talawas chủ nhật

 
Thơ :: 27.08.2006
Khế Iêm Thơ chọn lọc
Khe Iem

Đối với những độc giả văn học trẻ hiện nay, hai chữ "Khế Iêm" khiến họ lập tức nghĩ ngay đến Tân Hình Thức, như thể Khế Iêm chưa bao giờ từng làm những thể thơ khác vậy. Dĩ nhiên điều đó không đúng. Bởi trước khi tìm đến, được thuyết phục và kiên định bảo vệ và truyền bá kiểu thơ này, vị "chủ soái" của Tân Hình Thức đã từng thể nghiệm nhiều hình thức thơ khác: thơ vần điệu, thơ tự do, thơ hình thể...

talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu một chùm thơ chọn lọc của Khế Iêm, gồm những bài thơ lẻ qua các giai đoạn tìm tòi của tác giả.
talawas chủ nhật

Khế Iêm

Thơ chọn lọc

THƠ VẦN ĐIỆU

(trích từ tập Thanh xuân)


Tự ca

Mở mắt
Nhấp nháy nghi, hồn nhiên
Rơi trên thềm, ruộng đồng chảy mật
Chưa bao giờ nước và đất thành bùn
Chưa bao giờ điêu linh là mộng

Ta khởi từ đời thật có
Chạy đi rồi về gió tất tưởi
Chiều xa chôn hờ thây ngoài non
Đợi nhau từng giờ bướm thổn thức

Dừng lại con quay quẻ may rủi
Dắt tay bước qua cầu nước mắt
Thở dài
Cười
Tiếng hùng hổ
Nhè nhẹ rừng lời buông bông lơn

Nhát cuốc
Cỏ, hẳn nhiên chết
Cho nhanh ngày mầm héo xơ xác
Vay trả ngàn kiếp muôn biến đổi
Ta ca thiêm thiếp quê mùa thơm.


Xuân tù

Gửi TPK

Lửa mắt, hôn tóc sao
Chảy và khóc
Lời kinh mưa

Như trái tim kịch, lòng co quắp
Như bất ưng chiều run phiêu linh
Như chim bay qua rừng hát huyên náo

Ta, sâm thương nguồn gió đau đớn
Bên quán xưa men rượu còn chờ
Thây man di có tiếng hờn oán
Sông cuối sông về, hoa tinh mơ

Ngăn ngắt quanh ngực núi càn rỡ
Khuya liếp tranh hồn quê siêu sinh
Ta cắn răng cùng đá gầm rú
Trong nước trôi ngoài trăng lân tinh

Soi, bỗng nhiên dòng nỗi lam lũ
Đang cuốn đi từng cơn phiếm du
Thiêm thiếp hơi gặm miếng tình cũ
Bao phế hưng ta mùa xuân tù.

THƠ TỰ DO

(trích từ tập Dấu quê)


Cà phê

gác mái
con đò không
giả dụ vậy

ẩn dụ lời
đừng đùa bỡn với ký ức

nóng nảy

đã đến lúc phải chôn sống
cả hơi thở

tí tách
giọt cà phê rơi


Chợ trời

bụi bậm
ngổn ngang nắng gió

thở chút hơi ngày hát cuồng

nghe ngóng
phế thải cả

xao xác, xao xác
chim muông bay

coi chừng hoàng hôn
đóng cửa lại


Dấu quê

phà vào lũ mục
tử bằng đất nung
với tay nhón cái phôi

pha với khói
tí tách
con mắt góc xếch
mé trong thế giới hai mặt một lời
(ai ở ngoài lời)

vẽ lại hình dạng đã thành quen
thói

phẩy con đường làm đôi
không biết lối nào có dấu quê




Kịch một ngày

bình minh
(lại bình minh)
nhắc tới là sôi ruột

mồi điếu thuốc
không cháy

chắc lưỡi
đằng nào cũng đã bị mắc bẫy

hiên mưa
hiu quạnh quá

khán giả đâu
ở ngoài kia kìa

màn

THƠ GRAPHIC

(trích từ Tạp chí Thơ)


Đọc "Chinh Phụ Ngâm"

THƠ TÂN HÌNH THỨC

(trích từ Tạp chí Thơ)


Tân hình thức và câu chuyện kể

Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề
đường và kể lại câu chuyện đã được
kể lại, từ nhiều đời mà đời nào
cũng giống đời nào, mà lời nào cũng

giống lời nào, về người đàn bà và
đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được
gọi là chỗ chết, nơi góc phố được
gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ

bằng than đen; gãy góc, xấu xí như
cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ
nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như
thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng

nhưng người đàn bà và đàn con nheo
nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được
kể lại, như người khác đã từng kể
lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu

chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự
kể lại, và không ai, ngay cả người
đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước
ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.


Cái hộp

Những rác rưởi ở ngoài lề đường, những
giẻ rách ở ngoài lề đường, những cái
hộp phế thải ở ngoài lề đường, đó
là điều không thể chối cãi, và không

thể hồ nghi; nhưng tôi sắp nói những
điều tôi sẽ nói, như tôi cứ nói
những điều tôi đã nói, rằng tôi chật
chội, chật chội trong cái hộp phế thải,

như tôi chật chội, chật chội ở ngoài
lề đường; nhưng tôi không thể nào bước
ra ngoài cái hộp, và cái hộp cũng
không thể nào bước ra ngoài tôi; những

cái hộp đựng giày dép cũ, những cái
hộp đựng quần áo cũ, những cái hộp
toàn đồ lạc xon, những cái hộp vất
vưởng, những cái tôi vất vưởng; những cái

hộp kể chuyện đời cũ, những cái tôi
lập lại, kể chuyện đời cũ, những hình
ảnh cứ thế, hiện ra rồi biến mất,
những thực tại cứ thế, hiện ra rồi

biến mất, những tai ương cứ thế, những
hạnh phúc cứ thế, những thuở nào cứ
thế, và cứ thế, cứ thế, cứ thế;
những cái hộp bằng cát tông, giấy dầu,

nhựa dẻo, những cái tôi bằng cát tông,
giấy dầu, nhựa dẻo, như rác rưởi, giẻ
rách ở ngoài lề đường, tan tác như
thế, lôi thôi như thế; nhưng tôi sắp

nói những điều tôi sẽ nói, như tôi
cứ nói những điều tôi đã nói, mặc
dù, thà có hơn không, đó chẳng phải
là những điều tôi muốn nói.


Người đàn bà

Người đàn bà ngủ với người đàn ông
không phải chồng của mình, trong căn phòng
không phải căn phòng của mình, với cái
tôi không phải cái tôi của mình, vào

buổi tối không giống buổi tối nào (vào
buổi tối không khác buổi tối nào), giữa
nhà ga đầy muỗi mòng và nước đái
ngựa, nhai lại bất cứ thứ gì có

thể nhai lại, bôi xóa bất cứ thứ
gì có thể bôi xóa, ném vào đống
đồ đạc cũ, mảnh báo cũ, kể về
nỗi nhọc nhằn đồi trụy; xỏ chân vào

đôi guốc mộc, và bước qua ngưỡng cửa,
để đi tìm người chồng nơi những người
đàn ông không phải chồng của mình. Biết
thế thì. Thôi thế thì. Người đàn bà

đánh mất quá khứ, hay quá khứ đã
tàn phai, thất thiệt, từ hàng trăm năm
trước, rằng đã có một thời, đã có,
“một thời áo trắng xa xôi”. Người đàn

bà quay gót, trở về căn phòng không
phải căn phòng của mình, với cái tôi
không phải cái tôi của mình, dửng dưng,
như sự thật chẳng bao giờ có thật.

---------------------
* "Một thời áo trắng...": Lời nhạc của Trầm Tử Thiêng


Chiếc ghế

Những chiếc ghế không cùng một màu,
những chiếc ghế không dùng để ngồi,
những chữ ghế, không phải là ghế;
những chiếc ghế có thể sờ được,

những chiếc ghế có thể gọi tên,
những chiếc ghế đúng ghế, không phải
là ghế; những chiếc ghế không bao
giờ vẽ được, những chiếc ghế không

bao giờ nói được, những chiếc ghế
không bao giờ có được, bởi những
chiếc ghế không bao giờ biến dạng,
những chiếc ghế không bao giờ mất

đi, những chiếc ghế không hiện diện;
những chiếc ghế, ôi chao, chỉ là
nó đó; những chiếc ghế, ôi chao,
không cùng một màu, những chiếc ghế,

ôi chao, không dùng để ngồi; những
chiếc ghế không ở đâu xa, những
chiếc ghế ở ngoài mọi điều; những
chiếc ghế chỉ là chiếc ghế.

© 2006 talawas

Khế Iêm sinh năm 1946 (khai sinh 1947) tại Lê Xá, Vụ Bản, Nam Định. Học Luật tại Sài Gòn. Hiện sống tại Mỹ. Sáng lập và chủ biên Tạp chí Thơ tại California từ năm 1994-2004.

Tác phẩm: Hột huyết (kịch, Sàigòn 1972), Thanh xuân (Thơ, California 1992), Lời của quá khứ (Truyện, California 1996), Dấu quê (Thơ, California 1996), Tân hình thức, Tứ khúc và những tiểu luận khác (Tiểu luận, California 2003).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài