talawas chủ nhật

 
Văn xuôi :: 08.01.2006
Đỗ Phước Tiến Dòng sông đòi nợ
Do Phuoc Tien
Nhà văn Đỗ Phước Tiến

Với truyện ngắn „Đảo của dân ngụ cư“ (1992), Đỗ Phước Tiến vừa xuất hiện đã lập tức được coi là một giọng văn độc đáo nổi bật. 13 năm qua, anh hầu như không tham gia văn đàn và chỉ công bố rất ít tác phẩm: „Một trích đoạn cũ“ (truyện ngắn, báo Tuổi Trẻ, 1996) [1] , „Xanh như hồn phách“ (truyện ngắn, báo Thanh Niên, 2005), „Đồng khô nước ròng“ (truyện ngắn, báo Tuổi Trẻ, 2005), „Giấc mơ đồng bằng“ (truyện ngắn, báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, 2005)... Chúng tôi xin giới thiệu „Dòng sông đòi nợ“, một truyện ngắn chưa công bố của Đỗ Phước Tiến, và nhân dịp này lần đầu tiên đưa lên mạng truyện ngắn nổi tiếng „Đảo của dân ngụ cư“. talawas

Đỗ Phước Tiến

Dòng sông đòi nợ

 

Rạng sáng ngày thứ năm, ông già được đưa qua chùa. Một buổi sáng mùa thu chậm rãi và tàn tạ. Chỉ có những cơn gió ủ đã lâu mùi giun dế thổi qua mắt những người lo liệu việc hoả táng đã không ngủ suốt đêm hôm trước. Con đường dẫn đến chùa, tuy không xa nhưng hẹp và phủ đầy đất bùn, những ngọn đuốc của họ mù mịt khói lưu huỳnh, làm đỏ rực lá cờ phạn. Đêm qua, sau khi chất xong củi cho hầm thiêu xác, họ trở về nhà cũng bằng con đường này, con đường có hai hàng trâm bầu bạc trắng dưới ánh trăng.

Thằng nhỏ đi giữa dòng người dài dàng dặc, sau lưng cha nó và những nhạc công đánh đàn ngũ âm. Khắp người nó nổi gai vì căng thẳng, vì tiếng kinh cầu siêu và tiếng va đập của cái nồi đất trên ngọn cờ phạn. Đứa con gái đi cạnh nó có một đôi mắt nâu đỏ của màu giun đất, tròn căng, sưng phồng trong ánh lửa.

Đêm hôm trước là một đêm khủng khiếp nhất trong đời thằng nhỏ. Khoảng nửa đêm, nó giật mình chồm dậy. Nắp áo quan mở tung và ông nội nó đang giận dữ trèo ra. Những cuộn vải quấn ngang ngực, bụng và chân ông rơi lả tả. Ngồi co ro trên bục cửa, thằng nhỏ chờ nghe tiếng ông gọi, nhưng nó hoài công. Chỉ có tiếng gõ đục chậm rãi vang lên ở đâu đó rất xa, và khoảng sáng ở sau lưng ông nó ngời lên sắc tím như màu chiều cô quạnh trên bãi sông. Ông già đứng lơ lửng trên áo quan trang trí hoa văn, sau ngọn đèn cầy đã tắt từ lúc nào. Bụng ông già phanh ra, khoang bụng trống hoác. Thằng nhỏ nhìn thấy ở đó, như một cái hang thăm thẳm, lờ mờ một căn chòi xiêu vẹo bên cạnh đỉnh một ngọn tháp vút lên kiêu hãnh. Ông già cất tiếng cười. Trong tay ông phấp phới lá cờ phạn màu trắng hình cá sấu. Tiếng cười chát chúa của ông dội lên mái hồi ám khói khiến thằng nhỏ rụng rời chân tay. Chợt ông già rít lên the thé rồi phóng lá cờ đến trước mặt thằng nhỏ. Đất trước mặt nó nẩy lên bần bật rồi nứt ra. Từ những kẽ nứt, chuột lúc nhúc chui lên, hồn nhiên kêu chí choé. Thằng nhỏ thét lên: “Ông ơi! Đừng ông ơi!”.

Khi cha nó đánh thức, thằng nhỏ gần như phát điên. Người cha lo lắng kẹp cứng đôi vai gầy gò của nó trong hai cánh tay hộ pháp. Mùi rượu tỏi từ người ông khiến thằng nhỏ hồi tỉnh, và nó khóc ngất. Nghe thằng nhỏ kể lại giấc mơ, mặt cha nó sạm đi. Ông nhìn lên bệ thờ, và mắt ông cũng nhoà lệ. Ngọn đèn cầy đã cháy từ năm ngày trước, ngọn đèn biểu tượng lòng nhân đức của người chết, đã tắt ngấm.

Ngày thứ tư của tang lễ, khi những bình rượu tỏi đã cạn đi quá nửa, có năm người đàn ông rời đám tang xuống ghe. Năm người, trong đó có thằng nhỏ, bởi nó cũng đã là đàn ông. Vụ thu hoạch vừa rồi, thằng nhỏ đã ăn nằm nhiều đêm liền với đứa con gái có đôi mắt màu giun đất trong chòi giữ lúa.

Năm người, nâu bóng và lực lưỡng, thay nhau chống ghe qua con lạch tù đọng. Họ ra sông lớn. Trên bãi sông có một căn chòi. Chủ căn chòi đi vắng, ông ta đang chuyển mía qua đập nước. Năm người cắm sào trước căn chòi. Khi đi họ chỉ mang theo ít thuốc sợi và một vài loại nông cụ. Trong lúc chờ đợi, họ nằm ngồi lăn lóc, liên tục cuốn thuốc. Mấy ngày qua, lễ tang đã vắt kiệt sức họ. Vào những ngày đầu để chuẩn bị hoả táng, họ đã phải bôn ba khắp những cánh đồng nước mặn phương nam. Không gặp may, họ chỉ chở về với một ít đước non. Mùa thu năm trước, do thời tiết người chết hàng loạt và rừng đước khô phương nam chưa kịp hồi phục sau những trận tàn phá dữ dội của người sống.

Năm người chờ từ sáng đến giữa trưa, nhẫn nhục như những cây bình bát khô trong nắng. Thằng nhỏ cuốn thuốc nhiều nhất, cổ họng nó rát bỏng. Thằng nhỏ đã nghe cha nó kể rằng chủ căn chòi là một người đàn ông mắt nâu phương bắc. Vì một số sai lầm nào đó trong chiến tranh, ông ta sa vào ngục. Khi được tự do, ông ta trở thành kẻ tay trắng. Ông nội thằng nhỏ đã giúp đỡ. Chuyện xảy ra đã lâu, lúc thằng nhỏ chưa trở thành đàn ông. Người đàn ông bất hạnh vẫn chưa trả được nợ cũ, dù bao nhiêu năm đã trôi qua và ông nội nó không còn nữa.

Đến chiều thì thuốc hết. Năm người lần lượt đứng lên. Họ nhìn nhau, bâng khuâng trong chiều tím cô quạnh. Rồi cha thằng nhỏ cầm lấy một cây cuốc. Bắt đầu với mái lá, họ dùng dao bầu gỡ xuống. Giàn kèo mỏng mạnh biết bao. Nhưng đến cột chống thì họ phải dùng cuốc đào nền nhà lên, nhân đó tóm được một ổ chuột đồn trú dưới chái bếp. Năm người làm rất nhanh, không gây tiếng động. Sau khi chuyển những thứ tháo gỡ được xuống ghe, họ cắm lại giữa miếng đất bị đào xới tứ tung một cây cọc tre, đầu cọc cuộn một lá cờ trắng hình cá sấu. Năm người ra về thong thả, cắt trên con lạch những đường nước ngoằn nghoèo.

Mờ sáng, dòng người đã vào hết trong chùa. Hầm thiêu đặt trên bến sông, củi xếp thành đống vuông vắn. Dòng người di chuyển qua lối đi lát đá. Vị sư cả đang đợi họ, một vị sư khác đứng cạnh, với cà sa trong tay.

Tự tay người điều khiển lễ tang lật vải che mặt thi hài. Sinh thời, người quá cố là một ông già kiêu hãnh và giàu lòng hào hiệp. Ông già thường ngồi quấn thuốc lá trên bậc cửa vào mỗi buổi chiều từ đồng xa trở về. Ngồi rất lâu, mắt nhìn thẳng, râu cằm nhẵn nhụi. Ông già đã đi hết cuộc đời trên một con đường duy nhất. Bắt đầu từ cánh đồng, buổi chiều trên bậc cửa, không một sợi râu và tia mắt chưa bao giờ cụp xuống. Trong áo quan bây giờ là một súc thịt màu gỗ lim, chóp mũi trương phồng gần chạm nhân trung. Đã năm ngày đêm liền, cùng với những bài kinh cầu siêu, lòng kiêu hãnh nông dân của ông già đã bình yên trôi qua đỉnh tháp nhọn của chính điện, nơi chưa bao giờ những cơn gió mùa thu chạm tới được.

Khi bắt đầu công việc tẩm liệm, người ta đã mổ bụng thi hài để lấy đi toàn bộ nội tạng. Việc cắt nhượng chân phải dừng lại nửa chừng vì tất cả đều đuối sức, và những vị sư đến cầu kinh đã chờ quá lâu. Bây giờ, sau khi thay vải liệm mới, cha thằng nhỏ không cho phép tiếp tục công việc. Giấc mơ đêm hôm trước của nó đã làm ông hoảng sợ.

Vị sư cả đến khi bài kinh cuối cùng vừa dứt. Ngài đứng dưới tán một cây cọ non, chậm rãi nhìn quanh và hơi mỉm cười. Đám con cháu trang phục bằng vải thô, lặng lẽ và bẩn thỉu như những nhánh bồ đường. Họ đứng dày đặc trên bến sông, mệt mỏi chờ đợi.

Ngày thứ ba con cháu người quá cố đã trở về đông đủ. Những người ở xa nhất, trên thượng nguồn sông Mékong, thuộc nhánh mẫu hệ thứ hai, đến cùng những lễ vật tống biệt trên chiếc ghe lườn sơn phết vằn vện. Những người khác đi theo đường bộ, cùng đi có những nhạc công đánh đàn ngũ âm và đàn bầu. Họ mang đến rất ít nước mắt. Cùng với hoa trái, dầu hoả, vải vóc là những bao ngũ cốc, thuốc phiện và trà minh quyết. Họ ngồi suốt đêm trên sân gạch, trước thềm nhà, giữa hai hàng cột vạm vỡ. Họ thay nhau chuyển hàng trăm xe nước qua đồng khô mênh mông. Họ chỉ có một thứ nước giếng đùng đục pha với rượu thốt nốt. Đêm thu trong trẻo, họ ngồi bên nhau, lòng thanh thản mỗi khi tiếng kinh cầu theo gió bay lên, lơ lửng trên những ngọn trúc non, trên đỉnh ngọn tháp mờ sương với những cành lá cọ. Họ uống một chút cho vơi bớt nỗi sầu muộn, một chút cho lần hội ngộ hiếm có và một chút cho người quá cố. Người già uống những ly rượu nhỏ ngâm tỏi. Còn trai tráng thì uống mãi, uống mãi. Sáng hôm sau, những vị sư tụng quay về chùa với nỗi bẽ bàng, không ai tiễn cả. Họ phải bước qua những cái xác mềm nhũn đang thở phì phò.

Vị sư cả liếc qua hầm thiêu, rồi ngài nhìn ra sông. Xa xa, một cánh chim đang trôi chầm chậm giữa màn sương muối. Mắt vị sư cả loé lên những lằn chớp kỳ dị, và ngài lại mỉm cười.

Nhận ngọn đuốc từ tay người chủ lễ, thằng nhỏ lẳng lặng leo lên bậc đá trước hầm thiêu. Mùa thu này qua đi, nó đã tròn mười lăm tuổi. Sau khi gom hết những bó lúa cuối cùng trên sân đập, nó đã chia tay đứa con gái bằng một câu chuyện buồn. Từ ngày biết đứa con gái có thể làm được những điều kỳ diệu hơn một hình nộm giữ lúa, nó trở nên đa cảm và hay nổi giận đột ngột. Từ ngày nó biết mình được chọn làm kẻ phải xuống tóc trước ngọn lửa hoả táng để đền ơn người quá cố, thằng nhỏ già đi rất nhanh. Lát nữa đây, nó sẽ ra sông lớn, nó sẽ dẫn đứa con gái đi thật xa, lên vùng thượng nguồn. Thằng nhỏ đã nghe những người bà con của nó trên chiếc ghe sơn phết vằn vện kể về những con đường trơ trụi cát và đá qua các bình nguyên, quanh năm chỉ có gió thơm mùi cỏ minh quyết, mùi rượu tỏi, phụ nữ và mùi những ngôi chùa bị thiêu đốt dưới nắng. Đó là con đường xứng đáng với một người đàn ông, thằng nhỏ nghĩ vậy. Ở đây, trên chính quê hương mình, những đứa trẻ như nó không có tuổi hoa niên. Con đường đất ngập bùn là con đường duy nhất chúng sẽ đi cho đến hết cuộc đời. Con đường vĩnh viễn không có lối rẽ.

Ngọn đuốc đi một vòng ngắn giữa không trung trước khi rơi vào hầm thiêu. Cha thằng nhỏ mặt nhợt nhạt. Thằng nhỏ tin rằng cha nó biết vì sao ngọn đèn cầy đêm hôm trước lại tắt. Ông nội thằng nhỏ đã nhất quyết phải lấy lại món nợ mà ông không cần nữa, chỉ vì đó là món nợ. Thằng nhỏ không hiểu việc đó sẽ tốt cho người chết hay người sống, riêng nó thì không cần. Và rồi nó tin rằng cha nó cũng sẽ biết vì sao nó lại trốn đi.

Lửa bắt đầu liếm quanh đáy hầm thiêu. Thằng nhỏ quỳ sụp xuống thềm đá. Nó nhìn đăm đăm vào ngọn lửa. Lớp củi dưới đáy hầm đang nổ lách tách. Những cây trâm bầu và so đũa khô bén lửa rất nhanh, nấm gỗ quăn rút lại. Người sống đã chu tất ý nguyện người quá cố. Toàn bộ căn chòi trên bãi sông được xếp gọn dưới đáy hầm thiêu, giàn kèo mỏng manh đang bắt lửa.

Bốn vị sư làm phép tưới nước đã xong phần việc của họ. Một vị ở lại với thằng nhỏ. Ông nâng đầu nó lên và bắt đầu gọt tóc.

Vị sư cả ngửa mặt nhìn lên đỉnh ngọn tháp. Ở đó một khoảng bình minh nhợt nhạt vừa đi qua, chóp nhọn mạ vàng lung linh sắc nắng. Đáy mắt mở rộng, và lần thứ ba ngài mỉm cười.

Lửa hực lên rất nhanh, hơi nóng toả ra kéo theo những cuộn khói đen. Lửa tràn trên miệng hầm thiêu, những cây đước non phun nhựa đỏ lấm tấm trên vải liệm. Lúc đứng lên nhận cà sa, thằng nhỏ nghe mùi thuốc phiện đang cháy. Nó căng mắt nhìn mong thấy ông nó một lần cuối. Giữa bãi lửa, thằng nhỏ bắt gặp những mảnh vụn vải liệm đã sạm màu, và tiếng mỡ đang sôi. Thằng nhỏ đưa tay che mắt. Nó cảm thấy tuyệt vọng ghê gớm. Nó hình dung cảnh ông nó đang chới với trong bãi lửa với khoang bụng trống hoác. Thằng nhỏ thét lên một tiếng thảm thiết, và nó vùng chạy.

Những người khều lửa không chịu nổi sức nóng dạt ra. Vị sư cả vẫn đứng yên, cái đầu nhân từ của ngài đỏ rực, hằn lên nền trời màu xanh nhợt nhạt.

Thằng nhỏ chạy như điên xuống bến sông. Đứa con gái đã đi từ lúc nãy, sau khi đặt ngay ngắn mâm hiến vật dưới chân người chủ lễ. Nó đang chờ bên kia cánh đồng như đã ước hẹn. Không có ai đuổi theo thằng nhỏ. Nó cứ chạy mãi, chạy mãi. Đất trời nghiêng ngả, chân nó sục trong bùn, cà sa xổ tung. Bãi sông vắng lặng. Những bụi ô rô và dừa nước nhuộm đỏ sắc phèn.

Ngày trước, trong những buổi sáng mùa thu xanh mát, thằng nhỏ vẫn thường ra bến sông này với đứa con gái. Chúng ngồi ngoan ngoãn trên bờ chắn lát đá, nhìn những người kéo tôm len lỏi qua bãi lục bình. Trái tim trẻ thơ của chúng phập phồng những giấc mơ êm đềm. Chúng mơ đến những chiếc áo đỏ, áo choàng tím và dây nịt bạc như vẫn thường nhìn thấy trong những đêm diễn kịch múa. Chúng thấy sân khấu rất đẹp, ở đó một đứa trẻ ban ngày đi mót lúa cũng có thể đi giày vải xanh vào lúc hoàng hôn và trở thành con của hoàng tử sắp kế vị ngai vàng.

Chưa ra đến mép nước, thằng nhỏ đã kiệt sức. Lọt xuống một ổ trâu nằm, nửa người nó bị bùn nuốt chửng. Đang ngọ nguậy tìm lối thoát, thằng nhỏ bỗng thấy người nó nhẹ hẫng. Một cái gì đó cứng như gọng thép đột ngột xiết ngang cổ nó. Chưa kịp định thần, đôi chân khẳng khiu của nó đã trượt ngang qua ổ bùn, cả người nó bị hất bổng lên cao bằng một sức mạnh khủng khiếp. Thằng nhỏ thét lên khiếp đảm. Phần phật trước mắt nó là ngọn cờ trắng xoá hình cá sấu. Rơi trở lại, thằng nhỏ muốn ngất lịm đi vì đau. Qua lớp bùn, nó nhìn thấy một đôi chân khổng lồ đang găm chặt giữa lòng một chiếc xuồng lá, sau đó là cái bụng gân guốc, vòm ngực giữa manh áo bạc. Thằng nhỏ vuốt mặt. Lần này bùn ngập đến ngực. Một đôi mắt cháy rực giữa đám râu tóc bù xù đang đăm đăm nhìn nó. Người đàn ông đứng trên chiếc xuồng lá vương vãi xác mía. Trong tay ông ta lá cờ tang cuộn quanh một cây cọc tre dập nát. Máu trong người thằng nhỏ sôi lên, nó cố vùng vẫy, vặn vẹo giữa vũng bùn cho đến kiệt sức. Nó thét đến khản cổ mong có ai đó trên bến sông nghe thấy. Nó đã rất sợ hãi khi nghĩ đến giây phút phải gặp người đàn ông này. Từ hôm qua, cùng với cơn ác mộng, cái nền nhà tan hoang trên bãi sông đeo đẳng trong đầu nó, thống khổ bức bách.

Để cho thằng nhỏ gào thét, người đàn ông vẫn bất động. Chờ đến lúc thằng nhỏ gục xuống người đàn ông mới ung dung cất tiếng cười. Giọng cười của ông ta vang rền, ngạo mạn và lạc lõng. Ông ta phóng vụt ngọn cờ xuống trước mặt thằng nhỏ. Cây cọc tre lút sâu xuống bùn giống như một cơn điên giận đã được nén lại. Thằng nhỏ tưởng đâu lồng ngực nó vỡ tung, nước mắt nó trào ra tuôn ròng ròng xuống cổ. Người đàn ông quay phắt đi. Bằng một tay ông ta đẩy chiếc xuồng lá ra giữa sông, xuyên qua đám lục bình dày đặc, xuyên qua những lưới đăng tả tơi, người đàn ông bỏ đi.

Đúng lúc lá cờ tang cắm xuống trước mặt thằng nhỏ, trên bến sông những người dự lễ hoả táng cũng dạt ra hoảng loạn. Một vài người thét lên kinh hãi. Những tấm ván áo quan theo những lưỡi lửa bắn tung toé lên miệng hầm thiêu. Người quá cố thình lình bật dậy. Vải liệm đã cháy sạch, những mảnh thịt đeo lửa rơi lả tả. Những người còn đứng lại trên thềm đá đều cuống cuồng quỳ sụp xuống. Cha thằng nhỏ gạt nước mắt bước đến sát hầm thiêu, ông dùng một thanh sắt dài gạt bộ xương đã nám đen trở lại bãi lửa. Việc không cắt nhượng chân đã khiến xảy ra thảm cảnh này.

Cách đó không xa, nơi dòng sông phân những nhánh nhỏ chảy vào cánh đồng, đứa con gái đang tắm. Nó ngâm mình đến ngực, chậm rãi giũ khăn. Thỉnh thoảng nó lại nhìn qua chùa, nơi làn khói đang mỏng dần trên những cành lá cọ. Nó kéo dài những động tác đắp nước lên cái cổ gầy guộc của mình để chờ đợi. Áo dài của đứa con gái vắt trên bãi sông, trên một bụi ô rô gai nhọn.

© 2006 talawas

[1]Truyện ngắn này đã bị một tác giả Lê Văn Tuấn nào đó đổi tên thành „Đổi hồn cho Đắc Kỷ“, đạo và đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật số 10, ngày 13.3.2005 (chú thích của talawas chủ nhật)

Đỗ Phước Tiến sinh ngày 14.10.1965 tại Đà Lạt. Nguyên quán Đà Nẵng (quê ngoại Cần Thơ). Sống chủ yếu từ nhỏ tới lớn ở Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trình độ văn hóa cấp 3. Làm rất nhiều nghề (xếp theo thứ tự thời gian): bán hàng rong, bồi bàn, làm ruộng, lái đò, chế biến nước đường trong hãng kem, buôn bán ve chai, phụ bếp trong quán nhậu, kéo xe bò, thợ nề, thợ gò hàn, làm thịt gà vịt cho nhà hàng, thợ chụp ảnh và 10 năm nay là phóng viên của báo Đà Nẵng (báo của Đảng bộ ĐCSVN thành phố Đà Nẵng). Mới tự thôi việc cách đây 4 tháng, hiện chưa có nghề mới. Hiện sống ở Đà Nẵng với vợ, cũng làm nghề viết báo, con gái 12 tuổi và con trai 5 tuổi.

Tác phẩm Chưa xuất bản tập truyện riêng. Từ 1992 mới công bố 6 truyện ngắn trên báo, tạp chí và một số tuyển tập. Truyện ngắn „Đảo của dân ngụ cư“ đã được dịch sang tiếng Pháp („Terre des éphémères“, bản dịch của Phan Huy Đường) trong tuyển tập cùng tên Terre des éphémères, Philippe Picquier, Paris 1994 và tiếng Anh („The Way Station“, bản dịch của Phan Huy Đường và Nina McPherson) trong tuyển tập Night, Again, edited by Linh Dinh, 7 Stories Press, New York 1996 và chuyển thể sang kịch bản điện ảnh (của Nguyễn Quang Lập, chưa dựng phim).

gui bai Gửi bài này cho bạn bè    in baiIn bài