talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



20.

Một ngày. 12 giờ đồng hồ. Liền tù tì ngồi nằm vạ vật trên chuyến xe từ miền ngược chạy về miền xuôi.

Không phải ngược rừng nữa mà là gì nhỉ: xuôi đồng bằng chăng. Nghe không vào.

Ta (Zê) sùm sụp mũ che mặt. Gác chân lên thành ghế hoặc co quắp như con tôm… và ngủ hoặc vờ ngủ. Không muốn bắt chuyện cùng ai. Không xuống ăn cơm uống rượu ở quán cơm ven đường khi xe đỗ lại đổ nước bơm xăng. Cũng không xuống dù một lần đi đái đi ỉa.

“Ta (Zê) chẳng khác gì thằng tù đang trốn trại.”

Và bây giờ. 8 giờ tối. Ta lục sục mở hai cái khoá cổng khu nhà vườn tuyệt vời. Còn hơn cả thiên đường (chắc chằn rồi. Vì ở thiên đường không có tự do tình dục).

Lao vào nhà tắm xối nước. Bẩn kinh khủng. Với chiếc khăn tắm trên dây thép. Chợt nhìn thấy cái xi lip mỏng dính khô cong như miếng bánh đa đu dưa õng ẹo. Chợt nhớ tới cô bé người Hàn Quốc. Cái xịp của Kim chan Sun đen nhẫy và bé tí. Giống như chiếc lá buộc hai sợi dây. Một cái xịp quá tối tân vì thế không kích dục. Đó là đối với ta (Zê).

Nom nó hung tợn và tự tin và có vẻ như dọa nạt hơn cái xịp ngơ ngáo đáng yêu của em gái sinh viên gái gọi nghiệp dư Việt Nam.

Nhai tạm một mẩu bánh mì. Uống cốc nước lạnh buốt. Chẳng thiết cắm bình điện Thái Lan đun nước. Hút một điếu thuóc lá. Và nhơ nhớ một cái gì đó.

Hiểu rồi.

On lai on lai… on lai… ba lô.

Hòm thư có ba thư đang đợi.

Thật là thú vị.

Cái cảm giác đó rất khó tả.

Giống như chờ đợi một gói quà bí mật.

Giống như chờ đợi một thiên sứ từ phương trời xa đang bay tới thăm..

Bật máy.

Lá thư thứ nhất. (không dấu )

Anh than yeu chac anh gian em lam vi sai hen khong email cho anh nhung mà em ban qua vì phải di lao dong trong cay xanh cho nhà truong. em khong noi doi anh dau. em co ke chuyen duoc gap anh cho thay giao chu nhiem nghe (tat nhien là tinh co gap anh o ben xe chu khong phai tren giuong). Em khong ngo thay chu nhiem ca ngoi anh ghe the. thi ra em vua duoc han hanh lam quen voi mot nha van rat lon tac gia mot quyen tieu thuyet hay nhat hien nay. Thay chu nhiem co hen em hom nao ra nha vuon tham anh. tat nhien la anh phai cho phep.Chu nhat toi neu anh khong ban thi anh em minh lai gap nhau nhe. anh khong phai don. em se xe om ra. hon anh mot cai vao giua mui. em day. H

Lá thư thứ hai. (vẫn không dấu )

Kính gui anh than yeu,

Anh gian em day a. em khong nghi la anh gian em dau day mac du em co sai hen email cho anh. khong hieu sao em cu nho nho anh và thay hinh nhu chung minh da quen biet nhau tu lau roi. bon em dang phai lam mot luan van nho nho ve cuon tieu thuyet moi nhat cua ong mac ket hoi uc ve nhung co gai diem buon của toi. em da nhăc lại cho thay chu nhiem nghe may loi nhan xet cua anh ve cuon tieu thuyet nay. anh co biet khong thay chu nhiem ha hoc mom và bao em là chu nhat nay phai dan thay ra nhà vuon gap anh de thay moi anh vao noi chuyen voi lop cua em. that la thu vi.nhan duoc thu nay anh eamil ngay cho em nhe. thong tin thuong xuyen quan trong lam day. em ban qua.chao anh than yeu. hon anh nhieu. em day. H.

Lá thư thứ ba. (có dấu )

Tôi có gọi điện thoại cho ông (số máy ở nhà) nhưng bà vợ ông cho biết là ông đang một mình trên nhà vườn sáng tác. Thật thú vị. Nghe mà thèm rỏ rãi. Ông sướng hơn Chúa. Tôi sáng Pháp từ năm 1950. Tôi có hai bằng tiến sĩ. Vậy mà bây giờ vẫn chỉ một căn hộ lầu mười bảy trong một cái quận rìa Paris. Cái khu nhà vườn sáng tác của ông có nằm mơ tôi cũng không dám. Mà bỗng dưng có thằng điên tặng tôi khu nhà vườn như thế thì tôi cũng lạy nó ba lạy rồi quay đầu chạy thục mạng. Ở bên này ngự trong một diện tích như vậy thì chỉ nguyên tiền thuế đất thôi cũng chết nghẹn rồi không thể kham nổi. Thứ Bảy tới ngày… tháng… tôi sẽ bay vào chuyến…. như thế là đúng x giờ ngày… tháng… tôi sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài. Không cần đưa đón gì cả. Tôi sẽ tac xi lên thẳng nhà vườn sáng tác như ông đã dặn tôi. Hy vọng lần này ông sẽ không bỏ mặc con chó già này và chỉ cho nó ăn toàn những của thừa của ông nhè ra. A ha. Còn việc nữa. Công việc dịch thuật tiểu thuyết của ông vẫn tiến hành rất trúc trắc ngắc ngứ không phải những người dịch kém tiếng Tây mà vì họ kém tiếng cái tiếng Việt. Tôi nói đây là cái tiếng Việt ông đã bịa đặt ra qua nhiều trong tiểu thuyết của ông. Cái này cũng phải xem xét lại. Tôi hy vọng mấy hôm nữa gặp nhau tôi sẽ trình bày kĩ vấn đề này và chúng ta phải tìm ra giải pháp đặng làm cho công việc dịch cuốn tiểu thuyết này có hiệu quả cao nhất... Thân. Con chó già trụi lông bạn ông.


*

Từ núi rừng tháo chạy một mạch trở về tới khu nhà vườn thân yêu. Chưa kịp nằm thở được một ngày. Ta (Zê) ông chủ sổ đỏ chốn thiên đàng pa ra dít ngay lập tức lại được đón hai vị khách quý không mời mà đến.

Một cô bạn gái sinh viên gái gọi nghiệp dư (thiếu nữ mùa xuân) và một ông bạn già (con chó già trụi lông) nhà dịch thuật nổi tiếng hơn bảy chục tuổi người Pháp gốc Việt họ tên đầy đủ Zăng Thọ.

Sướng hay là khốn nạn đây.

Kia rồi có tiếng chuông reo ngoái cổng

“Mở cửa. Mở cửa.”


© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài