talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 29.04.2007


Elfriede JelinekTình ơi là tình


Elfriede Jelinek
Elfriede Jelinek
Ảnh: Ulla Montan, Stockholm © www.dagerman.se

"Theo lời Hegel, đàn bà là sự mỉa mai của xã hội. Thông qua những trang viết của bà, truyền thống phụ nữ dị giáo được thịnh hành và nghệ thuật văn chương được mở rộng. Bà không thương lượng với xã hội hay với thời đại của mình, bà cũng chẳng thích nghi với độc giả. Nếu văn học theo định nghĩa là một sức mạnh không uốn mình trước bất cứ điều gì, thì trong thời đại chúng ta, bà là một trong những đại diện chân chính nhất của nó." (Trích Lời vinh danh của Ủy ban Nobel dành cho Elfriede Jelinek, 2004. Lê Quang dịch.)

talawas chủ nhật kì này xin trích đăng phần đầu tiểu thuyết Tình ơi là tình (Die Liebhaberinnen), tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Áo Elfriede Jelinek, qua bản dịch của Lê Quang.

talawas chủ nhật

 

Elfriede Jelinek

Tình ơi là tình

Lê Quang dịch


I II

nhưng rồi một hôm

nhưng rồi một hôm đã xảy ra sự kiện làm một người thành đúng một con người, xảy ra với cả paula. chúng ta đã đợi nó đủ lâu rồi. hôm đó paula chợt cảm thấy như trước đó mình chưa thật sự sống vậy.

bởi vì: trước đó cuộc sống chỉ là công việc, nhà cửa, việc nhà, các bạn gái, công việc, công việc ở nhà và ở xưởng may (mới gần đây thôi!), nghĩa là một cuộc đời lầm lạc hay khiếm khuyết. nhưng giờ này nó đã bị dập tắt, và tình yêu hiện ra, rốt cuộc tình yêu đã tới, và rốt cuộc bây giờ paula là một con người.

công việc, nhà cửa, việc nhà, các bạn gái, công việc, công việc ở nhà và ở xưởng may thì tuy vẫn còn đó, chúng không tự biến đi trong nháy mắt, song ngoài ra có thêm tình yêu, hoan hô, điều quan trọng nhất trong đời người và nay cũng quan trọng nhất trong đời paula.

paula đặt kế hoạch rất chắc.

cô cũng muốn làm tử tế mọi việc.

cô cũng PHẢI làm tử tế mọi việc, không thì tình yêu biến mất ngay, hoặc bị công việc, nhà cửa, việc nhà, các bạn gái, công việc, công việc ở nhà và ở xưởng may lấn át, và tình yêu sẽ chìm vào xó tối vô vọng mất.

trước sau thì ít nhất việc nhà vẫn rơi vào tay paula.

erich là chàng trai đẹp trai nhất xóm. mặc dù gã là một thằng bé son rỗi với ba anh chị em nữa của một ông bố khác, một xuất phát điểm xấu như ta đã biết, nhưng gã đẹp trai.

đẹp như tranh, tóc đen, mắt xanh, đích thị để yêu.

erich cũng được các cô gái khác nhòm ngó.

ngay cả khi một người đàn ông không cho vẻ đẹp của mình là quan trọng và đàn bà cho là rất quan trọng, thì đẹp trai vẫn hay. erich còn có một nghề hay: nghề thợ rừng. nghề của erich không làm erich vui, mặc dù đó là nghề hay, nhưng bên lâm nghiệp cần người, vậy thì: vào lâm nghiệp đi, erich, ngay sau khi học xong phổ thông! erich thích người ta cần mình.

paula hoàn toàn không cần biết tất cả những chuyện đó. chỉ quan trọng là rốt cuộc tình yêu đã đến, và nó không đến với một tay thợ rừng xấu xí, tàn tạ, nát rượu, quặt quẹo, tục tằn, thô lậu, và cô, mà đến với một chàng thợ rừng đẹp trai, tàn tạ, nát rượu, lực lưỡng, tục tằn, thô lậu, và cô. đó mới là điều đặc biệt. bản thân tình yêu dĩ nhiên đã là cái gì đặc biệt rồi, nhưng nó phải đặc biệt đến mức nào để hoàn cảnh ấy lựa chọn erich và paula cho tình yêu. cặp erich paula chỉ có một lần trong hàng nghìn, thậm chí có khi hàng triệu người!

paula, sau khi từ lâu hay thực ra luôn luôn chờ ngày đó, mời tình yêu vào nhà ngay và rót một tách cà phê và thêm một miếng bánh ngọt lớn. không thì erich chẳng bao giờ đặt chân vào phòng khách kiêm bếp của cô, erich, đối với cô là hiện thân của nam tính trước khi tình yêu ra tay, và bây giờ đối với cô là hiện thân của nam tính nói chung, vì những đàn ông khác mà cô biết không thể là hiện thân của bất cứ gì, giỏi lắm là của rượu chè hay đòn roi hay mùi nhựa cây. nhưng hôm nay erich xuất hiện, hiện thân của đàn ông đầy nam tính, hiện thân của nát rượu, của đòn roi mà từ hồi bé tí gã đã nhận được từ mẹ, bà, bố dượng và đồng nghiệp trong rừng, vậy là hôm nay erich bước vào phòng khách kiêm bếp. dù có nhỏ, tồi tàn và cũ kỹ nhưng sạch sẽ, có thể ăn trên mặt sàn được. erich phải đến đặt hàng, đưa một tin cực quan trọng vì chuyến đi ngày mai. tổ trưởng cử erich, gã không biết nói năng ra đầu ra đũa, như trong mọi việc khác của mình.

mời anh ngồi, erich. erich nói: bếp nhà em nhỏ, tồi và cũ nhưng sạch như lau như li. chắc em chăm chỉ giúp mẹ lắm, ngoan quá, paula!

paula nghe lời khen thì rạng rỡ như con bò khoác áo giáp trong ngày lễ hạ trần.

vào thời điểm đó paula đúng 15 tuổi, erich thì đã 23. rất quan trọng, vì trước đó mọi việc đều khác và sau đó lại càng khác. ta hãy ghi nhớ thời điểm này! ở thời điểm này paula chưa nghĩ đến cưới xin. giả dụ paula nghĩ đến cưới xin thì bố cô cũng róc xương cô ra. giả sử erich nghĩ đến cưới xin thì mẹ, bà và bố dượng gã cũng lập tức cho gã ngửi mùi quan tài ngay. THẾ THÌ AI LÀM VIỆC CỦA MÀY? ai cắt cỏ, cho gia súc ăn, rải rơm? ai? ai chở nước cho lợn? ai???

và bà mẹ thì luôn đi làm xa nhà, từ năm 14 tuổi, nghĩa là sớm hơn paula bây giờ một năm, lúc nào cũng làm nghề hầu hạ, ở thị trấn, thậm chí ở bao nhiêu là thị trấn, cuộc đời ấy đem lại cho bà bốn đứa con mỗi đứa một cha, chứng đau khớp hông, chứng viêm khí quản kinh niên, một bộ mặt cằn cỗi xấu xí đến phát gớm, tấm lưng còng vì lau chùi sàn nhà, hai răng vàng! và ông chồng hiện nay, một nhân viên đường sắt về hưu. thế nào mà lại rơi đúng một ông chồng không cho bà đứa con nào, vì vậy ông càng canh chừng vợ, nhưng chuyện đó xem hồi sau. nghĩa là bà mẹ bây giờ làm việc tại gia, 24 giờ mỗi ngày, lưng bà càng còng hơn do lau chùi sàn nhà, chứng đau khớp hông và viêm khí quản còn nặng hơn cả từ xưa đến nay, nhưng bà ưa làm quần quật như thế để phụng sự ông già hưu trí hiền lành, người chồng lẽ ra không bắt buộc phải lấy bà với bốn đứa con, và lẽ ra cũng chẳng lấy bà nếu ông không bị chứng hen suyễn quái ác cần được chăm sóc. bà mẹ cuối cùng cũng cất tiếng sau một hồi im lặng đầy ý nghĩa: erich, mày chẳng kiếm được gì, nhưng nếu kiếm được thì phải là thứ gì TỬ TẾ HƠN. đi xa xa ra vùng lân cận, như tao đã từng làm và nhờ vậy mà đạt được khối thứ trong đời, một viên chức có lương hưu chẳng hạn, kể cả đôi khi con đường có cheo leo và dẫn qua những hạng đàn ông trí trá, tồi tệ với thứ hạt giống trí trá, tồi tệ trong tao, thế thì lại càng phải đi khỏi nơi đây và đến với cái tử tế hơn, dù sao thì trông mẽ ngoài mày cũng ngon lành, bố mày cũng là người italia đấy, trông mày ngon lành như thế với mái tóc đen ngoại quốc khó gì mày không kiếm được một con vợ rủng rỉnh. trông mày khá hơn bọn trong nước với mái tóc vàng xỉn hay nâu nâu bẩn thỉu, mặt mũi như thế dễ kiếm được con vợ lắm tiền mà người ta thường nghe nói, đọc trong sách hay nhìn thấy.

và bố mẹ cùng được nhờ vào đấy. liệu hồn, nếu bố mẹ không cùng được nhờ vào đấy!

vậy thì đừng vớ vào con nào, còn nếu phải vớ vào thì đừng lấy đứa nào ở làng, hãy lấy một đứa ở nơi khác tử tế hơn. nhưng mày là đàn ông rồi cơ mà, mày tự lo liệu cho mình được rồi. cẩn thận chớ làm con nào chửa kễnh ra, nếu không thì biết đâu phải trả giá cắt cổ hay trả bằng chính tương lai đấy, erich ạ. còn nếu phải làm nó chửa thì chọn con nào rủng rỉnh, một bà khách nghỉ hè chẳng hạn. vậy thì đi khỏi nhà đi, ra bên ngoài, thậm chí có thể ra nước ngoài nữa, tao đã được xem khối ảnh màu đẹp về nước ngoài rồi.

rồi thì đừng quấy giấc trưa ngả lưng của bố, bố cần ngủ vì chứng hen, không thì bố lại lên cơn nghẹt thở là cả nhà gặp hạn. ngày xưa bố làm việc ở đường sắt hiểu chưa, chưa ai trong làng tiến xa được như thế đâu, đừng quấy giấc ngủ trưa của bố mày kẻo bố về chầu giời là tong. tao đem cà phê lên cho bố bây giờ đây, bố dậy là có cà phê uống ngay.

nhớ đừng quấy giấc trưa ngả lưng của bố, bố cần ngủ vì chứng hen suyễn, ngày xưa bố làm việc ở đường sắt mà, giờ thì bố quá yếu không đủ sức đánh mày, tao cũng quá yếu để làm chuyện đó.

trông mày thì sắc sảo và tóc đen, erich ạ, nhưng trong đầu thì rỗng tuếch. mặc dù vậy thì tí nữa cứ xem ảnh nước ngoài lần nữa đi, có thiệt gì đâu, kể cả khi mày chẳng hiểu gì cả. erich, trông mày sắc sảo và tóc đen chừng nào thì đầu óc mày rỗng tuếch chừng ấy.

nghe xong, erich mặc chiếc áo len mới của cửa hàng nhận đặt và trả hàng bằng đường bưu điện, chiếc quần bò xanh mới của cửa hàng nhận đặt và trả hàng bằng đường bưu điện, chiếc sơ mi mới trắng lốp của cửa hàng nhận đặt và trả hàng bằng đường bưu điện, cuối cùng là thứ đẹp nhất của cửa hàng nhận đặt và trả hàng bằng đường bưu điện: chiếc áo khoác lông cừu có hoạ tiết. erich - gói hàng biết đi của cửa hàng nhận đặt và trả hàng bằng đường bưu điện.

và khi erich với cặp mắt đen châm một điếu thuốc thì có cảm giác điếu thuốc luôn ở trên môi gã rồi, ở đúng chỗ dành cho nó chứ không phải là dị vật trên một khuôn mặt mệt mỏi, nhơm nhớp mồ hôi và nhàu nhĩ với mái tóc vàng xỉn hay xám bẩn như ta bây giờ thường thấy.

chừng nào paula còn là một đứa trẻ thì erich chỉ đối xử với paula như một đứa trẻ. bây giờ paula phải chứng tỏ cho erich biết rằng cô không còn là một đứa trẻ nữa mà là một phụ nữ chính cống.
lúc nãy ta đã đọc đến đoạn erich vào phòng khách kiêm bếp của bố mẹ paula, điếu thuốc trắng trên khuôn mặt rám nâu, mái tóc và cặp mắt đen như mực, dáng người khác lạ và nguy hiểm như một con báo, gần như một con báo.

paula đã từng đọc về một kiểu đàn ông nhất định, trong khung cảnh quen thuộc họ trông như con báo trong rừng già.

khác lạ, nguy hiểm và dịu ngọt cho con mắt và trái tim.

không mục sở thị có lẽ cô chẳng bao giờ tin là chính trong căn bếp quen thuộc của mình lại có một người đàn ông trông như con báo nguy hiểm trong rừng già nguy hiểm. nếu ai làm nổi chuyện đó thì chính là erich, con báo erich. paula phải tìm ngay đoạn trong tạp chí cuối tuần nói về con báo mới được, à đây rồi!

paula cũng học tiếng anh. cô đứng đầu lớp trong môn tiếng anh và toán. và cũng giỏi các môn khác. nhưng nó chẳng giúp ích tẹo nào cho cô bây giờ.

erich không học đến nơi đến chốn, nhưng chẳng sao. vì gã như một ác thú xinh đẹp: một con báo.

paula biết rằng erich là tất cả. vậy thì cô phải vươn lên hơn chính mình nhiều nữa. nếu không thì sẽ có gì đó hơn mình, hoặc thậm chí hơn mình rất nhiều, vượt mặt mất. nhưng làm thế nào? làm thế nào đây?

con số 0 mang tên paula tất tưởi chạy đi chạy lại như phát rồ, pha cà phê, bưng bánh ngọt, cái bánh đáng lẽ giấu đi để dành cho bố và gerald. cơn thịnh nộ của hai người đàn ông thất vọng sẽ đổ xuống đầu paula trước khi ngày tàn, nhưng lúc đó bánh ngọt đã ở trong bụng erich rồi. paula vun vút vòng quanh như con ong. erich cố hiểu ra trong cái đầu tăm tối chậm chạp rằng paula đã ngấp nghé thành một bà nội trợ chính cống rồi.

paula đã từng trọng nghề may tử tế hơn việc nội trợ tồi tệ. giờ thì cô chợt gồng lên như con bồ câu hoang, gù gù xoè cánh, rỉa lông, hạ mi và tha lôi mọi thứ có thể đạt được trong tầm bay. ngoài bình nước thánh thì cái gì erich cũng xực được tất.

erich là cái tàu há mồm. gã xơi đến lúc oẹ ra thì thôi. erich chỉ thích động cơ, đúng hơn là động cơ trong xe gắn máy hoặc xe bình bịch thì tốt hơn. erich chỉ mong sao làm được bằng lái xe để được thích động cơ loại khoẻ hơn, tỉ như ô tô thể thao hay đại loại như thế, đó là toàn bộ niềm hoan lạc tiềm ẩn trong gã. song gã đã ba lần trượt thi bằng lái.

có thể là từ khi gã còn nhỏ tí, gia đình gã đã đồng lòng đập tan trung tâm động cơ trong đầu gã một cách có hệ thống, không sửa chữa nổi.

erich sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc mà không gợn chút tì vết được nữa. lúc nào niềm hạnh phúc của erich cũng có chút tì vết.

ngược lại, paula sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc.

paula rất thích xem phim, erich chỉ thích một chút thôi, vì ở đó cái gì cũng nhanh quá đối với erich.

cả những bà khách nghỉ hè cũng lại nhanh chóng bay mất, đến nơi xa vô định.

nơi xa nguy hiểm, nơi gần quen thuộc, người ta có thể mến nó được. gần xung quanh erich chẳng có gì để gã có thể mến được. gần erich chỉ có paula.

giả sử erich phải chọn giữa paula và một cái xe bình bịch thì gã sẽ lấy cái xe. tự mình đi xe thì erich cũng chỉ đi đến làng bên chứ không xa hơn, không đến nơi xa xa hơn.

paula hớt váng sữa làm kem tươi.

phụ nữ trong nhà paula nổi tiếng vì sạch sẽ. ngoài ra chẳng có gì hay ho để kể thêm về phụ nữ trong nhà paula. thế là đủ bõ công sống, người ta luôn có thể sạch sẽ hơn nữa. dậy đi, paula, tổng vệ sinh!

gã erich chậm chạp ngồi trên ghế băng và ăn bằng ba người cộng lại.

ăn tất cả những thứ trong nhà chỉ dành cho ông bố.

gã nhồi bánh vào họng như ở buổi lễ kiên tín, húp cà phê đè lên và rượu mạnh lấy từ ngăn bí mật. erich chậm chạp phình ra trùm lên ghế băng, ăn ngốn ngấu, và chẳng nghĩ đến gì khác ngoài động cơ của gã, ngoài chiếc xe máy phóng rất tít của gã, nhất là khi gã đã chuếnh choáng.
nhưng gã vẫn chưa hiểu cấu tạo máy, bởi vì các chi tiết máy hợp thành một cơ cấu rất rối rắm.

mặc dù vậy erich mơ ước một con xe nhanh hơn gấp bội, cảm giác phóng xe, tốc độ phóng xe, mơ ước một siêu động cơ, song nếu một chi tiết lặt vặt trong chiếc xe gắn máy khốn nạn bị hỏng thì gã tới ngay một cậu bạn, cậu này là chuyên gia động cơ, tuy cũng làm việc trong rừng nhưng là một thiên tài trong rừng, cậu này sửa cho erich mà chỉ xin vài cốc bia. một năng khiếu bị phí phạm trong rừng.

erich ước sao tháo banh chiếc xe gắn máy của mình ra từng mảnh rồi lắp lại thành một chiếc xe thể thao.

erich ăn bánh ngọt, như bố gã ngày chủ nhật, erich nghĩ đến chiếc xe gắn máy mà gã đang có, nghĩ đến chiếc xe bình bịch mà một ngày nào đó gã sẽ có, để rồi sau đó được nghĩ đến chiếc ô tô. nghĩ đến ô tô, để rồi trong tương lai xa xôi gã được nghĩ đến chiếc xe thể thao mà ngay từ hôm nay gã đã đọc và xem nhiều tranh về nó. liệu có phải mặc dù vậy hay chính vì thế mà hôm nay tình yêu đến với paula? paula nói với tình yêu rằng mi hãy ngồi xuống đi, mi sẽ được mời ngay một cốc cà phê sữa. nhưng tình yêu không ngoan ngoãn ngồi xuống, nó níu chặt lấy paula, sự việc rồi sẽ kết thúc ra sao đây? paula tự hỏi. nhưng erich, gã nghiện động cơ, thì không tự hỏi.

hy vọng sự việc kết thúc trong một cuộc đời tử tế hơn, paula hy vọng như cô vẫn thường xuyên hy vọng.

hy vọng sự việc kết thúc nhanh như có thể và xa như có thể, erich hy vọng, và nhất định không đi bộ, erich hy vọng.


Lại một quả hú hí sướng thế!

ừ, lại một quả hú hí sướng thế, heinz nhận xét. gã lau mồm, chải đầu, vuốt lông mày, ngoáy lỗ tai, ngoáy mũi, rửa tay, uống cà phê bữa sáng rồi ra khỏi nhà đi làm việc của mình. ra khỏi nhà là gã sa ngay vào bức xúc của nghề nghiệp, vào thế giới kỳ bí của dây nhợ mà brigitte không hiểu tí gì.

giờ đây thì brigitte bước theo số phận của đàn bà, nhẹ nhàng và đơn giản hơn so với số phận của đàn ông.

cô mở tủ thay quần áo, cởi váy và áo thun, khoác lên người chiếc yếm vải bông. nó sặc sỡ và dễ chịu, cốt để nâng cấp không khí nơi làm việc, đem chút sắc màu vào thế giới xám xịt u ám của máy móc. những chấm màu vui nhộn: tia mặt trời. sau khi brigitte nâng cấp không khí làm việc và đồng thời hạ cấp thể trạng của mình, cô xục chân vào đôi guốc gỗ thân thiện với chân, để chân cô trong khi làm việc vẫn khoẻ mạnh chứ không mắc bệnh như một số chân khác. chân brigitte thì không mắc bệnh được, cô đề phòng từ trước.

khi có kiến thức về mấy chuyện khoa học như sức khoẻ thì người ta ngăn ngừa được nhiều thứ, ví dụ như bệnh tật.

những nữ đồng nghiệp khác đều đi guốc kiểu này, họ cũng chăm cho đôi chân khoẻ mạnh. họ rất ưa dùng guốc gỗ.

và chưa kịp nóng chỗ brigitte đã bắt đầu ngay công việc ở băng chuyền. công việc băng chuyền giữ cho cô vẻ nữ tính, vì đây là một xí nghiệp nữ với những nhân viên (công nhân) nữ, do vậy không khó khăn gì để giữ sạch sẽ. duy nhất nam tính chỉ là các chức vụ cao mà người ta không nhìn thấy, nghĩa là họ không thể phá hỏng khung cảnh sạch sẽ nữ tính ấy được.

ở những xí nghiệp toàn đàn ông đôi khi có thứ gì xấu xí vương trên nền nhà mà không ai dọn đi ngay. trong xí nghiệp nịt vú này, trên nền nhà chỉ có những đồ xinh xẻo, đây đó một mảnh đăng-ten, một băng hồng thắm, song dù vậy chúng cũng được dọn đi ngay.

thật ra chẳng bao giờ có gì vương trên nền. lại còn bàn ghế trong căng-tin nữa chứ! khắp nơi ở đây là lợi thế của sạch sẽ. sạch đến mức có thể dọn thức ăn lên nền nhà được. các bà các cô ganh đua nhau xem ai tìm ra một hạt bụi hay vết bẩn trước tiên, lập tức nó được trừ khử ngay, đôi khi nó được trừ khử trước khi có dịp xuất hiện.

đôi khi còn quá đáng đến mức giọt cà phê dây lên mặt bàn tráng nhựa trắng cũng phải lau đi, để sau đó tất cả đều hài lòng.

nếu tình cờ có một nhân viên lãnh đạo đi qua, mà thực ra ông ta chẳng bao giờ đi qua, thì giọt cà phê ấy đã bị kết liễu cuộc đời non trẻ của mình từ lâu.

kể cả cô thư ký giám đốc tình cờ đi qua cũng không được phép nhìn thấy vết cà phê dây ra, vì cô ta rất thạo về các vết dây, nhưng cứ như là chẳng bao giờ đánh dây ra cái gì.

các thư ký giám đốc thường có một thú vui ngoài giờ. ví dụ như du lịch, khiêu vũ, đi bộ, xem phim hay làm thủ công.

tiếc rằng đám đàn ông mà các cô thợ may quen biết thì ngoài công việc của mình ra họ chỉ quan tâm đến nghỉ ngơi sau khi làm việc. họ không có thú vui ngoài giờ. họ thường có những thú vui xấu, không kéo gia đình vào vui cùng được.

người ta không biết rõ các thú vui của ông giám đốc kinh doanh, quản lý, phụ trách quảng cáo và giám đốc kỹ thuật.

người ta cũng không biết rõ các ông ấy làm việc gì. họ không phải người ở đây.

ở cạnh băng chuyền nịt vú thì người ta khó lòng mà có những vui thú gì xa lạ với băng chuyền nịt vú, vì nhiều khi người ta không biết có những vui thú gì tồn tại. người ta chỉ biết là ai đó hoặc những ai đó vui khi băng chuyền nịt vú vận hành.

ngay cả khi người ta biết rằng ngoài công việc và những nam công nhân còn có gì gì nữa, thì cũng phải có dịp ngộ ra rằng cái đó có thể dành cho chính mình chứ không phải lúc nào cũng để phụng sự người khác.

ít nhất thì brigitte là một trong số ít người hiểu ra rằng ngoài công việc còn có thứ gì cao xa hơn nữa. tình cờ mà brigitte nhận ra là còn có nhiều thứ ngoài công việc, nhiều hơn nhiều, đó là: HEINZ.

nghĩa là tình cờ mà brigitte nhận ra rằng bên cạnh công việc mà cô không yêu thích, bên cạnh các nữ đồng nghiệp mà cô không chịu nổi vì thật ra cô không phải là một trong số họ nữa, cô không chịu nổi họ chỉ vì các nữ đồng nghiệp vẫn cho cô là một người trong số họ, trong khi cô đã từ lâu rút chân ra khỏi, nhờ có heinz, con người tử tế hơn, tử tế nhất mới đúng, nghĩa là tình cờ mà brigitte nhận ra rằng trong đời bên cạnh công việc, công việc, thay đồ lao động, pha cà phê, công việc v.v. cũng còn có một người, người duy nhất, người làm cô mở mắt để chán ngán tất cả những thứ đó, tình cờ mà brigitte nhận ra HEINZ, heinz và hệ quả đi kèm.

cái thứ tử tế hơn ấy - heinz - chỉ có thể nhận ra nhờ tình cờ, khi người ta ở trong vị thế vô vọng bên cạnh băng chuyền như brigitte.

cái thứ tử tế hơn ấy - heinz - thì lại chỉ có thể nhận được nhờ một sự tình cờ khó tin, khi người ta ở trong vị thế vô vọng bên cạnh băng chuyền như brigitte.

liệu sự tình cờ có mỉm cười với brigitte?

vừa ngọ nguậy ngón chân trong đôi guốc sức khoẻ để giữ cho cả các ngón chân khoẻ mạnh và tươi tắn cho heinz, brigitte vừa nhìn từ đỉnh cao vòi vọi xuống các đồng nghiệp, những người mà trong tâm tư cô đã bỏ xa một quãng không sao gỡ lại nổi: nữ doanh nhân brigitte.

lũ kia, những kẻ chỉ được nhìn thấy cửa hàng và chỉ được vào bên trong khi mua đồ ăn cho trẻ con hay xúc xích khô cho chồng.

thông qua heinz mà sẽ được sở hữu cửa hàng, brigitte biết là sở hữu có thể gây áp lực, nhưng cũng đem lại niềm vui. dù thế nào thì đến lúc đó brigitte cũng biết là mình phải lao động cật lực cho ai, nghĩa là cho chính mình và heinz chứ không phải cho một đám quần chúng không tên hờ hững như ở đây.

của riêng là của riêng.

những suy nghĩ của brigitte lắm lúc bồng bềnh trôi xa, xa khủng khiếp.

heinz nghĩ đến trăm thứ bà giằn, nhưng ít nghĩ đến brigitte nhất.

heinz nghĩ đến những việc giống brigitte, nghĩa là nghĩ đến cửa hàng riêng của gã.

heinz hy vọng rằng quan hệ với brigitte sẽ không có hệ luỵ gì. khi heinz nghĩ đến brigitte thì gã không nghĩ đến bản thân cô mà nghĩ đến những hệ luỵ có thể xảy ra. heinz cân nhắc giữa brigitte và những hệ luỵ đi kèm.

brigitte hy vọng rằng quan hệ với heinz sẽ có hệ luỵ, PHẢI có hệ luỵ.

phải có con thôi! một con nhộng bú tí kinh tởm, trắng ởn, cào cấu. heinz sẽ đơn giản chấp nhận: đó là con chúng ta! đó sẽ là sợi dây buộc bền vững mà brigitte đang tìm.

heinz cố gắng bằng mọi cách để tránh mọi sợi dây buộc bền vững. đối với heinz thì đứa con là quả tạ buộc chân, là má phanh, là núi đá cản đường phát triển đầy hứa hẹn theo hướng doanh nhân.

brigitte muốn cho nó chui vào bụng mình, rồi ở lại trong đó chứ không rỉ nhoe nhoét ra ngoài một cách vô dụng, vô nghĩa và vô vọng. brigitte muốn heinz bóp cò, bắn cái tinh tú lọc ra từ thịt bò rán và bột nắm của bữa trưa vào trong cô. bây giờ thì chất nhờn khốn nạn kia đã bơm vào trong rồi, nhưng khoan, muốn ăn ngon phải đợi quả chín, mà heinz cũng phải chín.

thế đấy, có một giây đồng hồ mà đã làm ra một con người nho nhỏ, ai mà tin được.

đi đâu mà vội mà vàng, hay: hãy từ tốn, sức mạnh nằm trong tĩnh tại, heinz đáp lại sự thúc giục của brigitte một cách khoan khoái. heinz nằm tĩnh tại với toàn bộ tấm thân trên brigitte và nghỉ đã. trọng lượng của heinz khá lớn và gã không làm gì cho nhẹ đi.

brigitte cảm nhận cái bụng mỡ của heinz đè lên mình, không có dấu hiệu gì chứng tỏ sự sống còn tồn tại trong khối thịt khổng lồ ấy.

heinz không thuộc loại nhẹ cân, song gã không bận tâm chuyện đó.

có nên đạp cho hắn một phát vào mạng sườn không nhỉ, ý nghĩ thoáng qua đầu brigitte.

tất nhiên heinz muốn kéo dài tối đa những giây phút tươi đẹp hi hữu mà brigitte khả dĩ đem lại. đi đâu mà vội mà vàng, heinz đâu có vội.

lúc nào heinz cũng có sẵn một câu trả lời khôn khéo.

trong khi sự sống và chuyển động dần dần quay lại với heinz thì brigitte nghĩ đến tương lai. tương lai có nhiệm vụ làm quên đi hiện tại tởm lợm. brigitte muốn heinz làm nhanh lên, vì tương lai có thể không đợi được lâu nữa. trò khai vị nên chấm dứt đi chứ, để phần chính, kẻ nối dõi, có thể bắt đầu.

heinz ụt ịt xoay trở.

việc mà heinz đang làm không phải là trò khai vị cho brigitte, mà heinz phải dần dần vào cuộc rồi mới tiến tới hiệp cuối.

chưa bao giờ heinz nghĩ đến trò khai vị để brigitte sướng.

giờ thì heinz chính thức khởi động, động cơ rốt cuộc đã đủ nhiệt.

giờ thì heinz muốn sướng, gã là người sống gấp.

heinz dập huỳnh huỵch, ruột gan gã lộn phèo trong khoang bụng.

khí chất của gã là thế.

brigitte muốn sướng muộn hơn, bù lại thì lâu hơn.

tình yêu trôi đi, nhưng SỰ SỐNG ở lại.


chỉ có tình yêu đem lại cho chúng ta sự sống!

như ta có thể nhận ra trong câu nói quá vội vã trên, paula không chỉ thấy cơ hội sống còn trong nghề may tử tế, mà giờ đây paula còn thấy trong tình yêu một cơ hội SỐNG. cô thấy như phải chạy đua với mọi người một quãng đường dài, một quãng đường đầy ổ voi, tất cả rơi vào những hố ấy rồi biến mất, như trò billard: mấy cô chị cùng các con và những ngón tay tàn tạ, ông anh trai, người sắp có con nhưng bây giờ các ngón tay đã tàn tạ, bà mẹ của erich, người rất lắm con cái và như một sự kỳ diệu vẫn còn đủ các ngón tay, tất cả rơi vào hốc và biến khỏi bình diện nơi thực tế diễn ra.
nhưng cô, paula, cô khéo léo tránh được các lỗ! và cuối đường cô rơi vào vòng tay của erich trong tiếng chuông nhà thờ ngân.

hết nghề may là bắt đầu cuộc sống thực, không thể thực hơn. còn lâu mới phải nghĩ đến cái chết, vì nếu cuộc sống là thực và đúng thì nó còn lâu mới đến. chỉ khi người ta sống cuộc đời không thực và không đúng, như mẹ và bố, những người chỉ sinh ra, bắt tay vào việc ngay rồi chết luôn, chứ không từng cảm nhận được thực tế của cuộc sống thực, chỉ khi người ta có cuộc sống không thực và không đúng, đó là cuộc sống của công việc chẳng đem lại cho ta cái gì, khi ấy người ta mới chết một cách thực thụ và bền vững. sự việc đôi lúc nhanh đến nỗi, cuối đời cứ tưởng là chẳng sống tí nào.

paula bỗng dưng coi nghề may là kẻ thù tự nhiên của cô. may mắn sao cô chưa kết thân với nó một cách sâu sắc và khăng khít đến mức phải ôm lấy nó cả đời. may mắn sao nghề may là một thứ có thể quẳng đi lúc nào cũng được. may mắn sao nghề may không quấn chặt lấy cổ hay vào đâu đó rồi không chịu buông ra, giống như một số người cứng đầu thỉnh thoảng vẫn làm, như paula định làm với erich. may mắn sao không phải nghề may, mà tình yêu và một căn nhà riêng mà người ta phải xây nên, là TấT CẢ.

paula muốn erich, cô sẽ có được gã, sẽ có con với gã, sau đó cô sẽ bỏ nghề để có thêm con cái, nghĩa là thêm một đứa nữa với erich.

sẽ không ai tặng paula gì cả.

trước khi paula được tặng gì, cô sẽ mất tất.

paula sẽ được một chiếc ô tô, bù lại erich sẽ được chính cô, kể cũng không nhiều nhặn gì nhưng erich không được phép biết điều đó, gã chỉ nên tưởng rằng được như thế là nhất rồi.

cho đến khi hạnh phúc rốt cuộc đến nơi, tất nhiên là người ta phải biến đổi gã một chút: erich phải chừa hẳn rượu, vì đó là cái tồi tệ nhất cho đồ gỗ trong bếp sơn trắng và đồ gỗ mới trong phòng ngủ bằng gỗ hạch. rượu và đồ gỗ mới, về bản chất chúng là kẻ thù tự nhiên của nhau. cả rượu và áo dài mới là thứ không nên nôn mửa lên, cả giày trắng, loại trông như da thật nhưng không phải da thật, tuy vậy cũng không nên nôn mửa lên, trẻ con mặc đồ sặc sỡ, cây trong chậu, chiếc tivi với hoa nhựa trong bình nhựa, tất cả những thứ đó và rượu, rèm cửa trong suốt bằng sợi tổng hợp và rượu, đơn giản chúng là kẻ thù của nhau trong thiên nhiên là nơi chúng gặp nhau. là kẻ thù.

với paula mọi thứ màu trắng và mềm mại hợp nhau, rượu thì không. rượu quấy đảo và phá phách.

nhưng chớ vì nói chuyện tương lai mà quên hiện tại. tất nhiên khi nói về hiện tại thì ta (lỗi nghiêm trọng!) không được phép quên hẳn tương lai.

hiện tại của paula không phải là nghề may, hiện tại của paula là tình yêu của cô đối với erich, một mối tình sẽ còn đủ cho cả tương lai nữa.

nghĩa là khi tình yêu là cuộc sống thực thì paula phải cải tạo cuộc sống hiện tại vô thực của mình để nó tràn đầy tình yêu. làm như sau:

erich, chắc anh đã nhiều lần thấy trong phim, giữa những người phi thường có thể xảy ra những chuyện phi thường, ví dụ như một mối tình phi thường. vậy chúng mình chỉ việc phải phi thường rồi xem có gì xảy ra. quanh chúng mình là những người bình thường, chỉ biết làm việc và làm việc. chúng mình phi thường, vì ngoài công việc chúng mình còn yêu nhau. chúng mình không việc gì phải đi tìm sự phi thường nữa, vì đã có rồi: tình yêu.

tình yêu có khi chỉ đến có một lần duy nhất trong đời. ai không ghì nó bằng cả hai tay thì sẽ rất bất hạnh, ví dụ như để người vợ hay người chồng yêu dấu đi con đường lầm lạc. tình yêu là một ngoại lệ bên cạnh những gì ta trải nghiệm và có trong tay, trong công việc hay ở nhà.

ngoài nó ra chúng mình còn gì nữa đâu.

nhưng tình yêu thì chúng mình có, vậy hãy giữ chặt lấy nó!

trong phút này, cũng như trong nhiều phút trước đó, erich nghĩ đến bộ chia điện, chế hoà khí và ống xả, những thứ mà chính gã cũng chẳng phân biệt được, sau đó gã không nghỉ chút nào, cho dù khá mệt, mà nghĩ ngay đến cái trùm lên tất cả, đó là vỏ xe, là vặn tay lái và đi xe.

còn paula thì nghĩ cho cả hai và nghĩ tiếp ngay, không nghĩ về tình yêu và những gì xảy ra hay biến đổi trong cơ thể khi yêu, mà nghĩ về căn hộ mới, con cái, bữa cà phê chiều với kem váng sữa đem mời NGƯỜI KHÁC để họ BIẾT TAY mình.

đôi khi (hiếm hoi) erich cũng nghĩ đến những quyển sách mỏng về chiến tranh thế giới đã qua, viết rất phức tạp. hôm nay người ta chẳng biết gì nữa về những sự kiện miêu tả trong đó. hơi thở của lịch sử phả vào erich. ít khi erich nghĩ đến phụ nữ.

không bao giờ erich nghĩ đến paula, trừ phi phải nghĩ đến, vì cô đang có mặt.

paula nghĩ đến đứa con trai nồng ấm. paula nghĩ đến căn phòng màu trắng ở bệnh viện. paula nghĩ đến gia đình cũ của mình, trong cuộc sống mới của cô thì gia đình ấy chỉ vừa xoẳn vào một phòng bệnh viện, khi họ diện bộ đồ chủ nhật sang trọng nhất đến thăm. điều sung sướng nhất paula nghĩ ra được là họ sẽ hối hận bởi những trận đòn mà cô đã từng chịu trong cuộc sống tệ hại ngày xưa.

khi đã chụp ảnh xong xuôi, cả gia đình sẽ đi đều bước ra khỏi phòng bệnh viện. đến lượt erich sẽ trao bó hồng đỏ, không phải giấc mơ bong bóng xà phòng, mà giấc mơ đã hiện thực.

tất nhiên xen vào đó là lòng ghen tị và những câu chúc mừng.

thế là ta đã thấy sự khác biệt lớn giữa hiện tại của paula và tương lai của paula, cũng như giữa hiện tại của erich và tương lai của erich, cũng như giữa hiện tại của paula và hiện tại của erich, cũng như giữa tương lai của paula và tương lai của erich, một khác biệt còn lớn hơn nữa giữa hiện tại của paula và tương lai của erich, cũng như giữa tương lai của paula và hiện tại của erich.
làm sao có thể cân bằng những sự kiện có tầm cỡ thế giới như vậy?

đó là lúc bắt đầu công việc mà một người phải làm và người kia được nhận. đó là lúc bắt đầu công việc mà người kia phải làm và người này được nhận. vì trong trường hợp này không thể xảy ra chuyện cả hai cùng làm việc rồi chia đều thành quả. các quan điểm quá khác nhau, phân chia lỗ lãi quá bất bình đẳng, erich quá lợi thế nhờ ưu việt hình thể và giới tính của mình. lý do là sức mạnh và vẻ ngoài được các cô gái ngưỡng mộ khi họ được gã nhắm chọn.

erich là một loài tương tự như bố paula, như anh trai paula, như anh rể paula, nghĩa là một loài được ra đòn và nốc rượu, mặc dù cho tới giờ gã hầu như chưa có dịp thực thi, vì cho tới giờ chính hắn mới là kẻ bị đòn; nếu như sắp tới gã có dịp thực thi, nghĩa là có vợ, đó là chuyện gã chưa biết.

ra đòn khoái lắm, đó là chuyện gã chưa biết.

paula thì trái lại. trái lại thì paula đã gánh chịu mọi hậu quả từ bộ dạng và giới tính của mình. paula không được đánh giá là xinh, cái mà phụ nữ phải có, nhưng cô được đánh giá là sạch sẽ.

vệ sinh và sạch sẽ có thể, nhưng không nhất thiết phải tôn một người giống cái lên cao hơn.

trong khi đó thì nghề may quả là vô dụng và không được đem ra đây bàn, đúng ra là không được phép xuất hiện ở đây, đằng nào cũng sắp bị quên lãng và chẳng có giá trị gì cả, trong khi đó thì cái nghề may ấy hoàn toàn vô giá trị nếu so với cuộc đời và tình yêu nằm trong đó, trong khi đó thì cái nghề may ấy không có ý nghĩa gì sất, không thể thế chỗ cho một thằng đàn ông, không lót đường cho một con đàn bà đến với chồng, không lợi lộc gì cho một con mẹ đã có chồng và chẳng đem lại tấm chồng khi mụ cần, trong khi đó thì cái nghề may ấy không làm HẠNH PHÚC như duy nhất đàn ông mới làm được.

paula không cao giá hơn nhờ học nghề may, nhưng nhờ luôn luôn sạch sẽ trong nghề đó, nhờ thế mà cô trội hơn lên, gần đến mức xinh đẹp mà người ta phải có để được biết đến tình yêu.

nghề may có thể sẽ đưa lại cho paula những phút tung tẩy, nhưng thực tế cần nghiêm chỉnh.

erich nam tính, đẹp trai và lương thợ rừng, tương phản với paula nữ tính, xấu gái nhưng sạch sẽ, và tiền học nghề. tình yêu của erich dành cho các kiểu động cơ tốc độ tương phản với tình yêu của paula dành cho erich. tình yêu của erich dành cho rượu tương phản với tình yêu của paula dành cho erich. tình yêu của erich dành cho những pha kỳ bí trong thế chiến II tương phản với tình yêu của paula dành cho erich. tình yêu của erich dành cho xe mô tô tốc độ cao và ô tô thể thao tương phản với tình yêu của paula dành cho erich và ngôi nhà riêng. niềm si mê của erich dành cho những gì nhanh nhanh tương phản với niềm si mê của paula dành cho cuộc đời và cho erich.

đối với paula, hai thứ là một.

cuộc đời và erich.


trong khi đi dạo, brigitte

nắm lấy tay heinz một cách âu-yếm-chiếm-đoạt. trong mỗi phút tình cờ rảnh rỗi ngoài giờ làm việc, brigitte cố nắm lấy tay heinz một cách âu-yếm-công-khai, đôi khi cô phải chạy cạnh heinz hàng tiếng đồng hồ để vớ được dịp may nắm tay một lần. nhưng đã được thì đến cùng, chỉ thiếu điều hôn chụt lên tay nữa thôi.

nắm tay là một việc cần thiết, nhất là khi các cô gái khác hiện diện và sừng sững đứng đó như một nguy cơ bằng xương bằng thịt. bàn tay nhỏ bé lần mò luồn vào bàn tay to lớn của heinz, trong lúc mồm nói về thời tiết, tình hình thế giới, hay về bữa ăn hoặc thiên nhiên.

đôi khi heinz trắng trợn làm bộ tựa như gã và brigitte không là một, tuy cả hai là một. lũ đàn bà kia không thấy hai ta là một, đã trở thành một rồi và không chia cắt nổi hay sao, brigitte ngạc nhiên hỏi, khi các cô gái khác nhìn heinz như một thể xác độc lập với tinh thần độc lập.

nếu các cô gái khác nhìn heinz như một cái gì còn có thể chiếm được, trong khi không thể chiếm được heinz nữa vì brigitte đã chiếm được gã, vậy thì các cô gái ấy nhầm to rồi. của ai người ấy dùng chứ.

giờ nghỉ mà không có heinz thì không phải giờ nghỉ. giờ làm việc mà không có heinz thì cực nguy hiểm cho heinz và cho brigitte. giờ làm việc vắng heinz không là gì khác ngoài chướng ngại vật chắn đường đến với heinz.

không thể tưởng tượng người ta có thể căm thù đến mức ấy được. brigitte chỉ cần nhìn thấy heinz là cô đã lại ghét gã rồi.

một trong nhiều nguyên cớ để brigitte căm thù heinz là trong gã luôn luôn trào lên những cảm xúc xác thịt trong khi cô định chuyện trò về những vấn đề tâm hồn mà dẫn theo sau là một căn nhà nhỏ có vườn. lúc nào cũng thế, mỗi khi brigitte toan đặt hết ruột gan của mình lên bàn và nôn ra một đống những hạnh phúc, tương lai, chăm sóc con cái và máy giặt, thì heinz xử sự như thể gã không có não mà chỉ có con cu giữa háng.

chẳng lẽ heinz chỉ nhìn brigitte như một thể xác chứ không thấy toàn bộ sự phong phú bên trong?

thậm chí brigitte đã phải viện dẫn đến chiến tranh và khủng hoảng quốc tế để chứng tỏ rằng con người cần đến người khác giúp họ vượt qua.

lạy chúa, brigitte nghĩ, sao con ghét hắn đến thế.

heinz thì mừng là rốt cuộc đã tìm được một người để đè ra giường. vừa thoáng thấy con người mang tên brigitte là heinz đã cởi khuy và vào vị trí xuất phát. trong lúc brigitte còn kể về tình yêu của cô với gã, đồng thời rất cảm phục thành tích nghề nghiệp của gã, trong lúc ý nghĩ của cô còn lượn lờ từ tình yêu và cảm phục sang đến đám cưới và sửa sang nhà cửa, trong lúc cô chưa kịp ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã thấy cái của nợ của heinz ngoe nguẩy gí vào như con đỉa trâu.

và heinz chăm chỉ cho cái vòi bơm ấy hoạt động.

mẹ brigitte cho một lời khuyên tử tế là đừng có nhả ra. trong lúc ruột gan brigitte lộn tùng phèo lên thì heinz không nhả ra, gã bấu chặt lấy cô, phả hơi sâu răng tanh tưởi vào cánh mũi nhạy cảm của brigitte và nhỏ dãi tong tỏng lên mi mắt nhắm nghiền vì kinh tởm của cô. thế là xong, heinz đã toại nguyện, với mọi mong muốn và đòi hỏi của một gã trai như heinz.

bà mẹ đã đi xem phim, và heinz vào nhà, và con cu của gã ngoe nguẩy chĩa vào brigitte.

brigitte ước sao heinz có con cu xoắn hình lò xo, tha hồ mà có vấn đề. hiện tại thì brigitte mới là người có vấn đề.

brigitte không dám nghĩ đến việc nói ra câu: hãy để cho tôi yên.

brigitte biết có nhiều cô gái mong vơ được một tương lai của người khác, nghĩa là của cô, của brigitte.

do vậy mà brigitte thà tự biến mình thành con cu kéo dài của heinz, thành một phần cơ thể heinz.

vừa lao qua cửa vào phòng heinz đã tia về bộ ghế đệm, chưa cởi xong áo len gã đã nhắm mắt phi, và brigitte dùng thân mình đón cuộc tấn công đó.

biết đâu sẽ có lần heinz lấy đà mạnh quá và đâm xuyên qua brigitte qua cả bức tường đằng sau. hôm nay heinz chỉ vừa đủ đà để hạ cánh ngoạn mục trên brigitte. một sự chính xác tuyệt đỉnh. một đòn hành hạ cho brigitte.

brigitte còn không bao giờ dám mở miệng nói gì khi đói hay khát. nếu sau đó heinz đói bụng thì brigitte cũng đói, một cơ thể duy nhất với mọi hệ quả. heinz và brigitte là một.

tình cảnh vui vẻ cho hai người trẻ tuổi.

brigitte căm thù heinz tận xương tuỷ.

giả sử, tại một trong những cảnh hừng hực do heinz tạo nên mà không thèm suy nghĩ xem nó kinh tởm ra sao đối với brigitte, thay vì banh hĩm ra thì brigitte banh một cái túi chẳng hạn, trong đó toàn những gai nhọn dài, và heinz lao vào, dô ta nào, heinz tiến đến với đao kiếm sẵn sàng, và lao luôn vào! lao đi chứ, lao thẳng vào đống gai hay đinh nhọn! chắc là không sướng đâu nhỉ, nằm đấy mà quẫy hai cẳng trong không khí một cách tuyệt vọng!

nghĩ ra cảnh ấy brigitte phải mỉm cười.

heinz không biết tại sao brigitte thấy buồn cười khi gã ập xuống người cô như một vụ nhật thực hay một thiên tai nào khác.

brigitte cứ để heinz tin vào chuyện thiên tai.

mới đầu brigitte rên khủng khiếp và sau đó thật não nùng, nguyên nhân: thiên tai heinz.

brigitte không cảm thấy gì ngoài một sự cọ xát kỳ quái khó chịu trong mình. brigitte cảm thấy tình yêu trong mình.

heinz cũng rên, để brigitte thấy gã cố gắng ra sao vì cô và gã khoẻ ra sao.

heinz rên vì sức mạnh chứ không vì yêu.

trong tình yêu heinz không đùa, trong sức mạnh lại càng không.

muốn mở một cửa hàng riêng thì người ta phải tự mình xoay xở lấy, nhiều lắm là có ai đó ban đầu góp thêm vốn (khởi nghiệp).

trong tình yêu brigitte không đùa. đó là chuyện nghiêm chỉnh nhất mà cô có thể làm cho cửa hàng riêng của mình, cô có tí vốn khởi nghiệp nào đâu.

brigitte và heinz rên hai bè khi yêu.

trong khi đó brigitte cảm thấy khó chịu, heinz cảm thấy dễ chịu trong cơ thể.

đối với brigitte thể xác là phương tiện dẫn đến mục đích cao hơn.

đối với heinz thể xác rất quan trọng, quan trọng nhất bên cạnh bước tiến thân nghề nghiệp của mình. cả ăn ngon nữa!

nó đem vui sướng cho heinz, không cho brigitte.

heinz vui sướng, mặc dù gã không biết đùa.

brigitte chẳng có gì ngoài một niềm hy vọng lơ mơ. nhưng brigitte có âm hộ. cô sử dụng nó. âm hộ của brigitte đớp lấy doanh nhân trẻ một cách tham lam.

một sự liên hiệp thể xác diễn ra giữa brigitte và heinz. brigitte nói, anh làm em sướng chết đi được. câu đó làm heinz rất tự hào, gã nhắc đi nhắc lại nó khi ngồi với bạn bè.

anh làm em sướng chết đi được, heinz ạ. em có chết thì không khi nào muốn chết trong công việc, heinz ạ, nếu chết thì chết trước khi đi làm.


những si mê của paula

paula si mê cuộc sống và erich. cả hai là một đối với paula. vậy thì lao đến với cả hai!

tuy nhiên, khi erich rốt cuộc rời khỏi căn phòng khách kiêm bếp sạch sẽ của bố mẹ paula, trong tim có mô tơ, trong bao tử có bánh ngọt và rượu, trong đầu chẳng có gì, vì gã đã nhắn xong tin mà gã cần nhắn, lúc đó thì gã không còn nhớ gì đến một con người bằng xương bằng thịt là paula, mà chỉ nhớ đến một cô gái đã làm cho gã một việc mà đàn bà luôn luôn làm cho gã, nghĩa là cho gã ăn, cho gã ăn, cho gã ăn, và tận tuỵ hầu hạ gã như ông thánh sống. vậy nên không nhớ đến một con người nào đó, mà nhớ đến tác dụng của họ, nghĩa là hơi nóng dễ chịu của rượu trong bao tử và cảm giác no nê ngọt ngào, của bánh ngọt, cũng trong bao tử. và cà phê cũng khá đấy, cà phê hạt chính cống.

với erich thì tất cả những thứ ấy hoàn toàn tách khỏi những gì mà gã luôn làm với các bà khách nghỉ hè, họ là những sinh vật sống thật sự hơn đối với gã, vì họ lúc nào cũng được lựa chọn trong nhiều khả năng khác nhau, ví dụ như đi xem thác nước hay lên núi, đi khiêu vũ hay chơi bowling. nhiều lựa chọn tự do đến mức ấy làm erich sợ.

song những khách nghỉ hè ấy là một loại phụ nữ khác hẳn, hoặc họ là phụ nữ, còn mẹ gã và paula có lẽ chẳng phải là phụ nữ, hay ngược lại, nghĩa là một loại phụ nữ khác không liên tục dúi cho ta thứ gì, không săn sóc ta, mà chính họ muốn được người khác dúi cho thứ gì, mặc dù họ thường giàu có, chứ không phải phụ nữ để lấy làm vợ như xung quanh vẫn hay nói đến.

trái với loại đó là: phụ nữ để lấy làm vợ, những người muốn được người khác dúi cho thứ gì sau khi cưới, nhưng dù vậy hi hữu lắm họ mới đợi được đủ lâu đến lúc thành công. vì thế nên: nếu nghĩ tới đàn bà - một sự kiện hiếm hoi ở erich, chỉ xảy ra khi gã có nhu cầu mà chỉ suy nghĩ không thôi thì quả là không thoả mãn nổi nhu cầu đó - erich nghĩ tới hai loại đàn bà, nghĩa là erich nghĩ đến đàn bà thuộc loại không phải đàn bà đối với gã, vì họ giống như bà mẹ vô giới tính của gã luôn tống đồ ăn thức uống vào mõm gã, rồi đến những đàn bà thuộc loại không phải đàn bà đối với gã, vì đối với erich họ không được phép là đàn bà, vì họ ngủ với bất kỳ ai mà không cần yêu, hứa hôn hay cưới người đó và nói chung không biết lau quét cả một ngôi nhà được.

tuy nhiên rất hiếm người trong số đó có ít nhất một ngôi nhà. tuy nhiên erich không cần biết đó là đàn bà hay không phải đàn bà hay chẳng là ai cả.

chẳng bao giờ erich nghĩ đến đàn bà, còn nếu có thì đó là loại đàn bà không phải là đàn bà, vì vậy mà đối với erich không có đàn bà, vì những đàn bà mà erich biết thì thực tế không phải là đàn bà.

erich cảm nhận được tác dụng của đàn bà chứ không cảm nhận được chính đàn bà. vì vậy và cũng vì nhiều nguyên nhân khác, erich chỉ nghĩ đến xe cộ của mình.

vì vậy và cũng vì nhiều nguyên nhân khác, trong giây phút này paula nghĩ đến erich và nghĩ cách trở thành vợ gã, sẽ khó đấy, nhưng nhất định phải làm được.

trong thời gian tiếp theo, nghề may tử tế rên rỉ ca thán vì đột nhiên không rõ tại sao nó biến thành một công việc chán ngắt và tồi tệ: paula, nếu bây giờ mi không chăm chút đến ta thì rồi đây ta sẽ không còn là cuộc sống tươi đẹp cho mi nữa như dự định ban đầu của ta. ta sẽ đột ngột, nhanh đến mức mi không nhận ra, không còn là một phần trong cuộc đời mi nữa.

nhưng paula có lắng nghe nghề may tử tế nói gì nữa đâu cơ chứ.

nghĩa là trong khi paula ngồi may thì cô nghĩ đến cuộc đời tuyệt hảo sẽ đến với cô nhanh hơn nhiều cùng với erich, nhanh hơn cuộc đời tử tế mãi hai năm nữa mới đến cùng với nghề may, khi cô học nghề xong. còn cuộc đời tuyệt hảo thì biết đâu mai đã có thể bắt đầu rồi!

paula, hãy luôn luôn sẵn sàng.

tuyệt hảo bao giờ cũng hơn tử tế.

người ta nên bắt gặp hạnh phúc riêng ở một người khác hơn là ở mình, như mẹ cô, bà cô, chị cô đấy, họ đi tìm hạnh phúc của mình ở người khác và chẳng thấy, người ta nên bắt gặp hạnh phúc riêng ở một người khác và cũng tìm thấy hạnh phúc ở họ, hơn là người ta tự kiến tạo hạnh phúc riêng hoặc không tìm thấy hạnh phúc riêng, và tuổi trẻ đã trôi qua mất rồi.

hạnh phúc làm từ một con người xương thịt thì hơn là từ sợi tơ, chỉ gai hay sợi lanh vô hồn.
làm sao để thành vợ erich và cũng được erich nhận ra là đàn bà? không phải lên gấu, thùa khuyết, may đột, may diềm, may nổi nữa, hay làm qua loa xong chuyện thì thôi.

erich cắt cỏ cho bò.

erich tiếp tục cắt cỏ cho bò.

erich cắt cỏ cho bò hôm nay đã là ngày thứ một tỉ. bên cạnh công việc trong rừng erich vẫn luôn phải cắt cỏ cho bò. và nhiều nhiều công việc khác nữa, như cắt cỏ cho bò, dọn phân trong chuồng, chở phân ra đồng, cắt cỏ cho bò, lần nữa, lần cuối cùng, cắt cỏ cho bò và khối việc nữa.

paula đến thăm mẹ erich và những người xung quanh bà, những người xung quanh erich thì đúng hơn, mọi thứ đều xoay quanh tâm điểm erich, người đang cắt cỏ cho bò, dường như ngày nào cũng làm việc đó. cháu chào bác, cháu đem bánh ngọt đến, mẹ cháu gửi lời chào. chúc bác ngon miệng.

mẹ của erich ngạc nhiên, vì đó là chuyện không bình thường, khi người ta có gì đó mà lại tự nguyện đem cho, dù chỉ là một mẩu bé tí, chuyện đó chưa hề xảy ra, ở đây thì ai cũng cố nhận được gì mà không muốn có đi có lại bao giờ, ở đây ai cũng cố nhận được mọi thứ, miễn phí thì càng tốt. nhưng nói chung người ta biết rằng KHÔNG THỂ bỗng dưng nhận được gì miễn phí cả, kể cả bệnh nặng, cho nên mẹ erich ngạc nhiên tại sao đột nhiên có cái bánh ngọt miễn phí thản nhiên tiến vào nhà. rất cám ơn. cho bác gửi lời chào. song, như đã nói, vì cơ may được tặng thứ gì chỉ xảy ra một lần trong thiên niên kỷ, vì vậy mẹ erich suy nghĩ tiếp. con bé này làm thế với mục đích gì nhỉ? nhà ta có thứ gì giá trị để nó hy vọng một tích tắc là ta sẽ đưa ra, là nó sẽ được nhận? phải là thứ gì đó, tối thiểu có giá trị cao hơn chiếc bánh chút xíu, nói cho cùng người ta luôn luôn muốn thu hoạch nhiều hơn khoản đầu tư vào. con bé này không thể hy vọng thật sự rằng nhà này lại xuất ra miễn phí bất cứ thứ gì, kể cả ghét bẩn dưới móng tay, con bé này chi ra một miếng bánh ngọt thì sẽ thu về nhiều nhất là một miếng mỡ hun khói, miếng nạc nhà này tự ăn lấy, mà nó cũng chưa kể là nó muốn có một miếng mỡ hun khói hay mấy quả trứng hay một lọ mận ngâm đường. hay là nó lại định muốn xin chút mứt nhừ tự nấu lấy? thế thì hãy còng lưng khuân thêm bánh ngọt nữa đến đây nhé, đến mùng thất nhé, bà mày đang nhớ lại nấu mứt nhừ vất vả ra sao đây, đi mà ăn mứt nhừ của nhà mày ấy!

paula tự định đoạt cuộc đời mình, và cho đến giờ cô chỉ nhận được thái độ nghi ngại, vô ơn và hiểu lầm.

kệ, paula rất năng động. cô hái hoa khi hoa đã nở hoặc có khi sớm hơn, như thế thì chúng sẽ nở ra trong cốc nước hoặc trong chiếc bình sứ đẹp trong phòng kín. chỉ mình ta sẽ được tận hưởng chúng, hoặc một người thân cận.

nhưng rồi sẽ đến một ngày chứng tỏ vấn đề không phải mứt nhừ. giả sử đó là mứt nhừ thì paula đã nói gì đụng đến đề tài mứt nhừ sau cái bánh thứ tám. cô đâu có dở hơi đến mức khuân mười cái bánh đến đây đổi lấy một lọ mứt nhừ, khi chỉ cần tám cái bánh là đã được một lọ rồi!

vậy paula muốn gì, cô muốn gì nhiều vậy?

erich lại cắt cỏ cho bò. em giúp anh khuân cỏ vào nhé, cô hỏi. paula không mặc quần áo thích hợp để khuân cỏ, mà hợp với nhà thờ, song cô có đến nhà thờ bao giờ đâu, vì bố mẹ cô cũng chẳng bao giờ đến nhà thờ, vì đến đó có được gì đâu. erich quan sát paula như quan sát một con bọ vô hại mà ta không nhất thiết lấy chân di cho chết khi ta đang trong tâm trạng vui vẻ. erich không quan sát paula một cách ác ý. erich quan sát paula mà lại cũng như không quan sát. em sẽ bị giây vết cỏ lên áo dài đấy, gã nói, trông em như sắp đến nhà thờ, em có thể đến đó ngay được đấy, trông em như thế kia mà. không, em giúp anh, erich, lúc nào anh cũng phải làm việc vất vả mà! ừ, việc vất vả thật đấy, nhưng làm việc ngoài không khí trong lành là tốt, chứ phải làm việc trong không khí tù hãm ở các nhà máy thì anh chết mất, thậm chí cả phụ nữ yếu ớt cũng phải làm việc ở đó, erich đá thêm. anh nói đúng, paula đáp lại ý của erich vừa nói ra, giữa hai người đã nhịp nhàng một âm hưởng mới, âm hưởng của đồng cảm. nghe nói làm việc ngoài không khí trong lành khoẻ hơn làm trong nhà máy, em đã đọc về chuyện đó.

erich không đọc chuyện đó, vì gã chỉ đọc mấy cuốn sách mỏng về chiến tranh thế giới, nhưng gã cũng nghe nói làm việc ngoài không khí trong lành khoẻ hơn và sảng khoái hơn. anh nói đúng, paula đá thêm, không khí trong lành và công việc ở đó đem lại cơ bắp, sức khoẻ và má hồng. nhưng anh rất vâm, erich ạ. và khoẻ mạnh. đó là cuộc trò chuyện thực sự đầu tiên giữa erich và paula, một cuộc chuyện trò có người này nói và người kia trả lời một cách hợp ý. trong giây phút ấy erich bất giác nghĩ rằng paula có vẻ cũng là một cá nhân, như gã là một cá nhân vậy.
erich đã lơ mơ nắm được cốt lõi vấn đề.

về mẹ mình thì erich lại đi chệch vấn đề. erich chỉ cảm nhận được những tác động đến từ phía bà: nấu ăn, cọ rửa, chửi bới, doạ đánh, cọ rửa, và lại nấu ăn.

paula đã có câu trả lời đáp lại ý erich nói ra.

erich đã trực tiếp nhìn thấy hệ quả của một trong những hành vi của gã.

bù lại, paula được phép giúp khuân giỏ đựng cỏ.

đây là khoảnh khắc mà erich và paula lần đầu tiên cùng làm việc gì đó với nhau, đó là khuân giỏ đựng cỏ.

trong tương lai, khi erich và paula làm việc gì đó với nhau thì họ sẽ khoá cửa phòng lại hoặc vào rừng.

trong tương lai sẽ không ai được chứng kiến họ cùng làm việc gì đó với nhau.

cũng trong tương lai, đôi khi erich và paula tương hỗ cho nhau, ví dụ như erich ra đòn còn paula ăn đòn, hoặc erich ốm và paula chăm sóc gã, hoặc cả hai cùng cưa gỗ, hoặc paula nấu và erich ăn.

thông thường, dư luận hay đàm tiếu về những người như paula. về đại ý thì những chuyện tiếu lâm ấy nói lên rằng giống đàn bà ấy ngu bao nhiêu thì ngoan bấy nhiêu.

nhưng ngoan thật đấy chứ.

trong giây phút đó, mẹ erich suy ngẫm về chuyện cùng nhau khuân giỏ đựng cỏ. lần này bà nghĩ khá nhanh, mặc dù bộ não bà ít khi hoạt động.

paula không muốn bơ và pho-mát, không muốn sữa cũng chẳng rượu vang hay mứt nhừ. vậy nghĩa là paula muốn con người đã dùng tiền bạc và sức lao động của mình để đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra những sản phấm ấy: đó là erich.

nhưng ngoan thật đấy chứ!

KHÔNG! mẹ erich nghĩ.


Nguồn: Trích từ tiểu thuyết Tình ơi là tình của Elfriede Jelinek, Lê Quang dịch từ nguyên bản tiếng Đức Die Liebhaberinnen, Công ty truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006. Sách dày 274 trang, phần đăng trên talawas là phần đầu, từ trang 11 đến hết trang 109.


I II

Tác giả Elfriede Jelinek sinh năm 1946 tại Mürzzuschlag, Áo, trong một gia đình khá giả có mẹ làm nghề kế toán và bố là một nhà hoá học gốc Séc-Do Thái. Ngày bé bà được gửi đến một nhà trẻ Cơ đốc giáo và sau đó là một trường Dòng. Mẹ Jelinek kỳ vọng con gái mình sẽ trở thành một thiên tài âm nhạc, nên ngay từ nhỏ, cô bé Jelinek đã phải học piano, ghi-ta, sáo, violine và viola. Năm 13 tuổi, Jelinek được nhận vào Nhạc viện Wien và học các môn organ, piano, recorder và sáng tác. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp trung học, bà trải qua cơn khủng hoảng tâm lý đầu tiên. Tuy vậy, bà vẫn theo học vài học kỳ các môn Kịch và Lịch sử nghệ thuật tại Đại học Tổng hợp Wien. Năm 1967, vì luôn bị rơi vào những trạng thái ám sợ, bà phải bỏ học và trong suốt một năm sau đó, bà sống cô lập ở nhà. Thời gian này, bà bắt đầu viết văn. Những bài thơ đầu tay của bà được in ở các tạp chí và nhà xuất bản nhỏ. Sau cái chết của người cha, Jelinek bắt đầu hồi phục tâm lý. Trong phong trào sinh viên năm 1968, Jelinek là người tham gia tích cực. Bà đã từng bỏ nhà sống vài tháng trong một khu quần cư của dân cánh tả, có lúc cùng với Robert Schindel, một nhà văn Áo cấp tiến từng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao. Năm 1971, bà tốt nghiệp môn organ tại Nhạc viện Wien. Năm 1972, bà chuyển tới sống chung với nhà văn Đức Gert Loschütz tại Berlin, nhưng chỉ một năm sau, bà lại quay trở về Wien. Năm 1974, bà gia nhập đảng Cộng sản Áo (KPÖ) và tham gia tích cực vào việc vận động tranh cử cho Đảng cũng như các hoạt động văn hoá cánh tả. Cùng năm này, bà kết hôn với Gottfried Hüngsberg, một nhà soạn nhạc phim, sau chuyển sang nghề tin học. Năm 1975, Jelinek đạt được bước đột phá văn học với tiểu thuyết đầu tay Die Liebhaberinnen (bản dịch của Lê Quang: Tình ơi là tình), tác phẩm được coi là bức biếm hoạ cay độc về quê hương Áo và phụ nữ Áo. Năm 1983, Jelinek gây xì-căng-đan lớn đầu tiên với vở kịch Burgtheater, vở kịch phê phán gay gắt việc nước Áo đã không dám trực diện với quá khứ phát-xít của mình. Từ đây, Jelinek bị số đông trong dư luận Áo xếp hẳn vào loại "ăn cháo đá bát". Cùng năm này, bà cho ra mắt cuốn tiểu thuyết với hơi hướng tự thuật Die Klavierspielerin (bản dịch của Ngọc Cầm Dương: Cô gái chơi dương cầm), cuốn sách sẽ đem lại cho bà giải Nobel. Năm 1989, bà xuất bản tiểu thuyết Lust (tạm dịch: Hứng), một tác phẩm được coi là "porno nữ" (để đối nghịch với porno thông thường - porno nam), một bestseller gây xì-căng-đan âm ỉ. Năm 1991, Jelinek tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản Áo. Năm 1995, sau khi bị đảng Tự do Áo (FPÖ) công kích cá nhân trên một áp-phích vận động tranh cử, Jelinek tuyên bố rút khỏi công luận Áo và cấm tất cả các nhà hát quốc gia Áo diễn kịch của bà.

Tác phẩm: Ngoài ba tiểu thuyết lớn (Die Liebhaberinnen, Die Klavierspielerin, Lust) với những chủ đề: nước Áo với quá khứ phát xít, tuổi thơ bị đè nén, số phận phụ nữ trong chế độ nam quyền, văn hoá porno..., Jelinek còn là tác giả của một tập thơ, nhiều vở kịch, một số kịch bản phim và nhiều tiểu luận phê bình. Ngoài ra, bà còn là dịch giả với những bản dịch tác phẩm của Thomas Pynchon, Georg Feydeau, Eugène Labiche, Christopher Marlowe và Oscar Wilde.

Giải thưởng: Jelinek đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn học uy tín của các nước nói tiếng Đức cho các tiểu thuyết và các vở kịch của bà (Trong đó có Georg-Büchner-Preis năm 1988, giải thưởng văn học lớn nhất của Đức). Năm 2004, bà được trao giải Nobel văn chương.

Website: http://www.elfriedejelinek.com/

Dịch giả Lê Quang sinh năm 1956 ở Hà Nội; 1974, du học ở CHDC Đức; 1980, tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại Bauhaus-Universität Weimar; 1981-1988, làm kiến trúc sư tại Erfurt; từ 1988, thông dịch tự do. Lê Quang là dịch giả của các tiểu thuyết: Người đọc (Der Vorleser của Berndhard Schlink), Tình ơi là tình (Die Liebhaberinnen của Elfriede Jelinek) và Đo thế giới (Die Vermessung der Welt của Daniel Kehlmann).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài