talawas chủ nhật

 
Thơ :: 11.11.2007
Như Huy 9 bài thơ mùa hè


Nhu Huy
 Như Huy

Không thể phủ nhận thực tế là ngày hôm nay, giữa đàn ông và đàn bà, giữa các Anh và các Nàng, vẫn còn tình yêu. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy tình yêu ấy kém nồng nàn đi so với trước đây. Song, một câu hỏi nghiêm trọng đặt ra là: Làm thế nào để thơ hôm nay còn có thể nói về tình yêu mà không trở nên lố bịch? Có lẽ vì quá sợ lố bịch mà chưa thời đại nào như thời đại này, các nhà thơ cùng rủ nhau tránh xa tình yêu đến thế.

Thế nhưng khi các nhà thơ tránh xa tình yêu thì tình yêu vẫn có đó. Nó không mất đi: nó trở thành một hiện thực nhức nhối. Nhức nhối, bởi nó không được nói ra, bởi nó bị tránh né, bởi nó bị lãng quên - tình yêu, rốt cuộc, trở thành một hiện thực câm.

Như Huy không nói về tình yêu. Anh nói về việc nói về tình yêu, hoặc đúng hơn, anh nói về việc không thể nói về tình yêu. Bằng cách đó, anh có thể tránh được sự lố bịch chăng? Hay anh chấp nhận rằng, lố bịch là cái mà con người hôm nay không thể tránh được nữa và họ chỉ còn có một cách là phải sống với nó – trừ phi họ quên hẳn sự có mặt của tình yêu đi. Nhưng đấy lại là chính là điều mà họ không thể làm được… Đinh Bá Anh

Như Huy

9 bài thơ mùa hè

 

Cho Y


1. Một-bài-thơ-đi-qua-khung-cửa…

Một bài thơ đi qua khung cửa, là những từ vụn, âm thanh, ánh sáng nhoè nước, sự ngưng lặng của phong cảnh ngay khi một chớp đèn nơi ô cửa xa loé bật. Tất cả, tất cả chạm vào tâm hồn anh. Cũng ngay khi đó, anh bỗng nhớ ra được về nỗi xa lạ vĩnh viễn của con người trước sự trừu tượng của không gian và thời gian - những thực thể hoàn toàn vô bằng cớ trước khi được kinh nghiệm của con người soi chiếu.

Một bài thơ đi qua khung cửa là những ý nghĩ của anh, hình dung của anh và thậm chí là cái tồn tại vật lý của anh. Tất cả dường như đang cùng đụng khẽ vào ngoại giới và gây nên những ngân rung không tắt trong trí tuệ anh. Ngay khi ấy, anh chợt ngã vào một cơn lãng quên khó cưỡng để rồi - không thuộc về thực tại này nữa - lẫn vào chính ký ức và tình yêu dịu dàng của mình

Một-bài-thơ-đi-qua-khung-cửa…


2. Thơ tình (8)

Gretchen: Anh, làm thế nào chúng ta có thể đặt câu hỏi về tự do mà không rơi vào hư vô nếu cùng lúc ấy, mỗi chúng ta không ý thức về lòng-can-đảm-nói-ra-yêu-thương? Và nếu đã rơi vào hư vô, làm thế nào chúng ta có thể diễn giải nhu-cầu-thuộc-về mà không ngay lập tức cười nhạo thẳng vào nỗ lực ngớ ngẩn đó của mình và của nhau? Và nếu đã không thể diễn giải nổi nhu-cầu-thuộc-về, làm thế nào mà, trong suốt kiếp người này, chúng ta có thể thoát khỏi nỗi cô đơn vây bủa mỗi khi bản năng cưỡng hối chúng ta khởi phát nhu cầu tìm đến với nhau?...

Faust: Em, anh chỉ có thể nói

đừng-bao-giờ-đánh-mất-khả-năng-hài-hước


3. Thơ tình (3)

Faust: Em, em, ta sẽ nói tiếp về tình yêu nhé? Nhưng trước khi nói về tình yêu, anh và em cần phải làm rõ - bất chấp việc: khởi thuỷ là Lời (Kinh Thánh) hay việc: khởi thuỷ là Hành vi (anh) - liệu lời và hành vi có thể trở nên là – hay ít ra – có thể nỗ lực trở-nên-là: Một? Và nếu đã như thế, liệu có bao giờ cái thực thể: Lời/Hành vi ấy thoát khỏi thân phận của một thế tay ba dùng dằng giữa Lời/ Hành vi và Hiện thực? Bởi vào lúc ngôi Lời nhân danh ngôi Hành vi nhằm tìm cách chuyển hóa Hiện thực – chính Hiện thực ấy sẽ lập tức kháng cự lại bằng cách khởi sinh ra một phản ứng theo kiểu hóa thân; rũ bỏ phắt lớp-áo-mỏng-các-hình-ảnh-thường-nhật để vĩnh viễn chìm vào một không gian ảo theo kiểu không gian mạng - nơi mà - dù là tình yêu, dù là thù hận, dù là lãng quên, dù là lưu giữ, dù là trung tâm, dù là ngoại biên, dù là phù du, dù là bền vững, dù là nhẫn chịu, dù là cương cường, dù là từ bi, dù là độc ác, dù là hiện thực, dù là định mệnh…v.v., tất tần tật, đều chỉ là những vẩy cát lẻ mà thôi, trong một sa mạc hư cấu mênh mông…


4. Thơ tình

Faust: Em, em ta sẽ nói với nhau về tình yêu nhé. Thế nhưng làm thế nào có thể nói về tình yêu nếu ta không viện tới thí dụ? Và nếu đã như thế, làm thế nào để các thí dụ ấy không cướp trắng đi sự thật theo kiểu ký hiệu cướp trắng đi nội dung nó cố công biểu hiện?

Gretchen: Anh, nếu thế, hãy im lặng, im lặng…

Faust: Im lặng ư? Thế nhưng làm thế nào có thể im lặng về tình yêu nếu không viện đến ký ức của chính bản thân ta về tiếng động? Và nếu đã như thế, làm thế nào để ta có thể - dù không lên tiếng gọi - vẫn yên tâm rằng trong mọi bóng tối - dù là mênh mông, dù là chật chội, đều luôn có một tình yêu đang dò dẫm ?


5. Tình yêu bị hắt hủi của chúng ta

Không, đó không phải là khuôn mặt đâu em - vết sẹo cô đơn ấy - anh đã hôn lên như hôn vào viên đá nhỏ nơi đất quê hương – chính là âm hộ của em

Không, đó không phải là dáng quỳ cầu nguyện đâu em – nỗi bơ vơ ấy – anh đã lặng nhìn sâu như lạc vào một phế tích đang trong quên lãng – chính là khoảng trống giữa cặp vú em

Không, đó không phải là nước mắt đâu em - suối buồn cô đặc ấy – anh đã nhấm nháp như vị thạch dừa trong chén độc – chính là hơi thở của em

Không, đó không phải là hai đầu nhũ đâu em – dấu vết của tình mẫu tử ấy - anh đã ngả vào bình yên như trong vòng tay mẹ - chính là khoảng-trống-hoác-trong-căn-phòng-em-để-lại

Không, đó không phải là vòng gai nơi trán Người đâu em - sự tự do ấy – anh đã vùng quẫy như trong cơn giẫy chết cuối cùng nơi phòng lạnh nhà táng - chính là tình yêu bị hắt hủi của chúng ta


6. Em không xứng đáng sở hữu nó…

Em, chúng ta có tình yêu ư?, nhưng thực ra, làm sao có thể có cái gọi là tình yêu trước khi nó được ngôn từ vẽ ra? Chúng ta có nhau, là hai hiện diện thực ư? Đó là em tưởng thế thôi, làm sao chúng ta có thể hiện diện được trước nhau nếu ngôn từ chưa giúp chúng ta nhận ra nhau?

Chúng ta có cơ thể và chúng ta có thể cảm thấy đau ư? Không thưa em, cơ thể này chưa là của chúng ta, cơn đau này chưa là của chúng ta. Trước khi được rọi chiếu bằng ngôn từ, chúng chỉ là những ảo giác, theo kiểu các trạng thái ta gặp trong mơ và sẽ tan biến đi tuyệt đối ngay khi ta tỉnh giấc. Em lại hỏi thế biết bao cảm giác ta có, như khi uống một ngụm trà mát lạnh sau bao ngày lang thang chết đói chết khát giữa sa mạc, làm sao chúng ta có thể mô tả? Và nếu chúng ta không thể mô tả chính xác cảm giác ấy bằng ngôn từ, phải chăng cảm giác đó không có thật? Đúng thế thưa em, nếu em không thể mô tả được cảm giác ấy, đó là do em thiếu may mắn, và nếu đã như vậy, em không xứng đáng sở hữu nó…


7. Sự bất lực của ngôn ngữ

Một trong những sự bất lực của ngôn ngữ là việc nó không thể nào - giống như bầu trời xanh thẳm kia, mặt gương trong veo kia, các đồ vật ngổn ngang kia, cánh tay mềm mại kia, bóng đêm rậm đặc kia, tiếng hát khan đục kia, giọng chim hót xôn xao kia, chuỗi cười giòn tan kia, ban mai mưa âm u kia, đôi môi đang vươn lên kia …

Đột- Nhiên-Im-Lặng- Không-Để-Lại-Dấu-Vết.


8. Các chữ

Anh khởi đầu từ chữ “Trặm”, và bị dẫn đến kết cục tất yếu của chữ “Mẩy”, ghé qua chữ “Hơn”. Anh tiếp tục đi tìm về những chữ mà nghĩa của nó chỉ như một cái chết phi lý, như chữ “Mẵng” chẳng hạn, đó có thể là một âm, một tiếng, một tiếng vọng, một lỗi đánh máy…Thế nhưng nó đã vang lên như thế; “ Mẵng”,

“ Mẵng”, “ Mẵng”. Và vì sự vang lên ấy, anh sẽ buộc phải chấp nhận hiện diện của nó. Âm gọi âm , từ gọi từ, một cuộc đại tổng động viên trùng trùng của các dẫn dắt đột ngột và tự động (có lẽ cũng phần nào giống với kiểu tự động của chủ nghĩa siêu thực) đã khởi dậy. Và rồi “ Mẵng” sẽ gọi “ Não”, “ Não” sẽ gọi “ Lễnh”, “Lễnh” sẽ gọi “Rũ”, “Rũ” sẽ gọi “Hẽm”, và đến lượt “Hẽm”, “Hẽm” sẽ bắt đầu ngoặt sang một hứơng khác bằng việc đề nghị chữ “Bông Bông”…


9. Chữ thuần túy

Anh tìm về những chữ thuần túy là “Mỗng” hay là “Sãng”. Sự thuần túy này có triệt để không? anh nào biết, anh chỉ biết “Mỗng” là một điều gì tồn tại nơi ranh giới của “Muỗng” và “Mãng”, “Sãng” là một điều gì tồn tại nơi ranh giới của “Suyễn” và “Sáng”.

Anh tìm về một trò chơi thuần túy, khi anh ghép “ Suyễn” và “Sáng” vào với nhau, “Muỗng” và “Mãng” vào với nhau. Nhưng éo le thay, “ Sãng” đã không phục hồi lại được, “ Mỗng” đã không phục hồi lại được, đã mất đi vĩnh viễn, và chỉ còn lại một cái gì rỗng rỗng như thể là “SsUáYnỄgN”, một cái gì rỗng rỗng như thể là “MmUãỖnNgG”.

Ngay tại đây, anh bắt đầu thấu hiểu nỗi buồn vô hạn của những chữ thuần túy khi đã lạc mất nhau và không làm sao có thể phục hồi lại nổi những mối quan hệ cũ.

© 2006 talawas


Như Huy (tức Nguyễn Như Huy) sinh năm 1971 ở Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM năm 1997. Với tư cách nghệ sĩ thị giác, Như Huy đã có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm trong vài ngoài nước. Anh là người đồng sáng lập và biên tập viên của website: www.vnvisualart.com và là tác giả của nhiều bài viết và dịch thuật về các vấn đề của nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại... trên các báo Tia Sáng, Mỹ Thuật, Thể thao & Văn hóa, Lao Động và trên các website: talawas, Tiền Vệ. Ngoài ra, Như Huy còn là một nhạc sĩ.

Quý vị có thể tìm thêm thông tin về Như Huy tại trang web của anh: www.nhuhuy.com

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài