Trần Tiến Dũng |
“Nhưng cái gọi là thơ, ở Trần Tiến Dũng, dường như là một cái gì khá bất định. Hôm nay nó thế này; mai, nó có thể khác đi. Ðối diện với một kẻ làm thơ như một phiêu lưu như thế, thú thực, tôi không biết cuối cùng Trần Tiến Dũng sẽ đi về đâu…”
Nguyễn Hưng Quốc, Giới thiệu thơ Trần Tiến Dũng
Trần Tiến Dũng
Đôi chân sợ hãi, tôi chọn bước ra
Kiêu hãnh trong bộ điệu con gà trống trên mô đất của mình
Những gì anh đã gáy là nỗi buồn của anh,
trong mùa lễ hội anh chọn lựa
Không cần cầm viết
chạm cái mỏ vào ánh nắng buổi sáng
Có thể viết gì, thi sĩ!
Xứ sở chỉ còn màu nắng đầu ngày là không bị bôi bẩn
Ngửa cổ gáy vào đó nỗi buồn kiêu hãnh
ngẩng mặt làm thi sĩ của chính mình
Bụi cỏ vừa nở xanh
là nguy cơ anh bị giết ngay lúc ấy
Bụi cỏ vừa nở xanh không đưa được nỗi buồn anh đi về đất
Bụi cỏ vừa nở xanh dựng đứng trước mặt anh ngọn núi
Thơ anh không thể vượt qua, kẻ độc tài không thể vượt qua
Ở lại cho một cuộc thách thức bằng tiếng nói
Ở lại để chấp nhận dòng máu xanh tuôn chảy
Cái chết từ từ dưới cái lưỡi đỏ cứa cổ
Nỗi buồn của anh dưới lưỡi dao ấn nhẹ tay
Không ai có thể xô ngã anh bằng một hay nhiều vết bẩn giữa vành móng ngựa
Thi sĩ! Anh gáy cho tới chết
nỗi buồn là lễ hội.
Tôi yêu những mùa lễ hội của tôi
Tôi đến đó thì thầm với tôi bằng giọng của người mẹ.
“Nếu phải hóa trang hãy tô đậm bằng sự thật
Con có gì khi hát với bà con nếu máu không nóng hổi
Con có gì khi bắt kịp má trong mùa mưa sẽ tới, lúc những hạt mầm vừa giụi mắt
Con có gì để kể lại, từ lúc má con ta lưu lạc
Con có gì khi nhìn vào nước mắt của má trên mi mắt con
Không ánh sáng của ý thức nói thật, điều đó thiệt tệ hơn cái chết
Tâm hồn trung thực không chạm vào nhau, sự sống này làm sao có tiếng hét để xé mình ra, để thấy mình là người. Con dự hội đi, chọn cho mình một trò chơi, nơi con thuộc về
những người bị thua sạch
Ý thức chống độc tài bị thua sạch là lúc có thể biết
còn lại những gì chưa bị ăn cắp và đánh tráo.”
Ngày mùa đông phải rời căn nhà mình
Ngơ ngác từng nhóm người Việt biểu tình tìm mảnh đất sống đã mất
U uất những cư dân blog đưa tiếng Việt đi tìm sự minh bạch để lòng yêu nước còn phản ứng,
để tỏ thật hư hai quần đảo trong số phận biển Đông.
Ngày mùa đông phải rời căn nhà mình
Nói chuyện với con gà bình minh
với người đã khuất không chịu rời hoàng hôn
Thi sĩ, anh không sinh ra để làm người can đảm
Ngày mùa đông phải rời căn nhà mình
Tôi lại thấy một con gà, trong nghĩa địa của loài gà với những dúm lông xác xơ cầu cứu ánh sáng, tiếng gáy rè cầu cứu gió bão, với nỗi sợ cầu cứu cái sợ
Nỗi sợ cầu cứu cái sợ!
Rời nhà mình chỉ là một cách che giấu nỗi sợ
Thi sĩ! Ngôn ngữ anh đi vào nỗi sợ chế độ độc tài để ý thức về cái sợ
Kéo lê sự sợ hãi dai dẳng này để bùng nổ cái sợ
Thi sĩ, anh không phải là người can đảm
Chọn hố thẳm hiểm ác bước ra một lần để biết mình có hay không thể vượt qua.
© 2007 talawas
Các bài liên quan:
Trần Tiến Dũng sinh năm 1958 tại Gò Công. Hiện sống và viết tự do tại Sài Gòn.
Tác phẩm Khối động (Thơ, Nxb. Trẻ 1997), Hiện (Thơ, Nxb. Thanh Niên 2000); Bầu trời lông gà lông vịt (Thơ, Tiền Vệ 2002) Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai (Thơ, Tiền Vệ 2004). Có thơ in trong các tuyển tập: Thơ tự do, Viết, 26 Nhà thơ đương đại, Tuyển tập Tiền Vệ 2006. Một số bài thơ của Trần Tiến Dũng đã được Đinh Linh dịch ra tiếng Anh, công bố trên: e Book Chester Hill, Australia 2003, Contemporary Voices from the Eastern World: An Anthology of Poem, Norton 2007, và các tạp chí Manoa, Calque.