talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 22.01.2006

Nguyễn Nguyên PhướcTruyện ngắn

Babu-sanThuyết tiến hóa ngượcChúng ta là những chàng trai rẻ tiền
Nguyen Nguyen Phuoc
Nhà văn
Nguyễn Nguyên Phước

Ngay từ lần công bố truyện ngắn đầu tay (“Tâm trạng khi điên”, eVăn, 4.9.2004), Nguyễn Nguyên Phước đã gây được sự chú ý đặc biệt nhờ vào phong cách dựng truyện hấp dẫn và một lối văn kể lạnh lùng.

talawas chủ nhật kì 3 xin giới thiệu truyện ngắn “Babu-san”, một sáng tạo mới của Nguyễn Nguyên Phước cùng hai truyện ngắn khác của anh: “Thuyết tiến hóa ngược” và “Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền”. talawas chủ nhật

 

Nguyễn Nguyên Phước

Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền

 

“Cho một cốc nữa đi!” – ông già ngồi trong góc nói giọng lè nhè. Quán rất hẹp, chỉ có đủ chỗ cho sáu người ngồi trên một hàng dài những chiếc ghế cao vẫn thường thấy trong quán bar. Lâm ngồi vào chiếc ghế thứ ba tính từ ngoài vào, nó là cái duy nhất còn trống. Trước mặt anh là một bình rượu thuốc, ngâm đủ các loại củ. Lâm đưa mắt nhìn xung quanh tường, trên đó dán rất nhiều tên món ăn. Tấm rèm vải màu đen che một phần phía trên cửa chính tạo cho anh cái cảm giác dễ chịu như thể vừa bước vào một tửu quán kiểu Trung Hoa đích thực.

Ông chủ quán đưa cho Lâm tờ thực đơn, một cái khăn mặt khử trùng còn nóng hổi, một cốc nước chè và một đĩa đậu quả luộc. Tất cả quán rượu ở đây đều có cùng một kiểu phục vụ với cùng một kiểu khai vị. Lâm gọi một chai bia.

Ông già trong cùng bắt đầu lè nhè. “Thế đấy.” ông ta nói, “Tôi bắt đầu đi làm năm hai mươi hai tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học Osaka. Hồi ấy tôi muốn đi nghỉ mát ở đảo Bahamas. Tôi đã để dành tiền. Tôi lấy vợ, có con, rồi về hưu. Bây giờ tôi vẫn chưa đến Bahamas. Bây giờ tôi chẳng muốn đi đâu cả.”

“Ông ấy say rồi!” ông chủ quán nói và đưa chai bia cho Lâm. “Tuần nào cũng thế. Uống được ba chai bia là say.”

“Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền.” Ông già trong góc tiếp tục lè nhè. Giọng ông ta có cái gì đó hơi hờn dỗi. “Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền.” Ông ta lại tiếp tục kêu lên. “Chúng ta”, ông ta nói rồi dừng lại một lát, cười ha ha, rồi tiếp tục, “những chàng trai rẻ tiền.”

Ngồi phía bên phải Lâm là một người đàn ông trung niên, có lẽ là dân lao động chân tay. Ông ta quay ra bắt chuyện với anh.

“Anh là người Trung Quốc à?”

“Không, người Việt Nam.”

“Thành phố nào vậy?”

“Hà Nội.”

“Hà Nội à? Nơi ấy rất tuyệt.”

“Ông đến rồi à?”

“Chưa. Tôi chưa đến.”

Ông ta cười xòa. Lâm cũng cười theo. Anh thấy thật thoải mái.

“Anh thấy con gái Nhật xinh không?”

“Xinh lắm.”

“Bạn gái anh là người Việt Nam hay người Nhật?”

“Người Việt Nam.”

“Thế à?”

“Vâng.”

“Thế ở Việt Nam người ta có ngủ với nhau trước khi cưới không?”

“Có.”

“Thế à?”

Ông ta dừng lại một lúc rồi bắt đầu kể lể.

“Tôi sinh ra ở Shizuoka. Ngay sát biển. Đứng từ làng tôi có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ. Đã lâu rồi tôi chưa về quê. Sau khi bố mẹ tôi mất, tôi bán nhà và không bao giờ về lại Shizuoka nữa. Thỉnh thoảng trong giấc ngủ tôi vẫn mơ thấy biển. Biển ở chỗ tôi khác ở đây. Cả gió cũng khác. Gió ở chỗ tôi mặn hơn một chút. Chỉ cần hít một hơi là cảm thấy liền.”

Ông ta gọi tiếp một chai bia và không nói chuyện nữa. Có thể ông ta muốn được yên tĩnh, hoặc cũng có thể ông ta đang nghĩ ngợi chuyện gì đó.

Phía bên trái Lâm là một gã còn trẻ, chắc chỉ hơn anh một vài tuổi là cùng. Gã uống bia tì tì và dường như không để ý đến xung quanh. Mặt gã đỏ như cua luộc. Người đàn ông ngồi ngoài cùng hầu như không nói gì. Ông ta uống rất chậm, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn xung quanh, nét mặt buồn bã.

Ông già ngồi góc trong cùng đã xỉn lắm rồi. Ông ta bắt đầu hát. Thật ngạc nhiên là ông ta hát khá hay. Một bài enka nào đấy. Ông ta hát không rõ tiếng nên Lâm chỉ có thể nghe loáng thoáng. Hình như bài hát nói về một cô gái đi trên đường phố có tuyết rơi và nhớ về người yêu đã mất. Khi ông già hát xong, mọi người trong quán đồng loạt vỗ tay, trừ gã trai ngồi bên trái Lâm. Ông già trở nên hào hứng. Ông ta gọi hai chai bia, bảo chủ quán rót cho mỗi người một ly rồi bắt đầu nói lảm nhảm.

“Này, ông bạn già. Cảm ơn vì ly bia nhé.” ông già nhỏ bé ngồi bên cạnh ông ta nói.

“Khi say ông ấy chỉ nói thôi. Không nghe thấy gì hết.”, ông chủ quán nói, “Có hét vào tai ông ấy cũng vô ích thôi.”

“Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền.” ông già ngồi trong góc nói giọng đầy hân hoan như thể ông ta vừa tìm lại được cụm từ đã đánh mất sau một thời gian dài. “Chúng ta rất rẻ tiền.” Ông ta kéo dài từ “rất” một cách sung sướng. “Hết sức rẻ tiền. Rẻ tiền. Hết sức rẻ tiền.”

Ông chủ quán nướng một con mực tươi. Mùi mực nướng hơi khen khét thơm lừng khắp phòng. Ông ta đặt con mực trên đĩa, rắc một ít gừng thái nhỏ lên trên, rồi cắt ra làm sáu khúc. Mỗi khúc cho vào một cái đĩa nhỏ rót sẵn soyu. Ông mời mỗi người một khúc.

“Cái này miễn phí.” ông ta cười hiền lành.

Lâm quết một ít wasabi lên rồi bỏ cả khúc mực nướng vào miệng. Một cảm giác cay xộc lên mũi khiến anh trào nước mắt. Phía trong góc, ông già vẫn tiếp tục lảm nhảm nhưng lúc này giọng ông ta, có lẽ do mệt, đã nhỏ hơn nhiều; nó gần như là những tiếng thì thầm vậy.

Uống xong hai chai bia, Lâm thanh toán tiền rồi bước ra khỏi quán. Trời về đêm lạnh và yên tĩnh. Thật khó mà tưởng tượng được đây là một khu phố náo nhiệt lúc ban ngày. Lâm rảo bước bên lề đường vì không có vỉa hè. Anh cảm thấy có cái gì đó đang mất đi. Ở giữa khu phố lạnh giá này. Ở trên đất nước xa lạ này. Ở trong quán rượu với những người đàn ông đang say. Ở trên con đường với những cột điện thẳng tắp.

Lâm dừng lại bên máy bán thuốc lá tự động, đút tờ một ngàn yên vào. Đột nhiên, có một giọng nói từ phía sau: “Này, chàng trai!”

Lâm giật mình quay lại. Là người đàn ông ngồi cạnh anh lúc nãy trong quán rượu. Ông ta nhe răng cười, vỗ vai anh: “Gambate ne!!! [1] ” Rồi ông ta lảo đảo bước đi trong bóng tối.

Nagoya 01/2006

© 2006 talawas

[1]Cố gắng lên nhé! (Tiếng Nhật)

Nguyễn Nguyên Phước sinh năm 1976 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học (chuyên ngành Điện tử-Viễn thông) và Cao học (chuyên ngành Khoa học Vật liệu) tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện làm Nghiên cứu sinh (chuyên ngành Khoa học Vật liệu) tại Học viện Công nghệ Toyota (Toyota Technological Institute), Nagoya, Nhật Bản.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài