talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 01.04.2007


Đoàn Minh PhượngVà khi tro bụi


Doan Minh Phuong
Đoàn Minh Phượng
Ảnh: Đoàn Thành Nghĩa

Tiểu thuyết đầu tay Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng ra mắt ở Việt Nam vào tháng tư năm 2006, sau khi tác giả đã hoàn thành bộ phim truyện Hạt mưa rơi bao lâu (2004) và khẳng định vị trí đạo diễn điện ảnh của mình thông qua nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc tế. Với quyết định chọn một phương tiện biểu đạt mới, không phải là ngôn ngữ phổ quát quốc tế của điện ảnh, mà là nghệ thuật ngôn từ mang nặng tính riêng tư và gắn liền với số phận và lịch sử của một ngôn ngữ cụ thể, trong trường hợp này là tiếng Việt, tác giả đã chấp nhận một thách thức lớn. Tuy nhiên khác với tác phẩm điện ảnh trước đó với khoảng không - thời gian quá khứ của một làng quê Việt Nam cách đây hai thế kỷ, tuyến hành động cơ bản của tác phẩm tiểu thuyết lại diễn ra ở châu Âu và Ấn Độ trong thời hiện tại với những địa danh như Paris, Frankfurt hay Rajasthan… Và khi tro bụi vừa mang đầy chất thơ, chất ma lỵ, dường như gần gũi với phong cách của một Theodor Storm, cây bút văn xuôi hàng đầu của Đức vào cuối thế kỷ 19, hơn là với truyền thống của văn học Việt Nam, vừa mang tầm triết luận Đông – Tây như ở Siddhartha của Hermann Hesse, mặc dù thực chất đây là một cuốn Phản-Hesse, đồng thời lại là một cuốn truyện trinh thám với một cốt truyện và bố cục tinh vi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trương Hồng Quang

 

Đoàn Minh Phượng

Và khi tro bụi


I II III

And when this dust falls to the urn,
In that state I came, return.


Và khi tro bụi rơi về,
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương.


Henry Vaughan (1622 – 1695), The Retreat


1.

Sau ngày mù sương

Chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù, khoảng 5 giờ một buổi chiều tháng 11. Anh ấy đi đâu qua đoạn đường ấy vào ngày ấy, giờ ấy, không một ai biết. Anh không có công việc gì cần làm hoặc người quen ở vùng con đường ấy dẫn tới. Tôi không hoàn toàn hiểu cái chết của anh.

Tôi muốn mang chiếc bình lên một ngọn đồi ở miền trung du, đổ mớ tro của anh xuống đám cỏ và mang chiếc bình không về đặt ở thành cửa sổ, nơi tôi đã đứng suốt bảy ngày nhìn xuống con đường trước nhà. Nhưng không ai cho tôi làm như vậy. Mẹ anh sắp xếp để có một buổi lễ ở nhà nguyện nghĩa trang Friedsdorf. Sau buổi lễ đó, người ta mang anh đi thiêu và chiếc bình đựng tro từ thân xác anh được đem về đặt trong một toà nhà được xây để chứa những chiếc bình như vậy. Luật lệ không cho tôi đem chiếc bình về nhà. Tôi không biết họ sẽ cất giữ những bình tro trong bao lâu. Tôi cũng không biết bao nhiêu năm là thời gian cần thiết để lưu giữ những mớ tro có mang tên họ của một người, để nói rằng người đó đã một thời có mặt trên mặt đất, dưới bầu trời này.

Ở nơi tôi sinh ra, mầu trắng là mầu tang chứ không phải đen. Tôi tưởng đã quên điều này, vậy mà tôi lại nhớ, và khi nhớ lại rồi điều đó trở nên quan trọng. Quan trọng tuyệt đối trong một cuộc đời không còn gì là quan trọng nữa. Ngày tang lễ anh tôi mặc một chiếc áo trắng, dài. Lúc tôi bước vào nhà nguyện, mọi người nhìn tôi rồi vội quay đi, như tế nhị tránh nhìn một điều sai sót lớn lao. Tôi nghĩ: đừng bắt tôi làm khác, tôi chỉ có một lần này trong đời để mặc chiếc áo trắng dành cho anh.

Có một người đàn bà ở cùng khu phổ tôi ở, chồng chết, bà buông tất cả các màn che cửa xuống, sống trong một căn nhà tối và không gặp ai nữa. Một người bạn của chồng tôi kể tôi nghe về bà ấy và nói: “Chị phải chấp nhận chồng chị chết rồi. Chúng ta ai cũng chết. Chị khóc bao nhiêu cũng được nhưng sau đó thì phải tiếp tục sống như một người bình thường, đừng để cái tang này biến chị thành một hồn ma.” Tôi trả lời: “Anh không phải lo cho tôi. Tôi sẽ không sống với bóng tối. Tôi sẽ quên anh ấy, tôi hứa.” Và tôi cố gắng quên, từng chuyện, từng chuyện một, từng ngày, từng ngày một trong khoảng đời ấy của tôi, từ ngày tôi gặp anh cho đến ngày anh chết.

Tôi trút lên mặt bàn những tấm ảnh của anh và những tấm ảnh anh đã chụp. Những thành phố và những núi rừng anh đã đi qua, một cái bông mới nở trong chậu, một tách cà phê đang uống, một đôi dép… Nếu tôi nhìn lâu, không gian phía sau của những bức ảnh cũ còn dẫn tôi đi xa hơn, đưa tôi chìm sâu hơn vào những đoạn đời anh đã sống. Tôi không muốn xem những ảnh đó để quay lại quá khứ. Tôi trút chúng lên mặt bàn để tìm cách tách bỏ chúng ra khỏi đời tôi. Tôi phân loại những tấm ảnh theo nơi chốn, theo thời gian, bỏ chúng vào các túi giấy. Tôi viết lên bên ngoài túi những bức ảnh đã được chụp trong chuyến đi nào, rồi lấy giây buộc những túi giấy ấy lại. Tôi không biết làm gì với chúng, nhưng ít ra, sau những ngày những đêm ngồi sắp xếp, tôi cảm thấy tôi đã tìm được chỗ nằm có tên tuổi cho những bức ảnh, và một khi có nơi ở rồi, chúng sẽ thôi không ám ảnh tôi nữa.

Tôi không thể đốt một đống lửa lớn mà đốt hết những đồ vật anh để lại. Để đẩy những dấu vết rằng anh đã sống ra khỏi đời tôi, tôi phải thức ngày thức đêm để nhìn chúng, rồi cất chúng đi. Một cuốn sách đọc chưa xong, một chai thuốc nhỏ mắt, một cái khăn lông thưa có in sọc mua ở một cái chợ nghèo nào đó ở Kenya, một cái bình để mang cà phê ấm đi đường xa. Những đồ vật không biết nói nhưng không im lặng. Chúng thở khẽ khàng vào ban ngày, trở mình vào ban đêm vì mất ngủ. Tôi phải cầm chúng trên tay, từng món một, ngồi nhìn chúng đến khi chúng biết rằng tôi hiểu, thì chúng mới chịu thôi không trở mình. Và tôi bỏ chúng vào rương đóng nắp lại.

Tôi hiểu gì? Cái chết?

Có khi tôi nghĩ tôi không còn nhớ anh. Nhưng có khi tự nhiên, một khoảnh khắc kỳ lạ chợt trở về. Không phải là một câu chuyện, mà chỉ là một khoảnh khắc ngắn và rõ ràng. Anh ấy hay hút một điếu thuốc đến nửa rồi dụi tắt và bỏ nó vào túi áo để dành lúc khác hút tiếp. Rồi anh quên mất những nửa điếu thuốc ấy. Ngày xưa tôi thường thò tay vào túi những chiếc áo anh thay ra để lấy chúng đem vất đi. Nhiều năm sau khi anh chết, tay tôi chợt chạm lại những mẩu thuốc ấy trong tâm tưởng, có khi vẫn còn một chút ẩm ở đầu lọc đã nằm trong miệng anh khi anh hút nó. Nỗi nhớ chỉ là sự trở lại của một khoảnh khắc. Không hề có một năm tháng nào ở giữa khoảnh khắc ấy và hiện tại. Nó là hiện tại.

Mất ba tháng tôi mới cất xong đồ đạc của anh vào những cái rương. Tôi gửi đến nhà cha mẹ anh và họ giữ chúng trong cái kho dưới hầm. Chừng mươi năm sau sẽ có người không biết những thứ đó tại sao ở đó và chở chúng mang đi bỏ.

Sau khi mang đi hết những gì có thể sẽ nhắc nhở tôi rằng anh đã từng có mặt trên đời này, cương quyết giữ lấy lời hứa sắt đá rằng tôi sẽ quên anh, rằng sự quên lãng sẽ trọn vẹn, tôi chợt hiểu rằng tôi sẽ chết theo anh. Nếu sống trong thương nhớ se sắt tôi sẽ sống như một bóng ma u uất, nhưng tôi cũng không thể chịu đựng nổi thêm một sự quên lãng nào nữa trong đời. Đôi lần đốt đi ký ức, tâm tưởng tôi chơi vơi trong một nỗi hao hụt không có gì lấp nổi. Tôi không còn gì, hồn tôi chỉ là một đám tro.

Tôi chỉ mất một ngày để bỏ những đồ đạc của tôi. Tôi đem cho tất cả quần áo và sách vở, ly chén và đồ dùng trong nhà bếp. Tôi giao chìa khóa nhà cho một công ty địa ốc, nhờ họ bán nhà cùng những bàn ghế trong đó. Và tôi đi tìm cái chết trên đường.

Đáng lẽ tôi nên chết đi trong vòng hai tuần sau khi chồng tôi chết. Chết lúc chưa tin rằng anh ấy không còn; lúc chưa kịp hiểu cái chết có thật. Lúc còn chưa chịu nhận mình bất hạnh. Chết vào một trong những đêm ngủ thức giấc không thấy buồn vì tưởng chồng còn nằm gần bên; lúc còn hoảng loạn, ngày còn mơ màng nhìn thấy bóng của anh ở mọi góc phố, tối còn nhìn thấy cái đốm sáng nhỏ từ điếu thuốc anh đang hút, thấy làn khói mỏng vương lại không muốn tan đi. Chết không hề biết rằng cái chết cần được hiểu.

Nhưng tôi đã không chết vào những ngày đó. Không còn có thể có cái chết mông lung, tím ngắt ở giữa trung tâm cơn gió xoáy của nỗi bi thảm. Chỉ còn lại cái chết được chọn lựa. Nó cần được hiểu, cho dù người hiểu nó chỉ là tôi mà thôi.

Tôi đi khỏi nhà, một ngày nào đó sẽ chết trên đường, ở một nơi chốn không tên. Trong ba tháng tôi sẽ nhặt nhạnh lại mình. Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.

Tôi sẽ sống trên những chuyến xe lửa. Ở đó, tôi sẽ gặp nhiều người, nhưng tôi sẽ không gặp bất cứ một người nào biết tôi là ai. Tôi muốn họ mãi mãi là người lạ và mỗi khi tôi nói chuyện với ai đều không có lần thứ hai. Nếu tôi có một địa chỉ để ở, một tiệm bánh mì để mua bánh mỗi sáng, một con đường mà tôi biết từng khung cửa sổ của những căn nhà, thì rồi tôi cũng sẽ có người quen, có kỷ niệm, có một nơi chốn thuộc về mình. Quê hương là gì nếu không phải là sự lập lại. Tôi không muốn tất cả những thứ ấy. Tôi biết mặt đất là một thứ khó chia tay, nên tôi sẽ sống trên những chuyến tàu. Tôi đã cần ba tháng để cất những cái chăn chồng tôi đã đắp vào trong rương. Tôi cũng cần ba tháng để nhặt nhặnh, cất giữ những gì mà tôi có vào một nơi nào đó. Lần này không phải là những cái rương. Những gì tôi có, nó vô hình. Tôi chưa biết cất chúng ở đâu, cũng như không ai biết gió thì cất ở đâu. Xong việc, tôi sẽ uống thuốc độc chết. Tôi không còn người quen, không còn việc gì trên đời để làm, nơi chốn nào để đến. Ba tháng nữa, tôi sẽ mua chiếc vé cuối cùng và trên đó nơi đến sẽ không còn là một thành phố. Nó là một nơi nào khác.

Tôi nhuộm nâu mái tóc, chọn mầu phấn trắng và màu son tối. Tôi mua một cái va li và vài túi xách sang trọng, cho vào đó quần áo mới: quần tây, áo lụa, áo ngủ… đồ lót mềm mại, xà phòng và mỹ phẩm đắt tiền, lược chải đầu, gương cầm tay. Những thứ đắt tiền để bù đắp cho sự thiếu tiện nghi khi sống trên tầu. Những thứ đắt tiền mang trên người nó những giá trị giả dối, làm cho người dùng nó cũng thấy mình không thật và cách xa thế giới bình thường.

Khi cần ngủ, tôi đi tàu có toa nằm. Khi cần yên vắng, tôi mua vé hạng nhất. Nhưng thường tôi tìm một ghế ngồi gần cửa sổ ở toa hạng hai.

Giữa những chuyến tàu có khi tôi xuống những thành phố lạ, bỏ quần áo ở tiệm giặt, gội đầu ở tiệm, rồi đi lên đi xuống những con phố, vào quán cà phê, tiệm giày hay tiệm sách. Khi ăn tối trong một thành phố, tôi chọn rượu ngon, rồi không bao giờ uống hết. Tôi tránh ngủ lại các khách sạn. Tôi tránh nằm xuống một chiếc giường êm ấm trên mặt đất. Tôi luôn luôn trở về những sân ga. Dần rồi tôi quen tiếng rầm rập của xe lửa trong giấc ngủ, cũng như những thủy thủ quen chiếc thuyền của họ.


2.

Tình yêu đã chìm sâu hơn đáy của nỗi buồn

Người lạ ngồi trước mặt tôi trong toa xe, quay lưng về hướng đi của tầu. Hình như anh có mời tôi một điếu thuốc. Bên ngoài mặt trời cuối đông để vương trong không gian một chút sắc vàng tái, buồn và lạnh.

Anh nói chuyện thời tiết, rồi đến tin tức đêm qua trên truyền hình, những hình ảnh về nạn đói ở Eritrea. Tôi nói tôi không có máy truyền hình. Không lẽ tôi không xem báo? Anh ngạc nhiên hỏi.

“Không. Tôi có chuyện buồn riêng, nên tôi tránh tất cả những chuyện buồn lớn hơn của nhân loại.”

Người đàn ông nhìn tôi với một câu hỏi trong mắt. Tôi trả lời câu hỏi không nói ra đó:

“Tôi chỉ còn ba tháng để sống. Dài lắm thì nửa năm.”

Tôi không nói tại sao chỉ còn ba tháng, anh sẽ nghĩ tôi bị ung thư. Nét mặt anh trang nghiêm.

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi không thích cái không khí khi người ta bày tỏ niềm kính trọng trước sự bất hạnh. Tôi không biết làm sao dừng câu chuyện lại.

“Tôi là bác sĩ làm việc ở phòng hồi cứu, tôi tiếp xúc với cái chết hầu như hàng ngày. Nhưng chính vì vậy mà tôi biết rằng không có cái chết. Người ta chết rồi vẫn tiếp tục sống. Có một thế giới bên kia.”

“Anh tin là người ta chết vẫn còn đi lại được?”

“Vâng. Hãy biết như vậy, cô sẽ thấy bớt đau buồn từ giã thế giới này.”

“Thế giới này không có gì khó chia tay. Nhưng tôi vẫn ước gì lòng tôi bình an hơn vào hôm tôi phải đi. Có cách nào không?”

“Cô chỉ cần giữ trong lòng cái niềm tin giản dị và tuyệt đối rằng không có một thứ gì làm cho linh hồn con người tan biến đi được. Nó tồn tại. Có sự liên tục, điều mà tôn giáo gọi là sự vĩnh hằng. Cô có thể có được niềm tin đó bằng chiêm nghiệm. Hoặc bằng lời cầu nguyện. Sự thật đó không ở ngoài tầm tay của bất cứ ai.”

Người đàn ông còn muốn nói nhiều hơn về sự tồn tại của linh hồn, để an ủi một người sắp phải chết. Nhưng đã đến trạm anh phải xuống tầu. Anh đưa tôi địa chỉ, số điện thoại và nói tôi nên gọi cho anh. Tôi từ chối và nói:

“Cám ơn anh. Đến bây giờ tôi mới đi tìm lòng tin thì không còn kịp nữa đâu. Tôi không biết có linh hồn hay không. Nhưng tôi cũng không ước ao được biết.”

Tôi ao ước được an tâm khi tôi ra đi. Làm sao có được nó? Tôi hiểu rằng người ta chết được yên lành vì đã sống xong phần đời dành cho mình, chứ không vì chết rồi thì linh hồn tiếp tục sống. Nhưng cái phần đời của tôi, làm sao tôi hiểu nó là gì để có thể sống cho hết kiếp, trong ba tháng?


Tôi không ngủ sâu. Không ai ngủ sâu bao giờ trên một chuyến tàu. Vào một đêm, khi còn nửa chìm trong một giấc mơ, ý thức tôi chập chờn, mơ hồ và buồn bã. Tôi nằm đó và nhớ tới cây dương cầm mầu đen trong phòng khách nhà tôi. Cây đàn thật lớn, thật nặng, được làm thật công phu, như một viên đá chận giấy giữ cho đời người ta, đời này qua đời khác, đừng bị gió cuốn đi. Tôi có cây đàn ấy. Vậy mà đời tôi vẫn bị gió cuốn đi.


Một hôm chiều tối tàu đi chậm lại ở khu ngoại ô một thành phố, chờ đến lượt vào ga chính. Tôi nhìn ra ngoài, thấy một căn nhà bên kia đường. Có một cái cửa thấp bằng gỗ mở vào sân. Trong sân có mấy bụi cây mùa đông, lá mang một mầu xanh ảm đạm. Đèn trong nhà đã mở màu vàng ấm. Ở thành cửa sổ tôi thấy vài chậu hoa, mấy con thú bằng vải, đôi ba cuốn sách. Từ căn nhà ấy một nỗi dịu dàng khẽ khàng loang ra, khi sự dễ chịu ấy chạm đến tôi nó làm tim tôi buốt đi trong vài nhịp.

Tôi không biết những người sống trong căn nhà đó có hạnh phúc không. Nhưng hạnh phúc của họ không hề quan trọng, chỉ có hình ảnh của sự hạnh phúc là quan trọng. Thế giới không phải là thế giới mà chỉ là cảm nhận của chúng ta về nó mà thôi.

Rồi tàu đến và rời thành phố, đi qua những cánh đồng nối tiếp nhau, có khi bằng phẳng, có lúc lên núi xuống đồi. Có những lối đi băng qua những cánh đồng đó, mất hút về phía xa. Rồi xe đi qua một cánh rừng, một khu phố lưa thưa nhà cửa, loáng thoáng ánh đèn, đường xe đi lên đi xuống. Quê hương của loài người bây giờ lại lùi xa bên ngoài khung cửa kính, lúc nào cũng chỉ lướt qua, nhạt nhòa và không tiếng động.


Một người đàn ông đi toa hạng nhất nói với tôi rằng ông ta muốn chết. Tôi không hề hỏi tại sao, nhưng ông vẫn cứ kể câu chuyện người giàu cô đơn của ông. Vợ ông yêu ông vì tiền, rồi bỏ ông vì nhiều tiền hơn. Cô con gái khinh thường ông. Ông nói:

“Tôi đã muốn chết cho rồi, nhưng không làm được.”

“Vì sao?”

“Nếu tôi biết được chết rồi mình sẽ đi đâu, gặp những chuyện gì, thì tôi đã chết từ lâu. Nhưng tôi không biết, vậy là cứ tiếp tục sống.”

“Ông ở lại đây chỉ vì không biết phía bên kia như thế nào?”

“Ừ, vì biết đâu bên kia còn khổ hơn bên này.”

Lúc đó xe chạy ngang qua một giòng sông. Tôi nói:

“Dưới gầm cầu này có mấy người vô cư ngủ, ông có muốn là họ không?”

“Không bao giờ.”

“Vì sao?”

“Họ không có tiền.”

“Ma còn ít tiền hơn họ.”

Ông nhà giàu muốn có những chọn lựa, cái chết là một. Nhưng ông không có đủ thông tin về nơi đến, nên không bắt đầu chuyến đi. Dù chán đời, ông ta đâu bao giờ muốn chết, ông chỉ nghĩ tới một chọn lựa nữa thêm vào những chọn lựa ông có trên đời. Chọn lựa nào cũng bất trắc và ít tiền hơn cái ông đang có, nên ông tiếp tục sống như thế, xem giá biểu cổ phiếu vào buổi sáng và ti vi vào buổi tối, và tiếp tục chán đời.


Tôi đã quen với tiếng xe lửa trên đường ray, nó đã trở thành một phần của trái đất và của tôi. Vậy mà một đêm, nó làm cho tôi hoảng loạn. Có thể vì lúc đó xe đi lên dốc một đoạn dài. Có thể vì tôi đang hơi sốt. Tôi thấy lao đao cả người, bị ma quỉ đuổi đến đuối sức, sắp ngã vào một hốc núi tối tăm. Hai tay tôi giữ lấy thành giường nằm, và tiếng sầm sập đều đặn, cấp bách và vô tận như tiếng đánh trống dục nô lệ chèo thuyền thuở xưa. Tôi nghe tiếng trống ấy mà tay chân rã rượi không chịu chèo. Bọn chủ sẽ trói tôi lại để đánh. Giây phút chờ đợi chuyện đó xảy ra còn ghê gớm hơn chính những ngọn roi quất xuống.

Tôi ngủ thiếp đi. Buổi sáng thức giấc tôi bình tĩnh trở lại. Tôi đến toa nhà hàng, ăn một bữa sáng lớn, gọi champagne trong cái chai một phần tư lít. Rượu và rất nhiều cà phê làm cho tôi vừa tỉnh táo vừa nao nao lạ lùng. Tôi nhìn ra cửa sổ, nhìn cánh đồng, nhà cửa và bầu trời chạy lui, chạy lui mãi, tôi biết mình sắp ra đi. Thời gian còn lại rất ngắn. Hàng ngày mặt trời màu vàng tái lên xuống âm thầm bên kia thành phố, bên kia những ngọn núi hay những đám mây, im lìm, nhưng nó vẫn đến vẫn đi bên trên mọi tiếng động của thế giới. Thời gian đang trôi, năm sắp tàn. Tôi sẽ chết trước khi mùa xuân đến.


Tôi nhớ có lần nghe kể là phụ nữ xứ tôi chồng chết thì để tang ba năm. Trong ba năm đó họ không trang điểm, mặc quần áo sổ gấu và không tiếp khách. Tôi nghĩ họ không chết theo chồng được, nên phải sống gần với cái chết, nếu không thành tro than được ít nhất cũng phải héo hắt đi như những bông hoa đứng cạnh lửa.

Tôi ngồi một mình trong gian xe lửa. Một người đàn ông bước vào. Anh ta hơi cúi xuống vì quá cao. Anh ta cao bằng chồng tôi. Chỉ có vậy thôi mà trong giây đầu tiên tôi tưởng chồng mình sống lại. Người tôi bừng lên vì hoảng loạn. Khi nhận ra anh ta là một người khách lạ, tôi muốn òa ra khóc. Tôi muốn vỡ ra như mây thành nước buông mình xuống đất, khi mưa hết rồi thì không còn tôi nữa.

Chồng tôi chết, tôi không khóc. Nếu hôm đó tôi khóc thì mọi chuyện đã khác. Nước mắt xác nhận rằng chồng tôi chết và tôi sống; rằng tôi ôm lấy sự chia ly và sẽ sống với nỗi buồn. Còn tôi, tôi có nỗi buồn nhưng không có sự sống, trong khi người ta phải sống đã, rồi mới có buồn vui. Nên tôi không biết buồn. Tôi chưa bao giờ khóc, chưa bao giờ giã từ với chồng tôi.

Vậy mà hôm đó tôi sắp khóc òa trước một người không quen. Chỉ vì người đàn ông đó cao chừng bằng chồng tôi. Tôi sợ quá, cứ nhìn mãi ra ngoài cửa, cố nén không run rẩy, không vỡ ra, không nhìn thấy người lạ ấy.

Thế giới ở ngoài xa lướt thướt trôi qua khung cửa kính của chuyến tàu. Tôi nhìn mãi, nhìn mãi những cây cối, những cánh đồng, những con đường đi lên đi xuống. Rồi tôi chợt nghe bàn tay của người đàn ông đặt trên vai tôi, nơi cổ nối vào thân mình. Tôi không ngước lên, không biết mình phải nói gì, làm gì…

Không một lời hỏi han nào từ miệng anh ấy hay từ tôi. Chúng tôi chạm lấy nhau.

Người đàn ông lạ kéo những màn cửa của gian tàu lại. Và chuyện ấy sắp xảy ra trong tiếng rầm rập của chuyến tàu đang lướt qua một cánh đồng trong vô số cánh đồng tôi đã đi qua.

Trong sự kề cận của da người, tôi nghe loáng thoáng làn hơi âm u của cái chết. Nó dâng càng lúc càng đầy, lẫn vào trong hơi thở, lẫn vào những chuyển động của thân thể đang sửa soạn cho ân ái. Mùi hương ở bên tôi. Mùi hương ở trong tôi. Mùi hương của cõi âm.

Trong một khoảnh khắc, tôi tưởng như chồng tôi vừa bước vào toa xe. Rồi tôi nhận ra người đàn ông không phải là chồng tôi. Rồi tôi buông mình để cho chuyện ái ân sắp xảy ra với một người lạ. Có thể tôi muốn tìm lại cái cảm giác tôi đã có bên chồng, có thể là tôi muốn thở lại những hơi thở bừng bừng hỗn loạn của chính mình. Dù thế nào, trong một đôi giây phút, tôi tưởng tôi đã quay lại với sự sống, làm cái việc nồng nàn nhất của thế giới những người sống. Nhưng ngay trong khoảnh khắc sự quay về đó sắp xảy ra, tôi thấy tôi ở gần cái chết hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ tới chồng tôi. Tôi nghĩ tới tình yêu. Tình yêu chìm xuống sâu hơn sự sống, sâu hơn cái đáy của nỗi buồn, đã lắng vào cõi chết.

Tôi nói:

“Tôi khát nước.”

Người đàn ông để lơi vòng tay. Tôi quay đi, tự rót cho mình một ly nước đầy rồi cầm ly nước bước ra khỏi gian tầu.

Cuộc ái ân không thành với một người đàn ông làm cho tôi thấy rõ khoảng cách giữa mình với cuộc đời. Không có một con đường nào, một người nào đưa tôi trở về với thế giới của những người đang sống.


Tôi vẫn nhớ những thời khi tình yêu vẫn còn đó. Khi tôi nghe tiếng chim gọi nhau những chiều tối, hay tiếng còi của những con tàu chở than trên sông Rhein đi ngang qua thành phố, tôi tìm được chút ý nghĩa trong những âm thanh quen thuộc buồn buồn của một ngày. Hoặc khi tôi đi làm về nhà vào một chiều thu, bước vào một căn phòng chưa thắp đèn, nhìn thấy chút nắng cuối ngày hắt qua cửa sổ và rọi qua cái ly nước bằng thủy tinh uống dở còn để trên bàn, tôi tìm được cái đẹp trong cái ánh sáng mong manh đó. Những đồ vật và những khoảnh khắc của cuộc đời được gắn lại với nhau bằng một thứ keo, nối lại với nhau bằng chút ý nghĩa, một chút tình yêu, khẽ khàng và ít đam mê, nhưng bàng bạc đủ để cho cuộc đời được nguyên vẹn.

Nhưng vào ngày chồng tôi chết, tôi biết một cuộc đời nguyên vẹn không những cần một thứ keo gắn những đồ vật và những khoảnh khắc của cuộc đời với nhau, mà còn cần một thứ keo để gắn tôi vào vào cuộc đời. Thứ keo này đã mất rồi. Buổi tối tôi nằm nhìn lên cái khoảng trắng mờ mờ trên trần nhà, nghĩ về những hình ảnh và những âm thanh ở những nơi khác của một thế giới càng ngày càng trôi đi xa.

Tôi vẫn mơ hồ cảm thấy mình không thể chấm dứt một thứ mà không biết nó là gì. Người ta chỉ giết được người chứ không giết được ma. Như một loài ma trơi, tôi đã sống ở bên ngoài cuộc đời, vừa sống vừa xóa đi ngày tháng và ký ức. Tôi bập bềnh trong không khí, lo sợ sức hút của trái đất làm cho tôi đau đớn. Đến khi chọn lựa cái chết, tôi vẫn không hiểu nó, không tìm cho nó được một ý nghĩa nào dù rất nhỏ.

Tôi phải đi tìm tôi, ghi chép mình ra trên giấy. Tôi phải nhìn thấy mình, đọc được mình. Tôi phải có thật để cái chết của tôi có thật.


3.

Quyển sổ

Tôi cần một quyển sổ. Tôi mở va li tìm mặc dù tôi biết không có quyển sổ nào trong ấy. Không phải là một mẩu giấy xin của người soát vé hay người bán nước, mà là một quyển sổ hẳn hoi với nhiều trang giấy trắng, và trang nào cũng là của tôi. Tôi không thể không có nó được. Không ai có thể sống mà không có nó được. Nhưng tôi nhớ lại là tôi không sống. Tôi đã đốt hết tất cả những quyển sổ trong đời tôi. Điều đó đâu phải tình cờ. Tôi đã quyết định không bao giờ viết một câu nào nữa, không còn nhật ký, không còn thư từ, không còn ghi chép trên lịch những thứ phải làm, phải nghĩ, phải chờ đợi xảy đến.

Tối nay thì khác. Dù chỉ còn sống một năm hay một giờ thì tôi cũng phải có một quyển sổ. Và thời giờ của tôi càng ít, thì tôi càng cần nó. Tôi không thể chờ đợi thêm một khoảnh khắc nào nữa, tôi phải có nó.

Tôi xuống ga gần nhất, lúc ấy đã qua 1 giờ khuya. Trên sân, vài người vừa cùng xuống bước vội khỏi ga. Vài người chờ tàu, trông họ họ buồn buồn, ảm đạm. Tôi tìm chỗ bỏ va li trong một ngăn tủ sắt lớn, rút chìa khóa rồi nhìn quanh: không còn một cửa hàng nào mở cửa.

Tôi bước ra, phố xá tối im lìm. Chỉ còn vài ba tài xế taxi là còn thức một nửa. Tôi bước lên xe. Tôi muốn mua một quyển sổ, ông có biết mua ở đâu không? Sổ để viết? Vâng, sổ để viết chứ không để làm gì khác. Vì tài xế là người ngoại quốc, nên ông ta không hỏi tại sao tôi cần nó lúc nửa đêm. Người Đức tin vào quyền lực tuyệt đối của chiếc đồng hồ, và nửa đêm không phải là giờ người ta đi cần một quyển sổ. Họ luôn luôn hỏi: Cô có biết đã mấy giờ rồi không?

Tài xế suy nghĩ rồi nói với tôi rằng chỉ có các siêu thị mini ở các trạm xăng trên xa lộ là còn mở cửa vào nửa khuya. Chúng tôi đi ra xa lộ.

Chúng tôi đi gần suốt đêm, đến những cửa hàng bán tạp hóa cho những người đi đường xa, không bao giờ đóng cửa. Họ bán trăm nghìn món hàng, có món lạ lùng như cái chuông reo lên báo động khi người đeo nó ngủ gật. Nhưng không có ai bán một quyển sổ nào.

Chúng tôi quay về nhà ga. Trên đường đi, tài xế hỏi tôi quê cô ở đâu. Tôi nói tôi không biết. Nhưng cô không phải là người Đức mà. Vâng, tôi không phải là người Đức.

Tôi đến ga lúc gần bốn giờ sáng. Lúc 5 giờ 20 có một chuyền tàu đi Liège. Tôi không muốn bước lên tàu không có quyển sổ. Còn hơn năm tiếng nữa những cửa hàng đầu tiên mới mở cửa. Tôi đi bộ xuống phố. Trời có lẽ âm 2 độ, dăm ba bông tuyết nhỏ bay trong không khí.

Tôi đi bộ trong khu trung tâm. Có vài ba người ngủ ngoài đường, vài ba chai bia không trên mặt đường lát đá, và ánh đèn hắt ra từ những khung cửa kính của những cửa hàng đóng cửa. Một người ngủ không được, ngồi trong góc hỏi vọng ra xin tiền tôi; một người khác hỏi tôi có muốn ngủ với ông ấy không. Tôi không trả lời, đi bộ về hướng sông.

Ở gần sông có một cái khách sạn lớn, tầng trệt đèn vẫn sáng. Tôi đi về hướng ấy.

Tôi bước vào sảnh chính. Một khách sạn sang trọng là một nơi thoáng và sạch, không thể xấu, không thể đẹp. Nó không có cá tính, và người ta thấy dễ chịu chính vì nó cho phép người ta vô cảm, đến không có gì để ánh mắt phải dừng lại, đi không có gì để nhớ. Tôi đi ngang một dãy những gian bán quần áo, hàng lưu niệm, hàng xa xỉ. Tất cả đều đóng cửa nhưng vẫn để đèn đủ sáng để nhìn thấy hàng chưng bày. Có một hàng bán đồng hồ và bút máy đắt tiền. Trong một tủ kính tôi thấy họ để một cây bút máy gác ngang bên trên một quyển sổ để mở. Quyển sổ có bìa da đen, không dầy lắm, giấy có kẻ hàng ngang và dọc, quyển sổ ấy đẹp. Tôi đi đến quầy tiếp tân. Chỉ có một người đàn ông trẻ đứng phía sau quầy. Người này quá trẻ, tôi nghĩ.

“Đàng kia có một quyển sổ. Tôi muốn mua nó.”

“Tôi sợ là không được, thưa bà. Các gian hàng đều đang đóng cửa.”

“Vậy thì phiền ông đi lấy chìa khóa mở cửa. Khách sạn này nói rằng không có một ý muốn nào của khách hàng các ông không làm hết sức mình để chiều. 24 giờ trong một ngày. Huống chi đây chỉ là một chuyện rất nhỏ.”

“Tôi không nghĩ là tôi được phép làm như vậy, thưa bà. Xin bà quay lại sau chín giờ ba mươi.”

“Tôi không chờ được, tàu của tôi rời thành phố này lúc năm giờ hai mươi. Tôi chỉ còn 25 phút nữa.”

“Vậy thì bà chờ đến nơi hẵng mua sổ vậy.”

“Tôi cần có quyển sổ trên tàu. Nếu không giải quyết được ông cho tôi nói chuyện với cấp trên.”

“Tôi có thể đưa bà tạm ít giấy trắng để ghi chép trên đường đi.”

“Tất cả ghi chép trên giấy rời đều sẽ bị mất hết, vậy còn ghi chép làm gì? Mà ai nói với ông rằng tôi cần ghi chép?”

Tôi đặt lên quầy thẻ tín dụng và nói:

“Xin ông tính tiền quyển sổ vào đây.”

Tôi đặt tiếp lên quầy tờ giấy một trăm quan Thụy Sĩ và nói tiếp:

“Còn cái này là của ông.”

Trong sảnh khách sạn lúc ấy chỉ có tôi và anh trực đêm quá trẻ này. Anh chăm chăm nhìn bàn tay tôi đặt trên thẻ và tiền. Tôi rút tay về.

“Một quyển sổ quan trọng với bà đến vậy sao?”

“Xin đừng làm tôi trễ tàu. Xin đừng hỏi những câu không liên quan gì đến ông.”

Người trực tiếp tân suy nghĩ một lúc lâu. Một trăm quan đủ làm cho anh ta thẫn thờ vì sắp làm một việc khác với các nguyên tắc ngu xuẩn anh ta được dạy.

Anh ta đi về phía cuối quầy, mở một cánh cửa và bước ra khỏi tầm nhìn của tôi. Chắc là anh ta đi lấy chìa khóa. Chỉ còn mình tôi trong sảnh khách sạn rộng lớn. Tôi nhìn đồng hồ trên tường, nhẩm tính thời gian cần để đi bộ về lại ga, mua vé, lấy hành lý và đi ra sân ga. Tôi đứng chờ lâu hơn tôi nghĩ. Cuối cùng người đàn ông trẻ trở lại với một quyển sổ. Anh ấy đưa cho tôi không nói gì. Quyển sổ giống quyển sổ trong tủ kính, rất đẹp. Bìa da mềm mại. Tôi mở ra trang đầu, bên trong giấy mịn màng, không trắng quá, và có kẽ hàng xám rất nhạt.

Thấy người đàn ông trẻ chưa lấy tiền, tôi đưa tay đẩy thẻ tín dụng và tiền về phía anh. Anh lại nhìn tay tôi. Anh đợi tôi rút tay về rồi mới cầm thẻ lên trả ngay cho tôi chứ không mang đi tính tiền. Anh cầm tờ tiền giấy trong tay.

Tôi bỏ quyển sổ vào túi, cám ơn và quay người bước đi. Người đàn ông trẻ bước vội ra khỏi quầy để đưa tôi ra cửa. Tôi thấy anh có một cử chỉ lịch sự quá đáng, mỗi lần nhận một ít tiền người ta lại hèn đi một chút vậy sao. Tôi bước nhanh hơn. Anh ta chạy kịp đến cửa. Tôi dửng dưng chờ anh mở cửa cho tôi.

Nhưng người đàn ông trẻ không mở cửa. Anh ta đưa lại cho tôi tờ giấy bạc.

Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta. Anh mặc một bộ vest ủi thẳng nếp, cà vạt ngay ngắn. Tóc cắt gọn gàng, gương mặt hơi xanh. Anh có một cặp mắt đẹp hơn cần thiết cho cái nghề anh đã chọn.

“Nhưng ít ra tôi cũng phải trả tiền cho quyển sổ chứ.”

Người trực tiếp tân chỉ lắc đầu chứ không nói gì. Từ đó về sau anh không nói một câu nào nữa cả.

Tôi cầm lại tiền, muốn nói một câu cám ơn dịu dàng nhưng sự xấu hổ làm tôi không nói được lời nào. Tôi bước đi thật nhanh.


4.

Nửa trang giấy

Tôi nói với người trực toa nằm rằng tôi sẽ không ăn sáng. Tôi ngủ chập chờn sáu tiếng sau đó. Trưa tôi đổi tàu ở Liège. Cất đồ đạc xong, tôi đi ra toa nhà hàng với cái túi có quyển sổ trong đó.

Tôi đặt quyển sổ lên bàn, tôi tìm một cây bút trong túi và đặt nó lên trên quyển sổ vẫn còn đóng.

Tôi uống cà phê thật chậm. Tôi nhìn ra bên ngoài cửa kính.

Dù có ít trang tôi cũng phải viết. Không có giấy nháp. Không một chuyện gì có thể làm lại được. Phải viết dù không có nơi nào để bắt đầu.

Tôi còn rất ít của cải riêng tư. Có quyển sổ là một thay đổi lớn. Có nó, tôi sống một mình dễ dàng hơn. Tôi không còn nói chuyện với những người đi chung tàu. Nó làm tôi yên tâm, mặc dù tôi chưa biết sẽ viết gì lên những trang giấy trắng. Nó không phải là một cuốn nhật ký, không để tôi ghi lại những ý nghĩ mỗi ngày. Tôi chỉ muốn nhờ nó nhớ lại mình là ai. Quyển sổ là chuyến tàu đi ngược về những năm tháng tôi đã xóa đi rồi.

Nhưng đã một tuần rồi mà quyển sổ vẫn còn trắng.


Buổi tối, tôi đọc vài trang trong quyển Tử kinh Tây Tạng. Cuốn sách chỉ lối cho người chết trong tầng trời trung gian giữa thế giới này và những thế giới khác. Nơi đó tôi sẽ không còn trí thông minh, không còn cảm xúc, không còn ý chí. Chỉ còn là một cái hồn không biết mình bắt đầu và chấm dứt nơi đâu, lang thang trong mờ mịt. Quyển sách là cẩm nang đi đường cho những linh hồn chờ tàu trong ga chuyển tiếp. Có những chuyến tàu xuống âm cung, có những chuyến lên cõi Phật, có những chuyến lại vòng về chốn cũ. Sách dạy tôi đọc các bảng hiệu để tìm ra lối đi trong trăm nghìn ngả rẽ. Ở một nơi không còn ý nghĩ, các bảng hiệu không được viết bằng chữ, không thể được hiểu bằng lý lẽ, mà được nhận ra bằng màu sắc. Mầu sắc của cõi chết là mầu sắc của chiêm bao, chập chờn, thăm thẳm. Những mầu sắc không còn móc nối nào với cuộc đời hữu hình. Ký ức của người chết không còn ánh sáng, không còn bóng tối, nhập nhòa nhận ra sắc vàng, sắc tím, sắc xanh của những đường tàu đi vào những thế giới không còn là thế giới. Sách dạy tôi phân biệt mầu sắc của mê muội, của giác ngộ, của đau khổ, của hạnh phúc. Tôi đọc và không hiểu gì cả. Người ta bảo tôi nhắm mắt lại mà hiểu rằng màu tím là màu của quỷ và màu hồng là màu của phật (hay là ngược lại, chỉ một phút sau là tôi đã không còn nhớ rõ).

Tôi gấp quyển sách lại. Quyển sách đã được lưu truyền bao nhiêu thế kỷ để hôm nay nó rơi vào tay tôi, một người không biết cách đọc nó. Tôi đã tìm cách hiểu nó bằng lý trí, bằng trực giác, bằng lòng thành, nhưng đều không được. Nhưng từ mấy trang trong cuốn sách đó tôi hiểu một điều có lẽ người ta không bao giờ có ý định muốn nói: rằng hạnh phúc và đau khổ chỉ khác nhau như màu hồng và màu tím. Đứng ở xa nhìn lại, tôi sẽ không còn phân biệt được giữa hai màu, chỉ nhớ lại rằng cả hai đều là một thứ đam mê. Nhiều lần nghe một bài nhạc tôi đã không biết mình đang thực sự chìm sâu trong đau khổ hay là trong hạnh phúc. Khi đau thương xảy đến trong đời thật, người ta biết cái buốt của vết cắt trên da thịt, sự choáng váng ở bờ vực, màu đen mù lòa của sự suy sụp. Nhưng rồi với năm tháng, bóng tối không trở thành ánh sáng, mà nó loang vào trong màu thời gian. Thương đau biến thành nỗi buồn, và nỗi buồn gần với cái đẹp, cũng như hạnh phúc gần với cái đẹp. Từ lâu rồi người Hy Lạp đã xếp bi kịch vào một ngành mỹ thuật.

Trong bất hạnh cũng có cái đẹp.

Tôi viết câu trên vào quyển sổ, và trước khi viết xong câu, tôi biết rằng tôi không bao giờ muốn đã viết ra nó. Bởi vì nó vừa là sự thật, vừa trái ngược với sự thật. Bất hạnh đã tước đi tất cả ước ao được sống của tôi. Tôi không còn muốn biết, không còn sức lực để biết rằng nếu sống, mình có còn một ngày mai nào không. Và nếu chết, sau đó có chăng một sân ga với những chuyến tàu xuôi ngược về một thiên đường hay địa ngục nào. Có lẽ cái chết không có màu hồng hay màu tím phôi pha nhạt nhòa của một giấc chiêm bao, mà là màu đen tuyệt đối của sự vùi lấp tuyệt đối. Hoặc là nó có màu trắng tuyệt đối của sự mất mát tuyệt đối.

Tôi sẽ nghĩ như vậy vào một đêm nào rất xa. Hôm nay, với tôi, cái chết mang màu đỏ thắm nao lòng của giòng máu đang chảy ra khỏi thân thể. Chảy và không thể ngừng được nữa. Thời gian đã ngừng chứ không phải giòng máu.

Trên mặt kệ nhỏ là quyển sổ mở ra và cây bút. Tôi chỉ mới viết có hai câu.

Có người là họa sĩ nhưng không vẽ núi, không vẽ nhà, chỉ ngày đêm mài mực để một hôm phác lên giấy một vệt cong. Họ nhìn đường đi của bút trong cái khoảnh khắc thật ngắn khi nó được phóng ra, nhìn chỗ bút hết mực, nét khô đi, vỡ thành nhiều đường, rồi tắt đi trên giấy. Họ nhìn thấy cái đẹp, sức mạnh và sự già dặn ung dung của mình nơi cái biên giới tuyệt mỹ giữa mực đen và giấy trắng. Tôi cũng muốn làm như họ: không vẽ núi, không vẽ nhà, chỉ có những nét. Nhưng thế giới của tôi không nguyên vẹn để tôi có thể vẽ nên một nét nguyên vẹn. Họ vẽ sự thanh bình, mầu đen của họ là khoảng không sâu thẳm, còn tôi vẽ cuộc chiến bại, màu đen của tôi là một thứ bóng tối phủ lên trăm nghìn mảnh vỡ. Họ vẽ cuộc đời của họ, cuộc đời mà họ hiểu, còn tôi vẽ cuộc đời của tôi, cuộc đời mà tôi không biết. Nhưng tôi chỉ mới nghĩ về bức tranh buồn thảm của mình. Trang giấy vẫn còn trắng.

Tôi lấy bút chì bắt đầu lại trên một trang giấy mới:

Tôi là một đứa trẻ mồ côi.

Câu thứ hai:

Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh.

Tôi để trống nửa trang sau đó. Rồi tôi viết tiếp:

Ở Hildesheim, tôi hát trong ban đồng ca nhà thờ. Tôi không nhớ gì về ngôi nhà thờ ấy, ngoại trừ đá và hơi lạnh từ đá.

Tôi đọc lại hai câu đầu. Tôi thấy chúng không thêm hay bớt gì vào câu chuyện của tôi ngoại trừ một thứ ai oán không cần thiết và đã quá nhàm. Tôi đã gặp bao nhiêu người lúc nhỏ mồ côi vì chiến tranh, điều đó chẳng làm họ khác những người khác một chút nào.

Tôi nghiêng cây bút chì, vẽ những đường sọc phủ lên hai câu đầu tôi đã viết.

Tôi nhìn lại cả trang: Nếu tôi kết thúc những điều tôi viết về tôi ngay trang này hay viết tiếp ba trăm trang thì có khác gì đâu. Trước mặt tôi là một cuốn tự truyện gồm những câu bị những đường kẽ lấp đi, nửa trang giấy trắng không có gì đổ đầy, hơi lạnh của đá trong nhà thờ, rồi đến nửa trang giấy trắng có hơi lạnh đó đổ đầy.

Tại sao tôi tìm mọi cách để có quyển sổ vào lúc nửa đêm rồi khi có nó rồi, tôi không có gì để viết?


Đã ba tuần từ ngày có quyển sổ, hai tháng từ ngày sống trên xe lửa, tôi vẫn chưa viết được gì. Có lẽ vì tôi không có nơi để bắt đầu. Có lẽ vì tôi chỉ có cuốn sổ này thôi, không có giấy nháp để cân nhắc những điều đáng nói và những điều không đáng nói của một đời người. Hay là đời tôi viết xuống giấy chỉ được nửa trang giấy. Khi nó còn như bóng ma mông lung bên ngoài cửa, thì tôi tưởng nó có đó. Nhưng khi thật sự nhìn mặt, thì nó không có gương mặt nào.

Nhưng biết đâu chuyện đời của hầu hết mọi người đều như vậy. Biết đâu trong đời không có sự thật nào hết ngoài những sự thật được cố ý làm ra. Những câu chuyện trong tiểu thuyết bao giờ cũng mạch lạc và ý nghĩa hơn cuộc đời. Chúng có thật còn những câu chuyện ở đâu đây, những câu chuyện của tôi, không được kể, thì không có thật.

Một cuốn tiểu thuyết giống như một chiếc áo lụa nhuộm vàng hay nhuộm tím. Khi cầm tấm lụa trên tay, khi mặc nó vào người, mấy ai biết gì về những con tằm đã nhả hết tơ và chết đi, không bao giờ thành bướm. Tằm không chết đi thì không có tơ dệt áo. Chỉ có thể có lụa hoặc có bướm, chứ không thể có cả hai. Những cánh bướm chập chờn vào những ngày khô ráo và bất động vào những ngày mưa, sống không ai trông thấy và chết không ai hay biết. Chúng có hay không? Những con bướm thuộc về chính chúng nó, về sự im lặng và sự tàn tạ sớm chiều. Còn những tấm lụa thì bền chắc hơn, ngọt ngào hơn, chúng có thật. Nhưng sự thật thuộc về lũ bướm hay về người mặc áo?

Tôi không biết. Tôi không còn thì giờ để biết. Không còn thì giờ để nuôi nấng những câu hỏi, rồi sống để tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy.


5.

Trong sương

Tôi xuống ga Paris, nhìn bản đồ, tìm một thành phố nào đó thật xa trên miền Bắc Âu rồi mua vé tầu đến đó. Trong mấy tiếng đồng hồ ở giữa, tôi đến bờ sông để nhìn giòng nước. Lúc đó ngày chưa qua, nhưng trời đã tối. Sông chảy êm đềm. Nó luôn luôn êm đềm mỗi lần tôi trở lại. Nhưng tôi nhận ra là đầu nguồn nó hẳn cũng có thác ghềnh, người ta chỉ tìm những nơi sông chảy hiền lành để dựng lên thành phố. Ở nơi này, giòng sông có nhớ gì về những chênh vênh ở một nơi nào khác?

Mọi người đều rảo bước, một chiều thu trời tối sớm và ẩm ướt không phải là thời khắc để lang thang nhìn sông. Ai cũng có một căn nhà có sưởi để về.

Trời chưa tối hẳn, nhưng con đường bên sông đã bắt đầu lên đèn. Trời chợt có sương mù. Sương xuống nhanh và thật dày. Trong đôi ba phút, tất cả đều mất nét viền bên ngoài, giòng sông, bờ tường đá, người qua đường, những cột đèn đường, và tôi. Tất cả mờ đi, lẫn vào trong sương, biên giới giữa mọi thứ đã tan loãng ra. Trong đôi ba phút ngắn ngủi trong buổi chiều đó, tôi thấy dễ chịu. Tôi không thể tả được sự thanh bình đó. Tôi thấy mình đang mất đi, mình không thực. Không còn một ý thức rõ nét và buồn thảm. Chỉ còn một không gian mông lung, trong đó tôi không còn là tôi, mọi người không còn là mọi người, giòng sông không còn là giòng sông. Trong đôi giây phút nữa thôi, tất cả sẽ tan mất vào nhau, tan mất vào trong một thứ trí nhớ phôi phai, vào một giấc mộng trắng mênh mông...

Tôi vào nhà hàng ăn bữa tối trên mặt đất êm ái trước khi trở về nhà ga. Tôi ngồi ở một bàn nhỏ nhìn ra cửa sổ.

Bên ngoài là một cái sân rộng. Phía xa nữa hình như là một cái nghĩa trang xưa, nằm bên dưới những cây cao. Tôi nhìn thấy những cây lớn đứng im lìm trong bóng tối. Những tán cây lặng lẽ và rộng lượng. Tôi nhớ lại cảm giác thanh bình ngắn ngủi lúc đi trong đám sương mù bất chợt sa xuống thành phố. Cảm giác đó chỉ có vài phút, nhưng khó quên. Hay là chồng tôi cũng đi vào một đám sương mù trên núi, cũng được bao bọc trong một sự thanh bình mênh mông như vậy, và không muốn ra khỏi đám sương mù ấy nữa?

Nếu tôi vẽ một hình người, chính tôi, cái đầu tiên tôi vẽ sẽ là một đường viền. Đường viền ấy là biên giới phân minh giữa tôi và thế giới. Bên trong đường viền là tôi, bên ngoài là không phải tôi. Nếu tiếp tục tôi sẽ tô đường viền ấy càng lúc càng đậm, chứ tôi không biết vẽ gì khác. Tại sao tôi suốt đời nhốt mình trong cái ý thức về mình hãm vây và trơ buồn này, lạnh và bất động như những bức tường đá trong ngôi giáo đường tuổi thơ. Tôi quen ở trong sự vây kín đó. Con người không là gì nếu không ở bên trong những biên giới khép chặt. Trong mấy phút mông lung giữa đám sương mù, tôi thấy đường viền của mình đang mất đi, tôi đang tan vào mọi người, vào sương, vào giòng sông, vào ánh sáng mờ đục của những ngọn đèn đường mới thắp. Biết đâu sự thanh bình muôn thuở chỉ giản dị vậy thôi. Biết đâu cái chết không phải màu đen của tối tăm, hay màu trắng của chối bỏ, mà một đám sương mù êm ái làm nhòa nhạt những bức tường đá lạnh của tuổi thơ.

Người ta sẽ nói rằng tôi chết vì cô đơn. Cái ý thức về mình là một nhà tù chật hẹp. Tôi không thể vừa ở trong đó, vừa ở một nơi khác, cùng với người khác được. Người ta chỉ có thể thật sự yêu nhau khi không còn cái ngã, không còn mình, và không còn người. Nhưng để xóa được biên giới, người ta không biết cách nào khác hơn là phải xóa cả không gian. Một người không chịu được sự mất mát nói rằng thời gian không có thật, chỉ là một ý niệm. Một người không chịu được sự cô đơn nói rằng không gian không có thật, chỉ là một ý niệm. Bỏ chúng đi, ta còn lại gì? Không còn người yêu, không còn người được yêu, thì có còn chăng tình yêu?

Một năm xưa tôi từng đi học đạo, ngồi thiền, diệt ngã, mong giác ngộ. Tôi đã có lần đến gần được một vùng trong tâm tưởng giống như là hạnh phúc. Nhưng trong cái hạnh phúc đó, hay đúng hơn, cái ý niệm mong manh rằng hạnh phúc có đâu đó ở một nơi không có không gian, tôi vẫn biết rằng cái chết của một người giác ngộ và một người không giác ngộ không có gì khác nhau. Cái chết vẫn là một sự tắt ngấm tuyệt đối. Cái chết dù của ai nó cũng có ý nghĩa như nhau, nghĩa là không có ý nghĩa. Người ta nói rằng các bậc chân tu ra đi trong thanh thản, những người mê muội trong đau đớn và thảng thốt. Cái chết là cái nốt cuối của bản nhạc: nó làm cho bản nhạc toàn vẹn hay là dang dở bất thành. Sự thanh thản đó, nó từ đâu? Từ niềm tin rằng vị chân tu không chết. Chỉ bỏ cái xác trần để đi tiếp. Nhưng tôi không tin cái hồn còn sau khi cái xác đã bỏ cuộc. Không còn cuộc hành trình nào nữa, dù của một linh hồn minh mẫn hay mê muội. Vậy thì sự thanh thản ấy, cái nốt nhạc cuối êm đềm ấy cũng không có ý nghĩa gì. Không hơn sự êm dịu của một cái chết trong lúc ngủ.

Tôi bỏ chuyến tàu đêm, ở lại thành phố chờ sáng để đi mua thuốc. Tôi biết là không có toa bác sĩ, người ta sẽ không bán cho tôi hộp thuốc an thần mà tôi cần. Tôi vào khu chợ Tàu, mua một cuốn sổ Trung Quốc giấy xấu, và một cuốn truyện tiếng Việt. Tôi vào quán, xé một trang giấy từ cuốn sổ, đề ngày tháng của một bức thư, rồi chép nửa trang từ cuốn truyện tiếng Việt lên bức thư đó. Tôi chen tên thuốc Phenobarbital vào đâu đó ở giữa một câu. Tôi đến tiệm thuốc, nói rằng cha tôi ở Việt Nam bị chứng động kinh, bác sĩ của ông đang chờ từng ngày những viên thuốc tôi gửi về. Những viên thuốc có thể cứu sống cha tôi trong một lần đến cơn tới. Tôi mở bức thư giả từ Việt Nam đặt lên quầy. Người ta nhìn những giòng chữ lạ lùng với một chút lúng túng, một chút thương tâm, người ta không thể không bán thuốc cho tôi. Tôi đến một cửa hàng khác để mua thuốc chống nôn.

Tối tôi lên tàu. Tôi đã mua vé đến một thành phố Bắc Âu ngút xa. Tôi sẽ đi những chặn đường dài, đổi tàu dăm ba lần, để đến một thành phố với một cái tên hoàn toàn lạ và không có nghĩa gì với tôi. Không có ai chờ tôi ở đầu bên kia của những chuyến đi. Ban đêm tôi sẽ gội đầu trước khi đi ngủ, vùi mặt vào mớ tóc có mùi hoa quỳ xa lạ từ thuốc gội. Đêm nay, đêm mai hay một đêm nào khác, tôi sẽ uống hai viên thuốc chống nôn bốn mươi lăm phút trước khi uống những viên thuốc cuối cùng trong một chiếc hộp khác.

Tôi không còn cần đứng trước gương, nhìn thấy bóng mình trong đó, biết cái bóng đó là ai, có ý nghĩa gì, lịch sử nào, thì tôi mới xoá nó đi được. Tôi không còn cần viết hết hai trang còn lại về đời tôi. Tôi không cần có trí nhớ, kỷ niệm hay nỗi buồn. Tôi sẽ ném ra ngoài cửa sổ cuốn sổ người trực đêm khách sạn đã cho tôi. Tôi sẽ đi vào đám sương mù của tôi, sẽ tan ra trong đó. Như chồng tôi đã đi vào đám sương mù của anh ấy một buổi chiều tháng mười, trên một con đường ngang qua núi.

Tuyết rơi suốt ngày hôm sau. Lúc đi ăn ở toa nhà hàng, tôi mang theo cuốn sổ của người trực đêm. Không phải để đọc, hay viết tiếp một câu nào nữa. Câu chuyện của tôi đã hết. Tôi mang theo để tỏ một cử chỉ cám ơn không lời với người trực đêm trước khi ném nó ra ngoài trời tuyết. Cuốn sổ rất đẹp, có bìa da đắt tiền, mà anh thì chắc chắn không giàu. Tôi thấy có lỗi với cho anh. Tôi cố nhớ lại gương mặt anh. Có lẽ ai nhìn anh cũng thấy tiêng tiếc giùm anh về một điều gì đó rất mơ hồ. Có lẽ vì đôi mắt đẹp và buồn. Đôi mắt đẹp không để làm gì vì nó không nằm trên một gương mặt thiên thần. Nó không sâu hút, nó để lộ anh nhiều quá, và nó bất an.

Tôi ngồi nhìn những bông tuyết rơi không tiếng động bên ngoài cửa sổ, rơi hoài, rơi hoài. Một trong những chiều đông cuối của tôi thật im lặng dù xe lửa vẫn đi. Tôi đang mất dần những đường viền ngăn chia tôi và khoảng không, mất dần nỗi cô đơn, nỗi buồn và cảm xúc.

Tôi mở ra cuốn sổ bìa da trên bàn. Không phải những trang đầu. Tôi không muốn đọc những đoạn tôi đã viết. Tôi mở ra một trang chưa viết ở giữa cuốn sổ. Tôi chỉ muốn nhìn thấy một trang trắng. Mơ màng như những bông tuyết không trọng lượng ngoài kia, như buổi chiều không còn trí nhớ của tôi bây giờ. Như một vùng sương mù.

Tôi nhìn trang giấy trắng. Rồi một lúc không hiểu sao tôi nhìn thấy những giòng chữ trên đó. Những giòng chữ mờ nhạt. Tôi cúi xuống gần hơn để đọc. Không phải là chữ của tôi. Không phải là câu chuyện của tôi. Tôi bàng hoàng vì cuốn sổ không riêng tư như tôi nghĩ. Ai đó đã ghi chép vào đó bằng bút chì, nét nhạt và bất an, nhưng rất ngay ngắn, bắt đầu ở giữa cuốn sổ, nơi tôi mở ra, và mười trang kế tiếp.


6.

Câu chuyện của người trực đêm khách sạn

Con chó Shalma

Mãi đến giữa mùa đông năm sau tôi mới biết câu chuyện xảy ra thế nào. Sau ngày giáng sinh con chó nhà tôi chết. Cha tôi bỏ nó ngoài sân sau. Qua một đêm, nó đông cứng. Tôi nhìn nó từ cửa sổ nhà bếp. Nó cứ nằm như vậy suốt năm ngày, mà cha tôi vẫn không làm gì. Tôi sợ cha tôi chờ đến thứ hai, là ngày có xe đi lấy rác, sẽ bỏ nó, nên chủ nhật tôi lấy cuốc ra đào đất để chôn. Nhưng đất cứng quá, tôi đào hoài không được.

Cha tôi ở trong bếp. Ông mang giày bốt vào, lấy cái bao rác lớn, một bó giây và một cái búa mang ra chỗ tôi, bảo tôi phụ bỏ con chó vào bao. Ông vác bao lên vai, bảo tôi đi vào nhà. Nhưng tôi không vào. Tôi sợ ông đem con chó ra chỗ thùng rác. Nhưng ông vác Shalma đi ngã khác, xuống dốc núi. Phía sau nhà tôi có một đường mòn hẹp và dốc dẫn xuống hồ, chỉ có chúng tôi biết. Nó không dẫn xuống vùng hồ rộng, mà xuống một cái ngách khuất của hồ, xuống đến dưới mới biết có cái ngách này. Ở trên cao, nó khuất sau các sườn núi.

Tôi đi theo ông đi xuống đó.

Đến nơi cha tôi tìm một cục đá lớn bỏ thêm vào bao, rồi mới dùng giây cột nhiều vòng quanh người con chó lẫn cục đá ở bên trong cái bao. Nước trên hồ đã đóng băng hết. Cha tôi vác con chó đi một đoạn trên mặt hồ rồi dừng lại, dùng búa đập một một cái lỗ và ném nó xuống nước.

Tôi hiểu hết mọi chuyện. Mẹ tôi không bỏ tôi đi vào năm trước. Mẹ đã chết. Vì xác mẹ nằm ở dưới hồ, cho nên không có đám ma.


Sophie

Tôi quyết định không nói chuyện này với cha xứ. Một buổi chiều chủ nhật, tôi đến nhà cô Sophie. Tôi đi đường tắt, băng qua những cánh đồng trắng. Tuyết rơi nhiều quá, tôi đi mải nhìn xuống mặt đất tìm chỗ đặt chân, bỏ mất một cái ngã rẽ. Tôi đi lạc, đến gần tối mới đến nhà cô Sophie. Tay chân tôi tím ngắt. Cô Sophie quấn tôi trong một cái chăn dầy. Cô cởi giầy tôi ra, gác hai chân tôi lên người cô để xoa. Hai bàn tay cô mềm mại và ấm. Cô để nhạc Schumann, hâm sữa ca cao và lấy cho tôi bánh nướng nhân trái cây khô còn lại từ lễ Giáng sinh. Sau đó tôi ngủ quên, lúc thức dậy tôi nằm khóc vì lâu lắm không ai đắp chăn cho tôi như cô Sophie. Mãi đến tối tôi mới nói chuyện với cô được. Tôi nói tôi biết mẹ tôi chết rồi, chết như thế nào. Tôi còn biết cha tôi giấu xác mẹ tôi ở đâu. Đêm đó tôi nghe tiếng cha mẹ tôi cãi nhau, tiếng đồ đạc rơi vỡ, tiếng mẹ tôi kêu lên và tắt đi vì bị cha tôi bóp cổ.

Cô Sophie nói tôi nói sai hết cả. Mẹ tôi thấy ở đây buồn nên bỏ đi, vậy thôi. Tôi nói chỉ vì tôi còn bé mà không tin tôi sao. Tôi chạy ra cửa, giây giày còn chưa cột hết. Cô Sophie giữ tôi lại, bắt tôi hứa không được kể chuyện này cho ai nghe. Người ta sẽ không tin tôi, sẽ đưa tôi vào nhà thương ở chung với người điên.

“Còn nếu người ta tin em?”

“Nếu người ta tin em thì cha em sẽ đi ở tù, còn em thì bị đưa vào sống ở viện mồ côi, cũng buồn thảm như ở tù vậy.”

Không phải tôi sợ viện mồ côi, tôi chỉ sợ vào đó thì tôi không đi tìm em Marcus được.

Cô Sophie lấy xe đưa tôi về. Đến nơi, tôi nói:

“Em nghĩ cha giết mẹ để cưới cô.”

Không hiểu sao tôi lại nói như vậy. Có lẽ vì tôi thấy thân thể cô êm ái, hơi thở có mùi thơm, ai cũng muốn ở gần. Cô Sophie nhìn tôi nghiêm nghị nói tôi đã mất trí. Cô không bao giờ còn muốn thấy mặt tôi nữa. Dù chỉ một lần.

Ở cửa, cha tôi hỏi: "Nó đến nhà cô có việc gì không?" Cô Sophie trả lời: "Không có gì đáng kể, chỉ có mấy chuyện ở trường." Cha tôi mời nhưng cô không vào nhà.


Lünberg

Cô Sophie là người đầu tiên và cuối cùng tôi nói câu chuyện này. Nhưng hôm ở nhà cô Sophie, tôi không nói một lời nào về em Marcus. Mùa đông năm trước đó, em tôi được năm tuổi. Vào buổi tối cha mẹ tôi cãi nhau, em tôi thức giấc, đi vào phòng cha mẹ. Em nhìn thấy cha giết mẹ. Em sợ quá, bỏ chạy ra ngoài. Rồi em không bao giờ dám về nữa. Em đi mãi, hết những cánh đồng trắng, là khu rừng Adernwald. Em đi vào đó trong đêm khuya. Tôi không nhìn thấy em đi, nhưng tôi biết như vậy.

Tôi đã đi tìm trong tất cả khu rừng trong ba năm. Tôi không thấy xác của em. Tôi cũng vào nhà mọi căn nhà tôi gặp, hỏi người ta có thấy một đứa con trai tóc vàng, mắt nâu chứ không xanh, tên là Marcus không. Không ai đã thấy em, nhưng không hiểu sao tôi biết là em Marcus còn sống. Tiếc rằng con chó Shalma đã chết, nên tôi không dắt nó đi tim Marcus được. Em rất yêu Shalma.

Một buổi tối tôi nằm mơ thấy mẹ, tưởng như mẹ vẫn còn ở nhà. Sáng dậy nhớ ra mẹ chết rồi, tôi buồn quá, vào rừng lang thang mãi không muốn về nhà, chẳng muốn ăn uống gì cả. Chiều gần tối, tôi chợt thấy Marcus đang đứng chờ một người nào đó. Em mặc một cái áo màu xám và quần mầu ô liu. Cả hai đều cũ và giống như quần áo của người lớn cắt khâu lại cho vừa với em. Marcus không nhận ra tôi, vì anh em tôi xa nhau đã ba năm. Em lớn hơn, tóc dài không ai cắt và không vàng như trước, nhưng em không khác lúc xưa. Chỉ đẹp hơn và đôi mắt buồn ghê gớm. Chắc tôi thay đổi nhiều trong ba năm nên em không nhận ra.

Có một người làm việc ở nhà ga Lünberg tìm được em và nuôi em. Ông ấy nghèo lắm. Em không muốn ông ấy thấy tôi, chúng tôi trốn vào một chỗ bí mật trong hốc núi để nói chuyện. Tôi nghĩ ông ấy là người tốt.

Marcus nói, ban đêm trong rừng cây cối đi lại được và nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng riêng nghe ầm ầm kinh người. Lúc đầu em sợ rừng lắm nhưng bây giờ thì quen rồi. Buổi tối cây cối vẫn nói chuyện với nhau và cả với em, cây trông thế mà hiền thôi, hiền hơn con người. Em hỏi về con chó Shalma. Tôi nói nó chết rồi. Em buồn lắm. Tôi bảo em đừng khóc, chỉ là một con chó thôi mà.

Từ nhà tôi tới rừng Lünberg rất xa, đi nửa ngày mới tới, nên mỗi tuần chúng tôi chỉ hẹn gặp nhau một lần vào ngày chủ nhật. Mỗi chủ nhật tôi đi từ lúc tinh mơ. Nếu người lớn bắt được anh em tôi gặp nhau, họ sẽ chia cắt anh em chúng tôi. Người đang nuôi em sẽ nộp em cho Sở thanh thiếu niên vì sợ tội giữ em bất hợp pháp. Nếu về với cha, cha sẽ giết em vì em đã trông thấy cha giết mẹ. Chúng tôi phải giữ bí mật tuyệt đối.

Tôi luôn luôn nghĩ tới Marcus. Có gì đẹp tôi cũng để dành cho Marcus. Em tôi thật tội nghiệp, thật can đảm. Marcus là một thiên thần.


Carmina

Người ta chỉ tồn tại được trong cuộc sống là nhờ biết sắp đặt. Sắp đặt xong thì làm đúng như vậy, không suy nghĩ thế này hay thế nọ, thì việc gì cũng làm xong. Đi học về tôi đi làm trong xóm: dọn chuồng bò, chẻ củi, khuân vác, làm việc ở đồng... 6 tiếng một ngày và chỉ ăn bánh mì đen cắt lát. Tôi làm được. Tôi cần tiền để lo cho em Marcus. Tôi mua bánh mì, xúc xích, kẹo sô cô la, kẹo dẻo, dặn em dấu thật kín để dành ăn.

Nhưng sau tám tháng tôi vẫn chưa để dành được nhiều. Không đủ để anh em tôi trốn đi.

Tôi không thể chờ đến năm học hết trung học. Tôi phải bỏ nhà bỏ trường ra đi, về tỉnh tìm việc làm, có chỗ ở và tiền để sống rồi sẽ quay lại Lünberg để đón Marcus. Trước khi đi xa, tôi dặn dò em rất cẩn thận. Tôi sẽ không đến thăm em được trong một thời gian dài, và chúng tôi không thể gọi điện thoại hay thư từ được.

Ra đi, tôi nhớ em và lo lắm, nhưng vẫn phải đi.

Ở Halde ban đầu tôi chỉ làm được nghề khuân vác tính lương giờ, vì không có giấy tờ. Mấy đứa da đen dẫn tôi về chỗ bọn nó ngủ. Tháng thứ sáu tôi khuân vác cho một người Thổ bán trái cây. Ông ta hỏi chuyện tôi, biết tôi trốn nhà đi, chưa đủ 18 tuổi và không có giấy tờ. Giáng sinh ông quà cho tôi mấy cái bằng cấp của ai đó tên là Michael Salascher, không biết là giả hay thật.

Tôi xin được việc làm gác dan trong khách sạn Carmina. Tôi mặc đồng phục thật sạch, đi đứng thẳng và nói tiếng Đức của người có học khi có ai hỏi đến. Nhờ vậy mà bốn tháng sau tôi được vào phụ tá trong quầy tiếp tân. Tôi có lương để thuê một căn hộ nhỏ, tôi để dành cho Marcus căn phòng đẹp nhất trong đó, có cửa sổ nhìn xuống một cái sân nhỏ có trồng hoa hồng tường vi và các bụi cây vào mùa đông lá vẫn xanh. Tôi đi làm thật gương mẫu. Đến tháng mười tôi mới dám xin nghỉ một tuần để về Lünburg đón em Marcus. Trước khi đi tôi đã mua sẵn cho em quần áo, khăn lông và chăn gối bông mềm mại.


Maibuchen

Tôi đến Lünberg vào chiều thứ bảy, lấy phòng trong cái khách sạn nhỏ duy nhất gần sân ga. Tôi vào rừng, cột một sợi dây bằng vải tím trên một cành cây để hẹn gặp em vào chiều chủ nhật như những chiều cuối tuần hơn một năm trước. Sáng chủ nhật tôi dậy thật sớm lên rừng lang thang mãi. Suốt buổi chiều em không đến. Tôi đi quanh tìm mãi không thấy em hay căn nhà nơi em ở. Tôi chưa hề thấy căn nhà đó lần nào vì em không dám cho tôi biết, sợ người đàn ông nuôi em thấy tôi. Tôi tìm mãi đến tối.

Tối tôi về khách sạn ngủ, sáng lại lên rừng tìm căn nhà nơi Marcus ở. Ngày nào cũng vậy. Đến ngày thứ tư tôi đến một cái góc lõm vào ở chân núi, chung quanh có cây che nên đến gần cũng không thấy, đứng trên sườn núi ngay gần phía trên đó cũng không thấy. Trong cái góc ấy có một chỗ đất nện cứng và bằng như là một cái nền nhà. Có người đã làm một cái nhà bằng gỗ nơi đây và đã dỡ cái nhà đó đi rồi. Gần đó, nơi có một giòng nước trong từ vách núi chảy ra, tôi thấy những hòn đá lớn được sắp thành một chỗ tắm giặt.

Tôi tìm mãi, không còn một một dấu vết gì của người đã ở căn nhà đó. Trên thân một cây giẻ phía trước, có ai đã lấy dao khắc chữ Maibuchen. Tôi không biết đó là tên người, hay tên của những cây giẻ đó.

Tôi ra nhà ga Lünberg tìm tên Maibuchen trong niên giám điện thoại. Không có ai tên đó.

Tôi khóc suốt đêm. Tôi chờ ba ngày ở các cổng trường tiểu học, cuối cùng tôi vào hỏi, không trường nào có học sinh tên Maibuchen hay K (tôi không biết em mang họ gì). Những ngày còn lại của tuần đó tôi đi khắp nơi, gõ cửa hầu hết mọi căn nhà ở Lünberg, nhưng không ai biết gì về Marcus. Ở nhà ga, họ nói từ mười năm nay, không có nhân viên nào tên Maibuchen.

Tôi vật vã hàng đêm. Sáng thứ bảy cuối cùng tôi bình tĩnh hơn. Tôi biết mình cần nhiều thời gian và kiên trì để đi tìm Marcus. Tôi không thể buông mình trong tuyệt vọng rồi mất cả em trai lẫn việc làm. Tôi quyết định trở lại khách sạn C. Tôi phải đi làm thật gương mẫu, để có thể xin nghỉ không lương mà không bị mất việc. Tôi cần phải sắp đặt một chương trình đi tìm em tôi. Trên đời, mọi mục đích đều có thể đạt được, nếu biết sắp đặt cái chương trình đi đến đó và làm đúng không sai.


Tôi thấy rối bời, không đọc tiếp được nữa. Tại sao cuốn sổ này rơi vào tay tôi, và tôi lại đọc những trang này đúng vào hôm tôi muốn tìm sự thanh bình của một đám sương mù, lúc tôi muốn phá vỡ cái đường viền quanh tôi, đường viền không ôm ấp gì trong nó ngoài một nỗi cô đơn tuyệt đối? Tôi cố nhớ lại gương mặt của người trực đêm trẻ ở khách sạn. Tôi không còn nhớ những đường nét, chỉ nhớ đôi mắt anh nghiêm nghị nhưng bất an, mịt mùng trong đó nỗi buồn của loài thú đi lạc. Anh giao cuốn sổ cho tôi để nói với tôi điều gì? Tại sao lại là tôi? Không, chính tôi đã đi tìm nó mà. Tôi đã tìm cuốn sổ như người ở giữa sông chơi vơi tìm một mảnh ván, đã ngồi trên xe taxi với một người lái xe xa lạ đi khắp các xa lộ quanh vùng một cách vô vọng, và cuối cùng bước vào chỗ anh làm việc, cư xử như một khách hàng kiêu ngạo lạnh lùng quen bắt người ta làm theo ý mình, để buộc anh trao cho tôi cuốn sổ quí giá của anh. Quí giá? Tôi vừa định ném nó ra ngoài kia, xuống cánh đồng mù mờ ảm đạm, vì có ai cần nó đâu. Lúc đó tôi chưa biết anh có viết trong đây, bây giờ biết rồi, tôi còn ném nó đi được hay chăng? Tôi không biết.

Cái đường viền quanh tôi đang như vỡ ra, nhưng không phải để hòa vào một vùng sương mù êm ái. Một người đàn ông trẻ không quen với cặp mắt của loài thú đi lạc và với một câu chuyện lạ lùng đã chen lấn vào khoảng riêng tư, chen lấn vào nỗi cô đơn của tôi. Với những đoạn viết ngắn, những câu đơn giản và hầu như không có tính từ, anh nói về gánh nặng anh mang. So với anh, tôi nào biết thế nào là gánh nặng. So với anh, điều đánh dấu cuộc đời tôi không phải là nỗi buồn, mà là một khoảng trống không.

Tôi về phòng, gọi bồi mang đến một chai rượu vang đỏ. Nếu tỉnh táo, tôi sẽ không ngừng được giòng suy nghĩ, và tôi không biết những suy nghĩ sẽ đưa tôi tới đâu. Tôi muốn rượu làm cho tôi mơ màng và ngủ quên, ngủ quên để hoãn lại mọi thứ, kể cả những viên thuốc an thần đang nằm ngăn nắp trong chiếc túi da.


Sáng hôm sau tôi đổi tầu để đi tiếp. Buổi trưa, trong toa nhà hàng, tôi hỏi người soát vé:

“Bác ở mãi trên tầu có chán không?”

“Quen rồi. Ai làm việc gì thì quen việc nấy thôi.”

Ông ấy chúc tôi một ngày tốt đẹp rồi đi tiếp. Đi đến cuối con tàu xong, ông quay lại, đi ngang thì tôi vẫn còn ngồi đó. Ông mỉm cười, như thể chúng tôi đã biết nhau. Cũng chỉ là thói quen. Nhưng tôi thấy quí nụ cười ấy. Hôm nay tôi không muốn bị loài người bỏ rơi một mình với câu chuyện của người trực đêm trẻ không quen. Tôi hỏi bâng quơ:

“Tàu mình đi đến đâu rồi nhỉ?”

“Cô sống ở đây lâu chưa?”

“Cháu lớn lên ở đây mà.”

“Thật sao?”

“Không hẳn vậy. Cháu qua đây lúc bảy tuổi. Trẻ mồ côi vì chiến tranh. Cháu bị thương, người ta đem lên tàu bệnh viện Đức để chữa bệnh. Gia đình cháu chết hết, không ai đến nhận cháu về, người ta đưa cháu qua đây luôn.”

Ông vừa lật nhìn vào quyển sách ghi thời khoá biểu các chuyến xe vừa nói:

“Chiến tranh. Tôi biết chiến tranh là gì rồi. Tôi chẳng biết người ta nghĩ ra nó để làm gì. Tan nát, tan nát hết, chúng tôi vẫn còn nhớ mà... À, đây phải gần tới Koblenz rồi. Dù sao thì... Thôi chúc cô may mắn.”

Ông vừa bước đi, vừa nhìn đồng hồ và ghi chép gì đó vào cuốn sổ công tác mang theo bên mình. Trong 180 giây, ông vừa đi một chuyến từ chiến tranh nước tôi, ngược về chiến tranh nước ông, rồi trở lại với công việc bình yên hàng ngày của ông trên tàu. Có lẽ nề nếp là tất cả những gì con người cần.


Câu chuyện trong cuốn sổ của người trực đêm chỉ còn một lại đoạn ngắn.

Trả thù

Đã ba tháng rồi tôi vẫn chưa tìm được con đường nào để tìm Marcus. Tôi không biết em sống hay chết. Đêm qua tôi nằm mơ thấy em đứng trong một ngôi đền có ánh sáng vàng rực, người em cũng tỏa sáng và trong suốt. Gương mặt em hiền và nghiêm nghị, chỉ thoảng một chút buồn. Tôi không gọi em được.

Tôi vẫn đi làm đều đặn. Tôi biết giữ quần áo sạch sẽ và luôn được là ủi cẩn thận. Tôi đi đứng thẳng lưng, mắt luôn nhìn ra phía trước. Nhưng bên trong tôi ruỗng mục, chỉ chực đổ vỡ. Có thể cha tôi có việc gì đi ngang qua Lünberg, tình cờ gặp em Marcus và đã bắt và giết em rồi. Tôi sẽ không bao giờ biết, sẽ mãi mãi đi tìm em, vì nếu không tìm em, thì tôi sống để làm gì.

Tôi đã nghĩ nhiều rồi. Tôi không có cách nào biết em sống hay là chết. Tôi không sắp đặt được tôi phải làm việc gì, rồi sau đó thì việc gì, để mỗi ngày đến gần mục đích hơn một chút, nếu đời còn có mục đích. Tôi không thể sống không có sự sắp đặt nào. Mà tôi đã kiệt sức, không thể tính toán gì được nữa.

Tôi chỉ còn một sắp đặt cuối cùng. Tôi sẽ về Lünberg một lần nữa. Chỉ còn một nơi tôi chưa đi tìm tên K hoặc Maibuchen. Đó là nghĩa trang thị xã. Tôi không nghĩ là sẽ tìm thấy gì, nhưng tôi vẫn sẽ đến đó, để biết rằng mình đã tìm khắp mọi nơi. Nếu cha tôi giết em rồi, thì đâu có ai làm cho em một nấm mồ.

Sau khi đã mua cây súng, tôi sẽ còn tiền để mua vé xe lửa và ăn trong hai tuần. Tôi đi đến nơi nào chuyến xe lửa kế đưa tôi đến. Không có Chúa chỉ đường, tôi chắc không thể nào lần mò được dấu vết gì của Marcus, dù em sống hay chết.


Vào ngày cuối, tôi sẽ về nhà cha tôi. Cha tôi không bao giờ trả lời ai điều gì, nhưng tôi vẫn sẽ dẫn ông xuống cái hồ đóng băng và hỏi về mẹ và em. Sau đó tôi sẽ bắn ông. Sẽ có một cái lỗ trên mặt hồ, nơi tôi đẩy xác ông xuống. Sau đó tôi không còn việc gì có thể làm được nữa trên khắp mặt đất rộng này. Tôi sẽ cột đá vào người trước, tự bắn và ngã xuống nước. Tôi không muốn ai tìm thấy tôi cũng như họ đã chưa bao giờ tìm thấy mẹ tôi.

Nếu cô Sophie không cấm tôi tới nhà, tôi đã kể tất cả những câu chuyện này cho cô và đã không có những giòng chữ trong quyển sổ này. Tôi cần một người, một người duy nhất thôi, biết câu chuyện của tôi thì tôi mới chết được. Tôi không tìm được ai để kể. Vì vậy tôi phải chép câu chuyện này vào quyển sổ này, cho một người lạ đọc. Chắc chắn phải là một người lạ rồi, vì trên mặt đất này tôi không có người quen. Tất cả mọi thứ trong đây đều là chuyện có thật.


Tôi quyết định xuống ở ga kế tiếp, lấy vé quay về Halde, gặp người trực đêm khách sạn và trả cho anh quyển sổ. Tôi từ chối làm cái người duy nhất gánh vác câu chuyện của anh, gánh vác bất cứ sự thật hay điều hoang tưởng nào trong quyển sổ này. Anh muốn biến mất khỏi mặt đất này mà không phải một mình mang đi những bí mật và nỗi cô đơn của mình. Không. Tôi từ chối.

Tôi muốn trả cho anh quyển sổ thật nhanh, không nói một câu nào, rồi trở về ga, trở về xe lửa, tiếp tục hay là chấm dứt cuộc hành trình của riêng tôi.

Lúc một mình đứng ở thềm ga Hamburg với mớ hành lý, tôi thấy lòng rối bời và nao nao. Tôi cảm thấy buồn. Điều đó có nghĩa là tôi gần sự sống hơn cái chết. Tôi gửi hành lý rồi lang thang trong sân ga rộng. Đi ngang hàng bán hoa, tôi nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần được ra phố tôi hay đi vơ vẩn, cô trông nom ở viện mồ côi dặn nếu lạc đàn thì đến hàng hoa ở nhà ga chờ nhau. Ga nào cũng có một hàng hoa. Tôi tự hỏi nhà ga ở Lünberg có một hàng hoa hay không? Marcus có đến đó chờ anh mình không?

Tại sao tôi lại nghĩ đến câu chuyện của người trực đêm? Tôi đã quyết định từ chối câu chuyện ấy, sao tôi còn nghĩ đến Marcus?

Tôi bước ra ngoài, trời lất phất nửa mưa nửa tuyết. Tôi chui vào một chiếc taxi nhưng không có nơi nào để đến.

Tôi đến khách sạn Bốn Mùa, vì đó là cái tên duy nhất ở Hamburg mà tôi nhớ. Tôi lấy phòng, tắm, gọi một bình trà, nhờ họ đặt khay trà và đĩa bánh nhỏ lên chiếc bàn nơi cửa sổ. Tôi ngồi đó nhìn ra bầu trời xám. Tuyết đã hết rơi nhưng trời bây giờ còn lặng lẽ hơn. Và buồn. Một đứa con trai nhỏ có thể tiếp tục một mình sống với cha, sau khi biết người cha ấy đã giết mẹ mình không? Không. Không thể được. Cô Sophie nào đó nói cậu bé nói sai hết. Người mẹ chỉ thấy buồn và bỏ đi, có vậy thôi. Có người mẹ nào có thể bỏ đứa con trai của mình, đi và không bao giờ gửi thư, không bao giờ gọi điện thoại về không? Nếu tôi có mẹ, tôi sẽ biết. Nhưng tôi không có mẹ.

Bóng đêm buông rất chậm. Không gian trong căn phòng mờ tối dần. Tôi bật một ngọn đèn ở góc phòng. Vùng ánh sáng nhỏ loang ra một chút hơi ấm, một chút êm ả. Tôi thấy buồn. Cảm xúc này là của tôi đây sao?


Nửa đêm thức giấc, tôi lại nhớ đến câu chuyện của người trực đêm. Tại sao anh không có một lời nào nói về người cha, và người mẹ?


I II III

Đoàn Minh Phượng sinh ở Sài Gòn, thời thơ ấu theo gia đình sống ở vài tỉnh nhỏ miền Trung, rời Việt Nam sang Đức năm 20 tuổi. Hiện sống ở Bonn và Sài Gòn.

Tác phẩm Hạt mưa rơi bao lâu, Phim truyện, Kịch bản: Đoàn Minh Phượng, Đạo diễn: Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa, Việt Nam / Đức 2004, 114 phút; Và khi tro bụi, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 4.2006, 186 trang.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài