talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 22.01.2006

Nguyễn Nguyên PhướcTruyện ngắn


Babu-sanThuyết tiến hóa ngượcChúng ta là những chàng trai rẻ tiền

Nguyen Nguyen Phuoc
Nhà văn
Nguyễn Nguyên Phước

Ngay từ lần công bố truyện ngắn đầu tay (“Tâm trạng khi điên”, eVăn, 4.9.2004), Nguyễn Nguyên Phước đã gây được sự chú ý đặc biệt nhờ vào phong cách dựng truyện hấp dẫn và một lối văn kể lạnh lùng.

talawas chủ nhật kì 3 xin giới thiệu truyện ngắn “Babu-san”, một sáng tạo mới của Nguyễn Nguyên Phước cùng hai truyện ngắn khác của anh: “Thuyết tiến hóa ngược” và “Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền”. talawas chủ nhật

 

Nguyễn Nguyên Phước

Babu-san

 

Tất cả chúng tôi đều biết rằng Babu-san là kẻ dối trá. Thậm chí cả cái tên nửa Ấn nửa Nhật của hắn cũng không phải là tên thật. Chúng tôi không ai biết tên thật của hắn, mà cũng chẳng ai bận tâm chuyện Babu-san có một cái tên khác. Dù sao, chúng tôi vẫn thích cái tên Babu-san và những câu chuyện bịa đặt của hắn. Đôi khi, chúng tôi hay tìm cách lý giải về sức hấp dẫn đặc biệt của những câu chuyện ấy. Nếu chỉ đơn thuần là tài kể chuyện thì có lẽ chúng đã không có được sức hấp dẫn đến như vậy. Giả sử Babu-san kể những câu chuyện khác, những câu chuyện có thật, những câu chuyện vẫn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng tôi, thì có lẽ chả ai buồn nghe. Nhưng cái giả thiết đó chẳng bao giờ xảy ra bởi lẽ Babu-san luôn nói dối, hắn chẳng bao giờ kể những câu chuyện có thật, hắn là kẻ nói dối bẩm sinh, hắn sinh ra là để nói dối cũng giống như người lái đò sinh ra là để lái đò.

Babu-san là người Tamil; hắn sinh ở thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu. Babu-san cao lớn, da ngăm đen, tóc xoăn và để ria mép. Hắn không có đạo. Chúng tôi biết hắn nói dối. Theo lời đồn đại thì hắn theo đạo Hindu vì có lần ai đó nói với chúng tôi rằng bố mẹ hắn theo đạo Hindu. Thậm chí, theo như lời kể thì hắn còn nói được tiếng Hindi tốt như tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, Babu-san chẳng bao giờ nói tiếng Hindi vì hắn ghét những người theo đạo Hindu mặc dù tiếng Hindi và những người theo đạo Hindu chẳng có mối liên hệ gì. Mà nói chung, hắn ghét Ấn Độ.

Có lần, hắn hỏi tôi:

“Mày có đạo không?”

“Không.” Tôi đáp. “Tao không có đạo.”

“Vậy còn Thượng đế?”

“Chúng tao không có Thượng đế.”

“Vậy chúng mày sẽ chống chọi thế nào với những tai ương?”

“Chúng tao chịu đựng.”

“Và không có Thượng đế ở bên?”

“Không. Không có Thượng đế. Còn mày? Mày cũng không có đạo. Vậy mày có Thượng đế không?”

“Có.” Hắn nhún vai đáp. “Thực ra khi tao nói tao không có đạo thì đó chỉ là cách nói thông thường để ám chỉ rằng tao không theo mấy cái đạo thông thường như mấy thằng Ấn Độ khác. Tao có thứ đạo của riêng tao, do tao sáng tạo ra. Tạm thời có thể gọi nó là Babu-sanism. Tao có Thượng đế của riêng tao.”

Hắn còn cho chúng tôi xem bức tranh vẽ Thượng đế của hắn. Hắn vẽ không được đẹp lắm, nhưng theo như lời hắn thì bức tranh vẫn thể hiện đầy đủ sự toàn năng của Thượng đế. Hắn hy vọng một ngày kia ông ấy sẽ được công nhận trên toàn thế giới. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy hắn cầu nguyện bằng một thứ tiếng quái quỷ gì đó do hắn tự chế ra, thực chất đó chỉ là một chuỗi những âm thanh ê a kéo dài lê thê. Sau mỗi lần cầu nguyện như vậy, hắn nói rằng hắn cảm thấy sảng khoái tràn ngập. Từ bé hắn đã luôn cảm thấy hắn được sinh ra với một sứ mệnh đặc biệt. Hắn cho rằng để thực hiện sứ mệnh đặc biệt đó, hắn cần phải giữ mình trong sạch, do vậy hắn không quan hệ với đàn bà. Năm mười tám tuổi hắn bắt đầu lên đường truyền bá cái gọi là Babu-sanism. Một số chức sắc tôn giáo ở thành phố nơi hắn cư ngụ, theo hắn kể, cảm thấy bị đe dọa, đã vận động mọi người trục xuất hắn ra khỏi Ấn Độ. Babu-san lưu lạc hơn một trăm nước lớn nhỏ. Năm ba mươi tuổi hắn bắt đầu chiêu nạp đệ tử. Tổng số đồ đệ mà hắn thu thập được cho đến thời điểm hắn đến chỗ chúng tôi là bảy mươi hai người. Trong hơn mười năm lưu lạc, hắn và môn đồ đã từng bị cảnh sát Bình Nhưỡng rượt đuổi, phải nhịn đói ở Bắc Kinh hai tuần, bị từ chối nhập cảnh ở LAX vì nghi ngờ dính líu đến một vụ khủng bố.

Babu-san ăn rất ít, mà lại ăn chay. Khi chúng tôi hỏi hắn về lý do của việc ăn chay, hắn nói rằng đó chỉ là một thói quen từ nhỏ và khi lớn lên hắn không thể ăn được thịt. Dạ dày hắn từ chối những món ăn có thịt, hắn nói vậy. Hắn còn nói thêm rằng, bất cứ việc gì hắn làm đều có tuân thủ một mệnh lệnh nào đó trong cơ thể hắn. Chẳng hạn có lần, theo như hắn kể, hắn ngồi dưới gốc cây và nhịn ăn bốn mươi chín ngày bởi một mệnh lệnh nào đó từ Đấng Tối cao bắt hắn phải thực hiện. Chúng tôi chẳng ai tin những chuyện như vậy nhưng để hắn không mất hứng chúng tôi cố gắng không để lộ chút nghi ngờ nào. Cũng có đôi lần, chúng tôi thấy hắn nhịn ăn trong một vài ngày, nhưng chưa bao giờ quá ba ngày. Babu-san chắc cũng phần nào cảm thấy sự nghi ngờ, dù có phần dè dặt, trong ánh mắt chúng tôi bởi vậy mỗi khi kể xong câu chuyện hắn lại tuyên bố rằng hãy coi như hắn chưa nói gì, rằng tất cả những điều hắn nói ra chỉ là bịa đặt. Tuy không nói ra nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu rằng hắn đang cố tình nhập nhằng mọi chuyện và vì thế chúng tôi lại càng chăm chú lắng nghe cốt để mọi thứ được rõ ràng sáng sủa nhưng càng nghe chăm chú bao nhiêu, mọi thứ càng trở nên rối rắm bấy nhiêu.

Hàng ngày, sau bữa ăn tối, thường vào khoảng chín giờ, cũng có khi muộn hoặc sớm hơn, năm đứa chúng tôi ngồi quây quần bên tivi nghe Babu-san kể chuyện. Lý do chúng tôi ngồi bên nhau thực ra không phải là để nghe hắn kể chuyện mà là để theo dõi tin tức trên tivi song nếu quả thực chỉ có thế thì vô cùng buồn tẻ – sau này, khi Babu-san đã đi rồi, chúng tôi mới nhận ra cái khoảng trống không gì bù đắp được trong đời sống tinh thần khi thiếu hắn. Những bản tin tivi không bao giờ có thể thay thế được những câu chuyện của Babu-san, ít ra là đối với chúng tôi. Nhưng thôi, hãy quay trở lại với những câu chuyện của Babu-san. Như đã nói ở trên, mục đích của chúng tôi là ngồi bên nhau để xem tivi, nhưng chỉ được một lúc thôi là Babu-san bắt đầu nói. Lý do của việc hắn nói thì đơn giản lắm. Chỉ từ một chi tiết vớ va vớ vẩn trên tivi, Babu-san cũng ngay lập tức liên hệ đến một phần đời nào đó trong những câu chuyện triền miên bất tận của hắn. Và thế là hắn kể. Chẳng hạn, có một lần, một chương trình truyền hình khoa học thường thức nói rằng, thực ra thì tôi cũng không nhớ rõ lắm, cấu trúc DNA của lợn rất giống của người. Thế là ngay lập tức Babu-san ngồi thao thao bất tuyệt. Hắn kể rằng, hồi đầu những năm 90, hắn sống ở một làng nhỏ ở phía bắc Pakistan. Dân làng bệnh tật liên miên. Babu-san, nhờ một sự mách bảo của một Thượng đế quyền năng nào đó đã nhìn thấy nguyên nhân của bệnh tật là ở những con lợn. Thịt lợn là món ăn truyền thống của dân làng, hắn khuyên họ từ bỏ món đó. Đáng tiếc là họ đã không những không nghe mà còn nổi giận đuổi Babu-san ra khỏi làng và hai năm sau cả làng bị tuyệt diệt bởi trận dịch. “Chúng mày biết đấy, hồi đó tao làm gì biết về DNA và những con lợn bẩn thỉu đâu.” Babu-san nói. “Nhưng Thượng đế đã nói với tao rằng đó chính là nguyên nhân của tội lỗi. Và cuối cùng thì khoa học cũng đã chứng minh. Từ ngày mai, chúng mày cũng không nên ăn thịt lợn nữa.”

Lần khác, trên truyền hình có một gameshow trong đó mỗi người dự thi được cấp một man [1] và phải sống với số tiền đó trong vòng một tháng, người thắng cuộc sẽ là người có số tiền thừa nhiều nhất. Nhìn cảnh sống chật vật, dù chỉ là tạm thời, của những người tham gia, Babu-san liền liên tưởng ngay đến chuyện hắn bị đói ở Trung Quốc. “Hồi đó”, hắn kể, “tao truyền đạo ở Bắc Kinh. Tao có mười hai môn đồ, tất cả đều là những thanh niên ưu tú. Bọn tao bị xua đuổi như những con chó. Mọi người nhổ nước bọt vào niềm tin của bọn tao. Chúng mày chắc chưa bao giờ bị đói. Bọn tao đã bị đói trong nhiều ngày. Nó hoàn toàn khác lần tao nhịn ăn bốn mươi chín ngày, bởi tự nguyện nhịn ăn và bị đói là hai chuyện khác nhau.” Lần ấy, Babu-san và mười hai môn đồ của hắn sống sót nhờ sự hào phóng của một cô gái điếm nhưng mười hai môn đồ kia cũng chẳng sống được lâu, họ bị đầu độc sau đó ba tháng. Babu-san may mắn thoát chết nhờ cái dạ dày đặc biệt của hắn, nó từ chối tất cả những gì xa lạ, kể cả độc tố. Babu-san nghi ngờ rằng một trong mười hai đồ đệ đã bán đứng hắn cho công an Bắc Kinh nhưng cuối cùng kẻ đó lại chết bởi sự phản bội của chính mình. Một vụ đầu độc đã được dàn dựng để thủ tiêu những kẻ tà giáo. Chúng tôi thì tin rằng chính Babu-san mới là kẻ phản bội. Chính hắn chứ không phải ai khác đã hạ sát mười hai đồ đệ của mình bằng độc dược bởi bản thân hắn cũng không còn niềm tin vào cái thứ tôn giáo mà hắn đang theo đuổi. Có thể hắn sợ một ngày kia, đám đồ đệ chợt nhận ra rằng họ đã bị lừa dối và sẽ căm hận mà giết hắn.

Babu-san không có ý định truyền đạo cho chúng tôi, hoặc cũng có thể hắn đang làm việc đó mà chúng tôi không nhận ra. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của hắn đến chúng tôi là không thể phủ nhận được. Chúng tôi cũng nói dối giống hắn. Thoạt đầu, chỉ là những lời nói dối nho nhỏ, chẳng phương hại đến ai, thậm chí nếu thay bằng những lời nói thật thì cũng chẳng có gì khác. Chúng tôi cảm thấy một cái gì đó rất tự nhiên đột nhiên trôi tuột khỏi đầu lưỡi; thế rồi một lát sau chúng tôi mới nhận ra mình vừa nói dối. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi nói dối. Phải thừa nhận rằng chúng tôi là những kẻ có năng khiếu nói dối nhưng cũng phải nói thêm rằng năng khiếu ấy sẽ chẳng bao giờ được phát huy nếu không có Babu-san. Vai trò của hắn, nói tóm lại, là không thể chối cãi được. Dần dần chúng tôi bắt đầu bịa đặt những câu chuyện lớn hơn. Cuối cùng chúng tôi dối trá trong mọi chuyện. Chúng tôi nói dối một cách thản nhiên. Chúng tôi nói dối một cách trắng trợn. Chúng tôi nói dối triền miên. Chúng tôi nói dối mà chẳng thèm ăn năn hối hận. Hễ cứ mở miệng là chúng tôi nói dối. Chúng tôi nói dối mà không nhận ra mình đang nói dối. Dần dần, chúng tôi chối bỏ sự thật. Chúng tôi phớt lờ sự thật. Chẳng ai thèm quan tâm đến một cái gọi là sự thật đang tồn tại đâu đó trên đời. Thậm chí, chỉ cần nghe ai đó nói sự thật là chúng tôi cảm thấy khó chịu. Sự thật để làm gì khi mà tất cả chúng tôi đều hài lòng với sự dối trá? Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng chính cái cuộc sống mà Babu-san mang đến cho chúng tôi thông qua những câu chuyện hư cấu của hắn mới là cuộc sống đích thực, còn cái cuộc sống mà chúng tôi đang sống hàng ngày chỉ là tạm bợ. Phải, biết đâu cuộc ấy mới là cuộc sống đích thực của chúng tôi, là cuộc sống mơ ước của chúng tôi, là lý do để chúng tôi tồn tại.

Chúng tôi có mười hai người, giống như mười hai viên bi đựng trong một cái lọ, chúng tôi thường nói với nhau như vậy. Thỉnh thoảng người ta lắc cái lọ, một viên bi rơi ra ngoài, họ sẽ thay thế một viên khác. Chúng tôi kẻ đến người đi nhưng bao giờ cũng luôn là mười hai người. Nếu kể cả Babu-san thì là mười ba nhưng hắn không được tính, hắn là ngoại lệ, hắn không thuộc về chúng tôi hoặc có thuộc về nhưng chúng tôi không chấp nhận cái hiện thực ấy. Tôi hay tự hỏi, liệu có mối liên hệ nào giữa mười hai đứa chúng tôi với mười hai đồ đệ của Babu-san hay không. Nhân tiện xin nói thêm, trong những câu chuyện của mình Babu-san bao giờ cũng kể rằng hắn có mười hai đồ đệ, không hơn chẳng kém. Mười hai đồ đệ ở Saint Petersburg. Mười hai đồ đệ ở Bắc Kinh. Mười hai đồ đệ ở Paris. Mười hai đồ đệ ở Munich. Mười hai đồ đệ ở Chicago. Mười hai đồ đệ ở Tokyo. Tất cả là bảy mươi hai người. Nếu nói rằng Babu-san xây dựng hình tượng mười hai đồ đệ dựa trên nguyên mẫu là mười hai đứa chúng tôi thì có lẽ hắn đã hoàn toàn thất bại. Chúng tôi đương nhiên không phải đồ đệ của hắn, mà hơn nữa những câu chuyện về hắn và các môn đồ hoàn toàn xa lạ với cuộc sống của chúng tôi. Nhưng biết đâu chính cái nghệ thuật kể chuyện bậc thầy kia khiến chúng tôi không nhận ra mình. Chúng tôi hoàn toàn thơ ơ với cuộc sống của bản thân nhưng lại say mê theo dõi những câu chuyện của Babu-san trong khi những câu chuyện ấy thực ra lại kể về chính cuộc sống của chúng tôi. Phải chăng cuộc sống của chúng tôi thông qua cái miệng duyên dáng và dối trá của Babu-san bỗng trở nên sống động một cách đáng ngờ như thể có một Thượng đế vô hình thổi cho nó một luồng sinh khí để rồi chính chúng tôi cũng không nhận ra? Nghe mà cứ tưởng hắn đang nói về ai đó ở trên chín tầng mây chứ không phải nói về chúng tôi.

Rồi cũng đến cái ngày viên bi thứ mười ba rớt khỏi lọ. Trước giờ ăn tối ngày thứ sáu, chúng tôi nhận được tin Babu-san ra đi. Có lẽ hắn đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ lâu rồi bởi tôi nhớ tuần trước khi uống rượu với chúng tôi – đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi thấy hắn uống rượu – hắn đưa cái ly lên miệng rồi lẩm bẩm: “Cha ơi! Xin hãy cất chén này ra khỏi miệng con.” Một tháng sau ngày Babu-san ra đi, chúng tôi tìm thấy bản nháp lá thư hắn viết cho mẹ trong đống giấy tờ lộn xộn. Chữ viết trong thư nhỏ li ti, rất khó đọc, nhiều đoạn lủng củng, gạch xóa chi chít. Có lẽ khi viết thư – khó có thể đoán được là khi nào vì trong bản nháp không thấy đề ngày tháng – những suy nghĩ trong đầu hắn không được mạch lạc cho lắm.

Mẹ ơi, con bị điên mất rồi! Bây giờ khi đang viết thư cho mẹ, con chỉ còn khoảng một nửa lý trí. Chỉ ít phút nữa thôi, con sẽ hoàn toàn rơi vào trạng thái điên loạn không kiểm soát nổi. Con cảm thấy “nó” mỗi lúc một lớn hơn. “Nó” đang chế ngự tinh thần con. Con hoàn toàn vô phương chống đỡ. Con đã cầu cứu Thượng đế của con, con đã cầu xin Người giúp đỡ nhưng có cảm giác rằng “nó” đã cách ly con hoàn toàn với Người. Con không còn cách nào có thể liên lạc được với Người được nữa. “Nó” đang hãm hại con. Con hoàn toàn tuyệt vọng. Con biết chỉ có Người mới có thể giúp con chống lại “nó”. Nhưng làm sao được đây? Bởi lúc này đối với Người, “nó” chính là con. Làm sao con có thể thoát được? Làm sao con có thể nói với Người rằng “nó” đang chế ngự con và con không còn là con nữa?

Con phải ra đi mẹ ạ. Con yêu mẹ. Con yêu thành phố Chennai. Con yêu đất nước Ấn Độ. Con yêu cuộc sống này nhưng nó không còn thuộc về con nữa. Cuộc sống trước kia là của con giờ đã thuộc về người khác. Con không thể làm sao cho mẹ hiểu được. Suốt đời, con chỉ đi tìm sự thật. Con không tìm thấy niềm tin ở Thượng đế mà cha mẹ dạy con. Con đã cố gắng tạo ra một Thượng đế cho riêng mình nhưng chẳng ai thừa nhận điều ấy. Nhiều lần, con cố tự nhủ rằng chỉ cần con cảm thấy sự hiện hữu của Người là đủ. Nhưng có một sức mạnh nào đó đã thôi thúc con thuyết phục kẻ khác thừa nhận sự hiện hữu ấy. Phải chăng đó chính là ý muốn của Người?

“Nó” lại vừa xuất hiện mẹ ạ. Nó đang cười nhạo con. Đoạn trên con vừa viết có thể không phải của con mà là của “nó” mẹ ạ. Làm sao con có thể nói được với mẹ đây? Làm sao mẹ có thể phân biệt được chỗ nào là con viết, chỗ nào là “nó” viết? Bởi chính con, con cũng không thể phân biệt được điều đó. Bây giờ, con phải hành động theo suy nghĩ của “nó”, phải suy nghĩ theo lý trí của “nó”. Con hoàn toàn bị khuất phục. Cũng có đôi khi con phản kháng. Như lúc này đây, con đang phản kháng. Mà không, nói đúng hơn là con vừa phản kháng, vừa khuất phục.

Thượng đế của con, con biết sự hiện diện của Người nhưng chính bản thân cái sự “biết” ấy lại có thể không phải của con. Rất có thể Thượng đế mà con cảm nhận được là một Thượng đế khác, một Thượng đế mà “nó” muốn con phải thừa nhận như con đã thừa nhận Người. Nhưng làm sao con có thể công nhận được điều đó? Một mặt, con muốn chối bỏ Người bởi con biết rằng cảm nhận của con về Người là một cảm nhận không trung thực, cảm nhận ấy bị “nó” đánh tráo nhưng mặt khác, con vẫn phải công nhận Người theo cách của “nó” bởi không còn cách nào khác. Con chấp nhận sự tồn tại của Người nhưng lại luôn nghi ngờ tính trung thực của tồn tại ấy. Làm sao không nghi ngờ cho được, khi mà suy nghĩ của con lại bị điều khiển bởi ý chí của “nó”?

Con đã quá mệt mỏi rồi. Con muốn được nghỉ ngơi. Nhưng làm sao con có thể nghỉ ngơi được? Làm sao con có thể biết một cách chắc chắn rằng ước vọng nghỉ ngơi của con là của chính con chứ không phải của “nó”? Làm sao con biết được sự mệt mỏi nơi tâm hồn con không phải là do “nó” điều khiển?

Con phải đi rồi mẹ ơi. Con phải chạy trốn. Con phải chạy trốn khỏi sự truy đuổi của “nó”. Nhưng làm sao con có thể chạy trốn được, mẹ ơi. Con không còn nơi trú ẩn. Làm sao con có thể tách riêng bản thân con ra khỏi “nó” để khi con nói rằng con yêu mẹ thì đó là tình cảm xuất phát tự bản thân con chứ không phải một thứ tình cảm theo quy ước của “nó”?

Chúng tôi thường gọi bản nháp ấy là lời nói dối cuối cùng của Babu-san. Một di chúc, nếu có thể gọi như vậy, rẻ tiền và bệnh hoạn. Babu-san, kẻ suốt đời nói dối, lại mơ ước tìm kiếm sự thật cơ đấy! Mà sự thật nào kia chứ? Chẳng phải hắn và chúng tôi đều hài lòng với cái sự thật do chính hắn bịa ra hay sao?

Babu-san ra đi mang theo cái nghệ thuật nói dối bậc thầy. Tự đáy lòng mình, chúng tôi luôn cầu chúc cho hắn cuối cùng sẽ tìm thấy cái sự thật mà hắn hằng theo đuổi. Vị trí của hắn trong đời sống tinh thần của chúng tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ có ai thay thế được. Mà cũng có thể, biết đâu đấy, một ngày kia, khi nó không còn nữa chúng tôi sẽ lại nhận ra một sự thật rằng cái vị trí tưởng chừng không ai có thể thay thế nổi ấy hóa ra chưa bao giờ thực sự tồn tại.

Babu-san ra đi không để lại địa chỉ. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe phong thanh đâu đó có người tình cờ gặp hắn. Lần cuối cùng tôi nghe tin về hắn là vào mùa hè năm ngoái, hắn bị bắt tại sân bay Narita cùng với bức tranh vẽ một Thượng đế chưa bao giờ được công nhận.

Nagoya 12/2005

© 2006 talawas

[1]Một vạn yên Nhật (khoảng gần 100 USD)

Nguyễn Nguyên Phước sinh năm 1976 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học (chuyên ngành Điện tử-Viễn thông) và Cao học (chuyên ngành Khoa học Vật liệu) tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện làm Nghiên cứu sinh (chuyên ngành Khoa học Vật liệu) tại Học viện Công nghệ Toyota (Toyota Technological Institute), Nagoya, Nhật Bản.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài