talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 20.01.2008
Nguyễn Đình ChínhOnlai... balô



Nguyễn Đình Chính
Nguyễn Đình Chính

Ảo giác 2007 là tên bộ sách tập hợp những sáng tác mới nhất của Nguyễn Đình Chính trong năm 2007 (gồm 1 vở kịch, 20 bài thơ và 1 tiểu thuyết), đang chờ xuất bản. talawas chủ nhật kì này xin được giới thiệu Onlai... balô, cuốn tiểu thuyết, tác phẩm chủ đạo trong bộ sách này.

talawas chủ nhật

Nguyễn Đình Chính

Onlai... balô

Nguyên do viết quyển tiểu thuyết này: Tôi thấy cần phải ép mình vào một cuộc chạy ma ra tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình.

Nguyễn Đình Chính


 



22.


Một ngày mới.

Tỉnh giấc.

Nắng sớm xiên qua cái lỗ thủng toang hoác trên tường.

Ấm áp. Dễ chịu.

Tiếng hót lảnh lót của con chim bạc má. Buổi sáng đầu tiên thức giấc ở trong khu nhà vườn này. Bốn năm trước. Cũng nghe thấy tiếng hót này. Lại một thông điệp chét tiệt của vườn địa đàng gửi cho ta (Zê)?

Hay gửi cho ai? Không biết.

Nhắc nhở cái gì? Cũng không biết. Mà cũng không cần biết.

Thông báo cái gì . Không biết .Mà cũng không cần biết.

Mang lại tin vui mùa xuân hay là bão lửa cào cấu xé nát tâm hồn ( Sến chưa ). Không biết. Cũng đếch cần biết.

Một con gián ngoe nguẩy râu bò ngang qua Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi (tất nhiên là của Mác Kẹt) vất lăn lóc trên nền nhà.

Chuông cổng réo lên inh ỏi. Không tình tính tang tang tíng tình tang mà là réng réng réng réng .

Tung chăn lao ngay ra cổng.

Xích khoá rơi loảng xoảng.

Hiện ra không phải con chó già Jăng Thọ. Ria mép. Quần bò chíp hôi. Ba lô bụi sau lưng. Cũng không phải em gái sinh viên gái gọi nghiệp dư nhí nha nhí nhảnh. Em chanh peo ạ.

Quần áo vớ vẩn. Tóc tém màu hạt dẻ. Mũi thẳng. Răng rất đều. Xinh. Nai. Và gợi dục.

Lạ hoắc.

Ai thế này?

Nhà vườn Phúc Yên, 10. 2007

© 2008 talawas

Nguyễn Đình Chính sinh ngày 28.10.1946 tại số nhà 14 Nguyễn Thái Học (nhà bác sĩ Chính), Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2004) và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga (1926-1951). Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Nguyễn Đình Chính (lúc ấy chưa tới 2 tháng tuổi) và anh trai (2 tuổi) được mẹ bồng đi di tản lên Việt Bắc. Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh 2/4. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.

Tác phẩm Xưởng máy nhỏ của tôi (tiểu thuyết đầu tay, 1976); Nhớ để mà quên (tiểu thuyết, viết năm 1981 nhưng đến 1998 mới được in, đã được dịch ra tiếng Pháp); Con phù du cánh mỏng (tiểu thuyết, 1986); Đêm thánh nhân (tiểu thuyết tâm đắc nhất, dài hơn 1000 trang, viết năm 1990-1992, in tập I năm 1998, dự định sẽ in tập II vào năm 2000, nhưng không được cấp giấy phép. Tháng 10.2006, Nxb. Văn Học in trọn vẹn cả hai tập dưới tựa đề mới là Ngày hoàng đạo.) Kịch bản điện ảnh (đã dựng phim): Rừng lạnh, Bãi biển đời người, Hồi chuông màu da cam, Người trên mặt sôngHòn đảo chìm xuống (không được duyệt). Duyên nợ trần gian (kịch bản sân khấu, giải thưởng Liên hoan sân khấu ở Hàn Quốc 2002) và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.

 

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài