talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 02.12.2007

Ngô Phan LưuLàng quê thì mênh mông

Ngô Phan Lưu
Ngô Phan Lưu

Hai người bạn đang ngồi quán cà phê thì đột nhiên nhớ đến việc đi thăm một người bạn khác. Họ rời quán, đi xe máy về phía làng quê. Từ một khởi đầu có vẻ vô thưởng vô phạt này, hành trình của hai nhân vật đột nhiên đưa độc giả vào một thế giới kì lạ, càng lúc càng thấy rợn. Với “Làng quê thì mênh mông”, một truyện ngắn khác thường, chúng tôi vui mừng được giới thiệu một tác giả khác thường: nhà văn Ngô Phan Lưu. talawas chủ nhật

 

Ngô Phan Lưu

Làng quê thì mênh mông

 

Đang ngồi nơi ban công cà phê Con Nhóc, Cơ đề nghị với Thái:

“Tìm nhà Xuyên Thơ Râu thăm nó chút. Đã tháng nay không thấy xuống phố.”

Nghe thế, Thái tròn mắt nhìn Cơ. Thái tròn măt vì Thái cũng định đề nghị như thế với Cơ. Anh nhìn chăm chăm vào mặt bạn, muốn chờ nghe nói nữa, nhưng Cơ không nói nữa. Thái im lặng nhìn xuống lòng đường tấp nập xe, người. Đường phố quả là một dòng chảy. Gặp đèn đỏ dòng chảy ngừng lại chốc lát... đèn xanh lại chảy tiếp. Cứ thế, ngày đêm... Thái lại nhớ đôi mắt của Xuyên Thơ Râu. Đôi mắt khi nhìn ai cũng lấp lánh dò xét, cân nhắc và quyết định như đã từng quyết định.

Một loại mắt của thói quen di truyền. Thái thôi nhìn đường phố, ngẩng mặt:

“Đi ngay. Chỉ có sáng nay là rảnh.”


*


Đang phóng nhanh, Cơ đột ngột giảm tốc Honda, anh thấy phía trước có người ngồi vệ đường chăn bò. Anh thắng xe sát cạnh:

“Cho hỏi thăm, làng Cư An gần đây không?”

Người chăn bò giật mình, để vành nón lên, nhìn Cơ và Thái đang ngồi trên xe. Ánh mắt ông ta hiện rõ sự dò xét và cân nhắc. Thái suýt giật thót, đấy là ánh mắt của thằng Xuyên Thơ Râu!

Cơ lặp lại câu hỏi đàng hoàng hơn:

“Thưa ông, tôi hỏi thăm làng Cư An có gần đây không ạ?”

“Các anh tìm ai?”

“Tìm anh Xuyên râu... nhà thơ.”

“Các anh mua thơ à?”

“Không. Chỉ là bạn quen, nhưng chưa biết nhà.”

“Ở đây nhiều làng Cư An lắm... Cư An Nguyễn, Cư An Trần, Cư An Đỗ, Cư An...”

“Xuyên râu họ Trịnh.”

“Thế là Cư An Trịnh.”

“Có liền nhau không?”

“Có đấy.”

“Vậy nằm ở đâu?”

“Đấy”, người chăn bò chỉ chiếc roi mây về phía trái con đường. “Đấy, một dãy xanh xanh tre lá ấy.”

“Có đường vào không, thưa ông?”

“Đi một đoạn nữa sẽ thấy đường bờ vùng rẽ vào.”

“Cám ơn.”

Cơ giậm số, phóng xe. Thái ngồi sau, nói:

“Thằng cha này...”

Thái bỏ lửng câu nói. Cơ im lặng lái xe, anh đảo mắt về phía trái để kiếm con đường vào làng, nhưng chạy mãi có đến mười phút vẫn không thấy! Cơ chợt nhận ra “một dãy xanh xanh tre lá ấy” ở phía sau lưng mình rất xa. Cơ nói:

“Quay xe lại, hỏi lão ta lần nữa xem sao.”

Thái đồng tình:

“Đúng đấy.”

Cơ quay xe, chạy ngược lại để gặp người chăn bò. Người chăn bò vẫn còn ngồi đó. Vành nón lá sụp xuống mặt. Cơ lại thắng xe sát ông ta:

“Không thấy con đường bờ vùng nào cả, thưa ông.”

Ông ta ngước lên nhìn chăm chú, mắt e dè, thủ thế, nhưng đặc biệt không sợ sệt mà đầy ma mãnh:

“Quên khuấy! Các anh phải đi ngược lại như thế này chứ.”

“Vậy đi như thế này đúng chưa?”

“Đúng.”

“Nhưng con đường rẽ vào làng An... Xin lỗi... làng Cư An nằm phía tay nào?”

“Ban nãy tôi chỉ các anh phía tay nào?”

“Phía tay trái.”

“Vậy, phía tay trái.”

“Nếu thế, làng nằm bên này đường, đâu phải bên kia?”

“Anh muốn bên này à? Đúng thế, bên này đường.”

“Ông có phải người làng Cư An không?”

“Các anh hỏi chi!”

“Thôi, xin cảm ơn.”

Cơ lại phóng xe, chạy đã quá năm phút vẫn không thấy hai bên có con đường bờ vùng nào cả!

Thái bực dọc:

“Thằng cha chăn bò quái! Hắn chơi xỏ mình! Tôi nhớ là...”

Thái lại bỏ lửng câu nói, nhưng đột nhiên lại la lên:

“Đằng trước có phụ nữ rồi. Hỏi phụ nữ là chắc cú.”

Cơ nhìn thấy đằng trước có một phụ nữ mặc đồ chàm, dắt một con nghé gặm cỏ. Anh rà xe, thắng lại:

“Chị, cho hỏi thăm làng Cư An nằm chỗ nào?”

Chị ta ngước nhìn vào mắt Cơ và Thái. Thái giật mình. Ánh mắt của chị ta là ánh mắt của người chăn bò ban nãy.

“Cư An nào?”

“Cư An Trịnh...”

“Không có.”

“Thế thì Cư An Võ, Cư An Trần...”

“Không có nốt.”

“Tại sao?”

“Không có làng Cư An nào ở đây cả.”

“Thế, chị biết anh Xuyên ở đây không?”

“Nhiều Xuyên lắm.”

“Xuyên râu quai nón?”

“Râu quai nón cũng nhiều lắm.”

“Xuyên làm thơ đó?”

“Thơ ở đây cũng nhiều lắm.”

“Xin cám ơn chị!”

Dứt lời Cơ bực bội vọt xe. Thái suýt ngã, vội ôm lưng Cơ. Trên đường xe chạy xuôi, ngược, không có ai đi bộ cả. Đột ngột Cơ reo lên:

“Có đường bờ vùng rẽ rồi.”

Nghe thế, Thái nhìn sang hai bên. Quả nhiên, bên phải có một con đường nhỏ, lát bê tông xi măng dẫn vào nơi “xanh xanh tre lá” như người chăn bò hồi nãy bảo.

Quyết định không cần hỏi thăm ai nữa, Cơ rẽ xe vào. Gió nam quét mặt đường sạch tưng. Làng quê mà đường sá thế này quả là khang trang. Nhưng khi hai người đã vào làng, đường sá chỉ là đường đất. Đường rất ngắn, hẹp, liên tục rẽ trái, rẽ phải, ngã ba... Hai bên đường liên u bất tận nào tre là tre toả bóng. Gió nam giày vò những cành tre kêu ken két...

Thái lo lắng:

“Cẩn thận nào, Cơ! Bánh xe lủng gai là tiêu đời. Ở đây không chỗ vá đâu. Quái lạ! Làng vắng hoe, chả thấy người.”

Cơ nói, giọng chắc nịch, như mình đã từng sống ở đây:

“Họ đi làm đồng cả rồi. Đây đúng là làng Cư An.”

“Sao biết?”

“Không phải Cư An, mình vào chi trong này?”

“Bệnh lão chăn bò đấy!”

“Bệnh gì?”

“Nó đã lây sang anh! Mà này, anh có nhớ đường ra khỏi làng không?”

“Không nhớ. Đường như bàn cờ.”

Quả thật, giờ này Thái và Cơ đang ở trong bàn cờ. Nhưng vấn đề không phải là ra khỏi làng, mà là tìm nhà Xuyên Thơ Râu.

Cơ chạy xe chậm, chú ý tránh né gai tre nơi lòng đường. Chó sủa vang.

Nhà nào cũng nuôi chó. Có nhà, chó phóng ra cả đàn, nhỏ, to, đực, cái đều có... Lạ thật, đặc biệt chúng không đuổi theo. Chúng phải coi nhà, không dám bỏ nhà chạy rông. Chó vẫn sủa dữ dội...

Thái bảo:

“Đi ra ngay. Không kiếm nhà Xuyên nữa. Vô ích.”

“Chỉ tôi đường ra nào?”

Thái nghe Cơ gặng lại, anh ta nín thinh. Xe phải chạy chậm vì đường có quá nhiều lối rẽ, hơn nữa tầm nhìn bị tre che khuất. Tre ơi là tre, sao mà nhiều thế. Đây quả là một làng tre!

Thái than:

“Chạy mãi, vô vọng thế này, hết xăng phải đổ nước mắt vào. Ô kìa, có thằng bé cõng em đằng trước kìa.”

Cơ cũng thấy thằng bé và đang chạy xe đến. Thằng bé khoảng 12 tuổi, đen nhẻm, đang cõng đứa em thò lò mũi xanh.

Cơ thắng xe và tắt máy. Thằng bé tròn mắt nhìn Cơ và Thái từ đầu đến chân.

“Cháu cho bác hỏi...”

“Hỏi gì?”

“Hỏi nhà chú Xuyên chỗ nào?”

“Xuyên gì?”

“Xuyên râu quai nón đó.”

“Quai nón gì?”

“Cháu biết râu quai nón không?”

“Không.”

Thái chen vô:

“Râu quai nón là râu từ hai lỗ tai phủ xuống cằm đó.”

“Biết.”

“Thế ở đâu?”

“Ở trên mặt.”

“Không. Nhà chú Xuyên cơ, chú Xuyên có râu trên mặt đó.”

“Xuyên gì?”

“Mô phật! Gặp cháu là không ổn rồi!”

“Ổn gì?”

Thái thở dài, vân vê sợi râu mép. Đàn chó của nhà hai bên đường thấy Cơ và Thái đứng với thằng bé là người chúng quen, nên không sủa nữa.

Thái hỏi tiếp:

“Nhà cháu ở đâu?”

“Xa lắm.”

“Xa là ở đâu?”

“Làng bên kia.”

“Cháu làm gì ở đây?”

“Cõng em chơi.”

“Chú Xuyên râu quai nón phải bố cháu không?”

“Không.”

“Thế chú ấy là gì với cháu?”

Thằng bé ngước nhìn chằm chằm vào mặt Thái, hai mắt láo liên đầy vẻ sợ sệt và thận trọng.

“Chú Xuyên là gì với cháu?”

“Chú Xuyên là Người nên cháu không biết.”

“Thế cháu biết gì?”

“Bò, Chó, Cá và thả diều.”

“Mô phật, gặp cháu quả là không ổn rồi!”

Cơ ngồi trên xe, cười ngất. Anh nói với Thái:

“Chúng ta hút thuốc thư giãn đi.”

Tôi chắc rằng lão chăn bò, chị chăn bò, cả đến thằng bé này... đều là người làng này. Dân chính cống làng này. Cư An... Cư An...

Thái đi lại xe, anh thúc cùi chỏ vào hông Cơ:

“Chạy đi. Chạy đi kiếm người mà hỏi nữa! Kìa... Có cụ già kia kìa... Vào nhà hỏi trẻ nhỏ, ra ngõ hỏi cụ già...”

Lúc này, một cụ già chọt gậy bước tới. Lưng cụ khòm quá, đầu lại ngước lên trông như con đà điểu.

Cơ dựng xe, bước xuống:

“Thưa cụ, cho hỏi thăm nhà anh Xuyên?”

“Xuyên nào?”

“Xuyên râu quai nón đó.”

“Anh ta cạo nhẵn thín rồi.”

“Sao vậy?”

“Phát tâm Bồ Đề đi tu rồi!”

“Sao? cụ nói sao? đi tu rồi à?”

“Tu rồi.”

“Chùa nào vậy?”

“Chùa nào trời biết!”

“Anh Trịnh Xuyên đó chớ? Thưa cụ.”

“Trịnh Xuyên à? Nếu Trịnh Xuyên thì ở đây làm gì có.”

“Thế ở đây có Xuyên gì?”

“Võ Xuyên.”

“Có râu quai nón không?”

“Đã bảo cạo nhẵn thín rồi. Các anh lôi thôi quá!”

“Xin cám ơn cụ.”

Cụ già gật đầu, chấp nhận lời cảm ơn, và chọt gậy, lững thững đi tiếp.

Thái hỏi chú bé cõng em:

“Cháu biết ông già này không?”

“Không biết.”

Đột ngột, Thái chạy theo ông cụ:

“Thưa cụ, cụ biết cháu bé cõng em kia là con ai không?”

“Không biết.”

Cụ trả lời, chân vẫn cứ đi mà không ngoái lại.

Thái trở lại chỗ Cơ, anh nhìn bạn rồi lắc đầu! Cơ nhìn lại, mỉm cười, cũng lại lắc đầu!

Cơ nổ máy xe, lại lái chạy rẽ phải, rẻ trái. Gặp một chị phụ nữ đi ngược chiều, ôm bó rau muống.

Anh dừng xe. Chị phụ nữ nhìn chăm chăm vào hai người, mắt chị ta không nháy. Cũng loại ánh mắt dò xét, cân nhắc, rồi quyết định như đã quyết định.

“Chị cho hỏi thăm nhà anh Xuyên?”

“Xuyên nào?”

“Xuyên đi tu.”

“Nhiều Xuyên lắm.”

“Trịnh Xuyên đó.”

“Thế là đi tu rồi.”

“Tu chùa nào?”

“Chùa một cột.”

“Ối trời! Anh ta không đi tu à?”

“Đã bảo đi tu rồi.”

“Chùa một cột ở đâu?”

“Ai biết ở đâu!”

“Chị cho hỏi thăm đường ra khỏi làng?”

“Đi mãi thì ra.”

“Chúng tôi muốn ra đến con đường xi măng bê tông.”

“Thế thì đi theo hướng mặt trời.”

“Nếu đến chiều không ra được... Thì đi ngược hướng mặt trời.”

“Xin cám ơn.”

“Chuyện nhỏ mà.”

Lúc này 9 giờ sáng. Cơ lái xe về hướng mặt trời, nhưng con đường làng cứ rẽ ngang rẽ dọc, nhiều lúc phải đi hướng ngược mặt trời. Dường như các con đường đều dẫn lòng vòng vào trung tâm làng.

Thái lau mồ hôi trán:

“Không cần biết hướng mặt trời, cứ rẽ trái, rẽ trái mãi... Thế nào cũng ra khỏi. Nhớ trái... trái suốt nhé...”

Cơ nghe lời, cứ lái xe rẽ trái. Quả nhiên, một chặp ra khỏi làng. Ra được khỏi làng, nhưng không gặp con đường bê tông xi măng, mà tiến vào một nghĩa địa.

Thái bảo:

“Chạy luôn vào nghĩa địa. Nghĩa địa lúc nào cũng bên ngoài làng. Ra nghĩa địa là đã bỏ làng. Ôi! khỏe quá!”

Đây là một nghĩa địa nhỏ, có lẽ chỉ dành riêng cho làng này. Thái và Cơ thấy một bà già đang vái hương nơi ngôi mộ mới xây. Hai anh dựng xe và đi bộ lại.

Thái nói với bà cụ:

“Chào cụ bà.”

“Chào cháu.”

“Anh Xuyên râu quai nón mới chết tháng trước, có chôn nơi đây không ạ?”

“Xuyên râu quai nón?”, cụ bà vỗ vỗ trán, chặc lưỡi, “À, đúng là nó chết rồi! Tội nghiệp, chỉ thổ tả sơ sơ mà chết! Nhưng không chôn ở đây.”

“Thế khôn ở chỗ nào?”

“Các cháu hỏi chi?”

“Hỏi để thắp nhang.”

“Chôn ở phía vợ.”

“Phía vợ ở đâu?”

“Bà cũng không rõ!”

“Cháu xin cám ơn bà.”

“Ờ.”

Hai người trở lại xe. Thái nói:

“Đến cả chết rồi, cũng không chịu chỉ mồ!”

Cơ cãi:

“Thằng Xuyên chưa chết, biết mồ đâu mà chỉ!”

Thái cười sằng sặc:

“Ra thế!”

Từ nơi nghĩa địa, một vùng độ cao thoáng đãng, tầm nhìn không còn vướng các lũy tre nữa, Cơ thấy con đường bê tông xi măng nằm phía bên trái. Thái và Cơ thở phào, lại lôi thuốc ra hút để thư giãn.

Khi cụ bà đi ngang qua, Thái hỏi:

“Cụ về ạ?”

“Ừ.”

“Nơi đây có phải làng Cư An không?”

“Cư An nào?”

“Thế đây làng nào?”

“Làng Tư Nguy.”

Nghe vậy, Cơ vỗ đét vào đùi Thái:

“Không có làng Cư An. Thằng Xuyên nói láo!”

Thái cũng vỗ đét vào đùi Cơ:

“Còn làng Tư Nguy là thật à?”

Mặt Cơ đột nhiên lơ láo, trông thật thảm hại.

Thái nói vui vẻ:

“Thôi, quên đi! Nghĩa địa nằm bên ngoài làng, hãy quên béng cái Cư An hay Tư Nguy ấy đi. Vấn đề cấp bách là phải rời nghĩa địa, để kiếm chút gì lai rai tẩy trần...”

Thái hích vào bụng Cơ, ngoáy ngoáy rồi cả hai cùng cười toáng lên. Cơ nổ máy xe, giơ tay vẫy vẫy chào “một dãy xanh xanh tre lá”, nói lớn:

“Chào!”

Đoạn anh hôn “chụt” vào bàn tay mình rồi quăng nó ra xa...

© 2007 talawas

Ngô Phan Lưu sinh năm 1946. Quê Phú Yên. Đang là sinh viên khoa Triết, Đại học Văn khoa Sài Gòn thì Ngô Phan Lưu bị động viên đi trừ bị Thủ Đức. Sau năm 1975, ông sống bằng nghề làm ruộng và nhiếp ảnh ở Phú Yên. Bắt đầu viết văn từ năm 1995.

Tác phẩm: Bếp lửa chiều đông (tập thơ, 1997), Người không giăng câu Kiều (tập truyện, 2004)

Giải thưởng: Giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam với hai tác phẩm Buổi sáng biến mấtCơm chiều.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài