talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 24.08.2008

Ngô Phan LưuXoa tay và cười…

Ngô Phan Lưu
Ngô Phan Lưu

 

Ngô Phan Lưu

Xoa tay và cười…

 

8 giờ sáng. Một sáng trời nắng. Chú Công bước vội trên con đường lát bê-tông xi-măng đến nhà lão Án. Vào đến cổng, chú thấy lão Án ngồi sẵn nơi chiếc bàn nhôm, trước mặt có chai rượu cùng gói giấy báo. Con chó Mực chồm lên sủa mấy tiếng, thấy chú Công quen, lại thôi. Nó ngoắc đuôi, nằm lại nơi gầm bàn chờ chực thứ gì đó trên mặt bàn. Dường như nó đã quen như thế mỗi khi chủ nó ngồi nơi này.

Chú Công vừa tiến vào, vừa giơ tay lên trời:

“Chào.”

Lão Án ngồi nơi chiếc bàn nhôm, cũng giơ tay đáp trả:

“Chào. Đúng giờ gớm nhỉ.”

Chú Công quét mắt xuống mặt bàn, thấy hoang vắng, liền cau mặt:

“Có quái gì hấp dẫn phải đến sớm? Nào, chúng ta vào việc.”

“Ừ.”

Lão Án đứng dậy, mở gói giấy báo, lấy khúc xương giò, một khúc xương giò lão đã gặm hết thịt chỉ còn xương trắng. Nhìn thấy khúc xương giò nhẵn thín, một nỗi khinh bỉ bùng dậy trong người chú Công. Hình vóc nỗi khinh bỉ đại khái thế này: “Lẽ ra, lão Án phải lấy dao nỉa gỡ thịt cái chân giò ấy, đặt vào một cái đĩa cùng nhắm rượu. Thế mà lão một mình xơi sạch. Rõ đồ khốn. Đúng quân ham ăn.” Nỗi khinh bỉ vọt ra mắt. Chú Công trề môi, mím lại rồi nhằng ra. Lão Án thoáng thấy, lão cau mày. Cái cau mày chạy dài lên nửa vầng trán bóng loáng như thoa mỡ. Có lẽ, khi gặm chân giò, lão đã gãi gãi vào đấy. Lão “hừ” nho nhỏ trong miệng, nuốt cái “hừ” ấy vào bụng. Lão cười như chẳng có chuyện gì:

“Chú chuẩn bị nhé? Nào, bắt đầu.”

Chú Công nín thinh nhưng vẫn đứng dậy, thọc tay vào túi lôi ra một nắm vòng dây cao su xanh đỏ vàng tím. Thấy thế, lão Án liền bước vào phía trong, dứ dứ khúc xương giò dằng sau cánh cửa khép hờ, miệng gọi nho nhỏ:

“Nào, vào đây. Mực… Mực… vào đây. Tặc, tặc, tặc… Mực… Mực…”

Con chó Mực lập tức nhỏm dậy, đi đến. Vừa thò cổ vào, lão Án thả ngay khúc xương giò, hai tay khép mạnh cánh cửa. Con Mực bị hai cánh cửa chèn ngang cổ quá đột ngột. Nó giãy giụa dữ dội nhưng phải thúc thủ nằm yên vì ngẹt cổ. Bên ngoài cửa, chú Công thành thạo, nhanh nhẹn dùng những vòng cao su quấn siết vào cổ dái con chó.

Bên trong cánh cửa, tiếng lão An hỏi:

“Xong chưa?”

Bên ngoài, chú Công trả lời:

“Ô-kê.”

Lão Án liền thả cánh cửa. Con chó Mực vùng dậy, chạy rối loạn. Thoạt tiên, chạy vào nhà, đụng vách tường, lại chạy ra, nhưng thấy khúc xương giò, hoảng vía lại chạy vào. Cuối cùng, để tránh con người, khúc xương giò và vách tường, nó chạy vòng xuống nhà bếp, và biến mất ngoài vườn.

Lão Án mở rộng cửa. Luồng nắng mai tràn vào. Trong luồng nắng vàng nhạt, bụi của đường chạy do con Mực gây ra vẫn còn bay rối ren. Lão Án xoa tay và cười.

Chú Công đến vò nước, rửa tay bằng xà-phòng.

Lúc này, mấy đứa cháu lão Án cùng bọn trẻ hàng xóm đang hào hứng chơi trò “bán heo con”. Chúng đặt từng chú chuột mới đẻ chưa mở mắt vào lòng hai bàn tay. Đoạn, chúng xe điếu, mục đích cho chuột con dài ra, mềm nhũn. Xong, chúng phình bụng lấy hơi, thổi vào mồm chuột. Chú chuột con chưa mở mắt, từ từ phình to, căng da non như sắp vỡ, trông đỏ hỏn, tròn quay. Chúng gọi đó là “heo con”. Thổi thành “heo con” xong, chúng đặt ngay ngắn thành hàng nơi bờ sân để lập “chợ bán heo con”. Thỉnh thoảng, bọn trẻ la hét inh ỏi mỗi khi có đứa thổi quá mạnh làm vỡ chuột, máu me, ruột gan dính đầy tay, có khi văng lên cả mặt. Xung quanh bọn trẻ, luôn có bầy gà xúm xít chờ chực. Có nhiềi chú gà bạo dạn, xông thẳng vào “chợ”, mổ tha một chú “heo con” chạy mất ra rào. Bên trên “chợ bán heo con”, nơi tán cây Sầu Đông, bầy chim sẻ hót ríu rít trong nắng mai vàng óng. Làn gió thổi qua, hoa Sầu Đông rụng bay lả tả như công-phét-ti.
Ngồi tại chiếc bàn nhôm nơi hiên nhà, lão Án lại xoa tay, nói với chú Công:

“Thông cảm nhé. Chỉ là rượu suông.”

Chú Công chùi chùi hai bàn tay vừa rửa vào vạt quần, nhìn xoáy vào lão Án:

“Này, con Mực nhà cụ đến khuya sẽ về, nhưng nó trốn ngoài vườn, không dám vào hiên nhà. Cụ mà bị như vậy, đến tối cũng phải về thôi. Chỉ khác là cụ ngủ trên giường, vừa nằm vừa gặm chân giò tẩm bổ.”

Lão Án nhíu mày. Vẫn cái nhíu mày chạy lên giữa trán. Sau cái “hừ” nhẹ để nuốt vô bụng, lão nói:

“Chú cũng thế thôi, hơn gì nó?”

Chú Công vẫn không động đến cốc rượu lão Án đã mời:

“Tôi xin ý kiến cụ một tí nhé? Số là, lâu nay tôi sống cạnh một đoạn dây thừng hiền hoà. Giờ đây mới vỡ ra đó là con rắn độc. Cực kỳ độc. Vậy tôi phải làm sao?”

Nghe thế, lão Án ngẩng đầu lên, mắt le lói như có ma ở. Lão nhìn ngắm bọn trẻ chơi trò “bán heo con” nơi bờ sân một chặp. Đột ngột, lão chậm rải:

“Khái quát thế này: Con rắn độc thế nào cũng cắn chú chết, chức năng của nó là vậy. Trường hợp của chú có 3 giải pháp. Thứ nhất, phải đập nó chết. Nếu không thể đập nó chết, giải pháp thứ hai, phải trốn chạy xa nó. Nếu không trốn chạy được xa nó, giải pháp thứ ba, chú phải làm rắn chúa. Chú rơi vào giải pháp nào, ắt tự hiểu lấy.”

Chú Công nhìn chăm chăm lão Án. Toàn bộ con người lão Án giờ này như thầm bảo chú rằng: “Chê cốc rượu trước mặt à? Thế là tao còn rượu.”. Chú Công liền thò tay bưng cốc rượu nốc cạn:

“Vậy làm rắn chúa là làm thế nào?”

“Là phải mạnh và độc hơn con rắn độc ấy. Vậy là chú rơi vào giải pháp thứ ba – làm rắn chúa – Nghĩa là chú phải luôn chuẩn bị thực hiện giải pháp thứ hai, để tiến lên hoàn tất giải pháp thứ nhất. Tiến trình âm thầm ngược lại.”

“Khổ quá.”

“Không khổ đâu. Chú cứ coi con rắn độc ấy là đoạn dây thừng, nhưng tâm trí chú phải đối phó như con rắn độc.”

“Như thế, cũng khổ quá.”

“Vậy chú sắp tiêu vong.”

“Nếu mai này, con rắn độc ấy hối cải thành dây thừng, tôi phải làm thế nào?”

“Hãy coi chừng. Sợi dây đã hoá rắn, thì chính rắn cũng là sợi dây.”

Lão Án lại rót rượu. Cả hai cụng ly. Tay gãi gãi chót mũi, chú Công nói: “Càng gặp cụ, tôi càng mở rộng hắt hiu”

Lúc này, cụ Tích người cùng xóm, tay cầm dù, đang từ cổng tiến vào. Đến bờ sân, cụ hét toáng, giải tán bọn trẻ chơi trò “bán heo con”:

“Dọn dẹp ngay. Gớm chết đi được.” - Cụ lia mũi dù, đâm bốn phương tám hướng – “Tao thọc bể bụng, vỡ sọ hết ráo bọn bay. Dọn dẹp ngay.”

Bọn trẻ và bầy gà chạy tán loạn, chỉ có “heo con” là không chạy.

Cụ Tích bước lên thềm. Lão Án vào nhà lấy thêm ly. Lão rót rượu:

“Mời ông anh một cốc đón chào ngày mới.”

Cụ Tích vừa gật đầu, vừa ngồi xuống ghế:

“Mới sáng đã lai rai rồi à? Sướng nhỉ.”

Chú Công nói:

“Uống mừng thiến chó.”

Cụ Tích cười sặc sặc:

“Sao không lấy hai “cẩu hoàn” mà nhắm rượu? Ăn vào, theo đực, theo cái, sủa chơi.”

“Chưa rớt ra.”

“Đã thiến mà chưa rớt?”

“Thiến hiện đại, văn minh, nhân đạo mà.”

Nghe chú Công nói thế, cụ Tích ngơ ngác. Có lẽ, cụ chưa rõ kiểu thiến này, nhưng cụ lại im lặng.
Đâu vào đấy, ngoài bờ sân bọn trẻ đã tụ lại, chơi tiếp trò “bán heo con”. Cụ Tích bưng ly rượu giơ cao:

“Tôi đi chia buồn cùng cụ Vãn xóm Đông. Thấy mấy anh, tôi tạt vào chơi chút đỉnh.”

Lão Án hỏi:

“Cụ Vãn bị sao? Tăng-xông à?”

“Không. Cụ ấy vẫn mạnh nhưng đứa cháu ngoại của cụ - đứa bé gái ấy mà - không hiểu sao, trời chưa sáng rõ đã ra ngồi vệ đường tiểu tiện. Thằng bắt chó trộm, xoạt Honda qua, tưởng nhầm là chó, quất thòng lọng vào cổ, lôi xền xệt. Khi biết nhầm, nó thả thòng lọng, phóng xe trốn biến. Tội nghiệp con bé, còn quá nhỏ, chưa đi học, thế mà nhan sắc chả còn gì! Đấy là tin buồn thứ nhất. Còn tin buồn thứ hai cũng rơi vào nhà cụ Vãn.”

Chú Công nhướng mắt:

“Còn tin buồn gì nữa?”

Cụ Tích nói:

“Thằng Nam cháu đích tôn cụ ấy, đã bị thiến rồi, cũng như con chó Mực ở đây.”

Lão Án cười :

“Ai dám thiến nó?”

“Bác sĩ khoa hạn chế sinh đẻ.”

Lão Án cười toáng lên:

“Vậy tin vui, sao tin buồn?”

Cụ Tích nói:

“Buồn chứ. Nó chưa vợ mà.”

Cụ Tích sụp mắt xuống, nhìn chăm chú vào quần bà ba vải trắng của mình, thong thả nói tiếp:

“Thằng Nam chưa vợ mà nom đã già háp.. Nó khai láo rằng đã có vợ 4 con để bác sĩ “bấm” ống dẫn tinh, lãnh 200 ngàn đồng nhậu chơi! Nó tiệt sản rồi. Đúng là dân u mê. Cụ Vãn rất buồn.”

Nghe thế, chú Công tự động rót rượu. Uống xong, chú nói:

“Thằng Nam như vậy là khoẻ. Con là nợ, vợ là oan gia. Này, - Chú Công hướng mắt vào lão Án - Một tuần sau, dái con Mực sẽ rụng. Chỗ lở thúi ấy, nó liếm mãi sẽ lành, không cần đến thuốc men.”

Lão Án nói:

“Tôi biết.”

Cụ Tích hỏi:

“Vấn dây cao su à?”
Không ai trả lời. Lúc này, từ trong khóm lựu vang lên tiếng chim hót ríu rít. Và, lập tức con chim sâu bay vào, đậu ngay bệ cửa sổ sát bên. Mắt nó láo liêng nhìn dè chừng vào bàn rượu. Nhìn một chặp, thấy chẳng gì hay, nó lại bay vút.

Chú Công hướng mắt sang cụ Tích:

“Nhân tiện xin lãnh giáo cụ vài lời khuyên. Số là, lâu nay tôi sống bên một đoạn dây thừng hiền hoà, không ngờ đó là con rắn độc. Vậy, tôi phải làm sao?”

Cụ Tích với tay bưng cốc rượu, nghĩ sao cụ lại đặt xuống: “Thế thì, anh phải học tập con Dồng Dộc.”

“Con Dồng Dộc nó làm sao?”

Cụ Tích vuốt râu:

“Nó lót ổ rất công phu, nhưng nếu một bàn tay hay cái mõm lạ nào thò vô làm “hôi ổ”, nó lập tức bỏ ngay. Dứt khoát không tiếc nuối. Kiếm nơi khác, nơi có thanh bình mà ở. Không hề nghĩ đến chỗ cũ, thậm chí cái bàn tay hay cái mõm lạ kia cũng không tồn tại trong tâm trí nó nữa. Trong lòng chim Dồng Dộc chỉ có sự di chuyển, không có sự đối phó.”

Chú Công cười héo:

“Nhưng con người không thể nào là con Dồng Dộc được.”

Cụ Tích cũng cười buồn:

“Đúng thế. Tôi khuyên anh nên học tập con Dồng Dộc. Tôi không bảo anh làm con Dồng Dộc.”
Nghe thế, chú Công nín thinh, lão Án cũng nín thinh. Đột ngột, cụ Tích chuyển vấn đề:

“Nhân uống mấy ly rượu mừng ngày thiến chó văn minh, nhân đạo, hiện đại này, tôi nhớ lại việc thiến chó của mấy tay nhà giàu ngày xưa. Họ mổ dái chó ra, nhưng không bao giờ lấy ra hết dái, cố tình chừa lại một ít, đoạn họ lấy mảnh chai vụn rắc vào, rồi may lại vết mổ. Con chó trông vẫn còn dái, nhưng thực chất là cái bịch đựng miểng chai vụn. Con chó lúc nào cũng đau, cũng khó chịu, cũng ngứa ngáy, nên nó hung dữ lạ thường. Những tay thiến chó kiểu này quả là đồ chó.”

Nói xong, cụ Tích xách dù đứng dậy, vội vã đi ra cổng. Lúc đi ngang qua chỗ bọn trẻ chơi trò “bán heo con”, cụ im lặng. Cụ không hét toáng để giải tán bọn trẻ nữa. Vì sao? Việc này có trời mà biết.

Chú Công cũng rót rượu, tợp một hơi:

“Tôi cũng về. Có lẽ, tôi nên làm con Dồng Dộc hơn là làm rắn chúa.”

Còn lại một mình, lão Án ngồi trầm ngâm, lơ đãng nhìn bọn trẻ hò reo, cãi nhau chí choé nơi bờ sân. Đột ngột, lão gãi gãi vào háng và nhíu mày. Rồi, cũng thật đột ngột, lão xoa tay và cười…

© 2008 talawas

Ngô Phan Lưu ssinh năm 1946. Quê Phú Yên. Đang là sinh viên khoa Triết, Đại học Văn khoa Sài Gòn thì Ngô Phan Lưu bị động viên đi trừ bị Thủ Đức. Sau năm 1975, ông sống bằng nghề làm ruộng và nhiếp ảnh ở Phú Yên. Bắt đầu viết văn từ năm 1995.

Tác phẩm: Bếp lửa chiều đông (tập thơ, 1997), Người không giăng câu Kiều (tập truyện, 2004)

Giải thưởng: Giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam với hai tác phẩm Buổi sáng biến mấtCơm chiều.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài