talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Chương 28:
Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot



Những cái bóng người đó là có thật hay chỉ là ảo ảnh mà những người trong ngôi nhà rủi ro ở phố Sadovaia trong cơn kinh hoàng tưởng tượng ra, tất nhiên, không ai có thể nói chính xác được. Nếu những cái bóng đó là có thật, thì liền đó họ bay đi đâu - cũng không một ai biết. Họ tách nhau ra ở chỗ nào, chúng tôi cũng không hay, nhưng chúng tôi biết rằng chừng mười lăm phút sau khi bắt đầu đám cháy ở phố Sadovaia, trước cánh cửa gương của nhà hàng dành riêng cho người nước ngoài trên chợ Smolensk xuất hiện một người đàn ông dài ngoẵng mặc áo kẻ ô và cùng với anh ta là một con mèo đen lớn tướng.

Khéo léo luồn lách giữa đám đông qua lại, người đàn ông mở cánh cửa ngoài của nhà hàng. Nhưng ngay lúc đó, ông già gác cửa có dáng người nhỏ bé, xương xẩu với thái độ cực kỳ thù địch đã đứng chắn ngang đường và hầm hè nói:

“Không được mang mèo vào.”

“Tôi xin lỗi, - người đàn ông cao kều nói bằng giọng rung rè rè và đặt bàn tay hẹp lên một bên tai như người nghễnh ngãng: - Anh nói là mang mèo à? Thế anh thấy mèo ở đâu?”

Người gác cửa trố mắt, mà cũng phải thôi: cạnh chân người đàn ông không còn thấy con mèo đâu nữa, mà thay vào đó phía sau lưng anh ta là một người to béo đội mũ lưỡi trai rách đang cố sức chen lách vào cửa hàng; tuy nhiên, người to béo này quả thật có cái gì đó hao hao giống mèo, trên tay anh ta ôm một chiếc bếp dầu.

Không hiểu sao, người gác cửa khó tính không thích cặp khách hàng này:

“Chúng tôi ở đây chỉ bán bằng ngoại tệ”, - ông ta rít lên, hằn học nhìn gườm gườm từ dưới cặp lông mi màu xanh xám bù xù như bị mối gặm.

“Thưa ông anh thân mến của tôi, - người đàn ông dài ngoẵng cất giọng rè rè, con mắt sau mặt kính vỡ lóe lên, - thế sao ông anh biết tôi không có ngoại tệ? Ông anh xét người qua áo quần à? Ðừng bao giờ làm điều đó nhé, thưa ông anh bảo vệ cực kỳ quý hóa! Ông anh có thể sai lầm, mà sai lầm rất to đấy. Ông anh nên đọc lại ít nhất là câu chuyện về khalíp Garun al Rasid [1] danh tiếng đi. Nhưng trong trường hợp này, tạm thời gạt câu chuyện đó sang một bên, tôi muốn nói với ông anh rằng, tôi sẽ kêu ông anh với người phụ trách của ông anh và sẽ kể cho ông ta nghe những chuyện khiến cho ông anh phải từ bỏ cái chỗ ngồi giữa những cánh cửa kính sáng loáng này.”

“Biết đâu trong bếp dầu của tôi lại đầy ắp ngoại tệ”, - người đàn ông to béo giống mèo cố xông vào cửa hàng nói chen vào một cách nóng nẩy. Ðám khách hàng phía sau bị nghẽn lại bắt đầu nổi cáu.

Vừa nhìn hai vị khách kỳ dị với vẻ căm ghét và nghi ngờ, ông gác cửa vừa tránh sang một bên, thế là hai người quen của chúng ta, Koroviev và Beghemot, bước vào cửa hàng.
Ởđây, việc đầu tiên của họ là nhìn quanh, rồi bằng một giọng ngân rung nghe thấy được trong tất cả mọi ngóc ngách của cửa hàng, Koroviev tuyên bố:

“Một cửa hàng hết ý! Một cửa hàng rất rất tốt!”

Khách hàng ở các quầy đều ngoảnh cả lại và không hiểu sao nhìn người vừa nói với vẻ kinh ngạc, mặc dù anh ta có đủ mọi cơ sở để khen cửa hàng.

Hàng mấy trăm súc vải hoa đủ màu sắc phong phú nổi lên trong các lô bày hàng. Phía sau chúng là những chồng vải bông pha lanh, vải sa và nỉ để may áo lễ phục. Những dẫy hộp giầy xếp ngay ngắn chạy dài về phía xa, dăm ba nữ công dân ngồi trên những ghế đẩu thấp, chân phải còn đi chiếc giầy cũ mòn, còn chân trái đã xỏ vào chiếc giầy cổ ngắn mới tinh bóng loáng ra sức giẫm giẫm lên tấm thảm, trên mặt lộ vẻ băn khoăn. Ở một nơi nào đó phía sau trong góc nhà vẳng đến tiếng máy hát.

Nhưng bỏ qua tất cả những thứ mê hồn đó, Koroviev và Beghemot đi thẳng đến chỗ giao nhau của quầy thực phẩm và quầy bánh kẹo. Ở đây rất rộng rãi, các nữ công dân trùm khăn hoặc đội mũ bê rê không chen chúc nhau như ở bên quầy vải.

Một người đàn ông thấp lùn, đúng là một khối vuông, đầu cạo nhẵn thín, đeo kính gọng sừng, đội chiếc mũ mới tinh không hề có một vết nhàu bẩn nào, mặc áo măng tô màu hoa cà đi găng tay da láng màu hung, đứng cạnh quầy và oai vệ gầm gừ một điều gì đó. Người bán hàng mặc áo blu trắng sạch sẽ đội mũ xanh đang phục vụ người khách áo măng tô hoa cà. Bằng con dao cực sắc, rất giống con dao mà Matvei Levi đánh cắp, người bán hàng đang lột tấm da óng ánh bạc giống như da rắn của con cá hồi mầu hồng béo ngậy.

“Cả quầy này cũng thật tuyệt, - Koroviev nhận xét một cách trịnh trọng, - và ông khách nước ngoài này cũng thật đáng mến”, - anh ta thân thiện trỏ ngón tay vào tấm lưng hoa cà.

“Không phải, Phagot ạ, không phải đâu, - Beghemot trầm ngâm đáp, - cậu bạn của tôi ạ, cậu nhầm rồi. Trên mặt của tay khách sộp mặc áo hoa cà này, theo tớ, có cái gì đó còn thiếu.”

Tấm lưng màu hoa cà khẽ giật thót lên, nhưng có lẽ là ngẫu nhiên, vì ông khách nước ngoài chắc không thể hiểu được những gì mà Koroviev cùng tay bạn đường của mình nói bằng tiếng Nga.

“Ngoong không?” - người khách mặc áo hoa cà nghiêm khắc hỏi.

“Ngon tuyệt”, - người bán hàng đáp, múa may lưỡi dao dưới lần da con cá hồi.

“Tôi thíc ngoong, không ngoong không thíc”, - ông khách nước ngoài nghiêm giọng tuyên bố.

“Ðúng thế!” - người bán hàng khâm phục đáp.

Ðến đây, hai người quen của chúng ta rời khỏi chỗ ông khách nước ngoài mua cá hồi, bước đến cuối quầy bánh kẹo.

“Hôm nay nóng quá, - Koroviev nói với cô bán hàng má hồng trẻ măng, nhưng không nhận được của cô ta một câu trả lời nào cả. - Quít giá bao nhiêu?” - Koroviev liền hỏi cô ta.

“Ba mươi kôpếch một ki lô.”

“Ðắt cứa cổ, - Koroviev thở dài, nhận xét, - ai, ai, ai...” - anh ta ngẫm nghĩ thêm một lúc rồi mời bạn: - ăn đi, Beghemot.”

Người đàn ông to béo kẹp bếp dầu xuống dưới nách, nhót lấy một quả ở trên cùng của ngọn kim tự tháp xây bằng quít, và sau khi nhai ngấu nghiến cùng với vỏ, anh ta lại túm lấy quả thứ hai.

Cô bán hàng kinh hoàng.

“Anh điên đấy à? - cô ta hét lên, màu hồng trên má biến mất. - Ði trả tiền đằng kia! Lấy tích- kê!” - và cô ta để rơi chiếc kẹp bánh.

“Ôi người đẹp, ôi em yêu, em quý, - Koroviev vươn người qua mặt quầy, vừa nháy mắt với cô bán hàng, vừa nói rin rít: - Hôm nay các anh không mang theo ngoại tệ... biết làm thế nào được! Nhưng, anh thề với em, lần sau, và không thể nào muộn hơn thứ hai, các anh sẽ trả đủ bằng tiền mặt. Các anh ở cách đây không xa, trên phố Sadovaia, nơi đang có đám cháy ấy...”

Sau khi nuốt chửng quả quít thứ ba, Beghemot thò tay vào khối kiến trúc khéo léo xây bằng những thỏi kẹo sôcôla, rút ra một trong những thỏi dưới cùng, khiến cho tất cả đổ ụp xuống, và nuốt luôn cả thỏi kẹo với giấy gói vàng chóe.

Những người bán hàng ở quầy cá đứng như hóa đá tại chỗ với những con dao cầm trong tay, ông khách nước ngoài mặc áo măng tô màu hoa cà quay lại phía hai tên kẻ cướp, và lúc đó mới thấy rõ rằng Beghemot đã nói sai: trên mặt ông ta không phải thiếu cái gì đó, mà là thừa mới đúng - đôi má sệ thõng xuống, cặp mắt lơ láo. Mặt vàng ệch như nghệ, cô gái bán hàng rền rĩ hét vang khắp cửa hàng:

“Palosich! Palosich!” [2]

Người từ quầy vải xô nhau chạy về phía có tiếng kêu, còn Beghemot đã rời khỏi quầy bánh kẹo, thò tay vào một chiếc thùng có chữ đề “Cá trích hảo hạng, thành phố Kers”, lôi từ đó ra một cặp cá trích và nuốt chửng, sau khi cắn đuôi vứt đi.

“Palosich!” - Tiếng kêu tuyệt vọng lặp lại sau quầy bánh kẹo; còn sau quầy cá một người bán hàng có bộ râu nhọn gầm lên:

“Cái đồ bẩn thỉu kia! Làm cái gì thế hả?”

Pavel Iosiphovich đã đang trên đường đến nơi xảy ra sự cố. Ðó là một người đàn ông có dáng bệ vệ mặc áo blu trắng sạch tinh như một bác sĩ phẫu thuật, với chiếc bút chì lấp ló trên túi áo - Pavel Iosiphovich có lẽ là người rất giầu kinh nghiệm. Trông thấy nơi miệng Beghemot mẩu đuôi của con cá trích thứ ba, ông ta trong nháy mắt đánh giá tình hình, hiểu ra tất cả, và không dây vào cãi cọ với hai kẻ lạ mặt mất dạy, chỉ vẫy tay về phía xa, ra lệnh:

“Còi đâu!”

Từ trong mấy tấm cửa gương, người gác cửa bay ra góc chợ Smolensk và rúc lên một hồi còi dữ tợn. Mọi người bắt đầu vây lấy mấy kẻ vô lại, và lúc đó Koroviev bắt đầu can thiệp vào việc:

“Thưa các quý ông, quý bà, - anh ta hét to bằng một giọng cao vút rung động, - cái gì đang diễn ra thế này? Hả? Tôi xin phép được hỏi các quý vị như vậy! Một con người tội nghiệp, - Koroviev tăng thêm độ rung vào giọng của mình và chỉ về phía Beghemot (Beghemot lập tức lấy một bộ mặt mếu máo), - một con người tội nghiệp suốt cả ngày hì hụi chữa bếp dầu, anh ta đói... mà anh ta thì lấy đâu ra ngoại tệ?”

Pavel Iosiphovich, một người thường vốn bình tĩnh và biết kiềm chế mình, quát lên đáp lại:

“Bỏ cái trò đấy đi”, - và lại khoát tay về phía xa với vẻ nóng nảy. Ngay tức khắc, tiếng còi ở cạnh cửa lại rúc lên dồn dập, mạnh mẽ hơn.

Nhưng Koroviev không bối rối trước tiếng quát của Pavel Iosiphovich, vẫn nói tiếp:

“Anh ấy lấy đâu ra? - tôi xin hỏi tất cả các quý vị! Anh ấy mệt lử vì đói và khát! Anh ấy phải phịu nóng nực. Thì đã sao khi con người khốn khổ này thử một quả quít. Mà giá một quả quít cả thảy chỉ có ba kôpếch. Thế mà họ đã huýt còi loạn xị lên, hệt như chim họa mi ở trong rừng mùa xuân, làm kinh động đến công an, không để cho họ làm việc của mình. Thế còn ông ta thì có thể à? Hả, - nói đến đây Koroviev đưa tay chỉ về phía người đàn ông to béo mặc áo măng tô màu hoa cà, điều đó khiến cho trên mặt ông ta hiện lên một vẻ lo lắng tột độ. - Ông ta là ai? Hả? Ông ta từ đâu đến? Ðến đây để làm gì? Hay là không có ông ta chúng ta buồn? Hay là chúng ta mời ông ta đến? Tất nhiên, - miệng méo xệch một cách độc địa, tay cựu quản ca hét tướng lên, - ông ta, các anh thấy chưa, diện áo măng tô màu hoa cà sang trọng, người béo đẫy lên vì thịt cá hồi, túi đầy ngoại tệ, còn chúng ta thì như thế nào, chúng ta thì như thế nào, hả? Tôi cay đắng quá! Cay đắng! Cay đắng!” - Koroviev gào lên như tay phù rể trong buổi lễ cưới thời xưa [3] .

Toàn bộ cái trò ngớ ngẩn, bất lịch sự, và chắc chắn là có hại về mặt chính trị này khiến Pavel Iosiphovich đùng đùng nổi giận, nhưng lại thật kỳ lạ, qua những ánh mắt của đám đông đứng xung quanh có thế thấy rằng nó, cái trò đó, lại gợi nên sự thông cảm ở rất nhiều người! Và khi Beghemot, đưa ống tay áo rách và cáu bẩn lên chấm mắt, thốt lên bi thương:

“Ôi cảm ơn nhé, người bạn trung thành đã bênh vực kẻ bất hạnh!” - thì xảy ra một chuyện lạ lùng. Một ông già người nhỏ bé, dáng lặng lẽ và lịch sự, ăn mặc nghèo nàn nhưng sạch sẽ, lúc nãy vừa mua ba chiếc bánh ga tô hạnh nhân ở quầy bánh kẹo, bỗng biến đổi ngay trước mắt mọi người. Ðôi mắt rực lên một ngọn lửa phấn khích, mặt đỏ bừng bừng, ông ta vứt gói bánh ga tô xuống sàn, và hét to bằng giọng trẻ con lanh lảnh:

“Ðúng thế!” - rồi túm lấy chiếc khay, hắt phần còn lại của ngọn tháp Effel bằng sôcôla bị Beghemot phá sập xuống đất, tay trái giật bay chiếc mũ khỏi đầu ông khách nước ngoài, tay phải vung tấm khay đập bẹp xuống mái đầu trọc hếu của ông ta. Vang lên một tiếng “xoảng” như khi người ta ném tấm sắt lá từ trên xe tải xuống đất, ông khách to béo, mặt trắng bệch, ngã ngồi vào chiếc thùng đựng cá trích Kers, làm nước muối bắn vọt lên như vòi phun. Liền đó xảy ra điều kỳ lạ thứ hai. Người đàn ông mặc áo măng tô màu hoa cà ngã vào thùng đựng cá bỗng hét lên bằng thứ tiếng Nga hết sức chuẩn, không có một chút pha âm nước ngoài nào:

“Chúng giết người! Công an! Bọn cướp đang giết tôi!” - có lẽ là do choáng váng mà ông ta bất thần nói thạo thứ tiếng mà từ trước đến giờ ông ta chưa hề biết.

Liền đó tiếng còi của người gác cửa ngừng bặt, và giữa đám đông những khách hàng ồn ào thấp thoáng hai chiếc mũ công an đang tiến lại gần. Nhưng gã Beghemot xảo quyệt đã hắt dầu xăng từ trong bếp dầu ra quầy bán bánh kẹo, như người ta hất một xô nước trong nhà tắm hơi lên bệ tắm, và ngọn lửa từ đâu bỗng bùng cháy, vụt lên cao và chạy suốt chiều dài của quầy, nuốt chửng những dải băng giấy sặc sỡ trên các sọt đựng hoa quả. Những người bán hàng la hét xô nhau chạy; và khi họ vừa thoát ra khỏi quầy, những tấm màn vải che cửa đã bén lửa cháy đùng đùng, dầu xăng cũng bắt đầu rần rật cháy ở trên sàn. Khách hàng lập tức hét lên hoảng loạn, chạy giạt ra khỏi khu quầy bánh kẹo, cuốn theo cả Pavel Iosiphovich giờ trở nên không cần thiết nữa; còn từ quầy cá, những người bán hàng tay vẫn cầm dao nhọn theo nhau chạy ra phía cửa sau. Người đàn ông mặc áo măng tô hoa cà sau khi vùng vẫy ra khỏi chiếc thùng gỗ đựng cá, từ đầu đến chân bê bết dầu cá trích, nhảy qua khúc cá hồi nằm trên quầy, cuống quít chạy theo. Tiếng kính ở các cánh cửa ra vào bị dòng người tháo chạy đè vỡ kêu loảng xoảng rơi xuống sàn, và hai kẻ vô lại - cả Koroviev lẫn Beghemot tham ăn tục uống - đều biến đi đâu đó, còn biến đi đâu thì không thể nào hiểu nổi. Về sau, những người có mặt tại nhà hàng dành riêng cho người nước ngoài ở chợ Smolensk khi bắt đầu xảy ra đám cháy, có kể lại rằng hình như cả hai tên du côn lúc đó bay lên cao đến dưới trần nhà rồi ở đó dường như họ nổ bục ra như hai quả bóng bay của trẻ con. Ðiều đó tất nhiên là đáng ngờ, sự việc khó có thể là như thế, nhưng cái gì chúng tôi không biết nghĩa là chúng tôi không biết.

Nhưng chúng tôi biết rằng đúng một phút sau khi xảy ra sự kiện ở chợ Smolensk, cả Koroviev lẫn Beghemot đã có mặt trên vỉa hè của đại lộ cạnh ngôi nhà bà dì Griboedov. Koroviev dừng lại cạnh hàng rào và cất tiếng:

“Cha! Hóa ra đây là trụ sở của các nhà văn! Beghemot, cậu biết không, tớ đã nghe rất nhiều điều hay ho và tốt đẹp về ngôi nhà này, anh bạn của tôi ạ, hãy chú ý đến ngôi nhà này! Thật dễ chịu khi nghĩ rằng vô số các tài năng đang ẩn náu và chín muồi ở dưới mái che của ngôi nhà này.”

“Như dứa chín dưới mái nhà kính ấy”, - Beghemot nói, rồi leo lên bệ bê tông của hàng rào gang để quan sát kỹ hơn ngôi nhà màu kem sữa với các hàng cột tròn.

“Hoàn toàn chính xác, - Koroviev đồng ý với người bạn đường không rời nhau nửa bước của mình, - và một nỗi kinh hoàng ngọt ngào trào lên trong tim khi nghĩ rằng trong ngôi nhà này giờ đây đang hình thành tác giả tương lai của một “Don Kihote” [4] , hay một “Faust”, hay, quỷ tha ma bắt tôi đi một “Những linh hồn chết” [5] ! Hả?”

“Nghĩ quả là đáng sợ thật.” - Beghemot đồng tình.

“Ðúng thế, - Koroviev nói tiếp: - có thể đợi gặp những điều kỳ diệu trong các căn phòng ấm cúng của ngôi nhà này, nơi tụ họp hàng mấy nghìn những con người quên mình sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp của Melpomena [6] , Polihimnia [7] và Talia [8] . Cậu thử tưởng tượng xem người ta sẽ xôn xao lên như thế nào khi một người nào đó trong bọn họ để khởi đầu mang đến cho người đọc một “Quan thanh tra”, hay ít nhất cũng là một “Evgheni Oneghin”!

“Và thật đơn giản”, - Beghemot lại tỏ ý đồng tình.

“Ðúng thế, - Koroviev nói tiếp và với vẻ băn khoăn giơ một ngón tay lên, - nhưng! Nhưng, tớ nói và nhắc lại điều tớ nói - nhưng! Nếu như không có một vi sinh vật nào đấy rơi bám vào các cây cỏ phòng kính yếu ớt này, không đục rỗng thân rễ, không làm cho mục thối! Mà điều đó thường hay xảy ra với dứa lắm ôi - ôi - ôi, rất hay xảy ra!”

“Mà này, - Beghemot thò mái đầu tròn của mình qua lỗ hổng trên hàng rào, hỏi, - họ đang làm cái gì ở trên hiên ấy nhỉ?”

“Họ đang chén, - Koroviev giải thích, - và tớ xin nói, cậu bạn thân mến của tớ ạ, là ở đây có một tiệm ăn rất không tồi và rất không đắt. Còn tớ, nhân thể nói thêm, như bất kỳ một khách du lịch nào trước khi tiếp tục cuộc hành trình, rất muốn được nhắm một thứ gì với vại bia ướp lạnh.”

“Chà, tớ cũng thế”, - Beghemot đáp, và cả hai tay du đãng bước theo con đường rải nhựa dưới hàng cây lipa đi thẳng đến mái hiên của cái tiệm ăn còn chưa cảm thấy tai họa này.

Một người đàn bà da nhợt nhạt, dáng buồn tẻ, đi tất chân ngắn màu trắng, đầu đội mũ bê rê cũng màu trắng, có chỏm đuôi ở đỉnh đang ngồi trên chiếc ghế kiểu Viên cạnh cửa dẫn vào hàng hiên từ phía góc, nơi có một lối đi nhỏ dưới bóng dàn cây leo. Trước mặt chị ta, trên mặt bàn nhà bếp giản dị có một cuốn vở dày kiểu sổ xuất nhập, và người đàn bà ghi tên những người đi vào tiệm ăn lên cuốn sổ đó không hiểu để làm gì. Koroviev và Beghemot bị chị ta giữ lại.

“Thẻ của các anh đâu?” - người đàn bà ngạc nhiên nhìn cặp kính kẹp mũi của Koroviev, chiếc bếp dầu và ống tay áo bị rách toạc của Beghemot.

“Nghìn lần xin lỗi chị, thẻ nào ạ?” - Koroviev ngạc nhiên hỏi.

“Các anh là nhà văn à?“- về phía mình, người đàn bà cũng hỏi.

“Dĩ nhiên”, - Koroviev đàng hoàng đáp.

“Thẻ của các anh đâu? - người đàn bà lặp lại câu hỏi.

“Người đẹp của tôi...” - Koroviev bắt đầu một cách âu yếm.

“Tôi không phải là người đẹp”, - người đàn bà cắt ngang.

“Ô, thật đáng thương, - Koroviev thất vọng thốt lên, rồi nói tiếp: - Thôi được nếu như chị không thích là người đẹp, một điều nói chung là khá dễ chịu, thì thôi. Còn điều này nữa, không lẽ để tin chắc rằng Dostoevski [9] là nhà văn lại cần phải đi hỏi thẻ của ông ta? Chị cứ thử giở xem năm trang bất kỳ của bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào của ông ta, thì không cần thẻ với thung gì chị cũng sẽ phải tin chắc rằng trước mặt chị đúng là nhà văn. Vâng, thậm chí tôi còn cho rằng ông ta không hề có thẻ nào cả ấy chứ! Cậu nghĩ thế nào?” - Koroviev quay sang hỏi Beghemot.


“Tôi dám đánh cược là không có”, - Beghemot đáp, rồi đặt chiếc bếp dầu lên bàn cạnh cuốn sổ và đưa tay lau mồ hôi trên mảng trán đầy nhọ dầu.

“Các anh không phải là Dostoevski”, - bị Koroviev làm cho bối rối, người đàn bà trả miếng.

“Ấy, biết đâu đấy, biết đâu đấy”, - Koroviev đáp.

“Dostoevski đã chết rồi”, - người đàn bà nói, nhưng với vẻ không tự tin lắm.

“Tôi phản đối! - Beghemot nóng nảy kêu to. - Dostoevski bất tử!”

“Thẻ của các anh đâu?” - người đàn bà hỏi.

“Xin lỗi, nói cho cùng, điều này thật buồn cười, - Koroviev vẫn không chịu thôi. - Nhà văn được xác định không phải bằng thẻ, mà bằng những gì anh ta viết ra! Làm sao chị biết được những ý nghĩ gì đang chồng chất trong đầu tôi? Hoặc là trong đầu anh này?” - Koroviev chỉ lên đầu Beghemot.

Beghemot ngay lập tức bỏ chiếc mũ lưỡi trai của mình xuống, dường như để cho người đàn bà nhìn được rõ hơn..

“Các anh tránh ra cho người ta vào”, - chị ta đã bắt đầu nổi cáu, nói.

Koroviev và Beghemot tránh sang một bên nhường lối cho một nhà văn nào đó mặc vét xám, áo sơ mi mùa hè trắng không đeo cà vạt, cổ áo sơmi rộng bẻ ra ngoài cổ áo vét, tờ báo cắp dưới nách.

Nhà văn gật đầu thân mật với người đàn bà, nhanh nhẹn vạch một chữ ngoằn ngoèo lên cuốn sổ được chìa ra cho anh ta, rồi bước lên hàng hiên.

“Than ôi, không phải chúng ta, không phải chúng ta, - Koroviev thiểu não nói, - mà anh ta mới có được cái cốc vại bia ướp lạnh kia, điều mà chúng ta, những kẻ lang thang tội nghiệp, đã hoài công mơ ước đến vậy. Tình cảnh của chúng ta thật khó khăn và đáng buồn, và tớ cũng không biết phải làm sao nữa đây.”

Beghemot chỉ dang hai tay ra vẻ cay đắng và đội chiếc mũ lưỡi trai lên mái đầu tròn mọc rậm rạp một thứ tóc rất giống lông mèo. Ðúng vào lúc đó phía trên đầu người đàn bà vang lên một giọng nói khẽ nhưng đầy quyền lực:

“Sophia Pavlovna, cho họ vào.”

Người đàn bà giữ sổ ngơ ngác: trong bóng râm của giá cây leo hiện ra bộ ngực áo đuôi tôm trắng toát và bộ râu nhọn của tên cướp biển. Ông ta nhìn hai người ăn mặc tồi tàn đáng ngờ một cách cởi mở, và thậm chí còn ra hiệu mời họ vào. Uy tín của Artribald Artrialdovich cảm thấy khá rõ ở cái tiệm ăn do ông ta phụ trách, và Sophia Pavlovna nhẫn nhục hỏi Koroviev:

«Họ của anh là gì?»

«Panaev» [10] , - Koroviev lễ phép đáp. Người đàn bà ghi cái họ đó vào sổ và ngước ánh mắt dò hỏi lên nhìn Beghemot.

«Scabisevski» [11] , - Beghemot rít lên khàn khàn, không hiểu sao lại chỉ tay vào chiếc bếp dầu của mình. Sophia Pavlovna ghi cả cái họ ấy vào rồi đẩy cuốn sổ cho hai người khách ký vào đấy.

Koroviev viết “Scabisevski” đối diện với họ “Panaev”, còn Beghemot lại viết “Panaev” đối diện với “Scabisevski”. Artribald Artribaldovich vừa mỉm cười đầy quyền rũ, điều làm cho Sophia Pavlovna vô cùng kinh ngạc, vừa dẫn khách đến phía đằng kia của hàng hiên, nơi có bóng râm mát nhất, đến bên chiếc bàn nằm cạnh dải nắng mặt trời vui vẻ từ một trong những khoảng trống nhân tạo ở hàng rào cây leo chiếu xuống. Còn Sophia Pavlovna, ngơ ngác, nhấp nháy mắt, ngồi nghiên cứu rất lâu những chữ ký lạ lùng do những người khách bất ngờ để lại.

Artribald Artribaldovich làm cho những người phục vụ bàn ngạc nhiên cũng không kém Sophia Pavlovna. Ông ta đích thân tự tay kéo ghế mời Koroviev ngồi, nháy mắt với người này, thì thầm một điều gì đó vào tai người kia, và hai người phục vụ bàn bắt đầu xăng xái quanh cặp khách mới; một người khách đặt chiếc bếp dầu của mình xuống sàn cạnh đôi chân đi ủng đỏ quạch vì bụi. Tấm khăn trải bàn cũ với những vết vàng ố lập tức biến mất khỏi mặt bàn, trong không khí sột soạt vung lên chiếc khăn mới hồ cứng trắng tinh như áo choàng trắng của người ả Rập du mục, còn Artribald Artribaldovich đã thì thầm rất khẽ nhưng đầy ý nghĩa cạnh tai Koroviev:

«Tôi có thể mời dùng thức gì đây? Chỗ tôi có lườn cá chiên ướp đặc biệt... hớt được của đại hội các nhà kiến trúc đấy...»

«Anh... ê... cho chúng tôi, ... nói chung một tí đồ nhắm... ê...» - Koroviev ề à vẻ dễ dãi, ngồi ưỡn người ra trên ghế.

«Tôi hiểu», - Artribald Artribaldovich nhắm mắt, đáp với vẻ đầy ngụ ý.

Trông thấy cung cách sếp tiệm ăn đối xử với hai vị khách đáng ngờ, những người phục vụ cũng gạt bỏ mọi nghi ngờ và bắt tay vào việc một cách nghiêm túc. Thấy Beghemot rút từ trong túi ra một mẩu thuốc lá đút vào miệng, một người liền mang ngay diêm đến; người thứ hai bay vội tới, tiếng thủy tinh chạm vào nhau lanh canh, đặt xuống bàn cạnh bộ đồ ăn những chiếc ly, những chiếc cốc vại mỏng tang... Rót nước khoáng narzan vào đó mà ngồi uống dưới bóng dù che của hàng hiên nhà Griboedov thì quả không thể nào quên được.

«Tôi có thể phục vụ món philê chim đa đa», - Artribald Artribaldovich ngân nga khe khẽ. Người khách mang kính kẹp vỡ mắt hoàn toàn nhất trí với những đề nghị của tên thuyền trưởng và khoan khoái nhìn ông ta qua cặp mắt kính vô tích sự.

Nhà văn Pet'racov Sukhovei ngồi ăn ở bàn bên cạnh, với khả năng quan sát tinh tường vốn có của tất cả các nhà văn, đã nhận thấy cái thái độ sốt sắng khác thường của Artribald Artribaldovich, và tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Còn bà vợ của ông ta, một madam rất đáng kính đang chén nốt món thịt đùi lợn thái mỏng, thậm chí đã nổi cơn ghen với Koroviev và gõ gõ chiếc thìa xuống mặt bàn...

«Sao lại thế này nhỉ... Bắt chúng tôi phải đợi... đáng lẽ phải mang kem ra rồi! Có việc gì thế hả?»

Nhưng, sau khi gửi cho madam Pet'racova một nụ cười mê hồn, Artribald Artribaldovich chỉ sai một người phục vụ đến chỗ bà ta, còn mình thì vẫn không chịu rời hai ông khách quý. Ôi, Artribald Artribaldovich quả thật là tinh đời! Có tài quan sát chẳng kém gì các nhà văn, Artribald Artribaldovich biết cả về buổi biểu diễn nọ ở nhà hát Tạp Kỹ, biết cả về nhiều sự kiện khác xảy ra vào những ngày qua: đã nghe, nhưng khác với rất nhiều người khác, không bỏ ngoài tai những từ như “áo kẻ ô“, “con mèo”. Artribald Artribaldovich lập tức đoán ra những người khách vừa đến kia là ai. Mà một khi đã đoán ra, lẽ dĩ nhiên, đời nào lại đi gây sự với họ. Còn Sophia Pavlovna thì quả thật là giỏi giang! Cứ nghĩ mà xem - lại toan đi chặn đường hai kẻ kia, không cho họ lên hiên! Mà thực ra, với chị ta có thể đòi hỏi cái gì hơn được?

Vênh váo chọc thìa vào cốc kem mận, madam Pet'racova đưa cặp mắt khó chịu nhìn chiếc bàn trước mặt hai người ăn mặc như hề nhanh chóng mọc lên các món ăn như có phép lạ. Những chiếc lá xà lách được rửa sạch bóng đã thòi ra từ chiếc bình đựng trứng cá tươi... Một nháy mắt, và trên mặt bàn con được kê riêng bên cạnh đã xuất hiện chiếc xô nhỏ bằng bạc vừa lấy từ tủ lạnh ra, hơi nước đá còn đọng lại từng giọt...

Chỉ đến khi tin chắc rằng mọi việc đã được xếp đặt chu đáo, chỉ khi trong tay những người phục vụ bay vụt đến một chiếc chảo đậy kín có cái gì đó sôi xèo xèo ở bên trong, Artribald Artribaldovich mới cho phép mình rời hai người khách bí ẩn kia, mà trước khi làm việc đó cũng đã thì thầm vào tai họ:

«Xin lỗi quý vị! Ðợi cho một phút! Tôi phải đích thân kiểm tra lại món philê.»

Ông ta rời khỏi bàn, vào khuất sau cửa trong của tiệm ăn. Giá như một người quan sát nào đó có thể theo dõi những hành động tiếp theo của Artribald Artribaldovich, thì anh ta, lẽ dĩ nhiên, sẽ cảm thấy nó ít nhiều có vẻ bí ẩn.

Sếp tiệm ăn không hề xuống nhà bếp để kiểm tra món philê, mà lại đi vào phòng kho. Ông ta mở cửa bằng chìa khóa riêng của mình, bước vào, đóng cửa lại, thận trọng, để không làm bẩn tay áo, rút từ trong thùng đá ra hai lườn cá chiên lớn nặng trịch, gói vào tờ giấy báo, lấy dây buộc kỹ lưỡng và đặt sang một bên. Rồi ông ta bước sang phòng bên cạnh, kiểm tra xem chiếc mũ và áo măng tô mùa hè lót lụa có còn ở nguyên chỗ cũ không, chỉ sau đó mới đi vào bếp, nơi một người đầu bếp đang cố gắng làm món philê mà Artribald Artribaldovich đã hứa với hai vị khách.

Cần phải nói rằng trong các hành động của Artribald Artribaldovich hoàn toàn không có cái gì là lạ lùng và bí ẩn, những hành động như thế chỉ lạ lùng và bí ẩn đối với một người quan sát hời hợt mà thôi. Những việc làm của Artribald Artribaldovich xuất phát một cách tuyệt đối logic từ những gì ông ta đã nghe và cái chính là khả năng nhạy bén siêu thường của Artribald Artribaldovich đã mách với sếp của tiệm ăn nhà Griboedov rằng bữa tiệc của hai vị khách tuy rất nhiều món và sang trọng, nhưng sẽ không lâu. Và sự nhạy bén, chưa một lần nào đánh lừa cựu thuyền trưởng cướp biển, lần này cũng không phản bội lại ông ta.
Trong khi Koroviev và Beghemot lần thứ hai chạm cốc thứ rượu vodka “Moskva” tuyệt vời lạnh buốt qua hai lần tinh chế, trên hàng hiên xuất hiện biên tập viên thời sự Boba Kandaluvski, nổi tiếng ở Moskva là người thông nhạy tin tức đến kinh ngạc; với vẻ mặt kích động, người đầm đìa mồ hôi, anh ta ngồi ngay vào bàn của vợ chồng Pet'racov. Ðặt chiếc cặp căng phồng của mình lên bàn, Boba không chậm trễ nhét cặp môi của mình vào lỗ tai Pet'racov, và thì thào vào đấy những tin tức gì đó rất quyến rũ. Madam Pet'racova, cả người nôn nao lên vì tò mò, cũng hóng tai của mình vào cạnh đôi môi nhờn mỡ sưng mọng của Boba. Anh ta, chốc chốc lại đưa mắt lén lút nhìn quanh, vẫn cứ thì thào, thì thào không ngớt, và có thể nghe được vài lời rời rạc, kiểu như:

«Tôi thề với các bạn! Trên phố Sadovaia, phố Sadovaia, - Boba mỗi lúc một hạ giọng xuống, - đạn bắn không chết! Ðạn... đạn... xăng, đám cháy... đạn bắn...»

«Cái bọn bịa đặt chuyên tung ra những tin nhảm bậy bạ này, - trong cơn phẫn nộ, madam Pet'racova rít lên bằng giọng nữ trầm có hơi to hơn là so với Boba muốn, - giá tìm hiểu xem bọn họ là ai! Nhưng không sao, thế nào rồi người ta cũng đặt họ vào đúng chỗ! Bọn nói láo tai hại!»

«Bọn nói láo nào, Antonida Porphiriepna! - thất vọng trước thái độ thiếu tin tưởng của vợ nhà văn, Boba kêu thốt lên và lại thì thào: - Tôi nói với anh chị rằng đạn bắn không chết... Còn bây giờ đang cháy... Chúng bay trên không... Trên không», - Boba thì thào, không ngờ rằng những người mà anh ta nói đến đang ngồi ở ngay bên cạnh thưởng thức tiếng thì thào của anh ta.

Nhưng thực ra, sự thưởng thức đó nhanh chóng bị chấm dứt. Từ cửa trong của tiệm ăn, ba người đàn ông đi ghệt, thắt lưng da thít chặt căng ngang hông, chạy vụt ra hàng hiên, tay lăm lăm súng ngắn. Người chạy trước quát to và dữ dội:

«Ngồi im tại chỗ!» - Và cả ba nổ súng ngay trên hàng hiên, nhằm vào đầu Koroviev và Beghemot.

Cả hai người bị bắn liền tan ngay vào không khí, còn từ bếp dầu một cột lửa phụt lên cao đến tận trần hiên bằng vải dù. Trên tấm vải lập tức xuất hiện một lỗ hổng như miệng cá, mép đen thẫm, rồi nó bắt đầu loang rộng ra cả bốn phía. Ngọn lửa vọt qua lỗ hổng đó, bốc cao lên đến tận mái ngôi nhà Griboedov. Những cặp giấy nằm trên cửa sổ tầng hai trong phòng biên tập bỗng bén lửa, và tiếp theo cả những tấm màn che cửa cũng bùng lên, và ngọn lửa reo ù ù, dường như được ai thổi, trườn từng cột vào sâu trong ngôi nhà của bà dì Griboedov.

Vài giây sau, các nhà văn không kịp ăn xong bữa, các nhân viên phục vụ, Sophia Pavlovna, Boba, vợ chồng Pet'racov đã chen nhau chạy trên con đường nhỏ rải nhựa dẫn ra hàng rào bằng gang giáp với đại lộ nơi vào buổi tối thứ tư xuất hiện Ivan Bezdomnưi, người đưa tin đầu tiên về những điều bất hạnh sắp ập đến lúc đó không được ai hiểu.

Ðã đi ra từ trước qua cửa bên, không chạy đi đâu và cũng không vội đi đâu, như thuyền trưởng có trách nhiệm rời bỏ con tàu bị cháy cuối cùng, Artribald Artribaldovich bình thản đứng nhìn, trên mình mặc chiếc áo măng tô mùa hè lót lụa, dưới nách kẹp hai súc lườn cá chiên nặng trịch.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Garun al Rasid (763 hoặc 766-809): vua (khalíp) ả Rập, hình ảnh ông được lý tưởng hóa trong Một nghìn lẻ một đêm.
[2]Palosich: cách gọi tắt người có tên là Pavel Iosiphovich.
[3]Theo phong tục Nga, trong lễ cưới người ta thường kêu “Cay quá”, “Đắng quá” để bắt cô dâu chú rể hôn nhau làm cho rượu ngon hơn.
[4]Don Kihote: tiểu thuyết của nhà văn Tây Ban Nha Cervantes (1547-1616).
[5]Những linh hồn chếtQuan thanh tra: những tác phẩm bất hủ của nhà văn Nga N.Gogol (1809-1852).
[6] Melpomena: theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần bi kịch trong số chín nữ thần bảo hộ thi ca, nghệ thuật và khoa học, tượng trưng cho nghệ thuật sân khấu.
[7]Polihimnia: nữ thần tụng ca.
[8]Talia: nữ thần hài kịch.
[9]Doxtoevxki Phedor (1821-1881): nhà văn thiên tài Nga.
[10]Panaev I.I. (1812 - 1862): nhà văn và nhà báo Nga.
[11]Scabisevski A.M. (1838-1910): nhà phê bình văn học và người viết lịch sử văn học Nga.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài