Nhà thơ Hoàng Hưng ảnh: Dương Minh Long |
Thơ của Hưng làm tôi nhớ đến những tiểu thuyết hư cấu mang tính hiện sinh. Chúng xảy ra trong một thời gian rất rõ nhưng cũng có một tính cách phi thời gian. Nhiều năm tháng được nén lại trong một bài thơ trữ tình ngắn nói về mất mát và đau khổ. Con người đau khổ có thân xác và kinh nghiệm cụ thể, nhưng theo một nghĩa khác, cũng là một gương mặt tiêu biểu. Tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của tác giả Nhật Bản Kobo Abe. Một ngày nọ có một người đàn ông trượt chân thụt xuống một vực cát trong khi đang bước đi giữa sương mù ở một nơi xa xôi. Thế rồi ông ta trở thành chồng của một trong số nhiều người đàn bà của cồn cát mà nghề nghiệp là xúc cát suốt đời. Thực vậy, ông ta đã tìm ra số phận của chính mình, không lay chuyển được, không thể nào thoát khỏi (và cuối cùng thì có lẽ ông không muốn thoát khỏi)…
Tôi không biết có bài thơ nào khác để so sánh với thơ Hưng. Bên dưới cái bề mặt bình thản, kể chuyện, thơ Hưng rất phức tạp và xúc động. Có lẽ trong đời thực, Hưng đã cảm thấy bị lưu đày giữa ngay xứ sở của mình và bị dời khỏi những hoàn cảnh sống và làm việc của chính mình.
(Trích thư của Paul Hoover, nhà thơ Mỹ, Chủ biên Tạp chí New American Writing, gửi Tom Nawrocki, GS Khoa Ngữ văn Trường Columbia College Chicago, tháng 1.2003)
Hoàng Hưng
Ác mộng
(Nhật ký - Thơ, 30 bài thơ 1982-1992)
Ta nung nấu nghìn đêm ác mộng
Đánh chìa vàng mở lối về em
VÀO
Vào
Cánh cửa sắt đen kịt
Đóng sầm sau lưng tôi
Bỗng ào ào náo loạn
Như một bể dầu sôi.
Những cái đầu trọc lốc
Vươn theo từng bước đi
Những bộ xương đen đúa
Bốc lên mùi tử thi.
A! Địa ngục là đây
Ta bắt đầu kiếp quỉ
Sao dễ dàng quá nhỉ
Chỉ một bước một giây
Bước qua cánh cửa này
Kiếp người đã xa lắc.
Giật mình nghe tiếng quát:
- Cởi hết áo quần ra!
17/8/1982
YẾU LÒNG
Bữa cơm đầu tiên
Nhai miếng cơm khô giữa nắng
Trệu trạo trong mồm nuốt khó trôi
Bạn giục ăn nhanh không người mắng
Bỗng nghẹn lưng chừng nước mắt rơi
Thôi thế từ nay đoạ kiếp rồi
Tin dữ bây giờ chắc tới nơi
Nhà ta đau đớn chừng nào nhỉ
Tối sầm trước mặt bát cơm rơi
Chiều
Một dãy tường cao bóng đổ dài
Chú chim ngơ ngác gọi tìm ai
Chiều tù như muốn dài vô tận
Vòi nước ngoài kia cứ chảy hoài
Mơ lạc mất con
Nửa đêm mơ lạc mất con
Tiếng kêu thảng thốt lệ tuôn áo tù
Bàng hoàng biết thực hay mơ
Bừng con mắt dậy nát nhừ ruột gan.
Nửa đời sự nghiệp tan hoang
Con là còn lại với ngàn năm sau.
Trời ơi xin chớ hại nhau
Cha xin gánh hết thương đau kiếp này
Xin trời đừng cướp trên tay
Cho tôi sống nốt những ngày chờ trông
Bao giờ
Thạch thùng tặc lưỡi trên cao
Phòng giam lạnh lẽo chìm vào cõi đêm
Nhà ta giờ đã lên đèn
Bữa cơm giờ chắc đã quen thiếu người
Ta nghe tiếng mắng tiếng cười
Thằng cu nghịch xới cả nồi cơm tung.
Trời ơi sao nhớ quá chừng
Bao giờ tới bữa ngồi trông con đùa
Ngồi đây biết đến bao giờ
Trùm chăn ta đợi cơn mơ đưa về
Sáng mồng Một Tết
Đang vui tíu tít hàn huyên
Tỉnh ra trơ trọi giữa nền xi măng
Trời mồng Một đã vào song
Đã ho hắng cả mấy phòng gần xa.
Cách tường có cậu cười qua:
Được một bữa thịt đêm ra đầy quần!
Tiếng cười cả xóm rân rân
Như quên hết cả một năm đoạ đầy
Gần đất xa trời
Đêm em về trắng toát thời thơ ấu
Đêm mẹ về chẳng nói lại đi
Ở đây gần đất xa trời
Ngủ là sum họp với người cõi âm
Tỉnh ra là chết âm thầm
Xi măng lạnh, mấy chứng nhân thạch thùng
Giã biệt
Tôi lại quay trở lại
Thế giới bốn thước vuông
Có ăn ngủ ỉa đái
Có giận hờn ghen tuông.
Xa lạ quá mất rồi
Phố xá như trong mộng
Người trên đường như nộm
Cứ trân trân nhìn tôi.
Cả em nữa em ơi
Như thuộc về cõi khác
Hụt hẫng phút hàn huyên
Anh ôm em ngơ ngác.
Và xin em chớ giận
Khi nhìn thấy gói quà
Anh muốn ngay lập tức
Quay lại chỗ vừa ra
Để run run mở gói
Hau háu mắt bạn tù
Đêm nay là đêm hội
Cơm muối trắng như mơ.
Thôi em về đi nhé
May em không khóc oà
Quay lưng con bỗng thét
Giờ mới nhận ra cha.
Anh cúi đầu bước vội
Thầm nói em đừng chờ
Tôi lại quay trở lại
Thế giới của tôi đây
Em chỉ là giấc mộng
Bên trên khối mộ dầy
PHẢN THẾ GIỚI
Đêm trắng
Đứa giết người mắt trắng dã
Ca một khúc vọng cổ não nề
Lão làm thuốc tây giả
Run run nhặt từng hạt cơm thiu
Thằng nhóc “cắt bom” ga Hàng Cỏ
Sằng sặc bóp cổ tên hiếp trẻ con
Ba thằng buôn cơm đen
Ngồi nhìn ông cựu bí thư nhảy múa
Vào mà xem
Trong nhà “mét”[1]
Đám cưới thằng khoèo lấy thằng thọt.
Lại mà xem
Hai thằng ăn cướp
Bắt chấy cho nhau
Đêm hãi hùng
Ta ở đâu đây
Đêm không chợp mắt chờ sáng
Sàn xi măng vảy ghẻ rụng đầy
Gọi
Tôi gọi giữa đêm. Gọi tiếng xe ngoài đường gọi gió gọi mùi hương gọi ba la bông lông sải cánh con chim dài hai thước gió đánh nhằng nhịt tái tê bầu trời lụn bại. Tôi gọi giữa đêm. Xác xơ chân tóc căng ấn đường tôi gọi. A ha! Nhảy nhót, nghiến răng, xóc lọ. Thổi tắt phụt ngọn đèn trăm nến. Nhắm mắt và mơ đi. Mảnh sân hẹp, tiếng đàn bà xối nước, một củ hành tươi. Có thế thôi. Không không không tôi chán lắm rồi. Chán “điểm”[2], chán bắt rận, chán đọc rõ số giam. Nửa đêm tôi gọi mộ huyệt âm vang. Tự do! Mi ở đâu?
Những mảnh mộng
Chạy cuồng chân đồng đất đỏ ngầu, lửa sắt toé tung, mưa máu. Thằng bé xoè tay xin chó đá. Mài đầu rên xiết. Hồn kinh.
Chim đen bậu kín mặt nhà thờ. Pháp sư rán bánh. Róc rách suối hoa vàng nở. Mắt cá trừng trừng trong lưới mông mênh.
Em ơi mộng mị trần truồng góc tối. Vút đài cao ngăn ngắt trăng xa. Bãi biển oằn oài vũ nữ quay tít. Em không nói khoá trái nhà hoang dắt tay nhau về vô tận. Ngày nhật thực bảy mặt trời vần vụ. Gió dậy đồng không nơi ẩn náu.
Không đề
1.
Thần trí vùng lên đáy huyệt rùng rùng. Tắt lịm, u mơ, nhoà toả. Lấp loá vàng son vỗ nhịp. Đìu hiu.
2.
Thân thể nát như tương. Kiệt quệ lời ca khật khùng râu tóc. Co quắp nằm chịu trận. Sắt xầm, ngực nghẹn, u âm.
3.
Xóm xà lim mìn mịt mặt người, ú ớ gọi kêu cào vách đêm thăm thẳm. Thông thống vào lòng nhân loại tối đen. Quì khóc mắt ráo hoảnh.
Buổi trưa
Sau một cơn động đất xa
Chói chang ngực rộng mây bay về khát khát
Cây đá đổ vách trần xiêu lao đao bốn mặt
Ai gọi rất xa
Chờ ta!
Chờ ta bùng nổ!
Chiếc lá bàng
Những đôi mắt âm thầm
Rõi qua khe cửa
Bao giờ rụng chiếc lá bàng cuối cùng?
Sẽ rụng đêm nay
Khi gió bấc nổi
Không. Nó sẽ còn đeo đẳng mãi trên cây
Dai như kiếp sống đoạ đầy
Trong giấc ngủ màu máu
Chiếc lá bàng mênh mông
Thức dậy không còn lá
Bầu trời tím thâm
Bỗng rùng mình kiệt quệ
Như vừa ra đi giọt máu cuối cùng
Cái chết
Nghe tác phẩm
Những con rận đã bỏ anh đi hết
Anh chết
Trong đêm
Miệng trắng thuốc đánh răng
Đã bảo mãi anh rằng
Đói đến mấy cũng đừng ăn thuốc đánh răng
Tấm thân thước bảy
Còn tấm giẻ hôi
Cũng là xong nhỉ
Ân oán một đời
Những con ruồi bay đến
Chán nản
Nghe tác phẩm
Như chỉ còn một ấm ức
Phân tích mùi hành lang mốc meo thăm thẳm
Như chỉ còn một mạo hiểm
Nhìn vói qua mái nhà chằng chịt thép gai
Như chỉ còn một thú vui
Ôn lại những giấc mơ dị kỳ chắp vá
Như chỉ còn một ao ước
Thấy mặt người cách tường trò chuyện
Như chỉ còn một lời nguyện
Kiếp sau đừng biết cuộc đời tự do
Chiều cuối năm
Chạng vạng hồn ta u âm mộ huyệt răng thép răng đá ngả ngả xiêu xiêu. A! Trần nặng tường dày. Còn gì nữa? Con rệp đốt con muỗi bay con tắc kè thè lưỡi, lưới thép gai chim trời không xuống đậu để mình ta vòi vọi dõi tầng không. Đập đầu cửa sắt chân lún xi măng ăn đái ỉa nằm ngồi hàng thế kỷ, ằng ặc chiều đông cắt tiết bầu trời. A! Nát nhừ số mệnh bàn tay!
Thạch thùng
Nghe tác phẩm
Đôi thạch thùng trên trần xà lim, trắng hồng, trong trong, bên ngọn đèn ấm áp. Chúng làm sao biết chốn này tù ngục. Chúng đâu thèm quan tâm một người suốt ngày đêm nằm ngửa nhìn chúng khoả thân yêu nhau. Chúng đâu biết đêm nay đêm đông cắt da cắt thịt. Trắng hồng, trong trong, chúng lặng lẽ yêu nhau bên ngọn đèn toả hơi xuân. Ngọn đèn tù ngục. Nếu con người khoả thân không hổ thẹn. Nếu con người yêu nhau hồn nhiên dưới mặt trời. Như thạch thùng. Thì có lẽ không có tù ngục. Phải không nhỉ thạch thùng
- Thạch. Thùng.
Cách bảy lần tường
Cách bảy lần tường
Có con mương nhỏ
Mùi bùn chiều mưa
Có con đường làng
Ngây ngây xoan tím
Cách bảy lần tường
Tiếng cười vụt qua
Một trưa rất ròn
Sau bảy lần tường
Có người đêm đêm
Mắt mở trừng
Nghe sấm chạy
Một hôm
Có cánh hoa xoan
Vào thăm người ấy
Bàng hoàng người ấy
Nhặt cánh hoa xoan
Chuyện chỉ có vậy
Sau bảy lần tường
Nửa đêm
Cứ nửa đêm choàng dậy
Vì giọng hát ồ ồ
Bao giờ cũng một câu thôi:
Trời hãy cứu giúp tôi!
Lòng đất vọt ra?
Lưng trời rót xuống?
Xuyên bảy lần tường
Cõi nào vọng lại?
Tất cả choàng dậy nghe
Rồi lục tục nằm lại
Người ngáy tiếp
Người trằn trọc
Người rấm rứt
Ta cứ ngồi bó gối
Câu hát dội từ ngực xuống chân
Từ chân lên đầu
Âm âm trong tóc.
Chỉ một câu thôi:
Trời hãy cứu giúp tôi!
Chỉ một câu thôi
Vào lúc nửa đêm
Trái đất trở mình giữa bầu trời tối đen
Một ngày
Nghe tác phẩm
Nhớ đôi bạn tù trẻ tuổi ở T. L.
Buổi sáng lanh canh
Em ca cốc rộn ràng
Lại bắt đầu một ngày bên nhau
Chào em cô hàng xóm vô hình
Rồi mở cửa
Thay bô
Đóng cửa
Rồi mở cửa
Đi cung
Giữa hỏi đáp
Ú tim
Mèo chuột
Vẫn lởn vởn một bóng dáng vô hình.
Rồi về phòng
Mở cửa
Đóng cửa.
Rồi mở cửa
Cơm
Đóng cửa
Mời nhau bằng lanh canh bát đũa
Ta cùng ăn qua vách bữa cơm tù
Sau tiếng nước rửa bát phút im lặng thiêng liêng trước giờ em tắm.
Rồi róc rách dè dặt em kỳ cọ cố nhẹ nhàng như xấu hổ anh hết nóng bừng lại lạnh toát trong ngừng thở
Em phơi áo vù con chim bay lên
Rồi mở cửa
Tự khai
Sa mạc giấy
Lạc đà chữ
Chỉ vẩn vơ một bóng dáng vô hình.
Rồi về phòng
Mở cửa
Đóng cửa
Rồi mở cửa
Cơm
Đóng cửa
Mời nhau bằng lanh canh bát đũa
Ta lại cùng ăn qua vách bữa cơm tù
Rồi nôn nao chờ bóng tối
Giờ của thông linh giờ của chúng mình.
Anh gõ trước nhé cạch cạch cạch em cạch cạch cạch anh cạch cạch/ cạch cạch cạch em cạch cạch/ cạch cạch cạch rồi anh xoa xạt xạt em xạt xạt anh xạt xạt xạt em xạt xạt xạt những tín hiệu không lời ríu rít dồn dập xoắn xuýt cuống quít.
Bức tường bốc cháy
Đêm bốc cháy
Những mảnh đêm rơi
Lả tả
Rã rời
Tiếng khóc nửa đêm
Là nhận dạng của em
Cô em mới đến
Em ở đâu vào?
Em từ dãy nào qua?
Em tội gì?
Em ở đây đã bao lâu?
Không có tiếng trả lời
Lát sau em hát
Bài hát tiếng Tàu
Tiếng Tàu ta đã quên từ lâu
Có cô quản giáo
Chuyện trò với em
Bảo hạt đậu của em đã mọc thành giá
Dặn em chải chấy
Mỗi ngày
Lát sau em bắt đầu
Hỏi gióng lên trời những câu vớ vẩn
Rồi tự trả lời
Rồi em lại nghêu ngao
Bài hát tiếng Tàu
Nhà ta xa xôi lắm
Nhà em còn xa hơn
Đường về hai đứa cùng mù mịt
Thôi thì cùng hát lên
Tiếng Tàu ta quên
Nhưng bài hát Tàu ta nhớ
Hát đến mệt nhoài thì đi ngủ
Nửa đêm chợt tỉnh
Nghe tiếng khóc tỉ tê
Ta ngồi như chết
Tường cao bốn bề
Chạy
Chạy một mình
Trong bóng tối
Chạy co đầu gối
Chạy vã cô đơn
Chạy quên sợ hãi
Mồ hôi mặn
Rít qua kẽ răng.
Chạy một mình
Ảo tưởng sống
Nghe tiếng chân mình
Âm âm xi măng.
Chạy một mình
Run đầu gối
Chạy từ đói
Đến hết muối.
Chạy một mình
Lê không nổi
Chạy đỉnh núi
Toạc bàn chân
Chạy trong bùn
Chân bị trói
Chạy một mình
Trong bóng tối
Bỏ quên tôi
Cả thế giới.
Trái đất ngủ
Một mình tôi
Chạy tại chỗ
Thình thình thình
Tim tôi gõ
Ai nghe ai nghe
Ai vào cắn cổ
Ai đá lăn chiêng
Mắt nhắm nghiền
Tôi cứ co
Đầu gối
GIẢI MỘNG
Cầu vồng
1.
Sững sờ lặng ngắt
Anh nắm chặt tay em.
Không anh không chui qua đâu
Sợ bước chân đi
Cấm kỳ trở lại
2.
Cầu vồng chắn cơn mưa
Cầu vồng chắn cơn mơ
Cầu vồng mở
Vùng trời mù mờ
3.
Cầu vồng mống cụt
Anh trèo chơi vơi
Đến lưng chừng trời
Thì ngã
4.
“Muốn giữ đầu lên cầu mà đứng
Đi đến gần thì bưng lấy đầu”[3]
E đến khi mình chết
Chưa giải được lời mơ
Hỏi toà nhà đá
Nuốt bao nhiêu tiếng khóc tiếng rên la
Sao mày lặng câm thế?
Hút bao nhiêu hơi thở hổn hển
Sao mày lạnh lẽo thế?
Giam hãm biết bao nhiêu cuộc đời
Sao mày cứng rắn thế?
Ủ bao nhiêu hy vọng
Sao mày u tối thế?
Con nhân sư thế kỷ hai mươi
Không bao giờ trả lời
Chớp mắt
Nghe tác phẩm
Một vuông tường một thế giới
Một giấc ngủ một đời người
Đêm vượt đèo
Nhắm mắt cho đầy bóng tối
Tiếng xe gằn giọng vượt đèo
Tiếng mõ kinh mùi nhang khói
Chiếc quan tài đi cheo leo.
Trời ơi sương mù mất lối
Chẳng biết hồn lạc về đâu
Chỉ còn ánh đèn vòi vọi
Đêm đêm em thắp nguyện cầu
Những ác mộng của em
Con đường này em đã đi
Bên vực thẳm bên tường cao chất ngất
Mỏm núi này em đã đứng
Bó tay nhìn ngựa trắng cùng đường
Em đã bay kiệt sức
Không kịp lấy bùa cứu anh
Sợ quá những giấc mơ cứ thành sự thật
Đêm không dám ngủ mắt như đèn
Bất hạnh cần gì biết trước
Hay Trời cho đau khổ dần quen?
Bao giờ thì em hết ác mộng?
Bao giờ ác mộng sẽ tan theo bóng đêm?
Bao giờ ác mộng chỉ là ác mộng
Của anh và của em?
Người về
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày
Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt
Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình
một cái vỗ vai
Mùi mưa hay bài thơ của M.
Tất cả nước mắt loài người bao vây nhà ta
Nằm bên anh em kể câu chuyện buồn
Chôn sâu trong lòng giờ mới nói ra
Gợi ý của trận mưa chưa từng thấy
Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm
Điên cuồng nhớ mùi anh như con bò cái nhớ mùi phân rác
Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm
Em còn yêu anh không yêu đến đâu giận ghét đến đâu
Mười lăm năm lòng mình chưa hiểu hết
Mưa mưa ngập tầng trệt
Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa sập mái tôn
Ước nằm nghe mưa rồi chết
Đêm 25/6/1992
Lời ngỏ
Thấm thoắt đã hai mươi năm kể từ cái ngày [4] tôi ngơ ngác xách gói “nội vụ” [5] khấp khởi bước ra khỏi cổng trại Thanh Cẩm [6] mà lòng còn chưa tin hẳn đó là sự thật. Cho đến khi, theo lời dặn của người quản giáo tốt bụng, rẽ vào nhà anh để ăn bữa cơm tự do đầu tiên sau hơn 39 tháng cơm tù [7] . Và được anh chỉ lối ra bến xe khách về ga Thanh Hoá. (Tôi xin ghi ơn anh cũng như một vài quản giáo ở Thanh Cẩm, biết tôi bị tù vô lý, đã đối xử một cách có tình người, xin lỗi là tôi không nhớ chính xác tên của những người ấy để nêu lên ở đây).
Đêm đợi tàu ở ga Thanh Hoá để về đoàn tụ với đại gia đình ở Hà Nội, giữa đám trẻ bụi đời mà tôi tự nhiên sáp vào theo một lựa chọn bản năng cho sự an toàn của mình, sự lựa chọn không thể giải thích bằng lý trí, có lẽ là đêm đầu tiên tôi không ác mộng. Có thể nói hơn một nghìn đêm sống trong các chỗ giam cầm khác nhau, từ trại tạm giam Hoả Lò, đến Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia ở ngoại thành Hà Nội, sau cùng là trại cải tạo Thanh Cẩm ở miền núi Thanh Hoá, hầu như không đêm nào tôi không gặp ít hay nhiều ác mộng, những ác mộng ngắn hoặc dài, là những mảnh vụn hay cả một câu chuyện. Phần lớn những ác mộng ấy, nếu không là lạc vào những cảnh giới hãi hùng thì cũng bao gồm cảnh mình bị rượt đuổi, bị bắt, hay bị giam cầm, hoặc vượt ngục mà không thoát... Có điều tôi có thể khẳng định là tôi chưa bao giờ mơ thấy mình bị đánh đập hay bị tra tấn!
Đêm tự do đầu tiên hình như tôi ngủ rất sâu, và tỉnh dậy không nhớ là mình có mơ thấy gì trong lúc ngủ hay không. Nhưng rồi về sau, cứ lâu lâu, tôi lại có những ác mộng, mà phần lớn cũng lại vẫn là những cảnh như thế. Tình trạng cứ kéo dài cho đến tận bây giờ. Tôi hằng mong chúng đừng trở lại, đừng làm tôi thảng thốt tỉnh dậy giữa đêm, đừng ám ảnh những ngày tôi đang mong muốn tĩnh tâm để hoà nhập lại với xã hội và tự tu chỉnh con người mình. Nhưng vô ích. Chúng cứ trở lại, lúc thưa lúc mau, không bao giờ báo trước. Trong lúc tôi ở tù, vợ tôi có lần đi xem bói, một cô bói rất trẻ và xinh ở gầm cầu Trương Minh Giảng (Sài Gòn). Không cần khai cô ấy cũng biết là “chồng của chị đang bị tù. Rồi sẽ được ra, nhưng nếu ông ấy không biết tu thì rất có thể sẽ vào tù lần nữa”. Khi tôi về thì cô ấy đã đi đâu không tìm lại được nữa, nhiều khả năng cô đã vượt biên, và đã hoặc bỏ xác trên biển cả hoặc thành một Việt kiều ở đâu đó.
Vợ tôi rất lo cho tôi, luôn khuyên tôi phải tu. Tu có nghĩa là phải kiềm chế dục vọng, phải kiềm chế “cái Tôi”, và phải nhẫn nhịn, đừng chấp trước, đừng oán hờn. Than ôi thằng làm văn nghệ thường rất khó tu, nhất là tu hai cái đầu tiên, nhưng cái sau cùng thì tôi tự xét mình phần nào tu được. Chứng cớ là tôi chẳng bao giờ oán hận những người đã tham gia việc bắt bớ giam cầm mình, làm cho vợ con mình khổ cực suốt mấy năm trời mà những di chứng đến bây giờ chưa hết. Vì thực tâm tôi hiểu họ cũng chỉ là công cụ của một bộ máy, một bộ máy nhiều khi tàn bạo nhân danh cái tốt đẹp.
Cố gắng “tu” theo lời vợ khuyên, liệu tôi có thoát khỏi tù đầy lần nữa hay không chưa biết, nhưng những cơn ác mộng thì vẫn không buông tha cho tôi.
Đọc sách phân tâm học, tôi được thuyết phục rằng muốn chữa bệnh tâm lý thì phải tự gợi lại những chấn thương từ thuở xa xưa mình đã gặp phải. Nhớ lại được rõ ràng thì sẽ có cơ may khỏi bệnh. Kinh nghiệm thông thường cũng cho rằng những nỗi thương đau một khi kể ra được thì sẽ vơi đi. Vậy thì, muốn tự giải thoát khỏi những cơn ác mộng, một lần cho xong, tôi thấy mình phải kêu lên một tiếng, kêu thật to, cho tỉnh hẳn.
Đó là lý do năm 2002, vào dịp kỷ niệm 60 năm chào đời, 40 năm chào thi đàn, cũng là dịp 20 năm đời mình có một bước ngoặt lớn là sa chân vào ngục tù, tôi quyết định đưa 30 bài thơ họp thành phần Ác mộng vào trong Tuyển Thơ 40 năm của mình.
Đây là những bài thơ tôi làm trong và sau khi ra tù. Có những bài “vụt hiện” trong óc, tôi cố nhớ và sau khi ra tù thì ghi lại, chỉ sửa đôi từ hoặc không sửa; có những bài hình thành một phần trong tù, hoặc một đoạn, hoặc cái tứ, hoặc một câu chủ, sau này tôi dựa vào đấy mà hoàn thành; có những bài, trong những lúc bị ám ảnh kéo dài của ác mộng, tôi lại như sống trở lại cảnh sống trong tù trước đây, và bài thơ hiện ra.
Mặc dù thân tình, cả hai vị giám đốc xuất bản mà tôi đưa bản thảo tập thơ (NXB Hội Nhà văn và NXB Hải Phòng) đều bảo: “Hay nhưng không in được”. Lý do chính là vì 30 “ác mộng" kia. Ngay sau khi về hưu, nhà thơ Ngô Văn Phú, nguyên giám đốc NXB Hội Nhà văn, đã vì đọc bản thảo thơ tù của tôi mà cảm hứng viết cả một chân dung tôi, trong đó ông công khai trích dẫn và bình luận những bài thơ ông đã không dám cho in.
Nhân đây, tôi xin có lời ca ngợi và cảm ơn nhà thơ Quang Huy, nguyên giám đốc NXB Văn hoá Thông tin, là người đầu tiên dũng cảm cho in vài bài thơ tù của tôi trong tập Người đi tìm mặt vào năm 1994. Việc này khiến ông gặp khá nhiều rắc rối, nhưng ông đã khéo léo vượt qua, cũng như đã vượt qua những rắc rối khác vì sự táo bạo của mình trong lúc duyệt in sách. Cũng việc này lại dẫn tới cái may là tôi có lý do chính đáng để xin từ bỏ chức trách quyền rơm vạ đá là Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ báo Lao Động.
Bài rắc rối nhất trong mấy bài thơ tù ấy, bài “Người về” (cùng với bài “Mùi mưa hay bài thơ của M.”) sau này đã được tuyển vào những tuyển thơ quan trọng như Thơ Việt Nam 1975–2000 của NXB Hội Nhà văn (2000, 2001), Thơ Việt Nam thế kỷ XX của NXB Giáo dục (2004), và cùng với nhiều bài khác trong Ác mộng đã được dịch và in ở không ít tạp chí văn chương Pháp, Mỹ (Europe, Seatle Review, Poetry International, Gravity, New American Writing, Parthenon West, Hayden's Ferry Review).
Về việc tuyển chọn hai bài thơ nói trên vào các tuyển tập Thơ Việt Nam, tôi phải cảm ơn trước hết nhà thơ Vân Long, biên tập viên NXB Hội Nhà văn và nhà thơ Quang Huy là những người nhiệt tình ủng hộ nó nhất, cùng những nhà thơ khác là thành viên các ban tuyển chọn [8]
Tháng 9. 2005, tôi lại gửi Ác mộng như một tập thơ độc lập cho NXB Hội Nhà văn và đề nghị trả lời trong một tháng. Câu trả lời cuối cùng vẫn là: "Chưa in được, phải đợi".
Đợi đến lúc nào nữa đây? Không thể chờ đợi lâu hơn, hôm nay tôi quyết định công bố ba mươi bài thơ ghi lại những ác mộng ấy. Để tống tiễn chúng như tống tiễn các vong hồn, để quên chúng đi mãi mãi, cho chúng đừng đè nặng hai vai mình trên con đường tương lai.
Hà Nội, Thu 2005
Hoàng Hưng
© 2006 talawas
[1]Tiếng lóng thông dụng trong các nhà tù miền Bắc Việt Nam, chỉ nhà vệ sinh
[2]Điểm danh mỗi buổi sáng, một thủ tục của nhà tù
[3]Đây là nguyên văn hai câu mà tôi được nghe một người mặc áo lam bạc màu của sư nữ đọc như khuyên bảo trong một giấc mơ ở xà lim Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia; sau khi ra tù tôi sửng sốt khi được biết nơi mình bị giam nguyên là ngôi chùa của làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Liệu đây có phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không? (Tôi từng có dăm bảy giấc mơ trong đó thấy mình ở trong chùa hoặc đi chơi với các nhà sư nam, nữ; có khi mơ thấy được một sư ông dạy nhảy nhót vọt lên rất cao, lên được cả sà thiền đường, nhưng vẫn không ra được khỏi chùa; lại có khi mơ thấy mình được Phật Bà cho một chiếc chiếu, tôi cưỡi chiếu bay qua bức tường nhà tù ra ngoài, bay đi khá xa, rồi lại… quay vào.)
[4]Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là ngày 29 tháng 10 năm 1985
[5]Danh từ của nhà tù miền Bắc Việt Nam, chỉ toàn bộ quần áo và đồ dùng tùy thân của người tù
[6]Thuộc huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá. Vào trại này ít lâu tôi được biết nhà báo – nhà thơ Tuân Nguyễn cũng từng bị cải tạo ở đây vào những năm 1960 sau vụ án “Xét lại”.
[7]Tôi bị bắt đưa về Hoả Lò vào chiều ngày 17 tháng 8 năm 1982 vì tội “tuyên truyền văn hoá phẩm phản động” (tức bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm), và sau đó bị thêm tội tàng trữ “những bài thơ phản động gấp trăm lần” (tức những ghi chép bằng thơ trong nhật ký của chính tôi)
[8]Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, chủ biên tuyển Thơ Việt Nam Thế kỷ XX khi trả lời phỏng vấn của đài BBC đã tự hào dẫn chứng bài này để chứng minh cho tinh thần rộng mở của tuyển thơ. Bài này cũng được nhà thơ Nguyễn Cảnh Tuấn tuyển vào sách 100 bài thơ hay thế kỷ XX (NXB Hội Nhà Văn 2005)
Cùng một tác giả
Hoàng Hưng sinh ngày 24.11.1942 tại thị xã Hưng Yên. 1960-1961 tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ quân đội (dạy học cho sĩ quan trình độ cấp 1). Tốt nghiệp Khoa văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1965. Dạy văn cấp 3 tại Hải Phòng 1965-1973. Tình nguyện vào Nam phục vụ trong "mặt trận văn nghệ", nhưng ngành giáo dục giữ lại vì là giáo viên giỏi lớp cuối cấp. Phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (Bộ Giáo dục) 1973-1982. Bị bắt giam và tập trung cải tạo từ 17.8.1982 – 29.10.1985 vì tội "lưu truyền văn hoá phẩm phản động" (bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm và sáng tác, tàng trữ những trang nhật ký bằng văn vần để trong nhà). Sau khi ra tù sống bằng việc dịch sách báo. Từ năm 1987 tiếp tục làm ở nhiều báo khác nhau, cuối cùng là báo Lao động 1990-2003, sau đó về hưu. Hiện sống tại Hà Nội và TPHCM. Có con gái là Hoàng Ly làm mỹ thuật và thơ.
Tác phẩm: Đất nắng (in chung với Trang Nghị, Văn học, Hà Nội 1970), Ngựa biển (Trẻ, TPHCM 1988), Người đi tìm mặt (Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1994), Hành trình (Hội Nhà văn, Hà Nội 2005) và nhiều bài viết, bài nói chuyện, tiểu luận, nghiên cứu, trên báo, tạp chí, đài phát thanh trong và ngoài nước. Một số bài thơ đã được dịch và in tại Pháp, Mĩ, Canada, Đức, Hungary, Hà Lan.
Dịch thuật 100 bài thơ tình thế giới (cùng dịch và chủ biên), Vũng Tàu-Côn Đảo, 1988,Thơ Federico Garcia Lorca, Lâm Đồng 1988, Thơ Pasternak (cùng dịch với Nguyễn Đức Dương), TPHCM, 1988, Thơ Apollinaire, Hội Nhà văn, Hà Nội 1997, Các nhà thơ Pháp cuối TK XX, Hội Nhà văn, Hà Nội 2002, 15 nhà thơ Mỹ TK XX (cùng dịch, tổ chức bản thảo), Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004), Mowgli Người-sói (The Jungle Book, Rudyard Kipling), Trẻ, TPHCM 1988, 1989, 1999. Người đàn bà lạ lùng (De guerre lasse, Francoise Sagan, cùng dịch với Nguyễn Lâm), Văn học, Hà Nội 1990. Đồ vật (Les choses, Georges Perec) Hội Nhà văn, Hà Nội 1999, Từ điển Bách khoa Oxford cho thiếu niên (chủ biên), Kim Đồng, Hà Nội, sắp ra mắt, v.v.
Hoạt động văn học quốc tế 1999 đọc thơ (tác giả vắng mặt vì không được phép xuất ngoại) tại Nhà Văn hoá Thế giới Berlin; 2000 lưu trú dịch thuật tại Paris 3 tháng do Bộ Văn hoá Pháp tài trợ, trao đổi về dịch thơ Apollinaire tại lớp Việt Nam học, Đại học Paris 7; 2002 tổ chức dịch 4 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Europe (Paris), và 12 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Action Poetique (Paris); 2002 đề cử các nhà thơ Việt Nam tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế Val-de-Marne, Pháp, lần VII; 2003 nói chuyện về "Hiện đại hoá thơ Việt Nam" tại Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Washington, Seatle, Hoa Kỳ. Đọc thơ tại Chicago (chương trình "Đọc thơ mùa Xuân" của Columbia College Chicago); 2005: Đọc thơ tại Khoa Viết văn và Trung tâm Thơ, Đại học Quốc gia San Francisco. Trao đổi về tập thơ Ác mộng tại Lớp Nghiên cứu Văn học Việt Nam, Đại học Berkeley. Đọc thơ tại „Vietnam Kongress 2005“, nhà hát Volksbühne, Berlin; 13.01.2006: Đọc thơ tại Viện Goethe Hà Nội.