talawas chủ nhật

 
Nguyen Binh Phuong
Nguyễn Bình Phương

Trong số các nhà văn đang sáng tác sung sức hiện nay, Nguyễn Bình Phương là một cái tên nổi bật. Từ năm 1994, cứ vài năm anh lại cho ra mắt một tác phẩm mới đáng chú ý: Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2001) và Thoạt kỳ thuỷ (2004). Bên cạnh tiểu thuyết, anh còn sáng tác thơ và đã xuất bản các tập Xa thân, Từ chết sang trời biếcThơ Nguyễn Bình Phương. Riêng ở truyện ngắn, anh lại chưa được nhiều người biết đến. Lý do có lẽ là vì anh ít công bố tác phẩm.

talawas chủ nhật kỳ này xin giới thiệu bốn truyện ngắn được viết ở các giai đoạn khác nhau của Nguyễn Bình Phương, đồng thời mời bạn đọc thưởng thức tản văn "Về Quái" của anh.
talawas chủ nhật

 

Nguyễn Bình Phương

Chị em Nhiêu, Quỳnh nọ Quỳnh kia và con mèo tam thể

 

Ngày mùng chín tháng tư một tờ báo đưa tin về cái chết đột ngột của hai người trong lễ gọi hồn tại huyện Đại Từ thuộc tỉnh Thái Nguyên. Một trong hai người chết là chủ nhà kiêm cô đồng, người kia là khách từ phường Tân Thành đến thuê gọi hồn. Vì không có thủ phạm, nguyên nhân dẫn đến cái chết lại chưa xác định rõ ràng cho nên tin này ngắn gọn như một thông báo và nằm lẫn trong các vụ việc lặt vặt khác như trộm xe đạp, lấn chiếm đất công, láng giềng xô xát.

Toàn bộ sự việc được dựng lại như thế này:

Sau khi người yêu tên là Tuân bị tai nạn xe máy chết, Quỳnh ốm hơn tuần, không tiếp xúc, nói chyện với ai, đến bữa chỉ húp tí cháo cầm hơi. Ngày mùng chín tháng tư Quỳnh trở dậy, một mình phóng xe máy lên Đại Từ để gọi hồn người yêu. Nhà cô đồng nằm sâu trong chân núi, phải gửi xe máy ở ngoài rồi đi bộ hơn cây số mới tới nơi. Khi Quỳnh đến đã thấy có ba người, một nam, hai nữ, trong đó có một chị rất gầy, đều trạc tuổi ba nhăm, bốn mươi, chầu chực ở cửa. Tầm ấy khoảng chín giờ sáng mà thầy chưa dậy, cửa nhà vẫn đóng im ỉm, chỉ có con mèo tam thể chờn vờn đi đi lại lại giữa sân. Thấy Quỳnh, một trong hai người đàn bà hỏi: Cô đến một mình thôi à? Quỳnh gật đầu, lặng lẽ tự kiếm lấy một khúc gỗ để làm ghế ngồi. Con mèo tam thể xán lại lấy chân gại gại lên ống quần Quỳnh, kêu mấy tiếng trong trẻo vang ngân như tiếng gõ của thuỷ tinh. Quỳnh nhìn người đàn bà vừa hỏi mình, thấy chị ta có một vết sẹo chạy chéo từ góc trán trái sang chân lông mày phải, vết sẹo đó hình lưỡi liềm, lõm và nhẵn bóng. Cô gọi cho các cụ thân sinh à? Vẫn người đàn bà có vết sẹo hỏi. Quỳnh đáp: Em gọi cho bạn em. Thế chị gọi cho ai ạ? Người đàn bà có vết sẹo đáp: Gọi em tôi. Quỳnh hỏi: Mất lâu chưa ạ? Người đàn bà có vết sẹo vặn hai tay vào nhau kìm nén cái gì đó trong lòng: Mất lúc tôi đang áp tải hàng lên Lạng Sơn. Quỳnh hỏi nhỏ, giọng thông cảm: Mấy tuổi rồi hả chị? Mười tuổi chẵn. Giọng người đàn bà méo mó, nước mắt rân rấn. Nó bị tật nguyền từ khi đẻ ra cô ạ. Người đàn bà có vết sẹo nói nhanh rồi vội đứng dậy lảng ra giếng vờ múc nước rửa mặt. Người đàn bà gầy ngồi im lặng từ đầu cau có ghé tai sang nói gì đó với người đàn ông và người đàn ông gắt lại: Kệ. Chín rưỡi thì cửa mở, một con bé lùn tịt mặc áo phin hoa màu hồng bước ra, nói bằng cái giọng chỏng lỏn: Vào đi. Ai đến trước vào trước, ai đến sau vào sau, cấm ồn. Ba người nhìn nhau dò xét rồi người đàn bà gầy gò quả quyết bước vào trước, hai người còn lại rón rén theo sau, Quỳnh vào cuối cùng. Cô đồng ngồi trên cái sập cao khoảng bốn mươi xăng ti mét, dáng khòng khòng, khô héo, bộ quần áo bằng vải xa tanh màu nõn chuối bóng loáng. Mặt cô đồng xám xịt, uể oải, môi quyết trầu đỏ bầm nặng nề nhưng đôi mắt thì nhạy bén như một tấm kính. Người đàn bà có vết sẹo nói họ tên, ngày tháng năm sinh năm mất của hồn cần gọi sau đó đặt vào cái giỏ mây vàng ngà tờ hai mươi nghìn. Quỳnh ngạc nhiên trước sự tinh tường của người đàn bà có vết sẹo bởi chính Quỳnh đang băn khoăn rằng tí nữa đến lượt mình không biết sẽ đặt tiền vào chỗ nào. Những cô đồng khác thường dùng đĩa để khách đặt tiền. Cô đồng lầm rầm gọi trong khi con bé con châm cả một nắm hương rồi cầm chờ sẵn bên cạnh với nét mặt dửng dưng, vô can. Vừa khấn cô đồng vừa giơ tay về phía con bé đón lấy bó hương đang ngùn ngụt khói, huơ lên trên đầu theo vòng tròn trong khi nửa phần cơ thể, từ eo lưng trở lên, lắc lư chao đảo như một con rắn. Mặt cô đồng tái nhợt, sau đỏ hồng rồi chuyển sang tím bầm, mồ hôi lấm tấm trên trán, hai cánh mũi và dái tai. Tất cả mọi người nín thở theo dõi cô đồng. Không khí đột nhiên trở nên huyền bí rờn rợn. Người đàn ông bất giác thu hai tay về trước bụng còn người đàn bà gầy từ lúc nào đã lùi lại phía sau. Chỉ có Quỳnh và người đàn bà có vết sẹo là ngồi im, mắt mở to chăm chú dõi theo sự trở về của hồn. Một cái gì đó đang đến, nó lạnh lẽo, ghê rợn tìm cách lồng vào thân xác cô đồng. Con bé con cầm lấy tấm vải sa tanh đỏ bất ngờ phủ kín lên đầu cô đồng, ngay lập tức có một sự vật lộn quyết liệt xảy ra trong cái lùm vải đỏ ấy rồi khi mảnh vải bị hất ra thì ai nấy đều kinh hoàng. Mặt cô đồng méo xệch, phù lên như cái bánh bao ngâm nước, mắt lác xệch, môi dày cong vêu, một chiếc răng nanh nhỏ vàng khé thò ra bên khoé miệng trái. Và tiếng nói cất lên: Ta về đây, ta về đây, đứa nào gọi ta thế? Giọng the thé rợn tóc gáy. Toàn thân Quỳnh nổi da gà, tim khựng hẳn lại. Nhiêu phải không? Có phải Nhiêu gọi ta phải không? Ối giời ơi em ơi, sao em bỏ đi mà chẳng chờ chị về để chị nhìn mặt em, em ơi là em. Người đàn bà có vết sẹo trên trán gào lên, tóc chị ta xổ tung như mụ điên. Con bé đá đá chân vào lưng người đàn ông: Giữ lấy nó. Người đàn ông vội vã túm ghì lấy người đàn bà có vết sẹo, không cho chị ta chồm vào cô đồng. Hồn bảo, giọng hách dịch, trịch thượng: Hỗn nhé, không được gọi ta là em nhé, phải gọi bằng cậu nhé, Nhiêu nhé. Này cậu bảo cho Nhiêu biết này, khi Nhiêu đi ấy mà, hai đứa chúng nó hành hạ cậu ghê lắm nhé. Chúng nó bắt cậu phải quét nhà này, cho chó ăn này, quấy cám cho lợn này, ấy thế mà chúng nó chả cho cậu ăn tí gì. Cậu thù chúng nó lắm, cậu sẽ không cho chúng nó ngẩng mặt lên được đâu. Bây giờ Nhiêu về đây rồi thì cậu lại chơi với Nhiêu như ngày xưa. Người đàn bà có vết sẹo rên ư ử trong miệng, hai tay thõng xuống dựa hẳn vào người đàn ông. Cô đồng đung đưa, chao đảo, hướng mặt về phía người đàn bà gầy, khoé miệng trái nhếch lên làm chiếc răng nanh lộ hẳn ra, trông rất dữ tợn. Người đàn bà gầy thu mình sau lưng Quỳnh. Cô đồng lại nghẹo đầu cố gắng nhìn sang người đàn ông và người đàn ông đưa hai tay lên bưng mặt. Con bé con ghé tai người đàn bà mặt sẹo, giục: Có hỏi gì không? Người đàn bà mặt sẹo sực tỉnh, hỏi nhanh: Em cần gì nói cho chị để chị gửi xuống? Cái mặt phù lắc lư, lờ đờ, giọng vẫn the thé: Gửi cho cậu một con ngựa này, một bộ quần áo này, để cậu còn đi chơi, chứ quanh quẩn mãi một chỗ cũng chán lắm. Người đàn bà mặt sẹo gặng: Có cần tiền không? Con bé con lầu bầu: Ngu thế không biết, phải có tiền mới đi chơi được chứ. Hồn bảo: Tiền thì gửi cũng được, không gửi cũng được. Nhiêu gửi cho cậu một cái gương hình ô van như của Nhiêu ấy, nhưng to hơn. Nhớ nhé. Rồi cậu sẽ bịt mắt bọn phòng thuế cho Nhiêu. Mặt cô đồng xẹp dần xuống, tròng mắt trả dần lại vị trí cũ. Quỳnh thấy rõ ràng đôi môi cô đồng từ từ co lại như dòng nước bị chặn ở đầu nguồn. Em có gặp mẹ không? Người đàn bà mặt sẹo hỏi, giọng hụt hơi. Cô đồng đung đưa chậm dần, thay cho câu trả lời là cái lắc đầu mơ hồ gần như đó là quán tính của cú lắc. Sau hơi thở trút ra, cô đồng rùng mình nhìn quanh. Cái khoảnh khắc ấy Quỳnh thấy cô có vẻ gì đó vừa đáng thương vừa nhân từ. Cả người cô đồng chảy nhão, rũ rượi. Đi rồi. Cô đồng thốt lên mệt mỏi sau đó hất hàm về người đàn bà mặt sẹo: Nhớ hết những lời dặn chưa? Người đàn bà gật đầu. Cô đồng sốc lại vai mình: Hồn này vừa nặng vừa khó tính. Làm lục phủ ngũ tạng người ta đảo lộn hết cả. Chết thật. Người đàn bà gầy giờ mới dám nhô lên, định hỏi gì đó thì cô đồng lừ mắt: Sáng mắt chưa, đời nó có vay có trả hết đấy. Người đàn ông thở khặc khừ trong cổ, lấy thuốc lá ra định châm hút thì con bé con bảo: Cấm hút, cô bị sặc. Người đàn bà mặt sẹo lạng choạng đứng dậy bỏ ra ngoài. Gọi ai? Cô đồng hỏi. Quỳnh ấp úng rồi lắc đầu. Ơ hay chửa, không gọi thì đến đây làm gì? Cô đồng kêu lên nhưng với vẻ mừng rỡ hơn là cáu kỉnh. Quỳnh nói nhanh: Thôi khi khác ạ. Con bé con lại lầu bầu: Điên. Quỳnh đi như chạy ra sân ngồi thụp xuống cạnh người đàn bà có vết sẹo. Không khí thoáng đãng hẳn. Con mèo tam thể lại sán đến cọ tai vào ống quần Quỳnh kêu gừ gừ khoan khoái. Người đàn bà mặt sẹo quay sang hỏi Quỳnh: Sao lặn lội đến đây lại không gọi nữa? Quỳnh cắn môi nhìn lên đỉnh núi sau nhà đáp: Em sợ. Người đàn bà mặt sẹo bảo: Ừ, tôi cũng thấy sợ cô ạ. Đôi mắt đen thẫm của người đàn bà có vết sẹo vụt trở nên xa xôi, một lúc sau chị ta nói tiếp: Dù sao đã đến đây thì cô cũng nên vào gọi cho đỡ áy náy, biết đâu đấy, rồi thì... Người đàn bà buông lửng câu nói, mặt như nước trong bóng râm, hoang hoang, rười rượi. Câu nói chậm rãi chân thành của người đàn bà mặt sẹo khiến Quỳnh nghĩ ngợi, sau Quỳnh mạnh dạn đề nghị: Chị vào với em nhé. Người đàn bà mặt sẹo không nói gì, cũng chẳng nhúc nhích đầu nhưng ánh mắt thì ra chiều đồng ý. Người đàn ông và người đàn bà gầy vừa định bước ra ngoài, thấy Quỳnh và người đàn bà mặt sẹo quay vào thì họ cũng lán lại với vẻ tò mò. Quỳnh đặt vào giỏ mây một tờ năm mươi nghìn, nói cho cô đồng họ tên và ngày mất của Tuân. Còn ngày sinh của hồn, cô đồng hỏi. Vì không nhớ ngày sinh của Tuân cho nên sau một lúc ngập ngừng, Quỳnh chắt lưỡi nói bừa ngày sinh của mình thay vào. Cô đồng cau mày định hỏi thêm nhưng rồi lại bĩu môi lầm rầm khấn. Con bé con lại châm một nắm hương đứng chực sẵn bên cạnh. Cô đồng đưa tay đón lấy bó hương, chụp tấm vải đỏ lên đầu, lắc lư chao đảo và bắt đầu gọi hồn. Khi cô đồng lầm rầm khấn gọi tên Quỳnh thì ruột gan Quỳnh mỗi lúc một thấp thỏm, bứt rứt như đang bị đào bới. Đầu óc Quỳnh lơ mơ dần, cơn buồn ngủ đến mỗi lúc một nặng. Quỳnh cảm thấy rất rõ thân thể mình đang nới rộng, từ từ, chậm chạp cho tới khi bất ngờ có một hình đồng dạng với thân thể nhưng mỏng hơn, trong hơn rút dần ra. Cô đồng kêu ứ hự và láng máng tiếng người nào thốt lên: Về rồi. Ngay sau đó Quỳnh thấy trước mắt là người giống y hệt với mình, cũng má bầu bĩnh, môi cắn chỉ, hai cánh mũi mỏng nhẹ, đều đặn đang ngồi đối diện mình như đối diện với chiếc gương. Quỳnh đê mê, cuống quýt nghĩ không biết Quỳnh nào là Quỳnh đây. Quỳnh này hỏi: Nhận ra mình không? Quỳnh kia trả lời giọng đàn ông hơi khàn khàn: Có, nhưng hơi xanh hơn thì phải. Quỳnh này thú nhận: Đây cũng sờ sợ. Chả biết thế nào nữa, lạ quá. Quỳnh kia thông cảm: Đây cũng sờ sợ. Mà này sao dạo này hay nghĩ ngợi lung tung thế, hại sức khoẻ chết. Quỳnh này cắn môi phân bua: Không nghĩ cũng không xong, đêm nào Tuân cũng về vạch mắt không cho ngủ. Tội ghê cơ. Quỳnh kia đáp lại giọng y hệt cho nên trở thành tiếng vang vọng: Ừ, đêm nào cũng về vạch mắt không cho ngủ thật. Tội ghê cơ. Sau đó Quỳnh kia im lặng một lúc như rời đi đâu đó rồi lại hồi về nói tiếp bằng giọng đàn ông khàn khàn: Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, đang yên đang lành, đi đột ngột thế ai không ức. Quỳnh này giật mình hỏi dồn: Có phải anh không, phải anh Tuân không? Im lặng, ai đó đó trượt ra rất nhanh và Quỳnh kia chuyển giọng chối đây đẩy: Mình đây, mình đây, làm gì có Tuân nào. Quỳnh này thất vọng, lí nhí: Trước hôm Tuân bị tai nạn mình mơ thấy một bà già cầm bó hoa quất vào mặt mình mắng tất cả chỉ tại cái môi cắn chỉ này này. Bó hoa ấy mềm như một cái đuôi mèo. Thế mà mình lại không đoán ra. Quỳnh kia thở dài hùa theo bằng cái giọng ai ái nửa nam nửa nữ: Thế mà mình không đoán ra. Quỳnh này vươn tay về phía Quỳnh kia, Quỳnh kia vươn tay về phía Quỳnh này và mười đầu ngón tay chạm vào nhau, trong đó có năm đầu ngón tay lạnh, năm đầu ngón tay ấm nhưng cũng chẳng phân biệt được cái lạnh hay cái ấm là của Quỳnh này hay Quỳnh kia. Chia tay à? Quỳnh này hỏi, Quỳnh kia gật đầu và ngay tức khắc khoảng cách giữa hai Quỳnh nới rộng ra. Đi nhé. Quỳnh kia nói. Đi đâu đấy? Quỳnh này hốt hoảng hỏi lại. Chẳng biết, đến lúc đi thì phải đi. Nhớ Tuân quá. Thế rồi chiếc gương vô hình vỡ tan, tiếng vỡ trầm trầm tưng tức...

Lời những nhân chứng:

Người đàn bà mặt sẹo: Lúc hồn chuẩn bị về, em thấy mặt cô đồng tái mét, chân tay run lẩy bẩy sau đấy thì em thấy mặt hai người giống nhau như lột, giọng nói thì khác, lúc của đàn ông, lúc của đàn bà, lẫn lộn lung tung beng cả. Khi họ nói chuyện với nhau xong thì cô đồng ngã xuống trước, sau đó mới đến cô Quỳnh.

Người đàn bà gầy: Tôi không để ý lắm chỉ thấy thoạt đầu thì cô ấy bỏ ra ngoài nói chuyện với cô Nhiêu, sau thì quay vào xin gọi hồn. Công an hỏi: Nhiêu có phải là người có vết sẹo ở trán phải không? Người đàn bà gầy trả lời: Vâng, cô ấy là em chồng tôi. Công an lại hỏi: Lúc ở ngoài sân chị có nghe thấy Nhiêu với cô Quỳnh nói gì với nhau không? Người đàn bà gầy lắc đầu: Vợ chồng tôi ra sau nên không nghe thấy gì hết.

Người đàn ông: Hai người rờ vào tay nhau, mặt cô đồng đỏ hồng lên còn mặt cô tên là Quỳnh ấy trắng bạch đi. Khi con mèo từ cửa nhảy bổ vào thì cả hai người ngã xuống cùng một lúc. Công an gặng lại: Có chính xác là ngã cùng một lúc không? Người đàn ông khẳng định: Chắc chắn, chính tôi đỡ lấy cô tên là Quỳnh ấy mà lị. Công an: Khi đỡ lấy cô ấy anh thấy cô ấy lạnh hay còn ấm? Người đàn ông bất giác nhìn lại hai bàn tay mình như tìm lời đáp ở đó rồi nói không được tự tin cho lắm: Hình như lạnh.

Con bé: Cháu đỡ cô cháu nhưng cô cháu nặng quá cho nên cháu với cô cháu cùng ngã, suýt nữa đè phải con mèo. Khổ thế cơ chứ. Công an hỏi: Cháu thấy cô cháu lạnh hay ấm? Con bé thò tay gãi nách: Ấm chứ, ấm hôi hổi ra ấy chứ, cháu nhớ là cháu đỡ tay này này vào cổ cô cháu, cháu thấy nó rất nóng. Công an: Lúc cô gái ấy đi ra không gọi hồn nữa thì cô cháu nói gì? Con bé léo nhéo: Cô cháu nói may con ranh này nó bỏ chứ không thì ngày hôm nay đến tan nát vì nó. Công an lại hỏi: Khi cô Quỳnh quay lại thì sao? Phải khai cho thành khẩn đấy. Con bé tỏ vẻ sợ sệt, môi trên vò môi dưới rồi đổi lại, môi dưới vò môi trên: Cô cháu nhìn thấy chị ấy quay lại thì cô cháu nói với cháu là có khi mày giúp cho tao lần này là lần cuối mất. Cháu hỏi làm sao mà cô lại nói gở thế nhưng cô cháu không trả lời. Chị ấy đặt lễ tờ năm mươi nghìn bị quăn một góc. Mà cháu quên, cô cháu dặn là canh chừng đừng để con mèo nó vào nhà khi hồn về. Cùng với nụ cười khó hiểu của người công an, câu cuối cùng trong lời khai của con bé không được ghi vào biên bản.

Về nguyên nhân cái chết lạ kỳ cùng một lúc của Quỳnh và cô đồng, biên bản pháp y ngày mùng mười tháng tư ghi chung một dòng giống hệt nhau: Tai biến mạch máu não.

Hà Nội 10.2000

© 2006 talawas

Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. Học trường cấp ba Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên. Đi bộ đội từ 1985 đến 1989. Tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khoá 4 năm 1991. Từng công tác tại Đoàn Kịch Quân đội và Nhà xuất bản Quân đội. Hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tác phẩm Những đứa trẻ chết già (tiểu thuyết, 1994), Người đi vắng (tiểu thuyết, 1999), Trí nhớ suy tàn (tiểu thuyết, 2001), Thoạt kỳ thuỷ (tiểu thuyết, 2004), Xa thân (tập thơ), Từ chết sang trời biếc (tập thơ), Thơ Nguyễn Bình Phương (tuyển thơ, 2004).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài