Elfriede JelinekTình ơi là tình
Elfriede Jelinek
Ảnh: Ulla Montan, Stockholm © www.dagerman.se |
"Theo lời Hegel, đàn bà là sự mỉa mai của xã hội. Thông qua những trang viết của bà, truyền thống phụ nữ dị giáo được thịnh hành và nghệ thuật văn chương được mở rộng. Bà không thương lượng với xã hội hay với thời đại của mình, bà cũng chẳng thích nghi với độc giả. Nếu văn học theo định nghĩa là một sức mạnh không uốn mình trước bất cứ điều gì, thì trong thời đại chúng ta, bà là một trong những đại diện chân chính nhất của nó." (Trích Lời vinh danh của Ủy ban Nobel dành cho Elfriede Jelinek, 2004. Lê Quang dịch.)
talawas chủ nhật kì này xin trích đăng phần đầu tiểu thuyết Tình ơi là tình (Die Liebhaberinnen), tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Áo Elfriede Jelinek, qua bản dịch của Lê Quang.
talawas chủ nhật
Elfriede Jelinek
Tình ơi là tình
Lê Quang dịch
I
II
lời nói đầu
bạn có biết xứ sở TƯƠI ĐẸP với thung lũng và núi đồi ở đó?
đứng chắn phía xa xa là những ngọn núi xinh đẹp. xứ sở này có cả chân trời, không nhiều nước có được.
bạn có biết những đồng cỏ, ruộng vườn và đất đai của xứ sở ấy? bạn có biết những ngôi nhà bình lặng và những con người bình lặng trong đó?
giữa đất nước tươi đẹp ấy, những người tử tế đã xây một nhà máy. mái nhôm lượn sóng của nó ngả rạp xuống và tương phản với những cánh rừng lá tán và lá kim xung quanh. nhà máy cúi rạp xuống chân phong cảnh.
mặc dù nó chẳng có lý do gì mà phải rạp xuống.
lẽ ra nó có thể đứng thẳng lên lắm chứ.
may mắn mà nhà máy ở đây, ở một nơi tươi đẹp, chứ không ở nơi nào khác xấu xí.
nhà máy nom như là một phần của phong cảnh tươi đẹp ấy vậy.
trông nó như mọc từ đất này lên, nhưng đâu phải! nhìn từ khoảng cách gần thì người ta sẽ nhận ra: những người tử tế đã xây ra nó, chả có gì tự nhiên sinh ra cả.
và những người tử tế đi ra đi vào nhà máy, rồi họ túa ra phong cảnh, cứ làm như phong cảnh là của họ vậy.
nhà máy và nền đất dưới chân nó thuộc về một chủ sở hữu, đó là một tập đoàn.
tuy nhiên nhà máy vẫn thích những người vui tươi túa vào đó, vì họ làm việc tốt hơn những người không vui tươi.
những người đàn bà làm việc ở đây không thuộc sở hữu của chủ nhà máy.
những người đàn bà làm việc ở đây hoàn toàn thuộc về gia đình họ.
chỉ có ngôi nhà thuộc về tập đoàn, thế là ai cũng hài lòng cả.
những ô cửa sổ bóng loáng và lấp lánh như những chiếc xe đạp và ô tô bên ngoài. cửa sổ do phụ nữ đánh bóng, đàn ông chủ yếu đánh bóng ô tô.
tất cả những ai bước chân đến đất này đều là phụ nữ.
họ may. họ may đồ lót, nịt vú, thỉnh thoảng may cả cooc-xê và quần lót.
thường là phụ nữ cưới chồng hoặc tàn lụi đi theo kiểu nào đó.
nhưng chừng nào họ còn may thì họ vẫn may thôi, thỉnh thoảng họ đưa mắt ra ngoài để thấy một chú chim, một con ong, hay một ngọn cỏ.
thỉnh thoảng họ biết tận hưởng và thấu hiểu thiên nhiên bên ngoài rõ hơn đàn ông.
máy khâu luôn may một đường chỉ mà không thấy chán chường. máy làm đủ phận sự của nó ở nơi người ta đặt nó.
mỗi máy được một cô thợ may có nghề điều khiển. thợ may không thấy chán chường, cô cũng làm đủ phận sự của cô.
khi may cô được phép ngồi. cô có trách nhiệm nặng nề, nhưng không có tầm nhìn tổng thể hay nhìn xa. nhưng thường là có gia đình. thỉnh thoảng tối đến những chiếc xe đạp chở chủ nhân của nó về nhà.
về nhà. những ngôi nhà giữa phong cảnh tươi đẹp, vẫn phong cảnh ấy.
đây là nơi sự thoả mãn sinh sôi, ai cũng thấy.
ai không được phong cảnh làm thoả mãn, người đó được con cái và chồng làm cho thoả mãn hoàn toàn.
ai không được phong cảnh, con cái và chồng làm thoả mãn, người đó được công việc làm cho hoàn toàn thoả mãn.
thế nhưng câu chuyện của chúng ta bắt đầu ở một chốn khác hẳn: ở thành phố lớn.
ở đó có một phân xưởng của nhà máy, hay nói đúng hơn, ở đó là trụ sở chính của nhà máy, và cơ sở ở vùng giáp alps mới là phân xưởng.
ở đây cũng có phụ nữ ngồi may, công việc mà họ thích.
không phải họ may những đồ làm họ thích, mà bản thân công việc may đã đi vào máu của họ rồi.
giờ thì chỉ việc để cho dòng máu ấy chảy ra khỏi người thôi.
đây là một công việc nhẹ nhàng cho đàn bà.
nhiều người may chỉ để tâm một nửa tới công việc, nửa kia phần cho gia đình. một vài người hoàn toàn để tâm đến công việc, nhưng những người như thế không phải là những người làm việc tốt nhất.
ốc đảo tĩnh lặng của đô thị là nơi câu chuyện chúng ta bắt đầu và cũng lại nhanh chóng chấm dứt.
nếu ai đó trải nghiệm số mệnh thì không phải ở đây.
nếu một người có số mệnh thì đó là đàn ông, còn nếu một người chịu số mệnh thì đó là đàn bà.
tiếc thay ở chốn này dòng đời trôi qua mặt ta, chỉ có công việc đọng lại. thỉnh thoảng có ai đó trong đám đàn bà toan nhập vào dòng đời đang trôi để trò chuyện vài câu.
tiếc là dòng đời thường là phóng ô tô đi khỏi, quá nhanh đối với xe đạp. tạm biệt nhé!
khởi đầu
một ngày đẹp trời brigitte hạ quyết định, cô muốn chỉ còn làm một người đàn bà, hoàn toàn là đàn bà, cho một gã tên là heinz.
cô tin là từ nay trở đi những nhược điểm của cô sẽ trở nên đáng yêu, những ưu điểm sẽ được ưu ái.
nhưng heinz chẳng thấy tí gì đáng yêu ở brigitte, còn những nhược điểm của cô chỉ làm gã kinh tởm.
giờ đây brigitte chăm chút sắc đẹp của mình cho cả heinz nữa, vì đã là đàn bà rồi thì không còn đường thoái lui nữa, đàn bà thì phải chăm sóc sắc đẹp chứ. brigitte mong tương lai sẽ cảm tạ cô bằng vẻ ngoài trẻ hơn tuổi, nhưng biết đâu brigitte chẳng hề có tương lai. tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào heinz.
khi trẻ thì người ta bao giờ cũng có diện mạo trẻ trung, già đi rồi thì đằng nào cũng quá muộn. nếu lúc đó nom không trẻ hơn tuổi thì xung quanh sẽ tuyên án không thương tiếc: ai bảo hồi trẻ không lo dùng mỹ phẩm!
vậy thì brigitte đã làm cái việc sẽ rất quan trọng trong tương lai.
khi người ta không có hiện tại thì phải lo trước đến tương lai thôi.
brigitte may nịt vú. nếu may một đường ngắn thì phải may nhiều nhiều, tối thiểu phải là bốn mươi đường may như cách tính lương theo sản phẩm. nếu may một đường dài hơn và phức tạp hơn thì sẽ phải may ít hơn. thật nhân đạo và công bằng.
brigitte có thể kiếm được nhiều chàng công nhân, nhưng cô chỉ muốn duy nhất có heinz, người đang định trở thành doanh nhân.
vật liệu là đăng-ten nylon trên một lớp mút mỏng. nhà máy của cô có nhiều thị phần ở nước ngoài, và nhiều thợ may nữ từ nước ngoài đến. nhiều người thôi việc vì cưới chồng, đẻ con hoặc chết.
brigitte hy vọng đến lúc nào đó sẽ thôi việc để đi cưới chồng và đẻ con. brigitte hy vọng heinz sẽ đưa cô ra khỏi đây.
nếu không được thế thì coi như chết rồi, ngay cả khi cô vẫn còn sống.
tạm thời brigitte chưa có gì khác ngoài cái tên của mình, trong phần tiếp của câu chuyện brigitte sẽ lấy họ của heinz. cái đó quan trọng hơn là tiền bạc và của cải, nó có thể đem lại tiền bạc và của cải.
cuộc sống đích thực, tức là cuộc sống biết lên tiếng khi được hỏi, cuộc sống đích thực ấy là cuộc sống khi được hoàn thành. đối với brigitte thì cuộc sống và công việc như nước và lửa. ở đây chúng ta bàn nhiều hơn đến thì giờ rảnh rỗi.
trong trường hợp cụ thể này, cuộc sống có tên là heinz. cuộc sống đích thực không chỉ mang cái tên heinz, mà chính là heinz.
ngoài heinz ra không còn gì nữa. một cái gì đó hay hơn heinz thì brigitte tuyệt đối không thể với tới được, cái gì đó dở hơn heinz thì brigitte không muốn. brigitte chống cự kịch liệt để khỏi xuống thang, xuống thang đồng nghĩa với mất heinz vậy.
nhưng brigitte cũng biết rằng cô không thể leo thang được, chỉ có heinz hoặc cái gì đó dở hơn heinz hoặc may nịt vú cho đến hết đời. giờ đây may nịt vú mà không có heinz thì cũng đã có nghĩa là hết đời rồi.
brigitte sống, cùng heinz, hay thoát khỏi cuộc đời rồi hết đời, chuyện đó hoàn toàn trông vào tình cờ.
không có định lý nào về việc tạo hoá sẽ định đoạt số phận của brigitte. cô làm gì và cô là ai đều vô nghĩa, chỉ có heinz làm gì và heinz là ai mới có nghĩa.
brigitte và heinz không có chuyện gì. brigitte và heinz chỉ có công việc. heinz sẽ thành chuyện của brigitte, gã sẽ tạo cho cô một cuộc sống riêng, rồi cho cô một đứa con mà tương lai nó mang dấu ấn của heinz và công việc của gã.
câu chuyện của brigitte và heinz không phải là cái gì tuần tự, nó là cái gì đó đột ngột hiện ra (sét đánh!) và tên là tình yêu.
tình yêu đến từ phía brigitte. cô phải thuyết phục heinz là tình yêu cũng đến từ phía gã. gã phải học cách nhận ra rằng gã cũng chẳng có tương lai nếu thiếu brigitte. tất nhiên là heinz có tương lai trong nghề lắp điện. gã có thể có tương lai đó mà không cần brigitte. người ta có thể lắp đường dẫn điện mà đâu cần có sự hiện diện của brigitte. thật thế, thậm chí có thể sống! và có thể đi chơi bowling mà không cần brigitte.
tuy nhiên brigitte có một sứ mệnh.
cô phải thường xuyên làm cho heinz rõ rằng thiếu cô gã sẽ không có tương lai. đó là một nỗ lực lớn. ngoài ra còn phải ngăn chặn heinz tìm thấy tương lai của mình ở một người khác, nhưng chuyện đó ta sẽ nói sau.
một tình cảnh mệt mỏi, nhưng cũng có triển vọng thành công.
một ngày nào đó heinz sẽ hoặc vươn lên thành một doanh nhân cá thể nhỏ với một doanh nghiệp cá thể nhỏ. một ngày nào đó heinz sẽ kiếm ra tiền, brigitte được thu tiền. brigitte muốn được thu tiền do tay người chồng riêng của mình kiếm ra trong doanh nghiệp riêng của gã, mà phần nào đó cũng là doanh nghiệp riêng của cô.
trừ phi một ngày đẹp trời heinz làm quen với một cô nữ sinh học cao hơn, như susi chẳng hạn! trừ phi, xin Chúa thứ lỗi, một ngày đẹp trời heinz cho rằng có ai đó tốt hơn cái mức mà brigitte cả đời không bao giờ đạt tới thì người đó cũng tốt hơn cho gã.
nếu heinz tìm được cái gì tốt hơn thì cũng nên bỏ đó, tốt nhất là gã chớ bắt chuyện làm quen, như thế an toàn hơn.
khi brigitte ngồi bên máy khâu của cô và may đường chỉ chun, cảm nhận thấy lớp mút mềm và đăng-ten cứng của chiếc nịt vú hiệu “hexlein” màu thời trang dưới ngón tay, cô hãi hùng nghĩ đến kẻ nào đó chưa hề tồn tại nhưng biết đâu lại có thể lọt vào mắt heinz như một cái gì đó tốt hơn.
ngay cả khi đang làm việc, brigitte cũng không thấy yên lòng.
thậm chí đang làm việc mà cô vẫn phải làm việc.
lẽ ra cô không cần suy nghĩ trong khi làm việc, nhưng có gì đó trong cô cứ suy nghĩ liên tục.
brigitte không biết làm cho cuộc đời riêng của mình tử tế hơn lên. cái tử tế hơn đó phải do cuộc đời của heinz đem lại. heinz có thể giải phóng brigitte khỏi chiếc máy khâu của cô, việc đó tự brigitte không làm nổi.
nhưng cô không có gì bảo đảm việc đó, vì hạnh phúc là một sự tình cờ chứ không phải định lý hay hệ quả logic của hành động.
brigitte muốn đón nhận tương lai do người khác làm sẵn cho mình. cô không tự làm ra nó được.
chuyện hai người làm quen nhau ra sao thì không quan trọng. chính bản thân hai người ấy cũng không quan trọng. họ cứ như là triệu chứng biểu hiện cho tất cả những gì không quan trọng vậy.
sinh viên nam và sinh viên nữ cũng thường gặp nhau, chẳng khác gì lắm, ngoại trừ giới tính. từ những cuộc hội ngộ ấy nhiều khi sinh ra nhiều chuyện thú vị.
thậm chí đôi khi họ còn có tiền sử dài dài.
mặc dù tiền sử của brigitte quá ngáng trở việc thu vén của cải trong tương lai, song cô vẫn cứ làm quen heinz, bởi một ngày nào đó của cải sẽ sinh sôi trong tay gã.
brigitte là con ngoài giá thú của một ông lái xe đường dài và bà mẹ vẫn may những thứ giống brigitte, nghĩa là nịt vú và nịt lót.
heinz là con trong giá thú của một ông lái xe đường dài và vợ ông, bà có điều kiện ở nhà làm nội trợ.
mặc cho sự khác biệt tày đình ấy, brigitte và heinz vẫn làm quen với nhau.
riêng trong trường hợp này thì “làm quen” đồng nghĩa với “toan lẩn” hay “giữ chặt, không cho lẩn”.
heinz đã học một thứ sau này sẽ mở cửa cả thế giới cho gã - nghề lắp điện.
brigitte chưa bao giờ học hành gì cả.
heinz có chỗ đứng, brigitte có con số không, rơi vào hoàn cảnh ấy cũng chẳng đơn giản. heinz không phải loại người làng nhàng, và nhiều khi người ta phải nhờ cậy đến heinz, như lúc dây điện bị hỏng hoặc lúc người ta cần chút tình yêu. brigitte thì có mặt hay không cũng được, và chẳng ai nhờ cậy đến cô. heinz có tương lai, còn brigitte thì đến hiện tại cũng chẳng có.
heinz là tất cả đối với brigitte, còn công việc hoàn toàn chẳng là gì khác ngoài một nỗi phiền nhiễu đối với brigitte. ai yêu ta, người đó sẽ là tất cả. ai yêu ta, đã thế lại có chỗ đứng nữa, đó là đỉnh cao vòi vọi mà brigitte có thể với được. công việc chẳng là gì cả, vì brigitte đã có nó, tình yêu quan trọng hơn, vì người ta còn phải đi tìm nó.
brigitte đã tìm thấy rồi: heinz.
heinz thường tự hỏi, liệu brigitte có gì đáng khoe không chứ.
heinz thường nghĩ ngợi liệu có nên kiếm một cô khác khả dĩ đem lại thứ gì đó, chẳng hạn tiền hay mặt bằng để thuận tiện mở cửa hàng.
brigitte đem lại một cơ thể.
ngoài cơ thể brigitte, đồng thời còn khối cơ thể khác được tung ra mời. cái duy nhất khả dĩ hỗ trợ brigitte trên con đường này là công nghiệp mỹ phẩm. và công nghiệp thời trang.
brigitte có vú, đùi, mông và hĩm. những thứ đó thì các cô khác cũng có, đôi khi chất lượng còn khá hơn nữa ấy chứ.
brigitte cũng phải chia sẻ tuổi trẻ với những người khác, giống như với nhà máy và tiếng ồn trong đó và xe buýt chật ních, những thứ làm tuổi trẻ của brigitte mòn mỏi.
brigitte ngày càng già đi và càng bớt nữ tính, lực lượng cạnh tranh ngày càng trẻ ra và nhiều nữ tính hơn.
brigitte nói với heinz: em cần một người quan tâm đến em, ở bên cạnh em, được thế thì em cũng quan tâm đến người ấy và luôn ở bên cạnh người ấy.
heinz nói là gã ỉa vào đó.
đáng tiếc là brigitte rất căm heinz.
chẳng hạn như hôm nay. brigitte quỳ trên nền đất lạnh lẽo, trước bồn cầu trong nhà vườn của heinz và bố mẹ gã.
nền nhà này lạnh hơn, lạnh hơn cả mối tình, mối tình nóng bỏng có tên là heinz.
ông bố lái xe đường dài không có mặt, và brigitte giúp một tay làm việc nhà, cũng là khả năng duy nhất để brigitte có thể gây thiện cảm, nghĩa là brigitte vui vẻ tổng vệ sinh bồn cầu với cái chổi cọ cứt. trước đó năm phút cô nói là cô cũng thích làm việc ấy. giờ thì cô không thích làm nữa rồi. cô phát tởm vì chỗ cứt dồn lại của cả tuần trong một hộ gia đình ba người.
heinz sẽ cưới một cô nữ sinh học cao làm vợ, nếu như không cưới một cô thư ký, cô thư ký này hay cô thư ký nọ, song nhất định là một cô vợ chính hiệu, nghĩa là biết sử dụng cái chổi một cách tử tế cùng những ngang trái liên đới của nó.
ở nhà brigitte chẳng động tay động chân, vì làm như thế thì khác gì đầu tư vốn và sức lao động vào một tiểu doanh nghiệp đã bị tiên liệu là hoạt động sập xệ và thua lỗ. không triển vọng. không hy vọng. brigitte đầu tư hay hơn, vào nơi nào có lãi. vào một cuộc sống mới hẳn.
vì brigitte có ít chất xám nên đầu ra không chắc chắn.
nói cho cùng thì các giám đốc khi vạch kế hoạch đã có chất xám trợ lực. brigitte chỉ có đôi bàn tay được đào tạo. thế là hết. nhưng với cánh tay gắn liền vào đó thì chúng làm thay được cho ba người, nếu như chúng buộc phải làm. và chúng buộc phải làm thật. làm cho heinz.
brigitte quỵ luỵ liếm đít cho cho mẹ heinz. ở đó cô cũng không thấy gì khác với chỗ cứt trong bồn cầu mà cô vừa cọ xong. nhưng rồi chỗ cứt này sẽ lui vào quá khứ, và tương lai ở trước ta. không, khi cứt đã vào quá khứ thì ta đã đến với tương lai rồi. trước tiên ta phải tạo cho ta một vị thế để ta ĐƯỢC PHÉP có một tương lai đã. tương lai là một xa xỉ phẩm. làm sao có nhiều được cơ chứ.
tình tiết nhỏ này không định nói lên điều gì hơn là brigitte có thể làm việc, nếu tình cảnh bắt buộc.
và đúng là tình cảnh bắt buộc thật.
ví dụ như paula
ví dụ như paula. paula người nhà quê. cho đến nay cuộc sống nhà quê nó kìm hãm cô - giống như đối với các bà chị là erika và renate, cả hai đã lấy chồng. quên cả hai đi được rồi, tựa hồ như họ không hề có mặt trên thế gian này vậy. với paula thì khác, cô là em gái nhỏ nhất trong bọn và vẫn còn có mặt sờ sờ trên thế giới này. paula 15 tuổi. đã đủ tuổi để được phép suy nghĩ xem sau này sẽ làm gì: nội trợ hay bán hàng. bán hàng hay nội trợ. ở tuổi cô thì các cô gái đồng niên đã đủ tuổi để suy nghĩ xem sau này sẽ làm gì. học hết phổ thông cơ sở rồi, đàn ông trong làng làm thợ rừng hay thợ mộc, thợ điện, thợ lắp ráp, thợ nề, hay vào nhà máy, hoặc đi học nghề thợ mộc, thợ điện, thợ lắp ráp, thợ nề, song rồi thì lại chui vào rừng làm thợ rừng thôi. các cô gái sẽ thành vợ họ. thợ săn là một nghề tốt hơn, du nhập từ bên ngoài. giáo viên và linh mục thì không có, làng chẳng có nhà thờ và trường học. cả nghề trí thức của ông trưởng cửa hàng mua bán cũng từ bên ngoài đến, dưới quyền ông luôn có ba phụ nữ người làng và một cô bé học nghề ở làng đến làm việc. các bà các cô cho đến khi lấy chồng thì vẫn là bán hàng và phụ việc bán hàng, lấy chồng rồi thì cũng hết bán hàng, vì chính họ đã bị bán đi rồi, cô bán hàng kế tiếp sẽ thế vào chỗ họ và tiếp tục bán hàng, cứ thế tuần tự thay đổi.
năm này qua năm khác, một vòng tuần hoàn tự nhiên hình thành: sinh ra và đi làm và gả chồng và đẻ con gái làm nội trợ hay bán hàng, đa số bán hàng, con gái vào làm, mẹ về chầu trời, con gái được gả chồng, thôi việc, tự mình đẻ tiếp con gái, cửa hàng mua bán là vòng tuần hoàn tự nhiên, rau quả trong cửa hàng phản ánh các mùa và đời người với mọi hình thái thể hiện, tấm kính duy nhất trong cửa hàng phản chiếu khuôn mặt chăm chú của những cô bán hàng tập trung đến đây đợi đám cưới và đợi cuộc sống. nhưng đám cưới bao giờ cũng đến một mình, không đến cùng cuộc sống. đã có chồng thì hầu như chẳng bao giờ phụ nữ làm việc ở cửa hàng, trừ khi ông chồng vừa thất nghiệp hay bị trọng thương nặng. nát rượu thì mặc nhiên rồi.
nghề thợ rừng của ông chồng thì nặng nhọc và nguy hiểm, thường xuyên có người đi mãi không về. vì vậy chừng nào còn trẻ họ thi nhau tận hưởng cuộc sống, từ 13 tuổi trở lên là khó có cô gái nào được họ để yên, cuộc chạy đua của cả làng bắt đầu, những cặp sừng được húc cho rụng, nghe ầm ầm khắp làng. tiếng ầm dội qua thung lũng.
cuối thời thanh xuân của mình các chàng trai kiếm một cô vợ chăm chỉ và căn cơ về. tuổi xuân chấm dứt. tuổi già bắt đầu.
đối với phụ nữ là chấm dứt cuộc đời và bắt đầu đẻ con. trong khi đàn ông từ tốn chín chắn và bắt đầu có tuổi và sa vào rượu bia - chả là rượu giữ sức khỏe và ngừa ung thư cho đàn ông - thì vợ họ thường hấp hối kéo dài năm này qua năm kia, lắm khi lâu đến mức họ chứng kiến cả cơn hấp hối của các con gái mình. các bà bắt đầu ghét con gái của mình và muốn để chúng chết càng nhanh càng tốt và cũng chết như chính mình ngày xưa đã từng chết. vì vậy: phải có chồng thôi.
đôi khi có cô con gái không chịu chết nhanh như mẹ muốn, mà thích làm nghề bán hàng và sống thêm vài năm nữa! thích sống cơ! hi hữu còn có trường hợp định làm bán hàng ở thị trấn, nơi có những nghề khác như linh mục, giáo viên, công nhân nhà máy, thợ lắp ráp, thợ mộc, thợ nguội, lại còn thêm cả thợ đồng hồ, thợ làm bánh, hàng thịt, và bán xúc xích! và còn khối nghề nữa. khối lời hứa nữa về một cuộc sống tương lai tươi đẹp hơn.
song chẳng dễ dàng gì mà trói chân được một chàng trai với tương lai tươi đẹp hơn. nghề nghiệp tử tế hơn thì cũng đem lại những thứ tử tế hơn, ai có nghề tử tế hơn thì cũng được đòi người khác phải đem lại cho hắn thứ gì tử tế hơn, tuy vậy người ta không nên chấp thuận, nếu không, cái nghề tử tế hơn đó lại muốn thứ gì tử tế hơn nữa, và chấm hết. thằng thợ phụ cưa thì đợi chứ nghề tử tế hơn thì không bao giờ. hầu như chẳng có cô gái nào từ đó trở về, ngoại trừ về thăm nhà và ẵm một đứa con hoang không bố.
số ít ỏi còn lại thì thỉnh thoảng cũng về thăm nhà để cho bố mẹ xem mặt các cháu, xem bọn nó sống sướng ra sao, chồng thì ngoan ngoãn và có bao tiền nộp hết và chỉ rượu chè tí ti, và bộ bếp mới tinh và máy hút bụi mới và rèm cửa mới và cái bàn trong góc cũng thế và tivi mới, và bộ sofa mới mua thì mới tinh và bếp mới mua thì tuy đã qua sử dụng nhưng cũng như mới, và nền nhà thì tuy đã mòn nhưng lau chùi như mới. và đứa con gái thì vẫn còn như mới, nhưng sắp thành nhân viên bán hàng và chóng già và qua sử dụng. nhưng tại sao nó tránh được tàn tạ, khi mà mẹ nó cũng già và tàn tạ rồi? đứa con gái sắp qua sử dụng rồi, cần phải thế, và phải có ai đó thay thế từ đám linh mục, giáo viên, công nhân công nghiệp, thợ lắp ráp, thợ mộc, thợ nguội, thợ đồng hồ, hàng thịt! và hàng xúc xích! và khối thứ ê hề khác nữa. tất cả lũ ấy liên tục cần đàn bà và cũng sử dụng họ, song chính mình thì không bao giờ chịu mua một bà vợ đã qua sử dụng để sử dụng tiếp cho tàn tạ. không. giờ thì phức tạp rồi. lấy đâu ra đàn bà chưa qua sử dụng khi họ luôn bị sử dụng? không có mại dâm, nhưng có hàng đống trẻ con ngoài giá thú. những cô gái đáng lẽ không được làm chuyện đó thì lại cứ làm, mà thật ra người khác làm chuyện đó với cô chứ, người ta chăm chăm làm chuyện đó với cô, giờ thì cô đứng trơ ra đó và phải tự làm việc, kể cả công việc mà thực ra dành cho đàn ông, và đứa con ở với bà ngoại để chịu sự căm-ghét-cả-mẹ-lẫn-con. phụ nữ qua sử dụng ít khi được lấy, và nếu có thì bởi khách hàng đầu tiên. từ đó trở đi họ suốt đời phải nghe: tôi mà không lấy cô thì chẳng đứa nào lấy, lúc đó thì tự xoay tiền ở đâu ra mà nuôi con, nghĩa là đến phút cuối cùng tôi vẫn lấy cô, giờ thì cô có thể dùng tiền của tôi, sau khi tôi đã dùng tiền mua rượu trước đó rồi, bù lại thì tôi thoải mái dùng cô lúc nào cũng được, nhưng, con gái nhà này thì cấm đứa nào lấy và sử dụng bất hợp pháp, tôi sẽ chú ý để nó đừng giống mẹ nó ngày xưa cho người ta xơi TRƯỚC.
nó sẽ đợi đến khi ai đó lấy nó, rồi sau đó, sau đó nó mới cho phép xơi. nếu mà nó cũng như cô, nghĩa là để bị xơi trước, thì sau đó may lắm lắm mới có ai lấy cho. và may mà con gái nhà này có một người bố như tôi.
cái chết từ từ này khủng khiếp thật. và đàn ông đàn bà cùng nhau chết mòn mỏi, đàn ông trong quãng thời gian ấy còn có lúc nọ lúc kia, hắn canh vợ như con chó xích trước sân, hắn canh vợ trong khi đang chết, và trong nhà thì vợ canh chồng, canh những vị khách đàn bà đến nghỉ hè, canh con gái, canh tiền nội trợ để khỏi bị biến thành rượu. từ bên ngoài, chồng canh vợ, canh những vị khách đàn ông đến nghỉ hè, canh con gái, canh tiền nội trợ để thuổng vài đồng mua rượu. cứ như thế họ đem lại cái chết cho nhau. và đứa con gái thì sốt ruột để rốt cuộc cũng được phép chết, và bố mẹ đã sắm sửa cho cái chết của con gái: khăn lạnh và khăn mặt và khăn lau bát và tủ lạnh đã qua sử dụng. ít nhất thì chết rồi vẫn còn giữ được tươi.
còn paula sẽ ra sao nhỉ? bán hàng hay nội trợ? nói ngần ấy thứ nhưng chớ quên paula là trung tâm câu chuyện, paula sẽ ra sao? chết sớm hay muộn? hay chẳng thèm bắt đầu sống? chết luôn? không thể đợi được vì sau đó sẽ quá muộn, và đẻ con rồi và mẹ chết luôn, thay vì chết sau lễ cưới? KHÔNG! paula muốn học may cơ. chưa bao giờ trong làng này có ai muốn HỌC thứ gì cả. sẽ không ổn đâu. bà mẹ hỏi: paula, mày không thích bán hàng sao, ở đấy có thể sẽ làm quen ai đó, hoặc làm nội trợ sau khi đã làm quen được ai đó?
mẹ nói: paula, mày PHẢI làm nghề bán hàng hoặc nội trợ. paula trả lời: mẹ ạ, hiện tại không có chỗ đào tạo bán hàng còn trống. mẹ nói: thế thì ở nhà, làm nội trợ, giúp tao trong nhà và ngoài chuồng trại và hầu hạ bố mày giống như mẹ hầu bố và hầu cả thằng anh mày khi nó từ ngoài rừng về, tại sao mày lại phải hơn mẹ mày cơ chứ, tao chưa bao giờ là cái gì hơn mẹ tao cả, cũng là nội trợ thôi, vì hồi đó ở đây chưa có nghề bán hàng, và giả sử chẳng may có nghề ấy rồi thì bố tao đã đập chết tao rồi.
bố tao đã nói là tao phải ở nhà và giúp mẹ và hầu bố, khi bố đi làm về, và ra quán mua bia, đường đi về mất tám phút, đi lâu hơn thì tao bẻ cổ mày. và tại sao mày lại phải sướng hơn hả con gái của mẹ? ở nhà thì hơn, và giúp mẹ khi bố và anh gerald về nhà, và có khi tao và bố và anh mày sẽ bẻ cổ mày thật đấy, NGHE CHƯA Hả?
nhưng paula nói, mẹ ơi con không thích, con thích học may cơ. và sau khi học may xong thì con muốn tận hưởng cuộc sống một chút, du lịch italia và mua vé đi xem phim bằng tiền tự kiếm ra, và sau khi được hưởng cuộc sống một chút rồi thì con muốn lần nữa, lần cuối cùng, du lịch italia, và một lần nữa, lần cuối cùng thật mà, mua vé đi xem phim bằng tiền tự kiếm ra, và sau đó con sẽ tìm một tấm chồng ngoan ngoãn, hay không ngoan lắm, như bây giờ càng ngày càng thấy nhiều trong phim, và con muốn cưới và đẻ con. và con yêu chồng yêu con, yêu cùng lúc nữa, đúng thế, yêu! sẽ có hai đứa, một trai một gái. và sau đó thì con uống thuốc ngừa thai để chỉ có hai đứa thôi, một trai một gái, và lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm. và từ giờ con chỉ phải may cho bọn trẻ và cho con, và có một ngôi nhà tự xây với người chồng chăm chỉ.
mẹ nói là tao sẽ nói cho bố và gerald biết. cả đời bà đi xem phim giỏi lắm là ba lần, và phim không hay và không làm bà thích, và bà vui mừng khi về đến nhà. tao chưa đi italia lần nào, chưa bao giờ, xem tivi thú hơn nhiều, trong đó thấy cả thế giới mà không nhất thiết muốn hoặc phải đến đó. hồi bố tao còn sống, tao làm việc cật lực vì ông ấy, sau này tiếp tục làm việc cật lực vì bố mày và thằng gerald, và bây giờ, khi mày đủ tuổi để cùng tao làm việc cật lực thì bỗng dưng mày không muốn nữa mà định học nghề may sạch sẽ. hãy quên chuyện đó đi, trước khi bố và thằng gerald phải ra tay. tao nói cho bố và gerald biết ngay đây. ngay bây giờ!
ý của bố và gerald là trong khi chính họ lao động nặng nhọc bẩn thỉu trong rừng thì paula chớ có chọn nghề thợ may nhàn hạ sạch sẽ để trốn tránh. chớ có tin rằng tránh được bố ghét khi làm cái việc sạch sẽ ấy, trong khi bố ngày xưa phải cưới mẹ vì mày, à, không phải vì mày mà vì chị mày, giờ thì chị mày có gia đình rồi nên không bị nghe chửi. nghĩa là chúng tao đã ghét mẹ mày vì được làm việc nhà sạch sẽ trong khi chúng tao phải làm những việc bẩn thỉu nặng nhọc, nghĩa là trong cơn men chúng tao đã bao nhiêu lần đánh cho mẹ mày thừa sống thiếu chết, nghĩa là chúng tao đã ném đôi ủng bẩn thỉu vào mặt mẹ mày và cái quần bẩn thỉu lên ghế, ném cái quần lao động bẩn thỉu lên bộ ghế đệm hồi-ấy-còn-mới, nghĩa là mày cũng muốn được chúng tao ném đôi ủng bẩn thỉu vào mặt và cái quần bẩn thỉu lên ghế để tí nữa phải đi cọ rửa chứ gì? chúng tao có giây phút nào quên được sự ghét bỏ thành thật và sạch sẽ đối với mẹ con mày không? không. thấy chưa! trừ hôm sinh nhật, lễ thiên chúa giáng sinh hay khi xảy ra tai nạn trầm trọng, vậy mà mày định đi học may!
nhưng paula vẫn tiếp tục ngắm cuộc sống tươi đẹp hơn, bất cứ nơi nào cô túm được nó, bất cứ đâu, trong rạp xem phim hay ở đám khách nghỉ hè, nhưng bao giờ thì cuộc sống tươi đẹp hơn ấy cũng là của người khác, chẳng khi nào của mình.
thỉnh thoảng cô vẫn nói: lương học nghề thì bố mẹ cũng cần chứ, và nghề bán hàng thì thật ra cũng phải học chứ. và áo cưới của con, bố mẹ nghĩ xem, lúc đó thì con tự may lấy áo cưới!!! và con cũng may đồ cho mẹ, và cho bà và cho cô và cho mọi người, tất cả mọi người. và tiết kiệm được khối tiền, và con gặp nhiều người sạch sẽ, và chính con cũng là một trong những người sạch sẽ ấy, vì con tự may áo dài mới cho mình để có thể vừa mắt một người đàn ông tử tế hơn.
và mọi người sẽ nói là con sạch sẽ, và thậm chí có thể được một anh thợ mộc, thợ nề, thợ lắp ráp hay anh hàng thịt lấy làm vợ! hay hàng xúc xích!
và paula ngắm suốt ngày cuộc sống tươi đẹp hơn ấy như một cái gì mà một ngày nào đó cô có thể sở hữu được, mặc dù nó không được tạo ra cho cô.
và, vì cô không đáng phải làm việc nhiều, hay vì ông bố tối đến muốn yên tĩnh, và vì ông không thể giết chết cô được, ngay cả khi ông rất muốn, bởi vì đơn giản là ông quá mệt để nổi đoá lên một lần thứ hai, và vì nói cho cùng thì ông cũng chẳng thèm quan tâm, và vì paula hứa cả trăm thứ, kể cả hứa tối đến giúp mẹ trong chuồng trại, và vì tiền là tiền, cuối cùng paula vẫn cứ được học may.
và kể từ giờ phút đó trở đi, paula nhìn cuộc sống tươi đẹp hơn với cặp mắt khác hẳn, như một thứ gì đó mà người ta thậm chí có thể vớ lấy được, cho dù trước hết người ta phải lên gấu và chiết eo đã.
nghĩa là những năm học nghề của paula bắt đầu trong cuộc sống tồi tệ hơn và sẽ chấm dứt trong cuộc sống tươi đẹp hơn. hy vọng những năm ấy không chấm dứt trước khi chưa kịp chính thức bắt đầu.
và hy vọng là cuộc sống tươi đẹp hơn ấy không rơi vào tay người mà sau khi lên gấu và chiết ly biết đâu lại không mặc vừa nữa!
cái gì sáng lấp lánh lên thế kia?
cái gì sáng lấp lánh như hạt dẻ chín đánh bóng lên thế kia, một ngày đẹp trời heinz tự hỏi trên đường đi làm. đó là mái tóc của brigitte vừa nhuộm xong đấy. chỉ phải chú ý không để thời gian ngấm thuốc quá dài.
heinz tưởng đó là hạt dẻ chín đánh bóng sáng lấp lánh, nhưng giờ thì gã thấy đó là mái tóc của brigitte sáng lấp lánh. heinz ngạc nhiên là số mệnh đã điểm.
em yêu anh, brigitte nói. tóc cô óng ánh trong nắng như hạt dẻ chín, lại còn được đánh bóng nữa. em yêu anh lắm. đó là cảm xúc yêu đương, cảm xúc không sao nén nổi. em cảm thấy như đã luôn biết anh rồi, từ thời thơ ấu đã qua lâu lắm rồi của em. brigitte ngẩng nhìn heinz.
cả heinz cũng đột ngột tràn ngập cảm xúc ấy. ngoài ra gã cũng tràn ngập một nhục cảm mà hắn đã nghe nói đến.
một tình cảnh mới lạ, đồng thời đáng sợ.
heinz muốn thành thợ điện. nếu người ta học chút gì thì sau đó người ta cao giá trước khi học. thêm nữa, người ta cao giá hơn tất cả những ai không học gì cả.
bây giờ sẽ có một chuyện xảy ra với chúng ta, brigitte nói, chuyện mới lạ hơn và khủng khiếp hơn tất cả những gì đã từng xảy ra với chúng ta, mới lạ hơn và khủng khiếp hơn cả vụ tai nạn lao động năm ngoái làm một người bị mất tay: tình yêu. giờ thì em đã biết là em yêu anh và em sung sướng biết được điều ấy. đối với em không có người đàn ông nào khác ngoài anh, heinz ơi, và sẽ không có ai nữa. hay anh nhìn thấy ở đây thêm ai nữa? heinz không nhìn thấy ai, và nhục cảm còn mạnh lên nữa. cặp môi này như là hút hồn mình vậy, heinz nghĩ, nó dụ dỗ, và nó hứa hẹn điều gì. gì nhỉ? heinz ngẫm nghĩ. à, thì ra: nhục cảm.
em yêu anh quá chừng, brigitte nói, tóc cô óng ánh trong nắng như hạt dẻ chín. cặp môi đầy đặn của cô hé mở, tựa như dụ dỗ hay hứa hẹn điều gì. gì nhỉ? em yêu anh đến quặn lòng, tâm hồn đau quặn trong tâm hồn và và thể xác đau quặn trong thể xác. em muốn anh luôn ở bên em, không bao giờ bỏ em, sau lễ cưới em sẽ ở hẳn nhà và chỉ duy nhất tồn tại cho anh và con chúng ta.
công việc của em trong nhà máy đã là gì so với cảm xúc này của tình yêu? chả là gì cả! nó biến mất, và giờ đây chỉ còn cảm giác yêu đương ở lại mà thôi.
heinz định mua một cái quần mốt mới. giờ đây khi gã được yêu thì một cái quần đúng mốt còn quan trọng hơn nhiều. tiếc là lương học nghề cả năm vừa rồi nướng hết trong các buổi cuối tuần ở tiệm nhảy. ở đó cũng đầy nhục cảm, nhưng nhất định ít hơn của brigitte đang hiển hiện trước mắt ở đây.
em cần anh, và em yêu anh, brigitte nói. tóc cô sáng lấp lánh trong nắng như hạt dẻ chín đánh bóng, yêu là một cảm xúc khi người này cần người kia. em cần anh, brigitte nói, để em khỏi phải đến nhà máy nữa, vì thật ra em chẳng cần gì cái nhà máy ấy cả. cái điều em cần, đó là anh và gần gũi bên anh. em yêu anh và em cần anh.
hy vọng là tình yêu ấy cũng mang nghĩa xác thịt, heinz hy vọng. một thằng đàn ông phải vơ tất cả những gì mà hắn có được. rồi một ngày gã cũng phải có nhà đẹp mà dần dà gã tiết kiệm tiền mua, gã cũng phải có con, song cho đến lúc đó gã còn phải biết sống cho ra sống chứ. công việc không phải là tất cả, vì tình yêu là tất cả. đó liệu có phải là tình yêu xác thịt, heinz hỏi.
vâng, heinz, brigitte nói. tóc cô óng ả trong nắng như hạt dẻ chín đánh bóng. bất chợt nó đến với chúng ta, đúng là đột ngột, heinz, ai mà lường được cơ chứ. anh sẽ lo cho em và đền đáp cho tình yêu của em và bù đắp cho em, đúng vậy không heinz?
vì em yêu anh quá đi mất.
heinz vẫn nắm chặt trong tay kế hoạch thăng tiến nghề nghiệp và những khoá đào tạo mà gã sẽ tới học. một tay brigitte nắm lấy tình yêu như một trọng bệnh, tay kia nắm ngôi nhà tương lai và các đồ đạc. brigitte nghe nói là nếu nó như một trọng bệnh thì tốt, brigitte rất yêu heinz, yêu thực sự.
heinz, anh đừng bao giờ bỏ em nhé!
bóp mồm bóp miệng, bố mẹ heinz mua cho con chiếc quần mốt mới. bù lại thì bố mẹ heinz không thích những trò ngớ ngẩn giữa lũ con gái và heinz. họ nói là vì chúng mà heinz có thể làm tan nát con đường công danh tương lai của mình. chẳng phải là bố đã đày đoạ mình cả đời đấy sao? trong gia đình có một cuộc đời tan nát là đủ lắm rồi.
tương lai quan trọng đối với heinz, con người muốn thành đạt. heinz, con người xưa nay chưa đạt được gì trong đời, nói: cuộc đời đâu chỉ có công việc. con chưa học gì và chưa đạt được gì trong đời, do vậy con không thể biết được, ông bố nói. bản thân ông cũng chưa đạt được gì và chưa học gì và đã già.
em yêu anh, brigitte nói, cô không muốn mất gã. người ta có gì là muốn giữ, thậm chí có khi còn muốn được thêm nhiều hơn là đang có. một doanh nghiệp riêng chẳng hạn. cô có thể chăm chỉ lao động phụ vào, lao động thì cô quen rồi.
em yêu anh, brigitte nói, rốt cuộc thì người ta không cần hỏi đó có phải là tình yêu không, vì cô đã biết chắc rồi.
heinz và brigitte giật mình trước cái vĩ đại của cảm xúc này. brigitte còn giật mình hơn heinz, vì cảm xúc thường mang nữ tính nhiều hơn.
nghề nghiệp thì nam tính hơn. nó không làm heinz vui sướng mấy, dù vậy gã muốn và biết tấn tới, tới đâu cũng được. tình yêu thì tuy làm heinz vui sướng hơn, nhưng gã phải cẩn trọng khi bập vào, để nó đừng cản trở đến công danh. những quần áo đúng mốt mà heinz sẽ mua được cho mình bằng đồng lương riêng nhất định sẽ làm gã vui sướng, những quần áo đúng mốt mà heinz sẽ phải mua cho vợ mình nhất định sẽ làm gã ít vui sướng hơn, vì vậy: cẩn trọng!
tình yêu làm brigitte đau đớn, cô đợi heinz gọi điện. sao không thấy? chờ đợi đau đớn lắm. đau đớn vì brigitte khao khát mong heinz. brigitte nói, heinz là cả thế giới của cô. thế giới của brigitte do vậy nhỏ thôi. cô thấy cuộc sống như vô nghĩa khi thiếu heinz, cô thấy cuộc sống cả khi có heinz cũng không nhiều ý nghĩa hơn, nó chỉ có vẻ như có ý nghĩa hơn thôi, ít nhất là có ý nghĩa hơn là công việc của cô ở xưởng may nịt vú.
quay lại đi heinz! em yêu anh, và em cần anh.
heinz cần một cuộc sống bảo đảm. có gì đó trong gã nói: cố lên đi. bố mẹ đầy kinh nghiệm của gã cũng nói thế, tuy họ chưa bước chân ra khỏi nơi họ sống bao giờ.
đừng bao giờ để em cô độc, brigitte cầu khẩn, đời em sẽ vô nghĩa nếu thiếu đời anh.
brigitte phải liệu mà kiếm một ông chồng không rượu chè, phải liệu mà kiếm một căn hộ đẹp, liệu mà kiếm vài đứa con. cô phải liệu mà kiếm đồ gỗ đẹp, rồi sau đó cô phải liệu tìm cách không phải đi làm nữa, rồi trước đó phải liệu trả góp hết tiền chiếc ô tô. rồi cô phải liệu trang trải được mỗi năm một chuyến đi nghỉ tử tế. rồi cô cũng lại còn phải liệu sao cho mọi việc cứ yên ổn như thế mãi.
người ta chỉ sống có một lần, mẹ brigitte nói thế, với bà thì một lần duy nhất ấy đã là quá nặng nề và quá nhiều, vì bà không có chồng.
còn cuộc đời một lần của brigitte thì mãn nguyện, vì heinz đã lấp đầy. tóc cô óng ánh trong nắng như hạt dẻ đánh bóng. brigitte gần như ngất ngây bởi cuộc sống ấy, cuộc sống mà nhờ heinz mà trở nên đẹp hơn mức cô mong đợi. công việc không làm brigitte ngất ngây vì nó đơn điệu. heinz thì lại khác hẳn công việc, gã làm cô ngất ngây.
heinz phải đạt được gì trong cuộc đời đã, trước khi gã bắt đầu được phép nghĩ đến chuyện lập gia đình. brigitte muốn đạt được heinz để sau đó gã được gì cho mình, vì gã có tương lai. tương lai của heinz ở trong ngành điện, nơi gã làm việc. tương lai của brigitte nằm trong heinz. người có chuyên môn giỏi là của hiếm.
chúa ơi, em yêu anh xiết bao, brigitte nói với heinz.
anh cũng cảm thấy cảm xúc ấy, heinz đáp lời. bố gã cảm thấy đau đĩa đệm cột sống vì ông là lái xe đường dài, ông sắp phải chia tay công việc này vì các đĩa đệm cột sống không tuân theo kỷ luật. ông lái xe đường dài nghĩ rằng brigitte chẳng là gì và chẳng có gì. ông nghĩ rằng heinz sẽ là gì và bây giờ đã có gì: tư chất, kiên trì và chăm chỉ. heinz, đừng làm bố thất vọng! bố nghĩ rằng con có thể và được phép ấn định tiêu chuẩn đó.
tốt nhất là heinz chọn một cô vợ có tiền, qua đó gã có thể sớm tự hành nghề và có một doanh nghiệp riêng. mặt mũi xinh xắn như brigitte thường làm ta nhầm, nó là hố chôn công danh đấy. bố mẹ muốn những gì tốt nhất cho heinz. brigitte nhất định không phải là cái TỐT NHẤT.
em yêu anh lắm, brigitte nói, tình yêu của em được hỗ trợ bởi mái tóc óng ánh của em. tình yêu của em còn được hỗ trợ bởi nghề của anh, cái nghề có tương lai. tình yêu của em ngoài ra còn được hỗ trợ bởi chính em là cái đứa chẳng có gì.
bố mẹ heinz muốn gã chú ý đồ thật, mái tóc của brigitte thì không thế. đó là tóc nhuộm. heinz còn quá trẻ để nhận ra đồ thật khi thấy mái tóc. nhận ra đồ thật là việc của bố mẹ, cả đời họ đã làm chuyện ấy. ông bố cảm thấy là đĩa đệm cột sống của mình rất, rất thật, heinz có quyền lựa chọn, vì quả thật gã đã bỏ công học nghề.
cả brigitte cũng rất yêu đồ thật, ví dụ một người chồng thật, sau đó những tấm thảm thật, bộ ghế đệm thật và một quầy rượu nho nhỏ cho gia đình thật.
heinz còn muốn hưởng chút gì trong đời mình. heinz còn có thể hưởng chút gì trong đời mình, chừng nào gã còn sống cùng bố mẹ và tiết kiệm tiền. ngoài ra gã còn quá trẻ để ràng buộc mình. mái tóc brigitte hôm nay lại óng ánh đến nhức mắt. cô yêu heinz đến mức trong cô sẽ có gì tan vỡ nếu heinz ruồng rẫy cô. em yêu anh, cô nói lời đó theo kiểu những nhân vật mà cô yêu thích trong phim, radio, tivi và đĩa hát. anh không biết có đủ kéo dài cả đời không, heinz nói, người đàn ông muốn hưởng nhiều đàn bà, đàn ông nó khác.
nhưng chính vì thế mà em yêu anh, vì anh là một người đàn ông, brigitte nói. anh là đàn ông, đang học nghề, em là đàn bà, không học nghề nào cả. nghề của anh phải đủ cho cả hai ta. dễ như chơi, vì đó là một nghề hay và quan trọng. anh không bao giờ được phép bỏ em, không thì em sẽ chết, brigitte nói.
chết sao nhanh thế được, heinz nói. cùng lắm là lấy một đứa kiếm tiền ít hơn anh sẽ kiếm được trong tương lai.
nhưng chính vì thế mà em yêu anh, vì anh kiếm được nhiều tiền hơn những đứa kiếm ít tiền.
ngoài ra brigitte yêu heinz vì xúc cảm đó ở trong cô, không cưỡng lại được. chấm hết.
tóc cô như hạt dẻ ngon đánh bóng.
anh sẽ suy nghĩ từ giờ đến mai, heinz nói. đó là kiểu hành xử trong cuộc sống kinh tế hiện đại mà anh thông thạo.
em yêu anh lắm mà, brigitte trả lời. ngày mai đã là tương lai, mà tương lai thì em không có.
anh thì đằng nào em cũng không có, heinz nói, vì vậy anh không muốn ở trong hoàn cảnh này của em.
và ví dụ tiêu cực paula vẫn tiếp diễn
lúc nọ lúc kia song song với ví dụ tích cực brigitte, ví dụ tiêu cực paula nhằng nhẵng tiến triển theo.
trời còn tối đen thì ví dụ tiêu cực paula đã mò mẫm tới địa phương láng giềng, gần như có thể gọi là thành phố mà ở đó có thể học được một nghề biết đâu thay đổi cả một đời: nghề thợ may.
ở địa phương láng giềng người ta học cả những thứ vô bổ rất có thể đưa vào con đường lầm lạc: tới rạp phim và quán cà phê.
paula hay được cảnh báo trước hai thứ đó.
ngồi trong quán cà phê thích lắm.
tựa như ta sinh ra cho điều gì tươi đẹp vậy. trong khi ta sinh ra cho một điều tồi tệ: cuộc sống ngang trái tên là công việc nội trợ mà chẳng may thò tay vào là nó cứ đeo đẳng mãi không buông.
paula làm việc tại gia cho thân quyến là những người đem đến cho cô cuộc sống ngang trái nọ.
vậy thì ai còn ngạc nhiên khi trong paula có một khao khát?
thêm nữa, đi trên xe buýt còn một đống trẻ con đến trường và một đống đàn bà đến hàng thịt, hàng xúc xích, hay đến nghĩa trang!
trên xe buýt không có đàn ông nào dưới 70 tuổi, trừ loại đang ốm. đang ốm thì lại không được đi xe buýt, mỗi hình thức nhởn nhơ lập tức được mách lẻo cho thợ cả biết ngay. vì thế cứ đàn ông nào dưới 70 trên xe buýt là hành động bất hợp pháp. đàn ông dưới 70 hợp pháp phóng xe jeep vào rừng sâu cơ.
đám nội trợ trên xe buýt đồng thanh tuyên bố rằng paula thuộc về bọn họ.
trong thâm tâm, paula tự tin rằng mình cao hơn bọn họ.
đám nội trợ trên xe buýt tuyên bố nhấn mạnh rằng paula chẳng hơn gì.
nhưng, tình yêu cao hơn tất cả, tình yêu là thượng hạng, paula đáp lời. paula cao hơn, vì cô sẽ mang trong mình một tình yêu, khi thời khắc chín muồi một ngày nào đó sẽ đến. trước tiên paula cao hơn vì có nghề may, rồi thì cô được tình yêu nâng cấp. tình yêu sẽ thế chỗ cho nghề may. sung sướng quá.
paula giữ chặt chiếc túi da, tử tế hơn những cái túi nylon của các đồng loại. các bà kia giữ chặt kiến thức về cánh đàn ông mà paula chưa có.
đàn ông có thể là đồ chó má, nhưng cũng có thể ngược lại. ngược lại của chó má là gì nhỉ?
bù lại thì đàn ông lao động nặng nhọc suốt cả tuần. thứ bảy là ngày quỵ luỵ vĩ đại. cả làng rung chuyển vì tiếng giập đầu cúi lưng khom vai.
paula nghe tiếng đó thì run lên, cô sẽ hoàn toàn khác, tốt hơn.
ngồi uống cà phê là lúc liếm láp cho lành vết thương và xem vô tuyến. đúng thế, xem vô tuyến! chương trình buổi chiều. những phim hoạt hình vui nhộn mà người ta chỉ hiểu có một nửa vì tốc độ quá nhanh, chúng làm quên đi nỗi đau quặn xé trong bụng.
tuy nhiên một khi nỗi đau trong bụng thò đầu ra như con sâu ngó ra ngoài quả táo thì đã quá muộn, câu thành ngữ cổ có nói rằng đàn bà sinh ra để chịu khổ còn đàn ông sinh ra để làm việc. người này đào sâu vào bụng người kia và trụ lại đó như một ký sinh trùng, sống và ăn ngủ trong đó, người ta gọi đó là hiện tượng cộng sinh.
ngoài ra đám đàn bà trên xe buýt biết hơn paula về tác dụng trị liệu của nỗi đau sinh hạ. sự vượt trội này lớn, nhưng không phải không thể đuổi kịp. trong không khí ngột ngạt vang vang những cuộc trò chuyện về nỗi đau chung chung, về nỗi đau bệnh hoạn của vác nặng, mổ xẻ, tê thấp, sa ruột, sụn lưng, thiên đầu thống hay ung thư. xong rồi họ tranh luận về nỗi đau khoẻ mạnh của sinh đẻ làm cho người phụ nữ sau mỗi lần sinh nở càng sung sức thêm. rồi lập tức không cần gạch nối chuyển ngay sang niềm vui lớn khi có con, kéo theo niềm vui siêu lớn của mấy tuần lễ hồi phục sau khi đẻ.
là nạn nhân của công việc chân tay nặng nhọc, paula học nghề may. may cái yếm thì dễ rồi. còn chậm, nhưng làm được. công việc đụng chạm đến vải làm paula vui. nhưng thường xuyên, cứ khi paula đang phải may một đường may cực phức tạp thì tình yêu lại thọc mũi vào. vì paula trong những giờ giải lao ngày càng biết thêm về tình yêu, nhất là qua các hoạ báo, nên trong thời gian đi làm cô đã biết chuyện giữa đàn ông và đàn bà diễn ra thế nào. ít nhất là mới lạ và khác với những gì cô từng được nghe. những gì cô từng được nghe từ gia đình và các bạn gái. trông mong gì ở những thành phần hạ đẳng ấy chứ! paula có mà phát điên lên nếu bị đánh đồng với những mụ đàn bà trong nhà, những kẻ đầu tắt mặt tối! paula ưa được đánh đồng với bạn gái thân nhất của cô, uschi glas, hay với bạn gái thân nhì của cô, cô vợ tóc vàng xinh đẹp của tay danh ca đen (tóc đen) xinh đẹp chuyên hát nhạc sến.
trong giờ giải lao paula tọng cho no nê tình yêu, lúc làm việc cô lại nôn hết ra. chủ yếu paula bực bội vì tình yêu vừa phải sạch sẽ lại vừa khêu gợi. làm sao tình yêu trong khung cảnh không sạch sẽ và không khêu gợi của cô lại sinh sôi nảy nở được, làm sao cơ chứ?
cái gì sinh ra từ một thứ người ta tưởng tượng ra, thứ mà chẳng hề tồn tại trong thực tế quanh người tưởng tượng? đúng thế: mơ mộng sinh ra từ bối cảnh khốn nạn đó.
như mọi đàn bà, paula mơ về tình yêu.
mọi đàn bà, kể cả paula, mơ về tình yêu.
nhiều người trong số bạn gái cùng học ngày xưa và nữ đồng nghiệp hôm nay của cô đều mơ mộng như thế, có điều là ai cũng tưởng rằng chỉ mình họ sẽ nhận được tình yêu thôi.
ở cái nghề tuyệt đỉnh là bán hàng, trong khi bán hàng thì mỗi ngày tình yêu có hàng trăm cơ may và vận hội để ghé vào. song chỉ có những bà nội trợ dắt con ghé vào, không bao giờ thấy tình yêu. những bà nội trợ ghé vào, ngày xa xưa đã từng biết đến tình yêu, giờ thì họ thương hại và khinh rẻ các cô bán hàng vì các cô phải bán hàng chứ không được hưởng kết quả mỹ mãn nhất của tình yêu, đó là con cái và tiền đi chợ do chồng đưa cho rồi phần lớn lại chi ra phục vụ chồng. đàn bà được bảo trợ khinh rẻ đàn bà không được bảo trợ.
và các cô bán hàng ghét ngược trở lại các bà nội trợ, vì đám này đã tươm tất mọi chuyện trong khi họ vẫn còn cạnh tranh kịch liệt và - thay vì mua đồ gỗ đánh véc ni - tậu những tài sản đầu tư như tất nylon, áo len mỏng và váy mini.
thế đấy, tốn kém quá!
một bầu không khí ghét nhau ngày càng lan rộng trong làng, kéo tất cả vào cuộc, không chừa một ai, đàn bà không tìm thấy sự hoà đồng, chỉ thấy đối nghịch. người nào nhận được chút gì khá khẩm nhờ lợi thế thể xác thì muốn giữ cho mình, giấu những người khác, những người khác muốn cướp mất của họ hoặc được gì hơn thế. đâu đâu cũng chỉ thấy ganh ghét và khinh bạc.
mầm mống ấy đã có từ hồi đi học. chuyện paula nảy ra ý tưởng so sánh tình yêu với hoa, nụ, cỏ và rau là hệ quả của thời đến trường.
chuyện paula gắn tình yêu với nhục dục là hệ quả của các tạp chí mà cô thích đọc. chữ “tình dục” thì cô từng nghe thấy rồi nhưng không hiểu rõ.
chuyện tình yêu chỉ dính dáng đến công việc thì không ai thích nói. paula nhắm mắt cũng biết quấn tã và cho trẻ con ăn. nhưng paula không biết phải ngừa thai ra sao.
nhưng nhắm mắt lại paula cũng biết mấu chốt là gì, duy nhất, đó là cảm xúc.
paula đợi đến khi mình được chọn, đó là mấu chốt. mấu chốt là được một người tử tế chọn.
paula chưa bao giờ được học tự mình lựa chọn và quyết định. tất cả những gì paula trải qua đều ở dạng thụ động chứ không chủ động. điều tối đa mà paula từng trải là cô nói được chữ “không”. người ta cũng chẳng nên nói chữ “không” nhiều quá, vì biết đâu một lúc nào sẽ nói thừa chữ “không”, và trong tương lai hạnh phúc sẽ đi qua mà không gõ cửa nữa.
thỉnh thoảng paula ra sàn nhảy khi có lễ hội. thỉnh thoảng một khách ở sàn nhảy lại dắt paula vào rừng mà không ai được phép nhìn thấy, kẻo mất toi cả giá trị của cô.
vào đến rừng thì họ thọc tay vào vú paula, tệ hơn nữa là vào giữa háng hay vào đít.
người ta đã dạy cho paula định đoạt xem ai được thọc tay vào háng cô. đó là một kẻ có tương lai hay không có tương lai.
đó là một kẻ có tương lai hay một kẻ chân lấm tay bùn?
nếu là kẻ chân lấm tay bùn thì không thể thành số mệnh của paula được. óc của paula đã học cách hoạt động như một máy tính trong những trường hợp ấy. kết quả đây: có vợ, hai con.
vậy thì đẩy bắn hắn ra, chửi bới, la hét, thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện kẻ say rượu và tán tỉnh nọ loạng choạng và đổ kềnh ra.
thỉnh thoảng dẫn đến chuyện hắn đổ kềnh ra, bỏ cuộc và ngủ cho hết cơn men.
cũng thỉnh thoảng hắn cục súc và thô bạo.
nghĩa là không chỉ cứ thế mù quáng hiến dâng cho tình yêu khi tình yêu gõ cửa, mà người ta phải tính toán cho phần đời sau này đôi khi còn tiếp diễn.
người ta phải tính toán cho tương lai còn ở phía trước.
tương lai luôn là người khác, đến từ người khác. tương lai ập xuống ta như trận mưa đá. tình yêu, nếu có, như cơn giông. trường hợp tệ nhất là chẳng có gì xảy ra. nghề may thì phải tự làm.
nghề may thì phải tự làm.
vậy paula lập tức bắt đầu nghĩ, bắt đầu lập chương trình khi có người sờ vào cô. lắm khi giữa chừng, trái với chương trình, nỗi tởm lợm trào lên. tởm lợm muôn năm! nhưng nó bị nén xuống ngay. để paula khỏi có lúc nhầm lẫn mà nén cả tình yêu xuống!
paula sớm học coi cơ thể mình và những gì xảy ra với nó như thể xảy ra với người khác chứ không phải mình. như một dạng cơ thể phụ, của một paula phụ.
mọi hiện hữu từ mơ mộng của paula và mọi âu yếm diễn ra với cơ thể chính của paula. những trận đòn của bố xảy ra với cơ thể phụ. mẹ cô chưa bao giờ biết cách tạo cho mình một cơ thể phụ nên phải hứng hết lên cơ thể chính, vì vậy mà nó mòn mỏi và tàn tạ đến thế.
người ta phải biết cách tự cứu mình. người ta phải tự cứu được mình bằng cách nào đó! khi người ta chẳng sở hữu được gì ngoài công việc, khi người ta toàn bị người khác sở hữu thì phải biết cách tự cứu mình chứ sao.
khi phụ nữ nói đến chồng mình, họ chỉ nói: nhà tôi. NHÀ TÔI, thế thôi, không nói chồng tôi, chỉ nói nhà tôi. với người lạ có thể họ nói: đức lang quân của tôi. với người ở đây họ nói: nhà tôi. paula quan sát nụ cười của kẻ chiến thắng trên môi mẹ và các chị cô khi họ nói: nhà tôi. cơ hội duy nhất để những kẻ bị chiến thắng có được nụ cười của kẻ chiến thắng trong khoé mép.
cô mong có ngày được nói về một người với chữ nhà tôi. về nghề may của mình không bao giờ paula nói: công việc của tôi. về công việc của mình không bao giờ paula nói: việc tôi. trong thâm tâm cũng không. công việc là thứ gì tách hẳn khỏi ta, công việc thì nặng về nghĩa vụ nên do đó nó xảy ra với cơ thể phụ. tình yêu, đó là niềm vui, là sự nhàn nhã, do đó xảy ra với cơ thể chính.
công việc, ngay cả khi người ta thích làm, cũng làm ta khổ. mặc cho mọi vui thú trong nghề may, paula đã nhận ra rằng công việc là một thứ phiền toái, nó chỉ chắn chỗ chứ chẳng đưa lại tình yêu.
giờ thì chỉ một máy trộn bê tông mới lập được trật tự trong đầu. trong tất cả tình yêu thể xác, và trong tất cả tình yêu lý trí đối với các nữ diễn viên phim, các ca sĩ nhạc sến và minh tinh màn ảnh nhỏ.
paula chỉ tiếp nhận, cô không gia chế. như miếng bọt biển không bao giờ bị vắt vậy. miếng bọt biển ngậm ứ nước, có nhểu giọt thừa nào cũng chỉ là ngẫu nhiên. thế thì paula học làm sao được?
học qua dại dột, tất nhiên.
để nên khôn.
brigitte thấy heinz cũng kinh tởm! cả brigitte cũng kinh tởm heinz
brigitte thấy cũng kinh tởm heinz và thân hình thợ điện béo trắng cũng mang tên heinz. dù vậy cô lại cũng vẫn vui, vui lắm, vui cực kỳ khi cô có gã, vì gã là tương lai cô.
các bạn cũng có tương lai à? nói cả câu trọn vẹn đi: tương lai của tớ tên là edi. và một mình brigitte phải thể hiện ra tất cả những cảm xúc của mình bằng sức mạnh cơ bắp. không có hỗ trợ kỹ thuật.
chẳng trách là cô bị đòi hỏi quá sức.
heinz dùng sức mạnh cơ bắp để gây dựng một nghề cho mình.
heinz còn có đầu óc, cái đó cũng phụ thêm vào.
brigitte không tin vào sức mạnh cơ bắp của cô có thể gây dựng nên một nghề nghiệp cho mình, brigitte chỉ đạt nổi tình yêu là cùng.
một hôm, chị của heinz đã lập gia đình cùng với đứa bé đang bú và một đứa nhỏ nữa tới thăm. brigitte luống cuống chạy quanh, tay xách nách mang với cốc chén, đĩa ăn bánh ngọt và bánh ngọt đi kèm. mẹ heinz muốn giấu brigitte đi, hay là giấu trong luống tú cầu?!, vì cô chỉ may quai đeo nịt vú, lúc nào cũng 40 chiếc là ít nhất, đó là định lượng tối thiểu. brigitte thì muốn nhập hội bằng mọi giá, cô muốn neo chắc tương lai của mình trong hiện tại, để không ai có thể nhổ của cô lên được nữa.
nhưng bà mẹ heinz, vốn bản chất phúc hậu, nhìn tương lai của heinz chỉ có mình heinz, một mình heinz và ngôi nhà viễn cảnh của gã mà gã có thể, muốn và sẽ kiếm được cho mẹ, cho bố và nói cho cùng là cho chính gã, bằng tiền từ doanh nghiệp nhỏ của mình. mẹ heinz đã nhìn thấy tất cả như một ảo ảnh trong sa mạc, một tương lai nhẫn nại từng chịu đựng nhiều trước khi ra đời, một tương lai cõng ngôi nhà trên lưng. mọi việc sẽ tốt lành, các con ơi! bà mẹ không thấy bất kỳ ở đâu một chỗ đứng tí tẹo nào cho brigitte, trong bếp cũng không, chỗ của brigitte là dây đeo, dây đeo và dây đeo, đính vào đăng-ten nịt vú, cao su mút và vải chun, nhà của brigitte là nghề may vá học được.
trước tiên phải trang bị một cửa hàng, một việc ngốn mất nhiều tiền, tiền tiết kiệm của một lái xe đường dài. mẹ heinz trước khi thành vợ ông lái xe đường dài, nghĩa là trước đây nhiều nhiều nhiều năm, thậm chí cả trước khi thành mẹ một doanh nhân, cũng đã từng là con số 0 tròn trĩnh, bà tỏ tường tình trạng đó lắm chứ.
nói gì thì nói, bản thân bà ở ngoài cuộc và già rồi. ông bố vẫn trong cuộc và trở thành lái xe đường dài. cho dù đĩa đệm cột sống vĩnh viễn đi tong, ông vẫn nâng được con trai lên vai và vác nó, nâng nó lên yên ngựa, lên cuộc đời doanh nghiệp.
mẹ heinz đẩy brigitte xuống gầm bàn cà phê, nhét cô vào ngăn đựng bát đĩa, brigitte phải trả lại hết, bánh ngọt mà cô vừa bưng, kem váng sữa, chén đựng đường và ấm cà phê. brigitte không được phép giúp một tay.
tự tay bà mẹ, chính bản thân bà bưng lên tất cả, cùng đứa con gái đã có gia đình và mẹ của cháu bà. vừa uống cà phê đàn bà vừa nói chuyện về việc nhà, dụng cụ trong nhà, về người đem tiền về nhà và bọn trẻ.
vừa uống cà phê đàn ông vừa nói chuyện về bóng đá, bóng đá, công việc, tiền nong, và lúc nào cũng bóng đá.
đàn ông không nói về đàn bà vì họ đang có mặt, và có nói về họ hay không thì họ vẫn có mặt.
bà chị đã có chồng của heinz tả lại cảm giác ra sao khi có đứa bé nhỏ nhắn hít thở bên cạnh mình, một chút gì yếu ớt nhỏ nhắn, một sinh mệnh chờ đợi bao lâu nay đã thành hình, đứa bé bú tí mẹ này. thằng bé còn nhỏ tí, nhưng rốt cuộc nó đã đưa cô lên hàng đàn bà.
brigitte cũng thích trao đổi kinh nghiệm, nhưng cô có gì đâu mà trao với đổi.
bà chị heinz kể làm sao để hiến cho ông chồng yêu dấu một đứa con. giờ thì ông ấy có nó rồi, có đứa con xinh xắn.
vụ hiến dâng đã được tiến hành.
một sự kiện tưng bừng.
brigitte rón rén chui ra khỏi tủ đựng bát đĩa, nơi cô vừa tìm bát đĩa mặc dù cô chẳng có tí việc gì ở đấy cả, gia nhập vào vòng chuyện trò mặc dù cô chẳng có tí việc gì ở đấy cả. sau mỗi câu của bà chị heinz cô lại gật đầu đánh ực. cô góp một ví dụ là bây giờ vẫn còn vui vẻ đi mua áo dài đẹp vì heinz, để làm vừa lòng heinz, nhưng rồi sẽ đến lúc cực kỳ vui, khi cô không phải mua áo dài đẹp cho mình nữa, vì lúc đó cô đã thành người mẹ rồi. khi một hay nhiều vụ dâng con đã diễn ra. đó sẽ là kết quả mối tình lớn của cô, đứa con xinh xắn.
phản đối kịch liệt từ phía những người kia, những kẻ vừa sung sướng kể chuyện về trẻ con và đẩy chúng ra đời ra sao.
brigitte cho hay rằng sinh vật nhỏ bé ấy sẽ biến cô thành một người mẹ, rằng heinz không biết chăm trẻ nhỏ vì heinz là đàn ông, rằng cô biết chăm trẻ nhỏ vì cô là đàn bà. sau này heinz sẽ biết yêu trẻ nhỏ, còn brigitte sẽ yêu nó ngay lúc đó và ngay tức khắc.
heinz vẫn luôn luôn nghiêng về hưởng lạc và lờ lãi.
mẹ heinz vẫn luôn luôn nghiêng về cơi nới ngôi nhà nhỏ để hoàn thành cho xong nơi tĩnh dưỡng cho các đĩa đệm cột sống bị tàn phá. trong thâm tâm heinz trù tính đến trại dưỡng lão, sau khi tiền tiết kiệm của lái xe đường dài đã biến thành vôi vữa. trước tiên người ta phải biến số tiền tiết kiệm trong một cuộc đời hữu hạn thành bê tông trường tồn đã. brigitte thì đằng nào cũng theo heinz và theo những gì heinz muốn. thảo nào chuyện của họ chẳng bao giờ đâm hoa kết trái như mong muốn.
ngoài vườn thì thiếu gì hoa, thậm chí có cả trái. ngoài vườn có cả hoa, phải hái chừng nào nó còn đang nở. về mặt này thì bố heinz là người quyết định.
thật ra thì brigitte kinh tởm trẻ nhỏ đang bú. thật ra thì brigitte chỉ thích được vặt trụi những ngón tay măng sữa, đâm cật tre vào những ngón chân nhỏ nhoi yếu ớt và nhồi vào mõm nhân vật chính mới ra đời đống tã lót bẩn thỉu thay vì núm vú cao su yêu dấu, cho nó biết thế nào là khóc với chả lóc.
giá mà những người có mặt biết được quá trình chuyển hoá thành một con yêu tinh đang diễn ra trong brigitte ra sao.
trong giây phút này thì đứa nhỏ đang bú tí của chị heinz đái tồ tồ lên đầu brigitte tội nghiệp, lên mái tóc vừa nhuộm tươi rói, lên sóng tóc phi dê giữ nếp lâu, làm cho mọi người lại cười rộ lên. đúng lúc brigitte đang nâng chiếc thìa mạ bạc lên, cô đứng dậy, và ngón tay cô bất giác quắp lại như móng chim, những ngón tay bình thường ra phải tranh đấu giành lấy mọi thứ.
brigitte không chịu nổi sự hạ nhục trước mặt mọi người. kiểu người như brigitte nhiều khi gục ngã bởi những chuyện vặt.
đã có nhiều chuyện lớn xảy ra, nhưng cũng không làm brigitte gục ngã.
tất cả cười vì trò đùa của đứa nhỏ, kể cả bố heinz là người hầu như không thể cười được nữa. kể cả những đĩa đệm cột sống hôm nay cũng cười theo. hoa trái của tình yêu cười nhiều nhất. cả tình yêu ngự trị trong thế giới nhỏ cũng cười theo. thế giới của brigitte là thế giới nhỏ của tình yêu. cô vỗ đứa bé ướt nhẹp, hoa trái ngoan ngoãn ơi!
mẹ heinz xua brigitte trở lại bếp. đừng hòng nhé, con thợ phụ lại đòi có một hoa trái như thế, lại còn của thằng heinz nhà mình nữa chứ!
trại dưỡng lão hằm hè vẫy chào từ xa, chưa ai nói đến nó nhưng nó vẫn tồn tại.
nó sẽ hiện ra đúng thời điểm thích hợp.
chúng ta tự làm lấy tương lai của mình, mẹ heinz nói. bù lại thì tương lai đó là của chúng ta, của riêng chúng ta mà thôi. con bé tự đi mà làm lấy tương lai của nó. heinz, con trai chúng ta sẽ làm ra tương lai của chúng ta. của chúng ta, của nó, chứ không của ai khác.
tại sao brigitte lại ước muốn cao như thế, gần như cao nhất, nghĩa là muốn thằng heinz nhà ta?
tại sao brigitte lại không hài lòng với cái gì nó có, nghĩa là với con số 0?
những người khác cũng chẳng có gì, mà vẫn hài lòng đấy thôi.
khi người ta hài lòng thì thậm chí con số 0 cũng là cái gì đáng kể.
tại sao brigitte không hài lòng với con số 0 mà nó đang có?
đứa nhỏ giẫm đạp lên mái tóc bồng bềnh của cô.
đứa nhỏ lấy ngón tay tí xíu chọc ngoáy vào mắt, tai, mũi brigitte.
tất cả cười rộ, cả ông bố cau có và gã heinz đầy tham vọng.
niềm hy vọng cười theo, mặc dù một tia hy vọng đã tắt đi.
tương lai không cười được, vì tương lai chưa đến.
hiện tại không cười, vì nó quá nặng nề để cười.
công việc của brigitte lại càng không cười, vì nó ở quá xa.
hôm nay là một ngày vui cho tất cả!
brigitte ngậm bồ hòn làm ngọt và cười phá lên cùng mọi người. rồi cô đi tắm.
răng cô nghiến kèn kẹt vì tức.
khi có nhiều tức tối như vậy thì tình yêu trường tồn nhất cũng phải im tiếng.
cô giật mình lui vào trong vỏ.
heinz vừa chuyển từ tình yêu sang nghĩa vụ nghiêm chỉnh.
từ vui chơi sang công việc.
công việc thì đằng nào brigitte cũng quen hơn.
chị của heinz cười to nhất vì ở vị trí an toàn. chẳng có gì có thể xảy ra với chị ta được, chị ta đã hoàn tất mọi chuyện.
mẹ heinz cười hơi gượng gạo, vì brigitte vẫn chưa chịu rút lui để khỏi cản tương lai sáng sủa hơn của heinz.
vì brigitte vẫn luôn luôn hiện diện và rõ ràng định trụ lại.
hạnh phúc với tất cả mọi người.
Tác giả Elfriede Jelinek sinh năm 1946 tại Mürzzuschlag, Áo, trong một gia đình khá giả có mẹ làm nghề kế toán và bố là một nhà hoá học gốc Séc-Do Thái. Ngày bé bà được gửi đến một nhà trẻ Cơ đốc giáo và sau đó là một trường Dòng. Mẹ Jelinek kỳ vọng con gái mình sẽ trở thành một thiên tài âm nhạc, nên ngay từ nhỏ, cô bé Jelinek đã phải học piano, ghi-ta, sáo, violine và viola. Năm 13 tuổi, Jelinek được nhận vào Nhạc viện Wien và học các môn organ, piano, recorder và sáng tác. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp trung học, bà trải qua cơn khủng hoảng tâm lý đầu tiên. Tuy vậy, bà vẫn theo học vài học kỳ các môn Kịch và Lịch sử nghệ thuật tại Đại học Tổng hợp Wien. Năm 1967, vì luôn bị rơi vào những trạng thái ám sợ, bà phải bỏ học và trong suốt một năm sau đó, bà sống cô lập ở nhà. Thời gian này, bà bắt đầu viết văn. Những bài thơ đầu tay của bà được in ở các tạp chí và nhà xuất bản nhỏ. Sau cái chết của người cha, Jelinek bắt đầu hồi phục tâm lý. Trong phong trào sinh viên năm 1968, Jelinek là người tham gia tích cực. Bà đã từng bỏ nhà sống vài tháng trong một khu quần cư của dân cánh tả, có lúc cùng với Robert Schindel, một nhà văn Áo cấp tiến từng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao. Năm 1971, bà tốt nghiệp môn organ tại Nhạc viện Wien. Năm 1972, bà chuyển tới sống chung với nhà văn Đức Gert Loschütz tại Berlin, nhưng chỉ một năm sau, bà lại quay trở về Wien. Năm 1974, bà gia nhập đảng Cộng sản Áo (KPÖ) và tham gia tích cực vào việc vận động tranh cử cho Đảng cũng như các hoạt động văn hoá cánh tả. Cùng năm này, bà kết hôn với Gottfried Hüngsberg, một nhà soạn nhạc phim, sau chuyển sang nghề tin học. Năm 1975, Jelinek đạt được bước đột phá văn học với tiểu thuyết đầu tay Die Liebhaberinnen (bản dịch của Lê Quang: Tình ơi là tình), tác phẩm được coi là bức biếm hoạ cay độc về quê hương Áo và phụ nữ Áo. Năm 1983, Jelinek gây xì-căng-đan lớn đầu tiên với vở kịch Burgtheater, vở kịch phê phán gay gắt việc nước Áo đã không dám trực diện với quá khứ phát-xít của mình. Từ đây, Jelinek bị số đông trong dư luận Áo xếp hẳn vào loại "ăn cháo đá bát". Cùng năm này, bà cho ra mắt cuốn tiểu thuyết với hơi hướng tự thuật Die Klavierspielerin (bản dịch của Ngọc Cầm Dương: Cô gái chơi dương cầm), cuốn sách sẽ đem lại cho bà giải Nobel. Năm 1989, bà xuất bản tiểu thuyết Lust (tạm dịch: Hứng), một tác phẩm được coi là "porno nữ" (để đối nghịch với porno thông thường - porno nam), một bestseller gây xì-căng-đan âm ỉ. Năm 1991, Jelinek tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản Áo. Năm 1995, sau khi bị đảng Tự do Áo (FPÖ) công kích cá nhân trên một áp-phích vận động tranh cử, Jelinek tuyên bố rút khỏi công luận Áo và cấm tất cả các nhà hát quốc gia Áo diễn kịch của bà.
Tác phẩm: Ngoài ba tiểu thuyết lớn (Die Liebhaberinnen, Die Klavierspielerin, Lust) với những chủ đề: nước Áo với quá khứ phát xít, tuổi thơ bị đè nén, số phận phụ nữ trong chế độ nam quyền, văn hoá porno..., Jelinek còn là tác giả của một tập thơ, nhiều vở kịch, một số kịch bản phim và nhiều tiểu luận phê bình. Ngoài ra, bà còn là dịch giả với những bản dịch tác phẩm của Thomas Pynchon, Georg Feydeau, Eugène Labiche, Christopher Marlowe và Oscar Wilde.
Giải thưởng: Jelinek đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn học uy tín của các nước nói tiếng Đức cho các tiểu thuyết và các vở kịch của bà (Trong đó có Georg-Büchner-Preis năm 1988, giải thưởng văn học lớn nhất của Đức). Năm 2004, bà được trao giải Nobel văn chương.
Website: http://www.elfriedejelinek.com/
Dịch giả Lê Quang sinh năm 1956 ở Hà Nội; 1974, du học ở CHDC Đức; 1980, tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại Bauhaus-Universität Weimar; 1981-1988, làm kiến trúc sư tại Erfurt; từ 1988, thông dịch tự do. Lê Quang là dịch giả của các tiểu thuyết: Người đọc (Der Vorleser của Berndhard Schlink), Tình ơi là tình (Die Liebhaberinnen của Elfriede Jelinek) và Đo thế giới (Die Vermessung der Welt của Daniel Kehlmann).
Các bài liên quan
- Bên đường biên giới, diễn từ Nobel của E. Jelinek
- Bài giới thiệu tác giả được trao giải Nobel Văn học 2004 Elfriede Jelinek
- Elfriede Jelinek: Gõ vào ngôn ngữ
- Dịch giả Lê Quang coi dịch văn học là nghiệp
- Cú sốc lãng mạn và cao cả
- Tiểu thuyết "Tình ơi là tình": Văn chương chuyển ngữ... rợn tóc gáy
- "Tình ơi là tình": dịch đúng vẫn bị phê phán (?)
- Đọc Cô gái chơi dương cầm, bản dịch "Die Klavierspielerin" của Ngọc Cầm Dương