talawas chủ nhật

 



Thơ :: 02.04.2006
Nguyễn Thuý Hằng Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lí
Nguyen Thuy Hang
Nhà thơ Nguyễn Thuý Hằng trong buổi đọc thơ tại Viện Goethe Hà Nội 31.3.2006
Ảnh: Hoà Bình

"Như vậy, bỏ qua những ấn tượng về sự lộn xộn đầy vẻ vô lý, ngẫu nhiên về ngữ pháp và cú pháp trong sự biểu hiện bằng ngôn từ ở đây, ta có thể thấy chúng dựa vào những mối liên hệ khác mà ngôn từ cũng như hình ảnh vẫn thường biểu hiện. Đó là mô tả thuần túy về cảm giác và ấn tượng về sự vật. Cách làm này gợi ý hướng tới một mức độ tự do hơn trong việc biểu lộ trí tưởng tượng, các liên tưởng của người sáng tác và do đó, các tầng lớp ý nghĩa mà chủ thể tri giác không bao giờ tránh khỏi khi nó tri giác với đầy đủ ý thức."

Nguyễn Chí Hoan, Thảo luận về thơ Nguyễn Thuý Hằng tại Viện Goethe Hà Nội, tối 31.03.2006

"Trong Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý, tất nhiên, cũng có một vài hi vọng. "Những chi tiết vụn", cho dù có chút ảnh hưởng của Borges cũng có thể được gọi là một truyện ngắn khá. "Cõng người lạ", "Nắp cống, đi đi giọng nói bị hỏng" cũng là hai truyện độc đáo. Khi ở đâu Nguyễn Thuý Hằng chịu khó theo đuổi suy tư của mình đến tận cùng bằng một trí tuệ minh mẫn, chịu lắng nghe tiếng nói của logic bên trong của tình cảm, không bị cuốn theo sự phù phiếm và thói thời thượng của một cái “mới” giả tạo... thì ở đó chị sẽ thành công."

Nguyễn Thanh Sơn, Thảo luận về thơ Nguyễn Thuý Hằng tại Viện Goethe Hà Nội, tối 31.03.2006

Nguyễn Thuý Hằng

Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lí

 

Thời hôm nay, khoái cảm, điên rồ hợp lí

Ví dụ như: sáng chủ nhật
căn phòng 36m2      cửa luôn mở      tủ lạnh chất đầy không khí + thuốc ho
cơn buồn nôn      thi nhau      tuôn thành vòi      bồn rửa mặt đuối
Tôi loay hoay trong nhiều chăn ấm, thức dậy, thấy mình cần giết một ai đó, một cà phê, một cái cống, con ngựa đen, kẻ lạc đường
Đừng giữ tôi lại đừng níu tôi
Khoái cảm bò dọc xương sống khi tôi nghĩ rằng mình tóm được nó, bò lảng vảng
Nắng dâng khắp mặt
Ví dụ như: tôi - chết mà vẫn nhăn răng cười trên màn ảnh lớn như diễn viên xiếc
Ví dụ như: tôi, sau khi phục sinh, tay vẫn thò vào túi và chơi trò sấp ngửa rồi chỉ tay ra đất trống
Tôi được vùi ngoài kia, bia bọt, lồng kính nhỏ dày đặc các sao hình chiếc mông, nắng ấm, thối rữa, rong chơi bên kia tinh cầu, lũ chim câu bay vù: rên rỉ, khát nước, không đường về
Xin đừng đến và ngồi ra xa, có bao giờ tôi nghĩ thời khắc điên rồ đến từ ngọn đồi, giơ móng vuốt chụp ta từ sau lưng trong toa lét đang gãi đầu bối rối. Tiếng thì thầm vang mãi, hẳn cánh cửa khép lại khi kẻ lạc đường giãy dụa làm toé muôn màu sắc nhỏ
Sự kiêu hãnh rã đám,
Xin đừng nhuộm tôi trong tích tắc đều đều, căn phòng đã trống, nay càng vắng hơn những điên loạn thường ngày,
Chậm rãi nước cuộn tròn trong toa lét, trước khi mất hút nó bừng lên nhiều hạt kinh nguyệt không đồng đều, ăn nói ba hoa, tâm thần bất ổn
Xin đừng ngồi xuống xin đừng chạy đi
Vì dụ như: ngày hôm nay và những khoái cảm điên rồ hợp lí, biến tôi từ màu xanh sang màu đỏ, trộn tôi với keo không màu, đính tôi trên nền xanh thẫm.
Trên quần thể say mê ấy, môi tôi và môi nhân loại nứt khô, chúng tôi thèm nhau quấn trong chăn trong suốt, chúng tôi sơ khai, nở nhụy.
Rồi thì tưng bừng nhảy múa, rồi thì máu có lẽ
Không còn rơi vãi theo trật tự nữa

Tháng 12/03

Móp đầu

tôi biết nó sẽ ụp xuống tóc
trong tai bịt đầy rác,
đàn ong vo ve mảnh giấy bạc vừa lấp một con cá
điên
biến tôi thành
cái mồm ngậm đầy xi-măng
giãy
đành đạch
trên kiến lửa

nó đến trước khi tôi hình dung sự việc giống miếng thịt tươi bỗng mốc meo, cứng đanh như gỗ
vặn vẹo
xuất hiện vết chích lạ
hơi nóng êm đềm làm não chảy dịch màu vàng
kháng cự và thói hiền lành quấn trong lớp nhầy mưng mủ
cháy

tất cả, là hiện tượng của việc tôi bị đẩy ngoài vùng phủ sóng
để hợp thức hoá mọi chuyện cần phải làm một chuyến bay vào nơi không cần thiết
trở về con dấu mới, đứng trong cái khung ngay ngắn: vật nuôi chờ kiểm duyệt


sự bất ngờ hình thành một cái búa đẹp, lưỡi cắm sắc lẹm, tay cầm mạ vàng
ném mạnh lên cao
để rồi theo vòng xoay của nó

rơi thẳng vào đầu-méo đến buồn

T4, 1, 9, 04, chiều

Khóa trái - 6625

nhảy trên đầu ngón chân
đường thịt va chạm
lười biếng, chảy trong hầm tối

tôi đã đi đến nơi
trên mặt sàn hình con ngựa
lớp lớp
mùi

quay quay
trên chóp
lưỡi nhọn
luồn thẳng
chúng_ cười_chất nhờn_ tung cửa
chạy rông

những mặt vú phủ lên những miệng vú

*

Nó đến bên tôi
Đè lên bài thơ nhỏ
Từ đằng sau,
Tấm lưng cong hình chiếc nấm

*

viết lên chiếc vú
những ngón tay
quấy nhiễu ngã tư con quạ
biết thầm thì
dịch chuyển
nói tục
trong đêm


*

sau khi rời người cô ta để lại vết máu

T5, 29, 4, 04

Nhảy trên khúc xương

(tiếp nối chấm đen đầy máumhz )

Thường thì tôi không biết họ từ đâu tới.
Họ sinh ra ở đâu
Dưới một chiếc ghế nào
Nhưng trong một lừng chừng, tẻ nhạt, nóng bỏng, bình thản, đau đớn
Họ đã sinh ra nó, chạm tĩnh lặng, nghỉ ngơi.

Đó là E. Hirsch, P. Celan hoặc bất cứ sinh linh nào đó + (tôi, hắn), muốn phủ phục xuống và lặn trong đầm lầy đen. Chờ bóng đêm như chờ tình nhân thình lình đến gõ cửa chỉ để bắt lấy những thông trạng, ruồng bỏ.
Hắn đi đâu?
Hắn gặp ai, trong túi mọc lên câu chuyện gì?
Hắn đi giật lùi như thế nào, vùng trung du ấy?

Chiều bình thường tôi đã dong một cánh buồm di chuyển quanh các hệ đàm thoại, nơi gặp gỡ những linh hồn hoang tưởng
Trong tự huyễn hoặc này thật vui sướng khi,
điên điên điên điên điên + trôi nổi đầu đập vào đá

Tình cảnh này sẽ dành tặng cho những ai muốn lên đường, muốn đập phá muốn nổ tung muốn giết giết người hoặc muốn tự xiên mình trên cọc nhọn thần kinh đó,
Tôi nói họ,
nếu thích ở bóng đêm vật gì
hãy khăn gói, chuẩn bị những cơn co giật nhãn quan cần thiết để lấy nó đi, thâu tóm hoặc cùng lắm bán ngũ tạng của mình cho thiên hạ
đổi lấy bệnh tật, ốm yếu, tiêu chảy là suy dinh dưỡng + luôn trong tình trạng thèm đủ thứ
Như vậy,
đi lang thang chỉ để cười nhăn nhở trên bộ xương của mình và ghiền đến rõ dãi nghẹt thở chứng động kinh

Đúng là tôi không biết họ (tôi, hắn) đến từ đâu qua trang sách, nhảy xuống từ Jupiter hay lênh đênh thùng rác công cộng,
Người đang ngồi nhìn những thứ tương tự như thế này, (trên biển khơi, hoang đảo, phố thị, thịt chó mùa thu, khóc như chó tru)
nhưng qua nó,
tinh thần yêu chuộng bóng đen,
tôi phơi thây, tặng họ bản copy duy nhất này,
vũ điệu hoang tưởng nhảy mục nát trên khúc xương (.)

T5, 10, 6, 04, trưa

Cõng người lạ

Ở mảnh tối treo trên từng dãy nhà, tiếng chim kêu đứt quãng, khi có khi không, làm đám người ấy càng rũ người, ôm chầm, vặn lại với nhau. Chỉ có tiếng thở giãn hoà, thõng dưới từng ghế ngồi. Lưng họ oằn xuống vì những ức chế mơ hồ ấy. Lát sau, tất cả đều ủ sâu trong cặp môi mệt mỏi. Cái chớp mắt khô và dòn như tiếng bánh vỡ. Thời gian của họ là từng vũng tối rộng, nấp trong góc kẹt hình tam giác trên dãy nhà, bậc thang, khúc rẽ ngay đầu đường.

Rù rì. Động vẫn êm ỉ chảy qua từng ngón chân đang víu vào nền đất nện, nhớp nháp mồ hôi. Chờ đợi. Không thể có điều gì khác hơn ngoài đường viền của nước chảy lăn tăn xuống cống.

Tôi đã rửa hình xong, đâu đâu cũng là nó. Châu lục đen. Mất bao nhiêu năm để tái tạo vành đai xanh và rắc những lớp diệp lục để lọc bớt mảnh kim loại trong đầu. Mù mù mờ mờ, cảm nhận rõ sự va đổ của đồ đạc khi di chuyển. Mà không, nó đã dẫm lên bao nhiêu thân người rồi.

Chị suốt ngày cặm cụi bên bàn máy may, dậm liên tiếp lên miếng vải những đường chỉ đủ màu. Chiếc máy may xài bốn chục năm, hay kể lể câu chuyện của nó cho đến khi miếng vải được thành hình chiếc váy hoặc áo sơ mi đơn giản. Đường chỉ vừa chấm dứt thì cũng ngay câu chuyện vừa cạn.

Câu chuyện kể về người đàn ông có tấm lưng rộng khủng khiếp. Chứa đủ người vợ và bốn đứa con. Hồi còn bé, cái gì anh ta cũng đem lên lưng và cõng. Ai sai mang cái gì cũng vác lên lưng, bất kể vật to hay nhỏ, nặng hay nhẹ. Thay vì nói chuyện để đoán biết tính tình của ai, thì anh ta đem họ lên lưng và cõng. Đi hết một vòng anh sẽ nói cho nghe người ấy như thế nào, thích ăn cái gì và là người có thể làm bạn tốt hay không.

Vậy mà vợ anh lại là người khó đoán nhất trong tất cả những người anh từng cõng. Khi thì chị ta nặng, khi thì nhẹ. Vả lại, sự đụng chạm qua tấm da lưng cũng có thay đổi. Nó làm anh ta ngứa. Từ khi cõng chị xong, anh ta không sao ngưng gãi lưng mình được. Tắm táp xong, muốn ngả lưng và đánh một giấc dài thì cũng không thoát khỏi cảm giác chưa đặt chị xuống đất. Chị vẫn còn vắt vẻo trên cái lưng rộng của anh, chân đung đa đung đưa hai bên hông, ngúng nguẩy như đứa con nít. Ngay lúc đó anh đã bắt đầu đoán sai về tính tình của chị. Có điều gì đó cứ chập chờn trên lưng, mách bảo đây là người có cuộc sống lạ lùng nhất mà anh biết. Rồi sự dính chặt của họ cũng bắt đầu từ đó, khi mà chị thử leo lên lưng anh lần nữa. Và từ đấy chẳng buồn xuống.

*

Sáng, hai vợ chồng cõng nhau ra chợ. Họ mua hàng hóa về nhà bán. Ai thích cái gì thì họ bán cái ấy. Tiền lời không là bao nhưng được cái khách hàng thích hai vợ chồng ở việc dùng lưng để cân hàng. Vậy mà vợ chồng anh chẳng bao giờ cân sai. Một kí đúng bong một kí. Hai trăm năm mươi lạng đúng hai trăm năm mươi lạng. Tách một cái là anh đã để món hàng ngay dưới đất để mọi người kiểm tra xem thừa thiếu đến đâu. Mười năm trôi qua, chẳng ai phàn nàn họ về chuyện cân đong đo đếm. Khách hàng còn thích mục kích cái cảnh cứ khoảng dăm phút người vợ lại đòi leo lên lưng chồng. Chị không cảm thấy an toàn khi chạm chân xuống đất nữa. Người nhẹ hẫng và chực té. Chị ngồi chễm trên cái tấm phản ấy, đầu tựa vào vai anh và ngủ. Nhưng cũng thật phù hợp, là anh chồng cũng thích cõng chị trên mặt phẳng bao la của mình. Anh có thể vừa cõng chị và vừa cõng hàng cùng một lúc. Sự nhạy cảm của chiếc lưng luôn thông báo số lượng chính xác khiến mọi người đều phục.

Tối đến, sau khi tắm rửa kì cọ cho nhau xong thì họ vác nhau đi chơi. Từ xa đã thấy dáng hai vợ chồng đèo nhau cao ngất nghểu. Đi đến đâu cũng thấy dáng họ thừng thững đến đó như hai bị gạo chồng lên nhau. Khi họ vào quán ăn, chị vợ ngồi tụt xuống, mông chạm ghế nhưng ngực vẫn ấp lưng chồng. Họ chẳng bao giờ rời nhau, như con rắn mọc hai đầu vậy. Họa hoằn anh mới nhìn được trực tiếp vợ, ngoài ra tất cả đều diễn ra sau lưng anh. Vợ chồng họ là một gia đình hạnh phúc trong cái làng này. Cũng có nhiều cặp bắt chước họ, cũng đèo nhau ra phố. Nhưng cũng chưa ai thấy có tấm lưng nào dài và rộng, vững chắc như tấm lưng của anh. Cũng chưa có người con gái nào phù hợp với tấm lưng ấy như là chị. Những năm sau này, khi tất cả thành phố đều mọc nấm, chị càng sợ phải đặt chân xuống mặt đất hơn. Nên chị cứ ngồi trên cái lưng anh. Con cóc ngồi ôm tảng đá. Có thể, hình ảnh họ đúng y như thế.

Mười năm sau khi cưới, họ tính toán sinh con đầu lòng. Lần đầu tiên có vẻ khó khăn nhưng về sau mọi việc đều trót lọt. Chị nhét đứa bé vào giữa ngực chị và lưng chồng. Đứa bé có một chỗ nấp an toàn nên không buồn cục cựa. Càng lớn, đôi chân nó thòi ra qua hai bên hông càng xinh xắn, hồng hào. Những đêm gió mát hoặc làng có lễ hội, anh đèo cả vợ lẫn con đi chơi. Tấm lưng vững vàng đủ sức che tất cả gió tạt vào mặt. Đứa bé lớn trên lưng bố. Người vợ sống êm đềm, gắn chặt trong chiếc lưng rộng thênh thang. Đời sống của họ, bồng bế nhau, tằng tịu, đưa đẩy qua nhiều giai đoạn. Rồi họ sinh thêm ba em bé nữa. Một đứa quặp bên hông phải, một đứa quặp bên hông trái. Đứa lớn nhất vẫn ngồi giữa mẹ và bố. Đứa sau cùng được mẹ cõng trên lưng. Tất thảy có năm người sống quây quần trên chiếc lưng ấy. Bước chân anh lúc bấy giờ có vẻ nặng nề, bàn chân to lún sâu vào nền đất, nhưng anh vẫn vui vẻ và hạnh phúc vì thực sự tấm lưng của anh là chỗ dựa cho tất cả mọi người. Anh cũng đã từ bỏ trò chơi đoán biết người qua việc cõng thử họ như hồi trai trẻ. Hoạ chăng giờ là anh biết những công việc thường ngày và tính tình của vợ con ra sao trên chiếc lưng của anh, đứa nào ốm, đứa nào gần đây sắp sửa muốn chạm chân xuống đất.

Bốn đứa con anh, cứ đến mười tuối mới bắt đầu nhảy xuống đất tập đi. Bàn chân lớn, dài hệt bàn chân anh nhưng chúng cứ phải dọ từng bước một. Thằng con đầu vừa biết chạy thì cũng là lúc nó học đến lớp năm và những đứa sau lần lượt tập đi, tập nhảy. Anh cũng không cần lo lắng về sự không dịch chuyển của bọn chúng trước mười tuổi. Bọn chúng rất ngoan, luôn ngồi trên ghế, trong lớp học và đợi bố đến cõng về. Vợ cũng thế, có việc gì mà hai vợ chồng không thể đi chung thì sau khi cõng chị đến đó, anh thả xuống, đến giờ lại đến cõng về. Mọi sinh hoạt dường như sẽ trôi chảy nếu như thêm vài năm sau đó, chị bỗng dưng lú lẫn.

Mới đầu, chị hay nói thầm và kể chuyện cho anh nghe. Những câu chuyện dài dòng, không đầu đuôi. Càng ngày chị nói càng nhỏ. Về sau anh mới biết thật ra chị thích nói chuyện một mình. Và người chị muốn lắng nghe không phải là anh mà là cái lưng. Có những cuộc độc thoại thật buồn cười nhưng cũng có cái thật dễ sợ. Cứ năm câu chuyện được kể ra thì qua câu chuyện thứ sáu chị mới kể lại đoạn kết của câu chuyện thứ nhất. Nghĩa là toàn bộ những câu chuyện chỉ có mở đầu và thật sự chúng chỉ có đoạn kết khi chị đã cạn hết chuyện để nói nên đành quay về và kể nốt những gì tiếp theo của câu chuyện. Thời gian này, chỉ còn mình chị với tấm lưng của chồng, còn những đứa con thì đã tuột xuống đất và nhanh chóng lẩn vào đất cát, hoà nhập, đi đứng như người bình thường. Chị quay về với thuở ban đầu khi chỉ có hai vợ chồng với nhau. Lâu lâu chị lộ vẻ hốt hoảng khi nhìn thấy quá nhiều khoảng trống trên lưng chồng, những khoảng hở dưới hai bên cánh tay, ngay bụng chị, nơi những đứa con lấp đầy trong mười mấy năm qua. Thường lúc đó anh vòng tay sau lưng để vỗ về, ôm chặt chị. Anh cảm nhận người chị bắt đầu có những làn sóng lạ như lúc đầu anh gặp, một triệu chứng hay hiện tượng gì đấy khiến anh không thể nào hình dung và xét đoán cho ra hồn. Còn chị thì như người mê ngủ, nói năng lảm nhảm, mồm bắt đầu chảy nước dão. Về sau, cơn bệnh kéo dài khiến chị không nói thầm được nữa mà cứ hét to bên tai anh. Nhưng, vẫn như lúc đầu, anh không hiểu chị lắm. Chị không còn khả năng ôm anh bằng hai cánh tay mạnh khoẻ nên anh đã buộc chị bằng sợi dây vải, giúp thân chị nép sát vào lưng. Anh bắt đầu thấy sự mệt mỏi trong cơ thể vì luôn phải căng lưng ra đoán những trạng thái gì đang diễn ra với vợ. Âm lượng phát ra từ tiếng hét của chị làm tai anh ù đi nhanh chóng. Dần dà, nhờ bệnh lãng tai mà anh lắp ghép được những mảnh rời trong câu chuyện của chị và làm chúng ngày càng hiện rõ. Thật ra câu chuyện của chị được hình thành như sau:

“… Như đã nói về những tấm hình, sau khi rửa, chúng thực sự là châu lục đen. Màu xanh, nâu, vàng, đỏ, cam... (…) ... Nói chung bọn nó đã mất dấu, trong bóng tối này, sự tưởng tượng về màu sắc càng rực lên dữ dội. Thế nhưng, khi tay tôi tạo ra nó thì nơi đây chỉ toàn những vệt đen đen, sần sùi chạy dài.(….) Nó mất ở đâu vậy, tôi phải đánh dấu và phân biệt nó bằng sự tưởng tượng thôi…

(…)… con mụ đó, chỉ hát toàn những bài nham nhở (…) chỉ có trong một cái lồng nhốt gió, hình cái phễu, làm bằng vải (...) nằm trong đó, gió lồng lộn như con rắn đang quẫy muốn bể tung cái phễu. Nói đi! Nói đi! (…) là cái váy bông vá chằng vá đụp hay trơn nhùi nhũi như bàn tay không còn móng của ta (…). Mụ da đỏ! Ta phải rượt kịp theo hắn mới được! Ba con thằn lằn sống chung trong ngôi nhà đó, tôi nuôi nó hồi nào mà bỗng dưng chúng lớn quá, chúng bò ra khỏi nhà bằng tiếng chuông, chúng hút thuốc, chúng la lối, nhưng có một chúng thì không làm gì cả. Châu lục đen! Căn nhà đã chao đảo vì ra đi đột ngột của đứa con gái, mất tích thật lâu, dòng họ tủa ra để truy tìm nó. Bởi vì chỉ có nó mới có thể nhớ dai và kể vanh vách những gì đã xảy ra cho dòng họ này. Toàn một sự đen nhẫy phả ra từ tóc. Một ngày nào đó nhất định ta sẽ không đi trên sự nhớp nhúa này nữa, cái mặt phẳng này chẳng đem lợi ích gì cho sự tiếp giáp của ta (…)… hắn chạy đi đâu rồi… Những lồng đèn sống trong một mùa duy nhất. Bị xếp xó và ám khói. Chúng giãy đành đạch khắp nơi trên con trăng. Cái bánh vàng vĩ đại hõm đi còn một nửa. Đứa con gái dơ cái mồm đầy năm mươi lăm cái răng và cắn phập vào miếng bánh đó. Loè nhoè những bóng sáng gẫy trên tường. Bỗng nhiên trong nhà ta toàn là xe hình chiếc hộp cùng con tê giác chạy hùng hục trên cái giường rộng bát ngát của ta (…)... cứ lăn hoài, lăn hoài cho đến rớt xuống châu lục này. Những đốm lửa đầu tiên chạy vòng và kêu lên xoe xoé… (…) …”

*

Công việc làm ăn của họ tiến triển tốt. Bốn chàng trai thay phiên nhau giao dịch và mở cửa hàng khắp nơi. Một trong bốn anh em luôn đoạt giải đi bộ nhanh nhất làng. Ba người còn lại đều biết bơi, ném cầu và vượt xà ngang. Tuy mãi đến năm mười tuổi họ mới chập chững đi nhưng bốn anh em đều thích nghi với mặt đất và chỉ sau thời gian ngắn chẳng ai bì kịp họ trong việc thi thố các môn thể thao phối hợp. Bà mẹ giờ đây được quấn trong một chiếc khăn choàng lớn và treo trên lưng bố. Kì lạ thay, cho đến giờ này, khi lưng cũng còng vì tuổi tác nhưng ông càng ngày càng muốn giữ chặt vơ trên người mình hơn. Hai vợ chồng quấn lấy nhau, thỉnh thoảng ông lại tha bà đi chơi, đi qua hết làng này làng nọ chỉ để nghe mọi người trò chuyện với nhau. Đôi lúc, ông bị xao nhãng chuyện người khác bằng câu chuyện của vợ. Bà kể hoài về châu lục đen, phàn nàn về sự khó ở của nó. Nhưng trong tình trạng đó thì ông luôn thấy vợ vẫn còn điều gì chưa chịu kết thúc, đoạn này lằng nhằng đoạn kia. Lâu lâu lại có sự xuất hiện của bốn đứa con và sự phản bội của chúng. Bà kết tội bốn đứa con ngay trên lưng ông, rằng đã bỏ rơi bà với tấm lưng vĩ đại này, khiến bà từ bao năm nay bỗng thấy cô đơn với chiếc lưng khủng khiếp. Vòng tay bà không ôm hết lưng ông, nó làm bà rét và cảm thấy gió có thể tấn công vào nách, thúc vào mặt bà bất cứ lúc nào. Chính vì vậy nên quấn thêm nhiều lần vải. Giờ đây, từ xa trông như ông đang vác một túi hàng to tướng, biết cục cựa và rên hừ hừ. Vài người trong làng bắt đầu thấy chướng mắt vì sự tiều tụy này nên khuyên bà hãy ở nhà để ông được thảnh thơi đôi chút. Suốt đời, từ bé đến lớn, chẳng lẽ cứ mang theo của nợ này mãi? Nhưng ông nóng tính lắm, lưng ông đã quen với hơi ấm của bà, vả lại, nó là điều duy nhất khiến cho ông thấy sống có ích và tiếp tục theo đuổi nó đến khi nào bà chán phải ngồi trên lưng ông nữa thì thôi. Mà, người ta đèo bồng nhau cho đến từng này đã có sao, chả có gì nặng nề hoặc khó nghĩ nữa. Nếu ông không cảm nhận sự khác lạ của bà biến đổi qua hàng ngày thì có lẽ giờ này ông còn lo ngồi đoán già đoán non xem người đời ngồi trên lưng ông thế nào, họ ra sao, kể cả những bí mật của họ nữa. Đủ, đủ lắm rồi, ông tưởng mình sẽ ngã nếu như không có bà níu trên lưng.

“Mụ ấy đi xuyên qua người tôi, sao nó biết tôi ở đấy mà đến nhỉ..?”. Tiếng bà lại cất lên. (…) mà nó ghê lắm cơ, tổ chức những ba lễ hội liên tiếp để dụ lão già ấy vào tròng. Rốt cuộc sống riêng với nhau ở căn hộ của tôi… (…) ... hắn chảy máu quá chừng… (...) ... hoá ra bọn chúng không thể giải quyết được chuyện ấy nên cuối cùng mụ ta biến đi nơi khác, (…)... thằng con mình, phóc một cái chui qua nách tôi, lẻn ra đường, hôm đó lưng ông có mùi lạ lắm, như cái lần đầu tiên tôi vừa ngồi lên thử… chẳng bao giờ nghe được nó nữa, vì tôi đã đè bẹp nó đi còn đâu. Tôi còn biết ông mất đi khả năng đoán người từ khi có tôi... (…)… chẳng biết đếch gì đúng không, cứ tưởng mình có vợ rồi thôi trò đoán người khác… (…)... nó ngứa thật đấy, nó làm quên sạch mọi thứ mà, nó đâu có biết chuyện gì đã xảy ra…”

“Việc gì? Cái gì?”. Lần đầu tiên ông xen ngang khi bà kể chuyện. “Ôi dào, nó cứ lục đục mãi, tôi bảo là nhớ mà nó không chịu, đứa sau cùng cõng trên lưng (…)... thật ra là con gái mà nó chẳng biết, cứ đòi đứng trên lưng ông và đái xuống, nhưng phải đái thành hình cầu vồng cơ, đái xa và nước vẫn còn vướng đầu cây đấy... (…)… bây giờ ở đâu, ai mà biết được, sự việc vẫn chưa kết thúc, ngay tại cửa hàng nhà mình”. Cuối cùng, ông đành chịu thua bà. Tất cả rối loạn và nhão như đoạn băng bị hư. Ông cứ để bà tha hồ nói, bà vẫn tiếp tục nói cho đến khi ông tháo bà xuống và đặt nằm trên giường. Hai chân không biết từ bao giờ đã teo và thu nhỏ lại như chân em bé, lưng bà cũng cong theo hình cái lưng ông và người ta cố công kéo thẳng bà để nhét vào hộp nhưng vẫn không sao giãn ra được. Cái miệng bà há to, ông tưởng như bà vẫn còn đang kể về câu chuyện không đầu không đuôi của mình. Khi bốn người con tháo nốt miếng vải từng quấn bà dính chặt với ông thì lúc ấy, sự nhẹ hẫng và làn hơi kì lạ khiến ông bừng tỉnh. Ông bước vào phòng tắm một cách cẩn thận, lách người qua khung cửa hẹp và chú ý đến khoảng cách trên đầu, nó sẽ không còn dịp đụng đầu vợ ông nữa, cả mười sáu năm sau này.

… (…). Thật sự, tôi không ngạc nhiên khi nghe mọi người đồn thổi việc này. Tất cả dường như cố tình phủ lên đời sống lão già một cách nhìn kì quái... (… tiếng máy chạy xành xạch...)… Cho đến khi tối hôm qua, lão đến nhà và đưa tôi miếng vải này, bảo may thành một chiếc áo vừa cho hai người... (... tiếng máy đột ngột ngưng...) Trước khi lão về còn dặn tôi, “nhớ nhé, để tôi nhớ vợ tôi ấy mà, hẳn bà ấy cũng muốn mặc một cái áo chung…”. Vâng, tôi đã nhớ chính xác từng chữ một mà lão đã dặn tôi tối qua. Người già luôn có chung một sự bịa đặt từ cái đầu lẩm cẩm của họ những điều tương tự. Lão là người duy nhất sống độc thân trong làng tôi mà không cần gì cả, kể cả việc lang chạ với một ai đó.

Tặng chiếc ly 45 cents vừa mua
T6, Oct, 9, 04

Cô gái có cái mồm năm mươi lăm chiếc răng cắn phập mặt trăng

Trung thu. Trẻ con trong làng thường tụ tập trong sân đình và bày lồng đèn, đốt nến. Cô cũng có mặt trong số đó, nhưng không có lồng đèn trong tay. Cô không thích lắm việc đốt nến, chỉ thích nhìn ánh lửa leo lét hắt qua miếng ni lông đo đỏ. Cô càng thích hơn khi lửa bắt qua thanh gỗ chắn ngang để thiêu rụi lồng đèn. Những lúc vậy bọn trẻ con gầm rú lên, chúng lao vào dập lửa, nhưng đã muộn, dòng lửa kịp nuốt hết con công màu mè, chỉ còn lam nham vài đoạn giấy kiếng làm hở cái bụng quấn dây kẽm bên trong. Cô cười to, bọn trẻ thấy thế lao vào đánh và đuổi cô ra chỗ khác. Cô chạy về nhà, ngồi trên chiếc ghế gỗ, mồm há ra chơi trò đớp trăng. Mẹ cô nói, “con bé lại đớp trăng, nó đớp tổng cộng gần một trăm hai mươi cái trăng rồi, hệt như thế”. Đúng vậy, trò chơi của cô là đớp trăng, cô chờ nó chạy vòng vòng rồi đứng im mệt mỏi ngay chỗ cô ngồi. Việc gì mà không đớp, với lại, đớp trăng thú lắm. Răng bập vào nhau kêu côm cốp, cảm giác sự gãy vụn của nó tan tành dưới hàm răng đặc biệt. Màu vàng chao đảo và bị cuốn trọn trong chiếc lưỡi. Cô đẩy phần trăng vừa tớp được sâu nữa, sau đó cô ngậm chặt miệng suốt hai tuần dài để nhốt chặt chúng trong bí mật. Mẹ cô thường nói, “mày tớp nó phỏng ích gì, chỉ đau bụng thêm, nên mở miệng nói con ạ”. Nhưng cô vẫn im lặng, cô luôn chống đối tất cả. Việc này càng đẩy thêm sự tích về người con gái được sinh trên cái lưng rộng của bố. Mẹ cô đã không chịu leo xuống để nằm trên cái giường êm ái, bà đẻ ngay trên lưng chồng, nặng nhọc và đau đớn. Người chồng chỉ biết cắn răng vào gối và dùng lưng cân đứa bé nặng bao nhiêu kí. Cô gái được mẹ địu sau lưng, chứng kiến toàn bộ sự lớn lên của ba người anh trên lưng bố. Việc họ ăn, ở, nghỉ ngơi trên tấm lưng ấy khiến cô luôn bực dọc vì thấy mình không hề thuộc chủng loại của họ. Sự lẫn lộn về bộ phận trên thân thể của cô là nặng nhọc truyền qua bà mẹ. Bà luôn cảm thấy cô nặng, trì hông bà xuống, nên bằng mọi cách bà càng níu chặt chồng hơn. Họ đèo địu nhau qua mười năm. Nhất định không ngã xuống từ chiếc lưng của bố. Nếu năm người tuột dần thì ông lại xốc cả năm lên, gọn gàng như xốc lại bao gạo. Trong thời gian đó, vấn đề duy nhất được trao đồi từ bà mẹ sang cô con gái là việc bà dạy cô cách chăm sóc răng.

Câu chuyện đúng là kể về cô ta, cái cô người gầy như tăm tre, mắt lộ, tóc dài thượt. Ban đầu nó chỉ là chấm nhỏ như hạt gạo, rồi nó cứ nhú lên, lần lượt trám đầy miệng cô. “Năm mươi lăm cái răng”, bà mẹ dõng dạc nói, “hết chỗ để mọc thêm rồi con ạ”. Năm mươi lăm cái răng là năm mươi lăm lần bà mẹ dạy con dùng lưỡi để chỉnh răng khi chúng còn non. Nhưng cô gái tính tình vốn lơ đễnh từ nhỏ nên chẳng thèm nghe lời mẹ, cứ để những chiếc răng mọc tự do, xiêu vẹo trên bộ hàm của mình. Sau đó cô ngậm chặt miệng, không cho ai biết thêm một chi tiết nào về bộ răng cho đến khi cô quyết định tuột xuống lưng bố và thoát khỏi đời sống tẻ nhạt đó. Lúc ấy, cô tròn mười tuổi.

*

Trong lúc này biết làm gì đây, làm sao đây. Luôn sống trong một xã hội xa lạ, được quấn trong sự đến, và lập tức rời bỏ không cần thiết. Tại sao gã ghét tất cả những gì phát ra tiếng, chỉ trừ những tiếng đang di động trong não thôi, chỉ có sự giãi bày đó mới làm thoả mãn nhu cầu lười biếng…

Ông già vẫn lớn tiếng giảng giải một bài toán cho gã, khiến tất cả mọi người lập tức nói to hơn, nói to hơn, nói to hơn, kết quả là toà nhà sập với cái đuôi âm thanh không sao thoát khỏi trần nhà chật chội. Gã đang gắn máy nghe nhạc vào tai, tiếng động lách cách này luôn giúp gã phóng ra ngoài bất cứ lúc nào. Gã có thói quen không trả lời tất cả câu hỏi. Vì vậy mà thầy đỏ mặt tía tai, gân cổ nổi phập phồng với sự câm lặng cố chấp này.

“Cô khiến tôi nhớ lại thời thơ ấu… về việc mỗi chúng ta đực mặt nhìn thầy cô viết những con số khó hiểu và không biết phải trả lời thế nào cho phải… chúng ta chịu trận cơn xấu hổ hoặc sự phản kháng muốn ném cây thước vào mặt họ.”

Cuối cùng, những suy nghĩ của ông già được gã đọc đại loại trong đầu như thế. Ông già xếp tập, phẩy tay và biến mất. Gã đang leo lên cái đỉnh cao chót vót của học hành. Hai mươi năm cho việc học, tiếp xúc giảng viên này đến giáo sư nọ, nhưng gã vẫn ngồi thừ với đống răng ngậm trong họng. Họ không bao giờ hài lòng với im lặng, cô phải nói, cô phải trả lời. Nhưng, năm mươi lăm chiếc răng lại càng khít chặt với nhau, cố tình kéo miệng gã xuống. Họa chăng, mở mồm chỉ để phun nước miếng.

Đi bộ về nhà, gã vừa đi vừa nhớ lại những trận ấu đá với cái bọn quái vật trong làng. Mùa trung thu ấy, bọn chúng lại lần lượt xếp lồng đèn trước sân đình. Lẫn trong số đó có vài chiếc mới tinh, mùi giấy kiếng vẫn còn hăng. Mặt đứa nào đứa ấy nhâng lên, cứ đem mấy cây nến khẳng khiu đếm đi đếm lại. Bỗng dưng, một đứa lao vào nhập bọn với lồng đèn hình mặt trăng, tròn quay, vàng như mật. Gã liếm môi, nó ngon thật. Thế là gã dụ đứa bé ra một góc, chứng kiến gã cắn tan tành chiếc lồng đèn mới. Mặt trăng gẫy làm đôi, méo xọp đi. Đứa bé dậm chân thình thịch, lao vào cấu xé gã. Ừ, mày muốn thử sức thì cứ nhảy vào. Tối đó, đứa bé chạy về nhà, người thâm tím những dấu răng của gã. Sau này, chính nó giáng một quả vào mồm gã, làm cho chiếc răng cửa chỉ còn phân nửa. Nhưng gã cao tay hơn, quyết định mồi chài nó bằng những bức thư tình. Thằng bé dính vào tròng, tự nó đón nhận một cuộc sống không mấy hay ho cho đến chết.

*

“Con phải dùng lưỡi đẩy nó ra chứ, các anh đều làm như vậy cả, răng bọn chúng đều tăm tắp!”

Gã cố gắng dung lưỡi đẩy, nhưng chiếc răng vẫn cứng như sắt, chỉ làm rát lưỡi thêm.

“Con phải từ từ, ngày qua ngày mới được, không dưng ai cũng răng thẳng thế đâu!”

Chán cái trò đẩy răng! Mà cũng có sao, miễn là nó không phiền ai cả… Khoảng sáu tuổi, răng của gã rụng để thay vào đó những chiếc răng mạnh khoẻ hơn. Mẹ lại nói, “đứng thật thẳng, cấm không nghiêng người, ném răng vào gầm giường cho mẹ!”. Gã đứng im như tượng, lạnh lùng thảy những chiếc răng vào gầm giường. Vậy mà, răng mọc vẫn méo, và mọc nhiều nữa chứ! Suốt những năm thời thơ ấu, gã luôn chịu đau đớn kéo dài vì cơn sốt mọc răng, mồm sưng vều và lợi đỏ hỏn. Những chiếc sừng nhỏ thi nhau làm nứt thịt và chui lên, khiến gã không thể ăn cơm như người bình thường, cứ ngậm mồm cơm cho chảy nước rồi mới nuốt. “Thật đáng thương cho con bé, thế này làm sao lớn...”. Mẹ lấy tay vỗ vỗ vào lưng gã, bảo phải ráng lên, cho kịp các anh. Nhưng không ngờ gã vẫn ăn đều và khoẻ, nhét bất cứ cái gì trong tầm tay và cho vào miệng. Gã chán cảnh sống đu đưa trên lưng bố. Bằng mọi giá phải mau lớn để tụt xuống đất. Nhưng gã không phải lo, vừa đúng mười tuổi, ngay lúc bàn chân gã dớm tuột khỏi lưng bố thì các anh đã giật gã té xuống đất, bắt gã tập đi và chơi trò bắn súng nước. Công việc của gã là đứng ngay cạnh cái vòi, bơm nước vào súng cho ba chàng trai. Vậy mà gã làm rất hăng say và hết mình. Mãi ba năm sau, tức mười ba tuổi thì tình cờ gã thấy ánh trăng lảng vảng ngay bể nước dẫn đến việc thèm thuồng cắn thử mặt trăng. Và dọc những năm tháng ấy, người ta cứ thấy một con nhỏ gầy guộc, chạy hoài, chạy hoài với cái bóng vàng trên đầu, không buồn đến xung quanh.

*

Gã bắt đầu chú ý đến hai chiếc răng cửa to cộ nằm chắn ngay miệng. Phải nói hai chiếc răng này có kích thước vượt hẳn những chiếc răng kia, khiến chúng có vẻ bề thế, vững vàng. Gã thích cái vẻ ương ngạnh của nó, tự nhận đó là đặc điểm riêng biệt. Hai chiếc răng nằm chắc chắn và duy nhất không bị xô lệch. Bởi nó ngay từ đầu nhanh chóng xuất hiện trước và chiếm lĩnh một khoảng gấp ba lần răng bình thường. Từ đó, gã muốn chú trọng đến chúng và cho chúng cái quyền nhai cơm, nhai kẹo, thức ăn, cắn móng tay, cắn bọn trẻ, kể cả việc trọng đại nhất là cắn mặt trăng. Gã chỉ nhai cơm bằng hai chiếc răng cửa, lấy lưỡi đùn thức ăn ra trước và nhai. Mẹ gã tuyệt đối ghét bỏ hành động đó, bà gọi nó là “hình ảnh kinh tởm”, “thói quen xấu”, “phản khoa học” và “kém thẩm mĩ”. Gã từ chối mọi cuộc hẹn của bác sĩ nha khoa, làm họ thất vọng ê chề. Đó cũng chính là nguyên nhân bộ răng của gã được thổi phồng, lan nhanh trong làng. Mọi người nói, “con bé có những một trăm chiếc răng to kệch cỡm”, người khác thì đem bộ răng của gã để dọa con nít, ép chúng đi nhổ răng sâu và “nếu không ăn bằng răng hàm, mày sẽ có răng cửa to như…”. Gã không nói gì cả, im lặng ngồi chơi súng nước, tưởng tượng về ba người anh, giờ này họ vui chơi đâu đó…Có lẽ, sự nhức nhối của những chiếc răng mới nhú đã dần hết, kèm theo sự thay đổi về tính nết khiến tất cả không còn như cũ.

Thời kì đỏ / thuốc ho - những đường gân thắt bím

Một ngày dài thê thảm. Cô ấy đã cởi áo khoác ngoài và vắt lên thành ghế. Căn phòng này ẩm ướt quá, cộng thêm một người ở và hơi nóng toát ra từ người ấy như lò kéo hơi, đặc sệt mùi đường phố. Có lẽ mình cần mua một lò sưởi và hong khô tất cả cùng một lúc, một mùa đông kỳ quặc, trên tường, tờ giấy bong ra một nửa, cô ta đã ghi chú liên tục nhưng không buồn tháo đi những dòng chữ cũ. Hãy đóng sập cửa sổ, luôn luôn có cảm giác một người lạ sẽ trườn vào nhà, chung chăn chung gối và ăn cắp suy nghĩ. Ngày hôm nay nó đã thành sự thật rồi. 

Cô ta bị bệnh tiểu đường. Người ngứa ngáy liên tục, đêm gãi, ngáp ngắn ngáp dài, tóc thì thưa đi nhưng vẫn còn chải được và tiêu hao một khoản xà bông. Thêm một ly rượu đỏ nữa cho ngon miệng, mình chẳng cần sống lâu. 

Tôi vừa bước ra từ con rắn khổng lồ và những khoang nặng nề chất đầy hành khách, ngay cổng xe lửa có ba người đàn ông, râu xoắn tít và hát rất hay. Thôi mình sẽ từ giã cô ta mà đứng đây vậy, tôi bị chôn chặt ngay thùng rác công cộng và xem họ hát, phải mất mấy năm tôi mới có thể rên như thế, nhảy múa vô tội vạ một cách có bài bản như thế? Vài đứa con nít đứng xem, đầu lắc lư nhè nhẹ, mồm nó rát bỏng vì lâu ngày không được uống nước tử tế, còn tôi thì nhổ nước bọt liên tục. Tất cả đều hắt lên mùi khăn khẳn, bắt chúng và kỳ cọ thế nào cũng ra một đống thứ ghét nhìn giống bột mì và thứ bột ấy sẽ mốc meo lên màu xanh kinh khủng. Chẳng có chủng loại nào thơm thật sự bằng sự phát hiện của tôi: cô ta có một mùi vị rất đặc biệt nằm ngay cổ, duy nhất chỗ ấy làm tôi có thể phân biệt được giọng nói, khả năng đi đứng, khả năng cãi nhau và đánh lộn của cô ta, càng làm tăng lên giá trị bệnh tiểu đường của cô ta nữa. Những cơn gãi cứ không ngừng chảy xiết dưới đôi cánh tay trần, có lẽ cần phải giật tung cửa trước khi tôi lao vào gãi phụ. Nhưng tôi vẫn nằm im đấy, chờ đợi một sự lây lan, giá mà căn bệnh tiểu đường được truyền sang tôi. Thế giới này hỗn độn quá, nhiều âm thanh quá, nhiều xe cộ quá. Cô ấy bắt đầu ra tay rồi. Và đây là câu chuyện kể về một thế giới toàn màu đỏ được gói trong bao ni lông nhỏ, cũng màu đỏ.

Thế giới của ăn cắp.

Khi tôi còn ngồi ở Minnesota, trong một ngôi trường bé teo thì đã có cảm giác này rồi. Nó bắt đầu vặn nắm cửa, chui tọt vào căn phòng ấy đều đặn hàng ngày, sau khi già chuyện với bố mẹ và khuân một số lương thực về chỗ ở. Nó bật đèn hoặc tắm táp như thể đây là không gian riêng của nó, dùng xà bông của tôi, khăn tắm, bàn chải một năm mua hai lần của tôi. Chính nó là người trả tiền hàng tháng cho việc đi lại ăn ở trong ngôi nhà này, kể cả những lần hẹn hò nhau giữa đêm. Tự tiện bật nhạc, làm việc và đắm chìm trong sự lạnh lẽo, uống rượu rồi nhảy nhót một mình, mặc cho tôi có cảm giác khó chịu khi hằng đêm biết nó ngồi vào ghế của tôi, ngồi vào lòng tôi, xả nước và tắm, nó tắm cho tôi, kỳ cọ trên từng chi tiết một. Cuối cùng, nó ngồi vào bàn và suy nghĩ lung tung, nó đang xâm chiếm khoảng không tưởng tượng và tự do của tôi, một người đang đứng im bất động, nó tắt đèn rồi làm hành động cuối cùng êm ái dễ sợ nhất: bò lên giường, làm một hố sâu, trũng trên bề phẳng đó, nó đang nằm lên tôi, cựa quậy và thở mạnh trong vòng sáu tiếng. Tôi không đi đâu được như một con cá mắc cạn. Trong những lúc như thế điều làm tôi sợ nhất là nó mơ, tôi sẽ thấy một khoảng trống thật dài, lạ hoắc. Tôi đột nhiên mất trí nhớ và lâm vào tình trạng bắt chước khối thịt tươi biết nói cười hoặc trôi đâu đó trên đường phố cho đến khi nó gặp đôi giày đỏ. 

Trên vỉa hè, một người đã từng thấy tôi đi lang thang với đôi giày đỏ, quờ quạng, cũ rích trong thời điểm mọi người yêu thích nhuộm tóc xanh, túi xanh, mỏ xanh. Tôi đang bấn loạn vì tự dưng nó lại bắt đầu chuyển qua sống chung với giai đoạn màu đỏ. Cả lũ bạn cũng biết rằng nó luôn đem theo trong mình một đôi giày đỏ, máng ngay cổ, luôn luôn mới và có thể mang ra hù dọa bất cứ người nào mà nó gặp. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng vì lần đầu tiên nó có một thứ riêng biệt không đến từ tôi, không ăn cắp của tôi: một đôi giày được lau chùi cẩn thận, máng kiêu hãnh giữa cổ, trong tưởng tượng và đánh đu trên ghế.

"Thế mày thử mang nó cho tao xem nào, đôi giày này mày nhặt nó từ đâu trong khi tao lang thang ngoài kia?"

Tôi thách thức, sẽ luôn luôn thách thức như thế để tìm ra nguyên nhân. Nó chẳng nói gì cả, lặng lẽ đem đôi giày cất vào một chỗ khác, dành cho ăn mặc và tiệc tùng với bạn bè, hành động tùy tiện, ngang nhiên như cách nó sử dụng căn phòng và đồ dùng của tôi vậy. Bên Minnesota và cái hố trước cửa nhà, tôi thở dài tức tối.

Thứ sáu, tuần trước, hai con vịt nói mãi không chịu câm khi tôi viết. Gà trống tơ, những con quỉ và bò bơi dưới nước.

Đêm qua, lần đầu tiên mơ thi thể một người đàn ông băng qua đường, màu xám ngoét và đầy vết xước ấy dừng ngay ngã tư. Ông ta giơ hai bàn tay cào cấu khắp cổ họng và moi ra bằng được thức ăn cùng dây thanh quản để vào lòng bàn tay, thắt bím chúng rồi chậm rãi ăn trở lại. Nó vỗ bồm bộp trên lưng tôi, sao thế, mơ gì thế. Tôi cáu quá, gắt, không phải tao mơ những điều xấu, mà chính đêm qua mày mở tủ lạnh, uống thuốc ho màu đỏ để ngủ, tao không thích trò ấy, say xỉn cũng dùng thuốc ho, công việc nhiều cũng dùng thuốc ho, bạn trai bạn gái cũng thuốc ho. Nó cũng nhảy dựng và gào lên, chỉ vì muốn sống trong căn phòng này tao phải dùng thuốc ho. Tủ lạnh bỗng ngập tràn một màu đỏ kì dị, trôi từ tảng thịt tới quả cà chua, người đàn ông xám ngoét tay bưng một màu đỏ ối gục xuống ngã tư, chiếc xe chở tôi lao nhanh, thế nhưng vẫn kịp cho một cái ngoái nhìn, giấc mơ.

Tôi vay mượn chỗ ngồi. Ngoài đường tệ nạn vẫn luôn diễn ra, những chiếc xe đạp dựng vào cột luôn bị tháo bánh, dọc đường đi là những thi thể sắt trơ ra đầy ốc vít và xương sườn, cột khoá thì lỏng lẻo, có đứa cẩn thận khóa luôn cả bánh nhưng sáng ra xương sườn lẫn cột trụ lại biến mất. Con nhỏ la ầm lên, có bữa mình trần truồng với thành phố này cho xem. Một văn hóa mới xuất hiện, người ta đi bên cạnh chiếc xe đạp thiếu thốn của mình, chìa khoá toòng teng, quần áo lỏng lẻo. Mọi thứ không thể vướng mắc vào nhau nữa, lơ thơ gió. Mỗi khi như thế con nhỏ chỉ muốn lấy bệnh tiểu đường của mình ra mà chữa trị cho bọn chúng, cần phải kết dính chúng với màu đỏ đông đặc, lợn cợn những viên bi đường, kết quả của bữa sáng và thuốc ho. Bây giờ nhìn thấy những thứ gì giàu chất đạm nó đều có thể tăng lượng đường trong máu, người ta hôn nhau nó cũng sởn hết da gà, thế này thì chết mất, nhìn đâu cũng thấy đường, nó cất đôi giày đỏ sâu trong áo, riêng mày thì không thể dính đường. Tôi vẫn tiếp tục ngồi một cách vay mượn, bỗng hiểu cảm giác cho nó khi đặt chân vào căn hộ của tôi, khó chịu để tìm ra một lối thoát. Tôi ngồi lỳ ở đây được bao lâu trong khi thời hạn không cho phép? Lại nhớ cuồng điên những thứ mình ăn cắp được, biến nó thành thói quen, rồi lại đi tới đi lui bên cạnh hồ, tại sao những con vịt lại chết cóng dưới kia trong khi chúng bay được?

Hôm nay gà trống tơ có quá nhiều con quỷ đến uống nước và trao đổi suy nghĩ cho nhau, chúng đánh đổi quả tim nhàu nát hoặc quả thận đã thối rữa chỉ dùng cho sáu ngày. Tôi ngồi giữa những con quỷ đó quan sát tuần hoàn máu của nó. Lại một lần nữa màu đỏ có sức quyến rũ dữ dội, bên dưới chiếc mông của nó, một màu đỏ cũng lặng lẽ chảy êm đềm, cuốn hút say mê, nệm ghế và quần lót cũng màu đỏ nốt. Tôi phải pha loại cà phê gì đây? Người đứng trong quầy hỏi, đến giờ này cà phê cũng có chung một màu đặc sệt. Tôi nói, cà phê dành cho tiểu đường, thật nhiều đường, máu. Những con bò trôi lượn lờ dưới chân bàn, thả tiếng kêu trong lỗ tai, bọn chúng lại hỏi: đối lập với bí mật là gì? Vào thời điểm này, trong thời kỳ lớn dậy của màu đỏ, tôi thấy chỉ có đôi giày đỏ có sức đối lập với bí mật nhất. Gật gù, những chiếc xe đạp dựa vào nhau, thành phố này vẫn kỳ quặc như thế, con nhỏ mượn tôi chìa khoá và chỗ nằm cho ba năm nữa, vậy cũng được, chẳng biết bao giờ tôi và nó trao trả lại cho nhau những thứ vay mượn được, từ đôi giày đỏ?

(ghi chép nhỏ, T4, 11, 2, 04)

Nguyễn Thuý Hằng sinh năm 1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật 2002. Từ 2003 đến 2005, du học tại San Francisco. Trong thời gian ở Mỹ, Nguyễn Thuý Hằng có làm một số triển lãm sắp đặt tại studio riêng tại Berkeley.

Tác phẩm: Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý (bộ tác phẩm gồm 3 tập: I - Cửa sổ đập; II - Cá thể ướt kì lạ; III - Do đó, nó lại đến), Nxb Trẻ và Nhà sách Kiến thức, Hà Nội, 2006.

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài