĩ đến quà cáp, lễ lạt, mất tình anh em. Thấy các cháu chăm học là tôi mừng…”

Hôm sau không thấy cháu Tường sang học nữa. Rồi hôm sau, lại thêm một cháu bỏ học. Lớp học từ sáu cháu, còn lại bốn, rồi còn lại ba… Anh Hiền vẫn dạy. Nhưng không khí lớp học trở lên đuểnh đoảng. Bá lên chơi, thông báo cho anh Hiền biết: “Ông Nong là công an xã. Ông ấy thấy chú dạy tiếng Tây nên không cho thằng Tường đi học nữa”. “À, ra thế…”, anh Hiền thở dài.

Không có một cuộc họp chính thức nào của các ông lãnh đạo xã và thôn cấm chỉ anh Hiền dạy tiếng Pháp hoặc cấm mở lớp dạy học. Nhưng người ta xì xào bàn tán rất nhiều về lớp học của anh. Sao thằng Pháp cai trị ta tám mươi năm, bây giờ lại dạy tiếng của nó? Sao ông Hiền đi đánh Pháp chín năm, bây giờ thắng nó rồi, lại đem tiếng của nó ra mà dạy? Ông Hiền dạy tiếng Pháp làm gì nhỉ, đào tạo bồi cho tây à? Đào tạo thông ngôn cho Tây à?…

Người ta còn suy diễn ra lắm thứ lôi thôi. Sao ông Hiền lại treo trong lớp học một câu cổ hủ “Tiên học lễ hậu học văn”? Không những thế, ông ta còn treo ảnh ông Khổng Tử dưới ảnh Bác Hồ, phải treo ảnh các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp… Treo ảnh cái thằng cha Khổng tử phong kiến cổ hủ ấy để bọn trẻ con học theo cái đạo phong kiến của hắn à?…

Thật ra khi anh Hiền treo ảnh Khổng Tử không phải vì tôn sùng ông ta, anh có biết gì mấy về triết học đạo Khổng đâu. Khi viết mấy câu “Tiên học lễ hậu học văn” lên bảng, anh chưa hiểu đầy đủ nội dung giáo dục của nó. Chẳng qua anh muốn lớp học phải thật nghiêm túc như lớp học của các thầy đồ nho ngày xưa. Bản thân anh cũng muốn tự tạo cho mình phong độ một thầy đồ - dù là “thầy đồ tân thời”. Khốn nỗi, điều suy nghĩ của anh không hợp thời nữa, nên đã gây ra hiểu lầm đối với một số đảng viên,nhất là những đảng viên giữ vai trò lãnh đạo trong xã.

Cả sáu học trò lần lượt bỏ học. Gian nhà trở lại hai tấm phản với hai chiếc ghế dài, ảnh ông Khổng Tử với câu “Tiên học lễ hậu học văn”, và một… thầy đồ tân thời mặt buồn rười rượi.

Anh lục cục dọn dẹp lại nhà cửa. Hạ ảnh ông Khổng Tử, vò nát, vứt ra sân. Đem tấm bảng đen chắn chuồng lợn. Ghép lại hai tấm phản liền nhau, anh nằm tùm hum, tay chống cằm, tẩn mẩn xem những bức ảnh chụp với đồng đội hồi còn tại ngũ…


XII. Mở hiệu thuốc bắc

Thua keo này anh lại bày keo khác. Mở lớp dạy học bị thất bại, anh lại nghĩ cách mở hiệu thuốc bắc.

Chẳng lẽ sau chín năm chinh chiến, rời quân ngũ trở về quê lại không giúp ích gì cho gia đình? Ý định tham gia việc làng việc xóm giống như các viên chức trước đây hồi hưu, anh hoàn toàn từ bỏ! Thời buổi này khó khăn hơn.

Mới làm một việc lăng nhăng là kẻ khẩu hiệu ở cổng xóm mà đã bị người này đâm ngang người kia đâm dọc. Không thể tìm ra một việc nào khác để làm cho yên thân thì các ông lãnh đạo định kiến về anh là “ phần tử bất mãn”, là một “đảng viên thoái hoá”, là một “quân nhân mất lập trường giai cấp”… Ông trưởng ban bình dân học vụ mời anh dạy một lớp. Anh lắc đầu từ chối. Ông gặp anh lần thứ hai, anh cũng lắc đầu từ chối. Ông nằn nì:

“Đây là ý kiến của bà con học viên, chứ không phải ý kiến của riêng tôi. Học viên cứ giục tôi mời chú dạy.Chú nhận lời cho bà con vừa lòng”.

“Nói thực lòng với bác là tôi muốn đem khả năng hèn mọn của mình đóng góp cho làng cho xã. Nhưng tôi thấy khó lắm. Vừa rồi tôi mở lớp dạy học trong nhà, các cháu đang hào hứng học thì người ta lại moi móc những điều tôi không ngờ tới. Cha mẹ không cho các cháu học với tôi nữa”.

“À, cái việc đó… là lớp dạy riêng của chú. Với lại chú treo ảnh Khổng Tử cho nên người ta nghi ngờ. Còn đây là lớp bình dân của thôn, trong lớp học chỉ có treo ảnh của Bác Hồ. Chú chỉ việc đến dạy chữ thôi mà. Chú đừng lo”.

“Nói thực tình với bác là tôi sợ lắm. Khi người ta đã thành kiến với tôi thì dù tôi làm việc gì ngay thẳng đến đâu người ta cũng bẻ cong được…”

Anh hứng thú nghĩ ra việc mở hiệu thuốc bắc cho cha tôi vừa kê đơn vừa bốc thuốc. Việc làm này không những không động chạm đến ai, mà lại còn mang phúc đến cho thiên hạ. Anh tự vạch ra ý đồ lâu dài: hàng ngày anh vừa giúp cha làm thuốc vừa học nghề chạy chữa cho con bệnh, tiếp nối nghề cha .

Đã khá lâu rồi, anh không ngồi nói chuyện lâu với tôi, hôm nay anh vui vẻ pha hai cốc cà phê, gọi tôi đến. Hai anh em ngồi trên tấm phản. Anh cuộn một điếu thuốc lá, châm lửa, rồi chậm rãi nói:

“Đáng lẽ ngay sau khi phục viên, anh phải giúp cha mở một hiệu thuốc bắc. Bây giờ mới làm cũng chưa muộn. Trước kia, ông nội, rồi cha, làm nghề thầy lang, chỉ vì không có vốn mà quanh năm vác ô đi thăm người bệnh kê đơn, không mở đựơc hiệu thuốc. Ông đã vất vả đời cha cũng vất vả. Nay anh có tiền, sĩ quan phục quân viên được nhà nước cho một số tiền kha khá, đủ vốn để mở hiệu… Em thấy cho hợp lý không?”

Nghe anh nói, tôi cũng vui lây:

“Làm được thế thì hay quá. Nhưng anh làm gì có đủ tiền để mở một hiệu thuốc như hiệu thuốc ông Huấn , ông Sứ Lục?”

“Anh có đủ chứ. Tất nhiên lúc đầu hiệu thuốc không thể đàng hoàng như hiệu thuốc ông Huấn ông Sứ Lục, nhưng sẽ gây dựng dần dần. Có hiệu thuốc, cha chỉ việc ở nhà, người bệnh đến tận nơi, cha thăm bệnh, kê đơn, rồi bốc thuốc luôn”.

“Làm được thế thì hay quá. Bao giờ thì anh bắt đầu?”

“Anh sẽ làm ngay trong tháng tới. Tiền có sẵn đây rồi…”

Anh còn có ý định lâu dài là anh học cho được nghề làm thuốc của ông cha. Anh đã biết ít nhiều chữ Nho. Anh sẽ học thêm để nghiên cứu sách thuốc… Anh tính… sau này em cũng thế. Em có vốn văn hoá nhất định nào đó, em về nhà học nghề làm thuốc, vừa làm phúc cho thiên hạ vừa yên thân…

“Làm được thế thì hay quá. Cha năm nay đã ngoài sáu mươi, gần hết đời. Suốt mấy chục năm cha chỉ làm một ông lang nghèo. Ông nội cũng thế…”

Thuở sinh thời, ông tôi thường cắp chiếc ô đi bộ hàng ba, bốn chục cây số lên Đô Lương, vào Nghi Lộc để thăm và kê đơn cho người bệnh. Hễ có người đến mời, xa mấy ông cũng đi. ở vùng quê tôi, có một hiện tượng tâm lý hơi lạ: mỗi thầy lang chỉ ăn khách với một số làng nhất định. Thầy lang Tuệ quê ở Tràng Thân, nhưng người làng Tràng Thân và mấy làng quanh đó không bao giờ mời thầy, trong khi đó làng tôi hễ có ai đau ốm là xuống mời thầy lên thăm. Người làng tôi không hề nhờ ông tôi xem mạch kê đơn, trong khi đó nhiều làng ở Nghi Lộc, Đô Lương lại rất sùng bái ông. Cho lên ông luôn luôn phải đi xa. Thỉnh thoảng anh Hiền và tôi có đi theo ông. Lúc về, gia đình bệnh nhân có biếu ông một thứ gì, anh em tôi lại vác đi theo ông về tới tận nhà: cây cam Xã Đoài, lọ độc bình cổ, gộc cây hình con sư tử…

Ông tôi qua đời, cha tôi nối nghiệp. Nhưng một thời gian dài, người ta sính dùng thuốc Tây, coi thường đông y. Các thầy lang hầu như thất nghiệp, thầy thuốc tây được trọng vọng. Ở xã tôi, có anh Huỳnh được cử đi học y tá, sau khi học xong, anh hành nghề rất phát đạt. Ai cảm cúm, ai ho gà, ai đau đầu sổ mũi, chỉ cần gặp anh mua mấy viên thuốc đem về uống là khỏi bệnh. Từ đó, người ta “mê tín” anh, mời anh chữa cả những bệnh trọng như thương hàn, cổ trướng… Cha tôi bỏ nghề, chồng sách thuốc do ông để lại cũng tiêu tan hết, chỉ còn dăm ba cuốn để quên trong đáy tráp.

Loanh quanh thế nào đến bây giờ người ta lại sính dùng thuốc nam thuốc bắc. Các thầy lang lại được “lên ngôi”. Anh Hiền mở hiệu thuốc bắc là rất đúng lúc. Tôi chưa dám nói hết với anh về nỗi sung sướng của tôi, nhưng trong bụng khấp khởi mừng thầm. Nếu hiệu thuốc này phát đạt thì cha tôi đỡ khổ, mà anh Hiền cũng có hướng làm ăn tu chí, đỡ phải va chạm người này người kia, yên phận anh làm “một cọng rêu dưới đáy ao”.

*

Cả tổng Thái Xá chỉ có vài ba hiệu thuốc bắc có uy tín. Ngay tại xóm Chợ Mới, thuộc làng Xuân Viên cạnh làng tôi, hai anh em ông Sứ Lục và ông Huấn cũng mở hiệu. Cụ Hàn Lương vốn quê ở Nam Định vào sinh cơ lập nghiệp ở đây bằng nghề thuốc đến nay đã ba đời. Ông Lương Lục và Lương Huấn là con cháu của cụ, nối nghiệp tiền nhân. Ông Thực làm giáo học, đến cuối đời, cũng trở về nghề thầy lang. Rồi con ông giáo Thực là anh Việt đi dạy học, nhận sổ hưu trí lập tức bắt tay làm thuốc… Như thế dòng họ Lương ít nhất cũng có bốn đời nối nhau làm nghề chữa bệnh cho thiên hạ.Tuy là dân ngụ cư, nhưng đựơc bà con quanh vùng coi trọng. Những người trực tiếp làm thầy lang, ai gặp cũng cúi đầu “chào thầy ạ”. Con của các thầy lang cũng được bà con gọi một cách riêng biệt: con trai thì gọi bằng “cậu”, con gái thì gọi bằng “cô”; chứ không xưng hô sờm sã như với người bản địa: anh Xă, anh Hoe, o Ba, o Tư…

Trong những người họ Lương làm thuốc, ông Lục là người nối nghiệp cha từ nhỏ cho đến suốt đời, cho nên được mọi người tôn xưng là “Ông Sứ”. Sứ là một vị trong quân, thần, tá, sứ, dùng để điều hoà cho một phương thuốc nào đó. Sứ ở đây cũng bao hàm nghĩa vâng mệnh (trời) để ban phúc cho bàn dân. Ông Lục được tôn kính tới mức không ai gọi “ông Lục” mà gọi là “ông Sứ Lục”.

Hiệu thuốc của ông mở ngay ở chợ Mới, cạnh trường tiểu học Thái Xá, khách ra vào tấp nập. Lúc rỗi rãi, các thầy lang thường đến chơi bàn bạc với ông về thuốc thang chữa bệnh. Các cụ đồ nho cũng thường lui tới đàm đạo việc đời việc đạo. Công việc chính của ông là bốc thuốc theo đơn chính của thầy lang. Nhưng có một số người bệnh tín nhiệm ông, đến nhờ ông vừa khám vừa bốc thuốc. Gia đình nào quá nghèo, ông cho chịu tiền, thậm chí ông không lấy tiền.

Có dạo người ta đồn ở hiệu ông Sứ Lục có loại thuốc tiên do ông lão râu tóc bạc phơ mang từ miền núi xuống. Ai ngửi được hương vị của nó cũng cảm thấy người thanh thản. Ai đang có chuyện riêng bối rối gây ra đau đầu, mình mẩy khó chịu, chỉ đến ngồi ở hiệu thuốc của ông một chốc là khỏi. Cho nên nhà ông suốt ngày đêm khách rất đông. Khách ngồi chật trong nhà, ngồi tràn ra sân. Khách vây xung quanh, chỉ còn một khoảng nhỏ trên bộ phản, ông Sứ Lục khom lưng bận rộn bốc thuốc, xắt thuốc, nghiền thuốc.

Hồi nhỏ, nhiều lần anh Hiền theo ông nội, theo cha ra chơi ở hiệu thuốc ông Sứ Lục, cung cách của ông đã in đậm vào tâm trí anh một vẻ đẹp thanh nhã. Ngôi nhà lá đơn sơ. Hàng chục ô gỗ đựng đầy ắp các vị thuốc. Cả gian nhà luôn luôn thơm thoảng hương vị nhẹ nhàng… Anh chưa bao giờ mảy may nghĩ rằng ông nội mình, cha mình có được một hiệu thuốc như thế. Thì giờ đây, khi ông nội đã qua đơì, cha đã ngoài sáu mươi tuổi, và anh đã ngoài ba mươi, anh hăm hở và tin tưởng lập được một hiệu thuốc bắc như hiệu thuốc của ông Sứ Lục.

Khi anh thưa chuyện với cha về ý định này, cha tôi ngồi im hai giọt nước mắt từ từ chảy trên hai gò má nhăn nheo, một lát sau, nuốt tiếng nấc cha nói:

“Làm gì có tiền”.

“Con có đủ tiền để cha làm việc đó, vốn ít thì làm ít. Dần dần sẽ phát đạt mở mang thành hiệu thuốc lớn”.

Thế là ngày nào cha tôi cũng hào hứng ra hỏi chuyện ông Sứ Lục, cha ngần ngại không dám hỏi thẳng ý của mình sợ ông giấu nghề, giữ nghề. Mãi đến ngày thứ ba cha mới ngập ngừng thưa chuyện… vừa nói cha vừa thăm dò thái độ ông. Thật bất ngờ, cha vừa dứt lời thì ông ngừng tay xắt thuốc, niềm vui hiện trên gương mặt:

“Ông mở được hiệu thuốc thì vui lắm, tôi mừng cho ông, cố tổng Quyên nhà ta là thầy thuốc giỏi, bà con ở Đô Lương Nghi Lộc mời cố đi chữa bệnh quanh năm mà cố chẳng bao giờ được sung sướng, rồi đến ông theo nghề cố ông cũng chẳng mở mày mở mặt ra được, bây giờ ông vừa kê đơn vừa bốc thuốc thân ông được nhàn nhã đôi chút , ông cần gì tôi giúp … nhưng vốn liếng ông được bao nhiêu?”

“Thằng Hiền phục viên, nhà nước cho một ít tiền, hắn bàn với tôi…”

“Có anh Hiền giúp cả tiền, cả công sức hai cha con làm đỡ vất vả”.

“Tôi chưa biết luồng lạch chạy nguồn thuốc ở đâu, ông chỉ bảo cho thì quý lắm”.

“Việc đó thì ông đừng lo, tôi sẽ bảo người mang đến tận nhà ông đủ các vị thuốc quý. Tính ông thật thà không lươn lẹo, làm một thời gian thiên hạ xa gần sẽ đến chật nhà, ông lại quen biết nhiều thầy lang, các thầy sẽ chỉ đường cho con bệnh đến nhà ông, cả vùng này ai còn lạ gì ông Đoan làng Hậu Luật. Ông còn phân vân điều gì nữa không? Nếu lúc đầu gặp khó khăn, tôi sẽ cho ông vay thuốc, khi bốc thuốc cho người bệnh mà thiếu vị thì bảo cháu sang nhà tôi mà lấy”.

“Quý hoá quá…”

“Có một dạo người ta sính thuốc tây, theo thuốc tây cảm cúm nhức đầu, sổ mũi, thương hàn người ta thường mời y tá đến khám, hiệu thuốc tôi vắng khách lắm. Bây giờ người ta lại theo thuốc ta ông ạ ngày nào nhà tôi cũng có hơn chục con bệnh xa gần đến mua thuốc, ông mở hiệu thuốc là rất đúng lúc”.

Cha tôi mừng lắm, tối hôm đó ăn cơm xong, cha gọi anh Hiền lên nhà trên, hai cha con ngồi bàn bạc tính toán công việc, mẹ tôi đi họp chi bộ về thấy còn đỏ dền bước vào góp chuyện, mẹ vui lắm. Suốt mấy năm nay anh Hiền lận đận quá. Mở được hiệu thuốc hai cha con cùng làm vừa vui cửa vui nhà, vừa có đồng ra đồng vào, mẹ đỡ khổ biết chừng nào. Mẹ vắt tà áo lau nước mắt.

“Con trâu nhà ta vừa đẻ con nghé, đợi mấy tháng nữa bán con nghé góp thêm vốn mà mở hiệu”.

“Mẹ không phải lo vốn, con đã có đủ tiền để cha sắm các thứ cần thiết ban đầu lại được cả ông Sứ Lục hùn tay vào, mọi việc thuận lợi cả mẹ ạ…”

Anh Hiền thất thế trên con đường hoạt động xã hội, trên con đường binh nghiệp lại hoá ra hay. Mọi người trong gia đình nghĩ thầm như vậy. Trong luồng suy nghĩ đó có phần tự an ủi kiểu AQ nhưng cũng có phần chân thành. Ông Sứ Lục có một hiệu thuốc bắc tiếng tăm như thế đâu có phải hoàn toàn tự tay ông làm nên mà vốn liếng từ đời cụ Hàn Lương để lại: vốn liếng về kiến thức nghề y, vốn liếng về kinh nghiệm gia truyền. Còn gia đình nhà mình, mới lập nghiệp từ đời ông nội. Mà ông nội chẳng qua là lấy công làm lãi, lấy phúc đức làm lãi. Nghề nối dõi vẫn là nghề nông. Được dăm bảy sào ruộng, lo cày cấy để kiếm ra hạt lúa củ khoai. Tuy chẳng phong lưu gì, nhưng làm ruộng vẫn chắc ăn. Ba đời nay, chưa ai dám nghĩ đến việc bán ruộng để sắm sanh các thứ mở hiệu thuốc bắc. Bây giờ anh Hiền phục viên mang được một ít tiền về, dùng số tiền đó để mở hiệu thuốc, đất ruộng vẫn còn nguyên.

Mở hiệu thuốc bắc! Điều không ai trong gia đình mơ tới, thì nay đã tới. Tôi phấp phỏng hình dung một viễn cảnh vừa đầm ấm vừa thanh nhã. Ngày ngày cha ngồi xếp bằng trên chiếu, xem mạch cho người bệnh, rồi mở tờ báo bốc từng vị thuốc bỏ vào, gói thang thuốc lại. Người bệnh cầm gói thuốc, cúi đầu chào. Mẹ tôi thì loay hoay nấu nước chè xanh, cầm gáo dừa múc ra từng bát, mời khách uống. Khách đông, từng người chờ cha tôi bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Có cả những người khỏi bệnh, đến cảm ơn cha…

Anh Hiền năng nổ lo tham mọi việc. Trước tiên anh thuê thợ mộc đóng chiếc tủ dẹt có nhiều ô để đựng thuốc bắc. Ra ông Sứ Lục nhờ chỉ dẫm mua dao cầu, thuyền tán để nghiền thuốc, dùng chày để giã thuốc. Mua chiếc ghế mới để cha ngồi bắt mạch cho người bệnh. Anh chú ý sắm từng cái nhỏ: nghiên mực tàu, bút lông để cha viết đơn thuốc. Mực tàu và bút lông rất khó mua, anh đến tận nhà mấy cụ đồ nho để xin cho kỳ đựơc. Cuối cùng anh thấy thiếu một cái ghế cho bệnh nhân ngồi khi giơ tay bắt mạch, anh lại kỳ cạch tìm gỗ và tự đóng…

Anh lục lọi trong rương trong hòm, lôi ra những quyển sách chữ nho để tìm sách thuốc của ông còn sót lại. Giấy bản để lâu ngày từ tờ này dính sang tờ kia, gián gặm, con bọ đuôi dài bò lổm ngổm, anh dùng lông gà quét thật sạch, rồi đem phơi nắng… Cái thứ cũ rích này tưởng là vứt đi, sao lúc này anh thấy quý đến thế. Anh lật giở từng tờ, sáng đem ra phơi, chiều cất vào nhà, hôm sau lại phơi. Rồi anh xếp ngay ngắn ở góc phản nơi cha thường gồi để bắt mạch cho người bệnh.

Tính toán tiền nong, anh thấy còn có thể mua được một cái xe đạp. Rất cần cái xe để chạy chợ. anh mua hẳn một chiếc xe Favorit mới tinh. Với chiếc xe đó,anh đi Cầu Bùng, Cầu Giát, Đô Lương, Thái Hoà để mua thuốc. Đường xe hàng trăm kilômét qua đèo qua truông,anh đạp xe đi phơi phới,không hề mệt nhọc.

Ban đêm, nhà vắng, anh thắp ngọn đèn Hoa kì, học chữ Nho. Trước hết anh học thuộc lòng mặt chữ tất cả các vị thuốc. Rồi học rộng ra các loại sách Nho khác. Hồi nhỏ, anh có theo thầy Bộ Nga học được một ít, nay ôn lại và học thêm không đến nỗi vất vả lắm. Anh quyết tâm học để nghiên cứu sách thuốc và hành nghề thầy lang cho đến hết đời. Sưu tầm được bài thuốc mới, anh chép cẩn thận vào vở. Lân la học các cụ già để học lỏm cách chữa bệnh bằng thuốc nam: cố Cáy chữa bệnh dời leo, cố Phiệt chữa bệnh đau bụng, cố Trần Chư chữa bệnh rắn cắn, bà Luyên Đò chữa bệnh loét da…

Ngày khai trương hiệu thuốc, tất cả mọi người trong gia đình tôi rất vui. Gọi là khai trương cho vẻ trang trọng, thực ra rất đơn giản. Mẹ tôi sắm cơi trầu, chén rượu nhạt để cho các cụ trò chuyện với nhau. Cố Tồn chui bờ rào vào cửa sau. Bác Xin vắt áo lên vai băng qua vườn… Sự hiện diện của ông Sứ Lục khiến cha tôi cảm động run chân bước ra sân đón.

Sắm sửa xong mọi thứ, mẹ tôi lên xã họp. Cả nhà ra đồng làm việc. Các cố ngồi nhai trầu, uống rượu và vui chuyện tuổi già:

“Hậu vận ông Đoan như thế là tốt rồi”.

“Tôi tưởng chú Hiền lận đận lắm. Ai ngờ chú xoay sang cái nghề thuốc bắc này, ông Đoan được mát mặt, mà chú Hiền cũng đỡ tủi thân”.

“Già nua như ông Đoan mà có được cái tủ thuốc bắc như thế này còn gì sướng bằng”.

“Không có nghề gì nhân đức bằng nghề thầy thuốc. Cố Tổng Quyên ngày trước cắp ô đi theo con bệnh khắp xứ đông xứ đoài mới để được phúc cho con cháu sau này”.

“Nói dại… Tôi nghĩ ông Đoan qua đời, chú Hiền thay ông làm thầy lang,trông coi tủ thuốc, còn sướng gấp vạn làm cái nghề cán bộ chạy ngược chạy xuôi, thức đêm thức hôm, được dăm ba đồng lương, còn bị người này mới ra người kia nói vào”.

“Chúc mừng cho ông Đoan chú Hiền gặp vận may”.

*

Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp bắt đầu dấy lên một cách mạnh mẽ. Các thầy lang cũng được tổ chức vào “hợp tác xã thuốc bắc”. Trong xã chỉ có bốn người thực sự là thầy lang. Nhưng như vầy thì qua ít, không thành một tổ chức “có khí thế”, các ông lãnh đạo xã cố tìm cho được mười người. Một cái xã bé con con gồm ba làng, moi đâu cho đủ mười thầy thuốc? Đành phải ghi vào danh sách các ông bà biết nhì nhằng làm thuốc nam, thậm chí có cả bà không biết làm nghề gì, ngày ngày làm viên bột nghệ để bán cho những người đau bụng và lở ngoài da.

Danh sách đã làm xong. Xã mời các vị lên họp.

Đứng đầu sổ là ông Sứ Lục. Tiếp sau đó là mấy vị đã có tiếng tăm.

Bác Cựu Dị con nhà Nho học, đựơc cụ thân sinh truyền cho một cách khám bệnh đặc biệt. Bác không cần đến tận nhà bệnh nhân để khám. Chỉ cần người nhà đem áo bệnh nhân tới. Bác thắp mấy nén hương khấn Thần linh, rồi cầm một nén khua trên chiếc áo. Thế là bác bốc thuốc. Nhiều người qua cơn hiểm nguy. Khách ở xa bốn năm chục cây số từ Yên Thành, Nghi Lộc cuốc bộ đến xén thuốc rất đông.

Cố Thu, vừa Nho học vừa có ít nhiều Tây học. Cố nổi tiếng về các bệnh phụ sản. Các bà bị động thai hoặc hay sẩy thai, cố cắt cho dăm ba thang là khỏi. Có người lấy chồng gần chục năm không có con, cố cũng chữa đựơc. Phần đông các cô gái mới có mang lần đầu đều lấy thuốc của cố uống để dưỡng thai.

Cha tôi chuyên chữa các bệnh về mắt. Nếu ai đau mắt đỏ, chỉ cần lấy một gói thuốc bột bé tí tẹo, vót trơn que tăm gạt một chút bằng chân ruồi tra vào mắt rồi đi ngủ. Chừng năm lần tra thuốc là mắt khỏi đau. Nếu ai bị bệnh đau mắt có mộng, cha dùng kim nhể sau lưng, nặn máu độc ra. Nếu ai quá nặng mới phải dùng thuốc uống… Ngoài việc chữa bệnh đau mắt, cha còn chữa đựơc cả bệnh thông thường khác.

Ngoài bốn thầy lang “tứ hổ” này, toàn là những người chỉ biết vặt vãnh chữa bệnh bằng lá cây. Chẳng hạn ai bị bệnh giời đái, cố Cáy kiếm lá vào lúc chính ngọ, giã nát, cho đắp vào chỗ da loét. Cố Chắt Phiệt già lọm khọm, đi dọc đường làng hái đủ thứ lá, rồi sắc cho người bệnh uống…

Như thế đó, động tác đầu tiên để tiến hành thành lập “hợp tác xã thuốc bắc”. Mấy thầy lang thực thụ đều lắc đầu, ngán ngẩm: “Tập thể hợp tác hoá như thế này thì làm ăn sao được hở trời!”

Sau cuộc họp bàn về tổ chức “hợp tác xã thuốc bắc”, anh Hiền ở tịt trong nhà, chẳng muốn lân la trò chuyện với bà con hàng xóm. Hết ra sân lại ra vườn. Hết ra vườn lại vào ngắm hòn non bộ. Ngắm hòn non bộ rồi vào thắp hương lên bàn thờ. Thỉnh thoảng anh lại lẩm bẩm một mình: “Kỳ quặc! Kỳ quặc!” Ngược lại, cha không ngồi yên ở nhà một phút. Suốt ngày cha đội nón dứa, cầm quạt đến chơi nhà mấy ông bạn thầy lang, vừa là để trò chuyện cho khoây khoả vừa là để thăm dò.

Đến nhà ông Sứ Lục. Khách vào mua thuốc rất đông. Ông không thể ngừng tay để nói chuyện vơi cha. Ông vừa làm việc vừa nói vài câu: “Hợp tác cách nào đây,hợp tác với những người chẳng biết nửa chữ… Để chờ xem thế nào rồi mình liệu… Các vị lãnh đạo bảo đúng thì ta nghe bảo sai thì ta không nghe… Để chờ xem binh tình ra sao…”

Đến nhà bác Cựu Dị. Sau khi trao thuốc cho các người bệnh, bác mời cha uống nước. Gương mặt bác trắng trẻo, điềm tĩnh, miệng nhai trầu, chòm râu bác rung rung: “Thuốc là thuốc của Thánh hiền cho người trần gian. Đơn thuốc này cũng là đơn thuốc của Thánh hiền bảo người thầy thuốc viết lên tờ giấy. Có phải người trần làm ra vị thuốc đâu. Có phải là người trần tự viết ra đơn thuốc đâu. Thầy thuốc kiểu như mấy ông xã mời đến họp thì khắp cả làng cả xã này ai chả làm thầy thuốc được”.

Đến nhà cố Thu. Thấy cha vào, cố vội choàng cái áo ba-đờ-xuy ra tận ngõ để tiếp. Cố vốn là con nhà Nho học, có tiếp xúc với các bậc Tây học, nên ít nhiều mang phong cách của Tây học. Khi cả tổng Thái Xá này chưa ai biết cái xe đạp hình thù ra sao, thì cố đã mua một cái xe thong dong đạp đi chơi bầu bạn. Thời đất nước còn tối tăm mù mịt, cố đã đi theo cộng sản. Người em trai lo sợ, can ngăn cố, cố trả lời: “Cái nghĩa tuỳ thời lớn vậy thay”. Tây bắt đựơc, đánh cố một trận rất đau rồi thả về. Cố lại ung dung ngồi xếp bằng trên sập gụ kê đơn, bốc thuốc và rít điếu bát. Người em trai sang chơi mỉa mai một câu gì đó, cố cười khà khà: “Cái nghĩa tuỳ vận lớn vậy thay…” Hồi ông nội tôi còn sống,cố thường vào hầu chuyện với một thái độ rất kính trọng. Sau khi ông qua đời, cố hay trao đổi chuyện thế sự với cha tôi. Lần này, thấy cha đến cố biết chắc chắn cha sẽ bàn chuyện “lập hợp tác xã thuốc bắc”, cố rít một hơi thuốc lào nhả khói bay tung toả rồi thỉnh thoảng nói: “cái nghĩa tuỳ thời lớn vận thay”.

Mặc kệ mấy cụ lang bàn bạc, đàm đạo có ý choãi ra, cậy việc tổ chức “hợp tác xã thuốc bắc” vẫn phải xúc tiến một cách khẩn cấp hàng ngày các thầy lang tập trung tại nhà ông Sứ Lục để bắt mạch và kê đơn cho người bệnh có chấm công hẳn hoi ai vắng mặt ngày nào thì trừ điểm ngày ấy. Thế là cứ sáng dậy cha tôi phải ra nhà ông Sứ Lục ngồi nhưng tối về lác đác có bà con khám bệnh và xin thuốc, có hôm cha phải thức đến khuy mới hết khách, hình như các thầy lang khác cũng thế.

Thấy kiểu làm ăn chân ngoài dài hơn chân trong của các ông lang, cán bộ xã tức lắm, cấp tốc họp “xã viên thầy lang” để kiểm điểm, riêng gia đình tôi trước kia cha cũng là đảng viên nhưng vì thấy lắm chuyện lôi thôi cha xin rút ra khỏi đảng. Mẹ là đảng viên năm 1946 đến nay, chi bộ họp góp ý gay gắt cho mẹ tôi “sao không giáo dục ông Đoan tham gia nghiêm chỉnh hợp tác xã”. Từ đó cứ tối đến mẹ không thắp đèn, người vào thưa bệnh thưa dần rồi vắng hẳn…

Hiệu thuốc cha tôi khai trương chưa đầy hai tháng thì sập tiệm, bao nhiêu hy vọng thế là tiêu tan, cả nhà buồn như có tang, người buồn nhất là anh Hiền, thương hại anh cứ thất bại hết lần này đến lần khác. Mặt anh ỉu xìu như bánh đa ngâm nước, anh bực bội đến uất ức, nhưng sự phản ứng của anh càng mạnh thì càng lặn vào trong, anh không hề mở miệng một câu, chỉ đứng lên rồi ngồi xuống, đi ra rồi đi vào, đêm nằm thao thức, thỉnh thoảng anh lại thở dài. Khuya... lặng phắc… Làng xóm im lìm trong tiếng mưa rả rích đầu hồi nhà. Mưa rơi lộp độp trên tàu lá chuối, anh tung chăn ngồi dậy thắp nén hương nên bàn thờ khấn vái rồi quấn thuốc lá hút rồi lại trùm chăn nằm, tôi nghe rất rõ tiếng thở dài của anh tựa như tiếng giọt mưa trên hòn than đỏ…


XIII. Mở hiệu may

Mơ ước mở hiệu thuốc bắc đã hình thành hiển hiện, bỗng chống tan biến như bọt bong bóng xà phòng. Chẳng lẽ ngồi khoanh tay? Làm gì đây bây giờ? Anh lục lọi tìm tòi trong tận cùng năng lực của mình có thể làm được gì nữa? Nhưng năng lực của cá nhân mình phải phù hợp với thời cuộc, cái khó là ở đó.

Gia đình mình chỉ làm nông nghiệp thì không bao giờ no được đừng nói đến chuyện giàu có, triền miên từ đời này qua đời khác chỉ có hạt lúa củ khoai cho nên xong mùa cày cấy, gặt hái là dân Hậu Luật chạy tung toé khắp nơi để kiếm ăn, phải có một nghề khác để cha mẹ và gia đình đỡ khổ, làm nghề gì bây giờ? Nghề đục đá ở lèn Hai Vai thì mình không đủ sức mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nghề lấy đá nung vôi cũng khá nặng nhọc vả lại nghề này phải một tập đoàn làm mà đã tập đoàn thì phải tập thể hoá, lập tác hoá… làm nghề gì bây giờ? Nên chăng làm nghề may.

Làm nghề may? Một mình mình với cái máy khâu làm được chừng nào ăn chừng ấy chẳng ai đụng chạm đến, từ trước đến nay người ta toàn may bằng tay một cách thô vụng. Ông Hải là một thợ may chuyên nghiệp, thu nhập bằng nghề may cũng chẳng có máy móc gì, toàn dùng cái khéo léo của mình với hai bàn tay, một cái kim và một cuộn chỉ, ai muốn may quần áo cho trang nhã đều đến thuê ông Hải, mấy năm gần đây anh Lộc mua được chiếc máy khâu, anh Lộc là bạn cùng hoạt động với anh Hiền từ thời khởi nghĩa sau khi rời quân ngũ làm nghề thợ may, khách rất đông, nam nữ thanh niên không đến thuê ông Hải nữa mà cứ đem vải đến thuê anh Lộc. Hàng nhiều quá, lắm lúc may không xuể anh phải từ chối.

Có lẽ làm nghề may là thuận lợi nhất… anh Hiền suy đi tính lại, trong gia đình phải có thêm nghề khác ngoài nghề nông, nghề đó là nghề thợ may. Anh đem ý địnhk này bàn với cha mẹ, mẹ lấy vạt áo chấm nước mắt:

“Nghề gì rồi cũng hỏng, ai có máu mặt trội lên một chút là người ta cầm dao chặt cho bằng người khác, xã hội này không ai được giàu hơn ai. Mấy bà ở xóm chợ cứ chạy lên Nghĩa Đàn buôn nâu hơn người được dăm ba hào, người ta cũng bắt ở nhà làm nông nghiệp, các ông lãnh đạo nói phải triệt tận gốc bọn con buôn huống chi là con, người ta cứ nghi nghi ngờ ngờ có khi công an theo dõi con…”

Anh Hiền chép miệng:

“Cũng có thể quang gánh đi buôn bỏ ruộng bỏ vườn, người ta biết phải ở nhà để cày cấy, còn con ngồi một chỗ may quần áo cho bà con trong làng kiếm đồng tiền để nuôi sống mình thì có gì là sai. Người ta có nghi ngờ gì con cũng chẳng sợ, con không phạm luật nước, luật xã, luật làng…”

Mẹ lắc đầu:

“Hay là… mẹ nói thật với con, con quen biết nhiều bạn bè làm to, con xin trở lại làm việc cho nhà nước, ở nhà sẽ khổ mãi con ạ”.

“Mẹ tưởng là làm nhà nước sung sướng lắm à? Con suy nghĩ chê chán con mới quyết định về nhà. Đằng nào cũng khổ, chẳng thà cùng chịu khổ với gia đình, với bà con làng xóm”.

Từ nãy đến giờ cha ngồi im, anh quay sang hỏi:

“Cha thấy thế nào?”

“Tuỳ con…bây giờ cũng khó tính toán, sức con không làm được nông nghiệp, hay là con cứ mua một cái máy khâu, nếu khó làm ăn thì bán, chẳng mất đi đâu, cứ theo nhà cố Thu mà xử sự, “cái nghĩa tuỳ thời lớn vậy thay”!

Thế là anh Hiền quyết định chuyển sang nghề may. Cái khó khăn đối với anh là vốn và tay nghề, bằng bất kỳ giá nào anh cũng vượt cho được hai cái khó này. Về vốn cần đủ tiền mua cái máy khâu và đồ nghề, còn để dành một số tiền chưa tiêu, bán chiếc xe đạp, bán thuốc bắc cho ông Sứ Lục, may mà tủ đựng thuốc loại nhỏ chẳng tốn hết bao nhiêu tiền. à rất cần một cái sập để cắt vải vóc quần áo của khách hàng. Cái sập đó chiều dài 1,65 mét, chiều ngang 1,4 mét, đủ diện tích để căng vải khi đo cắt quần áo…

Anh tính toán nát óc để có đủ dụng cụ dùng ngay từ khi người khách đầu tiên đến gặp và trao tấm vải.

Còn gì nữa nhỉ? Anh đi đi lại lại, bàn tay phải vỗ vỗ lên trán rồi ngồi xuống ghi ghi chép chép vào cuốn sổ tay: “một cái thước đo bằng gỗ, một cái thước bằng nhựa, một cái kéo to một cái kéo nhỏ, một hộp đựng kim chỉ, năm cục nến trắng…” Anh đứng dậy hối hả như định làm một việc gì bỗng đứng sững lại, cuộn điếu thuốc lá châm lửa hút, trán dâm dấp mồ hôi dường như đang dồn một quyết tâm ghê gớm để vào nghề, anh bặm môi rồi nói lẩm nhẩm: “không biết thì học cho biết! Sợ cóc gì!..”

Anh quyết định táo bạo ra Hà Nội học may!

Hồi đó Hà Nội còn có một hình ảnh xa vời đối với người Nghệ Tĩnh, đã mấy ai được đặt chân đến thủ đô. Nhiều thanh niên khao khát tới đó để xem Hồ Gươm, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, chùa Một Cột… thế mà anh Hiền dám làm một chuyến đi Hà Nội, không phải ra chơi vài ngày mà ở lại vài tháng để “tầm sư học đạo”. Từ chỗ không biết tí gì về nghề may, anh muốn trở thành một thợ may giỏi, may thành thạo trang phục tân thời, vừa ý với lứa tuổi thanh niên.

Quyết định này xảy ra khi anh lục lọi sắp xếp lại chồng thư của đồng đội cũ. Ngày ở Việt Bắc mấy người bạn thân ghi địa chỉ quê hương cho nhau để sau chiến tranh đến thăm nhau, trong chồng thư có bức thư của anh Thái Bảo Tin đã giải ngũ hiện ở số nhà 35 Hàng Ngang. Thật là may mắn, anh sẽ ra đó ở với anh Thái, học đến khi giỏi mới trở về .

Ra tới nơi, người nhà bảo anh Thái đã về quê Mỹ Hào để sửa mộ cho ông bà. Chị Báu vợ anh Thái nói: “Bác ở đây chơi với các cháu, chừng dăm hôm nữa, anh Thái sẽ lên”, đang khi nhớ bạn nhớ những kỷ niệm đồng đội anh hỏi đường về tận Mỹ Hào. Anh Thái vô cùng bất ngờ được gặp người bạn cũ ngay tại quê mình, nước mắt giàn dụa.

“Tao tưởng mày đã vùi xương chốn Việt Bắc rồi! Trời ơi mày còn sống à Hiền ơi! Mày đang sống thật à? Mày về với tao thật à? Ai chỉ đường cho mày về với tao? Tao đinh ninh mày đã hy sinh rồi nhưng tao cứ viết thư, may mà tao còn giữ được địa chỉ mày ghi cho tao ở Nà Phạc. Tao viết bức thư vu vơ cho mày nhưng được gặp hai cụ, vợ con mày ai ngờ mày lại tìm về quê tao trước, trời xui đất khiến cho mày gặp tao hôm nay. Hiền ơi thế là tao với mày vẫn còn sống, còn được gặp nhau. Mày ở lại đây ra đắp mộ cho hai cụ tao, đi chơi với bà con tao dăm hôm rồi tao đưa mày về Hà Nội chơi cho thoả thích”.

Anh Hiền xúc động quá không nói được câu nào nước mắt ướt đẫm hai gò má, lâu lắm rồi anh Hiền không khóc kể cả những lúc anh vấp phải điều không may tột cùng đau đớn ê chề và chán chường. Mọi cơn đau trước đây như cái roi sắt quất trong máu anh chứ không quất ngoài da thịt, anh không khóc bao giờ thế mà lúc này anh khóc, khóc nấc thành tiếng chỉ có nước mắt trào ra trào ra, trong lòng anh như gào lên từng trận liên hồi “Trời ơi! Thằng bạn vào sinh ra tử của tao ơi! Mày biết không những năm tháng vừa qua tao bị bao nhiêu nỗi bất hạnh quật tao ngã, tao vẫn cắn răng ngẩng đầu lên chỉ vì tao nghĩ đến mày, nghĩ đến đồng đội chỉ ăn lá rau rừng truy đuổi giặc giữa chiến khu Việt Bắc. Gặp được mày, tao như thằng chết đuối vớ được cọc, cái cọc bền vững biết chừng nào…”

Tối hôm đó hai người bạn cũ, hai người đồng đội cũ cùng nằm một giường cùng đắp một chăn như hồi gian khổ cùng đắp chung một chăn trấn thủ giữa mùa đông biên giới rét ghê người.

Mấy hôm sau anh Thái dẫn anh Hiền về số nhà 35 Hàng Ngang. Biết rõ ý định của bạn, anh Thái xắng xở lo toan tất cả mọi việc. Anh tìm người quen để dạy anh Hiền học may, chạy các cửa hàng mua sắm đồ nghề, xếp giường chiếu cho anh Hiền có chỗ nghỉ ngơi, anh Hiền chấp nhận tất cả mọi sự thu xếp với một tình cảm rất đỗi chân thành của bạn. Duy có nơi ăn chốn ở là anh hơi ngại, gian gác chật hẹp vợ con anh Thái nằm ở phía trong, anh Thái nằm ở góc phía ngoài có thêm một người nữa, anh Thái tháo giường buộc lại, đặt ra cầu thang trải chiếu vào góc phòng hai người cùng nằm. “Mấy năm màn trời chiếu đất may còn sống mà nằm với nhau ở đây, còn lo rộng với chật cái nỗi gì”. Anh Thái nói vậy…

Và, ngày ngày chị Báu lo chu tất hai bữa ăn cho cả gia đình thêm người bạn của chồng nữa là bốn “chẳng qua là thêm bát thêm đũa có tốn kém gì đâu”. Chị Báu trò chuyện với anh Hiền: anh Thái nói với em nhiều về bác. Thương các anh quá, thời trai trẻ thì nhịn đói nhịn khát ngủ rừng ngủ núi, hoà bình rồi mà cũng chẳng được thảnh thơi gì cả, vạn bất đắc dĩ anh Thái mới mang vợ con lên đây ở chứ anh ấy và em chỉ muốn sống ở quê dễ chịu hơn. Em nhiều lần nói với anh ấy là các ông cán bộ địa phương nói gì kệ người ta đừng cãi lại, cãi với họ chỉ mang hoạ vào thân. Anh ấy nghe họ nói sai,không chịu được,nói lại một câu thì họ đập cho mười câu. Em cứ tưởng chỉ riêng nhà em phải lận đận, hoá ra bác cũng vậy. Thôi bác ạ, hoạt động xã hội như thế đủ rồi, bây giờ về vui thú với gia đình. Mừng cho bác là biết chọn nghề. Trong quê bác ít thợ may, bác học được nghề này, kiếm được đồng ra đồng vào nuôi các cháu học hành… Em chỉ ngại một điều… chỉ ngại… từ nhỏ đến giờ bác chưa hề biết may vá, đến cái tuổi này cứng tay cứng chân học khó vào. Bác cần gì cứ nói với nhà em.Thời buổi loạn lạc các anh còn cưu mang được nhau, huống hồ chi bây giờ…”

Thấy vợ chồng anh Thái chăm lo tỉ mỉ cho mình, anh Hiền càng ra sức học. Ngày nào anh cũng đi miết, tối về, cháu Bình, con gái đầu của anh Thái mới hơn mười tuổi,đòi bác Hiền dạy tiếng Pháp. Hai bác cháu cứ xì xồ với nhau đến mười giờ. Cả nhà đi ngủ, anh Hiền vẫn thức, đem giấy báo và vải vụn tập cắt quần áo. Anh chú ý tập cắt những mốt trang phục tân thời. Nhiều đêm anh thức đến một, hai giờ sáng. Anh Thái trở mình thức dậy: “Hiền ơi, đi ngủ đi. Gần chín năm mày thức ở Việt Bắc chưa đủ à. Bây giờ phải vừa học vừa nghỉ ngơi chứ. Học một tháng không xong thì học hai tháng, hai tháng không xong thì ba tháng, bốn tháng. Tao nuôi mày đến khi học thành nghề tao mới cho về…” Chiều bạn, anh Hiền tắt đèn. Nhiều đêm, nằm thao thức, suy nghĩ lung tung. Tiếng ngáy của bạn sao giống tiếng ngáy những đêm nằm rừng. Có gì thảng thốt, anh ngồi dậy nhìn gương mặt bạn mờ mờ dưới ánh đèn ngoài đường phố rọi vào. Một thoáng lạnh, anh rùng mình, nước mắt ứa ra. Từ trong sâu thẳm tâm linh, loé lên một ý nghĩ vu vơ rồi chợt tắt: “Giá cuộc chiến tranh vẫn cứ kéo dài… được ở mãi với nhau…”

Thấm thoát ngày tháng trôi qua, đã hai tháng rồi. Công việc học may đã tạm ổn. Cuộc chia tay bùi ngùi quá, tựa như năm nào hai người được phân bổ về hai đơn vị hành quân tới hai mặt trận khác nhau, mù mịt đường sá và mù mịt thời gian…

*

Cả nhà vui mừng đón anh Hiền từ Hà Nội trở về. Ngoài chiếc máy khâu mới tinh và đồ nghề đầy đủ, anh còn mang theo mấy bộ quần áo để làm mẫu, một cuốn sách in hình tất cả các kiểu thời trang nam nữ.

Anh Lộc sang ngay chiều hôm đó, cùng xúm tay xúm áo và sắp đồ đạc, rồi ngồi vào ghế đạp thử máy: “Máy chạy rất êm chú ạ. Chú tự đi mua hay ai chọn cho mà máy nhẹ thế… Có thể trong mấy ngày đầu sẽ trục trặc. Khi cần chú cứ ới một tiếng là tôi sang ngay. Dẫu sao tôi cũng quen việc hơn chú…” Anh Lộc bộc lộ niềm vui thực sự khi thấy anh Hiền chọn nghề may và mua được cái máy tốt. Có lẽ ngoài tình cảm bà con họ hàng, anh còn cảm thương người bạn cùng một lứa bên trời lận đận.

Như là duyên số, hai anh tham gia đội tự vệ do bác Chắt Kế tổ chức hồi còn trong bóng tối, rồi hăm hở theo bác đi cắm cờ đỏ sao vàng khắp các làng trong huyện; bây giờ hai anh cùng chí thú với nghề may. Từ khi anh Hiền mang máy khâu và đò nghề từ Hà Nội về, hầu như hai anh ngày nào cũng gặp nhau, bày vẽ cho nhau. Một hôm anh Hiền sang nhà anh Lộc chơi, ngồi đạp thử cái máy của anh Lộc, thấy cái máy xộc xệch quá:

“Máy này cũ qua rồi anh ạ, anh nên mua cái máy khác”.

“Tôi làm gì có tiền mà mua máy mới. Trước khi vào Vệ quốc đoàn, tôi dùng cái máy này. Bây giờ về vườn tôi lại lôi cái máy này ra, lau dầu, chỉnh trang lại, dùng tạm. Còn mua máy mới, chú biết không, bán cả gia sản nhà tôi chưa chắc đã…”

“Nhưng máy cũ quá, may thế này thì may mấy ngày mới được một cái áo một cái quần…”

Anh Hiền bèn mạnh dạn bàn với anh Lộc:

“Mỗi ngày anh sang tôi vài tiếng đồng hồ, dùng cái máy của tôi cũng được”.

“Thế thì phiền chú quá”.

“Chẳng phiền gì cả. Ngọt bùi cay đắng anh em phải chia xẻ cho nhau. Vả lại, tôi đâu có sức làm liên miên suốt cả ngày. Cũng có lúc tôi phải nghỉ. Lúc tôi nghỉ thì anh may. Vừa may vừa trò chuyện với nhau cho vui…”

Thế là từ đó, ai đến nhà anh Lộc cắt may quần áo, anh đều mang sang may nhờ máy anh Hiền. Có nhiều chi tiết trong nghề mà anh Hiền chưa thật thông thạo thì anh Lộc lại hướng dẫn chi li. Anh chí tình, hết sức chí tình. Có hôm anh ngôì với anh Hiền suốt cả buổi để hướng dẫn từng động tác. Mẹ tôi nói: “Thằng Hiền khi nào cũng có quý nhân phù trợ”.

Anh Hiền hưng phấn hẳn lên. Anh hướng dẫn cho chị đơm khuy, tra cúc, giao cho chị giữ chìa khoá tủ đựng quần áo đã may rồi để chị có thể chủ động trao hàng cho khách. Có hôm nhà vắng, anh ngồi may chị ngồi đơm khuy, không khí thanh bình như câu ca dao “bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”. Dẫu chị là một người vợ quê mùa,anh cũng muốn gắn bó mình vào để củng cố tổ ấm gia đình, một tổ ấm như bao tổ ấm khác nơi thôn dã thanh bình.

Thoạt đầu vào nghề, anh may một số đồ cho bà con họ hàng, láng giềng, không lấy tiền, và mãi sau này anh cũng không lấy tiền. Anh may cho cha mẹ mỗi người một áo lụa, may cho tôi một quần xanh một áo trắng để đến trường… Hàng ngày tôi mặc bộ quần áo ấy đi học, bạn bè khen đẹp.

Người làng mang vải đến may ngày càng đông. Mấy đứa bạn cũng nhờ anh may mấy bộ quần áo giống như của tôi. Vô hình trung chúng tôi mặc đồng phục và làm quảng cáo cho anh. Quần xanh áo trắng trở thành cái mốt của học sinh. Nhiều lúc anh Lộc nhận được nhiều hàng quá, may không xuể, nói với khách hàn là “Đem sang cho chú Hiền may. Chú Hiền cũng may đẹp không kém gì tôi. Chú ấy học được ở Hà Nội nhiều kiểu quần áo mới mẻ hợp với thanh niên. Đây này, cái áo tôi đang mặc cũng do chú Hiền may”. Hoàn toàn anh Lộc không hề ganh tị nghề nghiệp như một số người thợ khác, trái lại còn “quảng cáo” cho anh Hiền. Thâm tâm của anh là muốn anh Hiền vào nghề một cách thuận lợi, thoải mái, bù cho những năm tháng lận đận. Anh nói với anh Hiền một câu có vẻ hài hước và thật lòng: “Nói cho đến cùng, cũng nhờ đi theo cách mạng mà chú học được nghề may. Chú ra Việt Bắc, rồi có bạn ở Hà Nội, nhờ bạn bè giúp đỡ tận tình, chú mới mua được cái máy tốt, mới học được nghề có bài bản”.

Anh Hiền tự may cho mình một bộ com-lê và mặc trong những lễ cưới, những dịp đến chơi nhà bạn ở làng khác. Ai cũng khen là” bộ com-lê này kém gì Vinh, kém gì Hà Nội. Chú không nói chú may thì ai cũng tưởng chú mua ở Hà Nội mang về”.

0 Đào và anh Phòng sắp tổ chức lễ thành hôn, đem vải đến nhờ anh Hiền may quần áo. Anh không lấy tiền. Hai anh chị cứ dúi tiền vào tay, anh Hiền nhất định không cầm: “đây là quà của anh tặng hai em”. Chiếc áo của cô dâu thì anh may cổ lá sen. Áo chú rể thì anh may cổ bẻ to hơn áo bình thường. Với hai chi tiết ấy bà con dự lễ cưới chăm chú ngắm và tấm tắc khen: “Đẹp không chê vào đâu được”.

Anh Lộc cũng công nhận là “ Tay nghề của chú Hiền lên rất nhanh”. Khách đem vải đến may đồ tân thời, anh Lộc nói chân thành với họ là chú Hiền may đẹp hơn, “tôi chỉ thành thạo các món truyền thống”.

Tin đồn lan truyền khắp làng, cả các làng xung quanh và trong một số công nhân, cán bộ làm ở huyện ở tỉnh. Hiệu may “Hưng Thịnh” tại thị trấn Ngã ba Diễn Châu rất ăn khách lâu nay. Không những cán bộ, công nhân, nhiều nam nữ thanh niên trong huyện đều đến đó may những bộ quần áo “ diện” nhất. Dần dần họ tìm đến anh Hiền để nhờ may. Một số cán bộ làm việc ở thành phố Vinh về công tác tại Diễn Châu cũng tìm tới anh Hiền để nhờ may com-lê.

Càng ngày càng đông khách, anh ngồi bên bàn máy mỗi ngày tám tiếng, mười tiếng đồng hồ, có hôm tới mười hai tiếng. Nhất là vào dịp gần tết nguyên đán, anh làm việc tối mày tối mặt từ mờ sáng cho đến nửa đêm. Chiều ba mươi tết vẫn còn khách ngồi chờ lấy hàng.

Hẳn đã “vào cầu” rồi! Địa điểm may trở nên chật chội. Nhà trên vẫn để nguyên cho cha tiếp bạn già và hương khói tổ tiên. Anh mở rộng nhà dưới, xây thêm một gian, chỉ dành riêng cho việc may và đóng thêm ghế cho khách ngồi. Một ngôi nhà trong xóm vắng bỗng chở lên rôn rịp khách ra khách vào. Kể cả những lúc không có khách đến may quần áo, ngôi nhà cũng đông đúc bà con láng giềng sang chơi, uống nước chè xanh, hút thuốc lào và bàn chuyện mùa màng. Trước khi họp làng họp xóm, người ta cũng rẽ vào tán chuyện linh tinh. Tiếng cười nói ồn ã hoà với tiếng máy khâu lách tách lách tách.

*

Chủ nhiệm hợp tác xã báo cho anh biết: phải vào hợp tác xã! Ông gặp anh, vận động anh đến gần chục lần, anh vẫn lắc đầu:

“Cả làng này chỉ có hai máy khâu thì tổ chức hợp tác xã làm sao được? Bác định tổ chức cả các bà khâu bằng tay à?”

“Không phải thế chú ạ. Lãnh đạo Đảng uỷ và Uỷ ban đã rút kinh nghiệm việc tổ chức hợp tác xã các thầy thuốc. Lần này, xã không chủ trương lùa các ông thợ may vào hợp tác xã may, mà cho thợ may vào chung với hợp tác xã nông nghiệp.”

“Thế là thành hợp tác xã hổ lốn!”

“Sao chú lại nói là hổ lốn. Anh làm ruộng cứ làm ruộng. Anh may cứ may. Chú cứ việc ở nhà may, chẳng phải chân lấm tay bùn gì cả. Ban quản trị quy định cho chú nộp ngày công bằng tiền.”

“Bác cứ nói tôi ở ngoài. Ban quản trị bảo tôi làm gì tôi cũng phục tùng”.

“Chú mà ở ngoài thì ban quản trị điều khiển chú làm sao được! Nước có luật của nước. Làng có luật của làng. Hợp tác xã có luật của hợp tác xã. Hồi chú còn là người của Đảng, chú biết đấy, Đảng có điều lệ của Đảng, thì bây giờ hợp tác xã có điều lệ của hợp tác xã. Nghiêm minh lắm chú ạ. Có phải chuyện chơi bời đâu. Ta đang tiến lên xã hội chủ nghĩa, rồi tiến lên cộng sản chủ nghĩa, phải có đội có đoàn có tập thể mới làm ăn đựơc”.

“Bác cho tôi ở ngoài. Cả nhà tôi đều vào hợp tác xã rồi, ăn ngày công của hợp tác xã chừng ấy người cũng đủ rồi”.

“Sao chú lại quan niệm lạc hậu thế. Cả nhà chú tiến bộ mà một mình chú lạc hậu cũng gây ảnh hưởng chính trị xấu đến cả nhà, cả con cái chú sau này. Tiến lên xã hội chủ nghĩa thì phải dàn hàng ngang mà tiến, anh nào nhô lên trước là mắc bệnh tiền phong chủ nghĩa, anh nào tụt lại sau là mắc bệnh lạc hậu chủ nghĩa. Chú suy nghĩ kỹ rồi trả lời tôi một lần cuối cùng”.

“Bác cho tôi ở ngoài…”

Ông chủ nhiệm ra về từ lâu, anh vẫn ngồi im ở vị trí cũ. Không nhúc nhích. Không uống nứơc.Không hút thuốc, mặt đờ đẫn. Chẳng biết đường nào mà lần. Chẳng biết nẻo nào mà đi. Thời buổi khó làm ăn quá. Chẳng qua là cui đánh đục đục đánh răng. Trên ốp thì dưới cứ làm. Dưới làm sai thì dân phải chịu. Cuối cùng chỉ khổ dân… Ngực dồn lên một luồng khí khó chịu, anh nuốt khan, mà mi mắt đẫm ướt. Tự nhiên anh bật cười thành tiếng, câu nói của ông chủ nhiệm như là roi chua chát quất vào trí não: “Tiến lên xã hội chủ nghĩa thì phải dàn hàng ngang, anh nào nhô lên trước thì mắc bệnh tiền phong chủ nghĩa, anh nào tụt lại sau thì mắc bệnh lạc hậu chủ nghĩa”. Chẳng có sách vở nào như vầy, mà ông nào nói cũng giống nhau. Nghĩ cho đến cùng thì thương cho cả người thừa hành, nhất là anh thừa hành ở tầng dưới cùng. Anh ở tầng dưới cùng lại là bà con thân thuộc của mình. Bà con thân thuộc lại đang tâm tróc lã lẫn nhau. Nhân tâm li tán. Anh gục đầu xuống bàn, thở dài.

Từ ngoài đường làng, vẳng vào tiếng trẻ mục đầu cưỡi trâu về chuồng:

Trung ương bương ông bộ - Ông bộ chộ ông khu - Ông khu trù ông tỉnh - Ông tỉnh chỉnh ông huyện - Ông huyện chuyển ông xã - Ông xã nã ông xóm - Ông xóm tóm ông dân - Ông dân đánh trần mà chịu…

Trời lại sắp tối rồi. Bữa cơm chiều miễn cưỡng. Mọi hôm, bữa cơm chiều vui vẻ cả nhà sum họp, hôm nay chẳng ai muốn trò chuyện. Mẹ dừng đũa, nhìn anh Hiền:

“Chế độ này không ai được giàu đâu con ạ. Người ta sợ người giàu lại bóc lột người nghèo”.

“Nào có giàu. Con không muốn làm giàu . Chỉ muốn kiếm đủ ăn. Con may giúp cho bà con làng xóm, những người nghèo con có lấy tiền đâu”…

“Nhưng con cũng kiếm được tiền mà không chân lấm tay bùn. Có người bảo con là “ngồi mát ăn bát vàng”.

Anh Hiền cảm thấy nghẹn ở cổ. Không thể nuốt được miếng cơm đang nhai dở, anh đứng dậy, bước ra vườn, nhổ miếng cơm, rồi vào giường nằm.

Ngày hôm sau, ông chủ nhiệm đến báo cho anh Hiền: “Chú không vào hợp tác xã thì chú phải nộp thuế”. Thế à? Thuế gì mới được chứ? Mua một cái máy khâu vừa để giúp bà con vừa để kiếm ăn mà cũng thuế à? Thời gian gần đây, chính quyền xã tự ý đặt ra nhiều loại thuế vô lý. Lên núi Hai Vai chở một xe cút kít đá về quây chuồng lợn, họ cũng đánh thuế, gọi là “thuế mại lộ”. Lên rú Đan Trung hái một gánh củi về đun bếp, họ cũng đánh thuế, gọi là “thuế rừng”. Lên khe Nu lấy một gánh cát, họ cũng đánh thuế, gọi là “thuế cát”. Quãng đường số bảy qua Chợ Mới, từ xưa đến nay là nơi nghỉ ngơi của những người nghèo làm nghề buôn chè từ Đô Lương xuống, trở thành một cái chợ nhỏ của bà con các làng Thanh Lý, Xuân Viên, Vân Tập, Hậu Luật ra mua chè tươi. Mấy tháng nay họ lập một “trạm thuế” tại đó. Hễ có một xe chè nào dừng lại là “nhân viên thuế” ra thu thuế!!! Bao nhiêu thứ thuế vô lý ấy do chính quyền xã đặt ra, thì cái “thuế máy khâu” chẳng có gì là lạ!

Cắn răng mà chịu. Nuốt giận mà chịu. Nhẫn nhục mà chịu. Nạng tre sao chống nổi trời! Nhân viên thuế của xã đến thu thuế, anh nộp. Nhưng tháng thứ hai, tháng thứ ba, tháng thứ tư, thuế cứ tăng dần. Anh chịu không nổi.

“Đến thế này thì phải bỏ nghề mất!”, anh cau mày, nắm chặt bàn tay đấm xuống bàn. Và gian nhà chật chội bỗng trở nên mênh mông một sự im lặng bức bối.

“Chẳng lẽ lại bỏ nghề? Mình ra công học bấy lâu…” Trằn trọc suốt một một đêm trắng, mặt bạc phếch vì buồn ngủ và vì lo nghĩ, suy tính. Phải tìm ra một con đường thoát vừa “hợp pháp” vừa đựơc việc cho mình. Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời. Đảng đang khuyến khích dân đi xây dựng kinh tế mới ở miền núi, nhiều người đã bán nhà, đem cả vợ con lên lập làng mới ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn. Huyện này thuộc địa phận Phủ Quỳ, từng nổi tiếng là ma thiêng nước độc: Phủ Quỳ đi có về không. Mồ xanh vợ để tang chồng là đây! Vài gia đình lên đó định cư, làm nhà đàng hoàng, rồi bỏ về. Trong bối cảnh như vậy, mình “xung phong” lên, dựng một cái lều nhỏ, mở một hiệu may khiêm tốn, chắc là không ai động chạm đến mình.

Anh chưa kịp thổ lộ điều này vơí cha thì cha đã chờ anh thức dậy để nói :

“Hiền này… Cha nói thật với con một điều… Từ khi con giải ngũ đến nay,làm cái gì cũng bị người ta cản trở. Con đã xoay xở đủ cách mà không xong. Đến việc mở hiệu may, con đã thu gom tất cả tài sản để mua sắm đồ nghề, ra Hà Nội học. Làm ăn đang khấm khá thì bị người ta chặn lại. Để đỡ uổng công con, cha nói thật, biếu mỗi ông lãnh đạo một ít tiền”.

“Biếu tiền?…”

“Phải biếu tiền chứ con. Ai mà chẳng biết con đụoc nhà nuoc cho một cục tiền trước khi về. Con chưa hề biếu ai một đồng nào cả. Thằng nào làm quan mà chẳng thích tiền, quan to ăn to quan nhỏ ăn nhỏ… Phải biếu con ạ, nhất là mấy ông chủ chốt, bí thư Đảng uỷ, bí thư chi bộ, chủ tịch xã, chủ nhiệm hợp tác xã. Con chịu khó nghe cha. Nếu con không dám cầm tiền đến nhà biếu, thì để cha làm việc đó”.

“Biếu tiền?… Con muốn xoay cách khác. Xã đang kêu gọi dân đi khai hoang ở Nghĩa Đàn. Con định lên đó làm vài ba năm. Chắc là họ để cho mình yên. Lên đó chịu khổ một chút, nhưng khách hàng thì đông. Hai nông trường, ba nông trang, công nhân đông, bà con nông dân cũng đông. Hầu hết là thanh niên, thích ăn mặc kiểu tân thời. Thợ may lại hiếm. Chứ bây giờ cầm tiền đi biếu ông này bà nọ, nhục lắm…”

“Chịu khổ một lúc còn hơn chịu khổ vài ba năm”.

“Biếu tiền?… Biếu lần này họ lại vòi lần khác. Chi bằng chịu khổ mấy năm để được thảnh thơi”.

*

Cuộc di chuyển này quả quá cực nhọc! Lỉnh kỉnh những máy khâu, hòm đựng đồ nghề, hộp kim chỉ, bì đựng vải vóc, va li đựng quần áo và tư trang. Các thứ đó đựơc chuyển xuống thị trấn Diễn Châu cách nhà sáu kilômét, rồi lên ô tô đi thị trấn Thái Hoà. Từ bến xe Thái Hoà, lại lích kích mang vác đồ đạc cuốc bộ tìm nhà trọ. Vã mồ hôi muối.

May quá! May qua một đồng đội cũ gặp anh ở Thái Hoà, nhận ra anh và mời về nhà nghỉ ngơi. Người đồng đội này trước kia là đội viên của trung đội quân địa phương Diễn Châu do anh chỉ huy.

“Có phải Chiến không?”

“Đúng rồi em là Chiến, Chiến béo đây mà. Cả trung đội có hai Chiến, các bạn gọi Chiến kia là Chiến gầy, còn em là Chiến béo. Thủ trưởng nhớ ra chưa?”

“Nhớ rồi…”

“Sau khi thủ trưởng ra Việt Bắc mấy tháng, em được điều vào quân chính quy, chiến đấu ở vùng chiến trường Bình Trị Thiên. Đến cuối cuộc kháng chiến,em bị thương. Điều trị khỏi vết thương, em về nhà sản xuất nông nghiệp. Em mới đưa vợ con lên đây đựơc dăm tháng, tham gia phong trào khai hoang ấy mà… Thế thủ trưởng lên đây làm gì?”

Thấy người chiến sĩ cũ của mình vồn vã và nhiệt tình, anh ứa nước mắt:

“Mình cũng lên tham gia phong trào khai hoang”.

“Thủ trưởng khai hoang ở đâu?”

“Ở Nghĩa Thịnh”.

“Nghĩa Thịnh xa lắm, heo hút lắm. Muốn lên đó phải qua nhiều đèo và ngồi đò qua một con sông. Thủ trưởng không đủ sức đâu. Khổ quá, hồi ấy thủ trưởng phi ngựa như bay mà bây giờ lại phải cuốc bộ thế này. Hay là… hay là… em nói thật, thủ trưởng cứ ở lại đây với em. Nhà em mới dựng bên sông Hiếu. Một cháu mới bảy tuổi. Nhà rộng lắm. Em dành cho thủ trưởng một gian. Chắc là thủ trưởng mang cái máy khâu này lên để may chứ gì. Nếu thế thì thủ trưởng đặt máy khâu ở nhà em cũng được. Thủ trưởng đồng ý chứ? Gớm, bất ngờ gặp thủ trưởng em mừng quá. Em nhớ như in dáng thủ trưởng phi ngựa như một chiến mã xông pha chiến trường…”

Câu nói hồn nhiên của người chiến sĩ cũ bỗng nhiên đánh thức mạnh mẽ những kỷ niệm đồng đội trong anh. Anh quay mặt cầm mùi soa lau nước mắt…

Anh suy nghĩ bâng quơ: hình như trời đất xui khiến anh, ban phát cho anh được những người tốt giúp đỡ khi gặp những điều bất trắc trên đường đời. Không phân vân, giữ ý, anh theo Chiến về nhà và ở lại đó mở hiệu may.

Thị trấn Thái Hoà trước đây là huyện lị của Phủ Quỳ, nay là huyện lị Nghĩa Đàn. Đất nước bước vào kế hoạch năm năm lần thứ nhất, Thái Hoà như một cô gái đang tuổi dậy thì. Phố xá hăm hở mở ra giữa bốn bề đồi núi. Tuy còn tranh tre nứa lá nhưng trong mình nó như mang đầy sức sống, phơi phới và vô tư. Cửa hàng mậu dịch xây tường vôi, lợp ngói đỏ và con người ở đây tập làm quen với việc xếp hàng để mua diêm, chỉ, vải, theo ô phiếu.

Xung quanh thị trấn mở ra mênh mông nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu. Cà phê và cam xum xuê trái ngọt. Nông trang “12 tháng 9” - mang tên ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh - mở ra ở phía Tây Nam. Các trại khai hoang của dân từ miền xuôi lên ngổn ngang nhà cửa, chặt cây đổ ngả nghiêng. Những mảnh rừng xanh cố thủ được thay bằng những bãi sắn xanh um.

Ngôi nhà của Chiến ở gần bờ sông Hiếu, hoa phượng nở đỏ bên sông. Những con thuyền hối hả sang ngang chở khách từ miền xuôi lên, từ miền ngược xuống. Hiệu may nhỏ bé của anh Hiền càng ngày càng đông khách. Ngày Chủ nhật, gái trai từ nông trường ra, từ nông trang vào, từ trại khai khoang và bản làng kéo nhau ra thị trấn chơi. Ngoài cửa hàng mậu dịch hai nơi đông người nhất là hiệu ảnh “Sông Hiếu” và hiệu may anh Hiền. Người làng Hậu Luật lên lập làng mới ở Nghĩa Hưng cũng kéo xuống chơi và may quần áo. Anh không ngờ ngay từ đầu khách hàng mang vải đến may lại đông đến thế, niềm vui thắp lên trong anh một điểm sáng nhỏ giữa vùng ánh sáng vừa mới hừng rạng đông giữa nơi núi non trùng điệp, nơi mà mấy đời cha ông mình lên làm thuê làm mướn để rồi lúc trở về mang theo bệnh cổ trướng và bệnh sốt rét vàng ệch da. Tuy xa gia đình, xa bố mẹ, vợ con nhưng anh Hiền thấy vui cái vui nhộn nhịp của vùng kinh tế mới tràn vào và cái vui thầm lặng của gia đình người chiến binh cũ đã cứu mạng anh. Tiếng đồn hiệu may ông Hiền phát đạt lan ra cả thị trấn Thái Hoà rồi lan xuống cả vùng quê Hậu Luật, một số cán bộ xã nói “Ông Hiền đi khai hoang mà như ông hoàng, bà con ta lên trên đó phát nương phất rẫy nhễ nhại mồ hôi suốt ngày, ông Hiền thì ngồi một chỗ, không phải một nắng hai sương, lại có người cơm bưng nước rót. Bất công quá!” Thế rồi lời qua tiếng lại trong một số cuộc trò chuyện tay đôi, tay ba của mấy đồng chí có trách nhiệm:

“Lão ta lại nhoi lên được rồi!”

“Tư tưởng bóc lột vẫn còn rất nặng trong đầu óc lão”.

“Những phần tử bất mãn, thoái hoá như lão phải trừ cho tận gốc!”

“Nhân dân phải ăn đói mặc rách để tiến lên chủ nghĩa xã hội, còn cái lão ấy thì cứ phởn phơ toạ hưởng!”

Tâm lý đố kỵ nhỏ nhen của tiểu nông cộng với tư tưởng “húp cháo chung” của bệnh ấu trĩ tả khuynh, đã tạo ra cách nhìn kỳ quặc trong một số cán bộ lãnh đạo: anh Hiền lại bắt đầu bị dòm ngó, soi mói!

Và một tấn bi kịch mới lại bắt đầu mở ra trước mặt anh!

Tấn bi kịch đó khởi sự từ một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng khác, khi anh nhân viên thuế của thị trấn bước vào:

“Theo lệnh của cấp trên, từ nay bác phải đóng thuế”.

“Sao lại bảo người đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới được miễn thuế ba năm?”

“Cháu chỉ làm theo lệnh của thủ trưởng cơ quan. Bác có ý kiến thắc mắc cứ đến gặp thủ trưởng cơ quan cháu”.

Anh Hiền chắt lưỡi một tiếng, rồi ngừng ngay, pha cà phê mời cậu nhân viên thuế uống:

“Ít ra thì cũng phải hai năm, bác mới lên sáu tháng đã thu thuế. Cháu về nói với ông thủ trưởng là ông đã làm sai quy định của nhà nước”.

“Thôi thôi… bác đến nói. Cháu mà nói thì ông ấy mắng cháu như tát nước vào mặt”.

Hai bác cháu ngồi trò chuyện thân mật:

“Cháu học lớp mấy?”

“Cháu tốt nghiệp lớp bảy. Nhà cháu nghèo lắm, không đủ ăn để học tiếp”.

“Cháu làm ở đây có vui không?”

“Chẳng có gì là vui bác ạ. Cháu làm gì không vừa ý là ông thủ trưởng chửi té tát. Cháu thấy nhiều người nộp thuế chậm ông ấy cũng chửi mất mặt. Phép vua thua lệ làng bác ạ. Theo cháu nghĩ là bác cứ nộp cho xong chuyện. Hay là bác biếu ông ấy vài bộ quần áo là ông ấy miễn thuế. Cháu nói thật đấy mà. Hàng tháng ông ấy giao cho cháu đi thu thuế, thu không được là ông ấy trừ lương. Cháu phải cúi đầu mà chịu… Cháu xin phép bác cháu không biết uống cà phê. Cháu còn phải đi…”

Thấy cậu bé mới chừng mười tám tuổi, tình nết thật thà, xởi lởi, anh Hiền đưa tiền thuế, nếu không cậu ta sẽ bị trừ thưởng trừ lương.

Và từng màn từng lớp của tấn bi kịch lại diễn ra đúng như lần trước: tháng thứ hai, tháng thứ ba, tháng thứ thứ tư, thuế tăng dần.

Chịu sao nổi, trời ơi! Anh vò đầu bứt tóc, cau mặt, đi ra đi vào, hai bàn tay nắm chặt.

Có lúc anh như người bị ma ám, bất thình lình đấm một cú thật mạnh. Đấm vào ai? Đấm vào không khí! Cái định kiến vô lý, cái định kiến bịa đặt, cái định kiến tưởng tượng “phần tử bất mãn”, “phần tử chống đối” như một mũi tên độc ác cứ truy đuổi anh đến tận cùng. Nếu đó là mũi tên có thật, mũi tên hiện thành hình thành dạng, anh có thể tìm cách cản lại. Đằng này, nó lại vô hình như một bóng ma, chờn vờn, ẩn hiện, và có thể bất thình lình nhập vào người anh. Mũi tên đó không rõ rệt là người này bắn ra hay người kia bắn ra, không bắt được quả tang là ai bắn. Ấy vậy mà mũi tên làm việc rất có hiệu quả, hiệu quả đến kỳ diệu!

Nửa đêm nằm mê sảng, anh vùng dậy, kéo đứt cả dây màn, chạy lao ra sân, hét thất thanh “Xung phong!” Chiến đang ngủ say cũng bừng tỉnh dậy:

“Thủ trưởng làm sao thế?”

Vợ Chiến cũng hốt hoảng chạy ra:

“Bác Hiền làm sao thế?”

Sau một phút định thần, anh gượng cười:

“Tớ nằm mê thấy đang tấn công lên đồi A1!”

Những cơn mê sảng như thế đến với anh càng ngày càng nhiều hơn trong giấc ngủ, những cơn thảng thốt cũng thường đến với anh ngay trong lúc anh đang thức.

“Anh phải về quê thôi em ạ”, anh nói với Chiến bằng một giọng buồn rầu, trầm trầm, và không có vẻ gì là quan trọng, như lẽ tất nhiên là “anh phải về quê thôi em ạ”.

“Anh phải về quê thôi em ạ…”

“Thủ trưởng đừng về. Em tính thủ trưởng cứ bốc cả gia đình lên đây cuốc xới cả đất đồi, trồng ngô trồng sắn, cũng tạm đủ sống. Em sẽ vào rừng lấy gỗ lấy nứa dựng cho thủ trưởng một ngôi nhà. Chẳng cần may vá nữa, thủ trưởng làm vườn, bác gái đi trồng ngô trồng sắn. Anh em ở cùng nhau cho vui, nhà em cũng quý thủ trưởng…”

“Anh phải về quê thôi em ạ…”

Nơi nương thân cuối cùng của anh là làng quê! Anh đã đi mọi phương trời, đã xoay đủ cách để sống, sống một cuộc sống bình thường như hàng triệu con người bình thường. Nhưng chạy trời không khỏi nắng. Vận hạn rủi ro đến tận cùng, rủi ro thì gửi nắm xương vào lòng đất quê hương. Nơi đó có sự đùm bọc của những người máu mủ, của bà con thân thuộc họ hàng, làng xóm. “Anh phải về quê thôi em ạ”…

Anh về quê…


XIV. Quẫn

Không hề bộc lộ một phản ứng gay gắt nào, anh đặt chiếc va ly đựng quần áo và tư trang xuống góc nhà, đặt cái bọc đựng vải vóc xuống góc nhà, đặt cái hộp đựng đồ nghề vào góc nhà. Rồi đứng nhìn các thứ đồ đạc ấy. Rồi bước ra hiên, rồi bước ra sân. Rồi đi ra vườn. Rồi lại quay vào nhà. Rồi lại đứng nhìn các thứ đồ đạc ấy. Chỉ nhìn thôi. Không suy nghĩ, không lo toan, không dự định.

Mệt mỏi sắp xếp một vài thứ đồ dùng cần thiết, chợt thấy chiếc ba lô bị thủng, anh đặt dưới mũi kim, chồng mảnh vải lên rồi vá. Vá kiểu hai vai áo Vệ quốc đoàn hồi kháng chiến. Chân anh đạp máy chạy, và cái mũi kim cứ nhảy lên nhảy xuống đều đặn khâu những đường chỉ thành vòng tròn. Vòng tròn hẹp dần cho đến tận cùng vào tâm điểm, rồi đường chỉ lại mở rộng dần ra cho đến tận vòng ngoài cùng rồi đường chỉ lại hẹp dần cho đến tận cùng tâm điểm… Cứ như vậy, lặp đi lặp lại nhiều lần. Một miếng vá nhỏ bằng bàn tay mà anh khâu đến hàng tiếng đồng hồ, cho đến khi miếng vá dày cộm lên.

“Chú Hiền lại mang máy về nhà may!” Bà con báo cho nhau biết như một tin thời sự nhất của thôn xóm. Lác đác vài ba người mang vải đến may áo may quần. Anh không nhận. Có người năn nỉ lần này lượt khác anh cũng không nhận. Vạn bất đấc dĩ anh mới may quần áo cưới cho một cặp gái trai nào đó sắp làm lễ thành hôn. Họ trả tiền anh nói “trả bao nhiêu cũng được”. Thỉnh thoảng anh nhận may cho một người trong họ tộc, không lấy tiền. Bà con lại tìm cách trả cho anh với lời lẽ khéo léo:

“Cháu nó làm được cân nếp, đem biếu chú”.

“Cha cháu vừa ở Phủ Quỳ, mang được hai chai mật ong bảo cháu mang biếu bác một chai”.

“Nhà cháu về nghỉ phép đem theo một cân cà phê. Cháu không biết uống, chú lấy mà dùng”.

Mỗi ngày chiếc máy khâu hoạt động chừng vài tiếng đồng hồ, mũi kim nhảy lên nhảy xuống đều đặn. Tiếng máy lách tách đều đều buồn tẻ.

Thừa thãi thời gian, thừa thãi sức lực, thừa thãi trí tuệ, anh thường ra chơi ở quán cắt tóc của ông Phan, nghe người này người kia nói dăm ba câu chuyện vu vơ. Nhưng anh chỉ ngồi nghe như thế được chừng dăm hôm. Ngứa ngáy chân tay, ngứa ngáy đầu óc, anh lại nghĩ ra một việc gì đó để làm. Làm một việc gì không thu lại nhiều tiền, không mang tiếng là “giàu hơn người khác”.

Sao mình lại không cắt tóc như ông Phan? Cắt vào buổi trưa, cắt vào buổi chiều, cắt vào buổi tối, mọi người nghỉ ngơi sau khi mệt mỏi cày cuốc ngoài đồng.

Nghĩ ra việc là anh triển khai ngay, xuống ngã ba Diễn Châu, lên ô tô đò, vào Vinh mua dao kéo, tông đơ, lược, xà phòng, gương. Chẳng cần quảng cáo ầm ĩ, sẵn có ông thợ cắt tóc gần nhà là người làng rủ nhau đến. Trưa mùa hè đặt cái ghế dưới khóm tre đầu ngõ vừa cắt tóc hoặc xem cắt tóc vừa nói chuyện phiếm. Vui mà lại gọn việc, muốn để tóc dài thì anh lại để tóc dài, muốn để tóc ngắn lại để tóc ngắn, muốn húi cua thì lại húi cua. Con gái muốn sửa tóc mái cũng được, chiều tất mọi người. ông thợ này dễ tính lắm, chẳng phải là ông thợ muốn câu khách, mà cốt sao cho vui.

“Ông Hiền cắt tóc đẹp ra phết! Chẳng kém gì ông Phan”, người làng bàn tán như vậy. Trời phú cho tư chất thông minh, học theo người khác rất nhanh. Anh lại dễ tính, ai đưa mấy hào cũng được, ai cắt chịu cũng được. Ai quên thì thôi, khóm tre đầu ngõ dân dần trở thành một tụ điểm để bà con đánh trâu ngồi nghỉ ngơi, hóng gió nồm và hả những cơn tức giận lặt vặt. Họ nói với nhau về ông chủ nhiệm này ăn hối lộ, ông chủ nhiệm kia bắt kế toán viết phiếu chi tiền để làm nhà, ông đội trưởng này cứ rình nhà ai có giỗ là vờ vào gọi đi họp để ngồi chén, ông đội trưởng kia gian lận ghi tăng công điểm công nợ. Rồi họ đọc những câu ca mỉa mai: “Mỗi người làm việc bằng hai để cho chủ nhiệm mua đài mua xe, mỗi người làm việc bằng ba để cho chủ tịch xây nhà xây sân…”

Tiếng đồn lên đến tai Đảng uỷ và lên đến cả huyện: ông Hiền mở hiệu cắt tóc để làm nơi tụ tập cho cho bà con nói xấu chính quyền, nói xấu chế độ.

Có người mách lại với anh. Anh lập tức dẹp ngay cái công việc cắt tóc. Lãnh đạo xã chưa kịp bàn biện pháp trừng trị thì anh đã tự “trừng trị” mình trước.

Buổi trưa. Bình thường như những buổi trưa khác. Lục tục người kéo đến khóm tre bác Niệm phành phạch quạt mo. Chú Nhân vắt áo trên vai, chú Thọ đánh trần trùng trục… Có cả các bà: bà Nghi, bà Hao, bà Luyên, bà Nhuyên… mặc kệ các ông các bà nói chuyện trên trời dưới đất, anh Hiền phủi sạch ghế đẩu:

“Nào, chú chắt Tồn, tôi ưu tiên cả buổi trưa này dành cho chú, cái đầu của chú phải đẹp nhất làng”.

Chú chắt Tồn cởi cả áo, ngồi ngay ngắn. Anh cầm tông đơ húi một đường từ trước trán qua đỉnh đầu ra sau gáy, rồi lại húi một đường từ thái dương bên này qua đỉnh đầu sang thái dương bên kia tạo thành một hình chữ thập trắng hếu. Chú chắt Tồn giật nẩy mình: “anh cắt kiểu gì lạ thế”? Mọi người cũng trố mắt nhìn:

“Ô! Kiểu đầu lạ quá!”

“Một kiểu tóc độc đáo nhất thế giới!”

“Kiểu đầu này là kiểu Mỹ hay kiểu Tây!”

“A, đầu sư, đầu sư cụ!”

Anh Hiền ngừng tay cười:

“Tôi chọn cái đầu chú chắt Tồn để cắt tóc một lần cuối cùng. Sau cái đầu chú chắt Tồn, tôi bỏ nghề cắt tóc. Ba tháng sau, bốn tháng sau, năm tháng sau, chú mới phải đi cắt tóc. Chú giữ cái đầu trắng để làm kỷ niệm. Nào chú ngồi im để tôi cắt tiếp”.

Anh cầm tông đơ húi sạch trơn cả cái đầu chú chắt Tồn y như đầu sư, rồi biếu luôn cả cái tông đơ. Việc đã rồi, chú chắt Tồn không hề tỏ ý tức giận, mà lại còn tỏ ý khoái chí: “mùa hè đầu trọc cũng mát”. Mới hôm qua, mới sáng nay, mới lúc nẫy cái đầu của chú vãn còn xanh tóc rẽ ngôi, bỗng chốc sạch trơn như củ chuối. Chú vác cái đầu trọc sang chơi nhà này nhà kia rồi đi họp đội, đi làm đồng, chú cũng vác cái đầu trọc ấy. “Đây là cái đầu cuối cùng trong nghề cắt tóc của anh Hiền. Cắt xong, anh ấy còn cho tôi cả tông đơ”, nghe chú nói, có người ngầm hiểu được cái éo le của tâm lý anh, chạnh lòng thương…

Chiều hôm ấy, anh đem cho tất tần tật mọi dụng cụ cắt tóc: người thì cái kéo, người thì cái dao, người thì cái lược… rồi trải chiếu dưới gốc khế đầu hồi nhà, nằm thượt như một cái xác, đầu gối lên hòn gạch, anh muốn ngủ một giấc thật dài nhưng không ngủ được. Mấy đứa nhóc hàng xóm trèo lên cây duối xem anh ngủ như một người kỳ lạ. Chúng nó chạy về mách với bố mẹ: “Bác Hiền nhắm mắt ngủ mà mặt cứ nhăn nhúm lại, hai bàn tay nắm chặt, răng nghiến kèn kẹt, nước mắt chảy ra ròng ròng”.

Mỗi ngày chiếc máy khâu hoạt động chừng vài tiếng đồng hồ, mũi kim nhảy lên nhảy xuống đều đều. Tiếng máy lách tách, đều đều buồn tẻ…

Hôm nay anh may tấm áo bằng vải bạt cho bà Nhuyên mặc đi cấy vào mùa rét. Gọi là áo, nhưng không có ống tay, không có khuy chỉ là một tấm vải dày và rộng, vừa đủ che phía trước và phía sau, có lỗ ở giữa để chui đầu. Tấm vải bạt này anh đem từ Việt Bắc về, để quên trong đáy hòm, lục ra thấy cứt gián bám đầy, anh đem giặt và phơi nắng. Nhân bà Nhuyên mang mấy cái áo rách, nhờ anh rọc những mảnh lành, chắp lại chồng hai tầng may thành chiếc áo dày để mặc lúc ra đồng cấy lúa, anh chợt nhớ tới tấm vải bạt.

“Bà cầm về cái mớ bùi nhùi này, tôi biếu bà một cái áo rét vừa ý bà”. Anh cắm cúi may. Đường kim chạy quanh mép vải, rồi chạy ngang chạy dọc, chạy lên chạy xuống. Niềm vui nho nhỏ, niềm vui tẩn mẩn trong người anh cứ hiện dần thành hàng chục, hàng trăm đường chỉ, làm cho tấm vải dày cộp như tấm mo nang…

“Ông Hiền ở nhà không?”

Nghe tiếng người bạn thân từ Yên Thành xuống, anh ngó đầu nhìn ra:

“Vào đây!”

Anh pha nước cho bạn uống, rồi ra sân nhìn cái xe đạp cọc cạch của bạn, lặng lẽ quay vào xách cái hộp gỗ dưới gầm giường.

“Ông làm gì đấy?”

“Tôi sửa cái xe đạp cho ông để ông đi cho nhẹ”.

“Ờ hay nhỉ, bây giờ tôi mới biết ông Hiền chữa xe đạp”.

Mấy tháng nay anh mua bộ đồ nghề chữa xe đạp. Chẳng cần ai hướng dẫn, cứ tò mò táy máy, bàn tay anh trở nên thành thạo. Cũng biết vá săm, cũng biết khâu mép lốp. Biết thay má phanh, riết dây phanh. Rồi cũng biết thay nan hoa và cân vành… Nghĩa là anh có thể mầy mò sửa chữa hầu hết các bộ phận của một chiếc xe.

Trong làng hiện có hơn mười chiếc xe đạp, hai xe tương đối tốt của hai ông cán bộ. Còn lại toàn là xe tòng tọc dùng để đi buôn chè, chở cát, chở củ nâu, thậm chí còn dùng để chở đá bán cho các gia đình xây nhà. Sau mỗi chuyến thồ thế nào cũng có xe hỏng. Họ lại dắt xe đến nhờ anh chữa. Có người nhờ chữa xe là anh thích lắm, chắc chắn không phải thích vì được tiền, mà thích vì được làm việc, được nâng tay nghề. Một trường hợp nào bị hỏng phúc tạp, kỳ cạch chữa được là anh mừng ra mặt. Anh cưỡi lên xe, đạp một vòng quanh sân, có khi cao hứng đạp một vòng quanh làng, không có gì trục trặc là anh sung sướng trao xe cho khách: “Thử làm một chuyến thồ chè xanh từ Đô Lương về, nếu thấy tốt thì chú hãy đưa tiền”.

Bạn bè vào chơi, trước hết anh xem cái xe đạp xem có hư hỏng gì, anh chữa xong mới ngồi nói chuyện. Trường hợp hỏng nhẹ thì không sao, nhưng có trường hợp xe quá cọc cạch, ngứa mắt không chịu được, anh sửa cho hoàn chỉnh: lắp pê-đan, thay chắn bùn, thay dây phanh, thậm chí thay may-ơ… Bạn trả tiền anh bảo “quà của tôi tặng ông”.

Tình cờ anh bạn ở Yên Thành đi Vinh, định rẽ vào chơi với anh một chốc rồi đi tiếp. Không ngờ anh ngắm nghía cái xe rồi tháo tung để lau dầu mỡ mãi đến tận tối mới xong. Anh bạn đành phải ngủ lại, một sự tình cờ lại hoá may. Anh Hiền bắt bạn ngồi lên xe đạp một vòng quanh sân xem đã vừa ý chưa. “Hết ý ông ạ, nhẹ như cái xe mới toanh”.

Lại một hôm khác có người bạn từ Quỳnh Lưu vào chơi, run rủi thế nào mà cái còi xe máy bị hỏng, anh tí toáy chữa rồi bóp thử, còi vẫn không kêu, lại tí toáy chữa toát mồ hôi.

“Thôi Hiền ạ, chốc nữa tôi xuống ngã ba Diễn Châu, thợ họ chữa một chút là xong thôi mà”.

“Tôi đã mó tay vào rồi thì phải làm kỳ được”.

Và anh hì hục chữa tiếp, chữa cho đến khi còi phát ra tiếng kêu.

Từ đó anh nảy ra ý sắm đầy đủ bộ đồ nghề sửa xe máy. Cả làng Hậu Luật chỉ mới có một chiếc xe máy của chú cu Xí. Mà cũng không mấy khi chú có ở nhà. Chú thường xuyên lên nông trường Tây Hiếu để tìm nguồn hàng, mỗi tháng ở nhà vài ngày, chẳng cần nhờ anh chữa xe. Vậy thì anh sắm đồ nghề để làm gì? Chẳng làm gì cả, chẳng có mục đích. Không có ai mang xe đến sửa thì anh lại xách bộ đồ nghề ra sân, ngồi một mình đập miếng sắt này, giũa tấm thép kia. Mỏi tay thì ngồi nghỉ tại chỗ, cuộn thuốc lá hút, rồi lại đập đập, mài mài, ngắm ngắm nghía nghía. Lắm lúc dường như hai cánh tay anh làm việc không phải do sự điều khiển của bộ óc, mà là do bản năng đòi hỏi được lao động.

*

Mỗi ngày chiếc máy khâu hoạt động chừng vài tiếng đồng hồ, mũi kim nhảy lên nhảy xuống đêu đều, buồn tẻ. Tiếng máy lách tách đều đều buồn tẻ…

Hôm nay anh xé bộ quần áo cũ hồi ở Việt Bắc để máy túi đựng sách cho cháu đi học. Quần áo đã sờn nhưng lọc ra từng mảnh để chắp lại thành cái túi thì còn tốt chán. Anh may thành hai ngăn: một ngăn để sách vở, một ngăn để bút mực, bút chì, thước, tẩy. Ngồi may mỏi lưng, anh lại chuyển sang việc khác: thổi lò rèn. Tuổi ấu thơ, anh học ở trường tiểu học Thái Xá. Cạnh trường là chợ Mới. Góc chợ có lò rèn của cố Nuôi, cứ trống điểm ra chơi là anh chạy vù ra lò rèn, mê mải xem thằng Nuôi thụt bễ và cố Nuôi ngồi gõ búa lên đe. Anh về đòi cha cho bỏ học để được đi thụt bễ như thằng Nuôi… một kỷ niệm vu vơ chợt đến với anh, và một ý định vu vơ cũng ùa đến ngay lúc đó: Mình thử mở lò rèn xem sao! Cái gì mà chẳng làm được, giờ lại đang thừa thì giờ, thừa sức lực. Một ý định chừng như ngộ nghĩnh và điên rồ, thế mà anh làm thật. Lấy đất sét ngoài ruộng để đắp lò, nhưng không làm được ống bễ, anh dùng quạt mo cau để quạt lửa. Mấy đứa bé đến chơi, thấy vui vui cũng cầm quạt để quạt than…

Ở Hà Nội tôi nhận được bức thư của anh dặn tôi mua một cái quạt con cóc. Có phải dễ dàng mà mua được đâu, hàng hiếm, mậu dịch bán phân phối về từng cơ quan. Nghĩ thương anh, tôi chờ công đoàn cơ quan nhận hàng và nài bán cho tôi cái quạt con cóc giá 35 đồng rồi mang về tận nhà. Dạo đó làng lại vừa mới có điện, tuy điện phập phù lúc có lúc không nhưng cũng là dịp tốt để anh thể nghiệm dùng quạt điện thổi lò.

Khởi đầu công việc, anh nhặt nhạnh tất cả dao cùn vứt lung tung ở xó nhà, góc bếp, gầm giường, rèn giũa lại. Thành công được cái dao đầu tiên, anh đưa cho mẹ thái rau lợn. Mẹ cầm con dao bật chợt nấc lên một tiếng, rồi gục mặt xuống đầu gối. “Tội nghiệp con quá, con làm hết việc này đến việc nọ mà chẳng nên cơm cháo gì. Thôi cũng được, con cứ làm luôn tay luôn chân còn hơn ngồi không, ngồi không người nó ì ra. Nghĩ ngợi lung tung sẽ sinh ra bệnh này bệnh nọ. Mẹ nẫu gan nậu ruột những tưởng nuôi con khôn lớn để nhờ vả con, ai ngờ… ai ngờ gần mười năm nay, cửa nhà lục đục, sa sút bắt đầu từ việc nó bỏ cơ quan nhà nước. Nó nhận ra lỗi lầm của nó, thế mà người ta cứ truy bức nó mãi. Chỉ mong sao nó làm được việc gì đó ổn định, đừng ai soi mói bắt bẻ nó, để mẹ sống yên tuổi già”.

Mẹ cầm con dao anh trao mà chỉ thấy buồn, chẳng vui một chút nào. Nhưng anh, anh thấy vui thật sự. Mình tự làm ra sản phẩm để dùng sao không vui, mặc dầu niềm vui bột phát ấy có thể chỉ loé lên rồi tắt ngay.

Làm xong con dao thứ nhất, anh lại làm con dao thứ hai, thứ ba. Anh ra sân nói vọng sang nhà bác Niệm: “Bác đem con dao cùn sang đây tôi rèn lại cho mà dùng”. Bác Niệm cầm sang con dao rựa. Anh Học Thảo, chú chắt Tồn, anh Học Phác cầm được con dao mót lúa lưỡi đã mòn vẹt đến quá nửa. Anh hì hục đập búa, rèn, giũa, mài. Cái quạt con cóc chạy vù vù thổi tung bụi than, khói bay mù mịt và bụi phủ đầy lên giường chiếu. Nóng quá anh đánh trần, mồ hôi chảy ròng ròng vết bụi, ánh lửa lò ánh lên da thịt anh gầy lép, chứ không căng phồng các bắp như cơ thể cố Nuôi cầm búa nện đe ở góc chợ Mới hồi trước. Không hiểu anh lao động mệt nhọc như thế để làm gì? Anh cũng không tự biết được mục đích việc làm của mình. Dường như anh làm để xả hơi, cũng có thể anh vung sức ra như một đứa trẻ hiếu động.

“Bác Hiền ơi! Bác nung lại con dao cho em để băm củ chuối”.

Nghe tiếng bà cụ Thọ, gương mặt anh tươi cười:

“Bà đưa vào đây, tôi làm ngay bây giờ”.

Anh nhìn con dao đã gỉ câm gỉ điếc từ đời nảo đời nào.

“Được! Tôi làm lại được! Bà cứ về, lúc nào xong tôi sẽ cầm sang tận nhà”.

Anh đổ thêm than vào lò. Cắm điện cho quạt chạy, nung đỏ lưỡi dao, cạo sạch gỉ rồi lại nung, rồi gõ búa, rồi nung, rồi gõ búa. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, anh làm tiếp. Khi đã hình thành một lưỡi dao mới, không hiểu sao anh lại đập cho cả con dao ấy nhào lại một cục, rồi cầm búa đập dẹt ra và giũa thành một con dao mới. Ra thềm cuộn thuốc lá hút, anh nhìn theo làn khói có vẻ khoái chí. Hút hết điếu thứ nhất anh lại cuộn điếu thứ hai, hút hết điếu thứ hai anh lại cuộn điếu thứ ba. Trong người cảm thấy sảng khoái, anh vào lò, cầm con dao ngắm nghía, không hiểu tại sao anh lại đập cho cả lưỡi dao xoắn lại như một cái que, rồi cầm búa đập bẹp thành một lưỡi dao thuôn dài, sống dao dày thêm và gõ đều đều cho phía lưỡi thật mỏng và sắc…

Niềm vui không mục đích ấy cũng lại tắt một cánh nhanh chóng như tàn thuốc lá. Lò nguội than. Đồ nghề nằm ngổn ngang, sắt vụn bừa bãi xung quanh cái lò bằng đất sét. Anh đứng nhìn chúng lộn xộn mệt mỏi như đống tàn binh thua trận, tất cả những đồ lề ấy được dồn vào một góc cùng với đồ nghề sửa xe máy và xe đạp, đủ loại, đủ cỡ: búa to, búa nhỏ, kìm to, kìm nhỏ, cờ-lê to, cờ-lê nhỏ, tua-nơ-vít to, tua-nơ-vít nhỏ…

*

Mỗi ngày chiếc máy khâu hoạt động chừng vài tiếng đồng hồ, mũi kim nhảy lên nhảy xuống đều đều, buồn tẻ. Tiếng máy lách tách đều đều buồn tẻ…

Nhưng rồi cái nhịp điệu buồn tẻ ấy cũng không còn nữa, anh bán máy khâu đi để sửa chữa nhà cửa.

Tự tay anh đào một cái hố giữa vườn để nung vôi, rồi nhờ đứa cháu biết võ vẽ ít nhiều về nề, cùng với anh”mở công trường xây dựng”, kéo dài trong ba tháng. Khi đứa cháu bận việc đồng áng, anh lụi cụi làm một mình. Khi đứa cháu rỗi lại sang xây với anh. Hai bác cháu có vẻ ăn ý với nhau, đánh trần làm cật lực. Mẹ tôi không vừa ý về việc sửa nhà, nhưng thấy anh và đứa cháu làm vất vả, mẹ nấu nồi khoai lúc nửa buổi. Bác cháu nghỉ giải lao, ngồi ăn khoai và uống nước chè xanh.

Mở đầu công việc, anh phá cái bệ thờ ở góc sân được xây từ thời ông nội để cúng trời. Vừa phá xong thì cha tôi bảo: “Nhờ cái bệ này mà nghề thuốc của ông được phát đạt, gia đình được thịnh vượng”. Anh không hề cãi lại một câu, lặng lẽ khuân gạch, khuân đá xây một cái bệ mới ngay tại vị trí cũ. Xây xong anh mua nải chuối, thắp hương khấn mời thần trời về ngự.

Công việc tiếp theo là anh xây lại một bức tường thấp để ngăn cách sân với vườn. Đứa cháu lên Phủ Quỳ hái thuê cà phê nửa tháng, anh phải xây một mình. Ông cụ Thọ đến chơi, thỉnh thoảng lại hướng dẫn anh và cầm bay xây giúp. Quãng nào xây hỏng, anh giơ chân đạp đổ, rồi xây lại. Cần mẫn ngày này qua ngày khác cuối cùng bức tường thấp hình thành. Anh đứng ngắm thành quả lao động của mình, gật gật đầu nhìn bức tưòng rồi đưa mắt nhìn ra xung quanh như thể tìm kiếm một sự hoàn chỉnh vô vọng.

Chưa vừa ý, anh xây thêm một đoạn tưòng phía bên trái để ngăn cách sân với chuồng trâu. Phía bên phải vốn trước đây có một bức tường để ngăn sân với vườn bác chắt Quý, anh đã phá đi cho thoáng đãng, nhưng hễ trời mưa to là đất vườn chảy sang, anh đành xây lại bức tường ấy nguyên như cũ.

Mé ngoài sân phía trước, anh đào một cái giếng, không may gặp phải mạch nước mằn mặn chua chua, không dùng để nấu cơm, nấu thức ăn và uống được cũng chẳng sao, giếng này để giặt giũ, rửa ráy. Anh đào cái giếng khác ở sau nhà và xây thêm một cái bể cạn bên cạnh để dự trữ nước khi giếng bị khô mạch. Sát bến nước, anh xây phòng tắm nhỏ, lúc đầu phòng tắm mở cửa ở ngay bên giếng nơi đứng thả gầu xuống múc nước, mười hôm sau thấy bất tiện anh lại bịt cửa ấy và mở cửa khác lấp sau khóm cây.

Đằng đẵng thời gian anh vung sức lực và trí não vào những việc loanh quanh luẩn quẩn, muốn dấn lên để những việc đó hữu ích, nhưng hữu ích làm sao được khi tâm trí anh đã quẫn mất rồi… à, anh nhìn cái đống rơm! Từ xửa từ xưa đến nay, người nông dân xây cây rơm ngay trên mặt đất, phần rơm dưới cũng bị mục nát, trâu bò không ăn được. Tại sao người ta không lót lớp đá trên đất rồi xây rơm lên? Như thế tiết kiệm được một ít rơm cho trâu bò ăn, một phát hiện mới của anh! Anh loay hoay khênh đá xếp thành một vòng tròn. Chuyển hòn đá sang bên này, chuyển hòn đá sang bên kia làm thế nào để các hòn đá khớp lại với nhau trên một đường kính chừng ba mét…


I II III

Tác giả Võ Văn Trực (1936) là tác giả của nhiều tập thơ: Ngày hội của rạng đông (1978), Hành khúc mùa xuân (1980), Trăng phù sa (1983), Hương trong vườn bão (1995)..., từng nhận được nhiều giải thưởng, và các tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy, Vết sẹo và cái đầu hói (2006), Cọng rêu dưới đáy ao (2007).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài