talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 1

Chương 1: Ðừng bao giờ nói chuyện với những người lạ Chương 2: Ponti Pilat Chương 3: Bằng cứ thứ bảy Chương 4: Cuộc đuổi bắt Chương 5: Chuyện xảy ra ở Griboedov Chương 6: Sidôphrenia Như đã được nói trước Chương 7: Căn hộ có ma Chương 8: Cuộc đấu giữa giáo sư và nhà thơ Chương 9: Những trò ảo thuật của Koroviev Chương 10: Những tin tức từ Ialta Chương 11: Sự phân thân của Ivan Chương 12: Hắc ảo thuật và sự lật tẩy nó Chương 13: Nhân vật xuất hiện Chương 14: Khá khen thay gà trống! Chương 15: Giấc mơ của Nikanor Ivanovich Chương 16: Vụ hành quyết Chương 17: Một ngày bất an Chương 18: Những người khách rủi ro

 

Chương 17:
Một ngày bất an



Buổi sáng thứ sáu, tức là ngày hôm sau của cái đêm diễn đáng nguyền rủa kia, toàn bộ số nhân viên có mặt của nhà hát Tạp Kỹ - gồm trưởng phòng tài vụ Vasili Stepanovich Lastotrkin, hai kế toán viên, ba đánh máy, hai bán vé, các nhân viên chạy giấy, gác cửa, lao công - tóm lại, tất cả những ai có mặt, đều không ở chỗ làm việc của mình, mà hết thảy ngồi trên các bệ cửa sổ trông ra đường phố Sadovaia và nhìn xuống cảnh đang diễn ra dưới chân tường tòa nhà hát Tạp Kỹ. Ở đó một dãy hàng nghìn người xếp thành hai hàng dài, đuôi kéo ra tận quảng trường Kudrinskaia. Ðứng đầu hàng người này là khoảng độ hai chục tay phe vé nổi tiếng trong giới nhà hát Moskva.

Hàng người tỏ ra rất sôi nổi, thu hút sự chú ý của dòng dân chúng chảy qua nhà hát, say sưa thảo luận những câu chuyện giật gân về buổi biểu diễn hắc ảo thuật chưa từng thấy tối hôm qua. Những câu chuyện đó làm cho trưởng phòng tài vụ Vasili Stepanovich vô cùng bối rối. Hôm qua ông ta không có mặt ở buổi diễn. Những người kiểm soát vé kể lại đủ chuyện, trong đó có cả chuyện sau khi buổi biểu diễn lừng danh kia kết thúc, một số nữ công dân chạy trên đường phố trong một bộ dạng hết sức không lịch sự, và rất nhiều chuyện tương tự. Vốn khiêm tốn và lặng lẽ, Vasili Stepanovich chỉ hấp háy mắt khi nghe mọi lời bàn luận về tất cả những điều kỳ lạ đó, hoàn toàn không biết mình phải làm gì, mà trong lúc đó lại cần phải làm một cái gì đó, và người phải làm chính là ông ta, bởi vì bây giờ Vasili Stepanovich hóa ra là cấp cao nhất trong toàn bộ tập thể nhân viên còn lại của nhà hát Tạp Kỹ.

Ðến mười giờ sáng thì hàng những người khao khát mua được vé phát triển đến mức mà tin đồn về nó đã tới tai công an, và với một sự nhanh chóng kỳ diệu những đơn vị công an đi ngựa cũng như đi bộ được phái đến để đưa hàng người vào trật tự. Nhưng tự thân một hàng rồng rắn dài ngót nghét cây số dù có trật tự đến mấy đi nữa cũng đã là một sự quyến rũ vĩ đại khiến cho những người dân trên phố Sadovaia phải vô cùng sửng sốt.

Ðó là ở ngoài, còn ở trong nhà hát Tạp Kỹ, tình hình cũng rất không ổn. Tiếng chuông điện thoại trong phòng làm việc của Likhodeev, Rimski, phòng tài vụ, quầy bán vé và phòng Varenukha bắt đầu réo từ sáng sớm và réo liên tục. Lúc đầu Vasili Stepanovich còn trả lời, những người bán vé, người kiểm soát vé cũng trả lời, lúng búng những câu gì đó vào ống nghe, nhưng rồi nói chung họ không trả lời nữa, vì thực ra chẳng có gì để trả lời những câu hỏi: Likhodeev, Rimski, Varenukha hiện giờ ở đâu? Lúc đầu còn nói lảng: “Likhodeev đang ở nhà riêng”, nhưng đầu kia của dây nói đáp rằng đã gọi điện thoại về nhà riêng, và nhà riêng nói rằng Likhodeev ở nhà hát Tạp Kỹ.

Một người đàn bà với giọng hoảng loạn gọi điện đến đòi gặp Rimski, chị ta được khuyên nên gọi cho vợ của Rimski ở nhà, nhưng đầu dây đằng kia khóc nấc lên và đáp rằng người đang nói chính là vợ của Rimski và chị ta không tìm thấy chồng ở đâu cả. Bắt đầu một chuyện rắc rối lạ lùng. Bà lao công đã đi kể với mọi người rằng khi vào phòng làm việc của phó giám đốc tài chính để quét dọn thì thấy cửa mở toang, đèn vẫn sáng, cửa sổ trông ra vườn vỡ kính, ghế bành đổ lăn trên mặt sàn và không có một ai trong phòng.

Hơn mười giờ, chị vợ Rimski hớt hải chạy vào nhà hát Tạp Kỹ. Chị ta khóc lóc, vặn vẹo tay. Vasili Stepanovich bối rối không biết phải khuyên giải như thế nào. Còn vào mười giờ rưỡi thì công an đến. Câu hỏi đầu tiên và hoàn toàn có cơ sở của họ là:

„Cái gì xảy ra ở chỗ các anh thế? Có chuyện gì?”

Mọi người trong đội hình nhà hát lùi lại, đẩy Vasili Stepanovich, lo lắng và xúc động, vẻ mặt tái nhợt, lên phía trước. Tình thế buộc phải gọi sự thật bằng đúng tên của nó và thú nhận rằng toàn bộ ban lãnh đạo của nhà hát Tạp Kỹ, mà cụ thể là giám đốc, phó giám đốc tài chính và trưởng phòng quản trị, đã biến mất và giờ không biết đang ở đâu, còn người dẫn chương trình sau buổi diễn hôm qua đã được chở đi bệnh viện tâm thần; nói ngắn gọn lại, cái buổi biểu diễn tối qua đúng là một vụ bê bối lớn.

Sau khi an ủi - trong chừng mực có thể - chị vợ Rimski và khuyên chị ta về nhà, cái khiến mọi người quan tâm nhất là câu chuyện của bà lao công về tình trạng căn phòng làm việc của phó giám đốc tài chính. Các nhân viên nhà hát được yêu cầu trở về chỗ của mình làm việc bình thường; và sau một thời gian ngắn, trong ngôi nhà của nhà hát Tạp Kỹ xuất hiện tổ điều tra dẫn theo một con chó tai nhọn, thân hình gân guốc, lông màu tro thuốc lá, với cặp mắt cực kỳ thông minh. Giữa các nhân viên phục vụ nhà hát Tạp Kỹ lập tức nổi lên những lời xì xào bàn tán rằng đó chính là con chó Tuzbuben khét tiếng. Và quả đúng là nó thật. Hành động của nó làm cho tất cả phải kinh ngạc. Vừa mới bước vào phòng làm việc của phó giám đốc tài chính, con chó Tuzbuben đã gầm gừ nhe những chiếc răng nanh vàng khè khủng khiếp, rồi nằm xẹp xuống, và với một vẻ đồng thời vừa lo âu, vừa điên cuồng trong cặp mắt, bò đến bên cửa sổ bị vỡ kính. Cố nén nỗi sợ hãi của mình, nó bỗng nhảy chồm lên bệ cửa sổ, ngước chiếc mõm nhọn lên cao, tru lên man dại và dữ dội. Nó không muốn rời khỏi cửa sổ, cứ gầm rít, rùng mình và đòi nhảy xuống dưới vườn.

Người ta kéo con chó ra khỏi phòng, dắt xuống tiền sảnh, từ đó nó đi ra phố qua cửa chính và dẫn những người đi theo nó đến bãi đỗ taxi. Ðến đây thì nó đánh mất dấu vết. Sau đó người ta đưa con chó Tuzbuben đi khỏi.

Nhóm điều tra lấy phòng của Varenukha làm nơi làm việc, rồi lần lượt gọi đến đó tất cả các nhân viên của nhà hát Tạp Kỹ đã chứng kiến những sự kiện diễn ra hôm qua trong thời gian buổi diễn. Cần phải nói rằng, nhóm điều tra trên mỗi bước đi phải vượt qua những khó khăn không dự kiến trước. Sợi chỉ trong tay cứ thường xuyên bị đứt. Áp phích có không? Có. Nhưng qua một đêm người ta đã dán những cái mới lên thay, và giờ không còn thấy một tờ cũ nào nữa, dù có giết chết cũng không tìm nổi! Cái nhà ảo thuật kia ở đâu ra? Ai làm sao mà biết được! Thế có ký hợp đồng với ông ta không?

„Cần phải ký“, Vasili Stepanovich lo lắng đáp.

„Nếu như đã ký hợp đồng, thì bản hợp đồng cần phải qua tài vụ chứ?”

„Nhất định phải qua“, xúc động, Vasili Stepanovich đáp.

„Thế nó đâu?”

„Không thấy đâu cả“, trưởng phòng tài vụ đáp, mặt mỗi lúc mỗi tái nhợt hơn. Và quả thật, cả trong sổ sách của tài vụ, cả trong giấy tờ của phó giám đốc tài chính, của Likhodeev lẫn của Varenukha đều không thấy dấu vết bản hợp đồng đâu.

Họ của nhà ảo thuật kia là gì? Vasili Stepanovich không biết, hôm qua ông ta không có mặt ở buổi diễn. Những người gác cửa không biết, bà bán vé nhăn trán nghĩ, nhăn mãi, cuối cùng nói:

„Vô... Hình như là Voland.»

Mà cũng có thể, không phải là Voland? Cũng có thể không phải là Voland. Có thể là Phaland.

Hóa ra, ở Cục người nước ngoài [1] hoàn toàn không biết tí gì về nhà ảo thuật Voland cũng như Phaland nào cả.

Anh nhân viên chạy giấy Karpov thông báo rằng hình như nhà ảo thuật này trú tại căn hộ riêng của Likhodeev thì phải. Tất nhiên, người ta lập tức đi đến căn hộ đó. Không thấy nhà ảo thuật nào ở đấy cả. Và bản thân Likhodeev cũng không. Không thấy cả chị làm công Grunha, còn chị ta đi đâu - không ai biết. Không có chủ tịch Hội đồng nhà cửa Nikanor Ivanovich, không cả thư ký Prolejnev!

Sự việc hóa ra không thể nào hình dung nổi: toàn bộ đầu não chính quyền của nhà hát Tạp Kỹ biến mất; tối hôm qua đã có một buổi diễn hỗn loạn kỳ quái, nhưng nó do ai thực hiện và theo sự đồng ý của ai - không biết.

Trong lúc đó ngày sắp ngả về chiều, đã đến lúc phải mở cửa bán vé. Nhưng chuyện đó, tất nhiên, lúc này là hoàn toàn không thể được! Trên cánh cửa của nhà hát Tạp Kỹ liền xuất hiện tấm bìa cáctông khổng lồ với dòng chữ: “Buổi diễn hôm nay hoãn”. Trong hàng người đợi mua vé lập tức xảy ra hỗn loạn, bắt đầu từ những người đứng ở trên cùng; nhưng phẫn nộ chán, rồi hàng người cũng giải tán dần, và chừng một giờ sau, nó không còn để lại một dấu vết gì trên phố Sadovaia nữa hết. Nhóm điều tra đã đi nơi khác làm việc tiếp, các nhân viên được cho về nhà, chỉ để lại một số trực canh, và những cánh cửa của nhà hát Tạp Kỹ bị khóa lại.

Trưởng phòng tài vụ Vasili Stepanovich cấp tốc phải thực hiện hai nhiệm vụ. Thứ nhất, đi đến ủy ban biểu diễn và giải trí để báo cáo về những việc xảy ra ngày hôm qua; và thứ hai, đến ban tài chính để nộp số tiền thu ngày hôm qua là hai mươi mốt nghìn bảy trăm mười một rúp.

Vốn người cẩn thận và nghiêm túc, Vasili Stepanovich gói những xếp giấy bạc vào một tờ giấy báo, dùng sợi dây nhỏ buộc chéo lại, bỏ vào cặp.

Nắm rất vững nguyên tắc công vụ, ông ta không đi ra bến ô tô buýt hoặc xe điện, mà đến bãi đỗ taxi.

Ba lái xe taxi, vừa trông thấy một hành khách với chiếc cặp căng phồng vội vã đi đến bến đỗ, liền lập tức đánh xe không chạy mất, thêm vào đó không hiểu sao họ còn quay đầu lại nhìn với vẻ rất tức giận.

Ngạc nhiên trước cảnh tượng đó, trưởng phòng tài vụ một lúc lâu đứng sững sờ như phỗng, cố hiểu xem điều đó có nghĩa là gì.

Ba phút sau có một chiếc xe không lăn bánh đến, nhưng chỉ vừa trông thấy người khách, vẻ mặt lái xe lập tức méo xệch đi.

„Xe có chở không?„ Vasili Stepanovich hỏi, sau khi hắng giọng sửng sốt.

„Cho xem tiền đã“, không nhìn khách, lái xe cau có đáp.

Mỗi lúc một thêm kinh ngạc, trưởng phòng tài vụ kẹp chặt chiếc cặp quý giá của mình dưới nách, rút từ trong ví ra một tờ giấy mười rúp và chìa cho lái xe xem.

„Tôi không chở đâu“, anh ta nói cụt lủn.

„Tôi xin lỗi...„ trưởng phòng tài vụ cất tiếng, nhưng tay lái xe cắt ngang:

„Có giấy ba rúp không?»

Hoàn toàn không còn hiểu đầu đuôi ra sao, Vasili Stepanovich rút từ trong ví hai tờ ba rúp chìa ra cho lái xe.

„Ngồi vào đi“, người lái xe nói và gạt cần máy tính tiền mạnh đến nỗi suýt nữa thì nó bị gãy.

„Anh không có tiền lẻ trả lại à?„ trưởng phòng tài vụ rụt rè hỏi.

„Ðầy cả túi tiền lẻ!„ người lái xe gầm gừ và trong chiếc gương hiện lên cặp mắt vằn máu của anh ta. „Hôm nay tôi đã gặp ba trường hợp. Và những lái xe khác cũng vậy. Một thằng chó đẻ nào đấy đưa cho tôi mười rúp, tôi trả lại bốn rúp rưỡi... Hắn chui ra và bỏ đi, đồ đểu... Năm phút sau nhìn lại: thay cho tờ mười rúp là tờ nhãn hiệu chai nước khoáng narzan!„ nói đến đây người lái xe tuôn ra một tràng những từ không thể in vào sách được. „Một thằng khác. Ở trên quãng trường Dubovskaia. Cũng tờ mười rúp. Tôi trả lại ba rúp. Hắn biến mất. Tôi thò tay vào ví, từ trong đó một con ong bay vù ra và đốt luôn một phát vào ngón tay! Ôi cái đồ!...„ người lái xe lại chêm vào những từ bị kiểm duyệt. „Còn tờ mười rúp thì không thấy đâu. Hôm qua ở cái nhà hát Tạp Kỹ (lại những từ bị kiểm duyệt) hình như có một thằng cha ảo thuật mất dạy làm trò với những tờ mười rúp (từ bị kiểm duyệt)...»

Trưởng phòng tài vụ sửng sốt, co rúm người lại và làm ra vẻ lần đầu tiên nghe thấy cái từ “nhà hát Tạp Kỹ”; còn trong bụng ông ta nghĩ thầm: “Thế đấy, thế đấy!...”

Ði đến nơi cần đến, trả tiền yên ổn xong xuôi, trưởng phòng tài vụ bước vào cổng ngôi nhà và đi theo hành lang đến phòng làm việc của chủ nhiệm ủy ban, nhưng dọc đường ông ta đã hiểu ra là mình đến không đúng lúc. Một sự hỗn độn nào đó ngự trị khắp văn phòng cơ quan ủy ban biểu diễn. Một nữ nhân viên văn thư chạy vụt ngang qua người Vasili Stepanovich với chiếc khăn choàng đầu tụt ra sau gáy, mắt đảo quanh đầy kinh hoàng.

„Không có, không có, không có, ới các người!„ chị ta hét lên không hiểu với ai đó. „Có áo vét, có quần dài, nhưng trong áo quần không có gì cả!»

Chị ta biến mất sau một cánh cửa nào đó, và lập tức từ đấy vọng ra những tiếng đập cốc bát. Từ phòng thư ký chạy vụt ra một người mà Vasili Stepanovich có quen biết, đó là trưởng ban số một thuộc ủy ban; nhưng ông ta đang ở trong trạng thái khủng khiếp đến mức không nhận ra trưởng phòng tài vụ nữa. Một thoáng sau ông ta cũng biến mất tăm.

Ngơ ngác trước tất cả những điều nhìn và nghe thấy, trưởng phòng tài vụ đi đến cạnh phòng thư ký, đồng thời nó cũng là phòng ngoài trước khi vào phòng làm việc của chủ nhiệm ủy ban; và ở đây ông ta thật sự sửng sốt.

Từ trong cánh cửa đóng kín vang ra một giọng nói dữ dội, hùng hồn, rõ ràng là của Prokhor Pet'rovich, chủ nhiệm ủy ban. “Có lẽ đang khiển trách ai đấy?” - trưởng phòng tài vụ lo lắng nghĩ, rồi nhìn quanh, và trông thấy một cái khác: nằm trên chiếc ghế bành bằng da, đầu ngửa ra kê trên lưng ghế, đôi chân gần như chuồi hẳn ra đến giữa phòng là người đẹp Anna Ritrardovna, cô thư ký riêng của Prokhor Pet'rovich; cô ta cầm chiếc khăn mùi soa ướt sũng và khóc như mưa như gió.

Toàn bộ cằm của Anna Ritrardovna nhòe nhoẹt son bôi môi, còn từ trên hai hàng mi chạy dọc theo hai bên má màu vàng đào là những dòng thuốc màu bị vữa ra đen ngòm. Vừa trông thấy có người bước vào, Anna Ritrardovna nhẩy chồm dậy, chạy tới bên trưởng phòng tài vụ, túm lấy hai ve áo vét của ông ta, vừa lắc vừa hét:

„Ơn trời! Cuối cùng thì cũng còn có được một người can đảm! Tất cả đều chạy trốn hết, tất cả đều phản bội!„ Rồi vẫn tiếp tục nức nở, cô ta lôi Vasili Stepanovich vào phòng làm việc của chủ nhiệm.

Vào đến phòng, việc đầu tiên của trưởng phòng tài vụ là đánh rơi chiếc cặp xuống sàn, và tất cả những ý nghĩ trong đầu ông ta đều lộn chân lên trời.

Mà cũng cần phải nói là việc đó rất có nguyên cớ. Ngồi phía sau mặt bàn viết đồ sộ với lọ mực đồ sộ là một bộ quần áo comlê rỗng đang vạch ngòi bút khô không chấm mực lên trang giấy trắng. Bộ comlê có thắt cà vạt, từ túi áo ngực thò ra nắp chiếc bút máy, nhưng trên cổ áo không có cổ cũng không có đầu người, cũng như từ hai ống tay áo không có bàn tay thò ra ngoài. Bộ comlê mải mê làm việc đến nỗi hoàn toàn không nhận thấy sự hỗn loạn náo động đang diễn ra xung quanh. Nghe có tiếng chân bước vào, bộ comlê ngả người ra sau lưng chiếc ghế bành, và phía trên cổ áo vang lên giọng nói của Prokhor Pet'rovich vốn rất quen thuộc với trưởng phòng tài vụ:

„Có việc gì thế? Ngoài cửa đã ghi rõ là tôi không tiếp kia mà?»

Người đẹp thư ký rít lên, vặn vẹo đôi bàn tay, hét:

„Anh thấy không? Thấy không? Không có anh ấy! Không có! Trả lại anh ấy đi! Trả lại đi.»

Vừa lúc đó một người nào đấy thò đầu vào cửa, rú lên một tiếng và chạy mất biến. Trưởng phòng tài vụ cảm thấy đôi chân mình khuỵu xuống, ngồi ghé vào mép ghế, nhưng không quên nhặt chiếc cặp lên. Anna Ritrardovna nhảy tròn quanh người trưởng phòng tài vụ, vừa giật xé chiếc áo vét của ông ta, vừa hét:

„Em bao giờ, bao giờ cũng ngăn anh ấy mỗi khi anh ấy chửi rủa lôi hết ma quỷ ra! Và đấy, giờ thì ma quỷ thật“, nói rồi người đẹp chạy đến bên bàn viết và hỏi bằng giọng dịu dàng trầm bổng tuy có hơi khàn đi vì khóc:

„Prosa! Anh ở đâu?”

„Ai là “Prosa” với đồng chí ở đây?„ bộ comlê ngạo mạn hỏi, ngồi thụt sâu thêm vào chiếc ghế bành.

„Không nhận ra! Anh ấy không nhận ra em! Anh hiểu không?„ cô thư ký thổn thức.

„Yêu cầu không được khóc trong phòng làm việc!„ bộ comlê nóng tính đã bắt đầu nổi cáu, nói rồi dùng ống tay áo kéo tập giấy mới về phía mình với mục đích rõ ràng là ký duyệt chúng.

„Không, em không thể nhìn cảnh này được nữa, không, em không thể!„ Anna Ritrardovna hét lên và chạy bổ ra phòng ngoài; bám sau cô ta, trưởng phòng tài vụ cũng vọt theo như tên bắn.

„Anh hiểu không, em đang ngồi“, run rẩy trong cơn xúc động, Anna Ritrardovna lại túm chặt lấy ống tay áo Vasili Stepanovich kể lể, thì thấy một con mèo đi vào. Ðen thui, to tướng, như con hà mã. Em, tất nhiên, quát “Ði ra!”. Nó chạy mất, nhưng thay vào đó một người thấp béo bước vào, cũng với bộ mặt giống như mõm mèo, và nói: “Này, tại sao nữ đồng chí lại quát khách “Ði ra?” Rồi gã bước thẳng vào gặp Prokhor Pet'rovich, còn em, tất nhiên, em chạy theo, hét: “Anh kia điên đấy à?” Cái gã trơ tráo đó cứ đi thẳng vào phòng và ngồi xuống ghế bành đối diện với Prokhor Pet'rovich! Còn anh ấy... anh ấy là một người vô cùng tốt bụng nhưng nóng nẩy. Anh ấy nổi cáu! Em không bênh. Một con người hay cáu bẳn, làm việc như trâu bò - anh ấy nổi nóng. “Tại sao anh dám xông vào đây mà không xin phép?” Còn tay láo xược đó, anh hình dung nổi không, ngồi ưỡn ra trong ghế bành, miệng mỉm cười, nói: “Tôi đến đây có một việc muốn bàn với anh”. Prokhor Pet'rovich lại nổi cáu: “Tôi bận!” Còn tay kia, anh thử nghĩ xem, đáp: “Anh không bận gì cả...”. Á? Hừ, đến đây thì sự kiên nhẫn của Prokhor Pet'rovich hết chịu nổi, anh ấy quát lên: “Thế này là thế nào hả? Dẫn hắn ra ngoài kia, quỷ tha ma bắt tôi đi!” Còn tay kia, anh tưởng tượng xem, mỉm cười và nói: “Quỷ tha ma bắt anh đi à? Cái đó thì được thôi!” Và “rầm” „em chưa kịp kêu lên, nhìn lại: không thấy cái tay mõm mèo đâu nữa, và bộ coml... comlê này ngồi... Hư-hư-hư!„ méo xệch cái miệng đã bị mất hết mọi đường nét, Anna Ritrardovna nức nở.

Rồi nén tiếng khóc, thở lấy hơi, Anna Ritrardovna nói lảm nhảm một điều gì đó hoàn toàn phi lý:

„Và cứ viết, cứ viết, cứ viết! Phát điên lên được! Nói qua điện thoại! Bộ comlê! Tất cả bỏ chạy hết, như một bầy thỏ đế!”

Trưởng phòng tài vụ chỉ biết đứng và run lẩy bẩy. Nhưng vừa lúc đó số phận đã cứu giúp ông ta. Một nhóm công an gồm hai người bước vào phòng với dáng đi bình tĩnh của người đang làm công vụ. Trông thấy họ, người đẹp thư ký càng nức nở to hơn, chỉ tay về phía cánh cửa văn phòng.

„Nào không khóc nữa, nữ đồng chí“, người công an thứ nhất điềm tĩnh nói, và trưởng phòng tài vụ cảm thấy mình ở đây là hoàn toàn thừa, chạy bổ ra khỏi phòng thư ký, một phút sau đã ở ngoài trời. Trong đầu ông ta như có một ngọn gió lùa nào đấy gầm rít, trong tiếng gầm rít đó nghe vẳng lại từng mẩu chuyện kể của những người kiểm soát vé về con mèo đen hôm qua tham gia vào các tiết mục biểu diễn. “Hề hề! Không biết đó có phải là con mèo của chúng ta không?”

Không được việc gì ở ủy ban biểu diễn, ông Vasili Stepanovich tận tụy quyết định đi đến chi nhánh của nó đóng trụ sở ở ngõ Vagankovski. Và để ít nhiều lấy lại bình tĩnh, ông ta tới đó bằng cách cuốc bộ.

Chi nhánh thành phố của ủy ban biểu diễn đặt tại ngôi biệt thự đã bị lở lói vì thời gian, nằm sâu trong một khu sân, nổi tiếng với những dẫy cột tròn bằng đá porphia trong gian tiền sảnh.

Nhưng trong ngày hôm ấy cái làm cho khách đến đây kinh ngạc không phải là những dẫy cột tròn, mà là chuyện xảy ra ở dưới các chân cột đó.

Mấy người khách đứng sửng sốt nhìn một tiểu thư đang khóc nức nở ngồi sau chiếc bàn nhỏ bán các thứ sách báo quảng cáo biểu diễn. Trong thời điểm này tiểu thư không mời ai mua gì trong số sách báo đó và đáp lại những câu hỏi thông cảm chỉ xua tay lảng ra; trong lúc ấy từ phía trên, phía dưới, từ hai bên, ở tất cả các phòng ban của chi nhánh, đều vang lên tiếng chuông điện thoại, ít nhất phải đến hai mươi cỗ máy cùng réo. Khóc một lúc, tiểu thư đột nhiên rùng mình, điên loạn hét lên:

„Lại bắt đầu!„ và bất ngờ cất tiếng hát, giọng soprano run rẩy:

Ôi Baikan thần thánh biển vinh quang... [2]

Một nhân viên văn thư xuất hiện ở cầu thang, đưa nắm đấm ra dọa ai đó rồi cất tiếng hát cùng với cô tiểu thư bằng một giọng bariton đùng đục:

Con tàu vinh quang, khoang đầy ắp cá!...

Hòa với giọng của anh nhân viên văn thư là những giọng hát ở xa hơn, và dàn đồng ca bắt đầu lan rộng ra, cuối cùng tiếng hát đã vang lên ở trong tất cả mọi ngóc ngách của chi nhánh. Từ phòng số sáu gần nhất, phòng kiểm tra kế toán, đặc biệt nổi bật lên một octava rất khỏe với nốt khàn trầm của ai đó. Hòa đệm cho dàn đồng ca là tiếng chuông điện thoại réo mỗi lúc một gay gắt.

Hê, gió bão... nổi sóng lên!...

Người nhân viên văn thư gào trên cầu thang.

Những giọt nước mắt chảy dài trên mặt tiểu thư, cô ta cố ngậm chặt răng lại, nhưng miệng vẫn cứ tự động mở ra, và cô ta hát bằng giọng cao hơn giọng anh nhân viên văn thư một quãng tám:

Chàng trai trẻ chưa thể đi xa!

Những người khách đến thăm chi nhánh không thốt nên lời còn kinh ngạc hơn bởi việc những người tham gia dàn đồng ca đứng ngồi rải rác ở những chỗ khác nhau nhưng hát rất đều, dường như tất cả đứng thành hàng và không rời mắt khỏi người nhạc trưởng vô hình.

Những người qua lại trên ngõ Vagankovski dừng bước bên hàng rào sân và ngạc nhiên trước sự vui vẻ tràn ngập trong ngôi nhà trụ sở của chi nhánh ủy ban biểu diễn.

Khi đoạn thứ nhất kết thúc, tiếng hát dừng một cách đột ngột, cũng lại như theo cây gậy chỉ huy của một nhạc trưởng nào đó. Anh nhân viên văn thư khẽ chửi rủa một câu rồi chạy khuất. Vừa lúc đó cánh cửa chính mở ra, trên khung cửa xuất hiện một người đàn ông khoác áo măng tô hè để lộ ra vạt áo choàng trắng mặc trong, và cùng với ông ta là một người công an.

„Ôi bác sĩ, xin bác sĩ giúp cho“, cô tiểu thư hét lên như điên loạn.

Thư ký chi nhánh từ trong phòng chạy ra cầu thang, và có lẽ vì quá xấu hổ và bối rối, lắp bắp nói:

„Thưa bác sĩ, bác sĩ thấy đấy, đây hình như là một trường hợp thôi miên tập thể nào đó... Vì thế, cần phải...„ ông ta không nói hết câu, bắt đầu nuốt mất lời và đột ngột cất giọng tenor hát:

Sinka và Nertrinsk... [3]

„Ðồ ngu!„ cô tiểu thư kịp hét lên, nhưng không giải thích rõ là mình chửi ai, mà thay vào đó lại làm một nét lướt nhanh và tự mình cũng cất tiếng hát về Sinka và Nertrinsk.

„Bình tĩnh lại! Không hát nữa!„ ông bác sĩ nói với viên thư ký.

Qua tất cả các dấu hiệu có thể thấy rõ là chính viên thư ký cũng sẵn sàng đổi bất kỳ một cái gì để không hát nữa, nhưng ông ta không thể không hát, và cùng với dàn đồng ca, ông ta bố cáo với những người đi ngoài ngõ phố rằng trong rừng rậm, những con thú tham ăn không động đến ông ta và những viên đạn của các thợ săn cũng không đuổi kịp!

Khi đoạn này vừa kết thúc, cô tiểu thư là người đầu tiên được bác sĩ cho một liều an thần, rồi ông chạy theo viên thư ký đến gặp những người khác để phát thuốc cho họ.

„Xin lỗi chị“, Vasili Stepanovich bỗng cất tiếng hỏi cô tiểu thư, „con mèo đen có đến chỗ các chị đây không?“

„Mèo với miếc nào?„ cô tiểu thư giận dữ hét lên, „một con lừa đang ngồi ở chi nhánh của chúng tôi, một con lừa!„ Và cô ta nói thêm: „Cứ để cho ông ta nghe! Tôi sẽ kể hết! „Rồi quả nhiên, cô ta kể lại tất cả những gì đã xảy ra ở đây.

Hóa ra là, chủ nhiệm chi nhánh thành phố - người phá hỏng hoàn toàn các hoạt động giải trí nhẹ nhàng - (theo lời của cô tiểu thư), mắc một thứ bệnh cuồng là say mê tổ chức đủ mọi thứ “hội”.

„Ðể lòe cấp trên mà!„ cô tiểu thư hét.

Trong vòng một năm, ông chủ nhiệm đã kịp tổ chức được Hội nghiên cứu tác phẩm Lermontov, Hội cờ vua - cờ nhảy, Hội bóng bàn và Hội đi ngựa. Ðến mùa hè ông ta dọa sẽ tổ chức Hội bơi thuyền với Hội leo núi.

Và thế là hôm nay, vào giờ nghỉ ăn trưa, ông ta, chủ nhiệm chi nhánh, đi vào...

„Và khoác tay một thằng chó đẻ nào đó“, cô tiểu thư kể, „không hiểu ở đâu mò đến, mặc quần áo kẻ ô, đeo kính vỡ mắt và... mặt tởm không chịu được!“

Và ông chủ nhiệm, theo lời kể của cô tiểu thư, giới thiệu với tất cả những người ngồi ăn trưa trong nhà ăn của chi nhánh rằng đây là một chuyên gia nổi tiếng về công tác tổ chức các Hội đồng ca.

Mặt các vận động viên leo núi tương lai sa sầm xuống, nhưng ông chủ nhiệm lập tức kêu gọi lòng hăng hái của tất cả mọi người, còn tay chuyên gia kia bắt đầu nói đùa, pha trò, và cam đoan chắc chắn rằng việc học hát sẽ chiếm rất ít thời gian, mà ích lợi của việc học hát này sẽ đầy cả toa hàng!

Thế rồi, tất nhiên, như lời tiểu thư kể lại, những người hưởng ứng đầu tiên là Phanov và Kosartruc, hai kẻ nịnh bợ nổi tiếng hạng nhất ở chi nhánh, họ tuyên bố ghi tên vào hội. Ðến đó thì những nhân viên khác, hiểu rằng không thể nào thoát khỏi việc học hát, đều đành phải ghi tên tham gia. Mọi người thỏa thuận hát vào giờ nghỉ trưa, vì toàn bộ thời gian khác bận dành cho việc nghiên cứu Lermontov và cờ nhảy. Chủ nhiệm chi nhánh, để làm gương, tuyên bố rằng ông ta có giọng tenor, và tất cả cứ thế diễn ra, như trong một giấc mơ tồi tệ. Tay chuyên gia đồng ca quần kẻ ô gào lên:

„Ðồ mi-son-đô!„ hắn kéo những người rụt rè định trốn hát vào sau mấy chiếc tủ lớn ra, nói với Kosartruc rằng anh ta có lỗ tai âm nhạc tuyệt vời, rồi rên rỉ, ư ử, đề nghị làm theo người nghệ sĩ cựu quản ca, gõ nhịp theo từng ngón tay, khẩn khoản bắt đầu bài “Ôi Baikan thần thánh...”.

Mọi người bắt đầu hát. Và hát không tồi. Tay quản ca quần kẻ ô quả là nắm vững công việc của mình. Hát xong đoạn thứ nhất, hắn bỗng xin lỗi, nói: “Tôi xin phép một phút!” „và... biến mất. Mọi người nghĩ là sau một phút hắn sẽ quay lại thật. Nhưng sau mười phút vẫn không thấy hắn đâu. Các nhân viên chi nhánh vui mừng - hắn chạy làng rồi.

Và bỗng nhiên mọi người tự mình cất tiếng hát đoạn thứ hai, đầu trò tất cả là Kosatruc, người tuy có thể không có lỗ tai âm nhạc tuyệt vời, nhưng lại có giọng tenor cao khá dễ nghe. Họ hát hết cả đoạn hai. Vẫn không có quản ca. Mọi người tản về chỗ làm việc, nhưng chưa kịp ngồi xuống ghế thì bất chấp cả ý muốn của mình, lại cất tiếng hát. Không có cách nào ngừng lại. Im được chừng ba phút, lại hát. Im rồi lại hát, cứ thế! Ðến lúc ấy mọi người mới hiểu là gặp tai họa rồi. Chủ nhiệm chi nhánh trốn tránh nhục nhã khóa trái cửa lại ở trong phòng làm việc của mình.

Ðến đây, câu chuyện của cô gái lại bị cắt ngang. Không thuốc an thần nào giúp gì được hết.

Mười lăm phút sau có ba chiếc xe tải ghé đến cạnh hàng rào ngõ Vagankovski, chở đi toàn bộ nhân viên chi nhánh cùng với ông chủ nhiệm đứng đầu

Chiếc xe thứ nhất, lắc lư trong cổng nhà, vừa lăn bánh ra đến ngõ phố, là tất cả các nhân viên đứng trên thùng xe vịn tay vào vai nhau liền há miệng, và cả ngõ phố vang lên bài hát quen thuộc.

Chiếc xe thứ hai hát hòa theo, và tiếp đó là xe thứ ba. Xe cứ thế đi. Những người qua đường vội vã đi làm công việc của mình chỉ ném về phía ba chiếc xe tải những cái nhìn thoáng qua hờ hững, hoàn toàn không ngạc nhiên và cho rằng đấy là một đoàn tham quan đi ra ngoại ô thành phố. Và đúng vậy, họ ra ngoại ô thành phố thật, nhưng không phải đi tham quan, mà đến bệnh viện của giáo sư St'ravinski.

Nửa giờ sau, trưởng phòng tài vụ Vasili Xtepanovich, hoàn toàn rối loạn tâm trí, đã lần đến được ban tài chính, hy vọng cuối cùng sẽ giải thoát được đồng tiền ông ta phải mang kè kè bên mình này. Ðã dạn dày kinh nghiệm, ông ta trước hết thận trọng ngó đầu vào gian phòng dài, nơi các nhân viên phục vụ ngồi sau những tấm kính mờ đục với bảng chữ mạ vàng. Trưởng phòng tài vụ không phát hiện ra một dấu hiệu lo lắng hoặc hỗn loạn nào ở đây cả. Trong phòng yên lặng, như phải vậy trong một cơ quan nghiêm túc.

Vasili Stepanovich ló đầu vào ô cửa sổ với bảng đề: “Bàn tiếp nhận tiền”, cất tiếng chào một nhân viên nào đó mà ông ta không quen biết và nhã nhặn hỏi xin một tờ phiếu thu.

„Anh cần để làm gì?„ người nhân viên trong ô cửa hỏi.

Trưởng phòng tài vụ ngơ ngác:

„Tôi muốn nộp tiền. Tôi ở nhà hát Tạp Kỹ.“

„Anh đợi một chút“, người nhân viên đáp và lập tức đóng ô cửa nhỏ trên tấm kính lại.

“Kỳ quặc quá” „trưởng phòng tài vụ nghĩ. Sự ngạc nhiên của ông ta hoàn toàn hợp lý. Lần đầu tiên trong đời ông ta gặp một trường hợp như thế này. Bởi vì ai cũng biết rằng nhận được tiền là rất khó khăn, bao giờ người ta cũng tìm ra cớ để ngăn cản chuyện đó. Nhưng trong thực tế ba chục năm làm công tác tài vụ, chưa một lần nào ông ta gặp trường hợp có ai đó, dù là đại diện cho nhà nước hay là tư nhân, lại ngần ngại trong việc nhận tiền.

Cuối cùng ô cửa được mở ra, và trưởng phòng tài vụ lại ép mặt vào kính.

„Anh có nhiều không?„ người nhân viên trong ô cửa hỏi.

„Hai mươi mốt nghìn bảy trăm mười một rúp.“

„Ồ!„ người nhân viên ngân hàng không hiểu sao giễu cợt thốt lên và chìa cho trưởng phòng tài vụ một tờ giấy màu xanh.

Biết rất rõ nguyên tắc, trưởng phòng tài vụ trong nháy mắt điền hết các mục trên đó và bắt đầu mở dây cáp gói tiền. Khi mở ra, mắt ông ta như bị lóa, và ông ta lẩm bẩm một điều gì đó yếu ớt và bệnh hoạn.

Trước mặt ông ta là những tờ giấy bạc nước ngoài. Ở đây có cả những gói đôla Canađa, đồng bảng Anh, đồng gunđen Hà Lan, đồng lát Latvia, đồng curon Extônia [4] .

„Ðây lại là một tay láu lỉnh ở nhà hát Tạp Kỹ tới“, một giọng nói nghiêm khắc vang lên bên tai người trưởng phòng tài vụ đang đứng chết lặng ngơ ngác. Và Vasili Stepanovich bị bắt giữ ngay tại chỗ.

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Cục người nước ngoài: thực ra chỉ có Cục phục vụ người nước ngoài, tên này do Bulgakov hư cấu có lẽ để giễu.
[2]Câu đầu tiên trong bài hát Nga cổ kể về một thanh niên chạy khỏi nhà tù khổ sai của Nga hoàng.
[3]Sinka và Nertrinsk: nhà tù khổ sai ở Sibiri thời Nga hoàng.
[4]Trong thời gian câu chuyện xẩy ra, Latvia và Estonia còn chưa gia nhập LB Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài