Là một nhạc sĩ, Nguyễn Trọng Tạo được nhiều người nhớ đến với các bài hát mang đậm phong cách dân ca: Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Khúc hát sông quê. Còn với tư cách nhà thơ, hẳn nhiều bạn đọc sẽ khó quên tuyển tập Đồng dao cho người lớn và nhiều bài thơ khác của ông. Trong những năm gần đây, Nguyễn Trọng Tạo còn được biết đến như một người ủng hộ cho các nhà thơ trẻ, nhất là khi ông là một trong những người khởi xướng và đồng thời là người đầu tiên phụ trách phụ san THƠ của Tạp chí Văn nghệ, tuy rằng rốt cuộc thì ông cũng đã từ bỏ phụ san này.
talawas chủ nhật kì này xin giới thiệu tuyển tập thơ Thế giới không còn trăng của Nguyễn Trọng Tạo, gồm những tác phẩm được sáng tác trong thời gian gần đây và chưa xuất bản thành sách. Phần phụ lục là bài viết của Nguyễn Đỗ về tập thơ của Nguyễn Trọng Tạo.
talawas chủ nhật
Nguyễn Trọng Tạo
Thế giới không còn trăng
Phần II
Cổ tích thơ tình
Anh cô đơn như quan chẳng có dân
anh trống trải như ngai vàng vắng chủ
anh bốn mùa đông một ngày em đến ngự
lá chuối vườn thành áo bánh nếp thơm
Anh có thêm em em có thêm con
cây bưởi đơm hoa cây cà đậu quả
nụ tầm xuân gió đùa xanh nghiêng ngả
cây bén hơi người người bén hơi xuân
Anh làm vua không ngai em vẫn là hoàng hậu
nàng công chúa khóc nhè chàng hoàng tử hờn dai
chợt thương quan không dân chợt thương ngai không chủ
thương những đời người chung thân trong áo mão cân đai...
19.12.1999
*
Ghép lại trái tim
Vải thưa che mắt Thánh dễ dàng chăng
lời nói dối sẽ đến ngày gãy cánh
sự thật đi như một kẻ độc hành
sẽ tới đích dù đỉnh trời giá lạnh
tình yêu tan tan cả chút dối lừa
chàng hảo hán hiện hình tên ăn cắp
vỏ thánh thiện bóc ra toàn múi độc
tim thơ ngây tan vỡ thuỷ tinh trong
ngồi ghép lại trái tim thay máu mới
nàng đứng lên bước qua dấu chân mình
tấm vải thưa tan tành sương khói
nở nụ cười kiên nhẫn trước bình minh...
26.10.2000
*
Bức tranh Giêng
Giêng vừa động cửa cỏ mở chân trời
lay phay mưa bụi hiện nét em cười
anh đóng khung tranh mạ vàng treo chơi
tranh treo mồng tư ngất ngư mồng bảy
đôi môi em cười thành hoa hồng cháy
thân cành mọc gai cứa lòng đau mãi
có một đêm rằm chợt lạnh vầng trăng
bay vào khung tranh soi giấc anh nằm
lay anh tỉnh dậy ngậm ngùi xa xăm
thì ra tháng Giêng nhớ em quá thể
anh thấy em về giữa miền mộng mị
và cái khung tranh chính là khung cửa
từ bấy đến giờ anh có tháng Giêng
ngọt ngào mòng mọng ảo mờ chung chiêng
tháng Giêng ngà ngọc cứa và niềm riêng...
bức tranh tình
không vẽ mắt không vẽ môi không vẽ dáng hình
tôi vẽ hơi thở em thơm tho lộc biếc
căng cứng vú đồi
và chiếc gưương trời
ai vừa đánh rơi xuống mặt hồ trong vắt
không vẽ trái tim em, không vẽ trái tim anh
tôi vẽ cây Bạch Nhân thân trần cắm chân vào trái đất
cành vươn tay ghì xiết mùa xanh
tôi vẽ mong manh mảnh trăng giêng
hằn dấu môi non
ai vừa cắn vào da trời sung sưướng
không vẽ ngưười đàn bà hồi xuân
tôi vẽ mùa xuân vĩnh hằng trên toan trắng
em!
bức tranh tình không năm tháng
em!
mùa xuân chiếm hữu sắc màu tôi!
Hà Nội 2001
*
Trở lại Huế
Trở lại Huế mưa vẫn mưa như cũ
màu trời buồn như thuở ra đi
bạn làm thơ giờ viết báo nuôi thơ
tổng biên tập Sông Hương mặt rầu như đá xám
những đứa em hiệp sĩ với chính mình
chợ Bến Ngự thêm vài ba người lạ
đêm ca Huế mấy nụ cười trượt giá
áo vẫn dài nón vẫn trắng mắt vẫn đen...
Trở lại Huế dăm hè đường lát đá
tiếng lá rơi ngõ vắng cũng giật mình
o bán hàng là con o bán hàng ngày trước
rượu vẫn là rượu Hiếu dốc Phú Cam
góc sân chùa ngày ấy tôi hôn em
giờ trai gái cũng hôn nhau ở đấy
cổng ủy ban hình như vừa sơn lại
cửa Tam Toà thấp thoáng áo chùng thâm...
Đêm lang thang cùng Thanh Tú đượm buồn
chuông điện thoại thở dài Văn Cầm Hải
Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn viết văn bằng miệng
Ngô Minh gửi bài lách tách nhấn email
gallery nhiều bức tranh nữ tính
công viên trưng bày những tượng đá mô-đen
cầu Trường Tiền mưa phủ ướt hồn em
thành quách cũ niêm phong dần trí nhớ...
Trở lại Huế bước chân sầu vạn cổ
ngồi chuyện trò cùng ký ức lưu kho
ngày trở về mà cứ ngỡ ra đi
lời chào chia tay hay lời chào gặp lại
thôi tạm biệt Huế ơi tím tái dòng sông chảy
ngôi biệt thự ngăn đôi hai cánh cổng màu ghi
lâu lâu đón tôi về lâu lâu tiễn tôi đi...
Huế, 9.1.2002
*
Ký ức mắt đen
Đen và long lanh hai hạt nhãn Hưng Yên
ngỡ than đá Quảng Ninh cũng không đen và long lanh đến thế
đen và long lanh đã hớp hồn anh
18 ngàn năm
18 vạn năm
anh không nhớ rõ.
Đập vỡ thuỷ tinh cũng chẳng còn rượu nữa
đập vỡ tượng người có gặp trái tim yêu?
anh đập vỡ anh và anh nhìn thấy
đen và long lanh xa lắc bỗng hiện về...
Không phải đen của đêm tối châu Phi man man cuồng dại
không phải đen của hố thẳm chiến tranh thủ đoạn điên rồ
không phải đen của mực Tàu tài hoa thư pháp
không phải đen của dòng sông con đường phát sáng cơn mơ...
Đen và long lanh hiền dịu dại khờ
đen lúng liếng dân ca đen ngân nga lễ hội
hoá đá anh mắt em 18 tuổi
18 ngàn năm hay 18 vạn năm?
Ông Già Thời Gian ngỡ như chẳng già hơn
bạc trắng nụ cười tìm anh hỏi nhỏ:
- đen và long lanh thuở xa ấy đâu rồi?
- Đen và long lanh vẫn lẽo đẽo bên trời
dẫu anh nằm dưới cỏ
khi mùa xuân xao xuyến còn tươi!...
Huế, 6.11.2002
*
Chim én
chim én thành tro bao giờ chẳng biết
vỗ mãi trong ta từng lời ly biệt
ngỡ chim tuyệt diệt mấy chục năm rồi
sáng nay bay về đậu đầy giây phơi
này chim én ơi từ trời xa đến
phương ấy phương nào lao xao cuộc chiến
lánh nơi súng đạn? lánh phường thợ săn?
chim én tìm ta nghiêng cánh tin xuân...
rồi chim bay đi chìm vào trời thẳm
rồi một mùa đào rụng vào im lặng
ta thấy ta nằm trong tổ của ngươi
rồi ta ra ràng vỗ cánh rong chơi...
Xuân, 2002-2003
*
Món quê
Thời gian mòn cối giã vừng
Lòng tay mòn nhẵn qua từng nắm cơm
Vai mòn đòn gánh bóng trơn
Người rao cơm nắm bước mòn tuổi xanh
Cơm vừng, thưa chị thưa anh
Bữa cơm công chức ăn nhanh vỉa hè
Người thành phố, kẻ nhà quê
Mời nhau cơm nắm thơm về xưa xa
Thơm về đồng đất phù sa
Thơm về đồi núi thơm qua luống cày
Thơm về mùa trĩu bông sây
Thơm về Tiên Tổ tháng ngày nắng mưa
Nghìn năm hay vạn năm xưa
Muối vừng cơm nắm lon dưa vại cà
Món quê thơm thảo mặn mà
Vẫn len lỏi chốn phồn hoa phố phường
Vẫn còn lời nói dễ thương
Mời anh mời chị dùng cơm muối vừng...
Hà Nội, 12.2003
*
Cửa Lò phố biển
Thân tặng anh Phạm Văn Thìn
Cửa Lò muối Cửa Lò rèn Cửa Lò biển Cuala
Cửa Lò gió Cửa Lò sóng
Cửa Lò Nhà-Mát-Vua mọc loài hoa cúc biển
Cửa Lò bạn tôi xây thành phố tinh khôi
Gió chia ô và nắng chia ô
Thang máy lên trời những hotel mây trắng
Biển dưới chân đêm ngày bồng bềnh sóng
Biển trên đầu mùa hạ khoả thân xanh
Bạn tôi cười trên con thuyền cao tốc
Đảo Song Ngư chớp mắt đã gần kề
Quay nhìn lại thành phố chìm trong biển
Bức tranh màu mới vẽ mực còn tươi
Tôi bỗng ước một cầu vồng ra đảo
Thì trời xa đã vẽ một cầu vồng
Tôi bỗng ước một đêm huyền thoại biển
Thì khơi xa đèn sáng một vòng cung
Quá nửa khuya vọng tiếng rao mực nhảy
Rượu lanh canh ly chạm sóng chảy tràn
Đêm đẹp quá khách nằm không nỡ ngủ
Những bàn chân trên cát ướt miên man
Tôi và bạn lên tầng cao ngắm phố
Công viên Tuổi Thơ giấc mơ đã hiện hình
Sen đang nở một vùng hồ sinh thái
Đất trời thơm như thuở hồng hoang
Chợt đỏ chói hiện lên ngoài xa biển
Đường Bình Minh nườm nượp tự bao giờ
Từng đợt sóng ùa lên ôm thành phố
Tôi sợ Cửa Lò và bạn phải chia xa...
Tháng Tư, 2004
*
Chiều thứ tư của không gian
Ta gọi ngày hôm nay là hiện tại
Nó sẽ là quá khứ của ngày mai
Ta gọi phút này là hiện tại
Phút và giây trong một thoáng quay đầu
Xuân lại đến ta gọi là xuân mới
Em mỗi ngày có gì mới trong tôi
Đào lại nở đón một người đúng hẹn
Dám tin không người đúng hẹn suốt đời?
Ta cứ đến rồi đi
Sông cứ duềnh lên sóng
Ta cứ trôi ngay cả khi ta đứng
Có thể yêu khi tưởng chẳng thể yêu?
Người chết rồi móng tay vẫn mọc
Bây giờ trưa tương lai sẽ là chiều...
Ta khao khát một điều gì xa lắm
Xa hơn cả tương lai
Xa hơn Quá-Khứ-Người...
Hà Nội, 12.12.2003
*
Đi chợ chiều nhớ Tám
Xưa Tám viết Đi chợ chiều nhớ Mẹ
Mẹ không còn để con chạy theo sau
Giờ tôi viết Đi chợ chiều nhớ Tám
Tám không còn. Héo úa cả hàng rau
Xưa Tám viết Đàn ông đi chợ
Vợ thương chồng vất vả lặn vào thơ
Giờ tôi khóc một thời chưa trắng nợ
Khóc một thời nghèo khó hoá mộng mơ
Thơ về chợ hay và đau đến thế
Người đàn ông yểu tướng - bạn tôi ơi
49 tuổi. Ra đi. Không trăng trối
Thôi thì thơ đã nói hộ bạn rồi!
Thôi thì chiều... Chẳng còn chiều nào nữa
Ta bên nhau chen chúc giữa chợ đời
Tôi đơn lẻ góc chợ chiều nhớ Tám
Nhìn vào đâu cũng thấy vắng một người!... [1]
Ngày tiễn Tám, 21.12.2002
*
Nếu em ngủ gật
Nếu em ngủ gật dọc đường
là khi xa cách tôi thường nhắc em
Nếu em tỉnh giấc trong đêm
là khi tôi chẳng bình yên nỗi lòng
Giữa chiều em bỗng thấy mong
là khi tôi viết vài dòng thơ riêng...
Bao giờ tôi khẽ ngủ quên
đừng lay tôi dậy giữa miền không em!
*
Mùa hè ước
Sao em không là thảm cỏ mềm
đưa đón dọc đường anh đi bộ?
Sao em không là trái me chua
nghiêng lưng dốc nắng dẫu cuối mùa?
Sao em không là Em Ngày Xưa?...
*
Lửa trắng
Tôi một mình con đường đêm mưa gió
không ô che không gậy chống không đèn
khẩu AK không còn đạn nữa
đất trời đen và cánh rừng đen
Cũng không hề tia chớp bật lên
bỗng trước mặt chập chờn lửa trắng
cái ngọn lửa khi gần khi xa vắng
gọi tôi đi rách nát hai bàn chân
Ngỡ tắt rồi lửa trắng lại hiện lên
trên đỉnh dốc đợi chờ hy vọng
tôi đi tới. Đồng đội ùa ra đón
nhưng đâu rồi, lửa trắng của tôi đâu?
Có lẽ nào hình ảnh đã từ lâu
như ánh chớp thân thể người yêu dấu
trong điệu múa một lần trên sân khấu
em chính là lửa trắng của đời tôi!...
*
Đêm kỳ diệu
Đêm kỳ diệu tay bơi trong suối tóc
ánh trăng mờ trời sương mặc áo mun
thu trút lá người ơi run rẩy gió
Đêm kỳ diệu đêm chưa bao giờ có
hai trái tim trôi vô định bên trời
nghe da thịt trào lên từng đợt sóng
Từ thăm thẳm một vì sao rụng xuống
ánh chớp xanh trái đất rùng mình
tan biến rồi ánh chớp vẫn còn xanh
Đêm kỳ diệu đêm của Em và Anh
bàn tay bao giờ ngủ yên trong suối tóc
mằn mặn môi em... nước mắt?
*
Biển vắng
Cây phi lau đổ lá xuống chân mình
đàn thuyền đen nằm sâu trong bờ cát
Hòn Kiến bò trên sóng bạc
đến bao giờ gặp tổ phía đất nâu?
Anh nghe rền tiếng sấm đáy biển sâu
sóng vỗ mãi vào lòng anh muối mặn
ngày động biển nào ai ra thăm biển
có dấu chân ai đâu mà tìm dấu chân ai...
*
Bắt chước ca dao
Mình về thưa với Núi Cao:
mùa trầu sẫm lá mùa cau chín vừa
Ta về quì trước Biển thưa:
đá thành vôi trắng xin đưa mình về
Núi Cao ghé Biển thầm thì
hình như Biển cũng hỏi gì Núi Cao...
Thế rồi xuống Biển mò sao
ta mang lên Núi cài vào đá xanh
Mình thì lên giải sông Ngân
nhặt mây ném xuống mặn dần Biển sâu...
Bây giờ hiểu trọn lòng nhau
mùa trầu đã rụng mùa cau đã vàng!
9.1982
*
Chân trời
Tôi và em đứng trước chân trời
chiều đổ bóng vào hồn vội vã
gió mở cửa những gì hoang vắng cũ
tóc em bay xõa bóng đêm về
tôi và em đứng trước biệt ly
con chim xám du cư về miền núi lạ
lèn đá lung lay nỗi buồn muôn thuở
sau lưng ta hoang vắng nhón chân đi
tôi và em nhập nỗi buồn Đường thi
lời ta nói ta quên, lá rơi ta chẳng nhớ
ánh mắt xa xăm sợi chỉ tay buộc mở
bỗng giăng ngang, và ta gọi: chân trời...
*
Em
Em đã vắt kiệt mình như vắt kiệt mùa đông trong chậu áo quần của ba mẹ chồng con em vừa giặt giũ
Em đã cười tươi ngày mới chớm yêu và đã khóc âm thầm sau ngày cưới
Em đã chia cho anh nỗi buồn công sở và niềm vui ngày biết mang thai
Em đã hát một bài ca xưa cũ
Giữa bạn bè như những đứa trẻ thơ
Anh con thuyền ưa bão tố phong ba
Dong mơ ước chân trời tít tắp
Có khi vô tâm không nghe tiếng khóc
Tiếng gió trời nức nở sau lưng
Không còn chiến tranh anh không còn làm lính
Em thời bình Chinh Phụ vẫn chưa thôi
Có gì níu gọi ta trong bão tố cuộc đời
Có gì đẩy xô ta trong bình yên mộng ảo
Những đứa con lớn dần lên lúc vắng cha khi vắng mẹ
Những đứa con ưu buồn trước tuổi thần tiên
Em vẫn một mình đi chợ nấu cơm đến bệnh viện chăm mẹ già thăm thầy cô đưa con đi vãng cảnh
Những bài thơ của anh chất thêm lên vai em gánh nặng
Những chân trời càng đến lại càng xa
Nhắm mắt lại anh thấy em bên cạnh
Như đứa con đi học về ríu rít gọi: Ba ơi...
27.9.2005
*
một người già thông báo mùa xuân
một người già thông báo mùa xuân về trong ánh mắt lộc non
một đứa trẻ với tay theo cánh én và khóc đòi én bay về đậu xuống tay em
một cô gái đang yêu ôm chầm lấy bông hoa ghì xiết một chàng trai
những chuyến bay hoa đào hoa mai thiên di hồn viễn xứ
sao ta ngồi núi đá tư lự
sao ta ngồi không biết mình đang thay lá trên xanh
sao ta ngồi tơ lụa mong manh
sao ta hát khói sương hồn quê cũ
em nhắm mắt không phải em đang ngủ
ở nơi xa em mong ngóng ta về
ngày cuối năm ngày đầu năm ngấp nghé
đôi đũa thừa so mãi vẫn so le
tuyết vẫn rơi và tuyết tan ra trên chồi non vừa nhú
gió nguyện làm chổi quét lá vàng xưa
gió không quét nổi thời gian chết
ta mấy tuổi rồi em nhớ chưa?
xin đừng đếm những đồng tiền mừng tuổi
hãy giữ nguyên mùi giấy mực giao thừa
trái tim ấu thơ và trời non lộc biếc
hãy giữ nguyên cả những giọt mưa
đừng thông báo vé tàu xe đã hết
cho tôi về kịp Tết với trẻ thơ
cho tôi về úp mặt vào dâu bể
úp mặt vào tin yêu không trở lại bao giờ...
1.12.2005
*
Những bài thơ bị lỗi
1. Bài thơ bị lỗi
mơ thoát khỏi dòng sông những con cá cố nhảy lên bờ
tôi không mơ trời cao tôi ở trọ trời cao
căn hộ khép kín ép chặt dần tháng ngày
chiếc computer trong xó tối mở ra thế giới
lách cách lách cách lách cách lách cách
không chịu nổi à ơi
không chịu nổi chuẩn mực
lách cách lách cách cạch
computer lỗi
đôi khi lỗi lầm mở ra tư duy mới
đôi khi không thể làm thơ lại tốt hơn làm thơ
trở lại giấc mơ đập vỡ bức tường
thấy hiện ra người quả phụ trẻ
mắt đắm đuối quở trách
lách cách lách cạch lách cách cách
một bóng người đè nặng một bóng hoa
những con cá đói khát trên đất khô
quẫy nát bóng người bóng hoa
quẫy nát computer
quẫy nát bức tường vỡ
quẫy nát trời xanh
tôi thoát khỏi có vần không vần à ơi không à ơi hũ nút không hũ nút
tôi tự do lơ lửng trời cao.
25.2.2005
2. Thôi thì
đi đám tang về kịp đi đám cưới
hai tờ bạc mới hai chiếc phong bì
bỏ buồn vào vui bỏ cười vào khóc
biết mình nhầm thật mà vẫn thôi thì...
hôm qua gọi điện cho người chết rồi
hôm nay nhận thư của người đã chết
ghé nhà người quen chủ nhà lạ hoắc
gặp bạn quên tên ố á thôi thì...
đến computer còn hư bộ nhớ
đến ông quản lý còn quên nhân viên
đến ả hầu bàn khi anh khi chú
thôi thì kẻ lú có kẻ lú hơn.
thương trống đánh xuôi thương kèn thổi ngược
âm âm dương dương một ngày chung cuộc
chồng vợ so le khôn dại bù trừ
thôi thì tháng Ba rồi đến tháng Tư
thôi thì tháng Tư rồi đến... thôi thì...
3. Nụ cười chữ nhật
cái bắt tay nào cũng lắc
nụ cười nào cũng hình chữ nhật
bình hoa mùa nào cũng cúc
rượu một lò bia một hãng
phở Bát Đàn phở Bát Đàn phở Bát Đàn
đến khi chết vẫn nụ cười chữ nhật
vẫn cúc kết vòng hoa
vẫn rượu một lò bia một hãng
cơm cúng phở Bát Đàn phở Bát Đàn phở Bát Đàn
không còn ai bắt tay bàn tay vẫn lắc.
4. Bị chối
đầu CD Nhật xịn không đọc nổi đĩa CD hàng chợ
Tây mũi lõ tóc vàng mê cuốc lủi làng Vân
nghe nói Beckam đến Việt Nam xin làm cầu thủ
mà chẳng ai chịu nhận đường bóng anh chuyền
nghệ thuật cũng vậy thôi. Cao siêu thường bị chối
cái chết của Bá Nha có thể giết Tử Kỳ!
26.2.2005
Phố đỏ
Phố đỏ đèn mờ lơ mơ người xe
ta khách phương xa dạo bộ vỉa hè
có hai mắt nhìn có hai tai nghe
có hai bàn chân nửa đi nửa về
có hai con người một già một trẻ
nửa muốn nửa không cãi nhau chí choé
Phố đỏ đèn mờ trong mơ mê tơi
những toà thiên nhiên mắt môi chào mời
tóc vàng tóc nâu tóc dài tóc ngắn
tuyết tuyết hồng hồng tươi thắm lả lơi
thấy ta đi qua đầu không ngoái lại
những toà thiên nhiên nhẫn nại tuyệt vời
Những toà thiên nhiên Á Âu Phi Mỹ
triển lãm đường cong thân thể nuột nà
ngồi đứng béo gầy mỏng dầy cao thấp
có toà thiên nhiên cất lên tiếng hát
có toà thiên nhiên khe khẽ thở dài
những toà thiên nhiên không của riêng ai
Ta đi qua đêm đèn mờ vẫn đỏ
những toà thiên nhiên vẫn còn bày đó
chợt nhớ lơ mơ hình bóng Thuý Kiều
chợt nhớ quê mình lầu xanh nhà thổ
chợt nhớ Chí Phèo o mèo Thị Nở
chợt nhớ phải xa phố Đỏ Hà Lan...
Amsterdam, 10.10.2004
*
Cô gái Ba Lan
Chân dài đầu nhỏ cổ cao
tóc vàng da trắng môi đào mắt đen
mới nhìn ngỡ đã từng quen
quen em rồi
có người em
xứ người
em đọc thơ em nói cười
em đàn ca - khúc tuyệt vời Chopin
phong vàng phủ kín vai anh
gió vàng khoan nhặt mong manh ánh vàng
em đưa anh đến Thiên Đàng
chìm trong muối mặn chín tầng âm ti [2]
nhạc buồn chạm mặt từ bi
thơ vui nuốt lệ chia li nở cười
một ngày quên cả một đời
một đêm nhớ mãi một trời lạ xa
một năm là mấy mùa qua
một trăm năm nữa hay là nghìn năm?...
Anh về xứ nóng xa xăm
tuyết rơi trắng xóa dấu nằm trong mơ
anh đàn hát anh đọc thơ
anh buồn vui chẳng xóa mờ chiêm bao
chân dài đầu nhỏ cổ cao
tóc vàng da trắng môi đào mắt đen...
Warszawa - Hà Nội, 10.2004
*
Tháp Eiffel
Những người đòi đốn hạ tháp Eiffel đã chết từ lâu
115 năm tháp Eiffel ngạo nghễ
Con quái vật hay Nàng Tiên giáng thế?
Hỏi sông Seine, sông Seine lặng lờ trôi
Đêm lên tháp Eiffel nhìn Paris diễm lệ
Li cà phê thơm gió lạnh tháng mười
Em thang máy dịu dàng như nước Pháp
Những nụ hôn xúc động ở trên trời
Những nụ hôn trắng nâu vàng đen đỏ
Thế giới qua đây khoảnh khắc Thiên Đường
Cầu bệt rượu vang siêu thị quà lưu niệm
Hoa hồng đen và bát đĩa đen
Bạn tôi ví Eiffel chai Cognac khổng lồ [3]
Tôi mua tháp Eiffel 5 euro bỏ túi
Bỗng thấy ngây ngô những người phản đối
Bỗng thấy yêu sao người nói câu này:
"Tôi chẳng hiện đại bao nhiêu so với sự bảo thủ của mình" [4]
Tháp Eiffel vẫn như một Nàng Tiên
Bộ váy đầm sắt thép...
Paris, 11.10.2004
*
Tượng Thằng Cu Đái
Đến Bỉ thăm thằng Cu Đái
nhỏ con mà nghịch quá trời
nó đứng trên cao cười tít
đái qua đầu bạn đầu tôi
hoa hậu ngước nhìn vẫy vẫy
chính khách khoanh tay mỉm cười
người già thấy mình trẻ lại
trẻ con gọi "Bạn Đái ơi!"...
Cu Đái cứ cười không nói
vòi nước cứ tuôn không ngừng
những bàn tay tranh nhau hứng
nước trời nước thánh rưng rưng
Ở đâu con người thiếu nước
đến đây cầu ước phúc lành
ở đâu con người bất hạnh
đến đây cầu lộc cầu vinh...
Mỗi năm một ngày Cu Đái
đái toàn bia Bỉ đắt tiền
mùi bia làm say thế giới
sâu bia sâu rượu ngả nghiêng
Cu Đái đứng cười ngặt nghẽo
Cu Đái đứng cười triền miên
chụp ảnh với thằng cu Đái
thật vui, không phải trả tiền.
Chia tay với thằng Cu Đái
dạo quanh phố cổ một vòng
thấy trong cửa hàng cửa hiệu
ắp đầy Cu Đái bằng đồng
Cu Đái to Cu Đái nhỏ
nghìn năm chẳng chịu mặc quần
Cu Đái đã thành biểu tượng
vĩnh hằng sự sống trần gian...
Bruxelles, 10.2004
*
Trên chuyến bay giã biệt
Mây như sóng như bông như núi trắng mịt mùng
Mây như biển duềnh lên tóc trắng
Không còn sông Visla tiếng khóc cười xa vắng
Bó hoa hồng người tặng chẳng còn tươi
Ta đang ở độ cao mười nghìn mét
Nhớ về em dưới đó chốn quê người
Em nhỏ nhắn một mình đi dưới tuyết
Tuyết tan rồi nắng mỏng thắm làn môi
Nghe em hát một lần sao nhớ mãi
Dặm trường ơi thân gái hát nao lòng
Giá ta được bay về nơi chốn ấy
Hát cùng em bài hát mới làm xong
Nhưng không thể. Trời cao cùng mây trắng
Dẫn ta đi nghìn cây số một giờ
Ta nhắm mắt thấy em cười hiển hiện
Trong câu thơ trong bão gió trong mơ
Mây bỗng hoá đàn cừu bị gió trời xô đuổi
Dưới trần gian trái đất cứ quay vòng
Người cứ đuổi theo người hết đèn xanh đèn đỏ
Sông cứ trôi ra biển tận đời sông
Ta đã trót lên chuyến bay giã biệt
Còn trách chi gặp gỡ với hẹn hò
Thôi chào nhé sông Visla in bóng người gái nhỏ
Câu thơ bay trên mây trắng xa mờ…
VN544, 28.4.2006
© 2006 talawas
Phụ lục
Nguyễn Đỗ
Về một "Tạo" của Nguyễn Trọng Tạo
Tôi đang chìm trong một chiều thu Sacramento (thủ phủ California) thật là điển hình, ở vườn một người bạn “bọ” yêu nghệ thuật hiếm hoi. Mùa thu mà khi nào cây nào cũng gợi tới câu thơ của B. Pasternac "Em cởi áo như cánh rừng trút lá" và lá nào cũng rực lên như chực cháy trong Van Gogh. Cái màu không thể nguôi ngoai khiến anh thon thót một cái gì đó. Mất gì đây và được gì đây?
Tôi không có gì đáp lại chủ nhân của những chai rượu vang BV Cabernet Sauvignon mà “bọ” thường giấu đâu đó rất kĩ trong cái vườn bề bộn nửa Mỹ nửa Nhật này. Tôi bèn nẩy ra đọc bài thơ “Cu Đái” của Nguyễn Trọng Tạo. Và món quà quê hương bất ngờ này đã có sức nặng: “Bọ” cười như chưa được cười bao giờ, anh khoái chí thò nốt chai rượu còn lại! Khi mà : “nó đứng trên cao cười tít / đái qua đầu bạn đầu tôi / hoa hậu ngước nhìn vẫy vẫy... / vòi nước cứ tuôn không ngừng / những bàn tay tranh nhau hứng / nước trời nước thánh rưng rưng” và rồi “mỗi năm một ngày cu đái / đái toàn bia Bỉ đắt tiền” thì anh đã ôm bụng, một ngày lo toan kiếm ăn, cùng với ánh mắt chằng chịt rễ tre dường như biến mất...
Làm một bài thơ để cười được đó là một trong những “Tạo” của Nguyễn Trọng Tạo. Làm một câu thơ để cho nhiều sinh viên khoa văn một thuở ngâm nga chép vào sổ tay như: “điều có thể đã hoá thành không thể / biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi” hay “sông Hương hoá ruợu ta đến uống / ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say” không phải là dễ. Rồi làm hàng trăm bài thơ kiểu như Thế giới không còn trăng hay Chiều thứ tư của không gian, v.v… là thành quả của cả một một núi vỏ bia đam mê. “Tạo” của những hoá thân khác như một sinh thể đực tìm cách quyến rũ đối tượng của nó từ tất cả những gì khả thể...
Đó cũng là một hình thái mà các nhà thơ hiện đại sống một cách chuyên nghiệp nhất. Thơ là một thử thách từ một cơ thể mềm mại nhất, ấm áp nhất, thơm tho trinh khiết nhất, sinh động nhất của một bông hoa mười tám tuổi. Nhưng thơ lại đồng thời đến từ một thử thách khác nghiệt ngã hơn, sần sùi hơn từ những cơ thể cống rãnh toang hoác khổng lồ hôi hám của cuộc sống mà nhà thơ chuyên nghiệp phải đương đầu. Tôi có 3 năm kinh nghiệm, khi tôi làm “counselor” cho trẻ phạm tội vị thành niên, nói nôm na như ở Việt nam là làm quản giáo cho trẻ hoặc là bụi đời hoặc là phạm tội. Suốt ngày tôi giường như muốn đập cái đầu mình vào chỗ nào đó cho nó đỡ bớt tiếng o o trong tai vì luôn luôn phải chuẩn bị đối phó với một trò bậy bạ tệ hại nào đó của phạm nhân, chứ đừng nói làm thơ. Tôi chỉ có 3 nãm, nhưng Franz Wright có những 20 năm, vừa làm việc như tôi, sau đó ông lại đóng đô cùng với vợ mình làm trong bệnh viện tâm thần. Vậy mà ông vẫn có thơ hay rồi đọat giải Pulitzer (2004). Nguyễn Trọng Tạo không làm counselor, điều trị đạo đức công dân (?) như tôi hay điều trị cho bệnh nhân thần kinh như Wright, nhưng anh và một số nhà thơ khác người cố gắng làm điều trị viên thơ trong cái bệnh mãn tính thơ Việt Nam (giả thơ, víu bám vào thơ, làng nhàng thơ, cũ rích thơ...) bằng cái cách ngòai làm thơ đủ kiểu còn làm báo THƠ, vẽ bìa thơ, rồi vẽ và giương ngọn cờ thơ! Vậy thì những “Tạo” mà anh có trong Nguyễn Trọng Tạo là vô cùng tương thích và thậm chí còn chuyên nghiệp hơn Wright!
Tuy thế, cái mà tôi viết những chữ này về anh lại không phải là cái đó. Một năm chỉ có một đêm Hallowen trẻ em có thể mang trang phục ma quỷ, còn 364 đêm kia chúng nó lại hiện nguyên hình học trò - người. Và đâu là “Tạo” thật trong vô số “Tạo” thì lại khác, lại đến từ chỗ chẳng hề bất ngờ chút nào nhất: lãng mạn, tha thiết, nhạy cảm, giản dị và... Nghệ.
Con gái tôi, tôi vẫn thường gọi là Ấu như ấu thơ Việt Nam, cái tên vô cùng âu yếm thương yêu của tôi nhưng lại vô cùng khó gọi với người ngọai quốc. Ấu đã lên 9, nhưng cao lớn hơn các bạn Mỹ cùng lớp vì Ấu học ballet từ lúc lên 3 rồi chuyển sang học figure skating (trượt băng nghệ thuật, rất gần với ballet) cho tới bây giờ. Mỗi thứ 7 thăm Ấu và dẫn Ấu đi hiệu sách hay đi chợ, Ấu đều nũng nịu "Bố, cõng". Và mỗi lần như vậy tôi đều bảo “Con lớn thế còn bắt bố cõng không sợ người ta cười cho à?” và Ấu đều trả lời “Thì sao nào?” (Tạm diễn dịch: Bố cõng con như mọi người bố châu Á truyền thống cõng con, thì sao nào?). Đây cũng là câu trả lời cho phần thơ quan trọng nhất của Nguyễn Trọng Tạo, phần thơ mà anh là Tạo chứ không phải là "Tạo lẫn" như Thanh Thảo gọi. Hơn hai mươi năm trước anh đã vẽ một bức tranh thật đẹp thật lãng mạn của đôi lứa quê hương khi người lính đứng tuổi sau bao nhiêu năm ra trận trở về ru con: “ru mà lại sợ con nghe / mẹ con về nép bờ tre mỉm cười” và ru bằng “những gì cha ngỡ lãng quên / nhớ về gian khổ lại tìm được ngay”. Và bây giờ trong Thế giới không còn trăng này anh lại “người thành phố kẻ nhà quê/ mời nhau cơm nắm thơm về xưa xa” (Món quê). Và anh nói với vợ anh chứ anh không làm thơ với chị, một cách thành tâm, lặng lẽ “anh có thêm em, em có thêm con / cây bưởi đơm hoa cây cà đậu quả” (Cổ tích thơ tình)...
Thì sao nào, nếu sức công phá lỗ nhĩ bởi sự đại ngôn tự thân của Hú gào (Howl - Allen Ginsberg) làm độc giả căng thẳng thì nhiều lúc Ginsberg lại trở nên rất mềm mại với một “Khoảnh khắc trở lại Warsaw” hay “Ðêm cuối Calcutta”. Thì sao nào, nếu chúng ta đã đọc những núi đùi vú đồi “ngực em bày chật một ô buồn” của Hoàng Hưng rồi lại trở lại đọc những gì thân thuộc một câu thơ như một óan thán của liền chị quan họ “ngày buồn ăn cả vào đêm / em ngồi như núi lặng im mà buồn” của chính anh. Xoay đến mỏi tay với: Khối vuông ru bích của Thanh Thảo rồi chợt một lần nghe anh bàng hoàng “Con đứng lặng như cây dừa / chẳng hiểu sao mình đậu quả” thì chúng ta có cảm giác gì? Tôi sẽ hát lẩm nhẩm suốt cả ngày cái melody chủ đề của dàn đồng ca chim trong chương 1 của Thánh Lễ Mùa Xuân của Stravinsky nếu như sáng đó tôi mở mắt ra và “lỡ” nghe nó. Thế nhưng tôi cũng sẽ đau đớn đến quằn quại nếu đúng tối đó lại nghe Concerto Violin của Beethoven. Hai thái cực tín hiệu cổ điển và hiện đại của âm nhạc không hề loại trừ nhau trong cùng một máy nhận, người thưởng thức.
Thì sao nào, nếu con tu hú xưa của Bằng Việt cứ “sao không ở cùng bà / kêu chi hoài trên cánh đồng xa”, cứ kêu như trái tim da diết đau đáu, đâu cần phải làm dáng làm điệu, tán gái kiểu “Núi không phải là roi mà vách đá phải mòn / Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím” - cái kiểu rất thịnh hành của thơ ca từng ngự trị trong từng giai đọan của từng nhà thơ Việt Nam, và của cả một nền thơ. Thơ bản chất là chân thành. Chân thành tuyệt đối. Chân thành từ Nguyễn Trãi nhà thơ cổ điển Việt Nam thế kỉ 14, một nhà thơ nhưng là một ông quan đầu triều mà thốt rất giản dị: “Nghèo ốm ta thương bạn / Ngông cuồng bạn giống ta / Cùng phiêu nơi lữ thứ / Cùng ðọc sách dăm ba / Nông nổi dùng chi được / Nhởn nhơ thạo quá mà / Nhụy Khuê năm khác hẹn / Nón chụp cuốc xuân nhà”, đến hơn 500 năm sau Robert Frost nhà thơ hiện đại Mỹ “Tốt rào làm tốt láng giềng” (good fences make good neighbors). Chân thành là bài học vỡ lòng của nhà thơ. Còn hiện đại hay cổ điển đó gần như là số mệnh của lịch sử nói chung và số phận của từng cá thể nhà thơ nói riêng. Ðọc Nguyễn Trọng Tạo tôi biết anh không thể nào thóat khỏi cái gánh nặng yêu thương của “Lèn Hai Vai” của “Rú Cài” ... mặc dầu anh biết “áo quần chẳng rách như xưa” thì Nguyễn Trọng Tạo vẫn là con chim “vừa bay vừa hát” (một hình tượng rất đẹp và trong trẻo hiếm hoi), hát cả quan họ đò đưa pop rock bằng cái giọng ngũ âm của xứ Nghệ quê nhà.
Dù Nguyễn Trọng Tạo có thả trăng thả gió ngàn lần trên sông Hương xứ Huế, thì cũng chẳng thể nào thoát được cái ánh mắt của liếp tre chái nhà tranh ven sông Bùng quê anh. Nguyễn Trọng Tạo có uống cạn cả nhà máy bia Trúc Bạch thì cũng chẳng thể nào say mê say mẩn như năm nao rượu cuốc lủi Vinh “chua và thơm và cay như rượu gạo” với các bạn văn nghệ Phan Hồng Khánh, Thạch Qùy, Tiêu Cao Sơn, Việt Hùng và Trần Khánh...; say rồi... ngủ như một khoái cảm nghệ thuật trên cỏ vườn nhà bạn.
Với anh, dù có lang thang tận chốn “người của người, quê của người ta”, thì mãi mãi vẫn cứ còn một “Tạo” day dứt không nguôi trong thơ Nguyễn Trọng Tạo mà thôi!
Sacramento, Thu 2005
[1]Những chữ in nghiêng là của Trần Khắc Tám.
[2]Mỏ Muối vùng Krakow cua Ba Lan, Di sản Văn hoá thế giới, sâu hàng trăm mét dưới lòng đất với 300 km đường hầm.
[3]Ý thơ Nguyễn Thuỵ Kha
[4]Lời I. Stravinsky, nhạc sĩ đứng đầu chủ nghĩa Âm nhạc Tiền Phong thế kỷ 20
Các bài liên quan
Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 tại Diễn Châu, Nghệ An. Đi bộ đội năm 1969. Học Trường Viết văn Nguyễn Du khoá I. Từng công tác ở nhiều báo văn nghệ. Là người đầu tiên phụ trách phụ san THƠ của Tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Trọng Tạo làm thơ từ năm 14 tuổi. Từng nhận giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969, và các giải thưởng thơ của các báo Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nhân Dân (1978), 2 lần Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Cố Đô (Huế) về thơ và văn xuôi. Một số thơ và truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tạo đã được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha.
Tác phẩm Tập thơ: Gửi người không quen, Sóng thuỷ tinh, Đồng dao cho người lớn, Thư trên máy chữ, Tản mạn thời tôi sống, Nương thân...; Trường ca: Con đường của những vì sao, Tình ca người lính; Văn xuôi: Miền quê thơ ấu, Ca sĩ mùa hè, Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ...; Tiểu luận phê bình: Văn chương cảm và luận.
Với tư cách là nhạc sĩ, Nguyễn Trọng Tạo từng đoạt 8 giải thưởng âm nhạc trong nước. Ông là tác giả của những bài hát nổi tiếng: Làng quan họ quê tôi (lời thơ Nguyễn Phan Hách), Đôi mắt đò ngang, Khúc hát sông quê (lời thơ Lê Huy Mậu).