talawas chủ nhật

 
Tác phẩm dịch :: 22.10.2006
Mikhail BulgakovNghệ nhân và Margarita

Phần 1 Phần 2 Phần phụ lục

Mikhail Bulgakow
Mikhail Bulgakow (1891-1940)

“Trong di sản văn học nhân loại không ít những tác phẩm để đến được bạn đọc phải trải qua bao gian truân, tốn bao công sức, nhưng một số phận như Nghệ nhân và Margarita quả thật hiếm có. Ðược viết trong mười hai năm, bắt đầu từ năm 1928 với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỷ sứ, bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần; cho đến năm 1940 nằm trên giường bệnh, mắt lòa, Bulgakov vẫn đọc cho vợ sửa chữa; sau khi nhà văn qua đời, người vợ tận tụy là Elena Sergheevna Bulgakova cùng bạn bè và những người hâm mộ ông sau hơn một phần tư thế kỷ chạy vạy mới công bố được tác phẩm bị cắt xén "một cách man rợ" trên tờ tạp chí Moskva. Nhưng ngay ở dạng bị lược bỏ này cuốn tiểu thuyết cũng gây nên chấn động lớn…” (Đoàn Tử Huyến)

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn tác phẩm đặc sắc này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Đoàn Tử Huyến.

talawas chủ nhật

Mikhail Bulgakov

Nghệ nhân và Margarita

Đoàn Tử Huyến

Phần 2

Chương 19: Margarita Chương 20: Hộp kem Azazello Chương 21: Chuyến bay Chương 22: Dưới ánh nến Chương 23: Ðại vũ hội của Chúa quỷ Satan Chương 24: Sự giải thoát cho nghệ nhân Chương 25: Quan tổng trấn đã cố gắng cứu tên Giuda ở thành phố Kiriaph như thế nào? Chương 26: Việc chôn cất Chương 27: Kết cục của căn hộ số 5 Chương 28: Những trò phiêu lưu cuối cùng của Koroviev và Beghemot Chương 29: Số phận của nghệ nhân và Margarita đã được định đoạt Chương 30: Ðã đến lúc! Ðã đến lúc! Chương 31: Trên đồi Vorobiev Chương 32: Sự tha thứ và chốn nương thân muôn đời Phần kết

 

Phần kết


Nhưng dù sao thì những chuyện gì đã xảy ra tiếp theo ở Moskva kể từ sau cái buổi chiều ngày thứ bảy, khi Voland rời khỏi thủ đô, cùng với đoàn tùy tùng của mình biến khỏi đỉnh đồi Vorobiev vào lúc hoàng hôn?

Có lẽ không cần phải nói lại rằng, trong suốt thời gian dài lâu, khắp thủ đô sôi động ầm ĩ những tin đồn cực kỳ khó tin và rất nhanh chóng lan truyền đến những xó xỉnh nhà quê xa xôi nhất, riêng việc nhắc lại những tin đồn đó cũng đã là khó chịu lắm rồi.
Chính tự tay người viết những dòng chân thực này, trên đường đi đến Pheodosia đã nghe trong tàu người ta kể rằng ở Moskva cả hai nghìn người từ nhà hát đổ ra đường trần truồng trong đúng nghĩa đen của từ đó và cứ thế đi taxi về nhà mình.

Những tiếng thì thầm “ma quỷ...” có thể nghe thấy ở các đoàn người xếp hàng cạnh quầy bán sữa, trong tàu điện, các cửa hàng, cửa hiệu, trong các căn hộ, các gian nhà bếp, trên tàu hỏa đường gần cùng đường xa, ở các ga lớn lẫn ga nhỏ, trong các khu nhà nghỉ cũng như ngoài bãi tắm.

Những người có văn hóa và tiên tiến hơn, tất nhiên, hoàn toàn không tham gia một chút xíu nào vào những câu chuyện về ma quỷ đến thăm thủ đô này, và thậm chí họ còn cười nhạo và cố tìm cách làm cho những người kể chuyện tỉnh ngộ lại. Nhưng dù sao, như người ta nói, sự kiện vẫn là sự kiện, và bỏ qua nó hoàn toàn không một lời giải thích là không thể được: rõ ràng là có người nào đó đã đến thủ đô. Chỉ riêng cái đống tro than còn sót lại của ngôi nhà Griboedov, cùng rất nhiều những điều khác, cũng đã khẳng định một cách quá hùng hồn về chuyện đó rồi.

Những người có văn hóa đứng về phía lập trường của ban điều tra: đây là bàn tay của một nhóm những nhà thôi miên và nói giọng bụng có nghệ thuật cực kỳ cao cường.

Những biện pháp để tìm bắt bọn họ, ngay tại Moskva cũng như ở rất xa ngoài phạm vi của thủ đô, đã được thi hành không chậm trễ và cương quyết; nhưng thật vô cùng đáng tiếc là chúng không mang lại một kết quả nào. Người có tên là Voland với đồng bọn đã biến mất, không hề xuất hiện lại ở Moskva, và nói chung không hề xuất hiện ở một nơi nào khác. Hoàn toàn tự nhiên là trong trường hợp đó nảy sinh ra một giả thuyết rằng ông ta đã chạy ra nước ngoài; nhưng mà cả ở nước ngoài cũng chẳng hề nghe ai nói tới ông ta lấy một lời nào.

Việc điều tra vụ án Voland kéo dài khá lâu. Bởi vì, muốn nói sao thì nói, đây cũng là một vụ án quái đản và khủng khiếp, chưa kể đến bốn ngôi nhà bị đốt cháy và hàng trăm con người hóa điên, còn có cả những người bị thiệt mạng. Về hai người có thể nói chính xác được - đó là Berlioz và tay nhân viên bất hạnh làm việc tại Văn phòng giới thiệu các danh lam thắng cảnh với người nước ngoài, cựu nam tước Maighel. Họ đúng là đã bị giết chết. Những mẩu xương cháy sém của nạn nhân thứ hai đã được tìm ra ở căn hộ số 50 trên đường phố Sadovaia sau khi đám cháy bị dập tắt. Vâng, đã có rất nhiều người bị nạn, và những người bị nạn này đòi hỏi phải tiến hành điều tra.

Nhưng ngoài ra còn có những kẻ bị nạn khác, kể cả sau khi Voland đã rời khỏi thủ đô; và những kẻ bị nạn đó, tuy điều này nói ra thật đáng buồn, lại là những con mèo đen.

Chừng một trăm con vật có ích, hiền lành và trung thành với loài người này đã bị bắn chết hoặc bị tiêu diệt bằng những phương pháp khác nhau tại các vùng khác nhau của đất nước. Gần hai chục con mèo, nhiều trường hợp bị tàn phế rất nặng, đã được đưa tới các đồn công an tại nhiều thành phố khác nhau. Chẳng hạn ở Armavir, một con mèo nhỏ không hề có tội tình gì đã bị một nam công dân điệu đến công an với hai chân trước bị trói chặt.

Vị công dân đó đã rình chộp con mèo này vào đúng cái khoảnh khắc khi nó với dáng vẻ lấm lét (biết làm sao được nếu như loài mèo có cái dáng vẻ như vậy? Ðiều này không phải là do chúng có lỗi mà là do chúng sợ một trong số những con vật khỏe hơn chúng - chó hoặc người chẳng hạn - làm nhục chúng, gây cho chúng những tác hại nguy hiểm. Cả hai điều đó là việc rất dễ xảy ra, nhưng tôi xin đoán chắc rằng những hành động như vậy chẳng mang lại một chút vinh quang nào hết. Ðúng, tuyệt đối không!) Vâng, với dáng vẻ lấm lét con mèo định chạy tọt vào đám cây ngưu bàng không hiểu để làm gì.

Nhảy chồm đè lên con mèo và vừa cởi chiếc cà vạt ở cổ ra để trói chân nó lại, vị công dân vừa lẩm bẩm đầy cay độc và hăm dọa:

«À thế! Nghĩa là bây giờ ngài lại hạ cố đến thăm Armavir của chúng tôi, thưa ngài, nhà thôi miên? Nhưng ở đây chúng tôi không sợ ngài đâu. Mà ngài đừng có giả đò câm nữa. Chúng tôi đã biết ngài là cái hạng nào rồi!»

Vị công dân buộc hai chân trước con vật tội nghiệp bằng chiếc cà vạt xanh, lôi nó đến đồn công an, chốc chốc lại lấy chân đá lên người nó để bắt nó nhất thiết phải bước đi bằng hai chân sau.

«Này thưa ngài! - vị công dân, được một đám trẻ con huýt gió ầm ĩ chạy theo, hét to: - Thôi đi, thôi cái trò giả vờ ngu ngốc ấy đi! Không được đâu! Xin mời ngài đi như tất cả mọi người vẫn đi!»

Con mèo đen chỉ lấm lét đảo quanh cặp mắt đau khổ. Bị thiên nhiên tước mất cái khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, nó không thể nào tự bào chữa nổi cho mình. Con vật tội nghiệp được cứu thoát trước hết là nhờ các chú công an, thêm vào đó là nhờ bà chủ của nó, một bà già góa bụa đáng kính. Ngay tức khắc khi con mèo vừa được đưa đến đồn, ở đó người ta đã xác định được rằng từ người vị công dân nọ tỏa ra một mùi cồn cao độ, vì thế họ liền nghi ngờ những lời khai của ông ta. Cùng lúc đó bà già góa, được hàng xóm cho biết con mèo của bà vừa bị bắt, liền chạy bổ tới đồn và đã đến rất kịp thời. Bà đưa ra những lời nhận xét tốt đẹp nhất về con mèo, giải thích rằng bà biết nó đã năm năm nay, kể từ khi nó hãy còn là một con mèo con tí xíu, bà bảo đảm cho nó như cho chính bản thân mình, chứng minh rằng nó chưa hề làm điều gì xấu và chưa bao giờ đến Moskva cả. Nó đã sinh ra ở Armavir như thế nào, thì cũng lớn lên và học bắt chuột chính ở nơi đây như thế.

Con mèo được cởi trói, được hoàn lại cho chủ nhân, sau khi, sự thực mà nói, đã nếm trải ít nhiều đau khổ, đã biết trên thực tế thế nào là sự nhầm lẫn và vu khống.

Ngoài giống mèo ra, còn một số người cũng đã gặp phải ít nhiều điều khó chịu nho nhỏ. Ðã có một vài vụ bắt giữ. Trong số đó, những người bị giữ lại trong một thời gian ngắn là: ở Leningrad có các ông Volman và Volper; ở Xaratov, ở Kiev và ở Kharkov có ba ông cùng tên là Volodin; ở Kazan có ông Volos, còn ở Penza, hoàn toàn không hiểu vì nguyên cớ gì, có phó tiến sĩ hóa học Vetsinkevich... Thực ra, anh ta là người rất cao lớn, tóc đen và da ngăm ngăm.

Ngoài ra, ở các địa phương khác nhau bị bắt giữ còn có chín ông Korovin, bốn Korovkin và hai Karavavaev.

Một người đàn ông bị bắt ở trên tàu hỏa đi Sevastopol và bị trói giải xuống ga Belgerod. Người này đã bày trò cho các hành khách trong toa giải trí bằng ảo thuật với những quân bài.

Ở Iaroslav, vào đúng giờ ăn trưa, một người đàn ông bước vào tiệm ăn, tay cắp chiếc bếp dầu vừa mới lấy ở tiệm sửa chữa về. Vừa nhác thấy ông ta, hai người gác cửa vội vàng bỏ vị trí của mình ở phòng gửi áo ngoài chạy thục mạng, theo sau họ, tất cả khách ăn và nhân viên phục vụ cũng ùa ra khỏi tiệm. Trong lúc đó, bằng một cách nào đấy rất khó hiểu, toàn bộ số tiền thu được của bà thủ quỹ đã biến mất.

Còn rất nhiều chuyện khác nữa, không thể nào nhớ hết nổi. Các khối óc bị kích động đến cực độ.

Cần phải một lần nữa và một lần nữa thừa nhận công lao của ban điều tra. Ðã tiến hành tất cả những gì có thể không chỉ để bắt giữ bọn tội phạm, mà còn để giải thích những gì họ đã gây ra. Và tất cả đã được giải thích, những lời giải thích này không thể không công nhận là thông minh và rất có cơ sở.

Các đại diện của cơ quan điều tra và những bác sĩ tâm thần học giàu kinh nghiệm kết luận rằng, các thành viên của nhóm tội phạm này, hay có thể chỉ một người trong số họ (phần lớn các nghi ngờ rơi vào Koroviev) là những nhà thôi miên cao tay chưa từng thấy, có khả năng bắt người khác phải thấy họ không phải tại các vị trí mà trong thực tế họ đang ở, mà tại những vị trí tưởng tượng, bị dịch chuyển, trong thực tế họ không ở. Ngoài ra, họ còn dễ dàng ám thị những ai gặp phải họ, buộc những người này phải thấy những người hoặc những vật nào đó tại những chỗ mà trong thực tế là không có, và ngược lại, loại ra khỏi tầm mắt những vật hoặc những người thực tế là nằm ở trong tầm mắt họ.

Dưới ánh sáng của những lời giải thích đó, tất cả mọi chuyện đều trở nên dễ hiểu, kể cả việc làm mọi người lo lắng nhất và có vẻ không có cách nào giải thích nổi, là việc con mèo không tỏ ra hề hấn gì khi bị bắn ở căn hộ số 50 trong khi người ta toan bắt sống nó.

Một điều hiển nhiên là không có con mèo nào ở trên chùm đèn treo cả, và cũng không có ai nghĩ đến chuyện bắn trả hết, những người đi đến đó đã bắn vào chỗ trống, trong lúc đó Koroviev ám thị họ rằng con mèo đang làm trò bậy bạ ở trên chùm đèn và anh ta có thể thoải mái đứng sau lưng những người nổ súng mà cười nhạo và thưởng thức cái tài nghệ ám thị quả thật là cao cường, nhưng lại được sử dụng một cách tội lỗi của mình. Cũng chính anh ta đã đổ xăng ra sàn đốt cháy căn hộ.

Và cũng hiển nhiên là Stepan Likhodeev không hề bay đến Ialta (một tiết mục như vậy thậm chí cả Koroviev cũng không làm nổi) và cũng không hề gửi điện từ đó về. Sau khi ngất đi trong căn hộ của bà chủ hiệu kim hoàn vì khiếp đảm trước trò ảo thuật khi Koroviev cho ông ta xem con mèo ăn nấm ngâm dấm bằng dĩa, Stepan đã phải nằm suốt ở đó cho đến khi Koroviev nhạo báng chụp lên đầu ông ta chiếc mũ phớt và đưa ra sân bay Moskva, sau khi đã ám thị các đại diện của ban điều tra đi đón Stepan rằng ông ta sẽ chui ra khỏi chiếc máy bay từ Sevastopol đến.

Tuy nhiên, phòng điều tra hình sự Ialta khẳng định rằng ở đấy họ đã tiếp Stepan khi ông ta tới đó bằng chân không và đã gửi những bức điện về vụ Stepan cho Moskva, nhưng người ta lại không tìm ra được một bản sao nào của những bức điện như vậy trong các tập hồ sơ lưu. Từ việc đó rút ra một kết luận đáng sầu nhưng hoàn toàn không thể nào lay chuyển được, là cái nhóm các nhà thôi miên này có khả năng thôi miên từ một khoảng cách vô cùng lớn, thêm vào đó họ có thể thôi miên không chỉ một vài người riêng lẻ, mà cả hàng tập thể người. Trong những điều kiện đó, bọn tội phạm có thể khiến những người có tổ chức tâm lý bền vững nhất cũng phải hóa điên.

Ðó là chưa nói đến những chuyện vặt vãnh khác, như bộ bài nằm trong túi khán giả ở dưới phòng xem, hay những chiếc áo phụ nữ bị biến mất, hay chiếc mũ bê rê phát ra tiếng mèo kêu, và bao nhiêu việc đại loại! Những tiết mục như thế thì bất kỳ nhà thôi miên chuyên nghiệp loại trung bình nào cũng có thể trình diễn ở trên bất kỳ sân khấu nào, kể cả cái trò ảo thuật vặn cổ người dẫn chương trình. Con mèo biết nói cũng là việc hết sức vặt vãnh. Ðể có thể đưa ra cho mọi người thấy một con mèo như vậy thì chỉ cần nắm được những thủ thuật cơ bản của thuật nói tiếng bụng, mà chắc là khó có ai nghi ngờ rằng nghệ thuật của Koroviev còn cao siêu hơn những thủ thuật cơ bản đó nhiều.

Ðúng, sự việc không phải ở chỗ các cỗ bài hay những bức thư giả mạo ở trong cặp của Nikanor Ivanovich. Tất cả những cái đó đều là vặt vãnh. Ðích thị anh ta, Koroviev, đã xua Berlioz xuống dưới bánh tàu điện để chịu cái chết không tránh khỏi. Ðích thị anh ta đã làm cho nhà thơ tội nghiệp Ivan Bezdomnưi hóa điên, đã ám thị khiến anh trong những cơn mơ đau đớn thấy thành phố Iersalaim cổ đại và ngọn Núi Trọc hoang vắng dưới mặt trời thiêu đốt với ba người bị xử tử hình treo trên cột. Ðích thị anh ta cùng đồng bọn đã buộc Margarita Nikolaevna và cô làm công Natasa phải biến mất khỏi Moskva [1] . Nhân tiện nói thêm: ban điều tra đã đặc biệt chú ý đến sự việc này. Cần phải làm rõ: những người đàn bà này có đúng là bị bọn giết người đốt nhà bắt cóc, hay là họ tự nguyện trốn đi theo chúng? Căn cứ trên những lời khai phi lý và rối rắm của Nikolai Ivanovich, lưu ý đến mẩu thư mất trí và kỳ quặc của Margarita Nikolaevna viết để lại cho chồng, trong đó có nói rằng nàng sẽ đi làm phù thủy, không bỏ qua cả việc Natasa biến mất để lại tất cả các thứ mang trên mình, những người điều tra đã đi đến kết luận là cả cô chủ lẫn người làm công đã bị thôi miên, giống như nhiều người khác, và đã bị bọn cướp bắt đi trong trạng thái như vậy. Nảy sinh ra một suy nghĩ, và có lẽ cũng khá đúng đắn, là sắc đẹp của hai người đàn bà đã quyến rũ những tên tội phạm.

Nhưng còn một điều vẫn còn hết sức không rõ ràng đối với ban điều tra: đó là lý do gì khiến toán cướp bắt cóc người điên tự gọi mình là Nghệ Nhân ở bệnh viện tâm thần? Cuối cùng, người ta vẫn không xác định được điều đó, cũng như không xác định được họ tên của bệnh nhân bị bắt cóc. Rốt cuộc là anh đã mất tích với cái số hiệu chết: “Số một trăm mười tám khu nhà số một”.

Tóm lại, gần như tất cả đã được giải thích, và cuộc điều tra kết thúc, như tất cả mọi chuyện trên đời nói chung đều phải kết thúc.

Thêm mấy năm trôi qua, và mọi người bắt đầu quên cả Voland lẫn Koloviev và những kẻ khác. Ðã xảy ra rất nhiều thay đổi trong cuộc đời của những người bị nạn bởi bàn tay của Voland cùng đồng bọn, và dù cho những thay đổi đó có nhỏ nhặt và không quan trọng đến mấy, thì chúng ta cũng cần phải nhắc qua đến chúng.

George Bengalski chẳng hạn, sau ba tháng nằm viện, đã hồi phục và ra viện, nhưng anh ta buộc phải rời khỏi nhà hát Tạp Kỹ vào đúng cái thời sôi nổi nhất của nó, khi khán giả đổ xô nhau đến để mua vé - cái ký ức về buổi diễn ảo thuật nọ tỏ ra có sức sống rất dai. Bengalski bỏ nhà hát Tạp Kỹ vì hiểu rằng tối nào cũng phải đứng trước mặt hai nghìn người, bị họ nhận ra và phải liên tục trả lời những câu hỏi nhạo báng: thế nào tốt hơn, có đầu hay không có đầu? - là một việc quá sức chịu đựng.

Thêm vào đó, người dẫn chương trình đã đánh mất một phần khá lớn khiếu hài hước của mình, cái vốn rất cần thiết cho nghề nghiệp anh ta. Bengalski còn giữ lại một thói quen nặng nề và khó chịu là cứ mỗi mùa xuân đến vào ngày rằm lại rơi vào trạng thái lo lắng, bất ngờ ôm chặt lấy cổ, hoảng hốt nhìn quanh và khóc nức nở. Những cơn kích động đó qua đi rất nhanh, nhưng dù sao thì chỉ riêng sự tồn tại của chúng cũng không cho phép anh ta tiếp tục công việc cũ, và người dẫn chương trình xin về hưu, sống bằng số tiền tiết kiệm của mình, mà theo sự tính toán khiêm tốn của anh ta, phải đủ cho mười lăm năm.

Bengalski rời nhà hát và không còn bao giờ gặp lại Varenukha, người đã nổi tiếng và được đông đảo mọi người yêu mến nhờ tính lịch sự và nhạy cảm chưa từng thấy thậm chí ở cả trong giới hành chính nhà hát. Những người chuyên kiếm vé biếu không gọi anh ta bằng tên nào khác ngoài cái tên “Bố Già tốt bụng”. Vào bất cứ lúc nào và bất cứ ai gọi điện đến nhà hát Tạp Kỹ bao giờ cũng được nghe trong ống nghe một giọng nói mềm mại nhưng buồn buồn: “Tôi nghe đây!” - và khi người gọi điện xin gặp Varenukha, vẫn giọng nói ấy vội vã đáp: “Tôi xin nghe đây ạ”. Nhưng Ivan Savelievich đã phải chịu bao nhiêu đau khổ vì tính nhã nhặn của mình!

Stepan Likhodeev thì không còn phải nói chuyện qua điện thoại ở nhà hát Tạp Kỹ nữa. Ngay sau khi ra viện, nơi Stepan phải nằm tám ngày, người ta chuyển cựu giám đốc nhà hát đến Rostov giữ chức phụ trách một cửa hàng thực phẩm lớn. Có những tin đồn rằng Stepan đã hoàn toàn bỏ rượu vang poócvây mà chỉ uống vodka ngâm mầm phúc bồn tử, nhờ vậy sức khỏe tốt hẳn lên. Người ta còn nói rằng ông ta trở nên ít nói và tránh xa đàn bà.

Việc Stepan Bogdanovich đi khỏi nhà hát Tạp Kỹ không mang lại cho Rimski niềm vui sướng mà ông ta đã háo hức mơ ước trong suốt bao nhiêu năm trời. Sau khi ra viện và đi điều dưỡng ở Kislovodsk về, phó giám đốc tài chính già lụ khụ, với mái đầu run rẩy, đã viết đơn xin thôi việc ở nhà hát Tạp Kỹ. Ðiều thú vị là bà vợ của Rimski đã mang lá đơn đó đến nhà hát. Chính bản thân Grigori Danilovich Rimski không đủ sức lực và can đảm để ngay cả ban ngày ban mặt đi đến ngôi nhà, nơi một lần ông ta đã trông thấy chiếc kính rạn nứt loáng ánh trăng ở ngoài cửa sổ và cánh tay dài ngoằng ngoẵng vươn xuống cái chốt dưới của cánh cửa.
Sau khi thôi việc ở nhà hát Tạp Kỹ, phó giám đốc tài chính xin vào làm tại nhà hát múa rối trẻ em ở khu Zamoskvoretrie. Ở nhà hát này Rimski không còn phải gặp gỡ về các công việc của Hội đồng âm thanh với Arkadi Apollonovich Sempleiarov cực kỳ đáng kính. Ông này ngay lập tức bị chuyển đến Briansk và được chỉ định làm phụ trách một trạm thu mua nấm. Bây giờ, những người dân Moskva được ăn nấm hương muối và nấm trắng ngâm dấm hết lời khen chúng, họ đặc biệt vui mừng với sự chuyển công tác của Arkadi Apollonovich. Mọi việc đến nay đã lùi về quá khứ, nên có thể nói rằng, công việc của Arkadi Apollonovich ở Hội đồng âm thanh trước đây không được ổn lắm, dù ông ta đã cố gắng cải thiện đến mấy, thì nó trước như thế nào sau vẫn thế ấy mà thôi.

Trong số những người cắt đứt quan hệ với nhà hát, ngoài Arkadi Apollonovich, còn phải kể đến Nikanor Ivanovich Bosoi, mặc dù ông này nói chung không dính dáng gì đến nhà hát nếu không kể niềm say mê đối với những tấm vé không mất tiền. Bây giờ, Nikanor Ivanovich không chỉ không đến bất kỳ một nhà hát nào kể cả mất tiền lẫn không, mà thậm chí mặt còn biến sắc mỗi khi nghe ai đó nói đến chuyện nhà hát. Ngoài nhà hát ra, ông ta còn căm thù - ở mức độ không ít hơn, mà còn mãnh liệt hơn - nhà thơ Puskin và diễn viên tài nghệ Sava Potapovich Kurolesov. Lòng căm thù đó mãnh liệt tới độ vào năm ngoái, khi trông thấy trên báo bản cáo phó đóng khung đen về việc Sava Potapovich đột ngột qua đời, Nikanor Ivanovich đỏ tía mặt lên đến mức thiếu chút nữa thì cũng đi theo Sava Potapovich, rồi gầm lên: “Thật đáng đời hắn!”. Còn hơn thế nữa: cũng vào ngay buổi tối hôm đó, Nikanor lvanovich, bị cái chết của nhà nghệ sĩ nổi tiếng gợi nên vô số những hồi ức nặng nề, đã một mình, chỉ đối mặt với mỗi vành trăng tròn trặn chiếu sáng đường phố Sadovaia, uống một bữa say đến kinh hồn. Và cùng với mỗi ly rượu uống vào, trước mặt ông ta lại kéo dài thêm ra một chuỗi xích những nhân vật đáng ghét, trong số đó có cả Duntril Sergei Gherardovich lẫn người đẹp Ida Gherkulanovna, cả tay chủ tóc hung của những con ngỗng chọi lẫn gã Kanavkin Nikolai thẳng ruột ngựa.

Vậy thì, chuyện gì đã xảy ra với những con người đó? Xin lỗi! Tuyệt đối không có gì xảy ra được, bởi vì trong thực tế chưa bao giờ có họ, cũng như không hề có nhà nghệ sĩ điều khiển chương trình dễ thương nọ, không hề có cả nhà hát, không có cả bà cô già Porokhovnicova keo bẩn để ngoại tệ mục nát ở dưới hầm, và tất nhiên, không có cả những ống kèn vàng lẫn những tay đầu bếp trơ tráo. Tất cả những cái đó đều là do Nikanor Ivanovich mơ thấy dưới tác động của gã Koroviev đáng ghê tởm. Người có thật duy nhất lọt vào giấc mơ của Nikanor Ivanovich chính là nghệ sĩ Sara Potapovich, về việc đó cũng lại do anh ta đã ăn sâu vào óc chủ tịch Hội đồng nhà cửa nhờ những buổi biểu diễn thường xuyên của mình trên đài. Anh ta là có thật, còn tất cả những cái khác thì không.

Nếu vậy thì, biết đâu cả Aloyzi Mogarưt cũng không có thật? Ồ không! Anh ta chẳng những đã có thật, mà cả hiện nay cũng đang còn tồn tại, đang chiếm giữ chính cái chức vụ mà Rimski đã từ bỏ, tức là chức phó giám đốc tài chính nhà hát Tạp Kỹ.

Khoảng chừng một ngày đêm sau chuyến đến viếng thăm Voland, tỉnh lại trên toa tàu hỏa ở một nơi nào đó gần Viatka, Aloyzi chợt nhận ra rằng trong cơn tâm trí mê muội, anh ta đã đi khỏi Moskva không hiểu để làm gì mà quên cả mặc quần dài, trong lúc đó không hiểu để làm gì lại lấy cắp mang theo cuốn sổ hộ tịch của người chủ thầu xây dựng mà đối với anh ta hoàn toàn không cần thiết. Trả một khoản tiền kếch xù cho người nhân viên coi toa, Aloyzi mua lại được của ông ta một chiếc quần dài lấm lem dầu mỡ và từ Viatka đáp tàu ngược về thủ đô. Nhưng anh ta, than ôi, đã không tìm được ngôi nhà của ông chủ thầu xây dựng nữa. Nó đã bị lửa liếm sạch. Nhưng Aloyzi vốn là một người cực kỳ tháo vát, sau hai tuần đã sống trong một căn phòng tuyệt vời tại ngõ Briusov, còn sau vài tháng nữa anh ta đã chễm chệ trong phòng làm việc của Rimski. Và cũng như trước kia Rimski phải chịu đựng đau khổ vì Stepan, bây giờ Varenukha cũng phải khốn khổ vì Aloyzi. Cho đến nay Ivan Savelievich Varenukha chỉ mơ ước có một điều, là làm sao cho người ta nhắc cái tay Aloyzi này đi đâu đó khỏi nhà hát Tạp Kỹ cho khuất mắt, vì rằng, như Varenukha đôi lúc thì thầm trong đám bạn bè thân cận, “một thằng đểu như thế tớ chưa bao giờ gặp phải trong đời, và có thể chờ đợi ở hắn ta tất cả mọi chuyện”.

Tuy nhiên, cũng có thể tay trưởng phòng quản trị này có định kiến. Không ai nhận thấy Aloyzi đã làm một việc gì đen tối, cũng như anh ta chưa hề làm một cái gì nói chung, nếu không kể, tất nhiên, việc cử một người nào đó khác phụ trách nhà ăn thay cho Andrei Phokich Sokov. Andrei Phokich đã chết vì ung thư gan tại bệnh viện thực hành số một thuộc trường Ðại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, chín tháng sau ngày Voland xuất hiện ở thủ đô...
Vâng, đã mấy năm trôi qua, và những sự kiện được mô tả một cách chân thực trong cuốn sách này đã lắng xuống và mờ đi trong trí nhớ mọi người. Nhưng không phải ở tất cả, không phải ở tất cả mọi người.

Hàng năm, mỗi khi đến đêm hội rằm mùa xuân, lúc gần tối dưới hàng cây lipa trên bờ Hồ Pat'riarsi lại xuất hiện một người đàn ông khoảng ba chục tuổi hay hơn một tí, tóc hơi hung, mắt hơi xanh, ăn mặc giản dị. Ðó là cộng tác viên khoan học của Viện nghiên cứu Lịch sử và Triết học, giáo sư Ivan Nikolaievich Ponưrev.

Mỗi lần đi đến dưới hàng cây lipa, anh bao giờ cũng ngồi xuống đúng chiếc ghế băng mà anh đã ngồi vào cái buổi chiều nọ, khi nhà văn Berlioz từ lâu đã bị tất cả mọi người lãng quên vào lần cuối cùng trong đời mình nhìn thấy mặt trăng vỡ văng ra thành từng mảnh vụn.

Bây giờ mặt trăng tròn nguyên vẹn, lúc trời bắt đầu tối có màu trắng bạc, sau chuyển sang màu vàng, với hình đầu rồng đen thẫm ở bên trong, đang trôi trên đầu cựu thi sĩ Ivan Nikolaievich, và đồng thời nó vẫn đứng nguyên một chỗ ở trên độ cao của mình.

Ivan Nikolaievich biết hết và hiểu hết tất cả mọi chuyện. Anh biết rằng thời trẻ, anh đã từng là nạn nhân của những nhà thôi miên tội lỗi, sau đó được điều trị và đã khỏi. Nhưng đồng thời anh cũng biết rằng, trong một số trường hợp anh vẫn chưa chế ngự được. Anh không thể chế ngự được cái đêm trăng rằm mùa xuân này. Cứ mỗi lần đêm rằm sắp đến gần, cứ mỗi lần cái khối nguyệt cầu mà vào đêm xưa ấy treo cao hơn chùm đèn sao năm cánh bắt đầu nở tròn và trở nên vàng óng, Ivan Nikolaievich lại cảm thấy bất an, bồn chồn, kém ăn kém ngủ, khắc khoải chờ đợi cho đến khi trăng tròn hẳn. Và khi đêm rằm đến, thì không có gì có thể kìm giữ Ivan Nikolaievich ở nhà. Gần tối, anh ra đường và đi đến công viên Hồ Pat'riarsi.

Ngồi trên chiếc ghế dài, Ivan Nikolaievich giờ đây nói chuyện với chính mình không còn giấu giếm, hút thuốc, nheo mắt nhìn khi thì lên vành trăng tròn, khi thì lên chiếc cửa quay mà anh còn nhớ rất rõ.

Ivan Nikolaievich ngồi như vậy một hay hai giờ. Rồi anh đứng dậy, bao giờ cũng đi theo một lộ trình, qua Spiridonovka đến các ngõ nhỏ của khu Arbat, với cặp mắt trống rỗng và không trông thấy gì.

Anh đi qua cửa hàng bán dầu hỏa, rẽ ngang ở chỗ có ngọn đèn khí ga cũ kỹ treo nghiêng nghiêng, và lần đến bên một hàng rào chấn song, phía sau đó anh trông thấy khu vườn cây cối đã xanh nhưng hãy còn chưa mọc kín lá, và trong vườn là ngôi biệt thự kiến trúc kiểu gôtích với một nửa - phía căn buồng nhô ra có ô cửa sổ ba tấm kính - được ánh trăng soi sáng rực rỡ, còn nửa kia chìm trong bóng tối.

Giáo sư không biết cái gì lôi cuốn anh đến bên dãy hàng rào này và ai sống trong ngôi biệt thự kia, nhưng anh biết rằng anh không thể chế ngự được mình trong cái đêm trăng rằm này. Ngoài ra, anh còn biết rằng ở trong vườn phía bên kia hàng rào bao giờ anh cũng sẽ trông thấy chỉ một cảnh lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.

Anh sẽ trông thấy một người đàn ông đứng tuổi có dáng bệ vệ, để râu, đeo kính kẹp mũi, trên khuôn mặt có những đường nét hao hao giống mặt lợn đực thiến. Ivan Nikolaievich bao giờ cũng gặp người đàn ông sống ở ngôi biệt thự này ngồi trong một tư thế rất mơ mộng, mắt ngước lên nhìn vầng trăng tròn. Ivan Nikolaievich biết rằng, sau một lúc ngắm trăng, người đàn ông ngồi trên ghế nhất thiết sẽ hướng cặp mắt của mình lên ô cửa sổ của căn buồng nhô ra và nhìn chằm chằm vào đó, dường như đang chờ đợi những cánh cửa sổ sẽ mở tung ra và trên bệ cửa sổ xuất hiện một cái gì đó khác thường.

Tất cả những gì sẽ xảy ra tiếp theo, Ivan Nikolaievich đã biết thuộc lòng. Ðến lúc này nhất thiết phải ẩn kín hơn vào sau hàng rào, vì ngay bây giờ người đàn ông ngồi trên ghế sẽ bắt đầu lo lắng quay đầu, mắt đảo qua đảo lại tìm một cái gì đó trong không khí, sẽ mỉm cười thật rạng rỡ, rồi ông ta sẽ bỗng nhiên vung hai cánh tay trong một nỗi buồn ngọt ngào nào đó, tiếp đấy sẽ lẩm bẩm thành tiếng khá to:

«Ôi thần Vệ Nữ! Thần Vệ Nữ!... Ê, ta ngốc quá!...»

«Ôi Chúa Trời, ôi các vị thần linh! - Ivan Nikolaievich trốn sau hàng rào và không rời cặp mắt sáng rực khỏi mặt người đàn ông không quen biết bí ẩn, cũng sẽ bắt đầu thì thầm. - Lại thêm một nạn nhân nữa của đêm rằm... Ðúng, lại thêm một nạn nhân nữa, giống như mình.»

Còn người đàn ông ngồi trên ghế tiếp tục lẩm bẩm:

«Ê, ta ngu quá! Tại sao, tại sao ta lại không bay đi cùng với nàng? Ta, một con lừa già, sợ cái gì mới được kia chứ! Lại còn đi hỏi xin giấy chứng nhận! Ê, bây giờ thì cắn răng mà chịu đựng, đồ đần độn!»

Cứ như thế sẽ tiếp tục cho đến khi có tiếng cửa sổ ở phần biệt thự nằm trong bóng tối mở ra, một cái gì đó trăng trắng xuất hiện trên khung cửa, và vang lên một giọng đàn bà khó nghe:

«Nikolai Ivanovich, anh ở đâu? Anh lại đi mơ mộng cái gì thế? Muốn mắc bệnh sốt rét đấy à? Vào nhà uống trà đi!»

Người đàn ông ngồi trên ghế, tất nhiên, lập tức tỉnh ra và đáp bằng một giống dối trá:

«Anh muốn thở khí trời một chút, em yêu của anh ạ! Khí trời ở đây mới tuyệt làm sao!»
Rồi ông ta sẽ đứng dậy, giơ nắm tay dư dứ về ô cửa sổ ở tầng dưới vừa đóng lại, rồi thất thểu đi vào nhà.

«Ông ta nói dối, nói dối! Ôi, hỡi các vị thần linh, ông ta nói dối đến thế cơ đấy! - Ivan Nikolaievich sẽ vừa lẩm bẩm vừa bước đi ra xa dãy hàng rào, - ông ta đi ra vườn hoàn toàn không phải vì khí trời, mà ông ta trông thấy một cái gì đó vào cái đêm trăng rằm mùa xuân này ở trong vườn, trên cao. Ôi, ta sẵn sàng trả giá đắt để khám phá ra được bí mật của ông ta, để biết ông ta đã đánh mất thần Vệ Nữ nào mà bây giờ sờ soạng tay trong không khí, vô vọng tìm lại nàng?»

Khi trở về nhà, giáo sư đã trở thành người ốm thật sự. Chị vợ làm ra vẻ không nhận thấy tâm trạng của chồng, giục anh đi nằm ngủ. Nhưng chính chị lại không đi nằm, mà ngồi cạnh ngọn đèn với cuốn sách để mở, nhìn người nằm ngủ bằng cặp mắt cay đắng. Chị biết rằng lúc gần sáng, Ivan Nikolaievich sẽ tỉnh dậy với tiếng kêu đau đớn, sẽ bắt đầu khóc lóc, vật vã. Vì vậy mà nằm trước mặt chị trên tấm vải trải bàn dưới ngọn đèn là bộ đồ tiêm chuẩn bị sẵn ngâm trong cồn và lọ thuốc lỏng màu nước trà đặc.

Người phụ nữ đáng thương gắn chặt đời mình với người bị bệnh nặng bây giờ còn rảnh rỗi và có thể yên tâm nằm nghỉ. Ivan Nikolaievich sau mũi tiêm sẽ ngủ yên cho đến tận sáng với vẻ mặt sung sướng và sẽ thấy những giấc mơ khác thường hạnh phúc mà chị không hề biết.
Ðiều làm nhà bác học thức dậy và khiến anh phải kêu lên đau đớn trong đêm trăng rằm bao giờ cũng vẫn là một. Anh nhìn thấy tên đao phủ khác thường, không có mũi, nhảy lên và phát ra một tiếng kêu trong cổ họng, đâm mũi giáo vào tim của Hestas đã mất trí bị trói chặt vào cột hành hình. Nhưng không chỉ tên đao phủ là có vẻ đáng sợ, mà cả màu sắc trong giấc mơ cũng khác thường, nó được sinh ra bởi một đám mây đen nào đó cứ sôi lên và sà thấp dần xuống đất, như thường gặp những khi xảy ra các thảm họa vũ trụ.

Sau mũi tiêm, tất cả những gì người nằm mơ thấy đều thay đổi. Từ bên giường đến cửa sổ hiện ra con đường rộng thênh thang bằng ánh trăng, một người mặc áo choàng trắng với lần vải lót đỏ như máu bước lên con đường đó và bắt đầu đi về phía mặt trăng. Bên cạnh ông ta là người đàn ông còn trẻ mặc áo choàng hiton rách nát với khuôn mặt bị biến dạng méo mó. Họ vừa đi vừa sôi nổi nói về một điều gì đó, tranh luận với nhau, muốn thỏa thuận với nhau về một điều gì đó.

«Hỡi Chúa Trời, hỡi các vị thần linh, - người mặc áo choàng hướng bộ mặt kiêu ngạo của mình sang người đi bên cạnh, nói: - một cuộc hành hình mới đê nhục làm sao! Nhưng ta xin nhà ngươi hãy nói đi, - đến đây bộ mặt kiêu ngạo biến thành khẩn khoản, - thực ra không có nó, không có cái cuộc hành hình ấy! Ta van ngươi, hãy nói đi, không có chứ?»

«Tất nhiên, tất nhiên, không có, - người cùng đi đáp bằng giọng khàn khàn, - đó là ngài tưởng tượng ra đấy thôi.»

«Và nhà ngươi có thể thề điều đó chứ?» - người mặc áo choàng lắp bắp van vỉ..

«Tôi xin thề», - người cùng đi đáp, và đôi mắt của anh ta không hiểu sao thoáng cười.

«Ngoài ra ta chẳng cần gì nữa hết!» - người đàn ông mặc áo choàng thốt lên bằng giọng run run và mỗi lúc một đi cao lên đến tận mặt trăng, kéo theo người bạn đường của mình. Bước theo sát sau họ là một con chó khổng lồ tai nhọn với dáng vẻ bình thản và oai vệ.

Liền đấy, con đường trăng sôi sục, từ đó một con sông trăng bắt đầu nổi cồn lên và nhảy trào ra bốn phía. Vầng trăng thống trị và tuôn vàng óng ả, vầng trăng nhảy múa và nghịch ngợm. Rồi trong dòng thác trăng đó, một thiếu phụ đẹp khác thường hiện dần lên, nàng khoác tay dẫn người đàn ông râu mọc rậm, đôi mắt nhìn quanh với vẻ sợ sệt, đến gặp Ivan Nikolaievich. Anh lập tức nhận ra người đàn ông ấy. Ðó chính là bệnh nhân mang số một trăm mười tám, người khách đêm của anh. Ivan Nikolaievich trong mơ vươn hai tay về phía Nghệ Nhân và háo hức hỏi:

«Thế nghĩa là mọi chuyện chấm dứt như thế?»

«Mọi chuyện chấm dứt như thế, học trò của ta ạ», - người mang số một trăm mười tám đáp, còn thiếu phụ bước đến gần Ivan và nói:

«Tất nhiên là như vậy. Tất cả đã chấm dứt và tất cả đang chấm dứt... Tôi sẽ hôn anh vào trán, rồi tất cả mọi việc của anh sẽ tốt đẹp như nó cần vậy.»

Nguồn: Nguyên tác tiếng Nga MACTEP И МАРГАРИТА. In lần đầu tiên ở tạp chí Moskva, số 11 năm 1966 và số 1 năm 1967 nhưng bị cắt bỏ nhiều. Năm 1973 được in đầy đủ theo bản thảo lưu giữ ở Thư viện Quốc gia mang tên V. I. Lenin. Bản dịch tiếng Việt của Ðoàn Tử Huyến Mikhail Bulgakov, Nghệ nhân và Margarita, Nhà xuất bản Cầu Vồng và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới hợp tác xuất bản, Moskva 1989, với lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Thông tấn P. Nikolaev, thực hiện theo Mikhail Bulgakov, Các tiểu thuyết Bạch vệ, tiểu thuyết sân khấu, Nghệ nhân và Margarita, Nhà Xuất bản Văn học, Moskva, 1973. Lần in thứ hai trong Mikhail Bulgakov. Tuyển tập văn xuôi, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998, bản dịch đã được dịch giả xem lại đối chiếu với nguyên bản tiếng Nga in trong M. Bulgakov, Tuyển tập tác phẩm năm tập, tập 5, nhà xuất bản Văn học, Moskva, 1990. Phần chú giải được soạn dựa nhiều vào các chú giải của G. Lesskis in trong tập nói trên. Bản in lần này theo Nghệ Nhân và Margarita trong tập M. Bulgakov, Tuyển tập văn xuôi, Nxb Văn học, 1996, có sửa chữa một số chỗ.

[1]Ở đây có sự không nhất quán: đoạn trên nói Margarita chết ở nhà riêng, cũng như Nghệ Nhân chết ở bệnh viện. Đây có thể là do M. Bulgacov chưa kịp chữa hết bản thảo của mình thì đã mất, mà cũng có thể là do ông cố ý làm như vậy để tạo ra sự kỳ bí. Xem thêm ở bài "Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của M. Bulgacov" của Lesskis trong phần Phụ lục.

Mikhail Bulgakov Nhà văn Nga, sinh ngày 15.5.1891 tại Kiev, mất ngày 10.3.1940 tại Maxcơva

Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nguyên là Giảng viên văn học Nga tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Biên tập viên NXB Lao động, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội nhà văn Việt Nam. Hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

Đã dịch trên 30 tác phẩm văn học từ tiếng Nga, trong đó có tập truyện vừa Những quả trứng định mệnh, kịch A. Puskin, truyện vừa Trái tim chó, tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov, truyện vừa Đêm trắng của F. Doxtoevski, tiểu thuyết Đấng Cứu Thế của Otero Silva, tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo (dịch cùng Trịnh Huy Ninh) v.v.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài