talawas chủ nhật

 


Văn xuôi :: 07.05.2006
Phan Nhiên HạoHành trình Đông Nam Á
Phan Nhien Hao
Phan Nhiên Hạo

Với hai tập thơ: Thiên đường chuông giấy (1998) và Chế tạo thơ ca 99-04 (2004), Phan Nhiên Hạo khẳng định vị trí chắc chắn của mình trên thi đàn Việt Nam đương đại. Những tiểu luận, bài phê bình và bài báo không hề tránh né các chủ đề nhạy cảm và thẳng thắn bày tỏ quan điểm của ông thường gây tranh luận, thậm chí tranh cãi gay gắt. Ông còn là một dịch giả, được biết đến qua những bản dịch tác phẩm của Đinh Linh và một số nhà thơ Mĩ ra tiếng Việt. Trong kì này chúng tôi xin giới thiệu một tác phẩm mới của Phan Nhiên Hạo, ở một thể loại vốn không xa lạ trong truyền thống văn học Á Đông và từng được những tên tuổi hàng đầu thế giới như V. S. Naipaul hay Ryszard Kapuscinski đại diện, song còn ít được công chúng văn học Việt Nam quan tâm và cũng chưa được các tác giả Việt Nam thật sự chú trọng: du kí, hay kí sự văn học. Mời bạn đọc cùng Phan Nhiên Hạo bước vào “Hành trình Đông Nam Á” và thưởng thức giọng đọc tác phẩm “Năm nay tôi bằng tuổi ba tôi” của tác giả.
talawas chủ nhật

Phan Nhiên Hạo

Hành trình Đông Nam Á

 

Chết trên thiên đàng

Từ Los Angeles sang Singapore, lẽ ra chỉ một chuyến bay thẳng. Nhưng tôi đi công tác bằng tiền chính phủ, buộc phải đi máy bay Mỹ khi có thể. Ở chỗ làm họ đặt vé hãng Delta. Hãng này khá sang, nhưng vì vậy gần đây ế ẩm, không cạnh tranh nổi với những hãng rẻ tiền. Đi Delta chắc sẽ rộng thưa. Nhưng hỏi kỹ, tôi hơi thất vọng. Vé Delta, nhưng gởi bay với Korean Air, chuyển tiếp ở Seoul, vì Delta không đủ khách. Như nhiều người Việt bên này, tôi đã dùng máy bay Đại Hàn về Việt Nam vài lần, giá rẻ. Thật ra họ phục vụ cũng tốt. Cơm trộn thịt, dầu mè, tương ớt, các cô chiêu đãi viên trẻ đẹp, đồng phục rất điệu, gần như cầu kỳ. Tôi chỉ không thích những bộ phim tình cảm Đại Hàn chiếu trên máy bay, và khách đông, nhiều trẻ nít.

Tuy vậy, chuyến tôi đi cũng không đến nỗi chật cứng. Đó đây vẫn còn vài ghế trống. Tôi ngồi hàng bốn ghế lối giữa, ngay sau lưng cặp vợ chồng già người Á Châu. Người đàn ông giống con chim rụng lông, chiếc đầu nhỏ lơ thơ vài sợi tóc thò ra ngoài mũ lưỡi trai xộc xệch. Bà vợ vẻ khoẻ mạnh hơn chút đỉnh. Giống hai miếng xốp cũ, cặp vợ chồng già không còn khả năng thẩm thấu mọi diễn biến chung quanh. Họ không nhìn lên màn ảnh, không đeo tai nghe, không tháo dây an toàn lúc máy bay lên cao, không chọn thức uống, không quay qua quay lại. Họ ngồi đó, gần như bất động, bị mang đi. Trên máy bay, tôi cũng luôn cảm giác bất lực. Ở độ cao mười một cây số, bên dưới là biển mênh mông, sâu thẳm, người ta hoàn toàn phó thác số phận mình cho máy móc. Tuyệt đối phó thác. Không thể dừng lại, không thể bước ra ngoài, không thể điều đình với hỏng hóc, không trông chờ trợ giúp từ bất cứ ai. Không thể làm gì ngoài việc bị tha đi, như hạt thóc trong miệng con chim lớn. Bị gắn chặt vào chỗ ngồi chật chội, khi quá ê ẩm, người ta bước về cuối máy bay tìm chỗ đứng năm mười phút. Nhưng khoảng đứng rất hẹp, phòng vệ sinh còn hẹp hơn, đầy kim loại lạnh lẽo. Phi cơ là nhà tù di động. Mặt khác, nếu thiên đàng như thường được tưởng tượng, là tầng trời nơi người ta chỉ hưởng mà chẳng phải làm gì, giữa bầy tiên nữ vây quanh (cũng không được làm gì), máy bay là hình ảnh gần nhất với thiên đàng. Trên máy bay, người ta thưỡn người ăn uống, xem phim, nghe nhạc, giữa các cô chiêu đãi viên xinh đẹp đi lại, bên trên mọi khổ đau hạ giới.

Gần hai tiếng đồng hồ bay hướng Tây Bắc từ Los Angeles, máy bay đang ở vùng biển bên ngoài San Francisco. Các cô chiêu đãi viên dọn bữa ăn tối. Muỗng nĩa lánh cách. Cặp vợ chồng già cũng nhận thức ăn. Người đàn ông vừa nuốt vài miếng, bất ngờ bị nghẹn. Chiếc đầu vốn thõng xuống của ông gục hẳn, người oặt đi. Bà vợ ngồi cạnh huơ huơ tay, kêu những tiếng yếu ớt. Hình như bà không nói tiếng Đại Hàn, tiếng Anh cũng không. Bà chỉ tiếp tục huơ huơ tay, ú ớ, bấn loạn. Tôi gọi người tiếp viên vừa đẩy xe thức ăn qua. Cô ta lập tức khoá bánh xe, quay lên. Cô vòng tay ôm ông già cố nhấc lên, ép bàn tay vào bụng đẩy thức ăn ra. Nhưng cô không đủ sức. Một chiêu đãi viên nam chạy tới, bật hẳn lưng ghế ông già về phía sau, khiến tôi phải vội nhấc khay thức ăn bước ra khỏi chỗ ngồi. Họ đặt ông già xuống lối đi. Chật quá. Hai người chiêu đãi viên lập tức khiêng ông lên khoảng trống gần cửa ra vào. Thêm ba bốn người chiêu đãi viên chạy đến. Tôi chỉ thấy những chiếc lưng đồng phục màu chuối non quây thành vòng. Khoảng mười phút trôi qua, họ đứng lên, tản về các xe thức ăn. Chỉ còn hai người ngồi lại, một nam, một nữ. Người chiêu đãi viên nam làm hô hấp nhân tạo. Người ta hỏi trên loa xem trong số hành khách có ai là bác sĩ hoặc được huấn luyện y tế. Máy bay, giống hòn đảo, là nơi người ta chỉ biết trông cậy vào nhau. Mãi sau mới có hai người do dự đi lên. Một người nhìn như Phi Luật Tân, một người Mỹ. Người Phi Luật Tân lấy ống nghe từ túi đồ cấp cứu của phi cơ rà ngực ông già. Rồi ông ta thay phiên với người chiêu đãi viên và người Mỹ làm hô hấp nhân tạo. Có lẽ hai người này không có mấy chuyên môn y tế, hoặc họ cũng chẳng làm gì hơn được trong hoàn cảnh thiếu dụng cụ, thuốc men. Ít ra, họ đang cố gắng cứu người. Một nữ tiếp viên mang đến bình oxy nhỏ.

Hành khách tiếp tục ăn uống, gọi thêm rượu, café. Rồi bữa ăn cũng xong. Các cô chiêu đãi viên quay lại chỗ ông già, loay hoay một lúc, tản ra. Còn hơn mười một tiếng mới đến Seoul. Một ông khoảng sáu mươi tuổi ngồi bên trái tôi, cách lối đi giữa, quay sang hỏi tôi nghĩ thế nào về tình trạng ông già. Tôi nói không biết, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh này. Ông khách người gốc Nhật, sống ở Mỹ đã lâu năm, có vẻ Mỹ nhiều hơn Nhật. Ông cho biết buôn bán ở Á Châu, tháng nào cũng đi máy bay mươi ngày. Ông nói phi công Đại Hàn cứng rắn lắm, họ sẽ bay luôn. Ông nói ngay trước vụ 9/11, máy bay Đại Hàn đã có nhân viên an ninh mặc thường phục mang súng. Ông bay nhiều, biết mặt họ.

Nhưng lần này, ông người Nhật lầm. Chính ông chỉ lên màn hình đường bay cho tôi thấy máy bay đang quay đầu lại. Cả ông và tôi đều phân vân. Nếu quay lại, sao không nghe phi công thông báo. Chúng tôi chờ gần nửa tiếng, vẫn không ai nói năng gì. Không hành khách Đại Hàn nào thắc mắc. Ông người Nhật giữ một cô chiêu đãi viên đi ngang, hỏi có phải máy bay đang quay vào bờ. Cô xác nhận. Ông bực bội nói sao hành khách không được thông báo, chúng tôi cần biết máy bay sẽ đáp xuống phi trường nào, bao lâu, có được ra khỏi máy bay không, giờ đến Seoul sẽ thay đổi thế nào. Ông hỏi nhiều quá, cô chiêu đãi viên lúng túng với mớ tiếng Anh ít ỏi. Cô đi gọi một cô khác. Cô này ít xinh hơn, nhưng nói tiếng Mỹ không pha giọng nước ngoài. Cô có vẻ tự tin và nhanh nhẹn của những thiếu nữ lớn lên ở Mỹ. Cô nói cô cũng không rõ, bây giờ chưa có thông tin từ phi trường cho biết máy bay phải dừng lại bao lâu. Ông người Nhật nói, thì tới đâu thông báo tới đó, ít nhất phải cho chúng tôi biết máy bay đang quay lại và sẽ đáp xuống sân bay nào. Cô chiêu đãi viên nói vâng vâng, bước vội về hướng đầu máy bay. Nhưng mãi vẫn chẳng thấy thông báo. Trên màn hình, chỉ thấy phi cơ đang tiếp tục hướng vào bờ. Nếu là một máy bay Mỹ, tôi chắc hành khách sẽ có nhiều thông tin hơn về những gì đang diễn ra.

Ngày 21 tháng 9 năm 2005, máy bay 292 của hãng Jet Blue cất cánh từ sân bay Burbank (vùng Los Angeles) đi New York. Vài phút sau khi rời đường băng, phi công nhận ra bánh xe trước bị xoay ngang, không rút lên được. Máy bay buộc quay lại. Tuy vậy, trước khi đáp xuống, phi cơ phải bay vòng vòng cả tiếng trên bầu trời Los Angeles để tháo bớt xăng. Suốt thời gian này, trực thăng các đài truyền hình đưa tin sát nút. Điều đáng nói là máy bay Jet Blue có trang bị tivi vệ tinh cá nhân. Việc đáp xuống với bánh xe trước nằm ngang không phải không nguy hiểm. Máy bay có thể lật hoặc cháy. Những bình luận viên tivi đề cập đến khả năng này. Để đề phòng hỗn loạn, phi công đã có thể giữ hành khách trong bóng tối. Nhưng không, tivi trên máy bay vẫn mở, hành khách được chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối. Sau cùng, máy bay đáp xuống bằng bánh sau, cố gắng giữ phần mũi khỏi mặt đất càng lâu càng tốt. Bánh trước chạm đường băng, bốc cháy vì ma sát. May mắn, cháy hết một phần bánh xe, ngọn lửa lụi tắt, máy bay dừng lại an toàn. Hành khách xuống thang ngoài phi đạo, kẻ rạng rỡ đưa tay vẫy vẫy trước ống kính truyền hình, người bần thần sùi sụt. Thật là một kinh nghiệm kỳ lạ, gần như siêu thực, để thấy mình vừa là nhân vật trên truyền hình trực tiếp, vừa là khán giả, trong tình huống sống chết.

Đi hãng United Airlines, hành khách thậm chí được phi công cho biết có thể nghe các trao đổi không lưu của phi cơ trên băng tầng số chín qua máy nghe gắn ở mỗi tay ghế.

Gần một tiếng trôi qua, chúng tôi mới được thông báo ngắn gọn máy bay sẽ đáp xuống San Francisco vì trường hợp y tế khẩn cấp. Trên màn hình, có vẻ chúng tôi không xa đất liền. Nhưng máy bay phải lòng vòng trên biển tháo bớt xăng. Chuyện này, phi công không thông báo, ông người Nhật hỏi, cô chiêu đãi viên mới cho biết.

Người ta vẫn tiếp tục làm hô hấp nhân tạo cho ông già. Hai ống quần màu đen của ông giật đều đều trên sàn máy bay theo nhịp ấn mạnh của người tiếp viên nam. Áo ông đã được cởi ra, phơi phần bụng trắng bệch, trương phồng. Không ai làm hô hấp nhân tạo hơn một tiếng. Có lẽ ông già đã chết. Người ta chỉ không thể dừng lại, không đủ thẩm quyền y tế để dừng lại, và không dám dừng lại. Vì bà vợ của ông đang quỳ bên cạnh lặng lẽ khóc. Lưng bà rung lên, người đổ xuống. Bà không ngừng vuốt ve, nắn bóp tay chân người chồng, như níu kéo, van nài. Cô tiếp viên trẻ nhất quệt nước mắt. Phi cơ có vẻ như bay mãi và sẽ không bao giờ chạm đất. Nó có những nguyên tắc của nó. Một cỗ máy khổng lồ và quyền lực. Tôi tự hỏi đây có phải là những giờ phút dài nhất trong đời người đàn bà? Tôi tự hỏi cặp vợ chồng này đã sống với nhau bao nhiêu năm, có con cái không, thời trẻ họ đã bao lần cùng nhau đi đây đó? Hôm nay, trước lúc ra phi trường, họ có linh cảm rồi một người sẽ không bao giờ tới đích, một người sẽ đơn độc đi hết quãng đường còn lại?

Ở sân bay San Francisco, hành khách vẫn ngồi tại chỗ. Nhân viên y tế lên máy bay nhanh chóng khiêng ông già xuống. Cô chiêu đãi viên đỡ bà già đã kiệt sức giao vào tay một phụ nữ da đen to lớn mặc đồng phục xanh đậm. Bà sẽ xoay sở ra sao với xác chồng và những thủ tục ở San Francisco?

Trong vòng nửa tiếng, máy bay đổ đầy xăng, cất cánh trở ra biển. Thành phố lấp lánh thoáng chốc bên dưới, rồi chỉ còn một màu đen đặc không cùng. Vài hành khách mệt mỏi ngoẹo đầu ngủ. Suốt chuyến bay dài, tôi nghĩ đến vợ tôi, người thường ám ảnh chuyện sau này một trong hai chúng tôi sẽ chết trước. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ hình dung cái chết trên thiên đàng. Chỉ quá buồn cho người một mình trở lại mặt đất.


Gặp một người lái taxi ở Kuala Lumpur (không phải New York) [1]

Sau Singapore, tất cả những thành phố khác đều không sạch. Dù sao, đường bộ từ Singapore đến Kuala Lumpur vẫn rất đẹp. Hai bên đường, rừng cọ dầu trồng xanh mướt, xa lộ mới, xe bus mới. Tôi hỏi người tài xế, anh ta cho biết chiếc xe bus hai tầng do Malaysia đóng, máy Nhật. Xe đẹp, nhưng thùng xe hơi rung khi chạy nhanh, khay thức ăn gắn vào lưng ghế trước phải khó khăn lắm mới đóng lại được. Trong thành phố, dân Mã Lai phần nhiều lái xe hiệu Proton, niềm tự hào kỹ nghệ xe hơi quốc gia. Xe nước ngoài bị đánh thuế rất nặng. Ở Kuala Lumpur, tôi đi công việc với một người địa phương lái chiếc Proton đời 2000. Chỉ mới vài tuổi, chiếc xe đã xộc xệch. Nắp hộc để găng tay không đóng lại được, lúc nào cũng mở toang khoe chiếc lược dính đầy tóc chủ nhân; lớp nhựa bọc tay lái bung hết một phần tư vòng tròn, lộ lõi sắt. Anh bạn ngượng nghịu giải thích nhựa chảy vì trời nóng. Ở Malaysia, khi đậu xe, luôn phải nhấc hai gạt nước khỏi mặt kính. Bây giờ tháng Một, tháng mát nhất trong năm, nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen này. Thức ăn ở Kuala Lumpur rất ngon, gần giống thức ăn Việt. Thức ăn Tàu và Ấn Độ biến đổi theo khẩu vị địa phương, đậm đà hơn.

Kuala Lumpur vẫn xây dựng ngổn ngang. Vài năm nay, các văn phòng chính phủ được chuyển ra ngoại ô; những khu nhà mới nhìn từ xa đẹp đẽ, nhưng đến gần, dễ nhận thấy dấu hiệu xuống cấp: gạch lót nền bong tróc không được thay thế, chân tường ố bẩn, vật liệu nội thất ọp ẹp, rẻ tiền. Các khu nhà đều thiếu chỗ đậu xe. Sau lưng khách sạn tôi ở, từ tầng mười lăm nhìn xuống thấy ngay khu dân cư cũ kỹ nhưng không lụp xụp, ban ngày ít người ra vào, chỉ vài con chó chạy rông. Đối diện, một toà nhà hai mươi tầng đen xỉn, có thể đang chờ sửa lại hoặc bị bỏ dở, trơ những ô cửa không kính sâu hốc mắt. Trên sân thượng, một cây nhỏ rất xanh đứng cạnh chiếc cần cẩu bất động. Cạnh nhà hoang, một toà nhà khác đang xây đến tầng mười. Vài người thợ thong thả ngồi gõ búa. Sau lưng toà nhà, chếch bên phải, hiện ra đường xe điện trên cao. Thỉnh thoảng, đoàn tàu màu cam chạy qua, uốn lượn, mất hút. Sau lớp cửa kính, tôi không nghe tiếng động, thế giới hiện ra như phim câm.

Trong một thành phố Hồi giáo, nơi đại đa số phụ nữ choàng đầu, tưởng sẽ không có chỗ chơi khuya. Nhưng không phải. Con đường nhỏ song song đại lộ Bukit Bintang đầy những quán ăn Tàu mở trễ, bàn ăn kê trước nhà, lấn xuống lòng đường, xe hơi dân chơi đêm đậu chật cứng. Đường Jalan P. Ramlee nhiều bar dành cho người nước ngoài và giới địa phương lắm tiền. Tôi vào thử Thai Cowboy. Cái tên khiến liên tưởng các bar ở Thái Lan, dĩ nhiên. Quán rất đông, đa số khách địa phương loại “sành điệu”. Một cốc bia tươi khoảng sáu dollar Mỹ. Nhiều bàn bốn năm người xoay quay chai cognac với mấy lon coca pha, giống lối uống Việt Nam. Ban nhạc chơi lại những bản classic rock Mỹ, xen nhạc Tàu, Thái. Ngồi một lúc, tôi băng qua đường vào Beach Club. Ở đây đông hơn, vào cửa phải trả tiền, toàn khách ngoại quốc. Bia mắc hơn bên Thai Cowboy. Tôi ngồi ở quầy bar, cạnh người đàn ông bảnh bao có vẻ chuyên viên một công ty đa quốc gia. Hai ba cô gái bao quanh ông. Ông này mua cho cô gái Tàu đứng giữa ghế của tôi và ông hết ly này đến ly khác. Cô ta to con, mặt tròn, mắt nhỏ, và đặc biệt gò má rất cao. Người bồi pha rượu lôi bốn chiếc ly thuỷ tinh có đế dưới quầy lên, xếp thành hình tháp, ly trên cùng úp xuống, ly dưới đáy chứa thứ nước màu đậm như café, cắm ống hút. Hắn chế vodka chầm chậm từ đỉnh tháp xuống, đồng thời bật quẹt. Rượu cháy phừng phực. Trong vài giây, cô gái hút hết thứ nước màu đậm, như nuốt luôn ngọn lửa xanh lè. Cô ta uống liên tiếp nhiều thứ khác, hết bia đến rượu. Cô cười luôn miệng, mắt híp lại, thỉnh thoảng quay sang tôi nói một tràng, nhưng tôi không hiểu gì, vì ngôn ngữ của cô chỉ xen hai ba từ tiếng Anh. Chắc cô mới từ Trung Quốc sang. Cô cứ hỏi you understand, you understand. Tôi nói OK, OK. Cô ta quá say, không lảo đảo nhưng người rủ xuống, lom khom như vượn, và toát mùi mồ hôi. Quanh quầy bar mênh mông, nhiều cô người Tàu và Indonesia ngồi trước những chai bia duy nhất đã rỗng hay ly rượu cạn. Những cô gái đến từ Philippines đứng thành nhóm nhỏ vòng ngoài, chớp nháy điện thoại di động trong bóng tối. Giữa quầy rượu, hai bồn cá lớn hình chữ nhật đặt trên trụ cao. Hai con cá mập dài khoảng nửa thước lượn lờ, thờ ơ nhìn xuống đám đông chen chúc trên sàn nhảy. Tiếng nhạc chát chúa làm nước hồ cá sóng sánh. Tôi chắc hai con cá đã điếc đặc từ lâu. Cũng như bên Thai Cowboy, ban nhạc Beach Club chơi nhạc Mỹ, nhưng đa dạng hơn, gồm cả Punk Rock và Reggae.

Nửa đêm, ra khỏi bar, tôi đi bộ một đoạn dài dưới tàn cây tối. Những thành phố nhiệt đới về đêm ở đâu cũng đẹp. Trời đất dịu lại, thôi giày vò con người với cái nóng, bụi khói. Đường phố rộng ra nhưng thân mật. Và cảm giác bình yên. Toà tháp đôi Petronas cao nhất thế giới như hai hiệp sĩ đội mũ chóp, mặc áo giáp sáng bạc, đứng canh giữ thành phố.

Đi taxi ở Kualar Lumpur hơi bực mình vì phải ngã giá. Xe có đồng hồ nhưng tài xế ít chịu bật lên. Buổi chiều trước ngày rời Kuala Lumpur, tôi thăm động Batu, một đền thờ Hindu trong lòng núi, leo hơn hai trăm bậc tam cấp mới đến nơi. Động rộng mênh mông, trần cao khoảng ngôi nhà bảy tám tầng, chí choé khỉ. Lúc về, hai taxi tôi hỏi đều ra giá cao hơn nhiều bận đi. Người thứ ba, ngạc nhiên, cho giá rất thấp. Ông này người gốc Ấn, chính xác hơn, gốc Tamil, nói tiếng Anh lưu loát, từ ngữ phong phú. Trên đường đi, khi biết ngày mai tôi sẽ ra sân bay, ông hỏi có cần taxi không. Ông cho giá thấp hơn giá tôi đã dò hỏi ở khách sạn. Tôi đồng ý.

Ông ta đến đón tôi đúng giờ. Sân bay cách trung tâm thành phố 55 km. Sáng sớm chưa kẹt xe, nhưng cũng mất gần tiếng đồng hồ mới đi hết quãng đường. Tôi có dịp lan man với người tài xế. Khi tôi hỏi mua một căn nhà ở đây có dễ không, người tài xế im lặng một lúc rồi nói, dễ đối với người Mã Lai đạo Hồi, nhưng không dễ với người như ông. Người gốc Ấn và Tàu mặc nhiên được coi là thành công hơn dân bản địa, nên không nhận được trợ giúp nào từ chính phủ. Những khu nhà do chính phủ xây bán trả góp chỉ dành cho dân Mã Lai đạo Hồi. Người Ấn và Tàu, bất kể thu nhập thấp đến đâu, đều không mua được. Người tài xế cho biết, ông vốn là thầy giáo cấp hai, bị đưa đi dạy ở vùng rừng già hẻo lánh, sau nhiều năm, không chịu nổi, phải bỏ về Kuala Lumpur lái taxi. Ông mua một căn nhà đã trả góp được hơn hai phần ba, chỉ còn thiếu khoảng mười ngàn dollar. Khu nhà gần đây bị sang chủ. Người chủ mới bỏ hợp đồng cũ, đòi ngay một lúc mười ngàn. Ông chưa biết chạy đâu ra. Ngân hàng không cho vay vì nghề taxi không bảo đảm đủ trả nợ. Ông có bốn đứa con, nhỏ nhất sáu tuổi. Ông nói không kiện tụng, khiếu nại gì được. Không ai bảo vệ những người như ông. Ông nói chắc sẽ mất nhà, mất luôn số tiền đã trả từ trước đến giờ.

Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe những than phiền về sự phân biệt đối xử như vậy ở Malaysia. Ở Singapore, tôi làm việc với một phụ nữ Tàu từ Malaysia qua; ở Kuala Lumpur, với một người gốc Ấn. Cả hai đều cho biết, họ cảm thấy bất an và bị kỳ thị ở Malaysia. Trưa thứ Sáu, nhân viên tất cả công sở được nghỉ trưa vài tiếng để đến đền thờ Hồi giáo. Khoảng thời gian đó, xe cộ có thể đậu lộn xộn lên lề hoặc những chỗ biển cấm mà không sợ bị phạt. Tuy vậy, ngoại lệ này không áp dụng cho những xe có treo ảnh tượng Hindu. Người đồng nghiệp của tôi cho biết, anh bị phạt nhiều lần, nên giờ thôi gắn bức tượng nhỏ trong xe. Anh cũng lo ngại việc con gái bị áp lực trong trường đến nổi bắt đầu đội khăn choàng Hồi giáo như các bạn. Trong một cơ quan chính phủ, tôi đã chứng kiến cảnh những nhân viên Mã Lai cấp dưới tảng lờ lệnh của viên trưởng phòng gốc Ấn trước mặt khách. Viên trưởng phòng, mỉm cười cam chịu, sau cùng đích thân đi làm việc mà anh ta vừa ra lệnh. Hai đồng nghiệp gốc Ấn và Tàu của tôi, gia đình ở Malaysia đã vài thế hệ. Người lái taxi cho biết, ông cũng sinh đẻ ở Malaysia.

Tôi nghĩ đến vài Việt kiều mới khăn gói đến Hoa Kỳ cách đây một hai thập kỷ, nay gia đình đã sung túc, bản thân hưởng mọi quyền công dân như người bản xứ. Vậy mà hễ có dịp, những người này cứ chửi Mỹ. Chửi tàn tệ, sâu cay, như thể đất nước này là hang ổ của bất công, hiếu chiến, đạo đức giả; như thể họ đã bị bắt cóc đến xứ sở này làm một thứ nô lệ mới cho chủ nghĩa đế quốc. Bản thân tôi, những năm đầu đi học bên này, cũng thường nhận xét châm biếm về văn hoá Mỹ, từ đồ ăn thức uống đến thể thao, từ xã giao đến ăn mặc. Trong ký túc xá đại học, tôi thường chọn ở chung phòng với các du học sinh Âu Châu, hả hê ngồi phì phèo thuốc lá với họ chỉ trích người Mỹ. Nhìn lại, thật ra đó chỉ là phản ứng lố bịch của kẻ thiếu hiểu biết và mặc cảm ngoài lề. Tôi nghĩ, người thiểu số ở Mỹ, dù bản xứ hay nhập cư, sẽ luôn đối mặt với vấn đề căn cước chủng tộc, sẽ không bao giờ cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong xã hội văn hoá da trắng. Nhưng không phải vì cảm giác khó chịu này mà người ta có thể phủ nhận sạch trơn những mặt tốt đẹp của xã hội Mỹ. Đối với người nhập cư, ít nhất đất nước này đã cho họ cơ hội làm ăn, học hành, và sự bình đẳng trước pháp luật. Những điều tuy căn bản nhưng người ta không tìm thấy ngay trên quê hương mình. Người ta không thể nói đất nước này thiếu tự do, kể cả tự do chỉ trích chính phủ. Nhưng có những chỉ trích cụ thể, xong rồi thôi, có những chỉ trích cho thấy một cái gì như mối thù thăm căn cố đế, như xung đột văn hoá, tôn giáo. Kiểu thường thấy ở những người đạo Hồi chống Mỹ. Vì Mỹ là một nước tự do, tôi hy vọng những Việt kiều ghét Mỹ sẽ không tiếp tục tự làm khổ mình. Khác với người trong nước không có sự chọn lựa, Việt kiều có thể rời bỏ nước Mỹ bất cứ lúc nào. Họ sẽ được đón chào bởi chính phủ Việt Nam.

Tôi rời phi trường Kuala Lumpur với cảm giác không vui vì câu chuyện của người lái taxi. Ông có khuôn mặt xương xẩu và đôi mắt thật buồn rầu. Tôi còn giữ business card của ông: Thannabalan, điện thoại 019-620-xxxx.


Mặt nạ Jakarta

Từ trên cao, biển có màu xanh lục, cắt chia bởi hàng trăm đảo nhỏ, nhiều đảo chìm lờ mờ mặt nước như cá voi mắc cạn. Những chiếc tàu đánh cá bé tẹo đậu gần bờ, nhà cửa lụp xụp, có thể thấy những bãi rác ngập ngụa lúc máy bay xuống thấp. Sân bay Soekarno-Hatta giống một nhà sàn dài ngói đỏ, bên trong thưa vắng, chỉ nhộn nhịp vì đám hành khách từ máy bay đổ xuống. Visa cấp tại phi trường, nhanh chóng, không hỏi han lôi thôi. Giống Tân Sơn Nhất, ngoài cửa phòng đợi, đám đông chen chúc sau rào sắt.

Hai người đón tôi cẩn thận cầm bảng đề tên đứng hai đầu lối ra. Người lái xe vạm vỡ, quần jeans đen, áo sơ-mi sẫm màu, giày da đen. Anh ta đội chiếc mũ lính vải hoa không ăn nhập với bộ đồ dân sự. Dáng vẻ nhanh nhẹn, anh luôn mỉm cười nhũn nhặn, nói chuyện lễ độ. Sau này, tôi biết anh tài xế xuất thân từ lính hải quân Indonesia. Chiếc mũ lính không hẳn để làm đỏm. Nó chỉ dấu cho người xung quanh biết anh có huấn luyện quân sự, có thể mang vũ khí. Trong một đất nước quân đội, chiếc mũ lính cũng thể hiện mối liên hệ mơ hồ với bộ máy quyền lực. Và điều này tăng khả năng “bảo vệ” của anh đối với những người nước ngoài mà anh đưa đón hàng ngày, trong tình hình an ninh lộn xộn ở Indonesia.

Xe về đến khách sạn, tôi định đẩy cửa bước xuống, người tài xế ngăn lại. Phải chờ nhân viên bảo vệ khách sạn kiểm tra. Họ dùng chiếc kính lật ngửa có gắn bánh đẩy, nối vào tay cầm dài, rà soát gầm xe. Mỗi lần xe ra vào khách sạn đều qua màn kiểm tra như vậy. Văn phòng đại diện của Mỹ nơi tôi đến làm việc, an ninh nhiêu khê hơn. Chỉ một biệt thự, ở cổng có đến hai bảo vệ ngồi trong phòng gác xây kín. Cửa sắt cao quá đầu người, khi mở ra, phải nhấc thêm thanh chắn nặng nề, xe mới vào được. Xe của cơ quan, nhưng mỗi khi vào cổng phải kiểm tra, dù trên xe đang chở vị trưởng phòng. Người trưởng phòng làm việc ở Indonesia đã gần ba mươi năm. Trước, ông sống ở nhà riêng. Nhưng sau vụ đánh bom Bali giết hơn hai trăm mạng, rồi vụ đánh bom toà đại sứ Úc và khách sạn Marriot ở ngay Jakarta, ông phải dọn vào khu chung cư người nước ngoài. Tôi có đến chỗ ông ở dự bữa ăn trưa. Xe vào cổng dĩ nhiên cũng bị xét, chỉ khác có thêm cảnh sát mang… tiểu liên. Trên đường đi, người tài xế thường xuyên liên lạc bằng máy bộ đàm với bộ phận bảo vệ toà đại sứ Mỹ.

Tình hình an ninh như vậy, nên Jakarta, bình thường vốn không hấp dẫn như Bali, càng vắng khách du lịch. Theo sách hướng dẫn, tôi có ghé khu Jaksa, trung tâm của giới du lịch ba lô. Ở một khu lẽ ra nhộn nhịp, suốt buổi tối, không thấy quá mươi người nước ngoài. Jaksa chỉ là một con đường hẹp, bẩn thỉu, lề đường bị lấn chiếm bởi những lều bán thức ăn xập xệ và xe gắn máy. Lòng đường nhớp nháp nước rác. Những quán bar và tiệm ăn loè loẹt hơn chút đỉnh, nhưng vẫn mang vẻ ảm đạm thiếu điện. Ấn tượng mạnh nhất của tôi về Jakarta là sự tù mù của thành phố về đêm. Có vẻ người ta chỉ thắp một nửa số bóng đèn cần thiết. Tôi đưa ra nhận xét này với một người địa phương, anh cho biết chính phủ kêu gọi tiết kiệm điện. Tôi không hiểu vài bóng điện tiết kiệm được bao nhiêu so với những món tham nhũng kếch sù của quan chức. Nó chỉ khiến thành phố thêm mất an ninh và trẻ con đau mắt. Ở những nước oặt ẹo, chính phủ thường mị dân bằng những trò cần kiệm hình thức như vậy. Sáu giờ rưỡi chiều, loa phóng thanh bỗng vang lên, rền rĩ tiếng cầu kinh Hồi giáo. Âm thanh ê a, trầm bổng, nối vào nhau không dứt, tràn ngập con đường tối tăm. Với tám mươi tám phần trăm trong tổng số 245 triệu người theo đạo Hồi, Indonesia là nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Tuy vậy, ở Indonesia, tôn giáo không hiện rõ trên bộ mặt đời thường. Trong khi đa số phụ nữ ở Kuala Lumpur đội khăn choàng đầu, ở Jakarta hiếm thấy. Thanh niên Jakarta để tóc dài, nhuộm hoe vàng, người đen sạm, gầy rắn, mang những đôi giày đế to dính đầy bụi, trông như những tay mê nhạc rock vọng ngoại và cởi mở, hơn là những tín đồ Hồi giáo cuồng nhiệt. Tiếng loa cầu kinh rất to, nhưng mọi người vẫn làm việc bình thường, hay đúng ra không làm gì cả, ngoài tiếp tục chờ đợi trong những quán bar ế ẩm.

Jakarta là thành phố khổng lồ và lôi cuốn, ít nhất đối với những đầu óc mạo hiểm. Trong sách du lịch, thành phố được ví như trái sầu riêng: rất thơm ngon đối với người này nhưng có mùi lộn mửa đối với kẻ khác. Trải rộng trên 637 cây số vuông, Jakarta gần như không có trung tâm, hay nói cách khác, gồm nhiều trung tâm: Bắc Jakarta, Đông Jakarta, Nam Jakarta, Trung Jakarta. Bên cạnh những khu tồi tàn, Jakarta có nhiều nhà cao tầng, những đại lộ rộng rãi. Nam Jakarta phát triển nhất, với nhiều khu mua sắm sang trọng, những quán bar đông khách nước ngoài như Block M. Bắc Jakarta cũ kỹ, đường phố tối đen, đầy những xe bán sầu riêng bên lề, vài bàn nhậu bập bùng guitar, những bar rượu dùng đèn pin hướng dẫn khách. Jakarta vẫn còn những phương tiện giao thông cổ lỗ. Đặc biệt nhất là bajaj. Bajaj hình thù giống xe lam Việt Nam thu nhỏ, chở được hai người, không có vách ngăn giữa tài xế và khách. Xe thường sơn màu cam, mui vải, rất cũ. Ban đêm, nhiều xe chỉ thoi thóp một đèn đuôi màu vàng, nhiều xe hoàn toàn mù. Bajaj lạng lách tài tình giữa dòng xe cộ dày đặc, đâu cũng tới, nhưng không được phép vào những đường trung tâm. Taxi ở Jakarta tương đối rẻ, sử dụng đồng hồ hoặc ra giá phải chăng. Trong thành phố mênh mông chằng chịt như ma trận, đi taxi ban đêm đôi khi cũng ngại. Nhưng trong thời gian ở đây, tất cả những người lái taxi tôi gặp đều vui vẻ, đàng hoàng, dù vài người không rành đường lắm.

Chính trị ở Indonesia không bình lặng. Quyền lực ở một đất nước thiếu dân chủ nhưng đông dân, nhiều tài nguyên, đồng nghĩa với sự giàu có vô độ. Chế độ độc tài Suharto chấm dứt năm 1998 sau những vận động dân chủ, biểu tình rầm rộ của dân chúng. Theo báo Time Asia, sau gần ba thập kỷ cầm quyền, gia đình Suharto sở hữu khoảng chín tỉ dollars giá trị tài sản. Suharto được xem là tay độc tài nhũng lạm nhất lịch sử thế giới hiện đại. Từ khi Suharto bị hạ bệ, dân Indonesia hưởng nhiều quyền dân chủ quan trọng. Tôi hỏi người đồng nghiệp địa phương về tình trạng sách báo, anh cho biết, bây giờ ai muốn nói gì thì nói, chỉ trích tha hồ, tự do in ấn. Các nhân vật chính phủ đôi khi phản công, nhưng thông qua con đường pháp luật, bằng cách kiện tụng lại báo chí, chứ không thể ra lệnh, đàn áp như xưa. Tổng thống hiện nay của Indonesia, Yudhoyono, là tổng thống đầu tiên được bầu trực tiếp bởi dân chúng năm 2004. Vị tiền nhiệm của Yudhoyono, bà Megawati, con gái cố tổng thống giành độc lập Soekarno, đã ứng xử một cách lạ lùng khi Yudhoyono thắng cử. Bà này không tuyên bố thua cuộc, không chúc mừng người chiến thắng, cũng không tham dự lễ nhậm chức của tổng thống mới; bà chỉ lẳng lặng thu xếp rời khỏi dinh. Bà là người rất tin bói toán. Ông Yudhoyono được coi là có học và đầu óc cấp tiến. Indonesia vẫn nhiều tham nhũng, quản lý yếu kém, nhưng dân chúng có tự do ngôn luận và bầu cử dân chủ. Ở những nước như Indonesia, ít ra người ta có thể công khai xuống đường đòi trừng trị bọn sâu mọt. Ở những nước độc tài, dân chúng chỉ có thể tìm cách “sống chung với sâu mọt” và chấp nhận những phủ dụ dối trá. Vấn nạn của Indonesia hiện nay là khủng bố và ly khai. Dù sao, tôi đặt cược vào Indonesia nhiều hơn những chế độ độc tài “ổn định để phát triển”. “Ổn định để phát triển” chỉ hiệu quả nếu dân tộc may mắn có được những nhà lãnh đạo yêu nước, tài năng, trong sạch, và can đảm. Gặp phải những kẻ không ra gì, đất nước sẽ bị làm nhục. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ được lịch sử chứng minh là dân tộc may mắn.

Indonesia giống Việt Nam nhiều thứ: khí hậu nóng nực, nghèo nàn, lộn xộn. Nhưng Indonesia vẫn đi xa hơn Việt Nam một khoảng. Jakarta căn bản đã là thành phố xe hơi chứ không phải xe gắn máy như Sài Gòn, Hà Nội. Trong khi Sài Gòn và Hà Nội vẫn ít nhiều còn vẻ êm đềm đô thị nhỏ, Jakarta đã xây dựng nhiều nhà cao tầng và khu thương mại lớn. Sự phát triển của Jakarta tuy vậy, rất khập khiễng. Xe hơi nhiều nhưng đường phố không mở kịp nên thường kẹt xe, ô nhiễm. Xe cộ chạy lấn đường, xem nhẹ luật lệ. Nhà cao tầng xây nhiều nhưng đa số dân chúng vẫn chen chúc trong những khu lụp xụp, thiếu vệ sinh. Như nhiều nước nghèo khác, Indonesia chỉ phát triển chút đỉnh ở một hai đô thị lớn với mật độ dân số rất cao. Đảo Java chiếm bảy phần trăm diện tích Indonesia nhưng chứa gần sáu mươi phần trăm dân số. Mười triệu người sống ở Jakarta.

Việt Nam bắt đầu đua nhau sắm xe hơi, xây nhà cao tầng. Với cung cách quản lý lũng đoạn hiện nay, chẳng bao lâu, Sài Gòn và Hà Nội sẽ đối mặt với những vấn nạn đô thị hoá trầm trọng như Jakarta. Xe hơi nhiều, nhưng sẽ mất thời gian hơn để di chuyển trong thành phố; nhà cao lên, nhưng dưới bóng của chúng sẽ đông hơn trẻ đánh giày và ăn xin. Trong những chế độ độc tài, kinh tế quốc gia sau cùng chỉ là trò làm ăn mafia của tập đoàn cầm quyền. Dân chúng được vứt cho khúc xương. Khúc xương lúc toàn gân lúc dính chút nạc, nhưng bao giờ cũng có mùi nhục. Câu hỏi của người trí thức trong những xã hội độc tài không nên cao xa kiểu “tồn tại hay không tồn tại”, mà là “gặm xương hay không gặm xương”.

Đồ mỹ nghệ Indonesia tuyệt đẹp, đặc biệt đồ gỗ Bali và Papua. Những mặt nạ vừa hiện thực vừa cách điệu, vừa khiêu khích vừa bí ẩn, màu sắc khi rực rỡ lúc u trầm, tất cả được thể hiện hết sức chi tiết; chúng nhắc nhở du khách rằng những gì họ nhìn thấy có thể chỉ là khuôn mặt hoá trang của dân tộc, rằng có một bộ mặt khác, không bao giờ hiển lộ cho con mắt người ngoài. Đất nước này rộng lớn và bí ẩn, món khoái khẩu của những nhà thám hiểm và thực dân. Thực dân Âu Châu rời Đông Nam Á đã hơn nửa thế kỷ, nhưng ngày nay khách du lịch từ nước giàu vẫn ít nhiều nếm được mùi thuộc địa xa hoa ở những xứ như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam. Đời sống nghèo nàn và tâm lý sùng ngoại vẫn còn đó. Người ta đến những xứ sở này để ngồi ăn có người hầu, để được bóp chân sau một ngày rong chơi, rồi đi ngủ với những thiếu nữ trẻ đẹp giá rẻ mạt. Người ta đến những xứ sở này để nhìn thấy một thế giới khác, nhưng cũng để chạy trốn cảm giác tầm thường của đời mình trong xã hội máy móc. Nơi đây, bỗng chốc ta thành ông vua con, hay chí ít cũng là viên quan huyện. Và cuộc đời thật tươi đẹp khi mình có quyền lực, dù quyền lực thuốc súng hay quyền lực đồng tiền. Với quyền lực, mình không chỉ được phục vụ, mà còn được kính sợ.

Tôi cũng là người du lịch từ nước giàu. Nhưng trước khi mang hộ chiếu Mỹ tôi đã là kẻ không hộ khẩu ở Sài Gòn, trước khi tiêu những đồng dollar xanh tôi đã từng gần chết đói trên căn gác đường Nguyễn Tri Phương. Trước khi là “thực dân”, tâm hồn tôi đã bị đô hộ. Người bồi lễ độ này là phiên bản của chính tôi. Tôi chỉ đổi vai với anh ta vài phút trong bữa ăn thịnh soạn. Tôi là người du lịch đeo mặt nạ. Vì tôi khởi đi từ Việt Nam.

4/2006

© 2006 talawas

[1]“Gặp người lái taxi ở New York”, tên một bài thơ của Phan Nhiên Hạo.

Phan Nhiên Hạo sinh tại Kontum, Việt Nam, sống ở Hoa Kỳ từ 1991. Học xong khoa Văn Đại học Sư phạm, Sài Gòn, 1989. Cử nhân văn chương Anh-Mỹ, 1998 và Cao học thư viện-thông tin, 2000 tại University of California-Los Angeles (UCLA). Hiện làm việc trong một thư viện đại học ở Los Angeles.

Tác phẩm   Night, Fish, and Charlie Parker. Tuyển tập thơ song ngữ, Đinh Linh dịch. Dorset: Tupelo Press, 2006; Chế tạo thơ ca 99-04. Thơ. San Jose: NXB Văn, 2004; Thiên đường chuông giấy. Thơ. Garden Grove: NXB Tân Thư, 1998.

Một số thơ dịch ra tiếng Anh in trên các tạp chí Xconnet, Cutbank, MANOA, Filling Station, The Literary Review…, các tuyển tập: Of Vietnam Indentities in Dialogue, Three Vietnamese Poets.

Website http://www.haophan.net

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài