talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 26.10.2008


Đào HiếuVề đâu?


Dao Hieu
Đào Hiếu

Đào Hiếu

Về đâu?

Tiểu thuyết

Mục lục

Chương 1: Hello, ông nội
Chương 2: Người lính già trên đồng bưng
Chương 3: Một ông già, một con chó
Chương 4: Vương gia và người dẫn đường
Chương 5: Sự cám dỗ của quyền lực
Chương 6: Đứa con rơi của vương gia
Chương 7: Cô nữ sinh mười hai tuổi
Chương 8: Mạt lộ
Chương 9: Cây trúc mảnh mai của miền Tây
Chương 10: Ông chủ Nhật Bản
Chương 11: Ba phân cảnh ngắn
Chương 12: Bước ngoặt
Chương 13: Những cánh diều
Chương 14: Sinh nhật của lão già
Chương 15: Quà tặng cho Akinari
Chương 16: Săng-ta
Chương 17: Bóng tối và sự im lặng
Chương 18: Hai anh em
Chương 19: Giám đốc Minh và Akinari
Chương 20: Kết thúc vụ săng-ta
Chương 21: Cha, mẹ và con trai
Chương 22: Những đứa trẻ khóc
Chương 23: Buổi sáng trong vườn hoa
Chương 24: Trúc nằm trên võng
Chương 25: Akinari trở về Nhật
Chương 26: Tiếng gọi trên bến sông
Chương 27: Trở lại phồn hoa
Chương 28: Mặt đất đã thay đổi
Chương 29: Truyền giống
Chương 30: Lễ mừng thọ của vương gia
Chương 31: Ba ông già trên cù lao


1 - 6 7 - 15 16 - 26 27 - 31


 

27. Trở lại phồn hoa

“Dương tính”. Đó là hai chữ khủng khiếp nhất đã hiện ra trước mắt Trúc như khuôn mặt đầy máu của con quái thú.

Người y tá dặn Trúc:

“Chị sẽ giữ kín chuyện này nhưng ngày mai em phải trở lại để được hướng dẫn điều trị.”

Trúc quỵ xuống, gục mặt lên cái ghế dài. Khóc.

Có vài người đứng lại, nhìn, rồi bỏ đi.

Trúc cũng bỏ đi, nhưng không trở lại chỗ Sen đang đợi. Tự nhiên cơn sợ hãi biến mất. Sen cũng biến mất. Chỉ còn lại lòng thù hận. Và Trúc chạy thẳng ra đường, như sợ kẻ thù chuồn mất trước khi nhận lãnh nhát dao xuyên suốt ngực. Cô gọi xe ôm đi Cần Thơ và mua vé xe đò lên Sài Gòn.


*

Chưa bao giờ buổi chiều ở công viên lại buồn đến như vậy. Trên phố, người và xe cộ như con nước chảy hờ hững bên ngoài cuộc đời mình. Trúc ngồi với cảm giác xa lạ, đơn độc lạnh buốt.

Đột nhiên vang lên tiếng chuông điện thoại:

“Trúc hả? Lâu nay gọi hoài không được.”

Đó là Khoa, một tay “cò” nhà đất mà Trúc đã quen trong một dịp nào đó. Hắn rủ Trúc đi dự sinh nhật của hắn. Biết đâu hắn có thể giúp mình trả được thù. Trúc nhận lời và chỉ chỗ cho hắn đến đón.

Bữa tiệc tổ chức tại một nhà hàng ở quận Tư. Trúc buồn nên không từ chối những ly bia người ta rót cho mình. Nhưng Trúc chỉ uống. Không nói một lời.

Khoảng mười giờ đêm, tiệc đã tàn. Tụi con trai bu lấy, đòi đưa cô về. Trúc nói:

“Tôi không có nhà.”

“Vậy tối nay em ngủ đâu?”

“Mấy anh đưa giùm tôi về nhà người bạn ở Bình Thạnh.”

“Xa lắm cưng ơi.”

“Hay là anh cho tôi ra bến xe buýt.”

O.K. Bốn thằng đi hai chiếc xe máy. Kẹp Trúc vào giữa. Trúc say quá nên không đủ sức cưỡng lại.

Đến khi người ta đặt cô nằm xuống thì Trúc nhận ra đó là một căn phòng xa lạ. Trúc sợ quá, ngồi bật dậy. Cô mở tủ lạnh lấy một chai nước, vừa uống vừa đổ nước lên mặt. Khi đã tỉnh táo, cô nhận ra trước mặt mình là thằng Khoa. Có mấy thằng khác đang cuời giỡn trong phòng tắm.

Trúc ngồi co ro, ôm gối.

“Các ông muốn làm gì tôi?”

Khoa cười. Nó cởi quần ngay trước mặt Trúc. Cởi luôn áo. Nó đến bên Trúc, chưa kịp ngồi xuống thì ba thằng con trai trần truồng và ướt sũng từ trong phòng tắm ùa ra, chìa ba cái dương vật cứng ngắt về phía Trúc. Một thằng nói:

“Cưng ơi! Đàn ông tụi anh coi vậy mà phù du lắm. Rồi em sẽ hạ đo ván từng thằng một cho coi.”

Trúc nốc cạn chai nước lạnh, ném mạnh cái chai vô tường, đưa hai tay vuốt mặt, vuốt tóc ra sau. Thằng Khoa ngồi xuống giường định cởi nút áo Trúc. Ba thằng còn lại một tay chống nạnh, một tay cầm cái dương vật như cầm con dao găm chờ sẵn.

Trúc nhìn thẳng vô mặt thằng Khoa.

“Tụi bay là một lũ hèn. Bốn thằng ăn hiếp một cô gái sao?”

Khoa nói:

“Không đâu. Tụi tao sẽ làm từng đứa một.”

Trúc hỏi:

“Mày là thằng đầu tiên phải không?”

“Tất nhiên.”

“Vậy hãy bật đèn lên đi. Vì tao rất đẹp, tụi bay không thích ngắm một thân hình đẹp sao?”

“Good Idea!” Một thằng trong bọn thốt lên và cười. Rồi tất cả đèn trong phòng đều bật sáng. Trúc nói:

“Dang ra cho tao cởi đồ.”

Nhưng cô không cởi đồ mà móc trong túi quần ra tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm máu.

“Tao bị HIV. Đọc đi.”

Thằng Khoa cầm tờ giấy. Nó nhìn sững một lúc rồi ném tờ giấy lên nệm. Cái dương vật của nó xìu xuống như quả bóng xì hơi, rơi toòng teng giữa hai đùi như miếng giẻ rách. Nó lắp bắp:

“Xin lỗi, xin lỗi.”

Rồi vơ lấy quần áo, bỏ ra khỏi phòng.

Trúc nói:

“Người kế tiếp!”

Nhưng tất cả đếu bỏ chạy.


*

Sáng hôm sau, khi trả tiền ổ bánh mì thì trong túi Trúc không còn một đồng nào cả. Nhưng trong đầu cô có một tia hy vọng. Tại sao mình không đến viện Pasteur để thử lại một lần nữa?

Trúc quyết định ghé một của hàng điện thoại và bán con dế cưng của mình với giá 500 ngàn. Cô đi xe buýt đến viện Pasteur và làm thủ tục thử máu mất 50 ngàn.

Kết quả vẫn dương tính. Không còn gì để nói nữa. Tác giả của những con HIV này không còn ai ngoài Akinari.

Lúc này trong tâm trí cô không còn chỗ cho nỗi buồn. Nó ngổn ngang những tính toán và thù hận. Kế hoạch phải được chuẩn bị chu đáo, khoa học và hiệu quả.

Trúc ghé một trạm bưu điện và gọi cho Minh:

“Chào giám đốc. Biết ai đây hôn?”

Minh reo lên bên kia đầu dây:

“Trời ơi! Hôm nay sao mà anh hên quá vầy nè! Em đang ở đâu vậy?”

“Ở Sài Gòn.”

“Em trở lại làm việc với anh đi. Ba anh bảo anh tìm em về cho được. Ông chửi anh quá trời. Em đi ăn trưa với anh rồi mình nói chuyện nhé?”

“OK, anh lại bưu điện Phú Mỹ đón em.”

Trúc gác máy và đi thẳng vào một tiệm thuốc tây gần đó. Cô mua một số vật dụng cần thiết. Mua xong cô trở lại trạm bưu điện chờ Minh.


*

Trúc có niềm hạnh phúc vì biết mình đang làm chủ thế trận. Còn hắn, vẫn là một con gà trống tốt mã, thích gáy và chạy lăng xăng quanh lũ gà mái.

“Akinari đâu rồi?”

“Nó về Nhật rồi. Về chữa bệnh.”

“Bệnh gì vậy?”

“Lao phổi.”

Tốt lắm. Không phải lao phổi đâu Akinari ạ. Mày sắp tiêu rồi. Bây giờ tao phải tính số với thằng Minh. Nó mới chính là thủ phạm.

“Em nghĩ gì mà cười vậy?”

“Không có gì. Em chỉ lo không gặp anh, em sẽ không biết ở đâu.”

“Thôi ăn xong em nghỉ tạm khách sạn đi. Ngày mai sẽ đi thuê nhà.”

Khi hai người vô khách sạn, Trúc nói:

“Anh về công ty đi. Tới giờ làm việc rồi. Em phải ngủ một giấc. Chiều anh lại đây, mình đi phố.”

Minh nói:

“Chiều nay anh không có việc gì ở công ty. Anh ở đây quạt cho em ngủ.”

“Có máy lạnh rồi. Không cần quạt.”

“Thôi, đừng làm khó anh. Lâu nay anh rất nhớ em. Anh không muốn rời em đâu.”

Trúc cởi giày, đá nó vô góc phòng.

“Em đi tắm nhé.” Trúc nói và xách luôn cái giỏ vô phòng tắm.

Minh bật ti-vi cho đỡ sốt ruột. Nằm được một lát lại ngồi dậy cởi giày, vớ. Cởi luôn quần áo. Chỉ chừa lại cái quần xịp.

“Làm gì mà lâu dữ vậy, cưng?”

“Anh chờ em trang điểm một chút.”

Cuối cùng Trúc mở cửa phòng tắm bước ra, mình chỉ quấn chiếc khăn tắm màu trắng. Cô không gội đầu nên tóc vẫn khô ráo.

“Anh tắm đi.”

Minh bảo rằng anh ta đã tắm ở nhà rồi và ôm ngang lưng Trúc, đỡ cô nằm xuống. Trúc ôm cổ Minh hôn lên má một cái và nói:

“Đừng hấp tấp. Nằm xuống cho em đấm lưng. Hãy thư giãn một lát. Cảm xúc đến với em chậm lắm. Mình có cả một buổi chiều ở bên nhau mà.”

Minh đành phải vâng lời. Vả lại anh ta cũng muốn nằm sấp để giấu cái của quý đang dựng đứng như cột cờ.

Trúc xoa nhẹ lên lưng, bóp hai vai rồi đặt một cái hôn thật dài trên gáy Minh.

Anh chàng lim dim mắt, thì thầm:

“Em tuyệt vời lắm, Trúc ạ.”

Trúc lần tay xuống dưới thắt lưng, rờ rẫm khắp vùng mông, khiến anh chàng rên rỉ.

Khi Trúc ngồi đè lên hai đùi Minh, anh ta cảm thấy rất rõ chòm lông của cô gái lướt trên đùi mình.

Đột nhiên Minh nghe nhói lên một cái.

“Gì vậy?”

Minh ngoái ra phía sau, nhìn thấy mũi kim tiêm đang cắm phập vô mông mình.

“Em làm gì vậy?”

Trúc rút mũi kim ra, ném xuống đất và bước ra khỏi giường.

Minh ngồi bật dậy, sừng sộ:

“Cô tiêm thuốc mê cho tôi à?”

“Tiêm thuốc mê để làm gì?”

“Để lấy tiền trong ví tôi chứ gì. Lúc nãy tôi trả tiền bữa ăn cô đã thấy một xấp đô-la.”

“Anh lầm. Đó không phải thuốc mê đâu. Đó là máu đấy!”

“Máu à? Máu gì?”

“Máu của tôi.”

“Nghĩa là sao?”

“Nghĩa là tôi muốn anh cũng bị nhiễm HIV như tôi và Akinari vậy. Tiêm cho anh một mũi chắc ăn hơn là giao hợp. Đúng không? Với lại, tôi mà thèm đi giao hợp với hạng người như anh à?”

Minh đấm mạnh vô thành giường, la lên:

“Con đĩ ngựa! Trời ơi, Akinari!”

“Đến bây giờ ông mới hiểu à? Akinari đã chuyển sang giai đoạn AIDS rồi. Bệnh lao phổi của nó chỉ là bệnh cơ hội. Không chừng ở bên Nhật nó đã đi ngủ với giun rồi đấy!”


28. Mặt đất đã thay đổi

Hồi còn chiến tranh, sau một trận rải thảm B52 của Mỹ, chúng tôi sống sót và tìm đường về đơn vị. Địa bàn ấy, những khu rừng ấy chúng tôi đã quen thuộc, đã từng đi qua bao nhiêu lần, nhưng lúc bấy giờ không biết đường đi.

Vì mặt đất đã thay đổi.

Rừng bị tàn sát, cây cối nằm la liệt, gãy nát, cháy sém. Khói đặc quánh mùi xác chết và bom đạn nên không bay lên được. Và lửa thì loang lổ khắp nơi như những vết thương đang tóe máu tươi.

Chúng tôi hoang mang, lạc lối giữa cái địa ngục mới được hình thành dưới đôi cánh sắt của những chiếc pháo đài bay B52.

Anh em chúng tôi có bốn người, tất cả đều bị thương trong đó có một người bị cụt chân, chúng tôi phải xé áo buộc vết thương cầm máu và thay phiên cõng.

Chúng tôi chỉ còn biết đi theo những vùng đã tắt lửa. Lúc đó là buổi xế, trời đang sáng. Bỗng nhiên một mảng đen khổng lồ án ngữ trước mắt.

Như một sa mạc đen mênh mông. Không ai biết đó là cái gì, hiện tượng gì. Hình như chúng tôi đã ra khỏi rừng vì bầu trời rất rộng, nhưng mặt đất thì đen kịt, phẳng lì, lạnh lẽo và tuyệt đối im lặng.

Thú rừng đã chết. Chim chóc cũng không còn. Vì thế cả mặt đất và bầu trời đều im tiếng. Chúng tôi đang đứng giữa một khoảng rộng bát ngát, không chướng ngại, không lửa khói, không chông gai, nhưng lại chẳng biết đi hướng nào.

Tôi bước đến cái sa mạc đen ấy một cách thận trọng. Khi đến biên giới của nó, tôi ngồi xuống, đặt một bàn tay lên đó.

Không phải là cát. Cũng không phải nước. Không phải lá rừng hay vỏ cây. Mà đó là trấu. Những hạt thóc cháy vẫn còn lưu lại cảm giác thô ráp trên đầu ngón tay.

Thì ra chúng tôi đã đi lạc về phía đồng bằng. Đó là một cánh đồng lúa chín! Một cánh đồng lúa chín vàng đẹp biết dường nào, thơm tho biết dường nào! Vây mà chỉ trong phút chốc đã biến thành một sa mạc đen.


*

Sự thay đổi của Quỳnh sáng nay cũng tàn khốc như sự thay đổi của mặt đất sau cơn binh lửa ấy.

Không còn là Quỳnh nữa, mà là một hình hài vừa được lấy ra từ hầm mộ. Một mái tóc bạc trắng. Một khuôn mặt của người tiền sử. Và một cái nhìn đầy bóng tối.

Tôi hốt hoảng ôm lấy bạn.

“Có chuyện gì vậy?”

“Cháu ngoại mất tích rồi. Có thể nó đã chết.”

Một chàng trai đang đứng sau lưng bạn tôi. Rụt rè và ủ rũ. Tôi nhìn chàng trai mắt đỏ hoe nhưng vẫn chưa đoán ra mọi sự. Quỳnh nói:

“Nó sắp làm đám cưới thì phát hiện bị nhiễm HIV. Thế là biến mất.”

Chàng trai nói:

“Bác ơi! Biết tìm Trúc ở đâu hả, bác?”

Tôi không trả lời được câu hỏi ấy. Thì Quỳnh nói:

“Hãy đến những nơi nào người ta có thể tự tử.”

Tôi nói:

“Nếu nó muốn tự tử, sao lại phải lên đây? Tôi nghĩ là cháu nó muốn trả thù.”

Quỳnh nói:

“Có thể ông nói đúng. Nhưng liệu có trả thù được không? Và sau đó sẽ là gì? Hoặc là bị giết, hoặc tự sát.”

Sen nói:

“Con nghĩ rằng Trúc sẽ đi tìm cái chết. Chết ở đây không ai biết, không ảnh hưởng tới gia đình.”

Vậy là chúng tôi lên đường. Tôi chở Quỳnh, còn Sen thì chạy chiếc xe máy của con trai tôi. Chúng tôi ra cầu Bình Lợi, nơi nổi tiếng vì những vụ tự tử. Những cư dân quanh đó nói rằng trong vòng một tháng nay không có ai gieo mình từ trên thành cầu xuống sông. Lại ra cầu Sài Gòn, rồi đến cổng xe lửa. Đó là cuộc tìm kiếm vô vọng.

Trên báo cũng không có tin tức.

Cuối cùng chúng tôi đến công ty của Minh. Người bảo vệ công ty nói rằng giám đốc đi nước ngoài.

Chúng tôi quyết định tới gặp Ba Trần. Ông vẫn nằm trên chiếc ghế dựa đan bằng mây, người tóp khô, lọt thõm trong bộ pyjama kẻ sọc.

Ba Trần nói:

“Quỳnh à, đừng lo. Tôi biết hết mọi sự rồi.”

“Thế bây giờ cháu nó ở đâu?”

“Rất may là trong cơn tuyệt vọng cháu Trúc đã nghĩ đến tôi. Và nó đã về đây.”

“Còn thằng Minh?”

“Nó đã biến mất. Nhưng tôi không quan tâm đến nó nữa. Coi như nó đã chết.”

Sen đứng lên, gọi:

“Trúc ơi! Trúc!”

Cánh cửa phòng bên hé mở, và Trúc bước ra. Sen chạy đến, quỳ xuống ôm chân cô gái. Và khóc.

“Về đi em. Hãy xa lánh chốn này. Đây không phải là thế giới của mình đâu em à.”

“Nhưng em không thể lấy anh được. Sen ơi! Em không thể kéo anh vào chỗ chết.”

“Nhưng anh muốn như thế. Chúng ta sẽ sống trên cù lao. Đó là thế giới riêng của mình. Mình sẽ sống, sẽ yêu nhau. Và sẽ chết ở đó.”

Quỳnh cũng đứng dậy. Người đại úy một thời lừng lẫy của quân lực Việt Nam Cộng hòa bây giờ chỉ còn là một cây sậy xiêu đổ trong cơn gió lạnh buốt của địa ngục đang mon men đến gần. Ông gắng gượng bước theo cháu ngoại, nhưng khi đến bậc cửa thì ông đổ xuống, nhẹ nhàng như cây cột chống đã mục ruỗng vì mối mọt.

Trúc và Sen quay lại dìu ông ra ngoài phố. Họ đứng đón xe trên lề đường, lúc đó nắng đã chói chang và đường phố thì bầy khói bụi.


29. Truyền giống

Minh hoàn toàn không có ý định tự tử nhưng hắn đã bơi ra khơi giữa đêm tối. Hắn liều. Vì biển ban đêm hoàn toàn khác biển ban ngày. Ban ngày biển là một quang cảnh, là sóng và nước, ban đêm nó là một cái hang tối thui, lạnh lẽo và không bờ bến.

Bơi trong biển đêm giống như treo mình lơ lửng trên vực thẳm không đáy. Có cảm giác “hỏng chân”, bên dưới là một cái hang vô tận, bạch tuột lượn lờ, cá mập, rắn biển, thủy quái đang lùng sục.

Hắn muốn thử xem mình có sợ chết không. Và hắn sợ. Nhưng tại sao ta lại phải sợ? Ta sắp tiêu rồi mà, còn sợ gì?

Rồi hắn lại sải dài ra khơi. Trong một lúc, hắn cảm thấy mất phương hướng. Chung quanh đen kịt. Những ngọn sóng to như con quái thú lù lù hiện ra rồi chụp xuống. Hắn rập rềnh trong cái lòng chảo mù mịt.

Hắn nằm ngửa trên mặt nước và chợt nhìn thấy sao lấp lánh đầy trời. Giống hệt những sinh vật đang giương mắt nhìn hắn. Và đợi hắn nói. Hắn gào lên:

“Ta sắp chết rồi! Sắp tiêu rồi! Nghiệp chướng đã đến. Và chỉ mình ta chịu. Tại sao lại chỉ mình ta?”

Vương gia ơi! Ông là cha của tôi, nhưng tôi chưa hề biết mặt ông, chỉ nghe nói rằng ông là một người có quyền lực bao trùm thiên hạ. Ông là ai vậy? Ông là một con người hay một tập thể? Hay chỉ là một cái bóng, một nhân vật ảo, một thế lực vô hình?

Người ta nói ông đã bày ra cuộc Cải cách Ruộng đất đẫm máu, tiến hành các vụ đấu tố rùng rợn, bức tử hàng vạn người, làm nhục cả một tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ, biến họ thành một lũ gia nô hèn mạt. Vương gia ơi! Có phải cha đã làm những việc đó không?”

Một con sóng lớn ập đến, nhận chìm Minh xuống cái hang tối mênh mông. Hắn đạp chân ngoi lên và ngạc nhiên khi nhìn thấy một đỉnh núi sáng rực ánh đèn. Ban đầu hắn không biết đó là đâu, nhưng khi hắn thấy một chuỗi ánh sáng đang trôi dạt từ từ đến cái đỉnh núi rực rỡ ấy, thì hắn mới biết đó là khu du lịch Vinabee nổi tiếng. Đột nhiên hắn bừng tỉnh, thoát ra khỏi cái tâm trạng trầm uất lúc nãy.

Ban đêm, Vinabee giống như một thiên đường. Sao ta không đến làm vua ở đó mà lại ngụp lặn trong cái vục thẳm đen kịt và man rợ này? Ta mới có hai mươi tám tuổi, ta phải sống huy hoàng, mãnh liệt, phải sống bù cho những năm tháng mà cái chết sẽ mang ta đi.


*


Minh gào to trong căn phòng rộng thênh thang của khách sạn năm sao tận trên đỉnh núi:

“Vương gia ơi! Cha của con ơi! Con đang trả món nợ này cho cha. Nhưng con không đầu hàng, không chịu thua những con HIV khốn kiếp ấy đâu. Con sẽ sống những năm cuối cùng này một cách vinh quang. Con sẽ sống trên thiên đường, sống trong hoan lạc, sống bùng nổ. Con sẽ ‘sống như biển trào, sẽ sống và ước vọng’ như lời bài hát mà con vẫn thường nghe. Con sẽ gieo giống. Sẽ gieo cái giống nòi ưu việt trên khắp đất nước Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến này.

Con không có quyền lực như cha để có thể làm cho cả triều đình phải run sợ. Nhưng con có rất nhiều tiền. Có rất nhiều đô-la. Con sẽ tạo ra một vương quốc và sẽ thành hoàng đế của vương quốc ấy. Các vua chúa ngày xưa có hàng trăm, hàng ngàn đứa con. Con sẽ gieo giống và con sẽ được như thế. Nếu như ngày xưa ông tổ của chúng ta là ‘chú Cuội’ ở Làng Ngang đã gieo giống và đẻ ra toàn một bọn nói dối, thì ngày nay con sẽ sinh ra một dân tộc khác, cực kỳ thông minh, cực kỳ ưu việt, cực kỳ anh hùng.”

Minh mở cửa sổ. Gió biển làm tung những bức rèm trông như những cánh buồm đang lướt sóng. Đèn trên những cabin cáp treo nhấp nháy, những ca-nô đang lướt sóng bên dưới, vẽ những vòng tròn ngầu bọt trắng xóa trên mặt biển đen thẫm.

Minh bấm chuông. Mụ quản lý khách sạn hiện ra và cúi chào. Hắn đặt hàng:

“Đêm nay cho tôi năm cô chân dài.”

“Sao sếp giảm số lượng vậy? Đêm qua bảy em mà.”

“Đêm qua ‘xịt’ bảy lần. Quỹ Dự trữ Liên bang không còn nhiều.”

Mụ quản lý cúi đầu thật thấp, vừa đi giật lùi vừa nói:

“Vương gia khiêm tốn quá. Nô tài biết ngài là một kiện tướng phòng the mà.”

Mụ ta lui ra được một lát thì ngoài cửa đã xôn xao tiếng cười. Minh ngồi trên một cái ghế dựa bằng gỗ quý có hai tay ghế chạm hình đầu rồng, thong thả nhấm nháp ly rượu vang mà hắn vẫn ưa thích.

Năm kiều nữ ùa vô phòng. Thơm như mít. Họ vây lấy Minh, hôn hít tùm lum lên trán, lên má, lên môi. Một cô còn rúc vô háng của Minh để day day cái của quý. Minh hoàn toàn buông thả, mặc cho năm cô gái “bề hội đồng” hắn. Họ lột sạch quần áo, lột cả quần lót. Cái cột cờ Thủ Ngữ của Minh bật lên như lò xo. Mấy em reo lên:

“Hàng hiệu!”

“Hàng hiệu!”

Và họ thi nhau “thổi kèn”.

Minh ra hiệu cho các em dừng lại.

Ở góc bàn làm việc có một cái giỏ đựng giấy vụn đan bằng mây rất đẹp. Minh đổ giấy vụn ra hết rồi đặt nó lên bàn.

Hắn mở tủ, lấy ra một cọc đô la Mỹ, toàn giấy một trăm. Hắn cầm cọc bạc, xóc lên như xóc những lá bài rồi ném tất cả vô cái giỏ rác.

“Hôm nay mình sẽ biểu diễn tiết mục ‘Truyền giống’. Các em cởi hết đồ lót ra đi. Khi anh truyền giống xong cho em nào thì em đó có quyền đến cái giỏ rác này lấy 2 tờ. Rồi về vị trí cũ.”

Các cô gái đã quen với trò chơi ấy nên bốn cô đến đứng bốn góc phòng, chổng mông về phía Minh. Cô thứ năm bò giữa phòng, vừa bò vừa hát:

Hãy sống như đời sông
để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đời núi
vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào
để thấy bờ bến rộng
Hãy sống và ước vọng
để thấy đời mênh mông
(nhạc Phạm Minh Tuấn)

Minh ngửa mặt cười như anh kép độc:

“Hay lắm! Hay lắm! Lời ca thật là khí thế!”

Và hắn cầm cái dương vật “hàng hiệu” của hắn bước tới một góc phòng. Hắn thọc cái dùi đục ấy vô háng cô gái đang ngoe ngẩy cặp mông tròn. Rồi hắn cất tiếng hát:

Hãy sống như biển trào
Để thấy bờ bến rộng

Bốn cô gái còn lại chịu không nổi, lắc mông lia lịa và hét lên.

“Làm lẹ đi, đừng hát nữa. Hãy truyền giống cho chúng em với.”


30. Lễ mừng thọ của vương gia

Sách Luận ngữ gọi tuổi bảy mươi là tuổi “tòng tâm sở dục bất du củ” tức là người bảy mươi tuổi thì có thể thuận theo lòng mình muốn, mà không sợ ra ngoài khuôn phép.

Thời ấy bảy mươi tuổi là đã biết cái đạo của trời, cái đức của vạn vật, cái quy luật của muôn loài, cái bản chất của sinh tử… cho nên phong thái ung dung, vào ra tự tại, coi đời nhẹ như mây khói.

Bảy mươi tuổi của vương gia không phải như vậy. Ông không cần biết đạo trời. Ông chỉ biết quyền lực, bởi vì nó chi phối xã hội, điều khiển mọi người.

Cho nên một đứa con đã chết dưới tay ông, đứa kia thì đang điên cuồng đi gieo rắc những con HIV khắp thiên hạ, mà ông cứ điềm nhiên tọa thị. Mặt lạnh. Cái nhìn như tro tàn. Trong con mắt ông không hề có bóng người. Nó luôn rỗng. Như một khoảng trống vô tận.

Ông thường im lặng, nhưng không có sự ung dung. Ông vô cảm nhưng đầy tham vọng. Ông bất động nhưng cường tráng. Ở tuổi bảy mươi, khả năng tình dục của ông còn rất mạnh mẽ. Nếu như nhà văn Lâm Ngữ Đường bảo rằng đời sống tình dục của Võ Tắc Thiên chỉ bắt đầu năm bà sáu mươi tuổi, thì chúng ta cũng có thể nói vương gia là bậc sư phụ của bà hoàng họ Võ ấy. Có lần ông nói với giám đốc Thu: “Khi nào lấy kim chích vào người anh mà còn có máu, khi ấy anh còn khả năng truyền giống.”

Vào những ngày đầu năm 2008 này, ngồi giữa biển trời mênh mông lộng gió, ông vẫn cảm thấy lòng mình trẻ trung phơi phới, vẫn thấy những cô hoa hậu rất quyến rũ, những nàng ca sĩ rất đáng yêu.

Truyền thuyết nói rằng vua Minh Mạng thường khoe mình “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”, biết đâu trong máu của vương gia, những tinh hoa của vị tổ phụ ngày xưa đang hãy còn rạo rực?

Trong số các vua chúa thời nay, vương gia phục Mao Chủ tịch nhất ở cái khoản tình dục, thứ nhì là Fidel Castro tiên sinh. Hai vị ấy vừa “gân” vừa “lì”. Nghe đồn rằng cụ Fidel Castro ngoài cái danh hiệu “chủ tịch lâu đời nhất thế giới” còn là tay chơi gái số một.

Xem ra lối sống của các vị “thất thập” thời nay nó trần tục hơn các vị “cổ lai hi” thời Đỗ Phủ, Lý Bạch rất nhiều.

Riêng vương gia, ông không tham quyền cố vị, ông biết rút lui đúng lúc, nhưng dù đã rút lui, quyền lực của ông vẫn bao trùm thiên hạ. Vì thế lễ mừng thọ của ông vẫn được các đồng chí tổ chức rất hoành tráng tại Vinabee Nha Trang, nơi cách đây không lâu giám đốc Minh, đứa con rơi của ông đã biểu diễn các màn “truyền giống” đầy ấn tượng.

Những show diễn ấy đã gieo rắc hơn một tỉ con virus HIV lên sinh mệnh của gần một trăm cô gái. Và các cô gái này lại “chia sẻ” những quả chôm chôm xinh xắn trong âm đạo của mình cho vài ngàn chàng trai khác.

Buổi lễ được tổ chức tại Vinabee có lẽ do ngẫu nhiên, nhưng lại giống như một sự phối hợp ăn ý: con đã đến đây để gieo giống và bố lại đến đây để gặt hái.

Mùa gặt thật là rộn ràng. Đầy hoa. Nhưng không có quà cáp. Không có lời chúc tụng. Vương gia không cần quà cáp và lời chúc tụng. Những thứ ấy chỉ dành cho bọn tiểu nhân.

Vương gia đã có cả thiên hạ rồi.

Ông rất yêu hoa nên con cháu và các đồng chí của ông đã đem cả một rừng hoa về trang điểm cho lễ mừng thọ này.

Ông rất yêu thiếu nhi nên người ta đã chọn các cháu xinh đẹp nhất, hát hay nhất đến ca múa quanh ghế ông ngồi.

Vương gia ngồi trên một cái trường kỷ bằng gỗ mun có chạm hình rồng đang ẩn trong mây rất đẹp.

Khách mời cả trăm người, gồm các đại thần, các nhà doanh nghiệp, các tướng lãnh, các ca sĩ, nhà báo, nhà văn, các thần đồng vô địch cờ vua, thần đồng toán quốc tế…

Các đại diện đem hoa đến đặt quanh ghế ngồi của vương gia rồi lui ra.

Quỳnh Vi cũng có mặt trong số khách mời nhờ đã đoạt huy chương vàng hùng biện tiếng Anh toàn quốc.

Theo chương trình thì Quỳnh Vi sẽ đại diện cho các “thần đồng” lên tặng hoa. Cô bé rất tự tin và gần như chẳng chuẩn bị gì cả.

Từ đám đông, Vi bước ra, tiến tới trước mặt vương gia, cúi chào. Cô bé đặt hoa vào lòng ông nhưng không lui ra. Cô ngồi xuống một bên.

Đám đông im lặng. Chờ đợi.

Vương gia nhìn thấy một cô bé xinh đẹp đang ngả đầu vào vai mình thì bồi hồi xúc động. Ông vuốt tóc cô bé và nói:

“Cháu ngoan lắm.”

“Bác ơi! Quỳnh Vi thủ thỉ, cháu xin hỏi bác một câu được không?”

“Cháu hỏi đi.”

“Bác có thương anh Huy không? Anh Huy là con trai của bác đó.”

Vương gia giật mình, nhìn vào mắt cô gái. Những ngón tay to lớn dừng lại trên mái tóc.

“Cháu biết Huy sao?”

“Hồi nhỏ cháu và anh Huy thường đi thả diều, đi câu cá với nhau.”

“Nhưng nó không phải là con của bác.”

“Bác Thu nói với cháu rằng anh Huy là con của bác. Vì sao anh Huy chết vậy bác?”

“Tai nạn giao thông.”

“Bác nói dối. Chính bác đã giết con trai bác. Tuy cháu chỉ là một đứa con nít, nhưng không có bí mật nào của bác mà cháu không biết. Vì thế cháu vẫn tự hỏi tại sao ông trời lại để cho bác sống lâu quá vậy? Tại sao bác không chết sớm đi cho thiên hạ được nhờ.”

Lão già sững sờ, bối rối. Tưởng mình vừa rớt xuống địa ngục và đang nghe lời phán xét. Bàn tay lão vẫn đặt trên mái tóc Quỳnh Vi nhưng nó đang run lên, luống cuống… cuối cùng lão đẩy nhẹ cô bé:

“Đừng tựa đầu vào bác nữa… bác thấy khó thở.”

Quỳnh Vi đứng dậy, cúi mình thật thấp để chào. Đám đông, chẳng hề biết Quỳnh Vi đã nói gì, vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt.

Cô gái cười rất tươi, vẫy tay đáp lễ, rồi lẩn vào đám đông, biến mất.

Trên biển, những ngọn sóng chợt dừng lại, nghe ngóng. Và gió thì mang những lời của Quỳnh Vi đi khắp nơi, đến cả trong giấc ngủ của mọi người.


31. Ba ông già trên cù lao

Những đứa trẻ của tôi đã lớn. Tôi nhìn chúng lớn khôn, vừa hạnh phúc vừa ngậm ngùi. Thời gian đã mang cuộc đời trên lưng của nó. Tất cả muôn loài đều vừa sống vừa bị cuốn đi theo dòng chảy ấy. Vô cùng, vô tận. Lặng thinh mà mạnh mẽ, vô hình vô ảnh mà đều khắp càn khôn.

Tôi không thích thứ thời gian lạnh lùng ấy.

Tôi có thời gian của tôi. Khi tôi cần, nó biết dừng lại, để ghi dấu một hoài niệm, một ký ức.

Năm tôi lên tám tuổi là năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Một buổi sáng mọi người đổ xô ra đường 19 để xem chiến lợi phẩm tịch thu được của Pháp.

Đó là những chiếc xe GMC mười bánh, những chiếc jeep sơn màu lá, có cả xe xúc, pháo 105 ly và những rơ-moóc chở nước… Hàng trăm chiếc xe quân sự như thế nối nhau đi, từ An Khê theo quốc lộ 19 hướng về phía biển.

Tụi nhóc chúng tôi vui sướng, reo mừng vì đó là lần đầu tiên trong đời nhìn thấy một chiếc ô-tô.

Vậy mà bây giờ tôi đã thành một ông già. Khoảng giữa hai cái con người ấy là lỉnh kỉnh những buồn vui, đau khổ, đắng cay… Thời gian đã vứt chúng bừa bãi trên đường giong ruổi của nó, chúng nằm chỏng gọng, ngơ ngác trong nắng gió. Tôi mệt mỏi và tôi cũng không có thì giờ để sắp xếp, phân loại chúng. Càng ngày càng muốn bỏ mặc cho chúng tàn héo.

Vì tôi cũng đang tàn héo. Những Quỳnh, những Ba Trần, những Thu cũng đang tàn héo.

Đến lượt những đứa con, những đứa cháu. Chúng đang lớn lên, tiếp nối cái chu kỳ sinh diệt của tạo hóa.

Đó chính là kiếp người.


*

Ba Trần nằm trên võng gai. Quỳnh và tôi ngồi trên cái giường tre nhỏ. Ba ông già xúm xít dưới giàn mướp. Ba đứa trẻ ngồi giữa, đang bóc vỏ đậu phộng. Đó là Sen, Trúc và Quỳnh Vi.

Ba Trần nói:

“Sen à, con không cần phải đưa vợ đi chữa trị đâu cả. Bác muốn hai con ở lại đây. Bác sẽ biến cái cù lao này thành một tổ ấm.”

Sen nói;

“Nhưng ở đây thiếu thốn mọi phương tiện dành cho người nhiễm HIV.”

“Con là một chàng trai khỏe mạnh. Con chính là phương tiện. Hiện nay đã có thuốc kìm hãm sự phát triển của bệnh AIDS. Con có biết một người nào tên là Magic Johnson không?”

“Dạ không.”

“Đó là cầu thủ bóng rổ nổi tiếng thế giới. Anh đã bị nhiễm HIV cách đây hơn mười năm nhưng vẫn sống bình thường.”

Rồi Ba Trần lôi trong túi ra một bài báo đã được ông chuẩn bị sẵn.

“Con đọc đi. Rồi đưa cho vợ con đọc. Có gì không hiểu thì hỏi.”

Sen cầm bài báo và đọc:

Mấy tháng sau khi tuyên bố bị nhiễm HIV, Magic Johnson đã trở lại trong một trận đấu biểu diễn của NBA. Sự trở lại ấy đã gây ra những cuộc tranh luận gay gắt chưa từng có trong các đồng nghiệp cũ của anh, trong dư luận và trên báo chí.

Nhưng anh đã được David Stern ủng hộ mạnh mẽ. Sau trận thắng 115-113 với cú ném quyết định do Johnson thực hiện, Stern đã trao cho anh danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất NBA mùa bóng 1991/92, đã ôm anh ngay sau trận đấu và chính hành động ấy đã khích lệ các đồng đội công kênh anh trên vai.

Stern nói: “Tôi hiểu là Magic Johnson đã trở thành một biểu tượng toàn cầu trong cuộc chiến chống AIDS và giải NBA tự hào được nói với tất cả công chúng, rằng chúng tôi không đứng ngoài những sự kiện trong đời sống xã hội, chúng tôi cũng là một công cụ tuyên truyền cho cuộc chiến đấu chống căn bệnh thế kỷ ấy”.

Năm 1992, dù bị nhiễm HIV, Magic Johnson vẫn được chọn vào đội tuyển bóng rổ Mỹ dự Thế vận hội Barcelona.

Đọc xong, Sen nói:

“Bài báo rất hay. Con sẽ đọc cho vợ con nghe một trăm lần. Nhưng thưa bác, cái ông cầu thủ ấy đang sống ở Mỹ và rất giàu có. Tụi con làm sao có đủ điều kiện như ông ấy được?”

Trần nói:

“Chuyện đó đã có bác. Bác sẽ biến cái cù lao này thành một vườn Địa đàng. Bác không có con cháu gì cả. Có thể bác sẽ về đây ở với hai cháu và ông ngoại cháu.”

Quỳnh cả cười:

“Đại úy Quỳnh này tuy đã gần bảy mươi nhưng vẫn có thể làm tài xế cho anh được mà.”

Trúc day lại, lấy tờ báo trên tay chồng. Quỳnh Vi nói:

“Đưa em đọc cho.”

Trúc vừa bóc vỏ đậu vừa lắng nghe. Vẫn đẹp. Vẫn thanh thản. Và hoang dã. Con rái cá của miền sông nước Hậu Giang đã cười. Hai cái đồng xu nhỏ xíu lõm xuống. Vẫn rất đáng yêu.

Tôi ngắm cô bé, tự nghĩ: nó sẽ không bao giờ chết. Cặp vợ chồng trẻ này sẽ không bao giờ chia lìa.

Viết xong ngày 01.10.2008 tại Sài Gòn.


© 2008 talawas


1 - 6 7 - 15 16 - 26 27 - 31

Đào Hiếu sinh tại Tây Sơn, tỉnh Bình tại Định. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.

Tác phẩm: Truyện dài: Giữa cơn lốc, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh 1978. Một chuyến đi xa, Nxb. Măng Non 1984, Nxb. Trẻ 1994. Qua sông, Nxb. Văn Nghệ 1986. Vùng biển mất tích, Nxb. Đồng Nai 1987. Vượt biển, Nxb. Trẻ 1988, 1995. Vua Mèo, Nxb. Trẻ 1989. Người tình cũ, Nxb. Văn Nghệ 1989. Kẻ tử đạo cuối cùng, Nxb. Trẻ 1989. Thung lũng ảo vọng, Nxb. Trẻ 1989. Hoa dại lang thang, Nxb. Văn Học 1990. Trong vòng tay người khác, Nxb. Tác Phẩm Mới 1990. Kỷ niệm đàn bà, Nxb. Văn Nghệ 1990. Nổi loạn, Nxb. Hội Nhà Văn 1993. Lạc Đường, talawas 2008, Nxb. Giấy Vụn 2008, Nxb. Kim Thư Production USA 2008. Thơ: Đường phố và thềm nhà, Nxb. Trẻ 2004. Truyện ngắn và tạp văn: Bầy chim sẻ, Nxb. Văn Nghệ 1982. Những bông hồng muộn, Nxb. Trẻ 1999. Tình địch, Nxb. Trẻ 2003.

Website của Đào Hiếu: http://daohieu.com/

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài