Ngô Phan Lưu |
“Đọc ba truyện cổ tích của Ngô Phan Lưu, tôi thử hồi tưởng lại những năm mình lên bảy lên tám, độ tuổi của cậu bé Nam trong truyện. Có lẽ tôi sẽ thích nhất truyện ‘Con đười ươi’ (‘Cái ống tre’), một câu chuyện vừa có thể làm tôi cười nắc nẻ, vừa gây ám ảnh, day dứt, và rồi cuối cùng, có lẽ cũng như cậu bé Nam, tôi sẽ buồn. Câu chuyện thứ hai, truyện ‘Quả tim thằng bé’, sẽ làm tôi thót tim vì sợ. Còn với câu chuyện thứ ba, tôi không chắc mình có thể chia sẻ cảm giác thương cọp với cậu bé Nam hay không... Bây giờ tôi đã ở tuổi đọc truyện cổ tích cho con nghe, chắc chắn tôi sẽ chọn truyện ‘Con đười ươi’ để đọc. Truyện ‘Quả tim thằng bé’ thì tôi không dám đọc cho con, mặc dù tôi biết rằng, bằng một cách nào đó, cuối cùng thì trẻ con cũng sẽ đọc được những câu chuyện như vậy… Xin cảm ơn nhà văn Ngô Phan Lưu vì ba câu chuyện cổ tích này.”
Một độc giả
Hôm nay chúng tôi lại hân hạnh giới thiệu với bạn đọc tác phẩm mới của nhà văn Ngô Phan Lưu: ba truyện cổ tích.
talawas chủ nhật
Ngô Phan Lưu
Ba cổ tích của nội
Bà nội Nam, lúc sinh thời, có kể ba chuyện cổ tích, Nam nhớ đến giờ. Không những nhớ chuyện, anh còn nhớ cả cái lưng còng, giọng nói hoang vu, nhớ đêm trăng tỏ, nhớ tấm chiếu rách giữa sân ngày xưa bà cháu vẫn ngồi…
*
Chuyện một - Cái ống tre
Lúc ấy, trăng lên khỏi đọt tre. Ánh sáng dường như phát xuất từ gốc tre. Trăng hứng lấy, hắt xuống sân.
Trong ánh vàng ấy, bà nội nhả trầu, quăng ra rào:
“Đêm nay, kể chuyện Con đười ươi.”
Nghe thế, Nam tức tốc chạy ngồi sát, hai tay đấm nhè nhẹ bả vai bà:
“Đười ươi là con gì hả nội?”
“Cháu không biết à?”
“Không.”
“Vậy, bà cũng không biết.”
“Không biết cũng kể. Mau lên. Lẹ lên.”
Bà nghiến răng, xoạt tay ra sau, cốc nhẹ đầu Nam:
“Thằng láu táu. Đấm vừa vừa chứ!” Tiếp, bà nở nụ cười rất đen (bà nhuộm răng mà!), giọng đột nhiên dịu lại: “Ừ, con đười ươi hao hao giống người, nhưng không biết tiếng người. Nó to tê. Lông lá đầy mình. Tay dài thườn thượt. Trông kỳ lạ, đơn độc. Thấy mà thương lung tung. Nó sống trong rừng già. Nó mạnh vô địch.”
“Mình không vật ngã nó được à?”
“Không bao giờ! Đôi lúc, ông nội cháu cũng như nó!”
“Ông nội xấu trai lắm à?”
“Đẹp chớ! Bà muốn nói ông nội có lúc mạnh như nó.”
“Ông nội mạnh lúc nào, hả nội?”
“Lúc say rượu.”
“Úi trời!”
“Mà này, cháu biết gốc tre không?”
“Biết.”
“Đấy, nó thò tay bẻ gốc tre, gãy kêu “kịch”, xé làm tăm xỉa răng! Cũng như cháu, ăn xong nó xỉa răng đàng hoàng.”
“Nó ăn gì mà dính răng?”
“Ăn gì chả được! Hồi nãy bà bảo đười ươi giống người, phải không?”
“Phải.”
“Ừ, vì giống con người, nên gặp người, nó vồ vập chạy đến nắm tay mừng rỡ. Do vậy, các người đi núi hãi lắm. Nó mà chạy đến làm quen, các “cha” ấy, quần liền… bọc cứt!”
“Tại sao? Tại sao? Hả nội?”
“Tại nó cầm tay mình, nhắm tít mắt, hoành tráng cười vui đoàn tụ. Nó cười dài một tháng mới xong! Mình đứng đấy chịu trận, đói bụng, chết khô! Thế nên, khi con người vào núi, phải giắt lưng theo hai ống tre.”
“Đem hai ống tre chi vậy? Bà nội?”
“Đem hai ống tre để xỏ cổ tay mình vào. Nó chạy đến mừng rỡ, nó nắm hai cổ tay mình, là nó nắm hai ống tre!”
“Úi trời, chơi “xỏ” quá!”
“Ừ, việc ấy mình vẫn tự hào “thông minh”! Này nhé, mình chờ nó cười tít mắt, không nom thấy trời trăng mây gió, mình bèn rút hai cổ tay ra, thong thả đi về nhà ăn cơm, ngủ khì…”
“Còn nó thế nào, hả nội?”
“Nó à? Nó cứ cầm hai cái ống tre, nhắm tít mắt, đứng đấy tha hồ mừng vui, tha hồ gặp gỡ! Một tháng sau, cơn mừng hạ xuống, nó mở mắt ra, thấy mình là… một-thằng-khùng!”
“Úi trời! Chơi “xỏ” quá!”
“Ừ, con đười ươi giận dữ, bóp nát hai ống tre, bứt tóc, đấm ngực đùng đùng. Thế nên, cháu thấy không? Nay, con đười ươi sói đầu, sói ngực, mồm luôn nhăn, miệng luôn nhó! Xấu ơi là xí! Tại con người cả đấy!”
“Nó ghét mình lắm, phải không nội?”
“Ừ, nó-quá-ngán-cái-ống-tre!”
Nam ngồi ghé lên bắp vế bà nội, ngước mắt nhìn trăng xuyên đám mây này qua đám mây khác. Không gian mênh mông. Im lặng bát ngát. Nam còn nhớ, lúc bà nội ngừng chuyện, bà im lặng têm trầu. Anh nghe buồn xông lên hai con mắt, rồi nằm đấy ngủ luôn.
Chuyện hai - Quả tim thằng bé
Vậy đấy, đêm lại đến, trăng nhô khỏi đọt tre. Bà cháu lại trải chiếu giữa sân. Thoạt đầu, ngắm trăng. Chặp sau, kể chuyện. Ngắm trăng, mình quên mình! Kể chuyện, mình nhớ mình!
“Muốn nghe chuyện “Quả tim thằng bé” không?”
“Thằng bé nào? Nội? Bà nội?”
“Thằng bé ngày xưa đó.”
“Ngày xưa làm sao? Lẹ lên. Lẹ lên. Nội?”
Bà nội liền nhả trầu, quăng ra rào:
“Ngày xưa, có một gia đình nghèo xơ xác… Cháu biết “nghèo” là gì không?”
“Nghèo là nhà mình.”
“Đúng! Nhưng nhà kia còn nghèo hơn nhà mình! Vợ chồng họ có đứa trai lên tám kháu khỉnh. Vào một đêm, lúc cả ba nằm ngủ trên chiếc giường ọp ẹp. Đột ngột, chị vợ nghe có tiếng chân người chạy giỡn rầm rầm trên mái nhà xiêu vẹo. Chị rón rén ra xem thử…”
Nam lết sát bà Nội, hai tay bấu vạt áo:
“Ai trên mái nhà? Hả nội?”
“Một ông tiên chơi trò thả diều.”
“Sao biết ông tiên, hả nội?”
“Nếu không là tiên, mái nhà xiêu vẹo của họ sập rồi! Phải thế không?”
“Phải.”
“Ừ, một ông tiên vàng rực toàn thân. Chị ta dụi mắt, há hốc nhìn sững. Không kìm được kinh ngạc, chị vụt trầm trồ: “Úi trời! Ông ta bằng vàng!”.
“Vàng thiệt, hả nội?”
“Vàng thiệt!”
Nam lật đật lọt thỏm vào lòng bà nội. Bà xoa đầu Nam:
“Nghe động, ông tiên khựng lại, thu diều, nhìn xuống đất: “Hừ, ta bị lộ! Vậy, ta cho ngươi đặc ân: Tay ngươi chạm đầu tiên vật gì, vật ấy biến thành vàng.” Phán xong, ông tiên hoá thành con quỉ gớm ghiếc, máu me đầy mồm, cắp diều vút xuống âm phủ!”.
“Nữa đi. Lẹ lên. Lẹ lên nội?”
“Ừ, chị ta hoảng hồn thét lên, giật mình tỉnh thức.”
“Chiêm bao à? Không phải thiệt à?”
“Ừ, lúc ấy chiêm bao! Giờ đây mới thiệt! Lúc hoảng loạn này, chị vồ người ôm chặt đứa con trai nằm cạnh. Chị nghe tay mình một cảm giắc cứng ngắt, lạnh lẽo của kim loại.”
“Đứa nhỏ thành vàng, phải không nội?”
“Phải! Thằng bé đã biến thành vàng! Căn nhà ọp ẹp tối tăm lập tức lấp lánh ánh vàng. Thế là… Từ đó họ hết nghèo.”
“Họ bán thằng nhỏ, hả nội?”
“Ai đủ tiền mua thằng nhỏ mà bán? Họ tìm xẻo những chỗ không làm chết được con mình mà bán lấy tiền! Họ xẻo tai, nhổ móng tay móng chân, vặt tóc, lạn môi, cắt lưỡi… Con họ vẫn sống được. Vợ chồng nọ đã giàu sang, nhưng lòng tham vô đáy, họ muốn tuyệt đỉnh giàu sang cơ!”
Nam nép sát bà nội, sợ hãi nhìn lên trời. Bầu trời trong vắt. Trăng đứng yên tại chỗ. Nam không thúc giục nữa. Anh lặng im. Bà nội lại tiếp:
“Họ móc mắt, xẻo thịt, chặt tay chân, moi cả lục phủ ngũ tạng đem bán lấy tiền!”
Nam ôm cứng bà nội:
“Thằng bé chết, phải không nội?”
“Không . Không thể bảo là “chết”. Vì chết hãy còn cái xác. Đằng này, thằng bé đã bị cắt nát để bán! Cuối cùng thằng bé chỉ còn là một-trái-tim!”
“Úi trời ơi!”
“Lúc ấy, vợ chồng hoảng hồn, lạc vía, kinh hãi khi thấy trái tim con mình.”
“Sao vậy? Sao vậy? Bà nội?”
“Vì trái tim con họ không biến thành vàng. Vẫn nhầy nhụa máu me, vẫn tươi rói, vẫn đập thoi thóp! Họ không biết phải làm sao với trái tim ấy! Họ phải làm sao hả cháu?”
“Họ phải làm sao, hả bà nội?”
“Họ phải làm sao hả cháu?”
“Họ phải làm sao hả nội?”.
Cuối cùng, không ai hỏi nữa. Không hỏi nữa. Cả hai bà cháu chìm trong im lặng. Im lặng như xung quanh vừa im lặng.
Chuyện ba - Cọp Hòn Hèo
Đêm lại đến. Trăng khỏi đọt tre. Chiếu cũ trải giữa sân. Bà nội lại quăng bã trầu:
“Đêm nay, chuyện Cọp Hòn Hèo. Cháu muốn nghe không?”
“Sao không muốn? Hỏi hoài! Hòn Hèo ở đâu hả nội?”
“Hòn núi to đùng trước mặt nhà mình đó.”
“Biết rồi. Kể lẹ lên. Lẹ lên.”
“Ừ. Đời xưa! Bà thích đời xưa, bà yêu nó lắm! Đời xưa, có ngài cọp dữ dằn sống đỉnh hòn Hèo. Một hôm, ngài muốn thay khẩu vị. Ngài muốn xơi trâu bò cho lạ miệng. Thế là ngài men ra bìa rừng.”
“Để bắt trâu bò hả nội?”
“Ừ, bắt trâu bò! Nhưng ngài không ngờ, trâu bò luôn có con người chăn giữ. Sợ bị lộ, ngài bẻ nhánh lá che mặt mình. Vừa soi qua nhánh lá, ngài hoảng vía, cong đuôi, phóng tuốt lại Hòn Hèo trốn biệt.”
“Sao vậy? Sao vậy bà nội?”
“Sao à? Vì khi soi qua nhánh lá, ngài cọp thấy trâu bò vẫn là trâu bò, nhưng riêng người chăn giữ không phải con người.”
“Không phải con người? Là con gì hả nội?”
“Là con quỉ! Một loại quỉ gớm ghiếc chưa bao giờ ngài nom thấy. Mình mẩy tua tủa dao nhọn. Mắt xịt ám khí mù trời. Miệng rịn máu tươi nhỏ giọt. Tay chân là dao là búa.”
“Úi trời! Cọp sợ là phải! Hả nội?”
“Ừ, ngài Hòn Hèo cong đuôi trốn biệt đến giờ! Cháu thương ngài không?”
“Thương.”
Nam ngã đầu vào ngực Nội, nghe buồn xông lên hai con mắt, len lỏi vào bụng. Im lặng mênh mông. Bà nội lại têm trầu.
*
Vậy đấy, ký ức về nội, nhỏ nhoi như chiếc còi đi săn, cứ mãi ré lên trong gió tâm hồn.
© 2007 talawas
Các bài liên quan
Ngô Phan Lưu sinh năm 1946. Quê Phú Yên. Đang là sinh viên khoa Triết, Đại học Văn khoa Sài Gòn thì Ngô Phan Lưu bị động viên đi trừ bị Thủ Đức. Sau năm 1975, ông sống bằng nghề làm ruộng và nhiếp ảnh ở Phú Yên. Bắt đầu viết văn từ năm 1995.
Tác phẩm: Bếp lửa chiều đông (tập thơ, 1997), Người không giăng câu Kiều (tập truyện, 2004)
Giải thưởng: Giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam với hai tác phẩm Buổi sáng biến mất và Cơm chiều.