Patrick Süskind Ảnh của Nxb Diogenes |
Văn học Đức thường bị coi là nặng nề, khô khan, kém hấp dẫn với đại chúng và ít ưu thế trên thị trường văn học quốc tế. Nhưng Patrick Süskind đã bất ngờ cho một ví dụ khác. Rất ít xuất hiện trước công chúng, hầu như không bao giờ trả lời phỏng vấn và cho chụp ảnh, từ chối nhiều giải thưởng văn học, ông là một trong những tác giả Đức đương đại thành công nhất. Sau vở kịch độc thoại Kontrabass (1981) với 500 lượt công diễn riêng trong mùa sân khấu 1984/1985, ông ra mắt cuốn tiếu thuyết đầu tay Das Parfüm (1985), với lần xuất bản đầu tiên trên 100.000 cuốn, bán sạch trong vòng vài tuần. Từ đó đến nay, đã dịch ra 33 thứ tiếng với trên 8 triệu bản (bản tiếng Việt của Lê Chu Cầu nhan đề Mùi hương, nhà xuất bản Đà Nẵng 1999, nhà xuất bản Lao Động và Trung tâm Văn hoá-Ngôn ngữ Đông Tây 2005) và vừa được đạo diễn Tom Tykwer (phim Lola chạy) dựng phim, Das Parfüm và Patrick Süskind trở thành biểu tượng cho khả năng chinh phục cả giới phê bình khó tính lẫn độc giả rộng rãi của văn học Đức. Ông hiện sống ở Starnberger See, bang Bayern, Nam Đức.
Đúng ngày sinh của ông, 26 tháng Ba, talawas chủ nhật xin giới thiệu truyện vừa Chỉ tại con chim bồ câu qua bản dịch của Lê Chu Cầu.
talawas chủ nhật
Patrick Süskind
Chỉ tại con chim bồ câu
Lê Chu Cầu dịch
Phần 1
Vào thời điểm xảy ra chuyện con chim bồ câu khiến cuộc đời của ông thoắt chốc bị xáo trộn dữ dội thì ông Jonathan Noel đã ngoài năm mươi tuổi rồi; ôn lại quãng thời gian hai mươi năm tuyệt nhiên chẳng có biến cố nào đáng ghi nhớ, ông thật không bao giờ ngờ được rằng mình sẽ còn gặp phải sự kiện gì đáng kể hơn là một mai nhắm mắt xuôi tay. Mà như thế thì quá hợp ý ông. Vì ông không ưa những sự kiện đáng ghi nhớ, có thể nói là ông thù ghét những chuyện làm rúng động sự quân bình nội tâm và xáo trộn trật tự cuộc sống ổn định thường nhật.
May thay những sự kiện đại loại như thế đã xảy ra vào cái thời thơ dại và thanh niên xa lắc xa lơ mà ông không hề muốn nhớ tới nữa, còn nếu có phải nghĩ tới thì ông rất khổ sở, tưởng như không chịu nổi: chẳng hạn vào một buổi chiều hè, tháng Bảy năm 1942, khi cậu Jonathan đi câu về - hôm ấy trời nổi sấm chớp rồi mưa ầm ầm sau nhiều ngày rất oi bức; trên đường về nhà cậu cởi giày, đi chân trần trên mặt đường nhựa ấm và ướt, bước bì bõm qua các vũng nước, lòng thích thú khôn tả... cậu đi câu về, chạy ù vào bếp, tưởng được thấy mẹ đang nấu nướng, nhưng mẹ không còn ở đó nữa, chỉ có tấm tạp dề bà vắt trên thành ghế. Mẹ đi rồi, bố cậu nói, bà phải đi xa một thời gian dài. Người ta [1] đã bắt bà đi rồi, hàng xóm bảo thế, trước hết đem bà đến Vélodrome d´Hiver [2] rồi chuyển tới trại tập trung ở Drancy, sau đó chở sang miền Đông [3] , nơi không ai sống sót trở về. Jonathan không hiểu thế là thế nào, sự kiện này làm cậu quá sức hoang mang; vài ngày sau bố cậu cũng biến mất luôn, rồi bỗng nhiên cậu với cô em nhỏ thấy mình ngồi xe lửa đi về phía Nam, rồi được những người đàn ông lạ hoắc dẫn băng qua đồng cỏ và một cánh rừng, rồi lại được đưa lên xe lửa chạy tiếp về phía Nam, xa, xa tít mù tắp; rồi một ông bác - mà hai anh em cậu chưa từng gặp - đón ở Cavaillon, đưa cậu và em gái tới sống ẩn nấp ở một nông trang gần Puget trong thung lũng Durance cho tới khi chiến tranh kết thúc. Rồi ông cho hai anh em ra làm việc trên các cánh đồng trồng rau.
Đầu những năm năm mươi - Jonathan bắt đầu thấy thích cuộc đời của người làm việc đồng áng - ông bác bắt cậu phải đăng lính, Jonathan vâng lời đăng lính ba năm. Năm đầu tiên cậu cố hết sức để quen với cuộc sống tập thể chung đụng xô bồ đáng kinh sợ của trại lính. Năm thứ nhì cậu bị đưa xuống tàu sang Đông Dương. Năm thứ ba cậu phải nằm phần lớn thời gian trong bệnh viện dã chiến vì bị trúng đạn ở bàn chân, ở đùi và do bệnh lỵ a-mip. Khi cậu trở về Puget vào mùa xuân 1954 thì cô em đã biệt vô tăm tích, nghe đâu di dân sang Canada rồi. Lúc ấy ông bác đòi cậu phải cưới vợ ngay, lấy một cô tên Marie Baccouche ở thị trấn Lauris bên cạnh; Jonathan chưa hề biết cô song vẫn ngoan ngoãn vâng lời, thậm chí hoan hỉ, vì tuy chỉ có một khái niệm mơ hồ về đời sống vợ chồng, cậu vẫn hy vọng cuối cùng sẽ tìm được trong cuộc sống lứa đôi điều duy nhất cậu hằng mong muốn, đó là trạng thái yên bình lặng lờ đơn điệu và không biến động. Thế nhưng chỉ bốn tháng sau Marie đã cho ra đời một thằng bé và rồi ngay mùa thu năm ấy cô bỏ nhà, theo một gã người Tunisie bán trái cây, cư ngụ tại Marseille.
Từ những sự cố này Jonathan Noel rút ra kết luận rằng không thể tin cậy được bất cứ ai và nếu muốn yên thân thì đừng để ai thân cận. Rồi bởi vì trở thành đối tượng chế nhạo của cả làng - cậu không thấy phiền vì bị chế nhạo mà bực mình vì thành mục tiêu để mọi người công khai nhòm ngó - lần đầu tiên trong đời cậu tự lấy quyết định: tới Crédit Agricole [4] rút hết tiền tiết kiệm rồi gói ghém hành lý đáp xe lửa đi Paris.
Ở đây cậu hai lần gặp may mắn lớn. Cậu tìm được chân bảo vệ tại một ngân hàng tại Rue de Sèvres và một chỗ ở gọi là chambre de bonne [5] trên tầng sáu một ngôi nhà ở Rue de la Planche. Muốn lên phòng phải đi qua sân sau, leo cái cầu thang hẹp dùng để giao hàng, qua một cái hành lang được chiếu sáng nhờ nhờ bởi một khung cửa sổ. Trên hành lang này có hai tá phòng nho nhỏ, cửa sơn xám có ghi số; nằm tuốt cuối là căn phòng số 24 của Jonathan. Ba mét bốn mươi chiều dài, hai mét hai mươi chiều rộng và hai mét rưỡi chiều cao, tiện nghi duy nhất là một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, một bóng đèn tròn và một móc quần áo, ngoài ra không còn gì nữa cả. Mãi những năm 60 mới có đường dây điện cao thế để có thể gắn cho mỗi phòng một cái bếp, một lò sưởi điện cũng như đặt ống dẫn nước, trang bị bồn rửa và lò đun nước nóng. Chứ trước đó mọi người ở cái tầng áp mái này phải ăn nguội, trừ khi họ có bếp cồn - nghĩa là vi phạm nội qui, ngủ trong căn phòng lạnh lẽo, giặt vớ, rửa chén đĩa và lau người bằng nước lạnh trong một bồn rửa duy nhất trên hành lang, ngay cạnh cửa nhà xí chung cho cả tầng. Jonathan chẳng nề hà gì những chuyện đó. Cậu đâu có tìm tiện nghi mà chỉ muốn kiếm một chỗ ở chắc chắn, thuộc về cậu và chỉ của riêng cậu thôi, một chỗ che chở cậu trước những bất trắc của cuộc đời và không ai có thể đuổi cậu đi được. Nên ngay lần đầu tiên bước vào căn phòng số 24 cậu đã biết chắc: đây rồi, đây chính là nơi mình hằng mong muốn và sẽ ở lại. (Giống hệt như một số người đàn ông bảo rằng yêu ngay khi vừa mới gặp lần đầu, chớp nhoáng thấy rằng một người đàn bà chưa từng gặp trước đó sẽ là người bạn đời của họ và sẽ sống với người đó đến khi nhắm mắt.)
Jonathan Noel thuê căn phòng này năm nghìn franc cũ [6] mỗi tháng, sáng sáng cậu đi từ đây tới Rue de Sèvres gần đó để làm việc, chiều về mang theo bánh mì, dồi, táo, pho-mát để ăn tối, rồi ngủ và lấy thế làm mãn nguyện. Ngày Chủ nhật cậu không hề rời khỏi phòng mà lo lau chùi dọn dẹp, thay khăn trải giường mới. Cậu sống yên bình và thỏa mãn như thế năm này sang năm khác, hết thập kỷ này đến thập kỷ khác.
Trong thời gian ấy có một số chuyện đổi thay, chẳng hạn như giá tiền thuê phòng hay loại người thuê. Những năm năm mươi còn có nhiều cô người làm, dăm cặp vợ chồng son và vài ông lão đã về hưu ở trong những căn phòng kia. Về sau người ta thường thấy người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, người dân mấy nước Bắc Phi [7] dọn vào, dọn ra. Từ cuối những năm sáu mươi thì sinh viên chiếm đa số. Dạo sau này không phải tất cả hai mươi bốn phòng đều có người thuê. Nhiều phòng bỏ trống hay được chủ nhân của các căn hộ trưởng giả ở những tầng dưới dùng làm phòng chứa đồ đạc hay làm phòng ngủ cho khách. Trải bao nhiêu năm, căn phòng số 24 của Jonathan dần dà trở thành một chỗ ở khá tiện nghi. Ông đã sắm giường mới, gắn tủ, trải thảm màu xám cho cái nền phòng rộng bảy mét vuông rưỡi và dán giấy láng màu đỏ nơi góc bếp và bồn rửa. Ông sắm radio, máy truyền hình và bàn ủi. Đồ ăn thức uống không còn bỏ vào bao, treo ngoài cửa sổ như trước nữa mà cất trong cái tủ lạnh bé xíu đặt dưới bồn rửa, nên mùa hè nóng gắt không còn cảnh bơ chảy hay thịt nguội bị khô nữa. Ở đầu giường ông gắn một giá sách để không dưới mười bảy quyển, trong đó có bộ ba quyển từ điển y học bỏ túi, vài quyển sách hình xinh xắn về người Cromagnon [8] , kỹ thuật đúc thời đại đồng thau, về cổ Ai Cập, người Étrusque [9] , Cách mạng Pháp, một quyển về thuyền buồm, một về các loại cờ quạt, một về thế giới thú vật nhiệt đới, hai quyển tiểu thuyết của Alexandre Dumas cha [10] , hồi ký của Saint-Simon [11] , một quyển dạy nấu các món xúp, quyển từ điển “Petit Larousse” và tập “Cẩm nang cho nhân viên bảo vệ với trọng tâm là những qui định trong việc sử dụng súng ngắn khi làm nhiệm vụ.” Dưới giường ông để một tá chai vang đỏ, trong đó có chai Château Cheval Blanc grand cru classé [12] dành cho ngày về hưu vào năm 1998. Một giàn đèn điện lắp đặt công phu khiến ông Jonathan có thể ngồi đọc báo ở ba nơi khác nhau trong phòng - ở chân giường, đầu giường và ở bàn - mà không bị chói mắt hay hắt bóng mình lên tờ báo.
Vì ông sắm sửa lắm thứ nên căn phòng lại càng thêm chật hẹp - có thể ví nó phát triển vào trong như một con sò tiết ra quá nhiều xà cừ. Nhiều thứ lắp đặt xảo diệu đã khiến căn phòng giống một buồng tàu thủy hoặc một buồng ngủ hạng sang trên tàu lửa hơn là một chambre de bonne bình thường. Nhưng trải hơn ba mươi năm mà đặc điểm cơ bản của nó vẫn y nguyên: nó đã và vẫn là hòn đảo an toàn của ông Jonathan trong cái thế giới bất an, là chỗ dựa vững chắc, là nơi nương tựa, là người tình của ông, đúng thế, nó là người tình của ông, vì căn phòng nhỏ bé này chiều chiều trìu mến ôm ấp ông khi ông đi làm về, sưởi ấm và che chở ông, nuôi nấng ông cả linh hồn lẫn thể xác, luôn luôn có mặt khi ông cần đến chứ không phụ rẫy ông. Quả thật nó là thứ duy nhất tỏ ra đáng tin cậy trong cuộc đời ông. Chính vì thế mà ông chưa từng một lần nghĩ đến chuyện chia tay với nó; ngay cả bây giờ cũng vậy, khi đã ngoài năm mươi tuổi rồi nên đôi lúc hơi mệt vì phải leo khá nhiều bậc cầu thang và khi lương bổng đã cho phép ông thuê một căn hộ tươm tất có bếp, phòng vệ sinh và phòng tắm riêng. Ông vẫn trung thành với người tình của mình, thậm chí còn sắp sửa làm cho nó gắn bó thêm nữa với ông và ông với nó. Ông muốn mối quan hệ này vĩnh viễn không rạn nứt qua việc mua đứt nó. Ông đã ký giao kèo với Madame [13] Lassale là chủ nhân căn phòng. Nó trị giá năm mươi lăm nghìn franc mới. Ông đã trả được bốn mươi bảy nghìn rồi. Còn tám nghìn franc phải trả hết đến cuối năm. Sau đó thì nó sẽ dứt khoát là của ông và sẽ chẳng có gì trên thế giới này chia cách nổi ông và nó, căn phòng yêu quí của ông, cho đến ngày ông nhắm mắt.
Tình hình là như thế, khi xảy ra sự việc với con chim bồ câu vào một sáng thứ Sáu của tháng Tám 1984.
Ông Jonathan vừa mới thức dậy. Như mọi sáng, ông xỏ dép và khoác áo choàng [14] để ra nhà xí chung của cả tầng trước khi cạo râu. Trước khi mở cửa ông áp tai vào lớp gỗ lắng nghe để chắc chắn không có ai ngoài hành lang cả. Ông không thích chạm mặt hàng xóm, sáng ra còn mặc áo ngủ và áo choàng lại càng không, nhất là lại trên đường ra nhà xí nữa. Gặp lúc nhà xí có người đã đủ khiến ông lúng túng rồi, nhưng có thể nói thật là kinh hoàng khi nghĩ đến chuyện gặp một người thuê nhà khác trước cửa nhà xí. Chỉ một lần duy nhất ông lâm phải cảnh này, đó là hè năm 1959, hai mươi lăm năm về trước, và ông rùng mình mỗi khi nhớ lại: cả hai cùng giật mình khi người nọ thấy người kia, cùng mất đi sự nặc danh trước một ý định hoàn toàn đòi hỏi sự nặc danh, cùng lùi lại rồi cùng tiến lên, cùng vội vã thốt ra những lời lẽ lễ phép, xin mời ông, ấy không, mời ông, monsieur [15] , tôi chẳng có gì vội cả, không, ông trước, tôi nhất định xin nhường ông - và những chuyện ấy diễn ra khi còn mặc áo ngủ! Không, ông không bao giờ muốn gặp phải cảnh này nữa, và ông quả đã không bao giờ còn phải gặp nữa nhờ cách kề tai lắng nghe phòng hờ trước. Nhờ lắng nghe mà ông “nhìn” thấy được hành lang qua cánh cửa. Ông biết rõ từng âm thanh một trên tầng này. Ông có thể nhận ra từng tiếng kêu răng rắc, từng tiếng lắc cắc, từng tiếng mưa rơi hay tiếng rì rào, thậm chí biết cả sự im lặng nữa. Chỉ sau vài giây áp tai vào cửa là ông biết chắc chắn rằng trên hành lang hoàn toàn không có ai cả, rằng nhà xí còn trống và mọi người còn ngủ. Tay trái ông vặn núm khoá an toàn, tay phải vặn nắm đấm ổ khóa, cái chốt thụt vào, kéo nhẹ một cái là cửa mở ra ngay.
Chút nữa thì ông đã đặt chân quá khỏi ngưỡng cửa, ông đã nhấc chân, chân trái, lên rồi đấy chứ và đã định bước... thì trông thấy nó. Nó đứng ngay trước phòng ông, cách ngưỡng cửa không đầy hai tấc, trong cái ánh sáng ban mai nhợt nhạt chiếu qua cửa sổ. Đôi chân đỏ hồng có vuốt đứng trên lớp gạch đỏ màu máu bò của hành lang, lông mượt màu xám chì: con chim bồ câu.
Nó nghiêng đầu qua một bên, trố mắt trái nhìn ông Jonathan. Cái mắt ấy, một khoanh tròn nhỏ màu nâu, chính giữa màu đen, trông mà khiếp. Như một cái cúc áo đính vào lớp lông đầu, cái mắt ấy không lông mi, chẳng lông mày, trần trụi, trâng tráo hướng ra ngoài và hết sức cởi mở, đồng thời có ẩn chút gian xảo, nhưng lại có vẻ như chẳng cởi mở cũng không xảo quyệt mà chỉ là không hồn như ống kính máy ảnh, thu vào hết ánh sáng bên ngoài mà không để hắt ra chút nào từ bên trong. Trong con mắt ấy không có lấy chút rực rỡ, chút le lói, không một đốm lửa nào của sự sống. Một con mắt không có cái nhìn. Vậy mà nó trố mắt ngó ông.
Ông sợ chết được - có lẽ khi hồi tưởng lại ông sẽ tả về cái khoảnh khắc ấy như thế, nhưng như vậy thì thật không đúng, vì về sau ông mới sợ cơ. Chứ lúc đó ông kinh ngạc đến chết được thì đúng hơn.
Khoảng năm hay mười giây gì đó - còn ông thì thấy như là vô tận - tay nắm đấm cửa, chân giơ cao trong thế bước, ông đứng như hóa đá tại ngưỡng cửa, tới lui đều không được. Rồi một cử động nhỏ xảy ra. Hoặc là con chim bồ câu đổi chân đứng, hoặc là nó hơi xù lông - dù thế nào chăng nữa thì thân mình nó cũng đã giật nhẹ, đồng thời hai mí mắt nó chập lại, một từ trên xuống, một từ dưới lên, đúng ra không phải mí mắt thật sự mà là một thứ nắp như bằng cao su, không biết từ đâu thoắt hiện ra như hai cái mí che kín con mắt lại. Thế là con mắt kia biến mất trong giây lát. Ngay chính lúc ấy ông Jonathan mới sợ thót người, tóc dựng ngược vì kinh hoàng. Ông ù té nhảy ngược vào trong phòng, đóng ập cửa trước khi mắt con chim bồ câu lại mở ra. Ông khóa trái ổ khóa an toàn, loạng choạng bước ba bước tới giường, run rẩy ngồi xuống, tim đập loạn xạ. Trán ông lạnh như băng và ông cảm thấy mồ hôi rịn ra ở gáy cũng như dọc sống lưng.
Ý nghĩ đầu tiên của ông là mình bị nhồi máu cơ tim rồi hoặc là bị cơn đột quị hay ít nhất cũng bạc nhược tuần hoàn; bị những chứng bệnh đó vào tuổi này là phải rồi, ông nghĩ, từ tuổi năm mươi trở đi thì chỉ cần một tí xíu duyên cớ là đủ khổ đời như thế này đây. Ông nằm vật nghiêng người trên giường, kéo chăn đắp hai vai ớn lạnh, chờ cơn đau co giật, chờ xem lồng ngực và vùng bả vai đau nhói (có lần ông đã đọc trong từ điển y học bỏ túi của mình rằng đó là triệu chứng không nhầm lẫn được của nhồi máu cơ tim) hay sự mê mụ dần dần [chắc là đoạn cuối câu nằm trong ngoặc đơn]. Nhưng chẳng thấy chút gì tương tự xảy ra cả. Tim ông đập bình thường, máu lại chảy đều qua đầu và chân tay, không thấy những triệu chứng tê liệt, đặc trưng của bệnh nhồi máu cơ tim, đâu hết. Ông Jonathan có thể cử động các ngón tay, ngón chân, nhăn mặt nhíu mày, đó là dấu hiệu cho thấy thân thể ông cũng như hệ thần kinh đều tương đối ổn.
Tuy không thấy những triệu chứng kia song giờ đây trong đầu óc ông lại quay cuồng một mớ hỗn tạp những ý nghĩ hãi sợ chẳng khác nào một bầy quạ đen đang vỗ cánh gào thét trong đầu ông rằng “đời mi tiêu rồi!”, chúng kêu chói tai “mi già và chết đến nơi rồi, mi đã để cho một con chim bồ câu làm cho sợ đến chết khiếp, một con chim bồ câu dồn ngược mi vào lại trong phòng, nó đã thắng mi, nó giam hãm mi. Mi sẽ chết, Jonathan ạ, mi sẽ chết, nếu chưa chết ngay thì cũng sắp, cuộc đời mi hỏng rồi, mi đã làm hỏng đời mình vì đã để một con chim bồ câu làm cho hoảng loạn, lẽ ra phải giết nó mà mi lại không giết nổi, mi không giết nổi một con ruồi, có chứ, ruồi thì mi giết nổi, ruồi thôi, hay muỗi hay con bọ hung tí tẹo, nhưng không bao giờ giết nổi một con vật máu nóng, một sinh vật máu nóng nặng nửa kí như con chim bồ câu, mi bắn một người còn dễ hơn, đoàng một cái, nhanh lắm, chỉ gây ra một lỗ hổng tám li, gọn bâng và được phép, được phép khi phải tự vệ, đó là điều một trong nội qui công tác của nhân viên bảo vệ có trang bị súng, thậm chí nội qui còn đòi hỏi phải bắn nữa chứ, không ai phiền trách khi mi bắn người, ngược lại là khác, nhưng mà chim bồ câu? bắn nó cách nào? nó vỗ cánh thì bắn trượt như chơi, thành ra bắn chim bồ câu là hết sức ngớ ngẩn, cấm, sẽ bị thu hồi súng, sẽ đưa đến mất việc, mi sẽ phải vào tù nếu bắn bồ câu, không, mi không giết nó được, nhưng mà mi cũng không thể sống với nó, không khi nào sống chung trong một nhà được, nơi nào có chim bồ câu sống thì người không thể ở được, chim bồ câu là thể hiện của hỗn loạn và vô chính phủ, nó bay lung tung không lường được, nó móc, nó mổ vào mắt, nó không ngớt làm bẩn, vãi ra những thứ vi khuẩn tai hại và vi trùng gây bệnh sưng màng óc, chưa hết, nó còn kéo những con bồ câu khác về, đạp nhau, sinh sôi nẩy nở nhanh khủng khiếp và một đạo quân bồ câu sẽ bao vây mi, mi không rời khỏi căn phòng được nữa, sẽ chết đói, sẽ chết ngộp trong cứt đái của mình, sẽ phải đâm đầu ra khỏi cửa sổ và nằm nát bét trên lề đường, không, mi quá hèn và sẽ ở rịt trong phòng kêu cứu, mi sẽ phải kêu cứu hỏa để họ mang thang đến cứu mi trước một con chim bồ câu! Mi sẽ trở thành đối tượng nhạo báng của cả nhà, của cả khu phố, ‘xem Monsieur Noel kìa!’ người ta sẽ chỉ vào mi mà kêu lên, ‘Monsieur Noel được cứu trước một con chim bồ câu đấy!’ và người ta sẽ đưa mi vào bệnh viện tâm thần: ôi, Jonathan ơi, Jonathan, hoàn cảnh của mi tuyệt vọng rồi, đời mi tiêu rồi, Jonathan ơi!”
Chúng kêu gào chói tai đại loại như thế trong đầu ông, ông Jonathan hoang mang và tuyệt vọng đến nỗi đã làm một việc mà ông vốn không còn làm nữa từ khi mới lớn, đó là trong cơn túng quẫn ông chắp hai tay cầu nguyện “Chúa ơi, Chúa ơi”, ông khấn, “sao Chúa nỡ bỏ rơi con? Sao Người trừng phạt con đến thế? Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, xin cứu con trước con chim bồ câu này, amen!” Như chúng ta thấy, đó không phải cầu nguyện đúng nghĩa, mà ông lắp bắp một cách chắp nối những điều vụn vặt còn nhớ được của lớp giáo lý cơ bản thì đúng hơn. Thế mà cũng được việc, vì nó đòi hỏi ông tập trung tinh thần ở một mức nhất định và qua đó xua đi những suy nghĩ rối rắm. Một chuyện khác còn giúp ông hiệu quả hơn nữa. Số là mới vừa đọc kinh xong thì ông cảm thấy mót tiểu không thể nào đừng được, ông biết rằng sẽ làm bẩn cái giường mình đang nằm, bẩn tấm nệm lò xo êm ái, thậm chí cả tấm thảm màu xám đẹp đẽ nếu ông không tìm được cách nào khác làm nhẹ bụng trong vài giây tới. Ông bừng tỉnh. Ông rên rỉ đứng lên, tuyệt vọng nhìn ra cửa... - không, ông không thể đi qua cái cửa này được, ngay cả khi con chim khốn kiếp kia đã đi rồi thì ông cũng không tới nhà xí kịp - ông bước tới bồn rửa, mở banh áo choàng, kéo quần ngủ xuống, vặn vòi nước rồi tiểu vào bồn.
Ông chưa từng làm thế này bao giờ. Chỉ nghĩ đến chuyện tiểu vào cái bồn đẹp đẽ màu trắng lau chùi bóng loáng dùng để lau rửa người và chén đĩa cũng đủ rợn người rồi! Không khi nào ông lại nghĩ mình có thể xuống dốc đến thế, con người ông lại làm nổi một việc mạo phạm nhường ấy. Giờ đây thấy nước tiểu của mình chảy ra không bí, không bị hãm lại, hòa với nước chảy rột rột vào lỗ thoát và cảm thấy bụng dưới bớt căng hẳn thì ông ứa nước mắt vì quá xấu hổ. Xong rồi ông vẫn còn để nước chảy thêm một lúc nữa và lấy thuốc lau chùi bồn thật kỹ hầu xoá sạch mọi dấu vết của việc làm xằng bậy. “Một lần thì không kể”, ông lẩm bẩm bâng quơ như để tạ lỗi trước cái bồn, căn phòng hay chính mình, “một lần thì không kể, chỉ là hoàn cảnh bó buộc, chắc chắn sẽ không tái phạm nữa...”
Giờ thì ông đã bình tĩnh hơn. Việc lau chùi, cất chai thuốc rửa, vắt nùi giẻ, những động tác quen thuộc, đã giúp ông nguôi ngoai và khiến ông lại nghĩ được tới những việc cụ thể. Ông nhìn đồng hồ. Mới vừa quá bảy giờ mười lăm một chút. Bình thường thì bảy giờ mười lăm ông đã cạo râu và xếp dọn giường xong rồi. Hôm nay tuy có trễ đấy nhưng vẫn còn được, vẫn có thể kịp giờ, nếu cần thì ông sẽ bỏ ăn sáng. Nếu không ăn sáng - ông nhẩm tính - thì sẽ còn sớm hơn lịch trình mọi ngày những bảy phút cơ. Cái chính là muộn nhất ông phải rời căn phòng lúc tám giờ năm, vì tám giờ mười lăm ông phải có mặt ở ngân hàng. Tuy chưa biết phải giải quyết thế nào, nhưng ông vẫn còn một thời hạn là bốn mươi lăm phút. Thế là nhiều. Bốn mươi lăm phút là nhiều thì giờ lắm, khi ta vừa mới tức thì nhìn vào mắt thần chết và thoát chứng nhồi máu cơ tim trong đường tơ kẽ tóc. Khi không còn phải chịu đựng sức ép cấp bách của bàng quang đầy ắp nữa thì thời gian thành ra nhiều gấp đôi. Cho nên ông quyết định trước hết cứ coi như không có chuyện gì xảy ra cả và làm những việc bình thường buổi sáng. Ông vặn nước nóng vào bồn rồi cạo râu.
Trong lúc cạo râu ông suy tính kỹ lưỡng. “Jonathan Noel”, ông nói với chính mình, “mi từng là lính suốt hai năm ở Đông Dương và đã vượt qua được vài trường hợp nguy cấp. Nếu mi vận dụng hết can đảm và khôn ngoan, nếu mi chuẩn bị tinh thần để đối phó một cách thích ứng và nếu gặp may thì mi sẽ có cách phá được vòng vây ra khỏi phòng. Nếu mi thành công thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu mi thật sự đi qua được cái con vật kinh tởm trước cửa, tới được cầu thang mà không sứt mẻ gì, được an toàn thì chuyện gì sẽ xảy ra ư? Thì mi sẽ có thể đi làm, có thể qua được ngày hôm nay - nhưng rồi mi sẽ làm gì? Chiều nay mi sẽ đi đâu? Tối nay mi sẽ ngủ ở đâu?” Ông không muốn - sau khi đã thoát được rồi - gặp lại con chim bồ câu một lần thứ hai, ông không thể sống với nó dưới cùng một mái nhà một ngày, một đêm, một giờ, dứt khoát là như thế. Thành ra ông phải tính đến chuyện tối nay và có thể cả những tối sau nữa ông phải ngủ ở nhà trọ. Như thế có nghĩa là ông phải mang theo dao cạo râu, bàn chải đánh răng và quần áo để thay. Ngoài ra ông cần tập ngân phiếu và, để phòng xa, cả sổ tiết kiệm nữa. Ông có một nghìn hai trăm franc ở tài khoản vãng lai. Sẽ đủ cho hai tuần, với điều kiện ông tìm được một khách sạn rẻ tiền. Nếu sau đó con chim bồ câu vẫn còn chặn trước cửa phòng thì ông sẽ phải dùng tới tiền tiết kiệm. Tài khoản tiết kiệm của ông có sáu nghìn franc, khối tiền. Với số tiền ấy ông có thể ở khách sạn cả tháng. Thêm vào đó ông còn có cả lương, mỗi tháng ba nghìn bảy trăm franc sau khi trừ thuế và mọi chi phí xã hội. Ngoài ra cuối năm phải trả Madame Lassalle tám nghìn franc, phần trả góp cuối cùng cho căn phòng. Cho căn phòng của ông. Cho cái căn phòng này mà có thể ông sẽ không ở nữa. Ông biết phải yêu cầu Madame Lassalle thế nào đây để triển hạn phần trả góp cuối cùng này? Hẳn là ông không thể nói rằng: “Thưa bà, tôi không thể trả bà tám nghìn franc phần trả góp cuối cùng, vì tôi ở khách sạn từ nhiều tháng nay bởi lẽ căn phòng tôi muốn mua của bà bị một con chim bồ câu chặn cửa.” - Hẳn là ông không thể nói như thế được... Ông chợt nhớ mình còn năm đồng tiền vàng, năm đồng Napoléon, mỗi đồng ít nhất trị giá sáu trăm franc, ông đã mua năm 1958 trong thời chiến tranh Algérie vì sợ tiền lạm phát. Không khi nào ông được quên cầm theo năm đồng Napoléon này... Ông còn một cái vòng đeo tay bằng vàng của bà mẹ nữa. Và cái radio bán dẫn. Và một cái bút bi mạ bạc rất đẹp, quà ngân hàng tặng các nhân viên vào dịp Giáng sinh. Bán hết những món quí này và hết sức tằn tiện thì ông có thể ở khách sạn tới cuối năm mà vẫn trả được tám nghìn franc cho Madame Lassalle. Kể từ ngày mồng một tháng Giêng tình hình sẽ khả quan hơn, vì lúc đó ông là chủ căn phòng và không phải chạy tiền thuê nữa. Và có thể con chim bồ câu không qua nổi mùa đông. Chim bồ câu sống được bao lâu? Hai năm, ba năm, mười năm? Nếu đó là một con chim bồ câu già thì sao? Biết đâu nó sẽ chết sau một tuần lễ? Có thể nó chết ngay hôm nay. Có thể nó tới đây chỉ để chết thôi...
Cạo râu xong ông tháo nước trong bồn, tráng, rồi lại cho nước vào bồn, lau người, rửa chân, đánh răng, lại tháo nước rồi lấy khăn chùi sạch. Sau đó ông dọn giường.
Dưới tủ ông có để một cái hòm cũ bằng giấy bồi, dùng chứa quần áo bẩn, để mỗi tháng một lần đem ra tiệm giặt. Ông lôi hòm ra, bỏ quần áo bẩn ra ngoài rồi đặt hòm lên giường. Với cái hòm này năm 1942 ông đã đi từ Charenton tới Cavaillon, năm 1954 ông đã tới Paris cũng với chính nó. Giờ đây khi nhìn cái hòm trên giường và khi bắt đầu bỏ vào đấy không phải quần áo bẩn mà quần áo sạch, một đôi giày, khăn rửa mặt, bàn là, tập ngân phiếu và những món quí giá – như thể cho một chuyến du lịch - thì mắt ông lại ứa lệ, nhưng lần này không phải vì xấu hổ mà vì nỗi tuyệt vọng âm thầm. Ông thấy như đời mình quay ngược lại ba mươi năm về trước, như thể mình đã mất trắng ba mươi năm cuộc đời.
Ông sắp xếp xong vào lúc tám giờ kém mười lăm. Ông mặc quần áo, mới đầu là bộ đồng phục quen thuộc: quần xám, áo xanh da trời, vét da, thắt lưng da với bao súng lục, mũ lưỡi trai màu xám. Rồi ông chuẩn bị tinh thần gặp gỡ con chim bồ câu. Ông kinh tởm nhất khi nghĩ rằng nó có thể đụng chạm vào người ông, chẳng hạn mổ vào mắt cá hay là vỗ cánh bay lên rồi quẹt cánh vào tay hay cổ ông hay thậm chí còn đậu trên người ông với hai bàn chân có vuốt xoè ra. Vì thế mà ông không đi đôi giày thấp cổ nhẹ mà chọn đôi giày ống thô kệch bằng da, đệm lông cừu mà ông thường chỉ đi vào tháng Giêng hoặc tháng Hai, khoác áo măng tô mùa đông, cài kín từ trên xuống dưới, quấn một cái khăn len quanh cổ kín cả cằm và che hai bàn tay bằng đôi găng da có lót. Tay phải ông cầm dù. Ông trang bị như thế để rồi vào lúc tám giờ kém bảy phút thì ông đã sẵn sàng mạo hiểm đột phá ra khỏi phòng.
Ông bỏ mũ ra, áp tai vào cửa. Không nghe thấy gì cả. Ông lại đội mũ, ấn chặt vào trán, cầm cái hòm đặt xuống cạnh cửa, sẵn sàng. Để được rảnh bàn tay phải ông móc cán dù vào cổ tay, rồi tay trái vặn núm ổ khóa an toàn, tay phải cầm nắm đấm cửa vặn cho cái chốt thụt vào, đọan mở hé cánh cửa. Ông ngó chăm chú ra ngoài.
Con chim bồ câu không còn ở trước cửa nữa. Trên lớp gạch nó đứng trước đây giờ có một vệt phân xanh màu ngọc lục bảo lớn cỡ đồng năm franc [16] và một sợi lông tơ trắng nhỏ xíu khẽ lay động vì gió lùa qua khe cửa. Ông Jonathan rùng mình vì gớm ghiếc. Ông chỉ muốn sập ngay cửa lại. Bản năng tự nhiên khiến ông muốn thoái lui, quay trở vào với căn phòng an toàn, tránh xa cái dấu vết kinh hoàng ngoài kia. Nhưng rồi ông thấy ở đó không phải chỉ một thôi mà nhiều vệt phân. Những vệt phân xanh màu ngọc lục bảo, ướt nhoẹt và lấp lánh này vương vãi khắp đoạn hành lang mà mắt ông có thể nhìn thấy được. Thế là cái điều lạ lùng đã xảy ra: vô số những vệt phân kinh tởm kia không làm ông chán chường thêm, mà ngược lại càng khiến ông quyết chí phản ứng lại. Có lẽ nếu chỉ từng bãi phân và từng sợi lông tơ riêng lẻ thì chắc là ông sẽ thoái lui và đóng cửa lại vĩnh viễn, nhưng đằng này nhất định là con chim bồ câu đã bậy ra khắp hành lang rồi - cái trò xấu xa kinh tởm trước khắp bàn dân thiên hạ này đã khiến ông trở nên vô cùng can đảm. Ông mở toang cửa.
Bây giờ thì ông trông thấy con chim bồ câu rồi. Nó nép mình vào một góc ở cuối hành lang phía tay phải ông, cách độ một mét rưỡi. Ở đó ánh sáng chiếu vào rất ít và vì ông Jonathan chỉ liếc sơ về phía nó nên không thể nhận ra được nó ngủ hay thức, mắt nó nhắm hay mở. Ông cũng chẳng cần biết. Ông hoàn toàn không muốn nhìn thấy nó. Đã có lần ông đọc trong quyển sách về thế giới thú vật nhiệt đới rằng có những loài, trước hết là đười ươi, chỉ tấn công khi nào mình nhìn vào mắt chúng; nếu lờ chúng đi thì chúng sẽ chẳng làm gì mình. Có thể với bồ câu cũng thế. Dù sao chăng nữa ông Jonathan quyết định làm như thể con chim bồ câu không còn đó nữa, ít ra là ông không nhìn nó nữa.
Ông từ từ đẩy cái hòm ra ngoài hành lang, đẩy rất từ từ và thận trọng qua những bãi phân màu xanh lục. Rồi ông mở dù, tay trái cầm dù che ngực và mặt như một lá chắn, mắt không ngừng ngó chừng các vệt phân trên hành lang, ông bước ra và đóng cửa lại. Ông lại vẫn hoảng, bất chấp mọi ý định coi như chẳng có chuyện gì cả, tim ông muốn lọt ra ngoài, rồi khi những ngón tay đeo găng không rút ngay nổi chìa khoá trong túi áo thì ông căng thẳng đến phát run, suýt đánh rơi dù; vì ông mắc dùng tay phải chụp lấy dù để rồi kẹp nó giữa vai và má nên chìa khoá rơi xuống đất thật - tí nữa thì rơi trúng phải một bãi phân - khiến ông phải cúi nhặt lên; sau khi cầm chắc được chìa khóa rồi thì do bồn chồn mà ông đút ba lần không trúng lỗ khóa, lần thứ tư mới lọt để vặn hai vòng. Vào lúc ấy ông thấy hình như nghe có tiếng vỗ cánh phía sau... hay chỉ do ông đã đụng dù vào tường?...Nhưng rồi ông lại nghe, không nhầm được, tiếng đập cánh khô khan, ngắn ngủi, thế là ông hoảng. Ông giật chìa khóa, chụp lấy hòm rồi cắm đầu chạy. Cái dù mở ra cạ dọc theo tường, còn cái hòm đụng rầm rầm vào cửa các phòng khác; hai cánh cửa sổ mở toang ở giữa hành lang cản lối đi, ông phải nép người lách qua, kéo bừa cái dù theo đến nỗi dù rách bươm mà ông cũng chẳng để ý, ông mặc kệ hết, ông chỉ muốn chạy thôi, chạy thục mạng.
Chỉ sau khi đã xuống tới chiếu nghỉ ông mới dừng lại một lúc để cụp cái dù vướng chân vướng tay và ngoái nhìn trở lại: ánh nắng mặt trời buổi sớm mai chiếu qua khung cửa sổ tạc một vầng sáng rõ nét vào cái hành lang mờ mờ. Không thể nào nhìn xuyên qua được, chỉ sau khi đã cố nheo mắt nhìn thì ông Jonathan mới thấy con chim bồ câu rời cái góc tối tuốt phía sau, khệnh khạng bước nhanh tới vài bước rồi lại nằm xuống, ngay trước cửa phòng ông.
Ông kinh hoàng quay người, đi xuống cầu thang. Lúc ấy ông tin chắc rằng sẽ không bao giờ còn có thể trở về được nữa.
*
Sau mỗi bậc thang ông lại bình tĩnh hơn. Ở chiếu nghỉ tầng thứ hai chợt thấy nóng như bị luộc thì ông mới sực nhớ rằng mình vẫn còn mặc măng tô mùa đông, quấn khăn len và đi giày ống lót lông. Bất cứ lúc nào cũng có thể có một cô người làm bước ra đi chợ từ những cái cửa kia - chúng nối phòng bếp các căn hộ trưởng giả với lối ra cầu thang mặt sau - hay là Monsieur Rigaud đem vỏ chai rượu vang để ra ngoài, thậm chí biết đâu chẳng là Madame Lassalle vì bất cứ lý do nào đó - Madame Lassalle dậy sớm, giờ này đã dậy rồi, mùi cà phê của bà thơm nức khắp khoang cầu thang. Madame Lassalle mở cửa sau phòng bếp và thế là ông, Jonathan này, đứng ở chiếu nghỉ trước mặt bà, quần áo mùa đông kín người hết sức kỳ dị trong nắng tháng Tám chang chang - ông không thể nào làm lơ trước một sự khó xử nhường ấy, ông sẽ phải giải thích, nhưng giải thích thế nào đây? Ông sẽ phải bịa chuyện, nhưng chuyện gì mới được chứ? Không có giải thích nào nghe lọt tai cho cái hình dạng của ông lúc này. Người ta chỉ có thể cho rằng ông điên. Mà có lẽ ông điên thật.
Ông đặt hòm xuống, lấy ra đôi giày thường, vội vàng cởi bỏ găng tay, măng tô, khăn len, giày ống; rồi ông xỏ giày thường, nhét khăn len, găng tay, giày ống vào hòm, vắt măng tô trên tay. Ông thấy bây giờ sự hiện diện của mình được biện minh trước bất cứ ai. Nếu cần, ông hoàn toàn có thể nói rằng mình mang quần áo ra tiệm giặt, còn măng tô đem đi hấp tẩy. Ông tiếp tục xuống cầu thang, lòng thanh thản hẳn.
Trong sân sau ông gặp bà quản gia đang đẩy một cái xe lăn chất những thùng rác đã đổ xong từ ngoài đường vào. Tức thì ông cảm thấy bị bắt quả tang, tức thì ông khựng lại. Ông không thể nào rút vào bóng tối ở khoang cầu thang được nữa, bà đã trông thấy ông rồi, ông phải đi tiếp thôi. “Chào Monsieur Noel”, bà quản gia lên tiếng khi ông cố ý bước mạnh bạo qua mặt bà.
“Chào Madame Rocard”, ông lẩm bẩm. Họ chưa từng nói với nhau nhiều hơn thế. Mười năm nay - bà làm trong nhà này từ đó - ông chưa hề nói với bà nhiều hơn là “Chào Madame” và “Cám ơn Madame” khi bà trao thư cho ông. Không phải ông ghét gì bà. Bà không phải là người khó chịu. Bà không khác gì bà quản gia trước và trước nữa. Như mọi người quản gia: khó xác định được tuổi bà, đâu đó giữa gần năm mươi và gần bảy mươi; như mọi người quản gia bà đi lạch bạch, khá mập, trắng bệch và có mùi mốc. Nếu không đẩy thùng rác ra hay cất vào, lau cầu thang hay đi chợ chớp nhoáng thì bà ngồi trong cái phòng thường trực nhỏ ở lối đi từ ngoài đường vào nhà, dưới ánh đèn ống, xem truyền hình, may vá, là quần áo; bà nấu ăn và say sưa với rượu vang đỏ rẻ tiền và rượu Vermut [17] như mọi bà quản gia khác thôi. Không, ông thật tình không ghét gì bà. Ông chỉ không ưa các người quản gia nói chung đôi chút vì họ là những người, vì lý do nghề ngiệp, thường xuyên dòm ngó người khác. Còn Madame Rocard nói riêng là người đặc biệt thường xuyên dòm ngó ông. Tuyệt đối không thể nào đi ngang qua Madame Rocard mà bà không biết, cho dù chỉ trong cái chớp mắt ngắn đến nỗi ta không kịp nhận ra. Ngay cả khi bà ngồi ngủ gật trên ghế trong phòng thường trực - thường là vào giấc trưa và sau bữa ăn chiều - thì chỉ cần cánh cổng cọt kẹt nhẹ một tiếng cũng đủ khiến bà choàng dậy trong vài giây và nhận ra người đi qua cửa. Không ai trên thế giới này nhận ra ông Jonathan thường và đúng như Madame Rocard cả. Ông không có bạn bè. Trong ngân hàng có thể nói ông thuộc vào diện đồ vật. Khách hàng coi ông như vật trang trí chứ không phải người. Trong siêu thị, ngoài đường phố, trên xe buýt (ông đi xe buýt hồi nào chưa nhỉ?) thì sự nặc danh của ông được bảo đảm bởi số đông những con người khác. Chỉ riêng Madame Rocard biết và nhận ra ông hàng ngày và ít nhất mỗi ngày hai lần bà chú ý tới ông, không úp mở. Qua đó bà có thể biết được những điều thầm kín riêng tư trong cách sống của ông: ông mặc loại áo quần gì, mỗi tuần ông thay áo mấy lần, ông có gội đầu không, ông mang gì về để ăn chiều, ông có thư không và của ai. Và mặc dù ông Jonathan, như đã nói, thật sự không có gì để phàn nàn cá nhân Madame Rocard và mặc dù ông biết rất rõ rằng cái nhìn không kín đáo của bà hoàn toàn không phải xuất phát từ sự tọc mạch mà từ ý thức trách nhiệm nghề nghiệp thì ông vẫn luôn cảm thấy cái nhìn kia như một lời trách móc âm thầm hướng vào mình, và mỗi lần đi ngang qua Madame Rocard ông đều thoáng thấy lòng mình sôi lên - dù đã sau nhiều năm như thế - một cơn giận dữ: tại sao cái mụ quỉ quái này cứ tiếp tục quan sát mình? Tại sao mình lại bị mụ xét nét? Tại sao mụ không thể đừng chú ý tới mình, để mình yên được một lần? Tại sao con người ta lại soi mói đến thế?
Vì cái sự cố kia nên hôm nay ông hết sức dễ động lòng và vì cho rằng ông rành rành ôm nỗi khốn khổ của cuộc đời mình dưới dạng cái hòm và áo măng tô nên cái nhìn của Madame Rocard khiến ông đặc biệt đau xót, nhất là câu “Chào Monsieur Noel” của mụ như một mỉa mai trắng trợn. Làn sóng phẫn nộ, mà bấy lâu nay ông vẫn kềm chế được, chợt tuôn ra ào ào thành cơn giận dữ trông thấy và ông làm một việc chưa từng làm bao giờ: ông dừng lại sau khi đã đi qua khỏi Madame Rocard, ông đặt hòm xuống, vắt măng tô lên rồi quay lại; ông quay lại, cả quyết lần này nhất định phải phản ứng lại cái nhìn soi mói và lời chào của mụ. Ông chưa biết sẽ làm hay nói gì khi đi tới phía mụ. Ông chỉ biết rằng mình phải nói hay làm điều gì đó thôi. Làn sóng phẫn nộ trào ra kia cuốn ông về phía mụ và lòng dũng cảm của ông là vô bờ bến.
Madame Rocard đã khuân xong thùng rác xuống và đang định quay vào phòng thường trực của mình thì ông chặn bà lại, gần như ngay giữa sân. Họ đứng cách nhau khoảng nửa mét. Ông chưa bao giờ nhìn bộ mặt trắng bệch của mụ gần đến thế. Theo ông thấy thì hai cái má mập mạp của mụ có làn da rất mịn, như lụa cũ bị rạn và nếu nhìn gần thì trong đôi mắt mụ, đôi mắt màu nâu, không còn tí soi mói gây khó chịu nào, mà lại có chút gì mềm yếu thì đúng hơn, gần như nhút nhát của con gái. Nhưng ông Jonathan không để cho những chi tiết này - chúng chẳng giống mấy cái hình ảnh của Madame Rocard mà ông sẵn có - làm hoang mang. Để sự xuất hiện của mình có được chút vẻ chính thức ông đưa tay lên mũ chào rồi nói với một giọng khá gay gắt: “Madame! Tôi có điều phải nói với bà.” (Đến lúc này ông vẫn chưa biết đúng ra mình định nói gì.)
“Vâng, Monsieur Noel?” Madame Rocard nói rồi rụt nhẹ đầu một cái.
Mụ trông cứ như một con chim, ông Jonathan nghĩ, như một con chim non sợ hãi. Ông gay gắt lập lại: “Madame, tôi có chuyện này nói với bà...” và rồi lấy làm ngạc nhiên khi chính tai nghe cái câu mình được cơn giận dữ - vẫn còn tiếp tục đưa đẩy ông - mớm cho: “Madame, trước phòng tôi có một con chim” và rồi cụ thể hơn: “một con chim bồ câu. Nó đậu trên sàn gạch trước cửa phòng tôi”. Mãi lúc này ông mới kiểm soát được lời mình - từ nãy đến giờ tuôn ra như từ vô thức - lái nó sang một hướng nhất định bằng cách giải thích thêm: “Con chim bồ câu này, Madame ạ, đã vãi phân ra khắp hành lang tầng sáu.”
Madame Rocard đổi chân đứng đến mấy lần, rụt đầu thêm chút nữa và nói: “Monsieur, con chim bồ câu từ đâu tới vậy ạ?”
“Tôi không biết”, ông Jonathan đáp. “Có lẽ nó chui qua cửa sổ hành lang. Cửa sổ mở. Cửa sổ phải luôn luôn đóng. Điều này ghi trong nội qui.”
“Chắc là một trong các cậu sinh viên đã mở đấy”, Madame Rocard nói, “tại trời nóng.”
“Có thể”, ông Jonathan nói. “Tuy nhiên phải luôn luôn đóng. Nhất là trong mùa hè. Nó có thể sập mạnh, làm vỡ kính khi trời giông bão. Mùa hè năm 1962 đã xảy ra một lần rồi. Hồi đó thay kính hết một trăm rưởi franc. Từ đó nội qui ghi rõ rằng cửa sổ phải luôn luôn đóng.”
Ông cũng nhận thấy việc mình nhắc hoài đến nội qui có chút gì khôi hài. Và ông cũng chẳng cần biết con chim bồ câu đã bay vào bằng cách nào. Về con bồ câu ông hoàn toàn không muốn đi sâu vào vì cái chuyện khủng khiếp này chỉ dính dáng tới ông thôi. Ông chỉ muốn được hả giận trước cái nhìn gây khó chịu của Madame Rocard, thế thôi. Cơn giận của ông xẹp ngay sau vài câu nói. Ông không biết phải làm gì nữa bây giờ.
“Thế thì phải đuổi con chim bồ câu đi rồi đóng cửa sổ lại thôi”, Madame Rocard nói. Mụ nói như thể đó là việc dễ nhất đời và rồi mọi chuyện sẽ lại tốt đẹp. Ông Jonathan làm thinh. Mắt ông bị cầm giữ trong đôi mắt nâu của bà, có nguy cơ chìm nghỉm trong đó như trong một bãi lầy màu nâu, ông phải nhắm mắt một giây để thoát được ra ngoài, rồi ông đằng hắng để tìm lại giọng nói.
“Số là...”, ông lên tiếng rồi lại hắng giọng, “số là trên đó đầy vệt phân. Đầy những bãi phân màu xanh lá cây. Cả lông nữa. Nó làm bẩn hết cả hành lang. Đó mới là chuyện chính.”
“Monsieur”, Madame Rocard nói, “dĩ nhiên là phải lau chùi sạch hành lang rồi. Nhưng trước hết ta phải đuổi con chim bồ câu đi đã.”
“Phải”, ông Jonathan đáp, “phải, phải...” và nghĩ: mụ muốn nói gì đây? Mụ muốn gì? Sao mụ lại nói: ta phải đuổi con chim bồ câu đi? Chẳng lẽ mụ muốn bảo rằng mình - Jonathan này - phải đuổi nó ư? Và ông ước chi mình đã không hề dám nói chuyện này với Madame Rocard.
“Phải, phải”, ông lại lắp bắp, “ta... ta phải đuổi nó đi. Tôi... tôi lẽ ra đã tự đuổi nó lâu rồi, nhưng không làm được. Tôi đang vội. Như bà thấy, hôm nay tôi mang theo quần áo và măng tô. Tôi phải mang măng tô đi tẩy, đưa quần áo đi giặt rồi phải đi làm. Tôi vội lắm, Madame ạ, vì thế mà tôi đã không thể đuổi con chim bồ câu được. Tôi chỉ muốn báo cho bà biết sự việc thôi. Nhất là vì những vệt phân. Các bãi phân chim bồ câu làm bẩn hành lang là chuyện chính, vi phạm nội qui. Nội qui ghi rằng phải luôn luôn giữ sạch sẽ hành lang, cầu thang và nhà xí.”
Ông không nhớ nổi đã lần nào trong đời nói những điều kỳ cục như vậy chưa. Theo ông thì những điều mình nói dối là quá lộ liễu và cái sự thật duy nhất mà chúng phải che đậy đã bị phơi trần một cách đau đớn, đó là: ông chẳng bao giờ đuổi nổi con chim bồ câu, mà ngược lại nó đã đuổi ông từ lâu rồi; và ngay cả nếu Madame Rocard chưa đoán ra sự thật từ những lời ông nói thì bây giờ bà nhất định phải thấy được qua gương mặt ông rồi, vì ông cảm thấy người nóng bừng, máu xông lên đầu và hai má đỏ rực vì xấu hổ.
Nhưng Madame Rocard làm như không nhận thấy gì cả (hay mụ không nhận thấy chút gì thật?), bà chỉ nói: “cám ơn Monsieur đã cho biết. Tôi sẽ lo chuyện này khi nào thuận tiện”, đoạn cúi đầu đi vòng qua ông Jonathan, lệt bệt tới cái nhà xí cạnh phòng thường trực rồi biến vào trong đó.
Ông Jonathan ngó theo. Nếu như ông còn chút hy vọng nào rằng có thể ai đó sẽ cứu ông trước con chim bồ câu thì hy vọng này tan biến cùng với cái nhìn buồn thảm dõi theo Madame Rocard khuất vào trong nhà xí. “Mụ sẽ chẳng làm gì đâu”, ông nghĩ, “chẳng làm gì hết. Tại sao mụ lại phải làm chứ? Mụ là người quản gia và chỉ bó buộc phải quét cầu thang và hành lang, mỗi tuần một lần lau chùi nhà xí chung cho cả tầng thôi, chứ đâu bó buộc phải đuổi bồ câu. Trễ nhất là xế trưa nay mụ sẽ uống Vermut đến say và quên hết vụ này, nếu không nói là mụ đã quên ngay từ bây giờ, ngay lúc này...”
[1]Chỉ việc quân Đức quốc xã - lúc đó chiếm đóng Pháp - cùng chính quyền Vichy thân Đức bố ráp, lùng bắt người gốc Do Thái.
[2]Tên một sân vận động ở quận XV, Paris, nơi vào tháng Bảy năm 1942 cảnh sát Pháp dưới chế độ Vichy dồn gần 10.000 người Do Thái lại, trong chiến dịch lùng bắt người Do Thái tại nhiều nước châu Âu mang tên “Ngọn gió mùa xuân”; một bộ phận người bị bắt sau đó bị chuyển đến Drancy, phía Bắc Paris.
[3]So với vị trí địa dư nước Pháp thì các trại tập trung của Đức đều ở phía Đông.
[4]Crédit Agricole: Ngân hàng nông nghiệp.
[5]Chambre de bonne: phòng xưa kia vốn dành cho người tớ gái, thường ở tầng áp mái.
[6]Một franc mới bằng một trăm franc cũ. Tuy nhiên từ đầu năm 2002 đồng franc (mới) cũng đã được thay bằng đồng euro (bằng khoảng sáu franc mới).
[7]Người ngoại quốc sang làm thuê ở Pháp phần lớn đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước Bắc Phi như Maroc, Algérie, Tunisie.
[8]Cromagnon: đại diện chính cho người Homo sapiens sapiens, xuất hiện ở Tây và Nam châu Âu cách đây khoảng 40.000 năm, để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật trên vách đá.
[9]Étrusque: tộc người cổ sống ở vùng Étrurie, nay là Toscane (Ý).
[10]Alexandre Dumas (cha): nhà văn Pháp (1802-1870), tác giả của những bộ tiểu thuyết nổi tiếng như Ba chàng ngự lâm quân, Bá tước Monte Cristo.
[11]Quận công Saint-Simon: nhà văn Pháp (1675-1755), tác phẩm nổi tiếng nhất là Hồi ký, ghi lại chi tiết cuộc sống cung đình và văn hóa xung quanh điện Versailles.
[12]Grand cru classé: rượu vang loại hảo hạng.
[13]Madame: bà (tiếng Pháp).
[14]Loại áo bông dài quá đầu gối hoặc tới gần mắt cá để khoác ngoài áo ngủ hay đi tắm. Thông thường, người phương Tây chỉ mặc pyjama khi đi ngủ. Ra khỏi phòng ngủ họ thường khoác áo choàng.
[15]Monsieur: ông (tiếng Pháp).
[16]Lớn chừng 3 cm.
[17]Vermut: một loại rượu pha hương liệu.
Patrick Süskind (1946), nhà văn và nhà soạn kịch Đức
Tác phẩm:
- Kontrabass (kịch, 1981)
- Das Parfüm (Mùi hương, tiểu thuyết, 1985)
- Die Taube (Chỉ tại con chim bồ câu, 1987)
- Die Geschichte von Herrn Sommer (Chuyện ông Sommer, 1991)
- Rossini - oder die mörderische Frage, wer mit wem schlief(Rossini – hay câu hỏi chết người: Ai đã ngủ với ai, kịch bản điện ảnh, 1997)