Mikhail Bulgakow (1891-1940) |
“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.
talawas chủ nhật
Mikhail Bulgakov
Nghệ nhân và Margarita
Đoàn Tử Huyến
Phần 1
Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro
Phần 1
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
Phần 2
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
32
Phần kết
Phần phụ lục
Chương 4:
Cuộc đuổi bắt
Ðã lặng dần những tiếng kêu điên loạn của phụ nữ, tiếng còi của công an; hai chiếc xe cứu thương đã đến chở đi một chiếc chở xác không đầu và cái đầu bị cắt rời vào nhà xác, chiếc thứ hai chở cô gái lái tàu điện xinh đẹp bị những mảnh kính vỡ làm bị thương; những người lao công mặc tạp dề trắng đã thu dọn hết mảnh kính vỡ và đổ cát lên những vũng máu; còn Ivan Nikolaievich không kịp chạy đến cánh cửa quay, ngã xuống một chiếc ghế băng, rồi cứ ngồi nguyên ở đó.
Ðã mấy lần anh định đứng dậy, nhưng đôi chân không chịu tuân theo, Bezdomnưi dường như bỗng bị chứng tê liệt toàn thân.
Khi vừa nghe thấy những tiếng kêu rú đầu tiên, nhà thơ đã vùng dậy chạy đến bên cửa quay, và anh trông thấy chiếc thủ cấp bị cắt rời lăn lông lốc trên mặt đường đá. Việc đó làm anh mất trí tới mức, ngã xuống chiếc ghế băng, anh cắn vào cánh tay mình đến bật máu. Tất nhiên anh không còn nhớ gì về tay người Ðức điên dại và chỉ cố hiểu một điều: làm sao lại có thể chỉ mới một phút trước đây anh còn nói chuyện với Berlioz, mà bây giờ chiếc đầu đã...
Mọi người hốt hoảng vừa chạy dọc theo hàng cây ngang qua nhà thơ và kêu những câu gì đó, nhưng Ivan Nikolaievich không cảm nhận những lời của họ.
Nhưng bất thần có hai người đàn bà gặp nhau cạnh chiếc ghế dài; và một người trong số họ, mũi nhọn, tóc rối bù, hét lên với người kia ngay cạnh nhà thơ:
„Annuska, Annuska ở phố Sadovaia của chúng ta đấy mà! Ðó là do cô ả! Cô ả mua dầu hướng dương ở cửa hiệu thực phẩm, nhưng lại va chai vào trục cửa quay, làm vỡ bắn hết cả ra váy... Cô ả chửi rủa một trận mới khiếp chứ! Còn ông ta, tội nghiệp, trượt tay và ngã xuống đường ray...»
Trong tất cả những gì người đàn bà nói chỉ có một từ lọt được vào bộ não sững sờ của Ivan Nikolaievich: “Annuska”...
„Annuska... Annuska?...„ nhà thơ lẩm bẩm, ngơ ngác nhìn quanh, «hượm nào, hượm nào...»
Bên cạnh từ “Annuska” xuất hiện thêm mấy từ “dầu hướng dương”, rồi sau đó, không hiểu sao tiếp theo là từ “Ponti Pilat”. Nhà thơ gạt Pilat sang một bên, quyết tâm lần mối, bắt đầu từ từ “Annuska”. Và cái mối đó được lần ra rất nhanh, nó dẫn ngay đến tay giáo sư điên dại nọ.
Ðúng rồi. Ðây chính là ông ta đã nói rằng sẽ không có cuộc họp vì Annuska đã làm đổ dầu. Và quả thật, sẽ không có cuộc họp! Như thế còn chưa hết: ông ta còn nói thẳng ra rằng Berlioz sẽ bị một người phụ nữ cắt đầu! Ðúng, đúng, đúng thế. Lái xe điện đúng là phụ nữ. Thế này là thế nào, hả?
Không có gì phải nghi ngờ nữa, tay chuyên gia bí ẩn này đã biết trước chính xác toàn bộ sự tình chung quanh cái chết khủng khiếp của Berlioz. Trong đầu nhà thơ vụt lóe lên hai ý nghĩ. Thứ nhất: “Hắn ta hoàn toàn không phải là người điên! Tất cả những cái đó chỉ là trò lừa lọc!”. Và thứ hai: «có phải chính hắn ta đã bố trí tất cả như vậy không?»
Nhưng, xin phép hỏi, bằng cách nào?!
„Ồ không! Rồi chúng ta sẽ biết!»
Gắng dồn hết sức lực, Ivan Nikolaievich đứng dậy và chạy bổ về chỗ cũ, nơi vừa ngồi nói chuyện với tay giáo sư nọ. Và thật may, ông ta còn chưa đi khỏi.
Trên đường Bronnaia đèn đã bật sáng, một vầng trăng vàng tròn trịa treo trên Hồ Pat'riarsi; và dưới ánh trăng, thứ ánh sáng bao giờ cũng mờ ảo, Ivan Nikolaievich có cảm tưởng như ông ta đang đứng, cắp dưới nách không phải chiếc gậy, mà là cây kiếm.
Tay cựu quản ca nhà thờ về hưu đang ngồi đúng chỗ Ivan Nikolaievich vừa ngồi mới đây. Bây giờ anh ta đã ngoắc lên mũi một kẹp kính rõ ràng là không cần thiết, một bên hoàn toàn không có mắt kính, còn bên kia thì bị nứt rạn. Ðiều đó làm cho người đàn ông mặc quần dài kẻ ô trông lại càng kỳ dị hơn so với lúc anh ta chỉ lối cho Berlioz đi ra đường ray.
Với trái tim ớn lạnh, Ivan Nikolaievich bước đến bên cạnh viên giáo sư, nhìn thẳng vào mặt ông ta và tin chắc rằng trên khuôn mặt đó hoàn toàn không có một tí chút dấu hiệu nào của sự điên dại.
„Hãy thú nhận đi, ông là ai?„ Ivan cất tiếng khàn khàn hỏi.
Người ngoại quốc chau mày và nhìn nhà thơ như mới thấy lần đầu, và trả lời một cách hằn học:
„Bất hiểu... tiếng Nga nói...»
„Ngài đây không hiểu đâu“, tay quản ca ngồi trên ghế băng chen vào, mặc dù không có ai yêu cầu anh ta giải thích những lời của người nước ngoài.
„Ðừng có giả vờ nữa!„ Ivan hùng hổ nói và cảm thấy trong ngực mình như lạnh hẫng đi. „Ông chỉ vừa mới đây nói tiếng Nga rất thạo đấy thôi. Ông không phải người Ðức, mà cũng chẳng phải giáo sư nào cả! Ông là kẻ giết người, là gián điệp! Giấy tờ đâu?„ Ivan quát lên dữ tợn.
Viên giáo sư bí ẩn với vẻ kinh tởm nhếch cái miệng vốn đã méo xệch rồi, và nhún vai.
„Này anh“, tay quản ca khả ố lại chen vào, »sao anh dám quấy phiền vị khách du lịch quốc tế thế? Vì việc đó người ta sẽ bắt anh phải chịu trách nhiệm một cách cực kỳ nghiêm khắc đấy.»
Còn vị giáo sư đáng ngờ trong lúc đó đã lấy vẻ mặt trịch thượng và quay người bỏ đi.
Ivan cảm thấy mất bình tĩnh. Thở hổn hển, anh quay sang nói với tay quản ca:
„Này công dân, anh hãy giúp một tay bắt giữ tên tội phạm kia lại. Anh có trách nhiệm làm điều đó!»
Tay quản ca sôi nổi hẳn lên, nhảy chồm dậy và hét tướng:
„Tên tội phạm nào? Hắn ở đâu? Tên tội phạm người nước ngoài ấy à?„ Ðôi mắt tay quản ca ánh lên vẻ sung sướng. „Tên kia phải không? Nếu như hắn đúng là tội phạm, thì việc trước hết là phải hét lên: Bắt lấy! Không thì hắn lủi mất. Nào, ta cùng hét nhé! Một - hai – ba!», và tay quản ca há miệng ra làm bộ như sắp hét to.
Ivan Nikolaievich đang lúc bối rối, và anh lập tức nghe theo tay hề quản ca, hét tướng lên: “Bắt lấy!” Nhưng gã quản ca đã chơi khăm anh, gã không hề phát ra một âm thanh nào cả.
Tiếng hét đơn độc, khàn khàn của Ivan không mang lại kết quả gì tốt đẹp. Có hai cô gái đi ngang hốt hoảng nhảy giạt sang một bên để tránh anh, và anh nghe thấy họ kêu “Ðồ say rượu!”
„A, thì ra mày cùng một giuộc với hắn?„ Ivan nổi khùng, quát. „Mày định giễu tao đấy phải không? Tránh ra!»
Ivan chạy sang phải, tay quản ca cũng sang phải; Ivan sang trái, và cái gã đểu cáng kia cũng sang trái.
„Mày định giữ chân tao lại à?„ cáu điên người, Ivan hét. „Tao sẽ trao mày cho công an!»
Ivan toan túm lấy cổ áo tên bợm, nhưng anh vồ trượt và không nắm bắt được gì. Tay quản ca đã như độn thổ mất.
Ivan kêu lên một tiếng, nhìn ra phía xa và lại trông thấy tay giáo sư lạ mặt đáng căm ghét nọ. Ông ta đã ở cạnh cổng ra ngõ Pat'riarsi, và không phải chỉ có một mình. Cái gã quản ca rất đáng ngờ kia đã kịp nhập bọn. Nhưng chưa hết, còn kẻ thứ ba nữa - đó là một con mèo không hiểu từ đâu hiện ra, nó to như con lợn đực thiến, đen như bồ hóng, với những chiếc ria của lính kỵ binh ngang tàng. Cả ba đi về phía ngõ Pat’riarsi, thêm vào đó con mèo lại đi bằng hai chi sau.
Ivan vội chạy đuổi theo, nhưng anh lập tức hiểu ra rằng đuổi kịp chúng là một việc rất khó.
Trong nháy mắt bộ ba nọ đã đi hết ngõ Pat'riarsi và đến phố Spiridonovka. Dù cho Ivan cố hết sức rảo bước, khoảng cách giữa anh và những kẻ bị anh đuổi theo vẫn không rút ngắn lại tí nào. Và nhà thơ chưa kịp định thần lại, thì vừa mới qua khỏi phố Spiridonovka vắng vẻ anh đã thấy mình đang ở cạnh cổng Nikitskie, nơi tình cảnh của anh càng thêm tồi tệ hơn. Ở đây người đông chen chúc, Ivan đụng phải một người qua đường và chịu một trận chửi rủa. Thêm vào đó, đám cướp bộ ba đến đây lại quyết định áp dụng phương thức quen thuộc của những kẻ bị săn đuổi - phân tán mỗi người mỗi ngả.
Tay quản ca nhà thờ vô cùng khéo léo lách vào một chiếc ô tô buýt vừa mới lao đến quảng trường Arbat và đi biến. Bị mất dạng một người trong bọn họ, Ivan tập trung chú ý vào con mèo và trông thấy con vật lạ lùng đó đi đến bên bậc lên xuống của một toa tàu điện chạy theo tuyến “A” đang đứng ở bến đỗ, trơ tráo gạt một người phụ nữ đang tru tréo xuống, bám chi trước vào tay vịn và thậm chí còn cố tìm cách chìa đồng mười kôpếch cho bà bán vé qua cửa sổ để mở vì trời quá nóng.
Hành động của con mèo làm Ivan kinh ngạc đến nỗi anh đứng sửng sốt bất động cạnh cửa hàng thực phẩm phụ ở góc phố, nhưng anh lại càng kinh ngạc hơn nữa trước hành động của bà bán vé tàu điện. Bà ta, vừa trông thấy con mèo leo lên tàu điện, liền hét lên với một vẻ giận dữ đến mức làm người bà ta run bắn lên:
„Mèo không được lên! Không được mang theo mèo lên. Phừ! Xuống đi, không tôi gọi công an đến bây giờ!»
Cả bà bán vé, cả hành khách đều không cảm thấy lạ lùng trước điều đáng kinh ngạc nhất của sự việc đang xảy ra: cái chính không phải là ở chỗ con mèo lên xe điện, mà ở chỗ nó còn định trả tiền vé.
Con mèo tỏ ra không chỉ là một con vật biết trả tiền, mà nó còn rất tôn trọng kỷ luật. Sau tiếng kêu thứ nhất của bà bán vé, nó ngừng ngay dự định lên xe, rời bậc cửa toa xe và ngồi xuống bến đợi, lấy đồng mười kôpếch cọ vuốt lên những sợi ria. Nhưng chỉ cần bà bán vé giật chuông, chiếc xe điện chuyển bánh, con mèo liền hành động như bất kỳ một người nào vừa bị đuổi xuống tàu điện nhưng lại rất cần phải đi cho bằng được. Ðể cả ba toa xe đi ngang qua mình, nó nhảy lên cung càng xe ở sau toa cuối cùng, chi trước bám vào một chiếc ống cao su thò từ thành toa ra, bằng cách đó tiết kiệm được mười kôpếch đi xe.
Mải theo dõi con mèo đểu giả, suýt nữa thì Ivan để mất dạng tay giáo sư - kẻ quan trọng nhất trong bộ ba. Nhưng thật may, ông ta chưa kịp lủi thoát.
Ivan còn thoáng trông thấy chiếc mũ bê rê xám giữa đám đông người ở đầu phố Bonsaia Nikitskaia hay phố Ghersen gì đấy. Sau một khoảnh khắc, chính Ivan cũng đã có mặt tại đó. Nhưng kết quả mong muốn vẫn chưa đạt được. Mặc cho nhà thơ có cố sức bước thật nhanh, có chuyển sang chạy gằn, có xô giạt cả những người qua đường, thì anh cũng không rút ngắn được khoảng cách đến tay giáo sư nọ lấy một centimét nào.
Dù Ivan có mất bình tĩnh đến mấy, anh vẫn phải kinh ngạc trước cái tốc độ khác thường của cuộc săn đuổi. Vừa mới ở cạnh cổng Nikitskie, chưa kịp qua hai mươi giây đồng hồ sau Ivan Nikolaievich đã thấy mình choáng mắt trước ánh điện của quảng trường Arbat. Thêm mấy giây nữa, họ đã đến một ngõ phố nhỏ và tối nào đó, vỉa hè khấp khểnh làm Ivan Nikolaievich vấp ngã sưng đầu gối. Rồi lại một đại lộ sáng trưng - đường Kropotkin, rồi một ngõ, rồi đường Ostogienka, rồi lại một ngõ nhỏ buồn tẻ tởm lợm, ánh điện tù mù. Và đến đây Ivan Nikolaievich hoàn toàn để mất bóng cái người mà anh cần đến vậy. Tay giáo sư biến đi không còn dấu vết. Ivan Nikolaievich đứng ngơ ngác, nhưng chỉ một thoáng thôi, vì anh vụt nghĩ rằng tay giáo sư kia nhất định phải ở trong ngôi nhà số l3 [1] và chắc chắn là tại căn hộ số 47.
Xông vào cổng cầu thang, Ivan Nikolaievich chạy như bay lên tầng hai, tìm thấy ngay lập tức căn hộ đó và nóng nảy ấn chuông. Anh đợi không lâu: một cô bé độ năm tuổi ra mở cửa, không hỏi gì người bấm chuông, mà lập tức bỏ đi đâu đó.
Trong căn phòng ngoài rộng thênh thang và hết sức hoang tàn, được lờ mờ chiếu sáng bằng một ngọn đèn tí xíu dính dưới trần nhà rất cao và đầy vết cáu bẩn, trên tường treo chiếc xe đạp không săm lốp, phía dưới là một rương gỗ lớn bịt bằng sắt, còn nằm trên giá ngay phía trên dãy mắc áo là chiếc mũ lông mùa đông, hai dải bịt tai dài buông thõng thẹo xuống dưới. Ðằng sau cánh cửa dẫn sang phòng bên cạnh, một giọng đàn ông vang rền trong đài đang giận dữ hét về một điều gì đó bằng thơ.
Ivan Nikolaievich hoàn toàn không cảm thấy bối rối trong gian phòng lạ, anh đi thẳng ra hành lang, bụng nghĩ thầm: “Tất nhiên, hắn ta phải trốn vào buồng tắm thôi!". Trong hành lang rất tối. Vấp phải tường, Ivan trông thấy một dải ánh sáng yếu ớt ở phía dưới cánh cửa, anh sờ tay tìm thấy nắm đấm cửa và kéo không mạnh lắm. Cửa mở, Ivan rơi vào đúng buồng tắm, và anh nghĩ thầm rằng quả là mình gặp may.
Nhưng thật ra anh không gặp may như anh cần! Một luồng hơi nóng ẩm ướt trùm lên người Ivan, trong làn ánh sáng mờ mờ hắt ra từ lò than đang đun nước, anh nhìn thấy mấy chiếc chậu lớn treo trên tường, một bể tắm loang lổ những vệt men tráng tróc ra trông đen đúa thật đáng sợ. Và ở trong bể tắm là một người đàn bà trần truồng, thân mình phủ một lớp bọt xà phòng, tay cầm miếng xơ mướp kỳ lưng. Người đàn bà nheo nheo cặp mắt cận thị nhìn Ivan vừa xông vào đột ngột, và có lẽ nhận lầm anh thành người khác trong làn ánh sáng tù mù như ở địa ngục này, nên nói khẽ và vui vẻ:
„Kiriuska! Thôi đừng loanh quanh ở đây nữa! Thế nào, anh điên rồi à?... Phedor Ivannovich sắp về bây giờ đấy. Ra khỏi đây ngay đi!„ và chị ta vung miếng xơ mướp về phía Ivan.
Rõ ràng đây là một sự hiểu nhầm. Người có lỗi, tất nhiên không ai ngoài Ivan Nikolaievich. Nhưng anh không muốn thú nhận điều đó, và chỉ vừa kịp thốt lên vẻ chê trách: “Ôi, đồ hư hỏng!” thì không hiểu sao đã có mặt trong gian bếp. Ở đây không thấy ai cả, chỉ có gần chục chiếc bếp dầu đã tắt đứng câm lặng trên mặt bệ. Một dải ánh trăng chiếu xuyên qua lớp kính cửa sổ đầy bụi hàng bao năm nay không lau chùi, rọi sáng một góc bếp, nơi có bức tượng thánh treo trong bụi bậm và mạng nhện, phía sau khung tường thòi lên phần trên của hai cây nến thường dùng trong các lễ cưới. Phía dưới bức tượng thánh lớn lại còn một bức ảnh thánh khác nhỏ hơn, bằng giấy.
Không ai rõ lúc đó Ivan Nikolaievich nghĩ gì, nhưng chỉ biết trước khi chạy ra lối cửa sau, anh thử lấy một trong hai cây nến và bức ảnh thánh nhỏ bằng giấy. Cùng với những đồ vật ấy, anh rời bỏ căn nhà lạ, vừa đi vừa lẩm bẩm những câu gì đó, cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về sự việc anh mới trải qua trong buồng tắm, bất giác cố đoán xem gã Kiriuska trơ tráo nọ là ai và không biết chiếc mũ lông kinh tởm với đôi dải bịt tai dài kia có phải của hắn ta không.
Trong ngõ nhỏ vắng ngắt và tối tăm, nhà thơ nhìn quanh tìm kẻ chạy trốn, nhưng không thấy bóng dáng hắn ta đâu cả. Lúc đó Ivan liền quả quyết nói với chính mình:
„Phải rồi, hắn ta ở ngoài sông Moskva! Ta đến đó thôi!»
Ðáng ra phải hỏi Ivan Nikolaievich, rằng tại sao anh lại cho rằng tay giáo sư kia phải nhất thiết đang ở ngoài sông Moskva chứ không ở một nơi nào khác. Nhưng oái oăm một nỗi là lúc đó không có ai để hỏi cả. Cái ngõ nhỏ khốn khổ hoàn toàn vắng người.
Sau một khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi, ta lại đã có thể trông thấy Ivan Nikolaievich trên những bậc đá hoa cương của bờ sông Moskva.
Cởi bộ áo quần đang mặc trên người ra, Ivan trao nó cho một người đàn ông để râu có dáng bộ dễ chịu đang ngồi hút thuốc quấn cạnh chiếc áo khoác ngoài có thắt lưng đã sờn rách và đôi giày mòn vẹt lỏng dây. Vung vẩy tay cho người dễ chịu, Ivan co tay, cong người lao xuống nước. Anh như bị nghẹt thở, nước quá lạnh, và thậm chí trong đầu nhà thơ còn lướt qua một ý nghĩ là có khi anh không đủ sức để nổi lên trên mặt nước. Nhưng rồi anh cũng nổi lên được, và vừa thở vừa phun nước phì phì, với cặp mắt mở tròn vì kinh hoàng, Ivan Nikolaievich bắt đầu bơi theo dòng nước đen nồng nặc mùi dầu hỏa giữa những đường gẫy khúc của hàng cột đèn trên bờ hắt bóng xuống.
Khi Ivan ướt sũng từ đầu đến chân nhảy theo các bậc đá đến chỗ vừa nãy gửi áo quần nhờ người đàn ông để râu trông hộ, thì hóa ra cả hai thứ - nghĩa là cả áo quần của anh lẫn gã đàn ông mang râu nọ - đều đã bị ai cuỗm mất. Ðúng trên cái chỗ vừa nãy để đống áo quần, giờ chỉ còn lại một chiếc quần lót dài kẻ sọc, chiếc áo khoác rách có thắt lưng, cây nến, bức ảnh thánh và hộp diêm. Sau khi vung nắm đấm dọa ai đó ở đằng xa trong cơn giận dữ bất lực, Ivan Nikolaievich vận lên người tất cả những gì còn sót lại trên bãi.
Lúc đó Ivan Nikolaievich cảm thấy lo lắng trước hai sự việc: thứ nhất là không cánh mà bay mất chiếc thẻ hội viên MASSOLIT bất ly thân của anh; thứ hai là với bộ dạng thế này liệu anh có thể trót lọt đi trong thành phố Moskva được không? Dù sao cũng là mặc quần lót... Thực ra thì việc này chẳng quan hệ gì đến ai, nhưng mong sao cũng đừng có ai hỏi han xét giữ gì...
Ivan dứt đứt những nút cúc của chiếc quần lót dài ở chỗ mắt cá, nơi cài dải dây vòng qua bàn chân, hy vọng là như vậy trông nó gần giống chiếc quần dài mùa hè hơn, rồi anh cầm bức ảnh thánh, cây nến và bao diêm rời chỗ bước đi, sau khi đã nói to với chính mình:
„Ðến chỗ Griboedov [2] ! Hoàn toàn không nghi ngờ gì, hắn ta phải ở đấy!»
Thành phố đã bắt đầu cuộc sống buổi đêm. Những chiếc xe tải kéo theo dây xích loảng xoảng chạy vùn vụt qua làm bụi tung mù. Trong thùng xe trên những bao tải là những người đàn ông nào đó nằm dài, bụng ngửa lên trời. Tất cả các cửa sổ đều để mở. Phía trong cửa sổ nào cũng cháy sáng một ngọn đèn dưới chiếc chao màu da cam, và từ tất cả các cửa sổ, từ tất cả các cửa lớn, từ tất cả các cánh cổng, từ mái nhà và ban công, từ nhà hầm và sân trong, khắp nơi vọng ra tiếng gào rú khàn khàn của khúc polonez trong bản nhạc kịch “Evgheni Oneghin” [3] .
Những lo lắng của Ivan Nikolaievich hoàn toàn là hiện thực: những người qua đường đã chú ý đến anh và quay đầu lại nhìn theo. Vì vậy anh quyết định rời bỏ những đường phố chính để len lỏi trong các ngõ nhỏ, nơi mọi người không đến nỗi tò mò dai dẳng, và anh ít khả năng bị giữ lại tra hỏi về chiếc quần lót anh đang mặc - nó cứ bướng bỉnh không muốn giống quần âu mặc ngoài một chút nào.
Ivan Nikolaievich đã làm đúng như vậy, anh dấn mình sâu vào mạng lưới bí ẩn của các ngõ nhỏ ở khu Arbat, bắt đầu len lỏi dưới những bức tường, lo lắng liếc nhìn quanh, chốc chốc quay đầu ngó lại phía sau, thỉnh thoảng ẩn mình vào các vòm cổng và cố tránh những ngã tư có đèn đường và những cửa biệt thự choáng lộn của các đại sứ quán.
Và suốt trên con đường gian khó của anh, nhà thơ không hiểu sao cứ bị hành hạ bởi dàn nhạc vang lên khắp mọi nơi, trong tiếng đệm của nó một giọng nam trầm nặng nề hát về mối tình của mình với Tachiana [4] .
Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.
[1]Số 13: Bulgakov thường sử dụng các con số có ý nghĩa biểu tượng, thần bí. Theo quan niệm dân gian Phương Tây, số 13 là số xấu, số ma quỷ. Ngoài ra trong tiểu thuyết ta còn gặp các số có ý nghĩa tương tự như 12, 7, 3 v.v.
[2]Nhà Griboedov: ở đây chỉ trụ sở (của các thành viên MASSOLIT) mang tên A. Griboedov (1795-1825) „nhà văn cổ điển Nga, tác giả vở kịch Đau khổ vì trí tuệ.
[3]Evgheni Oneghin: vở nhạc kịch của nhạc sĩ Nga vĩ đại P. Traikovski, soạn theo tiểu thuyết bằng thơ cùng tên của nhà thơ Nga vĩ đại A. Puskin.
[4]Tachiana: nữ nhân vật chính của vở nhạc kịch Evgheni Oneghin.
Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva
Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.
Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.