Trần Nguyễn AnhThơ
Trần Nguyễn Anh Ảnh: Anh Tuấn |
Một buổi chiều cuối thu năm 2004, khi tôi đang vội sắp xếp đám giấy tờ lộn xộn ở toà soạn eVăn để về sớm thì có khách đến chơi. Đó là một người lạ. Anh nói, đến không có việc gì, chỉ muốn thăm anh em eVăn... cho biết. Ngán ngẩm, tôi định bụng nói vài câu xã giao cho phải phép rồi tìm cách chuồn cho nhanh. Nhưng ý định ấy đã không thực hiện được. Vị khách lạ mặt đã làm tôi mất đứt cả buổi chiều. Khách là một người có tâm trạng bồn chồn, nhấp nhổm, tay chân luôn động đậy và miệng thì nói liên hồi kì trận. Câu chuyện kéo dài mà không có chủ đề gì, cũng không liên quan trực tiếp đến văn chương, nhưng linh tính mách bảo cho tôi biết, khách là một nhà văn. Và đúng vậy, như một nhà văn, khi được hỏi đang làm gì, anh ta trả lời: làm linh tinh. Nhưng dĩ nhiên nhà văn thì không thể chỉ làm linh tinh, bởi rốt cuộc anh ta cũng phải viết một cái gì đó, và khi đã viết, anh ta không thể cứ để bản thảo mãi trong ngăn kéo: anh ta có nhu cầu công bố tác phẩm. Cũng có thể anh ta đã có tác phẩm xuất bản và nhất định anh ta sẽ nói về nó. Vậy là tôi quyết định sẽ kiên nhẫn chờ, bởi trong mơ tôi cũng không dám tin rằng anh em eVăn có gì hấp dẫn đến mức khách phải đến xem... cho biết. Rốt cuộc, câu chuyện cũng được lái đến cách đích mà nó cần phải đến: Khách nói: "Tôi có một cái hay hay nhưng khó lắm, không biết các ông có giới thiệu được không?". Tôi hỏi: "Cái gì thế?". Khách nói: "Thơ, nhưng có lẽ không phải loại thơ như các ông nghĩ, tôi cũng không biết phải gọi nó là cái gì." Tôi phấn chấn: "Rất hấp dẫn. Vậy ông cứ đưa đây. Mà ông đã gửi đi đâu chưa?". Khách nghi hoặc: "Ông thấy hấp dẫn thật à?" Tôi biết bị lỡ lời, nhưng cũng đành nói xuôi: "Nghe ông nói... rất hấp dẫn, nhưng giá được đọc trực tiếp thì vẫn hơn". Khách có vẻ vẫn chưa tin: "Nhưng quan trọng là các ông có đăng được không, khó lắm, tôi đã đi mấy nhà xuất bản rồi, chẳng ai cấp phép cả". "Thơ ông có gì nhạy cảm không?", tôi hỏi. "Không, thơ thuần tuý thôi", khách nói, "họ không cấp phép vì họ bảo đọc không hiểu gì cả. Tôi sợ các ông cũng vậy thôi. Khó lắm". Khi nghe khách nói vậy, tôi lại bị rơi về trạng thái ngán ngẩm ban đầu. Có tác giả nào không than phiền về việc mình không được hiểu: không được hiểu đúng, không được hiểu đủ. "Tuỳ ông thôi, lúc nào thấy thoải mái, ông cứ cầm bản thảo qua đây hoặc gửi file điện tử là hay nhất", tôi nói, chẳng hi vọng gì, và cũng không nghĩ sẽ còn gặp lại khách. "Vậy cứ thế nhé!", tôi đứng dậy chìa tay cho khách, nhìn ra cửa sổ, trời đã sẩm tối và tôi cảm thấy rất sốt ruột. Nhưng khách vẫn chưa đứng dậy. Tôi không biết anh ta còn nấn ná điều gì. Nhìn anh ta có vẻ bối rối, ngượng ngập. Một hồi, anh ta ngập ngừng mở cặp lấy ra một cuốn sách mỏng: "Tôi có cuốn sách muốn tặng ông. Có nhiều chỗ tôi chưa ưng ý đâu, nhưng để tái bản tôi sẽ sửa lại. Ông cứ đọc tạm." Trời ạ!
Dĩ nhiên, tôi nhận cuốn sách: Mùa xuân nghiêng, tập kí của Trần Nguyễn Anh, Nxb. Văn học 2002. Trong thâm tâm tôi tin chắc rằng đó là một cuốn sách cực dở, như hầu hết những cuốn sách mà tôi được tặng trong những dịp như vậy. Và cũng giống như những cuốn sách khác, buổi tối tôi cũng lật qua - thì cũng muốn xem nó dở đến mức nào! Nhưng, trái với sự chờ đợi: cuốn sách không dở. Và còn một ưu điểm khác: cuốn sách không dày, chỉ hơn trăm trang khổ nhỏ nhưng đầy ắp sự kiện, hình ảnh văn học. Tôi đọc liền một mạch và khi đi ngủ, tôi nghĩ lại toàn bộ câu chuyện buổi chiều và mong gặp lại tác giả: nhà báo Trần Nguyễn Anh, cây phóng sự của báo Tiền phong, người đã đi hầu khắp các thành phố và vùng miền Việt Nam, từ cực bắc tới cực nam, từ đỉnh Phan-xi-păng tới đảo Trường Sa và lưu lại dấu ấn trong những bài kí được viết theo một phong cách chủ quan, tinh giản, chỉ tập trung chắt lọc các hình ảnh và lời nói thực sự đọng lại ấn tượng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đọc lại cuốn sách này và vẫn thấy đó là một cuốn kí lạ.
Khoảng một tuần sau, Trần Nguyễn Anh trở lại toà soạn và đưa tôi bản thảo tập thơ in photocopy và một bản đĩa mềm. Tôi đọc, thấy thích, mặc dù phải thừa nhận rằng có nhiều chỗ không thể thâm nhập được. Gần như ngay lập tức, tôi quyết định đăng. Vấn đề là đăng thế nào và đăng vào thời điểm nào. Đấy vẫn là nỗi băn khoăn thường tình của những người làm báo văn nghệ trong nước. Thời gian đó eVăn đã bị "nhắc nhở" nhiều vì đăng một loạt tác giả "hình thức nhố nhăng" như Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Thanh Xuân, Phương Lan, Nguyễn Thuý Hằng... và đã có yêu cầu nên "hãm" bớt lại. Chính vì vậy chúng tôi phải đợi cho tình hình "nguội" bớt đi, đồng thời chuẩn bị sẵn một bài giới thiệu để "biện hộ" cho tính hữu lí của tập thơ. Rốt cuộc, sau gần hai tháng, ngày 7.12.2005, tập thơ Mặc xanh áo em đã được lên trang. Riêng về mảng thơ, tôi rất đắc ý vì đã đăng được tập thơ này của Trần Nguyễn Anh và nhiều sáng tác của nhóm Mở Miệng và các giả trẻ Sài Gòn trong thời gian làm ở eVăn. Đáng tiếc là sau này, eVăn không giữ được kho dữ liệu cũ của mình và phần lớn những tác phẩm đã đăng đều biết mất. [1]
Trần Nguyễn Anh là người viết nhiều: tản văn, tiểu luận, phóng sự, kí, truyện,... nhưng như có lần anh tâm sự với tôi, niềm đam mê lớn nhất của anh vẫn là thơ. Gần đây anh đã tập hợp lại những sáng tác thơ của mình thành một tập, nếu in thành sách chắc không dưới 400 trang, kể cả phần thơ hình ảnh. [2] Đây là dịp tốt để tôi giới thiệu anh một lần nữa trên talawas chủ nhật.
Đinh Bá Anh
Trần Nguyễn Anh
Thơ
Phần 1 Phần 2 Phần 3 Phần 4
Phụ lục 1
Đôi thơ bên sông
Hình ảnh là gì? Ta nhìn thấy mình ở trong gương và ngao ngán tự hỏi đấy là hình ảnh của ta ư? Không, ta không muốn và không bao giờ công nhận đó là hình ảnh của ta. Như thế, hình ảnh rất có thể không phải là một sự sao chép kiểu gương, ít ra ta cũng mong thế. Có vẻ như chúng cần phải giống phải khớp với cái ta nghĩ hơn là cái ta phải trông thấy hàng ngày, bên cạnh máy cạo râu Tàu sắc như dao thái chuối, trong gương.
Nếu thơ biết phản ứng vào mỗi buổi sáng khi báo vừa tung đến quán cà phê, liệu nó có phản ứng như thế không trước những hình ảnh của nó bên cạnh minh hoạ hoa muống, lá tre, cô em chống cằm?
Có câu chuyện ngụ ngôn về cái chết của con hổ. Nó đã chết đuối như Lý Bạch, chỉ có điều nó đã vồ cái bóng của chính nó dưới giếng. Nó đã trả giá cho việc không phân biệt được nó với cái bóng của nó.
Cũng tương tự như vậy, không ít ông người, đã cố gắng nghĩ rằng cuộc sống và cái bóng của cuộc sống phải là một, và họ có kết cục như con hổ kia.
Chỉ có bóng tối tuyệt đối mới xoá được cái bóng. Nhưng than ôi, mỗi ngày không thể có 24 giờ chìm trong bóng tối được. Người ta khoan khoái tỉnh dậy, thở phào sung sướng trong tiếng gà trong vắt, và lập tức, nhìn thấy bóng người trên vách, dưới chân. Nó đeo đẳng ta, nỗi ám ảnh về cái chết nghiệt ngã của người vợ trong câu truyện cổ, sự ngu ngốc và những oan khiên chỉ có lịch sử mới hoá giải được.
Thơ đôi khi tựa như cái bóng vậy. Nó ở rất gần ta, gần lắm, ta cúi nó cúi, ta đứng thẳng nó đứng thẳng, ta ngồi im nó cũng chẳng bỏ đi. Nhưng ta không phải là nó, mà nó cũng chẳng phải là ta.
Mọi nỗ lực vồ nó đều vô ích. Bởi ta không bao giờ sở hữu được nó, cũng như nó không thể sở hữu được ta.
Nhà chính trị có bóng của của nhà chính trị, đến cái bóng ấy nó cũng chẳng bao giờ say xỉn, và cái bóng ấy bao giờ cũng đi kèm với rất nhiều những cái bóng khác lố nhố xung quanh.
Còn đâu là cái bóng của của nhà thơ, cái bóng của thơ? Đó có phải là cái bóng nhỏ nhoi và sinh động của Poe đi vào thế giới của bệnh dịch giết người, như một kẻ vừa rồ dại lại vừa sáng suốt cuối cùng không?
Một người thầy đã về hưu của tôi bảo trong cái hang trên Hoà Bình hồi trước có những hình vẽ cổ, trên nhũ đá. Sau vì chuyển hang thành kho cất vũ khí nên cài bộc phá đánh vỡ cái chỗ nhũ ấy đi. Bây giờ thì cả Bộ Văn hoá tiếc muốn đứt cả ruột. Mà cả cái xứ Đông Nam á này tiếc chứ chả phải bộ. Không chừng chỗ hình ấy còn lại thì phải mở đường bay trực tiếp đến Hoà Bình ấy chứ. Không biết chuyện này hư thực thế nào. Chúng là những cái bóng của tâm hồn, đã có thể qua đời vì chất nổ. Và có thể là cái bóng cổ đại của thơ chăng?
Thời sơ sử chưa có chữ viết hoặc là chữ viết còn ít người biết đến cho nên lịch sử được cảm thông chủ yếu qua hình ảnh. Thông dụng nhất là hình trên trống đồng. Hình này có con chim đời sau phỏng đoán mà gọi nó là chim Lạc chứ nom nó cổ quá, có lẽ đã tuyệt diệt như khủng long, ai mà biết thời tối cổ gọi giống chim bay ngược chiều kim đồng hồ ấy là chim gì? Sử Tàu có nói chuyện biếu chim trĩ. Nhưng chim trĩ ngày xưa và chim trĩ ngày nay có phải một không.
Trên trống có mặt trời, thường là 12 tia. Phải chăng nó tượng trưng cho ban ngày, tượng trưng cho thời điểm mà mắt con người hoạt động tích cực và “nghệ thuật thị giác” ra đời, sự xuất hiện của hình ảnh dưới dạng dương bản và âm bản (bóng) được khai sinh.
Trên trống còn thấy nhà cửa, cóc nhái, và tất nhiên là cả những con người với các động tác, nom như phóng sự ảnh của tạp chí National Geographic. Thế giới hình ảnh, thế đấy, từ lạ lẫm đã trở nên quen thuộc.
Sự đơn giản trong tục ngữ khởi đầu cho việc dùng hình ảnh, và điều đó chứng minh chúng là những mảnh vỡ của ngôn ngữ cổ sơ: “Vú quả mướp”.
Thứ chữ tượng hình chứng tỏ mối quan hệ rất chặt chẽ giữa ý nghĩ và hình ảnh, ngôn ngữ và những cái bóng của nó. Hình ảnh không chỉ quan trọng mà còn thực sự là khởi thuỷ.
Sau hình ảnh được sử dụng như một đơn vị nghệ thuật thì hình ảnh đã dần thoát ra khỏi sự mô phỏng đơn thuần.
“Lỗ mũi mười tám gánh lông” điều ấy hoàn toàn không phải có loại tổng đại lý lông mũi. Nó chỉ có nghĩa là ta đôi khi phải biết cười đùa với những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy được: nói cho cùng đố ai đếm được lỗ mũi có bao nhiêu cái lông? chúng hết rụng lại mọc. Với thành phố đầy bụi như Hà Nội thì thậm chí lỗ mũi may lắm chỉ được bảy gánh là cùng. Con số này cũng tương đối thôi, bởi kinh phí cho công tác thống kê hiện là quá ít, phần nhiều còn dựa vào báo cáo không mấy khi khách quan của cơ sở. Mà cán bộ cơ sở vừa yếu lại thiếu.
Hình ảnh trong Kinh Thi được xem như một trong những cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật “hiện đại”. Anh cần có chìa khoá này để bước vào Kinh Thi. Hình ảnh là một đơn vị then chốt của tư duy nghệ thuật chứ không phải thứ tiền thân của máy ảnh kỹ thuật số.
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điểu thục nữ
Quân tử hảo cầu
Muốn giãi bày vẻ đẹp và tình cảm lứa đôi thì đầu tiên phải mượn đôi chim Cưu cất tiếng trong bãi bồi ven sông. Sự chung thuỷ của chúng khi đó có lẽ là gương mẫu cho con người, chính chúng nó đã gợi ý cho cái chung tình đang nhen nhóm dần lên trong đàn ông và đàn bà.
Mở đầu “Bốc cư” (Sở Từ) bằng câu:
Khuất Nguyên ký phóng
Tam niên bất đắc phục kiến
là để giãi bày tâm sự Khuất Nguyên bị đuổi ba năm không nhìn thấy mặt vua. Câu thơ mộc mạc, chẳng hoa mỹ gì cả, thật xứng đáng là thứ thơ khai nguyên. Và vua - chẳng qua cũng là một đơn vị của tư duy nghệ thuật mà thôi.
Tác giả lại tự xưng tên mình (Khuất Nguyên) chứ chẳng tôi ta gì cả, đời sau chịu không theo được.
Thơ Nguyễn Trãi tràn ngập hình ảnh.
Ngôn ngữ đến đâu hình ảnh tới đó.
Cây mai:
Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi
Ưa mày vì tiết sạch hơn người
Cây mía:
Viện xuân đầm ấm nắng sơ doi
áo tế hung hung thủa mặc thôi
Hình ảnh thơ có cái hay là không cần phiên dịch. Ví dụ nói cây mía thì ai cũng hiểu chứ nói là “tuy làm giám độc nhưng không tham nhũng tẹo nào chỉ sống bằng lương và làm thơ chống tiêu cực” thì chẳng ai hiểu thâm ý ám chỉ điều gì.
Vua Lê Thánh Tông bèn làm tập thơ gọi là “Cổ tâm bách vịnh”, toàn vịnh cảnh bên Tàu, mà ai cũng hiểu được cả.
Việt nữ nhan như ngọc
Du du Sở mộng trung
Ngô Vương chung ái sắc
Cao trúc Quán Khuê cung
("Trữ La Sơn")
Bài thơ vịnh về người con gái nước Việt nhan sắc như ngọc, vua Ngô ăn ngủ không yên, mê mẩn tâm thần, xây cung Quán Khuê ngất ngưởng làm quà. Nguyên ông Việt Vương Câu Tiễn thua trận, bèn dâng Tây Thi cho vua Ngô, vua Ngô mừng quá, suốt ngày mê mẩn vui thú cùng nàng, thế là lại bị Câu Tiễn diệt.
Sự thực nghệ thuật là cứ nhắc đến nàng Tây Thi xinh đẹp thì bài thơ đang từ khó hiểu mấy cũng thành ra dễ hiểu hơn nhiều, nhà phê bình như đang từ chỗ tối ra chỗ sáng vậy. Mừng lắm thay.
Một bậc thầy về hình ảnh thơ tất nhiên là bác Nguyễn Khuyến. Người ta thường nói tới vẻ đẹp của những bài thơ thu mà ông để lại như những di sản của dòng thơ thu. Nhưng thực ra bài thơ kỹ thuật cao nhất là bài “Thương con nhặng chết”, Nguyễn Văn Tú dịch nghĩa như sau:
Ngủ dậy mở cửa sổ, cất chén uống nửa vời
Nhặng xanh sao cứ đến mà vo vo thế
Mày chỉ cầu lẫy một hạt là đủ no bụng
Thì mày việc gì phải réo rắt mà kêu như ống sáo
Thương cho số phận mày, chỉ đáng đậu bờ bụi thôi
Chỉ vì coi thường người nên đến nỗi ngã vào canh rau lê
Thợ trời sinh hoá ra muôn loài thật là lắm chuyện
Làm cho người muốn tránh nắng, xua nồng, chưa được hài lòng
So với con nhặng trong truyện Kiều (đầy nhà vang tiếng nhặng xanh) thì đến đây con nhặng xem ra là một hình ảnh thơ phức hợp hơn, nó không đơn giản chỉ là sinh vật đại diện cho những kẻ tham lam chẳng biết chân lý nằm ở đâu. Con nhặng mới này có thể làm đại diện cho kiếp những trí thức quèn, chỉ vì hạt cơm mà kêu như ống sáo, cuối cùng y đã bỏ mạng do bị (được) bội thực.
Nếu nói người làm thơ trắng đen hay nhất thì đó là Nguyễn Du:
Trông lên mặt sắt đen sì
Nhưng làm thơ không khác gì vẽ thì có Văn Cao. Bố cục, ánh sáng, đường nét tạo hình, màu sắc rất chỉnh. Bài “Cánh cửa”:
Một tiếng động khoá
Xin mời vào
Cánh cửa mở ra thật rộng
Chỉ thấy
Một chiếc cầu thang nhà trên gác
Và ánh sáng
không động đậy
Một giọt mồ hôi
Lăn trên trán tôi
(1960)
Bài thơ này là ví dụ rất hay cho thấy sự khác biệt giữa hình ảnh thơ và hình ảnh hội hoạ. Mặc dù tác giả vừa là nhà thơ vừa là hoạ sĩ nhưng chưa thấy nhà sưu tập tranh nào đến mua bài thơ với tư cách một tác phẩm hội hoạ cả. Như thế mới biết là vẽ bằng chữ và vẽ bằng bột màu bằng sơn dầu kết quả khác nhau biết bao. Với bức tranh thơ anh chỉ cần thuộc là đủ, dùng bản phô tô cũng chẳng sao, còn với bức tranh sơn dầu thì anh phải có được bản gốc (kèm chữ ký càng tốt cho dù chữ ký đôi khi không sáng sủa gì hơn chữ bác sĩ).
Hình ảnh thơ có khi cả thời đại giống nhau, ví dụ hình ảnh cây thông, hình ảnh người chủ nhiệm, nhưng thường vẫn có những hình ảnh hết sức lạ lùng. Chúng chứng tỏ rằng sự hiện diện của hình ảnh thơ không hẳn phải dứt khoát cùng một diện mạo. Anh nằm ngoài sự thực / Em ngồi trong chiêm bao / Cách nhau xa biết mấy / Nhớ thương quá thì sao? ("Anh điên" – Hàn Mặc Tử).
Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng
Không nói không rằng nín cả hơi?
Chao ôi ! ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời
("Cô liêu")
Một người đồng nghiệp đã đến với chúng ta giữa lúc u buồn và chết chóc, nhưng thật đáng tiếc, anh ta lại chẳng nói được câu nào vì miệng đang ngậm đầy thơ.
Những bài thơ hỗn độn đọc rất mệt của Bùi Giáng thỉnh thoảng cũng có thể gặp được những hình ảnh vô thường trong sáng:
Con ruồi con kiến con châu chấu
Bươm bướm chuồn chuồn cũng thế thôi
("Nhe răng")
Hình ảnh thơ tưởng như gần trùng khít với hình ảnh gốc, nhưng một thời lại cho rằng nó xa lạ với cuộc sống chiến đấu điều này cho thấy quan niệm về hình ảnh thơ trở nên vô cùng phức tạp:
Bầm ra ruộng cấy bầm run
(Tố Hữu)
Nhưng sự phong phú của hình ảnh thơ thì đã rõ, chúng chứng tỏ sự đa dạng chính bằng sự hiện diện của mình:
Mộng đầu sông
mưa ngâu
thuyền bến cũ
Lòng đò đưa
đôi con nhớ quẫy cờ
Cá đớp động bóng lay vầng tuổi nhỏ
Phao chìm
câu giật hẫng một tình khô
("Thu điếu" – Lê Đạt)
Có khi sự phong phú đã được báo trước, như ta thấy Hàn Mặc Tử trong câu thơ cô độc của Trần Dần:
Tôi qua sáng ngõ
Sáng ngõ trong sao
Tôi qua sáng cầu
Sáng cầu trong nhịp
Tôi qua sáng mít
Sáng mít trong gai
Tôi qua sáng nhài
Sáng nhài trong nụ
Hình ảnh thơ như thế đã không còn là một hình ảnh kiểu bản đồ, nó in dấu trong tâm hồn thơ như một ngôn ngữ vừa cổ sơ vừa hiện đại:
Đường viền của người quặn thắt
trái tim tôi
(Dư Thị Hoàn)
Từ cây mía cô lẻ trong thơ Nguyễn Trãi, từ đôi thư cưu gọi yêu nhau trong Kinh Thi đến những cuộc trình diễn hình ảnh trong thơ Hoàng Hưng đã là một khoảng thời gian, tuy ngắn ngủi vô cùng so với sự sinh thành của mặt trời và những gì quanh nó nhưng cũng đã cho thấy hình ảnh thơ thay đổi diện mạo thật nhiều. Hình ảnh vụt hiện trong thơ Hoàng Hưng như được quay từ cái camera “kỹ thuật thơ”, rất nhanh, rất nhiều hình ảnh, đồng nghĩa với khối lượng ngôn ngữ và ý tưởng đan xen chồng chéo, trong một cái tổng thể mà nói cho cùng là cái mà người ta không bước ra ngoài được:
Bão loạn. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc – xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay.
Tú Xương: “Sông kia rày đã nên đồng”.
Đôi thư cưu thơ thì vẫn hót mãi.
Không ai bắn được nó bằng súng hơi và càng không thể quay hay làm món tiết canh.
Chúng vẫn ở đó, nơi bãi bồi của dòng sông vẫn chảy. Chúng đã biến những cái vô hình thành hữu hình, đã biến những mông lung và ảo giác trở thành những món quà bên sông. Ôi giống chim thư cưu, làm sao ta có thể biết ngươi nghĩ gì về nhau, nếu chúng không biến tất cả điều đó thành tiếng hót của các ngươi?
Đôi thư cưu kia không phải là thơ, thơ không phải là đôi thư cưu. Nhưng chúng cũng là thơ, và thơ cũng là chúng. Tựa như cái bóng trên tường vậy. Nó vẫn ở đấy, không đại diện cho anh, mà cũng chẳng phải là không đại diện cho anh. Nó ngồi nơi tường, còn lại cùng với anh, sau những ngốc nghếch đến tàn bạo dã man, nó còn lại như lời thức tỉnh chót về thế giới thẳm sâu hơn những gì đã biết.
Nó còn lại đó, nhưng sau những mất mát khổng lồ.
07.2005
Phụ lục 2
Đinh Bá Anh
Đọc Mặc xanh áo em của Trần Nguyễn Anh
Khi đọc tập thơ đầu tay của Trần Nguyễn Anh, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là: sẽ có người lại kêu lên: cái gì nữa đây! Lại một món nộm nhố nhăng, một trò đùa, một thứ vô bổ; hoặc giả, nặng nề hơn: một kiểu "xúc phạm thơ"!; hoặc giả, nhẹ nhàng hơn: đó đơn giản không phải thơ. Mà số người này chắc chắn sẽ không nhỏ. Biết làm sao, rất có thể tôi đang giới thiệu một thứ thơ không hợp lắm với khẩu vị của nhiều người. Tôi mong rằng quý vị sẽ kiên nhẫn.
Mặc xanh áo em là một bài thơ, đấy là cái ẩn dụ đầu tiên mà tác giả muốn ta phải chú ý tới. Tích tắc... tích tắc... và bài thơ bắt đầu. Cái tiếng kêu của kim đồng hồ hướng ta tới một ý niệm nào đấy về thời gian: bài thơ có thể là một trường đoạn (của cuộc đời?), "một vài trống canh" (của thế thái nhân tình?), vài ba phút trải nghiệm (của cá nhân?), và có thể, vài ba giây thử nghiệm (hiện đại, hậu hiện đại,...?). Dù sao, ta chẳng có lý do gì để không tin như vậy.
Cách trình bày tập thơ này cũng có ý nghĩa nhất định, vì thế tôi sẽ miêu tả qua các nét chính. Trong Mặc xanh áo em, các bài thơ nhỏ đều không có tựa đề, chúng được phân cách bởi các dấu hoa thị (*). Một số bài thơ nhỏ lại hợp thành chùm. Các chùm được phân định bởi các dấu phần trăm (%). Thực ra, kiểu đánh dấu này chỉ có tính vật lý. Ý là: mỗi chùm thơ nhỏ là một phần [trăm] của bài thơ lớn kia. Khi ta đọc đến đâu thì cái phần ấy tiêu đi, như ăn một miếng bánh vậy. Đến cái % cuối cùng là hết: tích tắc, hết phim (hết bài thơ). Bạn đọc có thể liên tưởng tới một chiếc đồng hồ cát: cứ sau một khoảng thời gian lại có một lượng cát rơi xuống; hay là, cứ một lượng cát rơi xuống lại tương đương với một khoảng thời giờ trôi qua. Ý tưởng này tuy ngộ nghĩnh, song khá rắc rối, bạn đọc có thể bỏ qua chi tiết này.
Bây giờ, khi tiếng tích tắc của chiếc kim đồng hồ đã điểm, ta hãy tạm quên đi cái thời gian tính của thi ca nói chung (kiểu: thơ là cái chết của thời gian). Có lẽ tốt hơn cả là hãy tìm hiểu những bài thơ cụ thể.
Ta sẽ bắt gặp ở Trần Nguyễn Anh những trò tinh quái, các dạng thể nghiệm với tiếng Việt. Một bài thơ đôi khi chỉ gồm những câu có bốn chữ hoặc sáu chữ - các câu được tạo ra bằng cách đảo lộn thứ tự các chữ trong câu mẫu. Có bài lại được tạo ra từ việc ghép các từ luyến, từ láy, từ đảo ngược... trong tiếng Việt. Có bài lại lấy chất liệu từ các bài đồng dao, các câu cửa miệng, lời ru con... trong dân gian. Có bài lại làm theo kiểu thơ nghe nhìn. Có bài lại làm từ những con số, những ký hiệu, những trích đoạn từ các cuộc tán gẫu trên mạng.
Với những bài thơ này, dường như Trần Nguyễn Anh muốn ta phải dừng lại, phải suy ngẫm về những gì nguyên thuỷ nhất, đơn giản nhất, những điều mà thường nghe, thường thấy nhưng lại chưa (hoặc không) tự hỏi về ý nghĩa của chúng. Bản thân tôi đã được trải qua những bất ngờ thú vị khi đọc tập thơ. Chẳng hạn, một đoạn thơ thế này: 3200 B.C / TK 21 / 1986 / 500 KV / 75 W / 7 vía / 2 bàn tay / Xăng 92 không chì / 14 inches / 19001570 / 1- 0 nghiêng về Thái Lan / 10 phân / 1 USD = 15.740 VND... Phải là người tinh tế và có óc quan sát tỉ mỉ thế nào mới nhìn thấy trong những con số, những biển báo, những ký hiệu đó một ý niệm nào đấy về thơ? (Những con số, biển báo, ký hiệu này vốn rất thân thuộc trong đời sống của mỗi người Việt trong thập kỷ qua, song không mấy ai để ý).
Tôi còn muốn trích dẫn thêm nhiều đoạn thơ độc đáo nữa của Trần Nguyễn Anh, song tôi e rằng bài giới thiệu sẽ trở nên quá dài. Tôi tin rằng việc đọc và khám phá tập thơ của Trần Nguyễn Anh sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Cuối cùng, xin lưu ý các nhà phê bình một điểm (có lẽ khá quan trọng). Theo những thông tin riêng mà tôi được biết: Về mặt lý thuyết, Trần Nguyễn Anh không phải là một nghệ sĩ tiền phong (avant-garde). Do cuộc sống và công việc, anh luôn phải đối mặt với những vấn đề thực tế, nên hầu như không có thời gian để tìm hiểu nhiều về những "góc nhìn lý thuyết" - hiện đại cũng như hậu hiện đại. Anh có đọc các nhà thơ đương đại, song không có cơ hội tìm hiểu các trào lưu, trường phái. Mặc xanh áo em là một sáng tác từ thôi thúc nội tại: tự tác giả thấy cần phải làm thế chứ không do ảnh hưởng lý thuyết. Điều này rất thú vị, vì như vậy, chúng ta có lý do để giả định rằng cuộc sống ở một môi trường như đô thị Việt Nam hiện nay tự nó cũng sẽ dẫn tới những hình thức tư duy nghệ thuật kiểu hậu hiện đại (mà tôi tạm gọi là hậu hiện đại tự phát).
Nguồn: eVăn, 7.12.2004 (bài viết hiện không còn trong kho dữ liệu của eVăn)
Phần 1 Phần 2 Phần 3 Phần 4
Trần Nguyễn Anh (các bút danh: Tam Lệ, Nguyên Anh) sinh năm 1971; từng theo học ở Đại học Vinh (Nghệ An), Phân viện Báo chí và Truyên truyền Hà Nội và Viện nghiên cứu Văn hoá Việt Nam. Hiện là nhà báo ở Hà Nội và Sài Gòn.
Tác phẩm Sống với núi lửa (tuyển tập bút kí, phóng sự, Nxb. Văn học 2005), Mặc xanh áo em (thơ, eVăn 2004 - tập thơ này hiện không còn được lưu ở kho dữ liệu của eVăn), Mùa xuân nghiêng (tập bút kí, phóng sự, Nxb. Văn học 2002) và nhiều bài viết và tác phẩm in rải rác trên các tờ báo văn học điện tử và báo giấy.