talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 17.09.2006
Bernhard SchlinkNgười đọc

Phần 1 Phần 2

Bernhard Schlink
Bernhard Schlink
Ảnh: Đại học Humboldt Berlin

Với 7 triệu ấn bản và được dịch ra 38 thứ tiếng, tiểu thuyết Der Vorleser (Người đọc) của Bernhard Schlink (xuất bản lần đầu năm 1995) là một thành công vang dội của văn học Đức và gần đây đã được đưa vào chương trình dạy văn phổ thông của nước này. Cuốn sách mới được dịch giả Lê Quang dịch ra tiếng Việt, Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành tháng 9.2006.


Tóm tắt nội dung

Câu chuyện xảy ra vào những năm 1960, khi chiến tranh thế giới thứ hai đã lùi xa, và Tây Đức đang ở giai đoạn phát triển kinh tế vượt bậc. Michael, một học sinh trung học 15 tuổi, tình cờ gặp gỡ Hanna Schmitz, một phụ nữ làm nghề bán vé tàu điện hơn cậu 21 tuổi. Giữa hai người cách nhau hẳn một thế hệ này đã nảy nở một mối quan hệ, thoạt tiên chỉ mang tính nhục dục, nhưng dần dà đã trở thành một thứ nghi lễ dâng hiến. Nghi lễ ấy luôn bắt đầu bằng việc hai người tắm chung, rồi Michael đọc sách cho Hanna nghe - thường là một cuốn tiểu thuyết, sau đó là làm tình. Một ngày kia, Hanna đột ngột biến mất. Michael đau khổ và dằn vặt bởi ý nghĩ vì mình hèn nhát, không dám thừa nhận mối quan hệ tình ái mà Hanna phải bỏ đi. Nhiều năm trôi qua, Michael đã tốt nghiệp phổ thông và trở thành sinh viên luật. Với tư cách là sinh viên dự thính, trong một phiên toà Michael đã bất ngờ gặp lại Hanna - lúc này bị truy tố với tội danh khi làm quản tù đã cùng với các nữ quản tù khác dung túng và tiếp tay giết hại tù nhân ở các trại tập trung Auschwitz và Krakov. Phiên toà phải kéo dài vì thiếu bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, cuối cùng người ta cũng tìm ra được thủ phạm chính là Hanna khi chị thừa nhận rằng đã tự tay soạn thảo một biên bản, bằng chứng của tội ác. Khi phiên toà đi vào giai đoạn kết, Michael đã suy nghĩ và chắp nối tất cả các sự kiện có liên quan tới Hanna và anh phát hiện ra rằng, Hanna không thể là người viết biên bản ấy được, bởi đơn giản chị là người mù chữ. Mù chữ - đấy là nỗi xấu hổ lớn nhất của Hanna. Nó giải thích tất cả những hành vi che đậy kì quặc ở chị, khiến chị thà bị kết tội còn hơn là để lộ cái bí mật mà cả đời chị muốn che giấu. Michael đứng trước một hình huống khó xử. Một mặt, anh biết rằng Hanna bị oan và chỉ cần anh gặp quan toà, nói ra sự thật, Hanna sẽ được giảm tội. Nhưng mặt khác, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bí mật của Hanna bị phanh phui và chị sẽ phải đối diện với sự khiếm khuyết đầy xấu hổ của mình. Sau những ngày đấu tranh nội tâm, thậm chí hỏi cả ý kiến của bố (vốn là một triết gia, chuyên về Kant và Hegel), Michael đã đi đến quyết định là giữ kín bí mật của Hanna. Kết cục, Hanna bị kết án tù chung thân. Michael tốt nghiệp đại học, làm việc ở ngành lịch sử luật pháp. Anh kết hôn, có con, ly hôn. Suốt thời gian đó, anh không liên hệ với Hanna cũng như không một lần vào thăm chị. Năm thứ 8 khi Hanna ngồi tù, lần đầu tiên Michael gửi cho chị một cuốn băng ghi âm anh đọc truyện. Từ đó đều đặn, cứ vài ba tuần anh lại gửi cho Hanna một băng ghi âm mới. Một ngày kia, nhận được một bức thư: "Truyện vừa gửi hay quá, cậu bé ạ. Cám ơn. Hanna", Michael biết rằng Hanna trong tù đã tự học đọc và viết... Sau 18 năm tù, đơn xin ân xá của Hanna được chấp nhận. Theo thỉnh cầu của bà giám đốc trại giam, Michael đã đến thăm Hanna. Sau cuộc viếng thăm đó, anh đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để Hanna có thể tái hoà nhập với cuộc sống bên ngoài. Nhưng một ngày trước khi được tự do, Hanna đã treo cổ tự tử.

Tác phẩm được chia làm 3 phần với dung lượng gần tương đương nhau. Được sự đồng ý của dịch giả, talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu phần 1 của cuốn tiểu thuyết: từ khi Michael gặp gỡ Hanna cho tới khi Hanna biến mất.
talawas chủ nhật

 

Bernhard Schlink

Người đọc

Lê Quang dịch

 

Phần 1

1.

Hồi mười lăm tuổi tôi bị viêm gan. Bệnh phát vào mùa Thu và dứt vào mùa Xuân. Tiết trời càng lạnh và càng tối thì người tôi càng yếu đi. Sang đến năm sau tình hình mới khá lên. Tháng Giêng trời ấm, mẹ kê giường cho tôi ra ngoài bao lơn. Tôi nhìn thấy bầu trời, mặt trời, mây và nghe thấy lũ trẻ chơi trong sân. Sẩm tối một ngày tháng Hai tôi nghe con chim két hót.

Lần đầu tiên ra đường, tôi từ phố Blumenstrasse, nơi gia đình tôi ở trên tầng ba một ngôi nhà bề thế xây hồi cuối thế kỷ, đi đến phố Ga. Vào một ngày thứ Hai hồi tháng Mười, trên đường từ trường về nhà tôi đã bị nôn. Đã từ vài hôm tôi thấy yếu trong người, yếu như chưa bao giờ trong đời. Mỗi bước chân đều làm tôi khó nhọc. Ở nhà hay đến trường, mỗi khi lên thang gác là chân tôi không nhấc nổi. Ăn uống cũng không vào. Kể cả khi đói bụng ngồi vào bàn thì chẳng mấy chốc đã thấy ngán. Sáng sớm ngủ dậy mồm tôi khô khốc và có cảm giác nội tạng nằm nặng chịch và sai chỗ trong cơ thể. Tôi xấu hổ vì yếu nhược như thế. Tôi càng xấu hổ khi bị nôn. Đó cũng là chuyện chưa xảy ra lần nào trong đời. Mồm tôi đầy ứ, tôi mím chặt môi định nuốt xuống, tay bưng mồm nhưng vẫn nôn ộc qua kẽ tay. Rồi tôi dựa vào tường nhà, nhìn đống nôn dưới chân và oẹ ra chất nhầy mầu nhàn nhạt.

Một người phụ nữ chăm sóc tôi, và cô làm việc đó một cách thô bạo. Cô tóm tay tôi, dắt tôi qua một hành lang tối đi vào sân. Bên trên là dây phơi chăng quần áo từ cửa sổ này qua cửa sổ kia. Gỗ xếp ngoài sân, trong nhà xưởng mở toang có tiếng lưỡi cưa rít và mùn cưa bay. Bên cạnh cửa vào sân có vòi nước. Người phụ nữ mở vòi, trước tiên rửa tay tôi, rồi cô hứng nước trong lòng bàn tay khum khum táp vào mặt tôi. Tôi lấy khăn mù soa lau khô mặt.

"Cầm lấy cái kia!" Bên cạnh vòi nước có hai cái xô, cô lấy một cái và vặn nước vào. Tôi hứng nước vào cái xô thứ hai và đi theo cô qua hành lang. Cô lấy đà thật mạnh, nước hắt toé xuống vỉa hè và cuốn bãi nôn xuống cống. Cô lấy xô nước kia khỏi tay tôi và xối thêm lần nữa xuống vỉa hè.

Cô đứng thẳng lên và thấy tôi khóc. "Cậu bé", cô ngạc nhiên nói, "kìa cậu bé". Cô choàng tay ôm tôi. Tôi không cao hơn cô là mấy, cảm thấy vú cô áp vào ngực mình, ngửi thấy hơi thở hôi hám của chính mình cùng mồ hôi mới của cô trong vòng tay ôm chặt và không biết để hai tay vào đâu. Tôi thôi khóc.

Cô hỏi nhà tôi ở đâu, đặt xô vào hành lang rồi đưa tôi về nhà. Cô đi cạnh tôi, một tay cầm cặp sách của tôi còn tay kia nắm tay tôi. Đường từ phố Ga về Blumenstrasse không xa. Cô đi nhanh và dứt khoát, làm tôi cũng dễ bước theo. Đến trước cửa nhà tôi cô chia tay.

Ông bác sĩ mà mẹ tôi mời đến nhà cùng ngày hôm ấy chẩn đoán chứng viêm gan. Một hôm nào đó tôi kể cho mẹ nghe về người phụ nữ. Nếu không thì tôi nghĩ là mình cũng chẳng đến thăm cô. Song đối với mẹ tôi thì dĩ nhiên là khi nào khoẻ trở lại tôi nên bỏ tiền túi mua một bó hoa, đến chào và cảm ơn cô. Vậy là cuối tháng Hai tôi đi đến phố Ga.


2.

Ngôi nhà ở phố Ga hôm nay không còn nữa. Tôi không nhớ nó bị phá đi bao giờ và tại sao. Đã nhiều năm tôi không về thành phố quê hương. Ngôi nhà hiện tại được xây hồi thập kỷ 70 hay 80, có năm tầng và tầng mái hoàn thiện, không có cửa sổ lồi ra hoặc bao lơn, tường trơn nhẵn và sáng màu. Nhiều nút chuông của các căn hộ nhỏ, những căn hộ mà người ta đến rồi đi, tựa như thuê xe hơi để đi rồi trả lại. Hiện nay ở tầng trệt là một cửa hàng máy tính, dạo trước là một cửa hàng dược phẩm, một nhà bán thực phẩm và hiệu cho thuê băng video.

Ngôi nhà ngày xưa cũng cao như thế nhưng có bốn tầng, tầng trệt là các khối sa thạch mài góc, ba tầng trên xây gạch với các cửa sổ nhô ra, bao lơn và khung viền cửa sổ bằng sa thạch. Bậc tam cấp dẫn lên tầng trệt và cầu thang ở dưới rộng, trên hẹp dần, hai bên xây bệ chắn làm nền cho tay vịn bằng sắt rèn và đoạn kết uốn lượn hình trôn ốc. Hai bên cửa là đôi cột, mỗi góc kèo là một chiếc đầu sư tử, một con nhìn ngược lên phố Ga, con kia nhìn xuôi xuống. Lối đi vào nhà mà người phụ nữ dẫn tôi đến vòi nước trong sân là lối cửa cạnh.

Từ bé tôi đã để ý đến ngôi nhà này. Nó áp đảo cả dãy phố. Tôi cứ nghĩ là nếu nó nặng hơn và rộng hơn chút nữa thì mấy nhà xung quanh phải né ra nhường chỗ cho nó. Tôi tưởng tượng ra trong đó là khoang cầu thang với đường diềm đắp nổi, lắp gương và trải thảm có họa tiết Đông phương được đè căng bởi các thanh đồng đánh sáng bóng. Tôi cho rằng trong một ngôi nhà quý phái thì phải có những người quý phái ở. Nhưng vì ngôi nhà đã ngả sẫm màu bởi năm tháng và khói tàu hoả nên tôi tưởng tượng ra những cư dân quý phái ấy cũng u ám, kỳ quặc, có khi điếc hay câm, lưng còng hoặc chân thọt cũng nên.

Những năm về sau tôi luôn nằm mê về ngôi nhà ấy. Những giấc mơ từa tựa nhau, là những biến thái của một giấc mơ hay một chủ đề. Tôi đi qua một thành phố lạ và nhìn thấy ngôi nhà. Trong một khu phố mà tôi không quen, tôi thấy nó đứng trong một dãy phố. Tôi đi tiếp, đầu óc rối bời vì tuy biết ngôi nhà nhưng lại không quen khu phố đó. Rồi tôi sực nhớ ra là mình đã nhìn thấy nó rồi. Nhưng tôi lại không nghĩ đến phố Ga ở thành phố quê hương mà nghĩ đến một thành phố khác, một nước khác. Ví dụ tôi mơ thấy đến thành Rome, nhìn thấy ngôi nhà và nhớ là đã từng thấy nó ở Berne. Với hồi ức trong mơ ấy, tôi cảm thấy yên tâm; nhìn thấy ngôi nhà trong một khung cảnh lạ lẫm tôi cảm thấy không có gì đặc biệt hơn là tình cờ gặp mặt một người bạn cũ ở chốn xa lạ. Tôi quay lại ngôi nhà ấy, đi lên bậc tam cấp. Tôi muốn vào nhà. Tôi ấn nắm đấm cửa.

Nếu tôi mơ thấy ngôi nhà ở nông thôn thì giấc mơ dài hơn, hoặc sau đó tôi hồi tưởng rõ hơn về các chi tiết. Tôi đi ô tô. Tôi thấy ngôi nhà phía tay phải và đi tiếp, thoạt tiên chỉ thấy bối rối vì một ngôi nhà rõ ràng ở trên phố mà nay lại đứng giữa cánh đồng. Sau đó sực nhớ là tôi đã thấy nó ở đâu rồi, và lại càng bối rối gấp bội. Nếu tôi nhớ lại đã thấy nó ở đâu thì tôi quay xe trở lại. Đường sá trong mơ lúc nào cũng vắng bóng người, tôi quay đầu xe trong tiếng bánh xe rít ken két và phóng như bay. Tôi sợ đến quá chậm và phóng nhanh hơn. Rồi tôi thấy nó. Ngôi nhà đứng giữa những cánh đồng bao quanh, cải dầu, lúa mạch, hoặc nho ở vùng Pfahlz, oải hương miền Đông Nam Pháp. Đồng đất bằng phẳng, đâu đó gợn đồi nhấp nhô. Không có cây cối. Trời rất sáng, mặt trời rọi, không khí lung linh, và mặt đường bóng nhẫy vì nóng. Những bức tường chắn chịu lửa làm cho ngôi nhà mang vẻ cách biệt và hụt hẫng. Như những bức tường chắn chịu lửa của bất kỳ nhà nào. Nó trông không u ám hơn ngôi nhà ở phố Ga, nhưng cửa sổ đầy bụi bặm và cản không cho thấy trong các phòng có gì, kể cả rèm cửa. Ngôi nhà mù.

Tôi dừng xe cạnh đường và đi ngang đường tới cửa nhà. Không có ai cả, chẳng nghe thấy gì, kể cả tiếng động cơ xa xa hay tiếng gió, tiếng chim. Một thế giới chết. Tôi đi lên bậc tam cấp và ấn nắm đấm cửa.

Nhưng tôi không mở cửa. Tôi thức dậy và chỉ biết là đã đặt tay lên và ấn nắm đấm cửa xuống. Thế rồi tôi nhớ lại toàn bộ giấc mơ, và nhớ cả là mình đã nằm mơ.


3.

Tôi không biết tên người phụ nữ nọ. Với bó hoa trong tay, tôi ngập ngừng đứng trước cửa và các nút chuông. Đáng lẽ nên quay về thì hơn. Nhưng lúc ấy có một người đàn ông từ trong nhà đi ra hỏi tôi muốn tìm ai, và chỉ tôi lên nhà cô Schmitz ở tầng bốn.

Không có đường diềm đắp nổi, không có gương, không có thảm. Những gì của vẻ đẹp ngày xưa có lẽ từng có trong khoang cầu thang, nay đã tàn lụi và vẻ đơn sơ của nó không thể so sánh với mặt tiền tráng lệ. Màu sơn đỏ của các bậc thang bị vết chân đi vẹt ở giữa, tấm nhựa in nổi dán trên tường cao tới vai đã mòn, và những thanh gỗ bị mất ở tay vịn cầu thang được thay bằng dây buộc. Có mùi nước tẩy sàn. Cũng có thể mãi về sau này tôi mới nhận ra tất cả những điều đó. Lúc nào mọi thứ cũng vừa bệ rạc vừa sạch sẽ và toát ra vẫn một thứ mùi nước tẩy sàn, thỉnh thoảng trộn lẫn mùi cải và đậu, mùi thức ăn xào hay quần áo ngâm sôi. Chẳng bao giờ tôi được biết gì hơn về những người khác sống trong nhà ngoài những mùi ấy, những tấm thảm chùi chân trước cửa và tấm biển ghi tên dưới nút chuông. Tôi không nhớ đã gặp mặt ai đó trong số họ ở cầu thang.

Tôi cũng chẳng nhớ ra là đã chào cô Schmitz như thế nào. Chắc là tôi đã sắp xếp sẵn và nói vài ba câu về bệnh trạng của tôi, về chuyện cô giúp đỡ tôi và cảm ơn. Cô chỉ tôi đi vào bếp.

Phòng bếp là căn lớn nhất trong căn hộ. Trong bếp có bếp lò và bồn rửa, bồn tắm và lò đun nước tắm, bàn và hai ghế đẩu, một tủ lạnh, một tủ quần áo và bộ ghế đệm. Trên ghế trải tấm chăn nhung the. Phòng bếp không có cửa sổ. Ánh sáng lọt qua ô kính trên cửa dẫn ra bao lơn, không nhiều lắm, bếp chỉ hửng lên khi cửa mở ra. Lúc ấy nghe được cả tiếng cưa rít và ngửi thấy mùi gỗ từ xưởng mộc dưới sân.

Trong căn hộ còn có một phòng khách nhỏ và hẹp ngang, với cái rương đựng bát đĩa, bàn, bốn chiếc ghế, ghế mềm có tựa đầu và cái lò sưởi. Phòng này hầu như không bao giờ được sưởi trong mùa đông và hè đến chẳng mấy khi sử dụng. Cửa sổ mở ra hướng phố Ga và từ đó nhìn ra khuôn viên của nhà ga ngày xưa được đào đi xới lại nhiều lần, đây đó đã đổ xong lớp móng của các ngôi nhà mới cho toà án và các công sở. Cuối cùng, trong căn hộ còn một nhà xí không cửa sổ. Nếu trong nhà xí có mùi thì hành lang cũng có mùi.

Tôi cũng chẳng nhớ là chúng tôi nói chuyện gì trong bếp nữa. Cô Schmitz ủi quần áo, cô trải một chiếc chăn len và khăn lanh lên bàn và lấy từng thứ quần áo một từ trong giỏ, ủi, gấp rồi đặt lên trên một trong hai chiếc ghế. Tôi ngồi trên ghế kia. Cô cũng ủi cả đồ lót của mình, và tôi không muốn nhìn, song cũng chẳng ngó ra chỗ khác được. Cô mặc một chiếc yếm dài không tay, nền xanh với những đốm hoa đỏ nho nhỏ in nhạt. Mái tóc vàng tro dài ngang vai, cặp lại sau gáy. Cánh tay để trần trắng bệch. Cô nắm lấy bàn ủi, đẩy và đặt trở lại, sau đó gấp và cất quần áo bằng những động tác chậm rãi và tập trung, cô cử động cũng chậm chạp và tập trung như thế khi cúi xuống ngửng lên. Trong ký ức của tôi, những khuôn mặt mà cô có sau này lấp lên khuôn mặt cô ngày ấy. Khi tôi làm tái hiện hình ảnh cô ngày xưa trước mắt mình thì cô hiện ra không có mặt. Tôi phải tái tạo khuôn mặt ấy. Trán cao, lưỡng quyền cao, mắt xanh xám, cặp môi nở đều đặn không vết nhăn, cằm cương nghị. Một khuôn mặt to, nghiêm và nữ tính. Tôi biết là tôi thấy khuôn mặt cô đẹp. Nhưng tôi không hình dung ra được vẻ đẹp ấy.


4.

"Đợi một chút", cô nói khi tôi đứng dậy và định đi, "cô cũng phải đi, cô đi cùng cháu một đoạn".

Tôi đợi ngoài hành lang. Cô thay quần áo trong bếp. Cửa mở hé một vệt. Cô cởi chiếc yếm dài ra và đứng đó trong chiếc áo lót dài xanh nhạt. Hai chiếc tất dài treo trên lưng ghế. Cô cầm một chiếc, hai tay thay nhau dồn nó lại thành vòng cuốn. Cô lấy thăng bằng trên một chân, tì gót lên đầu gối chân ấy, cúi người xuống trước và chụp chiếc tất đã cuốn lên đầu ngón chân, kê đầu ngón lên ghế, kéo tất qua bắp chân, đầu gối và đùi, nghiêng người qua một bên và đính nó vào dây nịt tất. Cô đứng thẳng dậy, nhấc chân khỏi ghế và lấy chiếc tất kia.

Tôi không thể rời mắt nhìn cô. Không thể rời mắt nhìn gáy và bờ vai cô, đôi vú mà áo lót chỉ trùm lên chứ không che được, cặp mông kéo căng chiếc áo dài lót khi cô tì chân lên đầu gối và lên ghế, không thể rời mắt nhìn đùi cô thoạt tiên để trần nhễ nhại và sau đó ánh mịn như tơ dưới lớp tất.

Cô linh cảm thấy tia mắt của tôi. Cô dừng tay đang với lấy chiếc tất kia, quay về phía cửa và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi không biết ánh mắt cô ra sao - ngạc nhiên, dò hỏi, nghiêm khắc. Tôi đỏ mặt. Trong một tích tắc tôi đứng đó với khuôn mặt nóng bừng. Rồi không chịu nổi nữa, tôi lao ra khỏi căn hộ, chạy ào xuống cầu thang ra khỏi nhà.

Tôi đi chậm bước. Phố Ga, phố Haeuserstrasse, phố Blumenstrasse - đường tới trường của tôi từ mấy năm nay. Tôi quen từng ngôi nhà, mỗi mảnh vườn và những hàng rào mỗi năm được quét sơn lại, gỗ đã xám xịt và oải đến mức tôi có thể lấy tay ấn gãy, những hàng rào sắt mà lúc bé tôi cầm gậy quẹt cành cạch khi chạy dọc qua, bức tường gạch mà đằng sau nó tôi vẫn tưởng tượng ra đủ chuyện kỳ diệu và khủng khiếp cho đến khi tôi trèo được lên đó và nhìn thấy những luống đất trồng hoa, dâu và rau củ buồn tẻ. Tôi quen những viên đá lát và lớp nhựa đường phủ lên, những đoạn nối giữa các tấm đúc, đá núi lửa lát hình sóng, nhựa đường và đá dăm trên vỉa hè.

Với tôi tất cả đều thân thuộc. Khi tim tôi thôi đập thình thịch và mặt không nóng nữa, cuộc chạm mặt giữa phòng bếp và hành lang cũng lùi xa tít. Tôi bực mình. Tôi đã bỏ chạy như một thằng nhãi ranh thay vì xử sự một cách tự chủ như tôi mong đợi ở chính mình. Tôi không phải lên chín nữa, tôi đã 15 tuổi rồi. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng rõ xử sự một cách tự chủ nghĩa là thế nào nữa.

Một điều nữa mà tôi không hiểu chính là cuộc chạm mặt giữa hành lang và bếp. Tại sao tôi lại không rời nổi ánh mắt khỏi cô ta? Cô có một cơ thể rất mạnh mẽ và rất nữ tính, nở nang hơn những con bé mà tôi ưa thích và liếc theo. Tôi chắc chắn rằng giả sử nhìn thấy cô ngoài bể bơi thì tôi sẽ không thấy cô có gì nổi bật. Cô cũng không hở hang hơn so với đám đàn bà con gái mà tôi đã từng thấy ngoài bể bơi. Thêm vào đó, cô già hơn hẳn những cô gái mà tôi ước mơ. Trên 30? Người ta khó đoán lứa tuổi mà người ta chưa trải qua hay sắp đến gần.

Nhiều năm sau tôi ngộ ra rằng tôi chẳng rời được mắt khỏi cô không vì hình dáng, mà vì tư thế và cử động của cô. Tôi bảo các cô bạn gái xỏ chân vào tất nhưng không giải thích chủ ý, không kể về cuộc gặp gỡ kỳ quặc giữa phòng bếp và hành lang. Do vậy mà đề nghị của tôi được các cô gái hiểu là thú vui ngắm dây nịt tất, đăng-ten và các thứ hiếm hoi lạ lùng khác, và nếu đồng ý thì họ đáp ứng đề nghị ấy một cách điệu đà. Đó chẳng phải cái mà tôi không thể rời mắt nhìn được. Người phụ nữ ấy không lấy dáng, không làm điệu. Tôi cũng không nhớ là cô đã từng làm chuyện đó bao giờ. Tôi nhớ là cơ thể cô, dáng điệu và cử động của cô nhiều khi còn có vẻ nặng nề. Không phải cô nặng cân đến thế, mà dường như cô lui vào bên trong cơ thể mình, thả cơ thể trôi với chính nó, và nhịp điệu riêng của nó không bị chi phối bởi mệnh lệnh nào của lý trí, quên hết thế giới xung quanh. Sự quên lãng thế giới xung quanh ấy cũng nằm trong dáng điệu và cử động của cô khi xỏ tất. Song lúc đó cô không nặng nề, mà uyển chuyển, duyên dáng và khêu gợi - sự khêu gợi không phải là vú, mông và đùi, mà là lời mời hãy quên thế giới xung quanh khi đã lui vào nội tâm.

Ngày ấy tôi không hiểu ra - nếu coi là hôm nay tôi đã hiểu chứ không chỉ suy đoán cho khớp. Nhưng vì tôi dạo đó vắt óc để tìm ra lý do nào đã kích thích mình mà nỗi kích thích ấy đã tái hiện. Để giải câu đố ấy, tôi hồi tưởng lại lần chạm mặt, và khoảng cách mà tôi tạo ra cho mình bằng cách tôi lấy chính nó làm câu đố nay đã tan biến. Tôi lại thấy tất cả hiển hiện và lại không thể rời mắt khỏi nó.


5.

Một tuần sau tôi lại đứng trước cửa phòng cô.

Cả tuần liền tôi cố không nghĩ đến cô. Nhưng chẳng có gì làm tôi thanh thản và quên lãng được cả; bác sĩ chưa cho phép tôi đến trường, đọc sách mấy tháng liền thì cũng phát ngán, còn các bạn thì cũng ghé qua nhưng tôi ốm đã quá lâu nên những chuyến thăm viếng ấy không kết nối được cuộc sống thường nhật của chúng tôi và ngày càng ngắn đi. Tôi cần phải đi dạo, mỗi ngày lâu hơn một chút nhưng không được cố gắng. Mặc dù chính tôi lại cần cố gắng.

Hồi còn bé hay mới lớn, những lúc ốm đau thật đáng nguyền rủa! Chỉ có những âm thanh rời rạc của thế giới bên ngoài và của những cuộc chơi đùa lúc rảnh rỗi trong sân trong vườn hoặc ngoài đường lọt tới phòng bệnh. Còn trong này thì ngổn ngang một thế giới của các câu chuyện và nhân vật mà người ốm đọc. Cơn sốt làm cùn sự nhận thức và mài sắc trí tưởng tượng, biến phòng bệnh thành một không gian mới, vừa thân quen vừa lạ lẫm. Ma quỷ trợn trừng trong họa tiết của tấm rèm và giấy dán tường, bàn ghế giường tủ chất lên thành hình núi non, hình nhà và tàu thuỷ, vừa trong tầm tay lại vừa xa vời vợi. Những hồi chuông từ tháp chuông nhà thờ, tiếng gầm gừ của ô tô chốc chốc đi qua và ánh đèn pha loang loáng quét lên tường và mái nhà là bạn đồng hành của người ốm trong những đêm dài dằng dặc. Đó là những giờ trằn trọc nhưng không phải mất ngủ, những giờ phút lấp đầy chứ không phải khiếm khuyết. Khát vọng, hồi ức, sợ hãi và vui sướng đan thành những mê hồn trận để trong đó người bệnh lạc lối, phát hiện và lại lạc lối. Đó là những giờ phút mà mọi sự đều được phép xảy ra, tốt cũng như xấu.

Khi sức khoẻ người bệnh khá lên thì tình trạng ấy cũng bớt đi. Nhưng nếu bệnh kéo dài đủ mức thì phòng bệnh sẽ chìm đắm trong các mê hồn trận mà người bệnh mất tăm trong đó, cả khi đang phục hồi và dứt cơn sốt.

Mỗi buổi sớm mai tôi thức dậy với cảm giác bứt rứt, lắm khi quần ngủ bị ẩm hay dính vết. Những hình ảnh và cảnh tượng mà tôi nằm mơ đều không ổn. Tôi biết, mẹ tôi và ông linh mục, người giảng bài cho tôi trong lớp kiên tín mà tôi rất kính trọng, cũng như bà chị lớn mà tôi khai hết các bí mật của con trẻ, họ sẽ không mắng tôi đâu. Nhưng họ sẽ cảnh báo tôi một cách âu yếm và lo ngại - còn tệ hơn mắng mỏ. Dở nhất là, nếu tôi không thụ động mơ thấy những hình ảnh và cảnh tượng ấy thì tôi chủ động tưởng tượng ra chúng.

Tôi không biết là đã lấy đâu ra can đảm để tới chỗ cô Schmitz. Giáo dục luân lý đã quay mũi giáo trở ngược lại chính mình? Khi ánh mắt thèm khát cũng tệ hại như làm thoả mãn sự thèm khát ấy, khi chủ động tưởng tượng tệ hại như chính hành sự trong tưởng tượng - tại sao không làm thoả mãn và hành sự? Ngày nối tiếp ngày, tôi nhận ra mình không rũ bỏ được các ý nghĩ tội lỗi. Vậy thì tôi muốn thi hành tội lỗi ấy.

Còn một suy nghĩ nữa. Đi đến đó có thể nguy hiểm. Song thật ra thì mối nguy hiểm ấy không thể nào xảy ra. Có thể cô Schmitz sẽ ngạc nhiên đón chào tôi, nghe lời xin tạ lỗi cho hành vi kỳ quặc của tôi rồi thân mật chia tay. Không đến đó mới nguy hiểm; tôi sẽ chịu nguy cơ không thoát được ra khỏi những hình ảnh tưởng tượng của mình. Vậy là tôi hành xử đúng, nếu tôi đến đó. Cô ấy sẽ xử sự bình thường, tôi sẽ xử sự bình thường, và tất cả sẽ trở lại bình thường.

Ngày ấy tôi tự sắp xếp mọi lý lẽ sao cho khớp, tôi biến sự thèm khát của mình thành một tính toán đạo đức hi kỳ và trấn áp lương tâm đang dằn vặt. Nhưng không vì vậy mà tôi có can đảm đến nhà cô Schmitz. Tự vẽ ra cảnh mẹ tôi, ông linh mục khả kính và bà chị lớn sau khi nghĩ kỹ sẽ không thể ngăn cản tôi, mà còn thúc tôi đến cô Schmitz, đó là một chuyện. Thực sự đi đến đó lại là chuyện khác hẳn. Tôi không biết tại sao mình đã làm việc đó. Song hôm nay tôi nhận ra trong sự việc ngày đó một mẫu hình mà trong cả cuộc đời tôi, tư duy và hành động thống nhất hay không thống nhất đều tuân theo mẫu hình đó. Tôi suy nghĩ, đi đến một kết quả, biến kết quả đó thành một quyết định rồi nhận ra rằng hành động là một chuyện riêng biệt, hành động có thể nhưng không bắt buộc tuân thủ quyết định. Đã nhiều lần trong đời, tôi làm gì đó mà tôi không quyết định làm, và không làm khi đã quyết định phải làm. Nó, bất kể nó là gì, hành động, nó đi đến người đàn bà mà tôi không muốn gặp nữa, nó nói với sếp một câu mà tôi sống hay chết sẽ phụ thuộc vào đó, nó tiếp tục hút thuốc mặc dù tôi đã quyết tâm bỏ thuốc, và bỏ thuốc sau khi tôi nhận ra mình đã và sẽ hút thuốc tiếp. Tôi không định nói là suy nghĩ và quyết định không ảnh hưởng đến hành động. Nhưng hành động không đơn giản hoàn tất những cái gì trước đó đã được suy nghĩ và quyết định. Hành động có nguồn cội riêng, và hành động của tôi mang tính độc lập, giống như tư duy của tôi là tư duy của tôi và quyết định của tôi là quyết định của tôi.


6.

Cô không có nhà. Cửa vào nhà khép hờ, tôi trèo lên cầu thang, nhấn chuông và đợi. Tôi nhấn chuông lần nữa. Trong căn hộ các cửa đều mở, tôi nhìn thấy qua ô kính trên cửa ra vào và nhận ra tấm gương trong hành lang, tủ treo áo và đồng hồ. Tôi nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc.

Tôi ngồi xuống bậc thang và đợi. Tôi không nhẹ người như tâm trạng một người hạ quyết tâm với cảm giác nôn nao và sợ đón hậu quả, nay thì vui mừng đã thực thi quyết tâm đó mà không phải gánh chịu hậu quả. Tôi cũng không thất vọng. Tôi quyết tâm gặp cô và đợi đến khi cô về.

Đồng hồ hành lang cứ 15 phút lại đánh chuông một lần. Tôi cố theo dõi tiếng tích tắc khe khẽ và đếm chín trăm giây giữa hai hồi chuông, nhưng cứ liên tục bị lẫn. Tiếng cưa của thợ mộc rít lên dưới sân, trong nhà có tiếng người hoặc nhạc vẳng ra từ một căn hộ, có tiếng cửa đóng mở. Rồi tôi nghe có tiếng chân ai đó đều đặn, chậm rãi và nặng nề lên thang gác. Tôi hy vọng người đó sống ở tầng ba. Nếu chẳng may người ấy thấy tôi - liệu tôi phải giải thích là đang làm gì ở đây? Nhưng bước chân không dừng ở tầng ba, bước lên tiếp. Tôi đứng dậy.

Đó là cô Schmitz. Một tay cô xách thùng than cốc, tay kia xách thùng than ép thỏi. Cô mặc bộ đồng phục, áo khoác và váy, và tôi nhận ra cô là người soát vé tàu điện. Cô không thấy tôi, cho đến khi lên đến bậc trên cùng. Ánh mắt cô không bực tức, không ngạc nhiên, không diễu cợt - không chút gì như tôi từng lo ngại. Trông cô mệt mỏi. Lúc cô đặt than xuống và lục tìm chìa khoá trong túi áo khoác, xu rơi loảng xoảng xuống đất. Tôi nhặt chúng lên và đưa cho cô.

"Duới tầng hầm còn hai thùng nữa. Cháu xúc đầy rồi lấy lên được không? Cửa mở đấy."

Tôi chạy xuống cầu thang. Cửa xuống tầng hầm vẫn mở, đèn dưới hầm đang bật, cuối chân cầu thang dài dẫn xuống hầm tôi thấy một ngăn bằng ván ghép có cánh cửa đóng hờ và ổ khóa vòng móc trên then cửa còn mở. Căn hầm rộng rãi, than cốc chất đầy tới bậu cửa sổ sát trần, nơi người ta đổ than từ ngoài đường vào hầm. Cạnh cửa là than thỏi xếp ngăn nắp vào một bên, bên kia là các thùng đựng than cốc.

Tôi không biết đã làm gì sai. Ở nhà tôi cũng lấy than dưới hầm lên và chẳng bao giờ gặp vấn đề gì. Tuy nhiên than cốc ở nhà tôi không chất cao như thế. Lấy đầy thùng thứ nhất thì ổn. Lúc tôi nắm lấy quai thùng thứ hai và định nhặt than cốc từ dưới đất vào thì núi than chuyển động. Từ trên cao, những cục than nhảy công cốc xuống đất, sâu phía dưới có gì trơn trượt, tận dưới nền là than lăn và chảy. Một đám mây bụi đen tung lên. Tôi giật mình đứng trân ra, bị trúng mấy hòn than rơi vào và chẳng mấy chốc chân ngập đến mắt cá trong than cốc.

Khi hòn núi hết lở, tôi ra khỏi đống than cốc, chất đầy cái thùng thứ hai, kiếm ra một cái chổi và quét những hòn than lăn ra ngoài lối đi vào lại ngăn hầm, khoá cửa và xách hai thùng lên gác.

Cô Schmitz đã trút bỏ áo khoác, nới lỏng ca vát, mở khuy cổ và ngồi bên bàn với cốc sữa. Cô nhìn tôi, thoạt tiên khẽ cười khinh khích trong cổ rồi sau thì cười phá lên. Cô chỉ ngón tay vào tôi và đập tay kia lên bàn. "Trông kìa, cậu bé, trông kìa!" Lúc đó tôi cũng thấy khuôn mặt đen nhẻm của mình trong gương và cười theo.

"Cháu không để thế về nhà được đâu. Cô xả nước vào bồn tắm cho cháu rồi đập bụi khỏi quần áo của cháu." Cô đi ra bồn tắm. Nước xối vào bồn ngút hơi. "Cởi quần áo cho cẩn thận nhé, cô không muốn có bụi đen trong bếp đâu."

Tôi ngập ngừng, cởi áo len và sơ mi rồi ngập ngừng tiếp. Nước dâng lên nhanh, bồn đã gần đầy.

"Cháu có định đi giày và mặc quần vào bồn tắm không đấy? Cô không nhìn đâu, cậu bé ạ." Nhưng lúc tôi tắt vòi nước và cởi quần lót thì cô thản nhiên ngắm nhìn. Tôi đỏ mặt, trèo vào bồn và hụp xuống nước. Lúc tôi ngoi lên thì cô đang ở ngoài bao lơn với quần áo của tôi. Tôi nghe cô đập đôi giày vào nhau và giũ bụi khỏi áo len và sơ mi. Cô nói gì đó về bụi than và mùn cưa xuống phía dưới, ai đó nói vọng lên và cô cười. Quay vào bếp, cô đặt quần áo của tôi lên ghế. Cô chỉ thoáng nhìn tôi. "Lấy dầu gội đầu mà gội đi. Cô đem khăn bông đến ngay." Cô lấy gì đó trong tủ quần áo rồi ra khỏi bếp.

Tôi tắm rửa. Nước trong bồn bẩn, và tôi xả thêm nước mới để tráng cho sạch đầu và mặt. Sau đó tôi nằm nghe tiếng lò đun kêu lục bục, cảm thấy trên mặt không khí lạnh lọt vào qua khe cửa bếp mở hé và nước ấm quanh người. Tôi thấy dễ chịu, một sự dễ chịu kích thích, và dương vật tôi cương lên.

Tôi không nghe tiếng cô vào bếp, mà mãi đến khi cô đứng trước bồn mới ngẩng lên. Hai tay cô dang rộng chiếc khăn lớn. "Ra đây!" Tôi xoay lưng lại phía cô khi nhổm dậy và leo ra khỏi bồn. Cô trùm khăn lên người tôi từ phía sau, từ đầu đến chân, cọ khô người tôi. Sau đó cô thả khăn rơi xuống đất. Tôi không dám động đậy. Cô tiến sát lại đến mức tôi cảm thấy vú cô chạm vào lưng và bụng cô chạm mông tôi. Cô cũng trần truồng. Cô vòng tay ôm, một tay để lên ngực tôi, tay kia đặt lên dương vật tôi cương cứng.

"Cậu đến đây vì thế chứ gì!”

"Cháu…” Tôi không biết phải nói gì. Không vâng, nhưng cũng chẳng chối. Tôi xoay người lại. Tôi không nhìn thấy cô nhiều vì chúng tôi đứng sát nhau quá. Nhưng tôi bị thân thể loã lồ của cô làm choáng ngợp. "Cô đẹp quá!”

"Chao ôi, cậu bé nói gì vậy.” Cô cười và vòng tay ôm cổ tôi. Tôi cũng ôm cô.

Tôi sợ - sợ đụng chạm, sợ hôn, sợ không vừa lòng và không đáp ứng được ý cô. Nhưng sau khi chúng tôi ôm nhau một hồi lâu, tôi ngửi mùi cô, cảm thấy hơi ấm và sức mạnh của cô thì mọi chuyện trở nên hiển nhiên. Tìm tòi trên cơ thể cô bằng tay và miệng, hai miệng gặp nhau, rồi rốt cuộc cô trên người tôi, mắt đối mắt, đến khi tôi lên khoái cực và nhắm nghiền mắt, mới đầu cố tự chủ và sau đó thì kêu to đến mức cô lấy tay bịt lên miệng tôi chặn đứng tiếng kêu.


7.

Đêm hôm sau thì tôi yêu cô say mê. Tôi ngủ không sâu, ước ao gặp cô, mơ đến cô, tưởng như chạm vào cô, cho đến khi nhận ra là tôi đang ôm vào gối hay chăn. Miệng tôi đau vì hôn. Dương vật tôi luôn cương lên, nhưng tôi không muốn tự làm thoả mãn. Tôi sẽ không bao giờ tự làm thoả mãn nữa. Tôi muốn cùng cô.

Tôi yêu cô say mê, phải chăng đó là cái giá phải trả cho việc cô ngủ với tôi? Cho đến giờ, sau một đêm với phụ nữ tôi có cảm giác mình đã được chiều chuộng và nay phải đền đáp lại - đền đáp cho người phụ nữ ấy, bằng cách là dù sao tôi cũng cố tìm cách yêu cô ta, và đền đáp cho thế giới mà tôi dám đương đầu.

Một trong số ít ký ức sinh động từ hồi trẻ con là một buổi sớm mùa đông, lúc tôi lên bốn tuổi. Phòng ngủ của tôi hồi ấy không được sưởi, đêm đến hay sáng sớm thường rất lạnh. Tôi nhớ đến phòng bếp ấm áp và cái bếp lò nóng, một cái lò gang nặng trịch, trong đó nhìn thấy lửa nếu lấy móc kéo tấm che và vòng kiềng ở chỗ nấu ra, và có cả một bồn luôn trữ nước nóng sẵn sàng. Mẹ tôi đẩy chiếc ghế tôi đang đứng trên đó ra trước bếp lò, tắm rửa và mặc quần áo cho tôi. Tôi nhớ lại cảm giác khoan khoái của hơi ấm, sự sung sướng được tắm rửa và mặc quần áo trong hơi ấm đó. Tôi còn nhớ là mỗi khi hồi tưởng lại cảnh ấy tôi vẫn tự hỏi tại sao mẹ chiều tôi như thế. Vì tôi có bệnh? Vì các anh chị đã được thứ gì mà tôi không được? Liệu trong ngày sẽ xảy ra điều gì bất trắc và khó khăn mà tôi phải vượt qua?

Cũng vì người đàn bà không có danh tính trong tâm tưởng của tôi lúc chiều đã chiều chuộng tôi đến mức ấy mà hôm sau tôi đi học trở lại. Thêm vào đó, tôi muốn thể hiện tính cách đàn ông mà tôi mới có được. Không phải là tôi muốn khoe khoang gì, song tôi cảm thấy tráng kiện và hiên ngang, tôi muốn ra trước mặt các bạn và giáo viên với sức mạnh và sự hiên ngang đó. Ngoài ra, tuy không nói chuyện ấy với cô nhưng tôi nghĩ là công việc soát vé của cô thường kéo dài đến tối hoặc đến đêm. Làm sao tôi có thể gặp cô hằng ngày nếu tôi phải ở nhà và chỉ đi dạo dưỡng sức?

Lúc tôi từ chỗ cô về đến nhà, bố mẹ và các anh chị tôi đang ăn tối. "Sao con về muộn thế? Mẹ con lo cho con đấy." Giọng bố tôi nghe bực bội hơn là lo lắng.

Tôi nói là bị lạc đường khi định đi qua nghĩa trang liệt sĩ sang trại sữa dưỡng bệnh, lang thang mãi ở đâu đó và cuối cùng đến tận Nussloch. "Con không có tiền và phải đi bộ từ Nussloch về đây."

"Đáng lẽ con có thể vẫy xe đi nhờ." Em gái tôi thỉnh thoảng vẫy xe đi nhờ, chuyện đó bố mẹ tôi không đồng ý.

Anh tôi khịt khịt mũi đầy khinh miệt. "Trại sữa dưỡng bệnh và Nussloch nằm hoàn toàn ngược hướng nhau."

Chị tôi nhìn tôi dò xét.

"Mai con sẽ đi học trở lại."

"Thế thì nhớ học cho tử tế môn Địa lý. Nhớ là có hướng Bắc và hướng Nam, còn mặt trời thì mọc ở …”

Mẹ tôi ngắt lời anh. "Bác sĩ bảo còn ba tuần nữa."

"Nếu nó đi được qua nghĩa trang liệt sĩ đến Nussloch rồi từ đó quay trở về thì cũng đến trường được. Nó không thiếu sức khoẻ, chỉ thiếu trí khôn thôi." Lúc còn bé, anh tôi và tôi toàn đánh lộn, sau này chỉ khẩu chiến. Hơn tôi ba tuổi nên anh tôi trội hơn ở cả hai lĩnh vực. Đến lúc nào đó tôi thôi trả miếng và mặc xác tính hiếu chiến của anh. Từ đó trở đi anh chỉ còn hậm hực gây sự.

"Bố nói sao?" Mẹ tôi quay sang hỏi bố. Ông đặt dao dĩa xuống đĩa, dựa ra sau và chắp tay trong lòng. Ông im lặng và trầm tư như mỗi khi mẹ tôi nói chuyện với ông về con cái hay nhà cửa. Và mỗi lần đó tôi tự hỏi, liệu ông có suy nghĩ thật sự về câu hỏi của mẹ hay đang nghĩ công việc riêng. Có thể ông cũng nghĩ ngợi về câu hỏi của mẹ, song một khi đã tập trung suy nghĩ là ông không thể nghĩ đến gì khác ngoài công việc của mình. Ông là giáo sư Triết học, và cuộc đời ông là tư duy. Tư duy và đọc và viết và giảng dạy.

Thỉnh thoảng tôi có cảm giác là chúng tôi, gia đình của ông, đối với ông chỉ như thú nuôi trong nhà. Như con chó để dắt đi dạo, con mèo để cùng chơi hay gừ gừ nằm co trong lòng và được vuốt ve - có thể người ta thích, thậm chí cần thiết về phương diện nào đó, nhưng đi mua đồ ăn cho chúng, rửa khay cát đựng cứt mèo và đưa đến thú y thì thật là quá đáng. Vì cuộc sống là một cái gì khác cơ. Thật ra tôi chỉ muốn rằng chúng tôi, gia đình của ông, chính là cuộc đời ông. Lắm khi tôi cũng muốn ông anh trai hay gây sự và cô em gái nhỏ hỗn láo của tôi khác đi, nhưng tối đến đột nhiên tôi lại yêu tất cả một cách khủng khiếp. Đứa em gái bé bỏng của tôi. Làm đứa nhỏ nhất trong số bốn anh chị em chắc không hề đơn giản, không hỗn láo một chút thì không tự vệ được. Còn ông anh của tôi. Chúng tôi vốn ở chung phòng, đối với anh ấy chắc khó chịu hơn là đối với tôi, thêm vào đó từ khi tôi ốm anh phải nhường cả phòng cho tôi và ra ngủ ngoài ghế sofa, làm sao tránh được gây sự cơ chứ? Bố tôi. Tại sao chúng tôi phải là cuộc đời của ông cơ chứ? Chúng tôi đã lớn, sắp phương trưởng và ra khỏi nhà cơ mà.

Tôi thấy như là cả nhà ngồi với nhau lần cuối bên bàn dưới chùm đèn bằng đồng thau có năm nhánh và năm ngọn đèn, cứ như là ăn với nhau lần cuối từ những cái đĩa cổ với đường vân xanh quanh mép, cứ như là nói với nhau lần cuối một cách thân ái. Tôi cảm giác như khi chia tay. Tôi còn đó nhưng đã đi rồi. Tôi nhớ mẹ, nhớ bố và các anh chị em, và ước ao ở gần người đàn bà nọ.

Bố nhìn qua phía tôi. "Mai con sẽ đi học trở lại - con đã nói thế, đúng không?"

"Vâng ạ." Thế ra là ông cũng nhận ra rằng tôi hỏi ông chứ không hỏi mẹ, và cũng không nói là tôi tự hỏi có nên đi học trở lại hay không.

Ông gật đầu. "Mọi người hãy để con đến trường. Nếu thấy quá sức thì con lại ở nhà."

Tôi mừng. Đồng thời tôi cảm thấy sự chia tay đã diễn ra.


8.

Những hôm sau đó cô làm ca sáng. 12 giờ trưa cô về đến nhà, và ngày nào tôi cũng trốn học tiết cuối để ngồi đợi cô trên bậc cầu thang trước căn hộ của cô. Chúng tôi tắm và làm tình, trước một rưỡi tôi hấp tấp mặc quần áo rồi chạy vù đi. Hai giờ là bữa ăn trưa. Ngày Chủ nhật từ 12 giờ đã có ăn trưa, nhưng ca sáng của cô cũng bắt đầu và kết thúc sớm hơn.

Thật ra thì tôi muốn bỏ tắm. Cô sạch sẽ kinh khủng, sáng sớm đã tắm rồi, và tôi ưa mùi nước hoa, mùi mồ hôi mới và mùi tàu điện mà cô đem theo từ nơi làm việc về. Song tôi cũng thích cơ thể cô ướt nước, xát xà phòng; tôi thích để cô xát xà phòng cho mình và thích xát xà phòng cho cô, và cô dạy tôi đừng ngại ngùng làm việc đó, mà phải làm kỹ lưỡng một cách tự nhiên và chiếm hữu. Cả khi làm tình cô cũng chiếm hữu tôi một cách hiển nhiên. Miệng cô chiếm lấy miệng tôi, lưỡi cô đùa với lưỡi tôi, cô bảo tôi chạm vào cô ở đâu và như thế nào, và khi cô cưỡi lên tôi cho đến khoái cực thì tôi chỉ tồn tại để cô vui thú với tôi và qua tôi. Không phải là cô không âu yếm và không làm tôi sướng. Nhưng cô làm việc đó để vui chơi thoả mãn cho chính mình, cho đến khi tôi cũng học được cách chiếm hữu cô.

Đó là chuyện về sau. Tôi không bao giờ học được cho thấu đáo. Một thời gian dài tôi cũng không lấy đó làm thiếu. Tôi còn trẻ, và tôi nhanh xong, và sau đó trong khi dần dần hồi sức tôi thích để cô chiếm hữu tôi. Tôi ngắm nhìn cô khi cô ở trên tôi, ngắm bụng cô có một vết gấp sâu trên rốn, ngắm vú cô bên phải to hơn bên trái một chút xíu, khuôn mặt cô với miệng đang mở. Cô chống hai tay lên ngực tôi và hất tung tay lên trong khoảnh khắc cuối, ôm đầu và hắt ra tiếng kêu nấc nghẹn không ra hơi, lần đầu khiến tôi phát sợ, về sau lại hau háu chờ.

Sau đó chúng tôi mệt nhoài. Thường thì cô ngủ thiếp đi trên tôi. Tôi nghe tiếng cưa trong sân, tiếng hò hét của những người thợ bên máy cưa át cả tiếng máy. Khi máy cưa tắt đi thì tiếng xe cộ yếu ớt từ phố Ga lọt vào phòng bếp. Nghe tiếng trẻ con hò hét và chơi đùa, tôi biết là tan trường và đã quá một giờ. Ông hàng xóm về qua nhà buổi trưa tung thức ăn cho chim ra bao lơn, những con bồ câu bay đến và gù.

"Tên em là gì?" Tôi hỏi cô vào ngày thứ sáu hay thứ bảy gì đó. Cô nằm thiếp đi trên tôi và vừa tỉnh dậy. Cho đến lúc ấy tôi tránh gọi cô, tránh dùng cách xưng hô khách sáo hay thân mật.

Cô bật dậy. "Gì cơ?"

"Tên em ấy mà!"

"Tại sao cậu muốn biết?" Cô nhìn tôi vẻ nghi ngờ.

"Em và anh... Anh biết họ của em, nhưng không biết tên em là gì. Anh muốn biết tên gọi của em. Có gì sai đâu mà..."

Cô cười. "Không sao, cậu bé ạ, không có gì sai cả. Em tên là Hanna." Cô cười tiếp, không ngừng lại được, làm lây sang cả tôi.

"Em vừa nhìn rất lạ."

"Em còn nửa thức nửa ngủ. Anh tên gì?"

Tôi cứ tưởng là cô biết rồi. Hồi đó bọn tôi không cho sách vở vào túi mà cặp dưới nách, thế mới là sành điệu. Khi tôi đặt sách lên bàn nhà cô thì tên tôi có trên vở và cả trên các cuốn sách mà tôi bọc bằng giấy cứng và dán nhãn ghi đầu đề sách và tên tôi. Nhưng cô không để ý.

"Anh tên là Michael Berg."

"Michael, Michael, Michael." Cô thử đọc tên tôi. "Cậu bé của tôi tên là Michael, là sinh viên..."

"Học sinh."

"... là học sinh, và, mấy nhỉ, mười bảy tuổi?"

Tôi tự hào về hai năm tuổi dư mà cô gán cho tôi, và gật đầu.

"... mười bảy tuổi, và lớn lên muốn nổi danh là một..." Cô ngập ngừng.

"Anh không biết sẽ định làm gì."

"Nhưng anh học chăm chỉ."

"Không hẳn." Tôi nói với cô rằng đối với tôi, cô còn quan trọng hơn là học hành và nhà trường. Rằng tôi muốn đến với cô nhiều hơn nữa. "Đằng nào anh chả bị lưu ban."

"Lưu ban lớp nào?" Cô ngồi dậy. Đây là cuộc trò chuyện tử tế đầu tiên giữa hai chúng tôi.

"Lưu ban lớp 10. Anh nghỉ học quá nhiều trong mấy tháng bị bệnh vừa rồi. Nếu định qua được lớp này thì anh phải làm việc như một thằng điên mới được. Giờ này đáng lẽ anh phải ở trường mới đúng." Tôi kể cho cô nghe chuyện tôi trốn học.

"Cút." Cô lật chăn ra. "Cút khỏi giường tôi. Và đừng bao giờ quay lại nếu chưa làm xong việc của mình. Công việc của anh là điên à? Điên? Thế anh tưởng bán vé và bấm lỗ vé là gì?" Cô đứng dậy, đứng khoả thân trong bếp và làm động tác của người soát vé. Tay trái cô mở cuốn sổ con với những tập vé, dùng ngón cái tay trái có bọc một đầu chụp bằng cao su đẩy ra hai tấm vé, hất tay phải để tóm lấy cán chiếc kìm bấm lỗ đeo lủng lẳng ở cổ tay và bấm hai nhát. "Hai vé đi Rohrbach." Cô thả rơi chiếc kìm, chìa tay ra, cầm lấy tờ tiền giấy, mở túi đựng tiền đeo trước bụng ra, cho tiền vào, đóng túi tiền lại và ấn xu lẻ ra từ hộp đựng xu gắn bên ngoài túi. "Còn ai chưa có vé không?" Cô nhìn tôi. "Điên? Anh không biết thế nào là điên đâu."

Tôi ngồi ở mép giường. Như bị mê muội. "Xin lỗi. Anh sẽ làm công việc của mình. Anh không biết có làm nổi không, sáu tuần nữa là xong năm học. Anh sẽ cố xem sao. Nhưng anh sẽ không làm nổi nếu không được phép gặp em nữa. Anh ..." Tôi vừa định nói "Anh yêu em". Nhưng tôi lại không muốn. Có thể cô có lý. Nhất định cô có lý. Nhưng cô không có quyền đòi hỏi tôi phải học nhiều hơn và việc chúng tôi gặp nhau bị phụ thuộc vào đó. "Anh không thể không gặp em."

Đồng hồ trong hành lang gõ một rưỡi. "Anh phải đi đi." Cô ngập ngừng. "Từ mai em làm ca chính. Năm rưỡi, sau đó em về nhà và anh có thể đến. Nếu trước đó anh đã xong việc."

Chúng tôi đứng đối diện nhau, trần truồng, nhưng vẻ lạnh nhạt của cô đối với tôi thì có mặc đồng phục chăng nữa cũng không thể tệ hơn. Tôi không hiểu được tình thế. Cô làm như vậy vì tôi? Hay vì chính mình? Nếu công việc của tôi là điên thì công việc của cô mới lại càng điên - điều đó đã xúc phạm cô? Nhưng tôi hoàn toàn không nói là việc của tôi hay của cô điên. Hay cô không muốn có người tình là một kẻ vô dụng? Nhưng liệu tôi có phải là người tình của cô? Tôi là gì của cô? Tôi mặc quần áo, chùng chình và hy vọng cô sẽ nói điều gì. Song cô không nói gì cả. Lúc tôi đã mặc xong thì cô vẫn khoả thân đứng đó, và khi tôi ôm cô từ biệt thì cô không phản ứng gì.


9.

Tại sao hồi ức về ngày ấy lại làm tôi buồn đến thế? Phải chăng là khát khao về niềm hạnh phúc đã qua - và đúng tôi đã hạnh phúc trong hai tuần kế tiếp, hai tuần mà tôi làm việc như một thằng điên và được lên lớp và chúng tôi yêu nhau như không còn gì đáng đếm xỉa trong thế giới bên ngoài nữa. Phải chăng là sự nhận biết cái gì sẽ xảy ra sau đó, và biết rằng sau đó chỉ hiển hiện những gì vốn đã tồn tại?

Tại sao? Tại sao khi nhìn lại quá khứ thì những gì đẹp đẽ của chúng ta lại rạn nứt bởi sự thật xấu xa tiềm ẩn trong đó? Tại sao hồi ức về những năm tháng hôn nhân nhuốm cay đắng khi lộ ra rằng người kia chừng ấy năm có một người tình? Vì người ta không thể hạnh phúc trong tình cảnh đó được? Song người ta đã hạnh phúc cơ mà? Có lúc hồi ức không trung thành với hạnh phúc, nếu kết cục diễn ra đau đớn. Vì hạnh phúc chỉ đúng thật nếu nó vĩnh viễn tồn tại? Vì chỉ cái gì đã từng đau đớn, cho dù không ý thức và không nhận ra, mới kết thúc đau đớn? Nhưng thế nào là nỗi đau không ý thức và không nhận ra?

Tôi nhớ lại ngày xưa và nhìn lại mình trước đây. Tôi mặc cho đến khi rách những bộ complet lịch sự do một ông bác giàu có để lại và tôi được nhận cùng với mấy đôi giày hai màu, đen và trắng, đen và nâu, da trơn và da lộn. Tay và chân tôi quá dài, không hợp với những bộ complet mà mẹ tôi cho đem ra dùng, nhưng hợp với những cử động của tôi. Kính của tôi có gọng rẻ tiền của quỹ bảo hiểm y tế, tóc tôi là một mớ bờm xờm dù tôi làm gì chăng nữa. Ở trường, tôi không giỏi cũng không dốt. Tôi tin là nhiều giáo viên chẳng biết đến mặt tôi, cả những đứa học sinh có máu mặt trong lớp cũng thế. Tôi không ưa diện mạo, cách ăn mặc và cử động của mình, không ưa những gì mình làm ra và vị thế của mình. Nhưng bao nhiêu năng lượng có trong tôi, bao nhiêu tin tưởng rằng sẽ một ngày trở nên đẹp trai và khôn ngoan, vượt trội và được khâm phục, bao nhiêu mong đợi khi gặp những người mới và hoàn cảnh mới.

Phải chăng điều đó làm tôi buồn? Có phải đó là sự nỗ lực và niềm tin tràn trề trong tôi ngày ấy đón nhận lời hứa từ phía cuộc sống, một lời hứa mà cuộc sống không và mãi mãi không bao giờ đáp ứng? Thỉnh thoảng tôi thấy sự nỗ lực và niềm tin giống như thế trên khuôn mặt của trẻ con và lũ mới lớn, và tôi nhìn nó với một nỗi buồn, hệt như khi tôi nghĩ lại về chính mình. Có phải nỗi buồn ấy chỉ đơn thuần là nỗi buồn? Có phải đó là nỗi buồn đến với chúng ta khi những hồi ức đẹp đẽ bị rạn nứt trong cái nhìn về quá khứ, vì hạnh phúc trong hồi ức không chỉ sinh ra từ một tình cảnh, mà còn từ một lời hứa không được đáp ứng?

Cô ta - có lẽ tôi nên nhắc đến cô với cái tên Hanna như tôi hồi ấy bắt đầu gọi cô là Hanna - dĩ nhiên cô ta không sống bằng một lời hứa mà sống trong tình cảnh, và chỉ trong tình cảnh mà thôi.

Tôi hỏi cô về quá khứ của cô, và câu trả lời của cô tựa như phải lục lọi từ trong một cái rương bụi bặm ra. Cô lớn lên ở Siebenbuergen, 17 tuổi tới Berlin, làm công nhân cho Siemens và vào quân đội ở tuổi 21. Sau chiến tranh cô kiếm sống bằng đủ mọi nghề. Trong nghề soát vé tàu điện mà cô làm từ vài năm nay thì cô thích bộ đồng phục và sự chuyển động, khung cảnh thay đổi và bánh xe lăn dưới chân. Chứ còn cô không ưa cái nghề ấy. Cô không có gia đình. Cô đã 36 tuổi. Tất cả những chuyện ấy cô kể như không phải chuyện mình mà là của người khác, người mà cô không quen và cũng chẳng có dây mơ rễ má gì. Điều gì tôi muốn biết rõ thêm thì thường là cô cũng chẳng nhớ nữa, và cô cũng không hiểu tại sao tôi quan tâm đến chuyện bố mẹ cô ra sao, cô có anh chị em gì không, cô sống ở Berlin thế nào và làm gì trong quân đội. "Cái gì cũng muốn biết thế hả cậu bé!"

Chuyện tương lai cũng vậy. Cố nhiên tôi không có kế hoạch gì về hôn thú và gia đình. Song tôi quan tâm đến quan hệ của Julien Sorel với bà Rênal nhiều hơn là với Mathilde de la Mole. Tôi thích thấy Felix Krull rốt cuộc ngã vào vòng tay bà mẹ thay vì yêu con gái bà. Chị tôi học Đức ngữ, trong bữa ăn hay nói về cuộc tranh cãi liệu quý ông von Goethe có quan hệ yêu đương với bà von Stein, và cả nhà ngạc nhiên khi tôi nhất quyết bảo vệ ý đó. Tôi tưởng tượng quan hệ của chúng tôi sau 5 hay 10 năm nữa sẽ đi đến đâu. Tôi hỏi Hanna mường tượng chuyện ấy ra sao. Cô thậm chí không muốn nghĩ xa đến quá lễ Phục sinh, vào dịp tôi sẽ được nghỉ học và cùng cô làm một chuyến đi xe đạp. Chúng tôi có thể cùng lấy một phòng như mẹ con và ở với nhau suốt đêm. Cũng lạ là ý tưởng ấy không làm tôi ngần ngại. Nếu giả sử đi du lịch với mẹ thì tôi sẽ cố lấy phòng riêng bằng được. Có vẻ không thích hợp ở tuổi tôi khi được mẹ đưa đến bác sĩ hay đi mua chiếc áo choàng mới hoặc đón từ chuyến du lịch trở về. Khi cùng mẹ ra đường và gặp mặt các bạn cùng trường, tôi chỉ sợ bị gọi là thằng bám váy mẹ. Nhưng đi cùng Hanna, dù cho cô có trẻ hơn mẹ tôi mười tuổi song vẫn có thể coi là mẹ tôi, tôi chẳng thấy hề hấn gì. Mà còn làm tôi tự hào nữa.

Hôm nay, nếu nhìn thấy một phụ nữ 36 tuổi thì tôi cho là trẻ. Nhưng nếu gặp một thằng bé 15 tuổi thì tôi thấy nó là con nít. Tôi ngạc nhiên thấy Hanna đã đem lại cho tôi biết bao tự tin. Thành tích học tập của tôi làm các giáo viên chú ý và tôi tin là được họ tôn trọng. Những cô gái mà tôi tiếp xúc nhận ra và thích thú khi thấy tôi không ngại họ. Tôi thấy thoải mái với con người mình.

Hồi ức làm sáng tỏ và khắc ghi những lần đầu tiên gặp gỡ Hanna đã trộn lẫn những tuần lễ đầu tiên giữa lần chuyện trò thứ nhất của chúng tôi và giai đoạn cuối năm học. Một lý do là sự đều đặn của những lần gặp nhau và diễn biến của chúng. Một lý do khác nữa là trước đó tôi chưa bao giờ có được những ngày viên mãn, cuộc sống tôi chưa bao giờ khẩn trương và tập trung như vậy. Khi nhớ lại công việc của tôi vào những tuần ấy, có cảm giác là tôi ngồi vào bàn học và ở lại đó cho đến khi tất cả những bài học bị bỏ lỡ trong thời gian mắc bệnh được truy bù, học hết từ vựng, các chứng minh toán học, các hợp chất hoá học. Trên giường bệnh tôi đã đọc về nền Cộng hoà Weimar và Đế chế thứ ba. Những lần chúng tôi gặp nhau trong hồi ức đối với tôi cứ như một cuộc hội ngộ duy nhất kéo dài. Sau cuộc chuyện trò ấy chúng tôi toàn gặp nhau vào buổi chiều - từ ba giờ đến bốn rưỡi vì cô làm ca muộn, ngoài ra thì vào lúc năm rưỡi. Bảy giờ là giờ ăn tối, mới đầu Hanna hay giục tôi về nhà đúng giờ. Ít lâu sau tôi không chỉ ở lại có một tiếng rưỡi nữa, mà bắt đầu bịa ra lý do để bỏ bữa tối.

Lý do là đọc truyện. Một ngày sau cuộc nói chuyện, Hanna muốn biết là tôi học gì ở trường. Tôi kể về trường ca Homer, các bài diễn thuyết của Cicero, truyện Hemingway về ông già và cuộc vật lộn với con cá và biển cả. Cô muốn nghe âm hưởng tiếng Hy Lạp và La Tinh ra sao, và tôi đọc cho cô nghe Odyssey và lời buộc tội Catilina.

"Anh cũng học cả tiếng Đức?"

"Em hỏi thế nghĩa là gì?"

"Anh chỉ học ngoại ngữ hay còn học thứ gì trong tiếng mẹ đẻ nữa?"

"Ở lớp phải đọc luận văn." Trong lúc tôi bị bệnh, ở lớp đã đọc Emilia Galotti Âm mưu và tình yêu, và sắp tới sẽ viết bài về chủ đề đó. Nghĩa là tôi phải đọc cả hai vở kịch, và tôi làm việc đó lúc mọi bài vở đã xong xuôi. Lúc ấy đã tối, tôi mệt, và đọc gì thì sáng hôm sau quên hết, phải đọc lại lần nữa.

"Đọc cho em nghe đi!”

"Em tự đọc lấy đi, anh đem sách lại đây cho em."

"Anh có giọng rất hay, cậu bé ạ, em thích nghe anh đọc hơn là tự mình đọc."

Cô nói nghiêm chỉnh. Tôi phải đọc cho cô nghe Emilia Galotti nửa tiếng, trước khi cô cho tôi đi tắm rồi lên giường. Bây giờ thì tôi lại thích đi tắm. Sự ham muốn mà tôi mang theo đã nguội lạnh trong khi đọc truyện. Muốn đọc ra sao để ít nhiều phân biệt được tư cách nhân vật, đòi hỏi phải tập trung tinh thần một chút. Sự ham muốn quay trở lại dưới vòi nước tắm. Đọc truyện, tắm, làm tình rồi nằm rốn lại cạnh nhau đã trở thành nghi thức của những lần chúng tôi gặp nhau.

Cô là một thính giả chăm chú. Cách cô cười, khịt mũi khinh bỉ, thốt ra những lời căm phẫn hay đồng tình rõ ràng cho thấy rằng cô hồi hộp theo dõi, coi Emilia và Luise là bọn ngu xuẩn. Những lúc cô sốt ruột bảo tôi đọc tiếp chứng tỏ cô hy vọng rằng sự ngu dại đó rồi sẽ phải chấm dứt. "Chuyện không thể tin được!" Nhiều lúc tôi tự thúc mình đọc tiếp. Khi ngày đã dài hơn, tôi đọc lâu hơn để cùng nằm cạnh cô trên giường lúc trời đã nhập nhoạng. Khi cô ngủ thiếp đi trên tôi, máy cưa im tiếng, con chim két hót và các đồ vật trong bếp chỉ còn mang màu xám ỏ các độ đậm nhạt, đó là lúc tôi tràn đầy hạnh phúc.


Nguồn: Bản tiếng Đức (Der Vorleser) của Nhà xuất bản Diogenes, Zürich 2005; bản tiếng Việt (Người đọc) của Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội 2006.

Bernhard Schlink sinh năm 1944 ở Bielefeld, Đức. Ông học luật ở Heidelberg và Berlin. Hiện là giáo sư luật tại New York và Berlin. Ông viết nhiều sách giáo khoa và tham luận khoa học về luật, đồng thời giữ ghế thẩm phán tại Toà án Hiến pháp bang Nordrhein-Westfalen của Đức.

Tác phẩm: Sau truyện trinh thám đầu tay Selbs Justiz viết cùng Walter Popp được chuyển thể điện ảnh, Bernhard Schlink viết tiếp một loạt truyện tinh thám và đều được giải cao (Die gordische Schleife, Selbs Betrug). Tiểu thuyết Der Vorleser ra đời năm 1995, chiếm ngay vị trí best-seller quốc tế, được dịch ra 38 thứ tiếng và nhận được nhiều giải thưởng từ Ý, Pháp, Nhật... Cùng với tập truyện Liebesfluchten xuất bản năm 2000, Der Vorleser là minh chứng đậm nét cho ngòi bút tầm cỡ thế giới. Năm 1996, Selbs Mord đặt dấu kết cho bộ ba tác phẩm về thám tử tư Gerhard Selb.

Giải thưởng: Bernhard Schlink đã được nhận nhiều giải thưởng văn học, trong đó có: Giải Glauser cho tiểu thuyết trinh thám Die gordische Schleife (1989), Giải Tiểu thuyết trinh thám Đức cho Selbs Betrug (1993), Giải Ngôi sao của năm (Báo Abendzeitung Munich) cho Der Vorleser (1995), Giải Grinzane Cavour (Italia) cho Der Vorleser (1997), Giải Sự nghiệp văn học của báo Die Welt (1999), Bằng danh dự của Hội Heinrich Heine (Duesseldorf, 2000), Giải thưởng của Nhà thờ Tin Lành cho Der Vorleser (2000), Giải văn hoá đặc biệt của nhật báo Mainichi Shinbun (Nhật Bản) cho best-seller của năm Der Vorleser (2000), Giải German-British-Forum cho sự nghiệp văn học (2002), Huân chương Thập tự CHLB Đức cho Der Vorleser (2003)...

Lê Quang sinh năm 1956 ở Hà Nội; 1974, du học ở CHDC Đức; 1980, tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại Bauhaus-Universität Weimar; 1981-1988, làm kiến trúc sư tại Erfurt; từ 1988, thông dịch tự do.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài