Đỗ Kh. Ảnh: Ramzi Anh |
Không giống như người khác, hành lý du lịch của Đỗ Kh. không tối giản hoá thật gọn nhẹ, mà luôn được huy động ở mức độ tối đa. Đỗ Kh. không dùng những chuyến đi để trốn chạy một cái gì đó, mà vẫn tối đa thoải mái, vì gia đình không phải nhà tù, sách vở không nhốt được tự do, ký ức không là ẩn ức, và cái khác lạ có khi chỉ là ngọn đồi ở ngay cạnh nhà. Đống hành lý cồng kềnh kia cuối cùng hoá ra lại rất nhẹ, đến lúc kết thúc mỗi chuyến đi có khi thành quả chỉ là một “nhận thức mới mẻ” của đứa con nhỏ, nhưng tổng cộng những chuyến phiêu lưu lại mang lại một niềm vui, thường trực trong cả thơ, tiểu luận và ký của một cây bút khoái lạc chủ nghĩa theo cách tự nhiên nhất có thể.
Mời bạn đọc kì này cùng theo bốn chuyến đi của nhà thơ Đỗ Kh. và thưởng thức tiểu luận điện ảnh Saigon, Samedi (2000) của anh.
talawas chủ nhật
Đỗ Kh.
Bốn bài ký
Chốt nút đầu tiên của con tôi
Con đường rất hẹp, vừa đủ để cho chiếc xe cá mập 15 chỗ chen giữa hai dãy nhà. Vào lúc trễ trưa này, những cái mái thấp vẫn để nắng ăn hết ¾ mặt lộ. Hai ba người thanh niên chợt hiện ra một góc, chập chờn trong cái nắng chói chang. Họ khoát tay ra hiệu. Ông tài tấp về phía họ, chòng chành ngưng chiếc xe đang chậm.
Từ băng ghế áp chót, chỗ tôi ngồi, những lọn tóc quăn uốn chải của ông ta và cái gọng kiếng mát vàng át mất một phần cái khung cửa kính có mấy khuôn mặt chụm lại tức thời. Bên trong tối và bên ngoài sáng, tôi vểnh tai tìm những chữ gốc Pháp trong thổ ngữ créole bị đứt quãng bằng những câu Ấn Độ.
“Phía bên kia, đường tắc”.
Một đứa trẻ đạp đứng trên trên chiếc xe người lớn trờn đến cạnh bên thành, mặt mày nghiêm trọng của những buổi phát phần thưởng. Vài người đứng tuổi ở trong nhà lấp ló sau hàng râm bụt, chuyến xe đơn độc của hãng du lịch Mautourco ở quãng hương lộ này thành sự cố.
“Rẽ phải”, “Rồi trái”, những hướng dẫn lẫn vào với những địa danh mà mới đến đây vài ba ngày tôi chưa nắm hết: Thông Ống Tẩu, Lũng Nai Cái... Ông Tài ngập ngừng rồi quyết định đi thẳng tiếp. Một thanh niên chõ đầu vào nhìn gia đình tôi trên những băng sau lập đi lập lại bằng tiếng Pháp rành mạch: “Chiều nay gặp lại! Chiều nay gặp lại!”
Ờ thì đường cắt, nếu không về được đến khách sạn thì chiều nay trở lại đây ngủ tối chứ sao. Ít ra còn có anh này nhiệt tình mời. Ông tài lầm lì ra khỏi làng, nhấn ga băng những ruộng mía non trải dài hai bên.
Ở ngã ba đâm ra đường lớn, có mươi hai mươi người tụ tập, phần lớn là trai tráng, áo thun quần cộc hay cởi trần sarong quấn ngang bụng, một thành quách sẫm án ngữ trước những rặng dừa bập bềnh xanh. Lại gần, vài cái nốt cam là những cái nón bảo vệ trên mấy khuôn mặt trung niên ngồi trên yên xe máy. Và màu tươi là những cây gậy tầm vông vừa mới vót cầm tay.
Lát sau, theo vợ tôi thì có cả những chướng ngại gạch vừa đổ ra trên mặt nhựa, vỏ lốp xe đốt cháy để ngăn đường. Nhưng tôi không chắc ở điều đó, có thể là do từ những hoàn cảnh khác nhau của quá khứ nàng lẫn lộn quay về. Tôi chỉ thấy những khuôn mặt, vừa thân thiện vừa nhăn nhở vì kích thích.
“Về phía này, về phía này”, những cây gậy tầm vông nhấp nhô. Chiếc xe rẽ phải trên lộ lớn, dọc những rặng dừa yên ả, đâm thẳng vào khung cảnh địa đàng cố hữu của đảo Mauritius.
Ông tài ngoái đầu lại: “Người thanh niên ở trong làng, hẹn chiều nay gặp lại, là nhân viên ca tối làm trong khách sạn.”
Chiều nay gặp lại, trong khách sạn nhìn ra bờ biển có hào san hô sóng vỗ ở ngoài xa của Ấn Độ Dương. Mauritius ở Nam bán cầu, cách châu Âu mười mấy giờ bay và lục địa châu Phi 1.700 cây số, bỗng trở thành nổi tiếng trong thập niên 70 từ khi có mấy vị hoàng gia Anh quốc biến thành nơi họ có thể cởi bỏ mũ mão và mặc quần cộc đi chân không đến nghỉ hè.
Hơn triệu dân cư chen chúc trên hòn đảo dài 65 km rộng 40 này đồng loạt xoay người để cho du khách rủng rỉnh có chỗ mà phơi nắng ngả mình. Vì ở Nam bán cầu nên khi ở Âu châu đang Đông thì đây Hạ, tiện cho minh tinh màn ảnh Paris mang áo tắm đón giao thừa. Ngành du lịch phát triển theo hướng “có giá trị” và phương châm “Thà đón một khách tiêu 10 đồng còn hơn đón 10 khách tiêu một đồng” từ đó dính liền với ngôn hiệu “Ngôi sao và chìa khoá Ấn Độ Dương” của quốc gia.
Các bãi đẹp nhất đảo uốn éo thêm những khách sạn mái lá theo phương thức “quán đèn cầy thanh lịch hơn quán đèn néon”. Dân chúng thì hiền, mặc dù nước da không được trắng. Ở đây không có trẻ xin tiền, bán dạo, không có thanh niên móc túi, móc dao. Vậy mà cũng có loạn. Hai con tôi, lên năm và bảy, nằm mỗi đứa trên một hàng ghế giữa từ nãy giờ vẫn ngủ vùi. Chúng không có có dậy mà chứng kiến chốt nút đầu tiên ở trong đời.
Lần đầu của tôi, là tôi hơn tụi nó vài ba tuổi. Trước mặt tôi và giữa hai đôi chân của hai chị vú, người lính dân vệ mặt mày hớt hải thu người thật bé trên sàn xe. Bố tôi đã quay đầu xe ngay từ lúc anh ta chặn lại, tự động mở cửa sau và chui tọt vào ngồi thụp xuống núp mình. Đằng sau, mấy người lính khác chậm chân nhớn nhác tay súng, quốc lộ đì đẹt lên khói những hàng cau. Đó là vào đầu thập niên 60. Tấm bảng bằng xi măng đúc địa danh “Quán Chim” bên vệ đường lỗ chỗ những vết đạn mới.
Vào dịp cuối tuần, ngay cả trong niên học, bố mẹ tôi thường đưa tụi tôi đi tắm Vũng Tàu, lúc đó còn quen gọi là “Cáp”.
“Ra đi đón gió trùng dương / Trở về lòng những vấn vương Vũng Tàu”.
Thời Đệ nhất Cộng hoà, vào thị xã có trạm trả thuế gọi là thuế nghỉ mát nhưng con đường từ Sài Gòn ra đã bắt đầu bất an và du kích địa phương không nắm vững khái niệm week-end nên không bao giờ tôn trọng. Xe đò thường bị chặn bắt lính tráng, xe con cũng có khi ngừng lại trả thuế cách mạng.
Đó là lẻ tẻ đột xuất, nhiều lúc Mặt trận ra oai cắt đường. Sáng tụi tôi dậy sớm, nôn nao ra biển, gần đến Phước Tuy súng nổ đì đoàng đằng trước lại quay về. Tôi không hiểu tại sao, bao giờ chốt nút cũng trên đường đi ra biển chơi, không lần nào vào chiều chủ nhật trên đường về Sài Gòn để thứ hai đi học.
Suốt thời gian đó, tôi chỉ bị chiến tranh quấy phá những cuộc vui, chẳng bao giờ quấy phá học hành, ngoại trừ mấy tháng Mậu Thân nhưng Tổng công kích đợt hai, nhiều đêm tên lửa 122 vào thành phố, cái trường tôi to tướng nằm bên hông dinh Độc lập không một lần trúng quả nào cho cháy cái văn phòng Đốc học. Những chốt nút đầu tiên trong đời cũng vậy, tôi gắn liền với những cuộc chơi dở dang.
Sau này, đây đó, tôi còn gặp nhiều chốt nút. Tất nhiên là phải quay đầu hay rẽ lối khác nhưng cũng có chốt được băng qua. Nhớ cho kỹ, tôi chỉ gặp chốt ngày, thường là buổi trưa trời nắng và đường lơi lả vắng, có lẽ là tại biến loạn thì ít người ra lộ và không phải là không có chốt đêm mà chỉ tại là đêm thì tôi ít đi đâu. Buổi trưa, trời nắng, lần này thì chắc chắn là có gạch vữa ngổn ngang, bao cát và lốp xe khét lẹt ngăn đường vắng, cô du kích Palestine nghiêng người nhìn vào xe một lúc, bộ ngực đè nặng vào thành kính, “Lên núi hả... nhưng các anh cẩn thận”. Cô ta cười chúm chím “Chúc đi đường bình an”. Cô ta lùi ra, hai trái lựu đạn dắt ở hai bên ngực rung rinh.
“Trưa vàng cỏ biếc vườn xanh/ Môi em tím đỏ đầu cành phượng xưa.” [1]
Chốt nút này tôi ấn tượng mềm mại nhất. Hai quả lựu đạn F1 Ba Lan.
Chốt nút lần chót của tôi, tôi không được cho qua. Trên chuyến xe đò chỉ có tôi và hai người đàn ông trung niên khác là người ngoại quốc. Khi người lính Croatia leo lên xe thì hai người đàn ông này lo âu ra mặt nhất trong đám hành khách. Họ lục lọi túi áo, cầm tay sổ thông hành mà tôi không nhận ra được của quốc gia nào, nhưng nhất định là một xứ Hồi giáo. Tôi chăc họ đã quá tuổi tình nguyện đánh đấm giúp người Bosnia đồng giáo nhưng mang tiền, mang thuốc hay gì đó tinh thần để yểm trợ những người Hồi Nam Tư. Người lính Croatia nhìn tôi, nhìn họ rồi nhìn mọi người. Ngoài xe năm bảy anh rằn ri súng ống gác tay. “Không qua được, người lính bảo như thông tin hơn là ngăn cản. Phía bên trên là địch, vệ binh Serb - Bosnia”.
Tôi không qua được và cũng không tìm ra đường vòng, lối khuất. Tôi không vào được Sarajevo bằng đường hầm dưới núi Igman để bắt tay Lữ đoàn 7 Bosnia và tìm ra cô hoa hậu thành Sarajevo công thủ vừa mới được lên ngôi. Cô này về sau lấy một anh chồng nhà báo Hà Lan theo anh ta về xứ phẳng và nhiều xe đạp, đáng đời. Nhưng tôi không bao giờ gặp, uổng công tôi sắm cả áo giáp chống đạn 11 lượt vải Kevlar và cặp kính mát Oakley (thermonuclear protection) nghe nói là đỡ được cả đạn bi bắn cách 30 thước mà không thủng. Tôi ôm túi hành lý đầy những thỏi sô cô la và nước trái cây là lương khô đủ để nằm chốt 7 ngày về ngay Zagreb vào Inter Continental nằm xem chiến sự trên truyền hình, ủ rũ nhìn Christiane Amanpur phỏng vấn Radko Madlic tướng quân.
Trong phòng khách sạn tôi đeo kính chống đạn, thay tròng nhìn đêm không phải loại nhìn ngày ngoài nắng, nhưng không mặc áo giáp. Kevlar Class III chỉ đỡ được đủ loại súng ngắn, tôi không mang theo cái chắn lót ngực bằng ceramic để chặn được đạn AK nhưng nặng như cùm. Vào minibar của phòng ngủ dễ hơn là vào Sarajevo, giữa bia lạnh và tôi không có chốt nút, chỉ có một cái nắp khui li ti tụ hơi nước. Zagreb về đêm dạo đó cũng không còn chốt nút, chỉ có quân nhân ít tiền về phép tha thẩn trên đường và doanh nhân địa phương đồng hồ vàng áo quần Versace thầm thì hàng quán trên điện thoại di động.
Chốt nút về đêm ở Zagreb là phụ nữ phì phèo tốp một tốp hai dưới những tàn cây nhưng những cô này không cô nào ngăn tôi được. Họ không mặc đồ trận ngực lưng tưng lựu đạn mà quần cộc váy ngắn, môi không chúm chím mà miệng mở to ngậm sẵn bao cao su mùi dứa Pina Colada hay là mùi dâu Daiquiri.
Hai ông hồi giáo đồng hành tôi không biết về đâu.
Chắc là họ vẫn đeo đuổi sự nghiệp giúp người Trung Âu cùng tín ngưỡng, đạt thành Sarajevo có thể và vào giờ này, hiện nay, có khi là đang hì hục hoạt động đồng tuyết phủ Kosovar trong khi tôi ngồi cạnh bể bơi ở tận đây Mauritius hì hục giúp vợ thoa kem chống nắng. Tuy không tín ngưỡng gì cho lắm, nhưng nàng cũng như họ, người Hồi.
Ở đây bạo loạn bắt đầu hôm tôi vừa mới đến. Từ phi trường quốc tế vẫn còn rất lụp xụp kiểu thập niên 60 với cửa kính bẩn và quạt trần nặng nhọc, anh tài đón chúng tôi đã nôn nóng: “Bữa nay, may mà ông bà về vùng biển Đông của đảo, chứ lên miền Bắc không cách nào đi nổi.”
Bên ngoài là cái nhớp nháp của nhiệt đới dính vào da. Cuối tháng Hai ở Nam bán cầu là những ngày sắp hết của mùa hè, những hàng phượng vĩ hai bên chỉ còn lập loè những đốm đỏ.
“Tại sao vậy?” tôi hỏi, “Tắc đường hả?”
Tôi nghĩ đến thành phố lớn tôi phải đổi những ba chuyến bay vừa mới thoát ra được.
“Không phải tắc đường mà là nút chốt.”
Hai chữ “nút chốt” rùng rình ngay trong tâm tưởng.
Lần này, ở đây, là vì ca sĩ Kaya, tên thật Joseph Reginald Topaze và biệt danh là “Bob Marley Chagos quần đảo”, người gốc Phi châu, hát reggae và tóc kết dreadlock như thần tượng vùng Carib, chẳng hiểu cớ gì phải vào khám trung ương và từ trần tại khám vì chấn thương sọ não, ôm đầu máu theo thầy (Bob Marley) về thế giới bên kia xanh rì của cỏ cần sa. Người gốc Phi, 20% dân số của một quốc gia 70% người gốc Ấn, những kẻ mà chính phủ gọi là “bị cuộc phát triển không đồng đều của thập niên vừa qua bỏ rơi” bèn nhất loạt ra đường đốt xe buýt và các công sở. Trong vòng 72 tiếng đồng hồ, cảnh sát đặc biệt lưu động hết hơi và hết lựu đạn khói, thủ tướng Navim Rangolaam xuống giọng nhỏ nhẹ xin lỗi, vài viên chức cao cấp bị đuổi, chủ tịch Cassam Uteem chia buồn cùng tang quyến, một chuyên gia giảo nghiệm tử thi từ Réunion, tức là nước ngoài, được mời sang điều tra. Ông này hoãn binh khôn khéo, tới tuần sau mới có kết quả tường trình. Trong khi chờ đợi tuần sau, tình hình bập bềnh sôi sục và từ từ lắng dịu.
Anh phục vụ ở quán nước trên đường đến Vịnh Lớn có vẻ bất bình khi vợ tôi hỏi thăm tình hình (dĩ nhiên là bên ngoài trời nắng và những rặng phi lao rì rào trên bãi): “Ở Mauritius, lần trước biến động là từ năm 68, kỳ này chết có hai mạng còn ở xứ các bạn ngày nào cũng đổ tuyết từ trên núi xuống chết vài chục là thường.” Người địa phương, tôi không hiểu là có coi thường việc hục hặc này giữa họ với nhau hay không, nhưng khi tiếp xúc với du khách đều đồng thanh giảm lượng “Chẳng có gì”, “Hôm nay hết rồi”, “Không sao”.
Giống như những đảo cách 10.000 cây vùng Carib, ở đây, “No problem” là thành ngữ quảng cáo du lịch đầu môi.
Thông tin ồn ào nhất trong lobby khách sạn là do một ông Pháp ngoài 50. Ông ta mặc áo sơ mi hoa Hawaii phanh ngực ăn nhiều nắng, chân trần xỏ trong giày boong tàu thuỷ, dáng dấp tay chơi thuộc địa bản xứ hơn là một người du khách. Ông ta tự động ngồi vào dãy bàn đang vắng dành cho công ty dịch vụ hướng dẫn, nhấc điện gọi Đông Tây.
“Tụi tôi bị nhúp, bị nhúp hoàn toàn!”. Từ nhúp giải thích cho người đối thoại ở trên máy “có nghĩa là kẹt cứng, không đi đâu được.”
Ông ta nhìn tôi “Ở đâu cũng có quân đội, công an!”.
Cô gốc Phi ngồi bàn bên cạnh duỗi hai chân (đen) dài cười vụng, lấp ló cái quần lót (trắng).
“Chị có chắc tối nay về được đến nhà không?”, tôi hỏi.
“Chắc chẳng đến nỗi nào.”
“Cả bọn mình bị nhúp”, thực dân đánh thuê giơ hai tay lên trời.
Tại ông Pháp này, màn vừa trên loáng thoáng vai Jean Carmet thủ diễn (trong phim của Volker Schloendorf ở Beirut), một tay buôn khí giới trong bar của khách sạn Phoenicia ngước lên trời buông hai chữ “Đông phương!”.
Nhưng Mauritius giờ chưa cần đến Tây buôn vũ khí, tôi vừa chỉ thấy gậy tầm vông. Biết đâu, mới là khởi đầu, lúc nội chiến Nam Tư lục đục mở màn, trên truyền hình tôi thấy có người đeo súng loại hơi ép để đi săn chim sẻ thì sao. Năm 45, tự vệ thành Hà Nội chỉ đeo súng gỗ, vậy mà dần dà rồi cũng chết cả triệu người. Ông Pháp du khách ở giai đoạn này có lẽ mới chỉ là một tay buôn ná cao su và cô hướng dẫn da đen nhất định về nhà, không trú lại. Phòng con tôi thì còn dư giường cho cô tị nạn, chứ phòng tôi thì không.
Ba ngày, tôi không rời khách sạn, nhưng khách sạn này nằm một xó, cách cái thôn đầu những năm, ba cây số. Sáng tôi đi lặn coi cá, trưa tôi nằm ngủ ghế dài, tối nhìn biểu diễn vũ dân tộc Sega - “còn nóng bỏng hơn là Lambada”, một điệu vũ của những người nô lệ gốc Phi. Vợ tôi nhận xét, “chỉ có cổng xe ra vào của khách sạn là lúc nào cũng đóng chặt.” Chúng tôi đi chơi tàu lặn, no problem, no problem, chỉ trừ cái chốt nút kể ở trên. Nó không phải là cái chốt nút của người phiến loạn, nhưng chốt nút của dân làng để chặn bọn hôi của và phòng ngừa bọn cướp tiệm chạp phô. Những cái gậy tầm vông không cần áo giáp để chắn.
Trên du thuyền đi thăm đảo nhỏ ngoài khơi tôi say sóng, thấy mình dại dột trong việc đi chơi. “Khi tôi chết, xin mang tôi ra biển. Khi tôi chết, xin mang tôi ra biển. Khi tôi chết, xin mang tôi ra biển [2] ” tôi tụng không ngưng miệng, nhưng khi tôi còn sống, xin để tôi yên trên đất liền.
Tôi gượng đùa với vợ “Kinh nghiệm ngày 30-4 ở Việt Nam, khi nào loạn, cứ ở trên thuyền trước là chắc ăn.” Nhưng lần này tôi không 1.800 hải lý trực chỉ Nam Triều Tiên qua eo biển Đài Loan gập ghềnh những ngọn sóng cao 15 thước mà chỉ nằm phơi nắng một chỗ đến tróc da. Chung quanh tôi, chẳng cần xin xỏ ai, phụ nữ đều tự động cởi trần áo tắm để bầu vú cũng sẫm lại với núm một màu.
Ngày hôm sau, ở dưới tàu lặn âm 30 thước, lại càng chắc bụng, xa vời những biến động phố thị ở đất liền, tôi có thấy được một con cá đuối, nhưng con này tầm vừa vừa và nằm yên trên đáy cát. Ở Polynesia, nhưng đó là đầu kia thế giới, có lần bơi xuồng tôi được thấy một con cá đuối lớn lờ lững lội ngang, hai cánh bập bềnh trôi trên san hô như tiếng sáo đại bàng El Condor Pasa của những rặng núi Andes.
Đi coi cá, đi lặn, nằm để vú phơi nắng mang lại cho Mauritius mỗi năm lợi tức $500 cho mỗi đầu người. Ông bộ trưởng du lịch chạy long xòng xọc, gửi fax đi khắp châu Âu, sang đảo kế cận thuộc Pháp là Réunion “No problem”. 25% khách du lịch ở đây là từ Réunion cách có ½ giờ bay. (Réunion ngày trước có Duy Tân bị đày nhưng không phải vì thế mà tôi không muốn đến, tôi chỉ suy là người Réunion sang đây nghỉ mát thì tôi sang Réunion nghỉ mát làm gì.)
Nhưng phát triển ngành du lịch, những khách sạn “bảy sao”, bãi trước không được đồng đều, ngành đường mía, ngành may mặc là những kĩ nghệ địa phương hàng đầu cũng vậy, người có việc người không. Ông tài người Ấn Tamil sặc hơi bia của một chiếc taxi, giữa hai chặng tấp lại rủ chúng tôi mua xoài phân bua một cách không mạch lạc:
“Ở đây là vậy, cứ bọn vô công rồi nghề làm loạn. Như tôi đây, ngày nào cũng làm, sáng dậy từ năm giờ, sáu giờ, chạy xe cho đến đêm. Kìa, có hàng xoài kìa.”
Ông ta tấp lại cho chúng tôi mua bằng được. Thoạt tiên tôi nghĩ ông này ăn hoa hồng của hàng trái cây. Nhưng sau ba bận như vậy thì chắc là không phải. Ông ta có lẽ bị ám ảnh bởi xoài + du khách + hình ảnh của Mauritius và muốn dùng ấn tượng xoài địa phương để phá tan đi những ấn tượng u ám về quê hương của ông do bọn “vô công rồi nghề” gây ra với du khách nước ngoài.
“Bọn này chỉ chực loạn để đi hôi của”.
Tôi nhớ đến cái cửa hàng quần áo ở đường St-André des Arts khu Latin ở Paris mà có lần tôi tiếp tay đập vỡ cửa kính xông vào hôi được một cái đầu người mẫu, mang về để cạnh giường làm nơi đặt cặp kính mỗi khi đi ngủ. Tôi nhớ đến một biến động ở Los Angeles trước biến động Rodney King nhiều năm, người em trai tôi hăm hở dắt súng vào bụng “Nó gần tới khu này rồi, tao với mày xuống cửa hàng điện tử khiêng đầu vidéo”.
Cái siêu thị Mont Choisy hình như vừa mới mở cửa lại nên xoài chỉ có vài ba quả cũ và mấy nải chuối. Gọi là siêu thị nhưng nó chia làm ba phần, một cửa hàng quần áo phía mặt đường cho du khách qua lại, sari, T-shirt và áo tắm. Bên trong là cửa hàng lưu niệm lỉnh kỉnh nhập từ Abu Dhabi hay Ấn Độ từ trong những thùng đang gỡ dở. Ngăn giữa bầy bán thực phẩm, lối vào cái cửa sắt kéo hờ hững nửa đóng nửa không, ông bà chủ người Ấn Hồi Bihar chắp tay qua lại, hai cô con gái vừa vụt lớn lóng ngóng đôi chân. Đây xa những ngoại ô thủ đô bị hôi của và ngày hôm qua đài loan tin có 116 người bị bắt làm gương.
Nhưng biết đâu được, cửa hàng này như vậy cũng rủng rỉnh và nếu lợi tức bình quân mỗi đầu người của quốc gia hàng giàu nhất châu Phi này là USD 4,000/năm thì chắc cũng có của để mà cướp. Tôi không vơ vội mấy trái xoài bỏ chạy ra đường cái mà nhìn hai cô gái ngồi bệt xuống sàn giúp vợ tôi lựa những cái áo gối thêu kính lấp lánh. Kinh nghiệm giặc giã của một bà chị ở Việt Nam vụt trở lại trong đầu: chạy loạn, phụ nữ tốt nhất nên mặc váy, ngồi đâu đái được đấy khỏi lộ liễu tụt quần.
Tôi không đọc báo địa phương, xem T.V. loáng thoáng, ông thủ tướng cũ của đảng bây giờ trở thành đối lập lớn tiếng chỉ trích chính phủ đương thời vô trách nhiệm. Thủ tướng đương nhiệm trả lời là có người đã mất tín nhiệm với cử tri rồi mà vẫn tưởng là mình còn đang cầm quyền và khiêu khích những phần tử phiến động. Ông taxi của tôi thì lại coi nhưng phần tử này rất nhẹ.
“Mấy ngày qua, ngày nào tôi cũng chạy xe, từ đây lên thủ đô Port Louis, từ đây xuống ngược đến trường bay, khi nào gặp chút nốt thì xuống xe, tụi nó bắt ra nhảy Sega (còn nóng bỏng hơn là Lambada), thì tôi ra nhảy. Tôi biết nhảy Sega, vậy là cho qua! Đằng kia có hàng xoài kìa, họ bày ra đường, chỉ còn có bốn thùng chót này là hết”.
Ông ta tấp lại. Tôi không mua bốn thùng xoài và cũng không hỏi ông ta là mỗi lần gặp chốt, họ có bắt cả uống bia Phoenix không trong khi nhảy Sega. Cái đó thì tôi không biết nhưng tôi biết là có bất công thì mới có bất bình và có bất bình thì dễ tự mình làm loạn chẳng cần ai khiêu khích, đảng đối lập hay là bàn tay ngoại nhân. Tôi biết là ở đâu cũng vậy, người ngồi rồi là kẻ không kiếm đâu ra việc, thằng đập cửa hàng tạp hoá bao giờ cũng hôi được ít của hơn là đứa ký giấy phép cho xây khách sạn hai trăm chòi nghỉ mát ở một vịnh chưa được khai thác. Kẻ ném đá vào xe con bao giờ cũng đứng ở ngoài nắng và người bị ném bao giờ cũng ngồi êm ả mát điều hoà.
Ca sĩ Kaya không hiểu có hát lên bập bùng những điều này hay không mà vào nằm khám, đã được công an dìu hai bên mà lại vừa đi vừa hát nên vấp vào đâu ngã vỡ đầu, đã chết lại còn gây ra biến loạn làm ra chốt nút đầu tiên của con tôi trên đường nghỉ mát Ấn Độ Dương.
Không biết điều là thế, chẳng riêng gì ở Mauritius lung lay hoa giấy với trúc đào. Ngày trước, thanh niên Pháp của tháng Năm 68 đặt ra khẩu hiệu “Dưới gạch lót phố là bãi biển”. Ở Mauritius, dưới bãi biển lục rất kỹ cũng tìm ra được đá lót đường để ném hiến binh. Lần này, các con tôi nằm ngủ trên xe nên không được mục kích nút chốt đầu tiên gặp trong đời. Nhưng đến hôm phải trở về, hết được chơi, thằng bé út ít ra cũng nhìn ra được cái hay của biến cố.
Nó từ chối lên xe, nói: “Mình không về Pháp đi học được. Ở phi trường, người ta đã đốt hết máy bay.”
*
Tiệm phở ở Baden-Baden
Trời mưa, L ngồi trong tiệm phở. Tiệm phở gần trạm tàu ngầm Belleville, nơi mà cứ mỗi 15 phút máy phát âm ân cần cảnh giác "Hãy cẩn thận, đây có nhiều móc túi". Belleville là một chỗ hiếm hoi ở Paris vẫn còn bình dân, hợp chủng Arập, Do Thái, Bắc Phi, Trung Hoa, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Móc túi ở đây là móc túi cũng bình dân, móc những người rách quai vai bị, không phải là móc túi du khách đeo máy chụp hình. L nhìn ra ngoài, mặt không trang điểm, tóc cột dây thun, L quay lưng lại phía tôi, mặt nàng gầy xanh tái. L nói gì tôi không nghe hết, bắt được một vài lời với hai chữ "mất ngủ". L như người (chết) trôi qua đêm chập chờn. Bây giờ là tháng Hai.
Tháng Hai ở vùng ôn đới, mùa đông còn nhập nhoè và mưa xám xịt trời với đất lù mù, khi lạnh khi không. L thì không thích đi xa, nàng sợ phi cơ, ngán những vùng ngoại vi hai tiếng trên phản lực mà vào mùa này hai ba tiếng tàu cũng chẳng đến đâu, loanh quanh Địa Trung Hải vào dạo vẫn còn nhợt nhạt, Địa Trung Hải bờ Bắc hay Nam cũng phải đợi tháng Sáu hay tháng Bảy. May ra thì đến được Canaries quần đảo phất phơ ngoài thềm lục địa của châu Phi. Canaries quanh năm 18-20 độ nhưng biển giờ thì lạnh, bãi biển lủng củng những khách sạn bê-tông 300 buồng nhiều công tư chức phục viên. Không có được nửa đĩ cao cấp, nửa phong trần như Ibiza thuộc nhóm đảo Baléares. Nhưng Baléares vào tháng Hai thì còn run rẩy, vắng tanh chẳng có gì và cũng chẳng có bụi đời. Thì cũng hay, nằm trong đường kính hai giờ bay, nhưng mà L thích tắm. Ở Canaries, tháng Hai, thì may ra tắm được hồ bơi.
Tôi toan tính tặng L quyển Lanzarote của Houellebecq. Quyển này mới ra, vừa có văn chàng viết và ảnh tôi không rõ do ai chụp. Lanzarote thuộc dạng sách đẹp, tựa là tên một đảo thuộc Canaries. Năm ngoái năm kia Houellebecq bán sách rất chạy, 360.000 bản tổng cộng, Lanzarote vừa phát hành tôi ra nhà sách tìm không thấy. Chẳng phải tôi ưa gì Houellebecq nhưng văn ông hiện nay đang thuộc loại điểm trang cho người đọc, mua để tặng cũng xinh xắn thời thượng và đề sách lại về một hòn đảo cách có hơn hai giờ phi cơ. Tôi tìm không thấy, thành ra không mua và không tặng nhưng mà cũng ráng kể công khoe lại với L. L bảo: "Canaries chẳng có gì, Houellebecq L cũng không có quý và anh cứ ưa tặng quà rầy rà".
Mặt L tái mét, mắt L quầng một vẻ thảm hại. L cần đổi gió, L cần đi nghỉ. Hai, ba ngày, theo cái gọi là khái niệm "cuối tuần" (nguyên văn Anh ngữ là week end). Ở gần đây, vào giữa mùa đông châu Âu để tắm nước ấm. L cần đi. Và tôi thì lại cần đi với L thích nhỉ.
Tôi gạt đi trong đầu Lanzarote, Canaries, thuộc Tây Ban Nha, Ibiza, Baléares, cũng thuộc Tây Ban Nha, cùng tất cả các đảo Địa Trung Hải, Ý, Malta, Hy Lạp. Tôi gạt đi trong đầu Varna đầy thơ mộng mãi thập niên 50 bên bờ Hắc Hải hiện cũng đang lập cập. Ờ, Hồng Hải ba bốn tiếng may ra.
Gần đây, đến được bằng đường tàu, bằng đường xe con, tôi bới móc và trong ký ức chợt thập thò ra cái địa điểm của cuối tuần lý tưởng.
Baden-Baden không phải là một núi đôi gần Tây Ninh hay là một địa danh được xướng bởi một người nói lắp. Có Baden am Wien là một thành phố suối thiên nhiên gần Wien nước Áo, có Marienbad (tên Tiệp hiện nay là Marianna gì đó tôi quên khuấy [3] ) nơi hai nhân vật nam nữ của bộ phim do Alain Resnais đạo diễn từng tưởng tượng là đã có gặp nhau. Bad trong từ Đức là tắm, tựa như là từ (và cũng thành phố tắm suối thiên nhiên) Anh, Bath. Ở đâu có Bad là có suối và Baden-Baden là thành phố suối nước ở bang Bade-Wurtemberg nước Đức. Một thành phố suối ở Âu châu, suối thiên nhiên, không phải là một nơi thiên nhiên trẻ con bì bõm như kiểu suối Lồ ô. Mà dính rất liền vào cuối thế kỷ thứ 19 - đầu thế kỷ 20 là thời cực thịnh của loại nghỉ mát này : các vương Nga và các công tử Ý đua nhau dìu các bà hầu tước cầm ô che nắng váy thướt tha quẹt vỉa hè trên những lộ mát tàn cây. Ở Bỉ, ở Pháp, ở Ý, ở Trung Âu, đều có những thành phố này với đủ loại ngọn suối trị bách bệnh (thế kỷ trước, người Âu nghĩ bệnh gì tắm đúng nước thì cũng hết) nhưng xuất xứ của phong trào này lấy gốc từ 2.000 năm trước dưới Bắc Đế triều La Mã. Đi xem Giác đấu, sư tử ăn thịt người Kitô giáo, vào nhà tắm suối công cộng rồi về nằm dài ra mà uống rượu nho là một ngày vui trọn vẹn vào dạo đó (tức là dạo anh hùng phải đeo gươm mặc váy mini bằng da, lông chân rậm rạp, như thấy trong phim Gladiator).
Tại tắm ở đây, tuy là tắm suối, nhưng phải vào nhà. Nhà tắm công cộng có bụng phệ trần trục (không làm bánh bao mà) làm mát-xa. Ý niệm thiếu nữ mát-xa lúc đó chưa thành hình, một ý niệm giản đơn như vậy mà cũng phải cần 20 thế kỷ trải qua ba thời kỳ, Trung cổ, Phục hưng và Ánh sáng tại châu Âu rồi mới ra đời được tại... Thái Lan sau này.
Tắm ở đây là tắm hơi tắm vắt, tắm bồn tắm bể bơi mà công trình đáng kể nhất (theo tôi) là cái bể bơi Art Nouveau của khách sạn Gellert ở Budapest, cái đầu tiên có cả ô kính ở từng hầm để khách nhìn người ta lặn lội. Baden-Baden khởi thuỷ (tôi xin nhấn mạnh chữ "khởi thuỷ" này, mấy khi) từ dưới triều La Mã nào đó vài trăm năm lẻ sau công nguyên, khi bờ cõi của Đế quốc tạm yên những rợ Hung rợ Đức để người ta ra được cái quyền đi tắm cuối tuần. Caracalla (tên La Mã) được thành lập nhưng liền sau đó châu Âu rơi vào cái mịt mùng hỗn loạn mười thế kỷ của những bộ lạc tóc vàng râu quăn. Phải đợi đến thế kỷ 19 như đã nói để sống lại huy hoàng với một phong trào là phong trào sòng bạc.
Khác với số đề, số cào và con Loto, casino là một thú tiêu khiển thanh tao. Ở các thành phố suối này, vương công đến mang theo văn nghệ sĩ, tục đồn Dostoievski viết Kẻ chơi bạc ở tại Baden-Baden và toan tự sát tại đây (sau khi thua bạc chứ không phải sau khi viết xong truyện). Tiếc, Goethe 70 tuổi lại đi mê một cô phục vụ 17 tuổi ở Marienbad nhưng Tolstoi thì ở Baden-Baden có mặt. Mark Twain, tác giả của câu "Mùa đông lạnh nhất mà tôi từng trải qua là một mùa hè ở San Francisco" cũng đến Baden-Baden tuyên bố: "Tôi đã để lại chứng đau khớp xương của tôi ở Baden-Baden". Các nhạc sĩ thì tôi ít rõ ràng hơn nhưng ôi thôi vô kể, Gustav Mahler, có ông đặt cả tên lộ Lichtentaller Allee của địa phương cho một bản hoà tấu. Nói tới các nhân vật, sau Đệ nhị Thế chiến khu vực này do Pháp trấn đóng và Baden-Baden đặt một Bộ Tư Lịnh. Năm 68, vài ngày sau khi sinh viên Paris xuống đường ồn ào, Tổng thống Pháp là De Gaulle khó ngủ phải lấy trực thăng bay sang Baden-Baden gọi tướng Massu mang quân về để bảo vệ... yên tĩnh. Khiến lúc cuối trào ông bị cười là không sợ 45 sư đoàn Quốc xã mà lại sợ ba thằng sinh viên trẻ con.
Tôi không có trực thăng, lần đầu tiên đến Baden-Baden bằng xe con. Cách Paris 600 km về phía Tây, năm giờ đường cao tốc và cách biên giới 100 kilômét non hay già, sau thị trấn Strasbourg [4] ở Pháp, ở giữa lòng của khu vực gọi là Rừng Đen, nơi chuyên sản xuất thủ công loại đồng hồ hát hò ríu rít, điểm giờ bằng con chim thụt cổ ra ngoài líu lo.
Cây cầu biên giới trên sông Rhin coi hết sức tiêu điều từ khi áp dụng hiệp ước Schengen (thông thương giữa các nước CEE). Vợ tôi cầm lái, tôi chỉ đường, hướng Karlsruhe rồi hướng Basel, giải thích cho hai con lên năm lên bảy ngồi đằng sau đây là biên giới, còn tới đây là nước Đức, một cây cầu không còn người gác. Cũng con sông này ngày trước trên một cây cầu khác, vì không có visa vào Đức tôi từng được cảnh sát biên phòng Đức mời trở về Pháp. Lững thững đi ngược lại, tôi gặp giữa cầu một công dân Ai Cập, không có visa vào Pháp mà visa vào Đức cũng không, từ đâu lọt vào giữa cầu! Tiến thối lưỡng nan chẳng bên nào nhận, nhưng anh cũng được hóng gió và nhìn dòng sông chảy xiết nên thơ. Lần này chúng tôi qua lọt. Vào đêm, xa lộ A15 không đèn rập rình băng ngang rừng. Trên băng ghế sau cùng, cháu gái tôi 16 tuổi vừa ở Mỹ sang kênh múi giờ nằm ngủ vùi.
Thành phố rất nhỏ, ít đèn, casino lập loè hiu hắt, các cột đèn giữ nguyên kiểu cổ lờ mờ như bên trong một quán ăn đèn cầy (chớ không phải bên trong một quán café đèn mờ) nghĩa là thanh lịch mà không hào nhoáng, từng khoảng tối dài những tàn cây. Theo lời chỉ dẫn phải trái của tôi, vợ tôi lạc hai ba bận trong cái trấn cỏn con này. Lichtentaller Allee, con đường được đặt cho một bản hoà tấu, là địa chỉ của khách sạn mang một cái tên rất ngoại ô Vũng Tàu, khách sạn Hoàng tử nhỏ, dĩ nhiên là theo tác phẩm của nhà văn phi cơ St-Exupéry.
Baden-Baden ôi dào khách sạn, đi đến đâu cũng đạp vào vết của ông Lép ông Đốt, dấu gót chân hồng của quận chúa với minh tinh. Nhưng các con tôi, cái quần lót của Madonna hay là yếm đào của một bà quận chúa nào cũng đâu có cần biết, nhưng mà Hoàng tử nhỏ thì có biết. Khách sạn này là một kiến trúc cổ xưa vào tầm nhỏ, thuộc vào hệ "Các khách sạn lãng mạn trên Thế giới" (theo tôi thì khách sạn nào trưng cái quần lót nói trên của Madonna mới nên xếp hàng lãng mạn, nhưng trong cái gia đình này, không ai nghe theo ý tôi). Vài mươi phòng và suite (một hộ khách sạn gồm nhiều buồng), cái nào cũng trang trí khác nhau tuy là đều theo tinh thần của quyển sách ("Hãy vẽ cho tôi một cái suite"). Gia đình tôi năm người chui vào một suite có tên rườm rà gì đó (đây là một cách làm sang mà chẳng tốn gì cho chủ Hotel, thay vì gọi đó là suite 10 hay suite 11 thì chẳng hạn, "Gió Sau Hè" hay đại để, "Đêm Chờ Sáng", cũng được, mà suite Arthur Miller hay Marilyn Monroe (tuy chẳng ăn nhập gì đến khách sạn hay là thành phố này) thì lại... càng oai. Một phòng ngủ, một phòng khách có giường salon đã bày sẵn cho hai đứa bé, cô cháu gái được một góc xép cái giường có lọng xinh xắn như là trong sách búp bê.
Tôi là người có tính mạo hiểm vặt, nghĩa là không mất gì thì cũng hăm hở phiêu lưu. Ngày hôm sau, ăn sáng xong xuôi tôi lại quầy lễ tân hỏi chuyển sang một cái suite khác. Sự phiêu lưu của tôi là như vậy, sẵn sàng chấp nhận một cái suite bất ngờ. Vợ chồng người chủ khách sạn này đã từng quản lý khách sạn Waldorf-Astoria và Hilton ở New York nên nhân viên của họ sáu câu vọng cổ rất mùi. Ông lễ tân sốt sắng, hỏi ngay có vấn đề gì để ông ta giải quyết. Tôi đâm ra thẹn và ấp úng, bèn đổ ngay là suite nhỏ, cho xin suite lớn. Chẳng may, hôm đó các suite đều có khách. Ông ta đề nghị thêm một phòng riêng cho cô cháu nhưng lại ở lầu khác, vợ tôi bảo thôi mất công. Ông vuốt ve ngay "Đúng rồi, con bé mới lên 13, 12, ở phòng riêng không tiện". May mà lúc đó cô cháu 16 không nghe thấy chứ ở tuổi đó, bị "mất" đi ba, bốn tuổi chẳng khác gì thiếu phụ 40 mà lại được đoán mò là 50. Không có cách gì, ông ta đành tươi cười mà xin lỗi.
Tôi lên phòng, chưa kịp thay đồ thì có tiếng gõ cửa. Người phục vụ đẩy xe vào có chai Champagne trong xô bạc và hai cái ly. Danh thiếp của quản lý đề là tặng, vì hoàn cảnh nên không thể chìu được, uống cho nguôi giận. Tôi nhìn, thấy là Champagne thật chính gốc, nếu mình gọi lên phòng cũng phải trả bảy, tám chục đô. Tôi định nói, thôi không uống, đưa tiền đây, hay là cho đổi lấy một két bia, nhưng đành khui ra đêm đó. Vậy là hai vợ chồng cụng ly chúc Mark Twain bớt đau lưng.
Bởi vì, một lý do giản dị, đến Baden, dù không đau khớp xương thì cũng phải đi tắm. Khệnh khạng các Khách sạn, Brenner Park Spa Hotel..., thì có nhà tắm (công cộng) dành riêng cho khách sạn. Nơi đây, vài mươi chục năm sau, có thể vào phòng Marlene Dietrich đã từng thay áo hay ngồi trong cái bể nước suối ấm nơi Erich Von Stroheim đã từng làm rơi mất cái kính một tròng. Đây là tôi nói liều, chẳng hiểu hai nhân vật điện ảnh trên đã đến đây nghỉ mát. Nhưng đạo diễn Pabst, đạo diễn Murnau, minh tinh Greta Garbo, anh em nhà văn Mann, hai ông Thomas và Heinrich (một ông từng "Chết ở Venice" và một ông lại chết ở Santa Monica), thì chắc chắn. Tiếp tục mà đoán, thí dụ, ca sĩ Mick Jagger ngoài 50 mà vẫn còn nhảy tưng trên sàn diễn được, biết đâu nhờ đến đây trị bệnh phong thấp? Những khách sạn này tôi không có vào nên không được xem bảng phong thần tên các nhân vật tiếng tăm đã từng đặt đít trong phòng tắm (Tina Turner?) Nhưng ngoài nhà tắm của các khách sạn còn có hai nhà tắm công cộng to lớn cho thành phố, cũng chẳng kém phần lịch sự, nếu có kém phần riêng tư.
Kaiserbad là một nhà tắm cổ, kiến trúc thùng thình những cột kiểu La Mã với lối vào thênh thang, hai cầu thang uốn éo ở hai bên. Một trang trí mà theo tôi là Ba rốc-Gô tích nhưng “tối thiểu chủ nghĩa” (minimalist), tức là tí ti Ba rốc và tí ti Gô tích. Một cầu thang bên Nam, một cầu thang bên Nữ, con nít dưới 10 tuổi hay 12 không được vào. Vậy là gia đình tôi phải có một người giữ trẻ, vợ tôi tình nguyện vì không ưa tắm hơi nhễ nhại mồ hôi, con cháu gái cũng hững hờ vì không nghe nói có nhạc sĩ Rap nào đã từng ghé, tôi bèn vào một mình.
Việc tắm ở đây rất là lôi thôi, chương trình dài ba tiếng chia làm 20 giai đoạn có chỉ dẫn chi tiết và thứ tự. Sau khi cất giữ quần áo và phát khăn lông, dép, cứ việc theo các mũi tên mà tuần tự, trước hết là tắm cho sạch ở vòi sen kỳ cọ. Cái này thì ai cũng có trải qua tôi khỏi tả còn cái tắm cho “đã” thì rất nhiêu khê. Sau năm phút vòi sen nhỏ và lạnh thì năm phút vòi sen lớn, rồi vòi sen ấm, rồi nóng v.v... rồi 15 phút sấy khô (phòng độ ẩm cao) dần dà sang phòng độ ẩm thấp rồi vòi xịt nước mạnh như cứu hoả (đám cháy bé, rồi đám cháy lớn) rồi vòi rồng, vòi phượng, rồi tắm hơi ngột ngạt, rồi trầm mình trong bể nhỏ sụt sùi, rồi ngồi trong phòng sấy suy tư, ai muốn đấm bóp thì ghé lại chặng đó, sau khi phải vượt qua phòng có nhân viên cầm lá cây dương liễu gì đó quất vào người. Hai chặng này tôi bỏ qua, nhất là chặng quất, lỡ chàng nhân viên lơ đễnh cầm phải roi cá đuối. Lên cao xuống thấp, mức ẩm mức khô, vòi mạnh vòi nhẹ tôi ra tới khu vực hồ bơi.
Ở đây có bể to để sãi tay lội, bể bé để duỗi cẳng ngồi lục xục vòi hơi (ngầm đặt vòng quanh bể). Đây là khu vực lẫn lộn nam và nữ không phân biệt, các cặp chia tay ở chân các cầu thang gặp lại nhau ở đây và đường dài 20 giai đoạn vừa qua coi như là nhịp cầu Ô Thước. Nơi ở truồng công cộng, sau 30 giây bỡ ngỡ thì chẳng ai còn nhìn ai nữa, già trẻ, lớn bé, mập gầy, dài ngắn, ít nhiều. Tất nhiên lạ thì cũng có bình phẩm (trong đầu) đẹp thì cũng có liếc nhưng cũng chẳng khác gì ở trên phố, thấy áo quần, tướng diện hay là phương tiện di chuyển khác người. Đám đông thì không rõ mặt, đám đang khoả thân thì cũng không rõ... gì hơn là mấy.
Nhà tắm thứ hai của Baden, Caracalla, tuy mang tên La Mã nhưng lại rất hiện đại, kiểu cửa kính khung nhôm rộng rãi với hồ bơi nửa ngoài trời nửa dưới mái. Đây nhận trẻ em nên ngày sau cả gia đình tôi buông thả dưới nắng của Rừng Đen, đầu Hạ. Caracalla chia làm hai khu vực, Khu tĩnh, tắm bơi tắm khô và phơi nắng khoả thân; Khu ồn ào, quần áo tắm bể bơi có sóng ngầm làm lực đẩy chơi đùa. Không có chương trình nhất định, ai muốn nằm trong phòng hơi ẩm gật gù thì cứ việc, sang sauna đọc sách thì tự nhiên. Có bớt được bệnh phong thấp hay phong tình ("cổ lục còn truyền sử xanh") thì tôi không biết, nhưng rất là thư giãn.
Cô cháu dậy thì, lại ở bên Mỹ nên không dám trầm mình xuống thứ Tiền Đường khoả thân này mà "hẹn hò về sau". Người Mỹ ít tự nhiên hơn là người Âu, nhất là người Bắc Âu. Có thời bên Mỹ quảng cáo nịt vú ở trên báo không thấy phụ nữ mô-đen mà chỉ thấy cái sú-chiêng không (như là "buồng không" nghĩa là "lạnh ngắt như tờ"). Cô cháu ("Mỹ") giấu mình vào một chỗ ở bên kia biên giới, vùng vải vóc Iycra (quần áo tắm) tò mò theo dõi. Biên giới này ở Caracalla là trên lầu, dưới nhà. Lúc xuống tôi hỏi "Sao không lên?", vợ tôi bảo "Anh kệ nó", cháu trả lời "Khỏi cần, ngồi dưới cũng thấy. Chỗ hiên phơi nắng có sàn kính nhô ra, lúc nãy dượng ngồi bên cạnh một bà, cháu ở ngay dưới nhìn lên, thấy đít bành ra to bằng cái mẹt". Tôi giật mình đâm tiếc, ngụ ngôn của câu chuyện là "Nằm bên thì không thấy, ngồi dưới lại hay".
Tôi ngồi trước mặt L, mưa thì vẫn lất phất ngoài tiệm phở chứ sao, giờ là tháng Hai, giờ là Belleville, bên ngoài vẫn ồn ào. L vẫn xanh xao vầng má và tôi trong lòng vẫn rộn ràng những biển miền Nam. Nam đây là Nam bán cầu, những mười mấy tiếng phi cơ để thấy rặng dừa lơi lả trên những bờ san hô sóng vỗ. Thôi thì Baden cũng được vậy. Tôi chợt nghĩ đến là phải trình với vợ "Anh đi cuối tuần ở Baden với L" thấy cũng ngại vì lại phải giải thích "để làm gì"...
Để L ngồi trên lầu Caracalla và tôi ở nhà dưới nhìn lên qua sàn kiếng.
Tôi bảo: "Phải có vợ con anh ở đây, tụi mình đi Baden một đám đông vui". Cách Baden năm, bảy cây có một hàng ăn trong lâu đài Trung cổ thế kỷ thứ 12 có món cá chiên để thưởng thức mà tưởng mình hiệp sĩ. Hiệp sĩ Trung cổ nai nịt giáp sắt nặng 30-40 cân nhưng khi đi tắm, chắc chắn là cũng khoả thân thôi.
L ậm ừ, L thích ăn cơm vịt quay hay bò bún và ở Baden-Baden, không có tiệm phở.
*
Trăng Rangali tròn hơn trăng Ari
Tàu vẫn còn lúc lắc khi hai cô tiếp viên tóc vàng vú bự đi xuống dọc hành lang nhoẻn nụ cười mệt mỏi. Anh thuỷ thủ viễn dương người Philipinnes cách tôi một hàng ghế choàng bật dậy đẩy nắp ô kính lên. Chặng nghỉ này chỉ có 30 phút trên tuyến bay Emirates, Abu Dhabi - Singapore, vài hành khách rời tàu lục đục đứng dậy, phần đông co mình rải rác vẫn ngủ vùi. Tôi nghiêng người, nhìn xéo ngang về phía ô kính vừa mới lọt vào một ánh sáng vẫn mù mờ. Tôi nhìn ô kính, không nhìn tiếp viên, tôi không phải là chủ sự phòng nhân viên của một hãng hàng không Ả Rập.
"Mây ở đầu ô mây lang thang
Ôi chật làm sao góc phố phường"
(Quang Dũng)
Anh thuỷ thủ Philipinnes dán mình vào khung cửa. Sắp về đến nhà để nghỉ phép sau một năm trôi nổi các đại dương. Singapore còn năm sáu tiếng, đổi tàu, rồi Manila, rồi Palawan nội địa mới đến được vợ được con. Anh chắn tôi tầm nhìn, ở đây lại là một hòn đảo. Tôi liếc ra thấp thoáng. Năm giờ sáng, chỉ một màu xanh.
Maldives quần đảo nằm ở Ấn Độ Dương, phía Đông Nam Sri-Lanka, ngay bên dưới đường xích đạo, vừa đủ tiêu chuẩn để thuộc vào những biển Nam bán cầu. Nam bán cầu trống vắng và yếu kém, theo cái nhìn ném xuống thì cái gì cũng ngược. Mùa Đông ở London thì là mùa Hạ ở Sydney, Xuân New York thì là Thu Buenos Aires.
Có bận, đang xếp hàng ở trường bay Tân Sơn Nhất đăng ký, tôi được một Việt kiều có người dịch vụ hướng dẫn cầm túi hộ dắt vượt qua mặt để làm thủ tục trước tại quầy một cách rất tươi cười và tự nhiên. Đến lượt tôi xong xuôi, tôi vội đuổi theo bà, "Xin lỗi chị" (lúc này tôi thấy thông hành nước ngoài của bà), chị là người bên Úc về?" rất ân cần. "Ủa, sao anh biết?" bà ta niềm nở nghĩ là tôi định hấp háy cầu thân. "Tôi đoán ngay, tại thấy chị đến sau mọi người mà vào trước, xếp hàng đuôi mà lại được phục vụ đầu, thì chỉ có ở Nam bán cầu, làm cái gì cũng ngược!" Nam bán cầu, tôi chỉ mới đến những đảo, những vết hoen lơ lửng giữa những biển nhiều màu. Ở Maldives, đó là lần đầu 30 phút, trên một trường bay lớn hơn cái hàng không mẫu hạm có chút xíu.
Tôi hụt đi Maldives mấy bận, mang cái khắc khoải đó trong người vài ba năm. Có lần thì tụi con nít đòi đi trượt tuyết vì hẹn với bạn chúng nó rồi, những hai lần vì ghi danh giờ cuối, không còn chỗ khách sạn, tới đúng ngày đi lại hết chỗ tàu bay.
Phải nói, Maldives là một quốc gia tí hon, 150.000 dân số, buồng cho khách du lịch cũng không nhiều mà những năm gần đây lại trở thành nơi nghỉ mát thời thượng ("chiều hướng [5] " như từ Pháp hiện nay thông dụng). Ngành du lịch chạy đua phát triển nhưng nhất định là không có dễ. Mỗi đảo hoang mở một khách sạn phải lấp đất làm đường, đào giếng, máy phát điện nhập vào bằng tàu biển lắc lư (chữ mượn ca từ bài Hoa biển: "vượt bao hải lý - nghe chưa vừa ý - lắc lư con tàu đi"). Có đảo năm sao mấy chục chòi riêng biệt, có đảo ba sao một trăm hai trăm buồng san sát, môđen là nhà sàn từng dãy dựng ngay trên mặt hồ san hô. Khách phần đông từ Âu châu và Nhật Bản, lựa những đảo tuỳ theo quốc tịch. Riêng tôi dành dụm, lật catalog chần chừ những hộ 70 mét vuông, có buồng ăn riêng biệt và phòng tắm lộ thiên, đến khi cắn răng nhắm mắt làm liều thì may quá đã hết không còn chỗ, thế mới biết chẳng thiếu người lắm tiền.
Ari Beach là một đảo trung lưu tầm tầm, ờ thì tiết kiệm. Đến lúc tôi hối hả đăng ký thì đã hết nhà sàn sang trọng, chỉ còn những buồng lớn ngăn đôi, nhưng cũng có hiên và phòng tắm ở ngoài trời (nghĩa là phòng tắm riêng không có mái nhưng có bốn tường bao quanh). Vợ tôi thì có nước nóng nước lạnh là được, miễn sao đi nghỉ mát đừng phải ra giặt quần áo cầu ao. Các con tôi thì xem ảnh quảng cáo, đứa chỉ đảo này thích, đứa trỏ đảo kia ưa, chẳng có gì lô-gích duy vật hay biện chứng lịch sử. Thằng em chỉ có yêu cầu "mô-tô trên biển" (jet ski). Tôi hứa láo gật đầu. Mỗi lần đi nghỉ mát thế này, thật thì chỉ còn thiếu có ý kiến vợ bé.
Tân vương vừa nối ngôi Maroc, Mohamed VI, giờ đi đâu ra ngoài nước cũng có một máy bay thêm để mang riêng chiếc giường ông quen ngủ mình rồng (toạ long lưng). Lúc còn đông cung thái tử, máy bay thứ nhì này chỉ để mang cái ghế bố [6] . Các con tôi thì đi đâu cũng chỉ cần mang theo cái Game Boy trò chơi điện tử cầm tay như con sãi chùa thì đi đâu cũng chỉ cầm theo chổi, lên máy bay, hạng nhất nhì ba gì cũng vậy (bề cao dưới 1m đi máy bay hạng nhì trở lên là phí chỗ khua chân) uống 7-úp ăn xúc xích hotdog là đủ. May thay cho tụi nó, chuyến bay này là chuyến thuê bao đặc biệt Paris-Malé một mạch, vừa đông vừa chật không thừa một ghế. Tám chín tiếng tôi không buồn rõ, nhưng mà đỡ phải đợi phải đổi tàu ở vùng Vịnh hay là ở Colombo.
Sân bay thân thương Malé lần tôi trở lại với gia đình vẫn còn đó. Theo hô hoán là trái đất ngày càng ấm lại, vài mươi năm nữa các tảng băng ở hai đầu trái đất tan ra sẽ tiện lưu thông cho thương thuyền như Titanic (đụng phải tảng băng mềm đỡ mệt hơn nhiều). Nhưng ngược lại, lượng nước gia tăng, mực nước lên chỉ một hay hai thước, Vũng Tàu hay Nha Trang chẳng hề hấn gì (bất quá người bán ghẹ và trẻ em bán đậu phộng lùi vào mấy bước) chứ cả quần đảo này có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Dãy Maldives một trăm già ốc đảo, không có núi, chỉ là những rặng san hô lè tè ngang tầm biển.
Chiếc sân bay chiếm trọn hòn đảo, nghe đâu ngày xưa là một căn cứ quân lực Hoàng gia Anh. Mưa lơ thơ vào buổi sáng, khách gồm hai loại phân biệt ngay tức khắc, loại mới đến, cởi áo lạnh cầm tay mặt mày nhợt nhạt nhưng hớn hở, loại lên đường về, còn áo thun tay trần và gương mặt rạm nắng nhưng nghệt ra vì hết phép vì nghĩ tới giao thông tắc nghẽn và tàu điện ngầm chen chúc của ngày mai. Du khách đi hong nắng ở đây đổi gác nhanh hơn là các thế hệ nhà văn (nhà thơ thì miễn bàn) luân phiên chu kỳ chỉ có một tuần lễ, ai may mắn lắm thì nán lại được hai. Tôi nhìn sang bên kia, cách một quãng biển, là thủ phủ Malé.
Kinh đô phồn hoa của quần đảo ngụ được vài ngàn hay vài mươi gì đó, một cái phố huyện lớn lóng lánh nóc tháp Hồi vừa được Arập Saudi tặng quỹ trùng tu. Đảo này gồm một con lộ chính, kích thước của cả đảo kiểu là chừng 3 km trên 2. Kỷ lục thế giới của Maldives là số taxi tập trung trên diện tích tí hon này, chừng 1 hay 200 chiếc, dĩ nhiên là không có đồng hồ vì nếu anh tài vừa với người công tơ định bật thì xe đã đến đầu kia của đảo. Có lẽ vì thế, phi trường mới đặt trên đảo cạnh, sợ phi cơ đáp xuống cùng một nơi thì khó tránh được taxi. Đất hiếm như vậy, thành thử ra cái nhà không to mấy là Dinh Chủ tịch nước, người ta vẫn giành giật suýt nữa thì đổ máu.
Khoảng mười năm trước, một ông Tổng thống lưu vong sang Singapore thuê vài chục tay tứ chiếng Tamoul (ở Sri Lanka kế cận) về đảo chánh. Quân đội Maldives tổng cộng tất cả gồm mấy mươi mạng tử thủ trong Dinh thề bắn đến viên đạn cuối cùng. Nhưng thời bình, mỗi tay súng chỉ được phát có 1 (một) viên đạn để thị uy. Họ bèn thay phiên nhau nổ... cầm chừng. Trong lúc biến, vị Tổng tư lệnh anh hùng không có mặt tại chỗ, đang ở nhà vội cởi mũ mão, cải trang làm thường dân chạy đến ném xâu chìa khoá vào trong nhắn nhủ "Đạn cất trong cái tủ sau bàn giấy của tao dưới chồng tạp chí Playboy" (Maldives là một quốc gia Hồi giáo rất nghiêm khắc, chỉ có hàng tướng lãnh mới đươc xem và lưu trữ thứ tài liệu này). Vậy là có đạn, quân chính phủ phản công đẩy lui lính đánh thuê ra biển, không một người thiệt mạng. Về của cải, viện Bảo tàng Chính biến ngày nay còn triển lãm một cái xe máy Nhật bị trúng 1 (một) lỗ đạn không rõ do thành tích của phe nào. Chồng tạp chí kia thì kể như thất thoát, chẳng ai tìm thấy lại nên không được trưng bày.
Sau đó, để tránh những chuyện tương tự, nghĩa là ba anh rỗi sự ngồi café rủ thêm năm anh đầu gấu xâm mình thử lật chính phủ chơi, quần đảo ký hiệp ước quân sự với Ấn Độ để bảo vệ an ninh. Ấn Độ là quốc gia, tôi xin lỗi, dân số vừa vượt mức một tỉ người. Viện bảo tàng này tôi không có đi thăm, chuyện vừa kể trên chỉ thật có 99%, duy chi tiết về tạp chí cởi truồng là do tôi hư cấu. Tôi đến thủ phủ Maldives làm gì, chẳng lẽ là để đi taxi, mà đại đa số khách cũng thế, từ phi truờng họ đi thẳng đến các đảo khách sạn.
Đường kính của quần đảo có lẽ cũng vài trăm dặm, đầu này đều đầu kia vài tiếng thuỷ phi cơ (loại cất và đáp trên mặt biển). Maldives mặc cảm nên nằm trên hai múi giờ (trái với Trung Quốc là một nước lớn hơn một tí nhưng lại chỉ có một múi giờ, cả nước chỉnh theo cây kim Nam Trung Hải). Ari cách Malé dưới một giờ bay, vài ba giờ tàu biển nhưng lại cách một kênh giờ. Đến ngoài đảo, tàu cao tốc không đủ mực nước để vào, phải bập bềnh ngoài ghềnh san hô để chuyển sang ghe khách sạn, coi vậy chứ địa đàng có nguy cơ bị biến mất đến được cũng rất nhiêu khê.
Ari Beach, dài 1 km và có nơi rộng 200m bề ngang, có nơi hẹp chỉ 50 mét, chỉ có bãi cát trắng bọc quanh và bên ngoài là một đai san hô vài kilômét rộng. Trên đảo chỉ có dừa làm thảo mộc chuẩn, những cây hoa đại chắc là khách sạn mang (từ chùa Quán Sứ) đến trồng từ khi thành lập. Một nhà họp làm Lobby và Bar giải trí, một phòng ăn, một quán tạp hoá đồ kỷ niệm, hội quán lặn và hai nhà hàng-quán nước trấn Bắc trấn Nam. Có buồng ping-pong, sân bóng chuyền nhưng không có sân bóng đá (tôi nghĩ là quần đảo chắc cũng có một sân bóng đá, sân vận động, chèo ghe đến đã mệt bở hơi nói gì đến đấu nữa, mà ra sân thì cũng chỉ dám sút và đưa banh nhè nhẹ chứ góc nào banh cũng lọt xuống biển được lại mất công lội). Tôi nói vậy vì ngoài kỷ lục nhiều taxi như đã nói, Maldives kỳ Mundial 1998 trong vòng loại Á châu đụng Iran đã đoạt kỷ lục thế giới thủng lưới nhà với tỉ số 0-17!). Làm gì cho hết ngày, ờ thì đi ghe, đi thuyền, đi ca-nô, đi mô-tô trên biển, đi bơi, đi lặn, đi câu, đi lướt ván, đi dù thăng thiên, (đeo dù vào dưới biển, cho ca-nô kéo bốc lên lơ lửng ngạo nghễ đời). Trong tuần có tối chơi nhạc sống nhảy đầm, có tối vũ tình tang dân tộc cho ngọt ngào bản sắc. Tôi đến đây không phải để làm những việc ấy. Tôi đến để sáng quay ghế dài uống cam vắt nhìn mặt trời mọc trên mặt biển, theo tôi nhớ thì là hướng Đông, ngồi một chỗ cả ngày, đến chiều chỉ việc quay ghế lại uống bia (ở đây là Tiger, nhập từ Singagore) và nhìn mặt trời lặn xuống biển (vậy chắc là hướng Tây). Giỏi lắm thì may ra đọc được vài trang sách. Trong khi nghe rềnh ràng chỉ dẫn, tôi lân la vào tủ sách của lobby. Đây phần lớn là sách của khách để lại cho bớt nặng, tôi tìm các loại ký, không có Redmond O'Hanlon thám hiểm Congo, không có Paul Theroux cỡi đường ray xuyên Âu-Á, không có Rizard Kapucszinski tường thuật Chiến tranh Bóng đá [7] Trung Mỹ La Tinh. Không có thơ (Salvatore Quasimodo: "Giờ không còn người đưa tôi về phương Nam"), văn xuôi chỉ có những chuyện tình vớ vẩn. Hoá ra, câu hỏi thường thấy "Nếu lên một hoang đảo bạn mang theo những quyển sách nào" là một câu hỏi chỉ để đùa.
Tuy trên một diện tích khiêm nhường như vậy, khách sạn-đảo Ari cũng chỉ chứa tối đa là 300 khách nghỉ. Nếu tính là 3.000 mét bờ biển thì mọi người cùng rủ nhau ra tắm một lượt cũng bình quân được đến 10 mét cát chiều ngang cho mỗi đầu người. Tôi đến đây vào dịp lễ Phục sinh, nghĩa là mùa đông khách chứ không phải là vào mùa vắng khách, nhưng suốt tuần không thấy được một người nào trên bãi cạnh tầm nhìn, chỉ là những thân người bằng que diêm thấp thoáng ở đằng xa. 100 mét bên phải và 100 mét bên tay trái, kể như là bãi của ta mặc sức tung hoành. Nhưng ở đây đạo Hồi nghiêm ngặt, phụ nữ nào mà tắm nắng hở vú nơi công cộng sẽ bị phạt ngay USD 1.000 và tức khắc trục xuất lên tàu về nước nghĩa là đưa thẳng ra sân bay không kịp vớ vội cái sú cheng. Về rượu (cũng thuộc hàng cấm kị của đạo Hồi) thì có phần co dãn, tại du khách nước ngoài đi nghỉ mát chẳng mấy ai chịu uống nước dừa suông. Các đảo Khách sạn thì không cấm bán, ở Malé và các đảo dân cư thì (trên nguyên tắc) là tuyệt tích độ cồn. Vậy là tôi cầm chai bia tắm biển, vú đàn bà thì tôi có được xem rồi nên phụ nữ thiên hạ có bị buộc phải bận áo tắm cũng chẳng sao, lại ở càng xa tôi trên bãi càng tốt, một gia đình tôi hùng cứ một phương hải tần, như đã nói, 100+100 = 200 mét chiều ngang trên bãi và chiều dài là hai hay ba cây số đến ghềnh san hô.
Hồ ở đây nước chỉ sâu ngập bụng và không có sóng, đi lững thững cúi người xuống xem có cá mẹ cá con lưng tưng lội kiểu trong bồn. Càng đến ghềnh san hô thì càng nhiều cá, loại xanh loại vàng nhởn nhơ. Cá này để xem chứ chẳng ai thèm bắt, ăn uống ở đây đã có Khách sạn bao thầu. Ăn gì thì ăn, uống gì thì uống, ngoại trừ vài ba thứ phụ trội lãng mạn như là tôm hùm với lại rượu vang (rượu vang thì ai cũng biết là lãng mạn rồi, nhưng tôm hùm tôi xin quả quyết là lãng mạn lắm). Lãng mạn thì phải ký bông tính sổ, trước khi rời đảo mới thanh toán, chẳng ai lội đi đâu được mà quỵt nhà hàng. Ari tôi thấy, chẳng lý tưởng gì trong nhóm đảo Maldives, mà Maldives cũng chẳng lý tưởng gì trong các đảo thơ mộng và thanh vắng của những biển miền Nam.
Nhưng thế, ở có một tuần, đi chơi du lịch, thôi thì cũng được.
Chẳng phải tôi khó tính, thật ra du lịch thì rất dễ. Chẳng cần đi đâu xa, cạnh nhà tôi ở California có một ngọn đồi vắng, có một con đường dẫn lên rất nhỏ, chẳng hiểu ở trên đó có gì. Tôi thắc mắc cũng vài ba năm, phải đợi một hôm có cô bạn từ nước ngoài sang thăm, một tối mới liều mạng mà lái xe lên. Con đường cụt, đến đỉnh là hết, chưa ai xây cất nhà cửa gì trên miếng đất. Từ đó đến nhà tôi có năm, ba phút mà đoạn đường này mất cả mấy năm, phải đợi có bạn mới chinh phục được. Tôi và cô bạn mở cửa xe, mỗi người một bên, hút điếu thuốc lá nhìn ánh đèn bên dưới, nhìn đường cao tốc 91 lập loè và ngẩng đầu lên nhìn sao (cũng thơ mộng lập loè không kém). Rồi đi về, cũng là một mong ước du lịch mãi mới được thành tựu, cần gì phải đến Ấn Độ Dương. Nhiều khi, muốn lạ, chỉ cần nhìn kỹ, muốn xa, chỉ cần ngửng đầu lên.
Ban ngày thì các con tôi đi mót sò mò cua còn tôi an dưỡng. Không e-mail không TV không điện thoại di động, trên đảo không có đến chiếc xe đạp, nhân viên tải hàng bằng xe cút-kít. Vợ con tôi có chứng chỉ lặn quốc tế Padi cẩn thận, tốt nghiệp độ sâu 10 m không cần hướng dẫn nữa mà cũng chẳng buồn lấy tàu ra xa đi lặn. Tôi không có chứng chỉ này, thường thì tôi ngồi trên bờ ngắm phụ nữ khi vợ con biến mất dưới lòng biển. Nhưng nói thì nói vậy, chứ vắng vợ vắng con tôi chỉ thích nếu không lâu hơn thời gian thở hết một cái bình dưỡng khí.
Ở Ari là những ngày khác, chẳng làm quen trò chuyện gì ai. Đến cái ra đầu kia của đảo cũng phải đợi ba bữa. Ngày trước, có một lần tôi rủ vợ lấy một ngày đi vòng quanh Bora-Bora (thuộc quần đảo Société, Nam Thái Bình Dương) hình như là 30 cây số. Đi bộ được ba cây, chúng tôi lại quay về. Đây, một vòng cũng chỉ có 3 km mà giờ tôi làm biếng, ở Maldives còn có những đảo chu vi và kích thước nhỏ hơn.
Sự cố của tuần lễ là thằng con lớn tôi đau mắt. Một bên hơi sưng tưởng là con gì cắn. Thường thì vợ tôi đi đâu cũng mang theo một va-li thuốc, lục tung ra lại không có thuốc nhỏ mắt. Thằng bé cũng chẳng than thở gì nhưng vợ tôi xót ruột, ra quầy lễ tân tìm hiểu. Ari không có bác sĩ, may ra thì có bác sĩ du khách đang cùng nghỉ mát nhưng việc này cũng chưa nghiêm trọng đến mức như vậy. Muốn thăm bệnh nhân, gần nhất là một giờ tàu, thuê ghe máy sang Rangali là đảo khách sạn thuộc hệ thống Hilton. Ở đó lớn hơn, có bác sĩ thường trực, đi về như vậy là cả một buổi ghe, tôi thì thấy muỗi cắn làm gì phải như chôn dầu sửa soạn vượt biên.
Tối thiểu là cũng phải tìm ra thuốc nhỏ khử trùng. Vậy là vợ tôi gặp ai cũng hỏi, người đồng hội đồng đảo đồng nghỉ mát, xin miếng thuốc trong cơn hoạn nạn. Vậy là hết lơ là xa cách, được một ngày ai cũng lại hỏi thăm thằng bé, người này kháo người kia về biến cố này. Con tôi trở thành nhân vật quan trọng, tôi cũng được quan trọng lây (đây là lần đầu nó đáp hiếu), đến đâu người ta cũng chỉ trỏ chào. Rồi cũng có một bà khách mang thuốc đến tận bàn ăn, lại là người Pháp.
Vợ chồng bà này trạc tuổi vợ chồng tôi, trao đổi vài câu, thì ra lại là học chung trường cấp ba với vợ tôi dạo trước, không biết nhau nhưng biết thầy biết bạn, giờ tình cũ trường xưa lại đoàn tụ dưới mái lá của một cái đảo không có đến thuốc nhỏ mắt ở cách đó 8.000 cây, và mặc dù cái trường này vợ tôi học có đúng một năm lớp 12. Tôi không tin vào số mạng, định mệnh (tôi chỉ tin vào hoàn cảnh) nhưng vợ tôi đi khắp nơi bao giờ cũng gặp bạn đồng song, có lần ở giữa vườn Tao Đàn Thành phố (vợ tôi là người nước ngoài) lại đâm phải vào một bà bạn học ở Trung Đông! Nhưng đây là chuyện khác, để dành cho vợ tôi viết trong tập ký "Chung một mái trường" sẽ xuất bản còn giờ thì con tôi được cứu sống, ở đây tôi đã chán và Ari chỉ có vậy.
Được một lúc, vợ tôi kể cho bạn là nếu muốn đi thăm bệnh phải khó nhọc làm sao, đại khái bốn tiếng ca-nô đi về là USD 200, tiền bác sĩ USD 75 và tiền thuốc nhỏ mắt USD 3 đồng rưỡi. Ai bảo đi ra đảo, mà lại đi đảo này.
Rangali thì có bác sĩ, bà bạn thốt lên:
"À, đảo nhà giàu!"
Ngắm trăng Ari hay trăng Rangali thì cũng vậy, nhưng một nơi nếu không có hoa Quỳnh nở thì cũng có thuốc nhỏ mắt nếu mà mắt méo.
*
Thiên thần một cũng như hai
Anh tài ngồi đợi sẵn ở tay lái quay đầu lại:
"Uả, tới những hai!"
Anh ta lật đật xuống xe chạy trở vào trong chắc là để đòi thêm phần hoa hồng thứ nhì mà bà chủ chưa trả cho anh. Trở ra, như chữa thẹn, anh ta nhìn tôi cười trầm trồ:
"Anh quả là người mạnh!"
Mạnh gì, trên băng sau taxi ở thành phố (những) thiên thần tôi ngồi giữa hai cô Thái.
Tôi biết con ngõ từ lúc nó còn mang hơi hướm Việt kiều (Mỹ) và nặng mùi Arập. Soi (Ngõ) số 3 ở lộ Sukhumvit đầu tiên được biết tên gọi là "Soi Nana" nhờ cái khách sạn chính ở ngay đầu độ 100 buồng gì đó, có hộp đêm tiệm ăn, café nhạc. "Soi Arập" là một danh xưng khác, người Arập hành hương Bangkok tụ về Nana Plaza ở trước mặt khách sạn tẩn mẩn bia ôm (ôm thì đạo Hồi không cấm, còn cho những bốn cô, bốn bà cùng một phòng nhưng mà có cấm bia). Dần dà, Soi Ả-rập di chuyển sang Soi số 4 bên kia đường băng qua coi chừng xe đụng và phát triển kinh khủng cạnh "Soi Phi châu" nhưng đó là chuyện sau này, tôi khoan nói đến. Lúc đó, Soi 3 vẫn còn tương đối chưa chen chúc, năm,bảy cái khách sạn loại bé nằm dài hai bên chen giữa các tiệm hớt tóc (có mát-xa, sấy gội) và những "vườn" bia.
Một nhà ngoại giao Việt của chế độ trước tại chức tại Thái sau 75 bèn nấn ná ở lại. Nghe đâu ông khoe ông là người đầu tiên (!) làm từ điển Việt-Thái nhưng rõ rệt thì ông có một cơ sở du lịch trong Soi này, một tiệm cơm và một cái con con khách sạn, khách sạn này nổi tiếng đầu những năm 90 và có tên gọi rất chướng khí là "Lam Sơn".
Tôi không phải là nói xấu Việt kiều Mỹ, những hàng này các đồng (tha) hương có đọc thì thứ lỗi nhưng những năm về trước, trong các trường bay Á châu, tôi bước đi đâu hùng dũng là có già trẻ lớn bé Việt kiều dắt díu đi theo tôi cho khỏi lạc lõng quê người sợ trễ tàu bay người ta bỏ lại. Quý vị biết đâu tôi hùng dũng là vì tôi không sợ lạc chứ không phải vì tôi không lạc mà lạc thì lạc một mình tôi không sợ chứ tôi rất sợ lạc mà bồng bế theo lúc nhúc bà con tị nạn xứ người. Vì thế nên về sau thấy người Việt là tôi phớt lờ, lại níu kéo tôi thì tôi trả lời (ra vẻ) tiếng Tagalog hay Malay. Ông Lam Sơn là người hiểu rõ tâm lý đàn đúm này nên có chuyến bay nào từ Mỹ xuống Bangkok là ông cho tài xe cá mập đón, cầm tấm bảng đề hai chữ "Lam Sơn" trương cao ở lối ra. Việt kiều nào biết đọc bèn chỉ cho những người khác, vậy là dắt díu nhau lên xe về khách sạn của ông. Dịch vụ này ông tính giá cao bằng xe taxi riêng, buồng của ông phạt thêm đồng bào tôi không biết chữ... Thái vào bảng giá. Lúc chưa có đường bay từ Mỹ qua Manila, Đài Bắc, Hán Thành ông làm ăn rất khấm khá, chuyến Việt kiều nào ghé Bangkok cũng phải qua đêm trước khi về Việt Nam.
Tôi dông dài như vậy, vì ở cái thời điểm của chuyện này, Soi 3 Sukhumvit đã bớt đi người Việt qua lại, không còn thấy các tấm bảng kẻ tay "Ở đây mát-xa máy lạnh" hay "May quần áo lấy liền" treo một góc các cửa hiệu và quán "Phở", chữ viết nguệch ngoạc bằng tiếng Việt trước cửa Soi đường rai số 1 cũng đã biến mất. Nhưng từ khách sạn ra tôi vẫn bị một ông lái với gọi "Chào anh, chào anh, Việt Nam, Việt Nam".
Tôi thường hay tránh người hướng dẫn địa phương, đi đâu thì tôi đi xăm xăm lấy, chẳng cần phải bị gạt làm gì. Bất quá thì lạc, thì sai lầm nhưng đời tôi sai lầm và lạc đã nhiều rồi, tôi chai đá không còn biết sợ. Tôi tự sai lầm lấy cũng được, cần gì ai gạ gẫm. Nhưng anh này không nản chí, mỗi lần trông thấy tôi lại bám theo "Việt Nam Việt Nam" nghe quê hương gợi nhớ làm sao.
Thật ra anh ta không mời tôi nếm chùm khế ngọt mà là: "Mát-xa" (đưa hình mẫu), tôi lắc đầu; "Nhà nữ", tôi lắc đầu tiếp tục lầm lì; "Thiếu nữ trẻ"; tôi vẫn bước; "Đồ biển - Trại rắn - Cá sấu - Cưỡi voi", anh ta đề nghị một mạch, tôi dông thẳng như là chạy dã việt điền kinh. Một ngày mấy bận như vậy.
Nhưng con người, có chí thì nên. Đêm đó thả bộ, đã khuya lác đác ba cô gái nhảy ngồi ăn quà ở vỉa hè, anh ta vẫn còn đó "Chào anh Việt Nam".
Tôi cũng buồn cười, vì nếu ngán đêm dài cô đơn thì tôi chỉ việc ngồi xuống ăn quà với mấy cô đang ế khách này chứ còn cần nhờ anh đưa đi đâu. Tôi nhìn kỹ mặt anh này có cơ may là người vùng Isản, bỏ vợ con lại ở Đông Bắc đèo heo vật vã xuống thủ đô cầm bánh lái, học mãi mới được, tiếng "chào" mà người Việt thì giờ đã thưa rồi, không còn đưa được ai đi ăn đồ biển giá nhân đôi. Giá nhân đôi thì vợ con mới không đói nhưng đồ biển thì tôi mới ăn xong, mát-xa thì tôi có chỗ quen và chẳng có gì thư giãn, thiếu nữ thì đang ngồi ngay dưới chân ngưng nuốt bánh bèo tôm cháy mà theo dõi tình hình. Một phần vì anh, một phần vì đêm, một phần vì các cô thiếu nữ này tôi thấy lợt lạt, tôi gật đầu nói:
"Chở tôi đến Ladies Home."
"Nhà nữ", văn học thì có lẽ là "Nữ gia tệ xá" gì đó, nhưng nôm na thì là "nhà chứa". Đây không phải là danh lam thắng cảnh của thủ đô như những mát-xa 200 cô ngồi sau cửa kính, có bồn tắm hai chỗ ngồi trên buồng và nệm hơi để cọ sát body-body. Khách nhà nữ phần đông là khách nội địa căn bản nhưng có giá nội địa thì cũng có giá nước ngoài và có cả giá người nước ngoài được tài xế taxi mối lái. Anh xe này cũng loại dạng khờ, chỉ biết có mỗi một chỗ nên anh đưa tôi đi mãi, vào những ngoại ô khúc khuỷu xa xôi, đường sá bắt đầu lồi lõm không người.
Tôi chợt nghĩ, nếu ở đây tôi đè anh ta ra mà bóp cổ, trấn lột tiền và cướp cái xe, lái hai ngày đến biên giới Lào mang qua sông bán lại không cần giấy thì tôi cũng gỡ gạc được cước máy bay và chi phí ở đây. Nhưng tôi đã có hai con, còn để đức lại và xe anh là xe số tay, tôi chỉ biết lái xe tự động mà nên nhớ là Thái Lan lại lái xe lề trái.
Nhà nữ này là một nhà nữ vườn, một căn lầu lồi lõm không kém con đường đến. Ba con chó vằn vện lại gần lạnh nhạt, bà chủ người Hoa ngái ngủ bừng mắt dậy tươi cười "Chầu sàng" tôi nói Quảng, bà ta ríu rít Phổ thông, Triều Châu. Trong phòng tiếp ở trên lầu, mười mấy cô ngồi héo hon không có một bóng khách.
Tôi ngồi xuống, rót trà ra uống, không biết uống với ai, anh tài đưa tôi lên rồi bỏ đi mất, mười mấy cô này ngồi chung quanh. Có cô tiếp tục thêu thùa (không có cô nào dệt lụa tại đây không phải ở bên cầu) có cô nhìn thạch sùng trên trần, có cô đăm chiêu thả hồn theo quạt máy. Tôi uống trà làm ra vẻ điềm nhiên nhưng không khí ngột ngạt đầy dò xét như trong một màn pha kiếm hiệp. Tôi mà nhúc nhích, cả mười mấy cô cùng đứng dậy, cô vén váy lên, cô thì phanh ngực, cô tuột quần xuống một lúc, tôi khó thể nào hất chén trà mà phi thân lên nóc thoát thân như trong Hổ phục long ẩn của Ang Lee (vừa được xướng 10 giải Oscar). Tôi bèn nhằm cái cô cao tuổi nhất, có vẻ là đàn chị trong đám du thử du thực và du hí này. Cô này mặt câng câng đen, người nhỏ nhưng cũng có thể diễn tả cách khác là người giàu kinh nghiệm, tầm thước, và nước da bánh mật đượm một vẻ kiêu kỳ. Tôi gật, chỉ có vậy mà nàng cũng ưng thuận.
Tôi nói với bà chủ là qua đêm, mang về khách sạn, tiếng Hán là dạ lạc gia phòng trọ, bà ta cũng hiểu. Trong khi cô ta đi lấy vật dụng tuỳ thân tôi ngẫm nghĩ, thấy không xong, bèn quay lại. Vẫn ngồi đấy một cô rất trẻ dáng người cao mềm mại nhìn trộm tôi bằng đuôi mắt đẫn đờ. Tôi trỏ luôn, bà chủ không hiểu, tưởng là tôi đổi ý làm tôi lại phải vận dụng ngôn ngữ của Khổng Mạnh để giải thích, nhất dạ mà song sương, Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân. Cả phòng cười khúc khích, nhưng tôi không mang cả phòng đi được, kỳ sau đến tôi sẽ nhờ một tài xế xe đò.
Khách sạn gì đó tôi ngụ là một cái Mini rất tươm tất và sạch sẽ mang tên Swiss Hotel (người Thuỵ Sĩ có tiếng ở sạch). Anh lễ tân gác đêm chỉ vào tấm bảng phụ trội giá mời khách lên phòng và nhân hai hún hớn, không có mặt chủ là nhất định đút túi. Vậy anh quên cả việc giữ hay photo chứng minh của hai Vương ả theo thông lệ (không phải để trình báo gì hết mà để bảo vệ an ninh cho khách ngụ, thường là sáng hôm sau khi khách thuận là không có mất tiền bạc thì mới trả lại giấy tờ). Tôi lên phòng, mở tủ lạnh mời nước, mỗi cô chiếu lệ một ngụm, Thuý Vân thì cắn ống hút lúm má đồng tiền, Thuý Kiều trâng tráo trợn trừng thách thức. Ba người (sáu mắt) ngồi nhìn nhau.
Kiều của chúng ta tên Thái là Jíp còn Vân tên là Oản. Chữ "oản" còn có trong thi ca Việt ("Em thấy oản gà xôi... Trên núi con voi phục/Bao nhiêu là khỉ ngồi" Nguyễn Nhược Pháp) chứ chữ "Jíp" thì tôi không biết, gần gũi nhất thì lại là "Uaz" hay "Molotova" ("Anh lên xe trời đổ cơn mưa / Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ" - Phạm Tiến Duật) nên tôi sẽ tiếp tục mượn tên các nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân cho độc giả đỡ ngượng.
Vân, là người Chiêng Mai miền Bắc, Kiều đến từ miền Nam, Songkla, khác biệt nhau như là Đồng Đăng và Năm Căn hay là đúng hơn là Thái Trắng và Thái Đen, nếu tôi rõ hơn về nhân chủng hay dân tộc học. Cái phần xã giao giới thiệu, đến phiên tôi thì bị vấp.
Từ "Việt Nam" nói bằng tiếng nào thì cũng vậy, na ná như nhau nhưng không gợi cho hai cô này một ý niệm nào cả dù chỉ cách đây có 1.000 cây. Đành rằng hai cô ít học, nhưng ở ta, côn đồ cỡ bét chém người cũng biết đến dao Thái Lan, chắc bên này họ đâm nhau phải bằng dao Miến Điện? Tôi thử dùng chữ Khơ-me "youn", các cô, tuy xứ Cam-pu-chia thì có biết, nhưng vẫn không rõ tôi là người ở đâu, youn kiều ra thế nào.
Từ "youn" này, có nhà ngữ học cho là từ chữ "Nguyễn" của các nhà chúa mà trại đi (vì sợ huý?) nhưng tôi thích cái nguồn gốc thứ nhì hơn. Từ này là biến tính của từ "Ion" là vùng biển Hy Lạp. Khi A Lịch Sơn Đại đế dẫn quân vào đến đất Ấn, miền Hy (Ion) này mới được biết đến và từ tiếng Phạn sang đến tiếng Khơ-me dùng để chỉ rợ nước ngoài, vô tình lại áp dụng danh xưng của người Hy từ phương Tây vào người Việt ở phương Đông, dù sao thì cũng là nước ngoài và là rợ hết. Giải thích mãi không hiểu, Kiều xin phép đi tắm.
Nàng trở vào, quấn quanh mình một chiếc khăn lông và leo lên giường nằm. Vân đợi một lúc, cũng đi tắm. Ra, nàng cũng quấn một chiếc khăn lông, một tay đè trên ngực, một tay giữ sau mông, tọt lên giường bên cạnh chị. Tôi biết làm gì bây giờ. Thì tôi cũng đi tắm luôn.
Nhưng tôi thì đi ra khỏi buồng tắm trần truồng vì trần truồng tôi quen rồi, ngay cả ngay nơi (dĩ nhiên là trần truồng) công cộng nói chi ở trong phòng. Vả lại, chỉ có hai cái khăn lông hoa thì hai nàng đã e lệ nép vào dưới, chừa tôi có mỗi cái khăn mặt con để lau người. Tôi hùng hổ leo lên nằm vào giữa, người run lên vì chưa khô dưới hơi lạnh của gió máy điều hoà. Như thế rất lâu, chẳng động tĩnh gì, hai cô kéo mền lên lăn ra ngủ.
Cái giường ba người lại là hai cái giường con chặp lại làm một, Kiều ở một bên đắp chăn, Vân ở một bên đắp chăn còn tôi thì lại trần truồng nằm giữa, lưng lọt vào cái khe ngăn đôi , phía dưới thân thì bất động mà phần trên lập cập vừa lạnh lại vừa ẩm, khi không đâu đi xa xôi rước cái khổ vào người. Trước khi rời xứ, A Lịch Sơn có nói với ba quân là theo ta đi đến cuối mặt đất mà chinh phục, khi đến Ấn, vượt qua sông lại đụng trận, tướng sĩ nhao nhao "Mặt đất đi hoài, chiến mãi mà không hết" bèn đòi trở về. Đêm hôm đó trằn trọc, chỉ muốn xuống sàn nhà duỗi mình ra ngủ, tôi cũng vậy.
Lần vừa rồi đến Krungthep [8] , cả gia đình tôi ngụ tại một cái khách sạn ở phía dưới Sukhumvit, ngang ngõ ba mươi mấy gì đó, và tôi cũng đã quên tên. Khách sạn này lớn vài mươi tầng, trước thuộc hệ Embassy Suites vì tôi thấy khăn lông trong phòng tắm vẫn mang tên chữ nổi. Ở từng bảy, có hồ bơi sân thượng nhưng tháng Giêng năm đó Bangkok lạnh như chưa từng, trời tới 15-20 độ, nước thì khỏi nói. Hai con tôi đòi tắm để bây giờ thành phố chúng vẫn gọi là "Nơi có hồ bơi lạnh" tuy vẫn nhớ chắp hai tay vái và chào "Sawadi krup" như người địa phương. Được mấy hôm, vợ con tôi lên đường về nước trước, tôi còn phải ở lại vài bữa độc thân vui tánh.
Tàu của vợ con tôi vào buổi tối mới bay, ở một mình thì đâu chẳng được, tôi dọn sang một khách sạn ở Soi 3 cho tiết kiệm, bỏ tạm hành lý ở đó nghỉ trưa cả gia đình. Cái khách sạn này kế khách sạn Swiss cũ, loại cọc cạch còn gấp mấy, dĩ nhiên là không có phòng suite hai buồng ngủ, không có hồ bơi sân thượng nhưng vô cùng nhộn nhịp rất là vui. Soi 3 ngày nay tấp nập người, "các công chúa của con lộ" (ca từ của Tài Lực) sáng cũng như tối ngập vỉa hè không có chỗ để mà đi, anh tài taxi của dạo trước thế là hết đường dắt mối.
Trước khi ra trường bay, vợ tôi nhắc khéo: "Anh dọn sang đây tối nay thế là vui rồi", mắt đưa về phía ba mươi bảy cô quần đùi váy cộc đang chờ khách.
"Ờ thì vui chớ sao", tôi nói bạo, nhưng tôi nghĩ ngay, cái phòng mới thì bé bằng tí, trong phòng tắm thì khăn lông chỉ có hai. Phải tội tiếc tiền, biết thế vợ con dù có đi rồi, tôi cũng nên giữ lại khách sạn kia, phòng tắm khăn lông lỉnh kỉnh đến cả chục cái và đêm nay dẫn bốn cô về, cho tụi bay nằm chung giường lớn King Size, tao còn có chỗ một mình ra salon nằm ngủ để mà thoải mái.
Nguồn: Đã đăng rải rác trên một số tạp chí trong và ngoài nước, tác giả đã chỉnh lý cho bản đăng trên talawas.
[1]Trần Dạ Từ
[2]Du Tử Lê
[3]Marianske Lazne
[4]Người Việt nước ngoài, tức Việt Kiều, bởi vì là Việt Nam nên hay Việt hoá các địa danh, tên phố ở nơi mà mình ngụ cư thêm thi vị hoặc cho dễ đọc, dễ nhớ. Trường hợp Strasbourg là trường hợp dịch nghĩa: Strass-Lộ, Bourg-Trấn, Lộ Trấn, như "Con đường mang tên Tình cờ" (Hazard Street), "Thành phố giữa đàng" (Midway City), Tiểu bang Vạn hồ ("Minnesota, land of 10.000 lakes")… được các nhà văn nhà thơ ta tối đa sử dụng. Ở mức đại chúng hơn, nhưng vẫn bóng bẩy, là theo khuôn thành lập của cụm từ "Kinh đô Ánh sáng" (Paris), "Hòn ngọc Viễn đông", mà áp đặt San José thành "Thung lũng Hoa vàng" hay bắt Houston phải "Miền nắng ấm". Tầng lớp bình dân không dịch nghĩa mà dịch âm, thí dụ đường Leavensworth thành đường... "Lê Văn Duyệt" và Mc Fadden thành Đại lộ "Bắt phạt đền".
[5]Tendance.
[6]Tuy lễ nghi như vậy, bố ông này là Hassan II đã từng bị một dân biểu miền Nam của chế độ cũ khi được diện kiến "Bonjour me-xừ le Roi" Nghĩa là "Chào ông vua". Vị đại biểu quốc hội này chỉ có tội vì không coi tuồng cải lương Pháp nên không biết "Muôn tâu Bệ Hạ".
[7]Đây là chiến tranh thật, chứ không phải là một cách nói, giữa Guatemala và láng giềng Honduras thì phải, sau khi nước này bị nước kia loại trong một trận bóng đá thiếu công bằng.
[8]Krungthep, “Thành phố những thiên thần” là tên Thái của Bangkok.
Cùng một tác giả
Đỗ Kh. nguyên quán Nam Định, sinh tại Hải Phòng 1955. Vào Sàigòn 1955, đi Paris 1969, đến Củ Chi 1974, rời Phú Quốc 1975, thăm Hà Nội 1990. Hiện sống ở California.
Tác phẩm:
- Cây gậy làm mưa, tập truyện ngắn, 1989.
- Thơ Đỗ Kh., tập thơ, 1989.
- Kí sự đi Tây, tập ký, 1990.
- Có những bực mình, tức không thể nói, tập thơ, 1990.
- Không khí thời chưa chiến, 1993.
- Lebanon, chuyện kể mùa hè, 1982.
- Bến tạm tại Hương Cảng, 1986.