talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 21.09.2008

Thận NhiênTôi nhìn thế giới

Thận Nhiên
Thận Nhiên

 

Thận Nhiên

Tôi nhìn thế giới

 

Tôi ở hành tinh Heurtinoladi. Hành tinh này cách địa cầu rất xa, khoảng cách không chỉ tính bằng nhiều ngàn năm ánh sáng, mà thật ra, nó nằm ngoài biên giới trí tưởng tượng của mọi sinh vật. Vì vậy, mọi nỗ lực nối kết giữa hành tinh này và một thực tại nào đó trên địa cầu đều là những nỗ lực đáng tội nghiệp.

Heurtinoladi chúng tôi không có khái niệm về khoảng thời gian tính từ sau thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, khoảng thời gian mà có nơi gọi là tuổi thơ, tuổi ngọc, tuổi ô mai… nhăng nhít gì gì đó. Chúng tôi chỉ có một thời làm nhi đồng, kể từ khi ra đời đến năm bảy tuổi thì chấm dứt, có khi chấm dứt sớm hơn. Sau bảy tuổi là khoảng thời gian không đáng kể, chúng tôi tiến thẳng lên thành sinh viên, công nhân, chiến sĩ, hay lãnh tụ, vân vân… Các loại tình cảm rối rắm như tình mẫu tử hay tình phụ tử hay tình huynh đệ hay tình bằng hữu hay tình đồng chí hay tình yêu trai gái hay tình yêu tổ quốc là những điều chưa hề được đặt ra một cách chính thức trên các văn bản hoặc được áp dụng một cách công khai vào đời sống thật. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không có các loại tình cảm ấy, chỉ có điều chúng được tính toán kỹ lưỡng khi sử dụng và hoàn toàn không nhòe nhoẹt sướt mướt như ở các nơi có sự sống khác trong vũ trụ.

Tôi là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, kịch sĩ, đạo diễn… bí danh của tôi là K1HF6Q2T6589I.


*


Mẹ tôi chỉ có một con mắt. Tôi ghét bà thậm tệ.

Gia đình tôi là một thảm họa của sự đổ vỡ, nếu có thể gọi hai con người sống dưới cái mái tôn mục nát ấy, mẹ và tôi, là một gia đình. Tôi không có cha. Tôi không biết cha tôi là ai. Mẹ không bao giờ nhắc gì đến người đàn ông đó, và cũng không hề đoái hoài gì đến bất cứ người đàn ông nào khác. Mà cũng đúng, sau này khi lớn lên có lần tôi nghĩ, một người đàn bà gần bốn mươi tuổi, nghèo kiết xác, không có nhan sắc đã đành lại chột một mắt, và có cả một thằng con gầy gò, èo uột làm của hồi môn, thì có tay đàn ông nào muốn tìm đến để chia sớt hạnh phúc cơ chứ.

Tôi không biết vì sao mẹ lại mất đi con mắt trái ấy. Nó là một lỗ trống, nhăn nhíu da với con mắt giả là một hòn bi vô hồn. Thỉnh thoảng tôi tình cờ thấy bà len lén lấy nó ra chùi rửa bằng khăn sạch trong một bát nước nhỏ vào ban đêm. Có lẽ bà thấy việc đó là một hành vi kỳ quặc, và bà luôn giấu tôi những việc kỳ quặc đại loại như thế, tôi biết vậy.

Có lần tình cờ tôi bắt gặp bà ngồi trước máy truyền hình sụt sịt khóc. Bà rên lên khe khẽ “Ôi, sao lại thế! Đừng, đừng nào. Ôi, chết chửa. Khốn nạn thân mày chưa…”, tay thì vừa vuốt ve vừa che chắn một cách tuyệt vọng cho một con nai đang bị đàn sư tử xé xác trên màn hình. Từ khi bắt đầu có trí khôn, tôi chấp nhận những việc ngớ ngẩn ấy như một sự hiển nhiên và kết luận rằng mẹ tôi là một người đàn bà không bình thường. Và hẳn là tôi đúng, vì những kẻ có hai mắt như tôi thì hơn kẻ có một mắt một con mắt minh triết, phải không nào?

Tôi hỏi vì sao mẹ mất con mắt, có khi bà trả lời là do tai nạn khi đi xe đạp, có khi bà trả lời là do chiến tranh- bao nhiêu năm nay chúng tôi không còn chiến tranh (?, !) - rồi nhất quyết không tiết lộ gì thêm.

Hai mẹ con tôi đổi chỗ ở không biết bao nhiêu lần, tôi không thể nhớ hết. Khu xóm nghèo ở vùng tỉnh lẻ này có lẽ là lần sau cùng. Tôi mong vậy. Tôi học trường tiểu học ở đây đã hai năm.

Mẹ có cái sạp nhỏ bán đủ thứ đồ lăng nhăng ở khu chợ trời. Khi thì quần áo cũ, khi thì các thứ đồ gia dụng hư cũ, những thứ sứt tay gãy gọng, từ cái phích nước tróc sơn cho đến cái ghi-đông xe đạp. Thậm chí có khi bà mua đi bán lại cả những thứ đồ đồng nát hay đồ của bọn ăn cắp vặt. Không ít lần bà bị rắc rối với cảnh sát hoặc chủ của các món bị mất cắp. Thời bấy giờ hành tinh còn nghèo nên đó là tình cảnh chung. Ai mà biết được mấy mươi năm sau có ngày Heurtinoladi trở nên một hành tinh phát triển bề thế như thế này. Mà thôi, tôi sẽ vắn tắt cho đỡ mất thì giờ của bạn đọc.


*


Tôi lên bảy, theo học lớp hai ở ngôi trường tiểu học gần nhà. Ngay ngày đầu tiên đi học tôi đã từ chối mẹ dắt đi, tôi tự đi bộ đến trường mỗi sáng, chiều tan trường cũng tự đi bộ về nhà. Trong thâm tâm trẻ dại, tôi mơ hồ thấy mẹ mình quá xấu xí so với những bà mẹ khác. Tôi phát ngượng mỗi khi có ai hỏi về bà, hay bắt gặp tôi đi với bà, một nỗi mặc cảm thật tệ hại. Tôi giấu tất cả bạn bè và thấy điều đó là tự nhiên. Con đi học, mẹ đi mua bán, chuyện ai nấy lo. Mà bà không học hành gì mấy, khả năng chữ nghĩa của bà chỉ đủ để đọc và viết giấy ghi nợ, nên cho dù bà có muốn cũng không thể giúp đỡ gì tôi trong việc học. Bà chỉ nhắc chừng tôi gắng học để lớn lên đỡ khổ, không phải thừa kế nghiệp chạy chợ trời của bà. Việc chạy tiền đóng học phí cho tôi làm bà mệt đuối.


*


Buổi sáng hôm đó tôi không mang theo tiền đóng học phí. Không phải do tôi quên, mà là do mẹ không có tiền, bà bảo chưa xoay ra đủ. Tôi đã khất với văn phòng thu phí nhiều lần rồi. Thật ra tôi không biết nói năng gì với viên thư ký thu tiền khi bị kêu lên văn phòng vào mỗi sáng cùng những đứa khác cùng hoàn cảnh. Tôi chỉ đứng ngớ mặt ra, miệng lí nhí không thành tiếng, rồi cả bọn được ông thư ký xua tay đuổi về lớp. Những lần sau cũng diễn ra y như vậy, chỉ có điều càng ngày những đứa chưa đóng tiền càng thưa dần đi, cho đến sáng hôm qua thì chỉ còn lại có ba đứa, tôi và hai thằng khốn khổ khác. Tôi tự nhủ, nếu chiều nay mà mẹ không xoay ra tiền để đóng thì từ ngày mai tôi sẽ bỏ học.


*


Mẹ đến.

Bà đứng ở cửa lớp với người coi cổng trường. Tôi thấy bà ngay. Tôi còn nhận ra bà đang mặc bộ đồ tươm tất nhất, bộ đồ mà tôi chưa từng thấy bà mặc bao giờ. Cái quần tây màu xanh đen và chiếc sơ-mi vải phin trắng ấy còn quá mới, có lẽ bà mới mua của một người kẹt tiền nào đó bán lại, nhưng rủi thay nó không ăn với vóc dáng và các cử chỉ rụt rè quê kệch của bà chút nào.

Thầy giáo bước ra nói gì đó với bà rồi kêu tôi ra cửa gặp mẹ. Cả lớp cùng rộ lên tiếng cười nói. Tôi không nghe được gì cả. Chỉ duy nhất một ý nghĩ vang vang trong đầu. “Mày có một bà mẹ chột mắt! Cả thế giới đang nhìn mẹ con mày. Thảm hại quá!”

Mẹ trao tôi một nắm tiền. Tôi vùng vằng không lấy. “Con ơi, mãi đến giờ mẹ mới chạy hàng được. Đủ tiền cho con đóng học kỳ này. Chắc dư được bát miến đấy. Tối mẹ về trễ đừng chờ nhé. Nào, vào học đi. Mẹ về…” Bà nhét nắm tiền vào túi quần sọt của tôi rồi tất tả quay đi. Bà bước thật nhanh. Bọn nhóc trong lớp rú lên, “Bà chột, bà chột…!”, “Mẹ mìn chột mắt!”

Tôi tê dại điếng người, hết quay nhìn mẹ đang đi khuất dần rồi lại nhìn bọn bạn học trong lớp. Những chiếc khăn đỏ của chúng như lửa táp vào mặt tôi. Không, chúng không phải là bạn. Tôi muốn giết hết bọn chúng. Giết luôn thầy giáo. Giết luôn mẹ. Giết luôn tôi! Tôi căm ghét cái hành tinh ác độc này. Tôi muốn nó nổ tung ra thành vạn mảnh vụn, muốn nó sụp ầm xuống địa ngục, nếu có một địa ngục tệ hại hơn nơi này. Muốn tất cả mọi người đui mù đi. Chúng không chỉ mất một mắt như bà mẹ khốn khổ của tôi, mà mất cả hai mắt. Cả một nhân loại mù lòa dắt díu nhau đi thì tôi mới thỏa lòng căm giận.

Tôi muốn khóc. Vậy mà tôi không khóc.

Tôi đi lên văn phòng đặt cả nắm tiền lên bàn ông thư ký.


*


Sau hôm ấy, tôi trở thành một trò vui cho bọn học trò mỗi khi chúng không có trò gì để phá phách. Một thằng giả vờ ân cần hỏi, “Mày có hỏi mẹ mày thấy mày đẹp trai không? Tao cam đoan là bà chỉ thấy một nửa của gương mặt mày.” Rồi cả bọn cười ồ lên.

Đại loại là những trò đểu như vậy. Tôi đánh một thằng, đánh hai thằng. Thậm chí tôi còn mang cả dao vào trường đòi đâm chúng lòi ruột. Nhưng tôi không thể chơi lại cả bọn, và ngày nào cũng đều có trò đểu như thế. Tôi thua. Rốt cục, mỗi khi bị chơi đểu tôi chỉ lẳng lặng bỏ đi hoặc tìm cách chơi lại chúng bằng cách chọc vào những khuyết điểm của chúng. Ai mà không có những điểm nhược chết người? Tôi cũng nanh nọc thua kém gì chúng.

Nhưng tôi căm ghét mẹ tôi. Vì sao bà lại làm như thế với tôi? Vì sao bà chột mắt? Vì sao lại bày con mắt chột và hình dáng thảm hại đó ra? Tôi ước gì bà biến mất khỏi thế giới này, và ngay chiều đi học về tôi nói ra điều đó. “Tại sao mẹ làm mất con mắt đi? Mẹ làm cho bọn chúng cười con. Chẳng thà không có mẹ còn hơn là có…” Bà không trả lời tôi. Tôi vừa cảm thấy mình thật tệ khi nói ra những lời cay đắng như vậy, nhưng đồng thời cũng tự biện rằng tôi đã nói ra được điều mình nghĩ, điều mình muốn nói. Tôi nói ra sự thật. Không phải là cả thế giới này đòi được nói ra sự thật hay sao?

Vậy mà bà không la mắng hay trừng phạt tôi. Bà chỉ cau mày nhìn tôi rồi xua tay bảo tôi đi ra.

Tôi nghĩ rằng mình đúng. Khi người khác không phản ứng lại điều mình buộc tội họ tức là họ có tội, họ chấp nhận điều đó. Mà mình đúng thì họ không tổn thương, hay không có quyền cảm thấy bị tổn thương. Tôi an tâm với kiểu suy luận đơn giản đó.

Đêm đó, tôi thức giấc đi xuống bếp định lấy ly nước uống. Mẹ tôi đang ngồi khóc ở đó. Khóc thật lặng lẽ. Như thể bà sợ làm tôi thức giấc. Tôi đứng yên nhìn đôi vai bà run run. Tôi không lấy nước. Tôi rón rén quay lại phòng nằm thao thức đến sáng.

Một điều gì đó làm tôi đau nhói trong tim. Tuy vậy, tôi vẫn ghét bà ghê gớm. Tôi hình dung nước mắt của bà chỉ chảy ra ở một con mắt còn lại. Tôi tự hỏi không biết con mắt kia có chảy ra nước mắt không. Tôi hứa với lòng rằng mình sẽ lớn dậy, sẽ trở nên giỏi giang, sẽ trở nên giàu có, sẽ bỏ đi thật xa. Đúng vậy, bỏ đi thật xa. Vì tôi căm ghét bà mẹ chột mắt và tình cảnh nghèo khó tuyệt vọng của mình. Thật là quái gỡ khi người ta cứ mang vẻ nhọc nhằn thảm hại của bà mẹ để gán cho, để làm thành biểu tượng, của nơi chốn mà mình ra đời và lớn dậy.

Bà mẹ hành tinh ư? Thật là thảm hại, điên rồ và mê muội!


*


Tôi dồn hết sức vào việc học, học để chứng minh sự tồn tại của mình, học để đè đầu tất cả chúng nó, để chứng minh sự đần độn, dốt nát của chúng nó, và để thỏa mãn lòng căm hận đối với đời sống. Tôi học như một con vẹt tham lam và chuyên cần học nói. Tôi học rất giỏi. Hết lớp này đến lớp khác. Hết tiểu học, lên trung học, rồi đại học. Tôi cũng làm đủ thứ việc để kiếm thêm tiền: bán vé số, đánh giày, bưng bê, chỉ trừ ăn cắp vặt và dắt gái là những thứ tôi chưa kịp làm.

Tình cảnh đời sống của hai mẹ con tôi vẫn không khá hơn, tình cảm giữa hai mẹ con cũng vậy. Lớn lên, tôi nghĩ có lẽ câu chuyện hồi bé ở tiểu học là mình sai, nhưng một nguyên do tối tăm nào đó ngăn tôi nói lời xin lỗi bà hay bày tỏ tình cảm của mình. Tôi lạt lẽo nguội lạnh. Bà chạm vào tôi là chạm vào một bức vách đất, không chút hồi âm. Suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ của tôi là một cơn mê dài vô tận. Nhưng, như đã nói, chúng tôi không có khái niệm về tuổi thơ hay thời thơ ấu, đó là khoảng thời gian không đáng kể, không đáng để ghi nhận lại trong đời sống con người, sẽ lặng lẽ biến đi, biến mất tăm, ai cũng tin như vậy. Tôi còn biết những điều tệ hại như thế không chỉ xảy ra với riêng mình mà thôi, và nó chẳng phải là bi kịch bi kiếc gì đối với ai cả.

Tôi bỏ tỉnh lẻ và mẹ để lên Heurtino học. Tôi được nhận vào trường đại học Heurtino, vừa học vừa làm đủ thứ việc để kiếm sống, với tất cả nghị lực và tâm sức mà tôi có. Tôi không quay về hay liên lạc gì với mẹ. Tôi quyết định, đó là phần đời xa lạ mà tôi không muốn mình có mặt. Chấm hết. Chấm dứt. Đoạn tuyệt. Cắt đứt. Một năm. Hai năm. Ba năm. Năm năm.

Vĩnh viễn.

Thỉnh thoảng tôi có nghe loáng thoáng đâu đó tin tức về mẹ. Lòng tôi nhói đau khi nghĩ đến bà. Tôi biết bà vẫn sống, có lẽ là bình an, tôi thật lòng mong như vậy. Sau khi tôi đi, bà có nhận một đứa cháu gái con của một người bà con xa về làm con nuôi. Đời sống dường như bớt phần cơ cực.


*


Tôi học xong, có được việc làm tốt. Cuộc đời có vẻ như đang đền bù cho tôi. Tôi lấy vợ, mua nhà, có con, và hạnh phúc. Tôi thích đời sống văn minh và tiện nghi ở Heurtino.

Ngoài những điều đó ra, chẳng những Heurtino không nhắc nhở gì đến, mà nó còn giúp tôi phần nào quên lãng đi nơi chốn tôi có bà mẹ và đoạn đời khốn khổ nghèo khó kia. Thật ra, tôi không muốn chỉ quên lãng thôi, mà tôi muốn quên hẳn. Thậm chí, tôi nói với vợ mình rằng tôi mồ côi, không còn họ hàng thân thích nào trên cõi đời này, đi không ai biết chết không ai hay, và cô tin như thế.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, mục tiêu của tôi là sẽ đến một nơi cư ngụ khác, một trong những hành tinh khác. Chỉ tồn tại ở một nơi hoàn toàn cách biệt và xa lạ mới có khả năng giúp tôi xóa hết dấu vết của nhân thân mình, và may ra xóa được cả những nếp hằn mặc cảm nằm sâu kín đâu đó trong tôi. Tôi biết không chỉ riêng mình tôi nghĩ vậy, mà dường như đó là mục tiêu của mọi sinh vật có khả năng suy nghĩ trên hành tinh này. Nếu điều này thành hiện thực thì nó sẽ là một cuộc di dân khổng lồ, một cuộc di dân không phải vì lý do chính trị hay kinh tế, mà là cuộc di dân vì một khát khao nghe ra có vẻ kỳ quặc: chối bỏ lịch sử, gốc tích, nhân thân của cá nhân mình, của cộng đồng mình. Cho dù là bất định nhưng tương lai con người phải ở ngoài kia, ngoài vũ trụ, xán lạn và mịt mờ. Chúng tôi xác tín điều đó.

Đời sống ngày càng suôn sẻ và cứ thế trôi chảy mãi. Tôi thành công rồi. Tôi có đủ tiền tài và có ngày sẽ có danh vọng. Tôi gần như quên mất gương mặt mẹ mình, thậm chí không nhớ mình từng có một bà mẹ. Cái tôi không xóa được trong một góc nào đó của trí nhớ là một hốc mắt nhíu da và trống không, từ đó không thể nhỏ ra giọt nước mắt nào.


*


Một hôm, mẹ đến tìm tôi. Bà đi với cô con nuôi, cô dắt tay bà. Không hiểu làm sao mà cả hai đi được vào đến tận trong phòng khách.

Tôi nhận ra bà ngay. Tôi còn thấy con mắt còn lại của bà cũng đã lòa. Đứa con gái tôi khóc thét vì sợ khi thấy bà già chột mắt đứng ở ngưỡng cửa, nó bỏ chạy vào phòng trốn. Vợ tôi ở sau bếp. Tôi choáng lạnh rợn người.

Tôi ném tờ báo xuống bàn. “Bà là ai? Bà cần gì? Sao bà dám đến đây dọa con gái tôi. Đi ngay!” Tôi nói như thể tôi không biết bà là ai, như thể đó là một sự thật.

Mẹ tôi khựng lại, lắp bắp, “Tôi xin lỗi. Tôi nhầm… Tôi nhầm địa chỉ… cậu ạ.” Bà chấp nhận ngay cái sự thật mà tôi vừa nói ra.

Mẹ tôi lặng người đứng đó. Nước mắt bà ứa ra thành dòng. Lần này thì tôi thấy rồi. Tôi thấy thật rõ. Tôi thấy nước mắt bà chảy ra từ cả hai con mắt, nếu có thể gọi cái hốc bên trái đó là một con mắt. Đúng vậy, nước mắt trào ra cả bên cái hốc có con mắt giả bên trái. Bên mà tôi nghĩ rằng nó không còn tuyến lệ, hay tuyến lệ đã bị hỏng.

Đột nhiên, tôi chỉ muốn nói, Không, mẹ không nhầm địa chỉ, mẹ chỉ sanh nhầm ra con thôi. Nhưng tôi kịp nhớ ra rằng mình là một người bình thường. Cổ tôi nghẹn, tôi hành xử trong tình huống này như một người bình thường, tôi ghìm, không nói lời nào. Cô em nuôi kéo mẹ lùi ra. Tôi bước theo.

Khi cả ba ra đến cổng, mẹ tôi đứng lại, bà lấy tay áo lau nước mắt rồi điềm tĩnh nói, “Con ơi, mẹ sống thế cũng đã đủ rồi. Mẹ biết con không nhầm, con chưa quên mẹ. Mẹ sẽ không lên đây nữa đâu. Con yên tâm. Mẹ cũng không mong rằng có ngày con về thăm mẹ. Dù chỉ một lần. Mẹ nhớ con lắm. Năm nào mẹ cũng lên nhưng không dám vào thăm con, chỉ đứng xa xa mà ngó. Lần này mẹ đánh bạo, lần cuối mà. Mẹ mừng vì thấy con thành đạt và hạnh phúc như thế này. Mẹ biết cháu gái của mẹ kháu lắm tuy rằng mẹ không nhìn nó rõ. Mẹ ân hận cái ngày mẹ đến tìm con ở trường, cái ngày mà con buồn giận vì mẹ chỉ có một con mắt. Vậy mà đã bao nhiêu năm rồi. Mẹ mù lòa may mà có con nhìn thay mẹ cái trần gian này. Con ở lại thương vợ thương con con nhé. Con nhìn thế giới thay cho mẹ. Mẹ về…”


*


Tôi ở địa cầu.

Tôi đang sống trong một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc. Chính xác là căn biệt thự mặt tiền ở số 163 phố Hàng Voi. Tôi là nhà văn.

Câu chuyện trên là do một bà cụ ăn xin lòa mắt tôi gặp ở quán cà phê mà tôi hay ngồi kể lại. Theo lời kể, bà lưu lạc từ hành tinh Heurtinoladi đến đây, bị cuốn theo một cuộc di dân ngoài ý nguyện của mình.

Bà là người ăn xin duy nhất còn sót lại ở thủ đô đã mở rộng ra từ mười năm nay. Ăn xin là một nghề đang bị xã hội chúng tôi xóa đi rất nhanh, chẳng bao lâu nữa nó sẽ mất chỗ trong các cuốn tự điển. Đơn giản là chúng tôi dứt khoát không móc túi lấy bạc lẻ ra thì nghề ăn xin biến mất. Có lẽ những người hành nghề này đã chuyển sang hành tinh nào khác để sống. Chúng tôi rất tỉnh táo. Chúng tôi đã mất thói quen mua trả góp cho linh hồn mình một chỗ ngụ ở bất cứ hành tinh xa xôi nào khác, kể cả những nơi có lúc được gọi là Nước Trời hay Miền Cực Lạc hay Thế Giới Đại Đồng… huống hồ gì là một hành tinh có tên Heurtinoladi xa lạ vớ vẩn nào đó.

Ban đầu, tôi định cho bà cụ làm nhân vật chính kể lại câu chuyện. Nhưng rồi tôi đổi ý, quyết định cho nhân vật tôi là người con trai của bà, mà không do một duyên cớ nào cả. Giờ này chắc hắn vẫn miệt mài thực hiện khát vọng di dân của mình trong một thứ tâm thức vừa mặc cảm vừa hãnh tiến. Chúc lành cho hắn, và cả nhân loại của hắn.

Câu chuyện quá nhạt nhẽo, tôi không biết phải viết tiếp đoạn kết như thế nào. Bịa ra cho nó có hậu thì cũng hỏng mà không có hậu cũng chẳng ra làm sao. Chỉ mừng rằng mình không sống ở Heurtinoladi, mà đang sống ở địa cầu, trong một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc.

Chính xác là ở căn biệt thự mặt tiền ở số 163 phố Hàng Voi.

Tôi là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, đạo diễn, kịch sĩ và nhiều thứ chức danh khác. Bí danh của tôi là… mà thôi, bạn không cần biết điều ấy đâu.

© 2008 talawas

Thận Nhiên tên thật là Tôn Thất Thiện Nhân, sinh năm 1962, tại Long Khánh, Đồng Nai. Nguyên quán Huế. Sang Mỹ năm 1990, ở nhiều nơi, làm nhiều nghề. Từ năm 2003 phần lớn thời gian ở Sài Gòn, kiếm sống bằng việc dịch sách, viết báo. Thường ký bút hiệu: Thận Nhiên, Nam Đan. Cộng tác với các tạp chí và diễn đàn: Hợp Lưu, Việt, Văn, Văn Học, Chủ Đề, Tạp Chí Thơ, talawas, Tiền Vệ, Da Màu, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Radio VACR, Saigon Citylife, Thể Thao & Văn Hóa…

Tác phẩm: Đã xuất bản: Đa giác (tập thơ), Vực & Gió (tập thơ in chung), 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại (tập thơ in chung), Những con mắt cư xá (tạp bút), Cười cho hết hàm răng (tạp bút). Tác phẩm dịch: David Bergen, Ở lưng chừng thời gian (The time in between); Michel Foucault, Triết học nhập môn; John Kotter và Holger Rathgeber, Tảng băng tan (Our Iceberg Is Melting); Bradley S. O’Leary và Edward Lee, Jade (Jade).