talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Chương 19:
Margarita



[1]

Hãy theo tôi, hỡi bạn đọc! Ai dám bảo với bạn rằng trên cõi đời này không có tình yêu chân chính, thủy chung, bất tuyệt? Hãy để cho người ta cắt cụt cái lưỡi đê tiện của kẻ nói láo kia đi!

Hãy theo tôi, hỡi bạn đọc, chỉ theo tôi thôi, và tôi sẽ chỉ cho bạn thấy một tình yêu như vậy!
Không! Nghệ Nhân đã lầm khi cay đắng nói với Ivan ở trong bệnh viện vào cái thời khắc nửa đêm nọ rằng nàng đã quên anh. Không thể có điều đó được. Nàng, tất nhiên, đã không quên anh.

Trước tiên, chúng tôi xin hé lộ điều bí mật mà Nghệ Nhân đã không muốn cho Ivan biết. Người tình của anh tên là Margarita Nikolaevna. Tất cả những gì Nghệ Nhân nói với nhà thơ đáng thương nọ đều là sự thật hoàn toàn. Anh đã mô tả người tình của mình tuyệt đối chính xác. Nàng rất xinh đẹp và thông minh. Cộng vào đó còn cần phải thêm một điều có thể nói hết sức chắc chắn rằng, rất nhiều phụ nữ sẽ sẵn sàng cho đi bất cứ thứ gì để đổi cuộc sống của mình lấy cuộc sống của Margarita Nikolaevna. Ba mươi tuổi, không con, nàng Margarita là vợ của một chuyên gia rất lớn, người đã từng có được phát minh tầm cỡ quốc gia cực kỳ quan trọng. Chồng của nàng trẻ, đẹp, trung thực, hiền lành và rất yêu quý vợ. Margarita Nikolaevna cùng chồng chiếm riêng toàn bộ tầng trên của ngôi biệt thự tuyệt vời trong khu vườn ở một ngõ nhỏ gần Arbat. Một chỗ mê hồn! Bất kỳ người nào cũng có thể tự mình khẳng định được điều đó nếu như có ý muốn đi đến khu vườn này. Chỉ cần ngỏ lời với tôi, tôi sẽ cho địa chỉ, hướng dẫn đường đi - cho đến tận bây giờ ngôi biệt thự vẫn hãy còn nguyên ở đấy.

Margarita Nikolaevna không thiếu tiền, Margarita Nikolaevna có thể mua tất cả những gì nàng thích. Trong số bạn quen của chồng, nàng thường gặp những người thật thú vị. Margarita Nikolaevna không bao giờ phải mó tay đến chuyện bếp núc. Margarita Nikolaevna chẳng hề biết tới những nỗi kinh hoàng của cuộc sống trong các căn hộ tập thể chung đụng. Tóm lại... nàng là người hạnh phúc chăng? Không lấy một phút nào! Từ khi mười chín tuổi nàng đi lấy chồng và đến ở ngôi biệt thự này tới giờ, nàng không hề biết đến hạnh phúc. Hỡi đức Chúa Trời, hỡi các vị thần linh của tôi! Vậy thì người đàn bà này cần gì? Người đàn bà mà trong đôi mắt luôn âm ỉ cháy một ngọn lửa khó hiểu, nàng phù thủy có một đôi mắt hơi hiếng vào mùa xuân năm đó trang điểm cho mình bằng những bông hoa trinh nữ này muốn gì? Tôi không biết. Tôi không được rõ. Có lẽ nàng đã nói đúng sự thật, rằng cái nàng cần là anh, Nghệ Nhân, chứ tuyệt đối không phải là ngôi biệt thự kiểu gôtích, cũng không phải là khu vườn riêng biệt, cũng không phải bạc tiền. Nàng yêu anh, nàng đã nói đúng sự thật. Thậm chí đến cả tôi, một người kể chuyện trung thực, nhưng là kẻ ngoài cuộc, cũng cảm thấy trái tim đau thắt lại khi nghĩ đến những gì Margarita đã phải trải qua sáng ngày hôm sau, thật may mắn là chưa kịp nói chuyện với người chồng không trở về nhà vào giờ hẹn trước, nàng trở lại căn nhà nhỏ của Nghệ Nhân và thấy anh không còn ở đấy nữa.

Nàng đã làm hết sức để được biết về anh dù chỉ là một điều gì đó, nhưng tất nhiên, cuối cùng vẫn không biết được một tí gì. Thế là nàng quay về ngôi biệt thự và lại tiếp tục sống ở đó.
Nhưng khi lớp tuyết bẩn vừa biến khỏi hè phố và mặt đường nhựa, khi làn gió xao động mùa xuân đượm mùi ẩm mục bắt đầu luồn qua cửa sổ vào phòng, Margarita Nikolaevna lại càng sầu não hơn lúc còn là mùa đông. Nàng thường âm thầm khóc, rất lâu và cay đắng. Nàng không biết mình yêu ai: người sống hay người đã chết? Và những ngày tuyệt vọng càng trôi đi, nàng càng nghĩ - đặc biệt là vào những buổi hoàng hôn - rằng nàng gắn bó với người đã chết.

Cần phải hoặc là quên anh, hoặc là chính nàng cũng chết đi. Bởi vì không thể kéo lê mãi một cuộc sống như vậy. Không thể! Phải quên anh đi, phải quên với bất cứ giá nào! Nhưng khổ một nỗi là nàng không thể nào quên anh được.

“Ðúng, đúng, đúng, lại một sai lầm đúng như vậy!” - Mùa đông, Margarita ngồi bên lò sưởi nhìn ngọn lửa được đốt lên để tưởng nhớ ngọn lửa vào những ngày anh viết về Ponti Pilat, và nói một mình. “Tại sao đêm hôm đó mình lại bỏ anh ấy đi? Tại sao? Ðó quả là một điều ngu xuẩn! Sáng hôm sau mình quay lại, đúng như đã hứa, nhưng muộn mất rồi. Ðúng, mình đã quay lại quá muộn, như Le vi Matvei bất hạnh!”

Tất cả những lời này, tất nhiên, là vô nghĩa, bởi vì thực ra mà nói: Margarita có thể thay đổi được gì nếu đêm hôm đó nàng ở lại chỗ Nghệ Nhân? Chẳng lẽ nàng có thể cứu được anh? Ðúng là nực cười! - chắc chúng ta sẽ thốt lên như vậy, nhưng chúng ta sẽ không làm điều đó trước mặt người đàn bà đang trong cơn tuyệt vọng này.

Vào chính cái ngày xảy ra đủ thứ chuyện rối rắm kỳ quái liên quan đến sự xuất hiện của nhà hắc ảo thuật ở Moskva, vào ngày thứ sáu khi ông dượng của Berlioz bị đuổi lại về Kiev, khi ông trưởng phòng tài vụ bị bắt giữ và còn vô số những chuyện khác cực kỳ ngu ngốc và cực kỳ khó hiểu xảy ra, Margarita tỉnh dậy vào lúc gần trưa trong phòng ngủ của mình có hàng hiên bằng kính dẫn lên tầng lầu cao của ngôi biệt thự.

Lần này tỉnh dậy, Margarita không khóc như thường lệ trước đây, vì nàng tỉnh dậy với một linh cảm rằng cuối cùng rồi hôm nay sẽ xảy ra một cái gì đấy. Linh cảm thấy điều đó, nàng bắt đầu sưởi ấm và nuôi dưỡng nó trong lòng mình, cố giữ làm sao cho nó không biến mất.

“Ta tin - Margarita thì thầm một cách trang trọng - ta tin! Một cái gì đấy sẽ xảy ra! Không thể không xảy ra, bởi thực ra vì cớ gì mà ta phải suốt đời chịu đau khổ. Ta thú nhận rằng ta đã nói dối, đã nói dối, đã đánh lừa và sống một cuộc sống bí mật, giấu kín mọi người, nhưng dù sao cũng không thể vì điều đó mà trừng phạt ta tàn nhẫn đến thế này. Nhất định phải có một cái gì đó xảy ra, vì lẽ thường không thể để một cái gì đó kéo dài vô tận. Và ngoài ra, ta vừa thấy một giấc mơ linh ứng, ta dám đoán chắc điều này.”

Vừa thì thầm những lời đó, Margarita Nikolaevna vừa nhìn lên tấm màn che cửa đỏ thẫm chan hòa ánh nắng, rồi nàng nôn nóng mặc áo quần và đứng chải mái tóc xoăn ngắn trước tấm gương ba cánh.

Giấc mơ mà Margarita thấy trong đêm hôm đó quả thật khác thường. Số là trong suốt mùa đông đau khổ vừa qua, trong mơ nàng không bao giờ gặp Nghệ Nhân. Ðêm đến, anh để cho nàng được yên giấc, và nàng chỉ bị giày vò vào ban ngày mà thôi. Thế nhưng lần này nàng lại mơ thấy anh.

Margarita chiêm bao thấy một vùng xa lạ với cảnh vật buồn thảm, tuyệt vọng dưới bầu trời ảm đạm đầu xuân. Một bầu trời nát ra thành từng mảnh vụn xám xịt, còn phía dưới là đàn quạ bay lặng lẽ. Một cây cầu gỗ gập ghềnh, dưới cầu là con sông nhỏ mùa xuân nước đục, những cây cối tơi tả thê lương, một gốc hoàn diệp liễu cô đơn; còn xa hơn - giữa đám cây cối phía sau mảnh vườn con nào đấy, - là một túp lều gỗ, không hẳn là căn nhà bếp đứng riêng biệt, không hẳn là nhà tắm hơi, không hẳn là cái gì khác có ma quỷ nào biết được. Tất cả chung quanh không có sinh khí và tiêu điều đến mức chỉ muốn treo cổ lên cây hoàn diệp liễu cạnh cầu. Không một hơi gió thoảng, không một bóng mây trôi và không một linh hồn sống. Ðúng là chốn địa ngục đối với con người.

Thế rồi, các bạn hãy tưởng tượng xem, cánh cửa của túp lều gỗ mở toang ra, và anh xuất hiện. Tuy khá xa, nhưng trông anh vẫn rõ. Áo quần tơi tả, không phân biệt được là anh mặc gì. Tóc rối bù, râu không cạo. Cặp mắt có vẻ ốm yếu, bồn chồn. Anh giơ tay vẫy gọi Margarita. Thở dốc trong bầu không khí chết chóc, nàng chạy qua những mô đất đến với anh, và đúng vào lúc đó thì tỉnh giấc.

“Giấc mơ này chỉ có thể một trong hai điều, - Margarita Nikolaevna tự đoán với mình, - nếu như anh ấy đã chết và vẫy gọi mình, thì điều đó có nghĩa là anh ấy đến đón mình, và mình sắp được chết. Ðiều đó là rất tốt, vì như thế sẽ kết thúc những nỗi đau khổ giày vò mình. Còn nếu anh ấy còn sống, thì giấc mơ chỉ có thể có nghĩa là anh ấy nhắc cho mình nhớ về anh ấy! Anh ấy muốn nói rằng chúng mình sẽ còn được gặp nhau. Ðúng, chỉ nay mai chúng mình sẽ được gặp nhau”.

Vẫn còn ở trong trạng thái hưng phấn, Margarita mặc xong quần áo và bắt đầu thuyết phục mình, rằng thực ra tất cả mọi việc đều được sắp đặt hết sức tốt đẹp, cần phải nắm bắt và lợi dụng những thời điểm tốt đẹp như vậy. Chồng nàng đi công tác vắng những ba ngày tròn. Trong suốt ba ngày đêm nàng sẽ được ở một mình, không có ai ngăn cản nàng suy nghĩ về những gì nàng muốn, mơ ước về những gì nàng thích. Toàn bộ năm căn phòng ở tầng trên của ngôi biệt thự, toàn bộ căn hộ này - mà ở Moskva có đến hàng chục nghìn người phải ganh tỵ - đều thuộc toàn quyền nàng sử dụng.

Nhưng khi được tự do trong suốt ba ngày, Margarita đã chọn trong toàn bộ căn hộ sang trọng của mình một chỗ còn lâu mới là tốt nhất. Uống trà xong, nàng vào một căn phòng tối không có cửa sổ, nơi để những chiếc vali và đủ các thứ đồ vật cũ trong hai chiếc tủ lớn. Ngồi xổm xuống sàn, nàng mở ngăn kéo dưới của một trong hai chiếc tủ và lấy từ phía dưới đống lụa mảnh ra cái vật quý giá duy nhất mà nàng có trong đời. Trong tay của Margarita là cuốn an bom bìa bằng da màu nâu, trong đó có một tấm ảnh chụp Nghệ Nhân, cuốn sổ tiết kiệm mười nghìn rúp đứng tên anh, mấy cánh hoa hồng khô nằm ép giữa những tờ giấy mỏng và một phần cuốn vở khổ lớn đánh máy kín chữ, mép dưới bị cháy quăn.

Ôm khối tài sản đó trở về phòng ngủ, Margarita Nikolaevna đặt bức ảnh lên bệ tấm gương ba cánh rồi ngồi gần một giờ liền với cuốn vở đã bị lửa cháy sém đặt trên đầu gối, giở và đọc đi đọc lại đoạn bản thảo sau khi bị đốt không còn cả đầu lẫn cuối:

“Bóng tối từ phía Ðịa Trung Hải kéo đến đã che phủ cái thành phố bị quan tổng trấn căm ghét. Ðã biến mất những chiếc cầu treo [2] nối liền Ðền Thờ với tháp Antoni [3] khủng khiếp, khối đen không đáy từ trên trời cao đã hạ xuống và trùm lên những pho tượng thần có cánh trên đường đua ngựa, lên lâu đài Hasmonei [4] với các lỗ châu mai, lên các bãi chợ, lều quán, ngõ nhỏ, ao hồ. Ðã biến mất Iersalaim - thành phố vĩ đại, dường như nó chưa hề từng tồn tại trên thế giới này...”

Margarita muốn đọc tiếp, nhưng tiếp đó không còn gì cả, ngoài một mép viền giấy cháy đen. Lau nước mắt, Margarita Nikolaevna đặt cuốn vở xuống, tỳ khuỷu tay lên giá gương, và ngồi rất lâu in bóng trong gương, không rời mắt khỏi bức ảnh. Rồi nước mắt khô đi, Margarita cẩn thận xếp kho báu của mình lại, mấy phút sau nó đã được vùi sâu dưới đống giẻ lụa, và tiếng khóa đóng vang lên trong căn phòng tối.

Margarita Nikolaevna đứng trong phòng ngoài mặc áo măng tô để đi dạo. Cô gái Natasa xinh đẹp, người làm công của nàng, hỏi nàng phải làm gì cho bữa ăn trưa. Sau khi nhận được câu trả lời là cái gì cũng được, và để giải trí cho chính bản thân mình, Natasa bắt chuyện với cô chủ, huyên thuyên đủ chuyện có ma quỷ nào biết được những gì, đại loại như tối qua ở nhà hát có một nhà ảo thuật biểu diễn những tiết mục làm mọi người phải há hốc mồm, rồi ông ta phân phát cho mỗi khán giả hai lọ nước hoa ngoại và bít tất chân dài không mất tiền; còn sau đó, khi buổi biểu diễn kết thúc, khán giả ùa ra ngoài phố, và nhìn lại - tất cả đều trần truồng! Margarita Nikolaevna ngã ngồi xuống chiếc ghế trước gương trong phòng ngoài và phá ra cười như nắc nẻ.

“Natasa, sao em không biết xấu hổ, - Margarita Nikolaevna nói, - em là một cô gái thông minh có học; mà trong khi xếp hàng thì mọi người phịa đủ thứ chuyện, còn em lại đi tin họ!”
Natasa đỏ mặt và phản đối lại một cách sôi nổi rằng người ta không hề phịa tí nào, sáng nay tại cửa hàng thực phẩm ở Arbat tự mắt cô đã trông thấy một người đàn bà đi giày đến cửa hàng, nhưng khi đứng bên quầy trả tiền thì đôi giày ở chân chị ta bỗng biến mất, chỉ còn lại đôi tất dài bên trong. Những cặp mắt trố ra: tất trên gót chân chị ta có một lỗ thủng! Còn đôi giày kia chính là của phù thủy từ buổi diễn đêm hôm trước.

«Chị ta cứ thế đi?»

«Chị ta cứ thế đi! - Natasa kêu lên, mặt mỗi lúc một thêm đỏ hơn vì thấy cô chủ không tin mình. - Mà hôm qua, chị Margarita Nikolaevna ạ, công an đã bắt giữ hơn một trăm người. Nhiều phụ nữ sau buổi diễn đó chỉ mặc độc quần lót chạy dọc phố Tverskaia.»

«Tất nhiên, tất nhiên đây là do Daria kể lại, - Margarita Nikolaevna nói, - đã từ lâu chị nhận thấy nó là một con bé bịa chuyện khủng khiếp.»

Câu chuyện buồn cười đó kết thúc một cách bất ngờ và dễ chịu. Margarita Nikolaevna vào phòng ngủ, khi trở ra tay cầm một đôi bít tất dài và một lọ nước hoa. Bảo Natasa rằng nàng cũng muốn làm ảo thuật, Margarita Nikolaevna tặng cho người làm công của mình đôi bít tất cùng lọ nước hoa và nói rằng nàng yêu cầu cô có mỗi một điều, là không đi chỉ có bít tất chạy ngoài phố Tverskaia và không nghe Daria phịa chuyện. Sau khi hôn nhau, cô chủ và người làm công chia tay.

Ngồi ngả lưng trên chiếc ghế tựa mềm êm ái trong xe buýt chạy điện, Margarita Nikolaevna đi dọc theo phố Arbat, khi thì đắm chìm trong các suy nghĩ của mình, khi thì lắng tai nghe những tiếng thì thầm của hai người đàn ông ngồi ở ghế phía trước nàng.

Còn hai người đàn ông nọ, thỉnh thoảng lại lo lắng nhìn quanh xem có ai chú ý nghe họ không, đang thì thầm về một chuyện vớ vẩn nào đó. Một người to con, béo tốt, với đôi mắt lợn hoạt bát, ngồi cạnh cửa sổ nói khẽ với người nhỏ bé ngồi bên cạnh rằng cuối cùng cũng phải lấy vải đen phủ quan tài lại.

«Nhưng không thể như thế được, - kinh ngạc, người đàn ông nhỏ bé thì thào thốt lên, - đó là chuyện chưa từng có... Thế Gieldưbin làm gì?»

Trong tiếng máy đều đều của cỗ xe buýt chạy điện, Margarita Nikolaevna nghe bập bõm những lời vang lên từ cửa sổ:

«Cơ quan hình sự... bê bối... hừ, đúng là quái đản!»

Từ những mẩu rời rạc đó Margarita Nikolaevna cũng gắn kết lại thành một câu chuyện ít nhiều có đầu có đuôi. Hai người đàn ông thì thầm với nhau rằng sáng hôm nay có một người quá cố nào đó - người nào thì họ không nói tên - bị đánh cắp mất đầu! Và chính vì điều đó mà cái tay Gieldưbin nọ bây giờ đang sốt vó lên. Và hai người đàn ông đang thì thầm nói chuyện với nhau trong xe buýt chạy điện này cũng có ít nhiều quan hệ nào đó với người quá cố bị đánh cắp mất đầu.

«Chúng ta có kịp rẽ vào mua hoa không? - người đàn ông nhỏ thó lo lắng hỏi. - Anh bảo hỏa táng vào hai giờ chiều à?»

Cuối cùng thì Margarita Nikolaevna cũng đã chán ngấy việc nghe những lời thì thầm về chiếc đầu bị đánh cắp khỏi quan tài, và nàng mừng vì đã đến lúc xuống xe.

Vài phút sau, Margarita Nikolaevna đã ngồi dưới chân tường điện Kremli trên một chiếc ghế dài, từ đó có thể trông rõ khu Manez.

Margarita nheo mắt nhìn vầng mặt trời rực rỡ, nhớ lại giấc mơ đêm qua của mình, nhớ lại rằng đã một năm trời rồi kể từ khi cũng đúng vào ngày này, giờ này, nàng ngồi bên cạnh anh cũng trên chính chiếc ghế dài này. Và cũng như lần đó, chiếc ví xách đen đặt bên cạnh nàng trên ghế. Ngày hôm nay không có anh bên cạnh, nhưng Margarita Nikolaevna vẫn cứ thầm nói chuyện với anh: “Nếu như anh bị lưu đày đi nơi khác, thì sao anh không cho em biết tin tức về mình? Bởi vì những người khác vẫn có tin kia mà. Anh không còn yêu em nữa ư? Không, chẳng hiểu sao em không tin điều đó. Vậy thì chắc anh đã bị đày đi xa và đã chết... Nếu thế, em van anh, hãy buông tha em, hãy để cho em cuối cùng được tự do sống, hít thở khí trời”. Margarita Nikolaevna tự mình thay anh trả lời mình: “Em vẫn tự do... Chẳng lẽ anh giữ em sao?” Rồi nàng lại cãi lại anh: “Không, sao anh lại trả lời như thế! Không, anh hãy đi khỏi ký ức của em, và lúc đó em sẽ được tự do”.

Mọi người đi ngang qua chỗ Margarita Nikolaevna ngồi. Một người đàn ông liếc nhìn người đàn bà ăn mặc sang trọng, bị cuốn hút bởi sắc đẹp và sự cô đơn của nàng. Anh ta hắng giọng ho và ngồi xuống đầu kia của chiếc ghế Margarita Nikolaevna đang ngồi. Lấy hết can đảm, anh ta lên tiếng:

«Quả là thời tiết hôm nay thật đẹp...»

Nhưng Margarita nhìn anh ta với một vẻ cau có làm anh ta vội đứng dậy và bỏ đi.

“Ðấy chẳng hạn, - Margarita thầm nói với người vẫn xâm chiếm tâm trí nàng, - thực ra tại sao em lại đuổi người đàn ông này đi? Em đang buồn chán, còn cái tay hám gái kia chẳng có gì tồi tệ, họa chăng chỉ có một cái từ “quả là” kia? Tại sao em lại ngồi như con cú một mình dưới bức tường này? Tại sao em bị tách ra khỏi cuộc sống?”

Nàng cảm thấy vô cùng buồn bã, chán nản. Nhưng bỗng nhiên cái đợt sóng mong chờ và hưng phấn lúc sáng lại trào lên ngực nàng. “Ðúng, sẽ xảy ra!” Ðợt sóng xô trào đến lần thứ hai, và nàng hiểu rằng đó là đợt sóng âm thanh. Trong tiếng ồn ào của thành phố mỗi lúc một rõ hơn tiếng trống và tiếng kèn hơi lạc điệu đang đến gần.

Ðầu tiên xuất hiện một người công an cưỡi ngựa đi nước chậm ngang qua hàng rào chấn song của khu vườn, theo sau có ba người công an đi bộ. Tiếp đến là cỗ xe tải chở ban nhạc chậm chạp bò. Rồi một chiếc xe tang trần còn mới lăn bánh rất chậm, cỗ quan tài đặt trên xe chìm lấp trong những vòng hoa, bốn góc có bốn người đứng - một người đàn bà và ba đàn ông. Thậm chí từ xa Margarita đã nhận thấy là nét mặt của những người đứng trên xe tang đưa tiễn người quá cố trên quãng đường cuối cùng có một vẻ ngơ ngác lạ lùng. Ðiều đó đặc biệt thể hiện rõ ở người đàn bà đứng ở góc sau bên trái của cỗ xe tang. Hai tấm má dày của chị ta dường như bị căng phồng lên từ bên trong bởi một điều bí mật nào đó còn lạ lùng hơn, trong cặp mắt húp híp nhảy nhót những tia lửa ranh ma lập lờ. Có cảm tưởng như chỉ thiếu chút nữa là người đàn bà không chịu nổi, sẽ nháy mắt về phía người quá cố mà nói to: “Các anh đã được thấy cái gì tương tự chưa? Ðúng là kỳ quái!” Cũng những khuôn mặt ngơ ngác hệt như vậy ở đám đông đi bộ chừng ba trăm người chầm chậm theo sau cỗ xe tang.

Margarita đưa mắt nhìn theo đám tang, lắng nghe những tiếng trống đều đều gõ một điệu buồn bã “bum, bum” đang khẽ dần ở phía xa, nghĩ thầm: “Một đám tang thật lạ lùng... Và tiếng trống “bum, bum” thật não ruột! Ôi, quả thật ta sẵn sàng trao linh hồn cho quỷ để được biết anh ấy còn sống không? Và cũng thật tò mò, chẳng hiểu người ta đưa đám ai mà với những bộ mặt lạ lùng như vậy?”

«Ðám tang Berlioz Mikhail Aleksandrovich đấy, một giọng đàn ông hơi nặng mũi vang lên bên cạnh, - ông ta là chủ tịch MASSOLIT.»

Ngạc nhiên, Margarita Nikolaevna quay lại và nhìn thấy trên chiếc ghế dài cạnh mình một người đàn ông chắc là vừa lặng lẽ ngồi xuống không tiếng động khi Margarita đang mải nhìn theo đám tang và vô ý nói to lên câu hỏi cuối cùng của mình.

Trong lúc đó đoàn người đưa tang dừng lại, có lẽ là phía trước gặp đèn đỏ vừa bật lên.

«Ðúng thế, - người đàn ông lạ mặt nói tiếp, - tâm trạng của họ thật lạ lùng. Chở người quá cố đi, mà chỉ nghĩ về một điều: không biết cái đầu của ông ta biến đâu mất?»

«Cái đầu nào?» - Margarita hỏi và nhìn kỹ vào kẻ bắt chuyện bất ngờ. Ðó là một người thấp nhỏ, tóc hung màu lửa, với một chiếc răng nanh, áo sơmi trong hồ cứng, bộ vét ngoài bằng vải tốt kẻ sọc, giày đánh vécni và đầu đội mũ bê rê. Cà vạt màu sặc sỡ. Ðiều đáng ngạc nhiên là từ túi áo anh ta, nơi cánh đàn ông thường bỏ khăn mùi soa hoặc bút máy, lại thòi ra một mẩu xương gà đã gặm.

«Vâng, chị biết không, - người đàn ông tóc hung giải thích, - sáng hôm nay, ở hội trường nhà Griboedov chiếc đầu của người quá cố bị đánh cắp mất!»

«Tại sao lại như thế được?» - Margarita bất giác thốt lên hỏi, đồng thời nhớ lại câu chuyện thì thầm nàng nghe được lúc nãy ở trên xe ô tô buýt chạy điện.

«Có quỷ biết tại sao! - người đàn ông tóc hung suồng sã đáp. - Riêng tôi, tôi nghĩ rằng về điều này thì nên hỏi Beghemot. Cái đầu bị cuỗm đi một cách thật khéo léo, khéo léo đến khủng khiếp. Một vụ bê bối ra trò! Và cái chính là không hiểu ai cần cái đầu ấy để làm gì!»

«Xin lỗi, - nàng bỗng kêu lên, - anh nói Berlioz nào? Có phải người hôm nay trong các báo...»

«Chứ còn sao nữa, còn sao nữa...»

«Thế có nghĩa theo sau quan tài là các nhà văn?» - Margarita hỏi và bỗng nghiến răng lại.

«Hiển nhiên là họ rồi.»

«Thế anh có biết mặt họ không?»

«Tất tần tật không sót một ai», - người đàn ông tóc hung đáp.

«Anh làm ơn, - Margarita lại nói, và giọng của nàng bỗng trở nên nặng trịch, - trong số họ có nhà phê bình Latunski không?»

«Làm sao lại không có anh ta được, - người đàn ông tóc hung đáp, - đấy kìa, phía ngoài, hàng thứ tư.»

«Cái người tóc vàng ấy à?» - Margarita nheo mắt, hỏi.

«Tóc màu tro... Chị thấy không, anh ta đang ngước mắt lên trời.»

«Người giống như cha đạo?»

«Ðúng, đúng!»

Margarita không hỏi thêm gì, chằm chằm nhìn kỹ Latunski.

«Còn chị, như tôi thấy, - người đàn ông tóc hung mỉm cười, hỏi, - chị căm thù cái tay Latunski này lắm à?»

«Tôi căm thù một số người nữa, - Margarita trả lời qua kẽ răng, - nhưng nói về điều đó chẳng thú vị gì.»

Ðám tang đến lúc này đã đi tiếp, theo sau những người đi bộ là một đoàn xe hơi phần lớn trống không.

«Ðúng thế, tất nhiên, chẳng có gì là thú vị cả, chị Margarita Nikolaevna ạ.»

Margarita ngạc nhiên:

«Anh biết tôi sao?»

Thay vào câu trả lời, người đàn ông tóc hung gỡ chiếc mũ bê rê của mình xuống và cầm trên tay duỗi ra xa làm điệu bộ chào.

“Ðúng là một bộ mặt kẻ cướp!”- Margarita nhìn kỹ vào người nói chuyện với mình và nghĩ bụng.

«Còn tôi không biết anh», - nàng khô khan nói.

«Làm sao mà chị biết tôi! Thế nhưng tôi lại được phái đến gặp chị có việc.»

Margarita tái người, ngồi lùi ra xa.

«Ðáng lẽ anh phải nói thẳng ngay ra như vậy, - nàng cất tiếng, - chứ không phải lảm nhảm có ma quỷ nào biết về đầu với cổ nào! Anh muốn bắt tôi phải không?»

«Ðâu có! - người đàn ông tóc hung kêu lên, - mà làm sao lại thế: hễ cứ mở miệng ra là nhất thiết phải bắt với bớ! Chỉ đơn giản là có một việc thôi.»

«Tôi không hiểu gì cả, có việc gì?»

Người đàn ông tóc hung nhìn quanh và bí ẩn nói:

«Tôi được sai tới mời chị tối nay đến chơi.»

«Anh lảm nhảm cái gì thế, đến chơi đâu?»

«Ðến chỗ một người nước ngoài danh tiếng», - người đàn ông tóc hung nheo mắt, nói với vẻ trang trọng.

Margarita nổi giận thực sự.

“Lại xuất hiện một giống ma cô đường phố mới”, - Margarita nói và đứng dậy để bỏ đi.

“Lời cảm ơn cho những việc như thế này là vậy đấy - người đàn ông tóc hung tự ái thốt lên và lẩm bẩm ném theo lưng Margarita đang bỏ đi: - Ðồ ngốc!”

“Ðồ đểu!” - nàng quay lại trả miếng, và liền đó nghe thấy giọng của người đàn ông tóc hung vang lên sau lưng:

“Bóng tối từ phía Ðịa Trung Hải kéo đến đã che phủ cái thành phố bị quan tổng trấn căm ghét. Ðã biến mất những chiếc cầu treo nối liền Ðền Thờ với tháp Antoni khủng khiếp.... Ðã biến mất Iersalaim - thành phố vĩ đại, dường như nó chưa hề từng tồn tại trên thế giới này... Cầu cho chị mất tăm mất dạng đi với quyển vở cháy rụi và bông hồng héo khô của chị! Ngồi ở đây một mình trên ghế dài và cầu xin để anh ta cho chị tự do thở hít khí trời, để anh ta đi khỏi ký ức!”

Mặt trắng bệch, Margarita quay lại chỗ chiếc ghế dài. Người đàn ông tóc hung nheo nheo mắt nhìn nàng.

“Tôi không hiểu gì cả, - Margarita Nikolaevna cất tiếng khe khẽ, - về quyển vở thì còn có thể biết... xem trộm... Natasa đã bị mua chuộc rồi à? Phải thế không? Nhưng làm sao anh có thể biết những ý nghĩ của tôi? - nàng nhăn mặt đau đớn và hỏi thêm: - Anh hãy nói đi, anh là ai? Anh ở cơ quan nào?”

“Ôi, buồn quá, - người đàn ông tóc hung càu nhàu và cất tiếng nói to hơn: - Xin lỗi, tôi đã nói với chị rồi, là tôi không ở một cơ quan nào cả! Mời chị ngồi xuống đây.”

Margarita lập tức nghe theo, nhưng tuy vậy nàng vẫn hỏi thêm một lần nữa:

“Anh là ai?”

“Thôi được, thôi được, tôi là Azazello, nhưng dù sao điều đó vẫn không nói gì với chị cả.”

“Nhưng anh có thể nói cho tôi biết từ đâu mà anh biết về quyển vở và về những ý nghĩ của tôi?”

“Tôi không nói”, - Azazello khô khan đáp.

“Nhưng anh biết một điều gì đấy về anh ấy chứ?” - Margarita khẩn khoản thì thào.

«Cứ tạm cho là có biết. »

«Tôi cầu xin anh: anh hãy nói cho tôi biết một điều, anh ấy còn sống chứ? Xin anh đừng hành hạ tôi nữa.»

«Còn sống, còn sống», - Azazello đáp một cách miễn cưỡng.

«Lạy Chúa!»

«Xin chị chớ xúc động và la hét ồn ào», - Azazello cau mày nói.

«Xin lỗi, xin anh tha lỗi, - giờ đã trở nên nhẫn nhục, Margarita bối rối nói, - tất nhiên, tôi đã giận anh. Nhưng, chắc anh cũng đồng ý là khi ở ngoài đường, người ta mời một người đàn bà đi đâu đó... Tôi vốn không có định kiến, xin cam đoan với anh, - Margarita cười khẩy không vui, - nhưng tôi chưa bao giờ gặp một người nước ngoài nào, tôi cũng chẳng có ý muốn quan hệ với họ... và ngoài ra, chồng của tôi... Bi kịch của tôi là ở chỗ tôi đang sống với người tôi không yêu, nhưng tôi cho rằng làm hỏng cuộc đời anh ấy là một việc xấu xa. Ở anh ấy tôi chưa hề thấy một cái gì khác ngoài lòng tốt.»

Azazello nghe những lời rời rạc đó với vẻ buồn chán ra mặt rồi nói một cách nghiêm khắc:

«Ðề nghị chị im lặng một phút.»

Margarita nhẫn nhục vâng lời.

«Tôi mời chị đến gặp một người nước ngoài tuyệt đối an toàn. Và sẽ không một ai biết về cuộc viếng thăm này. Tôi xin bảo đảm với chị như vậy.»

Thế tôi cần cho ông ta để làm gì?» - Margarita ngọt ngào hỏi.

«Về điều đó chị sẽ biết sau.»

«Tôi hiểu... Tôi cần phải hiến thân cho ông ta», - Margarita trầm ngâm nói.

Nhưng nghe xong, không hiểu sao Azazello cười khẩy một cách kênh kiệu và trả lời như sau:
«Bất kỳ một người đàn bà nào trên thế giới, tôi có thể đoan chắc với chị, đều mơ ước về điều đó, - nụ cười nhạt làm cho khuôn mặt của Azazello méo xệch, - nhưng tôi xin làm chị thất vọng: điều đó sẽ không xảy ra.»

«Người nước ngoài nào mà như thế?! - trong cơn bối rối, Margarita thốt lên to đến nỗi những người đi ngang qua chiếc ghế dài lúc đó đều quay lại nhìn về phía nàng, - và tôi đến gặp ông ta thì được lợi ích gì?»

Azazello cúi xuống bên nàng và thì thầm đầy ngụ ý:

«Ấy, lợi ích lớn lắm đấy... Chị sẽ có cơ hội...»

«Cái gì? - Margarita thốt lên, và nàng tròn mắt: - Nếu như tôi hiểu đúng anh, có phải anh muốn nói rằng ở đó tôi có thể được biết về anh ấy?»

Azazello im lặng gật đầu.

«Tôi sẽ đi! - Margarita quả quyết thốt lên và chộp lấy cánh tay Azazello. - Tôi sẽ đi, đến đâu tôi cũng đi!»

Azazello thở ra nhẹ nhõm, ngả người, lấy lưng che khuất chữ “Niura” to tướng khắc trên thành ghế, và cất giọng mỉa mai:

«Cái đám đàn bà này thật khó hiểu! - anh ta thọc tay vào túi quần và duỗi dài cặp chân ra phía trước. - Chẳng hạn, tại sao người ta lại sai tôi đi làm việc này? Cứ để cho Beghemot đi có hơn không, hắn ta có duyên...»

Margarita mỉm cười méo mó và thảm hại, nói:

«Anh hãy thôi phỉnh phờ và hành hạ tôi bằng những chuyện mập mờ bí ẩn của anh đi... Tôi là một người bất hạnh, và anh lợi dụng điều đó. Tôi đang dây vào một chuyện kỳ quái nào đây, nhưng tôi xin thề là chỉ vì anh dụ dỗ tôi bằng những lời về anh ấy! Những chuyện khó hiểu này làm đầu óc tôi cứ quay như chong chóng...»

«Ðừng có làm trò như vậy, - Azazello nhăn mặt đáp, - cần phải hiểu cho tình thế của tôi chứ. Ðấm vào mõm tay trưởng phòng hành chính quản trị, hay tống cổ ông dượng ra khỏi nhà, hay bắn gục một kẻ nào đó, hay những chuyện vớ vẩn đại loại như thế, - đó mới là chuyên môn của tôi. Còn nói chuyện với những người đàn bà đang yêu - xin kiếu! Ðấy, đã hàng nửa giờ nay tôi đánh vật với chị. Thế chị đi chứ?»

«Tôi sẽ đi», - Margarita đáp một cách đơn giản.

«Nếu thế, xin phiền chị cầm lấy, - Azazello nói và rút từ trong túi ra một hộp tròn bằng vàng, trao cho Margarita. - Mà chị cất ngay đi, kẻo người qua đường nhìn thấy. Nó sẽ cần cho chị đấy, Margarita Nikolaevna ạ. Nửa năm qua, chị đã già đi nhiều vì đau khổ. (Margarita đỏ mặt lên, nhưng không nói gì, còn Azazello vẫn tiếp tục.) Tối hôm nay, đúng chín giờ rưỡi, chị cởi hết áo quần, thoa thứ kem này lên mặt và toàn thân. Sau đó chị hãy làm gì chị muốn, nhưng đừng rời khỏi điện thoại. Vào mười giờ, tôi sẽ gọi điện nói cho chị biết tất cả những gì cần thiết. Chị sẽ không phải lo gì hết, người ta sẽ đưa chị đến nơi cần đến, và người ta sẽ không làm chị phải lo lắng. Chị hiểu chưa?»

Margarita im lặng một lát, rồi đáp:

«Tôi hiểu rồi. Cái vật này bằng vàng nguyên chất, qua độ nặng của nó, tôi biết ngay. Thôi được, tôi hiểu rất rõ là người ta mua chuộc tôi và lôi kéo tôi vào một chuyện đen tối nào đấy mà tôi sẽ phải trả giá rất đắt.»

«Cái gì thế này? - Azazello gần như rít lên. - Chị lại cứ trò cũ?»

«Không, khoan đã!»

«Trả lại hộp kem đây!»

Margarita siết chặt hơn cái hộp trong tay và nói:

«Không, khoan đã... Tôi biết là tôi đang làm gì. Nhưng tôi làm tất cả mọi chuyện vì anh ấy, vì rằng trên đời này tôi không còn hy vọng vào một cái gì khác. Nhưng tôi muốn nói cho anh biết, rằng nếu như anh làm hại tôi, anh sẽ phải xấu hổ! Ðúng, sẽ phải xấu hổ! Tôi sẽ chết vì tình yêu!» - và lấy tay đấm vào ngực mình, Margarita ngước mắt nhìn lên mặt trời.

«Ðưa trả đây, - Azazello rít lên giận dữ. - đưa trả đây, thế là hỏng hết cả rồi. Cứ để người ta sai Beghemot đến.»

«Ô không! - Margarita kêu to làm cho những người qua đường ngạc nhiên. - Tôi đồng ý tất cả, tôi đồng ý làm cái trò hề kia với hộp kem này, tôi đồng ý đi với quỷ sứ đến tận cùng trời cuối đất. Tôi không trả!»

«Cha!» - Azazello chợt hét lên, và trố mắt nhìn về phía hàng rào khu vườn, đưa ngón tay chỉ đi đâu đó.

Margarita quay về hướng Azazello chỉ, nhưng không thấy có cái gì đặc biệt cả. Khi nàng quy lại phía Azazello, toan hỏi về cái tiếng kêu “Cha!” vô nghĩa đó, nhưng không còn ai để hỏi nữa: người đối thoại bí ẩn của Margarita Nikolaevna đã biến mất. Margarita vội thò tay vào chiếc ví xách nàng vừa cất giấu hộp kem vào trước khi vang lên tiếng kêu của Azazello thì thấy nó vẫn đang còn ở đấy. Thế rồi, không ngẫm nghĩ về một điều gì khác, Margarita vội vã chạy khỏi khu vườn Aleksandrovski.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Margarita: một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết, có nguyên mẫu là người vợ thứ ba của nhà văn. Nhân vật này gần với Gretchen trong «Faust» của Goethe, đồng thời cũng có liên tưởng đến Margarita Valua (l553-1615) - tức Hoàng hậu Margo (xem tiểu thuyết của A. Dumas (1802-1870)).
[2]... chiếc cầu treo: thành phố Jerusalem nằm trên các ngọn đồi, vì vậy thường có cầu treo nối liền các khu vực với nhau.
[3]Tháp Antoni: pháo đài ở Jerusalem, gọi theo tên của một thống soái La Mã. Đấy là nơi các quan tổng trấn La Mã đóng dinh mỗi khi đến Jerusalem.
[4]Hasmonei, hay Makavei: tên một triều đại cai trị Giudea từ l42 đến 37 trước Công nguyên.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài