Bùi Chí Vinh Ảnh: Thận Nhiên |
Trong hai tháng 10 và 11 này có nhiều sự kiện xảy ra ở Việt Nam gây ảnh hưởng nhức nhối trong đời sống xã hội: Thảm họa cầu Cần Thơ, bão lũ liên tiếp xảy ra ở miền Trung, dịch tả bùng phát ở các tỉnh thành, vụ một cô gái bị hành hạ liên tục hơn 10 năm ở Hà Nội, giá cả xăng dầu và các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt... Đối diện với tất cả những hiện thực ấy, thơ có thể làm gì? “Đất nước khó khăn này/ sao không thấm được vào thơ?... Thơ nó đi đâu?/ Sao những vần thơ/ Chúng không chuyển, không xoay trời đất?... ”, Trần Dần đã từng tự vấn đau đớn như thế - những lời tự vấn phần nào thể hiện sự bất lực của thi ca trước hiện thực xã hội. Liệu hai bài thơ “thế sự” dưới đây của Bùi Chí Vinh có làm ai hôm nay phải bận tâm, có làm thay đổi được bất kì điều gì hay không? Câu trả lời tuỳ thuộc từng độc giả. talawas chủ nhật
Bùi Chí Vinh
Hai bài thơ thế sự
Lời ai điếu cho cầu Cần Thơ
Cầu Cần Thơ không phải cầu sông Kwai
Không phải cây cầu xây trong thời chiến
Không bị dội bom, không có súng kề đầu
Chỉ có những bản hợp đồng khổng lồ tiền bảo hiểm
Khi tôi viết dòng chữ này thì người thứ 50 đã lìa đời ngay bệnh viện
Những người tiếp theo đang vật lộn với tử thần
Những nông dân ký giao kèo bằng miệng
Nuôi mẹ già, nuôi con dại, nuôi thân
Khi tôi viết dòng chữ này thì ruộng đất vẫn bỏ hoang
Con trâu buồn thiu, máy cày rêu bám
Tấc đất ngày nay không phải tấc vàng
Người trồng lúa thành công-nhân-ngoại-hạng
Làm sao thống kê hết các thông tin choáng váng
“Kỹ sư Hiroshi Kudo từng khuyến cáo nhà thầu”
“Lạnh lùng thi công mà không thử qua trụ tạm”
Sinh mạng con người thử thách trước bể dâu
“Chín Con Rồng Cửu Long” chờ đợi một cây cầu
Không ai chờ đợi một lời xin lỗi
Không lời xin lỗi nào băng bó được cơn đau
Vợ góa, con côi, ngày ngày bụng đói
Máu đã chảy trên những lời nói dối
Trên quyền uy, trên những chiếc bàn tròn
50 người chết có cần ai sám hối
Có cần ai nhỏ lệ ban ơn?
2.10.2007
Suy nghĩ về thần đồng văn chương Adora
Ngày 15 tháng 11 năm 2007 báo chí loan tin
“Hàng trăm học sinh Việt Nam giỏi tiếng Anh chào đón thần đồng Adora người Mỹ”
Adora Svitak tuổi lên 10
Sản xuất tập truyện Những ngón tay bay đầy giá trị
Những ngón tay bay của thần đồng huyền bí
Bay từ giấc mơ đất nước nhà giàu
Những ngón tay bay biến thành hàng tiếp thị
Xoa dịu vỗ về xứ sở chiêm bao
Những ngón tay bay không thể điều trị bệnh ho lao
Con nít xóm nghèo vẫn mỗi ngày viêm phổi
Những ngón tay bay không dựng nổi nhịp cầu
Cầu Cần Thơ vẫn trong cơn hấp hối
Những ngón tay bay được soi đường dẫn lối
Để bắt tay lựa chọn bạn bè
Bắt tay trường quốc tế, trường chuyên, trường quý tộc
Công tử nhi đồng, tiểu thư nhí xum xoe
Tội nghiệp Adora đeo kính cận cười toe
Nụ cười toét miệng không phân ranh quốc tịch
Nụ cười y chang các đứa bé vỉa hè
Bán vé số, bán hàng rong rách đít
Những ngón tay bay trở nên cổ tích
Khiến chúng sinh quên hết chuyện hoang đường
Chuyện tham nhũng, chuyện bất công, chuyện mất nhà mất đất
Chỉ còn chuyện loài người ôm giấc mộng văn chương
Những ngón tay bay làm thế giới gần hơn
Nhưng cũng làm thần đồng Adora xa lạ
Nếu Adora sinh trưởng ở Việt Nam
Chắc chắn cô bé sẽ vô chùa quét lá
Ở xứ sở vàng bị chôn dưới đá
Phù Đổng vươn vai đã bị đụng trần
Những ngón tay bay lết bò vì cơm áo
Thiên tài làm gì có chỗ cõi phù vân?
11.2007
© 2007 talawas
(Nhan đề do talawas đặt)
Bùi Chí Vinh sinh năm 1954 tại Sài Gòn. Năm 15 tuổi, đoạt giải của nhật báo Tin Sáng với truyện ngắn Viết trên quê hương điêu tàn. Năm 1976-1977, giải thưởng văn học TP HCM với tập thơ Hạnh phúc có thật. Năm 1991, tiểu thuyết Tóc tiên của Bùi Chí Vinh được độc giả báo Mực Tím TP HCM bầu chọn là truyện hay nhất năm 1991. Bộ truyện phiêu lưu mạo hiểm dành cho thiếu niên 5 Sài Gòn (gồm 40 cuốn) được tặng thưởng đặc biệt của Nxb. Kim Đồng.
Tác phẩm: Đã xuất bản: Thơ Tình Bùi Chí Vinh (tái bản nhiều lần); Tiểu thuyết: Yểu điệu thục nữ, Tóc tiên, Cỏ ven đường, Luật nhân quả, Tiểu thư, Anh hùng tứ xứ, Ba trong một; Hải Đại Bàng (truyện tranh màu, 15 cuốn); Tứ quái TKKG (70 cuốn, phóng tác theo tác phẩm của hà văn Đức Stefan Wolf); Chờ xuất bản: Thơ Đời Bùi Chí Vinh, Thơ Đạo Bùi Chí Vinh, Thơ Quậy Bùi Chí Vinh, Thơ Tình Bùi Chí Vinh (có bổ sung), Kịch thơ Thành Taberd.