talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 17.07.2008


Đào HiếuLạc đường


Dao Hieu
Đào Hiếu

“Năm sáu mươi tuổi tôi khởi sự viết tự truyện này. Sáu mươi là tuổi ‘nhĩ thuận’ nhưng lỗ tai tôi nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa tập thiền trong gần một năm, học theo Nam Tông, đọc Trung Bộ kinh, Bát chánh Đạo, luyện Tứ Niệm xứ… nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút. Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. Nói dối trên nền nhạc Richard Clayderman. Quanh năm suốt tháng cứ Clayderman. Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền. Học không được, bỏ lên núi với Dã Nhân và chú mọi nhỏ.”

Đó là những lời ở chương cuối, mang tên Một đời không bến bờ, trong cuốn tự truyện mang tên Lạc đường của một người từng tích cực góp phần trong những chặng đường quan trọng của dân tộc Việt Nam gần nửa thế kỉ qua: phong trào sinh viên miền Nam chống Mỹ, Việt Nam sau chiến tranh, Việt Nam đổi mới và sau đổi mới, ở vị trí của một nhà báo và nhà văn làm việc lâu năm tại hai cơ quan truyền thông hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh – báo Tuổi Trẻ và Nxb Trẻ. talawas chủ nhật kì này hân hạnh giới thiệu tác phẩm vừa hoàn thành này của nhà văn Đào Hiếu.

talawas chủ nhật

 

Đào Hiếu

Lạc đường

(Tự truyện)

Mục lục

  1. Bayle và anh Việt cộng chịu chơi
  2. Huế, những cây vả và sương mù
  3. Những ánh lửa đốt đồng
  4. Trận đánh không được báo trước
  5. Vụ Huỳnh Tấn Mẫm
  6. Từ nhà tù đến trại tập trung
  7. Con nhện và Sisyphe
  8. Đại đội 22 trinh sát
  9. Mẹ tôi
  10. Trí thức nằm vùng
  11. Cô “Múa Đẹp” của Kôngpông Thom
  12. Tiếng leng keng của tàu điện
  13. Chút quà tặng của mùa Đông
  14. Chú mọi nhỏ của Dã Nhân
  15. Thế giới đang bốc mùi
  16. Những cộng tác viên của tôi
  17. Những chiếc lá rơi vào bụi hồng
  18. Lời thú tội của một sát thủ
  19. Đến Mỹ một lần rồi chết
  20. Chia tay
  21. Những con chó rơm của Khổng Tử
  22. Linh hồn của chuyến công tác
  23. Con cá voi trong ly nước
  24. Cuộc hội ngộ ở Saint Petersburg
  25. Cha tôi
  26. Nhìn đâu cũng thấy núi
  27. Sát thủ, gái điếm và đĩ đực
  28. Bỉ quân tử hề!
  29. Con chim sẻ cuối cùng ở Hàng Châu
  30. Một đời không bến bờ


1 - 5 6 - 10 11 - 15 16 - 21 22 - 30


1. Bayle và anh Việt cộng chịu chơi

Năm 1965 tôi có hai người bạn thân. Người thứ nhất là Bayle, lính thuỷ đánh bộ Mỹ và người thứ hai là một Việt cộng.

Việt cộng này không đi dép râu, không đội nón tai bèo mà để tóc dài, hút Bastos xanh và uống Whisky. Anh ta là Trần Quang Long, thi sĩ.

Còn gã lính thuỷ đánh bộ Mỹ là một thanh niên da trắng, tóc nâu, vừa tốt nghiệp đại học Yale thì bị thảy qua chiến trường Việt Nam. Hắn cũng thích Whisky và chơi ghita cổ điển. Tôi cũng chơi nhạc cổ điển nên hắn khoái tôi.

Thường tới nhà. Ăn ngủ ở đó.

Nhớ bồ, khóc lóc cũng ở đó.

Bayle chơi nhạc flamenco của Sabicas rất bốc, nhưng hắn lại thích nghe tôi chơi những tác phẩm của Tarrega. Hắn nói mỗi lần nghe Tarrega tao buồn quá.

Ngày kia khi tôi vừa tiễn hắn ra đầu hẻm thì một viên cảnh sát áo trắng đến. Ông ta hỏi:

"Thằng Mỹ nào vậy?"

"Bạn của tôi."

"Nó vô trong xóm lao động làm gì?"

"Vô chơi."

Viên cảnh sát ghé tai tôi:

"Em dại lắm. Dẫn nó vô xóm lao động lỡ bị Việt cộng ám sát thì em sẽ tù rục xương."

Nhưng Bayle vẫn đến. Anh ta có thể ăn bất cứ món gì mà người Việt ăn được, nhất là những đặc sản Bình Định như chim mía, nem Chợ Huyện, mắm cua…

Trần Quang Long và Bayle không biết nhau, không thù nhau, không thân nhau. Còn tôi thì thân cả hai người.

Long dụ tôi theo Việt cộng. Rồi cùng Long tổ chức những cuộc biểu tình rộng lớn chưa từng có tại Qui Nhơn vào mùa Hè năm 1965.

Long là một anh chàng cộng sản rất quậy. Tôi cũng quậy. Chơi xả láng với cảnh sát, với dùi cui ma trắc, lựu đạn cay và nhà tù. Còn Bayle thì không biết gì cả nhưng anh ta đã chết ngay trên đường phố. Long bị đánh gãy chân còn tôi bị tống ra đảo Phước Lý cùng với một thằng bạn có tên là Dã Nhân.

Bayle chết không thù hận. Hồn nhiên như đứa trẻ. Tôi nhớ những ngón tay của anh ta thon dài tái nhợt trên nền xi măng lấm lem. Đó là những ngón tay tài hoa từng cùng tôi đánh thức dòng nhạc trữ tình của Tarrega mà anh ta rất thích. Lúc Bayle chết, tôi và Trần Quang Long đang nằm trong quân y viện Qui Nhơn, bệnh viện của những người lính Sài Gòn.

Bayle chết cùng ngày với một ông già Việt Nam.

Đó là cha của Dã Nhân.

*


Nhưng chúng ta hãy trở lại cuộc biểu tình hai chục ngàn người do Trần Quang Long, Dã Nhân và tôi tổ chức.

Khi đêm xuống, cảnh sát tấn công vào ngôi trường tiểu học nơi chúng tôi đang cố thủ. Chúng bắn nát các bóng đèn. Bóng tối trùm xuống. Khói cay tràn ngập khắp nơi, chảy cuồn cuộn vào cổ họng như những con bọ nóng rát. Báng súng đánh phủ đầu giữa tiếng la hét của các nữ sinh.

Nhưng trận đòn thù ác liệt nhất vẫn chỉ tập trung vào một người.

Khi tôi đỡ Long nằm xuống thì nghe một tiếng động nhỏ. Tôi xắn ống quần Long lên, thấy chỗ vết thương có một cái khớp. Đó là chỗ xương gãy. Máu ở đó trào ra, không mạnh nhưng cầm hoài không được. Tôi gọi y tá trong trại giam đến chích thuốc cầm máu. Chúng chích cho Long mấy mũi mà vẫn không cầm được máu. Sáng hôm sau chân Long sưng tấy lên và mặt anh tái mét. Chân sưng to làm ống quần Long căng cứng, Long day trở khó khăn nhưng anh không kêu. Long bảo tôi:

"Xé giúp mình cái ống quần."

Tôi xé theo đường chỉ may, xé toạc lên tới đùi. Vải quần đẫm máu đã khô cứng lại, dày cộm. So với chân bên kia, chân bị thương thật dễ sợ. Xé ống quần rồi, thấy nó như phồng thêm lên. Thế mà vết thương vẫn không ngừng rỉ máu. Trưa đó, một chiếc xe bít bùng đến và chúng đặt Long lên băng ca, khiêng bỏ lên xe, đóng sập cửa lại.

Tôi bị còng tay và đẩy lên một chiếc tàu nhỏ của hải quân. Cùng đi với tôi có Dã Nhân, một Phật tử cao lêu khêu và đen đúa như con khỉ đột.

Mặt biển buổi trưa phẳng lặng và sáng như một mảng kim loại. Con tàu nhỏ tròng trành. Hai người nằm ngủ vùi trong khoang tàu bẩn thỉu cạnh những cuộn dây thừng to. Xế chiều tàu cập bến một hòn đảo nhỏ giữa biển. Vẻ đẹp của biển hoàng hôn làm tôi tỉnh táo trở lại. Tôi ngồi cạnh Dã Nhân hút thuốc lá và nhìn ra biển. Dã Nhân ngồi hát. Biển im, tiếng hát nghe rất rõ trong cơn gió nhẹ, trong tiếng kêu rít rít của mấy con yến trắng.

Bóng những người lính Sài Gòn đi lại trên cồn cát, mũi súng M16 đâm thẳng lên như những nét kiếm thẳng tắp. Họ cử động cũng chậm chạp, câm lặng và uể oải. Một viên hạ sĩ đến và ra lệnh:

"Tắt thuốc lá đi nếu không muốn Việt cộng bắn trúng ngay mặt."

Dã Nhân búng tàn thuốc lá lên không và cho hai tay vào túi quần. Viên hạ sĩ quan ra hiệu cho chúng tôi đi theo anh ta đến cái lều vải nhỏ để lãnh mùng mền.

Toán quân leo lên ngọn đồi thấp. Họ leo mất nửa tiếng đồng hồ mới lên được tới đỉnh đồi. Mệt mỏi.

Cùng lúc ấy, Trần Quang Long bị gởi đi Tây Nguyên với vết thương còn rịn máu. Có lẽ anh cũng đang nằm nhìn mặt trăng vàng bệt này trong một khu rừng nào đấy và ở đó cũng có những người lính gác đi đi lại lại.


*


Tôi và Dã Nhân được đưa về đất liền trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ của dân chài. Chúng tôi được giải giao về ty cảnh sát và trả tự do một cách nhanh chóng, không bị hạch hỏi hay làm thủ tục giấy tờ gì rườm rà.

Về đến nhà tôi được biết hai cái tin quan trọng: Trần Quang Long cũng được đưa từ Tây Nguyên về nằm điều trị tại quân y viện Qui Nhơn và tôi đã có kết quả đậu tú tài hai.

Lúc ấy ngoài phố có nhiều tiếng huyên náo. Những người đi xe đạp và xe gắn máy đều bị chặn lại. Một đoàn xe Falcon đen bóng đang từ dưới đường Gia Long chạy lên, đậu ngay trước lầu Việt Cường. Trên xe bước xuống toàn sĩ quan tướng tá Mỹ. Bọn quân cảnh Mỹ bồng súng chào. Các sĩ quan Mỹ đi thẳng vô phòng khách của toà cao ốc nơi được thuê làm đại bản doanh của quân đội Mỹ đóng ở Qui Nhơn. Trong bãi đậu xe có tới trên dưới ba mươi chiếc xe vừa Falcon vừa Jeep lùn.

Chúng tôi rẽ đám đông, trở về căn nhà của Dã Nhân trên bờ đầm Thị Nại. Ba Dã Nhân là một ông già thấp bé nhưng chắc chắn. Tôi ngồi coi ông vá lưới trong khi chờ Dã Nhân thay quần áo.

"Mày sửa soạn đi đâu đấy? Ông già hỏi."

"Con đi với bạn vô bệnh viện thăm thầy Long."

*


Long xanh xao hơn trước. Cái chân gãy đã được băng bột và trên lớp băng trắng cứng ngắc ấy, Long đã vẽ đầy hoa hippy.

"Đưa cho mình cái xe lăn."

Long khá to con nên phải cố gắng mới đỡ anh vào xe được. Ngồi vào xe, Long trông có vẻ phong độ hơn là nằm trên giường, giống hệt như anh đã leo lên được trên lưng ngựa. Anh đẩy mạnh hai bánh cho chiếc xe lăn đi một đoạn dài, rồi cười ha hả.

"Bây giờ mình giống hệt đứa con nít mới tập đi, Long nói. Cho mình một điếu thuốc."
Long đánh diêm, bàn tay khum khum che ngọn lửa nhỏ, đầu nghiêng qua một bên. Có tiếng gõ cửa.

Khách là đồng bào Phật tử. Họ đến thăm người lãnh tụ phong trào đấu tranh chống Mỹ Thiệu Kỳ đàn áp Phật giáo. Từ hôm Long được chuyển về điều trị tại đây, đã có biết bao nhiêu lượt tín đồ Phật giáo đến thăm anh như thế. Trong suy nghĩ của họ thì Long là một Phật tử dũng cảm sẵn sàng xả thân vì đạo pháp, sẵn sàng "chết dưới chân thầy".

Xế chiều, Dã Nhân về. Tôi đẩy xe lăn ra đứng nơi hành lang ngó ra biển. Biển cũng buồn và gió thì cứ lồng lộng. Tiếng sóng vỗ nghe ì ầm, dữ dội, nhưng vẫn cứ buồn, vẫn cứ thấy xa thẳm mơ hồ mặc dù những ngọn sóng kia chỉ cách chỗ hai người có một hàng dương. Long nói:

"Niên khóa tới chắc mình sẽ bị đổi đi nơi khác."

"Đi đâu?"

"Chưa biết được, nhưng chắc là nó không để mình dạy ở đây nữa. Còn em, em sẽ vào đại học nào?"

"Chắc là Sài Gòn."

"Sài Gòn là nơi phong trào sinh viên rất mạnh. Đời em sẽ trưởng thành ở môi trường đó. Mình vẫn hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau ở đó."

Có tiếng ai ca vọng cổ ở đầu hành lang. Phía ấy lô nhô mấy cái bóng trắng. Thấy Long và tôi đứng gần, họ gọi:

"Lại đây chơi, mấy anh."

Long bảo tôi đẩy xe lại gần họ. Đó là những người lính còn rất trẻ và trông có vẻ quê mùa tội nghiệp. Hai người cụt tay, một người khác chân bị cưa lên tới quá đầu gối. Người thứ tư bị băng kín một con mắt. Họ xa nhà, nhớ người thân nên ngồi lại với nhau hát vọng cổ. Thấy Long băng bột, họ hỏi:

"Anh đụng trận nào vậy?"

Long cười, nói:

"Tôi cũng giống như các anh. Mình là người Việt Nam, có muốn đánh nhau đâu nhưng vẫn cứ ăn đạn. Cũng may là không đến nỗi phải cưa. Anh em ở tỉnh nào?"

"Dạ, tụi em ở Bến Tre. Có thằng ở Sa Đéc nhưng đều là lính của sư đoàn 22."
Long tiếp lấy mấy hạt đậu rang trên tay người lính trẻ. Rồi anh bảo tôi:

"Về mở tủ. Lấy nhiều nhé."

Tôi đem quà đến. Những người lính sửng sốt. Long nói:

"Mình có nguyên một tủ quà, không cách gì ăn cho hết. Xin các bạn hãy ăn giúp mình nhé. Và đem về chia cho những anh em khác, nhất là những người bị thương nặng."

Xử sự của Long làm họ đổi cách xưng hô, một người nói:

"Cám ơn đại uý. Đại uý cho tụi em nhiều quá."

Long cười khà khà. Tôi đẩy xe đưa Long về phòng. Và khi tôi vừa đỡ Long nằm xuống giường thì một tiếng nổ vang rền dữ dội, từ phía thành phố vọng lại.

Sau đó là một phút im lặng ghê gớm.

"Chuyện gì vậy?"

Có tiếng hỏi nhau xì xào ngoài hành lang.

Tôi nhìn Long, sửng sốt. Long nghiêng người qua, nói nhỏ vô tai tôi:

"Đặc công!"

*


Bayle đã chết trong tiếng nổ long trời đó. Nhưng lúc ở trong bệnh viện tôi không hề biết. Tôi cũng không biết là ba của Dã Nhân cũng đã chết trong đêm kinh hoàng ấy.

Lúc bấy giờ đã khuya, trời tối đen. Sau tiếng nổ là một sự im lặng ghê gớm. Tiếng gió hú ngoài biển càng làm cho sự im lặng thêm man rợ. Nhưng chỉ một lát sau đã nghe tiếng máy bay trực thăng quần đảo trên đầm Thị Nại. Rồi từng loạt đạn đại liên M60 trút xuống đầu những ngọn sóng. Bầu trời bị chấn động, rạn vỡ, tan nát. Những cơn gió rách tả tơi. Những ngọn sóng toé máu. Thuyền đánh cá vung vãi như giẻ rách. Người chết không một lời kêu cứu. Cuộc trả đũa tàn khốc và mù loà. Tiếng động cơ máy bay và đạn pháo thì gầm thét nhưng cái chết thì câm lặng, tắt nghẹn, chìm khuất.

Sáng hôm sau tôi đến lầu Việt Cường, nơi đặt Tổng Hành dinh của quân đội Mỹ. Toà cao ốc này sụm xuống như một cái đèn xếp. Lộ ra một mảng trời đục. Hôm qua, nơi đây cảnh sát đã dọn đường cho phái đoàn quân sự cao cấp Mỹ đến họp. Và sáng nay những người cảnh sát này lại đến, cùng với quân cảnh Mỹ, cô lập khu vực này lại cho công binh Mỹ dùng cần cẩu bốc những tảng bê tông lên và chui vào lấy xác.

Tôi len lỏi vào đám đông. Đột nhiên tôi nhìn thấy Bayle nằm lẫn trong đống xác lính Mỹ vừa được kéo ra xếp hàng trên nền đất.

Bayle nằm sấp, mặt nghiêng về một bên, mũi dập nát và đầy máu. Nhưng tôi nhận ra anh nhờ hai bàn tay. Cũng giống như hai bàn tay tôi – bàn tay của người chơi đàn ghita cổ điển – tay phải để móng dài, tay trái đầu ngón tay bè ra và chai cứng. Trong số những tác phẩm của Tarrega mà Bayle thường chơi có bài “Giọt nước mắt” (Largrima). Bây giờ giọt nước mắt đang chảy trên má tôi.

Lúc ấy Dã Nhân xuất hiện và kéo tôi chạy ra đầm Thị Nại.

Một đám đông đang tụ lại bên hàng rào kẽm gai. Viên cảnh sát ra lệnh cho các tù nhân đem băng ca xuống bãi cát. Mấy cái xác nằm lẫn trong rác rưới và vỏ sò. Mấy chiếc máy bay phản lực còn bay vòng ngoài biển, phía trên những ngọn núi còn phủ đầy khói.

Bãi cát ở thụt sâu dưới thấp. Mấy xác chết nằm im lìm như những vết đen trên một nền cát xám ngoét. Những người đến xem đứng dọc theo hai bên đường ray.

Khi xác chết được khiêng lên thì mọi người đều im lặng. Không một âm thanh nào ngoài tiếng động cơ của chiếc máy bay thám thính L19 đang trinh sát trên cao.

Nạn nhân là một người đàn bà và hai người đàn ông. Cái cổ người đàn bà nát bấy, sạch hết máu và thịt đã xơ xác ở miệng vết thương. Cánh tay người đàn ông thì gãy quặt ra đàng sau, co quắp. Chiếc xe chở xác trờ tới. Những người có thân nhân đánh cá ngoài biển đêm qua hấp tấp chạy lại chỗ xe đậu để xem mặt các nạn nhân. Một phụ nữ nhận ra xác chồng mình liền ngất đi, ngã xuống đường cái, đám đông bu lại lo cứu chữa. Mấy đứa trẻ con khóc nức nở lẫn trong tiếng chó sủa inh ỏi.

Dã Nhân cúi sát xuống xác chết của người đàn ông để nhìn cho rõ nhưng không phải cha mình, người này còn quá trẻ. Anh quay lại, nắm lấy tay tôi, mắt đỏ ngầu.

Chiếc xe chở xác bỏ đi, những người lính và những người đứng xem cũng về hết. Tôi và Dã Nhân trở về dọc theo đường sắt.


*


Hôm sau, gia đình Dã Nhân được chính quyền gọi đến nhận xác. Vì chờ lâu ngày nên xác cha anh được liệm sơ sài trong một chiếc quan tài gỗ.

Tôi chỉ còn nhớ vài hình ảnh rời rạc ở nghĩa địa. Cái huyệt đào trong vùng đất có nhiều sạn. Những cánh tay nổi gân sạm đen của những bác xích lô đang cố gắng hạ chiếc quan tài xuống huyệt. Mấy người thầy cúng tụng niệm lâm râm.

Ở nghĩa địa ra, Dã Nhân và tôi đi bên nhau im lặng. Buổi chiều toả sương trắng trên mặt biển.

Con đường nhựa loang lổ ánh sáng vàng đục.

Quán cóc bên đường.

Dã Nhân im lặng rất lâu trước ly rượu đế. Hơi men nồng làm da mặt anh căng ra. Anh rót thêm rượu vào ly, đốt một điếu thuốc rồi bảo tôi:

"Uống đi. Tao cần mày uống."

Nói xong anh lại uống nữa. Mắt mờ đục. Khuôn mặt trắng trẻo của cô gái thì bất động, mơ hồ, cái mỉm cười lướt qua trên môi.

Tiếng chuông đổ dài, ngân nga rồi dồn dập như một con nước chảy ập xuống dốc cao.
Hai người đi về phía biển. Dã Nhân đã say mèm. Tôi phải dìu bạn vào một căn nhà bỏ hoang ngoài xóm cá. Căn nhà xiêu đổ, mái tranh bị gió cuốn tróc ra. Chiếc giường tre khá rộng không có chiếu. Dã Nhân nằm vật xuống, nôn mửa thốc tháo rồi ngủ thiếp đi.

Tôi thức dậy lúc nửa đêm. Dã Nhân khóc. Anh co quắp lại, úp mặt trong tay, thân thể rung chuyển mỗi lần anh nấc lên. Tôi đã tỉnh rượu, cảm thấy gió biển mát lạnh trên hai gò má. Tôi nằm im, vuốt ve mãi mu bàn tay khô khan của Dã Nhân, nghe tiếng sóng vỗ dạt dào bên ngoài, tiếng trở mình âm thầm của biển đêm.


2. Huế, những cây vả và sương mù

Tôi đến với Huế mà không hẹn trước. Lẽ ra tôi đã theo Trần Quang Long vào Nam nhưng cuộc đời sinh viên của tôi lại bắt đầu ở Morin, bên này cầu Tràng Tiền. Chính quyền Sài Gòn lúc đó muốn phân tán lực lượng nòng cốt của phong trào học sinh ở Quy Nhơn nên đã thuyên chuyển các thầy “Việt cộng nằm vùng” mỗi người đi mỗi ngả. Trần Quang Long về dạy ở Cần Thơ, thầy Thông lên Tây Nguyên và Lê Phước Cương về Quảng Trị.

Cương nói:

"Em nên về Huế và ở nhà tôi. Long sắp lấy vợ, ở với Long không tiện đâu."

Thế là tôi đi Huế.

Bây giờ, Huế đã xa lắc nhưng khoảng trời xanh ngắt của những đêm trăng Vĩ Dạ vẫn ở trong tôi cùng với những buổi sáng lạnh lẽo, mưa dầm, nước sông Hương tràn qua Đập Đá.

Đi bộ 5 cây số từ Vĩ Dạ lên Morin, mò mẫm qua Đập Đá như đi trên mặt sông. Huế dày đặc sương mù. Đứng bên Morin nhìn qua bên kia sông chẳng thấy chợ Đông Ba đâu cả. Thành quách cũng mờ ảo, chìm khuất trong vô định, hiu hắt khói sóng.

Tôi ra Huế “làm cách mạng” mà như đi vào cõi huyễn mộng phù du của một thời vàng son xa hút. Có người chê tôi, bảo: “Mày làm cách mạng cái kiểu gì vậy?” Tôi cũng không biết đó là kiểu gì. Có thể đó là kiểu của Phạm Thái của Trần Quang Long. Kiểu đó dở hay hay, không biết được, nhưng nó trong sạch, nó hồn nhiên. Cho tới bây giờ, khi các anh đã trở thành những ông quan cách mạng, những ông tư sản đỏ, thì tôi vẫn là kẻ si tình đi tìm đôi mắt Trương Quỳnh Như.

Các anh từng hỏi tôi: “Mày làm cách mạng cái kiểu gì vậy?” Còn bây giờ thì tôi hỏi các anh:

"Các anh làm cách mạng cái kiểu gì vậy?"

Câu hỏi của các anh tôi đã trả lời rồi. Còn câu hỏi của tôi. Các anh có trả lời được không? Có dám trả lời không hay vẫn phớt lờ. Và âm thầm chia nhau cái miếng thịt Việt Nam béo bở này?

Tôi là một chàng thi sĩ ngốc nghếch nên vẫn nhớ những ngày mưa dầm dề trên phố Huế, những buổi sáng sương mù, những cây vả lùn, lá to như cái sàng gạo và trái thì bự như quả cam sành, bổ làm đôi, trong ruột có những cái nhuỵ màu tím sẫm.

Một năm ở Huế tôi làm được gì trong “cuộc đời hoạt động cách mạng” của tôi? Móc nối vài người, hẹn hò vài cô giao liên trong Hồ Tịnh Tâm, học tập lén lút vài khóa chính trị sơ đẳng. Chẳng là gì cả. Toàn bộ thời gian là mơ mộng và ôm ấp cái lạnh cắt da của mùa Đông. Mùa Đông tôi chỉ có một cái áo lính kaki dày cộm. Tôi đem nhuộm đen cho khác với màu của anh lính Sài Gòn.

Sau những biến cố đẫm máu thời Ngô Đình Diệm, Huế đã co lại. Khi tôi đến, thì Huế như cô gái nhỏ ngái ngủ cuộn mình trong chiếc mền dày cũ kỹ, nhõng nhẽo. Huế dẫn tôi đi trên những con đường rợp bóng cây, những bãi cỏ dày bên bờ sông Hương. Tôi thường ngồi lại trên những rễ cây già bò xuống mé nước, nghe con sóng nhỏ róc rách, thủ thỉ, ân ái. Tôi gặp Huế tháng Chín năm 1965, năm tôi hai mươi tuổi còn Huế thì mười tám.

Chúng tôi yêu nhau, khờ dại và âm thầm.

Suốt một năm ở Huế tôi không có người bạn gái nào cả. Thoáng qua vài cái tên như Khuê mặc áo dài tơ sống màu hoàng yến, cao và ốm. Như Bích lúc nào cũng mặc đồ trắng và lúc nào cũng nhìn tôi, cái thằng cha muôn đời chỉ có mỗi một chiếc áo lính kaki nhuộm đen dày cộm.

Có một gã trai trẻ, ốm nhách, đeo kính cận gọng to. Gã cũng mặc áo kaki như tôi nhưng đó là chiếc áo thanh niên cộng hoà của ông Ngô Đình Nhu. Chiếc áo màu xanh nước biển không biết gã xin được của ai, mặc thay cho áo lạnh. Gã cũng là một nhà thơ vĩ đại như tôi vậy. Nhà nghèo. Ở An Cựu. Tôi dụ gã theo cộng sản, gã nói:

"Tao làm thơ. Không làm cách mạng."

Dù vậy gã cũng từng là bạn của những nhà cách mạng sinh viên nổi tiếng ở Huế thời đó như Trần Vàng Sao, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Ngọc San…

Tôi thương gã vì chúng tôi cùng nghèo, cùng thu mình lại trong giảng đường thênh thang của khu Rorin quý tộc cũ. Gã tặng tôi bốn câu này:

Năm một chín sáu lăm
Bước chân vào đại học
Ôi vàng son, vàng son
Tôi ôm mặt đứng khóc.

Có lẽ sau giải phóng gã cũng đã hơn một lần “ôm mặt đứng khóc” như thế. Tội nghiệp người bạn tốt. Tội nghiệp chúng ta quá, Phụng hỉ!

Bây giờ mi đang làm gì? Ở đâu? Không hề thấy tên mi trong đám quan lại ở Huế.

Với tôi, bây giờ Huế không còn lại gì ngoài những kỷ niệm lẻ loi, vụn vặt và buồn về một người thầy đã chết. Sao Cương lại chết trẻ như vậy? Ngoài năm mươi. Gần mười năm ở rừng. Cuộc sống trong những chiến khu ở miền Trung gian khổ hơn ở miền Nam rất nhiều. Tôi không từng đến những chiến khu ấy nhưng nghe Cương kể lại, nghe Hoàng Phủ Ngọc Phan kể lại, thấy thừa mứa bom đạn nhưng cạn kiệt lương thực, thực phẩm. Rồi bệnh tật, muỗi mòng. Có lẽ vì đường tiếp tế của miền Trung không được thuận lợi như ở miền Nam. Năm 1967, khi về học vũ trang ở Sa Đéc để chuẩn bị cho Tết Mậu Thân, tôi thấy đời sống ở chiến khu đó chẳng khác gì một làng quê ngoài vùng tạm chiếm. Tôi sẽ trở lại những kỷ niệm ở các vùng căn cứ Sa Đéc, Cần Giuộc, Long Khánh… vào một dịp khác.

Cương vướng chất độc màu da cam ở Trường Sơn nhưng có lẽ anh không hay biết. Hai mươi năm sau, vào khoảng năm 1990 chất độc phát tán làm anh suy sụp. Anh tập Dịch Cân Kinh thường xuyên và nói rằng có hiệu quả, nhưng ít lâu sau bệnh trở nặng phải đưa vào Bệnh viện Thống Nhất. Tôi vào thăm anh. Cả hai anh em đều buồn, không phải vì bệnh, không phải vì sinh tử phù du mà vì thế sự.

"Anh đi Pháp có vui không?" Tôi hỏi.

Cương cười, trầm lặng.

"Đó chỉ là cái kế điệu hổ ly sơn của chúng nó."

Một tổ chức văn hóa của Pháp mời Cương sang. Chính quyền cho đi nhưng chỉ nói miệng, không có văn bản. Cương thì chỉ muốn xa rời cái đám nông dân Hồng Vệ binh rùng rợn ấy nên anh đi liền. Ba tháng ở châu Âu, chi phí do nước bạn tài trợ. Khi trở về thì bị khai trừ Đảng. Hỏi tại sao, thì họ đáp: “Ba tháng không sinh hoạt Đảng coi như tự ý ra khỏi Đảng”. Câu đó có ghi trong điều lệ.

Cương mất Đảng, mất luôn chức Giám đốc Sở Giáo dục. Sau đó ít lâu, anh qua đời. Tôi không biết tin ấy kịp thời và tôi cũng không thể đến viếng anh lần cuối vì lúc ấy tôi đang ở Mỹ.


3. Những ánh lửa đốt đồng

Tháng Chín năm 1966 tôi rời Huế vào Sài Gòn, hoạt động trong phong trào sinh viên Khu Sài Gòn - Gia Định. Và căn cứ địa cách mạng đầu tiên tôi đến là Cần Giuộc.

Cần Giuộc đón người đồng chí nhỏ của mình bằng gió tràn trề tuôn chảy từ mặt đất, lướt nhanh trên sóng lúa, xô giạt về phía chân trời bất tận.

Cần Giuộc khác với đồng quê miền Trung vì nó đầy chân trời. Và đầy gió. Một thế giới không có núi, không có rừng, không có biển, nhưng vây quanh tôi là sa mạc lúa xanh và cỏ.

Tôi thì đứng lặng mà gió thì cứ trào lên từ những lỗ chân lông của đất, từ những gốc rạ, những kẻ nứt ẩn giấu bên dưới lá cỏ thấp.

Buổi chiều đó tôi thấy như mình đang trở về quê nhà dù trạm đầu tiên của vùng căn cứ này chỉ là một túp lều tranh xơ xác. Nhưng tôi đã đứng ngây dại bên khung cửa xiêu vẹo ấy nhìn gió lùa trên mái tranh mà rưng rưng nước mắt.

Tôi đã không có món quà nào cho Cần Giuộc nhưng Cần Giuộc đã trao cho tôi niềm xúc động thần thánh của một tình yêu cách mạng đầu đời.

Khi bóng tối trùm xuống túp lều nhỏ thì tôi mới bước vào trong ánh đèn dầu long lanh như một giọt nước đặt giữa tấm ván thô. Cùng ăn cơm với tôi là một người đàn bà gầy yếu trạc ngoài năm mươi. Bà nói:

"Ăn xong cậu nghỉ một lát, đến khuya sẽ có người dẫn đi."

Tôi ăn rau luộc và một chút cá kho mặn. Người đàn bà thì lặng lẽ, chậm chạp và nhẹ tênh.

"Lần sau vô cứ cậu đừng mang giày bata trắng. Người ta sẽ biết cậu là dân thành thị."

Người đàn bà bưng mâm ra sau nhà. Tôi muốn bước ra ngoài đêm lần nữa nhưng bà bảo tôi đi nghỉ.

Tôi nằm nghe gió. Vẫn rộn ràng như đàn chim thiên di. Vẫn như ngàn cánh nhỏ xao động quanh chiếc lều tranh rách nát. Cứ thế, gió rù rì suốt đêm như đàn trẻ nhỏ.

Tôi đã ngủ trong tiếng thì thầm bất tận ấy.


*


Tiếng gọi phát ra từ dưới hầm trú pháo.

Không biết dì Tư đi đâu mà không trả lời. Hầm trú sâu và rất kiên cố với mái hình chữ A làm bằng những thân cây to, đắp đất lên trên. Tôi nằm cách miệng hầm chừng bốn năm mét và hoàn toàn không ngờ lại có người dưới đó.

"Cô Tư ơi!"

Không ai trả lời. Tôi ngồi dậy. Và cầm cái đèn dầu, lần mò xuống hầm.

Một người đàn ông mặc bà ba đen đang lần theo vách hầm tiến lại phía các bực cấp. Dường như ông đang bị thương khá nặng. Tôi ghé vai vào nách ông, dìu ông đi. Nhưng vì ông to con quá nên tôi loạng choạng. Chúng tôi bước từng bước lên những bực cấp bằng đất sét ẩm ướt và lên được mặt đất. Lúc ấy trăng khuya đã lên, mờ ảo như sương đục. Tôi phải rất khó khăn khi đỡ ông ngồi xuống cầu cá tra. Vết thương của ông ở hông bên trái.

"Cậu vô nhà đi."

Nhưng tôi không dám bỏ ông ngồi một mình trên cái nhà vệ sinh ọp ẹp đó. Tôi ngồi đối diện để giữ hai vai ông.

Dưới ánh trăng mờ đục, tôi nhận ra một khuôn mặt vuông vức, mày rậm, râu mọc tua tủa như Lý Quỳ ở Lương Sơn Bạc.

Gió đã lặng. Hình như những cánh đồng đang nằm im, đợi sương xuống.

Chúng tôi trở vô nhà nhưng dì Tư vẫn chưa về. Người đàn ông muốn nằm trên ván một lát.

Rồi dì Tư bước vô, bà nói:

"Không thấy giao liên ra, tui phải đi tìm. Đồng chí xuống trăng-sê đi."

Tôi cùng dì đỡ người thương binh xuống hầm.

Lát sau giao liên tới. Và dẫn tôi đi.

Đi được nửa tiếng, bỗng thấy lửa cháy rần rần trước mặt.

"Gì vậy?"

"Đốt đồng."

Với tôi, đó không phải là một đám cháy mà là một bức tranh huy hoàng, giăng ngang chân trời. Trong đêm đen thầm lặng yên ngủ bỗng bừng lên một bình minh lạ thường, một bình minh của thế giới khác, rực rỡ, giàu có và lộng lẫy.

Lửa trải dài như một rừng hoa đỏ thắm, long lanh trong bóng tối dày đặc của đất đen, của những cây chồi đen và đường chân trời đen.

Đó là sự bừng tỉnh của đất, mới mẻ, hùng tráng như một thế lực tiềm ẩn ngàn đời đang phát tiết tinh hoa. Lửa bùng cháy ngây ngất và say đắm như thế giới mà cô Lọ Lem tìm đến lúc đêm khuya.

Tôi thảng thốt nhìn, ngạc nhiên vì vẻ đẹp của lửa trong đêm tối. Tôi đã từng bị mê hoặc bởi những bếp lửa nhỏ trong những buổi sáng lạnh lẽo mưa phùn ở miền trung hay trên một đồi trà ở cao nguyên. Lửa ở đó thân mật như người bạn tình, như con thú nhỏ quấn quýt... nhưng không ở đâu lửa lại có vẻ đẹp hoang dã, sang trọng, mạnh mẽ, vừa lãng mạn, vừa dữ dội như lửa đốt đồng trong đêm hôm ấy.

Ngọn lửa đó vừa khai sinh một thế giới khác, một ý niệm không gian và thời gian khác, tách biệt hẳn cái không gian ba chiều quen thuộc và buồn tẻ mà ta đang sống. Đó là ngọn lửa thần bí của thiên đường mà suốt đời có lẽ tôi chỉ một lần được gặp.

Cần Giuộc đã đón tuổi thanh xuân tôi bằng gió và lửa cháy.

Đó là mối tình đầu rực rỡ.

*


Ngoài ra tôi không có mối tình nào khác. Tình yêu ơi! Sao mà phù phiếm và bạc bẽo vậy? Một lô đàn bà con gái từ trí thức cho đến biết đọc biết viết, từ nữ tu sĩ cho đến gái lầu xanh. Từ mười chín cho đến năm mươi ngoài. Những con số ấy không là gì cả. Chúng tồn tại bên ngoài tình yêu. Mà hình như cũng chẳng có tình yêu. Chẳng có Thuý Kiều hay Juliette, chẳng có sinh tử tương hứa.

Nhân vật của Kim Dung yêu đủ kiểu hay ho. Nhân vật trong tiểu thuyết của tôi yêu cũng rất liều mạng. Nhưng đời tôi thì không có mối tình nào cho ra hồn. Những quý cô, quý bà của tôi bây giờ đều có gia đình vì thế trong cuốn tự truyện này tôi không tiện nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng “nhá máy“ một chút, chớp tắt vài dòng, lập lòe vài giây gọi là khơi dậy chút hoài cảm như kiểu Đỗ Mục, sau mười năm, chợt tỉnh giấc mộng Dương Châu, thấy đời mình chẳng còn gì ngoài một tiếng bạc tình ở chốn lầu xanh.

Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh

Về sau này tôi có quen một cô gái mười chín tuổi. Cô ta cho tôi tất cả nhưng cũng gần như là không cho gì. Mới bước qua tuổi vị thành niên, học vấn vừa xong bậc tiểu học, ngây thơ, nhí nhảnh. Đùa giỡn như con nít, vậy mà nói:

"Thà mình phụ người ta chớ đừng bao giờ để người ta phụ mình."

Tôi hỏi:

"Em có biết Tào Tháo là ai không?"

"Là ai?"

"Ông ta có câu nói rất nổi tiếng."

"Câu gì?"

"Đó là câu mà em vừa nói."

"Nhưng đó là câu nói của em mà. Em suy nghĩ như vậy."

Dường như tất cả đàn bà con gái đều suy nghĩ như vậy. Còn tôi, trong tình yêu, tôi luôn nghĩ ngược lại nên khổ trọc đầu. Già rồi mà vẫn thất tình, vẫn dại gái. Nhưng thưa quý ông, đối với đàn bà con gái mà mình khôn quá thì chán lắm. Mất vui. Bị đàn bà họ lừa mới đã đời. Đáng kiếp. Thấm thía. Giống như ăn xoài thật chua chấm với muối ớt thật cay. Giống như ăn wasabi của Nhật Bổn. Buốt thấu não, nước mắt ràn rụa. Mà sướng.

Hồi còn trẻ tôi nghĩ tình yêu là tất cả nhưng bây giờ thì nó tụt hạng rồi. Bởi vì thực ra nó không có trên cõi đời. Tình yêu chỉ là những hoa văn của tình dục.

Dù có làm thơ, viết văn, vẽ tranh, sáng tác nhạc thì cũng chỉ là trang trí cho tình dục. Thất tình, bị lừa hay là phụ bạc cũng đều nằm trong phạm trù trang trí ấy. Giống như nêm gia vị. Cho thêm một chút cay một chút đắng, một chút chua chát…


4. Trận đánh không được báo trước

Mấy tháng trước trận Mậu Thân tôi về căn cứ để học vũ khí. Giao liên dẫn tôi đến Sa Đéc vào lúc xế chiều và tôi đi xuồng máy đến nơi khi trời đã tối mịt.

Buổi học bắt đầu vào sáng hôm sau trên một bờ mương. Người du kích trải tấm nilông xuống đất và bày biện các loại vũ khí ra. Súng AK47, B40, lựu đạn, chất nổ TNT, chất nổ C4, các loại kíp nổ, dây cháy chậm…

Chúng tôi không ai biết rằng lớp học này là để chuẩn bị cho trận Mậu Thân 1968.

Khi về Sài Gòn, Nguyễn Tấn Tài (sau giải phóng anh làm Chỉ huy phó Lực lượng Cảnh sát TPHCM) rủ tôi đi “đánh thử một quả coi sao.” Tôi khoái quá OK liền. Tôi hỏi:

"Bây giờ mình dùng kíp nổ nào? Kíp acid hay kíp thường?"

"Kíp acid là kíp nổ có hẹn giờ, rất hiếm, không nên phí phạm."

"Mình chơi kíp thường cũng được."

"Mới đánh lần đầu xài kíp thường nguy hiểm lắm. Tui có cách này rất hay. Cũng giống như kíp hẹn giờ vậy nhưng mình xài thuốc lá."

"Thuốc lá?"

Nguyễn Tấn Tài rút gói Rubi Queen thảy trên mặt bàn. “Đồ nghề” của anh gồm một bánh chất nổ TNT, một kíp nổ, một đoạn dây cháy chậm dài chừng 5 phân, một bao thuốc Rubi và một bao diêm.

Anh cắt chéo hai đầu dây cháy chậm, dùng những que diêm buột vòng quanh nó rồi nhét điếu Rubi vô giữa các que diêm.

"Đánh kiểu này nên dùng thuốc Rubi vì nó cháy rất tốt, không bao giờ tắt nửa chừng."

Nói xong Tài nhét đoạn dây cháy chậm vào kíp nổ và nhét kíp nổ vào bánh TNT.

"Xong rồi. Tài giải thích, mình sẽ đốt điếu thuốc. Phải mất ba phút nó mới cháy đến những que diêm. Diêm bốc cháy, dây cháy chậm cháy theo và nổ."

Đó là cách đánh “hẹn giờ” sáng tạo của dân biệt động thành Sài Gòn.

Đó là “trò chơi” của hai anh em chúng tôi.

Anh lái chiếc xe Honda 67 màu đen. Tôi ôm trái mìn tự tạo ngồi phía sau. Chúng tôi từ dưới đường Trần Hưng Đạo chạy lên. Tôi móc trái mìn trong áo ra, châm lửa đốt điếu thuốc rồi đặt trái mìn trên bàn chân. Khi đến ngay vọng gác của Tổng nha Cảnh sát tôi hất nhẹ trái mìn vô hàng rào kẽm gai. Anh Tài vẫn cho xe chạy bình thường. Không tăng tốc.

Chúng tôi bọc qua đường Hùng Vương. Vẫn chưa nghe tiếng nổ.

"Sao lâu quá vậy?" Tôi hỏi.

Tài quẹo sang đường Trần Bình Trọng. Ngay lúc ấy mìn phát nổ. Tôi đập mạnh bàn tay lên đùi anh và chúng tôi cùng cười ha hả.

Chúng tôi tà tà quay lại hiện trường xem kết quả nhưng không vào được vì cảnh sát đã bao vây. Giao thông tắc nghẽn.

Từ ngoài vòng vây, chúng tôi vẫn nhìn thấy vọng gác bị đánh sập một bên. Cả một đoạn hàng rào Tổng nha Cảnh sát bị xé nát. Đó là “chiến công” của hai chúng tôi, những thằng bạch diện thư sinh tập sự làm biệt động thành!

Sau trận đánh đó tôi được kết nạp Đảng. Người kết nạp tôi là anh Phạm Chánh Trực hiện là giám đốc một công ty sản xuất “con chip” của ngành tin học.

Ngày nay, có người vào Đảng bằng hai đầu gối, bằng “cửa sau” hoặc bằng cái “vốn tự có” của mình.

Tôi đã vào Đảng bằng một trái mìn tự tạo.

Đó là cuộc diễn tập cho trận Mậu Thân 1968, nhưng chúng tôi - và gần như cả đơn vị Thành Đoàn SGGĐ - không ai ngờ tới. Thậm chí khi chiến dịch mở màn, nhiều đơn vị, trong đó có chúng tôi không ai biết chuyện gì!

Như thường lệ, phần lớn những sinh viên gốc miền Trung như chúng tôi đều về quê ăn Tết. Sáng mồng hai Tết có người nói “Việt cộng đánh vô Quy Nhơn.”

Quy Nhơn cách nhà tôi 41 cây số. Không biết thực hư. Tôi đi Quy Nhơn, thấy Ty Thông tin tan nát. Đó là một ngôi nhà lớn sơn màu đỏ gạch, nằm đối diện sân vận động. Các chiến sĩ giải phóng đã chiếm toà nhà đó một thời gian ngắn và vì không có tiếp viện nên bị phản công mãnh liệt bằng xe tăng. Toà nhà đổ nát. Có lẽ người cũng không còn.

Trưởng Ty lúc đó là nhà văn Võ Phiến. Năm 2004 tôi sang Hoa Kỳ, có đến thăm ông. Ông đã ngoài tám mươi, vẫn sắc sảo. Ông nói: “Thế giới này hay lắm. Cũng may tôi còn sống để chứng kiến những biến động lịch sử đầy kịch tính. Cái thằng Bush nó giống như kép Thành Được, lí lắc và ưa chơi nổi.”

*


Sách Lược sử Đoàn và phong trào thanh niên TP Hồ Chí Minh 1954"1975 xuất bản năm 2001 ở trang 98 đã viết về Mậu Thân như thế này:

“Đêm 30-01-1968 (mồng 2 Tết) cuộc tổng tiến công trên toàn miền Nam đã nổ ra nhưng mệnh lệnh tiến công không truyền đạt được tới Thành Đoàn. Tuy vậy sáng sớm ngày 31-01-68 ban thường vụ thành đoàn dưới sự chủ trì của Phan Chánh Tâm đã họp khẩn, làm công tác vũ trang tuyên truyền, làm chủ khu vực Bàn Cờ suốt ngày 31/01/68.”

Bốn tháng sau:

“Đợt 2 Mậu Thân, cán bộ Thành Đoàn được bố trí vào 4 khu vực: Liên phường 3A gồm Bàn Cờ, Vườn Chuối. Liên phường 3B gồm Nguyễn Thông, Lê Văn Duyệt, Chí Hoà. Liên phường 5 gồm Phú Thọ, Cầu Tre. Liên phường 4A gồm Trương Minh Giảng, Trương Tấn Bửu.

Ngày 5/5/68 Đợt 2 nổ ra. Tại Bàn Cờ tổ vũ trang tấn công một xe tuần tiễu địch, Nguyễn Sơn Hà (tức Bảy Thép) hy sinh. Ba khu vực kia không bắt được liên lạc.”

*


Tổ vũ trang của chúng tôi nằm trong số “ba khu vực không bắt được liên lạc” đó.

Tổ gồm 4 người: Tôi, Trương Văn Khuê, Nguyễn Trường và Tám Nhân. Chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ ở sau chợ Trương Minh Giảng. Vũ khí chúng tôi bọc kín trong ba bốn lớp nilông, gồm hai khẩu AK47, hai khẩu K54 và một số chất nổ TNT. Truyền đơn và cờ Mặt trận Giải phóng bọc trong bao nilông khác. Tất cả được giấu trong lỗ cống sau bếp. Hàng ngày chúng tôi vẫn đi học, vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng trong tình hình chờ đợi hồi hộp căng thẳng như vậy thì còn lòng dạ nào mà học. Trương Văn Khuê và Nguyễn Trường thì tối ngày đánh bài tu lơ khơ nhưng Khuê đặc biệt thích xì phé và hắn đánh rất giỏi. Sau này làm giám đốc Nhà xuất bản Trẻ hắn đã có những quyết định táo bạo trong chủ trương cho tư nhân hợp tác bỏ vốn in sách. Khuê làm việc đó một cách sáng tạo và đã đem lại lợi nhuận cho nhà xuất bản rất nhiều. Tiếc rằng anh chết quá trẻ do bệnh ung thư gan. Nhà tôi ở gần bệnh viện nên tôi đến thăm anh thường xuyên. Khi mổ gan xong anh cười rất tươi và nói to với những bạn bè đến thăm:

"Tớ sẽ sống đến 150 tuổi!"

Nhưng chỉ mấy hôm sau là anh xuống sức. Buổi chiều Mai Hương đến thăm, hỏi có biết ai đây không nhưng Khuê cứ nhắm mắt. Mai Hương khóc. Đó là giọt nước mắt hiếm hoi của người đồng chí cũ.

Tại sao tôi nói hiếm hoi?

Vì sau giải phóng bạn bè đối xử với nhau lạt lẽo. Trong vụ án văn học “Nổi loạn” tôi bị cô lập, nhiều người sợ liên luỵ, có người còn tệ hơn như phó chủ tịch quận Z Nguyễn Hoàng, nhạc sĩ Trần Long… tìm cách phủ nhận tác phẩm của tôi theo luận điệu của công an văn hóa, trong khi báo Diễn Đàn Paris thì gởi phóng viên đến nhà tôi thực hiện một bài phỏng vấn dài đăng trên số 28 phát hành tháng Ba 1994 tại Pháp.

Bài phỏng vấn đó đã giúp tôi nói được hết ý nghĩ của mình và ở một góc độ nào đó nó đã cứu tôi ra khỏi nhà tù.

Dẫu sao vụ “Nổi loạn” cũng giúp tôi xếp loại bạn bè, giúp tôi biết người nào thương mình, người nào ném đá giấu tay, người nào đánh người ngã ngựa.

Sau vụ này tôi gần như không giao du với những “đồng chí” trong phong trào sinh viên cũ.

Giờ đây đám bạn bè cũ chỉ còn lại hai bộ mặt: Một bộ mặt vênh vang hãnh tiến của những ông quan tư sản đỏ và một bộ mặt lơ láo của những kẻ hết thời.

Tôi trôi giạt giữa những mặt người ấy vì tôi là một nhà văn chuyên nghiệp, tôi có thế giới của tôi, cũng giống như Lý Bạch:

Vấn dư hà sự thê bích san?
Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn
Đào hoa lưu thuỷ yểu nhiên khứ
Biệt hữu thiên địa phi nhân gian

(Có người hỏi ta vì sao lại lên ở trên núi vậy? Ta chỉ cười mà không đáp. Lòng thanh thản nhìn hoa đào trôi đi giữa khoảng trời đất cách biệt với thế gian.)

*


Nhưng tôi phải trở lại cái buổi chiều tháng 5 năm 1968 ấy. Chín giờ tối chúng tôi họp:

"Đợt 2 Mậu Thân sẽ nổ ra đêm nay. Các đồng chí chuẩn bị lấy vũ khí truyền đơn và cờ lên sẵn sàng."

Mọi thứ được lôi lên khỏi lỗ cống. Nước không thấm vô được nhưng những cái bọc nilông thì đầy trùn chỉ. Chúng đeo bám trong những khe, những nếp gấp làm chúng tôi mất rất nhiều thì giờ để dọn vệ sinh.

Trương văn Khuê và Nguyễn Trường vẫn chơi bài trong khi chở đợi giờ G. Tôi và Tám Nhân ngồi chầu rìa.

Mười một giờ đêm. Thành phố vẫn yên tĩnh. Mười hai giờ. Vẫn không có gì. Một lát sau. Vài loạt súng lác đác ở đâu đó rất xa. Trương Văn Khuê ném những lá bài xuống bàn. Nguyễn Trường nhắc lại khẩu lệnh:

"Bộ đội Mười Dũng. Nhớ chưa?"

Mười Dũng là bí danh của anh Phạm Chánh Trực hồi đó làm bí thư đảng uỷ Thành Đoàn, người đã kết nạp tôi vào Đảng. Anh là một người nghiêm khắc, kiên cường. Nhiều người trách anh độc đoán và nhiều tham vọng nhưng với tôi, anh vẫn là một người bạn tốt. Có lẽ con đường chính trị của anh cũng không suôn sẻ lắm. Chìm lỉm như một hòn sỏi trong dòng sông danh lợi đục ngầu.

Chúng tôi đã sẵn sàng. Nhưng thời gian vẫn trôi qua trong yên tĩnh. Khu vực Liên phường 4A hoàn toàn bất động.


5. Vụ Huỳnh Tấn Mẫm

Một buổi trưa vào giữa năm 1970 khi tôi đi dạy học về thì thấy có hai người đàn ông đang ngồi trước hiên nhà, chiếc xe Honda 67 dựng ngay trước cửa. Tôi nói:

"Sao mấy anh dựng xe giữa lối đi vậy?"

Hai gã nọ chỉ cười. Tôi lách người bước vô. Lập tức một họng súng chĩa vô lưng. Và đẩy tôi vô trong.

Một căn nhà trống trơn. Im lặng. Hàng xóm không ai hay biết gì cả. Chúng đang giăng một cái lưới. Và chắc chắn tôi không phải là con cá đầu tiên.

Tôi ngồi xuống giường. Và để trấn tĩnh, tôi với lấy cây đàn ghita trên vách.

Tôi chơi rất nhiều tác phẩm kinh điển, nó làm những thằng công an đang ngồi đón lõng ngoài cửa phải ngạc nhiên mặc dù tôi biết những thằng ngu đó đã bị tôi tra tấn suốt mấy tiếng đồng hồ bằng một thứ âm nhạc mà chúng chẳng hiểu cóc khô gì hết.

Tôi nhịn đói và chơi đàn cho đến xế chiều.

Một chiếc Jeep sơn nửa xanh nửa trắng của cảnh sát vừa đến. Chúng bịt mắt tôi bằng một dải băng đen, còng hai tay ngoặt sau lưng và đẩy lên chiếc xe ấy.

Xe chạy qua nhiều đường phố. Tôi lắng nghe tiếng động chung quanh để cố đoán xem chúng đưa mình đi đâu nhưng chỉ biết là vẫn còn lẩn quẩn trong nội thành.

Cuối cùng thì chúng giảm tốc độ, quẹo gấp vô một một cái sân rộng và dừng lại. Tôi bị đẩy xuống xe. Có tiếng người lao xao và một giọng cười xỏ lá:

"Lại thêm một con cá nữa!

Dường như chúng đã đưa tôi đến một chỗ tối và ẩm thấp. Thằng công an mở băng vải che mắt cho tôi và vật đầu tiên mà tôi nhìn thấy là một thân hình to lớn đang nằm ngửa, nhắm mắt, trên một cái nền xi măng lở lói phía trước cầu tiêu.

Người đó là Dương Văn Đầy, sau này anh làm chủ tịch quận Nhất và rồi trở thành sếp của ngành du lịch TPHCM. Nhưng lúc ấy tôi tưởng anh đã chết. Anh bất động. Áo banh ngực. Người anh đầy thương tích bầm tím. Tôi ngồi xuống định đưa ngón tay lên mũi xem anh có còn thở không thì một thằng y tá vừa đến, tay cầm một miếng bông gòn tẩm ête đưa qua đưa lại trước mũi anh.

Tôi ngồi xuống cạnh đó. Chúng vẫn chưa mở còng cho tôi. Chung quanh bạn bè tôi nằm la liệt. Nguyễn Tấn Tài, Phùng Hữu Trân, Lê Thành Yến (Lê Duy Hạnh), Cao Thị Quế Hương, Trầm Khiêm…

Lúc ấy tôi chưa hiểu địch “biết” tôi tới đâu, đã có ai khai báo gì tôi chưa, nên tôi ngồi im để thăm dò, nghe ngóng tình hình.

Bữa cơm chiều được dọn ngay trên nền đất trước cầu tiêu cạnh chỗ Dương Văn Đầy nằm. Chúng tôi quây quần quanh một đĩa cá khô mủn ra như củi mục. Trầm Khiêm nói:

"Tụi nó đánh Ba Đầy quá."

Tôi không từng làm việc với Ba Đầy nhưng anh em phong trào sinh viên học sinh biết nhau gần hết. Hồi ở Đại học xá Minh Mạng đi ra đi vô vẫn gặp nhau thường. Ba Đầy lúc đó học Y khoa, hay đi cái xe đạp trành. Anh có tướng “ngũ đoản,” đặc biệt cái mũi rất to. Khi bị bắt vô cảnh sát quận Nhứt, tụi công an gọi anh là "thằng lỗ mũi trâu”

Lê Duy Hạnh cũng được Tư Cum “chăm sóc” rất kỹ. Buổi tối ngồi ngoài sân đồn cảnh sát quận Nhứt, tôi và vài người bạn tù dùng nước muối bóp chân cho anh. Chúng tím bầm như hai cây xúc xích khổng lồ. Những giọt nước muối đã khô se đi thành những tinh thể sáng lóng lánh.

Trưa hôm sau chị Năm, giao liên giữa tôi và Nguyễn Tấn Tài cũng bị chúng bắt cùng với đứa con trai bốn tuổi.

Tai hại hơn nữa là cái máy chữ của tôi cũng có trong số “tang vật” tháp tùng chị Năm.
Tư Cum ra lệnh cho bọn đàn em:

"Đưa thằng nhỏ vô viện mồ côi!"

Chị Năm chưa kịp phản ứng thì một thằng công an chìm đã lôi thằng bé đi. Tôi nhìn chị. Một cái nhìn dài với bao điều muốn nói. Thằng bé còn nhỏ quá. Nó sẽ sống như thế nào khi không có mẹ? Còn chị, liệu chị có giữ được bí mật về mối liên hệ với Nguyễn Tấn Tài và tôi? Chúng chưa đụng tới tôi nhưng những đồng chí có liên hệ với tôi đều đã bị bắt. Chỉ cần một trong ba người khai báo là hậu quả khó lường. Tối đó tôi không ngủ được. Tôi tin anh Tài rất vững vàng, chị Năm cũng sẽ vượt qua được những đòn tra tấn, và tôi cũng tin tôi có đủ bản lãnh để bảo vệ tổ chức. Nhưng còn những bằng chứng cụ thể. Ví dụ như cái máy chữ hiện cũng đang nằm trong tay cảnh sát. Nếu chúng chộp được cái hóa đơn mang tên tôi thì cuộc hỏi cung sẽ trở nên “phiền phức” cho cả tôi và chị.

Tối đó chúng lôi tôi vô phòng tra tấn.

Vẫn thằng Tư Cum và một thằng cảnh sát áo trắng ốm nhách. Để trấn áp, chúng bắt tôi cởi quần và cột một đầu dây điện vào cơ quan sinh dục, đầu kia kẹp vào dái tai. Dụng cụ tra điện này được điều khiển bằng một tay quay. Thằng cảnh sát áo trắng mở màn:

"Thủ trưởng của mày và con Tố Nga là ai?"

Tôi thấy nhẹ người. Vì chúng hỏi cung theo đường dây Tố Nga là chúng đã không biết gì về tôi cả. Tuy ở chung nhà với Tố Nga nhưng cả hai chúng tôi đều không biết gì về nhau. Vì thế câu nói thăm dò này đã để lộ sơ hở của nó. Tôi đáp:

"Tôi không biết gì về việc làm của Tố Nga vì tôi chỉ là người ăn cơm tháng ở đó."

Nhưng nó vẫn tiếp tục sai lầm:

"Con Tố Nga nó đã khai hết rồi. Mày hãy nói thiệt đi. Mày thường gặp thằng đi xe đạp để làm gì?"

“Thằng đi xe đạp” là Dương Văn Đầy. Nhưng tôi đâu có làm việc với Dương Văn Đầy vì thế tôi nói:

"Tôi là tín đô Thiên chúa giáo. Tôi đang dạy học tại một trường Đạo ở Bà Chiểu. Tôi không biết gì về các hoạt động của họ."

Tư Cum quay điện mấy vòng làm người tôi giựt tưng tưng như con rối.

"Sao? Có chịu khai không?"

Nó lại quay. Người tôi bật liên tục lên khỏi ghế, miệng méo qua một bên.

"Đ.m. Mày ở chung với con Việt cộng mà không biết gì về nó. Ai mà tin mày!"

"Nhưng tôi biết nói cái gì bây giờ.

"Được. Tao sẽ có cách cho mày nói.

Tư Cum quay liên tục. Tôi bị giựt văng ra khỏi ghế, đập mặt xuống đất.

Buổi hỏi cung kết thúc ở đó. Tạm thời chúng chưa biết gì về mối quan hệ giữa tôi, chị Năm và Nguyễn Tấn Tài.

*


Vụ bắt bớ học sinh sinh viên này là vụ rất lớn xảy ra vào năm 1970, được dư luận gọi là vụ Huỳnh Tấn Mẫm. Anh Mẫm lúc đó làm chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Vụ này làm anh nổi tiếng khắp thế giới như một lãnh tụ sinh viên tiêu biểu. Nhưng sau giải phóng, chính anh - cũng như Võ Thị Thắng - đã phải khốn đốn vì sự nổi tiếng của mình. Tôi sẽ trở lại hai nhân vật này sau. Bây giờ chúng tôi đã bị chuyển về Nha Cảnh sát Đô thành và tôi muốn nói một chút về người bạn tù, người “sếp” thân thiết nhất của tôi: Nguyễn Tấn Tài.

Lúc đó Tài và tôi làm công tác vũ trang tuyên truyền và làm giấy tờ giả cho anh em. Quan hệ giữa hai chúng tôi rất khăng khít. Anh là một kỹ sư hóa học nhưng rất khéo tay, anh dạy tôi nghề khắc dấu, kể cả làm dấu nổi bằng những vật liệu đơn giản nhất. Lúc anh bị bắt, trong nhà anh có cái máy chữ của tôi. Cái máy này tôi dùng để làm giấy tờ giả và để viết văn (vì trước đó tôi cộng tác với anh Nguyễn Ngọc Lương, chủ bút tờ Tin Văn, tôi sẽ có một chương nói về anh Nguyễn Ngọc Lương và cuộc đời bi kịch của anh). Khi đưa cái máy chữ cho giao liên đem đi tôi còn “cẩn thận” đưa luôn cái hóa đơn có tên tôi cho chị. Sự cẩn thận ngốc nghếch đó đã làm cho cả tôi lẫn anh Tài đều lo sốt vó trong suốt thời gian bị hỏi cung. Cũng may cả ba chúng tôi đều có bản lĩnh vượt qua được. Và kẻ địch đã không tìm ra bất cứ mối liên hệ nào giữa ba người.

Trận đó chính quyền Sài Gòn đã hốt một mẻ lưới khá nặng. Ở trong tù tôi gặp mặt đủ mọi “anh hào”. Từ Phạm Chánh Trực, Bảy Hà (sau này là thứ trưởng Bộ Ngoại thương), Lê Thành Yến (sau này là nhà biên kịch Lê Duy Hạnh), Nguyễn Ngọc Phương, Dương Văn Đầy. Nguyễn Tấn Tài, Cao Thị Quế Hương, Phùng Hữu Trân, Huỳnh Tấn Mẫm…

Sau giải phóng, những người không bị dính vụ đó, hoặc những người cả đời không biết ở tù là gì thường phát biểu linh tinh, bình phẩm này nọ. Tất cả đều trật lất. Chỉ có những người bạn tù với nhau là hiểu nhau, đánh giá đúng về nhau. Và không có gì có thể che giấu được, nhất là sau giải phóng, tất cả những hồ sơ, những bản cung của từng người đều còn nguyên trong Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành.

Và họ cũng không hề biết những nguyên tắc cơ bản của người tù chính trị là:

"Nếu địch đã biết ta là cộng sản thì ta phải giữ khí tiết, không khai báo cho người khác và nếu cần tìm cách đánh lạc hướng địch."

"Nếu địch chưa biết ta là cộng sản thì ta phải đóng vai một người dân thường bị bắt lầm.

Như vậy giữ khí tiết trong tù không phải là không khai báo gì cả (vì ai cũng phải có khẩu cung) mà phải khai báo cách nào để đánh lạc hướng địch để bảo vệ tổ chức, bảo vệ đồng đội và bảo vệ chính mình.

Về sau này tôi có dịp làm việc với anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp (nguyên chủ tịch TPHCM) Khi kể về giai đoạn ở tù của mình anh cũng đã nhấn mạnh ý đó.

Nhân đây, tôi còn muốn nói thêm là: ngay cả những bạn tù đôi khi cũng hiểu lầm nhau. Ví dụ như anh Huỳnh Tấn Mẫm. Khi mới bị ném vô Nha Cảnh sát Đô thành, tôi nằm ngay trước cửa xàlim của anh. Mỗi sáng khi chúng tôi ăn sáng bằng cháo gạo lức đựng trong cái dĩa bằng nhôm, thì anh Mẫm được cung cấp một ổ bánh mì thịt và một bịch cà phê sữa đá. Chuyện đó kéo dài chừng một tuần lễ. Trong số bạn tù có người xì xầm là anh Mẫm đã bị mua chuộc. Người lại nói là lẽ ra anh Mẫm không nên nhận những bữa ăn sáng đó.

Một buổi sáng kia, người ta làm vệ sinh nhà tù. Khi cánh cửa xà lim của anh Mẫm mở ra thì tôi là người đầu tiên nhìn thấy những ổ bánh mì thịt, những bịch cà phê sữa còn nguyên xi, nằm lăn lóc dưới đất và đã lên mốc, đã bốc mùi.

Tội nghiệp cho anh Mẫm. Anh là người hiền lành, học giỏi, nhiệt tình… nhưng sau giải phóng vì đố kỵ, ganh ghét sự nổi tiếng của anh mà có người đã dìm anh khiến anh không ngóc đầu lên nổi. Tiếp theo là những rủi ro tiền bạc do bà vợ gây ra khiến anh tuột dốc. Hồi còn sinh viên tôi và anh ở chung phòng 4/6 Đại học xá Minh Mạng. Lúc ấy anh học phụ khoa (gynécologie) năm thứ tư, vào Đảng năm 1968. Năm 1970 anh nổi tiếng khắp thế giới nhờ vụ bắt bớ quy mô lớn mà tôi vừa thuật lại ở trên. Vai trò của anh lúc bấy giờ là vai trò công khai. Anh hoạt động cách mạng ở góc độ công khai có nghĩa là với bất cứ danh nghĩa nào: Phật giáo, Công giáo hay Lực lượng thứ Ba tuỳ theo sự chuyển biến của tình hình, tuỳ theo nhiệm vụ chính trị của từng lúc. Nhưng không hiểu sao có tin đồn là anh lừng khừng, không dứt khoát tư tưởng và người ta để anh ngồi chơi xơi nước. Cuối cùng anh bị đẩy đi Liên Xô học ba cái thứ vớ vẩn gì đó. Rồi anh về nước giữ chức Phó chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ TPHCM.

Còn bây giờ anh là bác sĩ khoa thẩm mỹ hình như có phòng mạch ở đâu đó trên đường Cách Mạng Tháng Tám.

Có lẽ anh nghèo. Và trong sạch.

*


Vụ Huỳnh Tấn Mẫm kết thúc sau những cuộc xuống đường, tuyệt thực… của đồng bào các giới: học sinh, sinh viên, công nhân, đồng bào Phật tử… Chính quyền Thiệu biết rõ mười mươi một số học sinh sinh viên (trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm) là đảng viên cộng sản nhưng họ vẫn phải trả tự do cho những người bị bắt.

Vì bị tra điện nhiều lần nên tôi phải về quê vừa để chữa bệnh vừa thăm cha mẹ.

Khi tôi bị bắt, mẹ tôi không biết đã xảy ra chuyện gì và tôi cũng không thể giải thích cho bà hiểu được. Bà vẫn nghĩ tôi là một ông “cử nhơn” sắp đi làm quan, nhưng không hiểu sao lại phải ở tù. Tôi chỉ nói:

"Con bị người ta bắt lầm thôi mà."

"Con có thi cử nhơn được không?"

"Được chớ."

Nhưng lúc ấy tôi đã là một đảng viên cộng sản.

Về quê, tôi được bà con đùm bọc, chạy chữa. Đó là gia đình của thầy tôi – thân sinh của Tám Nhân, một bạn học, một tay cách mạng đầy cá tính đã cùng với Lữ Phương (một ông thứ trưởng Bộ Văn hóa) làm điên đầu những tay “Hồng Vệ binh” trong suốt những năm ở R.

Chăm sóc cho tôi lúc đó còn có gia đình Trần Thiếu Bảo. Hắn cũng là đảng viên, công tác quân báo. Sau giải phóng hắn là một sĩ quan công an cấp tá, từng xách roi điện đi đến những nơi có người nào chống Đảng.

Chị Bốn là chị ruột của hắn đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Và một “địa chỉ đỏ” nữa đó là nhà bà xã tôi. Ông anh vợ tôi hồi đó cũng là dân phong trào sinh viên. Sau giải phóng ông làm quan tới chức phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và là chồng của bà Võ Thị Thắng, sếp ngành du lịch Việt Nam.

Một buổi sáng, khi tôi đi từ Tây Sơn xuống Quy Nhơn thì gặp một toán quân cảnh xét giấy tờ quân dịch tại cầu Bà Gi. Lúc ấy giấy hoãn dịch của tôi đã hết hạn do thời gian nằm trong tù nên tôi bị giữ lại và đưa vào trại lính. Về nguyên tắc tôi vẫn còn được hoãn dịch một năm nữa vì tôi là sinh viên Đại học Sư phạm nhưng tụi quân cảnh không hiểu điều đó. Tôi đã giải thích nhưng chúng không thèm nghe. Mục đích của chúng là muốn đòi tiền nhưng tôi thì không có tiền.

Và thế là tôi bị đẩy vào một bi kịch mới, một chốn lao tù mới hoàn toàn khác với cái nơi mà tôi vừa bước chân ra.


1 - 5 6 - 10 11 - 15 16 - 21 22 - 30

Tác giả Đào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định, 1968 vào Đảng Cộng sản Việt Nam, 1970 là binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà, sau 1975 làm việc tại báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

Tác phẩm: Truyện dài và tiểu thuyết: Giữa cơn lốc, nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1978; Một chuyến đi xa, nxb Măng Non 1984, nxb Trẻ 1994; Qua sông, nxb Văn Nghệ 1986; Vùng biển mất tích, nxb Đồng Nai 1987; Vượt biển, nxb Trẻ 1988, 1995; Vua Mèo, nxb Trẻ 1989; Người tình cũ, nxb Văn Nghệ 1989; Kẻ tử đạo cuối cùng, nxb Trẻ 1989; Thung lũng ảo vọng, nxb Trẻ 1989; Hoa dại lang thang, nxb Văn Học 1990; Trong vòng tay người khác, nxb Tác Phẩm Mới 1990; Kỷ niệm đàn bà, nxb Văn Nghệ 1990; Nổi loạn, nxb Hội Nhà Văn 1993. Thơ: Đường phố và thềm nhà, nxb Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, nxb Văn Nghệ 1982; Những bông hồng muộn, nxb Trẻ 1999; Tình địch, nxb Trẻ 2003.

Website của Đào Hiếu: http://daohieu.com/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài