Mikhail Bulgakow (1891-1940) |
“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.
talawas chủ nhật
Mikhail Bulgakov
Nghệ nhân và Margarita
Đoàn Tử Huyến
Phần 2
Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết
Phần 1
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
Phần 2
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
32
Phần kết
Phần phụ lục
Chương 20:
Hộp kem Azazello
[1]
Mặt trăng tròn vành vạnh treo cao trên bầu trời đêm quang đãng thấp thoáng giữa những cành phong. Những cây lipa và xiêm gai hắt bóng lên mặt đất trong vườn vẽ thành những hình rối rắm. Ô cửa sổ rộng ba cánh lắp kính trên gian buồng nhô ra ở tầng trên để mở nhưng che kín màn và tỏa ánh sáng điện rực rỡ. Trong buồng ngủ của Margarita Nikolaevna, tất cả các ngọn đèn đều được bật lên và chiếu sáng một sự bừa bãi khủng khiếp. Vứt ngổn ngang trên chăn nệm, trên giường là áo, váy và tất, còn mớ đồ lót nhàu nát nằm trên sàn nhà cạnh một bao thuốc lá bị giẫm bẹp trong lúc hỗn loạn. Ðôi giày nằm trên bàn đêm cạnh cốc cà phê uống dở và chiếc gạt tàn thuốc lá với điếu thuốc còn tỏa khói, trên lưng ghế vắt ngang chiếc áo dài mặc đêm màu đen. Trong phòng có mùi nước hoa, ngoài ra từ đâu đó còn đưa đến mùi bàn là bị đốt nóng.
Margarita Nikolaevna ngồi trước tấm gương đứng, mình chỉ mặc mỗi chiếc áo tắm, chân đi đôi giày da hươu đen. Chiếc đồng hồ quai đeo bằng vàng nằm trước mặt cạnh hộp kem Azazello trao cho, và Margarita không rời mắt khỏi mặt số. Thỉnh thoảng nàng lại cảm thấy hình như đồng hồ đã bị hỏng và mấy chiếc kim không còn chuyển động nữa. Nhưng chúng vẫn chuyển động, mặc dù rất chậm, và cuối cùng chiếc kim dài đã chỉ chín giờ hai mươi chín phút. Trái tim Margarita đập thót lên khủng khiếp, đến nỗi nàng không thể ngay lập tức cầm lấy chiếc hộp. Trấn tĩnh lại, Margarita mở hộp và trông thấy bên trong một thứ kem nhờn bóng màu vàng phớt. Nàng có cảm tưởng như nó thoang thoảng mùi rêu rong đầm lầy. Lấy đầu ngón tay, Margarita quệt một ít kem lên lòng bàn tay, mùi cây rừng và cỏ đầm lầy bốc lên càng rõ rệt hơn, rồi nàng dùng lòng bàn tay bắt đầu thoa kem lên trán và hai má.
Kem rất mềm, dễ bắt vào da, và như nàng cảm thấy, nó lập tức tan ra và bốc hơi biến đi ngay. Sau mấy lần thoa, Margarita liếc nhìn vào gương và đánh rơi hộp kem lên mặt kính chiếc đồng hồ, làm nó bị nứt rạn ra. Margarita nhắm chặt mắt, rồi lại một lần nữa nhìn vào gương và phá ra cười sằng sặc.
Hai hàng lông mày được tỉa mỏng như sợi chỉ giờ đây trở nên dày rậm và làm thành hai vòng cung đen dày đặc nằm phía trên đôi mắt hóa xanh lè. Nếp nhăn nhỏ thẳng đứng cắt ngang trán kéo xuống sống mũi xuất hiện vào tháng Mười trước đó, khi Nghệ Nhân biến mất, giờ không còn để lại một dấu vết nào. Cả những vệt vàng thẫm ở hai bên thái dương và hai nếp nhăn mờ hình chân chim ở mé ngoài đuôi mắt cũng đã biến mất. Làn da má ửng lên màu hồng dịu dàng, trán trở nên trắng mịn, còn mái tóc uốn chảy thẳng ra.
Từ trong gương, một người đàn bà tóc đen quăn tự nhiên chừng đôi mươi nhìn nàng Margarita ba chục tuổi - và cười nghiêng ngả phô cả hai hàm răng.
Cười chán, Margarita nhảy bật dậy hất chiếc áo khoác trên người xuống, quệt một mảng lớn thứ kem nhờn bóng bắt đầu xát mạnh lên da. Thân thể nàng lập tức ửng hồng và nóng rực. Rồi ngay lúc đó, dường như có người rút chiếc kim nhọn ra khỏi tủy não, một bên thái dương cứ nhức buốt suốt cả buổi chiều kể từ sau cuộc gặp gỡ Azazello ở vườn Aleksandrovski liền dịu đi, các bắp thịt ở tay và chân săn chắc lại, rồi thân thể Margarita mất hẳn trọng lực.
Nàng nhảy bật lên và treo lơ lửng trong không khí phía trên mặt thảm không cao lắm. Rồi nàng từ từ rơi xuống, và Margarita lại đứng trên mặt sàn.
«Ôi chà kem! Ôi chà kem!» - Margarita hét to và buông người xuống ghế bành.
Việc thoa kem không chỉ làm thay đổi vẻ ngoài của Margarita. Giờ đây trong người nàng, trong từng tế bào một, bỗng sôi lên một niềm vui mà nàng cảm thấy như những chiếc bong bóng nhỏ nở bùng trong toàn bộ cơ thể nàng. Margarita cảm thấy mình tự do, tự do đối với tất cả. Thêm vào đó, nàng hiểu ra một cách hoàn toàn rõ rệt rằng đã xảy ra đúng cái điều mà chỉ sáng nay nàng mới linh cảm thấy, rằng nàng sẽ vĩnh viễn rời bỏ ngôi biệt thự và cuộc sống trước đây của mình. Nhưng từ cái cuộc sống trước đây ấy dù sao vẫn còn lại một ý nghĩ là cần phải làm nốt nghĩa vụ cuối cùng trước sự mở đầu của một cái gì đó mới mẻ, khác thường đang nâng gọi nàng lên cao. Và nàng, vẫn khỏa thân như vậy, từ phòng ngủ, chốc chốc lại bay bổng lên không, chạy vào phòng làm việc của chồng, bật đèn lên, nhảy vội đến bên bàn viết. Trên tờ giấy xé từ quyển sổ ra, nàng viết nhanh một mạch không sửa chữa những dòng chữ to như sau:
«Hãy tha lỗi cho em và hãy mau chóng quên em đi! Em vĩnh viễn ra đi. Ðừng tìm em, việc đó là vô ích. Em đã trở thành phù thủy vì những đau khổ và tai họa đổ lên đầu em. Em phải đi đây. Vĩnh biệt. Margarita.»
Với tâm hồn đã được hoàn toàn thanh thản, Margarita bay vào phòng ngủ; theo sau nàng là Natasa ôm một đống đồ đạc. Và ngay tức khắc, tất cả những thứ đồ vật đó - chiếc mắc áo bằng gỗ treo áo khoác ngoài, những tấm khăn thêu ren, đôi giày lụa màu thanh thiên buộc dây cẩn thận và thắt lưng, - tất cả rơi ụp xuống sàn nhà, Natasa vung hai cánh tay không lên trời.
«Thế nào, đẹp lắm à?» - Margarita Nikolaevna kêu to bằng một giọng trở nên khản đặc.
«Sao lại thế này ạ? - Natasa vừa bước giật lùi, vừa thì thào. - Chị Margarlta Nikolaevna, chị làm cái gì thế?»
«Ðó là kem đấy! Kem, kem!» - Margarita vừa đưa tay chỉ chiếc hộp vàng sáng lấp lánh, vừa đáp, rồi quay tròn trước gương.
Natasa quên cả chiếc áo khoác ngoài nhàu nát nằm trên sàn nhà, chạy vội đến bên tấm gương đứng và nhìn chằm chằm vào phần kem còn sót lại bằng đôi mắt háo hức sáng rực. Ðôi môi cô thì thào một điều gì đó. Rồi Natasa quay lại phía Margarita nói với vẻ sùng kính: “Ôi làn da, làn da! Chị Margarita Nikolaevna, da chị sáng hẳn lên!” - Nhưng nói đến đây, Natasa như sực tỉnh, chạy đến bên chiếc áo, nhặt lên và rũ vuốt cho thẳng lại.
«Vứt đi! Vứt đi! - Margarita hét lên. - Vứt hết tất cả cho quỷ sứ đi! Nhưng mà thôi, em hãy giữ lấy để làm kỷ niệm. Chị bảo em cầm lấy để kỷ niệm. Em lấy tất cả những gì có trong phòng đi!»
Như một người trở nên ngớ ngẩn, Natasa đứng bất động một lúc nhìn Margarita, rồi nhảy tới ôm lấy cổ nàng vừa hôn, vừa hét to:
«Mượt mà quá! Sáng hẳn lên! Mượt mà quá! Còn lông mày nữa, lông mày nữa!»
«Em hãy cầm lấy tất cả đống áo xống này, cầm lấy lọ nước hoa kia, mang về giấu vào hòm đi, - Margarita hét to, - nhưng những đồ quý thì đừng lấy, không người ta bảo em lấy trộm đấy.»
Natasa dồn lại thành một túm tất cả những gì nằm sẵn trong tầm tay - áo khoác ngoài, giày, tất, đồ lót và chạy ù ra khỏi phòng ngủ.
Vừa lúc đó từ cửa sổ mở rộng, ở một nơi nào đấy phía bên kia ngõ phố bỗng vọt lên và bay vút tiếng nhạc vals điêu luyện và nghe có tiếng động cơ ầm ầm của một cỗ xe vừa lăn bánh đến cổng nhà.
«Ngay bây giờ Azazello sẽ gọi điện. - Margarita vừa nghe tiếng nhạc vals dồn dập vang trong ngõ phố, vừa thốt lên. - Anh ta sẽ gọi điện đến! Còn ông khách nước ngoài không nguy hiểm. Vâng, bây giờ thì ta hiểu là ông ta không nguy hiểm!»
Cỗ xe rú máy, đi xa dần khỏi cổng nhà. Có tiếng cổng vườn đóng mạnh, rồi tiếng bước chân vang lên trên những tấm đá lát đường.
“Ðó là Nikolai Ivanovich, nghe tiếng bước chân biết ngay, - Margarita nghĩ thầm, - ta phải làm một cái gì đó thật buồn cười, thật thú vị để từ biệt”.
Margarita gạt tấm màn che sang một bên và ngồi nghiêng người lên bệ cửa sổ, hai tay ôm choàng lấy đầu gối. Ánh trăng tắm đẫm phía sườn bên phải của nàng. Margarita ngước mái đầu lên mặt trăng và lấy một vẻ mặt trầm ngâm đầy thơ mộng. Tiếng bước chân vang lên hai lần nữa rồi bất ngờ chết lặng. Ngắm trăng thêm một lát và thở dài để ra vẻ tự nhiên, Margarita quay đầu nhìn xuống vườn và quả nhiên trông thấy Nikolai Ivanovich, người hiện nay đang sống ở tầng dưới của cùng một ngôi biệt thự này. Ánh trăng soi rực rỡ lên người Nikolai Ivanovich. Ông ta ngồi trên chiếc ghế dài, qua tư thế có thể thấy rõ là vừa đột ngột buông mình xuống đó. Cặp kính kẹp mũi nằm chéo nghiêng trên khuôn mặt, còn chiếc cặp da của mình ông ta ôm chặt trong tay.
«A, xin chào anh Nikolai Ivanovich, - Margarita nói bằng giọng buồn bã, - chào anh! Anh vừa đi họp về đấy à?»
Nikolai Ivanovich không đáp lại một lời nào.
«Còn em, - Margarita nói tiếp, nhô thêm người ra phía vườn, - em ngồi một mình, như anh thấy đấy và buồn, ngắm trăng và nghe nhạc vals.»
Margarita đưa bàn tay trái lên thái dương sửa lại món tóc rồi cáu kỉnh nói:
«Như thế là không lịch sự, anh Nikolai Ivanovich ạ! Dù sao thì em cũng là phụ nữ! Khi người ta nói chuyện với anh mà anh không trả lời thì đúng là quá thô lỗ!»
Nikolai Ivanovich, dưới ánh trăng trông rõ đến chiếc cúc cuối cùng trên áo gilê màu xám, đến sợi râu cuối cùng trên bộ râu nhọn dưới cằm, bỗng bất ngờ nở một nụ cười ngớ ngẩn, rời chiếc ghế dài đứng dậy và, chắc là lú lẫn mất trí vì quá bối rối, nên đáng lẽ phải bỏ mũ ra, lại vung chiếc cặp da sang bên và khuỵu chân xuống, dường như đang sắp bắt đầu một điệu nhảy ngồi.
«Ôi, anh là một người chán ngắt, Nikolai Ivanovich ạ, - Margarita vẫn tiếp tục, - nói chung anh làm tôi ngán ngẩm đến mức tôi không thể diễn tả nổi với anh điều đó nữa, và tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì sắp được chia tay với anh! Thôi, anh cút đến với quỷ sứ đi!»
Ðúng lúc đó trong phòng ngủ phía sau lưng Margarita vang lên tiếng chuông điện thoại. Margarita nhảy bổ từ bệ cửa sổ xuống, quên phắt ngay Nikolai Ivanovich, chộp vội lấy ống nghe.
«Azazello nói đây», - có tiếng người vang lên trong ống nghe.
“Ôi, Azazello thân mến!” - Margarita hét to.
“Ðến giờ rồi. Chị hãy bay ra đi”, - Azazello nói trong ống nghe, và qua giọng có thể đoán được là anh ta thích thú trước sự vui mừng chân thành của Margarita, - khi bay ngang trên cổng chị hãy nói “Tàng hình!” Sau đó chị hãy lượn một lúc trên thành phố cho quen, rồi bay xuống hướng Nam, ra khỏi thành phố, thẳng về phía con sông. Người ta đang đợi chị ở đấy!”
Margarita treo ống nghe lên, vừa lúc đó ở phòng bên cạnh có tiếng một vật gì bằng gỗ khua lọc cọc và bắt đầu gõ vào cánh cửa. Margarita mở cửa ra, cây bàn chải dùng để cọ sàn nhà, cán dựng phần lông lên trên, vừa nhảy múa, vừa bay vào phòng ngủ. Ðầu cán bàn chải liên tục gõ nhanh xuống sàn nhà. Nó vừa đá hậu vừa chực bay ra ngoài cửa sổ.
Margarita cười ré lên vì khoái trá, nhảy lên cưỡi ngang cán cây bàn chải [2] . Chỉ đến lúc đó nàng mới thoáng nghĩ rằng trong lúc vội vã đã quên cả việc mặc áo xống. Nàng phi nước đại đến bên giường, giật vội lấy vật gặp đầu tiên, hình như là một chiếc áo lót màu xanh nào đó. Vung nó lên như lá cờ hiệu kỵ sĩ, nàng bay ra cửa sổ. Và tiếng nhạc vals vang to hơn trong khu vườn.
Từ cửa sổ Margarita bay thấp xuống dưới và trông thấy Nikolai Ivanovich đang ngồi trên chiếc ghế dài, dường như bị dính chặt vào đó và đờ đẫn cực độ lắng nghe nhũng tiếng ồn ào la hét vọng xuống từ căn buồng ngủ sáng đèn của những người ở tầng trên.
“Vĩnh biệt nhé, Nikolai Ivanovich!” - Margarita vừa hét vừa nhảy múa trước mặt ông ta.
Nikolai Ivanovich kêu lên một tiếng và bò dọc chiếc ghế dài, hai tay sờ soạng làm rơi chiếc cặp da của mình xuống đất.
“Vĩnh biệt hẳn nhé! Tôi bay đi đây”, - Margarita hét lên át cả tiếng nhạc vals. Rồi nàng chợt nghĩ ra rằng nàng chẳng cần đến chiếc áo cánh lót làm gì cả, nên vừa cười sằng sặc một cách độc địa, vừa chùm nó lên đầu Nikolai Ivanovich. Bị choáng váng tối tăm mặt mũi, Nikolai Ivanovich lăn kềnh từ trên ghế xuống mặt đường lát gạch.
Margarita quay lại để lần cuối cùng nhìn ngôi biệt thự, nơi nàng đã phải chịu đau khổ lâu đến vậy, và nàng trông thấy trong ô cửa sổ chói sáng khuôn mặt méo xệch vì kinh ngạc của Natasa.
“Vĩnh biệt, Natasa! - Margarita kêu lên và dựng đứng cái bàn chải. - Tàng hình, tàng hình”, - nàng kêu lên mỗi lúc một to hơn, và xuyên qua những cành phong lòa xòa quất vào mặt, nàng vượt qua cổng, bay ra ngõ. Ngay lúc ấy, điệu vals hoàn toàn điên loạn cũng bay vút lên.
Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.
[1]Hộp kem Azazello: theo truyền thuyết dân gian, các phù thủy thường có loại kem khi bôi lên người sẽ làm cho người ta có phép màu, như trẻ lại, biết bay, tàng hình v.v...
[2]Trong truyện dân gian, các nữ phù thủy thường cưỡi chổi bay, khoả thân để cảm hội với các sức mạnh hạ đẳng.
Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva
Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.
Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.