talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 30.12.2007
Allen GinsbergHú (Howl)

Allen Ginsberg
Allen Ginsberg (1926-1997)
Ảnh: Dorothy Alexander. Nguồn: www.poets.org

là bản trường ca đã đi vào lịch sử thơ ca và văn học Mỹ và thế giới phương Tây như một sự đột phá hậu hiện đại. Cùng với cuốn tiểu thuyết Trên đường (On the Road) của Jack Kerouac, là tuyên ngôn và tác phẩm hàng đầu của thế hệ Beat - một trong những phong trào quan trọng của văn chương Mỹ đương đại. Hơn thế nữa, nó còn khởi đầu cả một trào lưu "phản-văn hoá" (counter-culture) của thế hệ thanh niên Mỹ thất vọng trước sự thống trị của chủ nghĩa vật chất trong xã hội sau Thế chiến 2. Lần đầu tiên được tác giả công bố trong buổi trình diễn thơ ở Gallery Six (San Francisco) đêm 7/10/1955, được City Lights Books xuất bản vào tháng 11 năm 1956 dưới hình thức một cuốn sách mỏng khổ nhỏ 44 trang mang tên Hú và những bài thơ khác (Howl and Other Poems). Nó trở nên lừng danh nhờ vụ xét xử tại toà án thành phố San Francisco tháng 9 năm 1957, trong đó bị truy tố như một cuốn sách dâm ô (obscene), nhưng lời buộc tội đã được toà án bác bỏ.

Đến nay, trở thành tác phẩm kinh điển của thơ Mỹ thế kỷ XX, được tái bản rất nhiều lần (55 lần) với tổng số hàng triệu bản; là một trong những bài thơ phổ biến rộng rãi nhất thế kỷ với các bản dịch 23 thứ tiếng (bản dịch tiếng Việt của Hoàng Hưng là ngôn ngữ thứ 24, một phần nhỏ đã được đăng tải trên tạp chí Văn học nước ngoài (Hà Nội) năm 1996). Năm 2006, kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản Hú, một ngày hội đọc thơ quốc tế dành cho tác phẩm này đã được tổ chức tại Berlin (Đức) với nhiều bản dịch được trình diễn cùng với bản gốc.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Allen Ginsberg và 50 năm ngày bị toà án xét xử, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn tác phẩm này, lần đầu tiên ra mắt bằng tiếng Việt qua bản dịch của nhà thơ Hoàng Hưng.

talawas chủ nhật

William Carlos Williams [1]
Hú lên cho Carl Solomon

Tôi biết Allen Ginsberg khi anh và tôi đều còn trẻ; là con trai của một nhà thơ có tiếng, anh là một nhà thơ trẻ sống ở Paterson, bang New Jersey, anh sinh ra và lớn lên ở đó. Anh có một cơ thể mảnh khảnh và tâm trí bị nhiễu loạn nhiều bởi đời sống mà anh gặp xung quanh mình trong những năm đầu tiên sau Thế chiến 1, cái đời sống như nó bày ra trước mắt anh bên trong và xung quanh thành phố New York. Anh luôn luôn ở trong tình trạng sắp sửa “bỏ ra đi”, đi đâu thì dường như chẳng thành vấn đề; tôi rất lo cho anh, tôi chẳng bao giờ nghĩ anh sẽ sống để trưởng thành và viết ra nổi một cuốn thơ. Khả năng sống sót, đi đây đi đó, và tiếp tục viết lách của anh đã làm tôi ngạc nhiên. Việc anh đã tiếp tục phát triển và hoàn thiện nghệ thuật của mình cũng không kém phần kinh ngạc đối với tôi.

Giờ đây sau 15 hay 20 năm, anh xuất hiện với một bài thơ lôi cuốn. Nói theo nghĩa đen, hoàn toàn hiển nhiên là anh đã đi qua suốt địa ngục. Trên đường đi anh gặp một người đàn ông tên là Carl Solomon, anh chia sẻ với người ấy giữa mọi thứ từ A đến Z của cuộc đời này một cái gì đó không thể miêu tả nổi ngoại trừ với những câu chữ mà anh đã sử dụng để miêu tả. Đó là một tiếng hú thất bại. Nhưng lại chẳng hề thất bại, bởi anh đã trải qua hết sự thất bại như thể nó là một trải nghiệm thông thường, một trải nghiệm tầm thường. Ai ai trong cuộc đời này cũng đều thất bại, nhưng một con người, nếu anh ta là một con người, thì không thất bại.

Chính nhà thơ Allen Ginsberg đã đi, bằng xác thịt của chính mình, qua những trải nghiệm hãi hùng được miêu tả trong những trang viết này. Điều kỳ diệu trong chuyện này không phải ở chỗ anh đã sống sót mà là, từ dưới vực sâu thăm thẳm, anh đã tìm thấy một người bạn mà anh có thể yêu thương, một tình yêu anh ca tụng mà không hề né tránh trong các bài thơ này. Nói gì thì nói, anh chứng minh cho chúng ta rằng, bất chấp những trải nghiệm đê hèn mà cuộc đời có thể ban cho một con người, tinh thần yêu thương vẫn sống sót để làm cho cuộc sống của chúng ta cao thượng nếu như chúng ta có trí tuệ và can đảm và lòng tin – và nghệ thuật nữa chứ! để kiên gan sống.

Chính lòng tin vào nghệ thuật thơ đã đồng hành với người đàn ông này, từ cái nhà xác này, đi tới ngọn Đồi Sọ của anh ta, về mọi mặt nó giống như ngọn Đồi Sọ của những người Do Thái trong cuộc chiến vừa qua. Nhưng đây là ở trên chính đất nước chúng ta, ở những chốn thân yêu nhất của chúng ta. Chúng ta thì mù và sống cuộc đời mù của mình trong đui mù. Các nhà thơ bị đày đoạ nhưng họ không mù, họ nhìn thấy với đôi mắt thiên thần. Nhà thơ này nhìn thấy thấu suốt và bao quát những hãi hùng mà anh tham dự trong những chi tiết rất riêng tư của bài thơ. Anh không tránh né gì hết mà trải nghiệm nó đến cùng. Anh dung chứa nó. Khẳng định nó như là của chính mình - và, ta tin là thế, cười vào mũi nó và dành đủ thời gian với sự ngang nhiên để yêu một người bạn mà mình chọn lựa và ghi lại tình yêu ấy trong một bài thơ tuyệt tác.

Hãy túm chặt lấy váy, hỡi các Quí bà, chúng ta đang đi qua địa ngục đấy!

Allen Ginsberg

Hoàng Hưng dịch

Tặng Carl Solomon [2]

I.

Tôi đã thấy những bộ óc tuyệt vời nhất của thế hệ mình bị tàn phá bởi điên rồ, chết đói cuồng loạn trần truồng,

lê thân qua các phố người đen kiếm một liều giận dữ lúc rạng đông,

những tay hipster [3] có gương mặt thiên thần cháy lòng tìm lại sự kết nối siêu phàm xưa với chiếc đi-na-mô tinh tú trong cỗ máy đêm,

những kẻ nghèo xơ rách rưới mắt trũng say đờ ngồi đơ hút thuốc trong bóng tối siêu nhiên của những căn hộ nước lạnh bồng bềnh qua nóc các thành phố nghiền ngẫm nhạc jazz,

những kẻ phơi bày tim óc trước Thiên đường bên dưới đoạn đường xe lửa treo và nhìn thấy những thiên sứ đạo Hồi lảo đảo rực sáng trên mái chúng cư nghèo [4] ,

những kẻ đi qua các trường đại học mắt rạng rỡ tuyệt vời truyền ảo giác Arkansaw [5] & những bi kịch theo tinh thần của Blake [6] giữa các tay học giả chiến tranh [7] ,

những kẻ bị đuổi học vì điên khùng & công bố những bài ca tục tĩu trên cửa sổ đầu lâu [8] ,

những kẻ mặc đồ lót nằm co trong các căn phòng lởm chởm, đốt tiền trong giỏ rác [9] và lắng nghe Khủng bố qua tường,

những kẻ bị tóm trong râu mu quay về New York qua Laredo [10] với một ruột tượng cần sa,

những kẻ ăn lửa trong các khách sạn tồi tàn uống dầu thông ở Hẻm Thiên Đường [11] , chết chóc, hay hành xác thân mình đêm tiếp đêm

bằng những giấc mơ, bằng ma tuý, bằng ác mộng dựng người, rượu, cặc dái và giao hoan bất tận,

trong tâm tưởng những con phố cụt vô song của mây và chớp run rảy nhảy về phía các cột đèn Canada và Paterson [12] , làm bừng sáng cả thế giới bất động của Thời gian ở giữa,

những hành lang vững chãi của chất gây ảo giác [13] , những bình minh sân sau nghĩa địa cây xanh, say rượu vang trên sân thượng, những khu phố mặt tiền cửa hàng trong cuộc chạy rong của tụi cần–sa-đồ đèn đường nê-ông nhấp nháy, những rung động mặt trời mặt trăng và cây cối trong chạng vạng Brooklyn [14] mùa đông gầm rống, những huênh hoang rác rưởi và ánh sáng tâm trí hiền vương [15] ,

những kẻ tự xiềng mình vào các đường xe điện ngầm di chuyển bất tận từ Battery đến Bronx thần thánh [16] say benzedrin [17] cho tới khi tỉnh cơn vì tiếng ồn của bánh xe và trẻ nít run rảy miệng xệu óc mòn méo tất cả tinh anh kiệt quệ trong ánh sáng ảm đạm của vườn Zoo, [18]

những kẻ suốt đêm chìm đắm trong ánh sáng tù mù của tiệm Bickford trôi ra và ngồi suốt chiều bia nhạt trong quán Fugazzi tiêu điều, lắng nghe ngày tận thế từ cái máy hát hydrogen [19] ,

những kẻ nói chuyện liên tu bảy mươi giờ từ công viên về nhà ra quán rượu đến Bellevue đến bảo tàng đến cầu Brooklyn [20] ,

một đạo quân lạc lõng những kẻ thích trò chuyện trên mây nhảy xuống các bậc thang nhảy ra khỏi lối thoát hoả tai nhảy khỏi bậu cửa sổ nhảy khỏi toà Empire State [21] như nhảy từ vầng trăng [22] ,

tán dóc hét gào nôn mửa xì xầm những chuyện có thật những ký ức và giai thoại và những cú đập vào nhãn cầu [23] và những cú xốc bệnh viện và nhà tù và chiến tranh,

toàn bộ những kẻ tài trí mửa ra khi nhớ lại hết trong bảy ngày đêm mắt sáng ngời, thứ thịt đã ban phép lành bị vứt trên vỉa hè [24] ,

những kẻ biến mất tiêu vào cõi Thiền vô sở New Jersey bỏ lại một dấu vết bưu ảnh mập mờ có hình Toà Thị chính Atlantic, [25]

chịu đựng mồ hôi phương Đông và chứng nhức xương Tanger [26] và chứng nhức nửa đầu Trung Hoa khi cai nghiện trong căn phòng tồi tàn ở Newark, [27]

những kẻ thơ thẩn loanh quanh nửa đêm sân ga tự hỏi mình đi đâu, rồi đi mà chẳng có trái tim tan nát nào ở lại,

những kẻ châm thuốc lá trong các toa chở hàng chở hàng chở hàng ồn ào băng qua tuyết về phía những trang trại quạnh hiu trong đêm của nội,

những kẻ nghiên cứu Plotinus Poe Thánh John Thập tự thần giao cách cảm bob kabbalah [28] bởi vũ trụ rung động một cách bản năng dưới chân họ ở Kansas [29] ,

những kẻ bơ vơ qua các phố Idaho [30] kiếm tìm những thiên thần thổ dân thấu thị đúng là những thiên thần thổ dân thấu thị,

những kẻ nghĩ là mình điên khi thành phố Baltimore [31] sáng loá trong cơn ngây ngất siêu nhiên,

những kẻ nhảy vào xe limousine [32] với người Tàu ở Oklahoma [33] do thôi thúc của ánh đèn đường nửa đêm đông mưa thị trấn,

những kẻ lang thang đói meo đơn độc qua hết thành phố Houston kiếm nhạc jazz hay sex, xup, và đi theo anh chàng Tây Ban Nha tinh anh [34] để đàm luận về nước Mỹ và Vĩnh hằng, một việc vô vọng, và thế là đáp tàu thủy đi châu Phi,

những kẻ mất hút trong núi lửa Mexico [35] chẳng để lại thứ gì trừ bóng dáng những bộ đồ vải thô và phún thạch và tro tàn của thơ rải rác trong Chicago rực lửa [36] ,

những kẻ tái xuất hiện ở miền Tây điều tra bọn FBI râu dài quần xoọc đôi mắt to hoà bình chủ nghĩa gợi dục với nước da xậm phát những tờ rơi tối nghĩa [37] ,

những kẻ làm bỏng cánh tay với đầu thuốc lá phản đối khói mù thuốc lá gây mê của Chủ nghĩa Tư bản,

những kẻ phân phát truyền đơn Siêu Cộng sản ở quảng trường Union [38] khóc và cởi áo quần trong lúc còi tầm Los Alamos [39] rền rĩ bắt họ im, và rền rĩ bắt phố Wall [40] im, và con phà đảo Staten [41] cũng rền rĩ,

những kẻ bật khóc trong các thể dục đường màu trắng trần truồng và run rảy trước máy móc của những bộ xương khác,

những kẻ cắn gáy lũ thám tử và vui sướng la hét trên xe cảnh sát chẳng phạm tội gì ngoài chuyện kê gian say xỉn hoang dại và tự đầu độc của chính mình,

những kẻ quì mà hú trong xe điện ngầm và bị lôi khỏi mái nhà còn vung vẩy cơ quan sinh dục và bản thảo,

những kẻ để cho bọn đi mô-tô thánh thiện đụ đít và hét lên vui thích,

những kẻ thổi và được thổi bởi những thiên thần người trần mắt thịt là bọn thủy thủ, những ve vuốt của tình yêu Đại Tây Dương và biển Caribê [42] ,

những kẻ đụ sáng chiều trong các vườn hồng và bãi cỏ công viên và nghĩa địa rải rắc tinh trùng vung vãi cho bất kỳ ai có thể đến,

những kẻ nấc cụt không ngừng ráng cười khúc khích nhưng kết thúc trong thổn thức sau tấm ngăn trong nhà tăm hơi khi chú thiên thần tóc vàng trần truồng đến đâm mình bằng một chiếc gươm,

những kẻ mất các cậu trai tình cho ba mụ già định mệnh một mụ độc nhãn của đồng đô la [43] đồng tính ái một mụ độc nhãn nháy mắt chui ra khỏi tử cung một mụ độc nhãn chẳng làm gì chỉ ngồi bệt mà cắt những sợi chỉ vàng trí tuệ của chiếc khung cửi nghệ nhân,

những kẻ giao cấu mê man không thoả với một chai bia một người tình một gói thuốc lá một cây nến và ngã nhào khỏi giường, và tiếp tục trên sàn ra tận hành lang và kết thúc ngẫt xỉu ở chân tường với ảo ảnh về cái hĩm và sự cực khoái tối hậu tránh né giọt tinh dịch cuối cùng của ý thức,

những kẻ làm vui cái hĩm của triệu cô nàng run rảy khi mặt trời lặn, và mắt đỏ đọc lúc ban mai nhưng đã chuẩn bị làm vui cái hĩm của mặt trời mọc, trật mông trong nhà kho và trần truồng dưới hồ,

những kẻ chạy rông điếm đàng suốt qua bang Colorado [44] trong vô vàn xe hơi đêm ăn trộm, N.C., người hùng bí mật của những bài thơ này [45] , con đực và người đẹp của Denver [46] - niềm vui khi nhớ đến vô số cuộc ngả ngửa con gái trong những khu đất hoang & sân sau quán xá, hàng ghế lung lay phòng chiếu bóng, hang động đỉnh núi, hay với các cô tiêp viên ốm nhách trong những cuộc tốc váy cô đơn bên vệ đường quen thuộc & đặc biệt là những toilet duy ngã bí mật ở trạm xăng & cả những hẻm nhỏ nơi thị trấn quê nhà,

những kẻ mờ dần trong các bộ phim nhơ nhớp, biến đổi rất nhanh trong mơ, tỉnh giấc thình lình Manhattan và tự lôi mình ra khỏi tầng hầm đầu đau búa bổ với thứ rượu tokay [47] nhẫn tâm và kinh hoàng những giấc mộng sắt thép của Đại lộ Ba & nhào tới các văn phòng thất nghiệp,

những kẻ cuốc bộ suốt đêm giày đẫm máu trên bến tàu phủ tuyết đợi chờ một cánh cửa trên sông Đông [48] mở vào căn phòng đầy hơi nước và thuốc phiện [49] ,

những kẻ tạo nên các vở kịch tự sát lớn lao trên căn hộ bờ dốc đứng sông Hudson [50] dưới ánh trăng xanh như đèn pha thời chiến & mái đầu của họ sẽ được đội vòng nguyệt quế trong lãng quên [51] ,

những kẻ ăn thịt cừu hầm tưởng tượng hay tiêu hoá cua dưới đáy bùn những con sông khu Bowery, [52]

những kẻ khóc bản tình ca phố xá với các xe đẩy đầy hành và âm nhạc tồi tàn [53] ,

những kẻ ngồi trong các thùng đựng hàng thở trong bóng tối dưới gầm cầu, và đứng dậy chế đàn clavico trong nhà kho [54] ,

những kẻ ho trên tầng sáu khu Harlem [55] đội vòng lửa dưới bầu trời lao phổi vây quanh là những thùng cam thần học [56] ,

những kẻ viết nhằng nhịt suốt đêm ngả nghiêng lăn lóc [57] những lời thần chú cao nhã mà lúc sáng banh chỉ là những khổ thơ lắp bắp [58] ,

những kẻ nấu món hầm tim phổi chân đuôi động vật thối rữa mà mơ tưởng vương quốc của chay tịnh [59] ,

những kẻ đâm đầu dưới các xe chở thịt để kiếm một quả trứng,

những kẻ quăng đồng hồ đeo tay từ trên mái nhà bỏ phiếu cho Vĩnh hằng ngoài Thời gian [60] , & đồng hồ báo thức rơi xuống đầu họ mỗi ngày trong thập kỷ tới,

những kẻ cắt cổ tay ba lần thất bại cả ba, bỏ cuộc và buộc phải mở tiệm đồ cổ trong đó họ nghĩ mình đang già đi và khóc [61] ,

những kẻ bị thiêu sống trong bộ com-lê flannel hồn nhiên trên Đại lộ Madison [62] giữa các luồng thơ bằng chì [63] & loảng xoảng đổ lên thùng xe các trung đoàn thép thời trang & choe chóe nitroglycerin các nàng tiên quảng cáo & khí ga mù-tạc của các biên tập viên thông minh hung hiểm [64] , hay là bị các xe taxi say xỉn của Thực tại Tuyệt đối húc ngã,

những kẻ nhảy khỏi cầu Brooklyn điều này thực đã xảy ra và bước đi không ai biết và bị quên phứt trong sự mê mụ ma mờ của các hẻm xúp phố Tàu & xe cứu hoả, thậm chí không một cốc bia miễn phí [65] ,

những kẻ hát tuyệt vọng bên cửa sổ, té ra ngoài cửa sổ tàu điện ngầm, nhảy xuống sông Passaic [66] dơ bẩn, chồm lên lưng người da đen, khóc trên khắp phố, khiêu vũ chân trần trên các ly rượu vỡ đập tan các đĩa hát buồn nhớ nhạc jazz Đức châu Âu thập kỷ 1930 uống cạn ly whiskey và mửa ra rên rỉ trong toilet chết tiệt, tiếng than van trong tai và tiếng còi hơi đồ sộ [67] ,

những kẻ phóng như điên trên các xa lộ quá khứ du hành đến với nhau chiếc xe hơi tuẫn nạn nhà ngục cô đơn hay sự hoá thân nhạc jazz Birmingham [68] ,

những kẻ lái xe băng ngang nước Mỹ bảy mươi hai giờ [69] để xem tôi có thấu thị hay anh có thấu thị hay nó có thấu thị nhằm tìm được Vĩnh hằng,

những kẻ du hành đến Denver, những kẻ chết ở Denver, những kẻ trở lại Denver [70] & đợi chờ hoài công, những kẻ che chở Denver & chán chường & cô đơn ở Denver và cuối cùng bỏ đi khám phá Thời gian & bây giờ Denver buồn nhớ những người anh hùng của mình,

những kẻ sụp quỳ trong các thánh đường vô vọng nguyện cầu cho nhau được cứu rỗi và sáng láng và xúc cảm, cho đến khi tóc linh hồn bừng sáng một giây,

những kẻ tưởng tượng vào nằm trong ngục đợi chờ các tay tội phạm không tưởng có mái tóc vàng và sự quyến rũ của thực tại trong tim hát điệu blu ngọt ngào cho nhà tù Alcatraz [71] ,

những kẻ lui về Mexico để nuôi một thói quen, hay Rocky Mount đển Đức Phật nhân từ hay Tangiers đến tụi trai nhóc hay công ty Nam Thái Bình Dương đến chiếc đầu tàu hoả màu đen hay trường Harvard đến Narcissus [72] đến Woodlawn [73] đến vòng hoa cúc hay mộ phần,

những kẻ đòi hỏi các phiên toà tỉnh trí cáo buộc radio tội thôi miên & bị bỏ mặc với sự mất trí của họ & bàn tay của họ & một ban hội thẩm không có được quyết định cuối cùng [74] ,

những kẻ ném xà lát khoai tây vào các giảng viên giảng bài về trào lưu Dada ở trường Đại học Columbia NY sau đó tự trình diện trên những bậc thang granit của nhà thương điên với đầu cạo trọc lốc và diễn từ hề về tự tử, đòi phẫu thuật thuỳ não tức thời [75] ,

những kẻ thay vì thế đã được phát sự hư không cụ thể của insulin Metrazol điện thủy liệu pháp tâm lý nghề nghiệp liệu pháp bóng pingpong [76] & chứng mất trí nhớ,

những kẻ phản đối nghiêm chỉnh chỉ lật đổ có một bàn pingpong tượng trưng, nghỉ ngơi chốc lát trong tình trạng loạn tâm [77] ,

nhiều năm sau đầu hói xọi ngoại trừ một bộ tóc giả bằng máu, và nước mắt và ngón tay, trở lại với số phận người điên rõ rệt của những phòng bệnh ở các thị trấn điên của miền Đông,

những sảnh hôi hám của Pilgrim State Rockland và Greystone [78] , cãi nhau vặt với tiếng vọng của linh hồn, ngả nghiêng lăn lóc [79] trong đêm khuya ghế băng – cô quạnh các địa hạt của tình yêu - mộ đá [80] , giấc mơ của đời sống một cơn ác mộng, những tấm thân biến thành đá nặng như mặt trăng,

với mẹ rút cuộc bị****** [81] , và cuốn sách huyền hoặc cuối cùng liệng qua cửa sổ, và cánh cửa cuối cùng đóng lại lúc 4 giờ sáng và chiếc điện thoại cuối cùng ném rầm vào tường để trả lời và căn phòng có đồ đạc rẻ tiền cuối cùng bị dọn sạch đến tận món đồ tưởng tượng cuối cùng, một bông hồng giấy màu vàng quăn queo trên cái móc thép trong phòng kho, và ngay cả điều tưởng tượng kia, chẳng có gì ngoài một chút xíu ảo giác đầy hy vọng -

chao ôi Carl, trong khi anh không an toàn thì tôi cũng không an toàn, và bây giờ anh thực sự nằm trong nồi xúp động vật toàn phần của thời gian -

và những kẻ do vậy đã chạy qua các phố giá băng bị ám ảnh bởi thình lình một loáng chớp giả kim của thuật sử dụng phép tỉnh lược catalog nhịp thơ & mặt phẳng rung lên [82] ,

những kẻ mơ màng và tạo nên các khoảng trống tươi hồng trong Thời & Không gian qua các hình ảnh đặt liền kề, và bẫy được vị tổng lãnh thiên thần của linh hồn giữa hai hình ảnh thị giác và nối các động từ cơ bản lại và đặt danh từ và dấu gạch nối của ý thức với nhau nhảy vọt với cảm giác mạnh của Thượng đế Cha Toàn năng Vĩnh hằng [83]

để tái tạo cú pháp và nhịp điệu văn xuôi trần thế tội nghiệp và đứng trước mặt anh không nói nên lời và thông minh và run rảy vì xấu hổ, bị khước từ nhưng vẫn bộc bạch tâm hồn hợp với nhịp điệu tư tưởng trong cái đầu trần trụi và vô tận của mình [84] ,

kẻ điên lang thang và thiên thần beat [85] trong Thời gian, không ai biết tới, nhưng vẫn viết ra đây những gì có thể còn phải nói sau lúc chết,

và trở dậy đầu thai trong trang phục ma mờ của nhạc jazz trong bóng cây kèn vàng của ban nhạc và thổi niềm đau của tâm trí trần trụi yêu đương của nước Mỹ vào tiếng khóc saxo eli eli lamma lamma sabacthani [86] làm rùng mình các thành phố đến tận chiếc radio cuối cùng

với con tim tuyệt đối của bài thơ cuộc sống bị xẻo trên cơ thể của chính họ còn ăn được tới ngàn năm sau


II.

Con nhân sư nào bằng xi măng và nhôm bửa sọ họ ra ăn hết óc và trí tưởng tượng?

Moloch [87] ! Cô đơn! Bẩn thỉu! Xấu xí! Thùng rác và những đồng đô la không thể kiếm ra! Trẻ con gào dưới chân thang! Trai choai nức nở trong quân ngũ! Người già khóc giữa công viên!

Moloch! Moloch! ác mộng của Moloch! Moloch không tình yêu! Moloch tâm thần! Moloch kẻ xét xử nặng nề của con người [88] !

Moloch nhà tù không hiểu nổi ! Moloch ngục thất vô hồn xương chéo và Quốc hội của buồn đau! Moloch các cao ốc của ngươi là sự phán quyết [89] ! Moloch đá tảng của chiến tranh! Moloch những chính phủ choáng váng!

Moloch đầu óc thuần máy móc! Moloch máu là tiền lưu chuyển! Moloch ngón tay là 10 đạo quân! Moloch ngực là đi-na-mô ăn thịt người [90] ! Moloch tai là nấm mồ bốc khói!

Moloch mắt ngươi là ngàn cửa sổ đui mù [91] ! Moloch những toà nhà chọc trời của ngươi đứng trên các phố dài giống như những Thượng đế bất tận [92] ! Moloch những xưởng máy của ngươi mộng mơ và ì ộp trong sương! Moloch những ống khói và ăng-ten của ngươi kết vương miện trên đầu các thành phố!

Moloch tình yêu ngươi là dầu và đá bất tận! Moloch hồn ngươi là điện và các ngân hàng [93] ! Moloch cái nghèo của ngươi là bóng ma của thiên tài! Moloch số phận ngươi là đám mây khí hydro không giới tính! Moloch tên ngươi là Tâm trí!

Moloch trong ngươi ta ngồi cô độc! Moloch trong ngươi ta mộng Thiên thần! Điên rồ trong Moloch! Kẻ bú buồi trong Moloch [94] ! Thiếu tình và vô nam tính trong Moloch!

Moloch ngươi vào hồn ta từ sớm! Moloch trong ngươi ta là một ý thức không xác thân! Moloch ngươi làm ta sợ đến ra khỏi cơn đê mê tự nhiên của ta! Moloch mà ta từ bỏ! Hãy thức tỉnh trong Moloch! Ánh sáng từ trời tuôn xuống!

Moloch! Moloch! Những căn hộ robot [95] ! những ngoại ô vô hình! những ngân khố trơ xương [96] ! những thủ đô mù! những kĩ nghệ ma qủi [97] ! những quốc gia ma [98] ! những nhà thương điên vô địch! những dương vật granit! những trái bom quái vật [99] !

Họ oằn lưng nâng Moloch lên Thiên đường! Những vỉa hè, cây cối, máy thu thanh, mốt miếc! nâng thành phố lên Thiên đường, cái Thiên đường tồn tại và ở khắp nơi quanh ta!

Những huyễn ảnh! điềm triệu! ảo giác! phép lạ! xuất thần! trôi tiệt theo dòng sông Mỹ!

Những giấc mộng! tôn sùng! khải thị! tôn giáo! nguyên cả thuyền toàn những thứ tào lao nhạy cảm!

Đột phá! qua sông! chợt tỉnh chợt điên và hình phạt đóng đinh câu rút! xuôi dòng nước lụt! Những cơn say! Hiển thánh! Tuyệt vọng! Tiếng thét súc vật và các vụ tự sát mười năm [100] ! Những tâm trí! Những tình yêu mới! Thế hệ điên! Rơi trên những tảng đá Thời gian!

Tiếng cười thánh thiện có thực trên sông! Họ đều thấy cả! những con mắt dại đi! những tiếng la hét thánh thiện! Họ chào vĩnh biệt! Họ nhảy khỏi mái nhà! vào cô vắng! vẫy tay! mang theo hoa! Xuống sông! xuống phố!


III.

Carl Solomon! Tôi ở cùng anh ở Rockland [101]
nơi anh điên khùng hơn tôi nữa

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh phải cảm thấy rất lạ lùng

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh bắt chước cái bóng của mẹ tôi

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh đã giết mười hai cô thư ký của mình

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh cười vào mũi sự hài hước khó nhận ra này

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi chúng ta là các nhà văn lớn chung một chiếc máy chữ quá tồi

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi tình cảnh anh trở nên nghiêm trọng và được thông tin trên radio

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi các quan năng của đầu lâu không còn chấp nhận những con sâu của giác quan

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh uống trà từ vú các bà cô ở Utica [102]

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh cợt giễu về thân thể các bà điều dưỡng của mình các nữ quái điểu quận Bronx [103]

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh la hét trong chiếc áo bó rằng mình thua ván pingpong thực sự của vực thẳm

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh đập phím piano loạn tâm [104] nói rằng linh hồn là vô tội và bất tử nó không thể chết thảm trong một nhà thương điên được vũ trang [105]

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi thêm năm mươi lần xốc điện nữa cũng sẽ không bao giờ đưa hồn anh trở lại xác từ cuộc hành hương của nó tới cây thập giá trong hư không

Tôi cùng anh ở Rockland
nơi anh cáo buộc các bác sĩ của mình là mất trí và mưu đồ cách mạng xã hội chủ nghĩa Do Thái chống lại Đồi Sọ phát xít quốc gia

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi anh sẽ chẻ trời Long Island [106] và phục sinh đấng Jesus người trần mắt thịt của mình từ nấm mồ siêu nhân

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi có hai mươi lăm nghìn đồng chí điên [107] tất cả cùng hát đoạn kết của bài Quốc tế ca

Tôi cùng anh ở Rockland
nơi chúng ta ôm ghì hôn nước Mỹ dưới tấm ga giường nước Mỹ ho suốt đêm và không cho mình ngủ [108]

Tôi ở cùng anh ở Rockland
nơi chúng ta giật nảy người tỉnh giấc hôn mê các phi cơ của linh hồn mình rú gào trên mái chúng đến ném những trái bom thiên thần nhà thương tự bừng sáng xụp đổ các bức tường tưởng tượng Hỡi các binh đoàn gày guộc hãy chạy ra ngoài Hỡi cú xốc sao và xọc ân huệ [109] cuộc chiến vĩnh hằng là đây Hỡi chiến thắng hãy quên đồ lót của ngươi đi chúng ta được tự do rồi

Tôi ở cùng anh ở Rockland
trong giấc mơ tôi mắt đẫm lệ anh bước đi ướt sũng từ chuyến hải hành trên xa lộ băng qua nước Mỹ đến cửa mái tranh nhà tôi trong đêm miền Tây

San Francisco 1955-1956


Cước chú cho “Hú”

Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện! Thánh thiện!

Thế giới thánh thiện! Linh hồn thánh thiện! Da thánh thiện! Mũi thánh thiện! Lưỡi và con cặc và bàn tay và lỗ đít thánh thiện!

Mọi thứ đều thánh thiện! mọi người đều thánh thiện! mọi nơi đều thánh thiện! mỗi ngày đều nằm trong vĩnh cửu! Mỗi người là một thiên thần!

Kẻ lang thang cũng thánh thiện như thiên thần! người điên thánh thiện cũng như anh linh hồn của tôi thánh thiện!

Chiếc máy chữ thánh thiện bài thơ thánh thiện giọng đọc thánh thiện người nghe thánh thiện cơn ngây ngất thánh thiện!

Thánh thiện Peter thánh thiện Allen thánh thiện Solomon thánh thiện Lucien thánh thiện Kerouac thánh thiện Huncke thánh thiện Burroughs thánh thiện Cassady [110] thánh thiện những kẻ hành khất vô danh bị đụ đít và đau khổ thánh thiện những thiên thần người trần mắt thịt gớm guốc!

Thánh thiện mẹ tôi trong nhà thương điên! Thánh thiện những con cặc của các ông nội ở Kansas!

Thánh thiện cây kèn saxo rền rĩ! Thánh thiện ngày tận thế bop [111] ! Thánh thiện các ban nhạc jazz cần sa các tay hipster hoà bình & heroin & trống!

Thánh thiện sự cô vắng của các toà nhà chọc trời và các vỉa hè! Thánh thiện những quán ăn đầy triệu triệu! Thánh thiện những dòng sông nước mắt bí ẩn bên dưới các phố!

Thánh thiện vị thần tối linh đơn độc [112] !Thánh thiện con chiên đồ sộ của giới trung lưu [113] ! Thánh thiện những kẻ chăn cừu điên rồ của nổi loạn! Kẻ yêu Los Angeles LÀ Los Angeles [114] !

Thánh thiện New York Thánh thiện San Francisco Thánh thiện Peoria & Seatle Thánh thiện Paris Thánh thiện Tangiers Thánh thiện Moscow Thánh thiện Istanbul!

Thánh thiện thời gian trong vĩnh hằng thánh thiện vĩnh hằng trong thời gian thánh thiện những chiếc đồng hồ trong không gian thánh thiện chiều kích thứ tư thánh thiện Quốc tế thứ năm [115] thánh thiện Thiên thần trong Moloch!

Thánh thiện biển thánh thiện hoang mạc thánh thiện đường tàu hoả thánh thiện đầu tàu hoả thánh thiện các thấu thị thánh thiện các ảo giác thánh thiện các phép lạ thánh thiện nhãn cầu thánh thiện vực thẳm!

Thánh thiện sự tha thứ! từ tâm! từ thiện! lòng tin! Thánh thiện! Của chúng ta! thân xác! nỗi đớn đau! lòng hào hiệp [116] !

Thánh thiện lòng tốt siêu nhiên cực độ sáng láng thông minh của linh hồn [117] !

Berkeley 1955


(Người dịch trân trọng cảm ơn Peter Hale, trợ lý của cố tác giả Allen Ginsberg và GS Tom Nawrocki ở Columbia College Chicago đã cung cấp những tư liệu tham khảo thiết yếu, trân trọng cảm ơn nhà thơ Paul Hoover, GS Đại học Quốc gia San Francisco, đã giúp làm sáng tỏ một số chi tiết của bài thơ, đặc biệt trân trọng cảm ơn nhà thơ Đỗ Kh. đã bỏ công biên tập kỹ lưỡng, sửa chữa nhiều trong bản thảo đầu tiên. Bản công bố ở đây chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót, kính mong được quý vị thẳng thắn góp ý.)


Bản tiếng Việt © 2007 talawas

[1]Nhà thơ lớn của Mỹ (1883-1963). Đây là lời giới thiệu in ở đầu tập thơ Hú và những bài thơ khác của Allen Ginsberg xuất bản lần đầu tiên năm 1956 (ND)
[2]Một người viết văn mà tác giả gặp gỡ và đánh bạn trong một bệnh viện tâm thần ở Manhattan, New York (tháng 7 năm 1948 - tháng 3 năm 1949). Những cuộc trò chuyện văn chương và thế sự với C. Solomon trong bệnh viện gợi hứng cho tác giả viết "Hú" vào năm 1955 (ND)
[3]Chỉ lớp thanh niên mê nhạc jazz, bebop thập kỷ 1940, tiếp đến lớp beatnik và hippy sau đó (ND)
[4]Tác giả đã nghe kể về những ảo giác của nhà thơ Philip Lamantia khi ông này đọc kinh Koran của đạo Hồi. Trong nguyên bản là EL, tên đoạn đường xe lửa trên không trong hệ thống tàu điện ngầm Manhattan tồn tại cho đến giữa thập niên 1950 (Những chú thích không của ngườI dịch đều là dựa theo phần chú giải của chính tác giả rút trong cuốn Howl do Harper Perennial - Modern Classic xuất bản năm 2006)
[5]Tên một bang phía Nam của Hoa Kỳ, chưa rõ ý nghĩa của từ này trong câu thơ. Theo tác giả, từ này được thay thế cho từ "anarchy" (vô chính phủ) trong bản thảo đầu tiên chỉ nhằm tăng cường tính cụ thể cho bài thơ.
[6]William Blake (1757-1827) nhà thơ Anh với cảm hứng thần bí, người ảnh hưởng mạnh tới Allen Ginsberg. Ông từng kể là vào năm 1948, ông đã có ảo giác nghe thấy chính Blake đọc thơ, chính sự kiện này khai mở cho ông sự liên thông của mọi hình thái sinh tồn. Ông nói việc trải nghiệm ma tuý của mình về sau cũng nhằm đạt được lại cảm giác ấy. (ND)
[7]Các nhà khoa học ở trường đại học Columbia đã bí mật giúp vào việc tách hạt nhân nguyên tử phục vụ mục đích quân sự trong những năm 1944-1948.
[8]Chính tác giả đã viết những câu thơ tục tĩu và vẽ hình bộ phận sinh dục nam với đầu lâu trên cửa sổ trường đại học Columbia năm 1945, do đó bị đuổi học một năm.
[9]Carl Solomon đốt tiền vì bất bình trước cái xấu xa của chủ nghĩa vật chất trong xã hội tư bản.
[10]Một thành phố ở bang Texas (ND)
[11]Nguyên văn Paradise Alley, tên một khu chúng cư nghèo ở New York, gần những khách sạn rẻ tiền nơi có nhiều hoạ sĩ sống trong những phòng chật chội sặc mùi dầu thông, nhưng cũng mang ý nghĩa về sự mơ mộng của lớp thanh niên hipspter. (ND)
[12]Jack Kerouac là người Canada gốc Pháp, còn Ginsberg sống ở Paterson, thủ phủ của bang New Jersey, không xa New York. (ND)
[13]Nguyên văn: "Peyote solidities of halls". Peyote là chất gây ảo giác làm từ cây xương rồng Mexico có tên như thế. (ND)
[14]Một quận của TP New York, cách quận trung tâm Manhattan bởi con sông Đông (East River) (ND)
[15]Nguyên tác: “kind king light of mind” mượn từ cụm từ “Kind King Mind” của Kerouac trong Mexico City Blues
[16]Hai địa danh ở hai đầu cực nam, cực bắc thành phố New York (ND). Theo tác giả thì một số thanh niên thời đó thường đến Bronx kiếm morphin từ một tay bác sĩ già.
[17]Benzedrine: thuốc nghẹt mũi chứa amphetamin là chất kích thích, bị lạm dụng như một thứ ma túy (ND)
[18]Zoo = vuờn thú. Người dịch để nguyên chữ Zoo nhằm thể hiện ý tác giả muốn nhân vật đi từ B (Battery, Bronx) đến Z (Zoo) trong một hơi thơ rất dài.
[19]Bickford là một trong những quán cà phê ở Manhattan mà tác giả có thời gian lau sàn để kiếm sống tạm. Fugazzi là một quán khác, tiếng rè rè của chiếc máy hát cũ ở đây khiến tác giả bị ám ảnh về ngày tận thế do bom hydrogen (H) gây ra.
[20]Ý nói về cuộc trò chuyện giữa tác giả và các bạn với cô Ruth G. một thiếu phụ Do Thái thông minh nhưng mơ mộng kéo dài 72 giờ liền cho đến khi cô bị đưa vào khoa tâm thần của bệnh viện Bellevue
[21]Toà nhà cao nổi tiếng ở New York. (ND)
[22]Nguyên văn: “jumping down the stoops off fire escapes off windowsills off Empire State out of the moon”: hình ảnh có được khi đứng dưới phố, nhìn thấy người (tự tử ) nhảy từ trên cao các toà nhà mà phía sau là mặt trăng (ND)
[23]Hiệu ứng từ bút pháp của hoạ sĩ Pháp Paul Cezanne với những màu nóng và lạnh đặt ngay cạnh nhau
[24]Nguyên văn: “meat for the Synanogue”: giáo dân Do Thái chỉ được phép ăn thịt đã được giáo sĩ (rabbi) ban phép. Muốn nói những người như Ruth G. không còn thích hợp với các giáo luật của Giáo đoàn Do Thái. (ND)
[25]New Jersey là bang quê hương của tác giả, thành phố Atlantic là nơi gia đình ông ngày trước thường tới chơi bên bờ biển, cả hai đều gần New York. Câu thơ nhắc đến quãng thời gian thất nghiệp của tác giả sau đại học
[26]Thành phố ở Maroc, nơi bạn thân của tác giả là nhà văn W. S. Bouroughs tới sống một thời gian
[27]Thành phố quê hương của tác giả (ND)
[28]Nói về khuynh hướng tìm hiểu các tác giả và pháp môn thần bí. Bop (bebop) là một loại nhạc jazz sau Thế chiến 2 phức tạp về tiết tấu và giai điệu, nổi bật về phong cách trình diễn tùy hứng, cũng có tác động thần bí tới các hipster. Kabbalah là sách thần bí của người Do Thái. (ND)
[29]Một bang ở miền trung-tây Hoa Kỳ (ND)
[30]Bang miền núi ở miền tây bắc Hoa Kỳ. Tìm kiếm sự thấu thị là một truyền thống của thổ dân Bắc Mỹ để đánh dấu sự trưởng thành hay khi phải giải quyết khủng hoảng trong đời sống. Một số thanh niên trí thức Mỹ thế hệ hậu chiến tìm về truyền thống ấy.
[31]Thành phố cảng ở phía bắc Hoa Kỳ. Nhắc tới thành phố này là sự liên tưởng đến nhà thơ thần bí Edgard Poe mà tác giả chịu ảnh hưởng (ở đây có ngôi nhà bằng gạch và mộ của ông).
[32]Loại xe hơi sang trọng, thân dài, khoang lái và khoang khách cách biệt bởi một tấm ngăn (ND)
[33]Bang phía nam Hoa Kỳ (ND)
[34]Tác giả nói đến ấn tượng khó quên vào năm 1947 khi ông trông thấy trên đường phố Houston một anh chàng trông như người Tây Ban Nha có vẻ đẹp nam tính đầy sức sống hấp dẫn lạ thường.
[35]Nhắc tới một người bạn của tác giả là John Hoffman chết ở Mexico
[36]Nhắc tới đám cháy thiêu trụi thành phố Chicago năm 1871
[37]Nhắc đến các hành vi của nhà đấu tranh cho hoà bình Joffre Stewart ở Chicago
[38]Ở trung tâm New York (ND)
[39]Thị trấn ở bang New Mexico, nơi có nhà máy chế tạo bom nguyên tử (ND)
[40]Phố tài chính ở NY (ND)
[41]Đảo nhỏ ở phía nam NY nối với Manhattan bằng một con phà lớn (ND)
[42]Liên tưởng đến nhà thơ Hart Crane và mối quan hệ tình dục của ông với các thủy thủ. Về sau ông mất tích trên một con tàu vùng biển Caribê.
[43]Trên tờ bạc 1 Dollar Mỹ có hình một cái tháp có một con mắt. (ND)
[44]Bang miền núi ở miền tây Hoa Kỳ (ND)
[45]Neal Cassady (1926-1968) chàng trai phóng túng có sức chơi dữ dội đã trở thành nhân vật trong nhiều tác phẩm của nhóm Beat, đặc biệt là nhân vật Dean Moriarty trong On the Road (Trên đường) của Jack Kerouac. (ND)
[46]Thủ phủ bang Colorado (ND)
[47]Một loại rượu vang Hungary (ND)
[48]Một trong hai dòng sông chảy hai bên Manhattan (ND)
[49]Tác giả nhắc tới việc một người bạn lang thang gõ cửa nhà ông trong một đêm đông ở NY năm 1948
[50]Một trong hai dòng sông chảy hai bên Manhattan (ND)
[51]Dựa theo một câu chuyện kể trong tiểu thuyết Vanity of Duluoz của Jack Kerouac
[52]Khu khách sạn và quán bar rẻ tiền ở NY (ND)
[53]Một kỷ niệm của mẹ tác giả là Naomi Ginsberg thời kỳ gia đình mới từ Nga sang Mỹ (1905)
[54]Nhiều hoạ sĩ nghèo sống trong các căn hộ nước lạnh dưới gầm cầu Brooklyn với bàn, ghế, giường… làm từ các thùng gỗ đựng hàng. Một trong số họ là Bill Keck tự chế một chiếc đàn clavico (một kiểu đàn organ có ở châu Âu từ Trung đại).
[55]Khu tập trung người da đen ở NY (ND)
[56]Những thùng gỗ đựng cam hồi ấy thường được dùng đựng sách; ở đây tác giả nói đến những cuốn sách thần học của một người bạn sinh viên trường Columbia sống ở khu Harlem.
[57]Nguyên văn ”rocking and rolling”, chơi chữ liên tưởng nhạc rock & roll (ND)
[58]Một kỷ niệm của chính tác giả khi viết suốt đêm dưới hiệu ứng của benzedrine
[59]Một kỷ niệm về bà mẹ của tác giả
[60]Một giai thoại về nhà thơ Louis Simpson năm 1946: Một người bạn đến thăm anh ở căn hộ trên tầng rất cao. L. S. hỏi bạn: "Cậu có đồng hồ không?" - "Có" - "Cậu đưa cho mình được không?" - "Đây". L. S ném đồng hồ ra ngoài cửa sổ và nói: "Chúng ta không cần thời gian, vì chúng ta đã ở trong vĩnh hằng".
[61]Tình trạng của bạn bè cùng học với tác giả ở trường Columbia
[62]Ginsberg đã làm nhiều nghề ở các hãng trong đó có hãng quảng cáo. Madison là đại lộ chuyên về quảng cáo ở NY. (ND)
[63]Ý nói thứ thơ hàn lâm những năm 1940, 1950
[64]Ý nói các biên tập viên đã bác bỏ bản thảo On the Road (Trên đường) của Jack Kerouac
[65]Dựa trên câu chuyện của một nhà văn thời đó tên là Tuli Kupferberg
[66]Con sông ở bang New Jersey. "Sông Passaic dơ bẩn" lấy từ một câu thơ của W.C. Williams
[67]Nhắc đến William Cannastra, một gương mặt lang thang huyền thoại cuối những năm 1940 ở NY
[68]Câu này chỉ dịch đại ý, nguyên bản chơi chữ rất phức tạp, nhắc đến việc Neal Cassady thường phóng xe như điên trên đường, việc những người bạn bị bỏ tù và những người da đen sáng chế ra nhạc jazz, tin vào sự hoá thân và thành phố Birmingham là nơi mục sư da đen Martin Luther King bị bỏ tù. (ND)
[69]Neal Cassady đã làm thế trong thập kỷ 1940.
[70]Cảm hứng từ câu thơ của Kerouac: "Chán nản ở Denver/ Chán nản ở Denver/ Mọi thứ ta làm đã chết"
[71]Nhà tù trên đảo Alcatraz của San Francisco. Liên tưởng đến việc bạn của tác giả là Neal Cassady bị giam giữ hơn hai năm vì tội sử dụng cần sa để mua chuộc nhân viên công lực.
[72]Nói về sự ly tán bạn bè của tác giả mỗi người một ngả. Nam Thái Bình Dương là tên một công ty hoả xa nơi Jack Kerouac làm nhân viên gác phanh. Narcissus là một nhân vật thần thọai Hy Lạp, biểu tượng của kẻ tự say mê mình.
[73]Tên một nghĩa địa ở quận Bronx, NY. Căn hộ mà Naomi Ginsberg ở vào năm 1953 trông ra nghĩa địa này.
[74]Xuất xứ: Naomi Ginsberg sau khi được trị liệu bệnh thần kinh bằng liệu pháp xốc điện đã tưởng tượng rằng các bác sĩ cắm ăng-ten vào lưng bà để bà nghe radio phát ra tiếng nói của tổng thống Mỹ. Nhà thơ Antonin Artaud của Pháp thì cáo buộc các bác sĩ tội thôi miên người bệnh để triệt hạ sự bay bổng tinh thần của họ.
[75]Trào lưu nghệ thuật tiên phong ở châu Âu (1916-1922) phá bỏ các chuẩn mực mỹ học truyền thống, mở đầu cho các trào lưu hiện đại chủ nghĩa (ND). Những chi tiết trong câu thơ này do tác giả lắp ghép từ những sự kiện ở trường đại học Columbia do Carl Salomon kể.
[76] Những thứ thuốc và liệu pháp thường dùng trong các bệnh viện tâm thần Mỹ thời đó mà tác giả và bạn bè đã trải nghiệm.
[77]Nhắc đến những sự việc ở bệnh viện tâm thần mà Carl Salomon đã trải qua
[78]Những bệnh viện tâm thần ở NY và New Jersey
[79]Nguyên văn “rocking and rolling”, đã chú thích
[80]Nguyên bản “dolmen”: kiến trúc đá được coi như mộ phần của người Celt cổ đại ở Tây Âu
[81]Trong bản thảo đầu tác giả viết "mẹ rút cuộc bị fucked (đụ)", sau đó ông thay bằng dấu hoa thị (ý nghĩ loạn luân được tác giả nhắc đến trong một số bài viết và thơ).
[82]Nói về những kỹ thuật mỹ học mà tác giả chịu ảnh hưởng: các cơ chế của phương pháp siêu thực hay ký hiệu học, sự đặt liền kề các hình ảnh xa nhau tạo khoảng trống về nghĩa mà tâm trí sẽ lấp đầy nhờ một ánh chớp nhận thức. L.F. Céline (nhà văn Pháp) nhấn mạnh phép tỉnh lược (ellipsis) trong văn ông (cũng như trong haiku của Nhật). Cézanne (hoạ sĩ Pháp) tạo khoảng trống giữa các màu lạnh và nóng. Các catalog của Whitman (nhà thơ Mỹ) giới thiệu sự rộng rãi trong các bài thơ di chuyển qua nhiều địa dư, ngành nghề, âm thanh, phạm vi khác nhau. Ezra Pound (nhà thơ Mỹ) mở rộng nhịp điệu của thơ tiếng Anh để tiếp nhận những nhịp điệu chưa được biết tới. W. C. Williams (nhà thơ Mỹ) tiến tới "nhịp điệu tương đối" để đưa vào nhịp điệu của lời nói thông thường theo hơi thở của chính mình.
[83]Câu thơ tiếp tục nói về quan niệm mỹ học mà tác giả rút ra từ hoạ sĩ Pháp Cezanne.
[84]Muốn nói tới Jack Kerouac, nghệ sĩ sáng tạo đột phá, đặc biệt với những "phác hoạ" văn xuôi-thơ có hơi thở rất dài và phần "Imitation of the Tape (Bắt chước băng ghi âm)" trong tác phẩm Visions of Cody; với Mexico City Blues tập thơ có ảnh hưởng sâu xa; những trang viết theo tâm trí bột phát trần trụi trong tác phẩm văn xuôi "Brakeman on the R.R."; và những ngẫu hứng cao siêu trong Old Angel Midnight.
[85]Nhà văn, nhà thơ theo tinh thần "beat" những năm 1950, 1960 ở Mỹ, nổi bật là Jack Kerouac, Allen Ginsberg, William Burroughs… "Beat" có nhiều nghĩa: sự kiệt sức, sự toàn phúc, cảm hứng nhạc jazz. (ND)
[86]"Lạy Chúa Cha, lạy Chúa Cha, sao Người bỏ mặc con", những lời cuối cùng của Chúa Jesus trên cây thập giá. Lester Young, Coleman Hawkins, Charlie Parker, Illinois Jacquet là bộ tứ saxo quen thuộc trong chương trình nhạc bebop trên radio Manhattan giữa những năm 1940.
[87]Vị thần lửa của vùng Canaan (vùng đất ở Địa Trung Hải, "Đất hứa" trong Kinh Thánh) mà lễ vật dâng lên thần là những đứa con do tự tay cha mẹ chúng thiêu sinh. (ND)
[88]Tác giả muốn nhắc đến vụ xử tử hai vợ chồng nhà khoa học Rosenberg trên ghế điện vì tội danh gián điệp nguyên tử vào năm 1953.
[89]Gợi ý từ tác phẩm của William Blake
[90]Hình ảnh từ các bộ phim kinh dị của Fritz Lang 1932, 1933
[91]Cảm hứng của đoạn này bắt nguồn từ hình ảnh Khách sạn Sir Francis Drake ở San Francisco.
[92]Từ những hình ảnh trong bộ phim Metropolis năm 1932 của Fritz Lang
[93]Lý thuyết của Ezra Pound: sự cho vay nặng lãi là nguyên nhân làm đồi bại quốc gia
[94]Liên tưởng tới nhà văn đồng tính ái người Pháp Jean Genet
[95]Những toà cao ốc tài chính ở trung tâm thành phố
[96]Những món nợ của ngân sách chiến tranh lạnh
[97]Các nhà máy quân khí
[98]Bao gồm Trung Hoa lục địa không được Mỹ công nhận; các cơ quan quan liêu như bóng ma của gulag Xô viết; đế quốc phương Tây phủ kín Guatemala, Việt Nam, Algeria bằng chiến tranh.
[99]Bom nguyên tử và khinh khí
[100]Ý nói thời kỳ 1945-1955
[101]Bệnh viện tâm thần Pilgrim State Rockland. Trong thực tế chỉ có mẹ của tác giả từng ở đó chứ không phải C. Solomon hay bản thân tác giả.
[102]“Bà cô” dùng theo nghĩa gái gìa không chồng (ND). Liên tưởng: tác phẩm Vú nàng Tiresias của Apollinaire. Utica ở NY mang dáng dấp một thành phố Địa Trung Hải cổ điển.
[103]Mẹ và các cô của tác giả và C. Solomon đã sống ở quận Bronx.
[104]Chính tác giả đã bị khiển trách vì đập phím piano để thử nghiệm âm thanh ở Viện Tâm thần NY.
[105]Ý nói về cuộc chiến tranh lạnh ("Hú" được viết vào dịp kỷ niệm 10 năm bài diễn văn "Bức màn sắt" mà thủ tướng Anh Winston Churchill đọc ở Fulton, bang Missouri.)
[106]Bệnh viện Pilgrim State ở Long Island (hòn đảo cách Manhattan qua sông Đông)
[107]Con số bệnh nhân ở bệnh viện Pilgrim State
[108]Liên tưởng từ hành vi của một số bệnh nhân ở Viện Tâm thần NY
[109]“O starry spangled shock of mercy”: ám chỉ cờ Mỹ. The Star Spangled Banner là tên bài quốc ca Hoa Kỳ. (ND)

[110]Tên các bạn viết của tác giả (ND)
[111]"Khi kiểu thức âm nhạc thay đổi, các bức tường thành phố sẽ lung lay" (Pithagoras)
[112]Nguyên tác: "juggernaut": con người hay lực lượng có sức mạnh ghê gớm lôi kéo người ta làm những việc mù quáng (có gốc từ Jagannath hoá thân của thần Vishnu có sức mê hoặc đến mức khi tượng thần này được chở trên xe bò diễu qua các phố thì tín đồ lao vào bánh xe để cho xe cán chết) (ND). Tác giả muốn nói đến liên hợp quân sự-kỹ nghệ Mỹ.
[113]Tác giả liên tưởng châm ngôn Phật giáo "Nhìn mỗi cá thể hữu tình như một Đức Phật tương lai".
[114]Los Angeles tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “các Thiên thần”.
[115]Tác giả coi đó là Quốc tế của công nhân, doanh nhân, nông dân và thổ dân còn chưa tập họp để đề ra các tiêu chuẩn sống sót trong kỷ nguyên của quyền lực tự sát gần như tuyệt đối của tư bản độc quyền đế quốc nhà nước và tư nhân.
[116]Cảm hứng từ Tứ diệu đế và Bát chánh đạo của Phật Tổ, khởi đầu là Khổ đế
[117]Mầm giác ngộ trong tâm bình thường

Tác giả

Allen Ginsberg (1926-1997), nhà thơ Mỹ, website: http://www.allenginsberg.org/

Dịch giả:

Hoàng Hưng sinh ngày 24.11.1942 tại thị xã Hưng Yên. 1960-1961 tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ quân đội (dạy học cho sĩ quan trình độ cấp 1). Tốt nghiệp Khoa văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1965. Dạy văn cấp 3 tại Hải Phòng 1965-1973. Tình nguyện vào Nam phục vụ trong "mặt trận văn nghệ", nhưng ngành giáo dục giữ lại vì là giáo viên giỏi lớp cuối cấp. Phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (Bộ Giáo dục) 1973-1982. Bị bắt giam và tập trung cải tạo từ 17.8.1982 – 29.10.1985 vì tội "lưu truyền văn hoá phẩm phản động" (bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm và sáng tác, tàng trữ những trang nhật ký bằng văn vần để trong nhà). Sau khi ra tù sống bằng việc dịch sách báo. Từ năm 1987 tiếp tục làm ở nhiều báo khác nhau, cuối cùng là báo Lao động 1990-2003, sau đó về hưu. Hiện sống tại Hà Nội và TPHCM. Có con gái là Hoàng Ly làm mỹ thuật và thơ.

Tác phẩm: Đất nắng (in chung với Trang Nghị, Văn học, Hà Nội 1970), Ngựa biển (Trẻ, TPHCM 1988), Người đi tìm mặt (Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1994), Hành trình (Hội Nhà văn, Hà Nội 2005) và nhiều bài viết, bài nói chuyện, tiểu luận, nghiên cứu, trên báo, tạp chí, đài phát thanh trong và ngoài nước. Một số bài thơ đã được dịch và in tại Pháp, Mĩ, Canada, Đức, Hungary, Hà Lan.

Dịch thuật 100 bài thơ tình thế giới (cùng dịch và chủ biên), Vũng Tàu-Côn Đảo, 1988,Thơ Federico Garcia Lorca, Lâm Đồng 1988, Thơ Pasternak (cùng dịch với Nguyễn Đức Dương), TPHCM, 1988, Thơ Apollinaire, Hội Nhà văn, Hà Nội 1997, Các nhà thơ Pháp cuối TK XX, Hội Nhà văn, Hà Nội 2002, 15 nhà thơ Mỹ TK XX (cùng dịch, tổ chức bản thảo), Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004), Mowgli Người-sói (The Jungle Book, Rudyard Kipling), Trẻ, TPHCM 1988, 1989, 1999. Người đàn bà lạ lùng (De guerre lasse, Francoise Sagan, cùng dịch với Nguyễn Lâm), Văn học, Hà Nội 1990. Đồ vật (Les choses, Georges Perec) Hội Nhà văn, Hà Nội 1999, Từ điển Bách khoa Oxford cho thiếu niên (chủ biên), Kim Đồng, Hà Nội, sắp ra mắt, v.v.

Hoạt động văn học quốc tế 1999 đọc thơ (tác giả vắng mặt vì không được phép xuất ngoại) tại Nhà Văn hoá Thế giới Berlin; 2000 lưu trú dịch thuật tại Paris 3 tháng do Bộ Văn hoá Pháp tài trợ, trao đổi về dịch thơ Apollinaire tại lớp Việt Nam học, Đại học Paris 7; 2002 tổ chức dịch 4 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Europe (Paris), và 12 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Action Poetique (Paris); 2002 đề cử các nhà thơ Việt Nam tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế Val-de-Marne, Pháp, lần VII; 2003 nói chuyện về "Hiện đại hoá thơ Việt Nam" tại Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Washington, Seatle, Hoa Kỳ. Đọc thơ tại Chicago (chương trình "Đọc thơ mùa Xuân" của Columbia College Chicago); 2005: Đọc thơ tại Khoa Viết văn và Trung tâm Thơ, Đại học Quốc gia San Francisco. Trao đổi về tập thơ Ác mộng tại Lớp Nghiên cứu Văn học Việt Nam, Đại học Berkeley. Đọc thơ tại „Vietnam Kongress 2005“, nhà hát Volksbühne, Berlin; 13.01.2006: Đọc thơ tại Viện Goethe Hà Nội.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài