Arthur KoestlerVòng tròn ma thuật
Arthur Koestler (1905-1983) |
Sonnenfinsternis (Nhật thực) là tên bản gốc tiếng Đức tác phẩm quan trọng nhất của Arthur Koestler. Với việc xuất bản Nhật thực trong bản dịch tiếng Anh Darkness at Noon, tác giả đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ nghĩa cộng sản. Bản dịch tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini năm 1946 với 400.000 bản gây tiếng vang lớn và khiến Đảng Cộng sản Pháp phải ra những biện pháp đối phó. Từ đó đến nay, Nhật thực trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới thế kỉ 20, thường được nhắc chung với Trại súc vật và 1984 của George Orwell. Tại miền Nam trước 1975, Nhật thực được Nhà xuất bản Đen Trắng xuất bản năm 1973 với nhan đề Tội công thành, qua bản dịch từ tiếng Pháp của Quốc Ấn [0] . Tại miền Bắc trước 1975 và tại Việt Nam từ 1975 đến nay, tác phẩm này chưa bao giờ được ra mắt độc giả trong bản tiếng Việt.
Giới thiệu Nhật thực qua bản dịch từ tiếng Anh của dịch giả Phạm Minh Ngọc với nhan đề Vòng tròn ma thuật kì này, chúng tôi mong muốn gửi đến độc giả Việt Nam hi vọng về một tương lai trong đó chúng ta vĩnh viễn không bao giờ phải trải qua những kinh nghiệm như được miêu tả trong tác phẩm cay đắng này nữa.
talawas chủ nhật
Arthur Koestler
Vòng tròn ma thuật
Phạm Minh Ngọc dịch
Đợt thẩm vấn thứ nhất (1-9)
Đợt thẩm vấn thứ nhất (10-14)
Đợt thẩm vấn thứ hai
Đợt thẩm vấn thứ ba
Vĩ thanh
Thay lời bạt
Thay lời bạt – Bi kịch của những con người gang thép
(Lược dịch)
Sau vụ đoạn tuyệt với những người cộng sản là một giai đoạn khủng hoảng, chỉ còn lại mình tôi trước những hố thẳm tâm lý của chính mình. Việc đánh mất những mối giao cảm quen thuộc rất dễ đưa người ta đến với những kẻ thù cũ hay, thí dụ, lao đầu vào tôn giáo. Các bạn tôi, những người đã từng trải qua tâm trạng như thế mà thoát ra được một cách xứng đáng và vẫn giữ được sự minh mẫn và cân bằng về tâm lý thường đều là những người có khả năng sáng tạo: nhà văn, hoạ sĩ, bác học, chính khả năng sáng tạo đã giúp họ đứng vững.
Tôi quay về Paris vào năm 1938, trong tay đã có sẵn hợp đồng với nhà xuất bản Jonathan Cape về việc xuất bản tác phẩm Võ sĩ giác đấu, tiểu thuyết đầu tay của tôi. Tôi tính dùng số tiền mà nhà xuất bản tạm ứng cho tôi để thanh toán cho dịch giả số tiền là 125 bảng, số còn lại sẽ đủ cho tôi sống một cách đạm bạc trong vòng nửa năm để hoàn thành cuốn sách mà tôi đang viết dở nhưng cứ bị ngưng hoài, lúc thì do không có tiền, khi thì do hoạt động chính trị, và sự việc đã kết thúc đúng như tôi dự liệu: tháng 6 năm 1938 cuốn phẩm Võ sĩ giác đấu, sau bốn năm làm việc cật lực đã hoàn thành.
Dĩ nhiên là tôi hiểu rằng việc thường xuyên quay trở lại với những nhân vật và sự kiện của thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên đã có vai trò quan trọng đối với những hoạt động sáng tác của tôi, nhất là trong giai đoạn trước và ngay sau khi đoạn tuyệt với Đảng, nó như một cách chữa bệnh thông qua lao động, giúp tôi lấy lại được sự bình tĩnh và thanh thản trong tâm hồn… Trước khi đoạn tuyệt với Đảng, tôi coi mình là nô lệ của lịch sử, còn việc viết lách là đóng góp với lịch sử. Còn bây giờ tôi muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp, đối với nhà văn chuyên nghiệp thì viết chỉ là một nghề. Vì vậy sau Võ sĩ giác đấu tôi liền bắt tay vào viết Vòng tròn ma thuật.
Trong bản ghi nhớ ngắn gửi cho nhà xuất bản Cape tôi chỉ viết rằng đây là cuốn tiểu thuyết viết về bốn năm người tù chính trị trong một nhà nước toàn trị nọ. Sau khi bị kết án tử hình, họ đã bước qua đường ranh của những kế hoạch bi đát và thường nhật của đời sống và có thì giờ nhìn lại quá khứ, nhận ra rằng mình có tội, nhưng không phải những tội lỗi mà toà đã kết án. Tội lỗi thực sự của họ chính là: Họ đã đặt quyền lợi của cả loài người cao hơn quyền lợi của từng con người cụ thể, họ hi sinh đức hạnh cho sự hữu lý, lấy phương tiện làm mục đích. Họ phải chết vì theo quan điểm lịch sử thì cái chết của họ là hữu ích, họ phải chết trong tay những người suy nghĩ giống như họ. Tên cuốn sách vì vậy sẽ là Vòng tròn ma thuật.
Tôi bắt đầu viết cuốn sách mà chưa mường tượng được nó sẽ phát triển như thế nào, chỉ nhìn thấy trước mắt mình một nhân vật duy nhất. Tôi thấy: Anh ta đang đi lại lại trong buồng giam, người không cao, rắn chắc, chòm râu dê, luôn lấy kính lau vào ống tay áo. Đấy là một người Bolshevik, thuộc “đội cận vệ già”, về trí tuệ thì gần giống Bukharin còn tính cách và hình thức bên ngoài thì vừa giống Trotsky, vừa giống Radek. Mãi tôi vẫn chưa nghĩ được tên cho anh ta. Cái tên Rubashov xuất hiện một cách rất tình cờ, tôi không biết nó có liên quan đến người nào, nhưng tôi chấp nhận ngay, có thể vì nó nhắc tôi nhớ đến cái áo may ở Nga [1] mà tôi rất thích mặc vào những buổi sáng chủ nhật. Sau này tôi mới nhớ ra rằng Nikolas Zalmanovitch Rubashov là Tổng biên tập tờ Davar, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Palestine, tôi chưa gặp ông ta bao giờ, nhưng khi ở Palestine thì tôi vẫn nghe nhắc đến ông ta luôn. Tên cha (Zalmanovitch) lại biến nhân vật của tôi thành một người Do Thái, lúc đó chính tôi đã không để ý, mà cũng không thấy ai nhắc tôi chuyện này.
Như vậy là đầu đã xuôi. Đêm đó, khi người ta đến bắt Rubashov thì anh đang ngủ và mơ thấy vụ bắt giữ trong một đất nước toàn trị khác, nửa tỉnh nửa mê, anh không nhận ra ngay chế độ nào trong hai chế độ toàn trị lúc đó đang đến bắt mình lần này… Điều kì lạ là tôi đã mô tả sự giống nhau giữa hai chế độ, chủ đề xuyên suốt tác phẩm như thế, trước khi Stalin ký kết hiệp ước hữu nghị với Hitler đúng một năm trời, khi mà về mặt lý trí nhiều người còn tỏ ra yêu mến Liên Xô và phủ nhận bất kì khả năng so sánh nào với nước Đức Quốc xã.
Mô tả cảnh bắt bớ không phải là việc khó, tôi đã gom góp được rất nhiều hồi ức về những sự kiện xảy ra cách đó bảy năm, chỉ cần nới lỏng sự gò ép là chúng lập tức trở nên sống động trong trí nhớ. Tôi không quyết định trước quá trình phát triển của câu chuyện mà chờ đợi, vừa tò mò vừa hốt hoảng. Tôi biết trước, thí dụ, cuối cùng Rubashov sẽ đầu hàng và thú nhận đã thực hiện những tội ác giả tưởng, nhưng lúc đó tôi hiểu rất mù mờ nguyên nhân của chuyện đó. Mà nguyên nhân thì chỉ xuất hiện dần dần, trong quá trình thẩm vấn Rubashov, do Ivanov và sau đó đến Gletkin thực hiện mà thôi. Hỏi và trả lời, tất cả đều được xác định bởi cơ chế tâm lý của họ, chúng không xuất hiện một cách ngẫu hứng mà bằng cơ chế của vô thức, chúng được rút ra từ lô gich viển vông, từ những tầng sâu tâm lý, trong đó sự phân biệt giữa điều tra viên và nghi phạm, giữa đao phủ và nạn nhân đã không còn. Dựa trên cùng một thế giới quan, những con người này không thể nói và hành động khác với cách họ đã nói và hành động trong tác phẩm.
Người phương Tây, những người xa lạ với tâm lý và thế giới quan đó sẽ cho rằng lời khai của các bị cáo trong những phiên toà ở Moskva là những điều bí ẩn vĩ đại nhất trong thời hiện đại. Tại sao những đảng viên Bolshevik cũ, những người tự coi cái chết chỉ là trò đùa, lại chấp nhận những trò điên rồ như thế? Ngay cả nếu không kể những người như Radek, tức là những kẻ chỉ muốn cứu lấy mạng sống của mình hay những kẻ đã hủ hoá hoàn toàn như Zinoviev, hoặc những kẻ muốn bảo vệ người thân như Kamenev, nghe nói ông này rất yêu quí cậu con trai, nhưng trong số họ vẫn có những người “gang thép” như Bukharin, Piatakov, Mrachkovsky, v.v..., những người có hàng chục năm hoạt động cách mạng, đã vào tù ra khám như cơm bữa, ngay những người đó cũng phủ nhận chính mình và đấy là điều rất khó lý giải….
Câu chuyện về Richard, Levy Còi và Arlova được tôi lấy từ thực tế, dĩ nhiên là đã sửa đổi chút ít cho phù hợp với văn cảnh. Kỹ thuật và phương pháp lấy khẩu cung của Cục Chính trị Quốc gia (GPU) đã được mô tả rất kỹ lưỡng trong nhiều tác phẩm khác. Xin độc giả cho phép tôi dừng lại hơi lâu một chút để nói về những lý do buộc những con người thuộc loại “gang thép”, vẫn trong khuôn khổ lý luận của họ, phải thú nhận những việc hoàn toàn phi lý, bằng cách, thứ nhất, mời họ đọc lại cao trào của tác phẩm, tức là lần hỏi cung cuối cùng do Gletkin thực hiện và thứ hai, dẫn ra một tác phẩm mà lúc đó tôi chưa hề biết, tôi muốn nói đến cuốn sách Tôi là mật vụ của Stalin, do Walter Krivitsky viết cùng trong thời gian tôi viết Vòng tròn ma thuật.
Krivitsky, một tình báo viên cao cấp, đã ly khai với chế độ của Stalin, khẳng định rằng đối với những người như ông ta, những người “nằm trong bộ máy của Stalin” trong thời gian xảy ra những vụ án Moskva, thì lời thú nhận của các bị cáo không có gì là bí ẩn cả. Mặc dù, như ông ta nói, có nhiều tác nhân, nhưng tác nhân quyết định vẫn là nhu cầu được “hoàn thành, lần cuối cùng, nhiệm vụ trước Đảng và cách mạng”. Xin xem xét trường hợp của Mratshkovsky, đảng viên từ năm 1905, anh hùng của cuộc Nội chiến, sau này trở thành đối lập và bị xử trong vụ án đầu tiên.
“Tháng 6 năm 1936,” Krivitsky viết, “công việc chuẩn bị cho phiên toà công khai đầu tiên xử phe đối lập đã hoàn tất. Có mười bốn bị cáo đã tự thú. Các nhân vật chính là Kamenev và Zinoviev đã học thuộc vai diễn và đã tập xong. Chỉ có hai người phủ nhận mọi lời buộc tội, đấy là Mrachkovsky và Ivan Smirnov, đảng viên Bolshevik kỳ cựu, chỉ huy tập đoàn quân số 5 thời Nội chiến.
Stalin không thích khởi tố vắng mặt họ. Họ đã bị tra tấn rất dã man, nhưng không có kết quả. Cuối cùng một trưởng phòng của Tổng cục Chính trị trực thuộc Hội đồng Dân uỷ (OGPU) đã cho gọi một người bạn của tôi, ông Slutsky và hạ lệnh phải thẩm vấn Mrachkovsky, bằng bất cứ giá nào cũng phải buộc ông ta đầu hàng. Bạn tôi, người vốn rất tôn trọng Mrachkovsky, đã kể lại chuyện này như sau:
“Tôi cạo râu trước ngày thẩm vấn,” Slutsky nói, “khi kết thúc thì râu tôi dài như thế này. Người ta dẫn ông vào phòng tôi. Ông ta rất yếu, yếu ngay từ hồi Nội chiến cơ, tôi bảo ông ngồi. Ông ngồi. Tôi nói: đồng chí Mrachkovsky ạ, thế là tôi phải thẩm vấn đồng chí.”
“Tôi sẽ không nói đâu. Tôi không muốn nói chuyện với anh. Các anh còn tồi hơn vạn lần cảnh sát Sa Hoàng. Hãy chứng minh rằng anh có quyền thẩm vấn tôi. Thời cách mạng tôi chưa bao giờ nghe thấy tên anh. Loại người như anh có bao giờ chịu ra mặt trận. Còn cái này, Mrachkovsky chỉ lên huân chương Cờ Đỏ trên ngực tôi, là do anh ăn cắp được. Ông đứng lên, cởi cúc áo, để lộ ra những vết sẹo trên lồng ngực: Huân chương của tôi đây này!”
Slutsky không đáp, chỉ đẩy về phía Mrachkovsky bao thuốc và ly nước. Mrachkovsky vất hết xuống sàn:
“Mua tôi hả? Đừng có hòng. Tôi căm thù Stalin, hãy nói với hắn như thế. Hắn đã phản bội cách mạng. Chúng còn dẫn tôi đến gặp Molotov, cũng định mua đấy. Tôi đã nhổ vào mặt hắn.”
Đã đến lúc phải tấn công. Slutsky nói:
“Không, đồng chí Mrachkovsky ạ, không phải tôi ăn cắp được những tấm huân chương này đâu. Tôi được phong trong thời gian phục vụ tại mặt trận Tashken, dưới quyền chỉ huy của đồng chí đấy. Tôi không nghĩ và bây giờ cũng không nghĩ rằng đồng chí là tội phạm. Nhưng đồng chí cũng công nhận là mình thuộc phe đối lập. Đảng hạ lệnh cho tôi phải thẩm vấn đồng chí. Còn về thương tật, xin đồng chí nhìn đây. Slutsky cũng vạch bộ ngực đầy thương tích ra. Sau đó nói tiếp: Sau chiến tranh tôi chuyển sang ngành tình báo. Đảng chuyển tôi sang lĩnh vực này. Tôi là người chiến sĩ của Đảng, tôi chỉ biết thực hiện nhiệm vụ. Nếu Đảng bảo tôi phải chết, tôi cũng sẽ chết.” (Đúng như thế, một năm rưỡi sau có thông báo rằng Slutsky đã ra đi đột ngột.)
“Anh đã thoái hoá,” Mrachkovsky nói, “anh không còn là người chiến sĩ của cách mạng nữa, anh là mật vụ, là cảnh sát.” Nhưng sau một lúc lại nói thêm: “Mặc dù anh vẫn còn một chút nhân bản.”
Theo lời Slutsky thì từ giây phút đó giữa họ đã có sự cảm thông. Slutsky bắt đầu nói về tình trạng khó khăn của Liên Xô cả về mặt đối nội lẫn đối ngoại, về vòng vây của chủ nghĩa tư bản, về những kẻ thù của Đảng, những kẻ đang cố tình phá hoại uy tín của Đảng, anh ta cũng nói rằng cần phải bảo vệ Đảng bằng mọi giá vì chỉ có Đảng mới có thể cứu được cách mạng.
“Tôi khẳng định với ông ta rằng tôi không nghĩ rằng ông là một kẻ phản cách mạng. Nhưng đã mang đến và đọc cho ông ta nghe lời khai của những người khác, chứng minh cho ông ta thấy với lòng hận thù chế độ Xô-viết người ta có thể trượt xuống vũng bùn như thế nào. Chúng tôi nói chuyện suốt ba ngày đêm liền. Cả hai chúng tôi đều không ngủ. Tôi chỉ gà gật chừng ba, bốn tiếng. Tóm lại, ông ta đồng ý rằng trong giai đoạn hiện nay chỉ duy nhất có Stalin là đủ sức lãnh đạo Đảng mà thôi. Trong Đảng không có nhóm nào đủ sức cải tổ hay bẻ gẫy được bộ máy của Stalin. Trong khi đó trong nước đã tích tụ một sự bất mãn, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào, ông ta nói như thế, mà liên kết với những người ngoài Đảng có nghĩa là sự cáo chung của hệ thống độc Đảng, mà ông ta lại tin tưởng vào chuyên chính vô sản và không dám đụng chạm đến nó, ngay cả trong suy nghĩ. Ông ta, cũng như tôi, đều đồng ý rằng người đảng viên Bolshevik chân chính phải là người tuyệt đối trung thành với Đảng, vì Đảng chúng tôi sẵn sàng chết, thậm chí chết một cách nhục nhã.”
“Trong khi làm cho Mrachkovsky kiệt sức,” Slutsky kể, “thì chính tôi cũng mỏi mệt và bị kích động không kém, cả hai chúng tôi cùng oà lên khóc khi nói đến sự cáo chung của lý tưởng cách mạng, chỉ có chế độ đáng căm thù của Stalin là còn giữa được một phần nào hi vọng vào tương lai tươi sáng, chúng tôi đã hi sinh cả tuổi trẻ vì nó và bây giờ không thể làm gì khác hơn là cứu nó, và bằng cách đó ngăn chặn sự nổi dậy của đám quần chúng tuyệt vọng và mất phương hướng kia. Để làm được chuyện đó, Đảng yêu cầu các lãnh tụ phe đối lập thú nhận công khai những hành động tội ác trời không dung, đất không tha của mình.”
Mrachkovsky xin gặp Smirnov, một chiến hữu và một người bạn cũ. Cảnh gặp gỡ làm người ta tan nát hết cõi lòng: hai người chiến sĩ Tháng Mười vừa ôm lấy nhau vừa khóc nức nở ngay trong phòng làm việc của tôi:
“Invan Nikititch,” Mrachkovsky nói, “cho chúng đi. Cần phải như thế.”
Cuối ngày thẩm vấn thứ tư thì ông ta ký biên bản lời khai. Ông ta đi về buồng giam còn tôi về nhà, cả tuần sau tôi không làm được gì. Sống cũng không được nữa.”
Phải mấy năm sau khi xuất bản Đêm giữa ban ngày (hay Vòng tròn ma thụât) tôi mới đọc tác phẩm của Krivitsky vì sau khi lúc đó tôi không còn đủ sức động vào bất cứ thứ gì liên quan đến nó nữa. Trong khi đọc tôi luôn có cảm giác bồn chồn, một thứ tình cảm mà các nhà tâm lý học gọi là deja vu (tiếng Pháp: đã nhìn thấy - cảm giác khi thấy những sự kiện đã từng xảy ra trước đây). Có một sự giống nhau đến kinh ngạc với lần lấy lời khai thứ nhất của Rubashov. Vấn đề không phải là sự tương đồng trong lập luận của Slutsky và Ivanov, điều này không có gì lạ vì hiện thực và tiểu thuyết đều được xác định bởi cùng một tập hợp các khái niệm và sự kiện. Điều làm người ta ngạc nhiên là sự giống nhau của các tình tiết: cả hai trường hợp đều bắt đầu bằng những kỷ niệm về cuộc nội chiến mà điều tra viên lại là cấp dưới của nghi can, cả hai đều bị thương nặng ở chân và cuối cùng chính điều tra viên cũng bị thủ tiêu. Có cảm tưởng như tôi đang đọc cuốn sách viết về những người anh em sinh đôi về mặt tinh thần với Ivanov và Rubashov vậy.
Cách tôi lý giải việc Rubashov nhận tội sau này được người ta gọi là “Giả thuyết Rubashov” và đã gây ra những cuộc tranh luận kéo dài, nhưng tôi không tham gia. Xin nhắc lại rằng phương pháp làm cho những người như Bukharin, Mrachkovsky hay Rubashov thú nhận chỉ có hiệu quả khi đem áp dụng cho những đảng viên Bolshevik thế hệ cũ, những người có lòng trung thành tuyệt đối đối với Đảng mà thôi. Đối với những người khác thì phải sử dụng các biện pháp khác, tuỳ hoàn cảnh. Tôi phải nói như thế vì trong những cuộc tranh luận về Đêm giữa ban ngày (hay Vòng tròn ma thuật) nhiều người cố tình khẳng định rằng tất cả những lời thú nhận đều được tôi giải thích bằng “Giả thuyết Rubashov” cả. Hoàn toàn không phải như vậy. Ba tù nhân trong tác phẩm của tôi, chỉ có một mình Rubashov thú nhận tội lỗi là do lòng trung thành đối với Đảng. Môi Thỏ thú nhận là vì không chịu được tra tấn. Còn người nông dân mù chữ thì chẳng hiểu gì, anh ta đã quen nghe lệnh cấp trên và sẵn sàng nhắc lại bất cứ thứ gì người ta bảo… Nhưng sau này, nhiều năm sau này, khi diễn ra những phiên toà công khai tại những nước gọi là “dân chủ nhân dân”, những người phản đối tôi tiếp tục khẳng định rằng vì Hồng y Mindszenty hay ông Fogler không có cảm tình với Đảng Cộng sản cũng phải thú nhận nên “giả thuyết Rubashov” rõ ràng là sai. Chứng minh kiểu đó thì khác nào khi thấy cái đinh dính vào cục nam châm còn con ruồi thì dính vào băng dính và lập tức kết luận rằng lý thuyết về sức hút của từ trường là sai. Tôi nghĩ rằng nguyên nhân của những lý luận kì quặc như thế - trong đa số trường hợp là của những người có thiện ý – là do đầu óc chúng ta thường muốn qui nạp và tìm ra một lời giải thích duy nhất, theo kiểu tìm lapis philosophicus (hòn đá minh triết) cho những hiện tượng bí hiểm nhưng khác nhau về bản chất. Để làm rối trí người quan sát, trong mỗi phiên toà người ta lại đưa ra một nhóm các bị cáo đã được chọn lựa một cách kỹ lưỡng, những người “gang thép” đứng cạnh những kẻ đã mất hết ý chí và cả những tên khiêu khích nữa, họ hành động giống nhau, dĩ nhiên là vì những lý do khác nhau.
Tôi bắt đầu viết Vòng tròn ma thuật vào tháng 9 năm 1938, trong những ngày ký Hiệp định Munich, và hoàn thành vào tháng 4 năm 1940, một tháng trước khi Đức tấn công Pháp. Cũng giống như Võ sĩ giác đấu, công việc cứ bị gían đoạn, có khi khá lâu vì tôi tin rằng sau Munich thì chẳng mấy chốc Đức sẽ tấn công và Pháp cũng chỉ đứng vững được vài tuần là cùng.
Công việc đang đến hồi khẩn trương thì trong túi tôi lại không còn đồng xu nào. Tôi cần khoảng nửa năm nữa để hoàn thành tác phẩm, muốn có số tiền đủ sống trong thời gian đó tôi buộc lòng phải hi sinh tháng 4 và tháng 5 năm 1939 để viết cuốn sách thứ ba, mà cũng là cuốn cuối cùng, về vấn đề tình dục. Sau đó tôi có 3 tháng làm việc yên tĩnh ở miền Nam nước Pháp, rồi lại gặp trở ngại: chiến tranh khởi sự vào ngày 3 tháng 9 và ngày 21 tháng 10 thì tôi bị cảnh sát Pháp bắt.
Sau đó là một loạt tình huống vô lý theo kiểu Kafka, được tôi ghi lại trong tác phẩm Cặn bã. Tôi phải ở trong trại giam tại Pirenee bốn tháng trời. Tháng 1 năm 1940 tôi được thả nhưng vẫn nằm dưới sự quản thúc của cảnh sát, tôi tiếp tục viết suốt mấy tháng trời, tuy thường xuyên bị gọi lên thẩm vấn và tôi sợ rằng nếu bị bắt một lần nữa thì tác phẩm coi như hỏng.
Nhưng có lẽ một vị thần tốt bụng đã hộ mệnh cho nó. Trong một vụ khám xét vào tháng 3, cảnh sát đã lấy của tôi khá nhiều giấy tờ, nhưng không hiểu sao họ lại bỏ qua bản thảo Đêm giữa ban ngày (hay Vòng tròn ma thuật). Một bản nằm ngay trên bàn viết, tôi để ở đấy là theo lời khuyên của Alan Edgar Poe: để vật cần giấu ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, đồng thời, trái ngược với lời khuyên đó, tôi nhét một bản ở ngăn trên cùng của tủ sách. Tôi lại bị bắt một lần nữa, bản thảo tiếng Đức vì thế mà bị mất. May là lúc đó bản dịch tiếng Anh đã xong và đã được gửi đến London, mười ngày sau Đức tấn công Pháp. Như vậy nghĩa là cuốn sách đã lọt qua một kẽ hở rất nhỏ.
Nửa năm sau tôi cũng đến Anh, cuốn sách đang ở giai đoạn in thử. Tôi bị tống vào tù ngay khi bước lên đất Anh. Lại có một trở ngại vì tù nhân không được quyền nhận sách từ ngoài đưa vào, nhưng vì có bằng chứng không thể chối cãi được là tù nhân chính là tác giả cuốn sách nên giám đốc nhà tù đã đồng ý cho tôi nhận bản in thử. Đây là lần đầu tiên tôi biết tên tác phẩm của mình bằng tiếng Anh. Nó được lấy cảm hứng từ câu thơ của Milton: “Bóng tối, bóng tối giữa đêm trăng” và do Daphne Hardy, một nữ phiên dịch viên trẻ đặt, cô vốn không phải là phiên dịch viên mà là nhà điêu khắc (trong Cặn bã có mang biệt danh X). Daphne trốn khỏi Pháp trước tôi và sau thời gian xa cách chúng tôi lại được gặp nhau nhà tù ở London và nói chuyện với nhau qua song sắt ngay trước mặt giám thị. Khi đưa tôi quay lại buồng giam, người giám thị đã hỏi tôi sao lại nói chuyện với bạn gái lâu như thế về một cuốn sách. Tôi bảo đấy là cuốn sách của tôi, viết về một người tù bị biệt giam. “Thế thì ông đúng là một nhà tiên tri,” anh ta nói thế rồi đóng sầm cửa lại.
Cuốn sách ra đời khi tôi vẫn còn ở trong tù.
(Báo Văn học, 3 tháng 8 năm 1988. Phạm Minh Ngọc dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://lib.ru/INPROZ/KESTLER/tma.txt)
Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Đợt thẩm vấn thứ nhất (1-9)
Đợt thẩm vấn thứ nhất (10-14)
Đợt thẩm vấn thứ hai
Đợt thẩm vấn thứ ba
Vĩ thanh
Thay lời bạt
[0]Tủ sách talawas, chuyên đề “Sách xuất bản tại miền Nam trước 1975” sẽ đăng lại bản dịch này trong thời gian tới.
[1]Rubashka: áo sơ mi
Tác giả Arthur Koestler sinh ngày 05.9.1905 tại Budapest, mất ngày 3.3.1983 tại London, là nhà văn Áo gốc Hung, viết chủ yếu bằng tiếng Đức và tiếng Anh, có một số tác phẩm viết bằng tiếng Pháp và tiếng Hung.
Liên kết:
Dịch giả Phạm Minh Ngọc sống tại Việt Nam, đã công bố hàng chục tác phẩm dịch quan trọng từ tiếng Nga và tiếng Anh trên talawas:
Liên kết:
- George Orwell: Trại súc vật
- George Orwell: 1984
- György Dalos: 1985 - Báo cáo sử học (Hongkong 2036)
- Milovan Djilas: Giai cấp mới
- Milovan Djilas: Nói chuyện với Stalin
- Mikhail Magid: Chế độ toàn trị - tương lai tươi sáng hay là quá khứ tối tăm
- N. B. Davletshina, B. B. Kimlika, R. J. Klark, D. U. Rai: Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội
- Anatoly Tille: Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình
- Alain Besançon: Tai hoạ của thế kỷ. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và tính đặc thù của thảm hoạ
- Friedrich A. von Hayek: Đường về nô lệ
- Richard Pipes: Chủ nghĩa cộng sản
- Sigmund Freud: Tâm lí đám đông và Phân tích cái Tôi