talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 07.09.2008

Trường LamHàn nho

Trường Lam
Trường Lam

Truyện ngắn dưới đây kể về chuyến vinh quy của một vị Tân khoa Phó bảng Nghệ An những năm đầu thế kỉ trước. Tuy tác giả không cho chúng ta biết tên của nhân vật chính, song căn cứ vào các chi tiết trong truyện (chẳng hạn: nhân vật chính đậu Phó bảng khoa Tân Sửu), độc giả dễ dàng nhận ra nguyên mẫu là ông Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

talawas chủ nhật

 

Trường Lam

Hàn nho

 

Chàng tân khoa Phó bảng bái biệt quan Tổng đốc cám ơn tấm lòng quyến luyến của cụ rồi xăm xăm ra khỏi cổng thành. Cả sáng nay, chờ mãi vẫn không thấy đám người đón rước từ trên huyện Đường Nam đâu cả, quan Tổng đốc đã quyết định sai lính mang cáng của mình ra, đưa Phó bảng Tân khoa vinh quy. Vị tân khoa bày tỏ lòng biết ơn nhưng kiên quyết từ chối:

“Cám ơn cụ Thượng. Tôi xuất thân học trò nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé, dãi dầu mưa nắng là chuyện thường tình. Nay được cụ ưu ái khiến tôi vô cùng cảm kích, nhưng xin phép cụ cho kẻ hàn nho này được giữ trọn nếp xưa, đi bộ trở về. Đường từ đây về nhà cũng chẳng xa xôi gì!”

Nói đến đây vị tân khoa chắp tay vái quan Tổng đốc; Tốp lính lệ thoát khỏi phải khiêng cáng, vội vã theo quan Tổng đốc trở lại công đường.

Chàng tân khoa xốc tay nải qua vai, tay cầm quạt giấy thong thả nhằm hướng Tây, đều bước. Vừa đi chàng vừa nghĩ:

“Mình là cái thá gì mà được dân cả tổng, cả xã đưa đón? Lại được quan Tổng đốc ân cần thăm hỏi chuyện gia đình, cha mẹ, vợ con?... Làng Cau đúng là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng từ lâu lắm rồi, những ba mươi mấy năm, mình đâu còn quan hệ gắn bó gì? Ngày ấy, bao người được coi là thân thích ruột rà cứ muốn tống khứ mình đi cho rảnh mắt. Tại sao họ lại hẹp hòi thế nhỉ?”

Chàng vừa đi vừa tự hỏi rồi lại tự trả lời. Chiếc quạt thỉnh thoảng xòe ra, quạt lấy quạt để cho ráo bớt mồ hôi, nhịp bước vẫn không hề thay đổi:

“Lý do đầu, chắc cũng từ cái khó, cái khổ mà ra. Của chìm của nổi cha ông tổ tiên để lại chẳng có là bao nên họ sợ phải chia gia tài cho mình, mất phần con cái họ. Bà chị dâu chẳng đã chửi sa sả rằng mình là “đồ con hoang” là loài “mèo mả gà đồng” là nòi “xướng ca vô loài” lạc về hòng tranh giành tài sản đó sao?”

Mẹ chết đâu kịp trăng trối gì! Mẹ lịm đi, người lả dần rồi tắt thở. Mẹ đâu đã kịp nói với mình cái lý do thứ hai.

Ôi! Ngày ấy sao mà xót xa tủi cực. Hai mẹ con ở trong túp lều ngoài rìa làng, gió lùa bốn phía. Trong lều chỉ có một cái chõng tre, đói rét và thiếu thốn trăm bề. Mẹ chết, đắp chiếu nằm đó, một mình mình gào khóc đến cạn kiệt nước mắt mà chẳng ai thèm mó tay vào. Họ vạch cửa lều nhìn vào rồi lại bỏ đi. May còn có cậu út mang hòm vô cùng trai làng bên ngoại qua lo lắng chôn cất. Vậy là bốn tuổi đầu mình đã sô gai, chống gậy đi trước quan tài mẹ. Cuộc đời thơ ấu có vui nỗi gì?

Sau đó mình được ông ngoại mang về chăm nuôi. Ông ngoại đã quá già, bà ngoại lại chẳng còn. Chưa đầy ba năm sau ông ngoại cũng qua đời! Mình trở về sống với anh cả, chị dâu trong tiếng nhiếc móc cạnh khóe, chửi bới và roi vọt có thiếu bao giờ? Lên bảy đã đi chăn trâu tối ngày! May còn gặp được thầy tú Vương…

… Đoàn đón vị tân khoa vinh quy võng lọng, cờ quạt, trống kèn inh ỏi, lộn xộn trẩy xuôi chật cả đường. Chàng Phó bảng cúi đầu, lặng lẽ bước, làm như khách bộ hành không biết gì! Cả bể người xao xác, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đây là Phủ Hưng, chả mấy chốc nữa là đến tỉnh lỵ. Chàng nghĩ:

“Mình thò cái mặt ra lúc này làm gì? Bà con nghèo khổ đói ăn, thiếu thốn đủ bề, cực khổ vậy mà bọn hào lý còn bắt đi đón, đi khiêng cáng. Thật đáng thương. Chi bằng làm ngơ để bà con quay trở về cho khỏe người.”

Nghĩ vậy, chàng cắm cúi đi. Đang đi chợt có người kêu to vẻ mừng rỡ:

“Ơ! Tân khoa đang đi kia kìa! Này cháu ơi?”

Chàng ngửng đầu lên:

“Kìa, cậu Hà! Cậu già rồi cũng phải đi kia à?”

“Sao lại phải? Cậu được đi đón cháu chứ? Vinh dự lắm đấy! Cả đời người làm gì có ngày thứ hai vẻ vang hơn thế? Đi là để cho đẹp mặt đẹp mày đấy cháu ạ! Ở làng Cau được tin cháu đỗ đại khoa họ đã bỏ tiền dựng cho cháu một cái nhà tranh năm gian và giành với làng Trầu quyền được đón cháu “vinh quy bái tổ” đấy!”

Nghe cậu cháu chàng tân khoa rối rít với nhau, viên Lục sự Đường Nam cùng đám hương chức vội vàng chạy tới. Viên Lục sự khúm núm:

“Thưa ngài tân khoa Phó bảng. Huyện nhà nhận được trát của quan Tổng đốc sức về, cả huyện đều rất vui sướng, mừng cho huyện nhà, cho xã và làng Cau phen này phát đại khoa. Vậy nên chi ai nấy đều phấn khởi, muốn được về tỉnh lỵ đón tân khoa “vinh quy bái tổ” chúng tôi đã tụ tập đông đủ tại làng Cau từ rất sớm. Hiềm một nỗi cả tổng Nhân Mộc chẳng tầm đâu ra một chiếc cáng cho xứng đáng với học vị của quan lớn, đành phải cho người trở về huyện đường mượn cáng khác. Vì vậy nên chi có phần chậm trễ. Mong quan lớn đại xá cho.

Tân Phó bảng đứng thần người giữa đám đông vây quanh, lát sau mới nói:

“Quan lớn, quan bé gì cái thứ tôi? Tôi thật không ngờ sự thành đạt của mình chưa đem lại hạnh phúc được cho ai, lại đã khiến bao người khốn khổ phải bỏ bê kiếm sống để đi làm một việc vô bổ thế này! Đường chỉ còn quãng ngắn, tôi tự về cũng được chớ sao?”

“Bẩm quan, mấy vị hương lý xum xoe, đó là luật lệ của Vua, từ xưa tới nay không hề thay đổi được, huống nữa làng Cau chúng ta bây giờ mới có người đỗ đại khoa, điều này vinh dự cho làng cho xã lắm đấy ạ! Xin mời quan tân khoa lên cáng để bà con được vinh hạnh rước ngài về làng.”

“Ô hay! Ở làng Cau tôi còn có dây mơ rễ má gì nữa đâu! Người ta đã gạt tôi ra khỏi cuộc sống ở đó ngay từ còn trứng nước. Hơn ba chục năm qua tôi chả còn liên quan gì với trên ấy nữa. Bà chị dâu chẳng đã từng coi tôi là đồ này, đồ nọ, đâu thuộc nòi giống của họ! Chính họ đã tống khứ tôi đi cho rảnh mắt. Với tôi, giờ chỉ có làng Trầu là quê hương. Ở đó, bố mẹ nuôi, cũng là bố mẹ vợ đã vất vả sớm khuya, chăm sóc tôi từ thơ ấu, cho cơm ăn, áo mặc dạy học hành nên người, xây tổ ấm gia đình… Ở đó tôi vừa là nghĩa tử vừa là hiền tế. Tuy bố và vợ tôi đã qua đời nhưng nơi ấy mới là nơi tôi phải “vinh quy bái tổ”. Tôi phải về đó để tạ ơn nuôi dạy, để tri ân những người đã khuất cũng như người còn sống, không thể vô ơn bỏ nơi đó được. Tôi không về làng Cau với các bác đâu!”

“Thưa quan tân khoa, cái vinh dự của làng của xã là chẳng cần chi phải bàn cãi. Làng Trầu cũng như làng Cau đều muốn đón ngài vinh quy. Theo sự bàn bạc của xã, của tổng, hội đồng hương lý làng Cau đã xuất quỹ, cấp đất, mua và dựng nhà để đón quan về bên nội cho hợp với quy định từ xưa tới nay…”

Chàng tân khoa Phó bảng thoáng buồn. Chàng bỗng nhớ như in ngày lên bốn ở trong lều cùng mẹ. Mẹ mất mà chẳng ai giúp đỡ, đau khổ biết dường nào! May mà có những người bên quê ngoại thương đến, rủ nhau sang lo lắng cho chu tất. Trước họ coi mình là giống “lạc loài”, bây giờ lại nhà cửa đón rước. Lòng người thật khéo quắt quay!

Thấy cháu chần chừ, có ý không bằng lòng, cậu Hà bước đến bên cạnh, nói rất khẽ:

“Thì cậu đã kể với cháu nhiều lần rằng cháu đích thực là con thầy Hồ, dạy học trong nhà ông ngoại. Thầy Hồ và mẹ cháu phải lòng nhau, hiềm một nỗi ở quê thầy Hồ đã có vợ. Mẹ cháu mang bầu, ông ngoại sợ mang tiếng mới gán mẹ cho ông bạn già của mình, mồ côi vợ đã lâu. Lão ta “cheo” mẹ cháu về… Trước đây vì vậy mà họ không nhận cháu là người cùng máu mủ. Nay họ lại nhận đón rước, tức công nhiên thừa nhận mình rồi còn gì? Bây giờ mình muốn về làng Trầu không được, mình muốn nhưng làng tổng họ không cho… Vậy nên cháu cứ về làng Cau xem thái độ họ thế nào? Cháu còn thiếu gì cách xử lý cho êm đẹp về sau!”

Chàng tân khoa cảm thấy khó xử, ấp úng nói:

“Tôi biết bà con làng “đại khố” chúng mình ai cũng còn nghèo khó. Các vị hương lý bày chuyện dựng nhà, dựng cửa cho, việc này khiến tôi càng khó nghĩ. Học được dăm ba chữ thánh hiền nhờ phúc ấm tổ tiên, nhờ thầy, nhờ quý nhân phù trợ… tôi đã kiếm được chút khoa danh nhưng nào có giúp được gì cho bà con ta đâu! Đất nước giờ đã phụ thuộc cả vào tay ngoại bang. Vua có muốn cũng chịu chứ chẳng riêng gì tôi. Mặt khác tôi lại vừa mất đi người vợ hiền tần tảo sớm khuya cùng đứa con trai út… Được chẳng là mấy nhưng mất mát lại quá lớn. Xin mời bà con, chúng ta cùng đi bộ về vậy. Võng lọng, cờ quạt… bày vẽ mà làm gì?”

*

Căn nhà mới của tân Phó bảng người đã vãn. Lời chúc tụng cũng ngớt, chỉ còn lại bốn cha con với nhau. Chàng Phó bảng ngồi trên bộ phản chẳng biết nhà ai cho mượn, vẻ mặt không vui. Chàng đăm chiêu nhìn ra ngoài trời đang tối dần, khói trắng nhạt nhòa sau lũy tre. Quan mà chi? Vua mà chi? Để bọn Lang Sa lộng quyền ức hiếp dân lành? Từ hòa ước Giáp Tuất (1874) với hai mươi hai điều khoản, bọn Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường đã nhượng đứt cho giặc lục tỉnh Nam kỳ, lại cho chúng được tự do đi lại và truyền đạo… Cái chết của Phò mã Nguyễn Lâm, tướng quân Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Hoàng Diệu cùng bao quân sĩ thật là vô nghĩa. Đến năm Giáp Thân (1884) lại ký hòa ước giao cả nước ta cho giặc… Mình đỗ đạt giờ cũng có vẻ vang gì nữa đâu! Quan đầu triều của Tây đã ngự bên cạnh vua từ lâu (1885). Vua Hàm Nghi bị giặc bắt. Chính Tự Đức là kẻ đã để đất nước ta rơi vào tay giặc. Trước đây ông ta luôn vỗ ngực khoe khoang mình là người thông minh, tài giỏi… Nhưng có lẽ ông ta chưa từng đọc “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ” hay “Cáo bình Ngô”. Nếu đã đọc chắc ông ta cũng không dám hành động ngu muội như vậy!

Đang suy nghĩ miên man chợt hai con trai chạy đến:

“Cha ơi! Tối nay chúng ta ăn gì? Từ sáng tới giờ chúng con mới được có một bát cơm ở dưới nhà bà ngoại.”

Chàng Phó bảng cười xòa:

“Thì cha đã đặt tên cho hai con là Khơm và Công rồi còn gì?”

“Tiếng Nghệ mình nói lái thành “Không Cơm”, vậy mà các con chưa hiểu ra. Khi cả làng ăn tiệc, các con không ăn gì sao?”

“Trẻ con đâu được vào! Giờ đói quá cha ơi. Đêm làm sao mà ngủ được?”

“Con đã hiểu cái phù hoa nó mê hoặc người ta thế nào chưa? Bắt phải về làng Cau vinh quy. Về đây chúng mình có gì? Hai bàn tay không, không của chìm, của nổi, không gạo muối củi rả, không tiền bạc vốn liếng… chết đói là cầm chắc! Hồi sáng cha mua mấy cái bánh nếp đang ở trong tay nải kia. Các con lấy ra mà ăn cho đỡ đói, nhớ dành phần về biếu bà. Ăn xong chúng ta về làng Trầu thôi! Đó mới thật sự là nơi vinh quy. Phải về để bà mừng, để thắp hương báo với ông ngoại, mẹ và em các con… Nơi đây vậy là đủ. Ở nhà chắc bà và dì mong lắm.”

“Hoan hô cha! Chúng mình về bà ngay đi cha?”

Vừa nghe cha nói vậy, hai cậu con trai đã tíu tít chuẩn bị ra đi. Chị cả mắng chúng:

“Các em không được làm ầm ĩ. Nhà mình nhiều chuyện buồn, có gì đáng vui đâu mà reo hò?”

“Ừ! Bọn em nhớ ra rồi!”

Nghe con nói vậy chàng Phó bảng chợt thấy đau nhói trong lòng. Mới độ trước tết Canh Tý, chàng đi coi kỳ thi Hương ở trường thi Thanh Hóa, theo điều động của bộ Học, mang thằng Khơm đi theo để nó đỡ đần và cũng để bớt đi một miệng ăn cho vợ đỡ vất vả, mình bé Công ở lại Kinh thành giúp mẹ. Đôi vai gầy nhom của thằng bé mười một tuổi bất ngờ đã phải gánh hai cái đại tang: một tang mẹ và một tang em… Còn đau đớn nào hơn thế nữa giữa đất khách quê người! Một mình nó chống chèo ra sao? Trời ơi là trời! Chàng vò đầu bứt tai, nghĩ đến đó bỗng rớt nước mắt, phẩy tay nói:

“Ta về thôi các con. Về nhà mình thôi!”

“Để con sập rèm xuống kẻo trộm nó vào.”

“Nhà không, có gì đâu mà sợ. Chả nhẽ nó khiêng cái xác nhà này đi được?”

Bóng bốn cha con đi thành hàng một, nhấp nhô trên cánh đồng vắng lặng, mịt mờ hơi sương. Đàn vạc đi kiếm ăn xa, bay nhanh ra biển kêu “oác, oác” buồn thảm. Bên chùa Bi tiếng mõ đều đều đếm nhịp thời gian, tiếng chuông ngân vang thong thả, lịm tắt ở nơi nào đó rất xa, hình như mãi cõi hư vô.

Chàng Phó bảng vừa đi vừa nghĩ: Số phận chàng cũng có ít nhiều may mắn, mới tí tuổi đầu đã mồ côi, bị hắt hủi, bị xua đuổi vì khác nòi, khác giống. May còn có ông ngoại, sau lại có thầy tú Vương chỉ lối, rồi bố mẹ nuôi chăm nom, bày dạy hàng chục năm trời, tốn kém, vất vả, khó nhọc kể sao cho xiết! Ơn sinh thành mình đâu dám quên nhưng công dưỡng dục thật đã bằng trời bằng bể… Giờ người ta lại bày trò vinh quy về bên nội. Bên nào mới thật là bên nội đây? Mình phải cư xử thế nào cho phải đạo làm con, làm người?

Bóng bốn cha con mờ dần bên lũy tre làng.

“Bà ngoại vẫn thức cha ạ!”

“Ừ! Có lẽ bà đã đoán ra, thể nào cha con mình cũng sẽ về.”

*

Để bà cháu líu tíu với nhau, chàng Phó bảng lên nhà thờ thắp hương, quỳ lạy và khấn khứa rất lâu trước bàn thờ bố nuôi và cũng là bố vợ. Sau đó chàng qua nhà riêng làm lễ trước bài vị vợ và con trai. Hai tấm bài vị này dịp trước Tết chàng mang từ kinh đô về. Chờ cho hương tắt, chàng quay vào vấn an mẹ:

“Kính lạy mẹ. Con biết mình đáng phải về nơi đây trước mới phải đạo. Thế mà hương lý họ cứ khăng khăng, vậy nên đành phải thất lễ, mong mẹ lượng cả tha thứ cho…”

“Thôi con ạ! Mẹ hiểu cả rồi. Chúng mình không cần nhắc lại làm gì nữa. Đằng nào con cũng đã về đây, còn gì nữa mà phải băn khoăn? Con Am đã nấu cơm, thịt gà đợi mấy bố con trở về kia rồi… Mẹ tiếc đã hứa gả con Am cho người ta trước, bằng không sẽ gả cho con luôn thì hay biết mấy! “Cha chết bám chân chú. Mẹ chết ấp vú dì”. Ở với dì bọn trẻ sẽ không cảm thấy hụt hẫng.”

“Mẹ đừng bận tâm đến việc ấy. Con không hề có ý gì khác đâu! Chỉ mong mẹ khỏe, sống lâu cùng con cháu, dì Am thành gia thất đâu đấy là mừng. Con và các cháu sẽ trông nom chăm sóc mẹ đầy đủ như khi nhà con và dì vẫn ở trong nhà.”

“Con Am đâu? Cơm nước xong chưa?”

“Xong cả rồi mẹ ạ! Mời mẹ và anh vào nữa thôi! Các cháu xem chừng đói bụng lắm…”

“Mâm cỗ “vinh quy” thế nào mà để các con nhịn đói?”

“Dạ, thưa mẹ! Con vào làm lễ ở nhà thờ họ xong về chỗ bác Thuyến, loay hoay mãi mới sang chỗ nhà của làng mua cho, ngồi cỗ với mấy vị tiên chỉ làng. Họ ăn uống rậm rịch, con cứ tưởng ba cháu cũng được ăn rồi!”

“Lệ làng họ không cho trẻ con bén mảng đến đâu. Cả đàn bà con gái nữa. Con còn lạ gì chuyện đó! Trách là trách nhà Thuyến ở đó mà không cho các cháu ăn. Chắc cũng chả biết cháu mình là đứa nào! Mà làng Cau độ này cũng giàu gớm nhỉ. Họ có tặng con gì không?”

“Dạ thưa mẹ, chuyến này họ cấp cho con một mẫu bảy sào ruộng để làm lộc điền, gần năm sào vườn và ngôi nhà tranh năm gian. Bác Thuyến bảo đã dỡ sang cái chái nhà ngang làm bếp. Con bảo là không lấy, bác cứ dỡ về kẻo lại mang tiếng được chia của, phiền phức lắm! Con thấy mình chưa làm gì được cho dân cho làng mà đã nghiễm nhiên có ruộng nương, trở thành điền chủ, kể cũng vô lý. Con đã cho bán một nửa số ruộng bù một nửa số tiền làng ăn mừng, còn thừa đem chia cho hộ một ít gọi là có lộc. Số ruộng còn lại ai chưa có ruộng cày, nhận nhà một ít làm kế sinh sống lâu dài. Con chưa kịp thưa chuyện đó lại với mẹ!”

“Tùy con thôi. Kể ra tính như vậy cũng được. Điều cốt nhất là đừng để dân làng chết đói vì mình. Độ trước làng Trầu cũng cấp cho con bốn sào ruộng học điền, con cũng đã bán để tu sửa nhà thờ họ. Mình làm việc nhân nghĩa là tích đức cho con cháu và chẳng bao giờ thừa. Trời lúc nào cũng để mắt tới… Cả nhà quây quần bên mâm cơm có bát canh gà để chính giữa, cà muối chấm ruốc, ngọn rau lang luộc… mấy cái bánh nếp để phần bà vẫn còn nguyên. Bà chưa đụng đến.”

“Hai cái bánh của bà, bà cho hai cháu nhịn đói từ sáng tới giờ. Chị lớn rồi thì thôi. Các cháu cầm lấy.”

Chị cả liếc ngang, khiến hai cậu im re. Chàng Phó bảng thanh minh:

“Bánh con mua dọc đường, ăn bánh bột nếp cốt no lâu, gặp đám rước nên đành cất lại. Các cháu có phần cả rồi. Mẹ ăn thử một cái. Con đi xa về mà chả có gì làm quà kính mẹ, nghĩ thật xấu hổ.”

“Thôi, thôi… Mẹ biết con làm gì còn tiền. Bao giờ đi làm quan có tiền bạc, đãi mẹ sau vậy!”

Chàng Phó bảng thở dài:

“Nghĩ tới đường quan chức lại càng buồn mẹ ạ! Vua ta giờ thành bù nhìn, muốn làm gì cũng phải được sự đồng ý của người Tây. Quan lại càng phụ thuộc cả Tây lẫn Vua. Vua quan gì cũng là tay sai ngoại bang cả mà thôi, có sung sướng gì đâu! Quyền hành thật lại càng không có!”

“Ừ! Trước đây mẹ có nghe các ông ngồi nói chuyện với nhau bảo làm quan cũng lắm nỗi khổ chứ chẳng sung sướng gì. Quan phải được lòng dân lại phải vừa ý Vua, nay lại phải vừa lòng cả quan Tây, kể cũng vất vả thật. Vào luồn ra cúi chẳng phải đạo làm người. Chẳng trách có quan còn dám đánh cả Tây lẫn Vua.”

“Dạ! Đúng vậy đấy mẹ ạ! Hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhiều ông quan đã từ chức, trở về tổ chức đánh Tây. Ở ta có cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn, cụ nghè Phan Đình Phùng, cụ nghè Đinh Công Chất và nhiều ông quan khác. Con tính, cuối năm này dì Am sẽ về nhà chồng, chi bằng con dạy học loanh quanh ở quê là hơn cả! Dạy học là một nghề cao quý. Ngoài việc dạy học trò còn dạy được cả con mình lại có điều kiện chăm sóc mẹ hơn và còn một việc hệ trọng là phải tìm cho ra tông tích của mình. Cậu Hà bảo đằng nào cũng phải tìm cho ra mẹ ạ!”

“Con học nhiều, biết rộng, mọi việc tùy con giải quyết. Mẹ chẳng có ý kiến gì đâu! Mẹ chỉ mong sống để chứng kiến các cháu trưởng thành.”

*

“Kính lạy thầy. Con là con trai cô Nến dưới làng Đèn đây ạ!”

Chàng Phó bảng chấp tay, cúi mình lạy một ông già gầy gò, tóc bạc đang thong thả bước xuống bậc thềm.

“Con cô Nến ư? Vậy mà đã già thế này rồi cơ đấy! Thời gian trôi nhanh quá. Nhiều năm rồi thầy ốm yếu, chẳng đi chơi đâu được nên chẳng thể nhận ra. Con vào nhà, vào nhà đi! Hai cậu này chắc là con trai?”

“Dạ! Lạy thầy, nhà con qua đời để lại một gái hai trai. Đây là hai cháu trai đấy ạ! Các con lạy ông đi.”

“Mất rồi ư? Sao lại sớm thế?”

“Dạ. Nhà con mất ở tuổi ba ba. Năm Mão này con bốn mốt tuổi. Cuối năm Tí con đi coi kỳ thi Hương ở ngoài Thanh mang thằng lớn đi theo. Vợ con ở lại kinh với thằng bé này. Nhà con sinh con, ốm rồi qua đời, thằng út cũng bỏ theo mẹ. Mình thằng này gánh chịu cả! Con lặn lội về tới nơi thì chả còn vợ cũng chả còn con…”

“Cả hai cái tang đổ ụp lên đầu thằng bé này ư? Thật quá sức tưởng tượng. Tang tóc vậy mà cháu của ông vẫn đứng vững chắc sau này trưởng thành cháu sẽ là trụ cột của thiên hạ, là chỗ dựa của muôn nhà đây!... Còn con? Ngày ấy vậy là vẫn gửi phong thư ta cho người mang xuống vào cho ông Thượng Cao?”

“Dạ! Nhờ lá thư của thầy mà quan Thượng thư đã thu xếp cho con vào Quốc tử giám và Khoa Tân Sửu vừa rồi con trúng Phó bảng.”

“Tuyệt quá! Vậy là con hơn thầy nhiều rồi. Thật đáng mừng. Ở đây giữa rừng rú, tin vui cũng chẳng biết.”

“Dạ, thưa thầy, đâu dám ạ! Con thi mãi mới đỗ. Ngay cụ Thượng Cao vẫn coi thầy là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Con thì có nghĩa gì?”

“Bậy nào. Ta chỉ là một gã hàn nho không hơn không kém.”

Nói đến đây ông đi vào trong nhà bếp bảo con dâu giết gà làm cơm đãi khách, lát sau quay trở ra:

“Ông chả có gì cho hai cháu cả, quá nghèo phải không? Đây là nhà bái đường, ông ở tạm. Nhà ở chúng cũng bán mất rồi chỉ còn lại căn bếp. May ông còn giữ được mấy mẫu vườn nhiều cây ăn trái lắm! Mùa này mít, dứa và dâu da đang chín. Cho hai cháu tự do tìm, cây, quả nào ngọt cứ thế hái mà ăn.”

Hai đứa trẻ được thể reo lên, chạy ngay ra phía chúng vừa nhìn thấy cái cây lạ đầy quả bu bám từ gốc lên ngọn, màu đỏ chói. Chờ cho hai đứa trẻ đi xa, thầy Hồ quay lại với chàng Phó bảng:

“Con uống nước đi. Ta biết chuyến này con lên đây đâu chỉ để đi chơi. Ta đã gây cho mẹ con nhiều đau khổ. Bản thân ta cũng đau khổ lắm chớ. Ngày mẹ con mất, ta cùng trai làng Đèn qua lo việc và chính ta đã khóc khi đọc văn điếu bà ấy. Sau khi cụ Hà mất ít lâu, thầy Hoàng nhận con về nuôi, ta mới tạm yên lòng đôi chút…”

“Con biết mình là con đẻ của thầy, thầy chính là cha ruột. Vì vậy đầu năm Dần con mang hai cháu lên dạy học bên gia tộc họ Lê, cốt để tìm cha. Sang năm Quý Mão này lại chuyển qua nhà Phó Bột rồi nhà ông Hàn Phan và biết cha ở đây. Năm nay con và hai cháu cũng đi thăm thú được nhiều nơi, trong đó có nhà thờ họ ở Quỳnh Đôi. Ra đó con ở nhà cụ cử Tư, tộc trưởng. Chuyến này qua đây con muốn được làm lễ nhận cha.”

Lặng đi giây lâu sau cùng thầy Hồ nói:

“Việc này cha cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Con thấy đấy: một Tri phủ về hưu, nhà cũng chẳng giữ được mà ở… Phải ở nhờ nhà thờ! Các con ta ở đây chúng tầm thường lắm! Công khai ra chẳng may chúng gây hệ lụy đến con, thật không nên. Hai nữa, họ tộc ta quá coi trọng phong hóa. Tấm gương cụ Giải Tôn ở dưới Phủ Hưng con còn lạ gì? Cả con và cháu đều đỗ Tiến sĩ mà việc nhận họ cũng chả xong. Ta đưa chuyện cha con mình ra chắc cũng chịu cảnh vậy thôi. Cha mệnh đã sắp cùng chẳng còn được bao lâu nữa. Vậy nên cha con mình nhận kín với nhau thôi. Cha sẽ viết giấy tờ. Lát nữa ta thắp hương cáo với tổ tiên. Bao giờ không còn liên lụy gì tới họ hàng dưới ấy, con và các cháu hãy quay lại mang họ ta là được. Thằng con trai thứ của con xem ra có cốt cách đế vương. Hãy quan tâm hơn để sau này nó thành người hữu ích. Ta sai lầm trong việc này quá nhiều, giờ gánh lấy hậu quả!”

“Con xin lĩnh ý cha. Sau nữa con xin hỏi cha một việc. Sắp tới chắc con sẽ được bổ làm quan. Việc này có nên chăng?”

“Chốn quan trường đầy tị hiềm và xúc xiểm, ta đã trải qua rồi, phải luôn cẩn thận, luôn nhớ mình chỉ là hàn sĩ… cảnh gà trống nuôi con cũng đành phải đi thôi! Đi mới có điều kiện cho hai đứa nhỏ học tập thành tài… Ôi! cái nghèo… “Ngày hai bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no. Đêm năm canh yên giấc ngáy o o, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…” Hãy bằng lòng với cái nghèo để cuộc sống thanh thản hơn.”

“Thầy vừa nhắc đến phú của cụ Thượng Trứ?”

“Cụ Trứ cũng bốn mươi tuổi mới đỗ, nhưng cụ là bậc kỳ tài trong thiên hạ: tài văn, tài võ, tài đàn hát, tài kinh bang tế thế, người đời ít ai theo được! Mình nên học cụ ở điểm: coi việc thăng giáng, “lên voi xuống chó” như là trò đùa. Cuộc đời phóng khoáng mới là điều cần thiết. Con nhớ lấy. Thế anh chị em sĩ tử dưới ấy độ này thế nào?”

“Dạ! Cũng ly tán cả. Anh Lương, anh Song đã đỗ ông nghè đi làm quan, vinh thân phì gia. Anh giải Phan năm Dần ra Bắc, năm Mão lại vào Nam, lo móc nối liên lạc, tổ chức người sang Nhật. Chỉ còn thầy cử Vương dạy học ở nhà, bền chí chờ anh Phan. Vậy là ai lo phận nấy cả rồi cha ạ! Chí hướng mỗi người một khác.”

“Năm ngoái giải Phan có lên gặp cha, chỉ tiếc mình mệnh hết mất rồi… Không còn bạn bè, cái nhà mới của con chắc mốc meo?”

“Dạ! Cài cửa để đó. Nếu ở, chả biết lấy gì mà sống!”

“Đi Nhật học cái hay của họ thì nên lắm. Nếu nhờ cậy họ chắc gì Nhật Bản đã hơn Lang Sa?”

*

Bước vào năm Giáp Thìn chưa được bao lâu chàng Phó bảng nhận được tin mẹ vợ ốm nặng. Ba cha con linh cảm được điều gì đó chẳng lành, vội vã thu xếp trở về. Chuyến đò xuôi San Man sao mà hồi hộp, âu lo. Sông nước vô tình cứ chậm chạp trôi. Đôi bờ xanh mướt trải dài, biêng biếc ngô khoai với thảm cỏ xanh bên mé nước lốm đốm những triền hoa dại. Ở đó trẻ con nhảy nhót đùa vui và trâu bò ung dung gặp cỏ. Ba cha con lòng nặng trĩu, thờ ơ ngước nhìn. Từ Sa Man còn phải đi bộ hơn chục cây số nữa mới về tới nhà bà ngoại, cả ba cố bước thật nhanh.

Thấy cháu và con về tới nơi, bà Am rất vui, nhổm dậy gọi hai đứa nhỏ đến bên giường hỏi han mọi chuyện. Trao đổi sơ qua bệnh tình của bà với con gái, chàng Phó bảng đến bên giường mẹ.

“Thưa mẹ, mẹ đau yếu, nằm một chỗ mà con không biết để sớm trở về. Con thật là bất hiếu.”

“Đừng tự dằn vặt làm gì! Mẹ không để con bé tin cho con đấy! Mẹ ốm làng nhàng, bệnh người già có sao đâu.”

Chàng nâng tay mẹ, bắt mạch cả hai bên, tự mình ngẫm nghĩ, thận trọng cầm bút kê đơn rồi lại tự mình đi cân thuốc, cắm cúi ngồi sắc, bưng lên mời mẹ uống.

Bà Am cảm động và thấy mãn nguyện. Từ ngày cô út đi lấy chồng, bà cảm thấy lo lo trong lòng mà không thể nói ra. Giờ thì bà an tâm: Con nuôi đã không quên bà. Nó đã mang cả cháu trở về để trông nom bà. Vậy là người bà khỏe dần lên. Chàng Phó bảng thấy vui trong lòng, bệnh người già được như vậy là phúc lắm. Sắp tới phải gia thêm các vị thuốc bổ để thể chất mẹ được hồi phục nhanh chóng.

Vài tháng đi qua, bà Am lại đột nhiên ngã bệnh. Bà gọi chàng, dì Am và các cháu đến bên giường, trăng trối:

“Các con đừng thuốc thang chạy chữa nữa mà vô ích. Người ta chữa được bệnh chứ không ai chữa được mệnh. Mẹ biết đời mẹ đã sắp kết thúc. Tử sinh là chuyện bình thường, con và các cháu chớ lấy đó làm buồn. Có điều này mẹ muốn nói với con trai: Sau khi mẹ qua đời con nên để cháu đầu ở nhà trông coi mọi việc. Nó sống tự lập được, lại đảm đang, tháo vát. Con hãy đi làm quan để cho con trai có điều kiện học hành chu đáo. Ruộng đất, cho con Am một phần, để hương hỏa, một phần đủ cho cháu gái sống và chăm lo giỗ tết. Còn nữa con bán lấy tiền để cha con lên đường và trang trải công việc.”

“Mẹ đừng nói vậy làm các cháu nó sợ. Còn nước còn tát, con sẽ bốc thuốc về rồi mẹ sẽ khỏe thôi.”

Chàng Phó bảng nói nhưng mẹ không nghe nữa. Bà nhắm mắt lịm dần, vẻ mặt thanh thản và mãn nguyện. Cả nhà bỗng òa lên tiếng khóc…

… Lo cho mẹ mồ yên mả đẹp xong, chàng Phó bảng đóng cửa chịu tang. Thỉnh thoảng có thầy cử Vương đến thăm. Anh Giải Phan tuy bận việc đại sự song cũng tranh thủ ghé về. Những lần như thế cả ba trò chuyện thật tâm đắc.

Vậy là chàng Phó bảng đã không thể quay lại trường dạy học. Căn nhà ở làng Cau từ trước tới giờ vốn chỉ có tiếng người vào ngày giỗ bà Hà, mẹ chàng và vài dịp lễ tết. Những ngày ấy chàng mang các con về làm cỗ mời khách, còn thời gian khác bận đi dạy học xa hoặc tập trung ở làng Trầu, bên ngoại, nơi chàng được nuôi lớn nên người và là nơi sinh của các con. Chúng sống ở đó từ thuở lọt lòng. Ở bên ngoại chàng có nhiều việc phải lo, đặc biệt là hương khói cho bố mẹ, vợ con.

Trước tết Ất Tỵ không lâu, chàng Phó bảng nhận được giấy của quan Tổng đốc gọi về kinh nhận chức theo lệnh vua. Quan Tổng đốc mời chàng cùng đi, bởi quan cũng đã có lệnh gọi về Triều.

Chàng Phó bảng cảm ơn quan và xin phép cho được nán lại sau Tết sẽ vào. Các con thắc mắc, chàng cười:

“Quan Tổng đốc đi cáng bốn người khiêng, mình là nhà nho nghèo, cuốc bộ, ăn uống sơ sài, đi theo làm sao được. Vả lại phải ở nhà ăn Tết, cúng ông bà, mẹ và em các con cẩn thận, xin phép hẳn hoi rồi mới lên đường. Biết đâu đi lần này chả còn ngày trở về?”

Mùng một Tết cúng mẹ đẻ tại làng Cau, các con chàng nói:

“Chúng mình sống ở đây ít quá cha nhỉ? Tổng cộng đã đến một trăm ngày là cùng!”

“Có lẽ quãng chừng ấy! Chàng đáp. Ở đây mình đâu có gì ăn. Vả lại cha phải đi dạy kiếm cơm nuôi các con học hành. Nơi sống chính của nhà ta là ở làng Trầu, quê ngoại, chứ đâu phải ở đây!...”

Ra Tết, sau khi đã chia ruộng cho dì Am, chàng bán một ít làm lộ phí, dặn dò con gái mọi việc xong, ba cha con khăn gói lên đường.

Nẻo vào kinh mịt mờ, xa lắc, kẻ hàn nho phải tính toán từng li: Đi thế nào cho vừa sức các con, ăn thế nào cho đủ tiền mình có lại còn phải đề phòng rủi ro, bất trắc.

Trời xuân rực rỡ sáng trong nhưng nhìn về tương lai chàng Phó bảng lại cảm thấy mơ hồ và u ám.

Xóm Nghĩa Thái, Nam Nghĩa, Nam Đàn, Nghệ An
Cuối hè 2008

© 2008 talawas

Trường Lam tên thật là Hồ Sĩ Sênh. Sinh năm 1941 tại Thanh Khê, Thanh Chương, Nghệ An. Hậu duệ đời thứ 12 của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Tổ từ vùng Nghi Xuân, Hà Tĩnh, gốc tổ họ Hồ Quỳnh Đôi. Tốt nghiệp Đại học Thương Mại, Hà Nội. Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An (từ 1972) nhưng chỉ làm thơ rải rác. Từ 1993, nghỉ hưu, mới bắt đầu viết văn. Hiện sống tại xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Tác phẩm: Đã xuất bản: Miền sơn dã (tập truyện ngắn, Nxb. Nghệ An, 2005). Chưa có điều kiện xuất bản: Ngày hè ngắn ngủi (truyện dài thiếu nhi), Cuộc phiêu lưu của BaBiBô (truyện dài thiếu nhi), Chuyện ở sân sau (tập truyện ký), Những dòng rải rác (tập thơ), Sao đổi ngôi (tiểu thuyết).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài