talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 13.07.2008

Vũ Thành SơnMột phần của biển

Vũ Thành Sơn
Vũ Thành Sơn

 

Vũ Thành Sơn

Một phần của biển

 

Mỗi mùa hè nàng và tôi lại đến đây và trở thành khách quen của vợ chồng George đến mức họ coi hai chúng tôi như hai người bạn. Chúng tôi biết vợ chồng George từ lúc họ mới mở một bar rượu nhỏ, lần đầu ở tận trong một con phố hẹp, cổ kính. Khi ấy là vào khoảng tháng chín, công việc kinh doanh của họ chỉ mới bắt đầu được chừng vài tháng; đó cũng là thời điểm mà bản tin thời tiết cuối cùng trong ngày loan tin một cơn bão nhiệt đới đã hình thành ngoài khơi và đang di chuyển theo hướng tây tây nam, về phía các thành phố ven biển. Biển động mạnh dữ dội. Những trận mưa và gió to trong mấy ngày liền đã đẩy các du khách chui rúc hết vào trong khách sạn hoặc quán rượu. Nàng và tôi ở trong số những du khách kém may mắn ấy.

Buổi tối đầu tiên chúng tôi ngồi ở một bàn xa quầy bar nhưng vẫn có thể nhìn ra cơn mưa dai dẳng ngoài đường phố qua lớp cửa kính. Tiếng cười nói ầm ĩ, mùi thuốc lá và men rượu trong quán đã làm mọi người trong phút chốc quên đi cái lạnh lẽo rét mướt. Ở trong góc, ban nhạc và cô ca sĩ với giọng khàn đục đang chơi một bản nhạc jazz. Chúng tôi nói về các giọng hát Meriem Serbah, Miriam Aida và Billie Holiday. Cho đến lúc ấy tôi mới biết rằng cha nàng còn sống. Từ khi quen nhau, chẳng bao giờ tôi nghe nàng nói về cha mình và tôi đinh ninh rằng ông đã chết từ khi nàng còn bé. Sự thật ông đã bỏ rơi hai mẹ con nàng từ lúc nàng còn trong bụng mẹ để đi theo một cô ca sĩ tài sắc trong một ban nhạc, nơi mà cha nàng là một nhạc công chơi guitar. Nhưng cuộc tình duyên đó cũng không kéo dài được bao lâu thì đổ vỡ. Hiện thời ông vẫn còn sống và đã có lần tìm cách liên lạc với cô con gái, nhưng nàng kiên quyết không nhìn mặt cha. Tôi đã hiểu vì sao lúc nãy nàng nói chỉ thích mỗi giọng hát của Billie Holiday. Có phải nàng tìm thấy điểm gì đó na ná giống nhau giữa cuộc đời của mình với cô ca sĩ da đen ấy?

“Người ta đâu có chọn được nơi mình sẽ sinh ra, phải không?” Nàng ngước mắt nhìn tôi hỏi, như thay cho lời kết một câu chuyện quá buồn.

“Đúng.”

“Và người ta cũng không thể chọn được nơi mình sẽ chết?”

Câu hỏi khá bất ngờ. Tôi im lặng không trả lời. Có thể lúc ấy tôi thấy câu chuyện giữa hai chúng tôi đã vô tình chuyển sang một hướng mà tôi không chủ định và tôi không muốn tiếp tục đẩy nó đi quá xa. Giông bão đã khiến cho mấy ngày nghỉ của chúng tôi mất toi, bây giờ tôi không muốn chứng kiến chúng lại khoác thêm một vẻ ảm đạm bi thảm nào nữa. Cũng có thể tôi không hoàn toàn đồng ý với nàng. Tôi thường nghĩ rằng cái chết hoàn toàn có tính chất riêng tư, ngay cả trong một cái chết tập thể, mỗi người cũng đón nhận nó một cách khác nhau, trong một tư thế không giống nhau. Người ta có thể chấm dứt cuộc sống của mình vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi chốn nào mà người ta muốn.
Tôi bắt đầu cảm thấy nóng ran trên mặt. Nàng nói mặt anh đỏ như mặt trời mọc rồi đấy. Tôi bật cười khi ngẫu nhiên liên tưởng đến tựa một cuốn tiểu thuyết của một nữ văn sĩ người Pháp “Một chút mặt trời trong ly nước lạnh” và đã định nói với nàng một câu gì đó hóm hỉnh để thay đổi câu chuyện nhưng tức thời không thể nghĩ ra.

Ảnh hưởng của cơn bão còn kéo dài và vì thế, ngày hôm sau nữa chúng tôi đã không thể ra biển và cũng không thể bỏ về ngay vì e ngại đường xá trong tình trạng mưa gió có thể bị ngập lún. Ban ngày chúng tôi chỉ quanh quẩn trong khách sạn đọc sách hay nghe nhạc và tối đến lại ra bar rượu của George, trong lúc đợi ngớt mưa gió để thu xếp hành lý trở về. Khi trở lại bar rượu, ngay lập tức George liền nhận ra chúng tôi là hai người khách đã đến từ hôm trước. Anh ta chủ động đến bắt chuyện làm quen. Giông bão ngoài trời là cái cớ cho tất cả chúng tôi lúc đó đều dễ dàng xích lại gần nhau để tạo ra một sự ấm cúng. Suốt đêm ấy mọi người đã ca hát và nhảy nhót, ngay cả khi ban nhạc và ca sĩ đã đi khỏi. Không khí vui nhộn bên trong quán đã khiến mọi người hầu như quên hẳn sự rét mướt u ám mấy ngày qua, cho nên không một ai để ý là khi ấy bên ngoài cơn mưa đã tạnh và cơn bão đã tan, mối đe dọa không còn treo lơ lửng trên bầu trời thành phố. Hôm đó nàng đã nói thật nhiều. Tàn cuộc, không biết bằng cách nào mà chúng tôi đã trở về được khách sạn. Có lẽ nàng và tôi, cả hai đều say khướt.

Chúng tôi đã không trở lại quán của vợ chồng George và thành phố biển một thời gian khá dài sau đó. Có lẽ trên hai năm. Một phần vì ấn tượng của cơn bão, với những ngày dài lê thê, ẩm ướt giam mình quanh quẩn trong khách sạn và quán rượu, vẫn chưa hoàn toàn xóa sạch trong ký ức của chúng tôi nếu tình cờ có ý nghĩ chọn một nơi nào đó để du lịch vào những dịp hè. Nhưng có lẽ chính xác hơn cả là vì bận rộn công việc. Công ty bảo hiểm nơi nàng làm việc mở một chi nhánh tại một thành phố ở Đông Thái Lan đã điều động nàng sang đó. Còn tôi, số phận có chiều hướng trở nên tồi tệ hơn khi đứng trước nguy cơ bị sa thải do công ty đang trên bờ vực phá sản. Trong suốt quãng thời gian đó, nàng và tôi chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại hoặc bằng e-mail.

Nơi nàng làm việc cũng là một thành phố nhỏ ven biển. Trong những bức điện thư gửi về cho tôi, nàng đã mô tả nó với tất cả những ấn tượng đẹp đẽ. Trong trí tưởng tượng của tôi, đó phải là một thành phố mà vẻ đẹp tự nhiên của nó chưa bị sự phát triển đô thị xâm phạm thô bạo; cư dân thì hiền hoà, mến khách. Các khu thương mại, công sở, văn phòng được quy hoạch nằm sâu bên trong trung tâm và cách khá xa bãi biển. Một con đường tráng xi măng và một hàng dừa rũ bóng chạy xuyên suốt bờ biển dài năm, sáu cây số. Hàng quán nằm men theo bên kia con đường bày bán thức ăn và các mặt hàng phục vụ cho khách tắm biển. Chỉ có điều nước biển ở đấy chẳng khi nào trong xanh, có lẽ do có quá nhiều lớp cát đen bên dưới. Mỗi chiều khi tan sở, nàng thường dạo chơi dọc theo bờ cát hoặc ngồi ngắm nhìn những chiếc thuyền câu lần lượt trở về neo đậu trên bãi cho đến tận hoàng hôn. Nàng đã gửi cho tôi nhiều tấm ảnh. Tôi nhớ một tấm chụp nàng đi chân trần men theo mép nước, những lớp bọt sóng trắng xoá vỡ tan trên cát; xa xa trước mặt là những bãi đá nhô lên trên mặt biển đen sạm, còn sau lưng là hàng dừa xõa tóc bay trong gió trên nền trời đang chuyển dần sang màu vàng cam, có lẽ mặt trời khi ấy đang nằm khuất đâu đó sau rặng dừa. Những tấm khác chụp nàng đứng bên cạnh những chiếc thuyền gỗ nằm chỏng chơ ghếch mũi lên bãi hay giữa những tấm lưới đánh cá bay phất phơ trong gió. Hầu hết những tấm ảnh đều được chụp vào lúc chiều chạng vạng, một mình nàng trên bãi biển hay đứng giữa các thứ ngư cụ.

Bây giờ cứ mỗi lần cầm những tấm ảnh ấy, tôi không khỏi có cảm tưởng như đang chạm tay vào sự lẻ loi buồn chán của nàng. Có phải sự tẻ nhạt tù túng vẫn còn nguyên đó cho dù người ta đã đào thoát thật xa đến một chân trời khác?

*

Quán rượu của vợ chồng George bây giờ đã trở nên một phần không thể thiếu của tôi vào mỗi dịp hè.

Tôi nhìn ra ngoài khơi. Nơi ấy, lúc này, có hai chiếc tàu chở hàng, một màu trắng và một màu đỏ bầm, đang neo sừng sững bất động. Bãi cát trắng bỗng chốc chói chang đến nhức mắt. Nhiều người đã chạy hết xuống biển ngâm mình dưới làn nước xanh trong. Trên bãi chỉ lác đác một vài người trải khăn nằm phơi nắng hay đọc sách bên dưới những cái mái lợp lá. Tiếng cười đùa, la hét lẫn với tiếng sóng theo gió vọng vào tận bên trong này quán. Chỉ có đám đông trên bãi biển mới làm cho tôi thấy lẻ loi hơn bất kỳ nơi nào khác. Có thể từ những ánh mắt tò mò pha lẫn thương hại của họ. Một gã đàn ông đơn độc trên bãi biển trong cái nhìn của mọi người là một cái gì đó bất bình thường.

Tôi kéo cặp kính râm xuống mắt tránh cái nhức nhối từ bãi cát hắt lên, rồi quay vào trong gọi thêm một ly martini dry. An từ bên trong quầy nháy mắt ra hiệu thay cho câu trả lời. Cặp vợ chồng già người Nhật hay Hàn quốc vẫn ngồi lặng lẽ khuất ở trong góc; người vợ đội một cái mũ rơm tròn rộng vành, đeo kính râm che gần hết khuôn mặt nhìn ra ngoài, còn người chồng mặc chiếc sơ mi kiểu Hawai ngồi xoay lưng lại phía tôi. Họ nói chuyện với nhau thật khẽ.

Trên cao, một chòm mây trắng trôi lững thững từ phía hai chiếc tàu vào bờ. Nhưng chưa đến đám người tắm biển thì có vẻ như nó đã đuối sức, tả tơi ra làm nhiều mảnh vụn, và một lúc sau nữa thì chỉ còn là những vệt trắng mảnh dẻ như những sợi chỉ vắt ngang lưng trời. Một chiếc ca nô thỉnh thoảng cày xới qua lại gây ra những tiếng ồn ào và những xáo trộn nho nhỏ bất chợt, ngắn ngủi.

An đã trở ra, trên tay cầm một cái khay với ly rượu mới. Cô hơi khẽ nghiêng người đặt ly rượu xuống bàn, tiện thể nhặt lấy cái ly đã uống cạn lên khay. Không nhìn tôi, An hỏi: “ Hôm nay anh không xuống biển sao?”

Tôi ấp cái ly rượu trong lòng bàn tay, có cảm giác như sự mát lạnh của nó ngấm qua da thịt và lan dần ra khắp cơ thể, cùng với mùi cá ươn, muối mặn và hương vị của một buổi trưa hè yên ả theo gió len lỏi vào tận các thớ thịt, đường gân.

“Không.”

“Anh còn ở chơi bao lâu?”

“Ngày mai tôi đi rồi.”

“Lần này anh ở lại ít ngày nhỉ?”

“Vâng. Khi nào thì George về?”

“Anh sắp về đến nơi rồi. Biết anh ra chơi, George vui lắm.”

An đã quay vào bên trong quầy bar, tiếp tục công việc lau chùi, sắp xếp trên mấy cái kệ rượu mà cô bỏ dở hồi nãy. Còn lại một mình, tôi nhìn bâng quơ ra hai chiếc tàu ngoài khơi, nghĩ lan man không biết ở trên hai cái pháo đài bằng sắt chất đầy những cái container chở hàng đó người ta đang làm gì vào lúc này.

*

Tôi đã quyết định chọn hình thức hư cấu cho đoạn kết của câu chuyện này, bởi vì nó chạm đến cái chết đột ngột của nàng, một kết cục buồn thảm đã xảy ra ba năm trước mà tôi không được tham dự. Với tính cách là một giả thuyết, nó có nhiều phần tưởng tượng dựa trên một số dữ kiện có thật. Ngoài ra, còn bởi vì chính George nói với tôi có lần đã trông thấy một khách hàng giống nàng như đúc. Giấc mơ hay những điều tưởng như hoang đường không phải là điều hiếm thấy mỗi ngày.

Lần đó tôi đã thấy nàng trở về.

Tôi ngồi trong quán của vợ chồng George, một mình như mọi khi. Từ ngoài bãi biển, một nhóm khoảng năm, sáu thanh niên bước vào, cười nói huyên náo. Họ sàn sàn trạc tuổi nhau, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu. Đi đầu là một người nhỏ con, da ngăm đen, cặp kính mát màu đen ôm sát khuôn mặt kiểu nhân vật Neo trong phim The Matrix, đội mũ màu đỏ lưỡi trai. Tôi chú ý đến một gã cao nhất trong bọn, khoé miệng ngậm điếu thuốc, vừa đi vừa nhún nhảy. Quần áo và các thứ trang bị trên người của đám thanh niên mới vào cho thấy họ là những khách du lịch nhiều tiền. Họ chọn cái bàn cũng bên ngoài hàng hiên, nhưng hơi lùi về phía sau bên trái. Tiếng xô đẩy bàn ghế và la lối ầm ĩ tiếp theo ở sau lưng khiến tôi tò mò quay lại.

An, đã có mặt, trên tay cầm cây bút và cuốn sổ nhỏ ghi chép, kiên nhẫn chờ đợi họ kéo ghế ngồi xuống. Họ gọi bia với một vài thức nhắm. Có vẻ như bọn họ đã có uống rượu đâu đó rồi trước khi đến đây. Họ nói chuyện và cười to tiếng. Không khí trong quán từ khi có đám thanh niên xuất hiện bỗng nóng lên hẳn.

Sự ồn ào quá mức ở trong quán khiến tôi nãy giờ đã định đi tìm một chỗ khác yên tĩnh, nhưng đầu óc tôi bỗng dưng trở nên lơ mơ và hai mi mắt bắt đầu nặng trĩu. Cảnh vật trước mắt nhòe dần và tiếng động chung quanh trở nên mơ hồ. Tôi biết mình sắp sửa rơi vào một giấc ngủ. Không gì khó chịu cho bằng tình trạng này, ngủ với một cảm giác tỉnh thức, cùng một lúc có mặt ở hai thế giới, thực và mộng. Bạn có cảm tưởng như mình vẫn còn thức, vẫn còn tri giác hết những hình bóng đang chuyển dịch mù mờ cùng với những âm thanh hỗn độn của chúng chung quanh bạn, nhưng thực ra thì bạn đang rơi vào trong một vực đen sâu thẳm.

Tình trạng đó kéo dài một lúc lâu khi bên ngoài đã hết nắng và gió thổi mát dịu. Trời đã xế chiều. Đám thanh niên vẫn còn ngồi sau lưng nhưng họ không ồn ào như lúc mới vào nữa. Mặt ai cũng đỏ ké. Vài gã đã gục mặt xuống bàn hay ngoẹo đầu sang một bên ngủ say sưa. Tôi liếc thấy trên mặt bàn và dưới đất ngổn ngang những vỏ chai bia. Hình như họ đã uống khá nhiều. Ở bên trong quán tối om om, tôi không nhìn thấy An ở đâu. Không còn ai nằm trên bãi, tất cả đều đã đổ xô ra biển. An vẫn chưa thấy xuất hiện, tôi không thể gọi thêm một cái gì khác để uống.

Đúng lúc tôi dợm đứng lên để trở về khách sạn, một bóng người bước vào quán. Tôi ngoái lại nhìn.

Suýt chút nữa tôi đã buột miệng kêu lên khi bất thình lình bắt gặp một dáng đi hết sức quen thuộc.

Người con gái đang bước vào mặc một cái jupe trắng bó sát, đội mũ rộng vành màu xanh đậm. Cô đến ngồi ở dãy bàn đối diện chênh chếch với tôi. Khi cô gỡ cắp kính mát ra và quay mặt vào bên trong để tìm người phục vụ, tôi như ngồi chết lặng. Sao trên đời này lại có thể có người giống người đến như thế được? Từ vị trí ở sau lưng, nét mặt nhìn nghiêng của cô gái càng làm tôi kinh ngạc về sự giống nhau đến kỳ lạ giữa cô với nàng. Nhất là đôi mắt có đuôi dài ươn ướt, sống mũi thẳng thanh tú, cái cằm nhọn, cái cổ mảnh mai và bờ vai gầy, hơi nhô cao. Càng ngắm nhìn cô, tôi càng không tin vào mắt mình, không tin vào sự thật rành rành là người đang ngồi trước mặt tôi không phải là nàng, mà là một người hoàn toàn xa lạ.

An đã trở ra đứng bên cạnh bàn người khách mới vào. Tôi ra dấu cho An biết tôi cũng muốn uống thêm. Sự xuất hiện đột ngột của cô gái đã khiến tôi thay đổi ý định. Tôi quyết định không trở về khách sạn nữa mà ngồi nán lại.

Nhưng hình như không phải chỉ có mình tôi, mà cả cái đám thanh niên ở phía sau cũng hướng những tia mắt về phía nhân vật vừa mới vào này. Những gã say ngủ cũng đã trở dậy. Họ chỉ trỏ về hướng cô, xầm xì bàn tán. Những ồn ào lại bắt đầu. Không nghe tiếng, nhưng người ta dễ dàng đoán biết qua tiếng cười khoái trá hết cỡ, họ đang nói những gì. Trong lúc ấy, có vẻ như cô không hề để mắt đến đám đàn ông ngồi đằng sau và không hề biết mình đang bị họ quan sát, cô ngồi quay mặt ra ngoài bãi biển phía trước.

Tiếng những chiếc ghế kéo sau lưng. Đám thanh niên lục tục đứng dậy, chuẩn bị rời quán. Gương mặt gã nào cũng lờ đờ mệt mỏi. Khi đi ngang qua bàn cô gái, họ đưa mắt nhìn lên người cô soi mói, tôi nghe có tiếng cười lạc lõng. Cô thoáng ngước mắt lên nhìn họ rồi quay trở lại thế ngồi của mình.

Bây giờ chỉ còn lại hai người. Vào lúc ấy bỗng dưng tôi nảy ra ý định bắt chuyện làm quen. Từ lúc cô mới vào cho đến lúc này, ý nghĩ chính là nàng đang xuất hiện, bằng xương bằng thịt, trước mắt tôi, đã choáng ngợp hết tâm trí. Tuy vẫn biết đó là một điều không thật nhưng tôi không cách nào gạt nó ra khỏi đầu, ngược lại, tôi cảm thấy một nỗi thích thú thầm kín với việc tự đánh lừa mình. Điều hoàn toàn bất ngờ là đột nhiên bây giờ tôi lại sợ cô gái đi mất, tôi sợ mất đi vĩnh viễn, một lần nữa, sự hiện hữu vật chất duy nhất để gợi lại hình bóng của nàng ở trên đời.

Tôi sực tỉnh khi nghe cô gái đột ngột gọi An để tính tiền. Chờ cô đi khuất tôi cũng vội vàng rời khỏi quán. Sự tò mò muốn khám phá về bản thân cô gái hay một tiếng gọi bí ẩn nào đó từ tận đáy sâu của tiềm thức đã thôi thúc bước chân tôi đi theo.

Ra đến ngoài bãi biển, tôi giữ một khoảng cách vừa đủ an toàn ở phía sau và cố gắng để không bị phát hiện. Cô đang đi ngược về hướng những khu nhà nghỉ, dần dần bỏ lại sau lưng bãi tắm đông người. Càng tiến gần về phía các khu nhà nghỉ, hàng quán càng thưa thớt và biển càng trở nên vắng vẻ. Không biết đó có phải là lý do khiến người ta đã chọn nơi này để xây dựng hay không, một nơi hoàn toàn tách biệt hẳn các khách sạn, quán bar hay vũ trường. Nhiều mảng xanh cây cối ở bên ngoài và trong khuôn viên các khu nghỉ mát được chăm sóc kỹ lưỡng tạo ra ở đây một không gian thư giãn và yên tĩnh. Tôi ít khi đặt chân đến đây từ khi nó được nhiều người đổ xô đến khai thác.

Nước biển bây giờ đã trở màu xanh rêu. Vài ba chiếc thuyền đánh cá muộn lẻ loi còn sót lại, có lẽ cũng chuẩn bị cập bờ. Phía trước cô gái vẫn đều bước, dáng điệu của một người dạo mát. Nhà nghỉ đầu tiên đã xuất hiện trước mắt chúng tôi. Nhưng cô không dừng lại. Chúng tôi tiếp tục đi qua một, hai rồi ba, bốn khu nhà nữa. Cô vẫn tiến đều, chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ dừng bước. Có vẻ như cô ở nhà cuối cùng trong dãy các khu nghỉ mát. Tôi cố tình đi chậm lại để giữ một khoảng cách đủ xa để tránh bị chú ý khi tiến gần đến đó.

Thế nhưng, trái với phán đoán của tôi, cô đã không dừng chân mà vẫn tiếp tục đi tới, bỏ lại đằng sau dãy nhà.

Bãi biển càng đi tới càng bẩn hơn. Có lẽ vì nó khá gần với xóm chài. Rác rưới, vỏ bao ny lông, những hộp giấy và lon nước ngọt ném rải rác chung quanh. Một vài thân cây dừa trốc gốc, và xác một con thuyền bị vỡ đôi nằm lăn lóc đây đó trên bãi, vết tích của một cơn bão trước kia đi qua còn để lại. Đằng sau đụn cát, một mái nhà lá đã hiện lên lấp ló.

Gần đến bãi đá trước mặt, cô gái cởi giày cầm lên tay, đi chân trần ra sát tận mép nước. Sóng biển đánh từng chập lên những mỏm đá làm vỡ tung toé những bọt nước trắng xoá. Gió thổi mát lạnh. Cô đi lom khom rón rén, điệu bộ đang tìm kiếm gì đó trên cát, thỉnh thoảng cúi thấp người xuống và nhặt lên trên tay. Cô đang nhặt những cái vỏ ốc?

Nhìn từ xa, hình dáng cô nghiêng nghiêng trong bộ y phục màu trắng in trên nền trời đang bắt đấu chuyển dần sang màu xanh thẫm sáng đẹp một cách kỳ lạ. Điểm sáng đó mỗi lúc trở nên nhạt nhòa trong bức tranh chiều.

Tôi ngó lơ ra chung quanh. Những tia nắng cuối cùng hắt lên chân trời phía sau lưng một vệt vàng màu cam sáng rực như một vết thương mở miệng. Bất giác tôi thấy ngờ ngợ vì cảnh vật có vẻ gì đó quen thuộc. Tôi có cảm tưởng như đã nhìn thấy ở đâu đó, mặc dù chưa đặt chân đến nơi này lần nào. Mỗi lúc tôi càng trở nên hoang mang hơn khi định thần nhìn kỹ lại những chi tiết ở chung quanh. Trống ngực tôi đập thình thịch.

Bất thình lình phía trước một đám đông xuất hiện. Họ tiến thẳng về phía cô gái. Chính là đám thanh niên trong quán lúc trưa. Tôi nhận ra họ nhờ cái mũ màu đỏ và cắp kính trên mặt của gã da đen nhỏ thó đi đầu. Nhưng tôi không thấy tên cao kều đâu cả.

Sự xuất hiện bất ngờ của đám thanh niên vào lúc chập choạng, ở một nơi vắng vẻ, làm cho cô gái có vẻ thảng thốt. Cô đứng thẳng người lên và lùi lại đằng sau một bước, nhìn sững vào họ, cảnh giác.

Cũng như cô, tôi linh cảm sắp sửa xảy ra một chuyện chẳng lành.

Đúng lúc tôi toan chạy lên phía trước với cô gái thì bất chợt một cú đánh thật mạnh ở sau gáy làm tôi tối tăm mày mặt, đổ gục xuống.

© 2008 talawas

Vũ Thành Sơn sinh tại Sài Gòn. Hiện sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.

Tác phẩm: 40km/h (thơ), Nxb Giấy Vụn, 2007; Có tác phẩm in trong: Tuyển tập truyện ngắn Sài Gòn 2006 (nhiều tác giả) và Có jì dùng jì có nấy dùng nấy (tập thơ, nhiều tác giả, Nxb. Giấy Vụn). Có tác phẩm đăng trên báo Thanh Niên Chủ nhật, Thanh Niên Tuần san, Đen Trắng, và các tạp chí Da Màu, Tiền Vệ.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài